Chánh niệm và sức khỏe
Muốn
hiểu chữ chánh niệm, chúng ta có thể hiểu qua chữ “mindfulness” mà
nghĩa đen chỉ giản dị là “để hết tâm trí vào” một chuyện gì đó, hay nói
một cách văn hoa hơn là “sống trong hiện tại”, chú ý hết mình vào sự
kiện, con người, vật chất chung quanh ta ngay phút giây hiện tại, thay
vì lơ đãng nghĩ đến những chuyện khác trong quá khứ hoặc tương lai.
B.S Nguyễn Thị Nhuận
Trong
vòng 30 năm nay, chữ “chánh niệm” (được dịch ra tiếng Anh là
“mindfulness”) đã trở thành quen thuộc đối với người Âu Mỹ, nhờ vào công
phu của nhiều vị tu hành đức độ, truyền bá những khái niệm của đạo Phật
vào những miền đất xưa nay không có truyền thống Phật. Những danh từ
Phật học đa số là tiếng Hán Việt nên thường khó hiểu đối với người Việt,
dù có thể được nói đến hằng ngày, thí dụ như chữ “chánh niệm” hay chữ
“vô thường”. Nay vì có nhu cầu cho người Âu Mỹ học Phật, những danh từ
Phật học đa số đều đã được dịch ra tiếng Anh nên đã giúp cho nhiều Phật
tử hiểu được ý nghĩa những danh từ này dễ dàng hơn. Muốn hiểu chữ chánh
niệm, chúng ta có thể hiểu qua chữ “mindfulness” mà nghĩa đen chỉ giản
dị là “để hết tâm trí vào” một chuyện gì đó, hay nói một cách văn hoa
hơn là “sống trong hiện tại”, chú ý hết mình vào sự kiện, con người, vật
chất chung quanh ta ngay phút giây hiện tại, thay vì lơ đãng nghĩ đến
những chuyện khác trong quá khứ hoặc tương lai.
Chánh
niệm hay “sống trong hiện tại” có ích gì cho sức khỏe nhân loại? Nhiều
người có thể nghĩ rằng chánh niệm là chuyện tâm linh, làm sao có thể
giúp ích cho sức khỏe. Nhưng hiện nay, người ta đã ý thức được rằng sức
khỏe thể lý gắn liền với sức khỏe tâm linh, một khi tâm trí an lạc thì
thân thể cũng sẽ khỏe mạnh hơn.Trong một buổi thuyết giảng đạo Phật, một
thí dụ đã được đưa ra mà tôi muốn nhắc lại ở đây. Người Âu Mỹ vốn tính
năng động hơn người Á Đông, lúc nào cũng loay hoay đi tìm cách giải
quyết những vấn đề trong đời sống của họ, một đời sống tuy rất thoải mái
no đủ về phương diện vật chất nhưng quá thiếu thốn về tinh thần khiến
bệnh tâm thần tràn lan khắp nơi. Đột nhiên, họ nghe một vị thiền sư nhắc
nhở: “Breathe! You are alive!” (Hãy thở đi! Bạn đang sống!). Chỉ cần
dồn “chánh niệm” vào hơi thở, người ta sẽ bớt đi những ý nghĩ tràn lan
trong óc và trở nên an bình hơn. Những người Mỹ bắt đầu cảm thấy sự mầu
nhiệm của “mindfulness” hay “chánh niệm”.Nhưng nói thì dễ, làm thì khó.
Chúng ta hầu hết đã có thói quen “nghĩ nhiều chuyện một lúc”, thậm chí
còn lấy làm hãnh diện có thể “multitasking” tức làm nhiều chuyện một
lúc, do đó khó có thể dồn hết tâm ý, chánh niệm vào một thứ. Vì thế
chúng ta cần phải thực tập nhiều thì mới có thể tập được thói quen
“chánh niệm” để có thể có nhận thức rõ hơn về thế giới xung quanh.
Chánh niệm (mindfulness) là gì?Nói
cho rõ hơn, chánh niệm là nhận thức rõ rệt những gì chúng ta đang nhận
ra và cảm xúc ở tất cả mỗi lúc sống - mà không phê phán hay giải
thích.Dành quá nhiều thời giờ để lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, mơ
mộng, suy nghĩ tiêu cực hoặc mông lung có thể làm chúng ta thấy mệt mỏi,
cạn kiệt năng lượng. Những chuyện ấy cũng có thể làm chúng ta căng
thẳng, lo lắng và trầm cảm. Thực tập chánh niệm, mặt khác, có thể giúp
chúng ta không để tâm vào những suy nghĩ trên để tiếp cận ngay với thế
giới xung quanh.
Những lợi ích của chánh niệm: Thực hành các bài tập chánh niệm có thể có nhiều lợi ích: Giảm căng thẳng, lo âu và trầm cảm, ít suy nghĩ tiêu cực và mất tập trungTâm trạng trở nên thoải mái hơn
Các bài tập chánh niệm: Có rất nhiều cách để thực tập chánh niệm:
1.Chú
ý.Khi gặp một ai đó, hãy chăm chú lắng nghe lời nói của họ. Hãy suy
nghĩ về ý nghĩa và sự độc đáo của những lời nói ấy. Hãy tập thói quen
tìm hiểu rõ người khác, khoan phán đoán và chỉ trích họ.
2.Làm
mới những thứ đã quen.Tìm một số đồ vật quen thuộc trong nhà hoặc văn
phòng của mình - chẳng hạn như bàn chải đánh răng, trái táo hoặc điện
thoại di động. Nhìn vào các đồ vật này với con mắt mới. Tìm ra một chi
tiết mới về mỗi đồ vật mà trước kia ta không nhìn thấy. Khi ý thức hơn
về thế giới chung quanh, ta sẽ thấy yêu thích và quyến luyến những thứ
này hơn.
3.Tập
trung vào hơi thở.Tìm một chỗ yên tĩnh, ngồi thẳng lưng và thoải mái.
