Tuesday, March 5, 2013

XE CÁN CHÓ 6.3.2013

Nhan sắc thật của mỹ nhân Việt với mặt mộc

Sự tưởng tượng bao giờ cũng đem đến cho ta những giấc mơ đẹp.

Sau khi lột lớp son phấn bề ngoài, nhiều người đẹp khiến fan bất ngờ bởi khuôn mặt nhợt nhạt và thiếu sức sống. 

Khuôn mặt Văn Mai Hương khi chưa trang điểm có vẻ bơ phờ và không tươi tắn.
 
Nhan sắc Hoàng Thùy Linh thay đổi nhiều sau khi tẩy trang.
 
Khuôn mặt mộc của Hồ Ngọc Hà tái nhợt và thiếu sức sống.
 
Diễm My xinh xắn và quyến rũ hơn hẳn sau khi trang điểm, đặc biệt là đôi mắt.
 
Bảo Anh xinh đẹp, đáng yêu hơn sau make-up.
 
Phạm Quỳnh Anh rạng ngời, tươi tắn hơn trong bức ảnh được trang điểm kỹ.
 
Khuôn mặt của Tuyết Lan khác nhau "một trời một vực" lúc trước và sau make-up.
 
Thùy Dung quyến rũ, sắc sảo hơn khi trang điểm.
 
Khuôn mặt hoa hậu Thu Thảo hút ánh nhìn và đẹp rạng ngời hơn hẳn sau khi có son phấn.
 
Làn da Quỳnh Hoa mịn màng và căng tràn sức sống sau khi make-up.
 
Phương Linh đẹp mặn mà, đằm thắm hơn sau khi trang điểm.
 
Phan Hà Phương sau khi trang điểm xinh xắn, quyến rũ hơn.
 
Khuôn mặt mộc của Ngọc Quyên khiến người nhìn "giật mình".
 
Ngọc Hân quyến rũ hơn sau khi "tô vẽ".
 
Cindy Thái Tài sau khi trang điểm xinh đẹp và cuốn hút hơn.

Anh em Charlie Nguyễn - Johnny Trí Nguyễn hợp sức tung chiêu

Trên phim trường "Bụi đời Chợ Lớn", trong khi ông anh chăm chút cho từng khung hình thì cậu em hết mình thị phạm từng cảnh hành động cho các diễn viên.


Sau 6 năm, anh em Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn mới lại kết hợp với nhau trong phim Bụi đời Chợ Lớn.
Có thể nói, sự kết hợp của hai anh em Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn đã mở ra một thời kỳ mới cho dòng phim hành động Việt qua thành công của Dòng máu anh hùng.
Trong khi khán giả chờ đợi tác phẩm của bộ đôi anh em này thì họ lại đang theo những dự án riêng và phải đến 6 năm sau, hai người mới kết hợp lại với nhau cùng thực hiện Bụi đời Chợ Lớn - sản phẩm của Galaxy Studio, Chánh Phương Film và Early Risers Media Group.

Là anh em ruột, làm việc với nhau từ nhỏ nên Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn rất "ăn rơ" vì hiểu ý, hiểu cả tính tình. Trong khi người anh cho rằng khi làm việc với em trai sẽ "đỡ phải nói nhiều, đỡ phải tranh luận hay cãi nhau" thì cậu em cho rằng nhờ tin tưởng nhau tuyệt đối nên… đỡ nhức đầu.
Trong lúc Charlie Nguyễn chăm chút về nội dung, hình ảnh, diễn xuất của diễn viên...
Trên phim trường, sự kết hợp ăn ý của Charlie Nguyễn và Johnny Trí Nguyễn được thể hiện rất rõ. Trong thời gian quay gần hai tháng, Charlie Nguyễn chăm chút cho từng khung hình, khắc họa tâm lý nhân vật, còn Johnny Trí Nguyễn hết mình thị phạm từng cảnh hành động cho các diễn viên. Với kịch bản phim hành động như Bụi đời Chợ Lớn thì sự phối hợp giữa đạo diễn phim và đạo diễn hành động là một trong những điều rất quan trọng để làm nên thành công.
...Thì Johnny Trí Nguyễn vừa đảm nhận vai chính vừa chỉ đạo võ thuật.
Hiện tại, bộ phim đang đi vào những giai đoạn hậu kỳ. Charlie NguyễnJohnny Trí Nguyễn lại tiếp tục song hành cùng nhau trong suốt quá trình dựng để cho ra một tác phẩm hoàn hảo nhất. Sự kết hợp ăn ý và tâm huyết hứa hẹn sẽ là bước tiến dài của "cặp đôi hành động" của màn ảnh Việt này sau 6 năm kể từ thành công vang dội của Dòng máu anh hùng. Phim sẽ được công chiếu trên toàn quốc kể từ ngày 19/4.
 

Vùng đất của những người yêu nhau nhuộm răng cho nhau

Người dân tộc Mường vẫn lưu giữ cho mình tục nhuộm răng đen. Những thiếu nữ ngay từ khi 10 tuổi đã nhuộm răng và nhai trầu.

Nét đẹp cổ xưa còn sót lại
Nhuộm răng là truyền thống đẹp của người Việt cổ, nhưng đến nay, chuẩn mực cái đẹp đã thay đổi nên còn ít người giữ được tục nhuộm răng. Đất Hòa Bình là cái nôi của người Việt cổ, vì thế, người Mường cũng có tục nhuộm răng đen độc đáo và khác lạ so với người Kinh, người Thái. Nét đẹp văn hóa này đến nay vẫn được lưu giữ ở rất nhiều vùng, nhiều thôn, bản trên đất Hòa Bình.
