Friday, August 8, 2014

KỸ THUẬT CHỤP ẢNH

5 mẹo chụp ảnh đẹp trong môi trường thiếu sáng



Huy Thắng

Chụp ảnh trong môi trường thiếu sáng là một thử thách cho mọi nhiếp ảnh gia, từ chuyên nghiệp cho đến không chuyên. Với những thủ thuật sau đây, bạn có thể tạo nên những bức ảnh đẹp mà không phụ thuộc vào điều kiện xung quanh.
1. Tăng độ nhạy sáng ISO
Đối với những người mới bắt đầu chụp ảnh, tùy chọn cho phép máy ảnh tự động điều chỉnh độ nhạy sáng ISO thật là tiện lợi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bạn phải tự chỉnh bằng tay thông số này để mang lại chất lượng tốt hơn cho ảnh. Trong một số điều kiện ánh sáng yếu, bạn nên chọn mức ISO cao nhất mà máy ảnh cho phép. Hầu hết các mẫu máy ảnh DSLR ngày nay đều hỗ trợ mức ISO cao nhất lên đến 1.600, 3.200, 6.400 hay thậm chí hơn nữa mà vẫn không làm mất chất lượng ảnh, hạn chế nhiễu tối đa. Tăng ISO sẽ làm cho cảm biến ảnh của máy ảnh nhạy cảm hơn với ánh sáng yếu, có nghĩa là bạn có thể sử dụng tốc độ màn trập nhanh hơn, làm cho ảnh rõ nét hơn và không bị nhòe hình.
2. Sử dụng ống kính tốc độ nhanh
Trong nhiếp ảnh, khẩu độ (aperture) là thông số đề cập đến độ mở của ống kính cho phép ánh sáng đi vào cảm biến ảnh khi bạn nhấn nút chụp. Các ống kính có khẩu độ lớn tối đa thường được cho là những ống kính tốc độ nhanh. Nhiều nhiếp ảnh gia thường dùng ống kính tốc độ nhanh khi chụp trong điều kiện thiếu sáng bởi vì chúng cho phép máy ảnh nhận được nhiều ánh sáng hơn mà không cần đến sự hỗ trợ của đèn flash. Khẩu độ được đo bằng "f-stop", trong kỹ thuật nhiếp ảnh bạn thường thấy các thông số kỹ thuật f/số (trị số f càng nhỏ tức là khẩu độ càng lớn). Hiện nay, các loại ống kính có khẩu độ lớn là khoảng f/1.2, f/1.4 hoặc f/1.8. Một lợi điểm nữa khi sử dụng ống kính tốc độ nhanh là bạn sẽ có một hiệu ứng nền mờ tuyệt đẹp (các nhiếp ảnh gia còn gọi là xóa phông), giúp làm nổi bật chủ thể chính trong ảnh và làm cho bức ảnh của bạn trông khác biệt hơn.
3. Sử dụng đèn chiếu sáng riêng
Bởi vì điều kiện chụp ảnh không có ánh sáng tự nhiên nên bạn có thể tự sáng tạo cho mình một nguồn sáng. Một giải pháp rẻ tiền nhưng hiệu quả cao là sử dụng đèn LED chiếu sáng rời hướng về phía chủ thể. Các loại đèn này sẽ cung cấp nguồn ánh sáng liên tục, tuy nhiên thêm một ít ánh sáng cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng ảnh nhiều hơn trong các điều kiện thiếu sáng.
4. Giữ chắc máy hoặc dùng chân máy

Trong các trường hợp thiếu sáng, người chụp phải đảm bảo giữ cho máy càng cố định càng tốt nhằm tránh tình trạng bị nhòe hình do rung tay. Tuy nhiên, cho dù tay bạn có vững đến mấy thì cũng không tránh khỏi việc máy sẽ bị di chuyển nhẹ do thao tác nhấn nút chụp shutter. Khi đó, một giải pháp tối ưu hơn là sử dụng chân ba càng (tripod). Bạn có thể sử dụng remote để chụp hoặc thiết lập chế độ chụp tự động để tránh tình trạng rung máy khi nhấn nút shutter.
5. Đừng quan trọng hóa mọi việc 
Một bức ảnh “tranh sáng tranh tối” đôi khi mang lại nhiều cảm hứng hơn cho người xem. Tuy nhiên, điều đó cũng tùy thuộc vào bố cục và cách nhấn mạnh vào chủ thể mà tác giả muốn nói lên. Trừ khi bạn phải chụp trong một môi trường hoàn toàn không có ánh sáng, ngược lại hãy tận dụng những thiết lập và tự mình sáng tạo ra một bức ảnh đẹp “mê hồn”.

10 ứng dụng chụp ảnh “tự sướng” trên smartphone

Đánh giá
1
2
3
4
5
6
7
8
9
Huy Thắng

Những ứng dụng iOS và Android sau đây có thể giúp bạn tự chụp chân dung và sáng tạo ra những hình ảnh đẹp nhất để chia sẻ.
Sự phổ biến rộng rãi của mạng xã hội, nơi mà mọi người được khuyến khích chia sẻ hình ảnh của họ, cùng với việc hầu hết các model smartphone hiện đại ngày nay đều trang bị camera trước được cho là bắt nguồn của sự ra đời phong trào chụp ảnh “tự sướng”, hay còn gọi là “selfie”. 10 ứng dụng iOS và Android sau đây có thể giúp bạn tự chụp chân dung tốt hơn và đăng tải lên mạng để khoe với bạn bè, người thân. Hãy trải nghiệm và bắt đầu chụp!
1. Selfie Cam
Có bao giờ bạn ước rằng không phải dùng ngón tay để nhấn nút trên điện thoại khi chụp ảnh selfie? Nhờ ứng dụng Selfie Cam, bạn có thể dễ dàng tự chụp ảnh bằng cách nháy mắt hay cười. Ứng dụng này sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt của hệ điều hành iOS 7 để kích hoạt bộ đếm thời gian khi nó nhận ra một nụ cười hay cái nháy mắt.

Vì vậy, bạn có thể nói lời tạm biệt với tình trạng ảnh bị mờ do tay run hay rung động khi nhấn nút chụp. Selfie Cam cũng cho phép trang trí ảnh chân dung của bạn với những mẫu khung hình và miếng dán vui nhộn, sau đó có thể chia sẻ chúng qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram và WhatsApp.
Thiết bị hỗ trợ: iOS
 
2. Bright Camera
Đây là một ứng dụng được xây dựng hoàn toàn dựa trên ý tưởng phục vụ cho những tín đồ “selfie”. Nó đóng gói một loạt các bộ lọc và các hiệu ứng đẹp để cải thiện bố cục tổng thể của ảnh. Và một khi đã đạt được thiết kế như mong muốn, bạn có thể thêm khung để làm cho ảnh càng thêm nổi bật. Bright Camera cũng có thể đưa ảnh vừa chụp hoặc ảnh trong thư viện điện thoại Android của bạn lên Facebook. Chế độ chống rung cũng được đi kèm, giúp ổn định hình ảnh kỹ thuật số cho hình ảnh tốt hơn.

Chỉ cần một vài thao tác đơn giản, bạn có thể tự sáng tạo một bức ảnh thời trang của mình và đưa lên mạng xã hội. Bạn có thể dễ dàng tự thực hiện chụp ảnh của mình bằng cách đơn giản nhấn chụp, chọn hiệu ứng mong muốn, đóng khung tác phẩm. Giao diện của màn hình chính bao gồm 3 thẻ: Feed, Gallery và Camera. Thẻ Feed sẽ gồm những tin tức nếu bạn có liên kết từ tài khoản mạng xã hội Facebook hoặc Instagram của bạn. Bộ sưu tập Gallery của ứng dụng được thiết kế rất thuận tiện, các ảnh được sắp xếp theo ngày chụp và cũng giúp người dùng thuận tiện tìm kiếm trên cơ sở ngày tháng. Ngoài ra, ứng dụng cũng sử dụng giao diện máy ảnh Camera riêng: phía dưới là nút Shoot dùng để chụp, đi kèm tính năng hẹn giờ và bật chế độ chống rung, một thanh trượt để phóng to/thu nhỏ, cùng với nút tắt/mở âm thanh khi nhấn nút chụp ảnh. 
Thiết bị hỗ trợ: Android
3. Selfie Studio
Nhiều ứng dụng selfie hiện nay thường sử dụng ánh sáng từ màn hình của điện thoại để làm sáng chủ thể do hầu hết camera trước của smartphone không trang bị đèn flash đi kèm. Tuy nhiên, ứng dụng Selfie Studio cho phép bạn làm sáng khuôn mặt của mình bằng màu sắc mà bạn đang chọn trên màn hình.

Người dùng Android có thể kiểm soát các điều kiện ánh sáng khi chụp selfie mà không phụ thuộc nhiều vào ánh sáng môi trường xung quanh. Selfie Studio còn có các tính năng hữu dụng khác như tối đa hóa các hiệu ứng đèn pin khi chụp ảnh selfie, chụp ở chế độ im lặng, hẹn giờ chụp, tự động sắp xếp ảnh. Selfie Studio cũng cung cấp rất nhiều công cụ để chỉnh sửa ảnh trước khi chia sẻ chúng lên các mạng xã hội khác nhau.
Thiết bị hỗ trợ: Android
4. Dual Cam
Như cái tên của nó, ứng dụng Dual Cam có thể chụp hai ảnh cùng một lúc, một với camera mặt trước và một với camera phía sau của smartphone. Các ảnh này sau đó sẽ được ghép vào thành một bức ảnh duy nhất để tạo ra một câu chuyện hình ảnh thú vị giữa nhiếp ảnh gia và các đối tượng ở phía trước. 

Người dùng có thể đăng nhập và sử dụng ứng dụng Dual Cam bằng tài khoản Facebook của mình. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sử dụng mà không cần đăng nhập Facebook. Trong trường hợp này, bạn sẽ không có khả năng chia sẻ hình ảnh của mình trực tiếp lên mạng, nhưng vẫn có thể sử dụng Dual Cam để chụp ảnh, lưu vào điện thoại và sau đó chia sẻ lên Facebook, Twitter, Flickr, Gmail, Instagram hoặc WhatsApp bằng trình duyệt hoặc ứng dụng riêng.
Thiết bị hỗ trợ: Android
 
5. Frontback
Frontback cũng sử dụng ý tưởng tương tự như của Dual Cam để có hai ảnh cùng lúc, một với camera phía trước và một với camera phía sau. 
Giao diện Frontback rất đơn giản và dễ sử dụng. Nó chia màn hình thành hai nửa, một cho camera phía trước và một cho phía sau. Sau khi có cả hai ảnh, bạn có thể chọn để lưu chúng lại, tải lên mạng xã hội hoặc chia sẻ với người dùng khác trên cộng đồng Frontback. Cũng giống như các ứng dụng selfie trước đó, Frontback có một số tính năng hướng đến mạng xã hội bổ sung. Người dùng có thể thêm địa điểm cho ảnh của mình và gán hashtag.
Thiết bị hỗ trợ: iOS

6. Perfect 365
Perfect 365 có thể tăng thêm khả năng tự chụp chân dung theo những cách mà một số ứng dụng trên đây không có. Ứng dụng có thể gỡ bỏ những khuyết điểm trên da, trang điểm lại khuôn mặt và thậm chí làm cho bạn đẹp hơn với một kiểu tóc mới. 
Chỉ bằng một nút nhấn bạn sẽ trông tuyệt vời hơn. Nhiều tính năng hữu ích khác như bỏ quầng thâm dưới mắt, làm mềm da và làm trắng răng. Sau khi hoàn chỉnh, bạn có thể chia sẻ ảnh trực tiếp lên Facebook, Twitter và Flickr.
Thiết bị hỗ trợ: Android, iOS

 
7. Otaku Camera
Otaku Camera là một lựa chọn nổi bật để “selfie” với nhiều tùy chọn phong phú của những khung hình lấy cảm hứng từ truyện tranh manga, miếng dán và các hiệu ứng hình ảnh. Bạn có thể dễ dàng biến ảnh của mình thành một bản họa phác thảo hoặc thậm chí thêm khuôn mặt của mình vào một trong những bản vẽ tải về có sẵn. 
Một khi tự chụp được ảnh, bạn có thể thực hiện các chỉnh sửa như cắt và thay đổi kích thước. Sau đó có thể chia sẻ với bất kỳ mạng xã hội ngay từ trong ứng dụng. Otaku Camera chỉ có nhược điểm là không hỗ trợ chụp ảnh trực tiếp từ ứng dụng, do đó đòi hỏi bạn phải sử dụng một ứng dụng hình ảnh khác hoặc ứng dụng Camera mặc định của Android để chụp. Đây chắc chắn là một ứng dụng không thể thiếu cho bất kỳ người hâm mộ phim hoạt hình.
Thiết bị hỗ trợ: Android
 

8. Candy Camera
Candy Camera đi kèm hơn 30 bộ lọc cho phép bạn có thể xem trước khi chụp. Màn hình trong ứng dụng này hiển thị những hình ảnh động của các vật thể trong camera phía trước của điện thoại. Bạn có thể quét qua trái hoặc qua phải để thay đổi bộ lọc trước khi chọn nó.
 Sau khi chụp ảnh, bạn có thể thực hiện thêm các thao tác cắt cúp và chỉnh sửa cơ bản như tinh chỉnh độ tương phản, độ bão hòa. Ứng dụng cũng có các tính năng loại bỏ nhược điểm trên khuôn mặt, trang điểm, làm trắng răng, hiệu ứng làm giảm béo khuôn mặt cùng nhiều hiệu ứng khác. Candy Camera cũng nâng cao hình ảnh của bạn với hơn 100 kiểu khung hình.
Thiết bị hỗ trợ: Android

9. Stacheify
Nếu ảnh selfie của bạn dường như thiếu một cái gì đó khác lạ để tạo phong cách, có lẽ một bộ ria mép sẽ làm cho chúng hoàn hảo hơn. Stacheify là một ứng dụng giải trí thú vị dành cho iPhone, nó sẽ làm cho khuôn mặt bạn hấp dẫn hơn bằng cách thêm vào một cái ria mép độc đáo, hay thậm chí thêm ria cho cả em bé và vật nuôi của bạn. 

Khuôn mặt của bạn cũng giống như một tấm gương, nó sẽ phản chiếu nhiều tâm trạng và cảm xúc niềm vui, nỗi buồn hay hạnh phúc. Ứng dụng Stacheify cũng có thể thêm hình ảnh động vào các bức ảnh. Bạn có thể chia sẻ ảnh đã chỉnh sửa thông qua các trang web mạng xã hội như Instagram, Twitter và Facebook. 
Thiết bị hỗ trợ: iOS

10. Sketch Guru
Ảnh chụp với điện thoại Android của bạn có thể sẽ thêm một chút sáng tạo và thú vị hơn nhờ Sketch Guru. Ứng dụng này cho phép thêm một số hiệu ứng tuyệt vời, kèm với nhiều bộ lọc làm cho bức ảnh của bạn trông như thể được vẽ bằng tay. Sau khi tải về, Sketch Guru cho phép người dùng dễ dàng áp dụng các hiệu ứng để sáng tạo hình ảnh của họ. Bên cạnh quá trình cài đặt siêu dễ, Sketch Guru còn có một giao diện bố trí rất gọn gàng, thân thiện.

Sketch Guru cung cấp một loạt 19 hiệu ứng khác nhau có sẵn chẳng hạn như hiệu ứng phác thảo, ảnh đen trắng, hiệu ứng truyện tranh màu nước. Quá trình chỉnh sửa hình ảnh cũng khá dễ dàng. Một khi chọn được hình ảnh từ bộ sưu tập hoặc máy ảnh, ứng dụng ngay lập tức đưa vào chế độ cắt cúp, tiếp theo chuyển sang màn hình chọn các hiệu ứng. Sau khi áp dụng các thay đổi cho ảnh, bạn có thể lưu kết quả cuối cùng và chia sẻ nó lên các mạng xã hội yêu thích của bạn.
Thiết bị hỗ trợ: Android, iOS 
 
PC World VN, 06/2014

Bí quyết chụp ảnh chân dung đẹp bằng iPhone

Đánh giá
1
2
3
4
5
6
7
8
9
Huy Thắng

Hầu hết người dùng ngày nay đều sử dụng smartphone để chụp ảnh hàng ngày. Tuy chất ảnh không thể sánh bằng máy DSLR, nhưng nếu áp dụng một vài kỹ thuật sau, chiếc iPhone của bạn vẫn có thể mang đến những bức ảnh chân dung đẹp lung linh và ấn tượng.
Dùng tấm hắt sáng
Đèn flash LED của iPhone được thiết kế để hỗ trợ chụp ảnh trong nhà, nhưng nó lại không đủ mạnh để dùng phủ sáng trong điều kiện ánh sáng ban ngày. Khi chụp chân dung ngoài trời, bạn có thể dùng tấm hắt sáng nhằm mang lại ánh sáng dịu và đều hơn cho ảnh. Các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thường sử dụng tấm phản xạ hắt sáng dạng đĩa tròn khi chụp thể loại này. Nhưng nếu không mang theo tấm hắt sáng này, bạn vẫn có thể sử dụng tấm che nắng cửa sổ có sẵn trong xe ôtô. Khi chụp ảnh “tự sướng”, bạn hãy tự giữ tấm hắt sáng phía đối diện ánh nắng mặt trời để phủ sáng vào khuôn mặt của mình hay có thể nhờ người khác cầm dùm. Nhiều tấm che nắng xe ôtô thường có một mặt trắng và một mặt bóng. Trong điều kiện ánh nắng tự nhiên thì mặt trắng có thể phát huy tốt, nhưng trong những ngày nhiều mây thì bạn có thể cần phải sử dụng mặt bóng để chiếu nhiều ánh sáng trực tiếp hơn vào chủ thể.
Dùng tấm che nắng xe ôtô để hắt sáng.
Dùng chân máy
Đây là một cách chụp hiệu quả đối với những người dùng thích tự chụp ảnh chân dung. Chân máy có thể giúp giảm độ méo hình bằng cách đặt iPhone song song với chủ thể. Nhưng thỉnh thoảng bạn cần đặt máy cao hơn hay thấp hơn để tạo ra vài hiệu ứng độc đáo. Điều quan trọng là chân máy giúp bạn có thể chủ động hơn trong việc bố cục ảnh. Camera phía trước của iPhone (thường dùng để thoại FaceTime) cũng thường được dùng để chụp “tự sướng”. Tính năng này cho phép bạn dễ dàng xem và điều khiển chụp trên màn hình. Bạn nên chụp thử một hay hai tấm để đo sáng và canh màu sắc bằng camera trước, sau đó quay mặt lưng iPhone lại và sử dụng camera chính với độ phân giải cao hơn để chụp. Khi gắn điện thoại trên chân, bạn có thể dùng tai nghe đi kèm iPhone và sử dụng như một điều khiển từ xa để tự chụp ảnh chân dung. Gắn tai nghe vào lỗ cắm 3,5mm trên máy, khi đã sẵn sàng hãy nhấn nút “Volume +” trên tai nghe để chụp. Ngoài ra, bạn cũng có thể cài đặt các ứng dụng hỗ trợ chụp ảnh như ProCamera và chọn tính năng cài thời gian chụp tự động.
Chân máy giúp cố định iPhone để hai tay của bạn rảnh rang tạo dáng khi tự chụp chân dung.
Chụp qua gương
Gần đây trên mạng xã hội thường xuất hiện trào lưu tự chụp ảnh chân dung qua gương. Lợi điểm của cách này là nhanh và dễ chụp. Nhưng bạn có thể cải thiện chất lượng ảnh bằng cách bật đèn có ánh sáng tự nhiên trong phòng lên thay vì sử dụng các loại đèn mờ thiếu sáng. Cũng như các thể loại tự chụp khác, hãy chú ý đến hậu cảnh nhằm tránh chọn những không gian có nhiều thứ lộn xộn phía sau.
Ánh sáng đèn tự nhiên và hậu cảnh gọn gàng sẽ giúp ảnh chân dung tự chụp qua gương đẹp hơn.
Đến gần chủ thể hơn
Chụp ảnh chân dung không chỉ dành cho người mà cũng còn thích hợp khi chụp các loài thú cưng trong nhà chẳng hạn như chó, mèo. Tận dụng khả năng chụp cận cảnh của iPhone, hạ thấp máy xuống sàn nhà và nắm bắt mọi chi tiết tinh tế trên khuôn mặt của “người bạn” thân thiết của bạn. Hãy thử ở nhiều góc máy khác nhau và dùng ánh sáng tự nhiên khi có thể.
Đặt máy thấp xuống ngang tầm thú cưng và đến gần hơn.
Dùng đèn trợ sáng
Nếu ánh sáng đèn flash của iPhone không đủ mạnh trong một vài điều kiện chụp, hãy sử dụng các thiết bị đèn flash trợ sáng gắn ngoài dành cho iPhone, chẳng hạn như đèn flash bỏ túi Pocket Spotlight của hãng Photojojo. Loại đèn này có thể bỏ gọn vào balo và dễ dàng gắn lên điện thoại iPhone nhằm hỗ trợ cung cấp ánh sáng mạnh hơn khi chụp chân dung trong điều kiện thiếu sáng.
Đèn flash bỏ túi Photojojo Pocket Spotlight hỗ trợ chụp chân dung trong điều kiện thiếu sáng.
Dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh
Sau khi tự chụp chân dung, hãy cân nhắc sử dụng một số ứng dụng biên tập ảnh trực tiếp trên iPhone như “iPhoto for iOS” trước khi chia sẻ lên mạng. Nhấn lên biểu tượng Tools ở góc dưới bên trái của ứng dụng để làm xuất hiện các công cụ Crop, Exposure, Color, Brushes, và Effects. Chẳng hạn, công cụ Repair Brush (Tools > Brushes > Repair) có thể dùng để xóa nhanh các khuyết điểm trên da mặt như mụn, nốt ruồi. Sử dụng hai ngón tay để phóng to ảnh sau đó nhấn lên những điểm cần gỡ bỏ. Sau khi hoàn thành, bạn có thể chia sẻ ảnh trực tiếp từ iPhoto hay lưu lại vào thư mục Camera Roll trong iPhone.
Xóa mụn bằng công cụ Repair Brush trong iPhoto.
Từ khóa: chụp chân dung, iphone

