Wednesday, March 4, 2015

Tết xưa Sài Gòn

Tết xưa Sài Gòn

Trẻ con háo hức với tiếng pháo nổ, xe đò tấp nập, nhiều gia đình đi lễ chùa... là hình ảnh Tết Sài Gòn mấy chục năm về trước. 
6683193801-f8e6a36de9-z.jpg
Hàng hóa bày bán ở các chợ Sài Gòn vào dịp cận Tết.
6683193937-cff82165b6-z.jpg
Dưa hấu được đổ bán tràn lan ngoài đường.
Dưa hấu được đổ bán ngoài đường.
Trẻ con hào hứng với Tết.
Trẻ con hào hứng với Tết.
Xe đò đông đúc, tấp nập ngày Tết.
Xe đò đông đúc, tấp nập ngày Tết.
Chợ hoa ngày Tết.
Chợ hoa ngày Tết ở Sài Gòn những năm 1966-1967.
Nhiều loại hoa khoe sắc.
Nhiều loại hoa khoe sắc.
Quang gánh trái cây.
Quang gánh trái cây ở các chợ.
Bàn thờ ngày Tết.
Bàn thờ gia tiên ngày Tết.
Đi lễ chùa và cầu khấn vào đầu năm mới.
Đi lễ chùa đầu năm mới để cầu mong những điều tốt đẹp.
Pháo Tết.
Pháo nổ đì đùng khắp các thôn xóm mỗi dịp Tết đến.
Cậu bé bịt tai xem pháo nổ.
Cậu bé bịt tai xem pháo nổ.
Thiếu nữ Sài thành đi chơi Tết.
Thiếu nữ Sài thành mặc áo dài du xuân.

