Monday, June 15, 2015

Những lớp hàng không mẫu hạm của Mỹ

Những lớp hàng không mẫu hạm của Mỹ

Tàu sân bay Mỹ là loại chiến hạm được thiết kế để triển khai và thu hồi lại máy bay như một căn cứ không quân trên biển. Chúng là trung tâm của hạm đội và thường được coi là tàu chủ lực.
 
Mỹ có 24 lớp tàu sân bay với tổng cộng gần 70 tàu, gồm những chiếc đã và đang trong biên chế.
Tàu USS Princeton, thuộc lớp Independence, di chuyển ngoài khơi Seattle năm 1944. Tàu hoạt động trong Thế Chiến II và bị chìm trong trận chiến vịnh Leyte tháng 10/1944. Ảnh: navy.mil.
 
 
Trực thăng đậu trên tàu USS Saipan trong những năm 1950. Đây là một trong hai tàu sân bay hạng nhẹ thuộc lớp Saipan đóng cho Hải quân Mỹ trong Thế Chiến II. Cả hai tàu đều đã bị phá dỡ vào năm 1980. Ảnh: navy.mil.
 
 
Tàu USS Saratoga không còn trong biên chế neo tại Newport, Đảo Rhode, hôm 21/8. Hải quân Mỹ trả một xu cho một công ty tái chế ở bang Texas để phá dỡ con tàu. USS Saratoga từng được mệnh danh là "siêu tàu sân bay" trong Thời đại Nguyên tử và nghỉ hưu cách đây 20 năm. Ảnh: US Navy/AP.
 
 
Tàu USS Ranger tới Trân Châu Cảng, Hawaii, năm 1993. Tàu thuộc lớp Forestal và là một trong những con tàu có ý nghĩa lịch sử lớn nhất trong hạm đội của hải quân Mỹ.
USS Ranger từng tham chiến ở Việt Nam và chiến dịch Bão táp Sa mạc ở Iraq. Nó còn xuất hiện trong nhiều bộ phim và chương trình truyền hình, trong đó nổi tiếng nhất là siêu phẩm "Top Gun" những năm 1980. Tàu sẽ bị phá dỡ trong năm nay. Ảnh: US Navy.
 
 
Tàu USS Theodore Roosevelt, lớp Nimitz, rời căn cứ hải quân Norfolk, Virginia, hôm 11/3, lên đường làm nhiệm vụ. Tàu vẫn đang nằm trong biên chế Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy.
 
 
Tàu USS John C. Stennis đi qua một cầu vồng hôm 3/2 khi đang trên Thái Bình Dương. Tàu thuộc lớp Nimitz, đặt tên theo một thượng nghị sĩ bang Mississippi, được biên chế vào tháng 12/1995 và vẫn đang hoạt động. Ảnh: US Navy.
 
 
Một thủy thủ cùng vợ chụp ảnh trong buổi lễ đặt tên cho tàu năng lượng hạt nhân USS Gerald R. Ford tại Newports News, Virginia hồi tháng 11. Đây là tàu mới nhất của Hải quân Mỹ, thuộc lớp siêu tàu sân bay Gerald R. Ford, thay thế một số tàu lớp Nimitz hiện tại. Ảnh: AP.
 
 
Tàu USS John F. Kennedy nhận hàng tiếp tế từ USS Seattle, tàu hỗ trợ nhanh cho chiến đấu thuộc lớp Sacramento, trên Đại Tây Dương hồi tháng 4/2004. Đây là tàu duy nhất thuộc lớp John F. Kennedy và đã ngừng hoạt động vào năm 2007. Ảnh: US Navy.
 
 
USS Enterprise là tàu sân bay hạt nhân đầu tiên trên thế giới và là chiếc duy nhất thuộc lớp cùng tên được chế tạo từ năm 1958 đến 1961. Tàu ngừng hoạt động vào năm 2012. Trong ảnh là USS Enterprise đang qua Ấn Độ Dương, tới Vịnh Arab để thực hiện nhiệm vụ năm 2003. Ảnh: US Navy.
 