5 bí quyết chụp ảnh chân dung đẹp

Đánh giá
1
2
3
4
5
6
7
8
9
Huy Thắng

Không có nguyên tắc cứng nhắc và sít sao nào trong việc chụp chân dung, nhưng sau đây là vài điều quan trọng và cách chụp chân dung cơ bản có thể áp dụng được.
Chụp chân dung có nhiều kiểu và mỗi kiểu đều có mục đích nhằm để trình bày chủ thể trong một loại ánh sáng khác nhau. Có thể đó là kiểu chụp chân dung mà bạn có khả năng kiểm soát vị trí chụp, chiếu sáng và bố cục. Nhưng cũng có kiểu chụp ngẫu hứng không được sắp đặt trước, trong đó chủ thể trông có vẻ tự nhiên và ít gò bó hơn.
Sau đây là vài điều quan trọng và cách chụp chân dung mà bạn có thể áp dụng được:
Vị trí
Quan trọng là phải chuẩn bị trước. Bạn nên đi tiền trạm các vị trí trước khi chụp ảnh. Khi đã chọn được vị trí, bạn cần phải chọn khu nào có nền đẹp hơn cho chủ thể. Khi chụp chân dung, bạn hãy dùng ống kính góc rộng để lấy được cảnh vật xung quanh chủ thể, có thể tạo nên một câu chuyện và làm hình ảnh trông hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng hậu cảnh lộn xộn thỉnh thoảng sẽ làm chủ thể bị chìm đi, làm bố cục không còn có điểm trọng tâm nữa.
Gợi ý: Bạn nên luôn có kế hoạch dự phòng trong trường hợp thời tiết xấu, ví dụ như một vị trí gần đó để chụp trong nhà.
Ánh sáng
Khi chụp ảnh chân dung trong ánh sáng tự nhiên, hầu hết các nhiếp ảnh gia luôn chờ đến “giờ vàng”, thường là vào buổi sáng sớm hay chiều tối khi có ánh sáng ấm, đẹp mắt chiếu lên da. Tuy nhiên, nếu không chờ được thời gian này, bạn cũng có thể chụp ảnh đẹp trong một ngày có mây. Bầu trời phủ đầy mây có thể ví như một hộp khuếch tán ánh sáng (softbox), cho ánh sáng dịu và đẹp hơn. Nếu chụp trong nhà, hãy đặt chủ thể gần một cửa sổ lớn để có ánh sáng dịu gián tiếp. Đồng thời, vị trí này cũng có thể cho ánh sáng phản chiếu đẹp trong mắt của chủ thể.
Gợi ý: Dùng một gương phản xạ hay một miếng bìa cứng màu trắng lớn để giúp thêm ánh sáng cho những vùng thiếu sáng của chủ thể.
Ánh mắt
Ngạn ngữ có câu “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”. Điều này cũng đúng đối với ảnh chân dung, trong đó điểm chỉnh nét lý tưởng là đôi mắt của chủ thể. Tuy nhiên, nếu chủ thể của bạn được chụp nghiêng và không nhìn thẳng vào bạn, bạn nhớ hãy chỉnh nét vào bên mắt của chủ thể gần bạn nhất. Để chụp ảnh cả nhóm, hãy dùng chức năng chụp theo chế độ chụp nhiều ảnh liên tục để đảm bảo không ai trong ảnh bị nhắm mắt.
Gợi ý: Khi chụp ảnh trẻ em, hãy dùng một món đồ chơi mà trẻ thích để thu hút ánh mắt của chúng.
Độ sâu trường ảnh
Độ sâu trường ảnh thấp áp dụng tốt nhất cho ảnh chân dung. Thường thì nó làm cho phần hậu cảnh thành một cảnh mờ đẹp trong khi vẫn giữ sắc nét chủ thể. Người dùng máy ảnh ống kính rời DSLR có thể chọn ống kính khẩu độ rộng, ví dụ như ống kính tiêu cự cố định 50mm F1.8, để tập trung chú ý của người xem vào chủ thể và giấu đi các chi tiết gây rối trong phần hậu cảnh. Người dùng máy ảnh ngắm chụp PnS có thể dùng trị số khẩu độ F3.5 hay thấp hơn, hay có thể dùng các chế độ chụp chân dung của máy để tạo hiệu ứng tương tự.
Gợi ý: Đối với người dùng máy ảnh PnS, hãy mở rộng hết zoom và thử chụp ở chế độ zoom gần tối đa để có được độ sâu trường ảnh và tách biệt chủ thể với hậu cảnh.
Tạo bố cục
Nếu bạn tránh không được các cảnh vật chung quanh thì hãy khai thác nó! Dùng các cảnh thường ngày như khung vòm, ô cửa, hành lang, ban công, nhánh cây… là những cách sáng tạo để tạo bố cục cho cảnh vật chung quanh chủ thể và đồng thời tạo được sự chú ý thị giác nhiều hơn. Bạn cũng có thể dùng những người xung quanh để tạo bố cục cho chủ thể chính. Ví dụ đàn cháu vây quanh người bà trong bữa tiệc sinh nhật của bà có thể dùng làm bố cục tốt, trong đó biểu lộ tình cảm của các cháu nói lên được niềm vui và trân trọng của buổi tiệc.
Gợi ý: Hãy nhớ xem các bên khung hình và loại bỏ các chi tiết gây rối như bụi cây hay một cột đèn lạc lõng.
Nguồn: Cnet

Hướng dẫn chụp ảnh với đèn flash

Đánh giá
1
2
3
4
5
6
7
8
9
Huy Thắng

Nếu ảnh bạn chụp bằng máy DSLR và đèn flash rời thường bị quá sáng, quá tối, hay sáng tối loang lổ, bạn cần hiểu thêm về đèn flash và những kỹ thuật cơ bản để "khống chế" nó, bắt nó phải cho ảnh chụp đẹp hơn.
Khi môi trường không đủ ánh sáng để chụp một bức ảnh có chất lượng, bạn cần phải tự tạo thêm một chút ánh sáng, thường là bằng đèn flash của máy ảnh. Để chụp ảnh với đèn flash đẹp hơn, bạn nên tìm hiểu các chế độ và thiết lập của flash. Nhưng quan trọng là bạn phải hiểu cách đèn flash hoạt động như thế nào, nghĩa là quá trình chụp ảnh với đèn flash xảy ra như thế nào.
Sau đây là 9 cách để tránh ảnh bị quá chói hay độ tương phản quá cao khi chụp với đèn flash.
1. Nguồn sáng càng khuếch tán, ánh sáng càng dễ chịu
Chắc hẳn bạn từng được khuyên không nên chụp ảnh khi nắng gắt, hoặc nên đợi lúc mặt trời khuất sau mây. Tương tự như vậy, kết quả sẽ tốt hơn khi bạn dùng kỹ thuật đánh bounce (đánh flash vào tường, trần nhà để dội sáng) hoặc dùng một nắp chụp để tạo ánh sáng tản.
Dùng nắp chụp để khuếch tán ánh sáng. Ảnh: PCWorld Mỹ
Những kỹ thuật này đều khai thác quy luật sơ khởi về chiếu sáng: Nguồn sáng rộng thường chiếu lên chủ thể ánh sáng dịu và hấp dẫn hơn. Còn tia sáng hẹp như từ đèn pin hay mặt trời (tuy lớn hơn nhiều so với trái đất, nhưng theo góc độ của máy ảnh thì hẹp hơn) là loại ánh sáng khó chịu làm cho bóng đổ trong ảnh rõ rệt hơn và độ tương phản cao hơn. Nhưng nếu bạn khuếch tán ánh sáng lên một vùng rộng hơn làm nguồn sáng lớn hơn và tản, bạn có thể làm dịu ánh sáng và giảm độ tương phản để ảnh trông tự nhiên hơn. Tìm hiểu và áp dụng quy luật này về ánh sáng, bạn có thể làm thay đổi chất lượng ảnh chụp.
2. Nguồn sáng càng xa càng ít bị hiệu ứng
Điều này rất hiển nhiên, nhưng chúng ta nên ôn lại vài điều cơ bản về khoa học.
Theo định luật vật lý, độ sáng bị giảm bớt với bình phương khoảng cách. Nếu đặt nguồn sáng cách vật cần chụp 3m, chủ thể sẽ chỉ nhận ¼ ánh sáng so với lượng ánh sáng nó nhận được ở khoảng cách 1,5m.
Chủ thể chỉ nhận ¼ ánh sáng khi cách nguồn sáng 3m so với lượng ánh sáng nó nhận được ở khoảng cách 1,5m.
Nói theo thuật ngữ nhiếp ảnh, đó là độ giảm 2 stop (nấc) về giá trị phơi sáng. Nghĩa là bạn có thể hoàn toàn thay đổi ánh sáng lên chủ thể bằng cách dời ngọn đèn đến gần hay xa chủ thể hơn.
3. Đèn flash hầu như không có tác dụng lên hậu cảnh
Đèn flash của máy ảnh không có tác dụng đối với hậu cảnh nếu hậu cảnh ở khá xa chủ thể.
Đèn flash của máy ảnh không có tác dụng đối với hậu cảnh nếu hậu cảnh ở khá xa chủ thể. Ảnh: Huy Thắng.
Giả sử bạn đang chụp ảnh ở ngoài trời. Bạn có thể di chuyển nguồn sáng gần hơn hay xa hơn để thay đổi độ phơi sáng tương đối lên chủ thể, nhưng hậu cảnh sẽ có cùng độ phơi sáng nếu mọi yếu tố khác không thay đổi. Bạn có thể tự do thay đổi vị trí của đèn flash và các thiết lập mà không cần phải quan tâm đến những gì xảy ra ở sau chủ thể.
Điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ chiếu sáng được phần hậu cảnh xa bằng đèn flash của máy ảnh.
4. Có thể tiết giảm cường độ flash
Bạn không cần phải lúc nào cũng dùng flash hết cường độ. Dĩ nhiên, máy ảnh của bạn luôn cố phơi sáng ảnh chụp đúng mức khi chớp flash. Nhưng đôi khi máy không thực hiện đúng như vậy, nhất là khi chụp một chủ thể rất gần. Nếu bạn thấy chủ thể bị phơi sáng quá độ, hãy thử giảm cường độ của flash. Hãy tham khảo sách hướng dẫn đi kèm máy ảnh và tìm các thiết lập trên máy ảnh để thực hiện việc này. Nếu không, bạn có thể thử dùng giải pháp “công nghệ thấp” bằng cách phủ một lớp vải mỏng hay tấm giấy trắng lên flash để giảm cường độ ánh sáng.
5. Ánh sáng có màu
Ánh sáng có một màu rõ ràng gắn kết với nó được gọi là nhiệt độ màu (color temperature), được tính bằng độ K (Kelvin). Máy ảnh có tính năng điều chỉnh nhiệt độ màu, gọi là cân bằng trắng (white balance), và đa số người dùng chúng ta thường để ở chế độ tự động Auto. Nhưng tùy theo máy, bạn có thể chỉnh ở thiết lập nhiệt độ cụ thể nào đó hay chọn chế độ chiếu sáng Sunset (hoàng hôn), Overcast (có mây), Tungsten (bóng đèn dây tóc), Florescent (đèn huỳnh quang) hay Candlelight (đèn nến).
Dưới đây là chỉ số độ K của các thời điểm trong ngày hay môi trường ánh sáng:
• Chạng vạng = 12000
• Bóng râm = 7500
• Có mây = 6500
• Sáng sớm hay chiều tối = 4300
• Bình minh và hoàng hôn = 3000
• Đèn nến = 2000
Nếu thấy ảnh bị ngả màu khi xem trên máy tính, bạn có thể dùng công cụ cân bằng trắng trong trình biên tập hình ảnh để chỉnh sửa.
Sự khác nhau của nhiệt độ K cho màu sắc trong ảnh khác nhau. Ảnh: PCWorld Mỹ.
Trong các ảnh trên, bạn có thể thấy tác dụng cân bằng trắng trong cùng một cảnh. Quả bí bên trái được chụp ở nhiệt độ khoảng 3000K, còn quả bên phải được chụp ở 5500K.
6. Tránh hiện tượng mắt đỏ
Trong điều kiện thiếu sáng, mắt của người được chụp phải dãn rộng ra để giúp nhìn rõ hơn. Khi ánh đèn flash đi qua, ánh sáng được phản chiếu trên võng mạc đỏ của tròng đen mắt, làm mắt bị đốm phát sáng như hiện tượng “mắt quỷ”.
Bạn nên biết lý do có hiện tượng mắt đỏ là vì flash được đặt quá gần ống kính của máy ảnh, ánh sáng chiếu đến mắt và bị phản chiếu lại rồi bị ống kính chụp được. Có vài cách để tránh hiệu ứng mắt đỏ:
• Tránh chụp trong điều kiện tối.
• Có thể tắt flash và dùng ánh sáng xung quanh.
• Để flash xa ống kính.
Đa số người dùng máy ảnh số ống kính rời DSLR thường chọn cách sau cùng. Khi đó, bạn có thể cầm flash rời trên tay, gắn flash lên giá, hay cho flash chiếu dội lên tường hay trần nhà.
7. Flash dạng vòng dùng để chụp cận cảnh
Ảnh chụp chân dung gần có thể bị hỏng vì ánh sáng từ flash chiếu không đều. Và các ảnh chụp cận cảnh (macro) có thể bị cháy sáng và bị bóng trông xấu đi. Giải pháp để khắc phục tình trạng này là dùng một loại đèn flash gọi là ring flash (flash dạng vòng).
Flash dạng vòng là một dụng cụ có nhiều đèn flash bao quanh ống kính thay vì đặt ở phía trên máy ảnh. Các flash này chớp lên cùng lúc, tạo thành một vòng ánh sáng chiếu lên chủ thể từ nhiều phía. Các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp – và dĩ nhiên là dư khả năng về tài chính – thỉnh thoảng mua loại flash dạng vòng tối tân này để dùng với máy ảnh DSLR của họ. Những người dùng Canon có thể chọn loại Macro Ring Lite giá 500 USD để chụp cận cảnh.
Flash dạng vòng Photojojo Ring Flash Adapter. Ảnh: PCWorld Mỹ.
Dĩ nhiên, mức giá 500 USD hay cao hơn là một số tiền khá lớn để mua loại flash mà đôi khi bạn mới dùng đến. Bạn có thể tự làm một đèn flash dạng vòng rẻ tiền với giá chỉ khoảng 10 USD bằng những món đồ gia dụng như chén nhựa, keo dán, băng keo và giấy kim loại. Hay bạn có thể mua một loại như Ring Flash Adapter của Photojojo giá không đắt lắm, chỉ 40 USD.
8. Flash phủ giúp giảm bóng đen
Một số người dùng có thể cho rằng đèn flash chỉ dùng để thay thế ánh sáng mặt trời, nên chỉ dùng flash để chụp vào ban đêm hay trong điều kiện thiếu sáng khác. Nhưng flash đôi khi còn có công dụng hơn thế nữa.
Flash phủ giúp giảm bóng đen - Ảnh: Huy Thắng.
Bạn có thể dùng flash để chiếu phủ vào những vùng tối thường xuất hiện khi chụp ngoài trời dưới ánh sáng mặt trời chói chang. Hãy đặt flash của máy ảnh ở chế độ “Fill” hay “Forced Flash” (trong tiếng Việt thường được gọi là "bồi đèn" hay "đánh bồi"). Trong chế độ này, flash lúc nào cũng sẽ chớp, ngay cả khi có đủ ánh sáng. Bằng cách này, bạn có thể chiếu phủ sáng vào các vùng tối và ngay cả những vùng có độ tương phản trong ảnh chân dung. Hay khi bạn hướng máy ảnh chụp về phía mặt trời, đèn flash chế độ đánh bồi cũng giúp có thể ngăn chủ thể trở nên bị đen do chụp ngược sáng.
9. Chiếu sáng nhiều điểm để chụp chân dung tốt hơn
Một trong những hạn chế của việc dùng một đèn flash của máy ảnh là nó chỉ phát ra một nguồn sáng. Và như vậy sẽ tạo hình ảnh trông không thực và vùng tối nhiều độ tương phản.
Để giải quyết vấn đề này, bạn nên dùng nhiều đèn flash. Việc này cũng rất dễ thực hiện. Hầu hết các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp thường dùng cách chiếu sáng 3 điểm. Một đèn chính chiếu sáng mặt chủ thể, một đèn khác để chiếu phủ vào vùng tối không muốn có và một đèn chiếu sáng ngược để thêm sáng cho cảnh xung quanh.
Bạn có thể dùng phương pháp chiếu sáng 3 điểm bằng cách thêm 1 hay nhiều đèn flash phụ. Flash phụ có một bộ cảm biến để giúp nó tự động chớp khi nó cảm nhận flash chính của máy ảnh chớp lên. Các loại flash này không đắt tiền và dùng được với hầu hết các loại máy ảnh kỹ thuật số. Chúng rất thuận tiện vì bạn có thể đặt flash phụ bất kỳ chỗ nào bạn thích: trên giá flash, chân 3 càng hay thậm chí trên mặt bàn gần đó. Dùng thêm đèn flash, bạn có thể dễ dàng thiết lập nhanh studio của riêng mình.
Nguồn: PC World Mỹ

