Sunday, October 19, 2014

KỸ THUẬT CHỤP ẢNH 20.10.2014

Ảnh ngược sáng - nghệ thuật tạo hình kỳ diệu trong nhiếp ảnh

Hình khối hay cách tạo hình của các chủ thế cùng vẻ đẹp phông nền là những yếu tố quyết định làm nên thành công của một bức ảnh ngược sáng. 
anh.jpg
Cây ở hồ thủy điện Sông Hinh. Ảnh của tác giả Huỳnh Lê Viễn Duy tham gia cuộc thi Ảnh Nghệ thuật VnExpress 2014. 
Nghệ thuật chụp ngược sáng, hay còn có tên gọi Silhouette, là phương pháp chụp hiệu quả mà các nhiếp ảnh gia thường sử dụng để tạo điểm nhấn vào phong cảnh, cuộc sống hoặc động vật hoang dã. Sự kết hợp giữa hình mẫu sắc nét trên một phông nền đẹp đã khiến thể loại ảnh này khác biệt với nhiều phương pháp khác.
Một bức ảnh Silhouette có thành công hay không phụ thuộc nhiều vào vẻ đẹp hay sự sống động của phông nền phía sau. Tuy nhiên, yếu tố thực sự quan trọng tác động mạnh tới người xem vẫn là chủ thể ở các tư thế khác nhau phía trước. Khi chủ thể được tạo hình đẹp, mang tính nghệ thuật, bức ảnh sẽ thực sự tuyệt vời.
Một khung hình đẹp, tất nhiên, không phải lúc nào cũng dễ tìm, chính vì vậy người cầm máy phải vô cùng kiên nhẫn. Các nhiếp ảnh gia chuyên về phong cảnh thường phải dành nhiều thời gian kiếm hình ảnh sắc nét và sinh động trong tự nhiên. Đôi khi, cần chút sáng tạo bởi chỉ thay góc máy hay chờ đợi đến thời điểm thích hợp trong ngày, thành quả nhận được đã có sự khác biệt rõ ràng.

nation-4573-1413543831.jpg
Đánh bắt cá buổi sớm. Ảnh: Lý Hoàng Long/National Geographic.
Đo sáng là kỹ năng quan trọng nhất khi muốn chụp một bức hình ngược sáng. Việc muốn một chủ thể tối ở giữa khung hình sẽ tạo ra những bất lợi nhất định cho việc đo sáng. Trong ví dụ đơn giản với ảnh trên, người chụp nên đo sáng vào phần nền trời không có cây trong khung ảnh, nhấn nút chụp xuống một nửa và ấn nút “Auto Exposure lock” để chốt tham số phơi sáng. Bước cuối cùng mới đến sắp xếp bố cục hình ảnh như ý muốn và nhấn nút lại.
Tuy nhiên, không phải điều kiện ánh sáng nào cũng giúp cho một bức ảnh Silhouette hoàn hảo. Tốt nhất nên chọn hậu cảnh và chủ thể chênh sáng nhiều một chút. Nếu chênh quá ít, khi giảm sáng để chủ thể đen hơn thì hậu cảnh cũng bị tối quá làm mất chi tiết. Trong khi chênh sáng quá nhiều có thể khiến tiền cảnh quá tối và không đủ để lên những chi tiết cần thiết.

