Sunday, March 1, 2015

Vẻ đẹp Kon Tum qua các địa danh nổi tiếng

Vẻ đẹp Kon Tum qua các địa danh nổi tiếng

Nhà rông Kon Klor, bảo tàng Kon Tum, nhà thờ Gỗ hay khu du lịch Măng Đen là những điểm đến thú vị dành cho du khách khi có dịp đến với mảnh đất Tây Nguyên này.
 
Kon Tum là vùng cao nguyên đất đỏ bazan, hùng vĩ với biết bao thắng cảnh tuyệt đẹp cùng với nền văn hoá lâu đời của các dân tộc anh em. Dòng sông Pô Kô cuộn chảy mang nặng phù sa, đôi bờ cây xanh biếc là điểm dừng chân thú vị trên hành trình.
 
 
Cột mốc ngã ba Đông Dương là ranh giới chung giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia được dựng trên một đỉnh núi cao 1.086 m so với mực nước biển.
 
 
Nhà rông Kon Klor, cũng được coi là nhà rông lớn nhất Kon Tum. Nơi đây vốn là nơi sinh hoạt cộng đồng, từ lâu đã trở thành biểu tượng của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở Tây Nguyên.
 
 
Bảo tàng Kon Tum với nhiều mô hình đặc sắc sẽ giúp du khách hiểu rõ hơn về văn hóa Tây Nguyên.
 
 
Tòa Giám mục Kon Tum với bóng mát tỏa xuống từ hai hàng cây sứ lâu năm, thoảng hương thơm dìu dịu trên đường vào.
 
 
Nhà thờ Gỗ Kon Tum là công trình thể hiện được sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc phương Tây với lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống.
 
 
Cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ tại khu du lịch Măng Đen sẽ làm du khách thấy thích thú vô cùng khi được thoải mái nằm dài trên những con đường thẳng tắp, rợp bóng mát và không một bóng người…
 
 
...với cả những thân cây to mà một người ôm không nổi.
 
 
Người dân nơi đây rất thân thiện, từ đứa trẻ với nét mặt đậm chất nắng gió Tây Nguyên cho tới những con người tại những bản làng xa xôi với nhiều lễ hội truyền thống.
 
 
Từ TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng bạn có thể đi máy bay để đến sân bay Pleiku, rồi đi xe buýt hơn 40 km để đến Kon Tum.
 
 
Nếu muốn nghỉ qua đêm tại Kon Tum, bạn nên liên hệ đặt phòng trước do phòng nghỉ ở đây không nhiều, giá từ 150.000 đồng. Điều đặc biệt là các điểm tham quan ở đây hầu hết đều không mất phí.
 
 
Ngoài các sản vật địa phương mang đặc trưng của núi rừng như cơm lam, thịt nướng, cá suối, rau rừng, thịt rừng… bạn hãy đừng quên thưởng thức món gỏi lá với hơn 30 loại rau rừng vô cùng thú vị ở đây.