4 cách chụp ảnh chân dung buổi tối

Đánh giá
1
2
3
4
5
6
7
8
9
Huy Thắng

Độ phơi sáng, đèn flash, độ rung máy và độ cân màu chỉ là vài trong rất nhiều yếu tố phải cân nhắc khi chụp ảnh chân dung vào buổi tối.
Chụp chân dung vào ban đêm khá phức tạp vì có nhiều yếu tố phải xem xét đến. Độ phơi sáng (exposure), độ chớp sáng (flash), độ rung máy và độ cân màu chỉ là vài trong rất nhiều yếu tố phải cân nhắc.
Nhiều camera hiện đại có sẵn các thiết lập để giúp bạn chụp ảnh ban đêm đẹp, nhưng tại sao có vài ảnh chụp thấy đẹp trong khi các ảnh khác lại bị mờ hay quá sáng?
Sau đây là 4 kịch bản bạn có thể tự mình thực hành. Thử nghiệm với máy ảnh Nikon D90 với ống kính 28mm, f/2.8, hầu như tất cả các máy DSLR đều có các thiết lập tương tự các thiết lập sử dụng dưới đây.
Chế độ phơi sáng ban ngày có mở flash
Thiết lập này thường được gọi là thiết lập “ngẫu nhiên”. Các thiết lập bạn thường dùng ban ngày đều rất tốt, nhưng vào ban đêm ảnh sẽ bị thiếu độ phơi sáng. Giải pháp hiển nhiên là phải bật flash. Ở chế độ thủ công, khi bạn bật flash, mỗi khi chụp flash sẽ tự tắt dù vẫn còn đang cần cho khung hình. TTL (through the lens) là thiết lập flash mặc định cho hầu hết các camera. Theo thiết lập này, phần tiền cảnh sẽ được chiếu sáng thích hợp, nhưng độ chiếu sáng của hậu cảnh vẫn còn tuỳ thuộc vào thiết lập độ phơi sáng trước đây của bạn. Kết quả là không được tốt lắm vì chủ thể thì đẹp và sáng, nhưng phần hậu cảnh hoàn toàn bị mờ.
Chế độ phơi sáng ban ngày có flash: Ảnh được chụp với thiết lập thủ công (manual), ISO 320, khẩu độ f/2.8, tốc độ trập 1/200. Flash mở theo thiết lập TTL.
Chế độ tự động
Chế độ tự động dùng để chụp ảnh chủ thể cho rõ nhưng không cần để ý đến hậu cảnh sẽ trông như thế nào. Dù ta có thể lấy nét cho cả cảnh chụp, nhưng ưu tiên vẫn là cho điểm tập trung. Chế độ tự động hoạt động tốt khi chủ thể và hậu cảnh có cùng độ sáng hay dùng chụp tiệc ban đêm khi điểm tập trung là tất cả mọi thứ quan trọng trong khung hình, nhưng dùng để chụp chân dung vào ban đêm trước một cảnh vật thì chế độ này không dùng được.
Flash tự động: Ảnh chụp theo thiết lập tự động, ISO 800, khẩu độ f/2.8, tốc độ trập 1/60. Flash mở tự động.
Chế độ chân dung đêm
Thiết lập chụp đêm trên camera của bạn sẽ làm giảm tốc độ trập đáng kể và sẽ chỉnh flash thành Auto + Slow Sync (tự động + đồng bộ chậm), một thiết lập báo cho camera biết là bạn đang chụp ảnh với độ phơi sáng chậm có flash, nghĩa là dù độ trập rất chậm, nhưng ánh sáng flash sẽ trùm lên chủ thể. Chụp theo thiết lập này sẽ phơi sáng thích hợp cho cả hậu cảnh lẫn chủ thể, nhưng độ cân màu bị nhiều màu đỏ và tốc độ trập bị chậm đến nỗi nếu chủ thể hơi chuyển động ảnh sẽ bị hiện tượng "bóng ma".
Thiết lập đêm: Ảnh chụp theo thiết lập chụp đêm với ISO 800, khẩu độ f/2.8, tốc độ trập 1/10. Flash mở theo chế độ Auto-Slow.
Chế độ thủ công
Nguyên tắc chung để chụp theo chế độ thủ công có flash là phơi sáng cho hậu cảnh, chỉnh flash theo thiết lập TTL, và sau đó chỉnh tốc độ trập nhanh hơn 2 mức (stop). Trong trường hợp này, ISO được chỉnh thấp hơn, nhưng cũng đạt cùng mục đích là cho đủ ánh sáng vào khung để phơi sáng hậu cảnh, nhưng chưa đến mức làm hư tiền cảnh. Do tốc độ trập chỉ hơi cao hơn chế độ chụp chân dung đêm, nên có thể tránh được hiện tượng các điểm sáng (bóng đèn) bị lóe quá mức và ISO chỉnh thấp hơn giúp giảm thiểu được nhiễu hạt.
Chế độ thủ công: Ảnh chụp theo thiết lập thủ công, ISO 320, khẩu độ f/2.8, tốc độ trập 1/20. Flash mở theo thiết lập TTL.
Nguồn: Macworld

Chụp ảnh đẹp với máy ngắm-chụp

Đánh giá
1
2
3
4
5
6
7
8
9
Lê Duy

Bạn từng bối rối khi phải chụp cảnh đêm, những cảnh chuyển động nhanh hay khi chụp trong nhà với thứ ánh sáng âm u, khó chụp? Nếu bạn chỉnh đúng chế độ chụp và cộng với vài thủ thuật, bạn có thể "giải mã" nhiều "quyền năng" của chiếc máy ảnh trong tay mà trước đây bạn không nhận ra.
Chế độ chụp tự động (Auto Mode) trên máy ảnh thực ra là con dao 2 lưỡi. Chế độ này hoạt động rất tốt nếu bạn chụp trong điều kiện ánh sáng ban ngày hoặc trong phòng sáng trưng đèn nên rất nhanh chóng và tiện lợi để có được tấm ảnh ưng ý mà bạn ít phải cân chỉnh gì. Tuy vậy, chế độ Auto này cũng có thể là sức ì khiến bạn không phát huy được tính sáng tạo của mình cũng như khó có thể chụp được những tấm ảnh đẹp nhất và thể hiện đúng ý đồ về ánh sáng, hiệu ứng ảnh như mong muốn.
Mặc dù mỗi loại máy ảnh có cách đặt tên khác nhau nhưng bạn có thể chọn các chế độ tương ứng bằng cách chuyển sang chế độ "Scene" (hoặc ký hiệu tương tự như vậy) để chọn chế độ chụp phù hợp trên menu màn hình. Vài máy ảnh đặt những chế độ thường dùng nhất trực tiếp lên vòng xoay điều chỉnh.
Bất kể máy ảnh nào, thậm chí cả máy ảnh ngắm chụp rẻ tiền nhất cũng có vài chức năng chỉnh sửa ảnh nằm ẩn bên trong trình đơn (menu). Máy ảnh tầm phổ thông nhất cũng có vài chế độ định sẵn (thường sách hướng dẫn kèm theo gọi là "scene"). Các chế độ này đã chỉnh sẵn mọi thiết lập cho từng môi trường cụ thể nào đó và thường cho ảnh đẹp hơn so với chụp ở chế độ Auto. Và nếu bạn sử dụng máy ảnh ống kính rời (SLR - single-lens reflex) hoặc một máy ảnh có khả năng điều chỉnh thủ công thì bạn hoàn toàn có khả năng "luyện" tay nghề lên một cấp độ mới, "cao tay" hơn hẳn so với chụp tự động.
Vậy chế độ chụp định sẵn hoặc chụp chỉnh thủ công sẽ cải thiện được chất lượng ảnh đến mức nào? Một nhiếp ảnh gia của PCWorld Mỹ đã chọn ra 6 cảnh mà ta thường chụp nhất, trong đó có vài cảnh "khó" mà nếu muốn có được tấm ảnh ưng ý thì cần phải chỉnh thủ công. Cách thử nghiệm: mỗi cảnh người thử nghiệm (NTN) chụp vài tấm ở các chế độ khác nhau gồm: Auto, chế độ định sẵn tương ứng và chỉnh thủ công. Trong hầu hết trường hợp, chụp với chế độ định sẵn cho chất lượng ảnh tốt hơn nhiều so với chế độ Auto. Trong vài trường hợp, chỉnh thủ công cho kết quả tốt hơn (hoặc khác biệt hoàn toàn) so với chế độ định sẵn. Đánh giá từ những thử nghiệm này, bài viết khuyến khích bạn dùng chế độ định sẵn thay vì Auto trong hầu hết trường hợp chụp ảnh.
Các thử nghiệm trong bài sử dụng máy ảnh Canon PowerShot S90 được đánh giá cao trong dòng máy ngắm-chụp. Máy cho chất lượng ảnh tốt, có nhiều chế độ định sẵn, có thể chỉnh thủ công khẩu độ, điểm lấy nét và dĩ nhiên là có chế độ chụp Auto. S90 cũng có ống kính góc rộng với khẩu f/2.0 và xử lý ISO tốt đối với dòng máy ống kính liền thân máy. Những đặc điểm này giúp S90 có thể chụp ở tốc độ nhanh, có được hiệu ứng trường ảnh rõ rệt và chụp cảnh thiếu sáng tốt.
Bài viết nhằm mục đích hướng dẫn cho người dùng phổ thông, người dùng không am tường về máy ảnh cũng như kỹ thuật chụp ảnh cơ bản, có thể dễ dàng làm chủ và tận dụng được hết tính năng mà máy ảnh mình đang có. Có thể tùy mỗi máy ảnh sẽ cho chất lượng hình ảnh khác nhau nhưng nhìn chung, bạn sẽ chụp được ảnh đẹp hơn và có nhiều tùy chọn điều chỉnh thủ công hơn với máy ống kính rời (DSLR); trong khi hầu hết máy ảnh dạng ngắm-chụp có ít tùy chọn và chất lượng ảnh không thể sánh bằng DSLR.
Chụp chân dung (Portrait)
Thường chế độ chụp chân dung là tùy chọn đầu tiên trong menu của máy ảnh. Chế độ này được cân chỉnh sẵn để chụp nhân vật chỉ lấy phần đầu và vai. Phần lớn trong chế độ này, máy ảnh sẽ nhận diện gương mặt, lấy nét vào đó và cân chỉnh màu sắc nhằm cải thiện màu da người.
Trong nhiều máy ảnh mới xuất hiện gần đây, chế độ Auto thậm chí mặc định lấy giá trị của chế độ Portrait này nếu máy ảnh nhận diện được một gương mặt (hoặc nhiều gương mặt) khi bạn ngắm chụp.
Trong chế độ chân dung, máy ảnh cũng cố thu hẹp trường ảnh phía sau chủ thể: điều này có nghĩa máy ảnh lấy nét ở gương mặt và làm mờ cảnh nền phía sau, giúp người xem tập trung vào gương mặt hơn so với các vật thể ở xa.
Trừ khi bạn chụp chân dung trong điều kiện ánh sáng mạnh như chụp dưới ánh nắng, còn không máy thường tự động bật đèn flash. Điều này giúp ảnh hiện được mọi chi tiết trên khuôn mặt. Tuy vậy, khi bật flash, máy ảnh thường phải giảm cường độ đánh đèn để tránh bị dư sáng cho chủ thể.
Qua 3 ảnh thử nghiệm về chụp chân dung, ở chế độ Auto, đèn Flash thường đánh quá dư sáng khiến khuôn mặt sáng gắt hơn thông thường. Chuyển sang chế độ Portrait, ảnh trông đẹp hơn nhiều với ánh sáng đèn vừa đủ và màu da mượt mà hơn.
Chuyển sang chế độ chỉnh thủ công, NTN tắt flash và cố tận dụng ánh sáng tự nhiên bằng cách mở lớn khẩu độ và giảm tốc độ. Kết quả là ảnh trông tự nhiên hơn và tinh tế hơn. Dù vậy, chế độ Portrait nhìn chung cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ về ảnh chân dung.
Chụp cận cảnh (Macro)
Trong chế độ chụp cận cảnh, máy ảnh lấy nét ở cự ly ngắn nhất có thể khi bạn muốn chụp những vật thể nhỏ hoặc lấy được những chi tiết nhỏ nhất với độ nét cao nhất. Qua vài ảnh thử nghiệm chụp ở chế độ này, kết quả rút ra là để có được ảnh cận cảnh đẹp nhất thì bạn nên tự điều chỉnh và nên sử dụng chân máy.
Trong chế độ Auto, máy ảnh sẽ “tự ý” lấy nét ở trước hay sau đối tượng bạn muốn chụp vì thế nhiều chi tiết ở phần bạn muốn chụp lại bị mất nét. Chế độ Auto cũng đẩy giá trị độ nhạy sáng ISO lên đến 640, sử dụng thiết lập khẩu độ f/4.9 và tốc độ 1/250 giây.
Với ISO cao như vậy, sử dụng tốc độ chụp nhanh bạn sẽ tránh rung tay khi không dùng chân máy hoặc chụp vật thể đang di chuyển. Tuy nhiên, tốc độ càng nhanh và ISO càng cao cũng đồng nghĩa với việc hình ảnh ít chi tiết hơn nếu ta muốn cắt xén lại và thu nhỏ kích thước ảnh.
Khi chuyển sang chế độ chụp cận cảnh (Macro) trên máy, hình ảnh cải thiện rất nhiều so với chụp ở chế độ Auto. S90 điều chỉnh lấy nét rất tốt và giữ cùng thiết lập về khẩu độ nhưng giảm ISO xuống còn 320 và giảm cả tốc độ xuống còn 1/125 giây.
Còn với chỉnh thủ công, NTN chuyển sang lấy nét theo điểm để cố định điểm lấy nét trên bề mặt kim loại của đồng hồ để cho hình ảnh sắc nét hơn; đóng khẩu độ lại còn f/8.0 và chụp với độ nhạy ISO thấp hơn nhiều, chỉ ở 80; tốc độ 1/13 giây.
Việc kết hợp thiết lập ISO thấp, khẩu độ nhỏ và tốc độ chậm giúp ảnh thể hiện được nhiều chi tiết hơn, thậm chí điều này cũng giúp tấm ảnh ít bị nhiễu hạt trong trường hợp bạn muốn thu nhỏ kích thước ảnh.
Dù vậy, điều đáng chú ý là thiết lập thủ công mà NTN sử dụng trong bài chỉ thích hợp để chụp cận cảnh vật thể tĩnh vì tốc độ chậm nếu chụp vật thể chuyển động thì ảnh sẽ bị nhòe. Nếu bạn cần chụp cận cảnh vật thể chuyển động, hãy chuyển sang chế độ Macro sẵn có của máy, chế độ này tốt hơn so với chỉnh thủ công.
Chụp cảnh đêm (Night Scene)
Chế độ chụp cảnh đêm được cân chỉnh để chụp ảnh phong cảnh hoặc cảnh thành phố về đêm, lúc mà bạn không có được ánh sáng trời. Thông thường, bạn cần có chân máy khi chụp ảnh dạng này. Tùy vào máy ảnh của bạn, chế độ Night Scene có thể sử dụng tốc độ chậm, nghĩa là hình ảnh sẽ dễ bị mờ nếu bạn cầm máy trên tay để chụp.
Với chế độ Auto, hình ảnh không đẹp. Máy ảnh nâng ISO đến 800, mở khẩu độ rộng f/2.0 và có tốc độ khá nhanh: 1/15 giây. Do vậy hình ảnh mất đi độ chính xác màu và chi tiết. Máy ảnh cũng tự đánh đèn flash, do đó vùng phía trước ảnh bắt sáng, phản chiếu vào sương và đánh ngược trở lại máy ảnh.
Kết quả khi chuyển sang chế độ Night Scene vẫn gây nhiều thất vọng. Mặc dù máy ảnh điều chỉnh đúng tốc độ, giảm còn 1/2 giây và sử dụng ISO thấp hơn là 160 nhưng đèn flash vẫn đánh trong khi khẩu độ vẫn giữ nguyên ở f/2.0. Kết quả là hình ảnh gần giống như chụp ở chế độ Auto.
Trong khi đó, với điều chỉnh thủ công, hình ảnh trông rất khác biệt so với 2 chế độ trên. NTN không dùng đèn flash để tránh bị phản chiếu. Tiếp đến, để tăng độ chi tiết, NTN chuyển sang ISO ở 100 và sử dụng tốc độ rất chậm, ở 6 giây. Tốc độ chậm cũng khiến mặt nước trông mượt mà hơn trong khi ISO thấp giúp cho màu sắc chính xác hơn. Tốc độ chậm còn cho phép mở khẩu độ ở f/5.6, làm tăng trường ảnh trong khi vẫn bắt được nhiều ánh sáng để cho tấm ảnh có được bố cục đẹp.
Chân dung đêm (Night Portrait)
Mặc dù nghe giống với chế độ chụp cảnh đêm (Night Scene) nhưng chế độ chụp chân dung ban đêm lại hoàn toàn khác. Chế độ này được cân chỉnh để vừa có thể lấy được người phía trước và cả cảnh đêm phía sau. Nếu cân chỉnh tốt, một tấm ảnh chân dung chụp đêm sẽ thể hiện được 2 yếu tố này. Chế độ chụp này khá hữu ích cho những người thường đi thăm thú đây đó vì nó rất tiện để chụp được những tấm ảnh cho người thân, bạn bè ban đêm ở một vùng xa lạ mà vẫn lấy được cảnh vật phía sau.
Máy ảnh xử lý chế độ này theo nhiều cách khác nhau. Nhưng nhìn chung, máy ảnh đều sử dụng đèn flash để làm sáng chủ thể phía trước trong khi giảm tốc độ để bắt được khung nền phía sau bằng ánh sáng tự nhiên.
Một cách xử lý khác là không dùng đèn flash và chụp liên tục vài ảnh ở các khẩu độ khác nhau rồi sau đó kết hợp các ảnh lại để tạo một ảnh đủ sáng.
Máy ảnh sẽ sử dụng những ảnh dư sáng trong loạt ảnh đó để làm rực các chi tiết ở những vùng tối và cả những chi tiết trong vùng có ánh sáng đèn. Trong cả hai cách xử lý này ở chế độ chụp chân dung đêm, đôi khi bạn cần chụp với chân máy hoặc kê máy lên một điểm tựa cố định nào đó.
Qua thử nghiệm, chế độ Auto rất khó có thể bắt được những chi tiết ở cảnh nền. Vì đèn flash quá mạnh và tốc độ chụp hơi nhanh (1/30 giây) nên ảnh chỉ sáng được những chủ thể phía trước. Ví dụ như biển hiệu "Pier 28" phía sau ảnh thử nghiệm khó nhận ra được khi chụp ở Auto.
Với chế độ Night Portrait của S90, máy sử dụng đèn flash, mở khẩu độ ở f/2.2 và giảm tốc độ còn 1/8 giây. Hình ảnh ở chế độ này tốt hơn nhiều so với để ở Auto khi thể hiện được chi tiết cả ở phía trước lẫn cảnh vật phía sau và bạn dễ nhận ra được biển hiệu "Pier 28".
Máy ảnh cũng sử dụng ISO ở 500 để làm sáng tòa nhà và cây cầu ở cảnh nền, là những đối tượng mà đèn flash không thể đánh tới.
Còn khi tự điều chỉnh, NTN dùng đèn flash để chiếu sáng chủ thể phía trước nhưng giảm ISO còn 320 và giảm tốc độ chụp còn 0,6 giây để lấy được cảnh nền và giảm bớt độ nhiễu cho ảnh; đồng thời, chụp ở khẩu độ f/5.6 để có trường ảnh sâu hơn, làm nổi rõ chi tiết cảnh nền.
Tuy vậy, khác biệt giữa điều chỉnh thủ công so với chế độ Night Portrait không nhiều. Hiệu ứng của tăng giảm khẩu độ sẽ dễ dàng nhận ra hơn khi bạn chụp với dòng máy DSLR và các máy ảnh có kích thước cảm biến lớn.
Khi điều chỉnh thủ công với thiết lập khẩu độ như trên, bạn sẽ thấy được đèn đường ở cảnh nền lóe lên dạng ngôi sao. Bạn cũng có được hiệu ứng như vậy bằng cách chỉnh khẩu độ nhỏ hơn khi chụp với bất kỳ ánh đèn nào.
Thêm chút kỹ năng và sáng tạo, bạn có thể tận dụng đèn flash để tạo cho chế độ chụp Night Portrait hiệu quả hơn: nếu máy ảnh của bạn có hỗ trợ, bạn có thể chỉnh cho cường độ đèn thấp xuống để tránh bị dư sáng cho đối tượng phía trước, hoặc thậm chí bạn đặt một tờ giấy hoặc vải phía trước đèn flash để giảm cường độ của nó.
Chụp hoàng hôn (Sunset)
Nếu may mắn được thấy một cảnh hoàng hôn tuyệt vời thì bạn sẽ muốn là ghi lại được khoảnh khắc ấy. Chế độ chụp hoàng hôn thực ra là chế độ chụp phong cảnh (Landscape), nghĩa là máy ảnh thiết lập tiêu cự ở vô cực và chỉnh khẩu độ nhỏ để có được góc nhìn rộng và mọi vật đều không bị mất nét.
Tuy nhiên, có một điểm khác giữa chế độ Sunset và Landscape là chế độ Sunset tăng thêm tông màu đỏ nên tạo cho màu sắc hoàng hôn thêm phần rực rỡ. Cách chỉnh sửa màu sắc này có vẻ hơi "ăn gian" nhưng kết quả rất mãn nhãn.
Chế độ Auto nhận diện chính xác khung cảnh thử nghiệm là chế độ phong cảnh và vì nó không cân chỉnh màu sắc nên hình ảnh giống như màu sắc bên ngoài. Nếu bạn muốn có được tấm ảnh màu sắc chính xác và chi tiết khi chụp hoàng hôn, hãy dùng chế độ Auto.
Chuyển sang chế độ Sunset, màu trời có chiều sâu hơn, nhìn kỹ sẽ thấy những sắc ngả đỏ hơi giả. Nếu bạn cảm nhận màu sắc ảnh như vậy đẹp hơn ở Auto thì hãy chọn chế độ này khi chụp.
Còn với chỉnh thủ công, NTN cố chụp một cảnh hoàng hôn ấn tượng mạnh bằng cách sử dụng những bộ lọc màu. NTN đóng khẩu độ còn f/8.0 để tăng trường ảnh và sử dụng tốc độ chụp từ trung bình đến nhanh. NTN cũng tăng gam màu xanh dương, xanh lá, đỏ và độ tương phản để có được tấm ảnh đậm chất nghệ thuật.
Tùy vào thông số chọn lựa, ảnh trông sẽ rất khác biệt: đôi khi mọi thứ ngả sang màu vàng ấm, đôi khi tăng một chút màu xanh da trời, và thỉnh thoảng mọi thứ ngả sang màu đỏ hơi hồng.
Vài người khi xem qua các tấm ảnh chụp hoàng hôn ở 3 chế độ chụp này đều thích những ảnh chụp ở chế độ Sunset hơn. Màu sắc ở chế độ Sunset và chỉnh thủ công đều trông có vẻ giả tạo nhưng ở chế độ Sunset thì trông thực hơn cả.
Với cảnh chụp hoàng hôn, PCWorld Mỹ "chấm điểm" chế độ Sunset nhưng cũng tùy vào khung cảnh hoàng hôn cụ thể mà bạn nên chụp thêm vài ảnh sử dụng các chế độ màu sắc khác nhau mà máy ảnh bạn có hỗ trợ để có thể thấy được những khác biệt thú vị về các bộ lọc màu.
Chụp ảnh chuyển động
Chế độ chụp ảnh chuyển động được phân loại theo tên và chức năng. Như để chụp cảnh chuyển động dạng lướt qua, chọn lựa tốt nhất là bạn chụp ở chế độ liên tục hoặc còn gọi là chụp Burst.
Ở chế độ này, màn trập sẽ nhảy liên tục, mỗi tấm ảnh là một khung hình trong chuỗi khung hình liên tục đó. Nếu trong một giây bạn chụp được càng nhiều khung hình thì tỉ lệ bạn có được tấm ảnh mong muốn sẽ càng cao.
Tuy vậy, điều không may là nhiều máy ảnh ngắm-chụp không hỗ trợ tính năng chụp liên tục. Hầu hết máy ảnh ngắm-chụp tầm phổ thông có một chế độ chụp tăng độ ISO để có thể lấy được nhiều ánh sáng và sử dụng tốc độ màn trập nhanh nhất để bắt đối tượng chuyển động.
 Cách này khiến bức ảnh dễ bị nhiễu hạt và bạn chỉ có 1 cơ hội bấm máy để có được tấm ảnh chuyển động ưng ý. Chế độ này thường được đặt tên là "Sports" hoặc "Action", và thỉnh thoảng vài máy ảnh gọi là "Anti-blur", "High Sensitivity" hoặc "Kids and Pets".
Vài máy ảnh cũng có chức năng tự động lấy nét chủ thể chuyển động, là máy "bắt nét" vật thể chuyển động đó. Chức năng này nhìn chung hoạt động rất tốt nếu chủ thể mặc quần áo sáng màu hoặc có màu sắc tương phản mạnh với môi trường xung quanh.
Trong thử nghiệm, NTN nhận thấy chụp chuyển động nhanh giữa 3 chế độ: Auto, chụp với cảnh định sẵn và chỉnh thủ công đều không có nhiều khác biệt. Chế độ Auto tự động chuyển tốc độ lên 1/500 giây và khẩu độ ở f/6.3 để giữ cho nền được rõ nét. Mặc dù áo thun và giày của chủ thể hơi bị mờ nhưng chế độ Auto cho hình khá tốt.
Tuy vậy, ở chế độ "Kids and Pets" trên máy S90 thử nghiệm lại chọn khẩu độ 1/320 giây và so với chế độ Auto, hình ảnh hơi mờ một chút và khi phóng lớn thì ảnh hơi bị mất nét, có thể thấy rằng chế độ lấy nét tự động khó bắt dính được đối tượng.
Với điều chỉnh thủ công, NTN chỉnh tốc độ nhanh nhất có thể, chụp ở 1/1250 giây, bắt được đối tượng. Vì để tốc độ chụp nhanh như vậy nên hình ảnh sẽ hơi bị thiếu sáng nhưng rõ ràng là hình ảnh không bị mờ do mất nét và rung tay, và khi cắt xén, phóng to ảnh thì hình ảnh không bị nhiễu hạt do ISO.
Tuy vậy, khi chụp đối tượng chuyển động, không phải tấm ảnh nào "bắt dính" đối tượng, không bị mờ do chuyển động đều là ảnh đẹp. Trong những ảnh thử nghiệm trong bài, ta không thể nhận biết được đối tượng di chuyển nhanh như thế nào.
Bạn cũng có thể sử dụng vài phương pháp khác để chụp đối tượng chuyển động. Nếu máy ảnh bạn có thể chỉnh được tốc độ thì bạn có thể chỉnh làm sao cho đối tượng đang di chuyển trông như họ đang chuyển động nhanh.
Bằng cách giảm tốc độ và zoom gần vào và "lia máy" theo đối tượng, bạn có thể tạo được một vệt mờ phía sau đối tượng.
Đặt máy ảnh lên chân máy, ngắm vào một đối tượng đang chuyển động và chuyển sang tốc độ chậm cũng là một cách chụp cảnh giao thông về đêm rất tuyệt vời: cảnh nền trông rất sắc nét trong khi các dòng xe di chuyển tạo thành những vệt sáng chạy dài do đèn xe tạo ra. Áp dụng tốc độ chậm và chân máy cũng là một kỹ thuật phổ biến để chụp dòng nước chảy, lúc này bạn sẽ thấy bề mặt dòng nước rất mượt mà và bạn cảm nhận được tính "động" trong tấm ảnh.
Sơ lược về những điều khiển thông dụng
Tốc độ: dùng tốc độ màn trập chậm giúp bạn bắt được nhiều ánh sáng hơn và điều này cũng khiến cho đối tượng bị nhòe. Trong hầu hết trường hợp, bạn nên sử dụng tốc độ chậm với chân máy (hoặc chí ít là đặt máy trên một bề mặt phẳng, vững chắc). Miễn là máy ảnh và chủ thể đứng im, chụp ở tốc độ chậm là một vũ khí "thượng hạng" để có được tấm ảnh đủ sáng, nhiều chi tiết trong môi trường ánh sáng yếu.
Nếu bạn chụp tốc độ chậm với một đối tượng chuyển động thì sẽ tạo được hiệu ứng nhòe, làm cho tấm ảnh có nét sáng tạo. Trái lại, nếu bạn chụp đối tượng chuyển động với tốc độ nhanh thì có thể bắt đứng đối tượng chuyển động.
Khẩu độ: có thể xem khẩu độ là "cực âm" so với tốc độ là "cực dương" và bạn cần kết hợp chúng thật hài hòa thì mới có được tấm ảnh đủ sáng và đẹp. Khẩu độ mở càng lớn thì càng nhiều ánh sáng lọt vào ảnh nên bạn có thể chọn tốc độ nhanh hơn. Ống kính với khẩu độ lớn cũng cho phép bạn chụp với hiệu ứng trường ảnh cạn, nghĩa là đối tượng chụp rất nét và môi trường xung quanh mờ đi.
Tìm ra được "điểm ngọt" trên máy ảnh của bạn có thể hơi vất vả: vài kiểu kết hợp tốc độ và khẩu độ tạo được hiệu ứng ảnh rất đẹp như ảnh cố tình chụp thiếu sáng hoặc ảnh hoàn toàn dư sáng. Bạn có thể tìm ra được sự cân bằng giữa tốc độ và khẩu độ này bằng nếu máy ảnh có chế độ chụp ưu tiên khẩu độ (thường có ký hiệu "A", viết tắt từ Aperture priority) hoặc ưu tiên tốc độ ("S", shutter priority). Lúc này, bạn chỉ việc chọn tốc độ hoặc khẩu độ để cố định 1 thông số này, phần việc còn lại máy ảnh sẽ tự động điều chỉnh sao cho các thiết lập còn lại tối ưu.
Thiết lập cân bằng ISO: chỉ số ISO càng cao thì càng cho bạn chụp tốt trong những môi trường thiếu sáng và chụp với tốc độ nhanh mà không cần dùng đến flash. Mặc dù ISO làm sáng ảnh mà không cần quan tâm đến tốc độ hay khẩu độ nhưng thiết lập ISO cao quá sẽ có xu hướng làm giảm chất lượng ảnh. Với hầu hết máy ảnh ngắm-chụp, thiết lập ISO cao đồng nghĩa với việc ảnh sẽ bị nhiễu hạt. Thực chất, chất lượng của ảnh ISO cao là một trong những khác biệt lớn nhất giữa máy ảnh ống kính rời (DSLR) và máy ngắm-chụp. DSLR có cảm biến lớn, mạnh, có khả năng loại bỏ nhiễu hạt trong khi máy ảnh ngắm-chụp tầm phổ thông thì ngược lại.
Đẩy cao thiết lập ISO trong máy ảnh cũng còn ảnh hưởng đến độ chính xác về màu sắc. Máy ảnh thường có xu hướng thu nhận màu ngả sang đỏ hoặc cam khi bạn tăng độ nhạy sáng của cảm biến.