Để có ảnh chụp bình minh hoàn hảo

Khung cảnh buổi sớm với những tia nắng cùng màn sương mờ ảo luôn thu hút người xem, nhưng để truyền tải cảm xúc vào những khuôn hình lại không hề dễ dàng. 
Lên kế hoạch từ trước
Một bức ảnh chụp đẹp có thể tạo ra từ những khoảnh khắc bất ngờ, ngẫu hứng nhưng với thể loại ảnh phong cảnh trong bình minh lại thường là kết quả của quá trình chuẩn bị và lên kế hoạch kỹ càng. Đầu tiên, người cầm máy phải hiểu rõ nơi mình định chụp và vị trí chính xác hướng mặt trời mọc. Hãy tìm cả những góc mà ánh sáng của mặt trời không thực sự mạnh nhất nhưng vẫn có thể tạo ra những hiệu ứng hay khuôn hình mới lạ.
Khoảng thời gian mà mặt trời mọc với ánh sáng đẹp nhất thường chỉ diễn ra vào khoảng nửa tiếng đồng hồ (thời gian cụ thể còn phụ thuộc vào các địa điểm nhất định). Chính vì vậy, việc nghiên cứu trước phương án chụp từ một đến hai ngày sẽ giúp nhiếp ảnh gia không bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp.
Thử sử dụng nhiều tiêu cự và góc nhìn khác nhau
Ống kính góc rộng có thể tạo ra những bức ảnh phong cảnh tuyệt vời nhưng với khung cảnh sương sớm lại là chưa đủ. Mặt trời chỉ là một phần rất nhỏ khi sử dụng ống kính góc rộng nên hiệu ứng mà nó mang lại qua một bức hình sẽ không ấn tượng so với nhìn thực tế. Nếu muốn nhấn mạnh vào chi tiết này, người cầm máy có thể cần đến một ống kính với tiêu cự trên 200 mm. Cũng cần lưu ý thêm về các cài đặt của máy khi chụp đói diện mặt trời để không gây các tác hại đến cảm biến.
binhminh-5970-1411113205.jpg
Những khoảnh khắc đẹp trong ánh bình minh luôn diễn ra rất nhanh. Ảnh tham gia Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật VnExpress 2014 của tác giả Thái Bình Minh.
Vẻ đẹp của hình khối trong kỹ thuật chụp ngược sáng
Trong ảnh chụp ngược sáng, vẻ đẹp của hình khối luôn được đề cao tối đa và đây cũng là một bí quyết không thể thiếu khi nói đến ảnh chụp trong bình minh. Một dãy núi, cây cối hay cả con người hay loài vật đứng trước ánh mặt trời và đổ bóng có thể tạo ra những hiệu ứng khác lạ và tạo cảm xúc mạnh cho người xem. Chưa kể, trong khoảnh khắc giao thời, màu sắc của bầu trời cũng luôn rất đẹp giúp bức ảnh có được điểm nhấn cần thiết.
Quy tắc một phần ba
Một quy tắc rất cổ điển nhưng luôn luôn hữu dụng trong nhiếp ảnh nói chung và tất nhiên cả trong ảnh chụp sương sớm. Chủ thể đặt trong mặt cắt một phần ba của khuôn hình sẽ tạo ra những hiệu ứng khác biệt. Trong đó, đường chân trời, bóng đổ, mặt trời luôn là những yếu tố được quan tâm hàng đầu.
Untitled-2-6347-1411113205.jpg
Quy tắc một phần ba và kỹ thuật chụp ngược sáng cũng phát huy tác dụng trong ảnh sương sớm. Ảnh: Thomashawk. 
Kiểm soát cân bằng trắng bằng tay
Khoảng thời gian giao thời giữa tối và sáng luôn tạo ra những màu sắc thú vị nhưng nếu để thiết lập cân bằng trắng tự động, nhiếp ảnh gia chưa chắc đã thu nhận được đúng những gì mắt thấy. Để lưu giữ được ánh sáng vàng độc đáo ở thời điểm này, có thể điều chỉnh máy với nhiệt độ màu cao lên một chút thay vì để chế độ tự động mặc định.
Phơi sáng
Người chụp thông thường chỉ nghĩ đến kỹ thuật chụp phơi sáng khi trời tối nhưng trong ánh bình minh cũng có thể áp dụng kỹ thuật này. Với tốc độ màn trập không quá chậm, lâu nhất là từ khoảng từ một đến hai giây, hiệu ứng đem lại cũng rất thú vị như với các dòng nước chảy trở nên mịn và huyền ảo hơn.
suong-6067-1411113205.jpg
Khung cảnh buổi sớm luôn cho ra những màu sắc "ma thuật". Ảnh tham gia Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật VnExpress 2014 của tác giả Nguyễn Hoài Văn.
Mang theo chân máy
Ngay cả khi không chụp phơi sáng, nhiếp ảnh gia vẫn thường phải mang theo một chân máy. Trang bị này đảm bảo cho người dùng chụp ở ISO thấp (làm tốc độ chụp thấp đi) nhưng ảnh vẫn sắc nét.
Lấy nét thủ công
Khoảng thời gian bình minh thường có sương sớm đẹp huyền ảo nhưng cũng chính điều này làm cho cảnh vật không thực sự rõ ràng khiến máy đôi khi bắt nét sai. Trong những trường hợp như vậy, người cầm máy có thể chuyển sang chế độ lấy nét tay và xoay chỉnh đúng độ cần thiết để có được bức ảnh sắc nét.

