Hà Nội yên bình và tĩnh lặng về đêm
Chẳng ồn ào và náo nhiệt, Hà Nội khi đêm về là bức tranh đầy vẻ tư lự được vẽ bởi những con đường loang loáng ánh đèn sau mưa, ngôi nhà ngủ yên trong bóng tối và con người vất vả mưu sinh.
Hà Nội ồn ào và náo nhiệt. Một cuộc sống đầy năng động bắt đầu từ buổi sáng cho tới khi phố đã lên đèn.
Hà Nội của đêm là những hàng cây nghỉ ngơi trong ánh đèn đường còn thắp sáng. Những tia vàng chiếu rọi như thể biến mình thành giọt nắng của đêm, tạo vẻ đẹp nên thơ cho một góc phố.
Nhưng cũng rất bao dung như muốn ôm gọn những mảnh sống mưu sinh vào lòng, chở che cho những người còn vất vả trong những đêm không ngủ.
Rực sỡ sắc hoa trên đường phố Hà Nội
Mỗi mùa một sắc hoa đong đầy trên những chiếc xe đạp cũ kỹ, rong ruổi khắp các nẻo đường mang đến cho Hà Nội vẻ đẹp dịu dàng, trong trẻo.
Khi những cánh sen tỏa hương thơm ngát khắp các đầm ở khu vực Hồ Tây cũng là lúc những xe hoa chở sắc hồng mùa hè đến với người dân Hà Nội.
Đầu phố Yên Phụ là nơi tập trung những chiếc xe hoa rong nhiều nhất. Đằng sau mỗi thúng hoa mùa này thường là những nụ sen trắng, hồng chúm chím.
Một xe hoa rong với những bông hồng, bách nhật, thược dược... dừng chân nghỉ lại bên đường Hoa Hoa Thám.
Quả không sai khi nhiều người nói rằng mùa về trên những cánh hoa. Bởi chỉ cần nhìn sắc hoa trên những chiếc xe rong trên phố, bạn cũng có thể biết được mùa Hà Nội.
Chỉ khoảng 20.000 đồng một bó cúc họa mi, bạn có thể mua và cắm lọ để tô điểm cho không gian gia đình và làm việc.
Bên cạnh những loài hoa đặc trưng Hà Nội như sen, loa kèn, cúc họa mi..., hoa phi yến với muôn màu tươi thắm cũng ngày càng phố biến trên đường phố Hà Thành.
Hoa phố ngày mưa trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.
Bát Đàn, Nguyễn Hữu Huân, Tô Tịch, Phất Lộc, Tràng Tiền… là những ngõ phố gắn liền với các món ngon ở thủ đô, để rồi khi nhắc đến món nào, người ta bất giác gọi tên phố từ trong tiềm thức.
Ẩm thực Hà Nội luôn là sự khám phá đầy thú vị đối với những du khách mới đến lần đầu và với cả những người đã gắn bó cuộc đời mình ở mảnh đất này.
Phở Bát Đàn
Không phải tự nhiên mà phở Hà Nội là một trong những món ăn ngon nhất thế giới do tạp chí CNN bình chọn, bởi vậy, nhà văn Thạch Lam đã có lý khi nói rằng “Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon". Được mệnh danh là "Thăng Long đệ nhất phở ", phở Bát Đàn không chỉ có hương vị thơm ngon đặc biệt mà phảng phất trong từng góc quán nhỏ còn mang nét vị Hà Nội xưa không thể nào tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.
Cùng với phở Thìn, phở Phú Xuân, phở gia truyền Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm từ hơn nửa thế kỷ trước đã góp phần làm nên nét ẩm thực tinh tế, độc đáo riêng có của người dân đất kinh kỳ.
|
Xôi yến Nguyễn Hữu Huân
Xôi Yến trên phố Hữu Huân đã có từ hai chục năm nay, mở cửa từ 5h sáng đến tận 23h đêm, ngày nào cũng tấp nập khách ra vào và trở thành biến tấu sang chảnh cho món xôi sáng của người Hà Nội. Nếu đã phải lòng thứ xôi làm từ gạo nếp cái hoa vàng cùng hương vị đậm đà của ruốc và hành khô giòn tan thì khó có thể nào quên được. Để rồi cứ mỗi khi muốn ăn xôi, người ta lại đến với xôi Yến như một thói quen. Có vẻ phù hợp hơn với người đi làm, giá mỗi suất xôi ở đây dao động từ 30.000 - 60.000 đồng tùy loại.
Phố hoa quả dầm Tô Tịch
Hoa quả dầm nhiều màu sắc, tươi ngon, rất tốt cho sức khỏe. Giá khoảng 15.000 đồng một cốc. Ảnh: didau.
|
Người dân Thủ Đô gọi phố Tô Tịch là “phố hoa quả dầm”, bởi con phố bé nhỏ nằm giữa đường Hàng Gai chỉ dài khoảng 100 m mà có tới cả chục cửa hàng bán món quà vặt này. Tươi ngon và đầy đặn so với giá chính là ưu điểm khiến cho hoa quả dầm Tô Tịch thu hút cả nghìn lượt khách mỗi ngày. Các loại hoa quả dầm ở đây vô cùng đa dạng cho bạn chọn lựa, như xoài, ổi, dưa hấu, táo, chuối, mít, dâu… và ngon nhất là nước cốt dừa với vị ngọt và ngậy vừa vừa.