 
Tàu USS Kitty Hawk chuẩn bị triển khai đợt bay theo định kỳ ở ngoài khơi Australia năm 2006. Tính đến năm 2008, tàu sân bay lớp Kitty Hawk này là con tàu lâu đời nhất của Hải quân Mỹ và là mẫu hạm duy nhất dùng nhiên liệu thường. Tàu ngừng hoạt động từ năm 2009.
Ảnh: US Navy.
 
 
Thủy thủ trên tàu USS Midway xếp chữ "Sayonara" (tạm biệt) khi rời căn cứ hải quân ở Yokosuka, Nhật Bản, năm 1991. USS Midway neo tại nơi này từ năm 1973, sau đó được thay thế bằng tàu USS Independence, lớp Forestral. Tàu được biên chế cho Hải quân Mỹ hai tuần sau khi Thế Chiến II kết thúc và ngừng hoạt động năm 1992. Ảnh: US Navy.
 
 
Tàu USS Franklin, lớp Essex, bắt đầu chìm sau khi trúng bom của Nhật Bản năm 1945. Con tàu được đặt tên theo nhà lập quốc Mỹ Benjamin Franklin và có biệt danh "Big Ben". Ảnh: Wikimedia.
 
 
Tàu USS Wasp, chiếc duy nhất thuộc lớp cùng tên, được biên chế cho Hải quân Mỹ năm 1940. Con tàu trúng ba quả ngư lôi phóng từ tàu ngầm I-19 của Nhật Bản và chìm trong trận chiến trên biển Coral năm 1942. Ảnh: Wikimedia.
 
 
USS Langley, tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ và là chiếc duy nhất thuộc lớp Langley, chụp năm 1927. Tàu trúng bom của Nhật Bản năm 1942 và bị hư hại nặng đến mức bị buộc phải tự đánh chìm bởi những tàu hộ tống. Ảnh: Wikipedia.

Thực trạng 7 bãi đá Trung Quốc cải tạo ở Trường Sa qua ảnh vệ tinh

Ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo và xây dựng nhiều công trình kiên cố tại 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này đang chiếm đóng phi pháp.
 
Bãi đá Châu Viên nằm ở phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1988. Philippines cũng có tuyên bố chủ quyền với bãi đá này.

Châu Viên bị Trung Quốc cải tạo chủ yếu trong hè năm 2014. Quá trình xây dựng các cơ sở, tòa nhà hiện vẫn tiếp tục.

Trong ảnh là đá Châu Viên vào thời điểm tháng 1 và tháng 9/2014. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
 
 
Diện tích phần đất nhân tạo trên bãi đá Châu Viên được mở rộng tới 119.711 m2, tính đến ngày 14/3. Những công trình xuất hiện tại đây gồm kênh tiếp cận, đê chắn sóng, bãi đáp trực thăng, các tòa nhà hỗ trợ, cơ sở quân sự, ăng ten liên lạc vệ tinh, radar. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
 
 
Đá Chữ Thập nằm ở phía tây quần đảo Trường Sa của Việt Nam và cũng bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1988. Hoạt động cải tạo đất tại đây bắt đầu từ tháng 8/2014. Phần đất rộng dành cho xây dựng được hoàn thành vào tháng 1/2015 và Trung Quốc đang xây một đường băng ước tính dài 3.110 m và một cơ sở cảng biển. Ảnh: CSIS/AMTI
 
 
Đá Chữ Thập có diện tích 960.000 m2, tính đến ngày 21/10/2014. Ngoài đường băng, trên hòn đảo nhân tạo này còn có cảng biển đủ lớn để đón tàu tiếp tế, tàu chiến đấu cỡ lớn, nhiều nhà máy xi măng, cơ sở hỗ trợ, cầu cảng, súng phòng không, hệ thống chống người nhái, trang thiết bị liên lạc, nhà kính, bãi đáp trực thăng. Ảnh: CSIS/AMTI.
 
