Monday, October 20, 2014

NGỌN LỬA CỦA SỰ CHÚ TÂM

NGỌN LỬA CỦA SỰ CHÚ TÂM

Email In
Tổ Lâm Tế nói, “Chúng ta không thể tháo gỡ Nghiệp trong quá khứ ngoại trừ sống trong giây phút hiện tại. Khi mặc áo thì mặc áo. Khi đi bộ thì đi bộ. Đừng có một ý tưởng nào trong tâm về việc đi tìm Phật tánh.”

Một lần có người hỏi tôi, “Joko, có bao giờ thầy nghĩ là sẽ đạt đạo và chứng ngộ rốt ráo chăng?” Tôi trả lời, “Tôi hy vọng là một ý tưởng như thế đừng bao giờ nảy sinh trong tâm tôi.” Không có thời gian hay địa điểm đặc biệt cho sự giác ngộ bùng nổ.

Tổ Hoàng Bá nói, “Không có gì phân chia giữa Chân lý tuyệt đối và thế giới cảm giác.” Nó không ngoài, đậu xe, mặc áo, tản bộ. Nhưng nếu than bùn (vọng tưởng) là thứ mà ta đang đốt, thì chúng ta sẽ không đi đến đâu cả. Đốt than bùn cũng giống như ta đốt đời ta trong vọng tưởng.

Chúng ta không thể chặt đứt những rau mơ, rễ má khi chúng ta đụng độ chúng. Mà thủ phạm lại chính là cảm giác chấp thủ của chúng ta đối với điều kiện chung quanh. Ví dụ, xếp của bạn muốn bạn làm một việc gì thật là phi lý. Trong phút giây đó, sự khác biệt là loại than nào ta nên đốt?

Hoặc là bạn phải đi tìm một việc làm mới — nhưng những việc làm chúng ta có thể được toàn là việc làm mà chúng ta không thích cả. Hoặc là, đứa con của bạn bị vướng vào sự rắc rối ở trường.. Đối phó với những tình trạng này, sự khác biệt là chọn loại than gì để đốt? Nếu không có được sự thấu hiểu về sự khác biệt, chúng ta đã phí bỏ bao thời gian cho khóa tu học rồi.

Phần lớn chúng ta đến đây để đi tìm Phật tánh (hay Tánh giác). Nhưng Tánh giác chính là làm cách nào xử thế đối với xếp ở sở làm hay với con cái ở nhà, với người mình yêu hoặc người hôn phối, hay bất cứ ai.

Cuộc sống của chúng ta thì luôn luôn là tuyệt đối: Nó lúc nào cũng là một tổng thể trọn vẹn. Sự thật không ở nơi nào khác. Nhưng chúng ta lại có cái tâm (Vô minh) luôn cố gắng nghiền nát quá khứ hoặc ngấu nghiến tương lai. Sống với (đối diện) hiện tại — Phật tánh — thì chúng ta luôn tránh né.

Khi ngọn lửa trong lò được tấn than chung quanh, nếu bạn muốn ngọn lửa lớn mạnh thì phải làm gì? Bạn phải cho không khí vào. Chúng ta cũng là ngọn lửa vậy; khi tâm lắng dịu, chúng ta có thể thở sâu hơn và không khí đi vào phổi nhiều hơn. Chúng ta đốt trọn vẹn những gì đi vào, và hành động của chúng ta cũng phát sinh từ ngọn lửa vô nhiễm đó.

Thay vì cố phân tích trong đầu để tìm một phương thức hành xử; chúng ta chỉ cần sự trong sáng tự thân, và trong sự trong sáng đó ta thấy được ta sẽ phải làm gì.

Tâm lắng dịu bởi vì chúng ta quán sát nó thay vì lặn ngụp trong nó. Sau khi hơi thở trở nên sâu, đó là lúc ngọn lửa đốt hữu hiệu nhất, không có thứ gì mà không bị đốt sạch; khi đó ngay cả cái Ngã cũng không thể tồn tại nổi, tất cả trong ngoài trở thành một, không còn cái Ngã cách ngăn.
Chúng ta chỉ nhận biết, nhận biết, nhận biết. Rồi thì tâm và thân ta sẽ lắng dịu, ngọn lửa có cơ hội bùng lên, cháy sạch những vướng mắc tạo chỗ trống cho suy tư thật sự làm việc, và khả năng thấy được hành động thích hợp nhất cho vấn đề hiện tại hiện ra. Tính linh động là một nghệ thuật được sinh ra từ ngọn lửa chú tâm cao độ đó.

Vậy rất là quan trọng để tọa thiền mỗi ngày, nếu không thì, do sự hiểu biết lờ mờ thì sẽ làm ngọn lửa trong tâm lúc nào cũng bị bao phũ (thiếu không khí).

Chúng ta phải tọa thiền mỗi ngày — mười phút vẫn tốt hơn không ngồi gì cả. Khóa tu cũng rất quan trọng cho những hành giả tích cực; ngồi mỗi ngày có thể giúp ngọn lửa cháy ở độ thấp, nhưng ít khi (không có nghĩa là không có) nó bùng lên thành ngọn lửa xanh.

ĐẾN MỘT LÚC NÀO ĐÓ…

Email In
Đến một lúc, chúng ta bỗng thông hiểu tất cả mọi quy luật của đất trời rằng không có gì là trường tồn bất biến, ngược lại chính nhờ sự biến đổi ấy mà chúng ta có những điều mới mẻ tinh khôi.

Đến một lúc, mọi giông tố mịt mùng không che nổi sự bừng sáng của con tim và mọi khổ đau buồn tủi không đánh gục được niềm lạc quan tiềm ẩn trong một tinh thần.

Chúng ta sống quá lâu trong thành kiến và định kiến hẹp hòi cùng với lòng kiêu mạn đứng chen chân trong một ngôi nhà bản ngã; đến một lúc, chúng ta cần phải bước ra khỏi cửa để được ngắm nhìn toàn bộ sự mênh mông và bát ngát của đất trời.

Đến một lúc, chúng ta cảm nhận được niềm vui khi tấm lòng rộng mở và trái tim thắp sáng lên niềm tin yêu cuộc sống.

Đến một lúc, chúng ta nhìn lại và cười nhạo vào những trò hề do chính mình tạo ra và chúng ta trở nên lặng lẽ để thấy rõ sự cần thiết của tĩnh tại tâm hồn.

Chúng ta chợt nhận thấy quy luật sâu xa của cuộc sống hạnh phúc không chỉ là đón nhận mà còn phải là sự cho đi.

Đến một lúc, cảm thấy ngập tràn hạnh phúc không phải vì chúng ta vớt lên được cái gì đó từ dòng nước mà chính là quăng bỏ bớt cho dòng nước cuốn trôi.

