Thursday, March 5, 2015

Mạng di động 5G: Bước đệm cho ngành công nghiệp IoT

Mạng di động 5G: Bước đệm cho ngành công nghiệp IoT

Huy Thắng

(PCWorldVN) Cuộc cách mạng tiếp theo trong ngành công nghiệp mạng di động hứa hẹn sẽ là thời của những chiếc xe tự lái giao tiếp qua Internet và những bộ phim có thể tải về chỉ trong chớp mắt.
5G là một chủ đề lớn tại Triển lãm Mobile World Congress (MWC) năm nay - 2015, nhưng các chuyên gia cho rằng công nghệ này vẫn chưa được đưa vào sử dụng cho đến năm 2020. Trong 5 năm tới, bạn có thể sẽ khỏe mạnh hơn, an toàn hơn, làm việc hiệu quả và thông minh hơn nhờ những thiết bị công nghệ hiện đại trong thế giới xung quanh và nhờ vào các công nghệ mạng không dây tương lai nhanh hơn và mạnh hơn.
Ngày nay, mạng di động mà smartphone và các thiết bị kết nối Internet chủ yếu dựa trên công nghệ 4G. Nhưng công nghệ mạng truyền thông không dây thế hệ thứ năm, được gọi là 5G, với hiệu suất cao hơn đang được phát triển và hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm chưa từng có.
Mạng 5G được xem là chìa khóa để chúng ta đi vào thế giới Internet of Things (IoT), trong đó các bộ cảm biến là những yếu tố quan trọng để trích xuất dữ liệu từ các đối tượng và từ môi trường. Hàng tỷ bộ cảm biến sẽ được tích hợp vào các thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, thiết bị theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi và thiết bị đeo (wearable).
Công nghệ IoT dự kiến sẽ được áp dụng cho hàng tỷ thiết bị cũng như ứng dụng, từ những chiếc tủ lạnh cho đến không gian đậu xe hay các ngôi nhà cũng sẽ trở nên thông minh hơn trong tương lai. Tất cả những bộ cảm biến sẽ tạo ra hàng núi dữ liệu nên do đó sẽ thúc đẩy các nhà cung cấp mạng di động phải chi tiêu hàng tỷ USD để nâng cấp hạ tầng mạng của họ cho công nghệ 5G, nhằm có thể đủ sức đáp ứng nhu cầu truyền tải ngày càng tăng của thế giới IoT dữ liệu.
Trong tương lai, các thiết bị trong nhà của bạn có thể “nói chuyện” với nhau. Bạn sẽ biết khi nào bọn trẻ của mình trở về nhà và những chiếc xe hơi đang chạy trên đường sẽ có thể tự điều khiển hay thậm chí có thể giao tiếp với nhau để tránh tai nạn. Mọi người cũng thường nói đùa rằng những chiếc tủ lạnh trong tương lai có thể kết nối với mạng Internet, nhưng ý tưởng này chắc chắn không chỉ là lời tiếp thị rao hàng suôn. Tất cả là nhờ vào mạng di động 5G.
So sánh tốc độ của các mạng di động 3G, 4G và 5G.
Theo các nhà phát minh, mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp mở ra nhiều khả năng mới và hấp dẫn. Lúc đó, xe tự lái có thể đưa ra những quyết định quan trọng tùy theo thời gian và hoàn cảnh. Tính năng chat video sẽ có hình ảnh mượt mà và trôi chảy hơn, làm cho chúng ta cảm thấy như đang ở trong cùng một mạng nội bộ. Các cơ quan chức năng trong thành phố có thể theo dõi tình trạng tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm và nhu cầu tại các bãi đậu xe, do đó có thể gửi những thông tin này đến những chiếc xe thông minh của mọi người dân theo thời gian thực.Thật sự thì giới công nghệ hiện nay đang mong đợi rất nhiều từ những lợi ích thiết thực của các mạng di động thế hệ tiếp theo. Mạng 5G sẽ giúp cho công nghệ tương tác thực tế (Augmented Reality - AR) và thực tế ảo (Virtual Reality - VR) trở nên phổ biến hơn.
Công nghệ AR sẽ cung cấp cho người dùng những thông tin như hướng dẫn đường đi, giá cả sản phẩm hoặc tên của người quen khi nhìn thế giới thực qua các thiết bị tương thích, chẳng hạn như chiếu dữ liệu lên kính chắn gió của xe hơi. Trong khi đó, công nghệ VR sẽ tạo ra một cái nhìn về một thế giới hoàn toàn nhân tạo. Cả hai công nghệ này đều cần tốc độ mạng mạnh mẽ để “kéo” dữ liệu mới gần như ngay lập tức.
Hiện nay, tốc độ tải về cao nhất của mạng 4G chính xác là 150 megabit mỗi giây và mạng 5G dự kiến sẽ có tốc độ ít nhất là 10 gigabit mỗi giây, đủ nhanh để tải những bộ phim HD chỉ trong vài giây thay vì nhiều phút như bây giờ.
Việc xem phim và nghe nhạc trực tuyến sẽ không còn gặp khó khăn với mạng 5G tương lai.
Ngoài việc tốc độ được cải thiện nhanh hơn hàng trăm lần so với công nghệ mạng hiện nay, 5G sẽ giảm thiểu đáng kể độ trễ trong lĩnh vực truyền dữ liệu trực tuyến. Thời gian lý tưởng cần cho một chiếc xe để “nói” với những chiếc chạy đằng sau là nó bắt đầu phanh khẩn cấp trong mạng 4G hiện nay là khoảng từ 15-25 mili giây. Độ trễ đó sẽ giảm xuống chỉ còn 1 mili giây đối với tốc độ mạng 5G như công bố.Dù sớm hay muộn, 5G cũng đang đến. Theo dự báo của nhà sản xuất thiết bị mạng Cisco Systems, tới năm 2020, thế giới sẽ có hơn 50 tỷ thiết bị được kết nối vào các mạng di động. Từ những vật dụng trong nhà như TV, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, cho đến những bộ trang phục gắn cảm biến, hay những vật thể chuyển động như tàu hỏa, xe hơi…
Tuy nhiên, để cung cấp 5G, các nhà mạng sẽ cần phải tăng cường hạ tầng cơ sở mạng lưới (gọi là trạm gốc). Họ có thể bắt đầu bằng cách khai thác dải phổ hiện còn trống. Sóng tín hiệu với tần số đo MHz sẽ được nâng cao lên thành GHz hay thậm chí nhanh hơn. Tần số giao tiếp của điện thoại hiện nay ở dưới mức 3GHz nhưng mạng 5G sẽ yêu cầu những băng tần cao hơn.
Một vấn đề khác nữa, để tín hiệu sóng vô tuyến có thể phát ở tần số cao hơn thì việc truyền tải dữ liệu trong một khoảng cách dài hơn hoặc có thể xuyên qua các tòa nhà hay bức tường trên đường đi cũng sẽ khó khăn hơn để.
Xe hơi thông minh trong tương lai có thể tự điều khiển hay thậm chí có thể giao tiếp với nhau để tránh tai nạn.
Để bù lại, các hãng cung cấp mạng sẽ dựa trên công nghệ anten tiên tiến hơn. Chúng bao gồm nhiều anten MIMO (multiple input multiple output) để có thể gửi nhiều tín hiệu vô tuyến song song, đồng thời sử dụng kỹ thuật beamforming trong đó giúp tập trung năng lượng để phát tín hiệu theo một hướng cụ thể.Các hãng cũng sẽ xây dựng các trạm gốc liên kết chặt chẽ hơn với nhau để cải thiện khả năng kết nối cho điện thoại khi đến gần. Họ cũng sẽ mở rộng kích thước các ô sóng lớn tầm xa (macro cell) hiện nay có thể lên tới khoảng 30km, với rất nhiều ô sóng nhỏ tầm ngắn (small cell) trong đó có thể bao phủ lên đến vài trăm mét. Việc thiết lập một "macro cell" và chi phí vận hành tốn hàng trăm nghìn USD, trong khi việc gắn các ô nhỏ vào mỗi khối trên cột điện tốn hàng chục nghìn USD một chiếc, hãng Fujitsu cho biết.
Hiện vẫn còn quá sớm để có thể xác định chi phí đầu tư cho một mạng 5G sẽ có giá bao nhiêu, nhưng các hãng cung cấp mạng ước đoán có thể phải mất khoảng 1.700 tỷ USD cho đến năm 2020, theo Dan Warren, một chuyên gia công nghệ cao cấp trong ngành công nghiệp điện thoại di động.
IoT sẽ mang khách hàng đến cho các nhà mạng 5G. Thị trường này sẽ đạt hơn 3.000 tỷ USD vào năm 2020, theo dự đoán của hãng nghiên cứu IDC. Cisco, vốn là hãng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực IoT, dự đoán thị trường sẽ có giá trị khoảng 19.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.



