Ứng dụng nhắn tin miễn phí và các bài toán khó tại VN
Nếu Smart Phone của bạn có cài phần mềm Line, Viber thì sẽ gọi điện thoại vừa thấy mặt mà không mất tiền từ đó các nhà Mạng than trời không thu được tiền. Muốn xài các phần mềm này thì phải có 3 G do các nhà Mạng cung cấp. Họ tính tăng giá 3 G.
Line, Viber, Whatsapp, Kakao Talk... đang
có một cuộc đua đầy tốn kém để thu hút người dùng trong khi về lâu
dài vẫn phải nghĩ cách kiếm tiền từ việc cung cấp dịch vụ miễn phí và
xoa dịu mâu thuẫn với các nhà mạng trong nước.
Các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí hay còn gọi là dịch vụ OTT đang bùng nổ tại Việt Nam. |
Whatsapp (2009) và Viber (2010) là hai trong số những phần mềm ra đời
sớm nhất và phổ biến nhất cho phép nhắn tin, gọi điện miễn phí giữa các
smartphone với nhau thông qua kết nối Wi-Fi hoặc 3G. Người dùng Việt Nam
đã nhanh chóng đón nhận xu hướng ngay khi những ứng dụng này mới ra đời
cách đây hơn 2 năm. Không như các dịch vụ chat Yahoo Messenger hay
Skype đòi hỏi phải đăng ký tài khoản, sử dụng nickname và add (thêm) bạn
bè một cách thủ công, các ứng dụng nhắn tin miễn phí, hay còn gọi là
dịch vụ OTT (Over-the-top), chỉ yêu cầu người dùng nhập số điện thoại
và mã xác thực, sau đó hệ thống tự động quét danh bạ để tìm những bạn
bè đã cài phần mềm.
Nhưng đến năm 2012, trào lưu sử dụng dịch vụ OTT mới thực sự bùng nổ
khi các nhà cung cấp ứng dụng Line Messenger, Kakao Talk, Wechat chính
thực đổ bộ vào Việt Nam với các chương trình quảng bá rầm rộ. Tuy nhiên,
họ đang gặp không ít những khó khăn và các bài toán cần phải giải.
Bài toán thứ nhất: Chiếm lĩnh vị trí số một
Là phóng viên và thường xuyên vắng mặt ở tòa soạn, chị Hoài đã tìm ra
một cách đơn giản và không tốn kém để trao đổi bài vở. Hàng sáng, chị và
các đồng nghiệp nhắn tin cho nhau qua Whatsapp để chia sẻ thông tin và
cùng góp ý cho nhau cách triển khai từng bài viết. Họ có thể thoải mái trả lời nhau như đang trò chuyện qua chat mà không phải cân nhắc, tiết kiệm từng tin nhắn như với SMS.
Còn Hoàng, du học sinh tại Pháp, lại chọn Viber để gọi điện về nhà. Nhờ
ứng dụng này, cậu có thể liên lạc với bố mẹ qua điện thoại di động bất
cứ khi nào có việc mà không phải nhắn tin nhắc bố mẹ đăng nhập để chat
qua Skype như trước nữa.
Trong khi đó, Nhung, sinh viên năm thứ hai tại Đại học Thương mại (Hà
Nội), lại mê mẩn các sticker (một cách gọi khác của các biểu tượng vui
tương tự emoticon) trong Line Messenger. Cô yêu khuôn mặt đầy biểu cảm
của gấu Brown, thỏ Cony, chim Birzzle... và cho rằng những hình ngộ
nghĩnh này là công cụ đắc lực trong việc bày tỏ cảm xúc. Đến cả anh
người yêu "khô như ngói" của Nhung cũng bắt đầu chịu khó gửi sticker cho
cô hơn dù anh này chưa bao giờ sử dụng các mặt cười khi chat trên Yahoo
Messenger.