Bún đậu mắm tôm ngõ Phất Lộc
Trong vô vàn quán bún đậu ngon ở Hà Nội, những cái tên đã thành thương hiệu chỉ đếm trên đầu ngón tay, và để có một nơi mời bạn bè mỗi khi quảng cáo hình ảnh thức ăn chơi ngon đến lạ này, người ta thường nghĩ ngay đến quán của gia đình chị Hương ngõ Phất Lộc, từ thời mẹ chồng chị truyền lại đến nay đã hơn 40 năm.
Khoảng 120.000 đồng, suất ăn của 2 người trông khá đầy đặn với bún, đậu rán, chả cốm và thịt luộc.
|
Bí quyết để có thương hiệu lâu năm ấy là ở loại đậu mơ mịn, thơm và béo ngậy làm ở làng Mai Động (nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội) và thứ mắm tôm được đặt mua tận trong Thanh Hóa với màu sắc tươi hồng hương vị đặc biệt, khác biệt so với những loại mắm khác.
Kem Tràng Tiền
Từ khi ra đời năm 1958 đến nay, kem Tràng Tiền đã trở thành một nét đặc trưng rất riêng trong thú ăn kem của người Hà Nội: Vừa đứng vừa ăn. Không chỉ quyến rũ người dân thủ đô, kem Tràng Tiền còn làm say lòng không ít du khách phương xa với những hương vị thơm ngon như ca cao, vani, sữa dừa... Bất kể già trẻ, gái trai, không kể mùa đông hay mùa hè, người ta tìm đến với kem Tràng Tiền để thỏa lòng hảo ngọt và tận hưởng nét vị riêng của Hà Nội. Có lẽ chính sự nguyên chất, ít bị pha trộn và giá cả bình dân đã góp phần làm nên sức sống lâu bền và sức lôi cuốn kỳ diệu cho món kem đặc sản này.
Một ngày cho người lần đầu đến Hà Nội
Đến Hà Nội trong một chuyến công tác, chỉ có thời gian rất ngắn cho bản thân, vẫn có thể có những trải nghiệm thú vị về một chuyến đi trọn vẹn.
Hà Nội sáng sớm đã tấp nập, đây cũng là thiên đường quà sáng với rất nhiều món ăn cho bạn lựa chọn. Nếu vội, có thể mua gói xôi xéo ở vỉa hè, thong thả hơn thì ghé một quán phở ngon, hoặc tìm gánh bún riêu với giá 25.000-35.000 đồng một bát.
Sau đó, những danh thắng, di tích nổi tiếng ở thủ đô sẽ là điểm đến không thể bỏ qua với bất kỳ ai lần đầu đến Hà Nội. Lăng Bác buổi sớm có không khí yên bình xen lẫn trầm mặc, lưu ý thứ 2 và thứ 6 không đón khách vào lăng viếng. Chùa Một Cột, bảo tàng Hồ Chí Minh cũng như quang cảnh toàn bộ khu di tích vừa cổ kính vừa thơ mộng.
Chùa Một Cột - điểm đến lịch sử.
|
Cũng nằm trong địa phận quận Ba Đình là di tích Hoàng thành Thăng Long và Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ở những nơi này bạn có thể tìm hiểu về lịch sử, văn hóa giữa không gian cổ kính của mái ngói trầm mặc và hàng cây cổ thụ.
Bạn sẽ khá phân vân trước rất nhiều món ăn trưa hấp dẫn của Hà Nội. Đó là suất bún chả thơm mùi thịt nướng ở Hàng Mành, mẹt bún đậu ngon ở ngõ Tràng Tiền hay bát bánh đa cua, miến trộn, bún riêu... ở phố Hòe Nhai.
Bạn cũng nên dành trọn vẹn buổi chiều cho quận Hoàn Kiếm. Lang thang dọc Hồ Gươm để thu vào tầm mắt một Hà Nội rất thân quen, với những cây lộc vừng trổ hoa đỏ, vài nhành liễu lơ thơ mặt hồ, cầu Thê Húc vẫn đỏ son tự thuở nào, xa xa là Tháp Rùa cổ kính soi bóng mặt hồ xanh lơ. Mỏi chân thì ghé mua một cây kem để thấy ngày hè Hà Nội thật thú vị.
Phố cổ Hà Nội líu ríu những bước chân với những con phố ngắn đâm ngang dọc như bàn cờ. Khi chân đã mỏi, tìm ngay đến một điểm dừng chân thú vị: phố Tạ Hiện, được gọi là Phố Tây bởi thu hút rất đông du khách nước ngoài. Gọi vài ly bia mát lạnh, thêm đĩa lạc luộc, gói nem Phùng, đĩa nem chua rán, thế là có một cuộc vui với những người ưa xê dịch đến từ khắp mọi nơi.
Ghé Tạ Hiện xoa dịu cái nắng ngày hè.
|
Buổi tối, cầu Long Biên lộng gió gọi mời. Đứng ở đây ngắm được cả trung tâm Hà Nội sôi động và vùng ngoại ô ngăn cách bằng dòng sông Hồng trĩu nặng phù sa. Đói bụng, tìm đến Ngũ Xá thưởng thức món phở cuốn trứ danh, tiện thể ngắm nhìn Hồ Tây mờ ảo khi thành phố lên đèn.