Từ khóa: cách chụp ảnh

Chụp chủ thể chuyển động bằng máy ảnh DSLR

Đánh giá
1
2
3
4
5
6
7
8
9
Hoàng Kim

Để chụp nhiều ảnh liên tục của 1 chủ thể chuyển động, người chụp cần biết dùng chế độ lấy nét liên tục.
Khi chụp những chủ thể chuyển động, thông thường người chụp ảnh sẽ đưa về chế độ lấy nét dự đoán (predictive focus), cũng thường gọi là chế độ lấy nét liên tục (continuous focus). Chế độ lấy nét liên tục trên máy ảnh Nikon dùng ký hiệu AF-C, trên máy ảnh Canon là AI Servo.
Do có thể cho phép máy ảnh “khóa chết” chủ thể và liên tục lấy nét vào chủ thể nhờ khả năng dự đoán vị trí tiếp theo của chủ thể, chế độ lấy nét liên tục thích hợp với việc chụp những chủ thể chuyển động liên tục như thể thao, động vật chạy, chim bay v.v... Theo đó, người chụp ảnh chỉ cần tập trung giữ cho chủ thể lọt vào khung hình, trong khi máy ảnh giữ nhiệm vụ giữ nét trên chủ thể. Chế độ lấy nét liên tục ra đời vào giữa những năm 1980, là một bước chuyển biến làm thay đổi lịch sử nhiếp ảnh.
Tuy nhiên, không phải cứ đưa về chế độ này là máy ảnh sẽ tự động lấy nét liên tục vào chủ thể, mà người chụp phải có những thao tác đúng. Theo nguyên tắc chụp lấy nét liên tục, đầu tiên người chụp ảnh sẽ lấy nét ngay chủ thể (bấm nửa cò chụp), tiếp đó bấm chụp liên tiếp trong khi vẫn giữ được nửa cò chụp ban đầu. Nếu nửa cò chụp ban đầu bị buông ra, chủ thể lấy nét có thể sẽ thay đổi, khi đó có thể ảnh hưởng đến độ nét của chủ thể trong những ảnh chụp sau. Thao tác chụp liên tục trong khi vẫn giữ nửa cò không dễ, song vẫn có “thủ thuật” mà hãng sản xuất máy ảnh trang bị cho người chụp khắc phục vấn đề trên. Người viết bài minh họa với 2 loại Canon 50D và Nikon D90.
  • Với Canon 50D: người dùng cần vô hiệu hóa chức năng lấy nét ở nửa cò chụp, sử dụng nút bấm AF-ON (ở bên phải màn hình LCD) làm nhiệm vụ lấy nét
  • Với Nikon D90, do không có nút bấm AF-ON như Canon 50D nên sẽ phải thiết lập biến nút AE-L/AF-L (bên phải ống ngắm viewfinder) thành nút AF-ON, lúc này chế độ lấy nét ở nửa cò chụp cũng sẽ tự động bị vô hiệu hóa. Cách thực hiện: nút Menu > f Controls > f4 Assign AE-L/AF-L button > OK.
Với cách bố trí nút bấm như trên, khi cần chụp liên tục, người chụp sẽ dùng ngón tay cái để lấy nét bằng nút AF-ON rồi giữ tay, sau đó khi cần chụp thì nhấn nút chụp bằng ngón trỏ. Sau khi khóa nét ở chủ thể, ảnh có thể được chụp liên tục cho đến khi người chụp buông nút AF-ON.
Nút AF-ON trên máy Canon 50D (vùng khoanh đỏ)
Do đang sử dụng chế độ lấy nét tự động, đôi khi máy ảnh không lấy nét được hoặc lấy nét không chính xác, người chụp cần lưu ý một số trường hợp sau:
  • Kiểm tra nút gạt AF/MF (nếu có) trên cả ống kính và máy ảnh để đảm bảo rằng chúng đã được gạt qua chế độ lấy nét tự động AF.
  • Ống kính không hỗ trợ máy ảnh lấy nét tự động
  • Ống kính nối với máy ảnh thông qua ống nối (Extender)
  • Chế độ lấy nét tự động hoạt động không tốt trong điều kiện ánh sáng yếu, ví dụ khi chụp vào buổi chiều tối hoặc đêm
  • Chế độ lấy nét tự động hoạt động không tốt khi lấy nét vào những chủ thể không hoặc ít có độ tương phản, ví dụ như bầu trời trong xanh không có mây hoặc bức tường có 1 sắc màu duy nhất
  • Ống kính bất ngờ bị “đơ” không lấy nét tự động. Lúc này người chụp cần tắt và mở máy lại
  • Khoảng cách từ ống kính tới chủ thể bé hơn khoảng cách tối thiểu có thể lấy nét của ống kính
  • Có từ 2 chủ thể trở lên xếp chồng ở vị trí lấy nét.
Một số chế độ lấy nét trên máy ảnh Nikon:
  • AF-C (AF Continuous): lấy nét tự động liên tục trên chủ thể chuyển động, trong điều kiện nút lấy nét tự động AF-ON được giữ như ban đầu
  • AF-S (AF Single): lấy nét tự động liên tục trên chủ thể không chuyển động
  • AF-A (AF-Auto): nếu máy ảnh cho là chủ thể chuyển động sẽ dùng chế độ AF-C, nếu cho là chủ thể không chuyể động sẽ dùng chế độ AF-S
  • MF (Manual Focus): chỉnh nét tay, người chụp tự canh nét vào chủ thể, không cho máy ảnh can thiệp.

Giảm "hạt" cho ảnh số

Đánh giá
1
2
3
4
5
6
7
8
9


Khi chụp ảnh ở môi trường ánh sáng yếu, bạn nhớ điều chỉnh ISO xuống mức thấp nhất. Bạn không được để ISO chế độ Auto bởi vì máy ảnh có thể thay đổi ISO một cách tự do.
Thực tế cho thấy, thậm chí máy ảnh số phổ thông ngày nay cũng "chụp" đẹp hơn so với những máy ảnh xài phim dạng ngắm - chụp (hay còn gọi là máy cơ) tốt nhất của 30 năm về trước. Mọi thứ đều tốt hơn: ống kính, độ phân giải, các khả năng kiểm soát độ phơi sáng. Tuy nhiên, máy kỹ thuật số và máy cơ đều có thể tạo ra những bức ảnh có hạt và kém hấp dẫn. Trong ảnh số, đây gọi là hiện tượng hạt hay bụi ảnh hay nhiễu (noise).