Cẩm nang thăm thú đất Kon Tum huyền sử

Tới vùng đất nắng gió này, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ăn độc đáo, ngon khó cưỡng như gỏi lá, xôi măng...
Kon Tum là một tỉnh nằm phía bắc Tây Nguyên. Trong ngôn ngữ người Ba Na, Kon là làng và Tum nghĩa là hồ để chỉ một ngôi làng cổ gần hồ nước lớn cạnh dòng sông Đăkbla.
Ngoài những trang sử thi, những bản anh hùng ca huyền thoại, vùng đất Tây Nguyên này còn hấp dẫn du khách bởi là địa điểm duy nhất tại Việt Nam sở hữu Ngã ba Đông Dương nổi tiếng - nơi mà "một tiếng gà gáy sáng cả ba nước Việt - Lào - Campuchia cùng nghe".
Dưới đây là kế hoạch du khách có thể tham khảo khi muốn khám phá vùng đất độc đáo về địa lý, bí ẩn và đầy mê hoặc về văn hóa này.
Thời gian
10628696-10202910299626396-8647912374926
Mùa thu hoạch cà phê khoảng tháng 10, 11 âm lịch cũng là thời điểm bạn có thể tới Kon Tum. Ảnh: Bọ Ngựa.
Cuối tháng 1, rừng cao su bắt đầu rụng lá tạo thành một cảnh tượng đẹp mắt. Sang tháng 3, hoa cà phê nở trắng trời nương rẫy, gọi mời ong bướm hút mật. Tới tháng 12, hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ và nhiều lễ hội đặc sắc của người dân tộc được tổ chức. Nếu có ý định tới đây, bạn đừng nên bỏ qua ba thời điểm quan trọng này trong này trong năm.
Di chuyển
Hàng không: Các chuyến bay tới sân bay Pleiku có một chuyến mỗi ngày. Từ đây, bạn đi taxi hoặc xe bus về Kon Tum. Giá vé xe bus từ 30.000 đến 35.000 đồng.
Đường bộ: Tại Hà Nội, bạn bắt xe khách ở bến xe Giáp Bát. Giá vé khoảng 600.000 đồng. Ở TP HCM, bạn tới bến xe miền Đông, giá vé từ 250.000 đến 400.000 đồng. Từ Đà Nẵng, bạn mua vé tại bến xe trung tâm với giá vé 160.000 đồng.
Lưu trú
Để thuận tiện cho việc tham quan, bạn nên thuê phòng tại trung tâm thành phố, trên các con đường chính như Phan Đình Phùng, Trường Chinh, Duy Tân... Giá một phòng tiện nghi khoảng từ 200.000 đến 300.000 đồng.
Đặc sản
Anh-1-JPG-6719-1408438399.jpg
Ăn kèm xôi măng còn có cá nục kho. Ảnh: Bọ Ngựa.
Xôi măng là cái tên khá lạ với nhiều người. Món ăn này gồm gạo nếp đồ chín và măng xào. Người dân nơi đây thích ăn cay nên mỗi bát thường cho thêm một quả ớt đỏ, bắt mắt. Cái giòn của măng quyện cùng vị dẻo của xôi khiến món này được lòng nhiều du khách.
Gỏi lá là món ăn độc đáo gồm hơn 40 loại lá rừng, thịt heo luộc thái mỏng, tôm và loại nước chấm làm từ gạo nếp lên men, hành khô, mẻ, sa tế. Cách ăn món này "đúng chuẩn" là lấy lá cải hoặc lá mơ đặt ngoài, bên trong thêm lá chua và các loại lá khác tùy sở thích người ăn rồi cuốn lại thành phễu nhỏ, bỏ thịt, tôm vào trong. Với thành phần phong phú, món này có vị bùi, chua và chan chát lạ lẫm.
Ngoài ra bạn còn có thể thưởng thức những món ăn đặc trưng của từng dân tộc sinh sống ở đây như cá gỏi kiến vàng, lá mì muối chua, gà rừng trộn lá mí, thịt chuột đồng nước, rau dớn...
Tham quan
1025451-4807520753811-1616978142-o.jpg
Vẻ ngoài đầy quyến rũ của nhà thờ chính tòa Kon Tum. Ảnh: Bọ Ngựa.
Nhà thờ chính tòa Kon Tum được xây dựng vào năm 1913, là biểu tượng của thành phố Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Điều đặc biệt của công trình này là được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít, không dùng bê tông cốt thép và vôi vữa để sơn trét. Hệ thống cột, rui mè ở đây được chạm khắc tỉ mỉ, công phu làm toát lên khí chất tự nhiên nhưng hào hùng của người dân bản địa.
Nhà rông Kon K'lor là biểu tượng của tình đoàn kết và sức mạnh cộng đồng của người dân. Nhà cao 22m, rộng trên 6m và dài hơn 17 m. Với thiết kế truyền thống cùng chất liệu bằng gỗ, tranh, tre, nứa, lá và những họa tiết, hoa văn công phu, tỉ mỉ, nơi đây chính là điểm đến thú vị cho du khách.
Nhà ngục Kon Tum xây dựng năm 1930, từng là nơi giam giữ tù chính trị và các chiến sĩ cách mạng đồng thời cung cấp công nhân khai phá miền cao nguyên, mở đường 14. Đến đây, bạn hãy ghé thăm quần thể nhà tưởng niệm, nhà truyền thống, nhà đón tiếp, cụm tượng đài bất khuất và hai ngôi mộ tập thể nằm bên bờ sông Đak Blar.
Khu di tích chiến thắng Đak Tô được xây dựng trên một ngọn đồi cao 600m. Đây từng là chiến trường ác liệt nhất của khu vực Tây Nguyên, là căn cứ mạnh nhất của quân ngụy Sài Gòn và đế quốc Mỹ. Hiện tại, bạn có thể tham quan 15 điểm du lịch về văn hóa, sinh thái, lịch sử, trong đó nổi bật nhất là khu tượng đài.
Khu du lịch sinh thái Măng Đen được xem như Đà Lạt thứ hai của Việt Nam. Nằm ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển, nơi đây có khí hậu quanh năm mát mẻ, nhiều hồ thác, suối đá và cảnh quan hấp dẫn. Bên cạnh đó, bạn còn có thể tham quan tượng Đức Mẹ Sầu Bi, công trình kiến trúc được xây dựng từ thời kháng chiến chống Pháp.
Núi Ngọc Linh là một phần của dãy Trường Sơn Nam. Với độ cao 2.600m, đây là địa điểm phù hợp cho người yêu thích bộ môn leo núi và những chuyến phiêu lưu mạo hiểm.
Vườn quốc gia Chư Mom Rây có tính đa dạng sinh học cao nhất trong các vườn quốc gia hiện nay với gần 1.500 loài thực vật, trong đó có 131 loài được xác định là quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như phong lan, ngành hạt trần... Bên cạnh việc khám phá nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, du khách còn có cơ hội tham quan một số điểm hấp dẫn như địa danh H67- căn cứ địa của bộ đội Tây Nguyên, sân bay Phượng Hoàng, cửa khẩu quốc tế Bờ Y, thủy điện Yaly...
Quà mang về
Cà phê rang xay tại chính nơi sản xuất là món quà ý nghĩa nhất bạn dành tặng cho gia đình và bè bạn.