 
Đá Gaven là một rạn san hô hình trái tim, thuộc quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1988 và đưa quân đồn trú trái phép tại đây từ năm 2003.
Hoạt động bồi đắp, xây dựng tại bãi đá bắt đầu từ khoảng sau ngày 30/3/2014. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
 
 
Phần mở rộng có diện tích 114.000 m2, tính đến ngày 19/3. Theo CSIS, bãi đá này có kênh tiếp cận, súng phòng không, súng hải quân, thiết bị liên lạc, kiến trúc hỗ trợ xây dựng, tháp phòng thủ, cơ sở quân sự, bãi đáp trực thăng và đê chắn sóng. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
 
 
Đá Tư Nghĩa bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép năm 1988, sau đó Bắc Kinh xây dựng nhiều công trình kiên cố để quân lính đồn trú tại đây. Trung Quốc bắt đầu hoạt động xây dựng quy mô lớn từ hè 2014. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
 
 
Bằng hoạt động hút bùn và cải tạo, Trung Quốc mở rộng phần nền bê tông từ 380 m2 lên đến 62.710 m2, tính đến ngày 18/2. Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's, những công trình ở đây cũng giống như trên đá Gaven, gồm kênh tiếp cận, công sự ven biển, 4 tháp phòng thủ, cầu cảng, cơ sở quân sự đa cấp, trạm radar, bãi đáp trực thăng, hải đăng. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
 
 
Đá Gạc Ma nằm ở phía tây bắc quần đảo Trường Sa, có diện tích khoảng 7,2 km2, bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988. Đến đầu năm 2014, trên bãi đá chỉ có một nền bê tông nhỏ với một cơ sở liên lạc, cầu cảng và một đơn vị đồn trú. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
 
 
Phần nền bê tông hiện trải rộng trên diện tích 100.000 m2, nơi rộng nhất là 400 m. Một số đồn đoán cho rằng Bắc Kinh có thể xây một đường băng tại đây nhưng giới chuyên gia nhận định công trình này quá nhỏ để có ảnh hưởng chiến lược.
Đá Gạc Ma hiện có các công trình như kênh tiếp cận, nhà máy bê tông, tháp phòng thủ, bơm khử mặn, bơm nhiên liệu, cơ sở quân sự nhiều tầng, radar, trạm liên lạc, bãi đáp trực thăng, cầu cảng và đê chắn sóng gia cố. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
 
 
Đá Vành Khăn nằm ở phía đông quần đảo Trường Sa, là một rạn san hô hình bầu dục, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1995. Bãi đá bị cải tạo quy mô lớn dọc theo rìa phía tây kể từ đầu năm 2015. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
 
 
Tổng diện tích đá Vành Khăn đã bị cải tạo là 960.000 m2. Tại đây có kênh tiếp cận, đê chắn sóng gia cố, cơ sở quân sự và nơi trú ấn cho ngư dân. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
 
 
Đá Subi là một rạn san hô vòng phía tây nam quần đảo Trường Sa, dài khoảng 6,5 km, rộng 3,7 km. Trung Quốc chiếm đóng Subi từ năm 1988. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
 
 
Phần đất cải tạo trên đảo được mở rộng đáng kể từ tháng 7/2014. Nơi này hiện có kênh tiếp cận, cầu cảng, các thiết bị thông tin liên lạc, radar, đê chắn sóng gia cố, bãi đáp trực thăng, cơ sở quận sự và có thể xây một đường băng dài 3.000 m. Ảnh: AMTI/Digital Globe.
 
 
Vị trí 7 bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc cải tạo đất. Đồ họa: The Diplomat.
 

