Tuesday, April 7, 2015

Thung lũng Mai Châu nên thơ vào vụ cấy

Thung lũng Mai Châu nên thơ vào vụ cấy


Mùa này, các cánh đồng ở Mai Châu, Hòa Bình đang vào vụ. Khắp nơi loang loáng mặt nước và những người nông dân cần mẫn cày cấy khiến khung cảnh càng thêm hữu tình.


 
Hầu như ai đến Mai Châu, Hòa Bình cũng đều có cảm giác thư thái khi được đắm mình trong màu xanh của mây trời, núi non và những cánh đồng lúa bát ngát. Để tới đây, bạn phải vượt qua những khúc quanh co đèo dốc ở Thung Khe với sương mù giăng lối cùng khung cảnh đá trắng lạ mắt.
 
Cách Hà Nội chừng 130 km, sau khoảng 4 tiếng trên xe, bạn sẽ thấy Mai Châu nằm yên bình trong thung lũng cạnh quốc lộ 6. Với khoảng cách không quá xa kết hợp khung cảnh ngoạn mục, đây còn là cung đường phượt xe máy yêu thích của nhiều bạn trẻ.
 
Từ trên cao, bạn có thể ngắm toàn cảnh thung lũng Mai Châu với những thửa ruộng ngăn nắp, đang vào nước để chuẩn bị cho vụ cấy.
 
Nước tràn mặt ruộng như tấm gương phản chiếu ánh mặt trời, núi đồi và cảnh lao động hăng say. Đây cũng là một trong những thời điểm xuất hiện bức tranh đẹp nhất ở thung lũng Mai Châu.
 
Một xóm nhỏ nằm giữa cánh đồng mênh mông nước như "ốc đảo" xanh thu hút ánh nhìn của du khách và các nhiếp ảnh gia. Thung lũng Mai Châu chủ yếu là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái, ngoài ra còn có số ít người Mường ở đây.
 
Vài tháng tới, những cánh đồng loang loáng nước này sẽ lại bao trùm một màu vàng trù phú khi bước vào vụ gặt. 
 
Quanh thung lũng là những bản làng nhỏ xinh với mái ngói, vườn ao nép mình dưới chân núi. Vào chiều tối, khói bếp tỏa ra từ những ngôi nhà gợi không khí yên vui, đầm ấm.
 
Hoàng hôn thanh bình nơi thung lũng mùa vụ. Những tia nắng cuối ngày phản chiếu xuống mặt nước, trông như một tấm gương khổng lồ.

48h ở thiên đường giữa lưng chừng mây

Vào đầu hè, những cánh đồng hoa cải không còn, hoa mơ, mận cũng tàn, đất Mộc Châu vẫn luôn quyến rũ trong lớp lá mới của chè cùng không khí trong lành, dễ chịu.
Với cảnh sắc đẹp lãng mạn, cao nguyên Mộc Châu được biết đến như thiên đường ở lưng chừng mây. Đây cũng là một dịp lý tưởng để bạn chọn làm điểm đến nghỉ dưỡng cho dịp nghỉ lễ sắp tới.
Dưới đây là một số gợi ý cho ba ngày dạo chơi.
Ngày 1: Hà Nội - Mộc Châu
6h: Xuất phát
A1.jpg
Giá vé tham quan hồ thủy điện Hòa Bình là 30.000 đồng/người. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn.
Từ Hà Nội, du khách bắt đầu hành trình khám phá cao nguyên Mộc Châu qua quốc lộ 6. Trên chặng này, bạn hãy dừng chân tại nhà máy thủy điện Hòa Bình để tham quan đền Thác Bờ, đài tưởng niệm những công dân Việt Nam và chuyên gia Liên Xô hy sinh khi xây dựng, nhà truyền thống... (Hình ảnh Nhà máy Thủy điện).
11h: Ăn trưa tại Mai Châu
Mai Châu là một thung lũng nhỏ, nằm dưới đèo Thung Khe. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của dân tộc Thái, chia thành các bản làng khác nhau. Bạn có thể thưởng thức nhiều món ngon, đặc trưng như xôi nếp, cơm lam, nhộng ong rừng rang măng chua, thịt ướp chua, cá suối nướng, rau xôi nộm...
13h: Tiếp tục hành trình
Điểm dừng chân lý thú tiếp theo là đèo Thung Khe hay Đá Trắng. Nơi đây không có cảnh sắc quá hùng vĩ nhưng có biển mây bồng bềnh tuyệt đẹp. Bạn có thể ghé vào những lán nứa trên đỉnh đèo để thưởng thức vài bắp ngô non nướng ngọt lịm hay miếng cơm lam bùi ngậy. (Hành trình Thung Khe).
18h: Mộc Châu
Sau khi đặt chân đến thị trấn, bạn hãy tìm khách sạn cất đồ đạc và nghỉ ngơi lấy lại sức cho chuyến khám phá ngày hôm sau.
Lưu ý: Mức giá một đêm ở homestay là 60.000-100.000 đồng (khu vực rừng thông Bản Áng), khách sạn, nhà nghỉ dao động từ 150.000 đến 300.000 đồng tùy loại và địa điểm.
Ngày 2: Đồi chè - Chợ Lào - Thác Dải Yếm
7h: Thăm đồi chè
15508867266-46790bd1c5-z.jpg
Loại cây kinh tế chính của thị trấn luôn mang lại niềm cảm hứng bất tận cho những người mê xê dịch. Ảnh: Diệu Huyền.
Mộc Châu được bao bọc bởi những đồi chè khác nhau nhưng được yêu thích nhất là khu vực nằm trên đường đi Ngũ Động Bản Ôn. Vào mùa này, chè trổ lớp lá mới khiến cả khu vực chìm trong màu xanh tươi mát, đẹp mắt.
9h: Tham quan chợ Lào
Khu chợ này nằm tại biên giới Việt - Lào cách đồn biên phòng cửa khẩu Lóng Sập khoảng 30 phút đi bộ. Nơi đây là khoảng đất rộng chừng 400 m2, trên có các lán tre bày bán đủ loại sản phẩm của nước bạn như quần áo, thuốc dân tộc, băng đĩa và đồ ăn... Các biển hiệu thường viết tay trên gỗ hoặc giấy lớn bằng cả hai thứ tiếng, thuận tiện cho việc buôn bán.
Lưu ý: Phí gửi xe là 3.000 đồng. Bạn nên mang theo giấy tờ cá nhân để được làm thủ tục tham quan.
11h: Ăn trưa
Bạn hãy dừng chân tại một quán ăn bất kỳ ở chợ Lào để thưởng thức các món như chân gà, cá nướng, nộm đu đủ, lẩu... với mức giá từ 10.000 đồng trở lên. Nếu không hợp khẩu vị, bạn có thể ăn trưa tại quán người Việt ở khu vực gửi xe. 
14h: Thác Dải Yếm
Thác Dải Yếm hay thác Nàng nằm tại xã Mường Sang, trên đường đi cửa khẩu Lóng Sập. Thác có chiều cao gần 100 m chia làm hai nhánh. Một bên có 9 tầng, một bên 5 tầng với khoảng cách là 200 m. Dòng nước ở đây không mạnh, mềm mại và lấp lánh dưới ánh mặt trời. Giá vé tham quan cho một người lớn là 10.000 đồng, trẻ nhỏ là 5.000 đồng.
16h: Quay lại đồi chè
Đồi chè không chỉ có vẻ đẹp quyến rũ trong sớm mai mà còn ấn tượng khi chiều tà. Lúc này, cả không gian chìm trong sắc hồng vàng của mặt trời cuối ngày. Đây là lúc bạn có thể chiêm ngưỡng sự thay đổi ngoạn mục của cảnh sắc, ghi thêm dấu ấn về thảo nguyên xanh rộng lớn. (Ảnh đồi chè).
18h: Ăn tối, nghỉ ngơi
A12-5317-1427166334.jpg
Giá một đĩa dao động từ 70.000 đến 200.000 tùy loại. Ảnh:Tịnh Tâm.
Bê chao là đặc sản nổi tiếng ở đây. Thịt bê được các nhà hàng sơ chế cho bớt hôi rồi thả vào dầu sôi, nhúng nhanh sau đó vớt ra. Món này ăn kèm nước tương thơm mùi sả. Bạn có thể thưởng thức tại tiểu khu Chiềng Đi và thị trấn Công Trường Mộc Châu. Ngoài ra, bạn cũng nên gọi thêm các món ngon khác như cá suối, cơm lam, ốc đá, rau tầm bóp, măng rừng...
Ngày 3: Mộc Châu - Bản Phiêng Cành - Rừng thông Bản Áng
6h: Ngắm bình minh Mộc Châu
Sáng sớm, đất Mộc Châu khoác lên mình vẻ kỳ ảo bởi làn sương mỏng manh như khói và những tia nắng dịu nhẹ đầu ngày. Bạn có thể tới khu vực bể nước đồi chè nông trường để chiêm ngưỡng vẻ đẹp ấy từ trên cao cũng như tận hưởng những giờ phút yên bình trước khi bắt đầu ngày mới.
8h: Bản Phiêng Cành
Phiêng Cành là một bản nhỏ hấp dẫn du khách gần xa. Thời điểm này, hoa mận, đào không còn nhưng bạn có thể đi bộ để tận hưởng không khí trong lành cũng như tìm hiểu đời sống của người dân tộc Mông.
10h: Tham quan rừng thông Bản Áng
Rừng thông Bản Áng thuộc xã Đông Sang có không khí trong lành cùng khung cảnh thiên nhiên mơ mộng, hữu tình. Bạn có thể tản bộ, chiêm ngưỡng những nếp nhà sàn thấp thoáng ẩn hiện giữa rừng cây hay cắm trại. Tới trưa, bạn hãy sang các nhà hàng bên cạnh để thưởng thức thịt trâu hầm lá chua, gà đồi, cá suối...
Lưu ý: Khu vực này không mất tiền vé vào cửa, bạn chỉ phải trả tiền gửi xe (5.000 đồng cho một xe máy).
13h: Khởi hành về Hà Nội