Để đi tìm nét đẹp cổ xưa còn sót lại ấy, chúng tôi đặt chân đến bản Xóm Mới (Đồng Chum, Đà Bắc, Hòa Bình) là nơi sinh sống của người dân tộc Mường, vào một ngày trời đông lạnh giá. Gió rét miền núi cộng thêm sương giăng kéo nền nhiệt độ xuống chỉ còn khoảng 10 độ C và ban đêm còn thấp hơn nữa.
Những "nụ cười đen" còn sót lại.
Chẳng khó khăn để bắt gặp những phụ nữ nhuộm răng đen ở nơi đây vì hầu hết ai cũng nhuộm, từ những cô gái thiếu nữ tuổi đôi mươi cho đến những phụ nữ đã già móm mém, hàm răng không còn đủ. Đâu cũng thấy xuất hiện những “nụ cười đen” rạng rỡ.
Tủm tỉm cười khi được hỏi về cách nhuộm răng, người đàn bà sở hữu bộ răng đen đã 50 năm có tên Sa Thị Hẫm bảo rằng, quy trình nhuộm răng của người Mường cũng có nhiều nét tương đồng với người Kinh nhưng chất liệu để nhuộm răng khác hẳn. Người Kinh dùng bột nhựa cánh kiến, nước cốt chanh, phèn đen, nhựa của gáo dừa, còn người Mường chỉ dùng quả mè và quả sống - vốn là hai loại quả phổ biến trên rừng, được trồng cả trong vườn.
Để nhuộm răng được đen và đều, người Mường dùng quả sống (một loại quả rừng lá xanh to bằng bàn tay, quả to như quả xổ và có vị chua) thái ra phơi khô, nấu lên ngậm nước để làm sạch, tê và mềm răng. Nước ngậm của quả sống có vị chua nên phải ngậm liên tục, hết vị chua lại nhổ đi, ngậm tiếp nước mới, cứ ngậm như vậy từ 4 - 5 tiếng để cho lớp men ngoài răng mềm, ngấm màu đen của thuốc nhuộm dễ hơn.
Tục nhuộm răng đen của người Mường vốn nổi tiếng trong lịch sử người Việt cổ
Cầu kỳ như vậy nhưng có lẽ khó khăn nhất trong quá trình nhuộm răng phải kể đến thời gian dán quả mè lên răng. Qủa mè được dùng để nhuộm răng phải là mè non để có độ chát và “dính răng”. Mè non được đồ lên, đổ ra tách lấy vỏ ngoài và giã nhỏ, phần mè vừa giã được đem lên dán vào các dụng cụ lao động bằng sắt đã được rửa sạch như cuốc, xẻng, dao với mục đích tạo phản ứng, độ đen cho thuốc nhuộm.
Các mảng mè sau khi dán lên cuốc xẻng đã khô lại được mang ngâm nước cho mềm rồi gói vào lá chuối tiêu, mỗi lá bằng ngón tay và được đem nướng lên. Theo lời kể của các mế, mè phải được gói vào lá chuối tiêu, vì lá chuối tiêu có vị khé, chát, hợp với mè. Quy trình “chế biến” mè không chỉ dừng lại ở đó mà sau khi được bọc lá chuối nướng xong, mè được bỏ ra giã lại một lần nữa rồi mới chính thức dính lên răng.
Yêu nhau ngồi nhuộm răng cho nhau
Những người phụ nữ ở đây còn kể cho chúng tôi nghe rằng, ngày xưa ai cũng nhuộm răng, tuổi bắt đầu nhuộm răng là từ thiếu nữ tầm 16-18, thậm chí có cô gái còn nhuộm răng từ năm lên 10 tuổi.
Cứ xâm xẩm tối là cả trai gái, cả già trẻ, từng tốp một 5, 6 người quây quần bên bếp lửa cùng nhau nhuộm răng, nhiều đôi yêu nhau còn nhuộm răng cho nhau. Nhuộm răng xưa như một nét đẹp, chuẩn mực, răng càng đen càng đẹp, đen nhánh, đều màu càng khéo, nhuộm răng vất vả lắm nhưng ai cũng háo hức.
Một cô gái người Kinh thích thú tạo dáng bên một người dân tộc nhuộm răng đen
Nhuộm răng không chỉ vất vả lúc ngậm quả sống khi phải “thưởng thức” đủ vị chua, vị chát và tê buốt, khó chịu nhức nhối mà khó khăn nhất vẫn là khi ngậm mè. Theo kinh nghiệm, người Mường khi nhuộm răng chỉ ngậm mè vào buổi tối khi trời thật tối hẳn và ngậm 5-6 miếng mè vừa bằng ngón tay, thức suốt đêm khuya đến tận sáng mai khi hửng trời và bắt đầu một ngày lao động mới thì mọi người bỏ mè ra.
Quy trình dán mè như vậy được tiến hành trong 3 đêm liên tục để răng nhuộm được đen và bền màu. Các mế kể rằng để cho răng đẹp phải thường xuyên ăn trầu để giữ màu, nếu muốn răng đen nhánh, dùng nhựa ở thân cây sim phơi khô bôi vào răng.
Chẳng có nhiều nơi trên đất nước Việt Nam còn lưu lại nét đẹp này một cách rõ rệt
Nhuộm răng không chỉ là một truyền thống văn hóa mà còn giúp cho răng chắc, khỏe và thể hiện cái duyên của người Mường, đặc biệt là phụ nữ Mường. Phụ nữ Mường xưa mặc trang phục dân tộc, đầu quấn khăn trắng và ánh cười đen khỏe mạnh được coi như chuẩn mực của cái đẹp, của sự khỏe mạnh, đảm đang và khéo léo.
Nét đẹp văn hóa là vậy nhưng nhiều người già ở Đồng Chum cũng lo ngại về sự phôi pha của tục nhuộm răng vì những lứa con gái Mường ở bản tiếp xúc với xã hội bên ngoài nên đã không còn thiết tha với màu răng đen mà chỉ muốn có hàm răng trắng như những cô gái người Kinh mà thôi…