Bản đồ ẩm thực miền Trung tại Kon Tum

Dù không ghé qua dải đất miền Trung nhưng du khách vẫn có thể nếm thử những đặc sản nổi tiếng như mì Quảng hay nem nướng Ninh Hòa khi có chuyến du lịch ở vùng đất đỏ Tây Nguyên.
Dưới đây là một số địa chỉ mà du khách có thể thưởng thức món ngon tại Kon Tum.
1. Mì Quảng
Anh-1-T-P-8604-1409025111.jpg
Mì Quảng được bán tại đường Phan Chu Trinh, Kon Tum. Ảnh: T.P
Nhắc đến Quảng Nam, nhiều người thường nghĩ tới món mì Quảng ngon nổi tiếng. Đây là món mì được làm từ bột gạo xay mịn, tráng thành bánh sau đó thái  những sợi mỏng. Mì Quảng có phần nước dùng rất ít, điều làm nên đặc trưng của món ăn này. Thông thường sau khi đặt lên trên lớp mì nào là tôm, thịt heo nạc, thịt gà, rau thơm gồm rau trà quế, rau húng, hoa chuối thái mỏng, lạc rang giã nhỏ,... người bán sẽ chan lên bát mì một loại nước dùng được ninh từ tôm và một số gia vị khác. Mì Quảng có vị tự nhiên, sợi mềm, dai,... khiến khách ăn một lần là nhớ mãi không thôi. Chẳng vậy mà mà món ngon này được rất nhiều người yêu thích. 
Tại Kon Tum, những tín đồ ẩm thực có thể tới đường Phan Chu Trinh để thưởng thức món ngon độc đáo, đậm chất miền Trung này.
2. Các món lươn xứ Nghệ
Anh2-Ngoisao-9222-1409025111.jpg
Cháo lươn có vị ngọt tự nhiên, hấp dẫn. Ảnh: Huấn Phan
Lươn là một trong những đặc sản nổi tiếng và ngon hấp dẫn tại xứ Nghệ. Chẳng vậy mà món ngon này xuất hiện ở rất nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, và tất nhiên không ngoại trừ Kon Tum. Với những thực khách mê mẩn các món lươn xứ Nghệ có thể tìm thấy ở Kon Tum súp lươn và cháo lươn. Mặc dù không đa dạng cá món như tại chính quê hương của nó nhưng chứng đó cũng đủ làm thực khách hài lòng.
Cháo lươn xứ Nghệ ở Kon Tum vẫn đủ đầy như hương vị truyền thống, đó là vị béo ngậy của lươn đồng hòa cùng cái ấm nóng của cháo và ớt cay nồng. Hay như súp lươn với màu sắc bắt mắt từ vàng của nghệ, xanh của hành lá, mùi tàu và khi nếm thử mới thấy mùi tanh không còn. Trường Chinh và Hùng Vương là hai con đường mà du khách có thể thưởng thức các món ngon độc đáo này.
3. Ẩm thực Ninh Hòa
Anh-3-HP-3075-1409025111.jpg
Nem nướng được làm từ những nguyên liệu tươi nhất. Ảnh: Huấn Phan
Một trong những món ngon miền Trung mà người dân tại Kon Tum thường tìm thưởng thức khi ghé qua đường Lê Hồng Phong chính là nem nướng và bún cá. Sở dĩ hai món ăn này hấp dẫn thực khách tới vậy vì được chế biến từ những nguyên liệu tươi ngon nhất. Trong khi nem nướng được làm từ thịt heo còn tươi giã nhuyễn, trộn đều với mỡ thái hạt lựu, tỏi, tiêu, đường… sau đó nắm thành thanh dài rồi xiên que và nướng chín trên than hồng, thì bún cá được chế biến từ chả cá thác lác được làm khéo léo cùng các gia vị đi kèm như dứa, cà chua,...
4. Bún sứa
Anh-3-dulichvietnam-8297-1409025111.jpg
Bún sứa chỉ nhìn thôi đã thấy ngon miệng. Ảnh: dulichvietnam
Được xem như món ăn đặc trưng của biển miền Trung nên bún sứa chính là món ngon mà du khách có thể thưởng thức ngay tại Kon Tum mà không phải di chuyển tới Nha Trang, Phan Thiết hay Bình Định,.. Với thành phần chính gồm sứa biển, bún ăn kèm rau sống, mỗi một bát bún sứa mang đến cho thực khách những dư vị khó có thể quên. Đó là vị giòn sần sật của sứa được làm kỹ, vị ngọt đậm đà của nước hầm xương và vị cay cay của ớt dầu. Có thể hương vị không thể trọn vẹn như chính tại dải đất miền Trung nhưng với sự có mặt tại Kon Tum thì bún sứa vẫn là một gợi ý nên thử cho những ai bỗng nhiên nhớ hương vị quê nhà. 
Bún sứa Kon Tum được bán trên đường Đoàn Thị Điểm
5. Bánh gói 
Anh-5-banhgoi-9670-1409025111.jpg
Phan Đình Phùng là con đường của bánh gói miền Trung. Ảnh: thanhnien
Là một loại bánh khá giản dị, bánh gói không chỉ được người dân miền Trung yêu thích mà ngay tại Kon Tum, món ngon này cũng giữ nguyên được sự hấp dẫn của mình. Bánh được làm từ bột gạo pha với nước dứa, bên trong có nhân đậu xanh và mỡ heo cùng hành lá. Khách nếm thử hãy chầm chậm bóc lớp vỏ lá chuối xanh bên ngoài để lộ tấm bánh đầy đặn bên trong. Cắn một miếng mà cảm nhận được mùi thơm của thịt quyện cùng phần đậu xanh hấp dẫn. Khách có thể tìm mua cho mình món bánh ngon này trên đường Phan Đình Phùng.