Hà Nội về khuya dành cho những người thích tìm góc riêng, đó là khu Nhà hát lớn - nơi khởi đầu của những nhóm phượt đêm Hà Nội, hay tìm đến phố ẩm thực Tống Duy Tân, ngõ Cấm Chỉ chọn một bàn và nhâm nhi những món ăn cho thỏa lòng khi khám phá ẩm thực thủ đô. Nếu vẫn còn sức, điểm đến tiếp theo là chợ hoa Quảng Bá họp từ đêm đến rạng sáng hôm sau với muôn vàn các loại hoa tươi để cảm nhận nhịp sống khác của thành phố sầm uất này.
Nhấm nháp cái lặng của Hà Nội về đêm, một Hà Nội thật khác.
|
Kết thúc một ngày, rời Hà Nội, lại thấy chợt lưu luyến vài vệt nắng chiều ở Hồ Gươm và những gánh hàng rong miệt mài các con phố.
Lưu ý:
- Nên mượn hoặc thuê xe máy và cầm theo bản đồ du lịch để chuyến trải nghiệm Hà Nội được suôn sẻ. Xe buýt ở Hà Nội hầu hết hoạt động từ 5h30 đến 22h30 hàng ngày, rất thuận tiện cho bạn đi mọi nẻo đường.
- Du lịch Hà Nội vào mùa hè nên chọn trang phục gọn nhẹ, thấm mồ hôi vì thời tiết mùa này rất nóng bức.
Những biến tấu từ phở Việt
Bên cạnh phở nước truyền thống, du khách còn có cơ hội thưởng thức phở sốt vang, phở chiên phồng hay phở trộn…
Đúng như nhà văn Băng Sơn từng nói "Phở là món quà thật riêng biệt", nên dù đi tới bất kỳ nơi nào trên dải đất hình chữ S cũng tìm thấy được quán phở. Không chỉ có phở nước truyền thống, những quán phở biến tấu cũng mọc lên khá nhiều. Dưới đây là 6 loại du khách nên tìm thưởng thức.
1. Phở sốt vang
Bát phở thơm từ nước dùng, hành lá và đậm vị thịt bò sốt vang
|
Sợi phở trắng từ châu Á, miếng thịt bò nấu theo phong cách châu Âu, những tưởng hai nền ẩm thực khác biệt sẽ chẳng thể kết hợp nhưng dưới đôi bàn tay tài hoa của người nội trợ, bát phở sốt vang vẫn chiếm được cảm tình của nhiều người. Không như phở truyền thống khá phong phú với phở tái, tái chín, tái gầu,...phở sốt vang chỉ có một loại. Thế nhưng chẳng ai lấy đó làm phiền, khách vẫn gọi món và thưởng thức ngon lành. Phở sốt vang vì thế càng được thêm yêu thích.
2. Phở chiên phồng
Bánh phở cắt miếng vuông rồi thả vào chảo dầu sôi để có độ chiên phồng. Tuy nhiên, điểm đặc biệt còn nằm ở công đoạn xào thịt bò cùng rau cải. Thịt bò chọn loại ngon, nêm nếm gia vị cẩn thận sau đó cho xào cùng rau cải ngọt. Khi tới chín sẽ múc ra đĩa rồi mới đặt những miếng phở chiên phồng còn nóng lên trên. Phở chiên trong chảo dầu sôi dễ bị ngấy nhưng khi kết hợp cùng rau cải xào thịt bò thì vị ngấy cũng mất hẳn. Thế mới biết sự kết hợp nào cũng đều có ngụ ý cả.
3. Phở xào
Phở xào ăn cùng dưa chuột dầm chống ngấy.
|
Phở xào dễ ăn và dễ gọi, điều mà nhiều người sành phở nắm rõ như lòng bàn tay. Cũng vẫn đôi ba nguyên liệu quen thuộc như thịt bò, rau cải, hành tây… nhưng món ngon này mang đến cho thực khách nhiều dư vị khác biệt cứ khiến phải trầm trồ. Đó ắt hẳn từ bánh phở dai kết hợp cùng rau cải xanh giòn và thịt bò thơm mùi tiêu tỏi. Tuy nhiên không phải vì thế mà phở xào không có nhược điểm. Một số cửa hàng bán phở xào có phục vụ thêm dưa chuột dầm và rau sống để chống ngấy. Thế nhưng để cân bằng hơn nữa, khách có thể gọi thêm cho mình một tách trà.
4. Phở chiên trứng
Nếu như phở chiên phồng được cắt miếng vuông, bản lớn thì phở chiên trứng được thái sợi nhỏ hơn sau đó mới thả vào chảo dầu nóng. Tới lúc phở gần chín, người làm mới đổ trứng đã đánh bông vào để sợi phở dính và bám được lấy nhau. Phở chiên trứng cũng được ăn cùng thịt bò xào rau cải để giảm độ ngấy. Món ngon khi ấy là sự kết hợp của rau xào đậm vị và phở chiên giòn, khá hấp dẫn và đáng để thưởng thức.
5. Phở trộn
Vẫn có món phở trộn cùng thịt bò cho du khách khó tính.
|
Trong khi phở nước truyền thống nổi tiếng nhất với thịt bò thì người anh em của nó là phở trộn lại nức tiếng nhờ thịt gà. Có không ít hàng phở trộn mọc lên trên khắp thành phố, đủ khiến khách thèm thuồng, băn khoăn chọn lựa. Phở trộn được làm từ bánh phở, thịt gà luộc xé nhỏ, lạc rang, hành khô, giá,... Tùy vào từng cửa hàng mà gia vị gia giảm sẽ có nhiều sự thay đổi nhưng chính sự khác nhau này lại khiến món phở trộn mỗi vùng trở nên đặc biệt.