Về cơ bản, nhiễu xuất hiện khi người dùng chụp ảnh với thiết lập độ nhạy sáng (ISO) ở mức cao. Hầu hết máy ảnh đều cho phép người dùng tăng giá trị ISO để có thể "tác nghiệp" trong điều kiện ánh sáng yếu. Ảnh số sẽ luôn có nhiễu, nhưng khi ISO càng cao thì hiện tượng nhiễu xuất hiện nhiều và rõ hơn.
Hình 1: Một ảnh số khi chụp ở mức ISO 1600 sẽ tạo ra bụi ảnh và tính năng Reduce Noise trong Photoshop Elements có thể cải thiện tình trạng này.
Sự phơi sáng lâu cũng tạo ra nhiễu. Thời gian phơi sáng càng dài thì sức nóng mà cảm biến máy ảnh nhận được cũng nhiều hơn, và sức nóng này tạo ra hạt trên ảnh chụp. Do đó, hiện tượng nhiễu hiếm xuất hiện khi chụp ảnh vào ban ngày, tuy nhiên tình trạng phơi sáng lâu khi chụp đêm có thể dẫn đến tình trạng ảnh thu được bị đổ hạt. 

Một yếu tố khác có thể dẫn đến nhiễu là sự thiếu sáng. Bạn sẽ gần như luôn nhìn thấy nhiễu trong các vùng tối và trong các bức ảnh chụp thiếu sáng. Do đó, có thể thấy, chọn giá trị phơi sáng khi chụp ảnh là việc làm quan trọng.
Tránh nhiễu

Dù các thiết lập ISO thấp sẽ ít gây ra tình trạng nhiễu cho ảnh số, nhưng bạn không thể luôn đặt ISO ở mức 100. ISO thấp có thể làm cho ảnh chụp đạt mức chất lượng thấp hơn so với bình thường. Bạn có thể tăng giá trị ISO để chụp ảnh trong nhà khi không đánh flash, tuy nhiên đừng chỉnh ISO lên mức 1600 nếu như 800 là đủ để tạo ra một bức ảnh đẹp. Bạn cũng nên tăng ISO cho đến khi tốc độ đóng/mở màn trập đủ nhanh để có được một bức ảnh sắc nét. Chẳng hạn, nếu thấu kính của máy ảnh có tiêu cự đến 100mm, bạn có thể chụp ảnh với tốc độ màn trập là 1/100 giây.

Khi chụp ảnh ở môi trường ánh sáng yếu, bạn nhớ điều chỉnh ISO xuống mức thấp nhất. Bạn không được để ISO chế độ Auto bởi vì máy ảnh có thể thay đổi ISO một cách tự do.

Bạn cũng có thể tránh gặp phải những lỗi do phơi sáng quá lâu bằng cách mở tính năng khử nhiễu trên máy ảnh. Ở nhiều máy ảnh, tính năng này sẽ tự động hoạt động khi tốc độ màn trập vượt quá 1 giây.

Mặc dù sự thiếu sáng sẽ làm cho ảnh chụp bị hạt nhiều hơn so với khi dư sáng, tuy nhiên sự dư sáng cũng có những vấn đề riêng. Ví dụ, một ảnh dư sáng có thể làm xuất hiện các điểm sáng "cháy" ngoài vùng trắng. Nếu máy ảnh đang dùng có tính năng kiểm soát sự phơi sáng, bạn hãy chụp một loạt ảnh để có thể chọn ra được ảnh tốt nhất.
Sử dụng công cụ chỉnh sửa ảnh

Nếu không thể tránh khỏi tình trạng hạt khi chụp ảnh, bạn có thể tút lại các bức ảnh bằng phần mềm. Nhiều tiện ích chỉnh sửa ảnh cung cấp bộ lọc nhiễu. Chẳng hạn, trong Adobe Photoshop Elements 6, bạn nhấn Filter.Noise.Reduce Noise. Tuy nhiên, bạn sẽ phải cân nhắc giữa việc giảm nhiễu và xóa đi các quan trọng có trên bức ảnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể thử dùng chương trình miễn phí như Noiseware (find.pcworld.com/63207) hay Noise Ninja (find.pcworld.com/63209).
Xuân Cường
PC World Mỹ 8/2009


Thêm nền trời xanh vào ảnh chụp

Đánh giá
1
2
3
4
5
6
7
8
9


Có lẽ bạn đã từng nhận thấy bầu trời xanh trên các bức ảnh do chính tay mình chụp thường nhợt nhạt hay thậm chí biến đi đâu mất. Đó không hẳn là lỗi của bạn cũng như của máy ảnh. 

Trong một ảnh chụp điển hình, thành phần quan trọng nhất trong cảnh chụp là hình ảnh cận cảnh (đối tượng gần), do đó hệ thống đo sáng tự động của máy ảnh cố gắng đảm bảo sao cho đối tượng cận cảnh luôn nhìn được rõ nhất. Thông thường, bầu trời sáng hơn rất nhiều so với đối tượng cần chụp nên bị làm cho mờ và mất màu.

Cách giải quyết vấn đề này thường được nhiều người áp dụng là “tăng cường” bầu trời thông qua việc sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh.
Bằng cách sử dụng chế độ “multiply” trong Photoshop Elements, 
bạn có thể chỉnh lại màu bầu trời cho ảnh chụp của mình.
Tìm một ảnh chụp có bầu trời xanh nhạt và mở ảnh này trong tiện ích Adobe Photoshop Elements (find.pcworld.com/ 60665). Chọn bầu trời bằng cách sử dụng công cụ Magic Ward. Trong Options Palette ở phía trên màn hình, thiết lập giá trị mục Tolerance là 30, rồi nhấn chuột chọn Add to selection. Tiếp đến, nhấn chuột chọn vào các điểm ở giữa bầu trời sao cho các dấu hiệu lựa chọn xuất hiện, bạn thực hiện thao tác này vài lần để chọn hết toàn bộ bầu trời. Lưu ý, không nhấn vào các phần không liên quan đến bầu trời trên bức hình. Sau đó, bạn chép bầu trời đã được chọn vào bộ nhớ (clipboard) bằng cách chọn Edit.Copy từ trình đơn.

Tiếp theo, chọn Edit.Paste, và một bản sao thứ hai của bầu trời sẽ xuất hiện trong cửa sổ Layers Palette. Bạn đã sẵn sàng để thử hiệu ứng “multiply”. Trong Layers Palette, bạn thiết lập Blend Mode thành Multiply.

Màu sắc trong bầu trời của bạn sẽ đậm hơn. Nếu chưa thỏa mãn yêu cầu thay đổi của mình, đừng lo bởi đây là nơi bạn thể hiện cảm nhận nghệ thuật của mình: vì bầu trời đã được sao y vào clipboard nên bạn có thể tiếp tục dán các lớp mới (bầu trời) vào bức hình cho đến khi đạt độ đậm và màu sắc mà mình mong muốn. Nếu bầu trời trở nên quá tối, bạn có thể dùng công cụ Opacity Slider để giảm bớt hiệu ứng. 

Minh Cường
PC World Mỹ 6/2008

Để ảnh chụp panorama đẹp hơn

Đánh giá
1
2
3
4
5
6
7
8
9
Hoàng Kim

Trong số những ích lợi mà kỹ thuật số mang đến cho nhiếp ảnh là tạo ảnh toàn cảnh (panorama). Ngày xưa, để có ảnh panorama, bạn phải cần đến một máy ảnh đặc biệt, hoặc phải ghép nối cả 1 bộ ảnh. Còn ngày nay, bạn có thể có ngay ảnh panorama rất dễ dàng bằng những chương trình xử lý ảnh hoặc các phần mềm nối ảnh panorama miễn phí như Image Composite Editor (http://research.microsoft.com/en-us/um/redmond/groups/ivm/ICE/) hoặc CleVR (www.clevr.com). Do đó, bạn cần kiểm soát chất lượng những ảnh đầu vào nếu muốn có 1 ảnh panorama đầu ra tốt bằng một số thủ thuật dưới đây.

1. Kiểm soát đo sáng
Để chụp một bức ảnh panorama, bạn sẽ cần ghép nhiều tấm ảnh lại với nhau. Nhưng ngay cả khi chụp trong điều kiện nắng tốt, có thể bạn sẽ thấy những mảng sáng và tối "chia cắt" ảnh panorama. Đó là do máy ảnh đo sáng khác nhau trong mỗi tấm ảnh thành phần. Bạn sẽ không dễ dàng sửa lỗi này trong chương trình xử lý ảnh. Muốn ngăn ngừa, bạn hãy thiết lập chế độ tự kiểm soát (Manual) và khóa đo sáng cho loạt ảnh. Nếu không chắc về phần đo sáng, hãy trỏ máy ảnh về nơi sáng nhất và tốt nhất trong bức ảnh panorama dự kiến, lưu ý các giá trị tốc độ do máy đề nghị (cố định giá trị ISO và khẩu độ, chỉnh theo thanh đo sáng, hoặc cố định ISO và tốc độ để xem giá trị khẩu độ) rồi thiết lập giá trị trung bình tương đối giữa chúng. Ví dụ, cố định ISO là 200 và khẩu độ f11 thì đo tốc độ được 2 giá trị là 1/250 và 1/60, lúc này bạn có thể chọn giá trị tốc độ 1/125 để chụp với ISO 200 và khẩu độ f11.
Cần kiểm soát đo sáng khi chụp panorama

2. Chụp ở tiêu cự thông thường
Thông thường, người ta dùng các ống kính góc rộng (wide) hoặc siêu rộng (super wide) để chụp ảnh phong cảnh. Thế nhưng điểm yếu của ảnh dạng này là hay bị biến dạng ở 2 rìa ảnh bên trái và bên phải, khiến cho phần mềm nối ảnh panorama sẽ khó ghép đúng những phần chồng lên nhau giữa các ảnh. Mặt khác, nếu chụp ở tiêu cự dài (tele), do giới hạn của góc nhìn ống kính nên sẽ khó chụp được đầy đủ cái "hồn" bao la, rộng lớn của phong cảnh. Vì thế, bạn nên đưa tiêu cự về khoảng thông thường, từ 25-55mm.

3. Chụp từ trái sang phải
Bạn có thể bắt đầu chụp ảnh panorama trong bất kỳ điều kiện nào: bắt đầu từ bên trái và kéo dần sang bên phải, hoặc làm theo chiều ngược lại, miễn là bạn lấy được đủ những phần chồng lên nhau giữa các ảnh. Tuy nhiên, với kiểu chụp ảnh từ trái sang phải, khi xem ảnh dưới dạng thu nhỏ (thumbnails) sau đó, bạn sẽ dễ dàng nhận ra loạt ảnh dự định tạo ảnh panorama được bắt đầu và kết thúc ở đâu.

4. Thận trọng với vật thể chuyển động
Trước và trong khi bấm máy, bạn cần lưu ý đến những vật thể có thể chuyển động trong khung ảnh panorama dự định tạo ra, ví dụ như chiếc ôtô đang chạy trên đường. Giả sử bạn “bắt dính” chiếc ôtô đó (ở 2 vị trí khác nhau) trong 2 bức của loạt ảnh, nhiều khả năng ảnh panorama đầu ra sẽ có đến 2 chiếc ôtô, dù thực tế chỉ có 1 chiếc mà thôi.
Taxi (đang chạy) "nhân hai"

5. Thận trọng với hiệu ứng đường cong
Khi ghép ảnh, phần mềm nối ảnh panorama sẽ nối các bức ảnh thành một ảnh góc rộng ảo, nhưng các vật thể thẳng như đường phố lại có hiệu ứng cong giống ảnh chụp bằng ống kính mắt cá (fish-eye). Khoảng cách đến vật thể thẳng càng gần, hiệu ứng cong càng hiển thị rõ ràng. Giải pháp đề xuất là hãy chụp ảnh từ khoảng cách càng xa càng tốt. Mặc khác, đường ngang trong ảnh panorama tạo ra cũng sẽ bị dính hiệu ứng cong nếu lúc chụp ảnh bạn chỉ đứng 1 chỗ và lia máy, bạn nên thử di chuyển theo đường thẳng song song với khung cảnh để giảm bớt hiệu ứng cong.
Ảnh bị hiệu ứng cong do đứng gần

6. Chụp nhiều ảnh để dễ cắt xén
Vì phần mềm nối ảnh panorama tạo ra 1 ảnh góc rộng từ nhiều bức ảnh, nên cạnh trên và cạnh đáy ảnh panorama tạo ra có nhiều biến dạng xéo góc, đòi hỏi bạn phải cắt xén ảnh (crop) để có 1 ảnh đẹp. Vì vậy, hãy chụp nhiều ảnh hơn cho 1 cảnh panorama nhằm giảm bớt độ xéo góc, giúp tạo được ảnh panorama hoàn chỉnh hơn.

7. Chụp ảnh panorama thẳng đứng
Phần mềm nối ảnh panorama cũng có thể nối ảnh theo chiều thẳng đứng dễ dàng như ảnh theo chiều ngang. Do đó, ảnh panorama không cứ phải là theo chiều ngang như kiểu truyền thống, hay phải xoay máy ảnh theo chiều thẳng đứng để chụp. Hãy tự phá vỡ giới hạn đó bằng những ảnh panorama về tòa nhà chọc trời hoặc ngọn tháp, bức tượng mà bạn gặp với những ảnh chụp từ trên xuống dưới theo kiểu cầm máy ngang.
Ghép ảnh thẳng đứng chụp theo kiểu cầm máy ngang

(Tham khảo: PCW Mỹ tháng 5/2010)


Chụp ảnh đẹp với đèn flash

Đánh giá
1
2
3
4
5
6
7
8
9
Xuân Cường

Về lý thuyết, sử dụng đèn flash của máy chụp hình là việc đơn giản: bạn cần sự trợ giúp này khi không thể chụp ảnh chỉ với ánh sáng tự nhiên. Hầu hết máy ảnh hiện nay đều trang bị đèn flash, tuy nhiên bạn nên tham khảo các thủ thuật bên dưới để đảm bảo luôn “săn” được những bức ảnh đẹp nhất.
Về lý thuyết, sử dụng đèn flash của máy chụp hình là việc đơn giản: bạn cần sự trợ giúp này khi không thể chụp ảnh chỉ với ánh sáng tự nhiên. Hầu hết máy ảnh hiện nay đều trang bị đèn flash, tuy nhiên bạn nên tham khảo các thủ thuật bên dưới để đảm bảo luôn “săn” được những bức ảnh đẹp nhất.
1. Biết rõ lúc nào phải dùng flash: 
Vài người luôn để đèn flash máy chụp hình ở chế độ mở, do đó sẽ có trường hợp đèn flash “đánh” không cần thiết. Trong khi đó, vài người lại tắt hẳn flash. Tốt nhất, bạn nên tắt flash và chỉ bật khi thực sự cần thiết.  
Hầu hết máy chụp hình đều cảnh báo người dùng bằng một biểu tượng trên kính ngắm khi không đủ ánh sáng để có được bức ảnh đẹp nếu không dùng đèn flash. Hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để hiểu được thông báo và để giải quyết tình huống này. Bạn cũng có thể kiểm tra tốc độ màn trập mà máy ảnh đang dự định sử dụng; giá trị dưới 1/60 giây là quá chậm. Ngoài ra, bạn cũng có thể tăng độ nhạy ISO hay bật flash. 
2. Biết rõ các chế độ flash: 
Nhiều khả năng đèn flash trên máy ảnh của bạn còn hỗ trợ các chế độ khác ngoài tắt và mở. Bạn phải biết rõ khi nào cần chuyển hẳn sang chế độ "phủ flash" (fill flash) để tránh hiện tượng bóng đổ khi chụp ảnh người đang đứng ngoài trời dưới ánh nắng trực tiếp và khi nào cần chọn tính năng giảm mắt đỏ (red eye reduction) để chụp ảnh trong nhà dưới điều kiện thiếu sáng. 
3. Dùng đèn flash phụ: 
Đèn flash tích hợp trên máy thường có tầm "đánh" hạn chế - trong hầu hết trường hợp, khoảng cách xa nhất là khoảng 4 mét tính từ máy đến đối tượng cần chụp. Nếu cần chụp ở khoảng cách xa hơn, bạn hãy cân nhắc bổ sung một đèn flash bên ngoài cho máy chụp hình để mở rộng cự ly chụp lên đến 12, 16 và thậm chí trên 20 mét.  
4. "Hắt" nguồn sáng: 
Nguồn sáng từ đèn flash rọi trực tiếp lên đối tượng cần chụp thường tạo cảm giác chói và lạnh lẽo; do đó, nếu sử dụng một đèn flash bên ngoài thì sự "hắt sáng" sẽ làm các ảnh chụp trở nên mềm mại và chân thật. Bạn có thể "hắt" nguồn sáng từ đèn trần hay sử dụng 1 tấm "bao sáng" có nhiệm vụ khuếch tán và đổi hướng nguồn sáng. Bạn có thể tự tạo 1 tấm bao sáng theo hướng dẫn tại trang Make (find.pcworld.com/70056).  
5.Chiếu sáng một cảnh rộng: 
Muốn chụp ảnh của một căn phòng rộng? Bạn cần có một đèn flash rời, tuy nhiên đừng gắn đèn flash này lên máy ảnh, thay vào đó bạn hãy mở đèn và cầm trên tay. Tiếp đến, bạn đặt máy ảnh lên giá đỡ (dạng 3 chân) và chỉnh tốc độ ở mức phơi sáng lâu (khoảng 30 giây). Sau đó, bạn đi vòng quanh và thủ công đánh flash ở các góc của căn phòng. Đừng để đèn flash rời này “dính” vào ảnh trường và đừng hướng đèn flash trực tiếp vào máy ảnh, bạn chỉ hướng đèn flash vào đối tượng cần chiếu sáng. 

