Sunday, April 19, 2015

Cháo nhum - đặc sản của biển Nha Trang

Cháo nhum - đặc sản của biển Nha Trang

Những con nhum xù xì, gai nhọn tua tủa sau khi được chế biến sẽ trở thành món ăn thơm ngon, hấp dẫn dành cho thực khách. 
Nhum hay cầu gai, nhím biển, là loài nhuyễn thể với hình dáng xù xì, nhiều gai nhọn, thường sống ở các vùng biển đầy rong rêu hay san hô. Bắt được nhum biển rất kỳ công, ngư dân phải chọn những gành đá, dùng móc sắt cời ra nếu không sẽ bị gai đâm, gây nhức buốt.
Nhờ vị thơm ngon và khác lạ sau khi chế biến thành nhiều món, nhum trở thành đặc sản của biển Nha Trang, thường dùng để đãi khách.
chaocaugai_1429158028.jpg
Cháo cầu gai ngon bổ dưỡng là món ăn nhiều người tìm kiếm khi đến Nha Trang. Ảnh: Huấn Phan
Một số món đặc trưng từ loài sinh vật biển này là nhum ăn sống với mù tạt, nướng mỡ hành, trộn trứng hấp cách thủy, kho ăn với cơm nóng. Loại đơn giản nhưng vẫn ngon phải kể đến cháo nhum.
Món này có hương vị không giống bất kỳ loại cháo nào khác, rất thích hợp ăn vào ban đêm. Tuy nhiên, chỉ những con nhum còn tươi mới đem lại nồi cháo thơm ngon và đậm đà.
Nhum sau khi vớt từ biển được rửa sạch rồi dùng kéo tách đôi. Sát lớp vỏ nhum là những múi thịt màu vàng tươi hấp dẫn. Người chế biến khéo léo dùng thìa gỡ lấy thịt, ướp gia vị rồi phi cùng hành mỡ, cho vào nồi cháo nóng một vài phút. Khi thưởng thức, đầu bếp thêm chút rau mùi tàu thái nhỏ, hành lá, nước mắm nhĩ khiến bát cháo nhum rực mùi thơm quyến rũ.
1970643-792817910730322-2068533038-n_142
Nhum có nhiều ở các vùng biển Ninh Thuận, Phú Quốc và đặc biệt ở vùng biển Nha Trang.
Ảnh: Phương Nam
Người Nha Trang rất tự hào về món này bởi vị ngọt thanh, ăn vào nhanh hồi phục sức khỏe, tốt cho hệ tiêu hóa. Bát cháo thơm ngon với hạt gạo trắng bung nhuyễn, quyện màu vàng của nhum biển, sắc xanh từ hành lá thường khiến thực khách nhớ mãi.
Bạn có thể thưởng thức món cháo nhum ở các quán hải sản trong thành phố Nha Trang như ở đường Tháp Bà, Nguyễn Tất Thành, Hai Tháng Tư... Giá một bát khoảng 40.000 - 50.000 đồng.

Gỏi cá mai - món ngon của Nha Trang

Hầu như nhà hàng hải sản hay quán ăn bình dân chuyên bán đồ biển nào ở Nha Trang cũng có gỏi cá mai. Bạn có thể thử tại các quán hải sản trên đường Ngô Sĩ Liên, Tháp Bà hay đường Hai Tháng Tư.
Ở Nha Trang, gỏi cá mai là món ăn thường được nhiều người lựa chọn để chiêu đãi khách. Cá mai to cỡ ngón tay cái, mình trơn, dẹp, có vẻ hơi giống cá cơm nhưng không vảy, sọc dọc, thịt ngọt và rất ít tanh. Loại cá này hầu như chỉ dùng để chế biến độc một món nổi tiếng là bóp gỏi.
Gỏi cá mai thường tốn thời gian ở khâu chế biến nếu muốn đảm bảo chất lượng và hợp vệ sinh. Cá được chọn phải thật tươi, mới bắt từ biển về. Mất công nhất là khâu rút xương, thực hiện trên từng con cá và lấy giấy thấm thật ráo thì món gỏi mới ngon.
Nguyen-Binh-6491-1423470069.jpg
Món ăn mang đậm phong vị biển, xuất hiện nhiều trên mâm cơm của người dân vùng chài lưới các tỉnh miền Trung. Ảnh: Nguyễn Bình.
Có nhiều cách làm tái cá mai, bạn có thể dùng me, chanh, khế chua, giấm hay quả chùm ruột chua để bóp. Thịt cá sau khi bóp chua sẽ chuyển từ màu trắng trong sang trắng ngà, đục.
Lúc này, thịt cá mai đã chín, người làm mới đem trộn với thính (thường làm từ hạt đậu nành rang thơm rồi giã mịn) rắc đều lên trên. Hành tây lát mỏng, gừng thái chỉ, các loại rau thơm như răm, húng quế, ngò, tía tô, diếp cá, húng... xắt sợi và trộn đều với cá, nêm gia vị vừa ăn là hoàn thành.
Yếu tố quyết định nhiều nhất đến món gỏi có lẽ nằm ở phần nước chấm. Nhiều người thường cẩn thận lấy xương cá mai luộc để làm nước chấm cho ngọt. Bỏ thính vào nước luộc xương cá, nấu sệt, để nguội, trộn cùng ít thịt băm và mắm ớt tỏi chanh chua ngọt theo tỷ lệ phù hợp sẽ tạo ra bát nước chấm gỏi đúng vị.
IMG-1472-JPG_1423471067.jpg
Gỏi cá mai thường ăn kèm với bánh tráng cuốn rau sống, gồm xà lách, khế chua, dưa leo, chuối chát, rau thơm… Ảnh: Bà Lùn
Món gỏi cá ngon phải có vị chua dịu của chanh, cay từ ớt, lại ngọt tự nhiên nhờ cá kết hợp với hương vị mắm đặc trưng trong nước chấm và thanh mát từ rau sống. Nước chấm có vị vừa ngọt vừa thơm, lại béo nhưng không gây ngán.
Ở Nha Trang, hầu như nhà hàng hải sản hay quán ăn bình dân chuyên bán đồ biển nào cũng có món này. Nếu băn khoăn không biết nên ăn ở đâu, bạn hãy đến các quán hải sản trên đường Ngô Sĩ Liên, Tháp Bà, đường Hai Tháng Tư…, mỗi quán có những hương vị đặc trưng riêng nhưng đều rất được lòng thực khách.

Món ngon cho buổi chiều ở Nha Trang

Bánh căn, nem nướng hay bò nướng lụi là những món phù hợp cho buổi chiều lang thang ăn vặt ở thành phố biển.
Nếu còn băn khoăn nên ăn gì trong số các món ngon, bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây.
Bún cá
A1_1427447771.jpg
Giá trung bình một bát khoảng 25.000 đồng. Ảnh: Hải Trình.
Bún cá là cái tên thân thuộc với người dân nơi đây, giống như phở Hà Nội hay mỳ Quảng ở Quảng Nam. Đặc trưng món này là nguyên liệu luôn tươi sạch, màu sắc bắt mắt và phần nước dùng trong nhưng không nhạt nhẽo.
Khi thưởng thức, hương vị đậm đà của các nguyên liệu sẽ hòa quyện vào nhau, trong đó có độ ngọt tự nhiên, không bột của chả cá, giòn giòn từ sứa và mềm thơm, lạ miệng nhờ cá dầm... Tuy nhiên, để vị trọn vẹn hơn, bạn nên cho thêm chút dấm thanh thanh, tiêu thơm nồng hay tương ớt.
Địa chỉ tham khảo: Chung cư C2 Phan Bội Châu, 23 Yết Kiêu, 6 Hàn Thuyên, 7 Nguyễn Du...
Bánh căn
A2_1427507356.jpg
Giá một đĩa dao động từ 18.000 đến 25.000 đồng. Ảnh: Hải Trình.
Đặc điểm của món này là thực khách sẽ tự tay múc cho mình chén nước chấm. Tùy khẩu vị, mỗi người có thể chọn một trong hai loại là mắm ngọt và mắm nêm với đu đủ, su hào xắt lát vuông nhỏ hay ớt xay cay. Không chỉ vậy, chủ quán còn nêm nếm vừa miệng để khách có thể húp luôn.
Bạn nên ăn nóng để cảm nhận được vị giòn và ngậy. Ngoài ra, để chống ngấy, bạn hãy ăn cùng chút rau sống đã dọn ra cùng.
Địa chỉ tham khảo: 107 đường 2/4, 3A Tháp Bà, 48 Hoàng Hoa Thám...
Nem nướng
FA3.jpg
Món ăn này cói mức giá dao động từ 20.000 đến 55.000 đồng.
Phần nem nướng đầy đủ gồm 6 - 8 miếng thịt băm lụi, bánh tráng chiên giòn và rau sống đủ loại như mùi cay, húng quế, tần ô, xà lách, dưa chuột, chuối chát, khế... Một số nơi còn bổ sung thêm dưa, hành chua.
Món này nhìn qua không có nhiều ấn tượng nhưng điều hấp dẫn nằm ở hương vị của nó. Mỗi miếng nem nướng hồng nhưng không ngấy, khi chấm vào phần nước lèo, vị ngot lại càng đậm đà hơn.
Địa chỉ tham khảo: 25 Lê Hồng Phong, 16B Lãn Ông, 39 Nguyễn Thị Minh Khai, 59 Lê Thành Phương, 50 Thống Nhất...
Bò nướng lụi
A1-2109-1427680826.jpg
Một suất bò nướng lui có giá 35.000 - 275.000 đồng. Ảnh: dulichkhanhhoa.
Thịt bò tẩm mật ong và nhiều loại gia vị khác được đặt lên bếp than hoa nóng chừng 15 phút. Khi chín, hương thơm tỏa ra ngào ngạt, tiếng mỡ cháy xèo xèo khiến nhiều thực khách khó cầm lòng. Món này ăn cùng các loại rau sống thanh mát như xà lách, cà chua, hành tây ướp giấm...
Địa chỉ tham khảo: 39B Lê Hồng Phong, 5 Tăng Bạt Hổ...