Đến một lúc, chúng ta hiểu được sự thật của niềm vui không phải là ở đỉnh vinh quang hay ngọn núi ngập hoa vàng mà chính là từng bước chân thảnh thơi và được ngắm hoa cỏ dại trên đường.

ĐẾN MỘT LÚC NÀO ĐÓ ( tiếp theo)

Email In
...Chúng ta chợt nhận ra rằng hạnh phúc không phải ở đâu xa mà chính là sự mãn nguyện trong từng phút giây hiện tại.

Khi đã trải qua bao nhiêu buồn vui thương ghét, bao hy vọng chán chường, bao thành công thất bại. Đến một lúc chúng ta chợt nhận thấy rằng tất cả mọi sự đời đến và đi, có rồi không dường như chỉ là một tuồng ảo hóa.

Chúng ta cảm thấy mọi lý luận, ngôn từ đều thừa thãi, thay vào đó chỉ cần một nụ cười, một ánh mắt hoặc một tình thương nồng ấm dẫu chỉ là của người khách qua đường cũng đủ làm cho ta ấm lòng và tươi vui hơn trong cuộc sống.

Đến một lúc, chúng ta thấy tuổi trẻ của mình chỉ toàn là ước mơ cùng với nỗ lực vào tương lai hun hút, và đến lúc già đi thì luôn hồi ức tiếc thương một dĩ vãng đã xa rồi. Trong một đời người ngắn ngủi chúng ta đã đánh lỡ đi bao sự sống nhiệm mầu trong thực tại giản đơn.

Đến một lúc, chúng ta hiểu ra rằng duy chỉ có tình thương, chứ không phải có bất cứ thứ gì khác giúp con người thiết lập được trật tự mới và hòa bình cho nhân loại.

Mọi dòng sông đều chảy ra biển cả, mọi con đường chân lý đều hướng về nẻo đạo vô biên và mọi yêu thương chung cuộc đều đạt đến chân phúc.

Đến một lúc, chúng ta cần phải dọn đất trồng hoa trên mảnh vườn của mình còn hơn mỏi mòn chờ đợi ai đó mang hương sắc đến dâng cho.

Tất cả mọi hành động của ta chỉ là những đợt sóng lăn tăn trên mặt biển nhưng trong lòng đại dương sâu thẳm vẫn còn đó sự lặng lẽ bình yên.

Đến một lúc, chúng ta cảm thấy những việc làm thường nhật phải là niềm vui cho sự sống hàng ngày chứ không phải là sự bắt buộc hay là một quán tính khô khan, máy móc của đời mình.

Hiểu ra rằng bản ngã ích kỷ thường khiến mình nhìn thấy lỗi lầm, sự xấu xa của người khác hơn là chính bản thân mình. Chúng ta thường che đậy và bảo vệ mình khỏi tổn thương nhưng vô tình điều ấy là tự ôm chất độc và giết chết bản thân mình.

Đến một lúc, chúng ta cảm thấy sự tha thứ, bao dung là món quà tặng vô giá và cần thiết mà con người có thể trao tặng cho nhau không bao giờ cạn.

Khi chúng ta thấy mình tham vọng quá lớn trong khi đời người thật ngắn ngủi, đó là lúc mình hiểu ra hành trang cho lộ trình vạn dặm không phải là những gì có thể nắm bắt bên ngoài mà đó là yếu tố tâm linh bất diệt bên trong.

Đến một lúc, chúng ta hiểu con đường tâm linh thì tuyệt đối đơn độc, không ai có thể đi theo dẫu đó là người thân yêu nhất.

ĐIỀU BÍ ẨN GIẢN DỊ CỦA HẠNH PHÚC

Email In
Chúng ta thường nghĩ rằng cuộc sống của mình sẽ tốt đẹp hơn sau khi việc học hành hoàn tất hay có gia đình, có công việc ổn định. Nhưng khi đã có được những điều ấy rồi, chúng ta lại bị chi phối bởi nhiều mối bận tâm và lo lắng khác nữa.

Chúng ta thường không hài lòng khi cuộc sống không như những gì mình mong muốn. Có mấy ai nhận ra rằng khoảng thời gian hạnh phúc nhất chính là những giây phút hiện tại mà chúng ta đang sống? Cuộc sống vốn chứa đựng nhiều thử thách, khó khăn và nghịch cảnh. Cách thích ứng tốt nhất với cuộc sống này là chấp nhận thực tế và tin vào chính mình. Tự bản thân mỗi chúng ta, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tự tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình.

- Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn
- Đừng đợi đến khi bạn thật rảnh rỗi hay đến lúc tốt nghiệp ra trường, đừng đợi đến khi kiếm được thật nhiều tiền, thành đạt, có gia đình, hoặc đến khi được nghỉ hưu mới thấy đó là lúc bạn được hạnh phúc.
- Đừng đợi đến mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, hay mùa đông rồi mới cảm thấy hạnh phúc.
- Đừng đợi tia nắng ban mai hay ánh hoàng hôn buông xuống mới nghĩ là hạnh phúc.
- Đừng đợi đến những chiều thứ bảy, những ngày cuối tuần, ngày nghỉ, ngày sinh nhật hay một ngày đặc biệt nào mới thấy đó là ngày hạnh phúc của bạn.

Tại sao không phải lúc này? Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình. Hãy trân trọng từng khoảnh khắc quý giá trên chuyến hành trình ấy. hãy dành thời gian quan tâm đến người khác và luôn nhớ rằng, thời gian không chờ đợi một ai! Nhưng chắc chắn không bao giờ là quá muộn - và thời gian là người bạn tốt nhất của bạn, của tất cả mọi người.

- Hãy làm việc say mê như thể bạn không còn cơ hội để làm lại một lần nữa.
- Hãy yêu chân thành và trọn vẹn như thễ bạn chưa từng đau khổ vì tình yêu.
- Bạn hãy đón nhận cuộc sống với tất cả những điều bình dị, tinh khôi nhất của nó, như thể bạn chưa từng trải qua những năm tháng khổ đau, những phút giây tuyệt vọng. Như thể bạn vừa khám phá được ý nghĩa thật sự của tình yêu, và hơn hết là điều bí ẩn giản dị của hạnh phúc.

P/s: Ngày mai bắt đầu từ hôm nay.!

BÀI HỌC TỪ CHIẾC THUYỀN KHÔNG NGƯỜI LÁI

Email In

Một chiếc đò sang sông. Có chiếc thuyền không có người lái từ đâu trôi đến, đâm phải. Người lái đò tuy hẹp bụng đến đâu cũng không lấy làm giận.