Buông xả hoàn toàn, thư giãn tối đa tất cả những bộ phận cơ thể. Có thể
thư giãn lần lượt từ đầu xuống chân rồi thở ra một hơi nhanh để buông
thả tất cả người. Cảm nhận hơi thở di chuyển vào ra. Chú ý hoàn toàn vào
hơi thở của mình mà thôi, không để tâm đến bất cứ chuyện gì khác. Theo
dõi sự phập phồng của lỗ mũi khi không khí vào ra. Theo dõi phần bụng
phình xẹp cùng hơi thở. Dù cố gắng, nhiều lúc chúng ta sẽ thấy trí óc
mình buông bỏ hơi thở để chú ý chuyện khác. Khi ý thức được tâm trí đang
lang thang như vậy, chỉ nhẹ nhàng chuyển hướng để trở lại với hơi thở.
Không tự phê phán, thí dụ như tự nhủ “Mình tệ quá, không chú tâm được.”
Hãy nhớ rằng mình không đang cố gắng để trở thành bất cứ cái gì - chẳng
hạn như thành một thiền giả tốt. Chúng ta chỉ đang thực tập để nhận thức
rõ những gì đang xảy ra chung quanh, từng hơi thở một.
4.Đánh
thức những giác quan.Lấy một trái quýt. Tìm một chỗ yên tĩnh, ngồi
thẳng lưng và thoải mái. Buông xả hoàn toàn, thư giãn tối đa tất cả
những bộ phận cơ thể. Có thể thư giãn lần lượt từ đầu xuống chân rồi thở
ra một hơi nhanh để buông thả tất cả người. Nhìn kỹ trái quýt, quan sát
mầu da quýt tươi đẹp, cảm nhận cái bóng láng trơn tru của da trái quýt,
tưởng tượng vị ngọt của quýt khi ta ăn nó.... Bóc vỏ trái quýt, cảm
nhận hương thơm của nó khi tinh dầu trong vỏ quýt bay ra. Cắn một múi
quýt, nhai chậm rãi và nhận thức tất cả những cảm giác khi ăn quýt, từ
mùi thơm đến hương vị và cảm giác ăn ngon. Chú ý đến sự thúc đẩy của cơ
thể khiến mình muốn ăn thật nhanh và nuốt hết múi quýt ngay, những cảm
xúc phát sinh ra khi ăn. Chú ý tới các giác quan và phản ứng của cơ thể
với trái quýt có thể làm lộ ra cái nhìn sâu sắc đối với mối quan hệ của
mình và chuyện ăn uống và thực phẩm.
Khi nào nên thực tập chánh niệm?
Khi
nào tập chánh niệm thì cũng còn tùy vào loại thực tập nào ta muốn làm,
ví dụ, nếu muốn tập chú tâm hoàn toàn vào lời nói của người khác, ta có
thể thực tập bất cứ lúc nào trong ngày. Mới thức dậy, mình có thể nói
chuyện và chú tâm ngay đến lời nói của người bạn đời. Cũng vậy, ta có
thể thực tập vào lúc bắt đầu cuộc họp với một đồng nghiệp, hoặc trong
bữa ăn tối với bạn bè hoặc gia đình. Tuy nhiên, tránh thực hành bài tập
kiểu này trong khi lái xe. Có thể đặt mục tiêu là thực hành trong vòng
15 đến 20 phút, 4-8 lần mỗi ngày. Đối với các bài tập chánh niệm khác,
chẳng hạn như tập trung vào hơi thở, ta sẽ cần phải dành thời gian để có
thể ở một nơi yên tĩnh mà không bị phiền nhiễu hoặc gián đoạn. Có thể
chọn thực tập vào buổi sáng sớm, trước khi bạn bắt đầu những hành động
quen thuộc hàng ngày.Đặt mục tiêu là thực hành chánh niệm mỗi ngày trong
khoảng sáu tháng. Theo thời gian, ta có thể thấy rằng chánh niệm trở
nên dễ dàng và chánh niệm là một cam kết để nuôi dưỡng và kết nối với
chính mình.
B.S Nguyễn Thị Nhuận
Chánh niệm
Chánh niệm
hay chính niệm (zh. 正念, pi. sammā-sati, sa.
samyak-smṛti, bo. yang dag pa`i dran pa ཡང་དག་པའི་དྲན་པ་): Chánh niệm là
một trong tám chi phần quan trọng của Bát chánh đạo,
là sự ý thức, sự có mặt của tâm ý một cách trọn vẹn, tự chủ và sáng tỏ
ngay trong mỗi giây phút của hiện tại, bây giờ và ở đây . Chánh niệm là
khả năng ý thức được những gì đang có mặt, đang xảy ra. Trong Phật giáo,
chánh niệm là trái tim của thiền tập, là nguồn năng lượng quán chiếu
không thể thiếu của một thiền giả; là cột trụ, là cốt tủy trong đạo
Phật. Dù tu theo bất cứ pháp m
Tứ diệu đế (zh. 四妙諦, sa. catvāry āryasatyāni, pi. cattāri ariya-saccāni, bo. bden pa bzhi བདེན་པ་བཞི་),
cũng gọi là Tứ thánh đế (zh. 四聖諦), là bốn chân lí cao cả, là gốc cơ bản của Phật giáo. Tứ diệu đế là nội dung của kinh nghiệm giác ngộ của Phật Thích-ca Mâu-ni, và cũng là nội dung chính của bài kinh đầu tiên, kinh Chuyển pháp luân.
Thực Chất Tứ Diệu Đế là một phương pháp đủ cả hai "lý thuyết và thực hành", đưa hành giả tới giác ngộ giải thoát. Tứ Diệu Đế đòi hỏi có sự tu tập thực hành trong cuộc sống hàng ngày, Nếu chỉ lý thuyết chỉ là giả thuyết.
Hiện nay giáo lý Tứ Diệu Đế là cốt lõi quan trọng nhất đã được tất cả các Tông phái công nhận như là điểm chung đồng và thuần túy nhất của đạo Phật.
- Thông suốt được những điểm giáo lý này có thể được xem như đã thâm nhập toàn bộ con đường giác ngộ giải thoát của Ðức Phật.