Mạng di động hướng tới 5G

Kỳ Hà

Công nghệ truyền thông không dây thế hệ thứ 5 sẽ cung cấp băng thông rộng tốc độ siêu nhanh, tạo ra hạ tầng mạng mạnh nhằm đáp ứng yêu cầu kết nối của vô vàn thiết bị trong thế giới của Internet Vạn Vật - IoT.
Các chùm sóng milimet có định hướng cho phép kết nối di động tốc độ hàng gigabit mỗi giây. Những điện thoại tại đường biên phủ sóng của một tháp di động 4G (màu xanh) có thể sử dụng các chùm tín hiệu truyền theo những tuyến vòng qua các vật cản. Vì các chùm sóng không giao thoa nên các điện thoại có thể sử dụng cùng tần số (màu hồng) mà không bị nhiễu. Điện thoại gần tháp 4G thì kết nối trực tiếp (màu xanh lá cây).

Theo dự báo của Cisco, tới năm 2020 sẽ có hơn 50 tỷ thiết bị được kết nối vào các mạng di động. Từ những vật dụng trong nhà như TV, tủ lạnh, máy giặt, lò vi sóng, cho đến những bộ y phục gắn cảm biến, hay những vật thể chuyển động như tàu hỏa, xe hơi… tất cả chúng đều tham gia vào mạng Internet toàn cầu và sẽ tiêu thụ lượng dữ liệu với dung lượng gấp cả 1.000 lần so với các thiết bị di động ngày nay, vượt từ 10 đến 100 lần năng lực truyền tải của các mạng hiện tại. Vì vậy, trong khi các hãng viễn thông đang gấp rút tung ra những thiết bị 4G, cũng là lúc họ bắt đầu làm rõ chuẩn không dây thế hệ thứ 5, hay còn gọi là 5G.

Thành công của Samsung cùng “sóng milimet”

Vẫn còn quá sớm để hình dung chính xác về công nghệ “5G”, nhưng Samsung mới đây cho biết đang chuẩn bị một giải pháp đầy hứa hẹn. Hãng sản xuất điện tử khổng lồ Hàn Quốc tuyên bố đã sử dụng ăng-ten theo công nghệ beam-forming (tạo ra chùm tín hiệu truyền nhận có định hướng), và trong thử nghiệm ở băng tần 28 GHz, với ăng-ten mảng gồm 64 phần tử, đã đạt được tốc độ truyền lên đến trên 1 gigabit/giây trong khoảng cách 2 km. Samsung cho biết công nghệ này có thể đẩy tốc độ truyền lên tới 10 gigabit/giây, nhanh gấp hàng trăm lần so với các mạng 4G LTE hiện tại, cho phép thuê bao di động tải về một bộ phim độ phân giải cao chỉ trong vòng 1 giây. Công nghệ này mở ra cơ hội cho người dùng di động được hưởng các dịch vụ cao cấp như xem phim trực tuyến 3D, xem nội dung ở độ phân giải siêu cao 4K hay 8K, chăm sóc y tế từ xa…

Chưa thể vội gán ngay nhãn “5G” cho công nghệ của Samsung, nhưng quả thực đây là một bước đột phá với công nghệ truyền phát sóng hoạt động ở băng tần cao, từ 3 đến 300 GHz, bước sóng tính bằng milimet, hay còn gọi là “sóng milimet”. Trên thực tế, các mạng di động thường dùng các băng tần thấp hơn trên phổ tần số vô tuyến, nơi chen chúc của hàng chục sóng mang có bước sóng centimet (tần số vài trăm MHz) dễ dàng vượt qua các chướng ngại vật và xuyên trong không khí. Nhưng phổ tần “ngon lành” này không đủ cho nhu cầu ngày càng tăng của các nhà khai thác mạng, và  các mạng 4G đang phát triển nhanh chóng lại càng khiến tình trạng khan hiếm phổ tần thêm căng thẳng. Vì vậy, các dải tần số cao, ít được dùng hơn, bắt đầu được nhòm ngó. Các kỹ sư của Samsung ước tính rằng các quốc gia có thể giải phóng tới 100 GHz phổ tần sóng milimet cho truyền thông di động – bằng khoảng 200 lần so với các mạng di động sử dụng ngày nay. Lượng phổ tần dồi dào này sẽ cho phép băng thông rộng hơn và tốc độ truyền dữ liệu vượt trội.