Cùng một nhánh khác của phở trộn là phở chua, món ăn thực khách có thể bắt gặp tại Lạng Sơn, Cao Bằng. Về cơ bản cách làm của hai món ăn này khá giống nhau chỉ khác về nước dùng cho thêm. Nếu phở trộn sử dụng xì dầu và nước dùng thì phở chua lại cho thêm nước sốt chua ngọt àm từ nhiều ớt, cà chua, dấm, đường,....
6. Phở cuốn
Món phở cuối cùng không thể không nhắc đến chính là phở cuốn. Điểm đặc biệt của món này ở chỗ người ăn có thể sử dụng cả tay hoặc đũa để thưởng thức. Từng miếng bánh phở thoạt nhìn như miếng gỏi cuốn với nhân thịt bò xào, rau xà lách, rau mùi, được chấm cùng nước chấm chua ngọt có thả thêm đu đủ, cà rốt. Người ăn cứ thế tách từng miếng phở cuốn xếp đầy đặn trên đĩa để cảm nhận hương vị thơm ngon đang quyện lại trong miệng. Chính vì có vẻ ngoài bắt mắt cùng hương vị ấn tượng mà phở cuốn được cả người lớn và trẻ nhỏ yêu thích.
Các món bún nổi tiếng 3 miền nên thử
Miền Bắc có bún chả, bún tôm, miền Trung có bún bò, bún sứa còn miền Nam có bún mắm đặc trưng, tất cả tạo nên những nét riêng - chung cho ẩm thực mỗi vùng.
Dưới đây là những món bún nên thử khi bạn chu du dọc miền đất nước.
Bún chả Hà Nội
Bún chả. Ảnh: hivietnam
|
Hà Nội không thiếu những món ăn ngon nhưng để hiểu một phần ẩm thực nơi đây, bạn không nên bỏ qua bún chả. Cũng giống như phở, bún chả có mặt ở hầu khắp các con phố, ngõ xóm thủ đô với nhiều biến tấu khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là đĩa bún rối với bát nước chấm su hào, cà rốt gồm cả chả miếng và chả viên.
Chả miếng được làm từ những miếng thịt lợn thái mỏng, đủ cả nạc và mỡ, tẩm ướp gia vị sau đó nướng trên than hoa đến khi chín có màu cánh gián. Kỳ công hơn một chút là món chả viên bởi trước khi rán, thịt phải được băm nhuyễn rồi nêm nếm cho vừa miệng. Chả có thể nặn không rồi rán vàng, còn tỉ mỉ hơn thì cuốn thêm lá lốt, lá xương sông để giòn và thơm hơn. Bún chả dễ ăn nên rất thích hợp trong những ngày nắng nóng. Thêm chút rau sống tươi ngon món ăn càng trở nên hấp dẫn. Bạn có thể đến phố Hàng Mành, Hàng Than, Bạch Mai, ngõ chợ Đồng Xuân... để thưởng thức món ăn này.
Bún tôm Hải Phòng
Bún tôm Hải Phòng. Ảnh: SuZi Nguyễn
|
Là món ăn đặc trưng đất Cảng, ngày nay bún tôm được yêu thích ở nhiều nơi trên cả nước bởi hương vị đặc trưng. Thành phần chủ yếu của món ăn này gồm bún và tôm sú, ngoài ra là các loại rau có thể thay đổi theo mùa như cần, cải xanh, dọc mùng... Khác với các món bún thông thường, nước dùng của món bún này được chế từ nước luộc tôm và xương ninh nên có vị ngọt thanh, đậm đà.
Khi lên bát, bún tôm còn có thể cho thêm vài miếng chả lá lốt, chả cá, mộc nhĩ thái chỉ khiến món ăn không chỉ đầy đặn mà còn bắt mắt hơn. Đó là bởi sự hòa quyện của màu đỏ tôm, màu xanh rau, màu trắng bún, màu vàng chả và màu đen mộc nhĩ. Địa chỉ cho món bún tôm ở Hải Phòng là phố Lương Khánh Thiện, Trần Quang Khải, Cát Dài...
Bún bò Huế
Bún bò Huế. Ảnh: Khánh Hòa
|
Không cần phải đến Huế bạn mới có thể được thưởng thức món ăn này, tuy nhiên nếu có dịp đến đây, bạn nên thử để cảm nhận hương vị riêng trên mảnh đất sản sinh ra nó. Nét đặc trưng của bún bò Huế là những sợi bún to, tròn, dai, trắng muốt trong khi nước dùng có màu đỏ đặc trưng, phía trên bày thêm thịt bắp bò, chả Huế và miếng giò heo.
Khi ăn, bên cạnh đĩa chanh, ớt, món bún bò Huế không thể thiếu rổ rau sống gồm rau thơm, giá và bắp chuối thái nhỏ. Vị cay cùng hương thơm đậm đà của mắm ruốc tạo nên nét rất riêng cho món ăn này. Một số quán bún bò Huế tại thành phố sông Hương mà du khách có thể ghé qua nằm trên đường Bạch Đằng, Lê Duẩn, Nguyễn Du, Nguyễn Sinh Cung, Thương Bạc, Lý Thường Kiệt...