Những mùi hương gợi nhớ Tết xưa

Thoảng trong tiết xuân lắc rắc mưa phùn, mùi thơm của khói nhang, mùi pháo tép, hương nước lá mùi... hòa quyện gợi nhớ ký ức về những ngày Tết xưa.
Mỗi lần ngửi mùi khói hương thơm thoảng trong gió đông, anh Trần Thanh (Cầu Giấy, Hà Nội) biết Tết đang đến gần. "Tuổi thơ chúng tôi, ai cũng giữ và mang theo bên mình ít nhất một mùi hương gợi nhớ ngày Tết. Với tôi, đó là mùi khói nhang mẹ thắp những ngày cuối năm".
huongtet.jpg
Những bó hương phơi nắng, đợi khô sẽ được thắp trên bàn thờ ngày Tết. Ảnh: NhanTran.
Anh Thanh kể, mẹ anh vẫn có thói quen cắm hương thơm ngoài sân vườn từ tháng Chạp. Những cây hương vòng, hương que được mua từ làng Yên Phụ nổi tiếng của đất kinh kỳ xưa. Mỗi nén hương thắp lên, những vòng khói cuộn tròn rồi bay đi như cuốn theo hết muộn phiền của năm cũ sắp qua, hân hoan đón năm mới về.
"Nhiều năm lăn lộn khắp trong Nam ngoài Bắc, sang cả xứ người làm ăn, tôi từng một mình đi chùa vào ngày mùng 1 chỉ để được ngửi mùi khói nhang thanh tịnh như thời còn thơ bé nhưng không tìm thấy nổi". Theo anh, mùi hương ngày thường khác, hương ngày Tết khác và mùi hương những ngày cận Tết lại càng khác nữa. Trời se se lạnh, chỉ cần ngửi mùi hương phảng phất trong gió đủ khiến lòng người bình yên.
Hương vị Tết ngày xưa còn là mùi hăng hắc của cành củi tỏa ra từ bếp luộc bánh chưng chiều 28 Tết, mùi bánh chưng luộc chín được vớt ra. Mỗi ngõ xóm nhỏ chung nhau ngả lợn để cùng ăn Tết, dành một ít thịt gói bánh chưng. Khi người lớn gói bánh thì lũ trẻ chạy lăng xăng phía ngoài để xem. Cậu bé Thanh sẽ đánh dấu nhận chiếc bánh nhỏ nhất cho riêng mình để khi bánh chín sẽ được ăn trước.
"Ngửi mùi gạo nếp, mùi lá dong, lũ trẻ khi ấy nghĩ ngay đến chiếc bánh màu xanh, bên trong nhân đậu, thịt cùng bốc khói mà thèm nhỏ dãi. Bánh chưng, thịt mỡ thòm thèm cả năm nhưng chỉ ngày Tết mới được ăn khiến tôi mong chờ Tết hơn bao giờ", anh Thanh nhớ lại.
Gói bánh xong, mẹ anh sẽ xếp dăm viên gạch chụm lại rồi bắc cái nồi to lên. Trong khi mẹ chuẩn bị mâm ngũ quả thì chị em Thanh thay nhau trông nồi bánh. Cậu bé 10 tuổi còn tranh thủ vùi khoai, sắn vào bếp than hồng. Tiếng nổ tí tách của những thanh củi cháy, tiếng nồi bánh chưng sôi sùng sục nghe thật vui tai.
Cứ thế, mùi khói bếp, mùi củi cháy, mùi thơm của lá dong, mùi gạo nếp cùng nhân đậu xanh, thịt nạc hòa lẫn rồi tan trong không khí, bám chặt lấy tuổi thơ anh suốt những năm sau này. Đối với anh Thanh, chiếc bánh chưng mẹ gói không được vuông vắn như bánh bán ngoài chợ nhưng vị ngon đậm đà thì không chiếc bánh chợ nào sánh nổi.
Tết xưa, dù nhà giàu hay nghèo thì bánh chưng xanh và đĩa mứt tự tay làm là hai món không thể nào thiếu. "Thèm bánh chưng, thịt kho nhưng tôi cũng không thể nào quên nổi vị mứt dừa chị gái tự tay làm", anh Thanh tâm sự.
Bếp nóng hừng hực, chị gái ngồi đảo đều tay, mồ hôi từng giọt đọng trên trán nhưng chị vẫn không nghỉ. Bởi nếu nghỉ giữa chừng thì mứt không ngọt đều, màu không đẹp, ăn không ngon. Mùi mứt thơm lừng níu chân khiến cậu em trai không còn thiết tha đi đánh cù với lũ trẻ hàng xóm. Chị làm xong mấy mẻ mứt, em trai tha hồ được nếm những thanh mứt vụn còn sót dưới đáy chảo. Miếng mứt dừa thơm dẻo, cậu bé chỉ dám ngậm cho vị ngọt của đường, vị thanh thanh của dừa tan trên đầu lưỡi.
lamui.jpg
Đi chợ Tết mua lá mùi để tắm tất niên. Ảnh: Nguyễn Gia Lợi.
Ngày mùng 1, anh Thanh được theo chân bố mẹ đi chúc Tết. Thấy nhà nào cũng có đĩa mứt và tách trà để sẵn trên bàn, cậu bé Thanh thích thú dứt từng sợi mứt để ăn dần và chờ được nhận lì xì năm mới.
Chị gái theo chồng vào Nam lập nghiệp, Tết về vẫn làm mứt và gửi cho anh một hộp làm quà. Anh Thanh bảo, chị làm mứt ngày càng ngon nhưng hương vị thì rất khác so với ngày hai chị em còn thơ ấu.
Chị Hồng Linh (Duy Tiên, Hà Nam) nhớ mùi Tết xưa là hương thơm của nồi nước mùi già để tắm chiều tất niên. Chị Linh kể, chiều 30 Tết, mẹ sẽ dùng bó lá mùi với chi chít quả tròn màu nâu nhạt cho vào nồi, đổ đầy nước rồi đun lên. Nước sôi, mùi nồng ấm, thơm thoang thoảng lan tỏa khắp gian bếp, lên thềm, ra sân. Hương thơm bay ra tận đầu ngõ, xua tan đi những ảm đạm cuối cùng của năm. Chị em Linh được mẹ lôi ra để tắm, gọi là tẩy hết đi những bụi bẩn của năm cũ để đón Tết.
Cũng như mẹ ngày xưa, dù tất bật với công việc chị Linh vẫn tranh thủ nấu nước mùi cho cả nhà cùng tắm vào chiều 30 Tết. Chị chia sẻ: "Những đứa trẻ từng được tắm nước mùi già thì hương thơm dịu ấy không thể lẫn với mùi khác. Nó còn vương mãi trên da thịt, ăn sâu vào ký ức mà không một thứ nước hoa nào sánh bằng".
phaotet_1390362194.jpg
Tiếng pháo tép chính là âm thanh gọi Tết về. Ảnh tư liệu.
Trong ký ức chị Linh, Tết còn là sự háo hức khi ngửi thấy mùi quần áo mới. Cách đây 30 năm, nhà còn thiếu ăn, thiếu mặc nên ba chị em Linh phải mặc quần áo theo kiểu dây chuyền. Chị lớn mặc chật thì nhường đến em. Đến Tết, mua quần áo cũng có sự phân công. Năm nay chị cả được mua thì hai em còn lại sẽ mặc đồ cũ.
Năm học lớp ba, chị được mẹ thưởng cho bộ quần áo mới. Đêm trước đó, cô bé Linh không tài nào ngủ được. Mua đồ về rồi mẹ cất vào trong tủ, Linh còn lấy cớ chạy ra chạy vào để ngắm nghía, hít hà và chỉ mong nhanh đến mùng 1 Tết để được diện quần áo mới.
Mỗi lần nghe câu hát "Hòa theo tiếng pháo đì đùng, mừng xuân nay đã về rồi", anh Hải (Đống Đa, Hà Nội) lại nhớ đến màu xác pháo đỏ tươi. "Trước giao thừa, pháo đã bắt đầu nổ, qua giao thừa vài tiếng mà vẫn chưa dứt. Nhìn thấy pháo nổ tôi sợ, phải bịt tai lại cho khỏi chói nhưng chỉ cần nghe tiếng pháo là lao ra khỏi nhà đi xem", anh Hải kể.
Pháo bị cấm từ lâu, nhưng anh Hải chẳng thể nào quên được mùi pháo thơm khi xưa.Với nhiều người thế hệ đầu 8X như anh, tiếng pháo chính là âm thanh gọi Tết về. Nhiều năm nay, đêm giao thừa anh đều đưa vợ con đi xem bắn pháo hoa bên Hồ Gươm. Tiếng pháo rộn ràng nhưng cảm giác háo hức như thời còn thơ bé dường như không còn nữa. "Tôi vẫn thòm thèm một lần mình được bé lại để nghe tiếng pháo và mong chờ vị Tết xưa", anh Hải nói.