Thuyết Duyên khởi (zh. 縁起, sa. pratītyasamutpāda, pi. paṭiccasamuppāda, bo. rten cing `brel bar `byung ba རྟེན་ཅིང་འབྲེལ་བར་འབྱུང་བ་), cũng được gọi là Nhân duyên sinh (zh. 因縁生), và vì bao gồm 12 thành phần nên cũng có tên khác là Thập nhị nhân duyên (zh. 十二因縁, sa. dvādaśanidāna, dvādaśāṅgapratītyasamutpāda, bo. rten `brel yan lag bcu gnyis རྟེན་འབྲེལ་ཡན་ལག་བཅུ་གཉིས་), là một trong những giáo lí quan trọng nhất của đạo Phật. Thuyết này chỉ rõ là mọi hiện tượng tâm lí và vật lí tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ
với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một
yếu tố khác, làm thành một vòng với mười hai yếu tố. Các yếu tố này làm
loài hữu tình cứ mãi vướng mắc trong Luân hồi (sa., pi. saṃsāra). Pháp Duyên Khởi
.Ðây là bài pháp rất cao siêu, có khả năng đánh tan mọi tà kiến, giúp
người tu Phật đặt niềm tin vững chắc vào cứu cánh — Niết bàn giải thoát,
các bạn có thể hiểu rõ lí Duyên Khởi sau khi xem cuốn chú giải về Duyên
Khởi của ngài Mahàsi Sayadaw tại đây. Giáo lí duyên khởi được ghi lại trong kinh như sau (Chân Nguyên dịch Pāli-Việt):
- Imasmiṃ sati, idaṃ hoti; imass`uppādā, idaṃ uppajjati; imasmiṃ asati, idaṃ na hoti; imassa nirodhā, idaṃ nirujjhati. (MN II.32, SN II. 28)
- Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt.
Duyên khởi và Vô ngã (zh. 無我, sa. anātman, pi. anattā)
là hai giáo lí làm rường cột cho tất cả các tông phái Phật giáo. Các
nhân duyên (nguyên nhân chính và điều kiện phụ) này gồm có 12 yếu tố.
Vô thường
(無常; sa. anitya; pi. anicca) nghĩa là "không chắc chắn", "thay đổi", "không trường tồn". Vô thường là một trong ba tính chất (Tam pháp ấn, sa. trilakṣaṇa)
của tất cả sự vật. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có
điều kiện, tức là thành, trụ, hoại không (sinh, trụ, dị, diệt) . Từ tính
vô thường ta có thể suy luận ra hai đặc tính kia là Khổ (sa. duḥkha) và Vô ngã (sa. anātman).
Giáo lý vô thường rất quan trọng cho toàn cơ sở triết lý và thực hành trong Phật giáo. Nó mang đến một sự xác nhận như một sự phát hiện chân chính, đó là tất cả những hiện tượng – dù thuộc tâm lý,
hay thuộc ngoại cảnh tự nhiên, không có ngoại hạng – đều là vô thường.
Mặc dù chân lý này hoàn toàn hiển nhiên, có thể chứng nghiệm được mọi
nơi, mọi lúc, nhưng chúng ta vẫn bị màn vô minh (sa. avidyā)
vây phủ, không nhận thức được chân lý này một cách chân chính. Sự
chuyển tiếp từ trạng thái không hiểu biết đến trạng thái ý thức (và thừa
nhận) tính chất vô thường của vạn vật, cùng với sự thừa nhận hai tính
chất kia, lập nên con đường tu học, và con đường này được Phật vạch ra trong giáo lý của mình.
Khổ (zh. 苦, sa. duḥkha, pi. dukkha) là một khái niệm quan trọng của Phật giáo, là cơ sở của Tứ diệu đế. Khổ là một trong ba tính chất của sự vật.
Không phải chỉ là những cảm thụ khó chịu mới là Khổ; Khổ dùng để chỉ tất cả mọi hiện tượng vật chất và tâm thức, xuất phát từ Ngũ uẩn, chịu dưới quy luật của sự thay đổi và biến hoại. Như thế tất cả những điều an lạc đang có cũng là khổ vì chúng sẽ hoại diệt. Khổ xuất phát từ Ái (sa. tṛṣṇā) và con đường thoát khổ là Bát chính đạo.
Chân lí thứ nhất của Tứ diệu đế nói về tính chất của khổ như sau: Sinh
là khổ; già là khổ; bệnh là khổ; chết là khổ; lo lắng, than thở, buồn
rầu, tuyệt vọng là khổ; không đạt gì mình ưa thích là khổ; nói tóm lại:
mọi thứ dính líu đến Ngũ uẩn là khổ." (sanh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn xí thạnh khổ.)
Vô ngã
(無我, sa. anātman, pi. anattā), là một trong Ba tính chất (sa. trilakṣaṇa) của sự vật. Quan điểm vô ngã là giáo pháp cơ bản của đạo Phật, cho rằng, không có một Ngã (sa. ātman, pi. attā),
một cái gì trường tồn, bất biến, nhất quán, tồn tại độc lập nằm trong
sự vật. Như thế, theo đạo Phật, cái ngã, cái "tôi" cũng chỉ là một tập
hợp của Ngũ uẩn (sa. pañcaskandha), luôn luôn thay đổi, mất mát và, vì vậy, "tôi" chỉ là một sự giả hợp, gắn liền với cái Khổ.
Trung đạo (zh. zhōngdào 中道, ja. chūdō, sa. madhyamāpratipad, pi. majjhimāpaṭipadā)
là từ được dùng chỉ chung các phương pháp giảng dạy của Phật Thích-ca
Mâu-ni, là người tránh những cực đoan trong cách tu học—như buông thả
theo dục lạc và sống khổ hạnh tuyệt đối.
Trong Tiểu thừa, Bát chính đạo
được xem là Trung đạo vì thực hành Bát chính đạo, hành giả vừa xa lánh
đời sống dục lạc và đời sống khổ hạnh, thoát khỏi Khổ. Thái độ này được
Phật miêu tả như sau trong kinh Chuyển pháp luân (Thích Minh Châu dịch):
- “Này các tỉ-khâu, có hai điều thái quá, người xuất gia không nên theo. Thế nào là hai? một là mê đắm dục lạc, hạ liệt, phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Hai là tu khổ hạnh, khổ đau, không xứng Thánh hạnh, không thiệt lợi đạo. Này các tỉ-khâu, chính nhờ từ bỏ hai điều thái quá này, Như Lai giác ngộ trung đạo, con đường đem đến pháp nhãn, trí huệ đưa lại an tịnh, thượng trí, chứng Niết-bàn.
