PHƯỚC VÀ HỌA
Quan niệm, nhận thức của con người về phước (phúc) và họa
hay may và rủi, được và mất, lợi và hại rất chủ quan. Bản chất của phước, họa
cũng như mọi điều khác trong thế giới sự vật, hiện tượng từ vật chất cho đến
tinh thần đều là duyên sinh, không có thực thể, thực tướng.
Một người đi trễ chuyến xe, tự cho
là mình rủi. Nhưng ngày hôm sau đọc báo, thấy chuyến xe mà mình đi hụt bị rơi
xuống vực sâu. Bấy giờ người ấy không còn thấy sự trễ xe hôm trước là rủi nữa,
trái lại còn cho đó là may, vì nhờ đi hụt mà còn sống sót.
Thấy một người đàn ông cưới được
cô vợ vừa đẹp lại vừa giàu sang, ai cũng trầm trồ khen ngợi, ước ao, cho rằng
anh ta có phước. Nhưng chẳng bao lâu người đàn ông nọ và vợ dắt nhau ra tòa ly
dị vì cô vợ sinh lòng lang chạ và sa đọa trong ăn chơi trụy lạc. Khi ấy người
ta lại tặc lưỡi bảo nhau: Anh này thật vô phước!
Có người trúng vé số độc đắc được
mấy tỷ đồng, ai cũng nghĩ rằng phước phần của anh ta đã đến. Không ngờ chính vì
có số tiền quá to ấy mà anh ta sinh tật: đua đòi, hưởng thụ, đam mê cờ bạc rượu
chè, đi sớm về khuya, vợ bé vợ mọn; vợ chồng anh ta vì tranh chấp tiền bạc mà
bất hòa, vì chuyện anh lăng nhăng bên ngoài mà kéo nhau ra tòa ly dị; con cái ỷ
có tiền của mà bỏ bê học hành, chỉ lo ăn chơi phóng túng. Còn nhiều trường hợp
khác vì trúng số mà anh em, bạn bè trở mặt nhau; vì trúng số mà bị giết hại do
cướp vào nhà, do người tình phản bội…
Vậy người đi hụt chuyến xe kia là
rủi hay may? Có được người vợ đẹp và giàu như anh chồng kia là họa hay phước?
Và trúng số như những người nói trên là nỗi lo hay điều đáng mừng?
Tùy theo cái thấy, sự nhìn nhận,
tùy theo duyên mà người ta cho đó là phước hay họa, nó luôn biến chuyển, thay
đổi không ngừng, phước chuyển thành họa, họa chuyển thành phước, vừa là phước
lại vừa là họa. Người xưa thường bảo: “Trong họa có phước, trong phước có họa”,
nhưng kỳ thực họa phước do duyên, có nghĩa là do điều kiện, do hoàn cảnh, do sự
nhìn nhận nó như thế nào, tùy theo duyên mà nó được xem là phước hay họa. Các
bậc cha mẹ có con mắt tinh đời khi thấy con mình ra đời lập nghiệp, tuổi còn
trẻ mà thành công quá sớm thì vừa mừng vừa lo. Mừng vì con thành công trong
cuộc sống, lo vì con thành công sớm quá sẽ sinh tâm tự phụ, kiêu căng. Tuổi còn
trẻ chưa từng trải, chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, chưa hiểu đời
nhiều, vì thế nếu thành công quá dễ dàng sẽ sinh tâm chủ quan khinh suất, như
thế sẽ dễ mắc phải sai lầm đưa đến sớm thất bại, dù buổi đầu có thành công
nhưng không thể thành công lâu dài, sự nghiệp khó bền vững. Hơn nữa vì sớm
thành công nên tâm cao khí ngạo, tự phụ kiêu căng, từ đó có thái độ, hành vi
coi thường người khác, dễ va chạm và làm mất lòng mọi người, từ đó sẽ có nhiều
người bất mãn, chống đối, đó cũng là nguyên nhân thất bại.
Có nhiều phụ nữ lấy được chồng đẹp
trai lại giàu có, về nhà chồng chỉ việc làm vợ làm mẹ, mọi thứ khỏi cần bận
tâm. Bạn bè đồng trang lứa thấy thế cho rằng họ có phước quá, ai cũng ước ao
mình được như thế. Nhưng cha mẹ của những cô gái được xem là diễm phúc kia thì
có người băn khoăn: “Chồng hào hoa, đẹp trai thì có nhiều người mến mộ. Nếu nó
có thêm tánh phong lưu bay bướm, không chung thuỷ thì con gái mình sẽ khổ”, “Ăn
ở không, được chồng nuôi chưa hẳn là có phước. Sống lệ thuộc không làm chủ được
bản thân chắc chắn sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Thà ra ngoài làm việc để có cơ hội
khẳng định mình, có khả năng tự lập, có điều kiện rèn luyện, trau giồi bản
thân, có thêm kiến thức, kinh nghiệm, có thêm niềm vui trong cuộc sống”. Cách
nhìn về phước, họa của mỗi người mỗi khác, tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh, tùy
thuộc quan niệm, lối sống, kinh nghiệm, hiểu biết v.v…
Một nghệ sĩ nổi tiếng trong làng
giải trí nói trên báo Thanh Niên rằng, từ khi ông bán đi mấy chiếc xe
hơi thì thấy thanh thản, thoải mái hơn. Bây giờ mỗi khi đi đâu chỉ cần gọi taxi
hoặc xe ôm là được. Lúc còn mấy chiếc xe hơi phải thuê người lái, đi đến đâu
phải tìm chỗ đậu xe cũng mệt. Thỉnh thoảng bị tài xế làm khó dễ để vòi tiền.
Khi gặp bạn bè hay đi tiệc tùng thì lại nghe những lời bàn tán về xe, họ bình
luận, so sánh, chê khen, nào là xe này đẹp, xe kia không đẹp; xe này sang, đắt
tiền, xe kia thuộc hạng xoàng rẻ tiền; xe này sành điệu, thời thượng, xứng tầm
đại gia, xe kia lỗi thời, cổ lỗ v.v… Nghe những chuyện như thế rất mệt.
Có người nghe ông nghệ sĩ kia nói
thế thì cho rằng ông ta “giả bộ”, nói không thật bụng, có xe sướng quá mà làm
bộ than phiền. Đâu phải ai muốn có xe hơi cũng được. Người chưa từng có xe hơi
thì nghĩ có xe hơi là “ngon lành” lắm, sung sướng lắm, có phương tiện tốt để đi
lại, hãnh diện với bạn bè. Nhưng người
có rồi thì cảm thấy có xe cũng thêm nhiều phiền phức, cũng vướng bận
thêm vì phải lo có chỗ đậu mỗi khi đến đâu, phải lo giữ gìn, bảo quản, lo chiều
lòng tài xế, lo bà con, bạn bè buồn khi hỏi mượn mà mình không cho, mà cho muợn
thì không yên tâm lắm (rủi xảy ra tai nạn hoặc hư xe thì cũng khổ)...
Đối với vấn đề họa phước, người
trí bình thản, an nhiên, không để nó làm dao động tâm mình, chỉ xem nó như mây trôi,
gió thoảng. Nhìn mây trôi ngang qua trời, nghe gió thoảng qua bên tai, chỉ thấy
thế, chỉ nghe thế, biết thế thôi, không cần bận tâm, không cần nghĩ ngợi, không
vui buồn vì nó. Phải tập như thế, phải tu sao cho được như thế (dù là pháp môn
nào) thì tâm mới được tự tại, an vui, không buồn không lo, không khổ não.
Tâm bình thản, an nhiên, không
điều chi có thể làm bận lòng, như thế không phải là người vô tri, không phải là
người vô tâm, vì vẫn hay vẫn biết, vẫn thấy, vẫn sống và hành động dưới sự soi
sáng của tuệ giác nhưng tùy duyên, không miễn cưỡng, gượng ép, không vướng mắc,
không bị buộc ràng, hệ lụy.