Giả sử trên thuyền có người lái, thì người lái đò tất phùng mang, trợn mắt, chu chéo, một lần không nghe tiếng, tất chu chéo đến hai lần, hai lần không nghe tiếng, tất chu chéo đến ba bốn lần, rồi đến buông lời chửi rủa thậm tệ nữa.

Một việc xảy ra cũng giống nhau, mà như lúc trước thì không giận, lúc sau lại giận là tại làm sao?

Tại lúc trước chiếc thuyền không có người mà lúc sau chiếc thuyền có người. Người ta mà cứ thản nhiên không có chút tư ý gì thì ở đời còn có ai hại mình nữa.

Bình luận:

Tôi thường tự hỏi: “Người đánh ta, ta giận, là tại người hay tại ta làm cho ta giận?”. Phần đông sẽ nói: “Vì người đánh ta, nên ta giận." Nhưng nếu ta biết người đánh ta là người mất trí, ta có còn giận người ấy nữa không? Chắc hẳn là không nếu ta là người biết xét.

Trái lại, nếu ta biết người đánh ta là người tỉnh, thì ắt ta không khỏi phải nổi cơn giận dữ. Cùng một việc xảy đến với ta, mà khi thì ta điềm tĩnh như thường, khi ta lại bực tức nóng giận. Tại nơi đâu? Có phải là tại nơi sự phán đoán của ta chăng? Tôi không thấy tại nơi ngoại vật chỗ nào cả.

Mạnh Tử nói: “Người ta ở đời, đối với người mà gặp phải kẻ dữ với mình một cách ngang ngược, thì nên coi như mình đi trong bụi rậm, vướng phải gai, chỉ nên thong thả đứng lại gỡ dần ra thôi. Gai góc kia có biết gì mà đáng giận? Xử được như thế, thì tâm mình không phiền não mà bao nhiêu nỗi oán hận cũng tiêu tan...

Ta nên coi những sự ngang ngược phạm đến ta như chiếc thuyền không người lái, lỡ đâm phải ta, như cơn gió dữ tự lỡ tạt nhầm ta. Ta nghĩ cho cùng có gì đáng giận."

| NẾU | ...

Email In
Nếu cuộc sống có quá nhiều lựa chọn
Phải khôn ngoan chọn đạo đức thiện lành
Nghèo vật chất, nhưng tâm hồn cao thượng
Còn hơn giàu mà bất chấp nghĩa nhân.

Nếu gặp nhau trong cuộc đời hạn hữu
Thì hết lòng sống trọn vẹn vì nhau
Hiểu và thương “tương kính như tân”
Cách hành xử “trước sau như một”.

Nếu biết trước hợp tan là định luật
Mặc vô thường đến cũng an nhiên
Thời gian qua đã trọn nghĩa trọn tình
Ở vui vẻ, ra đi lòng thanh thản.

Sinh - Lão - Bệnh - Tử Là Quy Luật Của Đời Người

Email In
      Bệnh là một hiện tượng hiển nhiên trong cuộc đời. Có mang thân người là có bệnh. Mỗi chúng ta có thể trải qua một hay nhiều lần bệnh, không lúc này thì khi khác, không nặng thì nhẹ. Nếu người nào, đến giây phút này vẫn chưa một lần bệnh thì đó là một hạnh phúc lớn. Nhưng ít ra, người đó cũng chứng kiến người thân của mình bị bệnh và biết chắc rằng, đến một lúc nào đó, mình có thể bị bệnh. Do đó, bệnh là một hiện tượng rất gần gũi với con người mà chúng ta ít nhiều đều có kinh nghiệm, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Nói đến bệnh, ai cũng có thể nghĩ đến sự đau đớn, khổ sở, khó chịu, buồn bã, âu lo, sợ hãi và vô số những tâm lý tiêu cực khác. Hễ bệnh là đau. Điều này không ai phủ nhận. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào, dù đau (về thân), chúng ta đừng có khổ (về tâm). Bạn có thể thắc mắc đến ngạc nhiên rằng bệnh làm sao mà không buồn không khổ? Tôi đã từng thắc mắc như vậy sau vài lần bệnh, nhưng sau đó, thay vào các thắc mắc là các bài học tự nghiệm ra được. Ở đây, tôi xin chia sẻ với các bạn một vài phương diện tích cực khi đang bệnh hoặc phải sống chung với bệnh.

      1. Bệnh là cơ hội để nhận biết tín hiệu cơ thể. Khi chúng ta bị một chứng bệnh nào đó, chúng ta đừng vội buồn phiền, suy sụp tinh thần, thấy sao mình bất hạnh so với nhiều người khác. Bệnh là một điều tất yếu một khi chúng ta mang thân làm người, nên việc nó đến với người này, chưa đến với người khác, chỉ là vấn đề thời gian mà thôi. Không có gì bất công đâu.

      Hãy coi bệnh là cơ hội để mình nhận được tín hiệu của cơ thể báo cho mình biết có gì đó không ổn trong cơ thể của mình. Ví dụ, khi nghe tức ngực, bạn biết rằng điều này nhắc bạn cần đến bác sĩ để khám, và như thế, rất có thể bạn sẽ biết và tránh được hoặc trì hoãn chứng bệnh mạch vành của tim trước khi mọi việc trở nên quá trễ. Hầu hết các chứng bệnh tiến triển từ nhẹ đến nặng và có những triệu chứng đi kèm.

       Nếu chúng ta biết cách lắng nghe cơ thể để kịp thời nhận được tín hiệu thay đổi và có phương pháp xử lý phù hợp, chúng ta đã phần nào biết giữ gìn sức khỏe tốt và đem lại hạnh phúc cho bản thân mình, cho người thân và cho xã hội. Một số bệnh hiểm nghèo, như ung thư, vẫn có khả năng chữa trị nếu được phát hiện ở thời kỳ đầu. Các bệnh khác cũng vậy. Do đó, sẽ không có gì đáng buồn khi chúng ta ‘nghe’ cơ thể không ổn. Thay vào đó, chúng ta nên vui, nếu không vui nổi thì cũng bình tâm, vì ít ra, mình nhận được tín hiệu mà cơ thể gửi cho mình. Hơn nữa, qua một lần nhận tín hiệu như thế, chúng ta phát triển khả năng lắng nghe cơ thể thường xuyên hơn. Nhờ đó, chúng ta biết cách điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt phù hợp hơn với cơ địa của mình.

     2. Bệnh là dấu hiệu cho bạn biết rằng bạn cần điều chỉnh cho cuộc sống trở nên thoải mái hơn. Thông thường, khi biết mình bệnh, chúng ta thường để tâm lý tiêu cực phát sinh. Bản năng sinh tồn thôi thúc con người muốn sống, nên không bằng lòng khi bệnh đến với mình, thế là tinh thần suy sụp, sợ hãi nảy sinh. Người nào có tâm lý như thế có nghĩa là đang góp phần đáng kể vào việc hủy hoại thân thể mình và làm cho bệnh càng trầm trọng mặc dù có sự can thiệp của các phương pháp trị liệu.

