Tuesday, October 15, 2013

10 “chủ nợ” lớn nhất của nước Mỹ


 10 “chủ nợ” lớn nhất của nước Mỹ
Giữa lúc Washington tê liệt vì đóng cửa, mạng howstuffwork liệt kê 10 “chủ nợ” lớn nhất trong tổng số 11.560 tỷ USD nợ công của nước Mỹ.
1. Mỹ:
Công dân Mỹ và các chính quyền địa phương chính là chủ nợ lớn nhất của chính phủ Mỹ, với 4.140 tỷ USD và chiếm 36% tổng số nợ công.
2. Trung Quốc:
Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ 2 của chính phủ Mỹ, với 1.260 tỷ USD và chiếm 11% tổng số nợ công.
3. Nhật Bản:
Xứ sở hoa anh đào là chủ nợ lớn thứ 3, với 1.120 tỷ USD và chiếm 9,6% tổng số nợ công của nước Mỹ.
4. Brazil:
Đất nước của vũ điệu Samba là chủ nợ lớn thứ 4 của Mỹ, với 253,4 tỷ USD và chiếm 2,2% tổng số nợ công.
5. Vùng lãnh thổ Đài Loan:
Hòn đảo Đài Loan là chủ nợ lớn thứ 5, với 196,6 tỷ USD và chiếm 1,7% tổng số nợ công của Mỹ.
6. Thụy Sĩ:
Đất nước Thụy Sĩ nhỏ bé chuyên về du lịch và ngân hàng là chủ nợ lớn thứ 6 của Mỹ, với 192,7 tỷ USD và chiếm 1,7% tổng số nợ công.

7. Liên bang Nga:
Là chủ nợ lớn thứ 7 của Mỹ (với 162,9 tỷ USD,1,4% tổng số nợ công), trong năm 2011, Tổng thống Putin đã nói Mỹ bị "tê liệt" trong nền kinh tế thế giới.
8. Luxembourg:
Đất nước nhỏ xíu ở Châu Âu này là chủ nợ lớn thứ 8 của Mỹ, với 144,7 tỷ USD và chiếm 1,3% tổng số nợ công 11.560 tỷ USD.
9. Vương quốc Bỉ:
Vương quốc Bỉ là chủ nợ lớn thứ 9 của Mỹ, với 143,5 tỷ USD và chiếm 1,24% tổng số nợ công.
10. Hong Kong:
Vùng lãnh thổ Hong Kong xếp thứ 10 trong số các chủ nợ lớn nhất của nước Mỹ, với 142,9 tỷ USD và chiếm 1,2% tổng số nợ công.