Hoài niệm chơi Tết 20 năm trước

Ai từng trải nghiệm Tết những năm 1990 đều không thể quên cảm giác nghe tiếng pháo nổ đì đùng.
anh18-8912-1390554870.jpg
Khách đến chơi nhà cùng nhâm nhi tách trà nóng, ăn mứt, cắn hạt bí. Chủ, khách chúc nhau những câu tốt lành đầu năm.
anh16-2128-1390554870.jpg
Tết là ngày đoàn tụ của cả gia đình. Ngày ấy, mọi thứ giản đơn nhưng ấm cúng, vui vẻ và trở thành nỗi nhớ da diết trong ký ức của nhiều người.
anh8-9224-1390554870.jpg
Gia đình ba thế hệ cùng chụp ảnh lưu niệm khi đi chơi. Thợ chụp ảnh dạo ngày đó làm ăn khá phát đạt trong những ngày đầu xuân.
duxuan-6871-1390554870.jpg
Trẻ em háo hức và luôn mong chờ Tết vì được bố mẹ mua cho quần áo mới và đưa đi chơi khắp nơi.
anh5-6957-1390551062.jpg
Một buổi ca nhạc chào mừng năm mới.
anh19-1360-1390554870.jpg
Đường phố ngày Tết rộng thênh thang. Xe máy Dream Thái là phương tiện được ưa chuộng cách đây hơn 20 năm, chỉ những nhà giàu mới sắm được.
anh13-8491-1390554871.jpg
Tết về không thể thiếu vắng âm thanh đì đùng của bánh pháo tép.
anh14-2939-1390554871.jpg
Trẻ con thời ấy, nghe tiếng pháo nổ là vội vàng bịt tai.
anh12-8844-1390554871.jpg
Nhưng chúng chỉ chờ bánh pháo nổ hết là xông vào nhặt những quả pháo điếc bị tịt ngòi để chơi.
anh4-4819-1390551062.jpg
Đón Tết ở một võ đường.
anh15-3933-1390554871.jpg
Xác pháo hồng, hoa đào thắm cùng sự nhộp nhịp của điệu múa lân sư rồng làm nên không khí tưng bừng của Tết xưa mà ai được trải qua một lần cũng rất nhớ.

Sắm Tết thời bao cấp

Ngày ấy từ 23 tháng chạp, người Hà thành bắt đầu đi chọn hoa đào trên phố Hàng Lược hay tới các cửa hàng tạp hóa mua mì chính, bóng bì, bánh đa nem...
anh1-5780-1390217918.jpg
Không khí xuân tràn ngập khắp 36 phố phường, người Hà Nội xuống đường mua sắm để chuẩn bị Tết. Xe đạp là phương tiện lưu thông phổ biến nhất cách đây 30 năm.
tet3.jpg
Chợ hoa ngày Tết bán đủ loại hoa nhưng sắc thắm của đào vẫn nổi bật nhất.
anh-3933-1390217918.jpg
Cuộc sống khi ấy còn nhiều khó khăn nhưng nhà nào cũng cố sắm lấy cành đào chơi Tết. Đào Nhật Tân là loại hoa nổi tiếng nhất bấy giờ.
nhahat-8386-1390271555.jpg
Xếp hàng chờ đến lượt mua hàng trước Nhà hát Lớn.
anh11-1792-1390271555.jpg
Cửa hàng tràn ngập tranh hoa ngàyTết.
thongbaotet-2806-1390217918.jpg
Những mặt hàng Tết của một cửa hàng tạp hóa năm 1982.
chotet-2932-1390217920.jpg
Người người gồng gánh hào hứng với phiên chợ giáp Tết.
anh3-7295-1390217919.jpg
Cửa hàng bánh chưng thời xưa với đủ loại bánh vuông, dài.
aaa1aaaa.jpg
Cùng với bánh chưng, giò chả là món ăn không thể thiếu vào mỗi dịp Tết.
banhangtet-2116-1390217919.jpg
Người bán hàng Tết năm xưa.
phaotet-8531-1390217920.jpg
Tiếng pháo đì đùng là âm thanh rộn rã trong các dịp Tết trước đây. Tuy nhiên, vì sự nguy hiểm và thiếu an toàn trong sản xuất, phân phối, sau đó pháo bị cấm.
anh12-6968-1390217920.jpg
Đường phố được trang hoàng trước ngày Tết.

