Sunday, December 22, 2013

Một người bán dạo bị lực lượng trật tự đánh nhập viện

Một người bán dạo bị lực lượng trật tự đánh nhập viện

Một người đàn ông đi bán rau củ dạo bị lực lượng dân phòng, đội trật tự và bảo vệ dân phố đánh đập dã man, phải nhập viện trong tình trạng ngất xỉu.

Thông tin ban đầu, khoảng 17 giờ chiều 6.12, ông Trịnh Xuân Tình (SN 1979, quê Thanh Hóa) bán rau củ dạo ở khu chợ tự phát trên đường D1, P25, Q.Bình Thạnh, thì lực lượng dân phòng, trật tự đô thị và bảo vệ dân phố đi kiểm tra, dọn dẹp lòng lề đường.
Thấy có lực lượng chức năng đến, những người bán dạo chạy nháo nhác để trốn. Tuy nhiên, ông Tình không kịp đẩy xe ba gác của mình đi nên bị lực lượng chức năng chặn lại xử lý.

Tiếc số rau củ mua với số vốn lớn bị lực lượng đòi thu giữ, ông Tình không cho họ đụng đến xe rau củ của mình nên hai bên đã xảy ra cự cãi. Lực lượng của UBND phường 25 đã đánh ông Tình khiến ông bị ngã xuống đất. Chưa dừng lại, họ còn dùng còng tay khóa ông Tình lại rồi dùng công cụ hỗ trợ tấn công nạn nhân.
Nhiều người dân chứng kiến tỏ ra bức xúc, chạy vào can ngăn nhưng vẫn không thể giải cứu ông Tình được.

Ông Tình bị còng tay, áp giải lên xe đưa về trụ sở

Nhóm người hung hăng, khóa tay ông Tình rồi đẩy ông lên xe ô tô đưa về trụ sở. Tuy nhiên, ông Tình chống cự lại nên họ tiếp tục đánh ông cho tới khi ông ngất lịm.
Nhận được tin báo, công an phường 25 đã có mặt tại hiện trường, đưa ông Tình đi cấp cứu tại bệnh viện Gia Định.



Nguyễn Khánh

Video trật tự đô thị đánh ngất xỉu người bán hàng rong, bản chuẩn chứ không phải bản ghép hình đâu nhé



Chiều 16 giờ 30 ngày 6.12, dân phòng, bảo vệ dân phố, trật tự đô thị… đi dẹp lòng lề đường ở khu chợ tự phát P.25, Q. Bình Thạnh, TP.HCM. Do bị hốt hết hàng hóa, anh Tình chạy theo giật lại thì bị lực lượng này còng tay.

Trên ô tô, anh Tình cố vùng vẫy chạy xuống thì lại bị lực lượng này dùng roi điện đánh, khống chế, bóp cổ ép đưa lên xe máy, sau đó đánh đến ngất xỉu phải đi bệnh viện cấp cứu.
Sự việc này khiến người dân phẫn nộ.

Đang bị trật tự phường đánh thì... lăn ra ngủ?!


[IMG]
Hình ảnh nhân viên trật tự phường 25, quận Bình Thạnh bóp cổ khiến nạn nhân kêu la đau đớn

Theo đó, hằng ngày với phương tiện mưu sinh là chiếc xe gắn máy chở theo giỏ trái cây, anh rảo khắp các tuyến đường tại TPHCM để bán hàng.

Chiều 6/12 sau khi bán dạo khắp các ngõ hẻm, anh Tình chạy xe đến khu chợ tự phát tại Cư xá 30/4, phường 25, quận Bình Thạnh và dừng xe trước nhà số 11B5 để bán. Đến 16h30 thì có một nhóm gần 10 người mặc đồ cơ quan trật tự đô thị, dân phòng của UBND phường 25, quận Bình Thạnh đi xe công vụ đến khu vực trên dọn dẹp lòng lề đường. Nhiều người ngồi buôn bán nháo nhào gom hàng hóa tháo chạy, anh Tình chưa kịp rời đi thì có khoảng 5-6 người đến vây kín.

Họ cưỡng chế đòi kéo xe và giỏ trái cây của anh Tình lên xe đưa về UBND phường xử lý. Anh Tình dùng tay kéo lại thì bị nhóm người kia lao vào giật tay ra, sau đó đánh đấm vào người nạn nhân.

Thấy anh Tình vẫn phản kháng, họ dùng còng số 8 còng hai tay anh này ra sau lưng. Rồi tiếp tục đánh, dùng roi điện dí vào người nạn nhân 4 lần. Khi anh Tình ngất xỉu, họ bỏ mặc nạn nhân nằm lê lết trên đường với 2 tay bị còng ra phía sau. Nhiều người dân thấy sự việc rất bức xúc, lo ó. Thấy vậy nhóm người dẹp lòng lề đường mới chịu đưa nạn nhân đi cấp cứu.