      Rất nhiều chứng bệnh và cơn đau phát sinh do tâm lý căng thẳng. Các bệnh về tim mạch, huyết áp, dạ dày đều có liên quan đến tình trạng rối loạn tâm lý. Tâm lý không ổn định và mất thăng bằng là một trong những nguyên nhân rất dễ đưa đến rối loạn các quá trình trao đổi chất trong cơ thể và gây nên bệnh. Do vậy, khi chúng ta bệnh, chúng ta cần nhận ra rằng đây là cách mà cơ thể báo cho mình biết rằng tâm trí cần nghỉ ngơi nhiều hơn và học cách chuyển hóa những căng thẳng hiệu quả hơn. Làm như vậy là giúp cơ thể nhanh lành bệnh và phòng bệnh về sau một cách hiệu quả.
      3. Khi bệnh, chúng ta thấy nhu cầu chăm sóc tâm thức và đời sống tinh thần trở nên cần thiết hơn. Lúc đang mạnh khỏe, chúng ta những tưởng mình là bất tử, nên việc chăm sóc đời sống nội tâm chưa phải là vấn đề cần thiết lắm. Khi bệnh, chúng ta mới cảm nhận được cảm giác chơi vơi, trống vắng và sợ hãi. Khi ấy, chúng ta mới nhận ra rằng cái mình thật sự thiếu là một tinh thần vững chãi, một nội tâm kiên định để có thể vững vàng trong những tình huống như vậy. Từ đó, chúng ta học được cách chăm sóc tâm mình.

      Thật ra, nhu cầu chăm sóc tâm thức cần được thực hiện thường xuyên chứ không đợi đến khi bệnh, vì nó cần thiết hơn cả việc chăm sóc thân thể. Thế nhưng, thông thường, chúng ta ít để ý đến nhu cầu này nên chưa nhận ra. Do vậy, nhiều người sau khi bị bệnh, thường quay về với đời sống tâm linh nhiều hơn. Đối với bản thân tôi cũng vậy, bệnh lần đầu tiên, buồn và nản lắm. Sau đó, thấy tinh thần mình bạc nhược. Như vậy là không được. Khi bệnh mình bất an thì những người thân thêm lo lắng chứ chẳng được gì. Rồi bệnh lần sau, tôi biết cách làm cho mình cảm thấy khá hơn và bây giờ, khi mang trong người căn bệnh mãn tính, tôi học được cách sống chung với bệnh và rút ra được nhiều kinh nghiệm trong quá trình ‘chung sống’ này để cuộc sống dễ chịu hơn.

      Một điều có tính quy luật tôi rút ra được là lúc nào tâm tôi bình an và ít dao động, tôi có cảm giác ít đau đớn hơn. Nghĩa là, thân bệnh thì thân ‘đau’, nhưng không vì thân đau mà tâm phải ‘khổ’. Thật ra, khi thân đau, cũng chỉ có một vài bộ phận ở một vài khu vực đau mà thôi. Sự thổi phồng nỗi đau ra toàn thân và lan đến cả tâm là một căn ‘bệnh’ khác nan giải hơn cả bệnh lâm sàng mình đang mắc phải. Khi nào chúng ta để cái khổ của tâm gắn với cái đau của thân, cái đau khổ ấy thống thiết và nhức nhối vô cùng
      4. Bệnh dạy cho chúng ta về vô thường. Già, bệnh, rồi đến cuối chặng đường của một kiếp người là chết. Tất cả những hiện tượng tự nhiên này diễn ra không ngừng trong con người và mọi loài mọi vật. Các giai đoạn (ta tạm gọi như thế, chứ thật ra không có ranh giới nào) sinh ra, trưởng thành, già cỗi và hư hoại đan xen nhau trải dài trên một chiếc trục gọi là ‘cuộc sống’ mà một cực là sự sanh ra trên cuộc đời và cực kia là cái chết. Ở mức độ vi tế hơn, chúng ta cần hiểu rằng trong mỗi tích tắc, bao nhiêu tế bào trong cơ thể chết đi và bao nhiêu tế bào mới được sinh ra. Thế nhưng, để ‘thấy’ được sự thay đổi thì cần phải có những biến chuyển cụ thể, rõ ràng và lớn hơn. Một khi bệnh, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng mình đang ‘chuyển giai đoạn’.

      Ý thức được vô thường giúp chúng ta ý thức hơn về cách sử dụng và quản lý thời gian của bản thân cũng như điều chỉnh các mối quan hệ với những người xung quanh để có một cuộc sống ý nghĩa hơn. Chỉ có những người trải qua cơn bạo bệnh mới hiểu được trọn vẹn sức khỏe tốt là một thứ tài sản vô giá, để rồi sau đó, họ không phung phí tài sản ấy.

      5. Bệnh làm cho chúng ta tăng trưởng tâm từ bi. Khi ta bệnh, ta thấu hiểu nỗi đau của người khác nhiều hơn, nhất là những người mắc bệnh giống mình hoặc bệnh nặng hơn mình. Người xưa nói ‘đồng bệnh tương lân’ quả không sai. Trong đau đớn, chúng ta cảm thấy mình không đơn độc chống chọi với căn bệnh này. Nghĩ đến những người cùng chịu nỗi đau giống mình hoặc hơn mình nữa, chúng ta có thể dễ dàng trải lòng thương yêu đến cả những người không quen.

      Tâm đồng cảm, thấu cảm và chia sẻ với những người cùng bệnh rất lớn. Nếu chúng ta tiếp tục nuôi dưỡng tâm lành này, tức là chúng ta đang nuôi dưỡng tâm từ bi của mình. Nhờ đó, chúng ta sẽ có những động thái tích cực và thiết thực góp phần giúp người bệnh vơi nhẹ nỗi đau bằng kinh nghiệm bản thân. Thực tế, khi chứng kiến bệnh tật, thân nhân người bệnh cũng mở rộng tấm lòng và sự đồng cảm đối với những người bệnh. Các chương trình ‘Ước mơ của Thúy’, “Nụ cười của Ben’ là những ví dụ sinh động về sự chia sẻ đồng cảm của những người có người thân từng là bệnh nhân nhi ung thư đối với những em bé có cùng số phận.
      6. Bệnh giúp chúng ta nuôi dưỡng tâm khiêm hạ và biết đủ. Khi bệnh, chúng ta mới sực nhớ ra rằng cuộc đời mình không phải là không có giới hạn. Giới hạn của con người là lẽ thường xưa nay, nhưng bình thường chúng ta không ý thức đầy đủ về những giới hạn của mình. Nếu thấy người khác bệnh, chúng ta cứ tưởng bệnh chỉ đến với người đó mà không đến với mình. Cho đến khi chính bản thân mình hay người thân bị bệnh như bao người khác, chúng ta mới kịp nhận ra, ai cũng chịu sự chi phối của quy luật tự nhiên: đau, già, bệnh và chết.