Chuyện cảm động của 'Bồ Tát dưới chân đèo Ngang'

Một đêm, sau khi cứu thành công nạn nhân, Thời trở về nhà khi đồng hồ đã điểm qua ngày mới, mở cửa ra anh thấy bánh sinh nhật của con vẫn còn nguyên, mấy mẹ con gục ngủ trên ghế. Anh ứa nước mắt...

Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng
Trong chuyến công tác cuối năm đi qua đèo Ngang, ngồi ở quán nước nghỉ chân chúng tôi được nghe vị chủ quán này kể về anh, một con người được dân sống ở hai bên đèo Ngang gọi với cái tên rất trìu mến: “Thời cứu nạn”. Tò mò, tôi hỏi đường tìm đến nhà, theo chỉ dẫn, chúng tôi chui qua khỏi hầm, phía bên kia dốc, một ngôi nhà nhỏ hiện lên. Đó là tư dinh của anh Phạm Xuân Thời, người mà chúng tôi muốn đề cập đến trong bài viết.
Khi biết ý định cuộc viếng thăm của chúng tôi, anh Thời nở nụ cười hiền nói: “Việc tôi làm cũng bình thường chứ có chi mà viết hả chú? Đặt vào trường hợp đó tôi nghĩ ai cũng làm vậy thôi, cứu người trong lúc hoạn nạn là bổn phận của mỗi con người mà ông cha ta đã dạy mà”.
Phạm Xuân Thời (SN 1977), sinh ra trong một gia đình nghèo ở thôn Minh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Từ mấy đời nay, gia đình anh sinh sống ngay dưới chân dốc đèo Ngang. Cuộc sống khó khăn nên Thời không được ăn học đến nơi đến chốn.
 
 Chân dung "kẻ gàn" cứu người gặp nạn trên đèo Ngang Phạm Xuân Thời.
Tuổi thơ của Thời gắn với con trâu, đèo Ngang, với những con dốc, khúc cua tử thần. Cơ duyên với việc cứu người gặp nạn đến với Thời từ khi còn tóc để chỏm. Nhiều lần, Thời cùng đám bạn lên đỉnh đèo chăn trâu, kiếm củi chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn kinh hoàng. Mỗi lần thấy như vậy là cậu bé Thời lại không hoảng sợ mà xắn tay vào cõng người bị nạn chạy băng băng hàng cây số đến trạm y tế xã Quảng Đông để sơ cứu.
Có những lần, Thời giúp người ta, máu thẫm vào áo quần ướt sũng, lúc chạy về nhà để thay thì bố mẹ bắt gặp. Thấy con mình máu đầm đìa, ai cũng phát khiếp, hoảng sợ và dặn em không được làm những chuyện đó nữa, kẻo vạ lây vào thân.
Nhưng rồi, khi thấy tai nạn, nạn nhân nằm vật vã đau đớn dưới vũng máu, lý trí bắt anh phải hành động cứu giúp họ, thế là riết dần rồi quen, việc cứu người gặp nạn như là bổn phận phải làm của Thời dưới chân đèo Ngang này.
Anh Thời nhớ lại một lần mình cứu người trên đèo: “Năm đó tôi 17 tuổi, vào giờ giữa trưa khi tôi đang đi trên rừng về thì chứng kiến một thanh niên đi xe máy tự gây tai nạn nằm bất tỉnh dưới mương thoát nước, máu chảy đầm đìa.
Không chần chừ, tôi vội vàng sơ cứu vết thương và cõng nạn nhân chạy thẳng đến trạm y tế. Cũng may mà sau đó nạn nhân được cứu sống. Sau này tôi mới biết anh ta là sinh viên quê ở Nghệ An, trên đường đi về nghỉ hè thì gặp nạn.
Đèo Ngang - nơi từng xảy ra nhiều vụ tai nạn kinh hoàng.
Tình yêu bắt đầu từ việc cứu người
Thật tình cờ, trong một lần hăng hái xông vào cứu người gặp nạn, anh Thời đã tìm được bạn đời của mình, đó là cô thôn nữ xinh đẹp Hà Thị Lan nhà ở bên kia đèo thuộc xã Kỳ Phương, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh.
Chị Lan thời đó đang là sinh viên của một trường đại học ở Huế. Khi đang trên đường đi xe đò về quê, đến đỉnh đèo Ngang thì xe phải dừng lại vì phía trước xảy ra môt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Vốn cũng có tính hay xúc động khi thấy người gặp nạn, Lan xuống xe chạy tới hiện trường tai nạn. Mọi người tập trung xung quanh rất đông, thế nhưng tuyệt nhiên không có ai lao vào cứu nạn nhân đang nằm sõng soài dưới vũng máu cả. Bỗng nhiên từ đâu một nam thanh niên rẽ người nhảy vào sơ cứu cho nạn nhân, Lan cũng xúm giúp nam thanh niên kia một tay.
Lần đó cũng may có bàn tay cứu nạn của Lan và Thời nên nạn nhân được cứu sống. Cảm phục tấm lòng thương người như thể thương thân của Thời, cô sinh viên xinh đẹp Hà Thị Lan đã đem lòng thầm yêu trộm nhớ chàng trai quê chân chất này.
Cũng từ đó, hai người thường xuyên thư từ, qua lại với nhau. Năm 1998, đám cưới đôi bạn trẻ được tổ chức dưới sự chứng kiến của hai họ, bạn bè, làng xóm. Đó cũng làm một đám cưới đặc biệt vì có nhiều người lạ ghé thăm, họ là những ân nhân của chú rể, nghe tin, có người về dự, người bận thì gửi thư chúc mừng.
 
