Saturday, April 12, 2014

Kinh ngạc với giọng hát hai giọng trong 'Người bí ẩn'

Kinh ngạc với giọng hát hai giọng trong 'Người bí ẩn'

image


Trong tập 2 lên sóng tối qua, danh hài Hoài Linh đã sững sờ trước tài năng của "người bí ẩn" Khánh Bình và quyết định đầu tư cho anh phát triển sự nghiệp ca hát.
Đêm qua - 6/4, tập 2 của chương trình Người bí ẩn đã tiếp tục lên sóng và mang đến nhiều bất ngờ, thú vị cũng như hài hước cho khán giả theo dõi. Hai khách mời trong tập 2 là diễn viên Petey Nguyễn của phim Âm mưu giày gót nhọn và diễn viên - người mẫu Thúy Diễm. Điểm nhấn đặc biệt của tập này chính là sự xuất hiện của "người bí ẩn" - anh chàng Khánh Bình (tên thật Bùi Quang Bình). Mặc dù là chủ quán phở ở Rạch Giá và đã có 2 con nhưng Khánh Bình lại có tài năng khiến mọi người kinh ngạc khi có thể hát cả giọng nam lẫn giọng nữ. 

Trọn vẹn màn biểu diễn của Khánh Bình và phần danh hài Hoài Linh ngỏ lời "chiêu mộ"

image

image
Hoài Linh và Việt Hương thể hiện sự ngưỡng mộ cho tài năng của Khánh Bình

image

image
Danh hài ngỏ ý đầu tư giúp Khánh Bình phát triển sự nghiệp ca hát và anh đã gật đầu đồng ý

Khánh Bình xuất hiện ở vòng thứ 4 của chương trình với thử thách tìm người có giọng hát đặc biệt. Sau khi lộ diện, Khánh Bình đã khiến cả trường quay ngỡ ngàng khi hát song ca bằng cả giọng nam và nữ rất hay trong ca khúc Đừng nói xa nhau. Ngay sau màn biểu diễn của anh, Hoài Linh - Việt Hương đã lên tận sân khấu tặng hoa và thể hiện sự ngưỡng mộ của mình cho tài năng đặc biệt này. Danh hài Hoài Linh đã cho biết anh bất ngờ và "nổi da gà" khi được chứng kiến tài năng hiếm có của Khánh Bình. Lần đầu tiên, nam danh hài nổi tiếng quyết định đầu tư 100% cho Khánh Bình để anh phát triển sự nghiệp ca hát với tài năng đặc biệt của mình.


Một số diễn biến ở tập 2 của Người bí ẩn:

image
Đội nhà ở tập 2 gây chú ý khi diện đồ bà ba với màu nổi bật

image
Việt Hương tạo dáng nghịch ngợm với đội khách

image
Phút giây nghỉ ngơi thoải mái của danh hài Hoài Linh

image

image
Vòng 1: Người bí ẩn với chiều cao tốt nhất thuộc về người mẫu Mạnh Đồng với chiều cao 1m88. Ngay sau đó, chàng trai này có màn catwalk vui nhộn với Việt Hương. Tỷ số giữa hai đội là 1-1.

image
Vòng 2: Người bí ẩn là cascadeur chuyên nghiệp Phương Thảo. Nữ diễn viên này đã bị Hoài Linh "phát giác" bởi 1 chi tiết khác thường trên cơ thể. "Con gái tập võ mới có 2 cái cục xương trên vai" - danh hài phân tích. Tỷ số là 2-1 nghiêng về đội nhà.

image
Vòng 3: Beatboxer chuyên nghiệp là chàng trai trẻ có tên ngắn gọn là Văn. Tỷ số tiếp tục được nâng lên 3-1 cho Hoài Linh - Việt Hương.

image
Vòng 5: Cũng một chi tiết trên cơ thể đã giúp cho 2 đội nhận ra nghệ sĩ vĩ cầm chuyên nghiệp Kim Tuyến (20 năm theo nghề). Tỷ số chung cuộc 5 - 3 thuộc về đội Hoài Linh - Việt Hương

image

Sương khói sầu vương ánh mắt ai

image
Tôi vào ‘Viện Phục Hồi’ để thăm mẹ của một người bạn, bà hơn chín mươi tuổi. Gọi là viện ‘phục hồi’ cho lịch sự, chứ đã có mấy ai được hồi phục sức khỏe để mà xuất viện về nhà. Vào đây rồi, thì xem như chờ ngày Trời gọi đi. Toàn cả những người bại liệt toàn thân, bán thân, hoặc đã mê man không còn biết trời đất chi nữa. Những người còn có thể tự dùng xe lăn để di chuyển một mình, chậm chạp như rùa bò, và khó khăn để tiến tới vài ba thước, thì có thể xem như thuộc thành phần khỏe mạnh nhất, có sức khoẻ tốt.

Một cụ già teo tóp, như chỉ còn bộ da nhăn nhúm bọc trong mớ áo quần bùng nhùng, đang chống gậy đi từng bước chậm chạp vào cổng viện. Có lẽ cụ đi thăm thân nhân. Cái gậy của cụ, chọc chọc nhiều lần xuống đất, giống như dò đường trong nước lụt, rồi mới trụ lại để đỡ cho bước chân kế tiếp. Tôi thầm nghĩ rằng, đi đứng khó khăn đến thế, mà cũng chịu khó vào đây thăm viếng. Tiếng thở khò khè mệt nhọc của cụ, làm tôi ái ngại.

image
Note: Tất cả những hình trong bài này là hình minh họa

Bà mẹ bạn tôi xem như bị liệt chân, nằm trên giường. Có ống ni-lông nối từ bọng tiểu ra một cái bình treo cạnh giường. Nước tiểu màu vàng rỉ dần làm thành bọt trong ống dẫn. Ruột già của bà, được nối với một cái ống khác, để chuyển phân vào cái túi nằm bên ngoài, mang trên bụng. Bà đang nhăn nhó, khó chịu vì cái túi phân quá đầy, mà y tá chưa có thì giờ để giúp bà trút bỏ phân chứa trong cái túi. Một ông rể nghe bà rên rỉ, anh dở mền ra, kéo quần bà xuống, sờ vào túi phân căng phồng, ông giận nói :
 “Mấy người y-tá ở đây thiếu trách nhiệm. Túi phân căng đầy thế nầy, thì chứng tỏ hôm qua chưa đổ phân. Thôi, để con giúp mẹ. ”

Ông múc chậu nước, rồi kéo quần bà cụ xuống, gỡ băng keo dán trên bụng, dùng hai tay tháo túi phân ra khỏi ống nối. Tôi vội quay mặt đi, để tránh ‘phạm thượng’, khỏi thấy cái chỗ không đáng thấy, của bà cụ. Nhưng không kịp, và tôi suýt á lên một tiếng vì ngạc nhiên. Sau nầy tôi đem cái ngạc nhiên đó ra hỏi ông rể của bà cụ, thì anh cho biết, khi già, thì ‘tóc’ ở nơi ấy rụng hết, như đàn ông bị hói đầu, nên trơn lu như trẻ con. Tôi không biết có thật như vậy hay không. Khi ông rể bà nặn phân từ túi ra chậu nước, mùi thối tha nồng nặc xông lên, tôi không chịu nổi, phải lảng ra ngoài phòng. Tôi chợt cảm phục tấm lòng tốt của người con rể kia, và biết mình khó làm điều đó cho mẹ vợ được, dù tôi có thương bà đến mấy đi nữa. Nhưng có lẽ, nếu là mẹ ruột tôi, hoặc vợ tôi, thì tôi sẽ không ngần ngại mà xắn tay làm. Ông con rể của bà cẩn thận, rửa sạch túi phân, gắn lại trên bụng cho bà mẹ vợ. Anh vẫn tươi cười, vui vẻ, không tỏ ra khó chịu khi phải làm việc khó khăn dơ dáy nầy.

image
Tôi tự xét, tấm lòng của ông hơn xa chúng tôi, hơn xa các con của bà cụ. Mẹ bạn tôi được ẵm từ giường lên xe lăn, đẩy ra khu sinh hoạt, đó là một phòng lớn. Hơn bốn chục cái xe lăn, đặt hướng về một phía. Trên mỗi xe lăn, có một con người bệnh, với những đôi mắt lờ đờ như không muốn thấy, những cái đầu xiêu vẹo trên cổ, những cái miệng méo mó, hở hang, và có nước giãi lòng thòng. 

Những khuôn mặt với da trắng bệch, như vô tri, như không còn sự sống. Các sư cô đến đây giúp vui cứ nói, cứ hát. Không cần biết họ có nghe hay không. Những lời nói khuyến khích người bệnh lạc quan, yêu đời, dù cho ở hoàn cảnh nào, cũng cứ nuôi hy vọng. Tôi thầm nghĩ, có lẽ hy vọng chính đáng lớn nhất của họ, là được sớm ra đi yên bình, khỏi phải kéo dài đời sống nầy, như những hình phạt khắc nghiệt phải chịu, trước khi được giải thoát.
Tôi đi thụt lùi về góc phòng. Tôi chợt nhận ra ông cụ già đã gặp buổi sáng, cụ đang ngồi bên cạnh một lão bà trong xe lăn. Cụ ông vuốt vai, vuốt lưng cụ bà, và hát nho nhỏ, những bài hát ru em, thỉnh thoảng tiếng hát bị đứt đoạn vì ho khàn trong cổ họng. Tôi lắng nghe tiếng được tiếng mất:
“ Thôi thôi, nín đi bé ơi, đừng khóc nữa. Anh biết nó làm gãy tay con búp bê của bé. Anh sẽ gắn tay búp bê lại cho bé. Đây, cục kẹo, bé ăn đi, ngon vô cùng…Bé cười đi cho anh vui... ”

image
Bà cụ cười, cái miệng cười không răng, trông dễ thương như em bé mới biết bò. Bà cụ nói thều thào:
 “ Sáng nay ông ăn gì ? Nhớ ăn uống cho đầy đủ, đừng làm biếng ăn nghe cưng. Nhớ ăn rau trái cho nhiều vào.”
Ông cụ cúi đầu nghiêng qua, hôn lên tóc, quàng tay qua vai bà, rồi hát tiếp bản nhạc “ Sương Khói Vương Trong Mắt Em ”. Đúng là sương khói trong mắt bà, vầng mắt đã đục trắng, mờ mờ lem nhem. Tiếng hát ông khàn khàn:
 “ …ngày kia em sẽ tìm thấy rằng, những người biết yêu đều là mù quáng. Ôi, khi ngọn lửa trong tim cháy bùng, em phải hiểu rằng, sương khói đang vương trong mắt em… ”