      Ý thức rằng mình không hơn gì người khác, ít nhất là trong quy luật tự nhiên này, giúp chúng ta bớt đi lòng kiêu hãnh và trở nên khiêm tốn hơn trong cuộc sống. Qua một lần bệnh, chúng ta có thể bớt đi lòng tham cầu một cách đáng kể. Qua một lần bệnh, chúng ta có thể biết cách tổ chức cuộc sống mình hiệu quả hơn và tốt hơn.

      7. Bệnh giúp chúng ta có ý chí và nghị lực hơn. Ý chí và nghị lực là kỹ năng sống cần được rèn luyện trong nhiều tình huống khác nhau trong cuộc sống. Thế thì tại sao mình bỏ qua cơ hội bệnh để rèn luyện kỹ năng này? Tôi bệnh nhiều lần và tôi nghiệm ra một điều, sau mỗi lẫn bệnh, tôi trở nên mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn và rồi các lần bệnh đến và đi cũng nhẹ nhàng hơn.

Thật ra, tôi làm được điều này cũng nhờ nghĩ đến cha tôi, một người trở về từ chiến trường chỉ còn một cánh tay và một chân không bao giờ gấp lại được vì một vết mổ, dù những năm tháng ở chiến trường, cha tôi chỉ biết cầm kim, dao mổ và ống chích chứ chưa bao giờ biết cầm súng. Với cánh tay đã mất, cha phải chịu đau đến ba lần cắt (lần đầu cắt bàn tay, lần thứ hai tháo khớp khủy tay vì nhiễm trùng, lần thứ ba lại cắt tiếp vì nhiễm trùng nữa). Thế mà cha tôi vẫn vui sống, luôn tích cực trong suy nghĩ và hành động, truyền nghị lực và sức sống còn lại cho những đứa con.

Thế nên mỗi lần đau bệnh, có khi nằm cả tháng trời, có khi đau răng nhức nhối khó chịu, lúc trật khớp chân mất cả tuần mới đi lại được và hiện tại là cơn đau dai dẳng đeo đẳng theo tôi từ mấy năm qua, tôi vẫn thấy không thấm vào đâu so với nỗi đau của cha mình. Nghĩ như thế, tôi vượt qua cơn đau dễ hơn mình tưởng. Cách nghĩ như vậy là liều thuốc giảm đau hiệu nghiệm nhất đối với bản thân mình.
Trên đây, tôi chia sẻ những ‘lợi ích’ khi mình bệnh. Nói như vậy không có nghĩa là tôi muốn bản thân mình hay các bạn, hoặc ai đó bị bệnh. Bệnh là một hiện tượng nằm ngoài ý muốn của con người. Những điều trên, đơn giản là vài phương pháp mà tôi dùng đến mỗi khi bệnh. Đó là những phương pháp hỗ trợ các phương tiện trị liệu y khoa, làm cho bệnh mau lành và giúp người bịnh không hao tổn quá nhiều năng lượng để ‘chống chỏi’ với bệnh. Nếu thấy điều nào phù hợp với mình, các bạn cứ thử áp dụng, tôi tin là sẽ có hiệu quả. Nguyên tắc chung để chịu đựng và sống chung với bệnh (đối với các bệnh mãn tính và những thương tật vĩnh viễn do tai nạn) là khi thân đau, đừng để tâm khổ vì cái đau của thân. Hãy xem bệnh là một ‘vị khách không mời’ và đối xử lịch sự với ‘nó’. Đừng xua đuổi vì một khi bị xua đuổi, nó sẽ kháng cự. Việc chúng ta cần làm là tạo một môi trường thích hợp nhất để ‘nó’ tự ra đi. Hãy buông bỏ, nó sẽ tự ra đi không một lời từ biệt đó các bạn ạ.

Đức Phật ứng xử ra sao trước những lời mắng chửi?

Email In
Một lần khác, Phật đi giáo hóa vùng Bà la môn, các tu sĩ Bà la môn thấy đệ tử của mình theo Phật nhiều quá, nên ra đón đường Phật chửi. Phật vẫn thong thả đi, họ đi theo sau chửi. Thấy Phật thản nhiên làm thinh, họ tức, chận Phật lại hỏi: Cù Đàm, có điếc không?
- Ta không điếc.
- Ngài không điếc tại sao không nghe tôi chửi?
- Nầy Bà la Môn, nếu nhà ông có đám tiệc, thân nhân tới dự, mãn tiệc họ ra về, ông lấy quà tặng, họ không nhận thì quà ấy về ai?
- Quà ấy về tôi chứ ai.
- Cũng vậy, ông chửi ta, ta không nhận thì thôi.
Người kêu tên Phật chửi mà ngài không nhận. Còn chúng ta, những lời nói bóng, nói gió ở đâu đâu cũng lắng tai nghe, để buồn để giận. Như vậy, mới thấy những lời cuồng dại của chúng sanh Ngài không chấp không buồn. Còn chúng ta do si mê, chỉ một lời nói nặng, nói hơn, ôm ấp mãi trong lòng, vì vậy mà khổ đau triền miên. Chúng ta tu là tập theo gương của Phật, mọi tật xấu của mình phải bỏ, những hành động lời nói không tốt của người đừng quan tâm, như thế mới được an vui.
Trong kinh Phật ví dụ người ác mắng chửi người thiện, người thiện không nhận lời mắng chửi đó. Người ác giống như người ngửa mặt lên trời phun nước bọt, nước bọt không tới trời mà rơi xuống ngay mặt người phun. Thế nên có thọ nhận mới dính mắc khổ đau, không thọ nhận thì an vui hạnh phúc. Từ đây về sau, quí vị có nghe ai nói gì về mình dù tốt hay xấu, chớ nên thọ nhận thì sẽ được an vui. Đa số chúng ta có cái tật nghe người nói không tốt về mình qua miệng người thứ hai, thứ ba, thì tìm phăng cho ra manh mối để thọ nhận rồi nổi sân si phiền não, đó là kẻ khờ không phải người trí. Tuy có chướng duyên bên ngoài mà chúng ta biết giải, không thọ nhận, đó là tu. Không phải tu là cầu an suông, mà phải có người thử thách để có dịp coi lại mình đã làm chủ được mình chưa. Nếu còn buồn giận vì một vài lý do bất như ý bên ngoài, đó là tu chưa tiến.