 Anh Thời tâm sự: Cứu người là trách nhiệm và nghĩa vụ mỗi con người khi thấy người gặp nạn.
Dựng nhà dưới chân đèo để tiện cứu người
Cưới xong một thời gian, hai người xin gia đình ra ở riêng, họ vứt bỏ tất cả, dựng một căn nhà nhỏ, một quán cà phê được mở ra ngay sát dưới chân đèo Ngang. Ngày ngày vợ chồng họ chí thú làm ăn nuôi 3 đứa con đang tuổi cắp sách đến trường. Đồng thời, họ vẫn âm thầm làm việc thiện, cứu người lúc hoạn nạn, khó khăn.
Hơn 10 năm qua, vợ chồng Phạm Xuân Thời đã giúp đỡ hàng trăm người không may bị tai nạn trên đèo Ngang. Trước đây khi hầm đường bộ đèo Ngang chưa có, tai nạn xảy ra thường xuyên, có những hôm giữa khuya trời đông buốt giá, đôi vợ chồng trẻ này vẫn miệt mài đi cứu người không may gặp nạn.
Anh Thời cho biết, có tuần anh đã tự tay vuốt mắt lần cuối cho 4 trường hợp chết vì tai nạn trên đèo. Năm 2004, hầm đèo Ngang được đưa vào sử dụng, số phương tiện đi qua đèo có giảm, nên số vụ tai nạn cũng đỡ hơn.
Tuy nhiên, xe tải không được lưu thông qua hầm nên tai nạn trên đỉnh đèo vẫn xảy ra. Có những trường hợp xe từ ngoài vào và từ trong ra, khi vừa chui ra khỏi hầm đã bất ngờ đâm sầm lấy nhau, làm xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm.
Trong số những vụ cứu nạn mà anh đã trực tiếp tham gia, cho đến bây giờ anh vẫn còn nhớ mãi diễn biến chi tiết của một vụ việc xảy ra cách đây chưa lâu.
"Đó là vào một đêm mùa đông rét như cắt da cắt thịt, trời lại mưa lây rây, vợ chồng tôi chuẩn bị nằm ngủ thì bỗng nhiên có người đập cửa sầm sầm hốt hoảng kêu có vụ lật xe thương tâm trên đèo, tài xế đang trong cơn nguy kịch. Tôi và vợ vội vàng chui ra khỏi chăn lấy đèn pin theo người đó chạy lên đèo, quên cả mang áo mưa.
Đến nơi tôi thấy một người nằm sấp dưới vũng máu loang lổ khắp nơi, bên cạnh là chiếc xe máy đã bẹp rúm. Khi tôi quay lại định nói người báo tin giúp mình một tay thì chẳng thấy anh ta đâu nữa, sau đó tôi mới biết hóa ra chính anh ta là người gây ra tai nạn. Có lẽ vì quá hoảng sợ nên khi tìm được người cứu giúp nạn nhân, anh ta đã trốn mất", anh Thời nhớ lại.
Không chần chừ, anh Thời và vợ vội vàng anh lao đến bế thốc ngược người này lên rồi cứ thế nhằm hướng trạm y tế xã mải miết chạy trong đêm mưa rét. Cũng may, nhờ sự kịp thời cứu giúp của vợ chồng anh mà người bị nạn đã được cứu sống. Đó là anh Trần Giang Châu, người ở huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh, hôm đó anh Châu đang trên đường vào cơ quan ở Quảng Bình để kịp cho buổi họp sáng hôm sau.
 
 Căn nhà anh Thời nằm ngay dưới chân đèo Ngang, được xem là trạm cấp cứu dã chiến cho những người gặp nạn
Một lần khác, cũng một đêm mưa, nạn nhân là nhà báo H.N, làm thường trú ở Quảng Bình. Anh N. hôm đó đang trên đường ra Hà Tĩnh thăm người yêu, khi qua đèo thì bị tai nạn. Lúc đó cả nhà anh Thời đang quây quần bên nhau, chuẩn bị tổ chức sinh nhật cho đứa con trai đầu lòng và cũng là kỷ niệm ngày cưới của hai vợ chồng thì bất ngờ nhận được tin báo.
Thoáng chút lưỡng lự, nhưng khi nhìn thấy ánh mắt người vợ trẻ của mình như thúc giục, thế là anh vội váng tức tốc leo ngược lên đèo. Tại hiện trường, anh Thời nhận thấy nạn nhân bị thương rất nặng, mất máu nhiều, nếu không sơ cứu kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng. Không thể một mình xử lý được, anh lại phải chạy trở xuống gọi thêm một người xe ôm lên cùng mình taro các vết thương, cầm máu cho nạn nhân rồi mang đi bệnh viện.
Nhờ tấm lòng nghĩa hiệp của anh Thời mà nhà báo N. đã được cứu sống. Đêm ấy, anh Thời trở về căn nhà của mình khi đồng hồ đã điểm qua ngày mới, mở cửa ra anh thấy bánh sinh nhật vẫn còn nguyên, mấy mẹ con gục ngủ trên ghế. Chứng kiến cảnh đó khiến anh phải ứa nước mắt.
Đó chỉ là những trường hợp tiêu biểu trong vô số nạn nhân được anh cứu sống. Nhưng cũng có những lần anh phải tự tay vuốt mặt cho người bị nạn. Đó là những ca tai nạn mà nạn nhân tử vong ngay lập tức, cũng có trường hợp tử vong chính trên vòng tay của anh. Đó là những khoảnh khắc buồn nhất trong cuộc đời của anh, khi anh phải tận mắt chứng kiến họ trút hơi thở cuối cùng.
Làm việc thiện không mong người trả ơn
Với anh Thời, việc cứu người gặp nạn anh xem như là bổn phận, trách nhiệm của mình phải làm, chưa bao giờ anh nghĩ đến chuyện người gặp nạn phải trả ơn mình. Việc anh làm là hoàn toàn tự nguyện chứ không vì mục đích tư lợi gì khác.
Bà Hòe, chủ quán nước cạnh chân hầm đèo Ngang cho biết: “Cả cái khu vực này không ai không biết chú Thời cả, cứ đâu có tai nạn là chú ấy xuất hiện ở đó. Cũng nhờ chú ấy mà bao nhiêu người được cứu sống. Chúng tôi ở xung quanh đèo này cũng được chú Thời “truyền nghề” cho nên mọi người ở đây ai cũng nhiệt tình cứu giúp người gặp nạn”.
Anh Thời tâm sự, không ít lần anh suýt mang vạ vào thân vì cái nghiệp cứu người này. Nhiều vụ tai nạn họ nghĩ anh đến giả vờ giúp để hôi của, nhưng đó chỉ là những kẻ chưa biết về anh. Anh Thời vẫn còn nhớ như in một lần cứu nạn mà anh bị nghi là “hôi của”.
 
 "Khúc cua tử thần" trên đèo Ngang đã cướp đi nhiều sinh mạng con người
Hôm đó, khi vừa ra khỏi hầm đèo Ngang thì bất ngờ chiếc xe tải nhỏ chở hàng đông lạnh từ miền Bắc chạy vào va quệt với một chiếc xe tải khác theo hướng ngược chiều. Vụ tai nạn xảy ra tầm 3 – 4h sáng nên ngoài tài xế và phụ xe cùng với vợ chồng anh, hầu như không có ai có mặt tại hiện trường.
Mải miết cứu giúp những người bị thương, rồi bảo vệ hiện trường, đến sáng hôm sau khi cơ quan chức năng đến làm việc, tài xế xe chở hàng đông lạnh khai báo mất một bọc tiền bên trong có 300 triệu đồng. Lúc này, mọi con mắt nghi ngờ đều đổ dồn về phía vợ chồng anh.
Cũng may, khi mở rộng khu vực tìm kiếm, người ta phát hiện bọc tiền văng ra khỏi xe và bay đến nằm bên bụi cây, cách chỗ va quệt cả chục mét. Thế là anh lại được giải oan.
Anh Thời cho hay, có rất nhiều lần anh đã bị đưa vào diện “nghi ngờ” như thế, nhưng không vì thế mà anh nản chí hay từ bỏ việc có mặt tại nơi điểm nóng mỗi khi tai nạn xảy ra. Bởi anh tâm niệm, ở hiền sẽ gặp lành, mặc cho ai nói xỏ nói xiên, việc gì mình thấy chính đáng và đúng với lương tâm thì cứ thế mà làm, đó cũng là phương châm hành động của anh.
Vợ chồng anh Phạm Xuân Thời và chị Hà Thị Lan cùng chia sẻ thêm, trong số những người được anh chị cứu giúp, nhiều người đã quay lại cảm ơn, và có những người đã trở nên thân thiết như người nhà, đi qua về lại họ đều ghé qua.
Nhưng cũng có một số người một đi không trở lại. Dẫu vậy, anh chị cũng không lấy làm buồn lòng. Bởi với họ đó xem như là trách nhiệm của con người, cứu người gặp nạn là một lẽ đương nhiên trên cõi đời này.
Đã nhiều năm trôi qua, anh Phạm Xuân Thời vẫn làm cái việc tự nguyện cứu người không công ấy. Anh thực sự là ân nhân của rất nhiều người, mà nếu lúc đó họ không gặp anh thì cũng có thể đã bỏ mạng nơi ấy. 