Xôi măng, món ngon độc đáo của người Kon Tum

Chỉ là món xôi nấu từ gạo nếp quen thuộc, kết hợp khéo léo với măng rừng nhưng đã trở thành món điểm tâm sáng thân thuộc với mỗi người dân tại Kon Tum.
Với nhiều người sinh sống và làm việc tại Kon Tum, xôi măng quen thuộc bao nhiêu thì với những khách đường xa lần đầu đặt chân tới, xôi măng lại trở thành món ăn lạ lẫm bấy nhiêu. Có lẽ phần vì đã quen thuộc với những loại xôi truyền thống như xôi ngô, xôi xéo, xôi đậu xanh... nên khi nghe tới xôi măng ai nấy đều cảm thấy tò mò.
Anh-1-JPG_1408437187_1408437230.jpg
Một bát xôi gồm măng, cá và ớt khá hấp dẫn. Ảnh: Bọ Ngựa.
Xôi măng được nấu từ gạo nếp thơm và măng tươi lấy từ rừng. Thế nên mỗi bát xôi măng nhìn khá đơn giản, chỉ bao gồm xôi đồ chín và măng xào bên trên. Người Kon Tum thích ăn cay nên mỗi bát còn có thêm một quả ớt đỏ, không cầu kỳ nhưng bắt mắt và hấp dẫn. Theo nhiều người dân tại Kon Tum, cả thành phố chỉ có hai hàng xôi, quán của bà mẹ người Huế bán đã được hơn 30 năm nay và quán của người con gái mới mở. Mặc dù không cùng một người chế biến nhưng món xôi măng ở cả hai hàng ngon chẳng kém nhau, khiến ai nấy đều thích thú và hài lòng.
Cách làm xôi măng khá đơn giản và chẳng mấy cầu kỳ. Măng tươi sau khi được đào trên rừng về lột bỏ vỏ ngoài, rửa sạch và thái miếng vừa ăn. Qua công đoạn sơ chế để làm mất mùi ngái, măng được đem xào qua với gia vị để trở nên đậm đà. Gạo nếp chọn loại ngon đem ngâm trong nước muối loãng có pha thêm bột nghệ để lên màu khoảng 8 tiếng thì mang ra đồ chín.
Anh-2_1408437267.jpg
Khách muốn nếm thử phải đến trước 7 giờ sáng nếu không muốn vác bụng rỗng về nhà. Ảnh: Bọ Ngựa.
Sáng sớm, người bán đặt cạnh mẹt xôi lớn còn nóng nồi măng xào cùng mấy tập lá chuối tươi để gói cho khách có nhu cầu mang đi. Người đến mua chỉ cần bỏ ra 7.000 đồng, ai ăn nhiều thì mua chừng 10.000 đồng là có bữa sáng lót dạ vừa rẻ vừa ngon. Tuy nhiên nếu chỉ có vậy thì món xôi măng ở Kon Tum vẫn chưa đủ để hấp dẫn. Bên cạnh măng xào, người bán còn khéo léo chế biến thêm cá kho và cháo măng cho thêm phần đa dạng. Vậy là hàng xôi có thêm thực đơn để khách tha hồ lựa chọn. Người thích ăn chay thì chọn xôi măng, thích thập cẩm thì gọi thêm cá kho cùng măng hay trẻ nhỏ có thể điểm tâm sáng bằng cháo măng cùng bố mẹ.
Vào những ngày rằm hay ngày ăn chay, cá kho được thay thế bằng đậu phụ. Khách đến có thể gọi xôi măng cùng đậu hay cháo đậu để đổi vị cũng ngon và không kém phần hấp dẫn. Nếu như vị giòn giòn của măng quyện cùng vị dẻo của xôi, vị ngậy của cá kho đã đủ để quyến rũ thực khách thì khi thay cá bằng đậu, hương vị ấy lại trở nên lạ lẫm hơn nữa. Chẳng thế mà khoảng 7 giờ sáng hàng ngày, xôi đã hết, chỉ còn lại cháo măng. Và món ngon này cũng chỉ bán thêm chừng một tiếng đồng hồ nữa. Khi ấy ai muốn thử lại phải chờ sang ngày hôm sau.
Anh-3_1408437291.jpg
Ngoài xôi măng, khách có thể chọn cháo măng cũng không kém phần hấp dẫn. Ảnh: Bọ Ngựa.
Mang nét đặc trưng riêng trong vẻ quyến rũ của màu sắc với đôi chút vàng tươi của măng rừng, đặt trên bát xôi nếp màu nghệ, xôi măng hấp dẫn người qua lại bằng cả mùi thơm đặc biệt, khiến biết bao người đều nán lại chỉ để mua cho được gói xôi kịp giờ đi làm. Vô tình món ngon ấy trở thành thứ để níu chân người một lần qua phố núi Tây Nguyên.