Bí quyết để có ảnh trẻ em đẹp

Đánh giá
1
2
3
4
5
6
7
8
9
Huy Thắng

Chụp ảnh trẻ em không khó mà cũng không dễ. Bài viết đưa ra những lưu ý để chọn mua máy ảnh phù hợp, cũng như những một số "ngón nghề" cơ bản khi chụp đối tượng này.
Con trẻ là niềm hãnh diện và niềm vui của mọi bậc cha mẹ. Những người mới có con thường sắm máy ảnh để lưu giữ những thời khắc quý báu, từ những hình ảnh ngày đầu đứa trẻ bập bẹ tập nói cho đến những bước chân chập chững đầu đời của bé.
Trong thời gian 2 năm đầu đời của bé, việc chụp những hình ảnh sắc nét thường dễ thực hiện vì hầu hết là ảnh tĩnh do bé chưa biết đi. Nhưng qua tuổi đó, nhiều bậc phụ huynh thất vọng khi nhận thấy máy ảnh của họ không còn bắt kịp đứa trẻ đã trở nên quá hiếu động. Hình ảnh chụp không còn sắc nét được như trước.
Các dòng máy ngắm chụp PnS (point-and-shoot) lý tưởng cho các bậc cha mẹ là máy có tốc độ tự chỉnh nét nhanh để chụp ảnh bé đang di chuyển. Máy cũng phải có thời gian khởi động nhanh và sẵn sàng để bắt kịp ngay khoảnh khắc quí giá. Ngoài trọng lượng nhẹ và dễ mang theo trong giỏ đồ dùng của bé, chiếc máy ảnh lý tưởng phải có các thiết lập chế độ đặc trưng tối ưu để chụp ảnh bé. Chẳng hạn như mẫu máy ảnh FinePix F500EXR của Fujifilm có chế độ chụp ảnh trẻ con (Baby Mode) cùng với các tùy chọn xử lý ngay trong máy cho chế độ chụp chân dung.
Một số mẫu máy ảnh khác cũng có các tính năng độc đáo như máy ảnh Samsung ST700, cho phép người dùng khởi động các hình ảnh hoạt hình xinh xắn lên màn hình LCD ở mặt trước để hướng sự chú ý của trẻ vào máy khi chụp. Cuối cùng là, máy ảnh nên có nút quay video riêng để người dùng chỉ cần bấm nút một lần là có thể bắt đầu quay video và ghi lại những thời khắc đẹp đẽ hiếm hoi.
Các tính năng phải có
Các chế độ chuyên dụng: Chế độ chụp liên tục (Burst-Mode), chế độ phát hiện khuôn mặt (Face detection Mode), Chế độ chụp trẻ em (Child Mode hay Baby Mode).
Màn hình lớn và có nút quay video riêng.
Các tính năng nên có
Các tính năng độc đáo: Tính năng kết nối Wi-Fi, màn hình LCD xoay được hay 2 màn hình, chụp ảnh định dạng RAW.
Một số mẫu máy ảnh nên mua
 Canon PowerShot S100Panasonic Lumix DMC-LX5 Fujifilm FinePix F550EXR  Samsung ST700
 12-megapixel 10-megapixel 16-megapixel 16-megapixel
 Có nút video riêng Có nút video riêng Có nút video riêng Không có nút video riêng
 Chụp ảnh RAW Chụp ảnh RAW Biên tập trên máy, chụp ảnh RAW Màn hình LCD ở mặt trước
 99 x 60 x 28mm 110 x 65 x 43mm 104 x 63 x 33mm 99 x 55 x 20mm
 198g 260g 215g 121g
Phụ kiện cần thiết
Thẻ nhớ dung lượng cao hơn
Nếu thích quay video cho trẻ, bạn nên có thẻ nhớ dung lượng cao hơn vì các clip HD thường chiếm nhiều dung lượng lưu trữ. Ngoài ra, bạn có thể chụp nhiều hình ảnh và quay nhiều video hơn mà không cần phải thay thẻ nhớ trong khi thao tác.
Dụng cụ vệ sinh
Trẻ con thường tò mò và ưa để lại dấu tay trên ống kính camera. Bạn nên đem theo ống thổi và giẻ lau mịn để làm sạch ống kính máy ảnh. Sau khi đi biển hay công viên về, nhớ lau máy ảnh bằng khăn khô để tránh ẩm làm hư máy.
Pin dự phòng
Quay video và thường xuyên xem lại hình ảnh trên máy có thể làm giảm thời gian sử dụng pin nhanh chóng. Bạn nên mang theo pin dự phòng, nhất là khi đang đi du lịch và không có nhiều thời gian để sạc máy ảnh. Bạn hãy nhớ đánh số các pin và sạc chúng theo thứ tự và đúng quy cách.
Dây đeo cổ
Cần phải có dây đeo cổ để được rảnh tay, nhất là khi bạn phải trông chừng trẻ trong khi phải mang các món hàng bạn đang mua sắm hay các thứ khác. Khi chọn mua dây đeo cổ, nhớ tìm mua dây có đệm cổ êm để mang lâu được thoải mái.
Túi đệm
Thay vì phải mang theo nhiều túi xách, bạn có thể dùng túi đệm và đặt máy ảnh vào bất kỳ túi xách nào để bảo vệ máy ảnh, dù đó là máy ảnh ống kính rời dSLR hay máy du lịch PnS. Vài loại túi đệm có miếng ngăn Velcro để dễ sắp xếp tùy ý người dùng. Để bảo vệ thêm cho máy, bạn có thể mua miếng phủ che mưa phòng khi thời tiết trở xấu.
Các món “đồ chơi” khác
Các món đồ chơi như gấu nhồi bông hay lục lạc có thể giúp hướng trẻ chú ý vào máy ảnh. Việc này giúp bạn chụp được những hình ảnh khi mà ánh mắt hướng vào máy sẽ làm ảnh chụp chân dung nhìn duyên dáng hơn. Các món này cũng có thể dùng để chụp và giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn khi được cầm món đồ chơi quen thuộc.
Túi chống thấm nước
Cả ngày ngoài bãi biển có thể nguy hiểm cho máy ảnh của bạn vì cát và hơi nước có thể làm hư máy. Do đó bạn nên dùng túi chống thấm nước để bảo vệ máy. Ngoài ra, bạn có thể chụp được những cảnh độc đáo gần hay ở trong nước hơn là phải giữ máy trong túi xách.
Máy in ảnh
Thay vì để ảnh chụp con trẻ của bạn nằm đợi trong thẻ nhớ hay đĩa cứng, bạn có thể in ảnh của chúng ra ngay tại nhà để tiện "khoe" với người thân và bạn bè. Các máy in ảnh loại này có khả năng in ảnh cỡ 10 x 15cm, dễ dùng và không chiếm chỗ.
Máy in Canon Selphy ES40 có màn hình LCD màu 3,5-inch để xem hình và có hệ thống trợ giúp bằng giọng nói 7 ngôn ngữ. Máy cũng có những kiểu trình bày và hiệu ứng hình ảnh khác thường, in ảnh không bị nhòe mực mà vẫn giữ được khung nhỏ. Mẫu Selphy ES40 này còn có card Bluetooth tùy chọn để in ảnh từ điện thoại di động hay các thiết bị Bluetooth khác.
Sách ảnh
Nếu muốn có thứ gì đó cá tính hơn, bạn nên thử làm các ảnh đã chụp thành sách mà bạn sẽ cảm thấy hãnh diện và thích thú. Có vài dịch vụ sách ảnh cung cấp phần mềm xuất bản miễn phí với nhiều mẫu sách và công cụ tùy biến để những người đam mê nhiếp ảnh thiết kế sách riêng của họ. Người dùng có thể chọn các tùy chọn như bìa da cứng hay giấy có vân trang trí.
Chẳng hạn dịch vụ sách ảnh Burb giúp các bậc phụ huynh có đầu óc kinh doanh chọn bán sách ảnh của họ cho người dùng khác. Ngoài ra, người dùng cũng có thể in ảnh lên áo thun, bưu thiếp, ly tách và thiệp chúc mừng.
Thủ thuật chụp chân dung nhanh
Chụp đúng lúc
Đôi khi chụp từng ảnh có thể làm bạn không chụp được khoảnh khắc cần chụp, nhất là khi con trẻ của bạn luôn luôn cử động. Hãy cố tiên đoán khoảnh khắc đó và chụp càng nhiều ảnh càng tốt. Thẻ nhớ ngày nay giá đã rất rẻ, nhưng các khoảnh khắc đẹp thường rất hiếm. Dùng thiết lập chế độ chụp liên tục (burst-mode), bạn sẽ có thể chụp nhanh nhiều ảnh rồi sau đó chọn ảnh tốt nhất.
Góc chụp độc đáo
Ảnh chụp từ trên xuống có thể trông nhàm chán. Hãy hạ thấp máy xuống vừa với độ cao hay tầm mắt của bé để chụp lấy hình ảnh từ một góc độ khác.
Cận cảnh trừu tượng
Thay vì gom hết mọi thứ vào khung hình, bằng cách chụp các góc cạnh trừu tượng như cận cảnh nắm tay hay bàn chân nhỏ xíu của bé, bạn có thể thêm được một yếu tố nghệ thuật cho hình ảnh mà bạn chụp.
Chiếu sáng gián tiếp
Đèn flash có thể làm màu da của bé bị thô và không tự nhiên. Ánh sáng tự nhiên từ cửa sổ lớn hay nguồn sáng gián tiếp thường làm ảnh chân dung sáng láng hơn. Ngoài ra, chớp sáng thình lình có thể có tác dụng ngược, vì trẻ có thể bị sốc hay hoảng sợ.
Thiết lập ISO cao
Chụp ảnh bị nhiễu còn hơn không chụp được ảnh. Khi chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng, cứ tăng ISO lên khoảng 1.600 hay 3.200. Bạn vẫn có thể làm sạch các ảnh bị hạt với phần mềm giảm nhiễu của hãng thứ ba như Noise Ninja.
Nguồn: Cnet