Để không bỏ lỡ những khoảnh khắc cuộc sống đẹp mỗi ngày

Khoảnh khắc Cuộc sống là thể loại ảnh nhấn mạnh vào tính thời điểm và một bức ảnh đẹp thường có thể "đóng băng" được hành động và cảm xúc chỉ trong một khuôn hình.
Untitled-1-5253-1411635693.jpg
Bức ảnh có tên gọi "Một ngày khác ở thiên đường" chụp ở Bali, Indonesia của tác giả Michael Ivan Rusli. 
Tìm hiểu vẻ đẹp ở mọi nơi
Con người luôn ham muốn tìm kiếm, khám phá những điều mới mẻ nhưng có lẽ chính vì thế lại thường dễ dàng bỏ qua cuộc sống, con người hay địa điểm mà chúng ta nhìn thấy mỗi ngày. Nhiếp ảnh gia James Brandon của Digital Photography School cho biết dù có nhiều tác phẩm thành công nhưng ông đã gặp khó khăn khi một khách hàng đề nghị chụp một bức ảnh khoảnh khắc đẹp tại chính nơi ông đang sinh sống. Phải mất vài tuần cầm máy đi lại xung quanh thị trấn với kết quả là con số 0 tròn trĩnh, James Brandon mới nhìn thấy được vẻ đẹp tiềm ẩn để cố gắng thu lại trong một bức hình. Bạn có thể thấy một hành động hay sự việc diễn ra hàng ngày nhưng không có nghĩa là nó không chứa một vẻ đẹp nào đó. 
Đừng quên máy ảnh ở nhà
Đây là một lời khuyên tưởng chừng như vô nghĩa nhưng rất nhiều người hay mắc phải. "Muốn chụp được những bức ảnh khoảnh khắc đẹp, bạn luôn phải có một chiếc máy chụp được ảnh trong người. Thời điểm vàng có thể đến bất cứ lúc nào.", Eric Kim, một nhiếp ảnh gia đường phố nổi tiếng chia sẻ.  
cs-9959-1411635693.jpg
Bức ảnh "Bà cháu" của tác giả Trần Công trong Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật VnExpress. 
Hãy chụp một khoảnh khắc thật sự 
Nhiếp ảnh là nghệ thuật và nghệ thuật đôi khi có thể là "ánh trăng lừa dối" nhưng một bức ảnh khoảnh khắc cuộc sống đẹp, giá trị chắc chắn phải là một thời khắc chân thực. Bất kỳ sự sắp đặt nào với chủ thể hay khung cảnh cũng có thể phá hỏng thành quả của nhiếp ảnh gia. 
Chụp một bức ảnh có thể kể một câu chuyện
Ảnh khoảnh khắc tuy chỉ ghi lại được một thời điểm nhất định nhưng một số bức hình thành công lại thường kể được một câu chuyện hấp dẫn. Ví dụ bức ảnh Tết té nước Songkran ở Thái Lan (đoạt giải tuần của cuộc thi National Geographic Traveler năm 2013), tác giả không chỉ giữ lại được một khoảnh khắc đẹp tạo được cảm xúc mạnh mẽ nơi người xem mà còn giới thiệu được nét văn hoá độc đáo của người địa phương.
Tết té nước Songkran ở Thái Lan. Ảnh: Edgard De Bono.
Tết té nước Songkran ở Thái Lan. Ảnh: Edgard De Bono.
Không bao giờ ngừng chụp
Với mỗi khoảnh khắc nhất định, người cầm máy không nên tiếc số lần bấm nút hoặc một ít cuộn phim. Chụp càng nhiều bức ảnh tồi có thể là cách đưa bạn đến nhanh hơn với một bức ảnh hoàn hảo. Đôi khi, một khung hình mà bạn cho là không đẹp tại thời điểm chụp lại đem đến những hiệu quả bất ngờ sau này.
Luôn tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống
Cuộc sống luôn chứa đựng những khoảnh khắc chứa đựng nhiều cảm xúc vui buồn khác nhau nhưng người chụp chắc chắn phải hướng đến những niềm vui trong cuộc sống. Sự lạc quan của người cầm máy sẽ khiến những bức hình tươi mới hơn, ý nghĩa và tích cực hơn.