Kinh nghiệm du lịch Mộc Châu mùa hoa cải

Những ngày mưa tháng 11 cũng là lúc hoa cải trắng nở rộ khắp nẻo đường cao nguyên Mộc Châu, biến nơi này thành điểm hẹn quyến rũ cho người yêu du lịch và thích "săn" hoa.
Cách Hà Nội 200 km về phía Tây, Mộc Châu là huyện rộng lớn nhất vùng núi tỉnh Sơn La. Đến đây vào thời điểm này, bạn sẽ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp dưới màn sương mây bao phủ cùng sắc hoa cải lôi cuốn và đầy sức sống.
Thời gian
Thời điểm cuối thu, đầu đông (khoảng tháng 11-12) hàng năm là giai đoạn hoa cải Mộc Châu nở rộ nhất. Du khách có thể bắt gặp những cánh đồng hay thung lũng cải trắng bạt ngàn, tựa như bức họa của thảo nguyên xanh mát.
Ngoài thời điểm trên, bạn vẫn còn cơ hội đi Mộc Châu từ trước Tết tới tận tháng 2 để ngắm hoa đào, mận. Tháng 3 cũng là thời điểm đẹp để chiêm ngưỡng hoa ban nở còn tháng 9 có Tết Độc Lập của người Mông.
Di chuyển
phuong-thao-jpg-6185-1415261906.png
Từ Hà Nội, bạn có thể chọn đi xe máy, ô tô riêng hoặc xe khách theo tuyến đường Láng Hòa Lạc qua Xuân Mai, chọn QL6 đoạn qua Hòa Bình, Mai Châu là đến Mộc Châu. Ảnh: Phương Thảo.
Nếu đi xe khách, giá trung bình hiện nay là 100.000 đồng một người. Các xe ghi điểm đến là Sơn La, Điện Biên đều đi qua Mộc Châu. Thời gian bắt xe từ 5h sáng đến 11h đêm. Tới nơi, bạn có thể thuê xe máy để thăm các điểm du lịch với giá 150.000 đồng mỗi ngày. Nếu tự đi xe máy, chi phí xăng khoảng 300.000 đồng cả đi lẫn về. 
Điểm nghỉ
Mộc Châu có 3 phương án cho bạn lựa chọn khi nghỉ qua đêm là thuê phòng (nhà nghỉ, khách sạn), cắm trại hoặc ngủ homestay ở nhà dân. Giá thuê phòng khoảng 150.000 - 250.000 đồng loại bình dân. Phòng nghỉ lớn hơn có thể đắt thêm vài trăm ngàn đồng. Khu vực thị trấn và nông trường là nơi tập trung nhiều nhà nghỉ hơn cả.
Nếu chọn kiểu nghỉ homestay cùng dân địa phương, bạn chỉ phải trả 50.000-70.000 đồng mỗi người quanh khu vực gần rừng thông bản Áng. Lưu ý là nên gọi điện đặt trước phòng để tránh tình trạng hết chỗ hay chất lượng dịch vụ không đảm bảo. Nếu chọn cắm trại, bạn cần mang theo lều, áo khoác, chăn mỏng, nồi đa dụng và những vật dụng cần thiết khác.
Điểm chơi
366-5197-1415261906.jpg
Cánh đồng hoa cải trắng là điểm dừng chân thú vị cho khách du lịch và những người thích săn ảnh. Ảnh: Hachi8.
- Ngắm hoa cải: Bản Pa Phách (còn gọi là Ba Phách, nơi được mệnh danh là “thiên đường hoa cải”), khu vực rừng thông bản Áng, bản Cóc xã Đông Sang, Vân Hồ, thị trấn Nông trường Mộc Châu… là những nơi có nhiều hoa cải và các góc nhìn đẹp.
- Đồi chè: Tham quan và chụp ảnh đồi chè hay những cánh đồng nguyên liệu mênh mông là gợi ý hay dành cho bạn. Một số nơi để bạn lưu giữ khoảng khắc đẹp bên các đồi chè là thị trấn Nông trường Mộc Châu (theo lối ngược từ trung tâm huyện quay lại khoảng 5-7 km), đồi chè trái tim ở Tân Lập...
- Thăm các bản dân tộc: Nếu muốn đến thăm các bản người Mông, bạn nên tới khu Lóng Luông, Vân Hồ. Còn tại bản Áng, bạn có cơ hội trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái.
Hoang-Anh-Tuan-6338-1415261906.jpg
Cuộc sống bình yên của trẻ em nơi cao nguyên. Ảnh: Hoàng Anh Tuấn.
- Thác Dải Yếm: Trên đường tới cửa khẩu Loóng Sập (giữa Việt Nam-Lào), du khách sẽ ấn tượng với con thác hai tầng ngày đêm đổ nước ầm ào trắng xóa, mềm mại như dải lụa vắt giữa sắc trong xanh của núi rừng.
- Hang Dơi: Từ thị trấn Mộc châu, ngược đường lên thị xã Sơn La khoảng 300m, bạn sẽ đến Hang Dơi (động Sơn Mộc Hương), nằm ở phía núi bên tay phải, cách quốc lộ 6 khoảng 150m. Đức tại cửa động, bạn thấy cả thị trấn Mộc Châu. Trong động là nhũ đá huyền kỳ để du khách khám phá.
- Khu đồi thông già: Nơi đây rất gần thị trấn và khá lý tưởng để cắm trại, picnic.
Đặc sản nên thử
Một số món đặc sản của Mộc Châu là nậm pịa, bê chao, cá suối, lợn mán, thắng cố, cơm lam, ốc đá, cải ngồng… Bạn có thể dùng bữa tại quán 64, Xuân Bắc 181, quán 70 hoặc một số nhà dân làm dịch vụ trong bản Áng.
be-chao-dl-mocchau-5556-1415260525.jpg
Đặc sản bê chao Mộc Châu. Ảnh: Dulichmocchau.
Quà mua về
Du khách cân nhắc mua những đặc sản đậm chất núi rừng như chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, thịt trâu, bò hun khói, rượu táo mèo, rượu ngô… về làm quà.
Lưu ý
- Đêm ở Mộc Châu mùa này khá lạnh, du khách nên mang theo áo ấm. Nếu phượt bằng xe máy, bạn cần chuẩn bị áo mưa và đồ dùng cần thiết.
- Nên xem dự báo thời tiết trước khi lên đường vì mùa này hay mưa, trời nhanh tối. Nếu gặp sương mù, tốc độ cần giảm vừa phải, không đi quá nhanh và chú ý bật đèn pha để tránh những sự cố giao thông.