Vì sao Mỹ công khai video Trung Quốc cải tạo ở Trường Sa

Bằng cách công bố video quay cảnh Trung Quốc cải tạo đảo, Mỹ đang phát đi tín hiệu sẽ có lập trường cứng rắn hơn về Biển Đông và tìm cách khuyến khích những đối tác ở châu Á hành động nhiều hơn.
Chinese dredging vessels are purportedly seen in the waters around Mischief Reef in the disputed Spratly Islands in this still image from video taken by a P-8A Poseidon surveillance aircraft provided by the United States Navy May 21, 2015. REUTERS/U.S. Navy/Handout via Reuters ATTENTION EDITORS - THIS PICTURE WAS PROVIDED BY A THIRD PARTY. REUTERS IS UNABLE TO INDEPENDENTLY VERIFY THE AUTHENTICITY, CONTENT, LOCATION OR DATE OF THIS IMAGE. THIS PICTURE IS DISTRIBUTED EXACTLY AS RECEIVED BY REUTERS, AS A SERVICE TO CLIENTS. EDITORIAL USE ONLY. NOT FOR SALE FOR MARKETING OR ADVERTISING CAMPAIGNS
Các tàu hút bùn của Trung Quốc hoạt động quanh đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh do Hải quân Mỹ chụp hôm 21/5. Ảnh: Reuters.
Quân đội Mỹ tuần trước công bố video quay từ một phi cơ giám sát, cho thấy các tàu hút bùn cùng nhiều tàu khác của Trung Quốc đang bận rộn với công việc biến các bãi đá thành đảo nhân tạo, xây đường băng và cầu cảng tại đó. Động thái này giúp đảm bảo vấn đề trên sẽ thống trị trong Đối thoại Shangri-La, theo Reuters.
Đối thoại Shangri-La là hội nghị an ninh thường niên quan trọng bậc nhất châu Á, quy tụ các quan chức cấp cao nhất về an ninh của 28 quốc gia. Đối thoại năm nay bắt đầu từ ngày mai tại Singapore, có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và hàng trăm quan chức, chuyên gia quân sự đến từ khắp các nước.
Washington đang tiếp tục xoay trục quân sự sang châu Á, một phần là để đối phó với Bắc Kinh. Mỹ muốn các quốc gia Đông Nam Á có lập trường thống nhất hơn về việc Trung Quốc tăng tốc xây dựng trên một số bãi đá ở Biển Đông trong năm nay.
Đối thoại Shangri-La lần này chắc chắn sẽ tập trung bàn về căng thẳng trên Biển Đông. Trung Quốc kể từ đầu năm đã mở rộng thêm 6 km2 tại 5 tiền đồn trên các bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà nước này đang kiểm soát.
"Những quốc gia này cần hiểu rõ (vấn đề)", một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên nói, đồng thời cho biết sẽ phản tác dụng nếu Mỹ đi đầu trong việc thách thức Trung Quốc. Các đối tác, bao gồm 10 thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cần sớm có thêm hành động hợp nhất bởi "mọi việc đã xong xuôi nếu các bạn đợi thêm 4 năm nữa".
Philippines, quốc gia đồng minh của Mỹ, và Việt Nam đã lên tiếng phản đối những hành động của Trung Quốc nhưng ASEAN về tổng thể vẫn còn chia rẽ về vấn đề này. Tuy nhiên, do lo ngại gia tăng, các lãnh đạo trong ASEAN tháng trước đã ra tuyên bố chung, cho rằng hoạt động cải tạo đất làm xói mòn lòng tin và có thể gây hại đến hòa bình khu vực.
Giới chuyên gia bác bỏ ý tưởng sẽ sớm có một hành động chung về Biển Đông ở cấp độ ASEAN nhưng việc tăng cường hợp tác giữa một số quốc gia là hoàn toàn có thể. Nhật Bản đang xem xét tham gia cùng Mỹ tuần tra trên không ở vùng biển này. Tokyo và Manila dự kiến bắt đầu đối thoại về khuôn khổ pháp lý cho việc chuyển giao trang bị và công nghệ phòng thủ cùng hiệp ước cho phép binh sĩ Nhật Bản thăm Philippines trong tuần tới.