Người đàn ông 3 vợ 15 con, làm bố từ thuở 13

Ở bản Bún (Tân Xuân, Mộc Châu, Sơn La) chẳng ai là không biết đến Mùa A Tu. Ông nổi tiếng là người đa tình có tới 3 bà vợ và 15 đứa con.

Lấy vợ từ năm 12 tuổi
Một chiều mùa đông lạnh giá, khi lang thang trên những cung đường đang rực rỡ sắc trắng tinh khôi của hoa mận ở Mộc Châu, tôi tình cờ nghe được câu chuyện về người đàn ông có 3 vợ và có tới 15 đứa con. Ấy là ông Mùa A Tu (SN 1958, ở bản Bún, Tân Xuân, Mộc Châu, Sơn La), nhiều người vẫn gọi ông là người đàn ông “đa tình” nhất cái xứ Mộc Châu tươi đẹp.
Từ trung tâm của thị trấn Mộc Châu, vượt qua những con đường ngoằn nghèo, uốn lượn với những con dốc nối nhau dài thăm thẳm, sau hơn 2 tiếng đồng hồ, tôi cũng đến được nơi ở của ông Mùa A Tu. Bản Láy như một góc đã bị thế giới lãng quên, nơi đây vẫn còn nguyên vẹn những nét hoang sơ của núi rừng Tây Bắc.
Những nóc nhà sàn thấp lè tè, chìm khuất dưới những tán cây rậm rạp, thấp thoáng bóng những người dân tộc đang miệt mài địu gò trên lưng lên nương làm rẫy. Một vài đứa trẻ ăn mặc mỏng manh giữa trời giá lạnh đang tụ tập cùng nhau chơi trên phiến đá to nằm chình ình ngay giữa bản. Tôi bước đến trước căn nhà sàn của Mùa A Tu, đã thấy lố nhố một tốp toàn phụ nữ và trẻ em.
Có lẽ vì rất ít khi được gặp khách lạ nên họ tỏ ra hết sức ngỡ ngàng. Hỏi ra mới biết trong số đó có 2 bà vợ và 7 người con của ông Mùa A tu đang ngồi quây quần bên nhau để may vá đồ dùng cho mùa đông. Trong số đó còn có cả bà Hà Thị Sai (80 tuổi) mẹ của Mùa A Tu. Thấy có người tìm, bà Sai dù đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hi” vẫn nhanh nhẹn rảo bước đi gọi con trai đang sang nhà bạn chơi ở cách đó không xa.
Vợ và con của người đàn ông đa tình Mùa A Tu
Trong căn nhà sàn đơn sơ, Mùa A Tu châm lửa ở bếp để xua đi cái giá lạnh của mùa đông. Tủm tỉm cười khi kể về “chiến tích” 3 vợ và 15 đứa con của mình, ông Tu bảo rằng, ông vốn sinh ra ở xã Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La, tới năm 12 tuổi, bố mẹ đã tính đến chuyện cưới xin cho ông và người vợ đầu tiên là bà Thào Thị Chi, ở xã kế bên.
Khi ấy, vợ của Mùa A Tu cũng mới chỉ 15 tuổi. Do còn quá trẻ nên sau khi thành hôn, Mùa A Tu chưa biết làm lụng gì cả, chỉ biết rằng, lấy vợ về thì có người đi làm nương cùng, cho bố mẹ đỡ vất vả. 1 năm sau đó, Mùa A Tu chính thức làm bố khi mới 13 tuổi, vợ sinh hạ một cô con gái đầu lòng, rồi tiếp sau đó, đều đặn mỗi năm, vợ chồng Mùa A Tu lại đón nhận thêm một thành viên mới. Tuy nhiên, sau khi đẻ đến đứa thứ 5 vẫn là con gái, Mùa A Tu bảo vợ không đẻ nữa vì biết vợ khó sinh được con trai.
Lấy 3 vợ đẻ 15 đứa con
Ngặt một điều là theo phong tục của người dân tộc Mông, không có con trai để nối dõi, thờ cúng tổ tiên là một điều hết sức cấm kị, bởi vậy nên không chỉ Mùa A Tu mà ngay cả vợ ông là Thào Thị Chi lúc nào cũng canh cánh nỗi lo về con cái. Tới năm 1984, hai vợ chồng ông cùng 5 con gái chuyển về bản Láy để định cư, tại đây, ông Tu đã có cuộc gặp gỡ với bà Thào Thị Mỗ. Chỉ sau một lần gặp mặt, hai người đã bén duyên và thầm thương trộm nhớ nhau. Hiểu được việc cần thiết có con trai, lại thêm biết được bụng dạ chồng, chẳng để chồng phải mở lời, bà vợ cả Thào Thị Chi đã chủ động đi hỏi vợ hai cho chồng.
Lúc kể đến đây, tôi quay sang trò chuyện với bà Chi, bà cười bảo rằng, người Mông từ bao đời nay nếu không sinh được con trai thì có tội với ông bà, tổ tiên lắm. "Mình không sinh được con trai thì phải đi kéo vợ khác về cho chồng... Việc kéo vợ cũng chả khó khăn gì, cùng là đàn bà sang nói chuyện với nhau, tôi hỏi cô Mỗ có đồng ý về ở cùng tôi và ông Tu không, cô ấy gật đầu, vậy là hôm sau dọn dẹp để chuyển sang nhà, hôm đó nhà tôi làm mâm cơm để đón người mới, mọi việc cũng chỉ đơn giản như vậy thôi”, bà Chi giãi bày.
May mắn, sau khi lấy thêm vợ hai, bà Thào Thị Mỗ đã sinh hạ được cho ông Mùa A Tu đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Mùa A Sênh. Ngày cậu bé Sênh ra đời, ông Tu sung sướng liền giết trâu, làm lễ tế cúng tổ tiền rồi mời họ hàng đến để ăn mừng. Những năm sau đó, bà Thào Thị Mỗ tiếp tục sinh cho ông Tu thêm 4 cô con gái và cũng giống như người vợ cả, ông Tu và vợ hai cũng sinh được 5 người con. Từ lúc đó, ông Tu đã nổi tiếng trong vùng vì nhiều con nhất.
Mùa A Tu lấy vợ từ năm 12 tuổi và làm bố năm 13 tuổi
Vẫn chưa dừng lại ở đó, câu chuyện của người đàn ông đa tình ở Mộc châu tiếp tục được truyền tai nhau khắp bản Láy khi ông Tu lại bén duyên với một người đàn bà từng được mệnh danh là “hoa khôi” của bản Láy là bà Sồng Thị Xồng. Bà Xồng vốn là một phụ nữ có nhan sắc nổi tiếng, nhưng vì “kén cá chọn canh”, cuối cùng quá lứa, lỡ thì đành ở vậy. Trong lần gặp nhau khi đi làm trên nương, thấy vẻ đẹp mặn mà của bà Xồng, ông Mùa A Tu không kìm được lòng, hỏi bà Xồng rằng: “Về ở chung một nhà với tôi cho vui”. Câu nói thật thà mà chứa chan tình cảm của A Tu khiến bà Xồng vui vẻ chấp thuận. Vậy là từ ấy, căn nhà của Mùa A Tu có thêm thành viên mới.
Đặc biệt, chẳng kém cạnh hai vợ lớn, cô vợ út Sồng Thị Xồng cũng đẻ cho Mùa A Tu 5 đứa con (3 trai, 2 gái) khiến gia đình ông có tới 15 người con. Hiện tại ông Tu cũng đã có 7 đứa cháu, con gái lớn của ông năm nay cũng đã ngoài 40 tuổi và cũng sinh sống ngay gần nhà ông A Tu.
Nhiều vợ nhưng mái nhà êm ấm
Tâm sự về “bí kíp” lấy lòng phụ nữ, ông Mùa A Tu vui vẻ bảo, chả có gì khó khăn đâu, quan trọng là ở cách nói của mình thôi, cứ nói chuyện chân thành, vui vẻ là các cô ấy thích chứ dù có nhiều trâu, nhiều tiền trong nhà cũng chưa chắc đã lấy lòng các cô được đâu.
Đặc biệt về cách để giữ cho gia đình êm ấm khi có tới 3 người vợ và 15 đứa con, ông Tu chia sẻ: “Mình cứ sống sao cho công bằng, không bênh ai, chê ai cả, người nào có lỗi thì cũng chỉ nhẹ nhàng chỉ bảo. Chuyện tình cảm cũng vậy, cứ san sẻ đều ra là các bà ấy đều vui để cảm thấy không ai bị hắt hủi. Từng ấy năm sống trong nhà, chưa bao giờ có tiếng cãi vã cả, bởi vậy mà chính quyền xã ở đây cũng tạo điều kiện cho tôi, cũng có vài người trong bản chỉ có hai vợ thôi nhưng cũng không ở được vì suốt ngày to tiếng”.
Bà hàng xóm nhà ông Mùa A Tu là Thào Thị Nhĩ cũng hết sức khâm phục ông Tu: “Ở cạnh nhà ông ấy mấy chục năm nay, có bao giờ thấy trong nhà lục đục gì đâu, sáng nào chẳng thấy mấy bà vợ ông ấy cùng nhau lên nương đi làm rồi lại về nhà cùng nhau nấu nướng, giặt giũ, cuộc sống hết sức hạnh phúc. Chúng tôi ở đây đều khâm phục ông Mùa A Tu lắm”.
Vì đông con nhiều cháu quá nên đến chính bản thân Mùa A Tu cũng chẳng nhớ nổi hết tên của chúng. Ngay cả khi tôi bảo ông kiểm đếm ra, ông đành phải nhờ đến mấy bà vợ và con cái tới hỗ trợ. Thấy nhà đông con, đông cháu như vậy, tôi hỏi ông A Tu có khi nào nhà thiếu thốn, vợ và con cháu phải nhịn đói không, ông A Tu cười lớn bảo rằng: “Chẳng khi nào đói cả, lúc nào cũng đầy thóc trong nhà, mấy bà vợ tôi siêng lắm, lại mát tay nữa, trồng gì được nấy. Mấy đứa con lớn cũng chăm chỉ nên không bao giờ lo thiếu cái ăn, cái mặc”.
Cũng vì nhiều người quá, đại gia đình ông Mùa A Tu đã gần 30 người nên ông phải thuê người dựng thêm một căn nhà sàn khác để có thêm không gian sống cho các thành viên.
Về việc ông Mùa A Tu lấy nhiều vợ, ông Đinh Công Quán, Chủ tịch xã Tân Xuân cho biết rằng: “Chúng tôi cũng có nhiều lần tuyên truyền với ông ấy rằng nên giữ đúng nếp sống một vợ một chồng thôi nhưng ông Tu bảo rằng các bà vợ đều thương ông ấy rồi tự nguyện đến ở cùng. Thêm nữa vì gia đình ông Tu chẳng bao giờ xảy ra mâu thuẫn gây ảnh hưởng đến hàng xóm láng giềng nên chính quyền địa phương cũng chỉ nhắc nhở chứ không xử phạt”.
Tôi định rời khỏi bản Bún vào lúc sương chiều vừa giăng nhưng ông Mùa A Tu tha thiết giữ lại để cùng ông ăn một bữa cơm tối với sự góp mặt đông đủ cả gia đình. Khó thể khước từ, tôi đành thuận theo ý ông A Tu và biết rằng sẽ có một đêm say trong men của rượu ngô bản Láy…