- Này các tỉ-khâu, Trung đạo do Như Lai giác ngộ, đem đến pháp nhãn, trí huệ đưa lại an tịnh, thượng trí, giác ngộ, Niết-bàn là gì? Chính là Bát chính đạo: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định”.
Trung đạo cũng được dùng để chỉ giáo pháp Trung quán của Long Thụ,
là môn phái không chấp nhận một đối cực nào của mọi phân cực. Trung đạo
ở đây là thái độ từ bỏ hai quan điểm cực đoan thế giới là trường tồn
hay hoại diệt, thế giới là có (hữu) hay không có (vô). Trong Trung quán tông, Trung đạo được trình bày rõ nhất với quan điểm tám phủ nhận (bát bất) của Long Thụ:
- Không diệt, không sinh, không đứt đoạn, không thường còn, không là một, không đa dạng, không đến, không đi ||
Trong Duy thức tông,
Trung đạo được hiểu là vừa không xem sự vật tồn tại thật sự (vì sự vật
thật tế không hề tồn tại), vừa cũng không cho rằng sự vật không hề có
(vì sự vật tồn tại đối với ảo giác tâm lí). Theo Thiên Thai tông, Trung
đạo là sự nhận thức rằng, mọi sự vật trống rỗng, chúng không có một thật
thể độc lập, nhưng đồng thời chúng có giá trị nhất định, tạm thời—vì
chúng là những trình hiện nên có một thọ mệnh nhất định. Sự tổng hợp
giữa tính Không (sa. śūnyatā) và thế giới hiện tượng chính là Trung đạo đích thật—theo tông này.
Tính Không trong Phật giáo Tây Tạng
Tại Tây Tạng, quan điểm tính Không cũng đóng một vai trò quan trọng
trong khi truyền giáo lí Trung quán qua xứ này. Luận sư Ấn Độ Liên Hoa Giới (sa. kamalaśīla)
và Hòa thượng Đại Thừa, đại diện của Thiền tông Trung Quốc tranh luận
nhau, liệu con đường giác ngộ chân lí phải qua từng cấp bậc (Tiệm ngộ) hay chỉ là một trực nhận bất ngờ (Đốn ngộ).
Cuối cùng, tại Tây Tạng, người ta chấp nhận con đường “từng cấp” và vì
thế kể từ khoảng thế kỉ 11, người ta bắt đầu thiết lập nhiều phép tu và
quan niệm triết học về tính Không, còn được ghi lại trong những tác phẩm
gọi chung là Tất-đàn-đa (sa. siddhānta). Tất cả mọi trường phái của Trung quán đều lấy quan điểm “hai chân lí” của Long Thụ làm gốc:
- Chân lí quy ước (sa. saṃvṛti-satya), có giá trị trong đời sống bình thường, có giá trị cho các hiện tượng do duyên khởi tạo nên, nhưng chúng không tồn tại thật sự;
- Chân lí tuyệt đối (sa. paramārthasatya), là tính Không, là thể “nằm ngoài tồn tại hay không tồn tại”, là thể không thể nghĩ bàn, chỉ có thể thông đạt được qua sự trực nhận.
Tất cả các điểm khác nhau giữa các phái thuộc Trung quán là hiểu thế
nào về hai chân lí đó và làm sao mà tiếp cận, trực ngộ được tính Không.
Các phép tu của Phật giáo Tây Tạng dần dần không chỉ tự giới hạn nơi
những quan điểm triết học mà còn đi sâu vào các phép Tantra để tiếp cận
tính Không. Đặc biệt là phép tu Đại thủ ấn (sa. mahāmudrā) và Đại cứu cánh chỉ rõ cho hành giả cách thể nhập kinh nghiệm về tính Không.
Đạt-lại Lạt-ma thứ 14 Đăng-châu Gia-mục-thố giảng giải tính Không theo quan điểm Phật giáo Tây Tạng như sau (Đạt-lại Lạt-ma tại Harvard, chương 10, Trí huệ):
- Trung quán tông
lấy pháp luân thứ hai làm cơ sở thành lập quan điểm triết lí. Nếu tông
này nói rằng, tất cả các hiện tượng đều không tồn tại đích thật thì đại
biểu của các trường phái khác chủ trương một cách tồn tại như thật của
các hiện tượng đều cho rằng, đây là cực biên hư vô. Long Thụ trình bày lập trường của một đối thủ trong Trung quán luận, phẩm thứ hai mươi bốn (Trung quán luận XXIV.1):
- Nếu tất cả những thứ [hiện tượng] này đều trống không, thì không có sinh, không có diệt; từ đó có thể suy ra rằng đối với các ngươi [đại biểu của Trung quán tông], Tứ thánh đế không tồn tại.
- Lập trường của đối thủ này như sau: Nếu đúng như các ngươi nói, tất cả những hiện tượng đều không tồn tại thật sự (empty of true existence) thì Tứ diệu đế không thể nào có. Nếu Tứ diệu đế không thể nào có thì Tam bảo — Phật, pháp, tăng — cũng không thể nào có. Trong trường hợp này thì tu tập trên đạo, bước nhập đạo, thành đạt đạo quả và tương tự không thể nào có. Như vậy cũng chưa xong: Nếu tất cả những hiện tượng đều trống không, vô tự tính (empty of inherent existence) thì không có sự nhận thức một hiện tượng nào đó có thể được xem là chính xác. Không có một tự tính nào đó thì không có một hiện tượng nào có thể được gọi là tồn tại.
- Long Thụ ứng đáp kháng biện này thế nào? (Trung quán luận XXIV.20)
- Nếu tất cả những thứ [hiện tượng] này không trống rỗng, thì không có sinh, không có diệt; từ đó có thể suy ra rằng, đối với các ngươi [đại biểu của học thuyết tồn tại bởi tự tính], Tứ diệu đế không tồn tại.