Cũng như trong âm có dương, trong họa có phúc và
ngược lại
Người trí có thể chuyển cái mà thế
gian cho là họa thành phước, và làm tăng trưởng, phát triển to lớn hơn cái mà
thế gian cho là phước đang có. Nhưng người vô trí thì biến cái mà thế gian cho
là phước thành họa. Ví dụ Đức Phật đã biến sự chống đối, dã tâm làm hại Ngài
của Đề Bà Đạt Đa thành cơ hội khảo nghiệm, thành thử thách giúp Ngài thành tựu
đạo hạnh, viên mãn công đức.
Một người con có tài trí, có nhân
phẩm, đạo đức tốt biết tận dụng tài sản do ông cha để lại (phước) để xây dựng
hạnh phúc cho mình, phát triển sự nghiệp bản thân, làm ích nước lợi nhà. Nhưng
ngược lại, người con bất tài vô trí, nhân phẩm đạo đức kém sẽ ỷ lại vào gia sản
của ông cha để lại mà ăn chơi phóng túng, sa đọa trụy lạc, kết cục anh ta biến
cái phước (có nhà cao cửa rộng, có tài sản, sự nghiệp) thành ra cái họa.
Người có tài năng, có đức độ, có
chí hướng, biết siêng năng cần mẫn, dù sinh ra trong hoàn cảnh cùng khổ, khốn
đốn (kém phước), họ vẫn vươn lên và đạt nhiều thành công trong cuộc sống. Đó là
vì họ biết tận dụng hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt để rèn luyện mình, nuôi
dưỡng chí hướng phấn đấu vươn lên. Họ đã chuyển sự không may (hoàn cảnh kém
phước) thành điều hạnh phúc. Cũng như người biết xử lý rác thải có khả năng
biến đống rác bỏ thành những vật dụng trong nhà, có thể dùng rác để tái chế ra
những sản phẩm mới. Nhưng người vô trí, không biết sử dụng thì có thể biến
những sản phẩm mới thành ra đống rác.
Họa hay phước là do chúng ta. Bản
chất của họa phước vốn không có thực, chúng là pháp duyên sinh, không có thực
thể, thực tướng. Cái phước thật sự, lớn nhất là khi làm chủ được tâm mình,
không bị những thành bại, được mất, hơn thua làm cho bận lòng, làm cho phiền
não.
Minh Hạnh ĐứcPhước và họa
(01/17/2012) (Xem: 12150)
CÓ TRÍ TUỆ
LÀ NHƯ BIẾT THẬT VỀ…
Chân Hiền Tâm
Nhà xuất bản Phương Đông 2011
LÀ NHƯ BIẾT THẬT VỀ…
Chân Hiền Tâm
Nhà xuất bản Phương Đông 2011
Phước và họa
«Cuộc sống trao cho ta những món quà rất bất ngờ, dưới dạng cơ hội hay trong màu áo biến cố. Hãy đón nhận nó bằng vị thế của một người hiểu biết và biết làm chủ bản thân». Một câu nói khá đơn giản, nhưng mang đậm triết lý sống có thể giúp mình an vui trước những biến động của cuộc đời.
Đa phần ai cũng muốn sự tốt lành đến với mình hơn là bất hạnh. Ta đến chùa, tu hành, làm phước cũng để được cái phước, né cái họa. Song không phải ai cũng đạt được hoàn toàn những điều mình mong muốn. Thường thì hạnh phúc và khổ đau đan xen. Khi hạnh phúc thấy hân hoan. Lúc khổ đau lại vượt không nỗi. Một số đã tự tử. Đó là do chúng ta không đủ hiểu biết cũng như không thể làm chủ bản thân trong cả hai tình huống.
Ít ai biết được trong họa có phước, trong phước có họa. Phước, có khi là nhân tạo ra họa. Họa, có khi là nhân tạo ra phước. Đạo Đức Kinh nói: «Họa chừ, là nơi tựa nương của phước. Phước chừ, là chỗ ẩn nấp của họa». Họa phước khó lường, nếu không biết mà cứ một bề chấp nhất vào phước, thì chưa chắc đã hết khổ nạn.
I. HỌA TRONG PHƯỚC
Trong kinh Niết Bàn, Phật kể câu chuyện sau:
Nhà kia, có một người phụ nữ bước vào, người vừa xinh đẹp lại đeo ngọc ngà châu báu khắp cả thân. Chủ nhà thấy vậy, liền hỏi:
- Nàng tên là gì, ở đâu?
- Tôi là Công Đức Đại Thiên thưa ngài.
Chủ nhà lại hỏi:
- Nàng đến đây làm gì?
- Chỗ nào tôi đến, tôi có thể cho các thứ vàng bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, voi ngựa, xe cộ, tôi tớ…
Chủ nhà nghe thế vui mừng hớn hỡ thầm nghĩ: «Do ta đầy đủ phước đức nên nay nàng này đã đến nhà ta». Nghĩ rồi bèn đốt hương, trải thảm hoa, cung kính đón mừng.
Chưa đâu vào đâu, bỗng nhìn ra thì thấy một nàng áo quần rách tươm, da thịt nứt nẻ, sắc mặt xám mét, dơ dáy, hôi hám đang chực chờ ở cửa. Chủ nhà thấy vậy liền bước ra hỏi:
- Nàng tên là gì, ở đâu?
- Tôi tên Hắc Ám. Tôi đến chỗ nào có thể làm cho nhà đó hao tài, tốn của.
Chủ nhà nghe xong, bèn cầm dao dọa:
- Làm ơn đi giùm. Nếu không ta sẽ chém.
Cô gái nói:
- Ông thật ngu si, chẳng có trí tuệ.
Chủ nhà liền hỏi:
- Sao bảo ta ngu si không có trí tuệ?
Cô gái trả lời:
- Người xinh đẹp đứng trong nhà kia, là chị tôi. Tôi thường đi chung với chị. Nếu ông đuổi tôi thời ông cũng đuổi chị.
Chủ nhà trở vào hỏi Công Đức Đại Thiên:
- Ngoài cửa có cô gái nói là em của nàng có đúng không?
- Thật là em gái tôi. Tôi đi chung với nó chưa có lúc nào rời nhau, dù tôi thường mang đến sự tốt đẹp còn nó mang lại sự xấu ác. Tôi thường làm việc lợi ích, còn nó thì mang đến sự suy hao. Nếu ai yêu tôi thì cũng phải yêu nó. Nếu cung kính tôi cũng phải cung kính nó.
Chủ nhà liền nói:
- Nếu có cả sự tốt lẫn xấu như vậy, thời ta chẳng cần. Mời hai nàng đi cho.
Hai chị em cùng đi, dắt nhau đến nhà một người nghèo. Người nghèo này lòng rất vui mừng, liền nói:
- Từ nay trở đi, xin hai nàng ở luôn nhà tôi.
Công Đức Đại Thiên liền hỏi:
- Chúng tôi vừa bị người xua đuổi, sao ông lại mời chúng tôi ở lại?
Người nghèo nói:
- Vì nàng nên tôi phải kính cô kia. Vì thế nên tôi phải mời cả hai ở lại.
Câu chuyện nói lên thực lý đối đãi ở thế gian. Có sanh thì có tử, có thiện thì có ác, có họa thì có phước, có ngắn thì có dài, có đẹp thì có xấu v.v… «Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không». Mình muốn thứ này thì có nghĩa là mình phải chấp nhận luôn thứ kia một khi nó đủ duyên, nhất là đối với vấn đề sinh tử.
Cô gái nói: «Ông không có trí tuệ», là nói ông không thấy được thực lý Duyên khởi đang chi phối thế giới này. Vì không thấy, nên ông muốn bắt cái này mà xua cái kia. Thánh nhân do thấy được thế đối đãi ấy, nên không mong phước cũng chẳng sợ họa. Phước tới không vui, họa tới không buồn. An nhiên, bình thản, cũng không thấy đó là phước hay họa. Kinh nói: «Đại Bồ-tát cũng vậy, chẳng nguyện sinh cõi trời, vì sinh thời có tử. Thế nên cả hai đều bỏ, không chút tâm luyến ái. Kẻ phàm phu chẳng biết lỗi lầm khổ hoạn của già, bệnh, chết nên tham luyến sinh tử».