XUÂN TRONG ĐÔI MẮT THIỀN

Email In
MÙA XUÂN TRONG CON MẮT THẾ GIAN

     Mùa xuân - mùa của cây cỏ đơm hoa kết trái, đâm chồi nẩy lộc, của tình yêu nồng nàn, của sự sống bừng bừng thức dậy sau giấc ngủ trầm lặng suốt mùa đông. Mùa xuân, mùa của hưởng thụ và thưởng thức những vẻ đẹp khi thiên nhiên phơi bày hương sắc và người ta chợt nghe dấy lên trong lòng những cảm xúc nồng nàn của tình yêu bất kể ở tuổi nào.

Nói như Huy Tân:
Xuân về, hoa đỏ, môi em đỏ,
Cặp má em như gợn đỏ nhiều
     Nên từ đó ta hiểu rằng mùa xuân là một mùa đẹp nhất trong năm nhưng chưa hẳn chỉ có mùa xuân mới đem đến niềm vui cho mọi người, cái niềm vui nằm ngoài mùa xuân ấy.

Khi Xuân Diệu viết:
Xuân của đất trời nay mới đến,

Trong tôi xuân đến đã lâu rồi.
     Là không nói đến cái xuân của không gian, của cảnh vật bên ngoài vì mùa xuân của thi đã đến theo tình yêu:
Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi,

Trong vườn thơm ngát của hồn tôi.
     Thế nhưng cái mùa xuân thiên nhiên vẫn cứ trở lại như dòng nước kia, mặc kệ tâm tình người ngồi lại bên cầu.


MÙA XUÂN TRONG MẮT THIỀN


     Thiền sư nhìn mùa xuân như thế nào? Cái diện mạo mùa xuân có gì khác không?
Thực ra, họ vẫn thấy như bao người:
Niên thiếu chưa từng hiểu sắc không

Xuân sang hoa sắc vướng tơ lòng

Diện mục xuân nay từng khám phá

Thiền tọa an nhiên ngắm rụng hồng. (Trần Nhân Tông)

     Thế nên thiền sư thấy mùa xuân là mùa xuân, thản nhiên thanh thoát, nhìn xuân qua hoa nở, nhìn xuân đi qua hoa rụng.

Nói như Thiền sư Chân Không thì:
Xuân đến, xuân đi, ngỡ xuân hết,

Hoa nở, hoa tàn, chỉ là xuân.
Hay trong bài thơ nổi tiếng của thiền sư Mãn Giác:

Xuân khứ bách hoa lạc

Xuân đáo bách hoa khai

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Xuân đi trăm hoa rụng,

Xuân đến trăm hoa cười

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai. (Ngô Tất Tố dịch)

Hoa nở rồi tàn, sắc thân ta cũng như hoa, có sinh có diệt có thành có hoại, làm sao tránh khỏi lý vô thường:

Sự trục nhãn tiền quá

Lão tùng đầu thượng lai.

Sự đời trôi trước mắt,

Tóc đã bạc trên đầu.

      Thế nên thiền sư cũng như bao người ngắm nhìn xuân, thưởng thức vẻ đẹp tràn đầy của nó. Nhưng cái nhìn của thế nhân chạy theo, vói lấy thời gian để sống, để phải ngậm ngùi như Xuân Diệu:
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn,

Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần trở lại?
      Hòa thượng Thanh Từ đã từng giảng: “… từng tháng từng năm chúng ta mặc chiếc áo mộng đan bằng những sợi tơ mộng”. Chúng ta thử hỏi trong 24 giờ qua, có bao nhiêu giây phút đối cảnh mà không nghĩ đến điều gì khác hay chỉ sống trong trùng trùng duyên nghiệp, âu lo triền phược hàng ngày”, để có lúc phải la lên: 
Ta chết lặng, bó tay, đầu lắc,

Đào xiêu ơi, hoa rụng, mất rồi! (Bùi Giáng - BG)

Vì âu lo:
Người xuống núi mang về đâu có chắc

Những dịp về còn nữa ở mai sau. (BG)
Ta âu lo cho hiện tại, dằn vặt với quá khứ và chơi vơi trong những giấc mơ ngày mai:

Nói như Shakespeare:
We are such stuff

As dreams are made on, and our little life

Is rounded with a sleep.

Chúng ta một thể như mơ

Giấc mơ kết tự bao giờ đời ta.

Nhỏ nhoi một kiếp đi qua

Rồi ra khép một vòng hoa miên trường.
(Nguyên Cẩn dịch - NC)

     Vì theo Hòa thượng Thích Thanh Từ: “…chúng ta nhận thức rõ ràng cuộc đời là ảo mộng, đầu năm thấy cuối năm là xa, nhưng rồi cuối năm cũng sẽ đến. Rồi ngày mai nó qua, qua rồi mất… Biết mộng rồi phải thức dậy thắp đèn lên cho sáng. Nếu không được như vậy thì mộng này sẽ nối tiếp mộng khác và không biết nối tiếp đến bao nhiêu lần nữa mới hết mộng”. Như người xưa đã từng nói trong một bài kệ:
Tại mộng na tri mộng thị hư

Tỉnh lai phương giác mộng trung vô

Mê thời khắp tợ mộng trung sự

Giác liễu hoàn đồng thùy khởi phu.

Trong mơ ai biết là đang mộng

Tỉnh ra mới hiểu mộng là không

Trong mơ muôn sự đều như thật

Khi ngộ ra mình mới ngủ xong. (NC)

Trước hết phải ra khỏi giấc Nam Kha. Thấy thế gian muôn sự là không, đó là bước đầu trở về quê hương cũ.

Hỏi quê rằng biển xanh đâu?

Thưa rằng mộng ban đầu đã xa. (BG)
     Cũng HT. Thanh Từ lại hoan hỷ cho rằng: “…nhờ phúc duyên lành, chúng ta được Đức Phật chỉ cho trong cái mộng ấy có cái không phải là mộng”. Thế nhưng như Nguyễn Du viết:
Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự

Tứ thời tâm kính tự như như.

Ta nhìn lá rụng hoa sinh,

Bốn mùa đối ảnh tâm mình như như. (NC)
     Có cái gì đó bất biến (như như) vượt lên trên mọi biến đổi, mọi xao động của thiên nhiên và hồn người. Vẫn cảnh ấy, nhưng với con mắt thiền, vạn vật trở nên lắng đọng, tịch mịch, thanh thoát…
Mãn cảnh giai không hà hữu tướng

Thử tâm thường định bất ly thiền.

Cảnh không tìm tướng ở đâu?