[IMG]
Nạn nhân nằm bất tỉnh dưới đất, 2 tay vẫn bị còng

Đến khoảng 21h đêm 6/12, người nhà anh Tình tìm đến bệnh viện và đưa anh về nhà, không dám nằm lại điều trị vết thương vì không có tiền. Sáng 7/12 anh Tình phải vay mượn 200 ngàn đồng đi mua thuốc uống vì thấy đau. Hiện tại trên lưng anh Tình vẫn còn nhiều vết thương bầm tím do bị lực lượng trật tự đô thị, dân phòng đánh chiều hôm qua.

[IMG]
Anh Tình vẫn nằm bất động trên giường

[IMG]
Những vết thương trên cơ thể anh Tình

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Quý, Chủ Tịch UBND phường 25, quận Bình Thạnh cho biết “Chiều 6/12 tổ công tác của phường đi là nhiệm vụ dọn dẹp lòng lề đường, đến khu vực chợ tạm trên đường D1 thì tiến hành xử lý 1 số người buôn bán lấn chiếm lòng lề đường. Theo đó lúc này tổ công tác có ý định xử lý việc buôn bán lấn chiếm lòng lề đường của ông Trịnh Xuân Tình (34 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú tỉnh Bình Dương, là người buôn bán trái cây dạo) nhưng ông Tình có hành động phản kháng, hành hung lại tổ công tác, buộc tổ công tác phải còng tay đưa lên xe đưa đi”.

Cũng theo ông Quý thì ông Tình say xỉn nên ngay sau đó đã vùng vẫy, quay ra ngủ tại chỗ (?!), sau đó lực lượng tại hiện trường có đưa ông Tình đi bệnh viện cấp cứu nhưng trong đêm ông này đã trốn về.

Đình Thảo

Hàng rong, cảnh sát, dân phòng và chuyện nhân danh cái nghèo

Đa phần những người buôn gánh bán bưng là nghèo. Nhưng không thể lấy cái nghèo để lấn chiếm lề đường, kinh doanh bất hợp pháp... Vậy là cảnh sát phải ra tay. Ra tay thì đụng vào ai? Vào chính những người nghèo.

Tôi thấy xung quanh bệnh viện Chợ Rẫy lúc nào cũng ùn ứ xe cộ. Những người bán hàng rong thản nhiên chiếm giữ vỉa hè và lòng đường, kê ghế ngồi ngay trên lòng đường giữa thanh thiên bạch nhật.
Tình hình cũng không sáng sủa hơn ở các con đường xung quanh bệnh viện Đại Học Y Dược, trước cửa bệnh viện Phụ sản Từ Dũ… Những ví dụ như vậy rất nhiều ở thành phố chúng ta, từ quận 1 đến quận 11, từ quận số đến quận chữ, cứ ở đâu có đông người là ở đó có lấn chiếm lòng lề đường.
Cứ mỗi khi đêm về, những công nhân vệ sinh lại cật lực dọn dẹp, quét rác, vậy mà chỉ vài giờ sau cả khu vực lại chìm trong rác và nước thải. Đấy là chưa kể đến chất lượng của hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm được bày bán trên vỉa hè, lòng đường, không ai kiểm soát được.
Khi gặp những cảnh như vậy, đặc biệt là khi công việc của chúng ta bị ảnh hưởng bởi sự lấn chiếm, đa số đều cho rằng các cảnh sát khu vực hoặc cảnh sát trật tự đã bảo kê cho những người này nên họ mới ngang nhiên như vậy. Một vài cảnh sát phân trần rằng: họ là những người nghèo buôn gánh bán bưng, bức bách họ rất khó.
Nhưng mà trật tự thì phải giữ, giao thông thì phải thông. Vậy là cảnh sát phải ra tay. Ra tay vào ai? Vào chính những người nghèo. Đa số những người giàu kinh doanh trên lề đường thực sự là những hoạt động hợp pháp, được cấp phép.  Bởi vì họ vẫn bảo đảm lưu thông, bảo đảm mỹ quan đô thị, chất lượng hàng hóa ít nhiều được kiểm soát, chưa kể đến việc mang lại những đồng tiền thuế cho ngân khố quốc gia.
Vậy là một câu chuyện mới được mở ra: cảnh sát tấn công người nghèo.