“Sóng milimet” – tương lai của 5G?
Triển khai nhiều trạm phát sóng nhỏ (small cell base stastion) sẽ giúp tăng dung lượng truyền tại những khu vực đông người ở thành thị và phủ kín sóng cho những vùng “chết” ở nông thôn.
Thực ra việc sử dụng băng tần bước sóng milimet không phải là mới. WiGig (Wireless Gigabit Alliance) là một chuẩn không dây trong nhà, sử dụng băng tần miễn phí và không cần cấp phép 60 GHz, có thể truyền dữ liệu giữa các thiết bị trong cùng một căn phòng với tốc độ hàng gigabit mỗi giây. Nhưng có những lý do khiến việc phủ sóng milimet ít được quan tâm. Đó là bởi khả năng xuyên vật liệu rắn của những sóng này không được tốt, lại tốn năng lượng so với sóng truyền trên băng tần thấp hơn cho khoảng cách dài, do chúng dễ bị hấp thụ hoặc tán xạ bởi vật cản, môi trường – điều kiện thời tiết, khí hậu. Thêm nữa, ăng-ten dùng cho sóng milimet có khẩu độ nhỏ nên cần nhiều năng lượng hơn cần thiết cho các thiết bị di động truyền nhận dữ liệu.

Samsung cho biết, công nghệ của họ có thể vượt qua những thách thức này bằng cách sử dụng mảng ăng ten định hướng, tập trung phát sóng vô tuyến theo một chùm hẹp, nhờ đó làm tăng công suất mà không cần nâng công suất truyền tải. Ăng ten mảng kiểu beam-forming từ lâu đã được sử dụng cho radar và các hệ thống liên lạc trong không trung, hiện nay đang được ứng dụng cho nhiều lĩnh vực, như mang lại băng tần rộng cho truyền hình vệ tinh tốc độ cao đến các vùng hẻo lánh hay sử dụng điện thoại di động khi ở trên máy bay.

Mẫu mà Samsung đã sử dụng trong các thử nghiệm là một mảng kích thước cỡ bao diêm gồm 64 phần tử ăng ten kết nối với các thành phần xử lý tín hiệu chuyên dụng. Bằng cách biến đổi linh hoạt pha tín hiệu tại mỗi ăng ten, bộ thu phát này phát ra một chùm sóng hẹp chỉ khoảng 10 độ nên có thể chuyển hướng nhanh chóng, như cách đèn pha quét sáng. Để kết nối với bộ thu phát khác, chúng liên tục quét các chùm sóng, tận dụng những vật cản xung quanh để tạo phản xạ, dò tìm ra kết nối mạnh nhất. Samsung đã thử nghiệm với băng tần 28 GHz, nhưng cho biết giải pháp của hãng có thể áp dụng cho hầu hết dải tần từ 3 đến 300 GHz.

Trong các thử nghiệm ngoài trời, Phòng thí nghiệm Truyền thông tiên tiến (Advanced Communications Lab) của Samsung tại Suwon, Hàn Quốc, đã dùng một bộ phát sóng có thể truyền dữ liệu đạt tốc độ trên 1 gigabit/giây tới hai bộ thu di chuyển với tốc độ 8 km/giờ (tương đương tốc độ của người chạy bộ tập thể dục). Sử dụng công suất truyền “không cao hơn so với các trạm phát sóng 4G hiện tại”, các thiết bị có thể kết nối ở khoảng cách tới 2 km khi không có vật cản, Wonil Roh, trưởng phòng thí nghiệm Suwon cho biết. Nếu có vật cản, khoảng cách giảm xuống còn khoảng 200 đến 300 mét.

Theodore Rappaport, một chuyên gia về công nghệ không dây tại Đại học Bách khoa New York, cũng đã đạt được những kết quả thử nghiệm tương tự tại các khu vực đô thị đông dân cư như ở New York và thủ phủ Austin của bang Texas (Mỹ). Sau những thử nghiệm với việc dùng ăng ten mảng beam-forming, ông kết luận rằng một trạm phát sóng hoạt động ở tần số 28 GHz hoặc 38 GHz có tầm phủ sóng có thể lên tới 200 mét. Rappaport nhận định, các bộ thu phát sóng milimet có thể chưa thay thế ngay được các trạm phát sóng hiện nay vì vùng phủ sóng chưa đạt tới tầm cây số, nhưng trong tương lai các trạm phát sóng có khả năng sẽ nhỏ hơn nhiều so với hiện tại. Các nhà mạng hiện đang tập trung phát triển công nghệ di động tế bào nhỏ (small cell) với việc triển khai nhiều trạm phát sóng nhỏ tại những khu vực đô thị đông người để tăng dung lượng dữ liệu truyền. Rappaport còn cho rằng công nghệ sóng milimet với chi phí rẻ và tiện lợi hơn có thể thay thế cho cả cáp truyền dẫn để kết nối các trạm phát sóng với mạng lõi của nhà khai thác mạng.

Theo Rappaport, ưu điểm của công nghệ sóng milimet là phổ tần số còn rất nhiều nên có thể áp dụng cho những hệ thống sử dụng phổ tần không chỉ để kết nối các trạm phát sóng với các thiết bị di động mà còn để liên kết các trạm phát với nhau hoặc với các bộ chuyển mạch. Đó là một kiến trúc mạng tế bào hoàn toàn mới.

Dẫu vậy, nhiều chuyên gia về công nghệ không dây vẫn hoài nghi công nghệ sóng milimet có thể được sử dụng rộng rãi cho băng thông rộng di động. Afif Osseiran, nhà nghiên cứu kỳ cựu tại Ericsson và là người điều phối dự án METIS – một dự án nhận được nhiều vốn đầu tư nhất từ EU để xây dựng các tiêu chuẩn cho mạng 5G, cho biết METIS đang xem xét hàng loạt công nghệ, bao gồm mã hóa dữ liệu và các kỹ thuật điều biến mới, mạng di động tế bào nhỏ, kiểm soát nhiễu tốt hơn, và những thiết kế bộ thu sóng tiên tiến. Ông nhấn mạnh rằng đặc điểm quan trọng của các mạng 5G là kết hợp nhiều hệ thống khác nhau. Và công nghệ sóng milimet chỉ là một phần của chiếc bánh lớn hơn.

Samsung dự kiến công nghệ của hãng sẽ được thương mại hóa vào năm 2020. Cuối năm ngoái nhà mạng NTT DoCoMo của Nhật Bản cũng đã công bố thử nghiệm thành công truyền dữ liệu với tốc độ 10 gigabit/giây. Nhiều hãng công nghệ và trường đại học tại châu Âu đang ráo riết nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp hứa hẹn nhất cho 5G vào đầu năm 2015. Hồi cuối tháng 2, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch đầu tư 50 triệu euro (gần 65 triệu USD) cho công cuộc nghiên cứu nhằm mục tiêu triển khai mạng di động 5G vào năm 2020.
 



56 tỷ thiết bị kết nối Internet vào năm 2020

Những năm gần đây, khái niệm Internet of Things (IoT) thường được đề cập tới để chỉ cuộc cách mạng tiếp theo của Internet đang diễn ra, kết nối các đối tượng trong đời sống với nhau, tạo ra khả năng tương tác, điều khiển từ xa cũng như tự động hóa mọi quá trình hoạt động của chúng. Theo quan điểm của Cisco, IoT có thể hiểu đơn giản là thời đại của “các sự vật hay đối tượng” kết nối được Internet có số lượng vượt dân số thế giới. Bộ phận Kinh doanh Giải pháp Internet của Cisco (Cisco IBSG) ước tính điều đó đã xảy ra vào khoảng thời gian từ giữa những năm 2008 – 2009.