Toàn cảnh nợ công Mỹ

Trần nợ hiện tại của Mỹ là 16.700 tỷ USD, hai chủ nợ nước ngoài lớn nhất của họ là Trung Quốc - Nhật Bản và quốc gia này chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn chót nâng trần để tránh vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Trần nợ công là giới hạn được Quốc hội Mỹ đặt ra về số tiền tối đa Chính phủ có thể đi vay, CNN cho biết. Chúng được dùng để trả các phúc lợi xã hội, lương cho quân nhân, lãi suất các khoản nợ công, hoàn thuế và các khoản thanh toán khác.
Quốc hội luôn là cơ quan được quyền thiết lập trần nợ quốc gia. Giới hạn hiện tại là 16.699 tỷ USD. Hai phần ba số nợ của Mỹ thuộc về các cá nhân và tổ chức trong nước. Chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ là Trung Quốc và Nhật Bản khi nắm giữ tổng cộng gần 2.500 tỷ USD trái phiếu Chính phủ, tính đến cuối tháng 7.
Việc nâng trần được thực hiện rất thường xuyên, trung bình hơn một lần mỗi năm. Kể từ năm 1940, các nhà làm luật nước này đã phải nâng trần 79 lần. Thi thoảng, họ chỉ nâng lên một lượng rất nhỏ.
US-debt-jpeg-3641-1381746385.jpg
Hai phần ba số nợ của Mỹ thuộc về các cá nhân và tổ chức trong nước. Ảnh: RT
Nâng trần nợ không có nghĩa Chính phủ được chi nhiều hơn. Nó chỉ cho phép Bộ Tài chính vay số tiền cần thiết để chi trả đầy đủ và kịp thời cho các hoạt động của Chính phủ. Đây đều là những hoạt động đã được thực hiện, hoặc những chính sách an sinh xã hội được Quốc hội cho phép.
Tuy nhiên, từ nhiều năm qua, nâng trần nợ luôn là cuộc chiến của các chính trị gia tại Mỹ. Lần gần đây nhất là tháng 8/2011, các nhà làm luật đã mất hàng tháng mới đạt thỏa thuận nâng trần nợ công, chỉ chưa đầy 24 giờ trước khi Mỹ chính thức rơi vào cảnh vỡ nợ. Việc này đã khiến họ lần đầu tiên bị hãng đánh giá tín nhiệm Standard & Poor’s hạ một bậc xếp hạng xuống AA+.
Hiện tại, điều kiện để nâng trần nợ của đảng Cộng hòa là cắt giảm chi tiêu và không cấp vốn hoặc hoãn thực hiện chương trình chăm sóc y tế của Tổng thống Barrack Obama (Obamacare) để giảm thâm hụt ngân sách. Trong khi đó, ông Obama và các nghị sĩ đảng Dân chủ lại không chấp nhận đàm phán nếu có các điều kiện này.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Jack Lew cảnh báo Mỹ đã chạm trần nợ từ tháng 5 và họ đã phải thực hiện "hàng loạt biện pháp phi thường" để tiếp tục chi trả cho các hoạt động của đất nước. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/10 tới. Sau ngày này, Mỹ sẽ chỉ còn 30 tỷ USD và một ít doanh thu thuế, không đủ thanh toán cho số chi phí có thể lên tới 60 tỷ USD.
Harry-reid-5234-1381746385.jpg
Hai đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn chưa thống nhất kế hoạch nâng trần nợ. Ảnh: Bloomberg
Dù vậy, sau nhiều ngày đàm phán, các nhà làm luật hai đảng và hai viện vẫn tuyên bố chưa tìm được kế hoạch nào đủ số phiếu để tránh vỡ nợ. Chỉ trong cuối tuần qua, cả ba đề xuất được đưa ra đều bị nghị sĩ đảng kia bác bỏ. Theo tính toán của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, nước này sẽ cạn kiệt tiền mặt trong khoảng thời gian 22/10 - 31/10.
Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ và chẳng ai có thể chắc chắn chuyện gì sẽ xảy ra nếu Quốc hội lần này không thể nâng trần đúng hạn. CNN cho rằng, nếu không thể vay tiền, Bộ Tài chính sẽ phải chọn trả một số khoản và trì hoãn các khoản còn lại, hoặc hoãn tất cả cho đến khi có đủ tiền. Phần lớn chuyên gia cho rằng cơ quan này sẽ làm tất cả để ưu tiên trả lãi cho những người nắm giữ trái phiếu Chính phủ, nhằm ngăn thị trường lao dốc và lãi suất tăng vọt.
Theo phương diện kinh tế, để trần nợ quá hạn trong nhiều ngày sẽ là một thảm họa. "Công chức nhà nước, nhà thầu, các chương trình phúc lợi, công ty quốc doanh, chính quyền địa phương sẽ đột ngột thiếu ngân sác và gây hậu quả cộng hưởng cho cả nền kinh tế", Donald Marron – cựu giám đốc Văn phòng Ngân sách Quốc hội bình luận. Vỡ nợ kéo dài sẽ khiến nhiều người dân bị thất nghiệp, còn các tổ chức và cá nhân thì khó tiếp cận vốn. Việc này có thể đẩy Mỹ vào tình trạng suy thoái.
Thêm vào đó, nếu Mỹ vỡ nợ, hệ thống tài chính thế giới cũng sẽ bắt đầu đóng băng, Christian Science Monitor cho biết. Các ngân hàng giảm cho vay và tham gia các hoạt động rủi ro. Hai chủ nợ lớn nhất của Mỹ sẽ thiệt hại hàng chục tỷ USD do đôla Mỹ mất giá. Đà phục hồi kinh tế tại Nhật Bản, eurozone và sức tăng trưởng của Trung Quốc cũng bị kéo tụt nếu nội tệ tăng giá và thương mại toàn cầu đóng băng như các chuyên gia từng cảnh báo.


