Saturday, October 5, 2013

VIỆT NAM 5.10.2013

4 vương cung thánh đường ở Việt Nam

Trong khoảng 6.000 nhà thờ trên cả nước, Việt Nam vinh dự sở hữu 4 vương cung tháng đường thuộc 4 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Quảng Trị và TP HCM.
Nhà thờ Thiên chúa giáo luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với bất kỳ ai. Bởi vậy mà không ít tour du lịch, nhà thờ là điểm dừng chân không thể bỏ qua trong hành trình khám phá điểm đến. Trong đó phải kể đến các vương cung thánh đường, danh hiệu được Giáo hoàng tôn vinh đặc biệt dành cho những nhà thờ có kiến trúc to lớn, cổ kính, mang ý nghĩa lịch sử và tâm linh quan trọng.
1. Nhà thờ Kẻ Sở
Vương cung thánh đường Sở Kiện hay nhà thờ Kẻ Sở tọa lạc ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Dù là một tiểu vương cung thánh đường mới được sắc phong năm 2010, nhưng nhà thờ Kẻ Sở thật sự là điểm đến thú vị với kiến trúc đồ sộ và phong cách Đông - Tây hội tụ.
Ke-So-hdgmvietnam-8076-1380514969.jpg
Toàn bộ nền được lót gỗ lim chống sụt lún. Ảnh: hdgmvn
Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc vòm cao vút cổ điển phương Tây từ trần đến cửa. Trên tường có các ô cửa kính màu vẽ tranh các vị thánh hoặc các sự kiện trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, khu vực cung thánh và bàn thờ được làm bằng gỗ chạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng theo phong cách truyền thống Việt Nam. Do xây dựng trên một cái đầm nên toàn bộ nền cũng được lót gỗ lim chống sụt lún.
Nhiều du khách đến đây tỏ ra thích thú với ngọn tháp cao treo 4 quả chuông mang các sắc âm đố - mi - son - đồ. Quả nặng nhất gần 2,5 tấn được người dân ở đây gọi là chuông "Bồng". Vào ngày lễ, nơi đây phải huy động đến cả chục thanh niên trai tráng đến kéo chuông. Tiếng chuông vang lên như một bản đàn vang vọng từng thôn làng, ngõ xóm nơi đây.
2. Nhà thờ Phú Nhai
Nhà thờ Phú Nhai là vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Phú Nhai thuộc Giáo phận Bùi Chu, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, Nam Định. 
Phu-Nhai-chudu-3262-1380514969.jpg
Đây được mệnh danh là nhà thờ lớn nhất Đông Dương. Ảnh: chudu
Khi mới xây dựng nhà thờ có phong cách kiến trúc Gothic đậm dấu ấn Tây Ban Nha. Đến nay nhà thờ được xây lại theo phong cách kiến trúc Gothic Pháp. Điều đặc biệt là nhà thờ Phú Nhai có hai tháp chuông. Bốn quả chuông đặt ở đây đều được đúc từ Pháp chuyển sang với trọng lượng từ 100 kg đến 2 tấn. Xung quanh nhà thờ có các phù điêu thể hiện 14 Đàng Thánh Giá.
Sau khi tham quan nhà thờ được mệnh danh lớn nhất Đông Dương, du khách chiêm ngưỡng được toàn cảnh của huyện Xuân Trường khi đứng trên ngọn tháp cao của nhà thờ Phú Nhai.
3. Nhà thờ La Vang
Nhà thờ La Vang nằm ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1961, nhà thờ được tôn phong là vương cung thánh đường. Ban đầu đây là một ngôi nhà thờ bằng ngói, được thiết kế theo kiến trúc cổ Việt Nam nhưng mặt tiền vẫn mang hơi thở châu Âu hiện đại với hai tầng mái và hai cánh thánh giá. Tháp chuông hình vuông hai tầng nổi bật lên giữa cảnh đồi.
La-Vang-wiki-JPG-6169-1380514969.jpg
Vẻ đẹp cổ kính của nhà thờ La Vang. Ảnh: wiki
Nhà thờ La Vang đã được nhiều lần trùng tu và xây mới, nhưng khi đến đây du khách vẫn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của phong cách kiến trúc Việt qua hình dáng những mái ngói thân quen, kiểu dáng ngôi nhà ở, ngôi đình Việt. Thêm vào đó, du khách cũng sẽ bị lôi cuốn bởi quần thể tượng gồm 15 pho tượng diễn tả 15 điều màu nhiệm.
4. Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn
Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn đã không còn xa lạ với mỗi người dân TP HCM và khách du lịch trên cả nước. Nhưng ít ai biết rằng, đây là một trong 4 vương cung thánh đường của cả nước.
nha-tho-duc-ba-hochiminhcity-g-9079-4422
Nhà thờ Đức Bà là điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Ảnh: hochiminhcity.gov.vn
Điểm nhấn của nhà thờ là bức tường được xây bằng gạch xuất xứ từ Marseille (Pháp) từ cuối thế kỷ 19 nhưng đến nay vẫn giữ nguyên màu sắc hồng tươi, không bám bụi rêu. Bởi vậy dù không hiểu hết ý nghĩa văn hóa và lịch sử của nhà thờ Đức Bà nhưng khi đến Sài Gòn, ai cũng muốn có một bức hình với công trình độc đáo ấy.
Ngay trước mái vòm nhà thờ là chiếc đồng hồ Thụy Sĩ. Trải qua hơn 130 năm nhưng chiếc đồng hồ vẫn hoạt động khá chính xác và được lên giây mỗi tuần. Trong 6 quả chuông mang âm đô - rê – mi - son - la - si, chuông Son nặng gần 8,8 tấn là một trong những quả chuông lớn nhất thế giới. Nằm giữa trung tâm thành phố năng động nhất cả nước, nhà thờ Đức Bà mang đến một nốt trầm xao xuyến níu chân du khách bốn phương.
Kim Anh