Nem nướng - món ngon đến từ Nha Trang

Xiên nem vàng ruộm, thơm phức, ăn kèm với các loại rau thơm và loại tương đặc trưng tạo nên sức hút kỳ lạ, khiến bất kỳ ai một lần thưởng thức đều phải nhớ mãi.
Nem nướng Nha Trang là món ăn dân dã, có nguồn gốc từ Ninh Hòa - một huyện phía bắc của tỉnh Khánh Hòa, cách thành phố biển khoảng 30 km. Các quán hàng bán món ăn này rất phổ biến, vì thế bạn có thể dễ dàng tìm và thưởng thức món nem nướng này ngay tại những gánh hàng rong trên đường.
1-2063-1423040289.jpg
Nem nướng Nha Trang không chỉ là món ngon gợi nỗi nhớ quê của những người dân địa phương mà còn hấp dẫn những du khách gần xa. Ảnh: Facebook
Thành phần của món ăn đơn giản, bao gồm thịt lụi, bánh tráng, rau sống và tương chấm. Theo chia sẻ của những người dân bản địa công thức để làm món nem không khó. Ngon nhất là chọn loại thịt đùi, trộn với da heo đã cạo rửa sạch, xắt nhỏ rồi đem giã nhuyễn cả hai thứ, thêm đường, hạt nêm, tiêu để cho ngấm rồi vo viên dài, xiên vào que tre đã chuẩn bị sẵn, nướng vàng trên bếp than hồng.
Độ ngon của nem nướng phụ thuộc vào bát tương chấm đi kèm, đây cũng được xem là bí quyết riêng của mỗi quán, quyết định đến chất lượng và độ ngon của món ăn. Bát tương với đủ vị chua cay, mặn ngọt rất hấp dẫn được chế biến từ hơn 20 loại gia vị theo bí quyết gia truyền của riêng mỗi đầu bếp. Thành phần chính gồm nếp dẻo, đỗ tương, cà chua, tôm, thịt nạc, gan lợn xay nhuyễn trộn với đường, tỏi, ớt...
xuan-linh_1423035987.jpg
Một phần nem nướng khá là cầu kỳ gồm khoảng 6 - 8 miếng thịt dăm lụi và vài miếng bánh tráng chiên giòn. Ảnh: Xuân Linh
Rau sống ăn kèm tùy theo mùa, tùy theo khẩu vị của mỗi người mà lựa chọn. Đĩa rau sống vì thế mà trở nên phong phú, bao gồm rau xà lách, dấp cá, hẹ, húng quế, tía tô, dưa chuột, chuối chát, cà rốt, khế, dứa, kiệu, xoài xắt mỏng... Riêng bánh tráng, để có món nem nướng Nha Trang ngon đúng điệu thì nhất định phải dùng đúng loại bánh tráng được sản xuất tại làng Diên Thủy, Khánh Hòa, tuy trông có phần mỏng manh nhưng lại dai mềm, dùng để gói rất vừa, khéo.
Khi có khách gọi ăn, nem nướng đang xèo xèo trên bếp được xắt đôi, bày ra đĩa ăn nóng cùng bánh tráng chả giò chiên giòn. Vị thanh của rau, vị ngọt của cà rốt, thơm mát của dưa chuột xắt mỏng và chua của xoài, sánh cùng vị giòn tan của bánh tráng rán vàng và hương thơm dậy của thịt nướng tạo nên một món ăn vừa hấp dẫn lại không dễ ngán.
3_1423036009.jpg
Người ăn sẽ cuốn nem trong chiếc bánh tráng có lót các loại rau đủ vị theo sở thích, chấm vào bát tương và cảm nhận sự ngon lành lan tỏa trong khoang miệng. Ảnh: Facebook
Gợi ý của VnExpress:
Ở Nha Trang, bạn có thể tìm ăn ở Lê Lợi, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ, Lê Thành Phương, Lãn Ông, Phan Bội Châu, Lê Thành Phương…
Ở Hà Nội, bạn hãy tìm đến các quán trên đường Nguyễn Trãi, Hoàng Quốc Việt, và nếu ở TP HCM hãy đến quán trên đường Kỳ Đồng để thưởng thức.

Cá lóc nướng ống tre, món ngon gợi nỗi nhớ Nha Trang

Đến với làng Phú Vinh, ngoài việc thưởng ngoạn khung cảnh đồng quê thanh bình, bạn còn được ăn thử món cá lóc nướng ống tre nổi tiếng thơm ngon nơi đây.
Làng Phú Vinh thuộc xã Vĩnh Thạnh, cách trung tâm thành phố Nha Trang chừng 7 km. Dù nằm khá gần biển, người dân nơi đây lại sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và quanh năm gắn bó với ruộng đồng như các vùng đồng bằng khác. Bạn có thể đến đây bằng cả đường bộ hoặc ngồi thuyền ngược dòng sông Cái. Đến thăm làng cổ Phú Vinh, du khách sẽ được thưởng thức món cá lóc nướng ống tre vô cùng đặc sắc cùng người dân địa phương.
Nguyen-Nhat-Cuong-anh-ca-loc-t-9949-7260
Cá lóc, còn gọi là cá quả, cá chuối là loài cá hiền nhất trong các loài cá đồng, thịt thơm và chắc. Tuy nhiên mình cá  trơn nhẫy và nhanh nhẹn rất khó bắt. Ảnh: Nguyễn Nhật Cường
Cá lóc ngon nhất là vào mùa mưa, cũng là mùa sinh sản nên bụng cá đầy trứng, hoặc khoảng ra giêng là lúc cá trưởng thành, dầy mình, thịt béo. Ngoài nướng, người dân địa phương còn chế biến loại cá này thành nhiều món hấp dẫn như rang muối, chiên bột, kho rim nước dừa...
anh-co-may-8630-1421827500.jpg
Nếu như người miền Tây có món cá lóc nướng trui nổi danh khắp nơi thì người Nha Trang lại có cách chế biến món cá nướng tài tình của riêng mình. Ảnh: Cỏ May
Trước hết phải chọn những con cá lóc mập ú rồi đánh vảy, rửa sạch, để ráo. Ướp cá với hành khô, tỏi, đường, tiêu, mắm, để ngấm khoảng 30 phút. Sau đó chọn ống tre vừa vặn cho cá vào, dùng giấy bạc hoặc lá mía bịt hai đầu, nướng trên bếp than hoa, càng nhỏ lửa, cá càng chín kỹ và thơm dậy mùi của tre tươi. Đến khi ống tre chuyển màu xám, mùi cá nướng thơm ngây ngất tỏa ra, xăm đũa vào thấy cá mềm là có thể dùng được.
anh-khu-dl-lang-tre-9847-1421827501.jpg
Sau khi tách đôi ống tre, cá lấy ra bày ra mâm sẽ được cuốn cùng các loại như khế chua, dứa, chuối xanh, rau sống, bún… tất cả cuộn trong miếng bánh tráng để thưởng thức. Ảnh: Du lịch làng Tre
Sức hấp dẫn và độ ngon của món ăn được đánh giá nhiều ở phần nước chấm. Tùy sở thích từng người có thể chấm mắm nêm hoặc nước mắm me. Nếu là bát mắm me, người ta chọn những trái me non đem nướng chín, bóc vỏ bỏ hột, xong hòa chung vào bát nước mắm, thêm tỏi, ớt, đường sao cho sền sệt vừa ăn, tạo nên một hương vị nồng đậm nhưng không quá mặn.
Cá lóc nướng ống tre vừa dân dã, vừa bổ dưỡng, rất thích hợp trong bữa cơm hằng ngày và những dịp đãi khách quý đến chơi nhà. Món ăn cũng là niềm tự hào trong ẩm thực của người dân miền biển Nha Trang giới thiệu đến du khách thập phương.