Bản Lác, điểm đến thú vị trên bản đồ du lịch Hòa Bình

Bản Lác ở huyện Mai Châu từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tránh xa sự ồn ào của phố thị, muốn trở về với cuộc sống giản đơn nơi bản vùng cao yên bình, khoáng đạt.
Là khu du lịch thuộc huyện miền núi Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, bản Lác cách Hà Nội khoảng 140 km, là nơi thích hợp cho nhóm bạn bè cùng đi dã ngoại để khám phá nếp sống của người Thái đen nơi rẻo cao. Từ Hà Nội, đi ô tô mất khoảng hơn 3 tiếng để lên đến được huyện Mai Châu. Bản Lác như món quà của núi rừng dành tặng những ai yêu thích sự bình yên, tĩnh lặng để cùng hoà mình vào không gian khoáng đạt mướt màu xanh của núi rừng Hoà Bình.
Con đường nối giữa thị trấn Mai Châu và Bản Lác phải đi qua dốc Cun dài 12 km, cheo leo, uốn lượn và thách thức các tay lái trên những vách núi cao lên mãi giữa lưng trời. Càng lên cao, cảnh vật như hùng vĩ, nên thơ hơn trong mắt người lữ khách. Đứng trên dốc núi nhìn xuống, đôi khi biển mây trắng xóa che khuất tầm nhìn phía dưới khiến bạn phải ngạc nhiên thích thú. Đi tiếp đến đèo Thung Nhuối, từ trên đèo cao bạn đã thấy huyện lỵ Mai Châu xinh đẹp hiện ra dưới tầm mắt, một thung lũng xinh xắn với những ngôi nhà sàn lọt thỏm giữa không gian, tỏa làn khói lam trắng mỏng. Đi sâu vào trong, Bản Lác dần hiện ra giữa màu xanh biếc xa xăm của lúa non trinh dưới thung lũng trải tràn.
4_1421122532_1421122542.jpg
Nơi đây chào đón bạn bằng sự mát mẻ của bốn bề núi biếc, đồng xanh và những nếp nhà sàn giản dị, hiền hòa. Ảnh: Lê Thương
Có tuổi đời trên 700 năm, dân ở bản Lác chủ yếu là người Thái đen sinh sống đời này qua đời khác với nghề trồng lúa nương và dệt thổ cẩm là chính. Hiện nay, bản Lác có hơn 20 nhà nghỉ homestay rộng rãi, thoáng mát để làm dịch vụ, phục vụ cho nhu cầu tham quan của khách du lịch. Nhà sàn ở bản Lác cái nào cũng cao ráo, rộng rãi và sạch sẽ, giữ được lối kiến trúc cổ. Bên trong mỗi nhà làm dịch vụ đều trang bị đầy đủ chăn, đệm, gối được gấp ngăn nắp, gọn gàng.
Đi dạo một vòng trong bản, bạn sẽ không thấy bất kỳ hành động chèo kéo du khách hay mời mọc mua hàng. Các mặt hàng như khăn quàng cổ, váy xòe Thái, những chiếc ví xinh xắn, cung, nỏ, sáo trúc, mõ trâu, chiêng, tù và, sừng trâu… được bày bán trước cửa nhà, bạn có thể lấy để thử, chụp ảnh mà không sợ bị để ý hay than phiền, kể cả không mua cũng chẳng khiến chủ hàng buồn lòng.
1907430-733664203354617-7963584872695484
Thuê một bộ trang phục truyền thống để dạo chơi là trải nghiệm vô cùng thú vị dành cho bạn. Ảnh: Lê Thương
Chỉ tốn 10.000 - 15.000 đồng cho một lần thuê váy áo, bạn đã có thể hóa thân thành cô gái, chàng trai Mông nhí nhảnh hay nàng thiếu nữ Thái dịu dàng. Trong những chiếc váy Thái điệu đà, bạn khó có thể đi vội vã, hãy bước từng nhịp khoan thai, uyển chuyển quanh bản làng và hít đầy lồng ngực bầu không khí dễ chịu xung quanh để cảm nhận cuộc sống của người dân vùng cao.
Trong bữa cơm chiều bên ché rượu cần ngây ngất, du khách sẽ được cùng gia chủ thưởng thức những món ngon riêng có của núi rừng như gà đồi, cá suối hấp, măng đắng, nếp nương... những món ngon làm say lòng người.
Ở đầu Bản Lác có một khu đất rộng có thể tổ chức các hoạt động sinh hoạt, giao lưu tập thể như cắm trại, thi hát karaoke. Đêm đến, du khách sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa truyền thống của người Thái, đốt lửa trại, giao lưu nhảy sạp với dân bản và lắc lư cùng điệu xòe Thái giao duyên đầy tình tứ.
1_1421122699.jpg
Bản Lác đã được nhiều người biết đến như một “điểm sáng” trên bản đồ du lịch miền Bắc. Ảnh: Lâm Hà
Sẽ thật thiếu nếu tới bản Lác mà không đi phiên chợ sớm của bản. Trong không khí của buổi sớm mai trong trẻo, hãy đạp xe ra đến chợ để dạo chơi và mua sắm. Hàng hóa trong chợ cũng dễ mua do dân ở đây không bán mặc cả, họ trao đổi vô tư, thoải mái, hợp nghĩa tình nên rất được lòng du khách.
Thông tin thêm:
Đường đi: Hà Nội - Xuân Mai -  Lương Sơn -  Hòa Bình - Mường Khén - Mai Châu (theo đường quốc lộ 6).
Giá thuê nhà sàn: Nếu đi nhóm đông từ 30 người trở lên, giá 50.000 - 80.000 đồng một người tùy thời điểm. Nếu đi cùng gia đình từ 2 - 4 người, chi phí cho một đêm cho cả nhà khoảng 350.000 đồng. Nên gọi điện đặt phòng trước.
Lưu ý: Bạn sẽ chỉ tìm thấy thịt xiên nướng là món ăn vặt khi ở trong bản Lác, nếu muốn ăn bún, phở phải đi ra ngoài thị trấn cách đó hơn 1 km. Bởi vậy, nên đặt cơm tại nhà nghỉ để họ chuẩn bị trước.
Điểm tham quan gần: Thuê xe đạp để đi với giá 15.000 đồng một ngày để tham quan một số điểm như bản Pom Cọong, bản Văn, bản Nhót, Hang Chiều, Hang Mỏ Luông... Nếu muốn kết hợp đi xa hơn, hãy ghé Pù Luông, điểm đến thú vị ở Thanh Hóa, có thể đi về trong ngày từ bản Lác.
Lê Thương