Với đà phát triển vũ bão trong lĩnh vực CNTT và truyền thông, kết nối Internet giờ đây không chỉ còn giới hạn trong phạm vi giữa con người với nhau mà còn là giữa con người với thiết bị, qui trình, dữ liệu, giữa các đồ vật với nhau… và giá trị của các kết nối này tạo ra còn quan trọng hơn số sự vật được kết nối. Vì thế mới đây Cisco tiếp tục đưa ra khái niệm mở rộng, gọi là Internet of Everything (IoE - Internet của Vạn vật). Theo Cisco, hiện vẫn còn hơn 99% sự vật trong thế giới thực chưa được kết nối Internet, và IoE sẽ kết nối những gì chưa được kết nối, bao gồm con người, quy trình, dữ liệu và đồ vật vào trong một mạng lưới thông minh, biến thông tin thành hành động để tạo ra những trải nghiệm tốt hơn, mang đến những cơ hội kinh doanh mới cho cá nhân, doanh nghiệp, và phát triển kinh tế cho các quốc gia.

Cisco IBSG dự đoán đến năm 2020 sẽ có 56 tỷ thiết bị được kết nối vào Internet. Hệ thống địa chỉ IPv6 đã được đưa vào sử dụng sẵn sàng đáp ứng cho lượng thiết bị khổng lồ đó. Trong khi các mạng di động 4G đang được triển khai ngày càng nhiều, và mạng “siêu tốc” 5G hứa hẹn sẽ bắt đầu được sử dụng vào năm 2020, tạo ra xa lộ cho dòng chảy thông tin không bị nghẽn bất cứ đâu.

 

Từ khóa: mạng di động

Bước tiến kế tiếp của mạng di động không phải là 5G, mà là đám mây.

Huy Bách

Tại Mobile World Congress mạng di động sẽ bắt đầu một cuộc hành trình dài hơi lên đám mây. Sẽ mất thời gian để đạt được điều này và khi đó thành phần chủ yếu của mạng di động sẽ là trung tâm dữ liệu
Tại Mobile World Congress 2014, chúng ta sẽ được nghe nhiều đến 5G - từ viết tắt để chỉ thế hệ tiếp theo của công nghệ mạng di động. Tuy nhiên, khi cuộc chuyển tiếp lên 5G sẽ còn mất nhiều năm nữa, hãy tìm hiểu về sự thay đổi hiển nhiên hơn: Cuộc dịch chuyển của mạng di động lên nền tảng đám mây.
Tại trung tâm hội nghị Fira Gran Via, các hãng Alcatel-Lucent, Intel và China Mobile - nhà khai thác mạng di động lớn nhất thế giới, tiến hành tái tạo lại một công nghệ đang bắt đầu được áp dụng tại Trung Quốc, bao gồm công nghệ ảo hóa mạng truy cập vô tuyến LTE lên máy chủ server. Vậy tại sao đây lại là một vấn đề lớn? Bởi vì nó giải quyết được vấn đề muôn thuở về các trạm cơ sở - thứ phức tạp và đắt tiền nhất trong hệ thống mạng di động - bằng việc "quẳng" tất cả vào một trung tâm dữ liệu.
Cấu trúc hệ thống di động là thứ quan trọng nhất của một mạng chuyên ngành. Mỗi trung tâm xử lý sóng di động (cellsite) đều là những "pháo đài" với khả năng xử lý rất mạnh, chạy trên hệ thống phần cứng được tối ưu hóa cao nhằm chuyển đổi sóng vô tuyến analog. Một nhà mạng di động lớn như China Mobile sẽ không thể nào có được hàng trăm ngàn trạm cơ sở như thế. Đó là một vấn đề cực lớn khi phải đáp ứng đủ sức mạnh cơ sở cho toàn mạng lưới.
Bằng cách di chuyển các trạm cơ sở từ cellsite vào một trung tâm dữ liệu, một nhà cung cấp dịch vụ di động sẽ không còn cần phải xây dựng đủ năng lực xử lý cho từng trung tâm để "chịu được" áp lực cao điểm kết nối của toàn mạng. Thay vào đó, nó có thể phân bổ nguồn lực vào từng phần của mạng - nơi có thể đang cần năng lực xử lý nhiều hơn, ở những thời điểm khác nhau. Ví dụ, trong giờ cao điểm buổi tối, nhu cầu thoại và dữ liệu theo các thuê bao di chuyển ra khỏi các trung tâm thương mại, hành chính của thành phố (nơi làm việc) và di chuyển đến các vùng lân cận hoặc ngoại ô (nhà ở). Một mạng truy cập vô tuyến đám mây (Cloud radio access network - CloudRAN) sẽ đơn giản là có thể "theo chân" người dùng trên suốt đường đi, chuyển tải công suất baseband từ nơi này đến nơi tiếp theo.
Sức mạnh của Intel
Các nhà mạng sẽ không phải di chuyển toàn bộ lên dịch vụ Amazon Web Services, nhưng họ sẽ có thể xây dựng nên một mạng lưới đơn giản hơn. Khi đó, mỗi trạm sóng sẽ không còn là một "pháo đài" với sức mạnh xử lý mà đơn giản chỉ là an-ten hoặc cầu nối đến với trung tâm dữ liệu. Các thế hệ tương lai của các mạng di động có thể chỉ là việc nâng cấp phần mềm, không còn là những đợt thay thế hoặc sửa chữa lớn nữa. Và thay vì phải sử dụng hàng tấn thiết bị trạm cơ sở đặc trưng, các nhà mạng hoàn toàn có thể vận hành mạng trên kệ của những chiếc máy chủ.
Và đây là lúc Intel vào cuộc. Hãng này đã có nhiều năm làm việc với China Mobile và các hãng sản xuất thiết bị di động để tìm cách thay thế các bộ xử lý tín hiệu kỹ thuật số chuyên ngành của các nhà mạng di động bằng các bộ xử lý Xeon và Atom. Việc di chuyển đến một kiến trúc máy chủ không chỉ đồng nghĩa với việc phần cứng có giá rẻ hơn và còn đa năng hon trước. Hãy thử tưởng tượng một cách đơn giản: Thay vì cài đặt một hộp chuyên dụng cho mọi phần tử của mạng thì tất cả những phần tử này sẽ được ảo hóa trong phần mềm trên cùng một nền tảng điện toán.
"Bàn tròn" ảo hóa mạng di động
Ảo hóa không chỉ được Alcatel hay Intel khởi động. Tất cả các nhà cung cấp thiết bị hạ tầng lớn như Cisco Systems và Juniper Networks, cho đến Ericsson và Nokia, cùng với các nhà sản xuất chip baseband như Freescale và Texas Instruments, đều đang theo đuổi mạng phần mềm (software-defined network) theo nhiều cách khác nhau. Tất cả những tên tuổi được kể ra ở trên đều sẽ trình diễn công trình của mình tại Mobile World Congress 2014, hầu hết tập trung vào ảo hóa mạng lõi và cơ sở hạ tầng chuyển mạch thoại/tin nhắn SMS - những thứ đã được tập trung tại các trung tâm dữ liệu mạng của họ.
Alcatel-Lucent, Nokia và Intel đã có những công bố đặc biệt trong việc theo đuổi ý tưởng ảo hóa mạng vô tuyến này, tuy nhiên vẫn có rất nhiều nghi ngờ về quá trình phát triển. Một số nhà cung cấp dịch CTO đã nói rằng họ chỉ thấy những khái niệm xa vời và không thể thực hiện được. Những nghi ngờ này xuất phát từ trở ngại rằng mạng truy cập vô tuyến đám mây Cloud-RAN sẽ ngốn một lượng lớn dung lượng truyền dẫn có độ trễ thấp để di chuyển thông tin tần số vô tuyến từ các cellsite đến với trung tâm dữ liệu.
Cấu trúc Alcatel-Lucent Cube dành cho nền tảng mạng di động đám mây
Manish Gulyani , Phó chủ tịch Alcatel-Lucent về thị trường sản phẩm thừa nhận rằng sẽ mất vài năm trước khi các nhà mạng di động sẵn sàng để đóng cửa các trạm cơ sở của họ. Tuy nhiên, ông cũng nói rằng quá trình ảo hóa mạng di động đã bắt đầu diễn ra, bắt đầu từ trong lõi và di chuyển ra phía ngoài.
Hiện tại, nhiều nhà cung cấp thiết bị của Pháp và Mỹ đã tiến hành thử nghiệm với 20 nhà khai thác dịch vụ di động trên toàn thế giới, và tập trung ban đầu là trên các ứng dụng. Vào năm tới, chúng ta sẽ được thấy vụ ra mắt thương mại đầu tiên của dịch vụ thoại qua LTE dựa trên nền tảng đám mây, Gulyani nói. "Trong năm 2016, các nhà mạng sẽ sẵn sàng để di chuyển các cổng tín hiệu của họ vào phần mềm. Và sau đó chúng tôi sẽ bắt đầu thực hiện những bước đầu tiên của một mạng vô tuyến ảo".
Ở thời gian sau đó, quá trình đưa các trạm cơ sở vào đám mây sẽ được thực hiện dần dần. Các nhà mạng sẽ bắt đầu với một cấu trúc "xử lý chia nhỏ", nơi mà các trạm cơ sở sẽ đảm nhiệm việc xử lý tất cả các tín hiệu, trong khi trung tâm dữ liệu thực hiện các chức năng baseband cao hơn.
Trong vài năm nữa sau thời kỳ "quá độ" này, khi các nhà mạng đã sẵn sàng để xây dựng thế hệ mạng di động tiếp theo - công nghệ 5G mà chúng ta vẫn thường nghe nói - mạng lưới của họ đã trải qua xong quá trình chuyển đổi. Khi đó, việc xây dựng mạng 5G cực mạnh sẽ không yêu cầu cần cẩu, xe tải hay hàng ngàn kỹ sư nữa, thay vào đó chỉ là việc xây dựng thêm một loạt các trung tâm dữ liệu khổng lồ.