Thưởng ngoạn kiến trúc tòa thánh Tây Ninh

12h trưa là thời gian thăm quan lý tưởng cho khách đến với tòa thánh nổi tiếng trong địa phận tỉnh Tây Ninh, cách TP HCM khoảng 100 km.
Tọa lạc tại xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh khoảng 5 km về hướng đông nam, tòa thánh Tây Ninh nổi bật trong khuôn viên với nét kiến trúc riêng.
Tòa thánh được khởi công xây dựng năm 1933 và hoàn thành năm 1947 nhưng đến năm 1955 mới khánh thành. Khuôn viên tòa thánh rộng 1,2 km, với đền thờ Phật mẫu, vườn cây cảnh, rừng thiên nhiên. Ngôi tòa dài 140 m, rộng 40 m, có tam đài cao 36 m, hai lầu chuông và trống cao 25 m, cửu trùng đài và bát quý đài cao 30 m.
DSC-0046-JPG-1376360660_500x0.jpg
Để giày dép bên ngoài trước khi vào tòa thánh.
Bên trong tòa thánh gồm hai hàng cột rồng, sơn xanh, đỏ, trắng rực. Trên trần nhà là 9 khoảng bầu trời mây và sao. Khu chính điện thờ Thiên Nhãn nằm trên quả càn khôn có 3.027 ngôi sao (tượng trưng cho 3.072 quả địa cầu). Nền Tòa Thánh có 9 cấp gọi là “Cửu phẩm thần tiên”, mỗi cấp là một phẩm cấp. Phía trước gian chánh điện có 7 ghế chia làm tam cấp: cao nhất là ghế của Giáo Tông, tiếp theo là 3 ghế của 3 vị Chưởng Pháp, cuối cùng là 3 ghế của 3 vị Đầu Sư. Chánh điện có 8 cột trụ rồng xếp thành vòng tròn.
DSC-0091-JPG-1376360660_500x0.jpg
Nét chạm khắc lộng lẫy bên trong tòa thánh.
Đạo Cao Đài Tây Ninh ra đời cuối năm 1926 tại Tây Ninh do một số người đứng ra thành lập. Biểu tượng của đạo Cao Đài là Thiên Nhãn. Ngoài việc thờ Thiên Nhãn, đạo còn thờ các vị như Phật Thích Ca, chúa Giê su, Khổng Tử, Lão tử, Phật Bà Quan Âm... Tòa thánh Tây Ninh là nơi thờ đạo chính của đạo này. Trong Tòa Thánh có nhiều biểu tượng ẩn chứa những ý nghĩa đặc biệt. Mỗi người, tùy theo dân tộc, trình độ văn hóa, trình độ tâm linh, khi quan sát Tòa Thánh sẽ tự mình khám phá ra những ý nghĩa này. Một số biểu tượng dễ nhìn thấy nhất và cũng dễ hiểu nhất như: tượng Ông Thiện và Ông Ác, tượng Hộ Pháp...
Du khách đến tham quan tòa thánh thường chọn giờ tòa thánh có hành lễ (khoảng 12h trưa) để thấy cách hành lễ rất trang trọng, đẹp mắt của đạo hữu Cao Đài. Lưu ý nhỏ vào bên trong tòa thánh, bạn phải bỏ giày dép bên ngoài (có người trông coi) và không được chụp hình người lấy phông nền là Thánh nhãn, chỉ chụp cảnh vật. Bạn cũng có thể xin phép để được lên tầng trên chụp toàn cảnh của tòa thánh.
DSC-0061-JPG-1376360660_500x0.jpg
Giờ hành lễ khoảng 12h trưa hàng ngày.
Mùng 9 tháng Giêng và rằm tháng Tám âm lịch hàng năm là hai lễ hội lớn nhất của tòa thánh. Không chỉ những người theo đạo Cao Đài mà rất đông du khách thập phương cũng về tòa thánh để sống trong không khí lễ hội cây trái và lễ hội rằm to nhất Tây Ninh dịp xuân về.
Lam Linh