Về miền sơn cước Mai Châu

Bất kể ai đến Mai Châu, Hòa Bình đều có một cảm giác khoan khoái khi được đắm mình trong màu xanh của mây trời, núi non và những cánh đồng lúa bát ngát.
Vượt qua những khúc quanh co đèo dốc ở Thung Khe, Thung Nhuối… bạn sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp trùng điệp của núi non và cỏ cây trên đường đến Mai Châu. Cách Hà Nội chừng 130 km với khoảng 4 tiếng trên xe, bạn sẽ thấy Mai Châu nằm yên bình trong thung lũng cạnh quốc lộ 6 với những “mùa nếp thơm” dần hiện ra dưới màu nắng mới. Dù là người đi nhiều nơi hoặc chưa từng di chuyển xa thì Mai Châu luôn ẩn chứa những điều khiến bạn phải dừng chân đôi ngày.
IMG-2493-JPG-1919-1408530423.jpg
Màu xanh trù phú của núi rừng và đồng lúa ở Mai Châu.
Ấn tượng đầu tiên ngay từ trên xe khi gần đến Mai Châu chính là một màu xanh trù phú bao phủ kín cả một vùng thung lũng, lác đác mái nhà sàn đơn sơ, những con đường đất đồng len lỏi… Trong tiết trời vừa chuyển hạ sang thu, buổi sớm ở Mai Châu vốn đã rất trong lành lại càng thêm mát mẻ. Khi trời sáng nhưng nắng còn chưa lọt qua những rặng núi cao, bạn có thể khởi động ngày mới bằng một chuyến xe đạp qua những bản làng. Cảm giác khoan khoái đến kỳ lạ khi được chầm chậm đạp xe và hít thở không khí buổi mai trong lành. Vòng quay xe đạp sẽ đưa bạn đi qua những rặng tre xanh mát, con suối nhỏ róc rách ven các thửa ruộng tươi tốt.
Đâu đó trên chặng đường đạp xe là những đứa trẻ làng đi ra đồng sớm cùng bố mẹ. 6 giờ sáng người dân bản đã rục rịch tưới đồng, làm cỏ, chở hàng đi chợ… Nắng bắt đầu len lên cao qua đỉnh núi chiếu xuống một vùng trù phú, soi rõ những mảng màu lúa xanh non. Trưa đến, thưởng thức những món đặc sản thơm ngon, mà mỗi lần nhắc đến Mai Châu là ai cũng có thể kể ra như cơm lam, thịt gà đồi, cá suối, thịt lợn mán… Bữa rượu thịt no say và những câu chuyện bên ché rượu cần cứ thế miên man không dứt.
IMG-2518-JPG-4061-1408530423.jpg
Một bà mẹ ngồi quay sợi để chuẩn bị dệt tấm khăn mới.
Bên cạnh những cái tên đã quá quen thuộc như bản Lác, Pom Coọng thì bạn cũng có thể lang thang đến Tòng Đậu, Cha Long... Trong cái nắng chiều óng ả, cầm theo một chiếc máy ảnh bỏ túi và đi. Nếu thích mua sắm bạn có thể thăm thú bản Lác và Pom Coọng để tìm mua cho mình những món đồ thủ công bé xinh. Những cửa hàng ở đây được cải tạo từ chính nền đất phía dưới nhà sàn của mỗi gia đình. Người ta bày bán nào thổ cẩm, nào dao, kéo, hoa quả… Còn muốn thưởng thức hương vị của nhịp sống không thương mại thì bạn nên ghé Tòng Đậu, Cha Long… để lắng lại mình và cảm nhận nhiều hơn vì người dân ở đây không bán đồ lưu niệm mà vẫn làm nông.
Nhắc về Mai Châu hẳn không thể thiếu đi bản sắc của các dân tộc Thái, Dao hay H’Mông… Những ngày ở đây bạn sẽ bắt gặp hình ảnh của các bà các mẹ ngồi xe sợi, dệt thổ cẩm hay những anh những chú cần mẫn đục đẽo cung tên, chuôi dao… Trải nghiệm trọn vẹn hơn hết là được lắng nghe các chàng trai cô gái dân tộc hát những giai điệu truyền thống, ngắm nhìn họ tung xòe những bộ váy sặc sỡ và cùng họ kết màn văn nghệ bằng điệu nhảy sạp vui tươi. Mặc dù nét đẹp Mai Châu vốn là nét đẹp giản dị mộc mạc của một cô thiếu nữ miền sơn cước, nhưng vẫn rạng rỡ và chẳng bao giờ thôi cuốn hút con mắt kẻ lữ hành.
Những lưu ý khi du lịch Mai Châu:
Phương tiện: xe máy, ô tô khách từ bến xe Mỹ Đình.
Nơi nghỉ: các gia đình làm dịch vụ homestay ở bản Lác, Pom Coọng, các khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái như Mai Châu ecolodge, Mai Châu lodge...
Đặc sản: cơm lam, thịt gà đồi, lợn Mường, cá suối hấp lá dong...
Quà lưu niệm: sản phẩm từ thổ cẩm (khăn, áo, thú nhồi, vòng tay..., rượu Mai Hạ, rượu cần, cơm lam...
Bài và ảnh: Hương Chi