Thử sức với ảnh đen trắng

Ảnh đen trắng thậm chí còn đa sắc hơn ảnh thông thường bởi các chi tiết chỉ đuợc phân biệt qua muôn vàn cung bậc của sáng và tối. 
Những bức ảnh bị thiếu sáng, thừa sáng hay "cháy" thường được thử vận may cuối cùng bằng cách chuyển sang tông màu đen trắng để hy vọng kết quả khả quan hơn. Cách làm này đôi khi đem đến những thành công bất ngờ nhưng một nhiếp ảnh gia theo đuổi thể loại ảnh đen trắng thực thụ phải cần nỗ lực hơn rất nhiều ngoài sự may mắn.
Trong khi các với ảnh màu, người xem có thể thấy rõ được sự khác nhau giữa các mảng màu thì với ảnh đen trắng, tất cả chúng trông lại rất giống nhau. Các mảng màu hay chi tiết khi đó chỉ được phân biệt dựa trên độ sáng của các gam màu xám. Chính vì vậy, để truyền tải được nội dung bức ảnh hay ý đồ, người chụp cần có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi bấm máy. 
"Trên đường về" - Nguyễn Tiến Phương.
"Trên đường về" - Nguyễn Tiến Phương. Tác phẩm tham dự Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật VnExpress 2014. 
Cứ chụp với màu
Hầu hết máy ảnh đều có tùy chọn chuyển sang chụp đen trắng trực tiếp, nhưng bạn đừng dùng Hãy chụp bằng ảnh màu rồi chuyển sang ảnh đen trắng bằng phần mềm xử lý, bởi lẽ, thuật toán chuyển đổi ảnh đen trắng tích hợp trong máy ảnh không xử lý tốt bằng các phần mềm xử lý hậu kỳ.
Tuy nhiên, nếu máy ảnh của bạn hỗ trợ chụp RAW thì lại là ngoại lệ. Với ảnh RAW, bạn có thể chụp ngay đen trắng mà không nhất thiết phải chụp màu. Mặc dù hình ảnh đen trắng RAW hiển thị trên máy có vẻ không được tốt, nhưng tất cả các thông tin màu sắc trên ảnh gốc vẫn được giữ nguyên. Các thông tin này sẽ hữu ích cho phần xử lý ảnh sau này. Hình ảnh đen trắng trên màn hình máy ảnh chỉ giúp bạn hình dung ảnh của mình trông sẽ ra sao sau khi được chuyển đổi.
a2-6800-1412581424.jpg
Hai bức hình "Người mẹ Chăm" - Vũ Hồng Tâm (trái) và "Ký ức" - Nguyễn Nam Thái (phải) tham dự Cuộc thi Ảnh Nghệ thuật VnExpress 2014. 
Chụp với chế độ ISO thấp