Những ngôi trường hút khách du lịch ở Đà Lạt

Kiến trúc Đà Lạt từ lâu đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng mỗi du khách. Và những ngôi trường ở đây luôn là điểm đến yêu thích nhờ vẻ đẹp rất Đà Lạt.
Đại học Đà Lạt
Đại học Đà Lạt là trường công lập đào tạo đa ngành nghề, đa lĩnh vực. Nhưng đối với du khách, điểm ấn tượng nhất của ngôi trường nằm ở vị trí và cảnh quan của nó. Trường nằm trên đồi thông thơ mộng, phong cảnh được xếp vào loại đẹp nhất Đông Nam Á.
DH-Da-Lat-dlu-edu-vn-2561-1380267888.jpg
Đại học Đà Lạt là một trong những trường đại học đẹp nhất Đông Nam Á. Ảnh: dlu.edu.vn
Với diện tích gần 40 ha, hơn 40 công trình lớn nhỏ của Đại học Đà Lạt ẩn mình dưới rừng thông và rải rác dọc theo những con đường nhỏ quanh co uốn lượn, kế bên những con dốc thoai thoải, gợi hình ảnh đặc trưng Đà Lạt. Ngay từ cổng trường du khách đã bị thu hút bởi những hàng thông reo, thảm cỏ trải dài và hòn non bộ xếp chồng bắt mắt.
Không gian trong và ngoài các tòa nhà liên hệ với nhau qua các cửa chính và cửa sổ bằng kính khung gỗ, tạo ra một khung cảnh bình yên và lãng mạn. Với không gian thoáng đãng, trong lành cùng kiến trúc hài hòa, độc đáo, Đại học Đà Lạt không chỉ là nơi lý tưởng để học tập, nghiêm cứu mà chắc chắn sẽ làm hài lòng các du khách ghé thăm.
Địa chỉ: số 1 đường Phù Đổng Thiên Vương.
Cao đẳng sư phạm Đà Lạt
Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, tiền thân là trường Grand Lycée Yersin có kiến trúc được Hội Kiến trúc sư thế giới (UIA) công nhận là một trong 1.000 công trình xây dựng độc đáo của thế giới trong thế kỷ 20. Có thể nói trong các trường ở thành phố cao nguyên này, thì Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là nơi hút khách du lịch nhất.
Truong-Cao-dang-Su-pham-Da-Lat-7365-1838
Vẻ đẹp cổ kính của Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Ảnh: flickr
Điểm nhấn của ngôi trường gạch trần đỏ này nằm ở dãy nhà học chính hình vòng cung với tháp chuông tựa nhà thờ. Đường cong của dãy nhà ôm lấy khoảng sân khá rộng như những cuốn sách đang mở ra, trong khi tháp chuông lợp ngói thạch bản vút cao lên bầu trời như cây bút vươn lên mạnh mẽ, soi bóng xuống mặt Hồ Xuân Hương thơ mộng. Mặc dù ngày nay không còn chuông trong tháp nhưng tháp chuông là nét kiến trúc đặc sắc của vùng Morger, quê hương của Yersin tại Thụy Sĩ. Bởi vậy, sẽ là thiếu sót nếu đến Đà Lạt bạn bỏ qua công trình kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn châu Âu này.
Địa chỉ: số 29 đường Yersin.
Đại học Yersin Đà Lạt
Đại học Yersin Đà Lạt là một trong những cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập đầu tiên trên vùng đất Tây Nguyên. Tên trường là sự tôn vinh của những người sáng lập đối với nhà bác học Yersin mà tên tuổi, sự nghiệp đã gắn liền với Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Yersin-DL-dalatngaynay-2-5130-1380267888
Không gian khoáng đạt của Đại học Yersin Đà Lạt. Ảnh: dalatngaynay
Cũng như nhiều ngôi trường ở đây, Đại học Yersin Đà Lạt được ôm ấp bởi màu xanh ngút ngàn của rừng thông và hoa lá. Từ khuôn viên cho đến các lối đi là những hàng gạch xen lẫn cỏ xanh chạy đều tăm tắp. Những dãy nhà không xây quá cao mà vẫn giữ được nét đẹp cổ điển, đặc trưng của kiến trúc Pháp. Đến đây bạn sẽ được thả hồn vào không gian mơ màng dưới nắng chiều dịu nhẹ cùng làn gió mát vẫy gọi thông reo.
Địa chỉ: số 1 đường Tôn Thất Tùng.
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Lâm Đồng
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Lâm Đồng trước kia là trường nữ tu Couvent des Oiseaux, còn có tên gọi khác là trường Đức Bà Lâm Viên (Notre Dame du Langbian) dành cho các nữ sinh con nhà giàu có của các gia đình người Pháp, Việt Nam, Campuchia và Lào. Hoàng hậu Nam Phương, vợ vua Bảo Đại, là học sinh cũ của trường.
Truong-nu-tu-Couvent-des-Oisea-6648-4004
Nam Phương hoàng hậu từng là học sinh của trường. Ảnh: vietnamdiscoveries.
Ngoài những trang lịch sử của ngôi trường nữ trung học đầu tiên dạy chương trình Pháp, du khách đến đây còn tỏ ra thích thú với vẻ đẹp hội tụ của phong cách kiến trúc cổ điển và hiện đại. Khối lớp học được thiết kế hai tầng, tường ngoài tầng trệt ốp đá với những cửa sổ hình cung gãy, các tầng trên có tường xây gạch và cửa sổ ô vuông.
Cạnh trường còn có một nhà nguyện dành cho khoảng 200 nữ tu với kiến trúc theo kiểu ogival, có một lầu chuông nhỏ. Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng sẽ khiến bạn ngẩn ngơ giây lát, khi không gian nội thất bên trong bừng sáng bởi ánh sáng chiếu qua những cửa sổ kính màu được chia ô nhỏ. Nhìn từ bên ngoài, toàn bộ khu vực trường có kiến trúc đẹp và hài hòa với rừng thông bao bọc xung quanh, tạo không gian yên tĩnh, thoáng mát.
Địa chỉ: số 2, đường Huyền Trân Công Chúa.