Phát biểu tại Honolulu trước khi tới Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter nhắc lại Washington yêu cầu chấm dứt hoạt động xây đảo, đồng thời nói Trung Quốc đang vi phạm những nguyên tắc "kiến trúc an ninh" và sự đồng thuận "tiếp cận phi cưỡng chế" của khu vực.
Trung Quốc ngang nhiên đòi chủ quyền với 90% diện tích Biển Đông, nơi được cho là giàu dầu mỏ và khí đốt, chồng lấn lên vùng biển của nhiều quốc gia khác như Việt Nam, Philippines.
Cho Trung Quốc một vài "giải pháp"
Nhằm tiếp thêm nghị lực cho các đồng minh, một phi cơ giám sát P-8 của Hải quân Mỹ đã cho phép phóng viên hãng tin CNN và tổ quay phim hải quân ghi lại hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa rồi công bố.
"Không ai muốn thức dậy vào một buổi sáng nào đó rồi phát hiện Trung Quốc đã xây vô số tiền đồn, tệ hơn nữa là trang bị chúng với các hệ thống quân sự", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel nói.
Ernest Bower, chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định mục tiêu của Mỹ là thuyết phục Trung Quốc hướng đến giải quyết tranh chấp theo hệ thống quốc tế thay vì áp đặt yêu sách lãnh thổ trải khắp khu vực.
Trong tương lai gần, "tôi nghĩ người Mỹ sẽ cho Trung Quốc một vài giải pháp", ông Bower nói.
Giới chức Mỹ trước đó cho biết tàu hải quân có thể được điều động trong phạm vi 12 hải lý tính từ các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng để chứng tỏ Washington không công nhận tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại đây.
Washington còn tiếp tục thúc đẩy chiến lược tái cân bằng sang châu Á, 4 năm kể từ khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sự thay đổi chiến lược này, dù một số quốc gia thấy nó định hình quá chậm.
Mỹ cũng sửa lại các thỏa thuận an ninh với đồng minh Nhật Bản và Philippines, đồng thời tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa tại Nhật Bản nhằm để mắt đến Triều Tiên.
Thủy quân lục chiến Mỹ đang tham gia huấn luyện luân phiên ở Australia, các tàu chiến đấu ven biển hoạt động ngoài khơi Singapore và phi cơ giám sát P-8 đóng tại Nhật Bản đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trong khu vực.
Về tổng thể, giới chức quốc phòng Mỹ thông báo hải quân nước này sẽ tăng cường hiện diện thêm 18% trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020. Washington hướng đến mục tiêu chuyển 60% tàu hải quân sang Thái Bình Dương vào năm 2020, tăng thêm 3% so với hiện nay.
Các quan chức quân sự Philippines nói có thể thấy rõ thay đổi của Mỹ thể hiện ở hoạt động tập trận, huấn luyện cùng các chuyến thăm của tàu, máy bay. Vấn đề trọng tâm đã chuyển từ chống chủ nghĩa khủng bố sang an ninh hàng hải, một quan chức nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc dường như vẫn chưa có dấu hiệu bị ngăn cản. Bắc Kinh hôm 26/5 tổ chức lễ khởi công xây dựng hai hải đăng trên Biển Đông, đồng thời tuyên bố sẽ gia tăng "bảo vệ ở các đại dương" và chỉ trích các nước láng giềng có "hành động khiêu khích" trên những bãi ngầm, đá mà Trung Quốc tự nhận là của mình.