Windows 10 sẽ kết dính mọi thứ với IoT

Bùi Lê Duy

(PCWorldVN) CEO của Microsoft, Satya Nadella, vừa tiết lộ Windows được làm lại để nó đóng vai trò là trung tâm của Internet of Things (IoT) tại hội nghị của Gartner.
CEO Microsoft, Satya Nadella.
CEO của Microsoft, Satya Nadella, vừa tiết lộ Windows được làm lại để nó đóng vai trò là trung tâm của Internet of Things (IoT). Ông cho biết hệ điều hành tiếp theo của Microsoft là Windows 10 sẽ là trọng tâm, là trung tâm điều khiển mọi thứ trong hệ IoT, từ các thiết bị cảm ứng, hệ thống cơ điện cho đến các ứng dụng và phân tích thuộc IoT.Hôm thứ 3 vừa rồi, tại hội nghị Symposium/ITxpo của Gartner, Nadella mô tả Windows 10 là bước đầu tiên thuộc Windows thế hệ hoàn toàn mới, khác hoàn toàn với bản vừa tung ra sau Windows 8.
Nadella vừa được bổ nhiệm chức CEO của Microsoft hồi đầu năm nay, cho rằng Windows không chỉ cho máy tính bảng, điện thoại và PC, nhưng nó còn là nền tảng để có thể "chạy được mọi nơi, ở bất kỳ đâu xem điện toán là yếu tố quan trọng".
Nadella cũng cho biết thêm những tính năng mới của Windows như khả năng quản lý và bảo mật được Microsoft đặt nặng hơn bao giờ hết, nhằm đáp lại những quan ngại của người dùng về những vụ tin tặc tấn công như hệ thống HVAC.
Đây là lần đầu tiên Nadella xuất hiện trong hội nghị Symposium/ITxpo, mà theo Gartner có đến 8.500 người tham dự, trong đó có khoảng 3.000 CIO.
Việc ông xuất hiện trên bục diễn thuyết cũng khiến nhiều người tham dự đặt vô số câu hỏi, trong đó có nhiều vấn đề thú vị được nêu ra như về phí bản quyền, ví dụ: "Khi nào ông làm lại các thoả thuận về bản quyền để nó đơn giản hơn và người ta dễ hiểu hơn?", mọi người đều vỗ tay và tán thưởng.
Khi có cơ hội giải đáp vấn đề về bản quyền trong 45 phút xuất hiện của ông, Nadella giải thích vấn đề này. Vài thứ phức tạp trong việc bán bản quyền là kết quả của việc cố gắng đáp lại "tính linh động không ngớt" mà khách hàng yêu cầu, nhưng nếu có một mô hình nào đó thay thế được cho tất cả trường hợp thì sẽ lại nảy sinh những kẽ hở.
Sự kiện này cũng là dịp để người tham dự so sánh giữa Nadella và vị CEO tiền nhiệm Steve Ballmer, người từng xuât hiện thường xuyên trên diễn đàn này nhiều lần.
Nadella minh hoạ sự khác biệt thông qua... ngoại hình, nhưng đó chỉ là lối đùa vui để đáp lại một câu hỏi từ một nhà phân tích Gartner rằng chuyện gì sẽ xảy đến cho Windows 9.
Có thể Ballmer sẽ trả lời câu hỏi này bằng cách hài hước và mạnh mẽ đặc trưng của ông.
Còn với Nadella, ông trả lời nhanh, gọn khi nó với Windows 9 không mấy phổ biến này: "Nó đến rồi nó đi". Câu nói ấy đủ để kết thúc, đủ khôi hài và khiến người nghe cười khúc khích. Câu trả lời cũng tránh được những câu hỏi phát sinh sau đó.
Rõ ràng, Nadella đang bán Windows 10 tại diễn đàn này, nhất là đối với những thính giả như Phil Elliott, giám đốc phát triển ứng dụng của đại học Kinh tế Chicago Booth School, vì trường này còn chạy Windows 7.
Elliot cho biết bất kỳ quyết định nào liên quan đến Windows 10 cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng. Ông sẽ thí điểm một số ít trước khi dám triển khai rộng nền tảng này.
Còn theo ông Frank Elmore, CIO của Orange County Public Schools ở Florida, Mỹ, tính cách của Ballmer thỉnh thoảng thể hiện thông điệp của Microsoft nhưng Nadella nói về Microsoft theo một cách rất cô đọng và mang tính cộng hưởng.
Từ khóa: Microsoft, Nadella, Windows 10