Những điều cần lưu ý khi tới thăm nhà người Thái

Nổi tiếng với lòng hiếu khách nhưng đồng bào dân tộc Thái cũng có những quy tắc nhất định trong ăn, ngủ, trò chuyện mà bạn cần nắm được khi lên Tây Bắc.
Người Thái ở Việt Nam được chia làm ba nhóm chính là Thái Đen, Thái Trắng và Thái Đỏ. Cách phân biệt là theo màu khăn những người phụ nữ Thái quấn trên đầu. Dân tộc này có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam, sinh sống chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Tây Bắc. Nếu bạn tới thăm một gia đình người Thái, có một số điều bạn cần biết:
1. Xin phép
Tới thăm bản người Thái hay bất cứ bản, làng người dân tộc nào việc đầu tiên bạn cần làm là xin phép trưởng bản. Đó là người đứng đầu trong bản, việc làm này thể hiện sự tôn trọng của bạn, cũng đảm bảo an ninh trong bản và cho chính bản thân bạn.
2. Nhà người Thái
IMGP0005-JPG-6861-1409915444.jpg
Ngôi nhà sàn cổ của một gia đình người Thái trắng tại Pom Coọng, Mai Châu, Hòa Bình. Ảnh: Việt Anh
Đặc điểm nhận dạng nhà người Thái là nhà sàn, được làm cao hơn mặt đất từ hai đến ba mét. Ngày xưa người Thái xây nhà cao với mục đích tránh thú dữ và nuôi giữ vật nuôi. Mọi hoạt động sinh hoạt của gia đình đều diễn ra ở bên trên, đặc biệt buổi tối không ai xuống đất vì khi ấy thú dữ đi săn mồi rất nguy hiểm. (Thậm chí các gia đình phải xây cầu nối từ nhà này sang nhà kia). 
3. Lên nhà
Trước khi lên nhà, bạn phải đứng dưới cầu thang gọi trước, hỏi xem có ai ở nhà không. Một phần để đợi sự cho phép của chủ nhà, một phần nếu tùy tiện bước lên bạn sẽ dễ bị chó cắn. Với người Thái, bị chó cắn tức là sẽ gặp xui xẻo trong ba năm.
Trước khi bước lên cầu thang bạn nên xem chủ nhà họ để giày dép ở đâu thì mình để ở đó. Không tùy tiện mang giày, dép lên trên nhà nếu không được sự cho phép hoặc hướng dẫn từ chủ nhà. Và chắc chắn bạn không được đi giày, dép vào bên trong nhà.
Nhà của người Thái chia làm hai phần. Phần cao là nơi giành cho chủ nhà và người lớn tuổi. Khách tới thăm không được ngồi phần phía trên khi chưa có sự cho phép. Trong nhà có gian thờ cúng là nơi con dâu, con rể và khách không được vào. Nếu vào trong một gia đình người Thái, bạn nên chờ sự hướng dẫn của chủ nhà, không nên tùy tiện ngồi vào bếp hay bàn ghế. Đặc biệt không được ngồi lên cửa sổ và tối kỵ lúc ngồi, nằm ngủ chỉ chân mình lân phía bàn thờ tổ tiên.
4. Chào hỏi, nói chuyện
Người Thái chào hỏi cũng giống người Kinh. Chào từ người lớn tuổi đến người ít tuổi. Khi nói chuyện với một người Thái không nên chỉ tay vào mặt và khi muốn chỉ cho chủ nhà cái gì đó thì không được dùng chân chỉ mà chỉ được dùng tay. Người Thái rất kỵ dùng chân để chỉ cái gì đó. 
IMGP0006-JPG-6626-1409915444.jpg
Món cơm nếp của người Thái. Cơm màu vàng thường nấu cho người đi xa, người Thái quan niệm cơm vàng mang lại bình an, may mắn. Ảnh: Việt Anh
5. Khi ăn
Khi ăn cơm cùng một gia đình người Thái bạn cần chú ý: Bố mẹ ngồi phía trên, con dâu, con gái và khách ngồi dưới. Trong mâm cơm sẽ có một đĩa muối, ớt đặt cạnh hai chén rượu. Trước khi ăn cơm và sau khi kết thúc bữa ăn phải rót vào hai chén một ít rượu để cảm tạ công ơn ông bà, tổ tiên. Cũng có nơi trước và sau khi ăn, người Thái chấm đầu ngón tay vào hai chén rượu và vẩy qua hai bên vai. Người Thái quan niệm hai bên vai là hai vị thần hộ mệnh, vẩy qua hai bên để ông bà, tổ tiên phù hộ cho đi đường may mắn, bình an.
Một điều cũng rất quan trọng, khi tới nhà người Thái đúng bữa ăn. Dù bạn đã no cũng vẫn phải ngồi vào mâm cơm và uống chén rượu cùng chủ nhà. Khi tới mà chủ nhà chưa kịp giết gà đãi khách, bạn vẫn ngồi bên cạnh mâm cơm cùng hai chén rượu và đĩa muối ớt chờ tới khi chủ nhà làm xong cơm. 
Nếu chủ nhà đã thịt gà khách không được bỏ về khi chưa ăn, người Thái quan niệm điều đó là không tôn trọng. Khi ăn không dùng đũa gõ bát, gõ mâm, uống rượu xong không được úp bát, úp chén xuống. Người Thái thường ăn cơm nếp. Bạn có thể dùng tay bốc và nắm cơm lại để ăn. Ngoài ra, mỗi khi cạn chén rượu người Thái thường bắt tay nhau thể hiện tình cảm.
6. Khi ngủ
Trong nhà của người Thái có chia khu vực ngủ riêng cho ông bà, bố mẹ, con cái và khách. Bạn không nên tùy tiện nằm vào giường trong nhà nếu không được phép. Không gian ngủ thường chung nhau nên khi ngủ bạn không nên làm phiền tới những người khác trong nhà. Nhà người Thái xây gần nhau, buổi tối sau 10h không nên nô đùa ầm ỹ gây mất trật tự, ảnh hưởng tới những người xung quanh.
7. Ngôn ngữ cổ
IMGP0035-JPG-6056-1409915445.jpg
Phụ nữ Thái có chồng thường quấn tóc trên đầu. Nhưng phong tục này dần mai một và được chia theo từng khu vực. Đa số người Thái đen giữ lại phong tục này. Ảnh: Việt Anh
Người Thái có ngôn ngữ cổ của riêng mình. Những cuốn sách hàng trăm năm tuổi, lưu giữ các thông tin lịch sử, thiên văn, các bài hát, thơ ca, sử thi qua các thời kỳ. Nếu muốn một lần được tận mắt chứng kiến những giá trị văn hóa vô giá này, bạn cần tìm tới nhà già làng trong bản.
Người Thái hay bất cứ dân tộc nào khác, điều quan trọng nhất vẫn là tôn trọng chủ nhà. Người Thái nổi tiếng hiếu khách, khi được một gia đình người Thái quý bạn là một người rất may mắn.