6 món ăn hoang dã nhưng đầy sức hút ở Tây Nguyên

Lẩu lá rừng từng là món ăn chống đói của người Ê đê còn gỏi lá lại được làm từ ít nhất 40 loại lá với nhiều công dụng khác nhau.
Bên cạnh vẻ đẹp của những ngọn thác nước đục ngầu vào mùa mưa, những nương rẫy bạt ngàn gió mùa khô, đến với Tây Nguyên, du khách còn được khám phá ẩm thực của miền rừng núi với 6 món ăn đơn giản, đậm chất hoang dã và đầy cuốn hút.
Lẩu lá rừng
Từng là một món ăn chống đói của người dân tộc Ê đê, đến nay lẩu lá rừng lại trở thành đặc sản đãi khách phương xa. Món ăn này giống như thứ canh thập cẩm với đủ các loại lá rừng, do đó ban đầu nó thường không mấy hấp dẫn du khách.
anh-1_1422000211_1422000221.jpg
Vị cay nồng của lá cây tươi, kèm theo chút vị ngọt của các loại gia vị khiến du khách không thể quên món ăn dân dã này. Ảnh: Tingialai.
Tuy nhiên, những thực khách từng thưởng thức qua món ăn này đều phải gật gù tán dương và thừa nhận mùi vị của nó rất đặc biệt. Lẩu lá rừng không hẳn là ngọt đậm cũng không phải kiểu thơm lừng mà nhẹ nhàng, thấm thía. Dường như hương vị của núi rừng đại ngàn đã thấm vào từng chiếc lá, đem lại sự đặc biệt cho món ăn.
Món lẩu này thường được ăn kèm thịt heo rừng hấp và một số món ăn thường nhật của người dân Ê đê.
Gà sa lửa
Ngay từ cái tên, gà sa lửa đã khiến du khách cảm thấy rạo rực. Gà được chọn từ những giống gà nuôi của đồng bào dân tộc thiểu số hoặc gà rừng do đó thịt dai, ngọt và thơm. Sau khi làm sạch, gà được ướp với hỗn hợp gia vị bao gồm muối hột, ớt xanh, thêm chút sả trong khoảng một tiếng rồi kẹp vào thanh tre với lá chanh, cho lên bếp nướng đến khi bên ngoài vàng ươm.
Gà được xé ăn trực tiếp chấm với muối lá é - một loại lá rừng có vị chát đặc trưng.
anh-2_1422014641_1422014656_1422014692.j
Gà sa lửa, niềm tự hào của ẩm thực Tây Nguyên. Ảnh: Proguide.
Cơm lam
Cơm lam được chế biến từ nguyên liệu chính là gạo nếp nương, không nướng trực tiếp trên lửa mà vùi dưới lớp tro của than hồng cho tới khi ống lam chuyển sang màu vàng úa cháy xém. Món ăn dân dã này bao đời nay đã khiến du khách say mê và thường xuyên thưởng thức mỗi khi có dịp ghé về.
anh-3_1422014733.jpg
Cơm lam, món ăn của núi rừng, chắt lọc vị ngọt của dòng suối mát trong và hương thơm của rừng tre nứa. Ảnh: tinfood.
Cà đắng
Cách chế biến cà đắng rất đa dạng, có thể muối, nướng hoặc  nấu với các loại thủy sản, thịt... Nếu như cà đắng muối là món ăn đơn giản với vị cay xé lưỡi của ớt giã nát thì khi nướng lại có vị thơm ngon đặc biệt. Lúc đầu, vị đắng của cà có thể làm bạn nhăn mặt khó chịu, nhưng bù lại, hương thơm, và vị bùi lại có sức níu kéo vị giác rất mạnh. Dần dần, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt còn dư đọng lại nơi đầu lưỡi của món ăn này.
Nếu nấu với các loại thủy sản hay thịt thì món này phải kèm nhiều ớt xanh cùng lá lốt băm nhỏ .Khi ăn vào miệng, bạn sẽ cảm nhận rõ nét vị béo của thịt, vị đắng của cà, vị bùi của lá lốt. Ăn miếng cà đắng, nghe vị cay xộc lên mũi, vị ngọt bùi thấm đẫm trong vị đắng thì đó mới là lúc bạn cảm nhận được rõ nét đặc trưng của ẩm thực Tây Nguyên.
anh-4-4837-1422014963.jpg
Nếu miền Bắc có cà pháo, cà bát miền Trung, cà tím nướng miền Nam thì Tây Nguyên tự hào với các món ngon từ cà đắng - một đặc sản chỉ có ở núi rừng. Ảnh: Dulichtaynguyen.
Gỏi lá
Nguyên liệu làm món gỏi lá này khá phức tạp, gồm hơn 40 loại lá khác nhau với nhiều công dụng bồi bổ sức khỏe như lộc vừng, sâm đất, hồng ngọc, cải cay... và ăn kèm thịt ba chỉ, tôm rang, bì lợn thái mỏng trộn cùng thính và nước chấm làm từ hèm rượu, trứng vịt, hạt tiêu...
Khi ăn, bạn lấy các loại lá cuốn thành hình phễu, cho thịt vào giữa rồi chấm vào bát nước sền sệt. Vị chan chát, ngòn ngọt, chua chua, lại cay cay, hòa quyện với vị bùi béo ngậy của thịt, tôm khiến du khách vô cùng thích thú.
anh-5-3582-1422014963.jpg
Chua chua, cay cay, thơm thơm, nồng nồng… là những hương vị đặc trưng của món ăn này. Ảnh: dulichtaynguyen.
Thịt nai
Đây là món ăn có sức quyến rũ mãnh liệt với du khách khi đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên. Hiếm có thứ thịt nào đạt độ mềm, đậm đà và ngọt như thịt nai. Ngoài ra, món ăn chế biến từ nguyên liệu không phổ biến này cũng rất phong phú như nướng, xào lăn, nhúng giấm, cháo bao tử nai khổ...
Những người thích lai rai thường chọn nai khô ướp đủ xì dầu, sả, muối, đường, ớt mè trắng và ngũ vị hương được làm chín trên than hoa và sau đó dần bằng sống dao cho mềm. Nếu bạn thích ngồi quây quần với gia đình, bạn bè có thể chọn món nai nướng. Từng miếng thịt nai tươi thái, tẩm gia vị sẵn cho lên bếp, được miếng nào, gắp ra ăn nóng ngay miếng đó cùng với lát gừng là hợp nhất.
anh-6-8002-1422014963.jpg
Thịt nai, đặc sản phổ biến của núi rừng Tây Nguyên.