Những sản phẩm IoT thay đổi cách sống

Minh Cao

IoT đang mang tới những ngôi nhà thông minh, đồng thời nâng cấp những ngôi nhà bình thường lên một tầm cao mới. Dưới đây là 9 sản phẩm có tính cách mạng, khởi đầu câu chuyện về nhà thông minh trong thời đại Internet of Things.
9 sản phẩm này sẽ cho phép người dùng giám sát và điều khiển mọi thứ từ thanh nhiệt kế trên tường, tới cái ấm tích trên bếp điện. Tất cả đều được xử lý qua smartphone và biến ngôi nhà trở nên thông minh
Belkin WeMo
Hệ thống tự động trong nhà của Belkin Wemo có thể điều phối mọi sản phẩm cùng thương hiệu bao gồm: đồng hồ thông minh, ổ cắm điện, bóng đèn LED, cảm biến di động. Người dùng chuỗi sản phẩm này hoàn toàn điều khiển được thiết bị từ smartphone hoặc trình duyệt thông qua đám mây miễn phí của Belkin.
Belkin WeMo
Hãng này cho biết cũng đang lên kế hoạch hỗ trợ những tiện nghi nhỏ hơn, như nồi hầm hay máy pha cà phê. Và nếu người dùng thông thạo về điện, nền tảng WeMo Maker sẽ giúp chuyển đổi bất kỳ thiết bị nào có cảm biến một chiều nhỏ trở thành thiết bị thông minh được điều khiển từ xa như trên.Canary
Hòa cùng với xu hướng thắt chặt an ninh nhà riêng với hàng loạt thiết bị theo dõi thông minh, Canary cũng là một hệ thống an ninh All-in-one. Hệ thống này bao gồm một máy quay video HD, và cảm biến có thể thích ứng với điều kiện không khí, tốc độ, âm thanh, nhiệt độ.
Thiết bị Canary
Bằng cách sử dụng máy thăm dò để xác định các hoạt động thường xuyên trong nhà, Canary tự phát hiện các thay đổi và báo động cho người dùng thông qua Notification qua smartphone. Một khi đã kiểm soát được nhiệt độ, mức độ tiếng ồn trung bình khi nhiều người ở trong nhà, Canary có thể giảm các trường hợp báo động sai sót. Hệ thống cũng cho phép người dùng tùy chỉnh số lượng người sẽ nhận được báo động nếu chẳng may chủ sở hữu ở quá xa nhà.Kết nối TCP
TCP là hệ thống ánh sáng trong nhà tự động, gồm cổng kết nối với Router, điều khiển kết nối không dây từ xa, 2 bóng đèn LED được điều khiển thông qua ứng dụng điện thoại.
Minh họa cho hệ thống TCP.
Ứng dụng này cho phép người dùng điều khiển trạng thái ánh sáng, giảm thiểu hoặc tắt/mở từ xa. Với thiết lập 1 chạm (“đêm”, “vắng nhà”), ánh sáng cũng được lập trình để tắt/mở theo từng thời điểm trong ngày. TCP hiện tại đang chỉ tập trung vào mảng ánh sáng thông minh, cũng như chỉ hỗ trợ thương hiệu đèn LED của riêng mình.
Công nghệ nhận diện năng lượng Neurio 
Công nghệ Neurio
Để đối phó với tình trạng hoang phí năng lượng, Neurio đã tích hợp cảm biến có kết nối Wi-Fi trong bảng điện và nhận diện năng lượng tiêu tốn trên ừng thiết bị cụ thể từ cảm biến này. Công nghệ này cho phép giám sát năng lượng đang dùng trên các thiết bị khác nhau. Hơn thế nữa, Neurio được đính kèm chức năng báo động khi thiết bị đi quá ngưỡng tiêu tốn năng lượng so với mức bình thường.
Các báo động này đều được gửi qua tin nhắn từ ứng dụng di động.
Cảm biến kết nối Grid Connect
Grid Connect là hãng sản xuất cảm biến có uy tín, vừa cho ra hệ thống cảm biến ConnectSense phục vụ riêng cho hệ thống an ninh tại nhà. Hệ thống này cũng được tích hợp cùng Router Wi-Fi và các sản phẩm cùng hãng... Một số cảm biến chạy bằng pin, phù hợp với điều kiện thiếu ổ điện.
ConnectSense
Thông qua ứng dụng điện thoại và đám mây, ConnectSense dễ dàng gửi tin nhắn báo động qua thư thoại, tin nhắn, email.iControl Network Piper
Đây là dịch vụ điều khiển hệ thống automat của nhà thông minh từ xa, tích hợp với camera góc rộng 180 độ với âm thanh 2 chiều. Cảm biến trong thiết bị sẽ truy xuất dữ liệu của chuyển động, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và âm thanh. Riêng cảm biến âm thanh có thể nhận diện âm thanh thường và âm báo động cháy nổ hoặc chuông cửa.
iControl Network Piper
Cũng điều khiển từ ứng dụng điện thoại có nhiều tùy chỉnh, Piper hỗ trợ thêm đám mây miễn phí.
Voice Ivee Sleek