Tuy nhiên, khi đặt ISO, bạn cũng phải cân đối tới điều kiện sáng sao cho ảnh không bị mờ. Một bức ảnh hơi nhiễu hạt nhưng nét còn hơn là một bức ảnh không nhiễu nhưng lại bị rung. Mặc dù ảnh đen trắng ở thời máy phim trông cổ điển nhờ các nhiễu hạt, nhưng không vì thế mà bạn phải đặt ISO cao để tạo nhiễu. Hãy đặt ISO ở mức thấp nhất có thể. Tương tự với việc xử lý ảnh đen trắng, xử lý nhiễu trong máy ảnh không tốt bằng xử lý nhiễu trong phần mềm chuyên dụng. Mặc dù ISO cao có thể tạo nhiễu như thể ảnh thời cổ, nhưng nên nhớ nhiễu số (digital) không thể mượt bằng nhiễu tương tự (analog) được.
Chụp trong những ngày u ám
Thường những hôm thời tiết ảm đạm là ngày mà không ai muốn ra đường chụp ảnh. Nhưng với ảnh đen trắng, đây lại là thời tiết khá lý tưởng. Ánh sáng nhẹ giúp bạn có được tông chuyển đổi mượt mà giữa mức độ sáng của chủ thể. Thêm vào đó, nếu thích, bạn hoàn toàn có thể tăng độ tương phản cần thiết ở phần xử lý ảnh hậu kỳ.
"Mặn" - Huỳnh Công Nghĩa.
"Mặn" - Huỳnh Công Nghĩa.
Học cách nhìn qua lăng kính đen trắng
Hãy chú ý đến các hình khối. Các hình dạng, hình khối của một chủ thể có thể nổi bật lên chỉ nhờ bóng đổ của chính mình thông qua hướng ánh sáng. Một hình khối đẹp có thể mất đi vẻ đẹp của chính nó nếu bị lẫn giữa quá nhiều màu sắc trong ảnh màu. Chuyển thành ảnh đen trắng sẽ giúp bạn lấy lại được các vẻ đẹp hình khối này.Thế giới trông sẽ khác lạ với chỉ hai màu đen trắng. Khi học cách nhìn qua lăng kính đen trắng, bạn sẽ dễ dàng nhìn ra tình huống nào là hoàn hảo cho thể loại này. Hãy cố gắng tưởng tượng, một bức hình sẽ thế nào nếu nó được chuyển sang đen trắng trước khi chụp. Bạn sẽ thấy tưởng tượng qua lăng kính đen trắng không dễ dàng gì, nhưng nếu thực hành nhiều sẽ giúp có được những bức hình chất lượng hơn sau này.
Nếu một bức ảnh màu có quá nhiều tương phản sẽ khiến cho ảnh bị chói và nhiễu. Lúc này có thể nghĩ tới việc chuyển sang đen trắng để loại bỏ được các hiệu ứng không mong muốn, từ đó lấy lại được vẻ hấp dẫn cho chủ thể trong ảnh.Khi không có màu sắc phân tán, phần kết cấu (sự sắp xếp theo một cấu trúc nào đó của một chủ thể) của một bức ảnh sẽ trở nên quan trọng hơn. Kết cấu có thể hiện diện ở mọi chủ thể như trên tóc, da, vân gỗ hay sóng cát chẳng hạn. Hãy dùng ánh sáng để làm nổi bật kết cấu đó lên