Những điệu múa quyến rũ của thiếu nữ các dân tộc

Điệu múa dân gian của các thiếu nữ không chỉ quyến rũ trong tiếng trống, tiếng kèn mà còn như gửi gắm ước nguyện về mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu.
Hòa mình trong các lễ hội, du khách có dịp chiêm ngưỡng điệu xòe, điệu dậm thuông hay điệu chim công say đắm.
1. Điệu múa xòe say đắm của thiếu nữ Thái
Từ ngàn xưa, dưới những nếp nhà sàn đơn sơ mộc mạc của người Tây Bắc, những ngày đầu xuân luôn rực rỡ sắc màu thổ cẩm của các thiếu nữ Thái trong điệu múa xòe truyền thống. Điệu múa này thường được thể hiện trong những cuộc vui như lễ mừng nhà mới, đám cưới, hỏi, đến những lễ hội lớn của bản làng, lễ hội mừng cơm mới...
muaxoe1-5032-1405411453.jpg
Điệu múa xòe Thái. Ảnh: yeutretho
Không chỉ đơn giản là điệu múa trong cuộc vui, người ta cảm nhận được mỗi động tác, dáng đi, cách chuyển động là những khát vọng cuộc sống, tình yêu... được gửi gắm trong mỗi điệu xòe.
Trong tiếng nhạc, tiếng trống mõ với ống nứa gõ vào nhau hòa lẫn tiếng hát, những vòng xòe của thiếu nữ Thái như rộn ràng hơn, làm cho người lạ bỗng chốc trở thành quen và nhanh chóng hòa nhau trong điệu xòe uyển chuyển.
Ngày nay, múa xoè đã tạo nên một nét văn hóa, phong tục xòe truyền thống trường tồn và không thể thiếu trong cuộc sống của cộng đồng dân tộc Thái. Du khách lên Tây Bắc có thể dễ dàng thưởng thức những đêm tiệc xòe ngay dưới sân nhà sàn, chếnh choáng trong hơi rượu thơm nồng và ngất ngây trước sự quyến rũ của thiếu nữ miền sơn cước.
2. Dậm Thuông, vũ điệu cộng đồng của người Tày
Từ một nghi lễ hoang sơ, điệu múa Dậm Thuông đã trở thành một hoạt động văn hóa cộng đồng, thường được tổ chức trong các dịp quan trọng như ma chay, cưới hỏi, hoặc lễ hội... Người dân nhảy múa như một hình thức mời thần linh chứng giám, vừa là để cảm tạ và cầu xin sự no ấm, may mắn cho một năm mới an lành, một mùa lúa thóc, trâu bò đầy nhà.
Với 6 điệu gồm Dậm Khăn, Dậm Chèo Thuyền, Dậm Tính, Dậm Quạt, Quét Sân Rồng, Dậm Téo Kéo, mỗi điệu dậm sẽ có một bài hát khác nhau với các nhạc cụ. Ngoài quạt, khăn, khi thực hiện điệu nhảy người ta còn sử dụng cả kiếm gỗ, chân hương, đèn...
damthuong1-3440-1405411453.jpg
Điệu múa Dậm Thuông nổi tiếng của dân tộc Tày. Ảnh: baoyenbai
Điều đặc biệt của điệu múa mang đầy màu sắc kỳ ảo này là có thể khiến mọi người xung quanh cùng tham gia, nhảy múa với tâm trạng háo hức giống như trong trạng thái lên đồng, chứa đựng sự bí ẩn. Người nhảy cần sự khéo léo, phối hợp giữa chân và tay một cách nhịp nhàng theo tiếng đàn tính tẩu, tiếng then réo rắt, trong khói hương, đèn nến mờ ảo.
Những bước nhảy, múa của chàng trai, cô gái khi uyển chuyển, lúc mạnh mẽ lâng lâng trong tiếng nhạc, không có cảm giác biết mệt và dường như làm cho mọi người gần gũi nhau hơn.
3. Múa Pồn Poong của người Mường
Không khí vui tươi, náo nhiệt trong điệu múa Pồn Poong của người Mường từ lâu đã hấp dẫn du khách gần xa khi đến với xứ Thanh. Đến đây vào dịp lễ hội, bạn sẽ được sống trong không khí náo nhiệt, vui vẻ và lạc quan với âm thanh rộn ràng của tiếng cồng, tiếng trống cái... hòa cùng tiếng reo vui của những cô gái, chàng trai thôn bản.
Đây là điệu múa của người dân cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi và đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa cộng đồng, tái hiện những cảnh sinh hoạt đời thường như cảnh săn bắn, khai hoang, mở đất, dựng nước, đuổi thú dữ... Người ta múa hát giao duyên, tâm tình và nhiều người đã nên vợ thành chồng sau mỗi mùa lễ hội.
4. Sênh Tiền, vũ khúc của người Mông
Không biết điệu múa Sênh Tiền có từ bao giờ nhưng người Mông trên núi cao từ bao đời nay đều biết và lưu giữ cho các thế hệ sau. Đây là điệu múa truyền thống vào những ngày lễ hội khiến cho mọi người xích lại gần nhau, mang đến một không khí tươi mới, đầm ấm mỗi độ xuân về.
muasenh1-4879-1405411453.jpg
Múa sênh tiền. Ảnh: baolaocai
Góp phần làm nên điệu múa nổi tiếng này chỉ là một chiếc gậy bằng trúc, được đục lỗ để xâu những đồng xu vào. Nhưng khi múa với các động tác chạm nhẹ vào chân, tay, vào bàn chân, chiếc gậy tạo ra thứ âm thanh rất vui nhộn và kỳ bí.
Thường múa Sênh Tiền sẽ có từ 4 đến 8 nam, nữ kết hợp, biểu diễn các động tác xoay người nhịp nhàng và tình tứ với sự tha thướt, uyển chuyển của những cô gái trong những bộ váy áo thổ cẩm sặc sỡ. Đây cũng chính là dịp để các chàng trai, cô gái người Mông phô diễn những nét đẹp văn hoá và là nơi để giao duyên.
5. Múa chim công của người Chăm
Theo quan niệm của người Chăm, chim công là biểu tượng của niềm vui, của sự may mắn, vì vậy múa Biyen (chim công) luôn có trong các ngày lễ hội. Tham gia vào lễ hội Chăm, du khách sẽ bắt gặp những cô gái trong chiếc áo dài truyền thống thướt tha với điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển trong tiếng trống ginăng tưng bừng, rộn rã.
mua-cham-1865-1405411453.jpg
Múa đội "thon hala" kết hợp với múa quạt. Ảnh: Putra Jatrai
Vũ công với những cái phẩy tay, phất quạt, uyển chuyển gót chân lúc khoan thai, lúc mạnh mẽ khiến người xem như bị cuốn hút theo từng điệu múa. Hai chiếc quạt như đôi cánh, thể hiện tiếng nói tâm tình, khi vui quạt vung lên, khi buồn quạt úp xuống, khi yêu thương quạt duyên dáng, khi nghĩa tình thì sóng đôi bay lượn.

Tây Bắc đẹp mê hoặc mùa nước đổ

Cứ vào dịp tháng 6 khi những cơn mưa mùa hạ tưới mát cho núi rừng Tây Bắc là lúc bà con bắt đầu cho một vụ mùa mới. Đây cũng là lúc những cánh đồng ruộng bậc thang ở Yên Bái trở nên đẹp kỳ lạ.
 
 
Thung lũng Cao Phạ thuộc huyện Mù Căng Chải, Yên Bái vào mùa đổ nước với những thửa ruộng còn mênh mang nước đan xen những thửa ruộng lúa đã lên cao.
 
Cả cánh đồng với những ô màu như một bức họa thiên nhiên tuyệt đẹp. Đây cũng là nơi mang lại ấm no cho cuộc sống của bà con người Mông, người Thái ở thung lũng Cao Phạ.
 
Bà con nô nức cấy cày cho một vụ mùa mới.
 
Người nông dân cần mẫn cày bừa giữa những đường cong mềm mại của cánh đồng mùa đổ nước.
 
Bóng người nông dân đi trên bờ ruộng như một nét tô điểm cho bức họa thiên nhiên.
 
Những mái chòi xinh xắn giữa cánh đồng mùa nước có thể làm xao lòng lữ khách khi dừng bước.
 
Khung cảnh rộn ràng trong mùa cấy, tiếng cười đùa xôn xao cả một vùng.
 
Những thiếu nữ người H’Mông duyên dáng trên những thửa ruộng mới cấy.
 
Nơi đây những đứa trẻ 10-11 tuổi đã có thể đi cày bừa giúp gia đình, những đứa nhỏ hơn thì theo anh ra đồng nô đùa dưới ruộng.
 