Sách Hoài Nam Tử bàn rằng: «Họa là gốc của phước. Phước là gốc của họa. Họa phước luân chuyển tương sinh. Sự thay đổi ấy không thể nhìn thấy. Chỉ có thể biết khi cái quả của nó hiện hình. Do đó, khi được phước, chớ quá vui mừng mà quên đề phòng cái họa sẽ đến. Khi gặp họa, cũng chớ buồn phiền đau khổ đến nỗi tinh thần phải tổn hại. Việc đời hết may tới rủi, hết rủi tới may khó mà lường hết. Nên bắt chước Tái Ông mà giữ sự thản nhiên đối với những biến đổi thăng trầm trong đời».
Tái Ông, là một ông lão ở gần biên giới giáp với nước Hồ phía Bắc nước Tàu, có nuôi một con ngựa. Một hôm ngựa chạy qua nước Hồ mất dạng. Người trong xóm nghe tin đến chia buồn. Ông lão điềm nhiên nói:
- Biết đâu con ngựa chạy mất ấy lại là điều tốt cho tôi.
Vài tháng sau, con ngựa ấy quay về, dẫn theo một con ngựa của nước Hồ, cao khỏe. Người trong xóm hay tin liền đến chúc mừng, cũng nhắc lại lời ông lão đã nói khi trước. Ông lão cũng chẳng vui mừng, chỉ nói:
- Biết đâu việc được ngựa này sẽ dẫn đến tai họa cho tôi.
Việc ấy chẳng sai. Con trai ông lão rất thích cỡi ngựa, thấy ngựa Hồ cao khỏe thì thích lắm, liền nhảy lên lưng phóng chạy. Không ngờ, ngựa Hồ chưa thuần nên nhảy loạn xạ. Cậu con bị hất xuống đất, gãy xương đùi thành tật lớn. Người trong xóm đến chia buồn. Ông lão lại nói:
- Biết đâu nhờ họa này mà được phước khác.
Một năm sau, nước Hồ kéo quân sang xâm lấn Trung Nguyên. Trai tráng vùng biên đều phải xung vào quân ngũ chống giặc, chết sạch. Cậu con trai nhờ chân gãy không bị xung quân, nên còn sống.
Lời bàn trên cũng khá hợp với người tu thiền trên mặt thực hành: «Tám gió thổi không động». Lợi đến không động mà suy đến cũng không động. Vì tất cả đều do tương đãi mà có, không có chất thật.
Hiện thực, không phải khi nào có phước là liền có họa, hay có họa là liền có phước. Có khi phước đi liền với họa mà có khi không đi liền, vì nó còn được hạnh nghiệp hiện đời của mình quyết định. Ngay phước ấy mà tỉnh giác, tu tạo thêm phước thì phước thêm phước. Ngay phước ấy mà tạo ác nghiệp thì phước sinh họa.
Kinh Thánh của Thiên Chúa Giáo nói: «Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Thiên Chúa». Thánh Gia-cô-bê nói: «Hỡi những kẻ giàu có, các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống đầu các ngươi».
Nói như thế, không có nghĩa giàu có là lỗi. Nếu giàu có là lỗi, thì Phật cũng như Chúa Jêsu đã không khuyên mọi người bố thí. Nhưng chư vị đều khuyên mọi người bố thí thì biết cái quả giàu sang không phải lỗi, thậm chí còn là phước, vì nó là kết quả của những thiện nghiệp. Điều mà Kinh Thánh muốn nói đến, chính là mầm họa tiềm ẩn trong sự giàu sang ấy.
Nếu giàu sang mà mở lòng bố thí rộng rãi, không kiêu ngạo, không dùng đồng tiền vào những chuyện hại người hại vật, lại dành thì giờ tìm hiểu kinh sách để biết cái gì nên làm, cái gì không nên làm, thì sự giàu sang ấy không đưa đến những họa hoạn và bất như ý cho mình. Nhưng thường thì khi giàu sang rồi, mọi thứ liền đổi khác.
Việc mà người giàu có hay vướng nhất là kiêu mạn. Kiêu mạn, thể hiện qua nhiều cách: Coi thường người khác, dùng miệng lưỡi lấn át người, không cần nghe lời khuyên của ai, ai không làm mình vừa lòng liền tẩy chay v.v… Kiêu mạn là nhân của ác nghiệp, nên nó là một loại phiền não phá hoại công đức người tu rất nhiều.
Ngoài kiêu mạn ra, cuộc sống của mình còn thêm nhiều thay đổi. Không có tiền thì ăn gì cũng được. Có tiền rồi, mọi thứ thành cầu kỳ. Thay vì ăn đồ giết sẵn ngoài chợ, giờ phải là đồ tươi sống, giết liền ăn liền. Trước, có thịt ăn là may, giờ phải là óc khỉ, bồ câu quay, bào thai người v.v… Những việc như thế đều là cái nhân của tai ương và hoạn nạn.
Có tiền, cũng dễ sinh nhiều tật xấu như rượu chè, cờ bạc, trai gái v.v… là những thứ mà nếu không có tiền, mọi việc bị hạn chế hơn. Chưa kể một khi đời sống cầu kỳ đã trở thành nhu cầu cần thiết của mình, thì việc kiếm sao cho ra tiền trở thành mục đích tối hậu. Trong guồng máy danh lợi ấy, không thể không gây nghiệp ít nhiều. Đó là cái nhân của họa hoạn khi đủ duyên. Họa trong phước, phước trong họa là đó. Thành giàu có mà không có trí tuệ thì chưa hẳn đã là phước, mà chính là cái nhân của hoạn nạn. Đó là lý do, chúa Jêsu và thánh Gia-cô-bê cảnh cáo các con chiên giàu có của ngài.
Mới thấy, những vị đang thành công giàu có mà chịu đến chùa, chịu đọc sách nghe băng giảng để tăng sự hiểu biết, rồi sửa đi những lỗi lầm của mình, lại hạn chế dần ăn uống ngủ nghỉ tập trung cho việc tu tập, nhất định không phải là hạng phàm phu bình thường.
Chuyện ngoài đời là thế, trong đạo cũng có nhiều thứ để bàn.
Tự lợi và lợi tha là hai mục chính của người tu Phật. Tự lợi, thì không có gì để bàn. Sang phần lợi tha, thành quả công đức hiển phát bắt đầu từ đó. Có khi lợi tha rồi, trước sau vẫn như nhau. Nhưng có khi lợi tha rồi thì y báo rực rỡ, tài vật sung mãn, chúng tôn sùng đông đúc. Việc gãy đổ cũng từ đó mà ra. Điều này đã xảy ra trong thực tế. Một vài vị trông có vẻ lừng lẫy hơn cả, lại là những vị sụp đổ mau chóng hơn ai hết. Là do không ý thức được cái «họa trong phước, phước trong họa» này đây. Không ý thức nên khi quả phước đến, liền buông lỏng giới luật, để cho kiêu mạn chi phối, chỉ thích nghe lời tán thán, không thích nghe lời nghịch tai dù nó mang lại lợi ích cho mình v.v… Xem ra, thành công đáng sợ hơn thất bại rất nhiều một khi ta thiếu tỉnh giác.
Cho nên, khi được một thành quả gì, cần phải tỉnh giác với nó hơn là hí hửng hay tham đắm. Phải nhớ trong phước có sẵn cái mầm của họa hoạn. Tỉnh giác thì mới không bị thành quả ấy dẫn chạy, cũng không vì cái thành quả ấy mà thay đổi tính tình, gây tạo những nghiệp nhân bất thiện, khiến mầm họa nẩy sinh.
II. PHƯỚC TRONG HỌA
Một bác nông dân có chú lừa chẳng may bị lọt xuống một cái giếng cạn. Chú lừa kêu la thảm thiết mà bác cũng chẳng biết làm cách nào. Cuối cùng, bác nông dân nghĩ cách lắp miệng giếng cho xong. Nghĩ rồi, bác cùng láng giềng xúc đất bỏ xuống. Chú lừa thấy chủ đổ cát xuống chôn mình, càng la dữ. Nhưng rồi chú bỗng im bặt. Mọi người nhìn xuống, cứ một lớp cát đổ xuống, chú lại giũ người cho cát rơi khỏi mình và giẫm chân lên. Cứ thế lớp đất cao dần và lừa ra khỏi miệng giếng.