Làng Gà 'canh' cửa ngõ vào Đà Lạt

Với bức tượng gà 9 cựa nặng kỷ lục, những ngôi nhà vắt vẻo trên cây cùng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, làng K’Long đang dần trở thành một điểm đến thú vị trong hành trình khám phá cao nguyên Lâm Đồng.
Làng K’Long thuộc thôn Darahoa, xã Hiệp An, Đức Trọng cách thành phố Đà Lạt khoảng 15 km.  Từ lâu nơi đây nổi tiếng với bức tượng chú gà trống 9 cựa cao 3,2 m, nặng kỷ lục 8 tấn ở giữa làng. Bởi vậy, làng còn được gọi với cái tên trìu mến là làng Gà Dorahoa.
Trên đường du lịch đến Đà Lạt, du khách thường không bỏ qua cơ hội chiêm ngưỡng chú gà trống khổng lồ đứng hiên ngang và được lắng nghe câu chuyện truyền thuyết đầy bí ẩn và bất ngờ về chú gà trống ấy. Đó là câu chuyện tình cảm động xoay quanh mối tình của một đôi trai gái đã phải bỏ mạng vì kiệt sức trên đường tìm kiếm sản vật hồi môn là gà chín cựa do cha chàng trai thách cưới.
golive-1378192756.jpg
Tượng Gà trống 9 cựa nặng 8 tấn là biểu tượng của làng K’Long. Ảnh: baolamdong
Là một buôn làng nhỏ nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, làng Gà Darahoa là khu định canh, định cư của hơn 300 hộ đồng bào các dân tộc K’Ho, Chill. Từ Đà Lạt, du khách đổ đèo Prenn theo quốc lộ 20 khoảng 15 cây số thì rẽ phải vào làng K’Long. Nếu còn đôi chút băn khoăn về đường đi lối lại, bạn có thể hỏi thăm người dân bản địa và sẽ được hướng dẫn nhiệt tình.
Tượng Gà không chỉ là biểu tượng của làng mà đây còn là nơi dân làng tụ hội sau mùa thu hoạch. Vào những ngày này, xung quanh tượng Gà rộn ràng tiếng cồng chiêng, mọi người vui vẻ bên vò rượu cần và cầu cho cuộc sống bình yên mưa thuận gió hòa, cùng tình yêu đôi lứa mãi mãi không xa cách. Bức tượng “gà chín cựa” còn như lời nhắc nhở xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, cùng nhau xây dựng đời sống mới để tấm bi kịch của nàng Mỵ Nương Tây Nguyên chỉ còn là dĩ vãng.
nhacay2-1378192756.jpg
Độc đáo những ngôi nhà trên cây ở làng Gà. Ảnh: dulichlamdong
Bên cạnh chú gà trống khổng lồ, những ngôi nhà trên cây tưởng chừng như chỉ có trong câu chuyện của chàng trai người rừng Tarzan cũng khiến du khách không khỏi trầm trồ vì lạ mắt. Đó là những ngôi nhà giống như chuồng chim bồ câu dựng trên những cành thông lực lưỡng, đan cài ngẫu nhiên mà vững chắc vô cùng. Nếu nghỉ lại qua đêm thì những ngôi nhà cây này luôn là lựa chọn của đa số du khách khi đến làng Gà.
Từ đây phóng tầm mắt ra là những nhà cửa, nương rẫy của người Mạ thấp thoáng qua hàng hàng lớp lớp tán thông xanh mướt. Trong không gian trong lành, yên tĩnh của núi rừng, bạn sẽ được tận hưởng cảm giác sống giữa thiên nhiên hoang dã như người rừng Tarzan đích thực. Để rồi sáng mai thức giấc bạn như được tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào khi tỉnh dậy trong tiếng chim ríu ran, hoan ca đón chào ngày mới.
Ngoài ra, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân tộc K’ho, Chill cũng là điểm thu hút du khách khi đến với làng Gà. Với trên 60 khung dệt thủ công, nghề dệt thổ cẩm truyền thống nơi đây đã không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các trang vật dụng thiết yếu cho đồng bào mà còn trở thành một nét đẹp văn hóa độc đáo cho cao nguyên Lâm Viên.
detthucong2-1378192757.jpg
Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân địa phương. Ảnh: dulichlamdong
Bên cạnh việc tận mắt chứng kiến các công đoạn dệt thổ cẩm phức tạp và tỉ mỉ hoàn toàn bằng tay, bạn còn được chiêm ngưỡng sự khéo léo dịu dàng của thiếu nữ các dân tộc ở địa phương bên khung dệt làm quà cho du khách. Đó là các loại xà rông, túi xách, băng đô, ba lô với nhiều hoa văn sặc sỡ đặc trưng của người dân tộc Tây Nguyên.
Được coi như cửa ngõ vào Đà Lạt, làng K’Long cũng là xuất phát điểm của cung đuờng du lịch trên quốc lộ 20 vào trung tâm thành phố. Theo tuyến này, điểm dừng chân đầu tiên là dòng thác dịu êm Prenn cách làng Gà hơn 5 km. Là một trong 5 ngọn đẹp nhất tỉnh Lâm Đồng, thác Prenn như một chiếc cổng chào do thiên nhiên ban tặng cho thành phố. Qua thác Prenn bạn sẽ trải qua con đường đèo Prenn quanh co uốn lượn tuyệt đẹp, hai bên đường là những rừng thông xanh mướt góp phần tạo nên khí hậu mát mẻ của thành phố ngàn hoa. Tiếp đến là dòng thác Datanla hùng vĩ với các trò chơi mạo hiểm. Cách đó không xa là hồ Tuyền Lâm thơ mộng. Bạn nên thử tuyến cáp treo đi qua hồ đến với Trúc Lâm Thiền Viện.