Đôi khi bắt gặp những hình ảnh những cậu bé con ngồi ngoan bên bờ ruộng để bố mẹ làm việc.
 
Những đứa trẻ chăn trâu với nụ cười hồn nhiên như cây cỏ.
 
Vẻ đẹp của thiên nhiên kết hợp với bàn tay con người đã tạo nên một bức tranh tuyệt mỹ nơi đây.
 
Những ngôi nhà sàn xinh xắn của người Thái nằm rải rác giữa thung lũng xanh mướt.

Những trái ngon từ núi rừng Tây Bắc

Mùa hè cũng là thời điểm của thanh mai, đào Bích Nhị, mận, táo mèo... được chờ đợi trên khắp các con phố.
Nếu có dịp đến với Tây Bắc mùa này, đừng quên mua các loại quả sau làm quà cho chuyến đi du lịch.
Thanh mai Lào Cai
mHPOKYP-3206-1400054806.jpg
Trái thanh mai có thể ăn ngay hay ngâm với nước đường làm nước giải khát mùa hè.
Quả thanh mai hay còn gọi là quả dâu rừng, được trồng nhiều ở Lào Cai và Quảng Ninh.Vì mọc trên rừng nên lượng quả thanh mai mỗi mùa không nhiều và không có các chất bảo quản. Từ khoảng tháng 3 đến tháng 5 là mùa thanh mai.
Do có vị chua nhẹ nên thanh mai thường ngâm đường, mật ong làm nước uống giải nhiệt mùa hè, siro trị ho làm đẹp da đều rất tốt. Ngoài ra, thanh mai cũng có thể rửa sạch ăn ngay.
Đào Bích Nhị Sapa
DSCF0572-3060-1400054807.jpg
Những trái đào mua mang về cứ để nguyên trong rọ, sẽ không bị dập nát suốt quãng đường mang đi. Đừng bỏ vào túi nilon vì sẽ khiến đào dễ hỏng vì nóng.
Trên các sườn núi của mảnh đất Sapa (Lào Cai) vào những ngày tháng 5, trái đào Bích Nhị bắt đầu chín đỏ trên cành. Những cây đào nở hoa vào mùa xuân và kết trái khi hè sang. Đào Sapa do người Mông đen trồng, chủ yếu lấy hoa nên đến mùa hái quả, mỗi nhà chỉ vài chục cân. Họ chất đầy trong những chiếc rọ đan bằng tre, nứa rồi mang xuống phố bán, trở thành ‘đào rọ’ nổi tiếng khắp xa gần. Những quả đào trái nhỏ bằng cái chén uống nước trà, có vị thơm giòn, hơi chua, vỏ ngoài lông tơ mượt như nhung. Chỉ cần rửa sạch cho hết lông bám bên ngoài là ăn được ngay.
Mận đỏ Tả Van Sapa
10157345-10202908599971529-722-4225-8113
Mận đỏ dễ dập nát nên khi di chuyển phải bảo quản cẩn thận.
Tháng 5 cũng là mùa của những trái mận đỏ trên khắp Tả Van (Sapa, Lào Cai). Trái mận của vùng đất này quả trong, đỏ, căng mịn, ăn có vị chua ngọt, quả chín ngọt lịm. Mận đỏ nhiều nước và dễ bị dập nát vì quả khi chín mềm tay. Mận đỏ Tả Van thích hợp để làm rượu. Vào tháng 6, người nấu rượu mua mận về ngâm trong bình đục màu (để tránh ánh sáng) với đường cát trắng theo phân lượng: một phần quản nửa phần đường. Rượu mận cho vị chua chát dễ chịu.
Mận tam hoa Bắc Hà
mantamhoa-sotaydulich-4232-1400054807.jp
Những trái mận giòn ngọt của người Bắc Hà. Ảnh: Sotaydulich.
Cây mận tam hoa là niềm tự hào của người dân vùng núi Bắc Hà (Lào Cai). Vào những năm 1980, giống mận tam hoa cho trái màu hồng tím và giòn ngọt đã trở thành loài cây kinh tế của cả vùng Bắc Hà. Mùa xuân, những cây mận nở hoa trắng cả khu đồi của bản làng người Mông, người Hà Nhì. Sang hè, mận đậu quả cũng là khoảng thời gian nhộn nhịp nhất của cả vùng.
Huyện Bắc Hà được coi là “vương quốc mận tam hoa” với diện tích tích trồng chuyên canh gần 1.000 ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 3.000 tấn quả thương phẩm.
Đào Pháp, mận Mộc Châu
Moc-chau-he7-7571-1400054807.jpg
Tháng 6, suốt dọc bên đường quốc lộ 6 từ Mai Châu lên Mộc Châu, đâu đâu cũng bán mận bán đào vừa hái. Ảnh: Mocchauonline.
Giống đào Pháp được trồng phổ biến tại Mộc Châu (Sơn La) sẽ bước vào mùa thu hoạch vào những ngày cuối tháng 5. Quả đào chín có màu vàng và phớt đỏ, có loại vỏ trơn như quả mận, có loại vỏ có lông. Cả hai loại đều thơm, ăn hơi chua, chủ yếu là vị ngọt mát. Nếu ăn ngay tại chỗ, nên chọn quả to, vừa chín tới. Còn để mua mang về nên chọn quả vừa phải để dễ bảo quản.
Cùng với mùa đào là mùa mận trên khắp Mộc Châu. Quả mận to vừa phải, màu tím khi chín, ăn giòn tan. Bạn có thể tham gia với người dân vào vườn hái mận vừa chín tới ngay trong vườn với những trái tươi ngon nhất.
Táo mèo Tú Lệ
trang-chu1-2329-1400054807.jpg
Những trái táo mèo chua chát, đặc sản của đất Yên Bái.
Trong các vùng có táo mèo ở Việt Nam thì táo mèo Tú Lệ (Yên Bái) là loại ngon nhất. Mùa hoa táo mèo nở rộ vào tháng 3. Vào những ngày tháng 9, khi những cánh đồng lúa Tú Lệ thơm nức mùi lúa chín cũng là mùa thu hoạch táo mèo. Táo mèo ăn có vị chát, thường dùng để ngâm rượu. Những trái táo mèo vàng ươm, mang về rửa sạch, ngâm cùng với rượu nếp. Rượu táo mèo thơm, ngọt, càng uống càng ngọt càng say.