10 lời khuyên cho nhiếp ảnh đường phố

Luôn mang máy theo bên người, giữ sự tự nhiên cho chủ thể hoặc thử ở nhiều góc chụp khác nhau là một trong những yếu tố quan trọng để có được một bức ảnh đường phố đẹp. 
kim-4272-1407227321.jpg
Nhiếp ảnh gia Eric Kim (hàng dưới, thứ 3 từ phải qua) trong buổi giao lưu với các bạn trẻ yêu nhiếp ảnh tại Việt Nam. 
Để phục vụ những người đam mê nhiếp ảnh đường phố (Street Photography), Fujifilm Việt Nam mới đây đã tổ chức buổi giao lưu với Eric Kim, nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ gốc Hàn Quốc. Anh từng là giảng viên cho một số lớp học về ảnh tại Mỹ, giám khảo cuộc thi nhiếp ảnh đường phố London 2011, có một số triển lãm ảnh ở Paris (Pháp), Melbourne (Australia), Leica Store ở Hàn Quốc và Singapore, Los Angeles (Mỹ)... Hiện nay, Eric Kim là nhiếp ảnh gia X Photographer (một trong cac nhiếp ảnh gia đại diện cho Fujifilm X Series tại Mỹ. 
Dưới đây là 10 lời khuyên của Eric Kim cho những người yêu thích chụp ảnh đường phố. 
1.jpg
Không gây sự chú ý
Điều đầu tiên mà mỗi người cầm máy cần lưu ý khi chụp ảnh đường phố là phải giữ được sự tự nhiên cho chủ thể và khung cảnh định chụp. Sự sắp đặt hoặc can thiệp vô ý cũng có thể khiến kết quả đạt được bị gượng gạo hoặc không còn ý nghĩa. 
2.jpg
Không nên sử dụng nhiều hơn một máy ảnh và một ống kính cùng lúc
Với mỗi khoảnh khắc định chụp, nhiếp ảnh gia cần xác định nhanh chóng thiết bị mình sẽ sử dụng để tạo hiệu quả tốt nhất. Sự chuyển đổi ống kính và máy sẽ làm lỡ thời điểm quan trọng và mất đi sự tập trung cho chủ thể. 
3.jpg
Không lạm dụng sự kết hợp giữa đen trắng và ảnh màu
Một bức ảnh đường phố không nên sử dụng cả các mảng đen trắng (tạo thành từ các phần mềm sửa ảnh) và mảng ảnh màu nguyên gốc. Điều này làm bức ảnh bị rối, không có tính chân thực. Eric Kim cho biết thỉnh thoảng cũng có những trường hợp ngoại lệ nhưng rất ít. 
4.jpg
Không bao giờ ngừng chụp
Với mỗi khoảnh khắc nhất định, người cầm máy không nên tiếc số lần bấm nút hoặc một ít cuộn phim. Chụp càng nhiều bức ảnh tồi có thể là cách đưa bạn đến nhanh hơn với một bức ảnh hoàn hảo. Đôi khi, một khung hình mà bạn cho là không đẹp tại thời điểm chụp lại đem đến những hiệu quả bất ngờ sau này. 
5.jpg
Đừng quên máy ảnh ở nhà
Một lời khuyên tưởng chừng như vô nghĩa nhưng rất nhiều người hay mắc phải. "Muốn chụp được những bức ảnh đường phố đẹp, bạn luôn phải có một chiếc máy chụp được ảnh trong người. Khoảnh khắc có thể đến bất cứ lúc nào.", Eric Kim chia sẻ. 
6.jpg
Đừng lo lắng về các bình luận trên mạng xã hội
Việc bị "ném đá" là hoàn toàn có thể xảy ra khi bạn tải một bức hình mà bản thân ưng ý lên Facebook hay Twitter. Đó thực sự là chuyện bình thường và không đáng để bạn phải quá lo lắng. Đôi khi tạm hài lòng với sản phẩm của mình cũng là một động lực tốt để có được những tấm hình tốt hơn. 
7.jpg
Hãy thử nhiều góc độ khác nhau với cùng một tình huống
Bạn có thể sử dụng một máy, một ống kính với một khoảnh khắc nào đó nhưng hay cố lựa thêm các góc  chụp khác nhau. Việc gối hình, chồng hình luôn tiềm ẩn những hiệu ứng thú vị. 
8.jpg
Không dành quá nhiều thời gian cho các trang web về máy ảnh
Máy ảnh là chỉ là phương tiện nên việc quan tâm quá nhiều về thiết bị không thể giúp bạn chụp ảnh tốt hơn. Hãy cầm máy lên và bước ra ngoài, cuộc sống sẽ cho bạn những điều bổ ích hơn. 
9.jpg
Không nên công bố những bức hình tồi tệ
Bạn có thể nghe các lời góp ý để tốt hơn, bỏ qua những lời chê ác ý nhưng việc tải lên những bức hình quá xấu để học hỏi kinh nghiệm vẫn là một điều không nên làm. Nó sẽ khiến bạn dễ bị nhụt chí. 
10.jpg
Đừng quên tìm kiếm niềm vui
Chụp ảnh đường phố luôn có những khoảnh khắc chứa đựng nhiều cảm xúc vui buồn khác nhau nhưng người chụp chắc chắn phải hướng đến những niềm vui trong cuộc sống. Sự lạc quan của người cầm máy sẽ khiến những bức hình tươi mới hơn, ý nghĩa và tích cực hơn. 