Mỹ: 'Trung Quốc cải tạo đất ở Biển Đông có thể dẫn đến xung đột'

Thứ trưởng ngoại giao Mỹ cho rằng việc Trung Quốc cải tạo các bãi đá ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông có nguy cơ kích động căng thẳng, thậm chí có thể dẫn đến xung đột. 
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters
"Khi Trung Quốc tìm cách xây lâu đài cát để biến vùng đất thành chủ quyền của mình và vẽ lại ranh giới trên biển, nước này đang làm xói mòn lòng tin trong khu vực và lòng tin của nhà đầu tư", Thứ trưởng Antony Blinken hôm nay nói tại một hội nghị ở Jakarta, Indonesia.  
"Hành vi của nước này có nguy cơ tạo thành một tiền lệ mới, trong đó các nước lớn hơn tự do hăm dọa các nước nhỏ hơn, và có nguy cơ kích động căng thẳng, ổn định và thậm chí còn dẫn đến xung đột", Reuters dẫn lời ông Blinken nói thêm. 
Mỹ và Trung Quốc cuối tuần trước tranh cãi quyết liệt về tranh chấp trên Biển Đông, khi Ngoại trưởng John Kerry, trong chuyến thăm Bắc Kinh, kêu gọi Trung Quốc hành động để giảm căng thẳng. Trung Quốc nói quyết tâm bảo vệ lợi ích của nước này "cứng như đá". 
"Chúng ta cần giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng lấn bằng ngoại giao... Chúng tôi không đứng về bên nào, nhưng chúng tôi phản đối mạnh mẽ hành động có thể nhằm thúc đẩy tuyên bố bằng vũ lực hay cưỡng ép", ông Blinken nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục hối thúc tất cả các bên giải quyết những khác biệt theo quy chuẩn quốc tế". 
Trong cuộc họp báo hôm qua tại TP HCM, Thứ trưởng Blinken cũng cảnh báo nguy cơ Trung Quốc quân sự hóa các cơ sở đang xây dựng ở Trường Sa có thể gây bất ổn ở Biển Đông. Ông khẳng định những việc làm của nước này gần đây đang vi phạm những lời cam kết với các nước ASEAN trong Tuyên bố DOC, và kêu gọi Trung Quốc dừng ngay hoạt động cải tạo, cùng hợp tác để xử lý những khác biệt, tiến tới bộ Quy tắc ứng xử COC. 
Sau chuyến thăm Việt Nam kéo dài hai ngày, ông Blinken đang ở Indonesia và sẽ tới Myanmar. Dự kiến ông Blinken thảo luận với các đại diện của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Jakarta nhằm tăng cường hợp tác với các thành viên của hiệp hội. Ông Blinken hy vọng Việt Nam và các nước đang đàm phán khác có thể ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong những tháng tới..

Đô đốc Mỹ yêu cầu Trung Quốc làm rõ mục đích bồi đắp ở Trường Sa

Tư lệnh cấp cao thứ nhì của hải quân Mỹ yêu cầu Trung Quốc giải thích về hoạt động cải tạo đất đá ở Biển Đông và đề nghị ủng hộ các nước Đông Nam Á nếu họ chọn một lập trường thống nhất chống lại Bắc Kinh. 
Đô Đốc Michelle Howard, Phó tư lệnh tác chiến của hải quân Mỹ. Ảnh:
Đô đốc Michelle Howard, Phó tư lệnh tác chiến của hải quân Mỹ. Ảnh: Defensenews
"Tôi nghĩ bây giờ, đã đến lúc Trung Quốc nói việc cải tạo đất nghĩa là gì", Đô đốc Michelle Howard, Phó tư lệnh tác chiến của hải quân Mỹ, hôm qua nói trong một cuộc phỏng vấn. "Theo quan điểm của tôi, chẳng ai nói họ đang xây khu nghỉ dưỡng ở đó cả, vì vậy ai đó cần giải thích họ đang dựng cái gì ở đó", bà cho biết. 
Nữ đô đốc hôm qua trình bày quan điểm về các vấn đề an ninh hàng hải khu vực, tại Triển lãm Phòng vệ Biển Quốc tế (IMDEX) được tổ chức ở Singapore. 
Bà Howard cũng cho hay Mỹ sẽ sát cánh cùng các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nếu 10 nước thành viên quyết định phối hợp cùng nhau để làm việc với Trung Quốc. "Nếu các nước ASEAN quyết định là sẽ đoàn kết và làm điều gì đó để thể hiện mục đích chung của họ, chúng tôi sẽ ủng hộ điều đó", bà Howard nói. 
Các Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa có bình luận về tuyên bố của Đô đốc Howard. 
Theo ước tính của Mỹ, Trung Quốc từ năm ngoái bồi đắp thêm hơn 800 ha đối với các bãi đá mà nước này chiếm giữ trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong đó, hơn 600 ha được bồi đắp từ đầu năm nay. Washington đang cân nhắc triển khai máy bay hoặc tàu quân sự đến gần các khu vực này, một động thái khiến Bắc Kinh giận dữ. Mỹ tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng có lợi ích trong việc duy trì tự do đi lại ở khu vực.