Hành trình đi tìm 'người rừng' ở Tuyên Quang

Những lời kể về “người rừng” cứ như trong truyền thuyết, đầy chất liêu trai, bí ẩn đã lôi cuốn tôi vào một cuộc tìm kiếm có một không hai trong cuộc đời làm báo.

Phát hiện “người rừng”
Đến xã Thổ Bình – Lâm Bình – Tuyên Quang, tôi nghe người dân kể về những lần đi vào rừng già tìm trâu, họ thường thấy một ông già “ăn lông ở lỗ, tối đâu là nhà, ngã đâu là giường”. (Người dân địa phương có thói quen, sau mỗi mùa màng thường thả cả đàn trâu lên rừng già, để chúng tự tìm cỏ ăn, đến mùa sau mới tìm trâu về để cày bừa). Một đồn mười, mười đồn trăm, những lời kể về “người rừng” cứ như trong truyền thuyết, đầy chất liêu trai, bí ẩn đã lôi cuốn tôi vào một cuộc tìm kiếm có một không hai trong cuộc đời làm báo.
Hang đá nơi ông Phẩy sống, phía dưới tàu lá cọ là bếp đun.
Những người già trong bản Hạ Sơn đã kể cho tôi nghe về gốc tích của “người rừng”. Năm nay, “người rừng” khoảng hơn 70 tuổi, là một người con của tộc người Dao đỏ, sinh sống ở mảnh đất này từ bao đời nay. Người dân bản địa gọi “người rừng” là ông Phẩy. Bố mẹ ông Phẩy đã chết từ khi ông còn khá trẻ. Ông Phẩy chỉ có một người em gái đã đi lấy chồng. Cuộc sống nghèo túng của ông Phẩy khiến chẳng cô gái nào đủ dũng cảm làm vợ ông. Không vợ con, những đứa cháu - con người em gái – cũng chẳng ngó ngàng gì đến ông, thậm chí đến tấc đất cắm dùi ông Phẩy cũng chẳng có. Từ thủa 30, ông Phẩy phải lên rừng tìm nơi trú ngụ.
Thấy người lạ vào bản, hỏi thăm về ông Phẩy, nhiều người bản địa lấy làm lạ lẫm lắm. Sự tồn tại của ông Phẩy bấy lâu nay, họ vẫn nghe nói đến hoặc cũng đôi ba lần gặp khi đi rừng, nhưng với những người dân đầu tắt mặt tối suốt ngày với ruộng nương ấy, họ chẳng đủ hảo tâm mà cưu mang thêm ông Phẩy, cuộc sống của chính họ cũng đủ cơ cực, vất vả lắm rồi.
Tôi được dân bản địa nhiệt tình chỉ dẫn đường đến “nhà” của ông Phẩy, có người bảo ông ấy ở trong một cái hang trên đỉnh núi Kéo Ca, người khác lại bảo ông ta ở trong một cái hang ở lưng chừng núi, người tỏ ra thương cảm bảo ông ấy mới chết rồi. Thông tin hỗn độn ấy khiến câu chuyện về “người rừng” càng lúc thêm huyền bí. Tôi ngỏ ý muốn thuê người dẫn đường trong chuyến đi rừng tìm ông Phẩy, những người dân bản địa đã “nhiệt tình” đưa ra mức thù lao.
Hành trình tìm kiếm “người rừng”
Tận cảnh nơi sống của "người rừng" trong hang đá sâu
Nhờ một thanh niên khỏe mạnh người bản địa dẫn đường, tôi chuẩn bị đủ đầy tư trang cho một buổi đi rừng. Trong hành trang của chuyến đi ấy, tôi đã chuẩn bị cả muối ăn, gạo, mỳ tôm, bật lửa và một chiếc chăn bông. Những thứ ấy, tôi hy vọng ít nhiều hỗ trợ được ông Phẩy bởi nghe nói, nhiều ngày nay ông đã rất yếu vì đói và rét. Đoạn đường lên hang đá nơi ông Phẩy sống tuy không quá xa nhưng lại vô cùng khó đi. Chẳng có đường đúng nghĩa mà chỉ là lối mòn người dân bản địa vẫn đi nương. Những viên đá vôi to, có viên lại nhọn hoắt nằm choán ngay lối đi buộc chúng tôi phải trèo qua. Có những đoạn đường dốc thẳng đứng như thách thức con người. Các khớp chân, khớp tay của tôi rã rời mà đích đến thì vẫn hun hút xa. Chúng tôi phải di chuyển liên tục bởi chỉ cần ngơi chân bước, lập tức có vô số những con vắt nhỏ, nhầy nhầy, mềm mềm bám riết vào chân và đâm phập cái vòi vào da thịt hút máu ngay. Hơn nữa, những con muỗi rừng vo ve bên tai cũng chỉ chờ chúng tôi nán lại để bám đậu mà hút máu.
Hang đá hiện ra hoang vu, lạnh lẽo trước mắt chúng tôi. Trước cửa hang là nơi dùng để đun nấu, vài cây que gá lại thành giá đỡ, tàu lá cọ phủ tạm lên trên, nơi đun nấu ấy tứ bề gió lộng. Có mấy thanh củi đang cháy dở, vương vãi. Tro bếp đã nguội lạnh, có lẽ lâu rồi chủ nhân của cái bếp chẳng nhóm lửa, đun nấu gì. Phía trong hang có dòng chảy của mạch nước ngầm nhưng cũng đã cạn khô. Nửa thanh nứa dùng làm máng hứng nước vẫn được kê ở đó nhưng chẳng có nước chảy. Thi thoảng mới thấy vài giọt nước giỏ tong tỏng. Đi sâu hơn vào phía trong hang, tôi bắt gặp một phiến đá rộng, nằm nép mình vào vách hang. Một manh chiếu cũ, sờn rách được gấp gọn, nhét sâu trong khe đá, đó là “giường” ông Phẩy từng nằm ngủ.
Không thấy ông Phẩy “ở nhà”, chúng tôi đoán ông đang đi tìm thức ăn nên chia nhau ra tìm. Chúng tôi hú gọi ông Phẩy, nhưng đáp lại chỉ là tiếng vọng của chính mình từ phía núi đá hắt lại. Khi đó trời đã xế chiều, phán đoán rằng ông Phẩy sẽ trở về “nhà” sau một ngày kiếm thức ăn nên chúng tôi nán lại chờ. Chốn rừng hoang lúc về chiều, tiếng chim hú gọi bầy khiến tôi có cảm giác lạnh gáy. Bất giác nghĩ đến cuộc sống đơn độc của ông Phẩy tại nơi này, cuộc sống của một con người bị tách biệt hoàn toàn với đồng loại, không cái ăn, cái mặc, không thể trò chuyện hay giao tiếp với ai… Trời đã buông bức màn đen kịt xuống núi rừng. Xa xa phía dưới chân núi, những nếp nhà sàn, nhà đất đã lên đèn. Lần ấy, chúng tôi buộc phải xuống núi mà chưa thể gặp được ông Phẩy.
Sau nhiều ngày hỏi thăm, tôi được biết ông Phẩy đã rời hang đá đến sống ở một nơi khác vì nơi hang đá nước đã cạn và quanh đó không có hoa quả rừng. Chuyến đi rừng lần hai này xa và vất vả, khó khăn gấp bội. Tôi không còn đếm nổi mình đã leo qua bao nhiêu phiến đá, vượt lên bao nhiêu con dốc nữa.
Được cho miếng bỏng gạo, cơn đói khiến "người rừng" chẳng còn đủ sức cắn nhỏ ra ăn.
Lâu lắm, chúng tôi mới tìm gặp được ông Phẩy. Giữa chốn rừng hoang, ông lão già nua, khắc khổ đã đói lả. Thân hình chỉ còn da bọc xương của ông Phẩy run lên vì đói. Khi tôi gặp ông Phẩy, ông đang run rẩy bóc quả bưởi thối để ăn trừ bữa. Lấy vội gói bỏng gạo tôi mua mà chưa kịp ăn lúc đi đường để đưa cho ông Phẩy ăn tạm, ông nhận lấy đầy biết ơn. Đói là thế nhưng ông Phẩy vẫn tỏ rõ là người tự trọng. Ông nhận túi bỏng mà chưa vội ngấu nghiến vì đói. Ông Phẩy cứ nhìn, tần ngần chưa ăn. Chỉ khi chúng tôi giục để ông ấy ăn, ông Phẩy mới run run đưa miếng bỏng lên miệng. Ông Phẩy đói đến mức dường như không đủ sức để cắn nhỏ miếng bỏng ra nữa. Người đàn ông bản địa đi cùng chúng tôi vội cầm lấy miếng bỏng, bẻ nhỏ từng miếng rồi đưa ông ăn.
Một lát sau, chừng như cơn đói đã tạm thời được thỏa mãn, ông Phẩy mới đỡ run rẩy hơn. Ông lôi trong chiếc bao tải rách mang theo ra vài quả bưởi héo, mời chúng tôi “Nhẹn bủi á…” (Ăn bưởi đi – Tiếng Dao đỏ - PV). Khi ấy, anh bạn đi cùng tôi nghe không rõ, cứ ngỡ rằng ông Phẩy nói câu gì đó bậy bạ lắm. Ông Phẩy không biết tiếng Kinh, chỉ nói bập bẹ được vài lời chào hỏi. Tôi phải nhờ một người đàn ông dân tộc Dao làm phiên dịch. Chừng thấy ông Phẩy đã tỉnh táo hơn sau cơn đói, tôi nhờ người nói tiếng Dao với ông, bảo ông dẫn chúng tôi về nơi ông ấy ở. Bước đi của ông Phẩy vẫn xiêu vẹo, như sắp quỵ xuống.