30.000 du khách về An Giang xem lễ hội đua bò

Lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang năm nay thu hút hơn 30.000 khán giả khắp nơi về xem và cổ vũ. Huyện Tri Tôn có đôi bò đoạt giải nhất và sẽ đăng cai tổ chức Giải đua bò Bảy Núi lần thứ 23 năm sau.
Với thể thức đua hai đôi chọn một, sau vòng thi đầu tiên, 32 đôi bò chiến thắng bước tiếp vào vòng thi đấu để tranh cúp. Sau những màn rượt đuổi căng thẳng và quyết liệt, đôi bò số 16 của ông Nguyễn Văn Lâm, huyện Tri Tôn, giành chiến thắng thuyết phục. Ngoài giải thưởng 10 triệu đồng tiền mặt, ông Lâm còn được nhận một xe máy và một tivi 21 inch.
Giải nhì trị giá 7 triệu đồng thuộc về đôi bò số 36 của ông Nguyễn Văn Út, huyện Châu Phú. Đôi bò số 30 của ông Nguyễn Văn Ry, huyện Thoại Sơn giành giải 3 và nhận được tiền thưởng 5 triệu đồng.
lhu-edu-vn-JPG_1380943311.jpg
Bò đua được sắp thành từng cặp, có người điều khiển đứng trên máng bừa. Ảnh: lhu.edu.vn
Giải đấu năm nay quy tụ 64 đôi bò đến từ 5 huyện trong tỉnh An Giang và 2 tỉnh bạn có đông đồng bào Khmer sinh sống là Kiên Giang và Sóc Trăng tham gia.
Đua bò là môn thể thao chỉ có ở vùng đồng bào Khmer Bảy Núi - An Giang. Từ năm 1992 đến nay, môn thể thao truyền thống này đã được tổ chức thành giải Đua bò Bảy Núi tranh cúp Truyền hình An Giang. Đây không chỉ là hoạt động văn hóa thể thao đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, mà còn là niềm vui chung của cộng đồng 4 dân tộc Kinh- Hoa- Chăm- Khmer An Giang