Có ai đã từng gặp những người buôn gánh bán bưng ngang ngược chưa? Tôi nghĩ ở Sài Gòn này, có không ít. Khi thì bạn đang đi họ hắt nguyên xô nước bẩn vào bạn, khi thì họ điềm nhiên ngồi nhìn bạn loay hoay tìm cách len qua những hàng hóa, bàn ghế mà họ bày ra đường.
Vô tình bạn đụng vào cái gì của họ thử coi, chẳng hạn như đụng vào cục gạch để giữa đường nhằm thông báo bán xăng lậu. Nếu bạn kịp chạy thoát thì bạn hãy cố gắng đừng trở lại đó, còn không thì hãy ngoan ngoãn dừng lại, xin lỗi họ, xếp lại cục gạch cho họ và bạn nghiễm nhiên trở thành đồng lõa với việc vi phạm pháp luật.

Lực lượng cảnh sát có người tốt, có người xấu, có người điềm đạm, có người nóng tính. Lực lượng cảnh sát không thể nào đủ để giữ trật tự, thế là nhiều địa phương phải tuyển dụng dân phòng. Thành phần dân phòng thì vô cùng phức tạp, sự hiểu biết không đồng nhất, sự giáo dục cũng không đồng nhất, đa số chưa được học hành nhiều (vì những người học hành nhiều đâu có thời gian tham gia dân phòng), lại được trao cho một cái quyền, được đứng trên người khác, nên không thể tránh khỏi có những hành vi sai trái, thậm chí là vô văn hóa.

Khi những cảnh sát xấu hay cảnh sát nóng tính, những dân phòng không được giáo dục đầy đủ gặp những người buôn gánh bán bưng ngang ngược, chúng ta có những câu chuyện rợn người. Chúng ta bình luận, chửi bới.
Thường thì dư luận luôn ủng hộ người nghèo, nhưng có xã hội nào có thể chấp nhận được cảnh thành phố nhếch nhác, dơ dáy, hôi khai? Có xã hội nào chấp nhận được những con người bất chấp luật pháp, bất chấp sự an nguy của người khác, cho dù là nhân danh cái nghèo?

Nghèo và vi phạm pháp luật là hai phạm trù không có mối liên hệ gì đặc biệt với nhau. Có nhiều cách để làm cho hết nghèo, nhưng theo tôi để hết nghèo thì trước hết cần phải duy trì trật tự an toàn xã hội, xây dựng một xã hội pháp trị.
Để làm được điều đó, chính quyền cần phải làm tất cả những biện pháp nhằm xóa nghèo đói một cách căn cơ, thực chất.

Nhưng điều quan trọng là chúng ta cần có tư duy đúng về cái nghèo.
Người nghèo là những người kém may mắn, đáng thương trong xã hội. Người nghèo là tầng lớp đặc biệt nhạy cảm với các thay đổi của xã hội. Một mặt chúng ta phải nỗ lực xóa nghèo đói, mặt khác chúng ta phải nhận thức được rằng cái nghèo không thể là động lực phát triển của xã hội. Vì một xã hội mà xây dựng trên nền tảng của nghèo đói sẽ là một xã hội què quặt, tiềm ẩn một sự bất ổn rất lớn.
 
BS Võ Xuân Sơn

Ai cho phép dân phòng quyền bắt bớ người dân

Khi dân phòng cho mình cái quyền còng tay một người bán hàng rong thì chính luật pháp đã bị vi phạm nghiêm trọng.