Những sticker đáng yêu trong Line. |
Mỗi ứng dụng có thế mạnh riêng, mỗi người dùng lại có cách đánh
giá riêng. Có người cài 3-4 chương trình cùng lúc, có người chỉ chọn một
phần mềm họ thích nhất. Vì vậy, các nhà phát triển đang phải nỗ lực đầu
tư và quảng cáo để mọi người nhớ đến sản phẩm của họ.
Line, Kakao, Zalo... đang tích cực triển khai các chiến dịch quảng bá
từ nhà ra ngõ, từ mạng xã hội đến truyền hình, từ trong thang máy tới xe
bus với mục tiêu trở thành dịch vụ OTT đầu tiên đạt 2 triệu người dùng.
Tuy nhiên, đối thủ đáng gờm nhất của họ lại chưa chính thức có mặt ở
Việt Nam. Đó là Viber và Whatsapp. Đầu tháng 3, Viber tuyên bố đã có 3,5 triệu người dùng Việt Nam còn Whatsapp chưa công bố số liệu. Đây là con số rất ấn tượng vì Viber chưa đẩy mạnh quảng bá cho dịch vụ của họ tại bất kỳ nước nào. Do đó, để vượt được Viber, các ứng dụng đã chính thức được tung ra trong nước sẽ còn phải cố gắng nhiều.
Bài toán thứ hai: Doanh thu từ dịch vụ miễn phí
"Hàng
triệu người dùng và không kiếm được một xu" là tiêu đề bài viết của CEO
Licensario từ năm ngoái về Viber. Viber rất thành công khi đã có 175
triệu người sử dụng và là
một trong những dịch vụ được yêu thích nhất. Đổi lại, công ty này tiêu
tốn tới 200.000 USD mỗi tháng để có thể duy trì dịch vụ trên khắp toàn
cầu. Talmon Marco, Giám đốc điều hành Viber Media, tuyên bố họ không bao
giờ thu phí tải ứng dụng, phí nhắn tin, gọi điện và cũng không chấp
nhận quảng cáo vì màn hình smartphone vốn đã quá nhỏ nên mọi người sẽ không muốn không gian nhỏ bé đó lại bị che lấp bởi các banner. Để kiếm tiền, Viber cho hay trong năm 2013, họ sẽ triển khai một số dịch vụ thu phí khác nhưng hiện vẫn chưa tiết lộ cụ thể.
Trong khi đó, Line đạt được doanh thu lớn từ việc bán các vật phẩm đi
kèm như sticker, vật dụng trong game...qua cổng thanh toán của Google
Play, App Store. Theo thống kê của App Annie, tháng 2/2013, Line là ứng
dụng đứng đầu về doanh thu trên App Store trong hạng mục tiện ích.
"Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng mục tiêu của Line lúc này không
phải là tăng doanh thu. Chúng tôi không nghĩ quá nhiều tới lợi nhuận mà
thay vào đó là nỗ lực cải tiến để làm hài lòng người dùng. Với tiềm lực
mạnh mẽ từ NHN, lúc này chúng tôi muốn mang đến một sự khác biệt có giá
trị cho cộng đồng hơn là thu tiền từ họ", đại diện của Line tại Việt Nam
nhấn mạnh.
Nói cách khác, Line, Kakao, Zalo... đang muốn tập trung thâu tóm người
dùng hơn là nghĩ đến chuyện sinh lời. Nhưng như Viber tốn tới
200.000 USD mỗi tháng, các nhà cung cấp sớm muộn cũng phải tính tới điều
này. "Với quá nhiều dịch vụ cạnh tranh, giải pháp thu phí là điều khó
xảy ra. Các nhà cung cấp sẽ phải tìm cách khác để kiếm lời. Dù có thu
hút được bao nhiêu người sử dụng, thất bại trong việc giải bài toán
doanh thu sẽ dẫn đến sự ra đi của nhiều dịch vụ, trừ khi dịch vụ đó được
hậu thuẫn bởi những công ty có tiềm lực mạnh, hoặc được các mạnh thường
quân mua lại", Josh Martin của công ty phân tích thị trường Strategy
Analytics nhận xét.