Chưa hát xong, thì ông ho sù sụ, và dừng lại thở khò khè. Bà cụ đang nhắm mắt lim dim, như ngây ngất với tiếng hát, bỗng mở mắt quay qua ông, nói:

“ Lại ho nữa rồi. Khổ chưa. ”

Tôi trở về chỗ với bà mẹ của bạn. Người em của bạn tôi cười và nói nhỏ:
“ Tôi biết anh đang rình nghe lóm chuyện của hai ông bà cụ bên kia. Ngày nào ông cụ cũng vào thăm bà, họ không tham gia sinh hoạt chung, mà đem nhau vào góc phòng ngồi thủ thỉ. Có khi ông mượn được cây đàn, búng dây tưng tưng, có lẽ run tay, nên thường đánh trật nhịp, rồi hát cho bà nghe. Chắc cặp vợ chồng nầy, đã có một đời sống hạnh phúc tuyệt vời ”

image
Đến giờ ăn trưa, y tá bưng cho mỗi người một khay thức ăn, có bốn món. Mọi người ngồi quanh những cái bàn tròn trải khăn trắng. Rất ít người có thể tự đưa thức ăn vào miệng, y tá phải múc và bón cho từng người, như đút cho em bé. Những cái miệng đã méo, những cơ bắp đã liệt, làm thức ăn rơi chảy ra ngoài vung vãi trên tấm khăn ăn mang trước ngực. Nhiều người cứ ngậm thức ăn trong miệng, không nhai, không nuốt, giống hệt những em bé nhỏng nhẽo biếng ăn. Những người y tá rất kiên nhẫn và dịu dàng, dỗ dành các cụ:
“Giỏi, giỏi lắm. Nhai đi. Nuốt đi. Có thế chứ… cám ơn.”
Rồi họ múc thêm thức ăn, dồn vào miệng các cụ.

Hai ông bà cụ vẫn ngồi riêng trong góc phòng. Ông chậm chạp vụng về lấy khăn ăn quàng qua cổ bà, vuốt vuốt trên ngực. Bà há miệng cho ông gắn hàm răng giả Rồi ông vịn bàn, ngồi xuống, đút cho bà ăn. Mỗi khi bà há miệng đòi đút thêm, ông cười sung sướng nói:
“Có thế chứ, bé ngoan lắm mà. Ăn cho mau lớn mà lấy chồng”.

Bà cụ quay qua, nụ cười với hàng răng giả đều đặn:
“Cứ chừng đó, nói đi nói lại hoài. Nhưng nghe cũng vui tai”.

Ông tằng hắng, thông đàm trong cổ họng, rồi nói:
“ Ừ. Vợ chồng, hoặc những người yêu nhau, có bao giờ nghe nhàm câu ‘anh yêu em, em yêu anh’ đâu. Nghe mấy ngàn lần cũng cứ vui, cứ khoái tai như thường.” Bà nói nho nhỏ:
“ Ông ăn với tôi nhé. Họ cho nhiều quá, ngày nào cũng thế. Hai người mình ăn cũng chưa hết. Ông ăn chén thịt bò xào đi. Ăn đi mà. Không ai nói gì đâu. Ông cứ ngại hoài. Mỗi ngày dư ra, cũng đem đổ đi mà thôi.” Ông cười và nói đùa:
“ Cái bao tử tôi đâu phải là thùng rác ? Ừ, thôi, tôi ăn mấy miếng cho bà vui.” Bà hỏi, giọng ngọt ngào:
“ Hôm nay ông chờ xe buýt có lâu không ? ”
“ Khá lâu, vì sáng nay xe đến trước giờ. Tôi thấy xe trờ tới, mà không dám chạy theo cho kịp.
“ Ưà. Đừng có chạy. Đi còn khó khăn. Vấp té, hoặc mệt đứng tim mà chết. Trễ chuyến nầy, còn chuyến khác. Không gấp.”
“ Tôi biết mà. Muốn chạy cũng không được. Mình cứ thong thả. Chỉ sợ bà mong chờ, nóng ruột mà thôi.”

image
Bà cười, nhìn ông âu yếm. Tôi đứng nhìn xuống thảm cỏ dưới lầu, nhưng thấy và nghe hết câu chuyện của hai ông bà. Ông đưa nước cho bà uống. Bà hớp môt hớp, rồi lắc đầu. Ông có vẻ lo lắng:
“ Lấy nước cam cho bà uống nhé? Bà không ưa nước nầy?”
Bà gật đầu. Ông chống gậy chậm chạp đi dần về phiá cái bàn có nhiều bình cà phê, trà, nước ngọt. Ông vụng về rót đầy ly, rồi mang về. Một tay cầm ly, một tay chống gậy. Ông bước từng bước khó khăn. Tay ông run rẩy, làm nước chao đổ ra cả sàn phòng. Tôi vội vàng chạy đến, đỡ cái ly trên tay ông, và nói mau:
“Tôi xin được giúp ông một tay”.
Ông cụ toét miệng cười.

Tôi đem ly nước đến cho bà cụ, và chào bà, hỏi bà có mạnh khỏe không. Tôi tự giới thiệu:
“Tôi tên là Tim. Tôi vào đây thăm bà mẹ của bạn, cái bà mặc áo hoa màu đỏ, ngồi bàn đàng kia kìa”.
Ông cụ nghe không rõ, tưởng tôi đi thăm mẹ vợ, ông đáp lời:
 “Hân hạnh. Tôi là Biêu. Bà nầy là Mary. Nầy, anh là một ngưòi tử tế, biết đi thăm bà má vợ. Anh có biết thiên hạ bảo rằng, cụ Adam, tổ tiên của loài người, là kẻ sung sướng nhất thế gian, vì cụ không có một bà mẹ vợ. ” Tôi phì cười và đáp lời:
“ Xứ nầy, thì mấy ông rể ghét cay ghét đắng và có thành kiến với mẹ vợ, chứ xứ tôi, thì con rể và mẹ vợ rất thương nhau. Rể thương mẹ vợ, vì bà sinh ra con gái cho hắn ‘thả dê’ và mẹ vợ thương con rể, để nó ‘dê’ con gái của bà nhiều nhiều. Ông cụ toét miệng, nghiêng đầu cười ha hả, còn bà cụ thì trề cái môi dưới ra thật dài tỏ vẻ bất bình vì lời nói đùa cợt của tôi.

image
Một buổi chiều, tôi trở lại thăm một ông bạn cựu sĩ quan nằm mê man. Sau khi nựng má bạn để từ giã, tôi lái xe về. Khi xe đến cổng, tôi thấy ông Biêu đang chống gậy chậm chạp ì ạch đi ra đường. Nhìn lên thấy bầu trời xám xịt sắp chuyển mưa. Tôi dừng xe lại chào, và đề nghị chở ông ấy ra trạm xe buýt. Ông cám ơn, và khó nhọc lắm mới ngồi vào được trong xe, tôi phải phụ ông gài dây an toàn. Tôi thấy thương ông già quá, đi đứng khó khăn, mà ngày nào cũng đến thăm vợ bằng xe buýt, không quản ngại nắng mưa.

Những cặp vợ chồng trẻ, cũng không tình tứ lãng mạn như hai cụ già nầy.



Tràm Cà Mau

Những Phiên Chợ Trời Và Người Bạn Mỹ Già

image
Hình minh họa

http://baomai.blogspot.com/
BaoMai


Trước khi đến nước Mỹ định cư tôi đã nghe thiên hạ nói: "Nước Mỹ là thiên đường của tuổi trẻ và là địa ngục của người già". Lúc đầu đặt chân trên đất Mỹ, vì đang "hồ hởi phấn khởi" với cuộc sống mới đầy tự do no ấm, tôi thấy câu nhận định trên sai. Nhưng sau mấy năm "lê gót nơi quê người", tôi thấm thía câu nói này và nhìn nhận là rất đúng. Phải thú thật với bạn đọc rằng những người lớn tuổi sống trên đất Mỹ này buồn lắm, nhất là đối với những ai sống cô độc một mình! Nếu không là địa ngục thì cũng là một cõi vô vị, mờ nhạt, sống để chờ chết.

Do đó tôi không ngạc nhiên khi thấy một số bạn lớn tuổi của tôi, ngày xưa chống cộng cùng mình, thề không đội trời chung với kẻ thù. Thế mà nay nghe tin ông A. về Saigon sống, mai nghe tin ông B. về Vũng Tàu dưỡng già, mốt thấy ông C. gọi điện thoại chào giã biệt để về nước "sống với các cháu ". Và còn nhiều nữa, các cụ lần lượt "quy hồi cố quốc". Mới đầu tôi nghĩ những người này đã "thay đổi lập trường" vì quá mòn mỏi trông chờ vẫn không thấy vận nước đổi thay sinh ra tuyệt vọng! Nhưng không phải vậy. Nguyên do thì nhiều nhưng trong đó có một phần không kém quan trọng như tôi vừa viết ở trên là sống trên đất nước Mỹ này rất buồn. Tôi xin nhắc lại và nhấn mạnh là rất buồn. Buồn thê thiết, buồn não nề, buồn đến muốn tìm cái chết mà không đủ can đảm. Tôi là một trong số những người này. Ðã mấy lần gặp cơn bệnh ngặt nghèo, Bác sĩ bạn thân bắt gọi 911 chở đi Bệnh viện cấp cứu nhưng tôi nhất định không chịu đi.