Trong cuộc đời, thứ mình cho là xấu chưa hẳn đã là xấu. Thứ mình cho là tốt, chưa hẳn đã là tốt. Quan trọng là mình có như chú lừa kia, biết giũ mình ra khỏi những bất lợi, và dùng những bất lợi đó như một bàn đạp để vượt qua những khó khăn trong hiện tại hay không.
Lúc tôi còn mang cái nghiệp buôn bán, trong việc làm ăn có khi phải vay mượn để ứng tiền mua hàng đặt trước. Một lần, vay đâu cũng không được. Người, bình thường hay cho mình vay, giờ cũng không cho. Phải nói là rất bực vì thấy mất cái lợi trước mắt, bực thời vận của mình, bực người khó khăn với mình. Nhưng cuối cùng mới vỡ lẽ: Nếu vay được thì đúng là ôm đầu máu. Không biết lấy đâu ra tiền mà trả nợ. Bởi tay chủ tàu đã cầm tiền biến mất. Thiên hạ bị gạt nhiều vô kể. Lúc đó mới thấy biết ơn kẻ không cho mình vay tiền.
Còn nhiều việc khác nữa, khiến mình có kinh nghiệm hơn với những được mất ở thế gian. Ừ, được thì tốt, không được chưa chắc đã xấu. Cứ hành thiện và sống thiện là được. Nghiệp thiện mình làm sẽ tự có quả của nó khi đủ duyên. Ở đời, khó mà biết cái gì là xấu, cái gì là tốt …
Thường, những người có đủ phước đức mới có thể «Muốn cái gì liền ra cái đó. Tính cái gì, liền thành cái đó». Tôi không được cái phước ấy. Không tính thì yên mà tính thì nó không ra, hoặc ra trở ngược. Mở đầu cho sự «phản bội» ấy là cái chết của cha khi tôi mới 12 tuổi. Mọi mong muốn dự định to lớn cho tương lai té nhào. Việc «phản bội» ấy cứ lặp đi lặp lại liên tục trên từng sự việc nhỏ nhoi, khiến tôi phải qui nạp chúng thành một lý thuyết sống cho mình: Cần phải dừng suy nghĩ, mong muốn cũng như mọi tính toán cho tương lai hầu bảo toàn tánh mạng. Vì thế, bất cứ một lo toan nào cho tương lai khởi lên, tôi đều gạt qua một bên, chỉ biết làm tốt việc hiện tại. Không ngờ, cái tập ấy lại phù hợp với pháp «Biết vọng không theo» mà Hòa thượng chỉ dạy. Cũng phù hợp luôn với những gì mà Tổ Hoàng Bá đã nói: «Cứ quên mong muốn, Phật sẽ hiện tiền». Thế là cứ theo cái đà ấy mà đi không do dự, cũng không mấy khó khăn đối với việc phải làm.
Song vào đạo rồi, mới biết chỉ « gạt qua » thôi chưa đủ, cần vận dụng trí tuệ soi chiếu để những gì đã « gạt qua » đó không tồn động trong tiềm thức. Xem ra cái họa ngoài đời lại là cái phước trong đạo của mình.
Bù lại, người bạn tôi, vì tính cái gì cũng thành, nên rồi tính mãi. Cứ theo dòng đời mà đi không thể dừng nghỉ. Bỏ sở đoản thì dễ, bỏ sở trường rất khó. Nghèo khó hoạn nạn vậy dễ tu. Danh vọng tiền bạc đang lên, bỏ thành công không phải dễ. Kẻ bỏ được, phải nói có chủng thượng căn. Nói chủng, là nói đến cái mầm. Muốn sinh sôi nẩy nở còn cần chuyên tâm.
III. TỔNG KẾT
Phước họa ở thế gian là những hiện tượng tương đối, tương sinh. Tương đối là đối nhau. Tương sinh là sinh nhau. Vì vậy, hành thiện để có quả báo tốt là việc phải làm, nhưng không nên chấp trước vào đó. Muốn vậy ta cần có trí tuệ và định lực. Trí tuệ, để soi thấu được bản chất của vạn pháp. Định lực, mới có thể dừng đi những việc không nên làm.
Phước và họa
TKN Nguyên Hương
Khi
may mắn, vui vẻ, ta cho rằng mình có phước. Khi gặp chuyện rủi ro, bất
trắc hay đang có xung đột, ta nghĩ rằng đang gặp họa. Ai mà không từng
gặp phước và họa trong đời! Phước và họa do mình tạo ra hay ai đưa tới?
Làm sao để khi gặp phước thì giữ phước được lâu hơn, và khi đang bị họa
mà tâm vẫn bình tĩnh sáng suốt để giải quyết tốt các vấn đề hiện tại mà
không làm phát sinh những vấn đề mới?Khi còn nhỏ nghe Truyện Kiều nói vì kiếp trước vụng đường tu nên nay mới khổ “bắt phong trần phải phong trần, cho phong lưu mới được phần phong lưu.” Tôi không hiểu gì. Ai bắt phải phong trần, ai cho được phong lưu? Có một Ông Trời nào đó có quyền lực ban phúc giáng họa chăng?
Xin thưa, chẳng có ông trời nào ban phúc giáng họa cho ta cả. Cũng không phải được Chúa yêu mà có phước, bị Sa Tăng ghét nên gặp họa. Vậy Phật, thánh có thưởng phạt gì khi ta cầu cúng hay phạm thượng không? Tại sao chùa chiền lại có thờ các Ông Thiện, Ông Ác để răn đời?
Vậy ai mang phúc họa đến trong đời ta? Chính ta vậy! Phước hay họa là do tâm thức và dòng nghiệp lực chiêu cảm nên. Khi vui vẻ lạc quan, người ta tạo ra một dòng năng lượng tích cực thu hút những điều may mắn, bắt vào những sóng cùng tần số, tạo ra những duyên lành nghiệp tốt. Khi buồn khổ chán nản hay thất chí hận đời, người ta tạo ra dòng năng lượng tiêu cực chiêu cảm điều không may, rơi vào làn sóng ma mị giao thoa với những thành phần xấu xui khiến người đó hành động đem lại sự bất lợi và đau khổ cho mình, cho người.
Trong đời sống có nhiều lựa chọn, mỗi quyết định đều có ảnh hưởng lên cuộc đời mình. Với tâm thức trong sáng tỉnh táo, ta làm quyết định đúng đắn, đưa ra những lựa chọn thích hợp để có được thành công & hạnh phúc trong từng thời điểm. Khi mê muội, giận dữ hay tham lam, ghanh ghét là cho mờ mắt, ta thiếu sang suốt nên đưa ra những quyết định sai lầm, hành động không khôn ngoan, có những lựa chọn ngu xuẩn khiến gây bất lợi cho mình và cho người và kết cục là khổ đau dằn vặt.