10 món ăn sống thử thách lòng can đảm của du khách

Ấu trùng, salad kiến, sinh tố ếch... là những món ăn hoàn toàn tươi sống nhằm giữ độ tươi ngon và thành phần dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng dám thử.
Hãy bỏ qua nỗi sợ để cảm nhận hương vị riêng có của 10 món tươi sống sau đây.
1. Ấu trùng
1-discovery.jpg
Ấu trùng Witchetty. Ảnh: Discovery
Thổ dân Australia coi ấu trùng Witchetty là một món ăn bổ dưỡng. Đối lập với vẻ ngoài ghê rợ, loài ấu trùng ăn gỗ này lại rất giàu axit oleic có lợi cho sức khỏe con người. Khi ăn sống, ấu trùng có vị như hạt điều và thơm như hạnh nhân. Ngoài ra, chúng còn được nướng qua để giòn, ngậy và dễ ăn hơn.
2. Nhím biển
2-vnphoto_1422593524.jpg
Nhím biển ăn sống cùng chanh hoặc mù tạt. Ảnh: vnphoto
Nhím biển còn được biết đến với tên gọi cầu gai, nhum biển, rất phổ biến ở Nhật, Hàn Quốc, Italy, Tây Ban Nha, Chile và Việt Nam. Chúng có lớp vỏ ngoài cứng, thân tròn được bao phủ bởi rất nhiều gai. Mặc dù nhím biển nướng muối ớt hay mỡ hành rất thơm nhưng ăn sống vẫn ngon và bổ nhất. Người ăn chỉ cần tách đôi nhím biển, rửa sạch các sợi gân máu bên trong, rồi vắt chanh hoặc cho ít mù tạt vào đánh lên là có thể thưởng thức.
3. Hải sâm
Hai-sam_1422593841.jpg
Món Namako ở Nhật Bản. Ảnh: rocketnews
Hải sâm được coi là món cao lương mỹ vị không chỉ ở Việt Nam mà còn nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia. Chúng thường được chế biến bằng cách làm súp, hầm, om hoặc sấy khô để dùng dần. Tuy nhiên, người Nhật lại thích ăn hải sâm tươi với một chút giấm. Với họ, món ăn có hương vị rất tinh tế nhưng với những người khác, nó khá khó nhằn và có phần nhạt nhẽo.
4. Ếch
4-youtube_1422604058.jpg
Sashimi ếch. Ảnh: Youtube
Các loại sashimi của Nhật thường rất kích thích vị giác nhờ sự tươi ngon và bổ dưỡng. Nhưng có thể bạn sẽ thay đổi suy nghĩ khi được phục vụ sashimi ếch. Chúng được lọc xương và cắt thành những miếng philê nhỏ bày trong bát. Thậm chí ở Peru, ếch sống còn được làm sạch và xay thành sinh tố. Loại đồ uống này được cho là rất bổ dưỡng cho sức khỏe, đặc biệt là các quý ông.
5. Bạch tuộc
5_1422604789.jpg
Bạch tuộc sống ở Hàn Quốc. Ảnh: tripandtravelblog
Ở Hàn Quốc, món bạch tuộc sống rất được ưa thích và có trong thực đơn của nhiều nhà hàng. Khó khăn đầu tiên là bạn phải dùng tay không để bắt chúng lên, sau đó bỏ vào miệng với những xúc tu còn ngoe nguẩy. Dù ở một số nhà hàng, những con bạch tuộc sống đã được cắt thành từng miếng nhỏ nhưng không phải ai cũng dám thưởng thức.
6. Salad kiến 
6-bloomberg_1422605357.jpg
Salad kiến. Ảnh: bloomberg
Một trong những món ăn được phục vụ tại Noma - top 50 nhà hàng tốt nhất thế giới ở Copenhagen, Đan Mạch - là salad kiến. Với 300 USD, bạn sẽ có một suất ăn độc nhất vô nhị gồm những chú kiến đông lạnh bỏ trên những lát rau xanh cùng gừng, mùi và sả.
7. Dơi
7-doi_1422606152.jpg
Dơi ngụp trong nước súp dừa là món ăn truyền thống tại Guam. Ảnh: oddee
Thịt dơi khá phổ biến ở các nước châu Á như Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Chúng thường được nướng, chiên, hầm và có vị như thịt gà với lượng chất béo thấp và protein cao. Tuy nhiên ở đảo Guam, người dân lại thích ăn dơi sống cùng nước súp dừa. Nhưng thực chất dơi được chần sơ qua nước sôi sau đó mới bỏ vào bát súp.
8. Ikizukuri
8_1422607510_1422607523.jpg
Ikizukuri là một kiểu sashimi của Nhật. Ảnh: rocknews
Ikizukuri là một kiểu sashimi, có nghĩa là chế biến tươi. Thực khách chọn các loại hải sản tươi (có thể là tôm, cá hoặc tôm hùm, nhưng thường là cá), sau đó đầu bếp sẽ chế biến và phục vụ ngay tại bàn. Bởi thế, những món ăn này thường không dành cho người yếu tim và cách phục vụ này vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
9. Shirouo
9_1422608487.jpg
Shirouo còn được gọi là odorigui, trong tiếng Nhật có nghĩa là “nhảy múa”. Ảnh: rocknews
Đây là món ăn từ những chú cá nhỏ còn sống, trong suốt đựng trong chiếc bát lớn có nước. Mặc dù không có nhiều mùi vị lắm, ngay cả khi ăn kèm với chút nước tương nhưng cái thú khi thưởng thức món ăn này là cảm nhận những con cá nhỏ "nhảy múa" ngay trong miệng.
10. Đuông dừa
10.jpg
Đuông dừa ngâm mắm. Ảnh: Tiêu Phong
Đuông dừa được coi là đặc sản độc đáo có một không hai ở nhiều tỉnh bằng sông Cửu Long. Chúng có thể được chiên, nướng, hấp nhưng dễ và ngon nhất vẫn là đuông dừa sống kèm nước mắm ớt. Khi gắp bỏ vào miệng, bạn sẽ cảm nhận được vị béo bùi mà nhiều người nói giống y như lòng đỏ trứng gà tan dần trong khoang miệng.