Hướng dẫn mua máy ảnh DSLR

Đánh giá
1
2
3
4
5
6
7
8
9
Huy Thắng

Nếu không phải là dân chuyên nghiệp, bạn có thể tìm mua máy ảnh kỹ thuật số ống kính rời (DSLR) với giá dưới 1.000 USD. Nhưng làm thế nào để chọn đúng máy? Sau đây là vài hướng dẫn.
Đối với những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, máy ảnh số ống kính rời DSLR (digital single lens reflex) là thiết bị cần thiết phải có. Loại máy ảnh này có hiệu năng nhanh hơn, kiểm soát được nhiều thiết lập hơn và có chất lượng hình ảnh tốt hơn so với ngay cả các loại máy ảnh ngắm - chụp PnS (point-and-shoot) hàng đầu. Điều quan trọng hơn là bạn có thể thay đổi ống kính của máy ảnh DSLR.
Nhờ những cải tiến gần đây, máy ảnh DSLR đang ngày càng được các nhà nhiếp ảnh nghiệp dư ưa chuộng. Các máy ảnh DSLR hiện nay có các chế độ chụp định trước, giao diện thân thiện, chế độ hướng dẫn hữu ích và có thiết kế gọn nhẹ hơn.
Bạn có thể tìm mua máy ảnh DSLR với giá dưới 1.000 USD (~21 triệu đồng). Nhưng đó vẫn là một khoản đầu tư đáng kể. Làm thế nào để chọn đúng máy? Sau đây là vài hướng dẫn mua máy ảnh DSLR nếu bạn đang tìm mua vào dịp nghỉ lễ năm nay.
Tìm hiểu những điều cơ bản
Sau đây là vài điểm chủ yếu phải xem xét trước khi chọn mua máy ảnh DSLR:
Số điểm ảnh: Số điểm ảnh megapixel (hay còn gọi là độ phân giải) cao chưa chắc đã cho chất lượng hình ảnh tốt hơn. Tuy nhiên, nó cho phép bạn linh hoạt hơn khi cắt cúp hay phóng to hình. Ngày nay, hầu hết máy ảnh số đều có số điểm ảnh ít nhất là 10-megapixel, nhiều hơn mức cần thiết đối với hầu hết các nhà chụp ảnh. Ảnh chụp ở độ phân giải 5-megapixel là đủ để in ra ảnh kích thước 8x10-inch rõ nét. Ảnh chụp 8-megapixel có thể in ra ảnh 11x14-inch rõ nét.
Một tập tin 10-megapixel có thể in ra ảnh 13x19-inch chấp nhận được dù có thể bị mất vài chi tiết. Ảnh chụp bằng máy ảnh 13-megapixel in ra đẹp với cỡ 13x19-inch. Nhiều máy ảnh DSLR ngày nay có độ phân giải cao hơn 13-megapixel - tốt hơn để phóng to và cắt cúp hình ảnh của bạn. Nên nhớ rằng số megapixel càng cao, dung lượng tập tin càng lớn, làm chiếm chỗ trên thẻ nhớ của máy ảnh và đĩa cứng máy tính của bạn.
Kích cỡ bộ cảm biến: Máy ảnh có bộ cảm biến lớn hơn và ống kính tốt hơn thường chụp được ảnh tốt hơn, không tính đến số điểm ảnh. Bộ cảm biến lớn hơn sẽ chụp được hình ảnh đẹp hơn, cũng giống trường hợp ống kính có chất lượng cao hơn; đây là lý do tại sao máy ảnh DSLR chụp được ảnh tuyệt vời đến thế. Nếu bạn không thể có dịp chụp thử máy trước khi quyết định có mua hay không, hãy nhớ kiểm tra đặc tả của máy để biết kích cỡ bộ cảm biến, và so sánh nó với một máy ảnh khác mà bạn cũng đang dự tính mua.
Ống kính là một thành phần rất quan trọng cho máy ảnh DSLR.
Hợp nhu cầu: Máy ảnh DSLR thường có giá từ 500 USD (~10,5 triệu đồng) đến hơn 1.000 USD (~21 triệu đồng). Nếu bạn mới sử dụng máy ảnh DSLR, hãy tìm mua các dòng máy dưới tầm giá 1.000 USD. Loại này có chế độ chụp định sẵn mà bạn có thể dùng, trong khi vẫn có thể tìm hiểu cách sử dụng các thiết lập thủ công mà hình ảnh bạn chụp không bị giảm chất lượng. Và nếu sau này bạn vẫn quyết định nâng cấp lên một máy ảnh đắt tiền hơn, bạn có thể mua máy có cùng kiểu ống kính và phụ kiện.
Chỉ mua thân máy: Nhiều máy ảnh DSLR có thể được bán chỉ có thân máy và bạn cần phải mua thêm ống kính thích hợp để chụp ảnh. Các loại khác (nhất là các mẫu cấp thấp) cũng thường được bán với một ống kính đa năng chất lượng tương đối đi kèm. Các ống kính loại này thường có độ mở nhỏ, có nghĩa là khó chụp được ảnh hành động sắc nét trong điều kiện thiếu sáng mà không dùng đèn flash. Nếu bạn dự định chụp ảnh trong nhà, có lẽ bạn sẽ phải mua một ống kính có độ mở lớn hơn.
Lựa chọn ống kính: Nếu bạn muốn sử dụng nhiều ống kính để chụp trong các điều kiện khác nhau (như ống kính zoom để chụp xa, ống kính macro để chụp cận cảnh, hay ống kính có hiệu ứng mắt cá fish-eye), hãy xét chọn một ống kính cho máy ảnh DSLR trước khi mua máy. Nếu ống kính theo máy không hữu ích gì nhiều với bạn, bạn hãy mua thân máy rời và đầu tư riêng cho ống kính mà bạn thật sự cần.
Tính năng cần lưu ý
Khi đã giải quyết xong các điều cơ bản như số điểm ảnh và kích cỡ bộ cảm biến cần thiết, bạn nên giới hạn tìm kiếm trong số máy ảnh có thể chọn mua. Bạn nên quyết định tùy theo vài tính năng và hiệu năng kể sau.
Tính năng chống rung: Ngay cả khi bạn cho là mình có tay chụp rất vững, ảnh của bạn chụp ra cũng có thể bị nhòe - nhất là trong trường hợp chụp trong nhà, thiếu sáng mà bạn không muốn dùng đèn flash (như trong nhà thờ hay viện bảo tàng). Trong các tình huống này, cửa trập phải mở lâu hơn để tạo độ phơi sáng tốt. Cửa trập càng mở lâu, hình ảnh của bạn càng dễ bị ảnh hưởng do máy ảnh bị rung hay chủ thể chuyển động.
Để giải quyết các vấn đề này, nhiều hãng sản xuất máy ảnh và ống kính dùng công nghệ chống rung, hay còn gọi là ổn định hình ảnh (image stabilization). Nhưng các phương pháp chống rung đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng của nó.
  • Chống rung quang học: Được sử dụng trong các dòng máy ảnh nhỏ gọn và máy ảnh ống kính rời DSLR, tính năng chống rung quang học là phương pháp chống rung thông dụng nhất. Phương pháp này dùng con quay hồi chuyển trong máy ảnh hay trong ống kính của máy để phát hiện độ rung của máy, và sau đó ổn định đường đi của hình ảnh khi hình ảnh được truyền đến bộ cảm biến của máy ảnh. Trong các máy ảnh DSLR, con quay hồi chuyển thường được lắp đặt trong ống kính.
  • Chống rung cảm biến: Công nghệ này hoạt động tương tự như chống rung quang học: Với công nghệ chống rung cảm biến, các con quay hồi chuyển được đặt trong thân máy chứ không phải ở trong ống kính, sẽ phát hiện độ rung máy và sau đó làm chuyển động bộ cảm biến hình ảnh để làm mất tác dụng độ rung. Dù công nghệ này có áp dụng trên vài loại máy ảnh ngắm chụp, ổn định cảm biến được sử dụng nhiều hơn trong các máy ảnh SLR.
  • Chống rung kỹ thuật số: Khác với chống rung quang học và cảm biến, theo đó hình ảnh được chỉnh trong lúc chụp, phương pháp chống rung kỹ thuật số giúp làm hình ảnh rõ hơn bằng cách chỉ thay đổi các thiết lập của máy ảnh hay bằng cách sửa đổi hình ảnh sau khi chụp. Có nhiều phương pháp chống rung kỹ thuật số. Phương pháp hữu ích nhất là Intelligent ISO. Được dùng chủ yếu trong máy ảnh ngắm chụp, tính năng Intelligent ISO tự động tăng thiết lập độ nhạy sáng ISO khi bộ cảm biến hình ảnh phát hiện một vật đang di chuyển. Kết quả là máy ảnh sẽ có thể dùng một tốc độ trập nhanh hơn để chụp ảnh, như vậy sẽ làm ngưng được chuyển động của chủ thể và giảm thiểu được độ nhòe. Tuy nhiên, độ nhạy sáng cao có thể làm hình ảnh bị hạt.
Ống ngắm: Máy ảnh có 3 kiểu ống ngắm cơ bản: Ống ngắm quang (OVF - Optical viewfinder), ống ngắm điện tử (EVF - electronic viewfinder) và màn hình LCD ngắm trực tiếp. Hai kiểu đầu tiên là kiểu ống ngắm bằng mắt, trong khi kiểu thứ 3 cho phép bạn xem trước cảnh chụp trên màn hình LCD của máy. Hầu hết các máy ảnh DSLR đều có thêm màn hình LCD ngoài ống ngắm bằng mắt. Khi đánh giá máy ảnh, bạn nhớ xem ống ngắm có sáng hay không, bạn có thể thấy từ phía này sang phía kia, và độ nét của màn hình ống ngắm điều có trong rõ hay không.
  • Màn hình LCD ngắm trực tiếp (Live View): Xem hình ảnh trực tiếp trên màn hình LCD xoay được là một tính năng tuyệt vời cho người dùng mới làm quen máy ảnh DSLR, hay chụp từ vị trí dưới thấp hay trong các trường hợp khác mà bạn không thể ngắm qua ống ngắm. Nếu màn hình LCD không điều chỉnh được, màn hình Live View vẫn giúp bạn chụp ảnh khi đặt máy trên chân đế một cách thoải mái hơn. Không may là màn hình LCD có thể bị phản chiếu và chói nắng, khó xem trong môi trường sáng chói. Ngoài ra, trên hầu hết máy ảnh, khi chụp ở chế độ Live View, bạn phải mở gương máy SLR lên. Điều đó có nghĩa là máy ảnh mất tính năng chỉnh tự động. Để tính tiêu cự, máy phải phân tích hình ảnh máy đang thấy (mẫu máy A55 của Sony giải quyết vấn đề này với một loại gương mờ). Quá trình này lâu hơn chỉnh tự động bình thường, nên khi chụp với Live View bạn cần phải ước lượng các vấn đề tiêu cự và điều chỉnh kỹ thuật chụp của bạn cho thích hợp
  • Ống ngắm quang: Ống ngắm quang trên các máy ảnh DLSR cho thấy đúng những gì ống kính thấy được, nhưng thường hơi bị xén ở phần xung quanh. Nhiều nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp thích dùng ống ngắm quang vì chúng có đầy đủ dải động của mắt người, và không bị thời gian trễ. Mặc dù đôi khi có vẻ như bạn đang nhìn qua một đường hầm. Ống ngắm quang trên các máy ảnh trên 1.000 USD có chất lượng tốt hơn
  • Ống ngắm điện tử: Được dùng trên nhiều loại máy ảnh ống kính rời nhỏ gọn. Loại ống ngắm này ít choán chỗ trong máy ảnh có thân nhỏ hơn và nhẹ hơn. Đó là những hồi tiếp video được chiếu lên nên có thể có độ phân giải thấp. Chúng cũng không cho bạn thấy đầy đủ dải động của cảnh chụp, làm bạn khó quyết định sáng tạo về cách bạn muốn trình bày bức ảnh. Chúng cũng bị thời gian trễ có thể làm cản trở các nhà nhiếp ảnh thể thao. Những gì loại ống ngắm này có thể làm là cung cấp thêm thông tin và cho thấy trước hình ảnh sẽ chụp được ra sao với thiết lập khẩu độ, tốc độ trập và ISO của bạn.
Đèn flash: Khi mua máy ảnh DSLR, bạn phải biết máy có flash loại gì và bạn có thể kiểm soát thiết lập flash đến mức độ nào. Vài loại máy ảnh DSLR có tích hợp sẵn một flash nhỏ, các loại khác có giá để gắn flash rời vào máy, và có vài loại máy có cả 2. Nếu máy ảnh có giá gắn mà không có flash, hãy kiểm tra xem có flash gắn ngoài trong bộ phụ kiện hay bạn phải mua flash riêng.
Giá gắn flash rời.
Flash tích hợp sẵn rất tiện dụng, nhưng chất lượng không cao bằng flash gắn ngoài. Nếu bạn dự tính mua máy ảnh DSLR để chụp bình thường hay nếu bạn phải đi du lịch gọn nhẹ, bạn nên dùng flash tích hợp sẵn. Nếu bạn là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp muốn cải thiện chất lượng ảnh chụp có flash của bạn – và không quan tâm đến trọng lượng của máy – hãy tham khảo ý kiến những người chuyên nghiệp và chọn mua máy có giá gắn flash rời. Bạn có thể gắn flash rời để chiếu sáng rộng hơn và xa hơn so với flash tích hợp, và có ánh sáng ổn định hơn. Loại flash này cũng có thể nâng đầu flash lên trên ống kính, giúp giảm tình trạng mắt đỏ. (Không nên sử dụng chế độ chống mắt đỏ của máy ảnh trong trường hợp này vì chế độ này dùng khó chịu hơn là hữu ích.) Vài loại flash rời có đầu xoay được cho phép bạn chiếu ánh sáng dội lên trần để tạo ánh sáng khuếch tán tự nhiên. Ngoài ra, flash gắn ngoài không làm hao pin máy ảnh vì chúng dùng nguồn pin riêng.
Bạn nhớ kiểm tra xem máy ảnh bạn dự định mua có cho phép truy xuất nhanh chóng các chế độ flash khác nhau không, gồm chế độ Mở (chế độ này bắt flash phải chớp ngay cả khi máy ảnh phát hiện đủ sáng – chế độ này dùng để chiếu sáng phông nền), chế độ Tắt (để ngăn không cho flash chớp ngay cả trong trường hợp thiếu sáng), và chế độ Đồng bộ chậm Slow-Sync (còn được gọi là chế độ chụp đêm). Chế độ Đồng bộ chậm đặc biệt hữu ích vì nó báo cho máy ảnh sử dụng tốc độ trập thấp cùng với flash, nhờ đó chi tiết hậu cảnh sẽ không bị mất đi. Nếu chế độ này không thấy có trong các thiết lập flash, bạn hãy xem trong các chế độ được lập trình sẵn của máy. Vài loại máy ảnh cũng có thêm tính năng khóa phơi sáng flash FE Lock (Flash Exposure Lock) tiện dụng. Tính năng này dùng để báo cho máy ảnh biết hướng nào là quan trọng nhất của cảnh chụp và sau đó cung cấp đủ flash để chiếu sáng hướng đó.
Lấy nét tự động: Khi mua máy ảnh, bạn sẽ có nhiều thông tin về các hệ thống lấy nét tự động khác nhau. Điều này có nghĩa là chúng có thể phát hiện chủ thể trong nhiều phần của khung ảnh hơn. Điểm đánh giá càng cao càng tốt, nhưng tốc độ của cơ chế lấy nét tự động cũng quan trọng không kém. Nhưng các máy ảnh DSLR không có độ trễ cửa trập như nhiều camera ngắm chụp. Ngoài ra, khi lấy nét trên máy ảnh DSLR, bạn cần phải nhấn nút cửa trập nửa chừng và có thể mất nhiều thời gian trên nhiều loại máy ảnh. Nếu bạn đã có kinh nghiệm sử dụng máy ảnh DSLR trước khi mua máy, hãy kiểm tra tốc độ lấy nét tự động.
Lấy nét tự động liên tục là một tính năng tiện dụng khi bạn chụp ảnh các chủ thể đang di chuyển. Vài loại máy ảnh DSLR hiện nay cũng có tính năng lấy nét liên tục khi quay video. Đây là một tính năng tuyệt vời, nhưng nếu bạn quay video mà không dùng micro gắn ngoài, video của bạn có thể ghi được âm thanh từ ống kính đang chỉnh nét.
Kích thước máy: Máy ảnh DSLR thường có kích thước lớn hơn và nặng hơn máy ảnh ngắm chụp, nên quan trọng là máy cầm có thoải mái không. Một máy ảnh cầm thoải mái trong tay của người này, nhưng có thể là quá lớn hay quá nhỏ đối với người khác. Nếu bạn quan tâm về kích thước và trọng lượng, bạn nên mua máy ảnh nhỏ gọn có ống kính thay đổi được, loại này có thân máy nhỏ bằng loại máy ảnh ngắm chụp.
Tự động lau bụi: Nếu bạn phải thường thay đổi ống kính, hãy tìm mua máy ảnh DSLR có bộ phận làm sạch cảm biến trong. Bộ phận này giúp giữ sạch bộ cảm biến hình ảnh, và chống bụi. Nếu bạn thường dùng máy ảnh trong điều kiện ngoài trời khắc nghiệt, bạn sẽ cần phải làm sạch máy ảnh bằng cách thủ công.
Định dạng tập tin: Máy ảnh DSLR hỗ trợ các định dạng tập tin thô (RAW), đó là những tập tin chưa được xử lý. Tập tin RAW linh hoạt nhất để hiệu chỉnh khi bạn mở ảnh chụp trong phần mềm biên tập hình ảnh. Tuy nhiên, nếu máy ảnh là loại mới sản xuất, có thể bạn phải chờ có phần mềm biên tập của các hãng thứ ba, như Adobe và Apple, để hỗ trợ dịnh dạng RAW của máy. Máy ảnh DSLR cũng hỗ trợ định dạng JPEG mà tất cả các trình biên tập hình ảnh đều có thể đọc, bất kể ảnh được chụp bằng kiểu máy nào. JPEG nén dữ liệu thành tập tin thô có kích thước tập tin nhỏ hơn để không chiếm nhiều dung lượng lưu trữ, nhưng thường không cho chất lượng hình ảnh tốt.
Chế độ chụp liên tục: Nếu bạn chụp ảnh các sự kiện thể thao, trẻ em hay các chủ thể đang chuyển động nhanh, chế độ chụp liên tục sẽ cho ra hình ảnh khác biệt thấy rõ. Chế độ này cho phép bạn giữ nút cửa trập để chụp nhiều ảnh liên tục rất nhanh. Số ảnh bạn có thể chụp mỗi lần tùy thuộc hệ thống điện tử của máy ảnh. Và trong vài trường hợp, điều này còn tùy thuộc vào loại thẻ nhớ bạn sử dụng. Bạn có thể sẽ cần loại thẻ nhớ có tốc độ cao để tận dụng tốc độ chụp nhanh nhất của máy ảnh. Hãy nhớ xem xét đến yếu tố này khi quyết định mua máy. Để đạt hiệu quả, chế độ chụp liên tục phải bắt được hình ảnh ít nhất 3 fps (khung mỗi giây) hay nhanh hơn với độ phân giải cao nhất của máy.
Phát hiện khuôn mặt: Khi mở chế độ chụp liên tục, máy ảnh của bạn sẽ xác định vị trí các người trong ảnh chụp, điều chỉnh tiêu cự và độ phơi sáng cho các khuôn mặt đó. Dù việc này nghe có vẻ như là quảng cáo giả tạo, nhưng tính năng này hoạt động rất tốt và giúp bạn có cơ hội chụp ảnh đẹp trong các tiệc cưới hay sum họp gia đình. Thường thì tùy chọn này nằm trong trình đơn lấy nét tự động AF (autofocusing) của máy ảnh. Tính năng phát hiện khuôn mặt đặc biệt tiện dụng để chụp các ảnh đơn giản, khi bạn phải thao tác nhanh và do đó ảnh dễ bị chỉnh nét không đúng. Tính năng này cũng tiện lợi khi chụp có flash. Khi mở tính năng phát hiện khuôn mặt, flash sẽ không chiếu sáng cả phòng mà chỉ chiếu sáng vào người trong tầm chụp, giúp giảm hiệu ứng "nổ hạt nhân" (nuclear blast).
Quay video: Nhiều máy ảnh DSLR ngày nay đều có tính năng quay video, thường ở độ phân giải HD hay thậm chí là Full HD. Nếu bạn đã từng sử dụng máy quay video chuyên dụng, giờ đây bạn có thể sẽ cảm thấy hài lòng khi dùng máy ảnh DSLR với chất lượng quay video khá tốt. Và vì bạn có thể tận dụng nhiều ống kính, kể cả ống kính mắt cá (chụp ảnh lồi), bạn có thể đạt được các hiệu ứng video thú vị với máy ảnh DSLR. Nên nhớ là video cần nhiều dung lượng lưu trữ, nên bạn hãy có kế hoạch thích hợp.
Thẻ nhớ SDHC Class 6.
Lưu trữ: Nếu bạn đã có sẵn card lưu trữ mà bạn muốn dùng với máy ảnh mới của bạn, hãy kiểm tra xem nó có tương thích với máy mới mua hay không. Hầu hết máy ảnh bán trên thị trường ngày nay đều dùng card có định dạng SD (Secure Digital) hay SDHC (Secure Digital High Capacity). Card SDHC có giá đắt hơn, có dung lượng lưu trữ lên đến 32 GB, nhưng không tương thích với khe SD chuẩn. Cũng có một loại card định dạng mới là SDXC (Secure Digital Extended Capacity) hỗ trợ dung lượng lưu trữ lên đến 2TB; loại card này đắt tiền hơn nhiều và không tương thích với khe card chuẩn SD/SDHC.
Ngoài dung lượng, cũng cần phải xét đến vấn đề tốc độ của thiết bị lưu trữ. Card SD và SDHC có liệt kê xếp loại giải mã (Decoding Class) về tốc độ ghi dữ liệu cho mỗi loại card. Số loại giải mã càng cao, tốc độ ghi càng nhanh. Nếu bạn dự tính quay video hay sử dụng chế độ chụp liên tục tốc độ cao, hãy tìm mua card ít nhất là loại Class 4 hay Class 6. Loại card có tốc độ cao nhất hiện nay là Class 10 với tốc độ ghi cam kết 10MB/s.
Trên thị trường hiện cũng có bán các loại định dạng khác. Vài loại máy ảnh hỗ trợ card MicroSD hay MicroSDHC, một phiên bản nhỏ hơn của định dạng card SD/SDHC nhưng không tương thích với khe SD cỡ lớn. Các loại máy ảnh Sony trước đây thường dùng thẻ nhớ MemoryStick (MS), và các loại máy ảnh Olympus đời cũ dùng định dạng card XD (eXtreme Digital).
Ngày nay, các loại máy ảnh mới của cả hai hãng Sony và Olympus đều có hỗ trợ card SD/SDHC. Ngoài ra, nhiều máy ảnh DSLR cao cấp có khe cho card CF (CompactFlash) kích thước lớn hơn. Khi mua thiết bị lưu trữ cho máy ảnh, bạn nên xem xét tất cả các tùy chọn này, nhưng dễ hơn hết là bạn nên mua card SD/SDHC chuẩn để có thể sử dụng với các loại máy ảnh.
Thời gian sử dụng pin: Máy ảnh thường sử dụng các loại pin sau đây: AA, alkaline hay NiMH sạc lại được; CRV3 dung lượng cao dùng một lần; hay pin sạc riêng của hãng. Vài loại máy ảnh kỹ thuật số dùng pin cạn kiệt rất nhanh – nhất là pin alkaline – gây tốn kém và bực mình. Thời gian sử dụng pin và giá cả không liên quan gì đến nhau; vài loại pin rẻ tiền lại có thời gian sử dụng lâu, trong khi ngược lại thì vài loại đắt tiền lại cạn pin nhanh. Dù gì đi nữa, tốt hơn là bạn nên mua pin dự phòng.
Trình đơn: Khi đánh giá máy ảnh, bạn nên xem xét có thể tiếp cận các thiết lập thông dụng như điều chỉnh độ phân giải, chế độ chụp nhanh, flash và độ phơi sáng dễ dàng không. Và bạn có dễ dàng xem lại các ảnh vừa chụp hay không. Nếu có quá nhiều nút, bạn sẽ phí thời gian để tìm hiểu mỗi nút dùng để làm gì. Nếu có quá nhiều trình đơn, bạn sẽ mất thời gian tìm hiểu chúng.
Máy ảnh nhỏ gọn ống kính rời: Loại máy ảnh này, hay còn gọi là CILC (Compact interchangeable lens camera), là loại sản phẩm mới nằm giữa máy ảnh DSLR và máy ảnh ngắm chụp cao cấp. Thiết kế của máy ảnh loại này không có gương lật như của DSLR và chuyển bộ cảm biến gần hơn về phía sau của ống kính. Không có gương lật sẽ làm thân máy nhỏ hơn, trong khi bộ cảm biến được chuyển gần ống kính hơn giúp thiết kế ống kính nhỏ hơn.
Máy ảnh ống kính rời nhỏ gọn NEX C3 của Sony.
Như vậy, máy ảnh CILC và ống kính có thể được làm nhỏ hơn nhiều so với máy ảnh DSLR truyền thống, trong khi vẫn có chất lượng hình ảnh của máy DSLR và linh hoạt sử dụng thêm ống kính. Tuy nhiên, loại máy này không có ống ngắm quang. Thay vào đó, vài máy ảnh loại này có ống ngắm điện tử, trong khi các máy khác (nhất là máy loại nhỏ hơn) không có cả ống ngắm điện tử và bạn phải tùy thuộc hoàn toàn vào màn hình LCD để ngắm.
Lời kết
Với tất cả các yếu tố kể trên để xem xét, khó có thể đề nghị loại máy nào là tốt nhất cho mọi người. Hầu hết đều phải tùy theo nhu cầu, thương hiệu, kích thước, kiểu chụp, sở thích cá nhân và quan trọng hơn hết là túi tiền của bạn.
Nguồn: Macworld

Bài liên quan
  • Mua máy ảnh DSLR: ống kính quan trọng hơn thân máy? (04/10/2011 11:41)
  • Hai máy ảnh DSLR tầm trung mới của Canon (01/04/2011 15:48)
  • Điểm mặt máy ảnh DSLR trên 16 'chấm' (24/02/2011 10:55)
  • Chọn máy ảnh số: DSLR hay PnS? (06/12/2010 17:18)
  • Nikon DSLR D7000 sẽ thay thế D90 (16/09/2010 17:45)

    Bí quyết chụp ảnh đẹp bằng điện thoại

    Đánh giá
    1
    2
    3
    4
    5
    6
    7
    8
    9
    PHT

    Chiếc máy ảnh tốt nhất của bạn có lẽ là chiếc smartphone bạn vẫn dùng hàng ngày. Để có được những bức ảnh đẹp nhất, bạn hãy vận dụng những mẹo đơn giản sau.
    Câu châm ngôn “chiếc máy ảnh tốt nhất là chiếc luôn ở bên bạn” vào thời nay dường như ứng với chiếc điện thoại tích hợp camera của bạn. Làm thế nào để bạn chụp được những bức ảnh đẹp nhất với chiếc điện thoại của mình? Hãy tham khảo vài mẹo nhỏ sau.
    Zoom bằng… chân: Bạn đừng dùng chức năng zoom số của camera trên điện thoại, bởi vì nó sẽ làm giảm chất lượng ảnh chụp. Nếu có thể, hãy di chuyển tới gần chủ thể (hoặc chờ cho đối tượng tiến gần tới bạn).
    Để ý ánh sáng: Ánh sáng ảnh hưởng tới chất lượng ảnh chụp. Tuy không phải lúc nào bạn cũng có được điều kiện ánh sáng lý tưởng khi chụp, nhưng nên tránh ánh sáng chói chang vào buổi trưa để không bị hiện tượng “cháy” sáng.
    Giữ chắc điện thoại khi chụp: Để tránh bị nhòe hình, hãy cầm chắc tay máy. Tuy nhiên thực hiện điều này với chiếc điện thoại vừa nhỏ vừa nhẹ có vẻ không dễ. Vậy nên, bạn có thể lợi dụng một bờ tường gần bên, tỳ tay vào đấy, hoặc nếu có một chân đế giữ điện thoại cố định là chắc ăn nhất.
    Làm gọn phông nền: Nếu bạn muốn có được bức ảnh chân dung đẹp, hãy để ý phía sau chủ thể. Cố gắng chọn hậu cảnh đơn giản, gọn gàng. Không gì tệ hơn là những cành cây hoặc vài thứ gây mất tập trung khác lộn xộn phía sau chủ thể.
    Tăng độ phân giải: Thiết lập độ phân giải cho camera của điện thoại ở mức cao nhất có thể. Độ phân giải cao hơn sẽ đem đến chất lượng ảnh cao hơn.
    Cẩn thận với độ trễ của màn trập: Hãy chắc chắn bạn giữ chặt điện thoại cho đến khi thấy ảnh chụp xuất hiện trên màn hình. Hầu hết màn trập của camera trên điện thoại đều có độ trễ. Nghĩa là, camera vẫn trong quá trình chụp sau khi bạn đã nhấn nút chụp. Độ trễ mất chừng 1 giây hoặc hơn, nhưng như vậy cũng đủ để làm nhòe hình.
    Chọn góc chụp: Kích cỡ nhỏ gọn của điện thoại có thể đem lại cho bạn cơ hội khám phá ra những góc chụp đáng giá mà bạn không thể có với máy ảnh số ngắm-chụp hoặc ống kính rời (DSLR). Với cùng một chủ thể, hãy chụp thử từ nhiều góc độ hoặc độ cao khác nhau.
    Giữ sạch thấu kính: Hãy chắc chắn rằng thấu kính trên điện thoại luôn được giữ sạch sẽ. Mọi người thường nhét điện thoại trong túi quần chung với đủ thứ thường dùng khác (như chìa khóa, thanh nhớ USB…). Điều đó có thể khiến thấu kính bị dính bẩn hoặc tệ hơn nữa là bị trầy xước.
    Lấy đầy khung hình: Hãy để chủ thể tràn đầy màn hình. Đó là một cách đơn giản để có được những bức ảnh đẹp, nổi bật trên những màn hình nhỏ. Ví dụ, bức chân dung bao gồm đầu và vai thường trông ấn tượng hơn so với các bức ảnh chụp toàn thân.
    Chụp nhiều và thường xuyên: Chụp nhiều giúp bạn nâng cao kỹ năng, và làm tăng cơ hội có được một bức ảnh thật đẹp. Trừ khi dung lượng bộ nhớ của máy bị hạn chế, chụp thường xuyên khi có thể, và xóa bỏ đi sau đó.
    Nguồn: PC World Mỹ, 30/9/2011

    Chọn máy ảnh số: DSLR hay PnS?