- Long Thụ đảo ngược luận điểm của đại biểu chấp vào tồn tại trên cơ sở tự tính thành luận điểm đối nghịch: Chính trong một hệ thống không thừa nhận Tính không của hiện tượng thì hoàn toàn không có hiện tượng nào có thể tồn tại. Sư còn nói thêm là đối thủ không hiểu ý nghĩa Tính không cách tuyệt một tự tính (emptiness of inherent existence). Như vậy, một hệ thống có quan điểm là các hiện tượng trống rỗng, vô tự tính — hệ thống này có thâm ý gì với lời trần thuật này? Cơ bản thì Tính không có nghĩa là Duyên khởi. Để chứng minh Tính không cách tuyệt một tự tính của các hiện tượng, Long Thụ đưa ra luận điểm là chúng xuất hiện trên cơ sở duyên khởi. Để chứng minh Tính không, sư không nói các hiện tượng không có khả năng thực hiện những cơ năng của chúng. Hoàn toàn ngược lại: Sư thừa nhận nguyên lí duyên khởi và lấy nó làm cơ sở để chứng minh Tính không cách cách tuyệt một tự tính của các hiện tượng. Các hệ thống khác không quan niệm một Tính không cách tuyệt một tự tính; mà hơn nữa, họ quan niệm là các hiện tượng tồn tại trên cơ sở tự tính. Nhưng nếu quả thật như vậy thì các hiện tượng phải tồn tại một cách tự lập, tự khởi không tùy thuộc — và sự việc này đối nghịch với tính hệ thuộc vào nhân duyên của chúng. Theo đó thì những hệ thống này sa lạc vào mâu thuẫn, không đảm bảo được nguyên lí duyên khởi. Nhưng, nếu nguyên lí duyên khởi không được đảm bảo nữa thì tất cả những quy định của các hiện tượng trong vòng sinh tử và niết-bàn — bất cứ tốt, xấu — đều mất giá trị. Thế nhưng, tất cả các trường phái đều nhấn mạnh giáo lí duyên khởi; họ xác nhận là những hiện tượng có ích và tai hại đều có những nguyên nhân và hậu quả đặc định. Họ không thể nào phủ định sự việc này được. Vì những sự thật hiển hiện này mà họ cũng nên xác nhận rõ ràng Tính không cách tuyệt một tự tính của các hiện tượng.
- Thế nào là "Trung"? Trung là trung dung, nằm ngoài hai cực biên trường tồn và đoạn diệt. [Như thế thì nó đích thật là khoảng giữa, nơi tồn tại của các hiện tượng.] Kinh luận trình bày chính xác ý nghĩa Trung dung như nó đích thật là được gọi là kinh luận của Trung đạo; và một tâm thức nhận biết được tính Trung dung này được gọi là Trung quán...
Với thời gian, người ta có thể nhận ra một điểm khác biệt giữa Trung
quán tông nguyên thủy và các giáo pháp Trung quán của Tây Tạng: nếu
Trung quán chỉ nói tới tính Không bằng cách phủ nhận cái “đang là” thì
các giáo phái này xem tính Không là một cái gì đó có tính chất khẳng
định (positive) có thể nắm bắt được, tính Không này mang một tính chất “rộng mở”, có một mối liên hệ với Tịnh quang (sa. ābhāsvara, ánh sáng rực rỡ, xem Na-lạc lục pháp).
Ngũ uẩn (zh. wǔyùn 五蘊, sa. pañca-skandha, pi. pañca-khandha, bo. phung po lnga ཕུང་པོ་ལྔ་), cũng gọi là Ngũ ấm (五陰), là năm (pañca) nhóm (skandha) tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái "ta".
Ngũ uẩn là:
- Sắc (zh. 色; sa., pi. rūpa), chỉ thân và sáu giác quan (hay còn gọi là lục căn, bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), do Tứ đại chủng (sa., pi. mahābhūta) tạo thành, đó là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của chúng.
- Thụ (zh. 受, sa., pi. vedanā), tức là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính.
- Tưởng (zh. 想, sa. saṃjñā, pi. saññā), là nhận biết các tri giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị..., kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện.
- Hành (zh. 行, sa. saṃskāra, pi. saṅkhāra), là những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng, ví dụ chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác. Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác...
- Thức (zh. 識, sa. vijñāna, pi. viññāṇa), bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thức phụ thuộc vào sáu căn tiếp xúc với sáu trần để hình thành nên sáu thức. Nếu không có thức người ta sẽ không phân biệt được màu sắc hay âm thanh v.v
Ngũ uẩn cũng được gọi là năm ràng buộc vì chỉ có Phật hay A-la-hán mới không bị dính mắc nơi chúng. Đặc tính chung của chúng là Vô thường, Vô ngã và Khổ. Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh nhấn mạnh đến tính Không của ngũ uẩn.
Tính chất khổ và vô thường của năm uẩn là một trong những quan điểm quan trọng nhất của Phật giáo.
Khổ xuất phát từ sự bấp bênh, không chắc thật của các uẩn đó; và con
người được tạo thành từ năm uẩn đó không gì khác hơn là một sự giả hợp, không có một cái "ta" thật sự đứng đằng sau con người đó (Vô ngã). Tri kiến về tính vô ngã của ngũ uẩn là một tri kiến rất quan trọng, nó có thể đưa đến giải thoát. Đại sư người Đức Nyānatiloka trình bày như sau về tầm quan trọng đó:
- "Đời sống của mỗi chúng ta thực chất chỉ là một chuỗi hiện tượng thân tâm, một chuỗi hiện tượng đã hoạt động vô lượng kiếp trước khi ta sinh ra và sẽ còn tiếp tục vô tận sau khi ta chết đi. Ngũ uẩn này, dù riêng lẽ từng uẩn hay hợp chung lại, chúng không hề tạo thành một cái gì gọi là cái ta. Ngoài chúng ra, không còn cái gì được gọi là một thể của cái ta độc lập với chúng, để ta tạm gọi nó là cái ta. Lòng tin có một cái ta, có một nhân cách độc lập chỉ là một ảo tưởng."
Joseph Goldstein cũng viết:
- "Cái mà chúng ta gọi là cái ta chỉ là ngũ uẩn đang hiện hành vô chủ."
- Nhân Quả (Nghiệp (Phật giáo) (zh. yè 業, sa. karma, pi. kamma, ja. gō), là thuật ngữ được dịch từ chữ karma tiếng Phạn. Karma được dịch ý là Nghiệp và cũng được phiên âm là Yết-ma, và đặc biệt có sự phân biệt giữa cách dùng (xem Yết-ma 羯磨). Nghiệp là nguyên nhân đưa tới Quả báo, cả hai tạo thành Luật Nhân-Quả tuần hoàn không dứt suốt cõi Luân hồi.