Tôi phó mặc cho định mệnh và sẵn sàng chờ thần chết tới bắt. Nhưng vì chưa tới số nên tôi mấy lần bệnh tự giải bệnh, không chết. Và không chỉ riêng người Việt lớn tuổi lưu vong tha hương mới mang tâm bệnh buồn, cô đơn, mà có rất nhiều người Mỹ cũng vậy. Tôi xin bắt đầu câu chuyện dưới đây.

Ðể lấp khoảng trống và những nỗi buồn không tên đang vây bủa lần mòn gặm nhấm đời mình, nên cứ vào những ngày thứ bảy, chủ nhật tôi thường lui tới những phiên chợ trời nhỏ để thơ thẩn cất bước. Sở dĩ tôi chọn chợ trời nhỏ vì ở đây có nhiều khoảng trống, thong dong đi lại hơn là chợ trời lớn đông đúc và bức bối. Tôi không có nhu cầu mua bán gì cả. Mục đích xem thiên hạ mua bán và đi bộ cho khỏe gân cốt, một hình thức thể dục, thể thao theo lời khuyên của thầy thuốc. Khi nào cảm thấy mệt thì trở ra phía trước chợ - nơi thường xuyên có các ban nhạc bình dân trình diễn - kiếm chỗ ngồi nghỉ và thưởng thức tiếng đàn, tiếng trống, tiếng gào, tiếng rống của mấy nam nữ ca sĩ không tên tuổi. Thường thường thì người chơi đàn kiêm luôn ca sĩ nhưng cũng có nhiều khán giả, nhất là phái nữ, bốc hứng nhẩy lên sân khấu hát và nhún nhẩy lắc lư uốn éo thân mình trông cũng vui mắt.

image
Hình minh họa

Một hôm, sau khi đi dăm bẩy vòng chợ trời cảm thấy hơi mệt, tôi quay về chỗ trình diễn ca nhạc, vừa đặt mình xuống chiếc ghế dài thì nghe tiếng cười ầm ĩ và cả vỗ tay reo hò nữa. Nhìn về phía ban nhạc tôi thấy một ông già người Mỹ, thân hình nhỏ thó, mặc chiếc áo vét bằng da mầu vàng nghệ cũ kỹ, râu tóc lởm chởm thưa thớt bạc phơ, trông rất "bụi". Ông đang ôm một cô gái trẻ, có lẽ là người Mễ, cao to gần gấp ba ông. Hai người nhún nhẩy đong đưa "kéo" nhau bước theo một điệu nhạc giật gân Nam Mỹ. Cứ thế họ "kéo" nhau đi qua khắp các bàn đầy người ngồi. Chỉ khi bản nhạc dứt, ông già mới chịu buông cô gái ra. Ông kiễng chân cố vươn mình thật cao để hôn má từ biệt (hay cám ơn) cô gái. Mặc dầu cô gái đã khom mình cúi thấp xuống, ông già cũng chỉ đưa miệng tới ngang ngực cô thôi. Thế rồi không biết vô tình hay cố ý, ông già đặt môi hôn ngay vào chỗ nhọn của cái vú khá đồ sộ khiến mọi người ré lên cười khoái chí.

Cô gái không hề tỏ ra giận dỗi hay mắc cỡ. Cô còn đưa tay kéo đầu ông già sát vào ngực mình. Mọi người lại có dịp reo hò, nhất là mấy cậu thanh niên, có cậu huýt sáo. Ông già Mỹ sau đó hả hê bước lại một chỗ ghế còn trống bên cạnh tôi. Vừa ngồi xuống vừa thở, ông nhìn tôi khẽ gật đầu thay cho câu chào. Lúc đó đầu mùa Ðông nên cũng chưa lạnh lắm. Bây giờ tôi mới có dịp quan sát ông. Ông là người da trắng nhưng da mặt nhăn nhúm và hơi sậm như người da mầu, toát ra một vẻ phong trần khắc khổ. Khó mà đoán biết tuổi ông. Ông lấy chai nước trắng ở túi áo da ra tu một hơi dài. Khi cơn mệt đã lui và ban nhạc tạm nghỉ giải lao ít phút, ông hỏi tôi "Tàu hay Việt?". Tôi đáp Việt.

Ông ồ lên như gặp người quen và đưa bàn tay gầy guộc khẳng khiu bắt tay tôi, lắc lắc. Tay ông lạnh ngắt, tôi rùng mình có cảm giác như nắm bàn tay người chết. Ông nói dọng thân mật: "Trước đây tôi đã sống ở Việt Nam!". Tới lượt tôi ồ lên vừa ngạc nhiên vừa vui. "Bao lâu?" tôi hỏi. Ông già Mỹ cười lẩm nhẩm: "Lâu quá quên rồi nhưng nếu tôi nhớ không lầm thì ít ra cũng hai năm". Miệng ông phà hơi ra hôi hôi. Ông hình như có thói quen hay ghé sát vào tai người đối diện để nói. Tôi cố nín thở chịu đựng mỗi khi ông ghé sát mặt mình. Ông hỏi tôi có hút thuốc lá không cho ông một điếu. Tôi nói đã cai thuốc từ lâu nhưng ông muốn tôi sẵn sàng đi kiếm cho ông. Ông lắc đầu "Cám ơn, không cần thiết".

Nhưng khi có một người đi qua miệng phập phèo điếu thuốc lá, ông hỏi xin liền. Rít một lúc mấy hơi thuốc dài và ho sặc sụa, khói thuốc khét lẹt nhưng ông già Mỹ tỏ ra khoan khoái lắm. Ông nói: "Hai, ba ngày nay tôi mới được hút một điếu thuốc". Tôi hỏi ông ghiền thuốc? Ông lắc đầu: "Hút chơi ấy mà!". Tôi biết ông nói dối. Với kinh nghiệm của người hút thuốc ngót 30 năm, tôi biết ông ghiền thuốc nặng. Có lẽ vì bệnh trạng gì đó bác sĩ cấm ông hút thuốc. Tôi đã từng trải qua mấy tháng trời ray rứt khổ sở về việc cai thuốc. Ông bác sĩ chữa bệnh cho tôi nói: "Một là anh cai thuốc tôi chữa bệnh cho anh, hai là anh rời khỏi Bệnh viện về nhà tiếp tục hút đợi ngày thần chết tới rước". Tôi đành phải giã từ thuốc lá và nhờ đó bệnh đau dạ dầy của tôi sớm dứt hẳn. Khi ban nhạc tiếp tục chơi trở lại, tôi thấy ông già Mỹ vui hẳn lên. Ông bước tới người đàn bà đứng tuổi ngồi bàn bên giơ tay mời nhẩy. Bà này từ chối. Ông lại sang bàn khác. Lần này là một bà da đen, có bộ mông to tròn nặng nề. Cũng bị từ chối. Ông già vẫn không nản chí. Ông kéo đại một bà, có lẽ là người Việt vừa đi tới. Bà này la oai oái, giằng tay ra. Mọi người ồ lên cười làm bà ta đỏ mặt, vùng vằng bước nhanh vào chợ. Trước sự từ chối của các bà, ông già đành bước lên bục gỗ của ban nhạc và nhẩy... một mình. Lúc bấy giờ đã gần hai giờ chiều, người bạn đi cùng từ trong chợ ra dục tôi ra về. Trước khi rời khỏi chợ, tôi ngoái nhìn lại thấy ông già người Mỹ vẫn tiếp tục múa may nhún nhẩy một mình trên sàn gỗ. Và tiếng nhạc, tiếng kèn trối tai đuổi theo tôi mãi tới khi cánh cửa xe đóng lại.

image
FLEA MARKET

Tôi được người bạn ở Bang khác mời sang chơi cả tháng mới về. Trời đã vào Ðông thực sự. Năm nay có vẻ lạnh hơn năm trước. 10 giờ sáng thứ bẩy tôi đi chợ trời nhỏ một mình. Việc đầu tiên khi bước qua cổng chợ tôi đưa mắt tìm ông bạn Mỹ già mới quen. Kia rồi, ông ngồi bên cái bàn gần sát sàn gỗ trình diễn ca nhạc. Ông đang cầm một cái bánh ăn và mắt lơ đãng nhìn vào khoảng không trước mặt. Hôm nay ông vẫn mặc chiếc áo vét da mầu vàng nghệ, đặc biệt trên đầu có đội một cái mũ lưỡi trai mầu đỏ thẫm. Tôi đến bên ông và gật đầu chào. Ông nhìn tôi cái nhìn xa lạ. Có lẽ ông không nhận ra tôi.Tôi hỏi: "Ông khỏe không?". Ông lắc đầu không đáp và tiếp tục nhai bánh. Tôi nhìn thấy nơi cổ tay trái ông mang một cái băng nhựa có ghi tên người và số điện thoại. Tôi đoán người nhà ông sợ ông đi lạc nên ghi sẵn tên tuổi ông để khi cần giúp đỡ. Ăn xong miếng bánh, ông chùi hai tay vào hai ống quần rồi lấy chai nước trắng trong túi áo ra tu một hơi dài.