Voice Ivee Sleek
Sleek có vẻ ngoài khá giống với đồng hồ báo thức, nhưng có chức năng của một thiết bị nhận diện và sử dụng giọng nói để điều khiển thiết bị trong nhà.
Thiết bị cũng báo cáo được mức độ hơi nước trong không khí và thu nhận các thông tin về thời tiết trên Internet.
Revolv
Revolv định vị là thiết bị chuẩn hóa mọi kết nối và điều khiển từ xa, trên mọi hãng sản xuất, thể loại hoặc giao thức sử dụng.
Sản phẩm Revolv
Hệ thống này hỗ trợ 7 tần suất sóng khác nhau, và một ứng dụng iOS để giám sát trạng thái và điều khiển các thiết bị, ví dụ Sonos Home theater, các dàn Hi-Fi… Revoly cũng sử dụng Wi-Fi để kết nối với Router nên có thể dịch chuyển trong nhà. Hãng này cho biết sẽ phát triển thêm ứng dụng Android vào Quý 3, 2014.
Almond+
Thiết bị Almond+
Điểm khác biệt của Almond + với các thiết bị cùng phân khúc, là màn hình cảm ứng màu LCD có chức năng hỗ trợ người dùng trong việc giám sát và điều khiển thiết bị. Almond+ được thiết kế để treo tường, trông khá thanh lịch và chắc chắn. Sản phẩm này sẽ lên kệ vào Quý 3, 2014.
Từ khóa: internet of things, ngôi nhà thông minh, nhà thông minh

Smartphone là bước đệm tốt cho IoT

Đô Nguyễn

Trong tương lai, Qualcomm sẽ tiếp tục áp dụng những công nghệ trên smartphone vốn rất thành công vào những loại thiết bị công nghệ khác và nhân rộng chúng lên trong thế giới Internet của vạn vật.
Ông Thiều Phương Nam Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương
Internet of Things (IoT) là một khái niệm được nhắc đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Trong thế giới của IoT, các thiết bị công nghệ thông minh kết nối và tương tác với nhau sẽ thay đổi cách chúng ta sống, làm việc, giải trí… Để tạo nên một thiết bị kết nối trong IoT, một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thông minh, đa năng cho mọi thiết bị t là chip xử lý vận hành trên thiết bị đó. Do vậy, để IoT nhanh chóng được phủ rộng, phát triển toàn diện hơn thì cần phải có sự nỗ lực, phối hợp cũng như kế hoạch rõ ràng của các nhà sản xuất thiết bị, nhà cung cấp dịch vụ Internet, các hãng công nghệ và nhất là nhà cung cấp chip xử lý. Qualcomm – nhà cung cấp lớn những công nghệ nền tảng của di động đã và đang có chiến lược rõ ràng liên quan đến IoT.
PC World Việt Nam đã có dịp trao đổi với ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương để tìm hiểu rõ hơn về IoT cũng như các kế hoạch, dự án triển khai  tại Việt Nam.

PCW. Chào ông, truyền thông gần đây nhắc rất nhiều đến cụm từ Internet of Things hay Internet của mọi thứ. Khái niệm này có vẻ hơi cao siêu và mơ hồ. Vậy, ông có thể giải thích rõ ràng và dễ hiểu hơn không?
Ông Thiều Phương Nam: Để dễ hiểu, Internet of Things là tập hợp nhiều thiết bị công nghệ thông minh kết nối và giao tiếp với nhau. Những thiết bị này có thể trao đổi dữ liệu qua lại qua Internet từ đó tính toán và đưa ra những lời khuyên phù hợp cho từng hoạt động của con người trong cuộc sống, công việc, giải trí…
Hiện nay, đa số những thiết bị điện tử, gia dụng như TV, tủ lạnh, máy giặt… không được tích hợp vi xử lý giúp có thể tính toán như máy tính. Do đó, trong IoT, những thiết bị này bắt buộc phải được trang bị chip xử lý để khiến bản thân nó trở nên thông minh.
Yếu tố bắt buộc thứ hai là những thiết bị IoT phải được tích hợp các kết nối như Wi-Fi, mạng dữ liệu di động (3G, 4G-LTE…) để chúng có thể trao đổi dữ liệu (giao tiếp) với nhau. Vậy, thiết bị trong IoT phải thoả mãn hai yêu cầu: thông minh và có thể kết nối với nhau.
Như vậy, điện thoại thông minh có được xem là một hình mẫu của một thiết bị trong IoT không vì chúng cũng thông minh và cũng được trang bị kết nối? Và liệu trong thế giới IoT trong tương lai, smartphone không còn quan trọng nữa?
Đúng, có thể xem smartphone là mẫu hình thành công của một thiết bị thông minh kết nối trong IoT. Tiếp nối những thành công trên thị trường smartphone, trong thời gian tới, Qualcomm đặt mục tiêu phát triển cho công ty theo hướng Total Mobile Company – Công ty chuyên về di động. Với định hướng này, ngoài smartphone, Qualcomm còn hướng đến nhiều sản phẩm khác trong IoT.
Hiện tại, smartphone sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng. Năm 2013, số lượng smartphone vượt con số 1 tỷ thiết bị. Hiếm có một sản phẩm công nghệ nào đạt được mốc 1 tỷ. Theo dự báo, trong năm nay và trong thời gian tới, số lượng smartphone sẽ tiếp tục tăng. Đến năm 2018, số smartphone sẽ đạt 2 tỷ chiếc.
Tuy nhiên, trong những năm tới tốc độ phát triển của smartphone có thể sẽ không bằng 2, 3 năm trước đây. Tỷ lệ tăng trưởng sẽ dừng lại ở khoảng 30% đến 40%/năm (mức tăng trưởng cũ là 70%-80%/năm) và các thiết bị mới sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Dự báo đến năm 2020, trong IoT sẽ có đến 25 đến 30 tỷ thiết bị kết nối với nhau, nhưng con số smartphone trong thế giới IoT chỉ chiếm khoảng 1/3 và 2/3 còn lại là những thiết bị mới.
IoT sẽ khiến cho số lượng thiết bị kết nối tạo ra một lượng dữ liệu khổng lồ. Vậy điều này sẽ gây ra những thách thức nào đáng kể không?
Đây là một trong những thách thức rất lớn trong IoT – giải quyết bài toán trao đổi dữ liệu trên các mạng di động. Qualcomm cũng đang tập trung nghiên cứu để đưa ra hướng giải quyết cho thách thức này.
Như chúng ta đã biết, việc trao đổi dữ liệu trên mạng di động rất khác so với trên mạng dây. Với mạng dây, nếu thiếu băng thông thì chỉ cần thêm dây là giải quyết được, trong khi trên mạng di động thì băng tần có giới hạn thì về mặt vật lý thì không thể bổ sung thêm băng tần. Do đó, khi dữ liệu tăng đột biến trong 10-12 năm tới, chúng ta sẽ đối mặt với “thách thức 1000 lần” thì bài toán này cần phải được giải quyết. Qualcomm và nhiều hãng viễn thông di động đang nghiên cứu. Hướng giải quyết có thể là tối ưu cách sử dụng băng tần, chẳng hạn như phải nghiên cứu nhiều công nghệ trao đổi dữ liệu nhanh và tối ưu hơn trên 3G (HSPA+, Dual-Carrier…). Hướng thứ hai là sử dụng và tối ưu những công nghệ mạng không dây khác, chẳng hạn Wi-Fi thế hệ mới hoạt động ở băng tần cao. Đối với nhà mạng thì cách giải quyết bài toán này là sử dụng những cell nhỏ (small cell) để thực hiện việc trao đổi dữ liệu giữa những thiết bị cho từng gia đình, toà nhà.
Vậy tầm nhìn chiến lược của Qualcomm để phát triển IoT nói chung và tại Việt Nam nói riêng như thế nào, thưa ông?
Trong tương lai, Qualcomm sẽ tiếp tục áp dụng những công nghệ trên smartphone vốn rất thành công vào những loại thiết bị công nghệ khác và nhân rộng chúng lên trong IoT. Những công nghệ hiện đang áp dụng trên smartphone giúp các điện thoại trở nên rất thông minh và tiện ích. Việc nhân rộng các công nghệ này lên các sản phẩm khác như đồng hồ thông minh, ô tô, thiết bị chăm sóc sức khoẻ cá nhân… sẽ giúp những thiết bị này cũng trở nên đa năng và thông minh hơn. Tất nhiên, một khi những nền tảng thiết bị thông minh đã sẵn sàng thì sẽ có nhiều ứng dụng từ những nhà phát triển ra đời giúp chúng trở nên đa năng hơn, dễ dàng kết nối, điều khiển, giao tiếp và giúp cuộc sống trở nên tiện nghi hơn.
Tại Việt Nam, Qualcomm đã hợp tác và hỗ trợ một số nhà sản xuất trong nước để đưa chip xử lý của hãng vào các sản phẩm mới. Chẳng hạn như hãng đang làm việc với một nhà sản xuất của Việt Nam để đưa chip xử lý lên đồng hồ thông minh của họ. Tuy nhiên, tôi không thể tiết lộ tên nhà sản xuất được vì những cam kết trong hợp tác.