Khi thiếu tỉnh táo và nhận thức kém, người ta có thể biến phứơc thành họa. Câu chuyện sau đây là một thí dụ điển hình cho tiến trình này. Cách đây vài năm có một người đàn ông đứng tuổi ở Luân đôn trúng xổ số Jackpot với một số tiển khủng nhiều triệu bảng Anh. Ông có một người vợ, và vợ ông có hai người con riêng, một trai, một gái. Khi bỗng dưng có được một số tiền lớn, tính vốn hào phóng, ông tặng cho những người con riêng của vợ mỗi đứa vài triệu Bảng Anh. Cô chị 19 tuổi khi có tiền thì bỏ học, ăn chơi sa đọa cùng đám bạn chỉ ưa nhảy nhót và tiệc tùng trong các vũ trường và các hộp đêm. Chẳng bao lâu cô xài hết số tiền bố dượng cho, nhưng đã quen thói ăn chơi, cô không dừng bước được. Để có tiền tiếp tục ăn chơi thâu đêm suốt sáng, cô đã bán thân, và thậm chí ăn cắp và bị đưa vào trại cải tạo nhân phẩm. Người em trai 17 tuổi thì dùng số tiền bố dượng cho vào việc hút xách tiêm chích các chất cho cảm giác thiên đường trong chốc lát. Khi hết tiền, cậu ta đã vướng vào đường dây buôn bán ma túy để được tiếp tục cung cấp những chất cho cảm giác đê mê mà cậu đã quen dùng. Chẳng bao lâu, cậu cũng bị bắt khi đang vận chuyển ma túy, và kết quả là phải vào tù. Những người trẻ tuổi này có phước mới nhận được những số tiền “trên trời rơi xuống” như vậy, nhưng do nhận thức kém, lại sống trong môi trường nhiều cám dỗ, họ đã biến phước thành họa.
Khi nhân cách hướng thượng và tâm trí sắc bén, dày dạn kinh nghiệm và biết kiên nhẫn, người ta có thể biến họa thành phước. Thiền sư Guenkaji đã từng là một doanh nhân trẻ tuổi tài ba. Ở tuổi ba muơi, ông đã tạo dựng đuợc một cơ nghiệp khá lớn và một gia đình hạnh phúc theo truyền thống Ấn giáo, tại thành phố Yangoon, nước Myanmar. Nhưng rồi một điều không may đã xảy ra, ông bị chứng thiên đầu thống hành hạ khủng khiếp. Những đêm dài mất ngủ và chứng đau nửa đầu làm ông không còn lòng dạ nào vui hưởng những tiền bạc và tiện nghi đã tạo dựng trong những năm tháng trẻ tuổi của cuộc đời. Ông đi khắp nơi, đến những thành phố nổi tiếng là văn minh và có nền y học hiện đại & phát triển nhất trên thế giới để chữa bệnh, nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Sau hơn ba năm tốn nhiều tiền của và hy vọng, ông trở lại quê nhà và tiếp tục chịu đựng những cơn đau đầu cho cảm giác như sống trong địa ngục.
Một hôm có người bạn đến cho ông hay là ngay trong cùng thành phố mà ông đang sống có một vị thiền sư Phật giáo dạy pháp thiền rất hay. Tu tập theo pháp thiền này có thể giúp nguời ta kham nhẫn được những cảm giác đau đớn trên thân mà tâm không bị ảnh hưởng như sân hận, oán trách hay trầm cảm. Thương nhân Guenka quyết định thử pháp thiền này một thời gian xem nó có giúp được gì cho mình không. Ông tìm đến gặp thiền sư U Ba Khin và xin thọ giáo tu tập dưới sự hướng dẫn của vị thiền sư này. Sau vài tuần thiền tập quán sát cảm thọ trên cơ thể, ông đã có thể kham nhẫn những cơn đau tốt hơn. Tiếp tục tu tập theo phương pháp đó, ông đã hoàn toàn làm chủ được những cơn đau trong đầu. Sau độ nửa năm, bệnh thiên đầu thống không còn hành hạ ông được nữa.
Không những vượt qua được những cảm giác khó kham nhẫn, ông còn vượt qua được tất cả nhửng cảm giác vui buồn yêu ghét vô thường của một con người bình thường. Ông vẫn sống với vợ con và tôi tớ trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi của một thương nhân giàu có & thành đạt, nhưng tâm thức ông không còn bị ràng buộc bởi những thứ đó. Với cảm giác hoàn toàn buông xả & vô chấp, ông đã là một hành giả thành tựu trên con đường phát triển tâm linh. Khi đã trở thành một thiền sư nổi tiếng, ông thường nhắc đến sự kiện bị đau đầu như một “tai nạn may mắn” trong đời. Vì những cơn bệnh khổ đó đã đưa ông đến với đời sống đạo và con đường phát triển tâm linh kỳ diệu khiến cho cuộc đời ông có một bước rẽ rất ngoạn mục, thành tựu trong cả hai thế giới vật chất và tâm linh.
Đạo Phật và Con Đường Giáo Dục Chuyển Hóa Con Người và Xã Hội
Tỳ Khưu ni Dr. Pháp Hỷ Dhammananda
Phần lớn quần chúng đến với Đạo Phật như tìm đến một tôn giáo mặc dù Đạo Phật không hoàn toàn giống như định nghĩa về tôn giáo trong các tự điển thông dụng. Vậy tôn giáo là gì? Theo từ điển, tôn giáo được định nghĩa là: “Một hình thức hay biểu hiện của hành động mà bằng cách đó con người thể hiện sự công nhận của Thượng Đế hay các năng lực siêu nhiên có khả năng can thiệp vào đời sống và vận mệnh của họ, đối với các thế lực đó người ta phải phục tùng, phục vụ và kính ngưỡng. Qua những hành động tôn giáo đó, con người bày tỏ tình cảm như kính yêu, sợ hãi, trung thành trong niềm kính sợ các năng lực siêu nhiên kia bằng cách tuyên bố niềm tin, thực hành các lễ nghi và các hội hè tôn giáo, hay bằng các hạnh kiểm thể hiện quan niệm đạo đức nào đó. Tôn giáo cũng là một hệ thống các niềm tin hay tín ngưỡng; một sự biểu hiện của lòng mộ đạo hay trung thành, như đạo đức tôn giáo, tôn giáo nhất thần hay đa thần, tôn giáo tự nhiên, tôn giáo khải mặc, vv” [1913 Webster]. Trong một điều luật gần đây của nước Úc (Recommendation 14) tôn giáo được định nghĩa như sau: “rằng định nghĩa về tôn giáo được căn cứ trên các tiêu chuẩn đã chế định trong trường hợp khoa học, cụ thể là:
- Niềm tin vào một đấng siêu nhiên, vật thể hay nguyên lý; và
- Chấp hành và tuân thủ theo kinh điển trong cách cư xử để tạo ra kết quả của niềm tin đó.
(That the definition of religion be based on the principles established in the Scientology case, namely: - belief in a supernatural Being, Thing or Principle; and
- acceptance and observance of canons of conduct in order to give effect to that belief.
(What constitutes a religion? Chapter 20; www.cdi.gov.au)
Theo những định nghĩa trên, chúng ta thấy rằng, nay phần lớn quần chúng đến với Đạo Phật là đến với một tôn giáo hay một tín ngưỡng, mặc dù tín đồ Phật giáo không gọi Phật (hay các vị Bồ Tát, Thánh chúng) là Thượng Đế, nhưng họ vẫn tin tưởng các đối tượng kính ngưỡng này có năng lực tác động, ảnh hưởng lên đời sống của con người theo một cách nào đó.Tại sao người ta cần đến một tôn giáo? Hầu hết mọi tôn giáo đều hướng dẫn người ta làm thiện, sống tốt, ăn ở nhân đức và tránh xa điều tội lỗi. Tuy nhiên quan niệm thiện ác và làm thế nào để sống tốt và tránh xa điều tội lỗi thì mỗi tôn giáo, mỗi học thuyết có những tôn chỉ và phương thức riêng. Mọi tôn giáo đều bắt đầu từ một niềm tin hay một sự tìm hiểu mà không phải bao giờ cũng có thể dùng các dữ liệu để chứng minh hay lý trí để giải thích. Cũng vậy, trong đời chúng ta gặp những con người, sự kiện mà chúng đem đến hạnh phúc, khổ đau những được và mất, những thành và bại khiến chúng ta cười, khóc, và có bao giờ chúng ta tự hỏi do đâu các hiện tượng đó có thể xẩy ra? Nếu người ta tự hỏi tại sao, người ta bắt đầu tìm kiếm một cái gì khác hơn là chỉ có thỏa mãn các nhu cầu vật chất, chỉ đi tìm các hưởng thụ thỏa mãn các dục vọng trong con người.