64 cặp bò tranh tài trong hội đua ở An Giang

Lễ hội đua bò năm nay diễn ra với sự tham gia của 64 cặp bò đến từ các huyện của tỉnh An Giang trong dịp Lễ Sen Dolta của đồng bào dân tộc Khmer.
Lễ hội đua bò truyền thống vùng Bảy Núi năm 2013 khai mạc sáng 4/10 tại sân chùa Thơ Mít, xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
64 cặp bò đến từ các huyện trong và ngoài tỉnh như Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn (An Giang), Hòn Đất (Kiên Giang)... tham gia tranh tài theo hình thức bốc thăm và đấu loại trực tiếp. Riêng huyện Tịnh Biên có số "thí sinh" đông nhất: 25 cặp bò.
duabo1-3944-1380801112.jpg
Lễ hội đua bò hàng năm thu hút rất nhiều du khách từ các tỉnh lân cận. Ảnh: ATV
Xuất phát từ vùng Bảy Núi (tỉnh An Giang), đua bò là môn thể thao mang đậm dấu ấn văn hóa Khmer Nam Bộ, diễn ra vào mỗi dịp lễ Sen Dolta hàng năm của đồng bào Khmer (ngày 29, 30 tháng 8 và 1 tháng 9 âm lịch). Đây là lễ được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ.
Môn thể thao truyền thống này đã được tổ chức thành giải Đua bò Bảy Núi tranh cúp Truyền hình An Giang, liên tục từ năm 1992 đến nay. Để chuẩn bị cho cuộc đua bò, người ta chọn một khoảnh ruộng bằng phẳng, chiều dài chừng 200 m, ngang 100 m có nước xăm xắp, được xới nhiều lần cho có độ trơn của bùn, bốn bên có bờ bao và điểm đích có đoạn đường trống để làm độ dừng an toàn cho bò.
Đoạn đường đua chính chỉ cần 120 m theo khoảnh ruộng cặp sát bờ bao. Nơi xuất phát được cắm 2 cây cờ màu xanh, đỏ mỗi cây cách nhau 5 m, và tại điểm đích cũng vậy. Đôi bò nào đứng ở vị trí cây cờ màu gì thì điểm đích cũng theo màu của cây cờ đó.
Trước khi vào cuộc đua, người ta chọn từng đôi bò với nhau hoặc bốc thăm và thoả thuận một số quy định cần thiết như ai sẽ đi trước, đi sau... Từng đôi bò được ách vào một chiếc bừa đặc biệt, gọng bừa là bàn đạp gồm một tấm gỗ rộng 30 cm, dài 90 cm, bên dưới là răng bừa. Người điều khiển bò cầm roi mây hoặc khúc gỗ tròn vừa tay độ 3 cm, đầu có tra cây đinh nhọn. Khi bắt đầu lệnh xuất phát của trọng tài, người điều khiển chích mạnh cây đinh nhọn vào mông con bò, bò bị đau phóng nhanh về phía trước.
duabo3-6802-1380801113.jpg
Các cặp bò tranh tài. Ảnh: thethaovietnam
Nếu trong khi đua, đôi bò nào chạy ra khỏi đường đua sẽ bị loại và đôi bò sau giẫm lên giàn bừa của đôi bò trước là thắng cuộc. Còn người điều khiển phải đứng thật vững nếu bị ngã hoặc rơi ra khỏi giàn bừa coi như thua cuộc.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Lên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An Giang cho biết, lễ hội đua bò truyền thống tại vùng Bảy Núi những năm gần đây đã thực sự trở thành sinh hoạt thể thao, văn hóa ngày càng phát triển. Cơ quan này đang hoàn tất các thủ tục để từ nay đến cuối năm có thể trình lên Bộ, đề nghị công nhận là lễ hội quốc gia.
bo1-1969-1380801113.jpg
Người điều khiển phải đứng thật vững. Ảnh: travel
"Hy vọng hội đua bò Bảy Núi sẽ trở thành lễ hội quốc gia trong tương lai không xa. Lễ hội không chỉ phát huy giá trị văn hóa dân tộc, tôn vinh văn hóa truyền thống mà còn là điểm đến du lịch không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước", ông Lên cho hay.