Những quán cà phê hấp dẫn tại Nha Trang

Boulevard, Tepi hay Paramount là những quán cà phê đẹp và nhận được nhiều cảm tình từ du khách mỗi lần đến với Nha Trang.
Nha Trang là một thành phố biển xinh đẹp, đầy năng động và sức sống. Tới thăm nơi này, bạn không chỉ được hòa mình vào bầu không khí thoáng mát mà còn có thể nghỉ chân tới tại những quán cà phê hấp dẫn.
Paramount Cafe
Tọa lạc trên con đường biển Trần Phú, Paramount Cafe là quán cà phê có phong cách nhẹ nhàng, sang trọng và thoáng đãng. Không chỉ vậy, nơi đây còn có "view" hướng biển, đón gió và nằm trong khu vực du lịch. Do đó mà quán cà phê này khá hấp dẫn khách du lịch.
Anh-1-8398-1415241253.jpg
Không gian mát mẻ tại Paramount Cafe. Ảnh:foursquare.
Đồ uống ở đây được đánh giá cao, một trong số đó là capuchino. Nếu tới Nha Trang mà chưa biết đi đâu, bạn hãy tới đây và nhâm nhi một tách cà phê nhỏ. Còn không, bạn cũng có thể lựa chọn những loại đồ uống khác với phong cách pha chế khá ấn tượng. Khi ấy, bạn sẽ được hòa mình vào không gian đầy sắc màu của thành phố biển xinh đẹp.
Cafe Boulevard
Mang tên bài hát nổi tiếng một thời, cà phê Boulevard là điểm đến dành cho những người thích sự nhẹ nhàng.
Nằm trên đường Hồng Lĩnh, quán cà phê này được mở trong một tòa biệt thự hai tầng xinh đẹp. Mặc dù được thiết kế hiện đại nhưng chủ quán đã khéo léo khi kết hợp nội thất để khách nắm rõ dụng ý của mình. Đó chính là khu vườn sỏi đá, những bộ bàn ghế đơn giản, thanh thoát như những quán lề đường của châu Âu. Không chỉ vậy, các phòng nhỏ ở đây cũng được trang trí tinh tế và lãng mạn. Bạn có thể nghỉ trưa trên chiếc sofa tông màu ấm hay ngồi bệt bên những hàng rào gỗ trắng cách điệu.
Anh-2-7463-1415241253.jpg
Quán cà phê Boulevard được thiết kế theo phong cách châu Âu. Ảnh: Cafe Boulevard.
Đồ uống của Boulevard có nhiều điểm nhấn độc đáo. Với danh sách phong phú, bạn có thể chọn cho mình một tách cà phê có hương vị đậm đà hay một ly sữa chua trái cây cùng soda Italia.
Mocxit Drink Cafe
Mocxit Drink Cafe nằm trên đường Hoàng Hoa Thám, Nha Trang. Chính vì có các sản phẩm "take away" mà quán cà phê này được trang trí theo phong cách hiện đại và đầy năng động.
Anh-3-8292-1415241254.jpg
Ngoài các loại đồ uống quán cà phê này còn phục vụ cả bánh ngọt. Ảnh: Mocxit Drink Cafe.
Bàn ghế ở đây làm từ gỗ nhưng thiết kế khá trẻ trung. Kết hợp cùng các mảng tường đầy màu sắc từ tranh ảnh và các vật trang trí nhỏ xinh mà quán cà phê này rất thu hút giới trẻ. Tuy nhiên đó vẫn chưa phải điểm đủ để Mocxit Drink Cafe trở nên hấp dẫn.
Thực đơn ở đây được thiết kế chủ yếu phục vụ những người trẻ tuổi. Do vậy bạn có thể tìm được nhiều đồ uống "hot" như Cookes ice blended (bánh oreo xay nhuyễn), latte, mocha... với hình thức trang trí bắt mắt và dễ thương. Những người nghiền cà phê cũng có thể thử một tách ở đây. Cà phê của quán được xay và pha trực tiếp tạo hương vị đậm đà và ngon miệng.
Eighteen House Cafe
Eighteen House Cafe là quán cà phê gây ấn tượng với du khách ngay từ cái nhìn đầu tiên. Toàn bộ phần mặt tiền đều làm từ gỗ nâu ấm áp và tấm biển hiệu được thiết kế phá cách độc đáo. Điều này phần nào toát lên được phong cách mà quán cà phê này theo đuổi.
Anh-4-7821-1415241254.jpg
Eighteen House Cafe có những góc dành riêng cho người ưa sự tĩnh lặng. Ảnh: Eighteen House Cafe.
Eighteen House Cafe có tất cả 3 tầng. Tầng 1 được thiết kế mở, thoáng đãng và kết nối với không gian bên ngoài. Trái ngược với đó là tầng 2 và 3. Đây là hai không gian kín đáo hơn, phù hợp với những người cần sự yên tĩnh hay muốn tìm kiếm nơi dành cho bản thân mình. Những ô cửa nhỏ cho giây phút trầm tư ngắm phố hay góc sát phòng để làm việc sẽ là gợi ý hay ho cho bạn.
Tepi Coffee the Musical
Nếu là người yêu thích sự náo nhiệt thì Tepi Coffe the Musical chính là điểm hẹn dành cho bạn. Tọa lạc trên đường Thái Nguyên, quán cà phê này được xây dựng theo lối kiến trúc phương Tây, hiện đại nhưng vẫn nhẹ nhàng với những chi tiết mềm mại cuốn hút.  Màu sắc chủ đạo ở đây là đen trắng. Tuy nhiên tới tối, đèn được bật lên khiến không gian chìm trong sự lung linh, rực rỡ của sắc màu.
Anh-5-2657-1415241254.jpg
Tepi Coffee the Musical là quán cà phê sôi động dành cho giới trẻ. Ảnh: Tepi Coffee the Musical.
Không giống một số quán cà phê khác ở Nha Trang, Tepi Coffe the Musical có khu vực dành riêng cho DJ. Chính vì vậy, bạn có thể lắng nghe những bản nhạc hấp dẫn và nhún nhẩy trong không khí tươi vui ấy. Một điểm cộng của quán là không gian lớn. Do vậy bạn có thể tổ chức các buổi sinh nhật, offline cùng bạn bè.

5 món điểm tâm sáng hấp dẫn tại Nha Trang

Đối với mỗi khách du lịch, ăn sáng ở Nha Trang thật thú vị bởi bước chân ra ngõ là có thể thỏa sức lựa chọn món ngon với thực đơn phong phú, lạ miệng.
Dưới đây là một vài gợi ý cho bạn để khởi đầu ngày mới khám phá thành phố biển năng động và xinh đẹp.
Bún cá dầm, bún sứa
Đến Nha Trang mà bỏ qua bún cá, bún sứa sẽ thật là thiếu sót bởi những món ăn này được ví như khẩu vị của người dân miền biển. Nếu bún cá có nước dùng đậm đà, thoảng hương thơm nhẹ của cá dầm thì bún sứa lại mang vị đặc trưng từ sứa.
Bún cá dầm chế biến không quá khó. Cá tươi được làm sạch, luộc chín, bỏ da và xương, sau đó xắt thành khúc vừa ăn. Ngoài cá dầm, còn có thêm chả cá. Nước dùng lấy từ chính xương của loại cá này để tạo độ ngọt thanh tự nhiên. Ăn kèm với bún cá là đĩa rau sống được thái nhỏ.
bun-sua-7231-1414999221.jpg
Bún sứa có nước dùng thanh ngọt, hấp dẫn thực khách. Ảnh: Quế Lan.
Với bún sứa, người nấu chọn loại sứa nhỏ bằng ngón tay cái hoặc ngón chân cái, màu trắng đục, thành dày, ăn giòn sần sật. Tương tự bún cá, bún sứa sử dụng nước dùng nấu từ xương cá, đem đến mùi vị hải sản tự nhiên khó thể nhầm lẫn. Khi ăn, chỉ cần lấy bún, hành lá thái nhỏ, sứa, và vài lát chả cá cho vào tô, chan nước dùng nóng hổi, điểm thêm lát cà chua, hành tây là có tô bún sứa ngon, ngọt. Bún sứa ăn kèm với rau sống, giá đỗ, thêm một ít dầu ớt cho thật cay, một vài lát ớt hiểm, chanh cho đủ vị.
Là những món ăn đặc trưng của Nha Trang, bún cá và bún sứa xuất hiện trong mọi ngõ ngách ở trung tâm thành phố. Bạn có thể thưởng thức món ăn này tại đường Yersin, khu vực gần chợ Đầm, đường Hàn Thuyên…với giá từ 25.000 đồng/ bát.
Bò né
Bò né ốp la được người sành ăn coi là một trong những món ăn đầy đủ dinh dưỡng nhất của điểm tâm sáng. Món bò né “vừa ăn vừa né” theo phong cách của bít tết nhưng được biến tấu hơn. Một suất ăn gồm thịt bò, trứng ốp la, patê, cà chua, hành tây, ăn kèm với bánh mì và salad nhúng giấm. Chảo bò được bưng ra phải xèo xèo, khi đó thịt bò được làm chín thêm dù đã nhấc khỏi chảo gang nóng. Thịt bò được để nguyên miếng, mềm, dai, tẩm ướp gia vị đậm đà vừa miệng. Khi ăn, bạn có thể xắt từng miếng, thêm một vài lát cà rốt, hành tây, rau xà lách, nêm chút nước tương, tương ớt là đủ vị.
bo-ne-1772-1414999221.jpg
Món bò né “vừa ăn vừa né” đầy đủ dinh dưỡng nhất của bữa điểm tâm sáng. Ảnh: Quế Lan.
Một số địa chỉ bạn có thể tham khảo là trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương, Hoàng Văn Thụ với giá từ 35.000 đồng/ suất.
Bánh mì
Du khách muốn thong thả thời gian để thưởng thức ẩm thực Nha Trang buổi sớm, thường chọn những món ăn phải chờ đợi. Song với người xê dịch thường ưu tiên những ổ bánh mì nóng hổi, phục vụ nhanh chóng để tranh thủ vừa dạo biển, vừa điểm tâm sáng. Nếu tinh ý một chút, bạn sẽ để ý thấy dọc đường Yersin bán rất nhiều bánh mì. Nơi đây chính là địa chỉ ưa thích của các cô cậu học trò trước giờ đi học.
banh-mi-1338-1414999222.jpg
Một chiếc bánh mì “đầy đủ” với đủ các loại nhân và gia vị, rau sống đúng điệu. Ảnh: Quế Lan.
Bánh mì Nha Trang đặc biệt ở độ giòn và đặc ruột, được nướng vừa đủ trên lửa để bánh giòn rụm mà không cháy, thơm tự nhiên của bột mì. Mỗi quán đều có nhiều loại nhân phong phú, từ đơn giản đến cầu kỳ, quen thuộc đến lạ miệng như patê, xíu mại, heo quay, xúc xích, gà, bò, thịt nguội…cùng gia vị, rau sống, cà rốt và tương ớt đặc trưng. Nếu bạn thích ăn cay thì nên thử tương ớt tại đây.
Ngoài các quán bánh mì dọc đường Yersin, bạn có thể thưởng thức bánh mì trên đường Quang Trung, Lê Thành Phương với giá từ 7.000 đồng/ chiếc.
Bánh xèo
Bánh xèo được người dân Nha Trang biến tấu với hải sản, mang hương vị mới lạ, độc đáo. Bởi vậy mới có những cái tên như bánh xèo tôm, bánh xèo hải sản, hay bánh xèo tôm mực đặc biệt.
Thành phần chính của bánh xèo là tôm, mực tươi. Nếu thích bánh thập cẩm, bạn có thể gọi bánh xèo hải sản tôm mực, đầy đặn, ấm bụng. Không dùng chảo làm bánh, người chế biến đổ bánh vào khuôn sắt nhỏ, để bánh ít ngấm dầu mỡ và thơm ngon hơn để bạn đỡ ngán nếu có trót gọi nhiều một chút. Khi làm bánh, người nấu cho dầu ăn vào chảo, đổ bột vừa đủ tạo lớp mỏng, sau đó cho tôm hoặc mực tùy theo khẩu vị của khách, rồi cho giá, hành tây lên trên và đậy nắp chảo chờ bánh chín tới. Cuối cùng lấy xẻng vớt bánh ra đĩa để ráo rồi bưng ra cho thực khách.
banh-xeo-5491-1414999222.jpg
Bánh xèo Nha Trang biến tấu với tôm, mực vị hải sản lạ miệng. Ảnh: Quế Lan.
Bánh xèo đủ vị khi thưởng thức cùng nước chấm chua ngọt được pha từ mắm nêm với tỏi ớt giã nhuyễn, rau sống. Bạn có thể gọi ly nước đậu nành hoặc rau má, vừa đủ chất cho bữa sáng, vừa không ngấy. Thông thường một suất ăn khoảng 4-5 chiếc bánh xèo là ấm bụng cho một ngày mới.
Bánh xèo được du khách ưa chuộng ở khu vực đường Tháp Bà, Bờ Kè phía bắc cầu Trần phú với giá từ 5.000 đồng/ chiếc.
 