Độc đáo ngôi nhà thờ gỗ hơn 100 tuổi ở Kon Tum

Nằm lọt thỏm giữa rừng xanh cao nguyên bạt ngàn, ngôi nhà thờ gỗ với tuổi đời hàng thế kỷ luôn là niềm tự hào của người dân vùng Kon Tum.
Nằm bên dòng sông Đăk Bla trong xanh, thơ mộng, thành phố Kon Tum luôn là điểm đến của nhiều du khách thích khám phá những nét hoang sơ, hùng vĩ của rừng xanh đại ngàn và những nét cổ kính của những ngôi nhà sàn của đồng bào Ba Na trong đó có ngôi nhà thờ 100 tuổi đời hay còn gọi là nhà thờ Chánh tòa Kon Tum.
Đến với thành phố được mệnh danh là sơn nữ núi rừng Kon Tum, từ xa du khách sẽ thấy tháp chuông nhà thờ gỗ với màu nâu ấm áp cao sừng sững vươn lên nền trời xanh. Là một di tích cổ và đẹp nhất ở Kon Tum, nhà thờ Chánh tòa luôn được đánh dấu trong bản đồ du lịch của nhiều du khách khi đến với thành phố cao nguyên trẻ trung và đầy năng động này.
1-9340-1411194829.jpg
Mặt đứng tổng thể của ngôi nhà thờ gỗ. Ảnh: Cbs.
Nhà thờ Chánh tòa được người dân nơi đây gọi thân mật là nhà thờ gỗ bởi công trình độc đáo này được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ, thiết kế với lối kiến trúc Roman cổ điển kết hợp với kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào Ba Na nơi đây. Do một linh mục người Pháp khởi công xây dựng vào năm 1913 đến đầu năm 1918 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng cho đến nay. Ngày nay công trình đã trở thành biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên, là niềm tự hào của người dân thành phố Kon Tum và luôn có sức hút mãnh liệt cho những du khách đến với vùng cao nguyên bạt ngàn.
2-8994-1411194829.jpg
Bên trong tòa thánh đường. Ảnh: Ihay
Công trình được làm hoàn toàn bằng một loại gỗ đặc trưng nơi đây là gỗ cà chít và các bức tường, vách được làm bằng đất trộn rơm, không dùng bê tông cốt thép và kể cả vôi vữa để sơn trét. Mặt tiền nhà thờ được chia thành bốn tầng cao 24 mét, gồm bốn cột chính và hai cột phụ nối kết với nhau thành những vòng cung nâng toàn khối nhà thờ với kích thước nhỏ dần khi lên cao, lưng chừng tháp là bốn ô cửa sổ kính màu hình tròn với nhiều thanh gỗ cong đồng tâm được sắp xếp một cách hoàn hảo tạo cho cửa sổ mang dáng dấp một con mắt nơi chính diện của nhà thờ. Trên đỉnh tháp là cây thánh giá bằng gỗ quý cao vút, thể hiện sự uy nghiêm và vĩnh cửu của ngôi thánh đường.
Khung sườn của nhà thờ gồm bốn hàng cột gỗ cao 12 mét chạy dài từ mặt tiền đến phòng áo, hai hàng cột giữa lớn tạo nên gian chính rộng, cao và thoáng mát. Hai hàng cột ngoài nằm sát vách là hai gian phụ với trần nhà thấp hơn, cả bốn hàng cột trụ trên các đế đá vững chắc có sức chịu đựng với thời gian, nâng đỡ cả trọng lượng của ngôi thánh đường.
Bên trong nhà thờ có nhiều hàng cột nhỏ được liên kết với nhau bằng các vòng cung gỗ tạo thành hình vòm đỡ các cửa sổ phía trên như ôm trọn những ai vào giữa lòng nhà thờ. Bên trong thánh đường có nhiều khung cửa kính màu vẽ lại các điển tích trong kinh thánh, các khung cửa này vừa có tác dụng lấy ánh sáng trời tự nhiên, vừa tạo thêm vẻ rực rỡ tráng lệ cho ngôi giáo đường. Hệ thống cột gỗ, rui mè trong nhà thờ tuy không chạm khắc tỉ mỉ, công phu nhưng chính những hoa văn với những đường nét mạnh mẽ, phóng khoáng đã thể hiện được cái khí chất của đồng bào bản địa Tây Nguyên.
3-4644-1411194829.jpg
Vẻ uy nghiêm, cổ kính của ngôi nhà thờ. Ảnh: Thanh Tuyết.
Gần một thế kỷ phơi mình dưới cái nắng, cái gió Tây Nguyên ngôi nhà thờ vẫn đang vững chãi dưới thời gian và là điểm tham quan du lịch nổi tiếng của thành phố Kon Tum. Du khách có thể đến thăm nhà thờ gỗ Kon Tum vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Nếu đến vào mùa hoa đậu nở, trên đường tới nhà thờ bạn sẽ gặp sắc hồng, sắc trắng của những con đường hoa làm lộng lẫy thêm nhan sắc Kon Tum.
Nếu đến vào dịp lễ Giáng Sinh, bạn sẽ gặp tại đây cả nghìn giáo dân đủ tộc người tìm đến nhà thờ, họ ở lại ngay bãi đất trống bên phải có khi cả tuần để tham dự lễ. Đó là những ngày nhà thờ náo nhiệt, đầy sức sống với cảnh mua bán tấp nập. Tất nhiên, trong phiên chợ này có rất nhiều sản phẩm thủ công từ các buôn làng đem theo bày bán. Còn nếu đến nhà thờ vào một ngày bình thường nào đó, sẽ gặp sự thầm lặng của một giáo đường. Hàng ghế hai bên hông nhà thờ vào lúc làm lễ là chỗ để giáo dân cầu nguyện, lúc này thành chỗ cho các em học sinh dùng để ôn bài học tập.
Đến Kon Tum ngoài việc chiêm ngưỡng vẻ độc đáo của nhà thờ gỗ bạn còn có thể thưởng thức những món ăn đặc sắc của núi rừng Tây Nguyên như cơm lam, gỏi lá, gà nướng măng đen với ché rượu cần nồng nàn hương sắc núi rừng.