Nghiệp mang những ý sau:
- Hành vi, hành động, hoạt động, cách cư xử, tư cách, bao gồm 3 hành vi thuộc ý, miệng, và thân;
- Dấu tích, kết quả lưu lại từ 3 hành vi của nghiệp; năng lực vận hành tiềm tàng - nhân duyên tạo thành từ những hành vi mà cuối cùng sẽ tạo ra các kết quả khác;
- Hành vi xấu ác, tai hại, mê muội;
- Hạnh thanh tịnh (sa. anubhāva);
- Nỗ lực, tinh tiến, phấn đấu (sa. vyāyama).
Một nghiệp được gây ra hoặc bằng một hành động thuộc thân, thuộc tâm hay ngôn ngữ. Như thế khi người ta có ý làm cái gì thì đã tạo nghiệp, không nhất thiết việc làm đó có xảy ra hay không. Chính tư tưởng đã tạo tác nghiệp. Một hành động sẽ không gây nghiệp nếu nó được thực hiện mà không xuất phát từ tham, sân, si. Một nghiệp tốt có thể mang lại kết quả tốt trong một sự tái sinh. Tạo nghiệp tốt không có nghĩa là chấm dứt tái sinh. Muốn thoát khỏi luân hồi, con người phải từ bỏ nghiệp tốt lẫn nghiệp xấu. Cần phải hiểu nghiệp và nghiệp lực không đồng nghĩa với thuyết cho rằng mọi sự đều được quyết định sẵn (thuyết định mệnh).
Nghiệp làm con người tái sinh trong một cuộc đời, một hoàn cảnh nhất định, nhưng hành động con người trong cuộc đời đó vẫn có sự tự do. Nghiệp sinh ra hoàn cảnh, nhưng sự phản ứng đối với hoàn cảnh này lại nằm trong tay con người. Phật dạy: "Ác nghiệp chính do mình tạo, tự mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch... Làm dữ bởi ta, mà nhiễm ô cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay không tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được."
Mục lục |
Khái niệm chung
Niềm tin vào sự đầu thai là một hiện tượng có từ thời cổ đại; trong nhiều hình thức khác nhau, từ thời Ai Cập cổ đại, hay có lẽ là trước đó, con người đã tin vào một cuộc sống tương lai sau khi chết. Các ngôi mộ cổ chứa đựng cả người và của cải có thể là bằng chứng cho niềm tin rằng người đó có thể lại cần đến những thứ của cải đó mặc dù đã chết một cách vật lý.Nói vắn tắt, có một số quan niệm phổ biến về một dạng sống trong tương lai. Trong mỗi quan niệm đó, hoặc là người đó hoặc là một thành phần cốt yếu định rõ người đó (linh hồn hay tinh thần) vẫn tiếp tục tồn tại:
- Đầu thai dưới dạng con người.
- Nhiều kiếp sống kế tiếp nhau trên mặt đất, thông thường bao gồm cả một niềm tin về việc đi vào thế giới tâm linh hoặc là các tầng tồn tại giữa sự chết và tái sinh. Đây là dạng thông thường của đầu thai (cũng được gọi là "tái sinh"). Trong nhiều phiên bản, cuối cùng có một tiềm năng thoát khỏi vòng luân hồi, chẳng hạn như đạt đến trạng thái Niết Bàn hoặc bằng cách hợp nhất vào với Chúa trời, hoặc là đạt được sự khai sáng, một dạng của việc tự nhận thức, một sự tái sinh tâm linh, đi vào cõi tâm linh v.v..
- Người ta chết đi, và trở lại dạng tồn tại này dạng tồn tại khác một cách liên tục, dạng của họ khi trở lại có thể ở loại 'cao hơn' hay 'thấp hơn' phụ thuộc vào hạnh kiểm (đạo đức) của họ trong kiếp sống hiện tại. Niềm tin này có giả thiết sự chuyển đổi giữa linh hồn người và động vật, ở tầng thấp nhất có thể bao gồm cây cỏ và đất đá.
- Ngày cuối cùng
- Người ta chỉ sống một đời. Sau khi chết, họ có thể quay lại trần gian hoặc là được làm sống dậy trong Ngày phán xét cuối cùng nào đó, hoặc là tại một trận chiến cuối cùng nào đó (ví dụ trận Ragnarök trong thần thoại Bắc Âu). Sau đó, họ có thể lên thiên đàng hoặc địa ngục, hoặc tái tinh trở lại trên mặt đất. Niềm tin này là một viễn ảnh khải huyền của tương lai.
- Các niềm tin vào Cuộc sống sau khi chết (Afterlife) cũng liên quan đến các niềm tin trên, nhưng không bao gồm việc quay trở lại với một dạng thể xác.
- Người ta sống trên mặt đất này, và sau đó sống trong một dạng cuộc sống sau khi chết nào đó trong suốt phần còn lại của vĩnh cửu tại một nơi được gọi bằng nhiều cách khác nhau là thiên đàng (hoặc địa ngục), âm phủ hoặc trời, hay những thứ tương tự. Họ không quay trở lại trần gian.
Những niềm tin về sự đầu thai hay luân hồi được phổ biến rộng rãi trong các tôn giáo và đức tin. Một số người xem đó là một phần của tôn giáo, và những người khác thấy đó chỉ là một câu trả lời cho các câu hỏi thường gặp về đạo đức và sinh tồn, như là "ý nghĩa của cuộc sống", "tại sao chúng ta lại ở đây", hay là "tại sao những điều xấu đôi khi dường như là xảy đến với người tốt". Quan niệm về sự đầu thai cho rằng một người đã ở hay là sẽ trở lại thế gian này trong một thể xác khác. Điều này gợi đến một sự kết nối giữa những cuộc đời có vẻ không liên quan đến nhau, và (trong đa số các trường hợp) có thể có bằng chứng ẩn giấu về sự nối tiếp giữa cuộc đời của những người khác nhau, nếu được tìm kiếm. Những người ủng hộ thuyết này cho rằng thực tế là như vậy, trong khi những người chỉ trích có xu hướng bác bỏ điều này do những ẩn ý về mặt siêu hình của nó hay do việc nó chưa được khoa học chấp nhận với lý do là các cách giải thích khác của hiện tượng chưa được loại trừ một cách hoàn toàn. Các bằng chứng cho việc đầu thai thiên về ba loại:
- Truyền thống chung tin rằng một số người (như là Đạt-lại Lạt-ma hay Ban-thiền Lạt-ma của Phật giáo) có thể được xác định bằng cách đi tìm một đứa bé ra đời vào thời điểm những nhân vật đó qua đời, và bằng một số dấu hiệu và kiến thức đặc biệt mà đứa trẻ đó có được về người tiền nhiệm. Trong trường hợp của Phật giáo, có những thử nghiệm được định nghĩa rõ ràng cho việc xác định một đứa bé như vậy.