Khó khăn của Mỹ khi điều tàu tiếp cận Trường Sa

Mỹ có thể gặp nhiều khó khăn khi điều tàu và máy bay quân sự tới khu vực Trung Quốc đang bồi đắp phi pháp ở Trường Sa, nhưng đây là hành động cần thiết để Bắc Kinh hiểu rõ quyết tâm của Mỹ đối với an ninh khu vực.
BN-IJ949-0513cw-M-201505130340-8914-9457
Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều tàu Trung Quốc đang nạo hút cát tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: AFP
Sau nhiều lần cảnh báo Trung Quốc về những nguy cơ của việc cải tạo trên các bãi đá và đảo trong vùng tranh chấp thuộc Biển Đông nhưng chỉ nhận được thái độ phớt lờ, Mỹ cân nhắc một lựa chọn nhiều rủi ro: đưa tàu quân sự đến can dự.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 12/5 đề xuất nhiều lựa chọn, trong đó có điều chiến đấu cơ và tàu quân sự tới khu vực trong phạm vi 12 hải lý quanh những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Bắc Kinh đang tiến hành cải tạo. Các bãi đá này thuộc chủ quyền Việt Nam, bị Trung Quốc đánh chiếm.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 16/5 trong chuyến công du tới Trung Quốc tiếp tục bày tỏ quan điểm cứng rắn và kiên định về vấn đề Biển Đông. Ông cho biết Mỹ rất lo ngại trước quy mô cũng như tốc độ của hoạt động cải tạo mà Trung Quốc đang ráo riết thực hiện. Ông nhấn mạnh luật pháp quốc tế không cho phép việc "tạo ra" chủ quyền bằng cách xây dựng trên những rạn san hô dưới đáy biển. Theo ông, khu vực không cần "những tiền đồn và các đường băng quân sự".
Một loạt động thái gần đây cho thấy Mỹ cuối cùng cũng tham gia sâu hơn trong những tranh chấp về chủ quyền đang ngày càng nóng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, giới chuyên gia an ninh nhận định.
Thách thức cần thiết
Để điều tàu chiến, máy bay quân sự tới Trường Sa nhằm kìm hãm sự bành trướng của Trung Quốc cũng như đem lại thế cân bằng cho khu vực châu Á, Mỹ phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, theo Wall Street Journal.
Nếu những bước đi này vẫn không thể kìm hãm Bắc Kinh, Washington sẽ phải đối mặt với một quyết định không dễ dàng: thoái lui và chấp nhận mất đi uy tín mà bạn bè và đồng minh trong khu vực dành cho mình, hoặc thậm chí lâm vào thế xung đột trực diện với Trung Quốc.
"Trung Quốc sẽ không chấm dứt hành động tại những khu vực mà họ đơn phương tuyên bố là lãnh thổ của mình, trong phạm vi chủ quyền của mình", ông M. Taylor Fravel, giáo sư khoa học chính trị tại Học viện Công nghệ Massachusetts, bình luận. Đây chính là vấn đề, để gia tăng sức ép lên Trung Quốc, "Mỹ buộc phải làm nhiều hơn và tham gia sâu rộng hơn".
Đáp lại bình luận của ông Kerry, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị không thể hiện bất kỳ dấu hiệu thỏa hiệp nào và vẫn giữ giọng điệu cho rằng Bắc Kinh "có quyền xây dựng" những công trình ở Trường Sa.
Phản ứng của Trung Quốc một lần nữa củng cố quan điểm cho rằng Washington và Bắc Kinh có khả năng sẽ xảy ra giao tranh nếu kế hoạch của Mỹ được thực hiện. Nếu xung đột bùng phát, Mỹ có thể phải đối diện với một làn sóng phản đối rộng khắp ở trong nước, Peter Symonds từ Glolbal Research nhận định.