Những bức ảnh màu đầu tiên về Hà Nội

Hồ Gươm, Văn Miếu thuở còn nguyên sơ với những con đường đất hay các cô gái trong chiếc áo yếm hiện lên sống động qua tác phẩm của nhiếp ảnh gia người Pháp Leon Busy.
18.jpg
Nhiếp ảnh gia Leon Busy được Viện Bảo tàng Albert Kahn (Pháp) cử sang Việt Nam chụp lại cuộc sống của người dân Bắc Kỳ từ năm 1914 tới năm 1917. 60 ảnh trong triển lãm này chọn lọc từ 1.500 bức do Leon Busy thực hiện. Đây là một bức ảnh về hồ Gươm.
19.jpg
Qua các bức ảnh, người xem có thể thấy được cảnh sinh hoạt, lao động đời thường hay như cách phân tầng xã hội thời bấy giờ. Ảnh cũng thể hiện đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Hà Nội xưa thấm nhuần Lão giáo, như quan niệm về Đạo Tam phủ hay thờ cúng các linh vật hoặc tư tưởng cấm sát sinh của đạo Phật. Ảnh chụp toàn cảnh Văn Miếu.
hck-7554-1386989515.jpg
Ảnh lăng mộ Hoàng Cao Khải mà ngày nay chỉ còn là phế tích.
5_1386948664.jpg
Bức ảnh về lò giấy ở làng Bưởi. Nghề làm giấy nổi tiếng ở làng Bưởi (làng Yên Thái xưa) nay đã không còn.
4_1386948664.jpg
Có nhiều nhiếp ảnh gia để lại những bức ảnh giá trị về Hà Nội xưa, song những bức ảnh chưa từng công bố này mang đến một điều đặc biệt. Nó là những bức ảnh màu đầu tiên về đất Thăng Long xưa. Leon Busy được đánh giá rất "chịu chơi" vì áp dụng kỹ thuật này trong khi nó mới ra đời năm 1903. Trong ảnh là phố Hàng Thiếc.
16.jpg
Một góc chợ cuối làng ở vùng ven Hà Nội.
2_1386948664.jpg
Phố đèn lồng rực rỡ sắc màu qua góc nhìn của Leon Busy. Một mặt hàng nhưng do nhiều nghệ nhân khác nhau làm giúp người mua thoải mái lựa chọn.
3_1386948664.jpg
Bức ảnh "Móng tay của nhà nho" thể hiện rõ quan niệm thời xưa rằng người có chữ không được làm công việc chân tay.
7_1386948664.jpg
Bên cạnh đó, những bức ảnh màu đầu tiên còn thể hiện rõ phân biệt đẳng cấp xưa. Trong ảnh một người phụ nữ trung lưu đang nấu cơm.
9_1386948664.jpg
Tóc vấn, quần áo đắt tiền, có người đứng hầu phía sau cửa... là hình ảnh về những phụ nữ thuộc tầng lớp khá giả xưa. Trong ảnh ba phụ nữ này đang chơi bài.
8_1386948664.jpg
Leon Busy cũng sắp đặt một số góc cảnh để chụp ảnh. Hai cô gái ngồi bên bể nước vận trang phục cổ truyền là yếm trắng, quần đen, thắt lưng sáng màu, nón ba tầm.
13.jpg
Lão nông ngồi giữa sân phơi thóc thể hiện quan niệm về sự sung túc trong đời sống nông nghiệp thời xưa. Sân phơi thể hiện tham vọng của chủ nhà, sân càng rộng nhà càng nhiều thóc.
14.jpg
Hai thôn nữ vừa đi hái rau muống, họ mặc áo tứ thân, yếm trắng, đầu chít khăn mỏ quạ. 
17.jpg
Đô vật bái thần làng trước trận đấu (làng Xa La, Hà Đông). Triển lãm ảnh "Hà Nội, sắc màu 1914-1917" diễn ra từ ngày 9/12/2013 đến ngày 4/1/2014. 