- Trong văn hóa phương Tây, hồi tưởng tiền kiếp (past life regression) hoặc kinh nghiệm cận tử (near-death experience) đã có lần cung cấp những thứ được cho là ký ức của những kiếp sống trước, một số trong đó về lý thuyết là có thể kiểm chứng được, và một số khác có thể kiểm nghiệm rằng chỉ là bịa đặt. Một số khía cạnh của những trải nghiệm này có xu hướng thống nhất theo một cách nào đó (những thực thể ánh sáng beings of light, những thông điệp bình an và đầy tình yêu, v.v.), với một số người thì một yếu tố đã đem lại sự tin tưởng, còn với một số người khác thì đây là yếu tố hỗ trợ cho tư tưởng rằng có "một thứ gì đó" xảy ra nhưng không chắc chắn được đó là điều gì.
- Cuối cùng, đối với nhiều người, bằng chứng là nội tại và mang tính thực nghiệm, niềm tin hay kinh nghiệm cá nhân. Điều này có không thể không phải là một chứng minh, nhưng đối với họ, như vậy là đủ để tin vào điều đó.
Khái niệm đầu thai trong tôn giáo phương Đông
Ấn Độ giáo
Ấn Độ giáo quan niệm rằng linh hồn (của bất kì thể sống nào - bao gồm muôn thú, con người và cây cỏ) đầu thai có liên hệ một cách phức tạp với nghiệp(karma), một khái niệm khác lần đầu được giới thiệu trong bộ Áo Nghĩa thư. Nghiệp (nghĩa đen là hành động) là tổng của các hành động của một người, và là lực sẽ quyết định sự đầu thai kế tiếp của người đó.
Vòng xoay của việc chết và tái sinh, được điều khiển bởi nghiệp, được gọi là luân hồi (samsara). Những ý tưởng về đầu thai, nghiệp, và luân hồi đều được tìm thấy trong Ấn Độ giáo, Phật giáo, đạo Jain và đạo Sikh. Trong tất cả các truyền thống tôn giáo này, sự cứu rỗi cuối cùng là sự giải thoát (moksha hay là mukti) khỏi vòng luân hồi của việc chết đi và tái sinh. Trong Phật giáo, sự giải thoát này thường được nhắc đến như là niết bàn (nirvana). Các truyền thống Bhakti (sùng kính) khác xem việc giải thoát khỏi luân hồi như là sự bắt đầu của một đời sống tâm linh thật sự, tiếp tục vượt lên trên cả niết bàn và tự do khỏi cõi trần tục.
Khái niệm niết bàn được phổ biến rộng hơn (xem Phái Bất Nhị (Advaita Vedanta)]]) theo sau sự hiện diện của nhà hiền triết Ấn Độ giáo vĩ đại Adi Shankaracharya. Đối với một số trường phái Ấn Độ giáo, quan niệm rằng việc làm lắng đọng các nghiệp của một người và trở nên hài hòa cuối cùng sẽ giải thoát người đó khỏi sự đầu thai là một giáo lý trung tâm.
Theo quan điểm của Ấn Độ giáo, đầu thai không thể giống như sự xuất hiện trở lại của linh hồn hay một người ở trong một cơ thể vật chất, mà đúng hơn là cảm nhận về thế giới chỉ tồn tại như một biểu thị xung quanh nhận thức, và điều này chỉ được duy trì như là một hành động của tâm thức. Theo Adi Shankaracharya, thế giới như chúng ta thường nhận biết nó chỉ là một giấc mơ: phù du và viển vông. Bị kẹt lại trong Luân hồi là kết quả của sự thiếu hiểu biết về bản chất thực sự của sự sinh tồn.
Phật giáo
Phật giáo chấp nhận thuyết luân hồi (samsara), quá trình của việc tái sinh; tuy nhiên, vẫn còn có những tranh luận về thứ gì được tái sinh.Thêm vào khái niệm vô ngã, Phật giáo Tây Tạng tin rằng một đứa trẻ mới ra đời có thể là tái sinh của một vị Lạt-ma quan trọng nào đó vừa mới qua đời. Trong Phật giáo Tây Tạng, những chất liệu làm nên bản ngã nhất thời (ngũ uẩn - skandha) của một Lạt-ma quan trọng (như vị Đạt-lại Lạt-ma) được cho là tái sinh vào một trẻ sơ sinh sinh ra chín tháng sau khi vị Lạt-ma đó qua đời. Quá trình này được cho là xảy ra sau nhiều năm kết tinh ngũ uẩn qua tu tập. Và người ta nói rằng, sau khi thể xác chết, một phần của ngũ uẩn đã kết tinh (cái mà thông thường sẽ tan rã khi chết) sẽ tự gắn vào với ý thức. Nhờ đó, khi tái sinh, con người mới sẽ có một phần tính cách cũ. Tuy nhiên, niềm tin này không mâu thuẫn với những lời dạy của Phật về bản chất nhất thời của bản ngã.
Phật đã nói như sau về việc tái sinh.
Kutadanta, (một vị Bà La Môn thông bác kinh điển Phệ Đà là đệ tử của Phật) nói: "Ngài tin rằng, thưa Thế tôn, chúng sinh được tái sinh; rằng họ sẽ di chuyển trong sự tiến hóa của cuộc đời; và họ phải theo quy luật của nghiệp chúng ta phải thu kết quả mà chúng ta đã gieo. Thế nhưng ngài dạy rằng linh hồn không tồn tại! Những đệ tử của ngài ca tụng sự dập tắt ham muốn là hạnh phúc cao nhất của cõi Niết bàn. Nếu như tôi chỉ đơn thuần là tổ hợp của các luân hồi, sự tồn tại của tôi sẽ chấm dứt khi tôi chết. Nếu tôi chỉ là một hỗn hợp của các cảm giác ý nghĩ và ham muốn, tôi sẽ đi về đâu khi thân thể đã tan biến?"