Vị thế nhạy cảm của một số đồng minh tại châu Á - Thái Bình Dương cũng là khía cạnh mà Mỹ phải cân nhắc khi triển khai hành động. Những quốc gia này không mong muốn bị buộc phải lựa chọn giữa cường quốc số một và số hai thế giới, theo quan sát viên Andrew Browne.
Theo Diplomat, thái độ rõ ràng của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông được thể hiện qua đề xuất điều tàu chiến, máy bay tới Trường Sa còn tiềm ẩn nguy cơ kích động Bắc Kinh thực hiện những hành động quyết liệt hơn nhằm củng cố sức mạnh và tầm ảnh hưởng trong khu vực. Mỗi toan tính của Trung Quốc đều có thể tạo ra những thách thức mới đối với Mỹ vì thế Washington cần lường trước mọi hệ quả để xây dựng chiến lược đối phó phù hợp và kịp thời.
Trong bài phân tích mới nhất về phương pháp tiếp cận Trung Quốc của Mỹ, hai tác giả Robert D. Blackwill và Ashley J. Tellis vạch ra một số động thái mà Bắc Kinh có thể thực hiện trong tương lại khi kế hoạch của Washington trở thành hiện thực. Hai ông cho rằng Trung Quốc sẽ tăng cường hơn nữa chi tiêu cho quân sự, đẩy mạnh chế tạo các loại tàu ngầm thế hệ mới hoặc bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân để ngăn chặn Mỹ. Tình thế này là điểm khởi đầu cho một cuộc chạy đua vũ trang tương tự thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Đến nay, việc điều tàu chiến và máy bay tới Trường Sa vẫn chỉ nằm trong danh sách những lựa chọn của Mỹ. Nếu được Lầu Năm Góc thông qua kế hoạch này vẫn cần được tổng thống phê duyệt. Theo Ian Storey, chuyên viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, nếu trở thành hiện thực, nguy cơ xung đột bùng phát từ những tính toán sai lầm là rất lớn. Khi đó, thế đối đầu giữa các chiến hạm với hỏa lực mạnh mẽ của Washington và Bắc Kinh sẽ "nhanh chóng dẫn tới xung đột ở quy mô nhỏ rồi leo thang trở thành cuộc khủng hoảng chính trị, quân sự Mỹ-Trung", ông Storey dự đoán.
Tuy nhiên, Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng mục tiêu của Mỹ là ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng những thực thể đang cải tạo để đe dọa các nước khác và cản trở giao thông tại Biển Đông, vùng biển nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Bên canh đó, Mỹ cũng muốn cảnh báo Trung Quốc rằng họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro để biến lời nói thành hiện thực.
Đến nay, phản ứng của Mỹ chủ yếu là ở lời nói. Giới chức nước này liên tục kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc. Mỹ cũng tăng cường tập trận quân sự với các đối tác, trong đó có Philippines, và cung cấp công nghệ để cải thiện khả năng theo dấu tàu, máy bay Trung Quốc. Nhật cũng tham gia vào nỗ lực này. Nhưng có vẻ như, những điều đó vẫn không thay đổi được gì.
Nếu không có những hành động như điều tàu, máy bay đến các đá Trung Quốc cải tạo ở Trường Sa, Bắc Kinh "sẽ không thực sự coi trọng" vai trò của Mỹ, bà Glaser quả quyết.
tau-chien-fort-worth-4810-1431-4323-4642
Tàu USS Fort Worth hôm 11/5 tuần tra ở vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa, khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường Yancheng (FFG 546) đi gần phía sau. Ảnh: US Pacific Fleet

No comments:

Post a Comment

quangnm