Những đặc sản Nha Trang quyến rũ

Bánh căn, bánh xèo chảo hay bún sứa là những món không thể bỏ qua khi bạn đến thành phố biển Nha Trang. 
Biển luôn là thiên đường của hải sản. Những món ăn của xứ biển ít nhiều phảng phất vị tanh ngái miền cát mà tùy theo cách chế biến của địa phương lại mang hương vị đặc trưng. 
1. Bánh căn
Nam Trung Bộ là xứ sản sinh ra bánh căn. Tuy khởi nguồn từ Ninh Thuận, Bình Thuận nhưng bánh căn qua bàn tay chế biến của người Nha Trang, ngoài mùi vị đặc trưng của bột gạo còn mang hơi vị của sự phóng khoáng như tính cách người dân nơi đây. Bánh căn giống với bánh khọt của miền Nam nhưng khác giai đoạn khi cho vào khuôn bánh.
Nếu như bánh khọt người Nam “chiên” bột gạo với dầu ăn thì người Trung lại “nướng” bột gạo. Nhân bánh mới là điều làm nên bánh căn Nha Trang. Ngoài bánh căn thông thường với nhân trứng cút, trứng gà hay thịt bò, người Nha Trang còn cho thêm mực, hến và tôm hấp vào nhân làm thành bánh căn mực, hến hay bánh căn tôm. Hoặc bạn cũng có thể gọi bánh thập cẩm, muốn ăn nhân nào chỉ việc nói người bán làm cho. Bỏ thêm muỗng mỡ hành lên trên bánh, rắc chút vụn bánh mì chiên, gắp cọng rau, nhúm xoài, thứ hỗn hợp này hòa tan trong miệng giòn rụm, gói gọn đủ hết cả mùi, vị và sắc của món ăn.
1-3740-1407837738.jpg
Mỗi cái bánh căn là được đổ cùng một con tôm. Bánh căn vừa đổ ăn liền rất ngon.
Bánh căn không ăn riêng rẽ mà phải gắp từng cặp, chấm ngập vào nước chấm cho ngấm vào trong nhân ăn mới ngon. Ngoài nước chấm là nước mắm ớt pha kiểu miền Trung, thực khách còn có thể gọi thêm chén nước cá hay chén xíu mại để ăn cùng. Khi ăn bánh căn bạn nên gọi thêm đĩa xoài sống, xoài Cam Ranh với vị chua đặc trưng của trái cây xứ cát rất thích hợp khi ăn chung với bánh căn. 
Địa điểm gợi ý: đường Hoàng Văn Thụ, đường Nguyễn Trãi, thành phố Nha Trang.
2. Bánh xèo chảo
Một biến tấu khác của bánh xèo miền Nam đó chính là bánh xèo có thêm hải sản của dân miền biển. Bánh xèo đúc bằng chảo nên được gọi là bánh xèo chảo, khác với các loại bánh xèo miền Trung thường đúc bằng khuôn đất như bánh khọt. Mật độ tìm thấy quán bánh xèo chảo không nhiều bằng bánh căn nhưng du khách đến Nha Trang ít nhất thường bỏ túi một địa điểm để đến thử.
3-9915-1407837738.jpg
Bánh xèo chảo nóng hổi, người bán lấy ra là đem liền cho thực khách.
Quán bánh xèo chảo mực nho nhỏ dưới chân Tháp Bà là nơi khách du lịch thường rỉ tai nhau. Ngoài ra, nếu thích thì khách có thể xin thêm bánh tráng để cuốn bánh xèo, ăn kèm rau sống nữa thì rất tuyệt. Mỗi bánh có đường kính tầm 25 cm. Quán bánh xèo chảo quyến rũ du khách bằng rổ mực tươi rói còn xanh màu nước biển, chế biến đến đâu bỏ mực đến đó. Bánh xèo được đổ với tôm hoặc mực tùy theo khẩu vị của khách. Bánh xèo Nha Trang khi chế biến cũng thường cho trứng cút hay trứng gà vào giữa bánh tương tự như bánh căn. 
Địa điểm gợi ý: đường Tô Hiến Thành, thành phố Nha Trang.
3. Bún cá dầm - Bún sứa
Đến Nha Trang sẽ thực sự là một thiếu sót nếu không thưởng thức bún cá hay bún sứa. Món ăn này thường sử dụng bún lá Ninh Hòa và nguyên liệu cá bò. Trong một tô bún, cá và sứa thường được bỏ chung, chả cá chiên là nguyên liệu không thể thiếu, có nơi còn cho lòng cá, trứng cá để tăng thêm độ ngọt và phong phú. Từng khoanh cá dày cộp bỏ da và xương, những lát sứa trong veo, dai dai hấp dẫn thực khách.
5-7864-1407837738.jpg
Điểm đặc trưng nước dùng món bún là không nấu bằng xương heo hay gà như thông thường mà nấu bằng chính xương đã lóc ra của cá.
Bún ăn với rau sống và mắm tôm. Nước dùng của các món bún có điểm đặc trưng là không nấu bằng xương heo hay gà như thông thường mà nấu bằng chính xương đã lóc ra của cá, mùi vị khó lẫn vào đâu được. Đa số các món ở Nha Trang đều dùng với ớt xanh nguyên trái hoặc xay ra để át mùi tanh của cá, cộng với sa tế các loại. Nếu bạn không quen ăn cay thì đây sẽ là điểm nên lưu ý.
Địa điểm gợi ý: đường Thống Phan Bội Châu, khu vực Chợ Đầm, Yết Kiêu, thành phố Nha Trang
4. Nem nướng
Đến Nha Trang là phải ăn nem Ninh Hòa. Người chưa biết ăn thì nghe tiếng thơm của món đặc sản địa phương nên muốn thử cho biết, còn người ăn rồi thì tìm đến ăn nữa cho đã thèm. Người dân địa phương có khi gọi nem nướng là nem cuốn bởi muốn ăn phải tự cuốn cho vừa ý, chấm với nước chấm sền sệt được chế biến theo cách riêng của người bản xứ.
6-5433-1407837738.jpg
Ăn một miếng nem nướng, bạn lại muốn bỏ vào miệng thêm một miếng nem nữa.
Tương tự như gỏi cuốn, bò bía trong Nam, món nem nướng khi ăn phải cuốn chung với bánh tráng, ram dưa chua và rau các loại. Sở dĩ nem Ninh Hòa ngon có tiếng là vì nguyên liệu được lựa chọn và chế biến công phu theo cách riêng của vùng Ninh Hòa, để sao cho có hương vị đặc biệt không giống bất cứ loại nem nào ở nơi khác. Quả thật, nem ăn không ngấy vì không có dính chút mỡ nào, cộng với các thành phần phụ cùng rau dưa các loại hòa quyện đủ vị béo, chua, giòn, cay, no mà không ngán. 
Địa điểm gợi ý: đường Thống Nhất, thành phố Nha Trang.