Vậy với tầm nhìn này thì hiện tại Qualcomm có kế hoạch phát triển chi tiết nào về lĩnh vực này không? Bên cạnh đó, ông có thể tiết lộ thông tin chi tiết các kết quả mới nhất của Qualcomm về IoT?
Với vai trò của mình trong ngành, tập trung vào tất cả các khía cạnh của các đột phá trong công nghệ di động, Qualcomm rất phấn khởi về các khả năng mà IoT sẽ mang đến cho người dùng cũng như các doanh nghiệp.
Là một thành viên sáng lập của Liên minh AllSeen, Qualcomm cùng với các đối tác trong ngành tích cực xây dựng các hệ thống có thể trao đổi với nhau trên toàn cầu và hệ sinh thái IoT lành mạnh mở rộng dựa trên AllJoyn, một nền tảng phần mềm và dịch vụ mở, toàn cầu và có thể lập trình được.  
Ngoài việc hỗ trợ IoT thông qua các nỗ lực chung với các đối tác trong ngành, Qualcomm còn phát triển một số giải pháp IoT tiên tiến có thể tương tác với các nền tảng dành cho giải trí trên xe hơi và trong gia đình, bao gồm AllPlay, nền tảng kết nối QCA4002 và QCA4004  được phát triển dành cho các thiết bị điện gia dụng trong gia đình (máy giặt, máy điều hòa, máy nước nóng ….), các thiết bị điện tử, các cảm biến và phích cắm đèn điện thông minh, cũng như các hệ thống an ninh và tự động hóa. Ngoài ra, Qualcomm Snapdragon 802 là bộ vi xử lý SoC tích hợp đầy đủ đầu tiên được thiết kế dành cho TV thông minh, thiết bị thu nhận tín hiệu thông minh (smart set-top box) và media adapter kỹ thuật số thông minh. Bộ vi xử lý các ứng dụng Qualcomm Snapdragon 602A mang đến các trải nghiệm tốt hơn trên smartphone và tablet cho xe hơi.
Trong tương lai, Qualcomm sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái IoT thông qua các phát minh với tầm nhìn xa và việc tham gia tích cực vào các liên minh trong trong ngành. 

Ông có thể cho biết những kết quả mà Qualcomm đã thực hiện được trong việc áp dụng IoT trong lĩnh vực thể thao? Cụ thể là Qualcomm có khuyến khích phát triển và sử dụng các thiết bị, công nghệ thông minh trong xe hơi và thể thao hay không?  
Tương tự như vai trò dẫn đầu của Qualcomm trong lãnh vực thiết bị di động, mạng và dịch vụ đã mang đến cuộc cách mạng về smartphone và tablet, Qualcomm đang tận dụng thành quả này với vai trò là một công ty cung cấp các giải pháp tổng thể, toàn diện về di dộng để đem đến một tầm nhìn mới về một lối sống kết nối rộng hơn.
Hơn một thập kỉ qua, các kỹ sư của Qualcomm đã và đang cung cấp cho các nhà mạng các dịch vụ tư vấn và tối ưu hóa mạng lưới tại các khu vực mật độ cao như sân vận động, trung tâm hội nghị, sân bay. Dịch vụ tư vấn của Qualcomm đã thành công trong việc nâng cao khả năng kết nối của các sự kiện thể thao như sự kiện Super Bowl (giải bóng đá Mỹ), Olympics, hội nghị quốc gia, Indy 500 (giải đua xe), Major League Baseball (giải bóng chày Mỹ), giải vô địc NCAA.
Gần đây nhất, Qualcomm là nhà sáng lập chính thức và là đối tác công nghệ của giải vô địch xe đua công thức E- FIA Formula E Championship – giải tranh chức vô địch quốc tế mới trong đó các xe đua chạy bằng năng lượng điện. Tại giải đấu này, Qualcomm sẽ trình diễn các công nghệ di động mới nhất bao gồm các trải nghiệm công nghệ sạc không dây cho xe, khả năng kết nối và hệ thống quạt gió kỹ thuật số. Giải vô địch thể thức E mùa thứ nhất trải qua 10 thành phố sẽ bắt đầu vào tháng 9 tại Bắc Kinh và kết thúc tại Luân Đôn vào tháng 6/2015.

Ông có thể chia sẻ ngoài lề về số lượng các thiết bị có vi xử lý Snapdragon bán ra tại thị trường Việt Nam không?
Qualcomm rất hào hứng về sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị thông minh tại Việt Nam, chúng tôi tin điều này mang đến sức mạnh giúp cải thiện cuộc sống và khởi đầu một lối sống kết nối toàn diện. Hiện Qualcomm không có các thông tin chi tiết về doanh thu cũng như số lượng vi xử lý đã bán ra tại từng thị trường cụ thể, nhưng có thể nói rằng vi xử lý Snapdragon hiện đang được trang bị trong phần lớn các thiết bị 3G và 4G LTE đã được thương mai hóa trên toàn cầu. Trong tháng 1/2014, hơn 1350 thiết bị được trang bị vi xử lý Snapdragon được công bố và thương mại hóa trên toàn cầu, trong khi đó 525 thiết kế Snapdragon đang trong quá trình phát triển.
PCWorld VN, 08/2014

No comments:

Post a Comment

quangnm