Đức Phật trả lời:
"Ô Brahman, ông là người ngoan đạo và nhiệt tình. Ông lo lắng một cách nghiêm túc về linh hồn của mình. Thế nhưng công sức của ông là vô ích bởi vì ông thiếu một thứ mà ông cần."
"Có sự tái sinh của tính cách, nhưng không có sự luân hồi của bản thân. Những dạng ý nghĩ của ông sẽ tái xuất hiện, nhưng không có sự luân chuyển của bản ngã. Bài thơ được thốt lên bởi người thầy sẽ được tái sinh trong một học giả lặp lại những lời đó.
Luân hồi (zh. 輪迴, sa., pi. saṃsāra, bo. `khor ba འཁོར་བ་, nguyên nghĩa Phạn ngữ là “lang thang, trôi nổi” theo ngữ căn sam-√sṛ, có khi được gọi là Hữu luân (zh. 有輪), vòng sinh tử, hoặc giản đơn là Sinh tử (zh. 生死). Thuật ngữ này chỉ những đời sống tiếp nối nhau, trạng thái bị luân chuyển của một loài Hữu tình khi chưa đạt giải thoát, chứng ngộ Niết-bàn. Nguyên nhân trói buộc trong luân hồi là các pháp Bất thiện (sa. akuśala), gồm có tham ái (sa. tṛṣṇā), sân (sa. dveśa) và si (sa. moha, hoặc vô minh, sa. avidyā). Nghiệp (sa. karma) là động cơ tác động lên cơ chế của sự tái sinh. Trong Đại thừa, luân hồi được xem là thế giới của hiện tượng và thể tính của nó chính là thể tính của Niết-bàn.
Cội nguồn của luân hồi từ đâu, loài hữu tình có từ bao giờ…, những câu hỏi này đã được nhiều người nêu lên nhưng Phật tuyệt đối không trả lời những sự thắc mắc vô bổ này vì theo Phật, chúng chẳng giúp ích gì trên con đường tu tập. Niết-bàn, sự giải thoát khỏi luân hồi chỉ có thể thực hiện trong kiếp làm người; trong tất cả con đường tái sinh khác chúng sinh không thể đạt Bồ-đề vì không có đủ khả năng nhận thức được yếu tố chính của luân hồi, đó là tham và vô minh. Muốn thoát khỏi luân hồi thì cần phải dứt được nghiệp chướng do dục giới mang lại; muốn thoát khỏi nó, theo Phật, chỉ có con đường bát chính đạo mới dẫn con người đến cõi niết bàn.
Luân hồi là một vòng xoay của sinh ra, sống trên đời, chết, tái sinh không chỉ trong Đạo Phật, mà cũng theo những tôn giáo khác như Đạo Ấn, Đạo Bön, Đạo Kỳ Na, Đạo Sikh, và những tôn giáo khác của Ấn Độ. Trong ngôn ngữ hiện đại, luân hồi liên hệ đến một nơi chốn, một tập hợp những đối tượng và sở hữu, nhưng nguyên thủy, từ ngữ này liên hệ đến một tiến trình của việc theo đuổi tương tục hay dòng chảy của sự sống. Theo nguyên nghĩa, từ ngữ này liên hệ đến một dòng suối tương tục của tâm thức, hay sự tương tục nhưng nhưng bị lôi cuốn vô trật tự của đam mê, tham dục, cảm xúc, và kinh nghiệm.
Trong hầu hết các tôn giáo Ấn Độ, đời sống không được xem như bắt đầu với việc sinh và chấm dứt với sự chết, nhưng như là một sự hiện hữu tương tục trong đời sống hiện tại của cơ thể và mở rộng vượt xa hơn nữa với quá khứ và tương lai. Bản chất của những hành động xảy ra trong phạm vi một kiếp sống (tốt hay xấu) quyết định số phận tương lại của mỗi chúng sinh. Luân hồi được liên kết gần gũi với ý tưởng tái sinh, nhưng chủ yếu liên hệ đến điều kiện của đời sống, và kinh nghiệm của sự sống.
Trong Đạo Phật, vào thời điểm sắp chết tâm thức (thức của những giác quan khác nhau, chẳng hạn như nhãn thức, nhĩ thức,...) hoạt động như hạt giống cho sự sản sinh một tâm thức mới trong một cấu trúc sinh học mới, dẫn đến ý chí thúc đẩy tại thời điểm của cái chết (là điều tự chúng tiêm nhiễm bởi những sự thúc đẩy của ý chí kiếp trước). Trong những tôn giáo khác của Ấn Độ, những sự thúc đẩy ý chí sinh ra từ đời sống hiện tại được trao truyền đến một cấu trúc tâm thức thông thường được biết như linh thức hay hương linh, là điều sau thời điểm trung ấm (bardo), hình thành căn bản cho một cấu trúc sinh học mới sẽ có kết quả là sự tái sinh và một đời sống mới. Tiến trình vòng xoay này chấm dứt trong sự đạt đến của giải thoát. Nếu một người sống trong những cung cách cực kỳ xấu ác, người ấy có thể tái sinh như một súc vật hay những chúng sinh không may mắn khác trong sáu cõi luân hồi (như quỷ đói, hay rơi vào địa ngục)
Trong phạm vi địa phương hiện đại, đặc biệt trong Hy Mã Lạp Sơn, luân hồi cũng là một từ ngữ được diễn tả vấn đề đời sống đầy những dính mắc cùng đến và đi, một thể trạng vi tế của khổ đau. Thí dụ, khi nói lời giả biệt với một người thương, người ta có thể thốt ra "ah....luân hồi."
Xem thêm
Nhạc và Video
- Thoát Vòng Sanh Tử - Ngọc Sơn - Sáng tác: La Tuấn Dzũng
- Thoát Vòng Sinh Tử - nguyễn Đức - Sáng tác: La Tuấn Dzũng
- Video Thoát Vòng Sanh Tử - Ngọc Sơn - Sáng tác: La Tuấn Dzũng,
- Video Thoát Vòng Sinh Tử - Nguyễn Đức - Sáng tác: La Tuấn Dzũng
No comments:
Post a Comment