Mỹ bắt đầu thảo luận về trần nợ

Tổng thống Obama và các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện vẫn chưa thống nhất về đề xuất nâng trần nợ 6 tháng. Tuy nhiên, đây vẫn là bước tiến triển để giải quyết việc Chính phủ đóng cửa và khả năng lần đầu tiên Mỹ  vỡ nợ.
Hôm qua (10/10), Tổng thống Mỹ Barrack Obama và các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã họp bàn về vấn đề trần nợ, USA Today cho biết. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã trình lên Tổng thống đề xuất nâng trần nợ trong 6 tuần, khi hạn chót 17/10 đang đến gần. Nhà Trắng trước đó cũng cho biết ông Obama có thể chấp thuận đề xuất này, nhưng đồng thời, ông cũng muốn có kế hoạch chấm dứt việc đóng cửa Chính phủ.
Tin tức trên đã giúp chứng khoán Mỹ hôm qua tăng vọt. Cả S&P 500 và Dow Jones đều tăng hơn 2,2%, mạnh nhất kể từ đầu năm. Chỉ số Nasdaq lên thêm 2,3%. Chứng khoán châu Á cũng khởi sắc theo khi sáng nay, cả Nikkei (Nhật Bản) và Kospi (Hàn Quốc) đều tăng hơn 1%, còn S&P/ASX 200 (Australia) tăng 1,6%, theo Bloomberg.
Obama-2-2154-1381459882.jpg
Tổng thống Obama sẽ tếp tục thảo luận với đảng Cộng hòa về trần nợ. Ảnh: Bloomberg
Tuy nhiên, sau buổi họp, cả hai bên vẫn chưa đi đến thỏa thuận. Tổng thống và lãnh đạo cấp cao đảng Cộng hòa đều cho biết sẽ tiếp tục đàm phán để tìm được kế hoạch chung. Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện – Paul Ryan  cho biết: "Tổng thống không chấp thuận, cũng không phản đối. Chúng tôi sẽ tiếp tục đàm phán trong tối nay".
Trong khi đó, Nhà Trắng tuyên bố: "Tổng thống hy vọng có tiến triển với các thành viên cả hai đảng. Mục tiêu của Tổng thống là đảm bảo chúng ta thanh toán được các khoản nợ, mở cửa lại Chính phủ, làm tăng trưởng kinh tế, tạo ra việc làm và củng cố tầng lớp trung lưu".
Đề xuất của Chủ tịch Hạ viện Mỹ - John Boehner không hề nhắc đến kế hoạch mở cửa lại Chính phủ. Đảng Cộng hòa vẫn đang chờ sự chấp thuận của đảng Dân chủ để tiếp tục đàm phán về ngân sách trong dài hạn. Trong khi đó, đảng Dân chủ cho biết sẽ chỉ đồng ý nếu trần nợ được nâng và Chính phủ mở cửa trở lại. Chính phủ Mỹ đã đóng cửa ngày thứ 10 khi đảng Cộng hòa không ủng hộ ngân sách chi cho các chương trình y tế của ông Obama (Obamacare).
Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa sẽ có cuộc gặp với Tổng thống Obama sáng nay. Trong khi đó, Thượng viện sẽ bỏ phiếu vào ngày mai (12/10) về kế hoạch nâng trần nợ một năm của riêng họ và không kèm điều kiện chính sách nào.