Khi gặp những khó khăn trắc trở trong đời sống hay thử thách chướng ngại trong tiến trình nhận thức và tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời, người ta đến với tôn giáo như một nẻo về an toàn, Chúa hay Phật trở thành những năng lục chở che, bóng mát thanh lương khi ta mỏi mệt trong sa mạc cuộc đời. Kiến thức khoa học cũng không thể giải đáp tất cả các hiện tượng trong cuộc sống, và các hình thức nghệ thuật cũng không thỏa mãn được hết các nhu cầu về thẩm mỹ, do đó người ta tìm đến con đường tâm linh hay một đời sống tôn giáo để tìm sự giải thích, tìm nơi nương tựa tinh thần và tìm những thỏa mãn tình cảm hay tâm linh.
Trong Đạo Phật con đường này bắt đầu từ sự giáo dục và chuyển hóa được sắp xếp theo một mô hình gọi là Bát Thánh Đạo bắt đầu từ Chánh kiến hay thấy biết đúng đắn, hướng đến một tầm nhận thức mới về con người và cuộc sống. Có hai yếu tố cần thiết tích cực góp phần tạo ra chánh kiến, đó là học hỏi từ người khác (paraghoso), và chiêm nghiệm đúng phương pháp (Yoniso manasikara). Bước đầu chúng ta phải học hỏi từ người khác về những gì là đúng hay sai, nên làm hay không nên làm, nên nói hay không nên nói, nên tiếp tục theo đuổi hay không nên tiếp tục như vậy, vv. Đó chính là giáo dục ở cấp độ lý thuyết, cho ta những kiến thức phổ thông về thiện – ác, đúng –sai. Trên thực tiễn, qua kinh nghiệm bản thân, chúng ta biết cái gì đem đến đau khổ, cái gì đem đến hạnh phúc, điều gì đem đến bình an, điều gì đem đến phiền toái bất an. Qua những kinh nghiệm trực tiếp đó, chúng ta biết tránh khổ đau hay phiền toái và biết tạo dựng hạnh phúc và cuộc sống ổn định, bình an.
Cũng từ những nhận thức đó, người ta cảm thấy cần phải sống có Đạo. Đạo là con đường hay cách sống theo những tôn chỉ nào đó. Mỗi tôn giáo hay chủ nghĩa, lý tưởng có những hướng dẫn riêng về cách sống trong hệ thống của mình. Cho dù chúng ta gọi nó là giới cấm, điều răn hay hiến chương hay nguyên tắc hành động, chúng đều có một mục đích chung là hướng dẫn đời sống của con nguời để họ có thể sống chung hòa hợp, cùng phát triển đến thịnh vượng, ổn định chung. Hạnh phúc hay khổ đau của mỗi người đều liên quan đến những người khác và đến những năng lực tự nhiên hay siêu nhiên mà chúng ta có thể nhìn thấy hay không nhìn thấy.
Khi những năng lực đó là vô hình, hay nằm ngoài tầm nhận thức của con người, ta có xu hướng tin vào thần linh, ma quỷ. Con người không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho những thắc mắc liên quan đến những hiện tượng, những kinh nghiệm sống mà họ đã gặp, nghe kể lại, hay đã chứng kiến. Nhiều khi những câu trả lời đó rất mơ hồ, tuy nhiên chúng vẫn có khả năng giải quyết được một số khúc mắc trong đời sống. Ví dụ như niềm tin vào nghiệp –quả trong Đạo Phật giúp con nguời chấp nhận một số hiện tượng xẩy ra trong đời sống một cách dễ dàng hơn. Một cách đơn giản nhất, định luật nghiệp –quả có thể tóm tắt là: gieo nhân gì thì gặt quả đó. Cũng như gieo hạt gì thì có cây đó, trồng ớt thì có ớt, trồng chanh thì có chanh, trồng xoài thì có xoài, vv. Gieo nhân ác thì gặt quả phản trắc, gieo nhân lành thì gặt quả ngọt, vv. Tôn giáo cũng giúp chúng ta có những khái niệm đầu tiên về thiện –ác, tốt –xấu, nên làm và không nên làm, vv để tín đồ có một phương thức hành động thích hợp với niềm tin tôn giáo của mình.
Tín đồ Phật giáo tin vào nhân quả nghiệp báo và thực hành năm giới cấm (tránh sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, say sưa nghiện ngập) như những tiêu chuẩn đạo đức tối thiểu để làm người. Họ cũng thực hành thập thiện để tạo phước đức cho đời này và đời sau. Tín đồ thiên chúa giáo thì tin vào Thượng đế và sống kính Chúa qua mười điều răn; tín đồ Hồi giáo thì tin vào Đấng Alah. Họ cũng tin vào địa ngục, thiên đường như những hình phạt hay phần thưởng cho những việc làm tốt xấu trong đời này. Tuy nhiên, những khái niệm về Thượng đế của các tôn giáo hữu thần thì không đồng nhất, và ngay cả trong một tôn giáo, niềm tin vào thần thánh cũng thay đổi theo thời gian. Vậy thì dựa vào những chuẩn mực nào để chúng ta phân biệt thiện –ác, đúng – sai?
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta thấy có những người làm ác mà vẫn sống phây phây, thành công và có quyền lực, vậy nhân quả ở đâu? Bạn có thể hỏi như vậy. Xin thưa, một người hiểu về qui luật nghiệp và quả thì không nhìn các hiện tượng một cách hời hợt bên ngoài, hay trong một thời điểm nhất định ngắn ngủi nào đó. Qui luật nghiệp quả vận hành trong tiến trình thời gian, không chỉ trong đời này mà còn trong những đời trước và đời sau nữa. Những người đạt đến thành công, của cải và quyền lực trong đời này đã tích những nhân lành trong quá khứ, hay nói theo ngôn ngữ nhà Phật, họ là những người đã tạo phước hữu lậu, nghĩa là làm phước nhưng tâm còn nhiều tham, sân, si, nên nay tuy có phước để đạt đến thành công, danh vọng hay quyền lực trong cuộc đời nhưng vì tâm còn nhiều tham, sân, si khiến họ không thỏa mãn với những thành công nhỏ nhoi, muốn có nhiều hơn, muốn quyền lực rộng lớn hơn, và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đạt được nguyện vọng của mình. Trong con mắt của người có trí thì họ đang tạo nghiệp làm tổn phước, tổn đức, nên cái phước của họ sẽ không bền vững lâu dài vậy.
Cũng có khi ta gặp người tốt nhưng nghèo hèn, và họ không sẵn sàng giẫm đạp lên người khác để có được tài sản hay thành công. Trong con mắt của người Phật tử, họ là những người đang gieo nhân lành, nhưng vì trong quá khứ không tạo phước nên nay chưa được hưởng phước báu do nhân lành tạo nên. Khi viết về nàng Kiều, Nguyễn Du đã nói: “đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.” Vậy nghiệp đó là gì mà khi đã gieo rồi thì chúng theo ta như bóng theo hình? Chữ nghiệp trong đạo Phật bao hàm những ý nghĩa rất thâm sâu để giải thích về các hiện tượng trong đời sống. Thân này do nghiệp duyên mà có, nhưng nghiệp duyên do đâu mà hình thành? Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapda), Đức Phật dạy: “Tâm dẫn đầu các hiện tượng, Tâm chủ chốt, tâm tạo tác. Nếu nói hay làm với tâm ô nhiễm, đau khổ sẽ theo ta như bánh xe lăn theo dấu chân con bò kéo xe.” “Tâm dẫn đầu các hiện tượng, Tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hay làm với tâm trong sạch, hạnh phúc sẽ đồng hành cùng ta như bóng theo hình.”(Dp. 1, 2) Chúng ta sẽ tìm hiểu đề tài này một cách thấu đáo hơn trong phần Chánh kiến.