image
Hình minh họa

Trên bục gỗ hôm nay là một ban nhạc khác, ngoài đàn, trống, phong cầm ra còn một anh kéo violon và một nữ ca sĩ. Ban nhạc có cả thẩy năm người vận đồ diêm dúa như một ban nhạc nhà nghề chơi trong các hộp đêm. Tôi hỏi ông già người Mỹ: "Hôm nay ông không nhẩy?'. Tới lúc này chừng như ông mới nhận ra tôi. Ông nhe hàm răng sún cái còn cái mất, cười cười, ghé sát vào tai tôi nói: "A, tôi nhận ra bạn rồi, anh bạn Việt Nam. Anh đi đâu nhiều ngày phải không?". Có lẽ còn sớm nên người đi chợ chưa đông lắm. Ông già vẫn tiếp tục ghé sát vào tai tôi nói như thì thào: "Tôi đợi chút nữa mới nhẩy. Tôi có hẹn với một con mẹ đẹp lắm! Tuần trước tôi ôm mụ ta nhẩy mãi. Mụ khen tôi nhẩy giỏi và lúc trẻ chắc rất đẹp trai!'. Mùi hôi từ miệng ông phát ra đôi lúc tôi không nín thở kịp, rất khó chịu. Trong lúc chờ người đẹp tới, ông bạn già người Mỹ nổi hứng trút bầu tâm sự với tôi: "Anh biết không, ngày xưa lúc còn trai trẻ tôi đào hoa lắm. Ði đến chỗ nào cũng có gái theo. Khi vào lính và sang Việt Nam đánh nhau, tôi có cùng lúc ba con gà mái xinh đẹp". Tôi hỏi: "Mấy người này làm nghề gì?". "Ðứa thì bán hàng rong, đứa thì là gái bán bar. Còn đứa thứ ba làm điếm. Con điếm này đẹp nhất trong ba đứa, tôi rất mê nó". Bỗng đôi mắt kèm nhèm của ông nhấp nháy nhìn ra phía cổng chợ và ông đứng lên cắt ngang câu chuyện, nói: "Người đẹp của tôi tới rồi, hẹn ngày khác nói tiếp nghe anh bạn". Tôi nhìn theo bước chân ông đón người đẹp và suýt kêu lên. Ðó là một bà già khọm bé loắt choắt như một đứa trẻ trên mười tuổi, tóc tai bù xù rũ rượi, áo quần lôi thôi lếch thếch nhếc nhác. Ông già cầm bàn tay nhăn nheo của bà già đưa lên miệng hôn. Còn bà già rất điệu khi đưa má cho ông già hôn. Theo sự nhận xét của tôi thì đây là một người đàn bà trong số những người đàn bà xấu nhất trên thế giới. Xong "thủ tục" đón tiếp, ông già người Mỹ ôm người đẹp của ông nhẩy liền. Và hai ông bà nhẩy một lúc năm bản theo các điệu nhạc và bài hát trông rất điệu nghệ.

image
Hình minh họa

Các khán giả bất đắc dĩ ngồi nghỉ đầy các bàn vỗ tay rầm rầm. Nhưng sau bản nhạc thứ năm xem chừng đôi bạn già thấm mệt, không nhẩy tiếp được nữa. Ông dìu bà về chỗ ngồi và cả hai đều thở hổn hển. Ông lấy chai nước trắng trong túi áo vét ra đưa cho bà. Thế là ngày hôm nay tôi mất cơ hội trò chuyện tâm sự vụn cùng ông bạn già Mỹ mới quen. Khi bắt tay tạm biệt, ông hóm hỉnh nháy một bên mắt và hẹn tôi gặp lại tuần sau.

Tuần sau tôi đến chợ trời nhỏ sớm hơn thường lệ. Ðợi mãi vẫn không thấy ông bạn già người Mỹ tới, tự nhiên tôi sốt ruột và một thoáng lo ngại vu vơ cho ông già. Chẳng lẽ ông bị bệnh? Rồi tôi tưởng tượng nhiều sự việc không hay đến với ông. Không hiểu sao mới qua hai lần gặp mà tôi tưởng như mình quen thân ông từ lâu. Tha thẩn tôi rạo bước vào trong chợ. Thấy một chiếc áo khoác da đen tương đối còn mới lại bán rất rẻ, tôi mua với ý định tháng sau vào dịp Noel sẽ đem tặng ông bạn già Mỹ. Mang áo về nhà có ông bạn tới chơi, tôi đem áo ra khoe. Ông ta thích quá cứ nằng nặc bắt tôi nhường lại. Nể bạn tôi phải giao áo cho ông và tự hẹn tuần tới đi chợ trời sẽ kiếm mua một cái áo da khác tặng ông bạn già Mỹ. Nhưng rồi chẳng bao giờ tôi thưc hiện được việc này. Tôi gặp lại ông bạn già Mỹ tuần sau đó. Trông ông gầy và tọp hẳn đi. Ông bước không còn mạnh như trước. Mặc cho ban nhạc ca hát ầm ĩ, ông ngồi im trên ghế lặng lẽ nhìn mọi người. Tôi nhắc: "Nhẩy đi chứ ông bạn già". Ông lắc đầu buồn bã: "Tôi còn mệt". Và ông kể tôi nghe tuần vừa rồi ông bị cảm cúm. Mới dứt bệnh là ông đi ra đây ngay, mặc cho "bọn nó" ngăn cản. Tôi hỏi "bọn nó" là bọn nào, ông trả lời: "Bọn Nursing Home chứ còn bọn nào nữa". Thì ra ông bạn già của tôi là người của Nursing Home! Tôi thắc mắc: "Sao bọn nó để ông đi một mình ra đây?". Ông cười hóm hỉnh: "Phải biết mánh chứ đời nào bọn nó thả rông cho mình đi". Và ông kể lòng vòng quanh việc "mánh" cho tôi nghe. Cứ vào ngày thứ bẩy và chủ nhật ông phải tìm mọi cách để được đi ra ngoài. "Ra ngoài mới thấy mình còn sống, chứ cứ nằm lỳ trong đó suốt quanh năm ngày tháng thì sẽ phát điên hoặc chết vì buồn rầu chán chường mất".

Nghỉ một chút để thở, ông nói tiếp: "Tôi nghĩ ra một mánh nhờ ông bạn thân làm đơn xin mụ quản lý hàng tuần cho phép đón tôi về nhà ông ta chơi hai ngày thứ bẩy, chủ nhật. Mụ quản lý mắc mưu OK liền. Thế là hàng tuần ông ta đến đón tôi ở Nursing Home chở ra đây, buổi chiều tới đón đem về trao trả mụ quản lý. Bạn nghĩ coi, cái dẫy nhà Nursing Home tuy không phải là một trại tù nhưng là một nơi giam lỏng, mặc dầu nó làm công việc từ thiện. Quanh tôi toàn là bệnh hoạn và chết chóc. Tử khí lúc nào cũng bao phủ tràn ngập.Tôi ngửi thấy cả mùi thối rữa trong những thân thể còn sống quanh tôi. Chưa bao giờ tôi cảm thấy cô đơn, cảm thấy trống trải như ở đấy. Tuổi già đã là một bi kịch thê thảm mà Nursing Home đúng là sân khấu để trình diễn! Tôi sợ nó lắm bạn ạ, nên hàng tuần tôi phải ra đây để thấy mình còn sống, còn liên hệ, còn sinh hoạt với đời. Bi kịch thê thảm của con người không phải cái chết mà là sự già nua cô độc. Thê thảm lắm, tệ hại lắm bạn ơi!". Ông bạn già người Mỹ nói tới đây như nấc lên sắp khóc.Tôi thấy đôi mắt ông nước mắt muốn trào ra. Thì ra không phải chỉ những người già xa xứ lưu vong như tôi, các bạn tôi, đang bị những mũi tên cô đơn xuyên lủng trái tim, mà có lẽ tất cả những người già trên trái đất này đều thê thảm như nhau cả. Ông bạn già Mỹ nói tiếp: "Bạn biết không, mấy năm nay rồi, ngày thứ bẩy và chủ nhật nào tôi cũng kiếm cách ra đây, dù trời lạnh lẽo giá buốt. Những hôm mưa to gió lớn chợ không họp được, phải bó gối ngồi trong phòng nhìn lão già nằm giường bên vật vã với cơn bệnh tôi chỉ muốn chết luôn.

image

Tôi đã nhiều lần đi tìm Thượng đế và cầu cứu ngài, nhưng...". Tới đây ông bạn Mỹ già không nói nữa. Thú thực tôi thật bất ngờ với những lời ông ta vừa nói - như một triết gia. Thì ra tôi đã nhận xét lầm về ông. Ông hàng tuần phải ra chợ trời, phải ôm các bà, các cô nhẩy vung vít là để tìm hơi ấm cuộc sống, nhất là để biết mình còn hiện hữu. Ông cô đơn, ông thèm khát hơi hướng da thịt đàn bà, ông thích ôm ấp thân thể đàn bà để họ truyền sinh khí sang ông. Tôi chợt nhớ ra hỏi ông: "Người đẹp của ông đâu rồi?". Ông thở dài, tôi có cảm tưởng như ông thở hắt ra: "Bà ấy ở cùng Nursing Home với tôi. Bà ấy mới chết cách đây ba ngày". Tôi xin lỗi ông đã vô tình khơi gợi chuyện buồn. Ông xua tay: "Không sao, tất cả chúng ta rồi ai cũng phải đi vào con đường một chiều đó". Tôi ngỏ ý mời ông dùng bữa trưa tại nhà hàng ngay trước mặt chúng tôi. Ông bảo không có tiền. Tôi nói tôi mời tôi trả tiền. Ông à lên một tiếng: "Phải rồi, tôi nhớ ra rồi, lúc ở Saigon các bạn Việt Nam mời ăn là họ trả tiền chứ không như người Mỹ, OK anh bạn!".

Tôi với ông mỗi người ăn một cái bánh kẹp thịt và uống chai nước ngọt rồi lại ra ghế ngồi nghe trình diễn ca nhạc. Lúc bấy giờ đã hơn 3 giờ chiều. Tôi nói: "Ông có thể kể cho tôi nghe chuyện thời gian ông sống ở Việt Nam mà hôm trước ông chưa kể hết?". Ông bạn già người Mỹ nhìn tôi đăm đăm. Tôi không đoán được ý nghĩa cái nhìn này. Sau một tiếng thở dài và nuốt nước bọt, ông đưa tay gõ gõ nhẹ vào trán mấy cái, nói: "Nếu tôi nói với bạn tôi có một người con ở Việt Nam bạn thấy thế nào?". Tôi ngạc nhiên: "Sao ông không đưa nó sang đây?". Ông nói liền: "Tôi có biết nó ở đâu mà đưa với đón!". Lại thêm một ngạc nhiên nữa. Ông cười: "Chắc bạn lạ lắm phải không? Câu chuyện thế này!