Những cây cầu ngói dọc đất nước

Ngoài Chùa Cầu Hội An, ngói cũng làm nên nét quyến rũ riêng cho nhiều cây cầu khác ở Huế, Nam Định và Ninh Bình. Có thể kể đến là cầu ngói Thanh Toàn, cầu ngói chợ Thượng, cầu ngói chùa Lương và cầu ngói Phát Diệm.
Điểm chung của những cây cầu là đều được làm bằng gỗ và lợp mái ngói độc đáo. Dù chỉ là những cây cầu nhỏ bắc qua sông, nhưng nhờ kiến trúc đặc biệt và cổ kính, cầu ngói để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách.
1. Chùa Cầu Hội An
Trong những cây cầu ngói ở Việt Nam, Chùa Cầu là cái tên quen thuộc nhất với du khách trong và ngoài nước. Cầu dài 18 m, lợp ngói âm dương, vắt cong qua lạch nước qua sông Thu Bồn.
Chua-Cau-Hoi-An-3126-1380710863.jpg
Chùa Cầu - biểu tượng của Hội An. Ảnh:hoian
Chùa Cầu còn gọi là cầu Nhật Bản do được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng. Dấu ấn của văn hóa Phù Tang trên cầu thể hiện ở tượng gỗ đầu thú ở hai đầu cầu. Trong khi đó, trên cửa chính của Chùa Cầu có một tấm biển lớn chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều, có nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến. Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ - vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người.
Cùng với thời gian, kiến trúc của Chùa Cầu hiện mang đậm phong cách Việt Nam với mái lợp ngói âm dương che kín cả cây cầu. Với kiến trúc tín ngưỡng độc đáo, Chùa Cầu được coi là biểu tượng giao lưu văn hóa Việt - Hoa - Việt ở Hội An.
2. Cầu ngói Thanh Toàn
Cầu ngói Thanh Toàn cách thành phố Huế khoảng 8 km về phía Đông Nam thuộc xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy. Cầu dài hơn gần 17 m được kiến trúc theo kiểu “Thượng gia, hạ kiều” tức trên nhà dưới cầu.
vne-1767-1380710863.jpg
Chùa ngói Thanh Toàn mang vẻ đẹp yên bình, thơ mộng.
Cũng giống như Chùa Cầu Hội An, cầu ngói Thanh Toàn được chia thành các gian, mỗi gian như một ngôi nhà nhỏ trong ngôi nhà lớn. Gian giữa dành để thờ bà Trần Thị Đạo, người có công xây dựng cầu, 6 gian còn lại đều có bục gỗ hai bên để nghỉ ngơi.
Cạnh cầu ngói là một khu chợ quê tuy không tấp nập nhưng mang lại cho du khách cảm nhận về một làng quê Việt Nam xanh mướt và bình dị. Bên trong chợ là những phụ nữ đang mải miết chằm nón lá. Tại phiên chợ quê ấy, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã, đậm đà hương vị Huế do chính người dân địa phương chế biến như bánh khoai cá kình, bún hến Vĩ Dạ, bánh canh Thủy Dương...
3. Cầu ngói Phát Diệm
Cầu ngói Phát Diệm bắc qua sông Ân nằm ở trung tâm thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, cách thành phố Ninh Bình khoảng 30 km. So với các cây ngói ở nước ta, cầu ngói Phát Diệm có chiều dài khá lớn, 36 m, chia thành 3 nhịp, mỗi nhịp có 4 gian.
Cau-ngoi-Phat-Diem-invisionfre-9665-5928
Đây là một trong những cây cầu ngói cổ nhất Việt Nam. Ảnh: invisionfree
Hai bên thân cầu có hai dãy lan can và cột đều bằng gỗ lim. Trên cầu là mái che cầu phong li tô, lợp ngói đỏ cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Lối đi hai đầu cầu có các bậc tam cấp. So với Chùa Cầu Hội An và cầu ngói Thanh Toàn, cầu ngói Phát Diệm có dáng vẻ nhẹ nhàng và thanh thoát, thể hiện tài năng sáng tạo đặc biệt của người dân công giáo.
Đây được đánh giá là cây cầu hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam. Cầu vừa có chức năng giao thông, vừa là một mái đình cổ kính, hơn nữa lại là điểm dừng chân tránh mưa nắng, nơi đôi lứa hẹn hò.
4. Cầu ngói chợ Thượng
Cầu ngói chợ Thượng thuộc thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Cầu bắc qua sông Ngọc cạnh chợ Thượng nên được gọi là cầu ngói chợ Thượng. Nhà cầu dựng bằng khung gỗ lim, mái lợp ngói nam, hai hồi xây tường, hai bên là hai cửa giả.
Cho-Thuong-ttvh-JPG-9497-1380710863.jpg
Cầu ngói Chợ Thượng được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia. Ảnh: ttvh
Cầu cũng được đắp chữ Hán “Thượng gia kiều” ở hai hồi. Cầu ngói chợ Thượng có 11 gian kết cấu kiểu kèo cầu tứ hàng chân, mỗi gian từ 1,45m đến 1,65m tạo nên một công trình dài 17,35m nối hai bờ sông. Với những người đ, cầu Ngói không chỉ để qua lại mà còn như một mái nhà che mưa che nắng, nghỉ ngơi ngắm sông nước hai bên.
5. Cầu ngói chùa Lương
Cũng thuộc Nam Định, cầu ngói chùa Lương thuộc xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, bắc qua sông Hoành, cách chùa Lương hơn 100m. Cầu có 9 gian uốn cong tựa cầu vồng trên 18 trụ đá vững chãi.
NAm-DInh-bienphong-com-vn-9638-138071086
Cầu ngói chùa Lương có 9 gian uốn cong tựa cầu vồng. Ảnh: bienphong.com.vn
Cầu tuy chạm, khắc đơn giản song thể hiện hài hoà nét kiến trúc cổ truyền. Hệ thống mái nhà cầu được lợp bằng ngói vảy rồng, có hình mũi hài âm dương, nhìn từ xa sẽ thấy tựa hình con rồng đang vươn mình bay lên. Chính sự mềm mại, uyển chuyển trong lối kiến trúc đã tạo cho cầu ngói chùa Lương sự tinh tế, khác biệt so với những cây cầu ở các nơi khác.