Các món bún nổi tiếng 3 miền nên thử

Miền Bắc có bún chả, bún tôm, miền Trung có bún bò, bún sứa còn miền Nam có bún mắm đặc trưng, tất cả tạo nên những nét riêng - chung cho ẩm thực mỗi vùng.
Dưới đây là những món bún nên thử khi bạn chu du dọc miền đất nước.
Bún chả Hà Nội
Bun-cha-pho-co-Ha-Noi-tren-bao-5777-6421
Bún chả. Ảnh: hivietnam
Hà Nội không thiếu những món ăn ngon nhưng để hiểu một phần ẩm thực nơi đây, bạn không nên bỏ qua bún chả. Cũng giống như phở, bún chả có mặt ở hầu khắp các con phố, ngõ xóm thủ đô với nhiều biến tấu khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là đĩa bún rối với bát nước chấm su hào, cà rốt gồm cả chả miếng và chả viên.
Chả miếng được làm từ những miếng thịt lợn thái mỏng, đủ cả nạc và mỡ, tẩm ướp gia vị sau đó nướng trên than hoa đến khi chín có màu cánh gián. Kỳ công hơn một chút là món chả viên bởi trước khi rán, thịt phải được băm nhuyễn rồi nêm nếm cho vừa miệng. Chả có thể nặn không rồi rán vàng, còn tỉ mỉ hơn thì cuốn thêm lá lốt, lá xương sông để giòn và thơm hơn. Bún chả dễ ăn nên rất thích hợp trong những ngày nắng nóng. Thêm chút rau sống tươi ngon món ăn càng trở nên hấp dẫn. Bạn có thể đến phố Hàng Mành, Hàng Than, Bạch Mai, ngõ chợ Đồng Xuân... để thưởng thức món ăn này.
Bún tôm Hải Phòng
b4-168702-1368237379-500x0.jpg
Bún tôm Hải Phòng. Ảnh: SuZi Nguyễn
Là món ăn đặc trưng đất Cảng, ngày nay bún tôm được yêu thích ở nhiều nơi trên cả nước bởi hương vị đặc trưng. Thành phần chủ yếu của món ăn này gồm bún và tôm sú, ngoài ra là các loại rau có thể thay đổi theo mùa như cần, cải xanh, dọc mùng... Khác với các món bún thông thường, nước dùng của món bún này được chế từ nước luộc tôm và xương ninh nên có vị ngọt thanh, đậm đà.
Khi lên bát, bún tôm còn có thể cho thêm vài miếng chả lá lốt, chả cá, mộc nhĩ thái chỉ khiến món ăn không chỉ đầy đặn mà còn bắt mắt hơn. Đó là bởi sự hòa quyện của màu đỏ tôm, màu xanh rau, màu trắng bún, màu vàng chả và màu đen mộc nhĩ. Địa chỉ cho món bún tôm ở Hải Phòng là phố Lương Khánh Thiện, Trần Quang Khải, Cát Dài...
Bún bò Huế
bun-4-1375437560-500x0.jpg
Bún bò Huế. Ảnh: Khánh Hòa
Không cần phải đến Huế bạn mới có thể được thưởng thức món ăn này, tuy nhiên nếu có dịp đến đây, bạn nên thử để cảm nhận hương vị riêng trên mảnh đất sản sinh ra nó. Nét đặc trưng của bún bò Huế là những sợi bún to, tròn, dai, trắng muốt trong khi nước dùng có màu đỏ đặc trưng, phía trên bày thêm thịt bắp bò, chả Huế và miếng giò heo.
Khi ăn, bên cạnh đĩa chanh, ớt, món bún bò Huế không thể thiếu rổ rau sống gồm rau thơm, giá và bắp chuối thái nhỏ. Vị cay cùng hương thơm đậm đà của mắm ruốc tạo nên nét rất riêng cho món ăn này. Một số quán bún bò Huế tại thành phố sông Hương mà du khách có thể ghé qua nằm trên đường Bạch Đằng, Lê Duẩn, Nguyễn Du, Nguyễn Sinh Cung, Thương Bạc, Lý Thường Kiệt...
Bún sứa Nha Trang
rvh1389952985_1407255867.jpg
Bún sứa. Ảnh: camnangdulich
Lạ miệng và là đặc sản Nha Trang là lý do mà bạn nên thử bún sứa khi đến thành phố biển của Khánh Hòa. Món ăn tuy không bắt mắt về màu sắc do nguyên liệu chủ yếu là bún và sứa đều có màu trắng nhưng lại hấp dẫn bởi hương vị biển đặc trưng. Sứa chọn làm bún nhỏ, có màu trắng đục, dày mình, sau khi sơ chế phải đảm bảo được vị ngọt tự nhiên và giòn sần sật. Trong khi đó nước dùng được làm từ cá không làm mất đi vị sứa mà lại ngọt thanh hòa quyện.
Để bún sứa không đơn điệu người ta có thể ăn kèm chả cá cùng chút rau sống. Sau khi chan nước dùng nóng hổi, thưởng thức bát bún sứa người ăn như cảm nhận được hương vị biển nồng nàn trong từng miếng nhỏ. Bởi vậy, dù có biết bao sản vật thơm ngon, Nha Trang vẫn hấp dẫn thực khách bởi những bát bún sứa giản đơn mà thi vị. Đường Phan Bội Châu, Ngô Gia Tự, Hàn Thuyên là địa chỉ tham khảo cho món bún sứa khi đến Nha Trang.
Bún nước lèo Sóc Trăng
bunnuocleo-1-735559-1368267083-5765-4541
Bún nước lèo Sóc Trăng. Ảnh: Thư Kỳ
Bún nước lèo hay bún mắm là đặc sản nổi tiếng miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là ở Sóc Trăng. Như tên gọi, phần nước lèo (nước dùng) là yếu tố quyết định độ ngon của bát bún. Nước lèo được nấu bằng xương ống, sườn lợn, tôm thẻ hoặc củ cải trắng và thêm nước dừa tươi để có vị ngọt thanh. Tuy nhiên, điều làm nên đặc trưng cho nước lèo lại nằm ở mắm cá sặc cho thêm. Trong suốt quá trình nấu và sôi nước, người làm phải hớt bọt thật kỹ để nước trong đẹp mắt, thêm chút sả cây để dậy mùi hương.
Bún nước lèo có thể ăn kèm cá lóc luộc lọc xương, tôm tươi lột vỏ, thịt quay xắt nhỏ và các loại rau. Hương thơm dịu nhẹ, quyến rũ của mắm trong bát nước lèo cùng vị giòn dai của thịt quay, ngọt đậm đà của tôm thịt sẽ khiến bạn nhớ mãi món ngon đậm chất miền Tây Nam Bộ này. Địa chỉ gợi ý dành cho bạn ở thành phố Sóc Trăng là quán bún nước lèo ở đường Võ Đình Sâm, Nguyễn Trung Trực hoặc đường Lê Lợi, khu chợ cũ huyện Mỹ Xuyên.