Trong ba cô gái Việt Nam tôi lại yêu cô gái điếm nhất. Tôi yêu cô thực lòng và cô cũng yêu tôi hết lòng. Cô phải đi làm điếm để nuôi mẹ già bệnh tật và hai đứa em nhỏ. Tôi thuê một căn nhà nhỏ để sống chung với cô. Bốn tháng sau cô báo tin cô có thai. Vừa lúc đó tôi được lệnh về nước. Khỏi nói bạn cũng biết cô ta khóc lóc thảm thiết như thế nào khi chia tay. Về Mỹ hàng tháng tôi gửi tiền cho cô. Thời gian sau cô sinh thằng con trai. Khi nó được ba tháng tuổi cô gửi ảnh sang cho tôi. Trông thằng bé kháu khỉnh và có nhiều nét giống tôi lắm, nhất là đôi mắt xanh biếc. Mấy năm sau mẹ tôi bảo tôi làm bảo lãnh mẹ con cô ấy sang đây. Giữa lúc đang tiến hành thủ tục giấy tờ thì cộng sản đánh chiếm miền Nam. Chúng tôi mất liên lạc kể từ đấy". Nói tới đây ông bạn già Mỹ ngưng, đôi mắt già nua như chìm đắm vào một cõi xa xôi mơ hồ nào đó. Rồi ông thở dài quay lại phía tôi nói tiếp: "Bạn ạ, có thể nói trong cuộc đời tôi chưa bao giờ được hưởng đầy đủ hạnh phúc như những ngày tháng sống với người vợ hờ Việt Nam này". Tôi hỏi: "Thế sao ông không đi tìm cô ấy?". "Có chứ! Sau năm 1975 tôi đến Việt Nam hai lần. Tôi đã tìm tới căn nhà cũ tôi thuê cho cô ấy nhưng chủ nhà mới nói không biết. Hình như người này là cán bộ miền Bắc vào đây chiếm căn nhà này sau khi người chủ cũ bỏ chạy. Có một bà ở gần đó nói cho tôi biết lúc bọn cộng sản vào mẹ con cô ấy bị đuổi đi vùng kinh tế mới, xa lắm. Hai năm sau có dịp trở lại Saigon lần nữa nhưng tôi vẫn không tìm ra tung tích mẹ con cô ấy". "Xin lỗi, tôi nói, ông đã lập gia đình?".

Ông bạn già người Mỹ buồn thảm lắc đầu: "Ðã lập nhưng cũng như không. Sau khi về Mỹ giải ngũ tôi lấy vợ nhưng qua một năm sống chung, chúng tôi chia tay vì tính tình không hợp. Bà ta lúc nào cũng coi tôi như một tên đầy tớ, hành hạ đủ điều. Trong khi đó tôi đã quen sự chiều chuộng, có thể nói là tận tình hầu hạ của cô gái Việt Nam mất rồi". Một người Việt Nam đi qua miệng phập phèo điếu thuốc lá, ông bạn già Mỹ hỏi xin nhưng người này lắc đầu xin lỗi. Thứ bẩy tuần sau tôi mua cho ông bạn già Mỹ một cây thuốc 10 gói. Ông cảm động lắm nhưng chỉ cầm một gói. Ông nói: "Bạn giữ dùm tôi và mỗi tuần đưa tôi một gói. Trong Nursing Home họ cấm hút thuốc".

image


Những lần sau và những lần sau nữa, tôi thường xuyên gặp ông bạn già người Mỹ ở chợ trời nhỏ vào hai ngày thứ bẩy và chủ nhật. Theo thời gian tôi thấy ông sức khỏe ngày một sa sút. Tuy ông vẫn ôm các bà các cô nhẩy, vẫn đi lại loanh quanh khu trình diễn ca nhạc cười nói chuyện trò với mọi người nhưng không còn cái vẻ hoạt bát như trước nữa. Môt lần không thấy ông đội chiếc mũ đỏ như thường lệ, tôi hỏi. Ông nói: "Tôi tặng người bạn để làm kỷ niệm. Tôi cũng sẽ tặng anh một món đồ nhưng hiện tìm chưa ra". Nghe ông nói vậy tôi chợt nhớ tới cái áo da tôi muốn mua tặng ông nhưng nhiều lần lùng kiếm không có cái nào vừa với thân mình ông, toàn loại khổ lớn. Từ ngày quen biết ông tới giờ tôi thấy ông lúc nào cũng khoác trên mình chiếc áo da mầu vàng nghệ. Có lẽ đây là chiếc áo ấm duy nhất ông có. Và cho tới bây giờ tôi vẫn thắc mắc về việc này mỗi khi nghĩ tới ông bạn già người Mỹ.

image
Hình minh họa

Một hôm tới chợ hơi trễ, tôi thấy ông bạn già người Mỹ đang ngồi một mình phơi nắng cách chỗ ban nhạc chơi khoảng mười thước. Mặt ông ủ dột đăm chiêu buồn bã. Sau khi bắt tay ông, tôi hỏi: "Không nhẩy à?". Ông gật: "Hôm nay tôi không được khỏe. "Chúng nó" không cho tôi đi ra ngoài. Tôi phải làm dữ "chúng nó" mới nhượng bộ. Này anh bạn (ông bỗng chuyển dọng có vẻ quan trọng) anh có thường về Việt Nam không?". Tôi đáp là từ ngày sang đây chưa về lần nào. Trên mặt ông thoáng nét thất vọng: "Tôi muốn nhờ bạn một việc, bạn hứa giúp tôi nhé!". Tôi gật, mặc dầu chưa biết ông muốn gì. "Khi nào có dịp về Việt Nam bạn vui lòng tìm giúp thằng con tôi. Tên nó đây". Ông đưa tôi mẩu giấy nhỏ có ghi tên tuổi ngày sinh người con. "Tôi biết việc này rất khó, sẽ làm bạn mất nhiều công sức nhưng bạn cố giúp tôi. Bạn hứa đi. Cả cuộc đời tôi chẳng có gì, chẳng còn gì ngoài nó. Bạn có con không? Có chứ? Vậy thì bạn đã biết tấm lòng của một người cha như thế nào rồi. Trước khi chết tôi muốn gặp được nó, ôm nó vào lòng. Nếu không thì khó mà nhắm mắt". Ông móc túi lấy ra một tấm ảnh nhỏ ép plastic đưa tôi coi: "Nó đấy! Ảnh chụp năm nó ba tuổi. Giống tôi quá phải không?". Trông đứa con lai trong ảnh rất xinh đẹp, mắt xanh tóc vàng đang mủm mỉm cười. Ông hôn tấm ảnh trước khi bỏ túi nói: "Nếu mẹ con nó còn sống thế nào cũng sẽ sang đây theo diện con lai. Tôi hy vọng gặp lại mẹ con nó trong một ngày rất gần". Tôi hỏi: "Thế ông đã liên lạc với cơ quan tiếp nhận trẻ lai và Toà Lãnh sự Mỹ ở Saigon nhờ họ tìm giúp chưa?". "Tôi nhờ lâu rồi nhưng họ chưa tìm ra. Tôi không tin mẹ con cô ấy đã bị chết nơi vùng kinh tế mới". Phiên chợ hôm đó tôi và ông bạn già người Mỹ ngồi bên nhau mãi tới khi tan chợ, người bạn ông đến đón ông về.

image

Tới bây giờ tôi vẫn nhớ ánh mắt ông nhìn tôi với câu nói sau tiếng thở dài: "Nào anh bạn, chúng ta tạm chia tay. Tôi trở về cái điạ ngục của mình đây. Cái địa ngục của tuổi già ấy mà! Hẹn gặp lại bạn tuần sau nhé". Ông nắm tay tôi thật chặt và lắc nhiều lần, mồm lẩm bẩm: "Tạm biệt , tạm biệt phiên chợ trời thân yêu". Sau đó tôi có việc đi sang Bang khác, khoảng nửa năm mới trở về. Buổi sáng thứ bẩy tôi tới chợ trời nhỏ rất sớm hy vọng gặp lại ông bạn già người Mỹ. Nhưng tôi trông từ sáng tới trưa vẫn không thấy ông đâu. Sang ngày chủ nhật cũng không thấy ông. Rồi mấy tuần kế tiếp vẫn vậy. Chẳng lẽ... Tôi không dám nghĩ tiếp. Có điều tới hôm nay tôi vẫn còn thắc mắc không biết ông bạn già người Mỹ của tôi nếu đã qua đời thì trước đó ông có gặp được người con trai của mình chưa? Và tôi cũng không quên hai "món nợ" với ông: đi tìm người con trai ông và chiếc áo da chưa mua tặng. Ðồng thời tôi cũng nhớ ông có hứa với tôi một món đồ kỷ niệm. Bây giờ trở thành không cả rồi!

THANH THƯƠNG HOÀNG

Của đi thay người

image
Mấy tháng nay vàng xuống rẻ quá, ở VN thiên hạ ai có tiền dư cũng đua nhau mua cất phòng thân, sợ đổi tiền. Bên Mỹ cũng không khác.

Anh Ba tôi, hai năm trước sợ vàng lên, lo mua để dành giá cao quá, nên giờ lo đi mua giá rẻ để gỡ lại. Anh đã về hưu, nhà đã trả off, có tiền pension hàng tháng thong thả, sức khỏe tốt, nhưng tánh vẫn lo xa, ưa mua vàng để dành, phòng khi sau này đau nặng, mổ xẻ, hay  sống thọ ngoài 80 bị con cái bỏ bê, bán có tiền ngay mà trả cho nursing home.

Sẵn balance chương mục tiền hưu anh tháng này dồn lại khá nhiều, sáng chúa nhật anh lái xe ra Phước Lộc Thọ mua một lượng vàng y hiệu "Nữ thần tự do" giá 1800$. So với thời giá 2100$ năm kia thì rẻ hơn được 300$. Anh bỏ vô túi sau quần, lẫn với chùm chìa khóa, ghé một tiệm ăn sáng, mua ít rau quả, rồi lái xe về nhà ở Anaheim, quên không hề nghĩ tới miếng vàng. Khi mở cửa vô nhà, tụt quần ra, sờ lại túi, tính lấy ra cất thì hỡi ôi, túi xẹp lép. Vàng đã không cánh mà bay. Nó mỏng tanh, có mà như không có, rớt mất lúc nào không hay .. Anh chạy ra xe, lục soát khắp chỗ ngồi, seat belt, coi có rớt đó không. Không thấy. Chạy ra driveway coi có rớt xuống đất lúc mở cửa không. Không thấy. Gọi hỏi nhà hàng ăn lúc này có thấy rớt ở chân bàn không. Không thấy. Rờ khắp áo quần túi trên túi dưới, không thấy. Thôi rồi, chắc lúc móc xâu chìa khóa ra, nó lôi theo miếng vàng rơi xuống đất mà sơ ý không nghe tiếng rớt, không hay. Thôi rồi. Mất tiêu một tháng lương hưu.