Bài toán thứ ba: Giải quyết mâu thuẫn lợi ích với các nhà mạng
Câu chuyện về các phần mềm gọi điện miễn phí qua mạng Internet và 3G
bắt đầu nóng lên khi tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2013 của Bộ
Thông tin và Truyền thông ngày 24/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng
Giám đốc Tập đoàn Viettel, đã phát biểu rằng dịch vụ OTT như Viber,
Whatsapp đang là nguy cơ với các doanh nghiệp viễn thông nói riêng và
ngành CNTT, truyền thông, truyền hình nói chung. Các dịch vụ viễn thông cơ bản như thoại, SMS, truyền hình chiếm tới 80% doanh thu của nhà mạng và đương nhiên, "nồi cơm"
này sẽ bị ảnh hưởng nếu dịch vụ miễn phí sinh sôi nảy nở. Ông Hùng đề
nghị Bộ nên có chính sách quản lý dịch vụ OTT trên cơ sở không kìm hãm
nhưng phải đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành viễn thông.
Còn trong Hội thảo dịch vụ OTT (Over The Top) trên hạ tầng băng rộng
ngày 28/3 tại Hà Nội, đại diện của MobiFone cho hay: "Chỉ tính riêng
SMS, các nhà mạng trên thế giới năm 2012 đã thất thu khoảng 13,9 tỷ USD,
chiếm khoảng 9% doanh thu, vì các dịch vụ OTT. Việt Nam là môi trường
rất tốt cho các dịch vụ OTT phát triển. Năm ngoái, tốc độ tăng
trưởng smartphone tại Việt Nam đứng thứ hai thế giới, trong khi cước 3G
của Việt Nam cũng thuộc dạng thấp nhất trong khu vực. Như thống kê mỗi
ngày có tới 280.000 cuộc gọi, 8,7 triệu tin nhắn qua Viber thì nhà mạng
đã thất thu trên dưới nghìn tỷ đồng mỗi năm trong khi lượng tiền thu về
từ cước dữ liệu không đáng kể".
Ngày 3/4, tại Hội nghị giao ban Quản lý nhà nước quý I/2013 của Bộ TT&TT, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, nêu quan điểm: "Có những doanh nghiệp di động đề xuất nhà nước nên cấm dịch vụ gọi điện không mất tiền, nhưng đa số ý kiến cho rằng đây cũng là một dạng dịch vụ tiên tiến nên không nên cấm. Một trong những giải pháp được kiến nghị là cần có
chính sách định hướng nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp
di động và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT trên cơ sở người sử
dụng vẫn tiếp cận được dịch vụ nhưng cũng không làm ảnh hưởng lớn đến toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp di động. Thời gian tới, Cục Viễn thông sẽ cùng các chuyên gia tổ chức hội thảo về vấn đề này để tìm ra chính sách quản lý phù hợp".
Trước thông tin trên, Line cho hay họ rất vui mừng khi biết các mạng di động tại Việt Nam không có những nhận định tiêu cực về dịch vụ OTT. "Line đã xuất hiện tại 230 quốc gia. Tại những nước này, chúng tôi không
hề gặp bất cứ khó khăn nào từ phía các nhà mạng và tôi nghĩ Việt Nam
cũng là đất nước có môi trường đầu tư ổn định, nên đã chuẩn bị nhiều kế
hoạch để có thể hợp tác các bên", đại diện của Line chia sẻ.
Các chuyên gia viễn thông nhận định, giải pháp hợp lý tại thời điểm này là doanh nghiệp viễn thông và các cung cấp dịch vụ OTT có thể bắt tay nhau để đưa ra gói cước mới và ăn chia theo tỷ lệ để vừa đảm bảo lợi ích của đôi bên vừa không làm ảnh hưởng quá nhiều đến quyền lợi của người sử dụng.
No comments:
Post a Comment