Thưởng thức những món bún ngon ở Sài Gòn

Đến Sài Gòn bạn sẽ dễ dàng tìm cho mình tô bún ốc thơm ngon đậm chất Bắc, tô bún bò Huế thanh tao hay tô bún mắm ngọt ngào của vùng sông nước Cửu Long.
Thưởng thức những tô bún nóng hổi, thơm ngon đậm chất vùng miền trong  cơn mưa chiều tầm tã ở Sài Gòn sẽ cho bạn nhiều dư vị đặc biệt khó quên. Cùng điểm qua vài món bún ngon dễ tìm ở Sài Gòn để cùng bạn bè, người thân thưởng thức trong những ngày Sài Gòn chuyển mùa.
1. Bún ốc
Đây là món ăn dân dã đặc trưng của miền Bắc, khá cầu kỳ trong cách chế biến, đặc biệt là trong khâu làm sạch và luộc ốc. Bởi nếu thiếu sự tỉ mỉ, ốc luộc quá chín sẽ trở nên dai và khi gỡ ốc sẽ gãy đôi không nguyên con. Tô bún ốc ngon vì nước dùng được chế từ xương ống ninh nhừ, vớt sạch váng bọt để màu nước trong veo. Tô bún bốc khói nghi ngút với những con ốc béo ngậy, giòn ngọt, thêm miếng đậu hũ chiên vàng ruộm, miếng cà chua đỏ tươi và điểm vài lát hành xắt mỏng trông rất bắt mắt.
Đi kèm với tô bún là đĩa rau mang đặc trưng của miền Bắc như tía tô, kinh giới, rau húng, bạn mới cảm nhận đầy đủ hương vị của món ăn dân dã này. Ở Sài Gòn bạn có thể đến quán bún ốc trong con hẻm ngã tư Huỳnh Văn Bánh - Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận hay bún ốc Thanh Hải ở đường Kỳ Đồng, quận 3.
1-JPG-1804-1401704226.jpg
Thưởng thức tô bún ốc thơm phức sẽ cho bạn nhiều dư vị khó quên. Ảnh: Hotto
2. Bún riêu cua
Cùng với bún ốc, bún riêu cua “đặc sản của miền Bắc” cũng là món ngon có mặt trong nhiều con phố ở Sài Gòn. Tô bún riêu cuốn hút bởi nước lèo vàng tươi, sóng sánh, điểm thêm sắc đỏ của cà chua, chút hành lá xanh và những cọng bún trắng tinh tươm. Tuy nhiên ở Sài Gòn, bún riêu còn thêm huyết heo, đậu hũ, một vài nơi thêm miếng chả hoặc ốc luộc… Riêu được làm từ những con cua đồng tươi ngon từ vùng sông nước miền Tây, giã nhỏ rồi lọc kỹ mới cho ra nước dùng thơm phức, ngọt ngậy.
Để tô bún riêu trọn vị trước khi thưởng thức thực khách nên cho thêm một ít mắm tôm, vài miếng ớt cay nhẹ. Vị ngọt thơm của nước dùng cua đồng, pha thêm chút chua của cà, vị cay của ớt và đậm đà của mắm tôm sẽ làm cho bạn phải xuýt xoa khi thưởng thức. Bạn dễ dàng tìm thấy trong những con hẻm nhỏ Sài Gòn hoặc trong những hàng quán ở Nguyễn Cảnh Chân - quận 1, Lê Văn Sỹ - quận 3, Trần Kế Sương - Phú Nhuận hay vỉa hè đường Lê Thánh Tôn.
2-8898-1401704226.jpg
Tô bún riêu thơm nghi ngút sẽ cho bạn ấm áp trong những ngày mưa Sài Gòn. Ảnh: Bunsaigon
3. Bún bò Huế
Cũng như nhiều món ăn của đất cố đô, bún bò Huế rất cầu kỳ trong cách chế biến, đặc biệt ở nước lèo. Nước lèo ngon phải được ninh nhừ từ xương heo, xương bò với một số loại củ, thêm vị đậm đà của mắm ruốc. Nước phải trong, hòa quyện với gia vị, xả ớt, đường phèn tạo độ ngọt thanh, ít dầu mỡ.
Những sợi bún to trắng cùng với thịt bò, móng giò và tiết heo nóng hổi, bốc hơi nghi ngút trong tô nước lèo ngọt lịm sẽ cho thực khách hương vị ngây ngất khó quên. Hương vị đặc biệt của món bún được kết hợp với các loại rau sống, bắp chuối, giá sống. Ở Sài Gòn bạn không khó khi tìm món Huế, có thể tìm đến bùn bò Hương Giang, quận Tân Bình, bún bò Huế 357 trên đường Bà Hạt, quận 10, bún bò Sông Hương - Gò Dầu - Tân Phú.
3-6187-1401704226.jpg
Tô bún bò Huế với nhiều hương vị đặc trưng khó tả khi thưởng thức. Ảnh: Bunbohue
4. Bún mắm miền Tây
Tiếp biến từ món bún mắm của người Campuchia, người miền Tây sáng tạo thêm cho mình vài cách thức riêng bằng cách dùng mắm cá linh thay cho mắm bò hóc. Sự hấp dẫn của món bún này đặc biệt từ nước lèo thơm phức mùi cá linh, loại cá đặc sản của vùng sông nước Cửu Long. Cá bắt về được chưng làm mắm. Mắm được nấu cho nhừ sau đó lọc lấy phần nước để dùng làm nước lèo.
Thưởng thức tô bún mắm đầy đủ gồm cá lóc, sả bằm, nấm rơm, cà tím cắt khú. Nước chấm kèm theo là nước mắm me nguyên chất, thêm lát ớt tươi xắt mỏng, điểm thêm miếng chanh để tô bún đậm đà hơn. Rau ăn kèm là bắp chuối bào mỏng, giá, rau muống bào, đặc biệt không thể thiếu rau đắng đậm chất miền Tây.
Có ba quán bún mắm được người Sài Gòn ưa chuộng là Quán Vy, nằm tại con hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 5; quán bún mắm Bạc Liêu tại Vĩnh Viễn, quận 10 hay quán bún mắm Lê Quang Định nằm trên con đường cùng tên ở quận Bình Thạnh.
4-1792-1401704226.jpg
Bún mắm đậm đà hương vị miền Tây. Ảnh: Giamua
5. Bún cá num bò chóc
Đây là một loại bún nổi tiếng của xứ sở chùa tháp, theo dấu chân của người Campuchia vào tận vùng đất Sài Gòn. Thành phần chính của món bún là cá lóc đồng, mắm bò hóc, nghệ tươi và những gia vị đặc trưng của Campuchia. Nước lèo được nấu từ cá lóc đồng tươi nguyên, mắm bò hóc và nêm nếm các gia vị đặc trưng của xứ chùa tháp như trái chúc, ngải búng, cùng nghệ tươi và sả củ. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo cho nước dùng màu vàng tươi đẹp mắt cùng hương vị thơm ngon, đậm đà.
Thưởng thức tô bún num bò chóc với nước dùng màu vàng đặc trưng, điểm thêm màu xanh của đậu đũa, màu tím của bông súng, thêm màu vàng tươi của bông điên điển làm cho tô bún trông hấp dẫn và bắt mắt. Bạn có thể thưởng thức tô bún này ở quán bà Tư Xê trong chợ Lê Hồng Phong, quận 10.
5-3356-1401704226.jpg
Bún cá num bò chóc món ngon của xứ chùa tháp tại Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa

Những con phố ăn uống nổi tiếng ở Sài Gòn

Đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) được biết đến với các quán chè Thái hay con đường Hồng Hà (quận Tân Bình) nổi tiếng là nơi tập trung các món ăn Bắc ở Sài Gòn.
Sài Gòn từ lâu được biết đến như là một thành phố không bao giờ ngủ với những quán ăn, nhà hàng không khi nào đóng cửa. Bất cứ lúc nào và thời gian nào, chỉ cần bước chân xuống đường là bạn đã có thể tìm thấy cho mình một món ăn ngon miệng. Cho dù đó là một đặc sản của núi rừng Tây Nguyên hay món ăn dân dã ở miền Trung xa xôi... bạn đều có thể tìm thấy ở Sài Gòn. Không chỉ có vậy, ở Sài Gòn còn hình thành nên nhiều con phố tập trung nhiều quán ăn ngon, trở thành địa chỉ quen thuộc mà chỉ cần nói đến tên đường là bạn có thể biết được ở đó có những món ăn gì và bán vào thời gian nào...
1. Đường Nguyễn Tri Phương - quận 10
Nói đến con đường này, nhiều người nghĩ ngay đến món chè Thái nổi tiếng ở đây. Có ít nhất 5 quán chè Thái luôn tấp nập khách ra vào mỗi khi đêm về. Món chè hấp dẫn bởi sự đa dạng về màu sắc, mùi vị nào là sầu riêng, mít thơm lừng, sapoche dẻo, nhãn tươi, hạt lựu, bông tuyết, rau câu thái sợi, nước cốt dừa, sương sa... Cái vị beo béo của sữa tươi và thơm đậm của sầu riêng làm cho thực khách thích mê mỗi khi thưởng thức món ăn này.
pho1-3287-1391996257_1392196217.jpg
Từ giờ tan tầm cho đến mờ sáng hôm sau, các quán ăn trên đường Nguyễn Tri Phương không bao giờ vắng khách. Vỉa hè hai bên đường luôn được các hàng quán ở đây tận dụng làm chỗ ngồi cho thực khách. Ảnh: Huấn Phan.
Ngoài chè Thái, con đường này còn thu hút thực khách với nhiều món ăn ngon miệng khác nhau. Bạn sẽ đếm được không dưới 10 quán phở với nhiều thương hiệu nổi tiếng ở Sài Gòn. Bên cạnh đó là các quán hủ tiếu Nam Vang, bánh canh ghẹ, cơm tấm... Vào những ngày trời trở lạnh, lẩu là món ăn khó có thể bỏ qua. Một món lẩu trở thành đặc sản ở đây là lẩu que (lẩu tự chọn). Khi ăn món này, các nguyên liệu tươi ngon như tôm, cua, cá, mực, nấm, hải sản... được bày sẵn để thực khách tha hồ lựa chọn theo ý thích của mình.
2. Đường Nguyễn Hữu Cầu - quận 1
Nằm ngay bên hông chợ Tân Định, con đường Nguyễn Hữu Cầu tuy nhỏ nhưng từ sáng đến khuya không lúc nào vắng thực khách. Nổi tiếng nhất là các món ăn Huế, có thể nói ở đây có gần như đầy đủ các món ăn nổi tiếng xứ Huế như: bánh bèo, bánh lọc, bánh canh Nam Phổ, bánh nậm, nem nướng, bún bò.... với vị cay xé lưỡi đặc trưng khiến thực khách phải xuýt xoa khi thưởng thức.
cho-tan-dinh-2-3556-1391764183_139219624
Đầu đường Nguyễn Hữu Cầu, bên hông chợ Tân Định là một dãy các hàng quán mở suốt đêm để phục vụ các thực khách ăn khuya. Ảnh: Huấn Phan.
Ngay đầu đường bên hông chợ Tân Định là một dãy các hàng quán bán mở cửa từ sáng sớm đến tối mịt với đủ các món cơm, phở, cháo, hủ tiếu, bánh canh hay các món chè... Các món ở đây đều dễ ăn, vừa miệng cũng vừa túi tiền nhưng lại không đặc sắc nên ít để lại ấn tượng cho người ăn. Ngoài ra, bạn cũng có thể thưởng thức các món ăn Thái với mức giá tương đối rẻ ở khu vực này.
3. Đường Hồng Hà - quận Tân Bình
Nói về các món ăn Bắc, thì đây là con đường tập trung nhiều món Bắc nhất ở Sài Gòn. Ngoài món phở, bạn có thể kể tên hơn 10 món Bắc được bán trên con đường này như: nem tai, bún đậu mắm tôm, bún cá rô đồng, bún chả, cháo sườn, bánh đa cua, bún ốc...
Theo nhiều thực khách đánh giá thì các quán ăn ở khu vực này vẫn giữ được hương vị đặc trưng của người Bắc trong từng món ăn của mình. Ngoài các thực khách là người gốc Bắc, thực khách ở các địa phương khác cũng thường tìm đến đây khi muốn tìm một món ăn vừa ngon vừa lạ miệng.
4. Đường Phan Xích Long - quận Phú Nhuận
pho2-2749-1391996257_1392196293.jpg
Khu vực đường Phan Xích Long và hai bờ kênh Nhiêu Lộc là các quán ăn luôn sáng đèn từ đêm đến sáng. Ảnh: Huấn Phan.
Không chỉ được mệnh danh là 'con đường cà phê', đường Phan Xích Long còn là nơi tập trung rất nhiều quán ăn hấp dẫn đủ ba miền Bắc - Trung - Nam. Đến đây, bạn có thể dễ dàng thưởng thức một bát bún bò cay xé lưỡi đúng chất Huế hay tô bún cá thanh ngọt của người Đà Nẵng. Thực khách cũng có thể thưởng thức món bún đậu mắm tôm nồng nàn của miền Bắc hay bát phở hai tô (phở khô) bốc khói của phố núi Pleiku.
Sau những cơn mưa chiều hay những buổi tối trở gió, những xe ngô luộc hay khoai lang nướng luôn được người đi đường ưu ái lựa chọn. Bạn cũng không thể bỏ qua các quán ốc, quán hải sản hay chân gà nướng luôn tấp nập thực khách ở khu vực này.
Ngoài những con phố điển hình kể trên, ở Sài Gòn còn rất nhiều địa điểm khác cho bạn chọn lựa như phố cá lóc nướng Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú), phố bánh canh Trần Khắc Chân (quận 1), phố món ăn miền Trung ở Trần Mai Ninh (quận Tân Bình) hay phố món Bắc ở Phạm Văn Hai (quận Tân Bình)...