Những phong tục đẹp ngày Tết

Chơi hoa, đi chợ Tết, gói bánh chưng... là những phong tục đẹp của ngày Tết. 
1. Chơi hoa
Mỗi dịp xuân về, chúng ta đều đón Tết vào đầu năm mới âm lịch. Không khí Tết thực sự bắt đầu vào rằm tháng chạp. Ai trồng hoa bích đào (miền Bắc) và mai (miền Nam) đều biết ngày này, ngày mà người ta phải bứt bỏ lá để cho hoa trổ bông đúng ngày mồng một Tết. Không phải ai cũng làm công việc này vì tính chuyên nghiệp trồng hoa cảnh rất cao, tuy nhiên, chơi hoa đào, hoa mai ngày Tết là một truyền thống, và để hoa nở đúng ngày mồng 1 Tết thì duy nhất có ở Việt Nam.
Nếu như người Nhật tự hào về bonsai thì người Việt Nam tự hào về chơi hoa. Nhưng đáng tiếc có một số loài hoa quý như thủy tiên, hoa quỳnh, thường được giới thượng lưu ngày xưa xếp vào loại hoa đón Tết cao cấp, xem hoa nở để đoán vận may, thì đến nay hầu như không còn mấy ai biết đến trong ngày Tết. Thời gian thay đổi thì các thú vui ngày Tết cũng có những đổi thay, song truyền thống hoa Tết đại chúng ở Việt Nam ngày nay còn có thêm nhiều loại như hoa lan, hoa cúc, hoa tulíp… được phát triển từ trong nước và du nhập từ nước ngoài vào. 
2. Tiễn ông Công công Táo lên trời
Tương truyền ở mỗi gia đình kể từ khi loài người biết dùng lửa để ăn chín đến nay luôn luôn trong nhà có ông Công ông Táo. Ông Công được xem là thần đất giữ nhà và biểu tượng của ông là cây nêu ngày Tết. Nay, phong tục trồng cây nêu đã bị mai một vì có nhiều người ở nhà tầng nên không có đất. Còn ông Táo được dân gian gọi là “ông vua bếp”. Vua bếp là vị thần cai quản việc nấu ăn trong mỗi gia đình gắn với câu ngạn ngữ “có thực mới vực được đạo”. Một cỗ bếp có ba ông vua bếp được nắn bằng đất thó (đất sét) có hình chóp cụt uốn cong cúi đầu vào nhau tạo thành thế “kiềng ba chân”.
Việc tiễn đưa ông Táo về trời là một phong tục đẹp với ý nghĩa tâm linh. Không tiễn ông Táo về trời là có gì đó khuất tất đối với trời nên sợ không dám làm lễ. Lễ ông Táo về trời bao giờ cũng có việc thả cá chép làm phương tiện cho ông. Đây cũng là mặt đời sống thiêng liêng của cư dân sông nước.
3. Đi chợ Tết, xin chữ về thờ
Đi chợ Tết ngày xưa chủ yếu là mua lá dong, mua thịt, mua hành để về gói bánh chưng. Ngoài ra, người ta không quên qua cổng chợ xin thầy đồ mấy chữ về thờ vì ngày xưa đa phần không biết chữ nên mới có phong tục thờ chữ trong nhà để mơ ước con cháu sau này được học hành, làm ăn phát đạt. Chữ được chọn để thờ thường là chữ Tâm, Phúc, Đức… Phong tục thờ chữ ngày nay đang được phục hồi bằng thư pháp thể hiện một dân tộc hiếu học trong lịch sử và hôm nay.
unnamed-7773-1390549085.jpg
 Phong tục thờ chữ ngày nay đang được phục hồi bằng thư pháp - Ảnh: Lê Phương
4. Gói bánh chưng, bánh tét
Phải là những người có bàn tay khéo léo mới gói được, nếu không bánh sẽ nứt góc khi luộc. Đây cũng là nét văn hóa cộng đồng cao khi người này nhờ người kia gói bánh. Luộc bánh chưng là công đoạn được nhiều người thích nhất. Đêm những ngày gần Tết, trời se lạnh mà ngồi chờ đợi bên nồi bánh chưng thì còn gì thú bằng. 
Bánh chưng là một phong tục có từ nền văn minh lúa nếp (không đơn giản là lúa nước). Lúa nếp chỉ tìm thấy dấu vết cổ xưa ở đồng bằng sông Hồng và gắn với câu chuyện bánh chưng, bánh dầy từ thời vua Hùng thứ 18 khi kén phò mã. Ngày nay bánh chưng bánh tét vẫn là phong tục thưởng thức ẩm thực Tết vô cùng đẹp của dân tộc ta.
5. Lau dọn nhà
Tất cả đồ vật, chén bát đũa đều được đem ra sửa soạn và trưng bày. Công việc dọn dẹp ngày Tết có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị “tiễn năm cũ, đón năm mới”. Cùng công việc dọn dẹp cũng là lúc xem lại xem còn nợ nần ai cái gì thì phải trả, không để nợ hai năm mà thành “nợ cả đời”. Đây là phong tục tổng kết các quan hệ để xem nợ thì phải trả trước Tết, ơn thì phải đem lễ vật đến để đáp ơn, cũng có ý không nợ ơn qua năm.
6. Đón giao thừa
Giao thừa là lúc chứng kiến trời đất gặp nhau. Khi trời đất gặp nhau sẽ toát ra một linh khí mà ai lúc đó được chứng kiến sẽ thấy trào dâng cảm xúc. Đón giao thừa bao giờ cũng cúng ngoài trời, có thể cúng mặn hoặc cúng hoa quả. Cùng với việc cúng giao thừa này, trên bàn thờ trong nhà bao giờ cũng có ngũ quả gồm chuối (chuối tiêu), bưởi, bòng, cam quýt. Ở miền Nam thờ trái theo ngôn ngữ nên thường có ngũ quả gồm mãng cầu (cầu), dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài (xài), sung (sung túc) hoặc dứa (thơm); đó là cầu - vừa - đủ - xài - sung hoặc cầu - vừa - đủ - xài - thơm.
7. Xông đất mồng 1 
Xông đất có thể là chọn người từ trước và người được chọn sẽ đến vào lúc sớm nhất trong năm. Xông đất được tính từ lúc sáng sớm (mặt trời hé rạng) và trong ngày mồng một. Người kỹ tính không đến thăm nhà khác vào ngày mồng một, nhất là người còn để tang người thân. Cũng có người chọn sự ngẫu nhiên trong việc xông nhà để chiêm nghiệm trong năm.
8. Lễ
Lễ là nghi lễ tôn ti trật tự tổ tiên cố cụ, ông bà, cha mẹ, con cháu, họ hàng, bà con hàng xóm, khách thập phương. Tất cả đều được trân trọng trước sau, vì thế mới có câu “mồng một lễ cha, mồng hai lễ mẹ, mồng ba lễ thầy”. Cha là bên nội để lại cho ta dòng họ (theo phụ hệ) vì thế được xem là quan trọng. Mẹ là bên ngoại cho ta thân thể làm người, vì thế mà phải trân quý. Thầy là người cho ta hiểu biết nên phải biết kính mến.
GS. TS Vũ Gia Hiền