Tâm này thường định chẳng cầu thiền xa. (HT.Thanh Từ dịch)

Một bài thơ xuân nổi tiếng thường được nhắc đến là bài Mỗ Ni Ngộ Đạo Thi
Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân

Mang hài đạp biến lũng đầu vân

Qui lai tiếu niệm mai hoa khứu

Xuân tại chi đầu dĩ thập phân. (khuyết danh)

Tìm xuân ngày trọn thấy xuân đâu

Giày cỏ đạp mây khắp núi cao

Quay lại ngắt hoa mai cười ngửi

Trên cành Xuân đến đã từ lâu.

(Nguyễn Khuê dịch)
     Hình ảnh một Ni cô tất tả cả ngày xuân đi tìm xuân khắp cả non cao mây phủ nhưng vẫn không sao thấy xuân được như thể đi tìm bản thể chân như của mình theo đường đạo. Thế nhưng khi quay trở về trong vô vọng thì đột nhiên gặp xuân trên cành hoa mai, một mùa xuân viên mãn. Phải chăng khi quay về tự tâm, xuân cũng như đạo nào phải nhọc công kiếm tìm như kẻ tìm trâu trong Thập mục ngưu đồ. Lý Miễu cho rằng “đạo bất viễn nhân.” (Đạo chẳng xa người) mà chúng ta như gã cùng tử trong Pháp Hoa Kinh chẳng hay ngọc mani nằm trong tay áo.

     Mọi chuyện vẫn đang diễn ra trước mắt. Hãy sống và hãy biết mình đang sống… Thiền sư không than vãn vì sự vật trôi qua mà ông chỉ nêu lên như là sự kiện. Nó đấy, nó vẫn đang qua như chúng ta sẽ già như tóc trên đầu sẽ bạc. Thế thôi! Giản dị như đời...

Hãy cùng đọc một bài tanka của Shotetsu:
Không có hoa nơi này!

Những cây thông thức giấc

Trên đỉnh đồi ban mai

Hoa đào đêm xuân mộng

Cũng chỉ là mây bay. (Nhật Chiêu dịch)
     Những cây thông cũng mơ mộng như nhà thơ và cùng mơ thấy hoa đào trong đêm xuân mộng. Nhưng tan mộng, họ lại đối diện với hư không vì làm gì còn có hoa, làm gì còn có mây dù trong mơ thì hoa như mây và mây như hoa. Không sao phân biệt được. Đấy là bất nhị. Như nó đang diễn ra trước mắt:
Chư pháp tùng bổn lai

Thường tự tịch diệt tướng

Xuân đáo bách hoa khai

Hoàng oanh đê liễu thượng.
     Vâng, mùa xuân thì hoa nở, con oanh vẫn hót đầu cành, nhưng sao lại kết nối vào hai câu trong Diệu Pháp Liên Hoa Kinh?

Có vẻ như một sự ráp nối không đầu không đuôi, chẳng đâu vào đâu? Thế nhưng, là thiền sư, ai lại không biết:
Muôn pháp từ xưa lại

Tướng thường tự vắng lặng.
      Thấy được tướng vắng lặng là thấy được tánh vắng lặng. Không có tướng nào mà không phải là tánh. Không có chúng sanh nào chẳng phải là Phật.

      Từ chỗ vắng lặng ấy phá bỏ tất cả mọi biên giới giữa chủ thể và đối tượng, cắt đứt mọi vọng tưởng phân biệt của tự ngã. Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng (Kinh Kim Cang).

       Hiểu cái chân không để ngắm nhìn cái diệu hữu ­ là ý nghĩa của thiền. Hiểu muôn vật tướng đều vắng lặng để thấy cái diệu hữu.
Xuân đến trăm hoa khai

Hoàng oanh hót đầu cành.
      Không chỉ là mùa xuân trước mắt, cả cái mùa xuân đã qua, chưa đến kia nữa, cái mùa xuân mà ngỡ như không thấy vì hoa đã rụng chỉ còn cành trơ lại cái đêm qua, sân trước mà Cao Huy Thuần đã từng nêu lên sao không phải là đêm nay hay đêm mai vì ông lý luận rằng “trăng sáng đêm qua vẫn là trăng đêm nay, hoa nở năm mới cũng là hoa năm cũ.
Tạc dạ nguyệt minh kim dạ nguyệt

Tân niên hoa phát cố niên hoa. (Tuệ Trung)
Và cũng cái thấy ấy nên sau này Nguyễn Du mới chuyển dịch thơ Thôi Hộ :
Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
     Hoa đào năm ngoái cười, chứ nào phải hoa năm nay. Cũng theo dòng lý sự ấy, ông viết “Quên mất hoa để dựa vào nở, dựa vào tàn là dựa vào cửa ngõ nhà người ta,… Hãy trở về nhà của mình, và ngay khi thấy điều đó thì vụt một cái:
Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa.
     Một chấm ánh nắng mùa xuân thôi, một chấm thôi, cả vũ trụ hoa nở. Chỉ có thơ mới diễn đạt được cái chỗ không thấy... Phải quay về nhà của mình:
Hỏi rằng người ở quê đâu

Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà. (BG)
     Vì chúng ta đã đi xa khỏi giấc mộng ban đầu của mình. Nhớ tới bài kệ của Thiền sư Bổn Như khi ngộ:
Xứ xứ phùng quy lộ

Đầu đầu thị cố hương

Bản lai thành hiện sự

Hà tất đãi tư lương

Chốn chốn đường về cũ

Nơi nơi vốn cố hương

Xưa nay thành hiện sự

Nào phải đợi suy lường. (HT. Thanh Từ dịch)
     Chốn nào cũng là đường về, nơi nào cũng là cố hương, xưa nay chỉ là hiện tại. Nói như thầy Thanh Từ: …Phật pháp là thiết thực, hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy…

     Niết bàn nơi đâu? Phải chăng đấy chính là mùa xuân thường tại, mùa xuân miên viễn - cái giây phút, cái sát na mà lòng ta chánh niệm. Phải chăng có một bản ngã đang thưởng thức một tách trà, một tiếng chuông trong chiều vắng, tiếng kinh vang vọng giữa khuya, một áng mây bay qua bầu trời, một chiếc lá rụng ngoài hiên…?

     Đấy là con đường về với Đạo.