Theo chân người Tây Nguyên vào mùa thu hoạch cà phê

Du khách ghé thăm Tây Nguyên vào tháng 9, 10 Âm lịch sẽ thấy không khí rộn ràng, người người nhà nhà tấp nập trên những nương cà phê và cả trong các khoảng sân phơi.
Hàng năm, khi tới tháng 9, 10 Âm lịch, khắp miền đất đỏ bazan lại rộn ràng mùa cà phê chín mọng sau một năm chăm sóc vất vả. Du khách tới Tây Nguyên hầu như lúc nào cũng thấy không khí rộn ràng, người người nhà nhà tấp nập từ nương rẫy cà phê tới những khoảng sân phơi.
CF.jpg
Mùa thu hoạch cà phê thường rơi vào khoảng tháng 9, 10 âm lịch. Ảnh: Bọ Ngựa.
Để việc thu hoạch diễn ra nhanh chóng, người nông dân thường bắt đầu ngày làm việc từ sáng sớm. Khi ấy, một tấm bạt lớn được trải dưới gốc cây để hứng quả cà phê chín tuốt từ cành. Cứ thế, tấm bạt được kéo từ gốc này sang gốc khác tới khi đầy, người thu hoạch lọc bỏ lá rụng và cành gẫy sau đó mới đem phơi.
Thời gian phơi lại tùy theo điều kiện thời tiết để kéo dài từ 6 đến 30 ngày. Khi quá trình này kết thúc, phần lớn thành phẩm được rao bán đến những nhà máy, còn lại các hộ gia đình tự rang xay. Thông thường, thời gian rang một mẻ cà phê đã lột vỏ tại nhà mất 30 phút và thực hiện thủ công thuần túy.
A2B2.jpg
Để việc thu hoạch được dễ dàng, người nông dân thường trải một tấm bạt lớn dưới gốc cây để hứng quả. Ảnh: Bọ Ngựa.
Một số du khách thường lầm tưởng quả cà phê phải có mùi thơm đặc trưng. Tuy nhiên, thực tế cà phê chỉ có mùi sau khi rang chín. Do vậy, trong quá trình sơ chế, mỗi gia đình lại có những bí quyết riêng tạo độ thơm cùng hương vị đậm đà. Mỗi mùa thu hoạch đi qua, người dân Tây Nguyên thường giữ lại chút cà phê trong nhà như món quà tự thưởng bản thân sau một năm vất vả chăm bón.
Rang-ca-phe_1416990464.jpg
Cà phê được các gia đình ở Tây Nguyên rang theo cách thủ công. Ảnh: Phạm Hiến.
Qua giai đoạn này, tới tháng Ba, hoa cà phê lại nở trắng, bồng bềnh trên từng nương rẫy. Tây Nguyên khi ấy sẽ khoác lên mình màu áo mới dịu dàng và điệu đà, bắt đầu một chu kỳ mới chờ nắng gió, người chăm sóc để kết thành chùm quả.

3 comments:

  1. Xét nghiệm ADN là phương pháp xác định quan hệ huyết thống chính xác, được sử dụng rộng rãi trong y khoa. Nhưng không phải ai cũng biết xét nghiệm adn bằng gì? Hay cụ thể hơn là xét nghiệm ADN bằng cách nào, sử dụng những mẫu gì?
    Sử dunhj những mẫu gì để xét nghiệm ADN tại Đa khoa Phương Nam

    ReplyDelete

  2. Giống với xét nghiệm ADN cho người lớn, thì xét nghiệm huyết thống cho trẻ sơ sinh cũng sẽ mất khoảng 2 – 7 ngày mới có kết quả tùy vào mục đích và loại mẫu xét nghiệm.
    Xét nghiệm ADN cho trẻ sơ sinh bao lâu có kết quả?

    ReplyDelete
  3. Việc thu thập mẫu xét nghiệm ADN phải đảm bảo đúng quy chuẩn. Phải thu thập đầy đủ những mẫu xương còn sót lại gồm: xương tay, xương chân, xương sườn, xương bả vai, xương sọ, hàm, răng…Phải chọn được mẫu xương còn cứng chắc, không bị mủn hay mềm. Bởi vì nếu bị mềm nhủng thì mẫu xương đó xem như bị hỏng và không thể xét nghiệm được ADN.
    Những lưu ý không thể bỏ qua khi xét nghiệm ADN cho liệt sĩ

    ReplyDelete

quangnm