Dư vị Tết

Cái Tết đến rồi đi. Người người nói về cái Tết, nhưng lúc cái Tết đi vẫn để lại một dư vị đặc biệt trong lòng tôi ngày ấy. (Khánh Huỳnh, Mỹ)
tet3-1563-1425120963.jpg
Người Việt ở Mỹ đốt pháo mừng xuân. Ảnh minh họa: Tuy Can
Sáng mùng bốn, nhà tôi cúng tiễn ông bà trở về trời sau mấy ngày Tết cùng con cháu. Tôi nghe nói mùng năm mới nên dỡ đồ cúng, nhưng nhà tôi ăn Tết gọn lẹ nên sớm hơn. Mẹ nhắc nhở chúng tôi rằng "hết Tết rồi, không được phá nữa". Lúc đó tôi mới nhận ra rằng mấy ngày qua chắc mình nghịch ngợm lắm, khiến mẹ phải dọn dẹp đến hết hơi.
Ngoài chợ, các gian hàng bắt đầu mở lại. Theo lệ thì hàng rau hàng cá là ở phía sau, nhưng hàng rau thì bao giờ cũng mở trước cả, nên các chị hàng rau kéo nhau lên ngay mặt chợ. Mẹ hay bảo tôi đi mua rau tươi về ăn cho đỡ ngán sau một cái Tết đầy thịt và dầu mỡ. Bữa ăn đầu tiên đầy rau tươi có nghĩa là cái Tết đã hết.
Nhà tôi có lệ là ngày Tết thì được chơi bài (không ăn tiền), nhưng Tết hết thì phải dẹp. Ba tôi hay đem bộ bài cất đi. Có năm em tôi đem chôn bộ bài và nói rằng nó sẽ đào lên khi Tết lại đến. Thực ra thì đất đồng bằng nhiều nước, chôn ít lâu thì bộ bài đã hỏng cả rồi.
Có năm, mãi tới mùng năm bác tôi và các anh họ mới tới nhà tôi chơi. Cả nhà rủ nhau đi hội chợ ở thị xã. Hội chợ lúc này vắng tanh, nhưng các gian hàng vẫn còn mở. Đi vào ai cũng ra sức mời chào vì không có khách. Chúng tôi khoái chí tham gia đủ thứ trò chơi mà không phải chen lấn. Cái Tết muộn cũng có hương vị riêng của nó.
Khi tôi còn nhỏ, nhà trường hay lên lịch học lại ngày mùng 6. Ngày đấy nhà trường luôn có lễ chào cờ để nhắc nhở chúng tôi là việc học đã trở lại. Các khuôn mặt học sinh còn thấm đẫm cái Tết cứ ngơ ngác nhìn nhau. Có đứa còn mang trong túi mấy trái pháo chuột, dù không dám đốt vì trường cấm pháo.
Cái Tết ra đi, chỉ để lại dư âm về mấy ngày đoàn tụ. Tôi nhớ có năm, hết tháng giêng rồi mà tôi vẫn còn thấy một mảnh xác pháo màu hồng giắt trên hàng rào kẽm gai. Cái Tết ngày xưa vương vấn ở lại đến hết tháng giêng là vậy.
Ngày rằm nguyên tiêu, hàng quán đông nghịt, đặc biệt là hàng bán đồ chay. Nhà tôi cũng ăn chay, chủ yếu là để đỡ ngán. Ngày đấy người người đi chùa cầu an. Tiếng rằng tháng giêng là tháng ăn chơi, nhưng người làm nông và người buôn bán nhỏ thì khai trương từ mùng bốn tới mùng sáu cả.
Ngày nay, cuộc sống trên đất Mỹ khiến mọi thứ hoàn toàn đảo lộn. Có năm cái Tết của tôi chẳng hề đến, bởi lẽ tôi phải đi làm. Có một năm chả hiểu sao tôi phải có mặt ở toà án ngày mùng một (tôi là luật sư). Ngày mùng một mà mặc vest ngồi nghe những câu như "sau khi ông ấy đánh bà kia, thì chuyện gì xảy ra?", cảm giác thật khó tả.
Năm nay tôi lấy một ngày nghỉ vào mùng một và đi chùa. Trong khi nhà chùa tụng kinh buổi sáng và tôi đang quỳ nghe kinh thì điện thoại reo vang, lại là một đồng nghiệp. Ít lúc sau tôi ngồi ăn bữa cơm Tết với thịt kho dưa giá, canh khổ qua và bánh tét cùng gia đình dì thì điện thoại lại reo. Khi điện thoại reo tới lần thứ ba thì tôi chịu thua và lái xe trở lại văn phòng.
Phải công nhận các đồng nghiệp Mỹ của tôi đầu óc tỉnh táo thật. Tôi tới văn phòng, họ mang công việc tới và bàn bạc như thường. Mãi mấy tiếng sau, một người gặp tôi thì cười phá lên. Bấy giờ tôi mới nhớ ra là mình đang mặc áo dài đỏ và đi guốc (họ gọi là giày gỗ).
Cái Tết đã đến rồi lại đi. Cầu mong một năm mới an lành cho tất cả mọi người Việt, dù đang sống trên quê hương hay là xa xứ.