Bún sứa Nha Trang
Bún sứa. Ảnh: camnangdulich
|
Lạ miệng và là đặc sản Nha Trang là lý do mà bạn nên thử bún sứa khi đến thành phố biển của Khánh Hòa. Món ăn tuy không bắt mắt về màu sắc do nguyên liệu chủ yếu là bún và sứa đều có màu trắng nhưng lại hấp dẫn bởi hương vị biển đặc trưng. Sứa chọn làm bún nhỏ, có màu trắng đục, dày mình, sau khi sơ chế phải đảm bảo được vị ngọt tự nhiên và giòn sần sật. Trong khi đó nước dùng được làm từ cá không làm mất đi vị sứa mà lại ngọt thanh hòa quyện.
Để bún sứa không đơn điệu người ta có thể ăn kèm chả cá cùng chút rau sống. Sau khi chan nước dùng nóng hổi, thưởng thức bát bún sứa người ăn như cảm nhận được hương vị biển nồng nàn trong từng miếng nhỏ. Bởi vậy, dù có biết bao sản vật thơm ngon, Nha Trang vẫn hấp dẫn thực khách bởi những bát bún sứa giản đơn mà thi vị. Đường Phan Bội Châu, Ngô Gia Tự, Hàn Thuyên là địa chỉ tham khảo cho món bún sứa khi đến Nha Trang.
Bún nước lèo Sóc Trăng
Bún nước lèo Sóc Trăng. Ảnh: Thư Kỳ
|
Bún nước lèo hay bún mắm là đặc sản nổi tiếng miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là ở Sóc Trăng. Như tên gọi, phần nước lèo (nước dùng) là yếu tố quyết định độ ngon của bát bún. Nước lèo được nấu bằng xương ống, sườn lợn, tôm thẻ hoặc củ cải trắng và thêm nước dừa tươi để có vị ngọt thanh. Tuy nhiên, điều làm nên đặc trưng cho nước lèo lại nằm ở mắm cá sặc cho thêm. Trong suốt quá trình nấu và sôi nước, người làm phải hớt bọt thật kỹ để nước trong đẹp mắt, thêm chút sả cây để dậy mùi hương.
Bún nước lèo có thể ăn kèm cá lóc luộc lọc xương, tôm tươi lột vỏ, thịt quay xắt nhỏ và các loại rau. Hương thơm dịu nhẹ, quyến rũ của mắm trong bát nước lèo cùng vị giòn dai của thịt quay, ngọt đậm đà của tôm thịt sẽ khiến bạn nhớ mãi món ngon đậm chất miền Tây Nam Bộ này. Địa chỉ gợi ý dành cho bạn ở thành phố Sóc Trăng là quán bún nước lèo ở đường Võ Đình Sâm, Nguyễn Trung Trực hoặc đường Lê Lợi, khu chợ cũ huyện Mỹ Xuyên
Đặc sản miền Trung giữa lòng Hà Nội
Tuy có rất nhiều món ngon miền Trung nhưng đặc sản Huế và Đà Nẵng vẫn là phổ biến nhất ở Hà Nội với bún bò, nem lụi và bánh tráng cuốn thịt heo.
Dưới đây là những món ăn nổi tiếng miền Trung bạn có thể thưởng thức ngay tại Hà Nội.
Mì Quảng
Bát mì Quảng với sắc màu hấp dẫn, giá khoảng 30.000 đồng/bát. Ảnh: ngoisao
|
Món ăn có xuất xứ từ Quảng Nam nhưng đã dần phổ biến và trở thành món đặc trưng của dải đất miền Trung. So với các loại mì, phở, bún, miến... của người dân miền Bắc, mì Quảng có nét rất riêng khi không hề chan nước dùng ngập miệng bát, mà chỉ đủ trộn để các nguyên liệu thấm đều gia vị. Không chỉ đậm đà, món ăn còn rất bắt mắt với sự hòa quyện hấp dẫn giữa màu đỏ của tôm, màu trắng của thịt heo, màu vàng của trứng cùng màu xanh rau củ. Khi ăn, bỏ thêm mấy miếng bánh đa vừng cùng chút lạc rang khiến bát mì Quảng giòn tan lạ miệng.
Bạn có thể tìm đến các quán mì Quảng trên phố Quang Trung, Nguyên Hồng, Ngọc Khánh... để thưởng thức món ăn ngon, độc đáo này.
Bánh tráng cuốn thịt heo
Bánh tráng cuốn thịt heo. Ảnh: Thanh Tuyết
|
Chỉ gồm các nguyên liệu đơn giản như thịt heo, bánh tráng, rau sống... nhưng người Đà Nẵng đã làm nên món ăn khiến thực khách khó có thể chối từ.Có mặt ở Hà Nội với chút biến tấu nhưng hương vị đặc trưng của mắm nêm thì không hề thay đổi. Bạn có thể chọn thịt luộc hoặc thịt quay để cuốn cùng rau xanh, dứa, cà rốt và dưa chuột thái sợi, gói chặt bên ngoài là lớp bánh tráng mỏng tang.
Chấm một ít mắm nêm rồi nhẹ nhàng đưa cuốn thịt heo vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt của thịt, tươi mát của rau xanh, mềm dai của bánh tráng hòa quyện trong hương thơm quyến rũ của vị mắm đặc trưng. Phạm Ngọc Thạch, Trúc Khê, Duy Tân... là những địa chỉ dành cho thực khách "nghiền" món cuốn của Đà Nẵng.