Tháng 3 hoa ban nở trắng rừng Tây Bắc

Khi những cơn mưa phùn mùa xuân vừa dứt và nắng ấm dần lên cũng là lúc vùng đất Tây Bắc chìm trong sắc trắng tinh khôi của hoa ban nở rộ.
Các thảm hoa ban trắng lô xô trên các đỉnh núi, nối dài thành những thác ban chảy tràn từ đỉnh núi qua các vách đá, rừng cây xuống sát mặt đất là cảnh sắc đặc trưng vùng Tây Bắc trong tháng 3.
DSC-0924-JPG-2283-1394506915.jpg
Hoa ban trắng tháng 3.
Người Thái coi hoa ban là một trong những loại hoa biểu trưng cho tình yêu. Cũng như món xôi ngũ sắc, màu tím biểu trưng cho sự thủy chung, màu đỏ là tình yêu sắt son, say mê, lãng mạn…Nhưng sắc trắng của ban không chỉ là sự thuần khiết, nó còn mang trong mình bản chất của tình yêu sáng trong, không vụ lợi, toan tính. Tình yêu đích thực từ những rung cảm trái tim, từ những cảm xúc chân thật. Ban cũng đại diện cho một tình yêu thủy chung, vĩnh cửu.
Hoa ban gọi về cả những mùa màng bội thu. Năm nao ban nở rực rỡ thì năm ấy mùa màng hanh thông, trọn vẹn. Dường như khi hoa ban nở trắng rừng thì những đợt mưa đầu mùa cũng chợt tới. Ban xà từ trên đỉnh núi, buông mình xuống những thung lũng ăm ắp nước đầy. Bà con lại hối hả gieo mạ, làm đất, đốt nương chuẩn bị cho mùa mới. Cha bình thản giục trâu bừa những thửa ruộng mới, mẹ lụi cụi be bờ dưới gốc ban trắng bình yên. 
DSC-0946-JPG-6398-1394506915.jpg
Sắc trắng hoa ban tràn ngập núi đồi Tây Bắc.
Cái đẹp như một thứ tôn giáo đặc biệt, nó không giáo huấn, không kinh kệ, nó thuyết phục con người ta bằng những biểu tượng rất nhỏ như hoa ban chẳng hạn. Tháng 3, giữa lúc giao mùa, phát hiện ra triết lý ấy giữa đất trời Tây Bắc cũng đã thấy mình hạnh phúc.

Độc đáo những món ăn làm từ hoa

Những bông hoa ban đẹp nguyên sơ hay những loài hoa dân dã gắn liền với vùng sông nước như điên điển, so đũa đều có thể chế biến thành món ăn hấp dẫn, mang hương vị riêng.
Không những tô điểm cho vẻ đẹp đồng quê, những bông hoa cũng có những giá trị dinh dưỡng rất cao.
1. Hoa ban
Những du khách lên Tây Bắc vào mùa tháng 3 sẽ thấy một cả rừng hoa ban nở trắng trời. Hoa ban như người thiếu nữ e ấp, khiêm nhường, chỉ nở sau khi mùa hoa đào, hoa mận đã tàn lụi theo thời gian.
bantim1-5044-1399967985.jpg
Ngoài vẻ đẹp đến nao lòng, hoa ban tím còn chế biến thành nhiều món ngon. Ảnh: thegioimautim
Hoa đẹp mong manh là vậy, nhưng ít ai biết được những cánh hoa ban trắng tinh khôi hoặc phơn phớt tím ấy lại có thể chế biến thành những món ăn rất ngon, hấp dẫn du khách mỗi khi đặt chân lên Tây Bắc. Thường những người phụ nữ Thái hay hái hoa về nấu hoặc đem bán ở chợ như một thứ rau sạch được nhiều người ưa thích.
Hoa ban xào măng đắng có vị đắng của măng, nhưng lại có cái ngọt, bùi của hoa ban. Những phụ nữ Thái sau khi hái hoa hoa ban về, nhặt lấy cánh và nhụy hoa đem rửa nhẹ nhàng rồi trần qua nước nóng, đem vò nát rồi trộn thịt băm, gia vị nhồi cá. Ngoài ra người ta thường nấu canh, làm nộm, hoa ban hầm móng giò, xào thịt lợn rừng, ban đồ... rất hấp dẫn.
2. Hoa thiên lý
Vào mùa hè, hoa thiên lý nở tỏa hương thơm ngát làm mát dịu không gian. Hoa còn là loại thực phẩm bổ dưỡng, thường được chế biến thành nhiều món ăn, có tác dụng giải nhiệt, giúp ngủ ngon giấc.
Hoa thiên lý có thể nấu được nhiều món như nấu canh tôm, canh cá hú hay xào với các loại thực phẩm khác như thịt bò, xào hải sản, xào lòng gà... rất hấp dẫn. Nhưng món ăn đơn giản thường được nhiều người nấu vào mùa hè là thiên lý nấu với cua đồng, món ăn thật thanh, ngọt và thơm. Những bông hoa tươi còn e ấp nụ, được ngâm trong chậu nước rửa sạch bụi, khi cho vào nồi canh cua phải khéo léo để thịt không bị nát, gạch không bị vỡ, khi canh sôi cho hoa thiên lý vào rồi bắc ra ngay để hoa giữ nguyên sắc xanh. Thưởng thức một bữa ăn với tô canh hấp dẫn bởi màu sắc xanh rờn của những búp hoa, những tảng thịt cua điểm thêm chút gạch cua vàng óng trong mùa nắng thì không gì tuyệt bằng.
3. Hoa so đũa
Với người dân ở vùng sông nước miền Nam, hoa so đũa thường được chế biến thành những món ăn rất phong phú. Loài hoa trắng xóa hoặc tím, thường chỉ nở từ tháng 10 đến tháng 12 vừa có thể làm cây cảnh, nhưng lại vừa có giá trị dinh dưỡng rất cao.
Vào mùa so đũa, người ta thường hái những bông hoa tươi từ sáng sớm, nhặt bỏ cuống và vị đắng, bỏ đài, sau đó rửa nhẹ rồi chế biến thành những món canh chua cá rô, canh chua với khế, cá lóc, cá linh, tôm sống hoặc làm lẩu chua cùng một số loài ra khác đều rất ngon.
sodua1-9667-1399967985.jpg
Bông so đũa nấu canh cá rô là một món ăn khoái khẩu của nhiều người. Ảnh: ngoisao
Đơn giản hơn, người ta thường luộc bông so đũa, chấm với nước mắm kho quẹt hoặc luộc chung với các loài rau khác ăn giải nhiệt trong mùa hè oi bức, là món khoái khẩu của nhiều người.
4. Hoa bí
Thường thì nhiều người chỉ biết đến các món ăn được chế biến từ quả bí hoặc rau bí chứ ít ai biết được hoa bí cũng là một món ăn rất ngon. Hoa được cắt cả cuống, thường là hoa bí đực, thường được nấu canh, rất ngọt, thanh và mát. Khi cắt hoa bí về, người ta thường bỏ nhụy bên trong vì đắng, sau đó dùng luộc, xào hấp hay nấu canh với tôm khô, canh ngao, canh hến, canh cua hoặc xào chung cùng với thịt bò, thịt lợn.
Đơn giản nhất là đem luộc. Hoa bí chỉ cần luộc qua trong nồi nước sôi là đủ chín, vớt ra để nguội, vắt bớt nước chấm cùng với nước kho thịt, kho cá đều rất  tuyệt.
5. Hoa điên điển
Mỗi năm vào mùa nước nổi, người dân sông nước miền Tây lại đi lấy những bông điên điển mọc tràn lan trên ruộng, trên sông rạch khi nước lũ ngập đồng. Hoa nở rộ khắp nơi tô điểm thêm một vùng quê sông nước, nhưng điên điển cũng là một món ăn mang đậm hương vị của miền quê, được coi là đặc sản sông nước.
canhchua1-1866-1399967985.jpg
Hoa điên điển nấu cá linh. Ảnh: phununet
Người ta thường nấu điên điển thành các món ăn ngon như gỏi chua bông điên điển, điên điển xào tép, nộm hoa... Nhưng ngon nhất phải kể đến món canh chua hoa điên điển nấu cá linh. Cái chua chua của me, vị ngòn ngọt của cá và cái thơm, giòn, đăng đắng của bông điên điển làm tăng thêm đặc trưng của món ăn vùng sông nước.

No comments:

Post a Comment

quangnm