Những dịch vụ dễ kiếm tiền sau Tết

Nhận chăm sóc gốc đào thuê, PG phát sản phẩm mẫu, giúp việc theo giờ… đang là những dịch vụ có nhu cầu lớn dịp sau Tết.
Với những người trồng đào lâu năm tại các vườn đào Ngọc Trục (Nam Từ Liêm), Nhật Tân (Tây Hồ)... nhận chăm nom hộ gốc đào cho khách không phải công việc mới. Lúc này, hơn 1.000 gốc đào tại vườn đã được anh Hiệp (phường Dương Nội) chuẩn bị cho việc ghép cành. "Trong số này có khoảng gần 100 cây đào của khách gửi nhờ chăm sóc luôn", anh cho biết.
cham-dao.jpg
Chi phí chăm sóc đào hoàn toàn phụ thuộc giá thị trường, do đó các chủ vườn đều rất chu đáo tạo thế mới để năm tới, cây sẽ được giá. Ảnh: T.T
Theo chủ vườn, hầu hết khách đặt thuê đều mua đào từ vườn của anh, số ít là khách lẻ từ nơi khác, nhưng khi đưa về đều được anh chăm sóc với chế độ như nhau. Mọi chi phí đều được tính vào giá trị cây đào dịp Tết năm sau mỗi bên hưởng 50%. "Có nghĩa là gốc đào này năm nay có giá 4 triệu đồng, nhà vườn được hưởng 2 triệu nhưng Tết sang năm có thể được định giá lên đến 6-7 triệu từ đó công chăm cây cả năm cũng cao hơn. Do vậy, hầu hết các nhà vườn khi nhận chăm sóc đều mong muốn cây sống, khỏe, đẹp để sang năm được giá cao", anh cho hay. Với trường hợp cây bị bệnh, chết nhà vườn không phải đền tiền, trừ khi bị trộm mất gốc.
Theo những chủ vườn khác việc chăm sóc thuê đào không chỉ "tiện thể một công đôi việc" mà chính những người trồng cũng muốn lưu giữ lại những gốc đào lâu năm, thế đẹp. "Nếu không sau Tết mọi người chỉ vứt bỏ chứ chẳng ai để mãi đào trong nhà được", một chủ vườn nói. Vì thế nhiều năm qua, ngoài việc chăm sóc cho cây của mình, nhiều nhà vườn đều dành một phần diện tích đáng kể để nhận chăm hộ nếu khách có nhu cầu. Tùy số lượng cây và giá từng thời điểm nhưng cuối năm ngoài tiền bán đào thì riêng chi phí công sức chăm bón thuê các gốc đào của khách, thậm chí nhiều chủ vườn cũng kiếm được 20-50 triệu đồng.
Cùng với nhu cầu chăm sóc cây cảnh, sau Tết cũng là thời điểm mà các lễ hội, sự kiện diễn ra nhiều, được nhiều doanh nghiệp xem là cơ hội quảng bá, tiếp thị sản phẩm. Do vậy, không ít các công ty tổ chức sự kiện cũng đăng tuyển số lượng lớn nhân viên quảng bá - PG (Promotion Girl) và PB (Promotion Boy) trong dịp này. 
pg-0-3749-1425003855.jpg
PG là một trong những nghề có nhu cầu lớn dịp đầu năm.
Hải, đầu mối tuyển chọn PB và PG tại Hà Nội cho biết hiện anh cần khoảng 20 người để thực hiện một số chương trình phát sản phẩm mẫu (sampling) nước ngọt tại một số khu vực tại Hà Nội. "Mình mới đăng thông báo được một ngày mà nhận được cả trăm mail ứng tuyển chủ yếu là sinh viên. Trước mắt công ty đã chọn ra 10 bạn đáp ứng được yêu cầu", Hải cho hay.
Vị quản lý này cho biết, do sản phẩm của đối tác chuyên về thực phẩm chức năng nên họ yêu cầu khá khắt khe về ngoại hình cũng như kinh nghiệm xử lý các tình huống phát sinh. Hải cho biết, tuy các nhân viên làm trong khoảng tuần với mức lương được trả là 240.000 đồng một ngày. "Đây là mức khá cao so với lương trung bình từ 150.000-170.000 đồng một ngày của một PG, PB hiện nay", vị này nói. Do chỉ di chuyển quanh khu vực Hà Nội nên các nhân viên sẽ chủ động phương tiện, sau khi xong việc được bên tổ chức hỗ trợ thêm phí xăng xe.
Cùng với những dịch vụ trên, nhu cầu giúp việc theo giờ tại gia đình cũng được một số công ty cung ứng dịch vụ ghi nhận ở mức cao không kém thời gian trước Tết. Chị Phương Anh, Quản lý tại Jupviec.vn cho biết hiện mức giá thuê giúp việc theo giờ của công ty đã tăng lên 200% so với ngày thường (từ 30.000 lên 60.000 đồng một giờ), nhưng vẫn không đủ nhân viên chạy các đơn hàng khách lẻ. "Dù thời điểm này công ty đã có 150 người làm việc.Để giữ uy tín đơn vị chỉ ưu tiên nhưng khách hàng đã ký hợp đồng trước đó", chị cho biết.
Theo lý giải của một số công ty cũng lĩnh vực, do người giúp việc cố định tại các gia đình nghỉ Tết qua Rằm tháng Giêng mới đi làm khiến nhiều người phải xoay sở bằng cách thuê mướn giúp việc theo giờ. Trong đó không ít gia đình có nhu cầu thuê giúp việc cố định làm trong ngày. Do vậy, giá và chi phí cho những nhân viên làm trọn ngày cũng bắt đầu cao hơn trước đó khoảng vài trăm nghìn đồng. Một số công ty cho biết, hiện mức lương trả cho cho một người làm cả tháng dao động từ mức 3.500.000-4.000.000 đồng một tháng.

Xuân vấn vương

Xuân về em ở quê hương. Anh nơi xứ lạ tuyết vương mái đầu. Tuyết vương anh có gỡ đâu. Để cho ai đó với đầu của anh. (Nguyễn Tiến Hảo, Slovakia)
Xuân về cho tóc em bay. Mưa phùn xuống điểm để say lòng người. Ảnh minh họa: Kim Ngân
Xuân về cho tóc em bay. Mưa phùn xuống điểm để say lòng người. Ảnh minh họa: Kim Ngân
Xuân về ai có nhớ ai
Giao thừa ai có nhắc ai những giờ
Gặp em một chút trong mơ
Rồi đây nỗi nhớ ngẩn ngơ tháng ngày.
Xuân về cho tóc em bay
Mưa phùn xuống điểm để say lòng người
Em trao anh một nụ cười
Anh trao em cả cuộc đời của anh.
Xuân về cho tóc em xanh
Cho môi em thắm để anh say nồng
Xuân về cho má em hồng
Mắt em anh ngóng thỏa lòng nhớ thương.
Xuân về em ở quê hương
Anh nơi xứ lạ tuyết vương mái đầu
Tuyết vương anh có gỡ đâu
Để cho ai đó với đầu của anh.
Tuyết rơi bông chậm bông nhanh
Bông xua nỗi nhớ bông thành vần thơ
Bông nào em đấy anh chờ
Bay vào cửa sổ làm thơ cho đời.
Lạ lùng sao tuổi đôi mươi
Chưa xa đã nhớ nụ cười của nhau
Xuân qua đi chỉ một câu
Vẫn là nỗi nhớ ngày đầu nhớ em.
Tặng các bạn trẻ đang lao động va học tập nơi xứ người.
Nguyễn Tiến Hảo