10 món bún ngon đất Bắc giữa Sài Gòn

Bún thang tinh tế; bún chả thơm ngon hay bún bung thanh mát... là những món ngon có nguồn gốc miền Bắc được bán nhiều ở thành phố phương nam.
1. Bún chả
bun-cha-1-2809-1379993404.jpg
Trong các món bún ở miền Bắc, bún chả là món ăn được bán nhiều nhất ở Sài Gòn. Các thành phần của món ăn này như chả, thịt nướng, nước chấm, đồ chua, các loại rau... đều giữ được hình thức và hương vị như ở Hà Nội. Chính điều đó đã giúp cho các quán bún chả ở Sài Gòn dù nằm ngoài đường lớn hay trong hẻm nhỏ đều thu hút rất đông thực khách.
2. Bún đậu mắm tôm
bun-dau-1-8309-1379993405.jpg
Món bún đậu mắm tôm ở Sài Gòn tuy không giữ được toàn vẹn hương vị của món ăn như ở Hà Nội, nhưng cũng đủ để những người con xa quê vơi đi cảm giác nhớ nhà khi thưởng thức. Điều đặc biệt là đậu phụ ở đây được chính chủ quán làm. Khi đã thưởng thức xong món bún đậu mắm tôm, nếu như vẫn còn thòm thèm, bạn có thể thưởng thức thêm các món ăn ngon miệng khác của miền Bắc như: bún ốc chuối đậu, bún mắm tép thịt luộc, nem rán...
3. Bún thang
bun-thang-1-9541-1379993405.jpg
Trong các món bún của miền Bắc thì bún thang là món ăn có thừa sự tinh tế hài hòa giữa sắc, hương và vị. Bát bún như một bức tranh nhiều màu sắc, với vị cay nồng của ớt, tỏi, vị ngọt của xương trong nước dùng... Vì lẽ đó, bún thang đã trở thành một món ngon đặc sản Hà thành hấp dẫn thực khách.
4. Bún bung
bun-bung-1-9905-1379993405.jpg
Bún bung còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bún móng giò, bún dọc mùng, bún sườn... tùy theo thành phần có trong món ăn. Không nổi tiếng và có nhiều hàng quán như các món bún chả, bún mọc hay bún cá rô đồng..., bún bung vẫn được nhiều người thưởng thức vì hương vị thơm ngon.
5. Bún giả cầy
bun-gia-cay-1-6266-1379993406.jpg
Miếng móng giò với lớp da vàng vàng ruộm cùng hương thơm của riềng mẻ quyện vào nhau thật hấp dẫn. Ăn miếng móng giò, cảm nhận cái giòn giòn của lớp da bên ngoài, cái mềm của lớp thịt bên trong hòa quyện trong nước nhựa mận được nêm đậm đà rất vừa miệng. Trong những ngày trở gió, món bún giả cầy quen thuộc luôn là món ăn ưa thích của nhiều người.
6. Bún ốc chuối đậu
bun-oc-chuoi-dau-1-1132-1379993406.jpg
Tên gọi bún ốc chuối đậu được tổng hợp từ các thành phần làm nên món ăn. Chế biến món này không khó nhưng mất nhiều thời gian vì có nhiều thành phần như ốc, chuối xanh, đậu, thịt lợn... Bún ốc chuối đậu hấp dẫn với màu vàng của nghệ cùng hương thơm đậm đà khiến bạn không thễ cưỡng lại được.
7. Bún riêu ốc
bun-rieu-oc-1-9891-1379993406.jpg
Thành phần chính của món ăn là riêu cua, ốc. Những con ốc bươu to tròn được xào vàng ươm, nhìn thật hấp dẫn. Riêu cua được làm từ cua đồng, thịt cua được giã nhuyễn để miếng riêu vừa xốp, vừa thơm, cho vào miệng thì tan ra ngay nơi đầu lưỡi nhưng không bị nát khi cho vào bát bún.
8. Bún mọc
bun-moc-1-9394-1379993407.jpg
Thoạt nhìn thấy bún mọc có vẻ đơn giản nhưng lại thể hiện được sự tinh tế của người miền Bắc. Món ăn được chế biến khá đơn giản, có thành phần chính là sợi bún nhỏ và mọc (tên gọi khác của người Bắc dùng để gọi giò sống). Phần mọc thường được chế biến thành 3 loại khác nhau như: giò sống vo thành viên nhỏ, nấu chín trong nước dùng; giò sống vo viên chiên vàng; giò sống trộn với nấm hương, vo viên nấu chín.
9. Bún cá thìa là
bun-ca-thi-la-1-5416-1379993407.jpg
Bún cá thìa là mang đậm hương vị đặc trưng của người miền Bắc. Bát bún nhiều màu sắc với màu vàng của chả cá thác lác chiên, trắng của bún, đỏ của cà chua, xanh của hành cùng hương thơm thoang thoảng của thìa là rất hấp dẫn.
10. Bún cá rô đồng
bun-ca-ro-dong-4471-1379993407.jpg
Bún cá rô đồng là món ngon nức tiếng của Hải Dương. Chỉ với nguyên liệu chính là cá rô đồng nhưng khó ai có thể quên được hương vị đậm đà, thanh ngọt thoang thoảng hương thơm của bát bún cá rô nếu đã một lần được thưởng thức. Có nhiều loại cho bạn lựa chọn như cá rô chiên, hấp hoặc làm chả...

Tha hồ ăn ngon trên đường Phan Xích Long

Phở khô Gia Lai, bún chả cá Đà Nẵng, chân gà nướng... là những đặc sản vùng miền nổi tiếng mà bạn có thể thưởng thức trên con đường sầm uất này.