Vận động xuống núi
Tìm thấy ông Phẩy ở giữa chốn rừng hoang, việc đầu tiên chúng tôi phải làm khi ấy là khẩn cấp biếu ông Phẩy gói cơm nắm và chút thức ăn mặn đã được chuẩn bị cho chuyến đi rừng. Đã quá trưa, tấm thân già nua của ông Phẩy run lên vì đói. Chút thức ăn như liều thuốc thần tiên, ông Phẩy nhanh chóng tỉnh táo, hoạt bát hơn. Lát sau, bụng đã no cơm, ông Phẩy tiếc rẻ, bóc quả bưởi chua loét, héo quắt trước đó vừa tìm được để ăn. Ông Phẩy bảo, không có rau xanh nên ăn bưởi thay rau.
Ông Phẩy bên ngôi nhà giữa rừng hoang của mình.
Khi ông Phẩy đã no bụng, khỏe khoắn và tỉnh táo trở lại, chúng tôi nhờ người hoa tiêu dùng tiếng của người Dao bản địa để vận động ông Phẩy cùng xuống núi. Nói đến chuyện hạ sơn, ông Phẩy im lặng hồi lâu, chừng như đắn đo, suy tính lắm.
Phản ứng ấy của ông Phẩy hoàn toàn nằm trong phán đoán của chúng tôi, bởi một ông lão gần như cả cuộc đời sống hoang dã nơi rừng rú sẽ chẳng dễ dàng gì rời xa nơi ấy. Hơn thế, bao lần ông Phẩy xuống núi với ý định tìm chốn nương thân ở nhà người cháu thì bấy nhiêu lần ông bị đánh đuổi, hắt hủi, buộc ông phải trở lại rừng. Bởi vậy nên chúng tôi hiểu, ông Phẩy chẳng dễ dàng gì chấp nhận đi cùng chúng tôi xuống núi.
Thấy chúng tôi kiên nhẫn chờ nghe câu trả lời, ông Phẩy nói bằng tiếng Dao: “Xuống đấy không biết ở nhà ai đâu”. Chàng trai bản địa nhanh nhảu trấn an ông Phẩy: “Xuống dưới kia họ khác tìm chỗ cho ở tạm, rồi họ sẽ làm nhà cho ông ở. Không sợ đâu, thằng cháu nó không cho ông ở, họ sẽ tìm chỗ cho ở. Ông cứ xuống đi. Ông ở đây khổ quá đi, rét quá đi…”.
Những lời ấy của chàng trai vẫn chưa đủ để thuyết phục ông Phẩy, ông tìm lý do khác để từ chối. Ông Phẩy lấy cớ còn nhiều “tài sản” ở rừng nên không thể theo chúng tôi xuống núi. Ông kể ra, nào là còn túi muối, cái chăn, ít gạo chúng tôi vừa cho, còn cả bó lá mon ông vừa tìm được để dành nấu ăn trừ bữa. Được chàng thanh niên bản địa hứa sẽ giúp ông gùi tất cả số “tài sản” ấy xuống núi cùng nhưng ông Phẩy vẫn chưa yên tâm.
Lúc này, ông Phẩy chuyển sang dò hỏi về thân nhân của chàng trai bản địa: “Thế mày là ai?”. Chàng hoa tiêu của chúng tôi đã phải giới thiệu rõ ông bà nội ngoại của cậu ta để ông Phẩy tin tưởng. Thấy nhắc đến những người già cùng chạc tuổi mình, ông Phẩy nhận ra người quen và đồng ý cùng chúng tôi xuống núi.
Mắt ông Phẩy đã lòa vì đói, rét, bệnh tật giữa rừng.
Trời càng lúc càng về chiều và bóng tối nhanh chóng xâm chiếm toàn không gian. Đoàn chúng tôi hôm ấy đi rừng mà không mang theo bất cứ thiết bị chiếu sáng nào. Dẫu biết phải chạy đua với thời gian để kịp về đến bản dưới chân núi trước khi trời tối hẳn nhưng chúng tôi chẳng thể đi nhanh hơn bởi phải chờ đợi những bước chân trần chuệch choạc của ông Phẩy.
Chỉ đi được một vài trăm mét đường rừng, ông Phẩy lại phải dừng lại nghỉ. Mắt ông đã lòa, chân đã run lắm nên cuộc hạ sơn với ông Phẩy là cả sự nỗ lực, cố gắng phi thường. Sau khoảng 6 giờ đồng hồ đi bộ theo những lối mòn rừng rậm, chúng tôi đã đưa ông Phẩy xuống được đến bản dưới chân núi Kéo Ca. Bóng đêm đen kịt khi ấy đã bao trùm xuống bản nhỏ. Chưa kịp ráo mồ hôi sau chuyến đi rừng mệt nhoài, chúng tôi và một số người dân bản địa lại phải nhanh chóng bắt tay vào việc lo cho ông Phẩy một chốn ăn nghỉ tạm thời, một công việc khó khăn không kém khi vận động “người rừng” xuống núi.
Cuộc sống mới
Ở bản người Dao này, người ta có thể cho ông Phẩy gói cơm nắm, củ sắn luộc khi bắt gặp ông đói lả ở trên rừng, có thể cởi phăng chiếc áo đang mặc để giúp ông Phẩy chống chọi với cái rét cắt thịt… nhưng để giúp đỡ “dài hơi” hơn, tất thảy họ đều lắc đầu. Chúng tôi đi khắp bản, hỏi mượn một khoảng đất trống nhỏ để làm căn lều tạm cho ông Phẩy trú thân trong những ngày chờ đợi chính quyền địa phương lo nơi ăn chốn ở ổn định, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Họ bảo, “con ma nhà không thích cho người lạ vào ở đâu…”.
Vả lại, trong mắt những người dân tộc nơi đây, việc chúng tôi lo lắng cho một ông già neo đơn là điên rồ, lạ lùng lắm, “từ trước đến nay chưa thấy bao giờ”. Cuối cùng, chúng tôi buộc phải chọn bờ suối làm nơi dựng lều tạm. Trước là để ông Phẩy có nước sử dụng trong sinh hoạt, sau nữa bờ suối là nơi công cộng, chẳng động chạm đến “con ma” của nhà nào.
Ông Phẩy trong lều tạm bên bờ suối
Lều tạm được dựng ngay bên lề con đường liên thôn của xã Thổ Bình. Mọi vật liệu dựng lều cũng đơn giản lắm, vài cây tre làm cọc, một tấm bạt được quây lại. Tất cả do chúng tôi tự nguyện đóng góp. Những vật dụng thiết yếu nhất để cho một người có thể sống cũng được chúng tôi sắm đầy đủ. Gần nửa đêm hôm ấy, ông Phẩy đã có “nhà” với đầy đủ những thứ mà trong gần cả đời người ông chưa khi nào có được: một cái giường bốn chân có chiếu, có màn, cái chăn bông ấm, bếp lửa có kiềng, cái nồi có vung, bộ quần áo để thay, đôi dép để đi… Ông Phẩy chẳng nói nhiều nhưng chúng tôi cảm nhận được niềm vui sướng, hạnh phúc qua đôi mắt lòa ngấn nước của ông.
Căn lều tạm của ông Phẩy nhanh chóng gây xôn xao khắp làng trên, xóm dưới. Trong câu chuyện của những người dân tộc, họ nói về ông Phẩy, nói về cuộc hạ sơn xưa nay chưa từng có ở mảnh đất nghèo này. Nhiều người nghe chuyện chưa đủ, họ tìm đến bờ suối để tận mắt chứng kiến điều lạ lùng. Rồi chẳng ai bảo ai, những người dân bản địa tự nguyện góp gạo, góp củi, góp rau cho ông Phẩy sống qua ngày. Ông Phẩy thấy có nhiều người thăm hỏi thì vui lắm, nhưng ông chẳng giao tiếp được nhiều, chỉ gật gù nói bằng tiếng Dao rằng: “Không lên núi nữa…ở đây có chỗ ở, có cái ăn rồi…”.
Và ngày ngày, ông Phẩy quanh quẩn bên bếp lửa, hì hụi nấu cơm, nấu rau. Lâu lắm rồi, ông Phẩy mới có đủ cái ăn no bụng, lại là cơm trắng, rau xanh và đôi khi là cả chút thịt, chút cá… nên ông Phẩy ăn nhiều lắm. Chẳng thế mà chỉ trong vòng ba ngày từ khi xuống núi, ông Phẩy đã khác hẳn, cơ thể già nua, gầy quắt của ông Phẩy bỗng hồng hào và có dấu hiệu phù nề, beo béo.
Những ồn ào xung quanh câu chuyện “bỗng dưng” ông Phẩy xuất hiện ở bản nghèo khiến chính quyền địa phương chẳng thể làm ngơ. Trước cuộc hạ sơn của ông Phẩy, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Thổ Bình và nhận được câu trả lời: với trường hợp của ông Phẩy, đã xin được kinh phí làm nhà nhưng cụ thể thời gian, địa điểm làm nhà thì còn phải chờ. Thế nhưng, như “có phép màu”, ngày thứ 4 kể từ khi ông Phẩy được chúng tôi bố trí sống trong căn lều tạm bên bờ suối, ông Phẩy đã được chính quyền địa phương dựng nhà gỗ ngay trên mảnh đất của một người họ hàng xa với ông Phẩy.
Buổi sáng ngày thứ 4 ấy, như thường lệ, chúng tôi ra bờ suối thăm ông Phẩy thì tá hỏa khi thấy căn lều tạm đã được dỡ bỏ, ông Phẩy không còn ở đó nữa. Tưởng ông Phẩy đã bỏ lên rừng, chúng tôi chia nhau đi tìm thì nhận được thông tin, cán bộ xã đã đưa ông Phẩy đến nơi ở mới, cách đó khoảng 3 – 4 km.
Tết này ông Phẩy đã có nhà, dẫu nhà chỉ có 3 vách bằng tấm ván cũ và một vách che tạm bợ bằng tấm bạt
Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến “nhà” của ông Phẩy. Căn nhà gỗ nhỏ, mái che bằng tấm lợp xi măng chắc chắn hiện ra. Phía trong ngôi nhà, ông Phẩy vẫn giữ thói quen cũ, ngồi trầm thu lu bên bếp lửa chẳng khi nào tắt. Nhận ra người quen, ông Phẩy vui lắm, mời mọc: “Nhẹn vuôm á” (uống nước đi! – dịch từ tiếng Dao). Lúc này chúng tôi mới có dịp quan sát, nhà của ông Phẩy được làm bằng gỗ đã cũ, nền đất được san vội, vẫn còn nguyên mùi đất mới đào xới.
Và dẫu căn nhà mới có 3 vách được ghép bằng những tấm ván gỗ cũ, một vách che tạm bợ bằng tấm bạt căng lều chúng tôi đã sử dụng trước đó thì ông Phẩy cũng đã được sống như một con người thực sự, không còn cảnh ăn rừng ở rú như thú hoang.
Chia tay ông Phẩy sau một chuyến công tác dài ngày, chúng tôi trở về cuộc sống tất bật thường ngày nơi phố thị ồn ã. Chuyện về cuộc đời “người rừng” ấy đã có một kết cục tốt đẹp như trong cổ tích. Tết này, ông Phẩy đã có nhà, đã được sống cuộc sống của một con người, sống trong nghĩa tình của đồng bào mình.
Bảo Nhi
Theo Infonet