     Phải làm mọi việc với cái tâm vắng bặt sự phân biệt giữa tự ngã và các pháp mới có thể bước vào nhà Như Lai (tức Tánh Không). Chỉ khi ấy ta mới tìm thấy mùa xuân thường tại. Rất gần ta mà lại rất xa ta. Vì có thể gặp bất cứ nơi nào và bất cứ giây phút nào ta có thể dùng hình tượng mà thầy Tuệ Sỹ đã diễn đạt: “Khi con bướm khép đôi cánh lại trên giấc ngủ trưa trên luống cải hoa vàng, khi ta nghe trỗi dậy tiếng vặn mình của loài sâu róm và khi mang tâm thức của một người:
Nguyện yêu trần gian nguyên vẹn
Hết linh hồn và hết cả da xương
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng, sâu bọ cũng yêu luôn.
(Bùi Giáng)
Thì ta sẽ quên đi cái mùa xuân thiên nhiên ấm nồng theo thời tiết mà sẽ thấy hoa vàng không chỉ là một độ. Như người xưa từng nói:
Bất đạp kim thời lộ

Thường du kiếp ngoại xuân

Chẳng đi theo bước đương thời

Mùa xuân kiếp ngoại thảnh thơi dạo hoài (HT. Thanh Từ dịch)
Đấy chính là mùa xuân ngoài thời gian, còn gọi là mùa xuân miên viễn:
Ra đi hẹn với xuân đầu

Chờ nhau ngõ khác ngó màu nguyên xuân (BG)
     Một mùa xuân không lệ thuộc thời gian vì chúng ta đã lánh xa con đường danh, lợi, sắc, tài. Hãy vui trong một mùa xuân kiếp ngoại không còn ràng buộc khổ đau vì ngoại cảnh, dưới bóng vô thường. Nói như Thiền sư Nhất Hạnh là “…nhận diện cái bất diệt ở trong sinh diệt, và chúng ta có thể nhận diện bằng chánh niệm”.

Giờ phút linh thiêng

Đóa bất diệt nở giữa vườn hoa sinh diệt

(Khúc nguyện cầu - Nhất Hạnh)

     Xin ngợi ca hôm nay và nhìn quanh ta trong ta bằng con mắt thiền đón chào một mùa xuân miên viễn không cứ là Quý Tỵ hay Giáp Ngọ...

Nguyện cầu cho mười phương an lạc !.

ƯỚC NGUYỆN ĐẦU NĂM

Email In
Ước nguyện đầu năm, vạn sự an
Gia đình hạnh phúc, được giàu sang
Công danh sự nghiệp, luôn bền vững
Phú quý vinh hoa, thật vẻ vang
Phật tử đi chùa mừng tuổi Phật
Trụ trì kính chúc tết an khang
Cúng dường Tam Bảo, xin cầu phước
Chánh pháp huy hoàng, tại thế gian.
     Khoảng thời gian chúng ta tụng kinh niệm Phật, thiền định thì những niệm phiền não, những niệm xấu, niệm ác bị đè phục nên không khởi lên; do bị đè phục nên nó yếu đi, nó đã yếu thì lúc khởi lên cũng khởi yếu. Vì yếu nên tội chướng nghiệp chướng cũng yếu dần. Khi bên tội chướng, nghiệp chướng yếu thì thiện căn công đức sẽ khởi dậy. Hai cái đó như hai cái giá cân. Nếu bên này nặng thì bên kia bị nhẹ,bên này nhẹ thì bên kia nặng.

     Khi tội nghiệp yếu lần đi thì cái lành cái tốt phát triển lên thì gọi là mình có tu, đồng thời thiện căn công đức phát sanh, cho đến lúc nào đó sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không còn chi phối nội tâm là thành công. Do chủng tử phàm phu, phiền não nghiệp chướng trong vòng sanh tử luân hồi của chúng ta nặng nề nên sự thành công đó sẽ thật khó hạn định về thời gian! Nhưng nếu hằng ngày mình có phương pháp để dằn để phục, thì nó sẽ yếu lần lần, chúng ta sẽ tiến lần trên con đường Hiền Thánh giải thoát. Có bước một bước là có giải thoát một bước, chứ không phải đợi đến đích rồi mới giải thoát .Bằng không, nếu bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp chi phối thì mỗi ngày chẳng những nó không yếu mà lại mạnh thêm, thì chúng ta càng chui đầu sâu vào vòng luân hồi sinh tử.

XUÂN VÔ THƯỜNG

Email In
Sinh
Xuân đến, đào, mai nở đẹp thay,
Giao thừa nhộn nhịp khói hương mây,
Chòi cây đươm lá khoe mầm mới,
Chú bướm la đà chập chững bay...
Già
Mùa xuân rộn rã tiếng cười vui,
Hoa lá đua nhau nhuộm nắng đời,
Vạn vật thấm nhuần ơn vũ trụ,
Người người hạnh phúc cảnh xuân tươi.
Bịnh
Vừa ngắm đêm qua, những đóa mai,
Sắc hương tươi thắm, đẹp bờ vai,
Sáng nay sương đọng, màu nâu đục,
Thấy cảnh mai tàn, xuân khứ lai...!!!
Chết
Xuân đi, xuân lại có hay gì...???
Hoa nở, hoa tàn cảnh biệt ly...!!!
Vũ trụ nghìn năm, xoay chuyển mãi...
Sinh, già, bịnh, chết... tỉnh tu đi...!!!

Sinh
Mai một cành khô chớm nụ hoa
Người và xuân sớm đã giao hòa
Lộc non mới nẩy khoe mầm sống
Trời đất vô cùng ngập sắc hoa.
Trụ
Trên mái nhà xuân én trở về
Thi sĩ thong dong họa tiếng thơ
Một thoáng mơ màng xuân đến vội
Hương trầm trong gió nắng giao hòa.
Dị
Đông lạnh qua rồi tựa giấc mơ
Người thì ở lại, kẻ về quê
Mùa xuân níu bóng nhân gian đổi
Chỉ còn kỷ niệm thuở ban sơ.
Diệt
Mây trắng bay bay khắp đất trời
Xuân đi để lại bóng mai rơi
Chỉ còn cành héo rung trong gió
Một đóa mai rơi, một lớp người.

Thành
Năm mới xuân về rực sắc hoa
Giao thoa trời đất, nắng chan hòa
Sương ươm chồi lộc, mầm xanh biếc
Những đóa mai vàng, xuân trổ hoa
Trụ
Ngàn hoa đua nở đón xuân về
Đào, cúc, trúc, mai, khoe sắc thơ
Trời đất giao thoa, hòa vũ trụ
Nhâm Thìn năm mới, được an hòa.
Hoại
Mới ngắm vườn xuân, đẹp mộng mơ
Mai vàng nở rộ, khắp thôn quê
Đêm qua gió lộng tàn rụng cánh
Ngắm cảnh vô thường, chút tiêu sơ
Không
Xuân đến rồi đi, quy luật trời
Vô thường huyễn mộng cánh hoa rơi
Trăm năm mấy độ xuân lai khứ
Thành, trụ, hoại, không giữa kiếp người.

No comments:

Post a Comment

quangnm