Mỹ chuẩn bị kịch bản vỡ nợ

Tổng thống Barrack Obama thừa nhận Nhà Trắng và Bộ Tài chính đang chuẩn bị cho tất cả tình huống bất ngờ nếu Quốc hội không thể nâng trần nợ kịp thời. 
Trong một buổi họp báo, ông cho biết: "Chẳng có lựa chọn nào là ổn trong tình huống đó cả. Chúng ta không có cây đũa thần để ước đừng có biến động xảy ra, nếu lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ không thể thanh toán đúng hạn".
Theo CNN, giới đầu tư kỳ vọng Bộ Tài chính sẽ làm tất cả những gì có thể để ưu tiên thanh toán cho các trái chủ, nhằm trấn an thị trường. Tuy nhiên, không có gì bảo đảm thị trường sẽ lạc quan nếu các nhà đầu tư vẫn được thanh toán, còn các lĩnh vực khác của nền kinh tế thì đình trệ.
Obama-1-4414-1381289887.jpg
Tổng thống Obama đã chuẩn bị cho tình huống Mỹ vỡ nợ. Ảnh: AFP
Tổng thống Obama cũng một lần nữa bác bỏ gợi ý có thể viện dẫn tu chính án (điều luật sửa đổi) thứ 14 trong Hiến pháp Mỹ. Luật này cho biết: "Tính hợp lệ của nợ công Mỹ, được pháp luật ủy quyền…và không thể bị nghi ngờ". Điều này cũng có nghĩa, ông Obama có thể chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Jack Lew tiếp tục vay tiền để chi trả cho Mỹ, kể cả khi Quốc hội không ủy quyền nâng trần nợ.
Tuy nhiên, Tổng thống cho rằng hành động như vậy sẽ gây ra cuộc chiến pháp lý. "Nếu có tranh cãi pháp lý về quyền phát hành nợ của Bộ Tài chính, thiệt hại sẽ vẫn xảy ra, kể cả việc đó theo đúng hiến pháp. Do nhà đầu tư sẽ trở nên hoang mang và lo lắng", Tổng thống cho biết.
Ông so sánh tình huống này với việc người mua nhà chần chừ khi cân nhắc liệu người bán có thực sự là chủ nhân căn nhà hay không. "Anh sẽ lo lắng khi mua nó. Tối thiểu thì anh cũng muốn mua với giá rẻ hơn", ông giải thích.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho biết các biện pháp phi thường để giúp Mỹ chưa vỡ nợ sẽ hết tác dụng trước ngày 17/10. Khi ấy, cơ quan này sẽ chỉ còn 30 tỷ USD, cộng thêm doanh thu thuế. Trong khi đó, những khoản mà họ phải chi ra có thể lên tới 60 tỷ USD. Bộ Tài chính sau đó có thể hết sạch tiền vào khoảng 22/10 – 1/11, theo ước tính của Văn phòng Ngân sách Quốc hội và Trung tâm Chính sách lưỡng đảng.
Jack Lew sẽ có buổi điều trần trước Ủy ban Tài chính Thượng viện vào ngày mai. Theo Tổng thống Obama, ông Lew sẽ công bố chi tiết hơn các kế hoạch ưu tiên thanh toán của Bộ Tài chính.

Cơ hội thoát vỡ nợ cho nước Mỹ

Lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện vừa đạt bước tiến lớn, hướng tới một thỏa thuận chấm dứt tình trạng đóng cửa Chính phủ và ngăn Mỹ vỡ nợ trong vài ngày tới.
Kế hoạch này sẽ gia hạn trần nợ đến ngày 7/2 năm sau, cấp ngân sách cho Chính phủ qua ngày 15/1 và đòi hỏi hai viện họp ngân sách lần nữa vào ngày 13/12 tới, theo một nguồn tin tại Thượng viện. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện – Harry Reid cho biết: "Chúng tôi đã có tiến triển lớn, dù vẫn chưa đạt được thỏa thuận". Ông hy vọng kế hoạch sẽ được thông báo trong hôm nay.
Động thái của Thượng viện là tín hiệu mạnh mẽ nhất những ngày gần đây, cho thấy Quốc hội có khả năng giúp Mỹ tránh vỡ nợ vào tháng này, cũng như chấm dứt hơn hai tuần Chính phủ đóng cửa.
Harry-reid-6795-1381801894.jpg
Ông Harry Reid cho biết Thượng viện có thể công bố kế hoạch mới trong hôm nay. Ảnh: Bloomberg
Chứng khoán Mỹ khởi sắc sau thông tin trên. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, S&P 500 và Dow Jones tăng 0,4%, còn Nasdaq tăng 0,6%, Bloomberg cho biết.
Tuy nhiên, bất kỳ kế hoạch nào được đưa ra cũng có thể bị bác bỏ. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz – người phản đối rất mạnh mẽ đạo luật chăm sóc sức khỏe của ông Obama (Obamacare) vẫn chưa tiết lộ sẽ chấp thuận kế hoạch này hay không. Ông cho biết sẽ phải chờ công bố chi tiết.
Phương án của Thượng viện cũng có thể gặp khó ở Hạ viện – được kiểm soát bởi đảng Cộng hòa. Hạ viện đang cân nhắc liệu có nên đưa ra các kế hoạch nâng trần nợ ngắn hạn hay không. Cơ quan này sẽ nhóm họp sáng nay để bàn bạc chi tiết kế hoạch này. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nó sẽ vẫn bao gồm các điều kiện mà Tổng thống không chấp nhận.
Lãnh đạo hai đảng cũng đang bất đồng về thời hạn nâng trần nợ và cấp ngân sách Chính phủ. Đảng Dân chủ muốn nâng trần nợ dài hạn và kế hoạch ngân sách ngắn hạn. Trong khi đảng Cộng hòa muốn điều ngược lại.



 

No comments:

Post a Comment

quangnm