Khác với các tôn giáo khác, Đạo Phật (ĐP) không chủ trương đi tìm Thượng Đế (TĐ) hay những năng lực siêu nhiên để giải thích các hiện tượng mà con người kinh nghiệm trong cuộc sống. Pháp mà Đức Phật thuyết giảng có mục đích là để giáo dục con người bằng cách giới thiệu một cách nhìn mới và đưa họ ra khỏi những nhân thức một chiều đã bị điều kiện hóa hay đã bị đóng khung. Pháp Phật được khéo dùng phương tiện thuyết giảng, thiết thực hiện tiền, vượt không gian và thời gian, mời gọi người ta đến để mà thấy, không phải chỉ có niềm tin. Từ sự thấy biết đó dẫn đến một mục đích, một hướng đi lên trong cuộc sống mà mọi người phải tự mình trải nghiệm.
Con đường giáo dục trong Phật giáo bắt đầu từ Chánh Kiến hay thấy biết đúng đắn. Chánh kiến hay THẤY biết đúng đắn thuộc về trí tuệ. Nó bao gồm sự hiểu biết về nhân quả, nói chung là nghiệp. Nghiệp là hành động trong quá khứ và hiện tại và tiến trình đưa đến kết quả trong hiện tại và trong vị lai. Hành động như thế nào thì được gọi là tạo nghiệp? Những hành động qua thân, khẩu, ý (tam nghiệp) đến từ một cái tâm trong sáng, thanh tịnh, không gây đau khổ cho mình, cho nguời khác hay cho cả hai bên thì được gọi là nghiệp lành hay tịnh tam nghiệp. Nghiệp bất thiện là những hành động qua thân, khẩu, ý mà chúng đem đến kết quả đau khổ cho mình, cho người hay cho cả hai. Trong kinh điển nguyên thủy, Đức Phật dạy về ba loại tạo nghiệp là: phước hành (puññābhisaṅkharā), phi phước hành (Apuññābhisaṅkharā), và bất động hành (Anejnābhisaṅkharā).
Trong đó hầu hết các hành động của chúng ta thuộc về hai loại đầu, tức là hành động tạo phước (làm phúc) hay hành động làm tổn phước (gây họa) của chúng sinh. Phước hành cũng có hai loại, là phước hữu lậu và phước vô lậu [lậu là dịch từ tiếng Pali āsava, bao gồm dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu; tức là làm phước mà mong muốn kết quả, chấp vào phước như một sự sở hữu của bản ngã, và thiếu hiểu biết về Tứ diệu Đế; phước vô lậu là những hành động tốt đẹp, thiện lành mà không có mong cầu kết quả, không xem như sở hữu vì hành giả đã thấu đạt về Khổ, Tập, Diệt, Đạo]. Bất động hành là các nghiệp thân, khẩu ý đã tạm thời dừng lại trong thiền định.
Phước hành như bố thí (làm từ thiện) cúng dường (dāna), giữ giới (sīla) không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm bội tín, không dối trá tráo trở, không nói những lời chửi rủa mắng nhiếc xúc phạm người khác, không tám chuyện gây xích mích chia rẽ, không nói lời nhảm nhí vô nghĩa, không uống rượu hay nghiện ngập các chất kích thích độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe và trí minh mẫn. Phước hành cao thượng hơn nữa là phát triển tâm (bhāvanā) hay tu tập hành thiền để tâm tư được nhẹ nhàng thanh thản, vượt ra ngoài những điên đảo mộng tưởng của thế giới phiền não và lo lắng căng thẳng.
Những việc làm từ thiện là mở rộng tấm lòng mình quan tâm chia sẻ với những chúng sinh kém phước hơn mình. Nếu như trước đây mình chỉ quan tâm lo cho chính mình hay với gia đình mình mà thôi, nay người biết đạo biết quan tâm chia sẻ đến những người khác không phải là thân thiết hay có liên hệ huyết thống với mình. Đây là hành động từ bỏ tính ích kỷ cố hữu của kẻ vô minh phàm phu, là bước thứ nhất trên con đường tu Phật. Bố thí có nhiều cấp độ, từ dễ đến khó. Tài thí là xả bỏ tài sản, tiền bạc, thức ăn, chỗ ở, thuốc men, y phục, vv vì lợi ích an vui của người khác. Khó hơn là bố thí các bộ phận cơ thể cho người khác, và khó nhất là xả bỏ sinh mạng của mình vì lợi ích và sự an vui của người khác. Pháp thí là giáo dục, hướng dẫn người khác để họ có được chánh kiến, biết bỏ ác làm lành, sống lương thiện vì lợi ích an vui của mỗi cá nhân, gia đình và của cả cộng đồng. Vô úy thí là sống đời sống vô hại (sīla), không tổn thương đến bất cứ chúng sinh nào, lại có khả năng đem lại niềm tin và sức mạnh nội tâm cho người khác.
Một thời, Đức Phật ở tịnh xá Kỳ viên được cúng dường bởi ông Cấp Cô Độc, có một vị thí chủ tên là Velukandaki Nandamata cúng dường đếnTăng chúng dẫn đầu bởi các vị thượng thủ là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên. Do nhân duyên này, Đức Phật ban bố pháp thoại liên quan đến việc cúng dường đúng pháp để đem lại lợi ích lớn. Thế Tôn dạy:
“Chư Tỳ kheo, có ba thành tố của người cho và ba thành tố của người nhận (làm cho việc bố thí cúng dường đem lại lợi ích lớn). Thế nào là ba thành tố của người cho? Ngay cả trước khi cho, người đó có tâm hoan hỷ, khi đang cho tâm lại hoan hỷ, và sau khi cho, tâm lại càng hoan hỷ. Đó là ba phẩm chất của người cho. Thế nào là ba thành tố của người nhận? Người nhận không còn tham, không còn sân, không còn si. Đó là ba phẩm chất của người nhận khiến cho việc cúng dường có quả phước lớn. Đó là sáu thành tố khiến cho việc bố thí cúng dường có được sáu thành tố tốt đẹp.
Chư tỳ kheo, thật không dễ để tính toán những phước báu có được nhờ sự bố thí cúng dường đầy đủ sáu thành tố trên. Đó là phước báu đem đến hạnh phúc an lành ở cõi người và cõi trời, …như nước trong biển lớn không thể đo lường bằng bình lọ nhỏ to, cũng vậy là phước báu tốt đẹp mà phước thí có đầy đủ sáu thành tốt trên trở thành vĩ đại, to lớn không thể tính toán được.”
Tự mình nấu nướng cúng dường
Vật thực tài thí đến hàng thánh nhân
Người khôn dâng với tín tâm
Tái sinh trong cảnh thanh nhàn phước duyên. [AN 6].
Phát triển (bhāvanā) hay tu tập tâm là một phước thiện cao thượng hơn bất cứ loại bố thí nào. Trong Đạo Phật có những pháp tu để phát triển tâm hồn khiến cho con nguời trở nên cao thượng và tốt đẹp hơn. Niệm Phật hay nhớ nghĩ đến những phẩm chất cao thượng tốt đẹp của chư Phật (BUDDHA, các bậc đã giác ngộ) khiến cho tâm hồn hân hoan, tín tâm tăng trưởng. Khi có tín tâm, người ta thích làm phước, bố thí cúng dường với sự buông xả sự keo bẩn ích kỷ. Khi giữ giới, người Phật tử phát triển tâm từ bi, thương tưởng đến sự an vui và hạnh phúc của những chúng sinh khác, không nỡ hại ai vì biết rằng mọi chúng sinh đều có thức tánh biết sợ hãi khổ đau khủng bố như mình. Như vậy giữ giới là phát triển tâm bình đẳng đối với các chúng sinh cũng như đối với sinh mạng và sự an vui của chính mình. Khi tu tập tâm từ, hành giả loại trừ được tâm sân hận, oán cừu và thù địch, đối xử với tất cả chúng sinh như bạn bè thiện hữu. Khi tu tập tâm bi, hành giả phát triển tâm vô hại, loại trừ được sự độc ác muốn trả thù cho bõ ghét. Khi tu tập tâm hỷ, hành giả phát triển tâm vui vẻ trước thành công và hạnh phúc của nguời khác, loại trừ được tâm ghanh tỵ đố kỵ không muốn ai hơn hay bằng mình. Khi tu tập tâm xả, hành giả phát triển tâm vô tham, vô ưu, tránh được sự thiên vị với những gì đáng yêu dễ thương bằng lòng, hay ác cảm với những gì không phù hợp. Tu tập tâm xả là để cắt đứt với những dính mắc ràng buộc do yêu –ghét, thích – không thích, bằng lòng – trái ý đem lại.