Vụ trật tự phường đánh dân đến ngất xỉu mới đây khiến dư luận vô cùng bức xúc. Việc lạm quyền của lực lượng dân phòng đã đến mức báo động. Những vụ đánh người, chửi dân, vi phạm giao thông,… của lực lượng này đã được các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải nhiều trong thời gian qua.
Theo quy định, dân phòng chỉ có quyền bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở công an phường theo quy định của pháp luật. 
Vậy tại sao họ có quyền bắt giữ một người bán hàng rong, ngay cả khi họ vi phạm hành chính mà cụ thể ở đây là buôn bán lòng lề đường? Nếu người bán hàng rong này hành hung lại họ, tại sao họ không báo cho công an phường đến giải quyết  mà tự mình còng tay anh ta?
trat-tu-phuong-1347-1386812753.jpg
Người bán hàng rong bị trật tự phường phường 25, quận Bình Thạnh bóp cổ, đánh đến ngất xỉu. Ảnh: cắt từ video
Cách đây ít lâu, khi tôi đang chạy xe máy ở  Hà Nội thì có hai người mặc trang phục dân phòng nhảy ra chặn đầu xe và bắt đưa vào vỉa hè để xử lý. Chỉ có hai anh dân phòng thôi, không hề có công an của phường hay lực lượng cảnh sát giao thông và chắc chắn họ có dấu hiệu mới uống rượu bia xong. Họ đòi kiểm tra giấy tờ, bằng lái xe của tôi và cho biết rằng tôi mắc lỗi đi xe không có gương chiếu hậu.
Biết là mình có lỗi nhưng tôi nhất quyết không chịu đưa giấy tờ xe và bảo rõ rằng lực lượng dân phòng không có quyền dừng xe người vi phạm. Nếu muốn lập biên bản thì hãy mời lực lượng cảnh sát gia thông ra đây. Tranh cãi một hồi thì họ cũng đành để tôi đi.
Để một người chấp hành luật pháp thì trước hết cần hiểu rõ luật. Là dân phòng, thì lại càng phải hiểu rõ hơn. Theo quy định, lực lượng dân phòng chỉ cần trên 18 tuổi, và không yêu cầu trình độ học vấn. Điều này sẽ xảy ra hiện tượng nhiều dân phòng thiếu trình độ, không hiểu luật, dẫn tới lạm quyền.
Vấn đề thứ hai là ý thức công dân của lực lượng dân phòng, đây là khái niệm rất mơ hồ. Chỉ cần có quan hệ tốt với nhân dân và không tiền án, tiền sự là đủ. Chính tiêu chuẩn mơ hồ này có thể dẫn tới việc những thanh niên bất hảo vẫn lọt được vào lực lượng dân phòng.
Khi đã trao quyền cho những người thiếu hiểu biết và đạo đức kém là điều cực kỳ nguy hiểm. Họ sẽ tận dụng cái quyền đấy để thỏa mãn những giá trị về cả vật chất và tinh thần cho mình. Ít nhất thì họ cũng có thể bắt nạt được những người  dân thấp cổ bé họng  đang phải mưu sinh vất vả như những người bán hàng rong hay xe ôm, hay hàng nước...
Quyền lực cần được trao cho những người có đạo đức tốt hoặc phải có một cơ chế giám sát đủ mạnh để quyền lực đó không bị biến tướng. Chính vì cả hai điều trên đều chưa làm tốt, khiến người dân bức xúc.
Nếu một người không được học hành tử tế, lại không có đạo đức mà được trao cho cái dùi cui, khoác bộ quần áo dân phòng thì đương nhiên họ nghĩ mình to lớn lắm, muốn làm gì ai cũng được.
Dân phòng chính là lực lượng trực tiếp tiếp xúc với người dân, nếu có xung đột xảy ra, họ là người dễ làm sai luật nhất. Theo nguyên tắc, lực lượng dân phòng chỉ có quyền hỗ trợ cảnh sát, vì vậy, những vụ lạm quyền, đi quá giới hạn cần phải xử lý nghiêm để yên lòng dân.
Thực tế cho thấy một mâu thuẫn rất lớn giữa trình độ với quyền lực, trách nhiệm của dân phòng. Nhìn lại lịch sử, dân phòng bắt nguồn từ lực lượng dân quân tự vệ, dân công hỏa tuyến từ hồi chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trong điều kiện thời chiến họ đã góp phần rất lớn tạo nên những chiến công hiển hách và đã được lịch sử ghi nhận. Tuy nhiên, trong thời bình, cần xem xét lại vai trò của lực lượng dân phòng, khi kẻ thù ngoại xâm không còn.
Để bảo vệ, giữ gìn yên bình cho người dân yên ổn làm ăn, sống và làm việc theo pháp luật thì cần có một lực lượng chính quy, đó là công an. Đó là lực lượng mạnh nhất, được đào tạo bài bản nhất, có trách nhiệm đảm bảo thực thi pháp luật hiệu quả nhất, công bằng nhất.
Theo tôi, nên xem xét chấm dứt vai trò của dân phòng càng sớm càng tốt.
Điều 6. Quyền hạn của Bảo vệ dân phố

1. Bắt, tước hung khí và áp giải người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, trốn thi hành án phạt tù đến trụ sở Công an phường theo quy định của pháp luật.

2. Yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm và báo cáo với Ủy ban nhân dân, Công an phường để có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những người đang có hành vi vi phạm trật tự công cộng, trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, các vi phạm quy định an toàn cháy nổ và những người vi phạm các quy định khác về trật tự, an toàn xã hội.

3. Tham gia với lực lượng Công an hoặc lực lượng chức năng để truy bắt người phạm tội, người đang bị truy nã, trốn thi hành án; kiểm tra tạm trú, tạm vắng; kiểm tra giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tuỳ thân khác của những người tạm trú, người có nghi vấn đến địa bàn khu phố được phân công phụ trách.

(Trích Nghị định 38/2006, ngày 17/4/2006)
Long Hoàng



No comments:

Post a Comment

quangnm