Bún mắm nêm
Bún mắm nêm. Ảnh: Tiêu Phong
|
Bên cạnh bánh tráng cuốn thịt heo, bún mắm nêm là món ăn không thể thiếu của hầu hết các quán bán đặc sản Đà Nẵng ở Hà Nội. Giống như bún trộn, món ăn này có thành phần chủ yếu gồm bún, thịt heo quay, rau thái nhỏ, chút lạc rang và mắm nêm. Trong đó, thịt heo quay và mắm nêm là hai yếu tố quyết định làm nên sức hấp dẫn riêng cho món. Thịt phải gồm cả nạc và mỡ, quay giòn, vàng bì, còn mắm nêm phải dậy mùi thơm, đậm đà và dịu hơn chấm cuốn. Tuy nhiên ở một số quán bạn cũng có thể yêu cầu thịt luộc thay cho thịt quay để ăn cùng bún mắm nêm cho đổi vị.
Bún bò Huế
Bún bò giò heo. Ảnh: caphebean
|
So với các món ăn miền Trung ở Hà Nội thì bún bò Huế có vẻ nổi tiếng hơn cả. Thực khách có thể lựa chọn món ăn này cho bất kỳ bữa ăn nào trong ngày như sáng, trưa, chiều, tối. Ngoài những sợi bún to, tròn, trắng nõn, một bát bún bò Huế đúng điệu không thể thiếu móng giò, thịt bò thái lát mỏng, một vài miếng tiết cắt nhỏ và một miếng giò... Tuy nhiên, điểm làm nên khác biệt cho món bún bò Huế với các loại bún ở Hà Nội chính là vị nước dùng ngọt, cay nồng. Với hương vị đặc trưng của nắng gió miền Trung, món ăn này đã góp phần tạo nên sự phong phú cho ẩm thực Hà Thành.
Tại Hà Nội có rất nhiều quán chuyên bán bún bò Huế, do đó bạn có thể dễ dàng tìm một nơi để thưởng thức như trên phố Nguyễn Thượng Hiền, Tô Hiệu, Khâm Thiên, Quang Trung...
Nem lụi
Nem lụi. Ảnh: Hạt Tiêu
|
Là món ăn đặc sản Huế, nem lụi cũng nhanh chóng chiếm được cảm tình của các thực khách Hà Thành bởi hương vị đậm đà rất miền Trung. Khác với nem cuốn hay nem chua rán, nem lụi được làm từ thịt lợn băm nhuyễn, trộn với bì, mỡ ướp với muối, tiêu, đường, thính rồi bọc xung quanh cây sả hoặc một chiếc đũa tre, đem nướng trên bếp than đỏ rực. Ngoài ăn với rau sống, giá sống, chuối xanh.., nem lụi còn được chấm với nước lèo sền sệt. Bạn có thể tìm thấy các quán nem lụi trên phố Thụy Khuê, Đội Cấn, Phan Huy Ích hoặc ngõ chợ Kim Liên.
Các loại bánh Huế
Bánh bột lọc. Ảnh: Hạt Tiêu
|
Sẽ là một thiếu sót nếu điểm danh đến các món ăn miền Trung nổi tiếng ở Hà Nội mà không nhắc đến các món bánh Huế. Nào là bánh bột lọc, bánh xèo, bánh nậm, bánh khoái, bánh ram ít, bánh bèo, bánh ướt... Vì là các món ăn chơi nên chúng ít khi được bán chính và riêng ở các quán mà thường nằm chung trong thực đơn đồ ăn Huế. Mỗi món có hương vị riêng, tuy nhỏ nhưng được chế biến rất công phu và ăn kèm với một loại nước chấm riêng. Các quán Huế ở Hà Nội cho bạn tham khảo nằm trên đường Láng Hạ, Hàng Bông, Thái Thịnh...
Thưởng thức những món bún ngon ở Sài Gòn
Đến Sài Gòn bạn sẽ dễ dàng tìm cho mình tô bún ốc thơm ngon đậm chất Bắc, tô bún bò Huế thanh tao hay tô bún mắm ngọt ngào của vùng sông nước Cửu Long.
Thưởng thức những tô bún nóng hổi, thơm ngon đậm chất vùng miền trong cơn mưa chiều tầm tã ở Sài Gòn sẽ cho bạn nhiều dư vị đặc biệt khó quên. Cùng điểm qua vài món bún ngon dễ tìm ở Sài Gòn để cùng bạn bè, người thân thưởng thức trong những ngày Sài Gòn chuyển mùa.
1. Bún ốc
Đây là món ăn dân dã đặc trưng của miền Bắc, khá cầu kỳ trong cách chế biến, đặc biệt là trong khâu làm sạch và luộc ốc. Bởi nếu thiếu sự tỉ mỉ, ốc luộc quá chín sẽ trở nên dai và khi gỡ ốc sẽ gãy đôi không nguyên con. Tô bún ốc ngon vì nước dùng được chế từ xương ống ninh nhừ, vớt sạch váng bọt để màu nước trong veo. Tô bún bốc khói nghi ngút với những con ốc béo ngậy, giòn ngọt, thêm miếng đậu hũ chiên vàng ruộm, miếng cà chua đỏ tươi và điểm vài lát hành xắt mỏng trông rất bắt mắt.