Tâm của chúng ta cần được phát triển để có thể sống bình an và hạnh phúc hơn, để chúng ta có thể chấp nhận những đổi thay bất như ý trong cuộc đời. Cái tâm lăng xăng, lo lắng, suy nghĩ lan man, nuôi dưỡng những tư tưởng độc hại như thù hận, ghanh tỵ, đố kỵ, vv là cái tâm chưa phát triển. Trong Kinh Pháp Cú, Đức Phật nói một cái tâm chưa phát triển là kẻ thù tệ hại nhất của chính mình, vì cái tâm đó đã, đang và sẽ xui khiến mình làm những việc đem đến sự tai hại (tổn đức, gây họa, phi phước hành) cho mình và người. Đó là khi Nguyễn Du mô tả: “Ma đưa lối quỉ đưa đường, chỉ tìm những chốn đoạn trường mà đi.”
Khi tâm thức đã được phát triển người ta biết điều gì nên nuôi dưỡng (chánh tư duy), và điều gì không nên nuôi dưỡng (tà tư duy) trong tâm. Người đã học đạo và tu tâm thì không nuôi dưỡng những tư tưởng độc hại làm khổ mìn, làm khổ người, làm khổ chúng sinh. Những ý tưởng nào khi nó sinh khởi làm cho tâm vọng động, khuấy động phiền não nghiệp chướng thì hành giả không để cho nó phát triển, không để cho nó sai sử. Những ý tưởng nào khi sinh khửi làm cho tâm hành giả an ổn, đem lại cảm giác bình an, dễ chịu mà không hại đến ai, thì cần được phát triển, làm cho tăng trưởng, lớn mạnh. Một tâm thức đã được huấn luyện, đã được tu tập viên mãn là nơi nương nhờ, là người bạn tốt nhất màkhông ai, dù cha, dù mẹ, dù vợ, hay chồng hay con cái bạn bè có thể sánh bằng.
Trong cuộc đời, những trả vay luân lưu khiến chúng ta gặp gỡ chung sống với những hạng người khác nhau. Có người đem đến niềm vui và hạnh phúc cho ta, nhưng cũng có người đem đến buồn khổ hay lợi dụng ta. Có người giúp ta và cũng có nguời hại ta. Có người dạy ta và cũng có nguời cần ta nâng đỡ động viên an ủi khi họ thất cơ lỡ vận. Trong trường đời có những thử thách, có những bài học khiến cho ta trưởng thành hơn. Nếu gặp thử thách ta bỏ cuộc thì không bao giờ tiến lên được. Nếu gặp những người không tốt với ta, ta sinh tâm oán thù tiêu cực thì không bao giờ thực sự trưởng thành và mạnh mẽ được. Những ai khiến cho ta thể hiện được nhiều phẩm chất tốt đẹp hay khám phá ra kho báu tiềm tàng trong ta chính là người mà ta nên gần và cảm ơn nhất.
Thay vì đi tìm TĐ (God) hay chân ngã (Ātman = Brahma), Đạo Phật dạy chúng ta phải quay về với chính mình để thấy được bản chất của đời sống đang hiện hữu trong ta và quanh ta. Bản chất của đời sống này bao gồm những mặt khác nhau trong mỗi con người và những nhu cầu khác nhau trong mỗi nguời. Trí tuệ trong Đạo Phật chính là thấy được sự hình thành và tan rã của các mặt hiện hữu này trong ta và quanh ta. Cách đây gần một ngàn năm thiền sư Vạn Hạnh đã nói: “Thân như ánh chớp có rồi không; như cỏ cây xanh trong mùa xuân, héo úa vào cuối thu. Thấu hiểu qui luật thịnh suy, tâm không xao động; thịnh suy như hạt sương mai trên ngọn cỏ bên đường.” [i]
[i]
Trong kinh điển nguyên thủy cũng có một câu kệ tương tự: Khi trí tuệ
quán chiếu, thấy hữu vi vô thường (khổ, vô ngã), liền thoát ly khổ não,
đó là thanh tịnh đạo.
-
Thiên Tai Thảm Họa Và Môi Trường, 1/2-Thích Phước Tiến
Thiên Tai Thảm Họa Và Môi Trường, 1/2-Thích Phước Tiến Thiên tai là hiệu ứng của một tai biến tự nhiên (ví dụ lũ lụt, (bão) phun ... -
Thiên Tai Thảm Họa Và Môi Trường 2/2-Thích Phước Tiến
Thiên Tai Thảm Họa Và Môi Trường 2/2-Thích Phước Tiến. -
Thiên Tai và Thảm Họa Môi Trường 1-3
Thiên Tai và Thảm Họa Môi Trường 1-3. -
Thiên Tai, Thảm Hoạ và Môi Trường - ĐĐ Thích Phước Tiến ( có Phụ Đề ...)
Đề tài : " Thiên Tai, Thảm Hoạ và Môi Trường " do ĐĐ Thích Phước Tiến thuyết giảng và phần cuối có Lời Nhắn Nhủ của Hoà ... -
Thiên Tai + Thảm Họa và Môi Trường (VCD2)
Đại Đức: Thích Phước Tiến. -
Thiên Tai và Thảm Họa Môi Trường 2-3 - www.thuvienphatgiao.org
Thiên Tai và Thảm Họa Môi Trường 2-3 - www.thuvienphatgiao.org. -
Thiên Tai và Thảm Họa Môi Trường 3-3 - www.thuvienphatgiao.org
Thiên Tai và Thảm Họa Môi Trường 3-3 - www.thuvienphatgiao.org. -
Vấn đề bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai
Biến đổi khí hậu làm tăng tính khốc liệt của thiên tai, tác động tiêu cực tới đa dạng sinh học và làm trầm trọng thêm vấn đề ô ... -
Ăn Chay, Sức Khoẻ và Môi Trường :: ĐĐ. Thích Phước Tiến
Ăn Chay, Sức Khoẻ và Môi Trường :: ĐĐ Thích Phước Tiến * playlist của Thầy Phước Tiến ... -
ĐĐ. THÍCH-PHƯỚC-TIẾN - Đề tài: Học Và Hành (Phần 1/2)
http://www.youtube.com/watch?v=A2yQF-lRkrA (Phần 2/2) Người giảng: Đại Đức Thích Phước Tiến, giảng tại CHÙA ẤN QUANG, ... -
Thiên Đường Và Địa Ngục - Phần 2/3-Thích Phước Tiến
Thiên Đường Và Địa Ngục - Phần 2/3-Thích Phước Tiến Thiên đường là một cõi dành cho những ai đã tạo được nhiều hành ... -
Bệnh! Nỗi Lo Và Niềm Đau Phần 1/2-Thích Phước Tiến
Bệnh! Nỗi Lo Và Niềm Đau Phần 1/2-Thích Phước Tiến Đã là con người trên cuộc đời này, chưa bao giờ ai nói là mình không có ... -
Tình Yêu Hạnh Phúc Và Oan Trái - Phần 1/2 - Thích Phước Tiến
Tình Yêu Hạnh Phúc Và Oan Trái - Phần 1/2 - Thích Phước Tiến Tình yêu là hạnh phúc và khổ đau, là lòng tin và sự phản bội, ... -
Thiên Đường Và Địa Ngục - Phần 3/3-Thích Phước Tiến
Thiên Đường Và Địa Ngục - Phần 3/3-Thích Phước Tiến Thiên đường là một cõi dành cho những ai đã tạo được nhiều hành ... -
Kinh Trung Bộ 103: Nghệ thuật hoà giải - Phần 1/2 - Thích Nhật Từ
Kinh Trung Bộ 103: Nghệ thuật hoà giải - Phần 1/2 - Thích Nhật Từ. Thầy Thích Nhật Từ giảng Kinh Như Thế Nào 103. (Chùa Xá ... -
moi truong 2
- HD
No comments:
Post a Comment