10 món ngon Việt Nam được giới thiệu trên CNNGO

Thông qua ngòi bút của Helen Clark và Karryn Miller, những món ngon Việt Nam đã được giới thiệu đến hàng triệu độc giả của CNN. CNNGO chính là mục du lịch uy tín trên CNN.
1. Phở
Danh sách các món ăn của Việt Nam chắc chắn sẽ không thể thiếu được món phở. Gần như không thể đi bộ qua một khối nhà ở các thành phố lớn của Việt Nam mà không gặp những quán phở vỉa hè với những thực khách hạnh phúc đang xì xụp bên bát phở bốc khói. Nguyên liệu để làm nên món phở đơn giản có nước dùng đậm đà đựơc hầm từ xương và các loại gia vị hồi quế, bánh phở tươi, các loại rau thơm đặc trưng Việt Nam và thịt gà hoặc thịt bò. Món ăn này ngon, rẻ và bạn có thể tìm thấy vào bất cứ giờ nào trong ngày.
2.  Xôi
Đây là món ăn vô cùng phổ biến trong khẩu phần ăn của người Việt, món ăn này thường được ăn cùng thịt gà, thịt lớn hay trứng rán thậm chí là cả pate, xúc xích, loại nào cũng đều ngon và nhưng ngon nhất vẫn là món xôi xéo gà bùi bùi vị đỗ xanh , vị dẻo của hạt xôi nếp và những lát hành phi giòn tan thơm phức lại cảm giác thật khác biệt.
Xoi-xeo-JPG-7981-1380773029.jpg
3. Gỏi cuốn
Gỏi cuốn là món ăn mát lành khi bạn đã thỏa thích thưởng thức quá nhiều đồ ăn rán ở Việt Nam. Những chiếc gỏi cuốn trong suốt trước tiên gói với rau xà lách, một lát thit hoặc hải sản và một lớp rau mùi, sau đó cuộn gọn lại và dùng kèm nước chấm đặc biệt mặn ngọt.
4. Bún bò Huế
Món bún của miền Trung Việt Nam có nước dùng thịt và nhiều thịt bò và thịt lợn. Sợi bún trơn, dày cũng làm nên một bữa ăn thịnh soạn hơn các món mì ở miền Bắc và miền Nam.
5. Bánh khọt
Vỏ bánh giòn được làm bằng bột pha nước cốt dừa và nhân thường bao gồm tôm, đậu xanh, hành tươi với một lớp tôm khô ở trên.
6. Bánh cuốn
Loại “bánh bột gạo cuốn” này ngon và tinh tế, nhất là khi ăn nóng và vẫn còn mềm. Nhân bánh thơm ngon với thịt lợn băm và nấm hương.
Banh-cuon-JPG-5700-1380773029.jpg
7. Bún bò Nam Bộ
Món bún này không có nước dùng. Những lát thịt bò mềm trộn lẫn với lạc giòn và giá đỗ, thêm ray thơm, hẹ tây khô, sau đó rưới nước mắm và tiêu ớt cay nồng.
8. Bánh xèo
Một chiếc bánh xèo ngon phải giòn, phồng lên với nhân tôm, thịt heo, giá đỗ và trang trí bằng các loại rau thơm tươi. Đó là đặc trưng của hầu hết các món ăn Việt Nam đích thực. Để thưởng thức như một người dân địa phương, hãy cắt bánh thành những miếng nhỏ vừa miệng, cuộn cùng với các loại rau thơm trong bánh tráng và dùng với nước chấm chua ngọt đặc biệt.
9. Bún đậu mắm tôm
Những miếng đậu phụ chiên phồng vàng rộm ăn với bún tươi trắng mịn. Món này chấm với mắm tôm với mùi vị đặc trưng, rất được ưa chuộng tại Hà Nội và các địa phương tại một số vùng lân cận.
Bun-dau-ran-cham-mam-tom-Noodl-9695-7097
10. Chè
Chè là món tráng miệng và giải nhiệt truyền thống của người Việt. Được đựng trong bát sứ hoặc ly thủy tinh, chè có vị ngọt, béo với thành phần nguyên liệu vô cùng phong phú gồm đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ, sữa, nước cốt dừa, các loại trái cây, thạch, đá bào.
Ra đời từ năm 2008 với 8 năm hoạt động đến nay Quán Ăn Ngon, với  4 địa chỉ tại Hà Nội, đã sưu tầm, phục dựng và phát huy gần 300 món ăn đặc sản vùng miền.  Khuôn viên nhà hàng mang đậm phong cách văn hóa kiến trúc Việt Nam với những gian hàng quà phố và các bộ quần áo bà ba mang màu nâu trầm truyền thống. Thưởng thức món ăn là sự tổng hòa giữa các giác quan vị giác, khứu giác - chất lượng món ăn, thính giác - âm nhạc và thị  giác - cách bài trí món ăn và không gian nhà hàng, nơi được thực khách khắp nơi trên thế giới đánh giá là điểm du lịch ẩm thực không thể bỏ qua khi tới Hà Nội. 
Địa chỉ 1: 18 Phan Bội Châu, Hoàn Kiếm, Hà Nội - Điện thoại:(04)39428162/63 - Fax:(04) 39428164 - Email:  sales@ngonhanoi.com.vn
Địa chỉ 2: Tầng 1, 25T2 Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, Hà Nội - Điện thoại:(04)35560866/67 - Fax:(04)35560858 - Email:  sales@ngonhanoi.com.vn
Địa chỉ 03: 34 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội - Điện thoại:(04)37349777 - Fax: (04)37349881 - Email:  sales@ngonhanoi.com.vn
Địa chỉ 04: B2 Vincom Royal City, 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội - Điện thoại:(04)66640066 - 0936533386 - Email:  sales@ngonhanoi.com.vn
                                                    Phương Thảo

No comments:

Post a Comment

quangnm