Đi kèm với tô bún là đĩa rau mang đặc trưng của miền Bắc như tía tô, kinh giới, rau húng, bạn mới cảm nhận đầy đủ hương vị của món ăn dân dã này. Ở Sài Gòn bạn có thể đến quán bún ốc trong con hẻm ngã tư Huỳnh Văn Bánh - Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận hay bún ốc Thanh Hải ở đường Kỳ Đồng, quận 3.
Thưởng thức tô bún ốc thơm phức sẽ cho bạn nhiều dư vị khó quên. Ảnh: Hotto
|
2. Bún riêu cua
Cùng với bún ốc, bún riêu cua “đặc sản của miền Bắc” cũng là món ngon có mặt trong nhiều con phố ở Sài Gòn. Tô bún riêu cuốn hút bởi nước lèo vàng tươi, sóng sánh, điểm thêm sắc đỏ của cà chua, chút hành lá xanh và những cọng bún trắng tinh tươm. Tuy nhiên ở Sài Gòn, bún riêu còn thêm huyết heo, đậu hũ, một vài nơi thêm miếng chả hoặc ốc luộc… Riêu được làm từ những con cua đồng tươi ngon từ vùng sông nước miền Tây, giã nhỏ rồi lọc kỹ mới cho ra nước dùng thơm phức, ngọt ngậy.
Để tô bún riêu trọn vị trước khi thưởng thức thực khách nên cho thêm một ít mắm tôm, vài miếng ớt cay nhẹ. Vị ngọt thơm của nước dùng cua đồng, pha thêm chút chua của cà, vị cay của ớt và đậm đà của mắm tôm sẽ làm cho bạn phải xuýt xoa khi thưởng thức. Bạn dễ dàng tìm thấy trong những con hẻm nhỏ Sài Gòn hoặc trong những hàng quán ở Nguyễn Cảnh Chân - quận 1, Lê Văn Sỹ - quận 3, Trần Kế Sương - Phú Nhuận hay vỉa hè đường Lê Thánh Tôn.
Tô bún riêu thơm nghi ngút sẽ cho bạn ấm áp trong những ngày mưa Sài Gòn. Ảnh:Bunsaigon
|
3. Bún bò Huế
Cũng như nhiều món ăn của đất cố đô, bún bò Huế rất cầu kỳ trong cách chế biến, đặc biệt ở nước lèo. Nước lèo ngon phải được ninh nhừ từ xương heo, xương bò với một số loại củ, thêm vị đậm đà của mắm ruốc. Nước phải trong, hòa quyện với gia vị, xả ớt, đường phèn tạo độ ngọt thanh, ít dầu mỡ.
Những sợi bún to trắng cùng với thịt bò, móng giò và tiết heo nóng hổi, bốc hơi nghi ngút trong tô nước lèo ngọt lịm sẽ cho thực khách hương vị ngây ngất khó quên. Hương vị đặc biệt của món bún được kết hợp với các loại rau sống, bắp chuối, giá sống. Ở Sài Gòn bạn không khó khi tìm món Huế, có thể tìm đến bùn bò Hương Giang, quận Tân Bình, bún bò Huế 357 trên đường Bà Hạt, quận 10, bún bò Sông Hương - Gò Dầu - Tân Phú.
Tô bún bò Huế với nhiều hương vị đặc trưng khó tả khi thưởng thức. Ảnh: Bunbohue
|
4. Bún mắm miền Tây
Tiếp biến từ món bún mắm của người Campuchia, người miền Tây sáng tạo thêm cho mình vài cách thức riêng bằng cách dùng mắm cá linh thay cho mắm bò hóc. Sự hấp dẫn của món bún này đặc biệt từ nước lèo thơm phức mùi cá linh, loại cá đặc sản của vùng sông nước Cửu Long. Cá bắt về được chưng làm mắm. Mắm được nấu cho nhừ sau đó lọc lấy phần nước để dùng làm nước lèo.
Thưởng thức tô bún mắm đầy đủ gồm cá lóc, sả bằm, nấm rơm, cà tím cắt khú. Nước chấm kèm theo là nước mắm me nguyên chất, thêm lát ớt tươi xắt mỏng, điểm thêm miếng chanh để tô bún đậm đà hơn. Rau ăn kèm là bắp chuối bào mỏng, giá, rau muống bào, đặc biệt không thể thiếu rau đắng đậm chất miền Tây.
Có ba quán bún mắm được người Sài Gòn ưa chuộng là Quán Vy, nằm tại con hẻm trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 5; quán bún mắm Bạc Liêu tại Vĩnh Viễn, quận 10 hay quán bún mắm Lê Quang Định nằm trên con đường cùng tên ở quận Bình Thạnh.
Bún mắm đậm đà hương vị miền Tây. Ảnh: Giamua
|
5. Bún cá num bò chóc
Đây là một loại bún nổi tiếng của xứ sở chùa tháp, theo dấu chân của người Campuchia vào tận vùng đất Sài Gòn. Thành phần chính của món bún là cá lóc đồng, mắm bò hóc, nghệ tươi và những gia vị đặc trưng của Campuchia. Nước lèo được nấu từ cá lóc đồng tươi nguyên, mắm bò hóc và nêm nếm các gia vị đặc trưng của xứ chùa tháp như trái chúc, ngải búng, cùng nghệ tươi và sả củ. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo cho nước dùng màu vàng tươi đẹp mắt cùng hương vị thơm ngon, đậm đà.