Được biết đến là một khu phố ăn chơi sầm uất với rất nhiều quán ăn, quán cà phê... nên không ngạc nhiên khi đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận, TP HCM) trở thành địa điểm lui tới của rất nhiều người. Đến đây vào buổi sáng sớm hay chiều tối, lúc nào bạn cũng có thể tìm thấy cho mình các món ăn ngon miệng như bún, phở, các món hải sản; chân gà nướng... với mức giá tương đối mềm.
1. Bún chả cá miền Trung
Nằm ngay đầu đường Phan Xích Long là món bún chả cá với hai thương hiệu nổi tiếng của người miền Trung là bún chả cá Bình Đinh và bún chả cá Đà Nẵng. Tuy khác nhau về tên gọi nhưng nhìn chung món ăn của hai địa phương này có nhiều nét tương đồng. Những lát chả cá vàng ươm, dẻo dai nhờ được làm từ các loại cá đặc trưng vùng biển miền Trung như: cá mối, cá nhồng, cá thu, cá rựa, cá cờ, cá chỉ vàng... Người ta thường chế biến thành hai loại khác nhau là hấp chín và chiên vàng, dù chiên hay hấp thì món chả cá của người miền Trung cũng hấp dẫn người ăn nhờ cái dai mềm, ngon ngọt tự nhiên.
bun-cha-ca-1-6852-1390411018.jpg
Món bún chả cá nổi tiếng của người miền Trung luôn giành được sự ưu ái của thực khách. Ảnh: Huấn Phan.
Không chỉ có chả cá, nước dùng của món ăn này cũng được chế biến khá công phu. Không sử dụng bột ngọt hoặc đường, người miền Trung sử dụng xương cá tươi, thường là xương cá thu, cá cờ hoặc những loại cá nhỏ như cá chỉ vàng, cá liệt… ninh chín để làm nước dùng. Nhờ sự kỳ công đó mà nồi nước dùng của món ăn này luôn trong veo và có vị ngọt thanh ngon miệng.
Thêm một điểm giống nhau nữa là cho dù bạn ăn bún chả cá Đà Nẵng hay Bình Định thì luôn có đĩa rau sống tươi ngon được thái nhuyễn, một hủ hành tím ngâm, chén tương ớt... chính nhờ những nguyên liệu này làm tăng thêm hương vị cho món ăn thơm ngon này.
Địa chỉ: Quán bún chả cá Đà Nẵng - 8 Phan Xích Long; Bún chả cá Bình Định - 1 Phan Xích Long.
2. Bò lá lốt
Đây là một trong những địa điểm được những tín đồ mê món bò lá lốt biết đến. Nhờ vậy, nên dù chỉ là một quán ăn bình dân nhưng không có lúc nào vắng khách. Lò than của quán lúc nào cũng đỏ lửa để kịp phục vụ cho thực khách những phần bò nướng cháy cạnh, thơm ngon. Được làm từ thịt bò, thịt lợn băm nhuyễn, cuốn trong lá lốt và nướng trên bếp than hồng với âm thanh xèo xèo, món ăn lan tỏa mùi thơm làm thực khách khó có thể cầm lòng.
bo-la-lot-1-7668-1390411018.jpg
Bò lá lốt cuốn bánh tráng được nhiều người ưa thích nhờ hương vị thơm ngon, đậm đà. Ảnh: Huấn Phan.
Bò lá lốt được ăn kèm với bún, bánh tráng, các loại rau xà lách, diếp cá, húng quế... thêm một ít chuối chát, dưa leo, khế thái lát mỏng và dĩ nhiên không thể thiếu chén mắm nêm. Hương thơm của thịt bò nướng lá lốt, hòa trong cái vị chát của chuối, vị chua của khế cùng hương thơm đặc trưng của mắm nêm làm cho món ăn thêm đậm đà và ngon miệng.
Địa chỉ: Quán Anh Ba - 1 A Phan Xích Long, quận Phú Nhuận.
3. Phở khô Gia Lai
Đây là món ăn nổi tiếng của người dân Gia Lai. Khác với bánh phở Sài Gòn, phở khô có sợi nhỏ như sợi hủ tiếu gõ, nhưng săn và hơi dai hơn. Nước dùng của phở khô trong veo và có vị thanh ngọt rất ngon miệng, không quá đậm đà và cũng không quá nhạt, nên khi ăn kèm với bánh phở bạn sẽ thấy rất vừa miệng. Nguyên liệu ăn phở khô rất phong phú, bạn có thể ăn với thịt gà, thịt bò tái hoặc bò viên.
pho-kho-1-1163-1390411018.jpg
Phở khô là đặc sản của Gia Lai mà rất nhiều người muốn được một lần thưởng thức. Ảnh: Huấn Phan.
Bánh phở được chần chín và để riêng trong một tô, một ít giá chần, hành phi và thịt lợn nạc băm nhuyễn được phủ đều lên. Nước dùng được để riêng trong một tô còn lại. Ăn phở khô không thể thiếu tương đen, tương vừa có vị mặn nhưng vẫn có vị hơi ngòn ngọt của đậu được lên men. Khi ăn, cho tương đen, nước tương, ớt sa tế, một lát chanh, ớt trái để thêm vị cay và trộn đều.
Địa chỉ: Quán phở khô Hồng - 114 Phan Xích Long, quận Phú Nhuận.
4. Chân gà nướng
Quán ăn đơn điệu với một chiếc tủ nhỏ bày thức ăn, dăm ba chiếc bàn con và một bếp than hồng rực, cùng mùi thơm quyến rũ từ những chiếc chân gà nướng cháy cạnh, vàng ươm. Không nhiều món ăn cho bạn lựa chọn trong thực đơn của quán khi chỉ có chân gà hoặc cánh gà nướng. Chỉ chừng đó thôi nhưng nhờ cách ướp nướng thơm ngon nên quán luôn được nhiều thực khách ưu ái ghé đến thưởng thức.
chan-ga-nuong-6122-1390411018.jpg
Trong thời tiết se lạnh ngày cuối năm thì chân gà nướng là món ăn ngon khó có thể bỏ qua. Ảnh: Huấn Phan.
Chân gà nướng ở đây có cách chế biến rất đơn giản, khó nhất là khâu tẩm ướp gia vị để chân gà thấm đều, không quá mặn hoặc không quá nhạt... Những chiếc chân gà được rửa sạch, để ráo nước rồi chẻ làm đôi trước khi ướp các loại gia vị như đường, ngũ vị hương, nước tương, ớt sa tế, tỏi bằm... để trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ cho thấm gia vị rồi nướng chín trên bếp than hồng. Chân gà nướng chín thường được ăn kèm với ít đồ ngâm chua, rau răm cùng chén muối ớt chanh chua cay, đậm đà.
Địa chỉ dành cho bạn: 105 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM.
5. Các món hải sản
Bạn có thể dễ dàng thưởng thức các loại nghêu, sò, ốc, hến... trên con đường này. Ngay từ đầu giờ chiều, các quán ốc ở đây đã bắt đầu quyến rũ người đi đường nhờ hương thơm của món ăn tỏa ra từ các vỉ nướng đặt trên vỉa hè. Thức ăn phong phú, mức giá bình dân, chổ ngồi thoáng mát nên các quán ốc ở đây luôn là địa chỉ lý tưởng cho thực khách lựa chọn.
hai-san-9032-1390411018.jpg
Những món hải sản nướng thơm ngon luôn đủ sức hút với bất kỳ thực khách nào. Ảnh: Huấn Phan.
Ngoài các món ăn kể trên, con đường này còn khá nhiều món ăn ngon miệng khác như: mì Quảng, hủ tiếu, bún bò, phở, chè miền Tây... với đủ hương vị thơm ngon có thể làm hài lòng bất cứ thực khách nào khi đến đây.

Gợi ý ăn chơi ngày Tết ở Sài Gòn

Đi dạo đường hoa Nguyễn Huệ, đón giao thừa, đi lễ chùa đầu năm, xem kịch... là những điều có thể tận hưởng dịp Tết ở Sài Gòn.

1. Đi dạo đường hoa Nguyễn Huệ và đón giao thừa
Như những năm trước đây, đường hoa Nguyễn Huệ luôn là điểm du xuân được người dân thành phố mang tên Bác lựa chọn. Khai mạc vào ngày 28 tháng chạp, ngoài hình tượng chủ đạo là đàn ngựa, tượng trưng cho năm Giáp Ngọ 2014, đường hoa còn là nơi hội tụ của muôn vàn loại hoa khoe sắc khác nhau. Bên cạnh đó, hình ảnh làng quê Việt Nam cũng được tái hiện ngay giữa những tòa nhà cao tầng với bụi tre, giếng nước, ao làng... mang đến cảm giác thanh bình trong những ngày đầu năm mới.
duong-hoa-1-8893-1390964106.jpg
Sau khi dạo bước ở đường hoa, bạn có thể đi về bến Bạch Đằng để cùng mọi người đón chờ thời khắc đặc biệt nhất trong năm với màn pháo hoa rực rỡ đón chào năm mới Giáp Ngọ 2014. Nếu muốn chọn cho mình một vị trí đẹp nhất để xem pháo hoa bạn nên đến đây trước 21h. Bên cạnh đó, bạn có thể lựa chọn những quán cà phê trên các cao ốc gần đó như: khách sạn Majestic, tòa nhà  Bitexco... để trải nghiệm cảm giác xem pháo hoa từ trên cao.
2. Đi lễ chùa
Sau khi đón giao thừa, bạn có thể đến thắp nhang xin lộc đầu năm tại các ngôi chùa lớn của thành phố như: chùa Vĩnh Nghiêm, Việt Nam Quốc Tự, chùa Phổ Quang, chùa Ngọc Hoàng.... Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là vào thời điểm này, các ngôi chùa này thường rất đông đúc, nên bạn có thể lựa chọn buổi sáng mồng 1 để đi lễ chùa cùng gia đình.
le-chua-1-3616-1390964106.jpg
3. Cà phê Sài Gòn ngày vắng tanh
Trái ngược với cảnh tấp nập thường thấy của Sài Gòn, vào những ngày đầu năm mới, đường phố ở đây thưa thớt bóng người. Đón năm mới bên ly cà phê thơm lừng và tán gẫu cùng người thân, bạn bè  là một gợi ý không tồi cho bạn trong những ngày đầu năm. Nhiều quán cà phê đẹp mà bạn có thể lựa chọn cho mình như: cà phê Du Miên; Miền Đồng Thảo; cà phê Trầm; quán Nến (quận Phú Nhuận); quán Country House (quận Gò Vấp); những quán trên đường Phan Xích Long như: Boulevard; Nắng Xanh; Bud's... hoặc các quán cà phê máy lạnh dưới những tòa nhà cao tầng ở trung tâm thành phố.
4. Các hoạt động giải trí
Trong thời điểm tết 2014, rất nhiều bộ phim mới trong nước cũng như nước ngoài được ra rạp như: Cô Dâu Đại Chiến 2, Năm Sau Con Lại Về, Cuộc Chiến Với Chằn Tinh, The Hobbit: The Desolation of Smaug (3D), Tarzan (3D), Walking with Dinosaurs (3D), Walking with Dinosaurs (3D), Đại náo thiên cung (3D)... Bạn có thể đến các cụm rạp của Megastar Nguyễn Du; Nguyễn Trãi; cụm rạp CGV ở Parkson Hùng Vương; Parkson Paragon; CT Plaza; Celadon Tân Phú...
co-dau-2-4892-1390964106.jpg
Nếu không thích đi xem phim, bạn có thể đến sân khấu kịch để xem các vở kịch rùng rợn hoặc hài kịch như: Yêu Giờ Chót, Ma Lực Kinh Hoàng, Giếng Khơi... (Sân khấu kịch Phú Nhuận); Ma Da, Biệt Thự Cuối Đường Số 13, Cái Chết Bí Ẩn (Sân khấu kịch Sài Gòn);  Chuyện Tình BangKok, Cõng Mẹ Đi Chơi, Lạnh Nhẹ Từ Phía Sau (Sân khấu kịch Thế Giới Trẻ)... Rước Lộc Vào Nhà, Con Muốn Ba Sống Sao, Ai Là Cô Dâu (Sân khấu Nụ Cười Mới)...
Điều cần lưu ý là vào những ngày tết thường xảy ra tình trạng hết vé, nên bạn cần mua vé sớm nếu muốn đi xem vào những ngày Tết.
Bên cạnh đó, các công viên nước Đầm Sen; Đại Thế Giới; công viên Văn hóa Suối Tiên; Thảo Cầm Viên... cũng là điểm đến bạn có thể lựa chọn để đưa cả nhà đi vui xuân đầu năm.

No comments:

Post a Comment

quangnm