    Đánh giá
    1
    2
    3
    4
    5
    6
    7
    8
    9
    Hoàng Oanh

    Sự lựa chọn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của bạn, đồng thời dựa trên các đặc điểm mạnh/yếu của dòng máy được chọn.
    Máy ảnh số DSLR hay PnS đều có những ưu thế và bất lợi riêng. Mua 1 chiếc PnS để “làm quen” trước khi chuyển sang dùng DSLR có lẽ sẽ không phải là một con đường đúng. Ít nhất, thói quen sử dụng PnS sẽ không áp dụng được hoàn toàn trên DSLR. Mà máy ảnh tốt hơn không có nghĩa là sẽ tạo ra một nhiếp ảnh gia tốt hơn, vì ảnh là do người chụp chứ không phải là máy chụp. Có rất nhiều những bức ảnh tuyệt vời được chụp từ máy PnS nghiệp dư, và cũng có rất nhiều bức ảnh tệ được chụp từ các đời máy DSLR “prồ”. Do vậy, sự lựa chọn sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của bạn, đồng thời dựa trên các đặc điểm mạnh/yếu của dòng máy được chọn.
    DSLR Nikon D3100.
    Thế mạnh của DSLR:
    • Mềm dẻo và linh hoạt. Tuy bề ngoại trông kềnh càng và cứng cáp song bên trong DSLR khá mềm dẻo, có nhiều kiểu thiết lập điều khiển để tạo ra ảnh
    • Chất lượng ảnh tốt. DSLR cho một dải rất rộng kích cỡ ảnh để kiểm soát chất lượng ảnh, đồng thời chụp với định dạng RAW cho phép xử lý hậu kỳ tốt
    • Nhiều ống kính. Mỗi một đời máy DSLR có thể sử dụng nhiều ống kính khác nhau đáp ứng từng nhu cầu chụp ảnh (chân dung, phong cảnh, micro…)
    • Dải ISO rộng. DSLR không những có dải nhạy sáng ISO rộng (thường từ 100 - 12800) mà còn có thể thiết lập độ nhạy sáng theo từng trường hợp cụ thể, khá hữu ích khi cần sử dụng độ nhạy sáng ISO cao trong môi trường thiếu sáng (mà không sử dụng đèn hỗ trợ)
    • Phụ kiện nhiều. DSLR đi kèm khá nhiều phụ kiện như đèn flash rời, remote điều khiển từ xa, kính lọc, chân máy… trợ giúp cho việc chụp ảnh
    • Sự chú ý. Dù bạn không phải là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp song việc sử dụng một chiếc máy ảnh DSLR sẽ khiến người ta chú ý, nhiều lúc là “lầm tưởng”, nhất là khi gắn kèm một ống kính lớn đắt tiền.
    Điểm yếu của DSLR:
    • Giá đắt. Một chiếc máy ảnh DSLR phổ thông (entry-level) mới hoàn toàn có giá từ khoảng 500 USD
    • Tính di động không cao. Bạn không thể nhét máy DSLR vào túi quần áo như PnS. Nó to, nặng và cồng kềnh hơn khi có gắn thêm ống kính
    • Chi phí bảo dưỡng. Theo thời gian sử dụng, có thể DSLR sẽ gặp các trục trặc hỏng hóc như bám bụi, hỏng màn trập… Chi phí cho việc bảo dưỡng cao có thể sẽ khiến bạn nghĩ đến việc mua máy mới thay thế.
    • Kính ngắm (viewfinder). Với nhiều người, cảm giác ngắm chụp qua kính ngắm không thuận tiện như màn hình LCD phía sau máy.
    • Sự chú ý. Nhiều nơi không cho phép chụp ảnh bằng DSLR. Và DSLR cũng là mục tiêu dễ bị trộm cướp.
    PnS Nikon P50
    Thế mạnh của PnS:
    • Giá rẻ. Những chiếc máy ảnh PnS chất lượng trung bình khá có giá vào khoảng 70 - 200 USD, tùy thuộc vào tính năng của chúng
    • Dễ sử dụng. Đây là đặc điểm “ăn tiền” của PnS đối với nhiều người. Bạn chỉ cần trỏ vào thứ cần chụp và nhấn nút là máy sẽ làm mọi việc còn lại. PnS còn đi kèm một số phần mềm tải và chỉnh sửa ảnh
    • Tính di động cao. PnS khá nhỏ, nhẹ và dễ nhét trong túi quần áo hoặc giỏ xách
    • Màn hình LCD. Hầu hết các máy ảnh PnS đều có màn hình LCD lớn, sáng, hiển thị vừa vặn khung ảnh chụp, cho phém ngắm và chụp rất thoải mái.
    Điểm yếu của PnS:
    • Kém linh hoạt. Các chế độ điều khiển trên PnS đa phần là tự động, ít chỉnh tay được. Tầm zoom của ống kính bị giới hạn và ống kính không tháo lắp được, không sử dụng được ống kính khác
    • Phụ kiện không nhiều. Số lượng phụ kiện không nhiều như DSLR
    • Flash tự động dễ gây khó chịu. Trong môi trường thiếu sáng, các chế độ chụp tự động sẽ tự động bật flash. Do đó, người chụp phải có kinh nghiệm chuyển sang chế độ chỉnh tay hoặc tắt flash
    • Chất lượng ảnh không cao. Nhiều megapixel không có nghĩa là chất lượng ảnh cũng cao. Do kích cỡ cảm biến ảnh số trong PnS khá nhỏ nên chất lượng ảnh so với DSLR không tốt bằng
    • Không phù hợp cho nhu cầu chuyên nghiệp. Do chất lượng ảnh không cao nên nhu cầu chụp ảnh chuyên nghiệp bằng PnS không phải là hướng đi phù hợp.


    Bài liên quan
    • Sony, Nikon, SanDisk đẩy tốc độ thẻ nhớ CompactFlash lên gấp 3 (01/12/2010 11:12)
    • Nikon D3100 ra mắt người dùng Việt Nam (09/11/2010 08:40)
    • Nikon D7000 sắp có đế pin riêng MB-D11 (03/11/2010 13:45)

      Chụp ảnh đẹp với điện thoại Android

      Đánh giá
      1
      2
      3
      4
      5
      6
      7
      8
      9
      Bùi Xuân Toại

      Về cơ bản, máy ảnh trong điện thoại Android thường tối thiểu đạt 6 megapixel, tuy nhiên để có thể chụp được những "pô" ảnh đẹp, bạn cần biết thêm ít thủ thuật. Bài viết sẽ hướng dẫn bạn vài “mẹo” dành cho điện thoại máy ảnh Android để có thể chụp đêm đẹp hơn, làm mờ phông nền một cách nghệ thuật, giữ đối tượng sắc nét và nhiều thứ khác nữa.
      Các thủ thuật đề cập sẽ lấy ví dụ với điện thoại Motorola Droid X, dĩ nhiên điện thoại Android của bạn có thể không có chung phần cứng và tính năng phần mềm như Droid X do đó bạn cần hiểu để áp dụng tốt hơn trên điện thoại của mình. Cạnh đó, phiên bản Android cũng đóng vai trò quan trọng. Tùy thuộc vào phần cứng của điện thoại, phần mềm cập nhật Froyo (Android 2.2) sẽ "giải phóng" nhiều tính năng điều khiển thủ công hơn để có thể trợ giúp nhu cầu chụp ảnh nâng cao. Hãy đảm bảo luôn giữ điện thoại được cập nhật và kiểm tra kỹ các thiết lập bên trong máy để biết rõ những tính năng nào đang có mặt.
      Dùng đèn flash ngay cả ban ngày
      Ảnh ngoài trời không có đèn flash (trái) và có flash làm dịu ảnh và ánh sáng trên gương mặt đều hơn..
      Tại sao lại dùng đèn flash vào ban ngày? Trong các thiết lập độ sáng, đèn flash tích hợp của máy hình trên điện thoại không phải là nguồn sáng chính; thay vào đó đây là một vũ khí bí mật, để phủ vùng tối. Sự "bùng sáng" mà đèn flash cung cấp sẽ làm giảm bóng ở các chi tiết và bù sáng cho những chỗ thiếu sáng, đây là khiếm khuyết thường gặp với ảnh chụp dưới ánh nắng gắt.
      Mặc dù đèn flash của Droid X không đủ mạnh để lấp đầy mọi bóng tối nhưng việc bật flash đối với ảnh chân dung chụp ban ngày cũng sẽ cải thiện những vùng bị dư sáng, khiến vùng đó bị mất chi tiết như má và trán. 
      Điện thoại có tính năng chụp ảnh rất "khó chịu" về thiết lập khẩu độ khi chụp trong ánh sáng mạnh vì các vùng đổ bóng trên ảnh trở nên quá tối. Bạn có thể mở flash bằng cách chuyển đổi qua các chế độ (On, Auto và Off). Đèn flash sẽ làm hiện rõ các chi tiết trong phạm vi chừng 1 mét, do đó bạn nên giữ khoảng cách gần với đối tượng cần chụp. 
      Ngoài ra, bạn cũng sử dụng flash với các đối tượng được chiếu sáng từ phía sau. Ví dụ, tránh rập khuôn sử dụng tính năng chụp ảnh hoàng hôn một đối tượng bị tối do đứng phía trước bầu trời đầy màu sắc. Thay vào đó, bạn hãy bật flash để chiếu sáng đối tượng.
      Chỉnh ISO để chụp đêm
      Các nhiếp ảnh gia thường hạn chế sử dụng flash vào ban đêm. Đèn flash đánh mạnh, phẳng có thể làm chói, mất chi tiết của ảnh chụp còn đèn flash yếu có lẽ vẫn không thể khắc phục trục trặc này thỏa đáng.
      Bạn tự chỉnh thay vì để tự động vì ISO quá cao (nhiễu hạt) hoặc quá thấp (thiếu sáng).
      Vì thế, tốt hơn hết là bạn sử dụng bất cứ nguồn sáng tự nhiên nào có được, tắt đèn flash và yêu cầu đối tượng giữ yên tư thế khi chụp. Bạn cũng cần cầm chặt máy ảnh và bật tính năng chống rung (nếu có). Phải thừa nhận rằng nếu chụp như trên, các phần của bức ảnh có thể bị mờ theo nhiều cách khác nhau tuy nhiên bạn vẫn còn có các công cụ để cải thiện ảnh chụp đêm không sử dụng đèn flash. 
      Việc cài đặt ISO của máy ảnh trên điện thoại bắt chước tốc độ chụp phim trên các máy ảnh tiêu chuẩn; giá trị ISO càng cao thể hiện độ nhạy sáng càng cao. Tuy nhiên trong thực tế, việc đẩy ISO lên cao có thể làm ảnh chụp bị nhiễu hạt. Để tìm được một giá trị ISO phù hợp nhằm tạo ra ảnh chụp đẹp nhất, bạn cần thử nghiệm thực tế với các thiết lập trên chính máy ảnh của điện thoại. Ví dụ, trên Droid X, bạn sử dụng các thiết lập ở mục Settings.ISO equavalent sensitivity.
      Không dùng zoom số
      Máy ảnh trên điện thoại có thị kính cố định nên không thể phóng to/thu nhỏ (zoom) bằng cách di chuyển cụm thấu kính được. Thay vào đó, bạn có một zoom kỹ thuật số mà bạn sẽ hầu như không bao giờ dùng đến.
      Zoom kỹ thuật số sẽ phóng to điểm ảnh thay vì phóng to chi tiết trên đối tượng. Hiệu ứng của zoom số giống như bạn phóng to tấm hình nào đó bằng 1 công cụ chỉnh sửa hình ảnh trên PC vậy. Nếu bạn muốn zoom thì hãy chụp như thông thường, sau đó, trên PC, bạn chỉ việc cắt cúp lại chủ thể nào cần zoom.
      Còn bạn có muốn chụp trọn cả khung hình mà không muốn zoom? Hãy bước đến gần chủ thể hơn. Nếu tuyệt đối không thể đến gần, như trường hợp chụp một người nổi tiếng đang sống ẩn dật ở nơi hoang vắng chẳng hạn, bạn vẫn nên tránh dùng zoom số; thay vào đó bạn hãy cân nhắc phóng to khu vực bạn muốn bằng PC sau này.
      Ánh sáng tốt làm cho hình ảnh đẹp
      Chuyển sang chế độ Sport để tăng tốc độ màn trập.
      Ngay camera điện thoại rẻ tiền nhất cũng có thể chụp được những tấm ảnh xuất sắc trong ánh sáng lý tưởng. Vì có thể bạn sẽ không chỉnh được nguồn sáng theo ý mình nên bạn hãy sắp xếp, bố cục cho đối tượng sao cho ánh sáng phủ lên đối tượng tốt nhất.
      Trong hầu hết trường hợp, tấm hình đẹp là ánh sáng ở phía trước mặt đối tượng chụp, phía sau lưng người cầm máy. Bạn đừng chụp ngược sáng, như kiểu mặt trời chiếu trực diện vào máy ảnh.
      Hãy nghĩ đến nhiều nguồn sáng để chụp được bức hình đẹp nhất. Các studio thường dùng tổng hợp ba nguồn sáng – ánh sáng chính, ánh sáng tăng cường, và ánh sáng chiếu sau – để chiếu lên toàn cảnh. Nguồn sáng sáng chính mạnh nhất từ bên cạnh camera chiếu tới, trong khi nguồn sáng bổ sung được chiếu bên cạnh để giảm bớt các bóng tối, và nguồn sáng chiếu sau đặt xa bên cạnh hoặc sau lưng chủ thể để thêm cảm giác về chiều sâu.
      Hãy cố tuân theo các bố cục tương tự khi có thể. Trường hợp chụp trong nhà, vào buổi chiều, bạn cũng có thể dùng ánh sáng hắt vào từ cửa sổ như là nguồn sáng chính và bổ sung, và một chiếc đèn nhỏ là nguồn sáng chiếu sau. Tuy nhiên, cần tránh những nguồn sáng quá chói có trong bức hình vì camera điện thoại sẽ dựa vào nguồn sáng này để tự động đo sáng.
      Chụp sắc nét hơn
      Chuyển sang chế độ chụp chân dung để tạo hiệu ứng mờ phông nền.
      Bạn chụp ảnh dễ bị mờ? Lý do vì camera hoặc chủ thể của bạn bị rung quá nhiều. Lý do đầu sẽ tạo ra các bức hình hoàn toàn bị mờ, còn lý do sau sẽ tạo ra bức hình có một số phần tử sắc nét nhưng chủ thể bị mờ. Sau đây là cách khắc phục.
      Để giảm rung cho camera, bạn giữ thật yên điện thoại khi nhấn nút chụp. Hãy cầm camera điện thoại bằng hai tay và giữ chặt hai khuỷu tay vào hai bên sườn bạn để chống đỡ. Khi bấm nút chụp, bạn cần giữ nguyên tư thế, – như không nhấc ngón tay – cho đến khi bảo đảm ảnh đã thu hình. Trên vài điện thoại, bạn cần nhấn nửa chừng để máy lấy nét, sau đó mới nhấn mạnh để chụp ảnh. Trong giai đoạn này, bạn cũng cần giữ yên tư thế chụp để ảnh có nét.
      Nếu chụp trong môi trường đầy đủ ánh sáng, bạn có thể khắc phục mất nét bằng cách tăng tốc độ màn trập. Trong hầu hết trường hợp – như trên Droid X chẳng hạn – bạn thực hiện việc này bằng cách chọn Scenes. Sport, vì một camera điện thoại về nguyên tắc không có điều chỉnh cài đặt tốc độ màn trập thủ công.
      Dùng hiệu ứng mờ 
      Dùng hiệu ứng làm mờ (blur) phông nền của camera điện thoại để bạn dễ lấy nét chủ thể. Trường ảnh ngắn là thủ thuật phổ biến để làm mờ phông nền và đây là thủ thuật cho hiệu ứng khá ấn tượng.
      Để có được ảnh tốt nhất, điện thoại bạn cần hỗ trợ chỉnh khẩu độ thủ công và môi trường chụp ánh sáng đầy đủ. Bạn chỉnh thông số khẩu độ ở mức thấp nhất (nghĩa là khẩu độ mở lớn nhất) nếu điện thoại hỗ trợ, còn không, bạn chuyển điện thoại sang chế độ chụp chân dung (Portrait) nếu có (trên Droid X là Scenes.Portrait). Bất kể chọn cách nào, hiệu ứng mờ phông cũng sẽ nổi bật hơn nếu chụp cách chủ thể dưới 1m và giữ chủ thể cách xa với nền.
      Hiệu ứng mờ cũng có thể áp dụng vào tình huống khác khi chủ thể di chuyển hoặc camera di chuyển. Tuy nhiên, nếu cả hai cùng di chuyển thì chỉ phông nền bị mờ. Khi bạn và chủ thể cùng nhau đi bộ, cố gắng lấy nét vào chủ thể, lúc này khi chụp, phông nền sẽ bị mờ. Hiệu ứng này hoạt động tốt nhất trong điều kiện ánh sáng yếu – chẳng hạn như lúc trời chạng vạng tối – vì camera phải kéo dài tốc độ màn trập. Một cách khác là tạo cho phông nền thật mờ như bạn chụp chủ thể bên trong chiếc xe đang di chuyển.
      Dùng các trình ứng dụng timer
      Camera Zoom FX cho bạn vài tùy chọn về định thời gian chụp, tiện dụng khi chụp ảnh tập thể.
      Bạn có thể chụp ảnh đẹp bằng trình ứng dụng camera cài trong điện thoại Android của mình, tuy nhiên có vài ứng dụng add-on bổ sung nhiều tính năng phụ khác nữa. Chẳng hạn có vài công cụ cho phép định thời gian để chụp, mà mặc định điện thoại Droid X không có.
      Camera Zoom FX có vài hiệu ứng, trong đó có công cụ định giờ chụp tự động (timer). Để thực hiện, bạn cân chỉnh sao cho mọi người xuất hiện đầy đủ trong khung ngắm, sau đó vào settings.settings 3. timer để bật timer. Bổ sung chế độ chụp liên tiếp (burst) để chụp nhiều ảnh một lúc, tiện cho bạn khỏi phải đi tới đi lui để chụp lại. Chỉ cần vào Quick Settings. Settings 3. Burst Mode.
      Thực hiện một số việc làm đẹp
      Nhiều bức ảnh xấu, thoạt trông như do chất lượng camera điện thoại nhưng thực chất không phải do phần cứng, mà là do người sử dụng chụp trên góc độ của một người cầm máy ảnh, không phải cầm điện thoại có chức năng chụp ảnh: tầm mắt, xa đối với chủ thể. Như hãy cố hạ thấp máy ảnh xuống bằng chiều cao của trẻ để chụp trẻ chơi đùa, hoặc cố thực hiện cảnh chụp từ một góc thấp sau khi nhóm của bạn chinh phục một đỉnh núi. Quan trọng nhất là đến gần chủ thể của bạn để chụp.
      Hãy áp dụng các thủ thuật trên để làm quen với camera điện thoại Android của bạn. Chỉ cần làm qua vài lần, bạn có thể nâng cao “tay nghề” chụp ảnh cho dù đó là chiếc máy ảnh tích hợp trên điện thoại.



      ID: A1012_128

No comments:

Post a Comment

quangnm