Anh toan bỏ cuộc, nằm nhà, nhưng lại nghĩ biết đâu chịu khó trở lại kiếm, của nó còn nằm đó, bèn lái xe chạy ngay ra chỗ parking đậu ở Phước Lộc Thọ, rồi tới nhà hàng, rảo bước tới lui liếc mắt tìm kiếm cầu may, cũng chả thấy chi, sân đậu xe tráng nhựa ở Mỹ sạch bong. Thôi tìm mất công, cuối tuần các parking lots sức mấy mà có chỗ đậu, xe nối đuôi chen chúc, chắc  đã có người khác "pull" xe vô đậu, thấy cái gì sáng sáng dưới đất, đã lượm mất rồi. Có ai trên cõi đời này khùng điên tới mức thấy vàng rơi mà đi nộp cho cảnh sát, hay kiếm người trả lại, mà biết chắc ai là chủ thật đây.

Anh về nhà lại, thở dài, nằm nghĩ ngợi, tiếc của rền rỉ đau đớn .. Đem triết lý Đời, Đạo ra an ủi. Bên VN kia kìa, có đại gia ở Saigon đi chơi xa, bị kẻ trộm cạy cửa lấy cắp hơn một trăm cây, về vẫn phây phây. Có người mất cả vài chục cây tỉnh bơ, báo đăng hoài, có chết ai đâu.

Thôi, "Tri túc tiện túc, tri nhàn tiện nhàn". Lâu nay anh cũng để dành nhiều rồi. Biết bao nhiêu mới cho là đủ, hễ cho đủ thì nó là đủ. Anh chưa cần tới nó mà. Anh có  nghèo khó, bịnh hoạn đâu, còn nhà, còn pension, còn con cái khá giả.

Thôi, biết đâu cái họa này lại là cái phúc khác, như truyện "Tái ông mất ngựa" trong Cổ học tinh hoa. Hay cao thượng hơn, cứ cho "người VN mất vàng thì lại có người VN khác nhặt được vàng, có đi đâu mà mất", như  vua nước Sở ngày xưa đã nói, khi đi săn bị mất cung trong rừng.

Hay biết đâu, như ông bà ta hay nói: "Của đi thay người". Biết đâu bị họa "tiểu hao"này lại tránh được cái họa "đại hao" khác sắp tới.

Anh Ba tự liên tục an ủi tới đó thì thấy khỏe khoắn bớt nhiều, 10 phần tiếc chỉ còn 3, lại sực nhớ kinh Phật nói còn "siêu đẳng" hơn nữa :"Mọi vật trên đời đều là hư huyễn, không có thật. Ngay cả thân ta còn chưa thật, huống chi các vật ngoại thân (như nhà cửa, đất đai, xe cộ, vợ con), thôi cứ coi"Sắc tức thị không, Không tức thị sắc" đi thì mọi sự sẽ bình an.

Tới đó thì "nỗi buồn gác trọ" anh Ba biến đâu mất hết, trong lòng thanh thản trở lại .. bèn đi mua miếng mít vàng tươi 6 đồng ở quán bán trái cây góc Magnolia và Wesminster đem về, nhưng ngồi lái xe sẵn bụng trống thấy đói, ăn sạch hết, bỏ cùi vô thùng rác khoan khoái. Ở Mỹ  10 năm nay giờ mới được ăn lại miếng mít ngon, thấy lại quê hương như chùm khế ngọt. Trưa chủ nhật anh ăn thì chiều tối lên cơn đau bụng anh ách, đau tê tái. Nhớ lại ở Trung Quốc và Việt Nam bây giờ nhà buôn ưa mua rẻ trái sống, bơm hóa chất độc hại một đêm thành chín, đem bán, mà giựt mình. Mít này là mít Mễ trồng đem qua Mỹ bán, hay nhập từ VN qua, quên không hỏi chủ tiệm. Thằng con anh và bạn bè vẫn hay cảnh cáo, ăn uống mùa hè phải cẩn thận, trời nóng dễ bị vi khuẩn xâm nhập, coi chừng bị "food poisoning".

image
Tới 12 giờ khuya, anh Ba vẫn ôm bụng rên rỉ, bụng phình lên như con cóc chửa, muốn lấy kim đan đâm vào cho xì hơi ra rồi ra sao thì ra, thử làm ly nước gừng uống cho ấm bụng thì mấy phút sau, nước chua cuồn cuộn lên cổ, anh leo ra khỏi giường cúi đầu xuống bồn cầu ọc ra một đống nước lợn cợn mít vàng lăn tăn, lưỡi chua lè. Thấy nhẹ bớt một chút, ai dè lát sau lại buồn nôn, ọc thêm ra một đợt nữa, bèn lên giuờng mở nệm điện, đắp mền ấm, tay "mát xa" bụng liên hồi cho bớt đau.

Cơn đau có lúc êm, có lúc lại quặn lên tới sáng. Năm xưa, anh cũng bị một lần ói mửa kinh hồn như vậy vì ăn bắp luộc và uống nước chanh, phải đi Emergency Room.

Gọi bác sĩ gia đình, bác sĩ bảo ra pharmacy mua Anticid ngoài quầy, hay kẹo TUMS nhai cho hút "gas" bớt trong bao tử ra. TUMS có làm cho êm dịu một lát, nhưng sau 10 phút, cơn đau trở lại như cũ. Thuốc dặn cấm không đuợc uống quá 7 viên 1 ngày nên anh không biết uống gì tiếp, bèn uống tiếp nước gừng nóng cho loãng "gas" ra, để cái của nợ lỏng bỏng kia chạy xuống hậu môn. Đau quá nên không có cảm giác đói, hay thèm ăn gì cả, mặc dù đã mửa ra gần hết vụn mít trong bao tử. Đi tiểu thấy xót đường tiểu, vì chất chua lên men còn nhiều trong bụng.

Cả ngày Thứ Hai không bớt, không thấy xì hơi hay buồn đi cầu gì cả, chỉ chốc chốc hơi gas đưa lên cổ ợ ra. Cơn đau dằng dặc làm át đi hết các cảm giác khác, cơ thể cảm thấy vô cùng yếu ớt .. Sáng  Thứ Ba, anh lái xe tới office bác sĩ gia đình khám, bác sĩ gốc người Pháp này nghe nói anh không hề đi cầu hay xì hơi thì ngạc nhiên, đoán có cái gì mắc kẹt giữa bao tử và ruột nên thức ăn không chuyển xuống thành phân, bèn "order" Reglan ngày uống 3 lần, và thuốc đút hậu môn suppositories ngày 2 lần cho thông ruột dễ đi cầu.

Mua Reglan xong, lên mạng coi, thấy thuốc này có nhiều biến chứng phụ nguy hiểm quá, như nhức đầu, mắt co giựt, không dám uống. Gọi ông bạn học cũ, bác sĩ giải phẫu bên Bolsa tên Kỳ, Kỳ kêu chịu khó 5 giờ chiều cố lái qua cho anh khám bụng mới biết được chắc chắn. Anh  bèn gọi đông y sĩ Sơn, một bạn khác ở Brookhurst. Sơn hỏi có "xì hơi" hay đi cầu chưa, anh nói: "Chưa, đâu có ăn gì vô bụng mà đi cầu?" Sơn la hoảng: "Thôi chết rồi, anh có vấn đề rồi, nhiều bệnh nhân tôi cũng  trên mửa,  dưới bí, như anh mà cứ để yên không chữa, sau bị thúi ruột, đã phải đi mổ cắt bỏ một khúc đó. Anh vô Emergency Room (ER) gấp đi .. Tôi nói thật đó .."

Anh Ba hơi hoảng, nhưng cũng bán tín bán nghi, tánh ông này xưa nay vẫn ưa hù dọa, phân vân chưa biết tính sao. Sơn nói tiếp:
- Cho dù không ăn gì vô, hễ có nước vô là bên dưới phải xì hơi ra. Đó là điều tự nhiên trong y học dạy. Ba đời ông nội ngoại tôi đều là thày thuốc, anh tin tôi đi, vô nhà thương gấp kẻo trị không kịp, chết oan mạng.

Bác sĩ gia đình gọi anh nhắn, "nếu uống  thông ruột không có kết quả, phải vô ER". Anh bèn nhắm mắt đánh liều uống ực 1 viên Reglan, ăn liền nửa trái chuối sứ và bát cháo gạo lức cho thuốc khỏi hại ruột. Rồi đút hậu môn 1 viên, chờ hoài chả thấy biến chuyển gì.

Buổi chiều anh tự nhiên thấy mệt quá, nằm lì trên giường, bèn uống đại thêm viên thứ 2, uống liền nửa ly mật ong nóng (thay cho thức ăn lót bụng), mật bổ dưỡng, mà lại nhuận trường. Đút thêm viên "supp" thứ nhì duới hậu môn, lát sau cũng chả thấy rục rịch hơi hám gì. Coi đồng hồ thấy sắp 5 giờ, bèn gọi bác sĩ Kỳ xin lỗi, nói mệt, không lái xe tới office Kỳ đuợc. Kỳ hỏi đang uống thuốc gì, 3 ngày nay đã đi cầu hay xì hơi chưa ..
-Chưa, không có xì hơi nữa, đâu có ăn gì mà xì, mà đi cầu .. Đang uống Reglan, đút suppositoire ..

Lập tức, bên đầu dây có tiếng Kỳ hốt hoảng la toáng lên:
- Chết rồi, ông đừng có uống tầm bậy cái gì hết, đừng đút đít gì hết, chắc chắn là ruột ông bị quặn, tắt, hay nghẹt trong đó, nên phân không xuống được. Bác sĩ gia đình ông là đồ "dỏm", whacker, tầm bậy. Ông lái xe vô gấp ngay  ER cho họ trị, nếu mệt thì nhờ vợ con chở. Tôi đã từng cắt ruột cho biết bao nhiêu người rồi như vậy, chỉ vì coi thường ..