Thưởng thức tô bún num bò chóc với nước dùng màu vàng đặc trưng, điểm thêm màu xanh của đậu đũa, màu tím của bông súng, thêm màu vàng tươi của bông điên điển làm cho tô bún trông hấp dẫn và bắt mắt. Bạn có thể thưởng thức tô bún này ở quán bà Tư Xê trong chợ Lê Hồng Phong, quận 10.
Bún cá num bò chóc món ngon của xứ chùa tháp tại Sài Gòn. Ảnh: Khánh Hòa
|
Văn
10 món bún ngon đất Bắc giữa Sài Gòn
Bún thang tinh tế; bún chả thơm ngon hay bún bung thanh mát... là những món ngon có nguồn gốc miền Bắc được bán nhiều ở thành phố phương nam.
1. Bún chả
Trong các món bún ở miền Bắc, bún chả là món ăn được bán nhiều nhất ở Sài Gòn. Các thành phần của món ăn này như chả, thịt nướng, nước chấm, đồ chua, các loại rau... đều giữ được hình thức và hương vị như ở Hà Nội. Chính điều đó đã giúp cho các quán bún chả ở Sài Gòn dù nằm ngoài đường lớn hay trong hẻm nhỏ đều thu hút rất đông thực khách.
2. Bún đậu mắm tôm
Món bún đậu mắm tôm ở Sài Gòn tuy không giữ được toàn vẹn hương vị của món ăn như ở Hà Nội, nhưng cũng đủ để những người con xa quê vơi đi cảm giác nhớ nhà khi thưởng thức. Điều đặc biệt là đậu phụ ở đây được chính chủ quán làm. Khi đã thưởng thức xong món bún đậu mắm tôm, nếu như vẫn còn thòm thèm, bạn có thể thưởng thức thêm các món ăn ngon miệng khác của miền Bắc như: bún ốc chuối đậu, bún mắm tép thịt luộc, nem rán...
3. Bún thang
Trong các món bún của miền Bắc thì bún thang là món ăn có thừa sự tinh tế hài hòa giữa sắc, hương và vị. Bát bún như một bức tranh nhiều màu sắc, với vị cay nồng của ớt, tỏi, vị ngọt của xương trong nước dùng... Vì lẽ đó, bún thang đã trở thành một món ngon đặc sản Hà thành hấp dẫn thực khách.
4. Bún bung
Bún bung còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như bún móng giò, bún dọc mùng, bún sườn... tùy theo thành phần có trong món ăn. Không nổi tiếng và có nhiều hàng quán như các món bún chả, bún mọc hay bún cá rô đồng..., bún bung vẫn được nhiều người thưởng thức vì hương vị thơm ngon.
5. Bún giả cầy
Miếng móng giò với lớp da vàng vàng ruộm cùng hương thơm của riềng mẻ quyện vào nhau thật hấp dẫn. Ăn miếng móng giò, cảm nhận cái giòn giòn của lớp da bên ngoài, cái mềm của lớp thịt bên trong hòa quyện trong nước nhựa mận được nêm đậm đà rất vừa miệng. Trong những ngày trở gió, món bún giả cầy quen thuộc luôn là món ăn ưa thích của nhiều người.
6. Bún ốc chuối đậu
Tên gọi bún ốc chuối đậu được tổng hợp từ các thành phần làm nên món ăn. Chế biến món này không khó nhưng mất nhiều thời gian vì có nhiều thành phần như ốc, chuối xanh, đậu, thịt lợn... Bún ốc chuối đậu hấp dẫn với màu vàng của nghệ cùng hương thơm đậm đà khiến bạn không thễ cưỡng lại được.
7. Bún riêu ốc
Thành phần chính của món ăn là riêu cua, ốc. Những con ốc bươu to tròn được xào vàng ươm, nhìn thật hấp dẫn. Riêu cua được làm từ cua đồng, thịt cua được giã nhuyễn để miếng riêu vừa xốp, vừa thơm, cho vào miệng thì tan ra ngay nơi đầu lưỡi nhưng không bị nát khi cho vào bát bún.
8. Bún mọc
Thoạt nhìn thấy bún mọc có vẻ đơn giản nhưng lại thể hiện được sự tinh tế của người miền Bắc. Món ăn được chế biến khá đơn giản, có thành phần chính là sợi bún nhỏ và mọc (tên gọi khác của người Bắc dùng để gọi giò sống). Phần mọc thường được chế biến thành 3 loại khác nhau như: giò sống vo thành viên nhỏ, nấu chín trong nước dùng; giò sống vo viên chiên vàng; giò sống trộn với nấm hương, vo viên nấu chín.
9. Bún cá thìa là
Bún cá thìa là mang đậm hương vị đặc trưng của người miền Bắc. Bát bún nhiều màu sắc với màu vàng của chả cá thác lác chiên, trắng của bún, đỏ của cà chua, xanh của hành cùng hương thơm thoang thoảng của thìa là rất hấp dẫn.
10. Bún cá rô đồng
Bún cá rô đồng là món ngon nức tiếng của Hải Dương. Chỉ với nguyên liệu chính là cá rô đồng nhưng khó ai có thể quên được hương vị đậm đà, thanh ngọt thoang thoảng hương thơm của bát bún cá rô nếu đã một lần được thưởng thức. Có nhiều loại cho bạn lựa chọn như cá rô chiên, hấp hoặc làm chả...
No comments:
Post a Comment