Thu tiền tỷ nhờ mô hình mít giống

Sau mười năm, giống mít do ông Hồ Văn Lập (ở ấp 4, xã Cẩm Sơn, Cai Lậy) gây dựng đã được nhân rộng, trồng khắp xã và các vùng lân cận. Hai bên con đường đến trung tâm xã Cẩm Sơn, trong các mảnh vườn vây quanh nhà, trên các mô đất được vun lên trên mặt ruộng, nhìn đâu cũng thấy mít.


Một cán bộ của UBND xã Cẩm Sơn cho biết, đến nay mô hình trồng mít Ba Lập vẫn còn sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với rất nhiều nông dân. Do đó, mỗi năm cơ sở mít giống Ba Lập của ông Hồ Văn Lập cung ứng cho thị trường khắp các vùng trong cả nước khoảng 17.000 cây, với giá bán khoảng 12.000 đồng/cây, mang về cho ông Lập khoản thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.
Ông Hồ Văn Lập bên sản phẩm mít mang thương hiệu Việt.
Ông Hồ Văn Lập còn cho rằng, cây mít đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời của mình. Vào năm 2003, khi mà khu đất của gia đình ông đang trồng lúa, táo, nhãn cho thu nhập bấp bênh thì trong một lần đến thăm người bà con ở Đồng Nai, ông “liều mình” mua 10 cây mít giống, với giá 25.000 đồng/cây về trồng thử trên mảnh vườn nhà mình.
Sau một năm rưởi, 10 cây mít đầu tiên do ông mang về trồng đã cho trái. Qua ăn thử, ông nhận thấy đây là loại mít ngon với các đặc điểm như: Múi to, cơm dày, giòn, ngọt thanh, rất ít xơ và mủ. Thế là từ 10 cây giống đầu tiên, ông Lập đã ghép cành và nhân ra lần đầu khoảng 50 cây rồi tăng dần lên. Đến nay, vườn mít 9.000m2 của ông Lập đã có tới 600 cây mít đủ cỡ.
Ông Lập cho biết, đặc điểm của loại mít này là không theo mùa mà ra trái thường xuyên, hết đợt này đến đợt khác, chu kỳ từ khi ra hoa đến khi thu hoạch gần 4 tháng và mỗi năm có thể thu hoạch 3 lần. Theo tính toán của ông Lập, thì giống mít này mỗi công đất trồng từ 50 - 60 gốc là vừa. Mỗi gốc có thể cho từ 150 - 200 kg trái, tính ra mỗi năm thu hoạch được trên 5 tấn trái/công. Như vậy, với 9 công mít và giá bán bình quân khoảng 25.000 đồng/kg cũng đã mang về cho ông Lập mức thu nhập gần cả tỷ đồng/ năm.
Theo ông Lập, giống mít này dễ trồng và chi phí chăm sóc thấp. Qua 10 năm bán trái, chưa bao giờ giá mít giảm dưới 13.000 đồng/kg; đồng thời thị trường tiêu thụ khá ổn định. Do đó, ông nhận thấy giống mít này khi trồng sẽ cho nguồn thu nhập khá và có thể là cây xóa đói giảm nghèo. Xuất phát từ suy nghĩ này, ông không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, cây giống cho hộ nghèo và khách hàng khi có nhu cầu.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: “Từ khi phát hiện giống mít phù hợp thổ nhưỡng Cẩm Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Hồ Văn Lập đã chủ động giúp nhiều hộ trong xã thoát nghèo bằng việc tặng cây giống, chỉ dẫn bà con cách trồng.
Trong 10 năm qua, nhờ giống mít Ba Lập, đã có hơn 45 hộ thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu”. Ngoài ra, qua 2 năm (2011-2012) tham gia các chương trình từ thiện của Đài PT-TH Tiền Giang, ông Lập đã trao tặng trực tiếp 1.000 cây mít giống cho 100 hộ nghèo trong tỉnh. Hiện loại mít do ông Hồ Văn Lập trồng và sản xuất mít giống đã được Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao giấy chứng nhận quyền tác giả. Đặc biệt, sản phẩm mít của ông Lập còn được Tạp chí Thương hiệu Việt bình chọn là sản phẩm nằm trong tốp 100 sản phẩm Việt chất lượng và tin dùng.
Đây còn là loại mít được liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam công nhận là “Thực phẩm Việt - Vì sức khỏe người Việt năm 2012”. Ông Lập cho biết, từ khi được công nhận Thương hiệu Việt, mít Ba Lập ngày càng có tiếng tăm, tạo được uy tín trên thị trường, giúp cho người trồng an tâm và việc tiêu thụ cũng bền vững hơn.
Với hiệu quả kinh tế mang lại từ việc trồng mít và sản xuất mít giống, ông Hồ Văn Lập đã vinh dự được bình chọn là đại biểu tham dự Hội nghị Doanh nhân toàn quốc năm 2012 và sản phẩm mít của ông còn được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm tin cậy của năm 2012.

5 ái nữ của những đại gia đình đám Việt Nam

Phần lớn sự nổi tiếng của các cô gái này là nhờ gia đình chứ chưa có những thành tích nổi bật trong kinh doanh.

Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh - con gái Chủ tịch REE
Vào ngày 21/1, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM công bố thông tin con gái bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch công ty cổ phần cơ điện lạnh (REE) là Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh đăng ký mua thêm một triệu cổ phiếu REE, qua đó sở hữu gần 1,3% vốn điều lệ doanh nghiệp này.
 
Trước đó, Nguyễn Ngọc Nhất Hạnh đã nắm 2,16 triệu cổ phiếu REE, tương đương khoảng hơn 40 tỷ đồng. Số lượng mua vào tiếp dự kiến sẽ thực hiện giao dịch trong khoảng 23/1 - 21/2.
Sự chú ý của dư luận về ái nữ này còn ở chỗ cô có thành tích học tập nổi bật. Con gái của bà Mai Thanh là một trong những thí sinh đạt chứng chỉ tiếng Anh IELTS cao nhất Việt Nam khi 18 tuổi với tổng điểm trung bình đạt 8,5; trong đó có kỹ năng đọc và viết lên tới 9,0.
Đặng Huỳnh Ức My - con gái của cựu chủ tịch Sacombank
Đặng Huỳnh Ức My sinh năm 1981, là con gái của Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công - bà Huỳnh Bích Ngọc. Cha của Đặng Huỳnh Ức My là ông Đặng Văn Thành - cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).
Anh trai Ức My là Đặng Hồng Anh - Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal). Ông Đặng Hồng Anh vừa từ nhiệm Thành viên HĐQT Sacombank.
Cuối tháng 12/2012, Ức My đã từ chức Tổng giám đốc Thành Thành Công, doanh nghiệp đang nắm giữ cổ phần chi phối tại hàng loạt công ty mía đường lớn với lý do muốn tĩnh dưỡng một thời gian.
Trầm Thuyết Kiều - con gái đại gia Trầm Bê
Trong năm vừa qua, ái nữ Trầm Thuyết Kiều sinh năm 1983 của đại gia tài chính, ngân hàng Trầm Bê cũng "lộ diện" và thu hút sự quan tâm của công chúng khi vào danh sách cổ đông của Sacombank. Trầm Thuyết Kiều đang sở hữu gần 10% cổ phần và là Phó tổng giám đốc Khối khách hàng tổ chức của ngân hàng Phương Nam.
Trầm Thuyết Kiều ngoài cùng bên phải cùng gia đình.
Cô cũng là Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Phương Nam (nắm giữ 4,95 triệu cổ phiếu, tương đương 11% cổ phần).
Nguyễn Ngọc Huyền My - con gái Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai
Theo báo cáo tình hình quản trị của công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG), Nguyễn Ngọc Huyền My, hiện nắm 180.584 cổ phiếu QCG. Huyền My cũng là em gái ông Nguyễn Quốc Cường - Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc (người có biệt danh Cường Đôla).
Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCG) công bố báo cáo về các khoản giao dịch trọng yếu và phải thu, phải trả của tập đoàn với các bên liên quan. Theo đó, Nguyễn Ngọc Huyền My - con chủ tịch QCG và em Nguyễn Quốc Cường có tổng các khoản vay và cho vay với tập đoàn này trên 150 tỷ đồng.
Trong hoạt động kinh doanh của QCG 6 tháng có ghi nhận khoản bà My cho tập đoàn vay 32,5 tỷ đồng để tài trợ nhu cầu vốn lưu động, với lãi suất 16,2%.
Tiếp đó trong báo cáo, Quốc Cường Gia Lai cho biết, tập đoàn còn vay bà My một khoản tiền 70,15 tỷ và cho bà My vay 29,17 tỷ đồng. Mục đích của 2 khoản vay và cho vay này không được QCG đề cập tới. Đồng thời, theo QCG, trong mục khoản phải thu, bà My có vay tạm ứng gần 20 tỷ của tập đoàn để mua bất động sản.
Nguyễn Phương Anh - con gái bà Đặng Thị Hoàng Yến
Cô gái này là con đầu của bà Đặng Thị Hoàng Yến - chủ tịch HĐQT tập đoàn Tân Tạo. Phương Anh sinh năm 1985, từng tốt nghiệp cử nhân Đạo diễn sân khấu. Nguyễn Phương Anh đã tốt nghiệp đại học Oxford (Anh) là một trong ba người được trường Kịch nghệ Hoàng gia Anh (Royal Drama Academics School – RADA) chọn làm đạo diễn.
Năm 2002, Phương Anh là một trong 10 sinh viên đạt điểm tuyệt đối về Luật của nước Anh. Đến năm 2003, Phương Anh lại đoạt giải nhì Văn chương toàn nước Anh và năm 2004 cô đoạt giải nhì cuộc thi phim dành cho các đạo diễn đang là sinh viên ở Anh.
Hiện nay, cô quyết định tạm ngừng việc học để quay trở về Việt Nam tạo dựng một sự nghiệp mới còn rất non trẻ ở Việt Nam. Phương Anh đang là thành viên công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, ủy viên HĐQT của tập đoàn này. Hiện Phương Anh nắm giữ lượng cổ phiếu tương đương với giá trị hơn 700 tỉ đồng tại tập đoàn Tân Tạo.

No comments:

Post a Comment

quangnm