Anh Ba hoảng hồn, vén mền chồm dậy, lật đật mặc quần áo chạy xuống nhà, đem theo cell phone, buớc qua nhà anh láng giềng Mễ tên Pedro nhờ lái chở gấp lên ER.

Pedro nghe kể, sốt sắng chạy ra rồ máy xe truck. Anh mệt mỏi, dựa đầu ra sau nhắm mắt không buồn nói  gì. Nhớ lần ói mửa, bụng sưng anh ách như vầy năm xưa, mình anh lạnh tóat, nằm quỵ duới sàn đau đớn hàng giờ, đụợc con trai chở vô E.R của Community hospital, họ bắt chờ 2 tiếng, cho mấy viên thuốc và chích 2 mũi, mà "charged" hãng Kaiser bảo hiểm anh tới 1000 đồng. Phòng đợi E.R lúc nào cũng  đông bệnh nhân ngồi chờ, thấy có anh Mỹ trắng mù 2 mắt đứng chống gậy, vài người Mỹ ngồi xe lăn chờ. Anh nhân viên ngồi "front desk" hỏi anh bị gì, anh nói:
- Stomach.

Anh ta lựa một cái form thích hợp, đưa anh điền lý lịch bệnh trạng vô, ký tên. Mười phút sau, có kẻ bước ra gọi tên "Ba", đưa anh vô gặp 2 nhân viên y tá ngồi hỏi bệnh, một bà đánh "info" vô computer, còn ông kia ngồi bên nhìn ái ngại, an ủi:
-Don't worry, we'll take good care of you.

Một cậu Mễ đẹp trai thư sinh, da trắng, ngồi ghế cao, làm ở computer bên ngoài, chuyên về billing, đòi coi ID và thẻ bảo hiểm anh, gõ tên, họ, địa chỉ, phone, charge anh tại chỗ 65$ co-pay, rồi bảo  ra ngồi chờ ở góc phòng với các bệnh nhân khác.

Một lát, một bác sĩ Tàu còn trẻ măng, mặc áo blouse trắng, ra gọi tên, đưa anh vô phòng khám, hỏi bị gì. Anh trình bày rõ ràng chi tiết, thời gian, nhăn nhó than đau lắm. Bác sĩ này tên CHING, gọi y tá đưa anh viên thuốc giảm đau. Anh vừa uống, vừa lén nhìn tên thuốc (để kỳ sau có đâu bao tử, ra tiệm mua) mà chả thấy tên, chả biết thuốc gì mà sao bác sĩ gia đình trước đây không cho mình dùng. Uống xong, được đưa  lên giường kê dọc vách tường nằm chờ, ba phút sau có ngay một ông chuyên viên X-ray tới gặp, đọc ID ở cổ tay cho biết chắc đúng là tên "Ba", rồi đưa anh vô lab ở cuối hành lang, bảo nằm xuống giường, tụt quần dài xuống đầu gối, rồi lấy chăn mỏng che  bụng anh lại, bấm nút điều khiển khung máy CAT SCAN trên đầu rà qua rà lại chụp xuống vùng bụng, xong kêu về lại chỗ cũ nằm. Một lát bác sĩ Ching tới, nhìn anh nói nhỏ nhẹ mà  nghiêm trang:
-  Chúng tôi coi hình SCAN, thấy ruột non anh bị stopped (tắc ruột) ở giữa, nên thức ăn bị nghẽn ở phần trên, đưa hơi GAS lên cổ. Đó là lí do tại sao 3 hôm nay bao tử anh đau anh ách, uống gì vô cũng mửa ra. Tôi buộc phải giữ anh lại đây tối nay để theo dõi bệnh tình.

Như vậy là cả bác sĩ gia đình và 2 ông bạn kia nói không sai. Ruột bị tắc nghẽn. Đường tiểu may sao còn thông thuơng, nên uống vô vẫn cho ra được, tuy nóng buốt. Anh  tái mặt, lắp bắp:
-Chết .. vậy rồi làm sao? .. Sao cho bao tử và ruột nó thông thương lại, bác sĩ?

Bác sĩ Ching nhìn anh, ái ngại.:
-  thể để tự nhiên, vài hôm sau, ruột tự nó tháo gỡ ra. Nếu không, phải giải phẫu, để  gỡ ruột ra. Chưa biết được .. Cần thời gian .. Dù sao, đêm nay anh phải ngủ lại đây cho chúng tôi theo dõi, đo áp huyết, lấy nhiệt độ, thử máu ..

Anh Ba rũ rượi thả phịch người nằm xuống, một anh y tá người Phi, da ngăm đen, tới bên kiểm tra vật dụng anh mang theo ghi vô giấy, bỏ vô bao nylon, bắt anh cởi quần áo ra bỏ vô bịch, đưa cái áo bệnh viện xanh, hở hang dây cột lỏng lẻo cho mặc, rồi làm IV (tức ghim cây kim nylon có gắn dây nhợ vô mạch máu ở khuỷu tay anh, để lát khuya chuyền serum vô máu, thay cho uống nước), rồi đưa coi một cuộn tube nylon mới toanh, đường kính 5 ly,  cắt nghĩa:
- Tôi sắp chuyền tube nylon này  vô bao tử anh, qua lỗ mũi, để hút nước trong đó ra, cho ruột khô, ruột khô mới nở ra lại, OK?  .. Sẽ hơi khó chịu đó, anh ráng chịu khó.

Hắn đẩy anh lên lầu 2, nhỏ nhẹ an ủi, rồi bôi dầu trơn lên tube, đút vô mũi. Anh Ba thất kinh vì cái tube to gần bằng lỗ mũi, mà thô cứng, chọc vô da non làm anh nhột đau khủng khiếp, như bị ai bịt mũi, bèn sợ hãi lôi ống ra. Hắn lại vỗ về, thử  một lần nữa, nhẹ nhàng hơn, nhưng anh cũng không chịu nổi. Thà đau bụng còn chịu được, đàng này cái tube chế ra cho dân Mỹ mũi cao, mà lại đút vô lỗ mũi xẹp của người Á đông nhỏ xíu, làm sao mà chịu nổi. Anh cương quyết đẩy ra.
- No, I can't stand it...
- Nếu anh không chịu cách này thì phải chịu giải phẫu thôi .. không còn cách nào khác.

Hắn lại cố đút lần thứ ba, anh la to lên cự tuyệt, từ chối thẳng thừng, Hắn chịu thua, nói "Thôi, tùy  anh, tôi chỉ làm theo order của bác sĩ, không dám ép". Hắn đẩy anh xuống lại tầng trệt, dọc theo vách tuờng, bỏ đi báo cáo bác sĩ.

Anh đang bàng hoàng ôn lại cảm giác khó chịu ban nãy, không biết tính sao, nhắm mắt lại nghỉ ngơi. Đầu óc anh nghĩ thầm: Chắc mai phải xin xuất vịện thôi, cho dù có chết trong vài ngày tới vì bí đại tiện cũng được. Phải lo làm di chúc dặn dò con cái, gọi vợ con về gấp.

Đang lơ mơ suy nghĩ trong lo sợ vì sắp bị mổ, mà mổ ở tuổi già thì dễ chết lắm, anh giựt mình nghe có tiếng người bước tới gọi tên anh, giọng Việt Nam:
- Chú Ba ..?

image
Anh mở mắt ra thấy một người đàn ông VN khoảng 50, mặc áo thường dân, có badge ở ngực: "Internal MD" (bác sĩ khoa nội). "Ủa .. đây cũng có bác sĩ VN nữa à? Bác sĩ mà sao không  mặc  blouse trắng .. Hay họ mời ông này ở đâu tới .. ".
- Chú Ba đã có bao giờ bị giải phẫu chưa?
- Dạ chưa.
- Có ai trong gia đình, cha mẹ, ông bà, cô chú .. đã  có tiền sử bệnh tắc ruột bị mổ chưa? Hay tiểu đường? Đau tim?
- Dạ không. Mẹ tôi 86 tuổi, còn khỏe. Ba chết sớm vì tai nạn xe.
- Chú bao nhiêu tuổi rồi? Chú có bịnh gì trong người không?
- Tôi 69, tôi còn khỏe lắm, không cholesterol, tiểu đường, huyết áp gì cả .. đi gym tập thể dục, đi bơi tuần 3 lần, ăn ngủ bình thường, đầu óc minh mẫn ..
- Trời, 69 mà chú ngó trẻ như mới 50. Xin lỗi, chú đang làm nghề gì vậy?
- Tôi làm kỹ sư, về hưu 7 năm nay rồi..
- Họ Catscan chú thấy chỗ ruột non chú bị nghẹt, có thể là  bị "twisted", hay bị "folded", hay ruột dính vô da bên trong bụng, do đó, ăn vô bị mửa ra chứ không xuống ruột già ra hậu môn được. Chỉ có đút ống vô mũi thòng xuống bao tử để hút nước ra cho ruột khô lại mới "Untwist"nó được .. Nếu chú không chịu, thì chỉ còn cách duy nhất là surgery .. gỡ ruột ra, cho khỏi tắc thôi.
Anh Ba nghe cách nói chuyện, đoán bác sĩ Ching gọi ông bác sĩ VN này tới thuyết phục mình, vì giữa VN với nhau,  thông cảm dễ hơn, nên hỏi:
- Nếu mổ thì mất mấy ngày xong vậy anh?
Anh bác sĩ có vẻ thất vọng vì thấy anh có vẻ nhứt định không chịu giải pháp đút ống vô mũi, nói yếu xìu:
- Mổ cũng phải mất mấy ngày thử máu, tim, gan, phổi .. đủ loại .. chứ không đơn giản đâu ..
- Sao họ không chụp, hay chích thuốc mê khi đút ống cho mình khỏi cảm giác, như khi soi ruột già đó?
Anh ta lắc đầu nói "không", rồi lảng ra, lẳng lặng bỏ đi ..  Thấy một y tá đi ngang, anh Ba níu tay hỏi nhỏ thì họ bảo đó là bác sĩ giải phẫu, tới thăm và trao đổi với bệnh nhân trước, coi ý ra sao, vì "case" của anh sẽ giao cho ông phụ trách nay mai ..