Phong cảnh và Khoảnh khắc - nguồn đề tài vô tận trong nhiếp ảnh

Chụp ảnh Phong cảnh không khó nhưng cần sáng tạo để mang đến sự khác biệt, trong khi ảnh Khoảnh khắc Cuộc sống muốn ấn tượng đôi khi cần đến cả yếu tố may mắn. 
te.jpg
Bố cục và thời điểm ảnh hưởng nhiều nhất đến thể loại ảnh phong cảnh. Ảnh: Hans Kruse.
Ảnh phong cảnh là thể loại rộng và quen thuộc trong nhiếp ảnh, nguồn cảm hứng sáng tác cho thể loại này vì vậy cũng rất phong phú. Cánh đồng mùa gặt, bãi biển ngày nắng, dòng sông trong xanh hay những dãy núi trùng điệp là những chủ đề quen thuộc với rất nhiều nhiếp ảnh gia. Thế nhưng, một khung cảnh đẹp chỉ là một phần con đường đưa đến một bức ảnh đẹp, phần còn lại nằm trong tay người cầm máy. 
Bố cục và thời điểm là hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất tới ảnh phong cảnh. Nếu biết cách bố trí góc nhìn và thời điểm chụp hợp lý, tác giả có thể biến những cảnh tưởng chừng như thô cứng trong thành phố hay trên một cây cầu thành đặc biệt hấp dẫn. Trong một số trường hợp, chỉ một hòn đá hoặc một cây xanh đứng ở vị trí thích hợp trong khuôn hình cũng có thể đem đến những cảm xúc mạnh cho người xem.
Nhiếp ảnh phong cảnh không quá khó và cũng không yêu cầu cao về thiết bị nhưng đòi hỏi người chụp tuân thủ các quy tắc bố cục và luôn sáng tạo. Hãy luôn nhớ tới quy tắc một phần ba, một quy tắc cổ điển nhưng luôn hữu dụng.
5-1409544950.jpg
Tết té nước Songkran ở Thái Lan. Ảnh: Edgard De Bono.
Không giống như ảnh phong cảnh luôn có nhiều thời gian để căn chỉnh, ngắm nghía, thể loại Khoảnh khắc Cuộc sống (Spontaneous Moments) lại cần đến sự nhạy bén và thao tác nhanh của nhiếp ảnh gia. Thể loại ảnh này nhấn mạnh vào tính thời điểm và một bức ảnh đẹp thường có thể "đóng băng" được hành động và cảm xúc chỉ trong một khuôn hình. 
Ví dụ bức ảnh Tết té nước Songkran ở Thái Lan (đoạt giải tuần của cuộc thi National Geographic Traveler năm 2013), tác giả không chỉ giữ lại được một khoảnh khắc đẹp mà còn tạo được cảm xúc mạnh mẽ nơi người xem cũng như giới thiệu được nét văn hoá của người địa phương. 
2-1409544464-1.jpg
Ngoài những nỗ lực của nhiếp ảnh gia, thể loại ảnh Khoảnh khắc Cuộc sống đôi khi cũng cần đền yếu tố may mắn để tạo nên sự khác biệt hoàn hảo. Tác phẩm chụp cơn mưa ở phía tây thành phố Ioannina, Hy Lạp của tác giả Panos Laskarakis (ảnh trên) nếu không có tia sét sẽ trở nên mờ nhạt.