Anh hoảng kinh muốn khóc, thấy như sắp tận thế tới nơi. Con người muốn sống phải nuốt thức ăn vào ruột, rồi tống bã ra, cần có bộ máy tiêu hóa lành mạnh, bây giờ con đuờng tiêu hóa bị chặn lại có khác nào con đường sống bị cắt, chỉ chờ ngày tử vong. Cha mẹ ơi, sao lại sinh con ra với cái ruột quá mỏng như vầy, bị gấp xoắn lại như thế này, phải cắt bỏ mới sống đuợc?

Đèn trong nhà thương sáng suốt 24/24, và cũng chả đựợc ăn uống gì, nên anh Ba không biết lúc đó mấy giờ, chỉ thấy  họ đẩy anh vô thang máy, vù vù lên lầu 5, họ đẩy anh tới trước một phòng có ghi số trước cửa, đưa anh vô nằm giường bên trong, chung phòng với một ông già khác, khoảng ngoài 80. Ông già nằm ngoài, anh nằm trong, cách nhau một tấm màn mỏng. Cô y tá Phi ra tự giới thiệu, "I am Esther, your nurse of tonight", lăng xăng chuẩn bị thay vớ cho anh, bắt anh tuột quần cho cô khám da coi có bị xây xát không, đo huyết áp, thử nhiệt độ, trích máu ..
- Sao thử máu, đo áp huyết hoài vậy cô? I am OK.
- Thủ tục mà anh. Cứ mỗi 4 tiếng, tôi phải làm như vầy một lần, để theo dõi sức khỏe anh .. Bây giờ anh Ok, nhưng tình trạng nội tạng bên trong anh có thể biến chuyển bất cứ lúc nào, phải theo dõi, keep track, để biết lí do tại sao .. Khi nào anh cần, bấm số 4500 trên cái phone này, chúng tôi chạy vô.

Cô bỏ đi, anh Ba mừng thấy cô không đả động gì tới chuyện đút tube vô mũi như đã nói, nằm đắp chăn, nhìn đồng hồ thấy đã 12 giờ khuya. Một lát anh thấy khát nước, không hiểu sao họ chuyền serum vô tay mà vẫn khát, môi khô rang, bèn nhỏm dậy, thấy cái bình nước và cốc  nước ai để trên thành cửa sổ (bên ông già cũng có một bình nước như vậy), bèn rón rén cầm nếm thử, rồi uống ba ngụm. Khoảng 1 a.m, tự nhiên anh nghe bên dưới "xì hơi" một cái nhỏ, vừa ngạc nhiên vừa khấp khởi mừng. Chẳng lẽ nước mới uống vô đã âm thầm "khai thông" chỗ ruột tắc? Bèn ngồi lên, uống thêm hai ngụm nước nữa. Anh khấp khởi mừng nghe tiếng nước chảy róc rách trong bụng, phía dưới bao tử. Gần 2 a.m, tự nhiên lại xì một hơi dài nữa, lần này kêu ra tiếng. Anh mừng quá, buớc vô restroom ngồi, biết đâu có "bowel movement", biết đâu đi cầu được. Anh cảm thấy hậu môn ướt át, nhưng khi lấy giấy chùi, chỉ thấy màu trắng, không phải màu vàng của phân, nhìn kỹ lại đó chỉ là chất "suppositoire" đút đít còn sót trong ruột già ngày hôm qua.

Thất vọng, anh trở lại giừờng nằm, nghĩ có lẽ không ăn gì vô bụng mấy ngày nay nên chỉ "trung tiện", chứ không có "đại tiện". Dù sao, xì hơi được là có hy vọng rồi, là ruột được khai thông, khỏi cần đút tube nylon vô mũi, khỏi giải phẫu. Anh tiếp tục uống thêm nước trong bình. Họ cấm uống nước, mà lại sơ ý để cái bình nước ở đây, thật là may quá.

Từ 2 tới 3 giờ, anh lại "xì hơi" thêm 4 lần nữa, kêu vang như tràng súng đại liên. Bao tử anh xẹp xuống, không còn hơi "gas" anh ách nữa. Đúng 4 a.m., tự nhiên anh có nhu cầu phải đi cầu thực sự, hăm hở vô toilet ngồi, thì quả nhiên, xổ ra được ra 2 lọn phân vàng mịn màng. Rõ ràng đây là cháo gạo lức và chuối anh nhai nhuyễn hôm qua đựợc tiêu hóa, sau khi uống viên Reglan đầu tiên. Anh mừng quá sức, đi tới đi lui trong phòng, vặn người, lắc cổ, vung tay, đá chân, thấy sung sức như 4 ngày về trước, về lại giường nằm, chờ mau sáng để báo tin cho y tá bác sĩ biết tin vui.

Sáu giờ sáng, anh nghe ngoài kia dấy lên tiếng động rì rào của một ngày mới bắt đầu, tiếng các y tá trỗi dậy lăng xăng tới lui như chào mừng, chia xẻ niềm vui nhẹ nhõm khoan khoái nhen nhúm trong lòng anh. Anh  đứng dậy lôi dép, quần áo ra mặc, nói chuyện rổn rảng với ông già "roommate", lúc đó đã thức, ồ ề hỏi thăm. Ông nói ông 88 tuổi, bị "hernia"(sa ruột), ngồi xe lăn từ 4 năm nay.

Bảy giờ, anh nghe loa bên ngoài triệu tập các y tá tới họp để đổi "ca" mới. Bẩy giờ ruỡi, cô y tá Esther bước vô, anh tươi cười báo tin đã "xì hơi" và đi cầu lại được rồi. Cô nói, "Really?" tươi cười chia mừng. Anh nói:
- I want to see the doctor and go home this morning.

image
Esther dẫn vào một cô y tá mới Mỹ trắng, rất trẻ, giới thiệu anh Ba và ông già, chỉ dẫn căn dặn cô một hồi, rồi bảo anh Ba:
- Tôi không biết bác sĩ Ching mấy giờ tới làm việc, mỗi ngày mỗi schedule khác nhau, nhưng anh PHẢI ký vô tờ "Refusal to medical advice" (Từ chối tuân theo lời khuyên bác sĩ) này trước khi về. Tôi sẽ đưa anh thêm một xấp giấy tờ chỉ dẫn phải làm gì sau khi xuất viện để anh đọc.  Thực ra, anh cũng không cần gặp bác sĩ đâu. Chúng tôi có bổn phận báo cáo lại họ mà.

Anh Ba cầm bút vui vẻ ký cái rẹt. Cô y tá trẻ đưa anh ra thang máy, theo anh xuống tầng trệt, chỉ ra cửa cho anh về.

Nắng vàng ấm áp, xe cộ nhộn nhịp, không khí ban mai tươi mát, cây xanh bao bọc, anh Ba hít mấy hơi dài vô ngực, xua tan nỗi lo sợ tối qua còn đọng lại trong người, ung dung tản bộ ra về, trong ngừời khỏe khoắn như chưa hề bị đau bao tử.

Về nhà, anh nấu một ly sữa nóng uống, vô bồn cầu ngồi, tống hết tất cả số phân còn đọng lại trong ruột mấy ngày nay .. rồi gọi báo tin mừng cho vợ con, hai bác sĩ Sơn và Kỳ ..

Chín giờ, anh gọi cho thư ký bác sĩ gia đình. Cô này nói sẽ gọi nhà thuơng "fax" ngay một copy báo cáo tiến trình chạy chữa tối qua cho bác sĩ cô. Trở về nhà cũ quen thuộc thường ngày, ung dung ra vô, con người anh nhẹ tênh, hạnh phúc, vô lo, sung suớng như đang ở cõi tiên. Đúng là chỉ khi thoát chết, người ta mới biết quí cuộc sống.

Chỉ là một động tác nhỏ, một cái tắc ruột nhỏ bên trong cơ thể lặng lẽ tự  gỡ ra, mà vô tình xoay chuyển tình thế 180 độ, chuyển nguy thành an, ngoài tiên đoán của các thày thuốc và cá nhân anh. Hạnh phúc đơn giản đến thế sao? Những chuyện nhỏ nhặt thường ngày như ăn, uống, đái, ỉa, nói, ho .. bình thuờng chả ai quan tâm tới, lại có thể tạo nên hạnh phúc kỳ diệu như thế sao?

Bỗng anh sực nhớ tới lượng vàng y 1800$ bị rớt mất mấy hôm trước ở Bolsa. Mất của xong, anh bị tắc ruột ói mửa tiếp, vô phòng cứu cấp. Đúng là "Họa vô đơn chí". Nhưng, trong Họa có Phúc. Chuyện "Tái ông thất mã" rành rành ra đó. Mất ngựa tuởng hao tài, ai ngờ ngựa dẫn thêm ngựa khác về cho chủ. Tưởng phúc, ai ngờ thằng con ham cỡi ngựa mới, té gãy chân. Tuởng  họa, ai ngờ nhờ què chân mà thoát quân dịch, khỏi ra chiến trường, giữ được mạng sống.

Hay cũng có thể đây là chuyện "Của đi thay người". Nhờ anh mất vàng mà giữ được mạng sống .., không phải sao? Nếu tìm  được của lại, chắc gì cái ruột non mở ra cho anh đại tiện, rồi thong dong xuất viện về nhà khỏe mạnh như vậy? Vàng với mạng sống, cái nào quí hơn? Cho nên, anh Ba nghĩ, "Đôi lúc, không nên quá đau đớn vì một bất hạnh, mất mát xảy ra cho ta, mà nên vui vẻ chấp nhận. Biết đâu sau đó, điều may mắn khác sẽ đến, không cách này thì cách khác".

image
Thượng đế vốn công bình với tất cả chúng sanh. Có ai trên đời này trọn đời được hoàn toàn hạnh phúc đâu.


Phạm Hoàng Chương

No comments:

Post a Comment

quangnm