Ảnh đẹp thể loại Khoảnh khắc Cuộc sống của National Geographic

Các bức ảnh đoạt giải tuần thể loại Khoảnh khắc Cuộc sống (Spontaneous Moments) của cuộc thi National Geographic Traveler năm 2013.
 
Nhiếp ảnh gia Elaine Barker đã chờ đợi khoảnh khắc con rắn đưa đầu gần với cô bé đang ngắm nhìn nó qua tấm kính. Ảnh được chụp trong một sở thú ở Australia. 
 
 
Màn té nước trong tết Songkran được tổ chức tại Thái Lan từ ngày 13 đến 15/4 hàng năm. Ảnh của Edgard De Bono. 
 
 
Tác giả Panos Laskarakis đã phơi sáng 30 giây để có được hình ảnh tia sét trong cơn mưa ở phía tây thành phố Ioannina, Hy Lạp. 
 
 
Một con mèo đi lạc đang trú trên khung cửa sổ dưới mưa bão ở thành phố Athens, Hy Lạp. Ảnh: Yannis Behrakis
 
 
Những đứa trẻ chơi trên bãi bồi của sông Mekong, phía nam của Lào. Ảnh của tác giả Sayan Chuenudomsavad. 
 
 
Xe buýt công cộng ở Dhaka, Bangladesh. Ảnh: Kristian Leven.
 
 
Con ruồi đậu trên đầu một con rắn nho ở Colombia. 
 
 
Người dân của một bộ lạc nhỏ ở Angola đang chuẩn bị bữa ăn tối.

Ảnh đẹp thể loại Phong cảnh của tạp chí National Geographic

Các bức ảnh về phong cảnh đoạt giải tuần của cuộc thi National Geographic Traveler năm 2013.
 
Tác giả Suvendu Das quyết định làm mới hình ảnh cây cầu Cổng vàng bằng cách chọn thời điểm hoàng hôn và góc chụp từ bãi biển Marshall. 
 
 
Ảnh chụp vào buổi sáng với trời trong xanh và mặt trời chỉ ngang các ngọn núi ở Alpe di Siusi, Dolomites, Italy. Ảnh: Hans Kruse.
 
 
Bức ảnh chụp trên đảo Phục sinh của tác giả Kevin Hu với thời gian phơi sáng tới 30 phút. 
 
 
Hang đá được hình thành dưới dòng sông băng Mendenhall ở Alaska, Mỹ. Ảnh: Yosuke Sano.
 
 
Hình ảnh từ trên cao của thành phố Cape Town, Nam Phi qua lớp sương mù. 
 
 
Khoảnh khắc mặt trời mọc trên hồ Sampaloc ở Philippines. Ảnh: Danilo Dungo.
 
 
Buổi sáng ở Pernambuco, phía đông bắc Brazil. Ảnh: Dante Laurini Jr. 
 
 
Thác nước nhỏ trong hang đá ở vườn quốc gia Karijini, Australia. Ảnh: Ignacio Palacios.
 
Tuấn Hưng

No comments:

Post a Comment

quangnm