Còn cha mẹ là còn có Tết

Những ai còn cha, còn mẹ, xin đừng chê Tết nhạt. Tết nào còn cha mẹ thì Tết ấy vẫn còn rất đậm, đậm tình yêu thương gia đình. (Nguyễn Thái Hòa, Pháp)
Tôi vẫn nhớ mãi nụ cười và ánh mắt ánh lên niềm hạnh phúc rạng ngời khi đứng dưới chân tháp Eiffel của cha mẹ tôi.
Tôi vẫn nhớ mãi nụ cười và ánh mắt ánh lên niềm hạnh phúc rạng ngời khi đứng dưới chân tháp Eiffel của cha mẹ tôi. Ảnh tác giả cung cấp
Tết là thời điểm bắt đầu một năm mới. Nhắc đến Tết, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ… Nhưng Tết đâu chỉ có thế. Tết còn chứa đựng những nét đẹp văn hóa truyền thống ẩn chứa nhiều giá trị tinh thần thiêng liêng của người Việt. Trên tất cả, Tết là đoàn viên, là sum vầy.
Ai ai dù bôn ba xuôi ngược khắp năm châu bốn bể, đến những ngày cuối năm, cũng nao nức chuẩn bị hành trang để trở về quê hương, bên gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn có được niềm hạnh phúc được trở về sum họp đó.
Vẫn cái điệp khúc "Xuân này con không về", tôi, một cậu nhóc du học sinh, vừa tốt nghiệp ra trường đang đi làm kiếm tương lai ở cái đất Pháp này, cũng chẳng được về ăn Tết. Tết ta chứ đâu phải Tết Tây mà được nghỉ, được về, đành ngậm ngùi hẹn mẹ cha xuân sau công việc ổn định hơn con sẽ về ăn Tết với mọi người.
Sinh ra làm con người, có ai muốn rời xa mái ấm gia đình để đến một nơi nào đó xa xôi, xung quanh chỉ nghe một thứ tiếng lạ, rất khác với tiếng nói cha sinh mẹ đẻ của mình? Có rất nhiều lý do, riêng và chung, đưa đẩy số phận họ mà ta không thể kể hết được.
Dù là du học sinh, là người đi làm, hay cả Việt kiều ở đây lâu năm, ai cũng như ai, cũng mang một cái tên chung là "người xa xứ". Một góc nào đó trong trái tim họ, vẫn luôn khắc khoải nỗi nhớ thương quê nhà. Với họ, Tết Nguyên Đán luôn là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt, ai cũng cố gắng dành một ít thời gian để tự tạo cho mình một chút không khí Tết khi còn xa quê.
Với tôi, Tết này là cái Tết thứ 7 không có bao lì xì, không đi chúc Tết bà con, cũng chẳng được ngửi mùi hương trầm nghi ngút nơi cửa Phật. Tết năm nay, tôi cùng các anh chị em sinh viên cùng thành phố tổ chức một bữa tiệc Tết với nhiều món ăn cổ truyền và một buổi văn nghệ cây nhà lá vườn. Tết du học sinh chỉ vậy là quá đủ ấm lòng trong những ngày lạnh giá này.
Vô tình nghe mấy câu hát của bài "Mừng tuổi mẹ": "Mỗi mùa xuân sang, mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang, ngày tôi xa mẹ càng gần..."
Nó khiến tôi sợ, như nỗi sợ của một đứa trẻ hư bị mẹ dọa bỏ cho ông địa bắt cóc phải xa cha mẹ mãi.
Sợ mẹ buồn, sợ cha lo cho con nơi phương xa…
Sợ cơn đau lưng hành hạ người mẹ đã ngoài lục tuần của tôi không còn sức đi buôn đi bán nữa.
Sợ những lần lên huyết áp của người cha đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy.
Sau hai lần tai biến, tất cả trách nhiệm nằm hết trên đôi vai người con trai cả này với tất cả nỗi sợ hãi!
Sợ nhiều thứ… Một nỗi sợ mơ hồ, rất mông lung, mà không dám đối mặt với nó vì không thể tưởng tượng ra ngày đó tôi sẽ như thế nào! Vẫn không đủ can đảm để kể tiếp về nỗi sợ của tôi…
Mới ngày nào cha còn khỏe chở cả gia đình 5 người trên một chiếc xe đời 70 với tiếng nổ tạch tạch như pháo Tết đi chùa, đi thắp nhang ông bà, mà giờ cha đã không còn đi được, đến cả ngồi dậy cũng phải có mẹ đỡ dậy. Hỏi sao tôi không sợ...
7 cái Tết trôi qua trong tít tắc. Cha mẹ tôi đã già, còn tôi thì vẫn chưa làm gì cho ra hồn...
Cứ mỗi lần thấy cuộc gọi nhỡ mang đầu số Việt Nam +84 là tim đập chân rung gọi lại ngay cho người nhà với nỗi lo hiện ngay lên ánh mắt. Và chắc đây cũng là nổi niềm chung của nhiều người con xa xứ...
Nếu có một điều ước, tôi sẽ ước xuân đừng đến nữa… Để mẹ cha tôi, tóc ngừng điểm bạc thêm sương. Để tôi còn nhanh chóng thành tài trở về báo hiếu…
Nhưng
Đã là con người, không thể nào tránh khỏi cái vòng tròn sinh lão bệnh tử ấy. Đến đây, tôi đã nhận ra nỗi sợ của tôi, chính là nỗi sợ quy luật thời gian. Thời gian trôi đi không ngừng, không đợi một ai.
Giờ tôi cũng đã lớn, phải tập chấp nhận và sẵn sàng đối mặt với nỗi sợ của chính mình. Tôi vẫn nhớ mãi nụ cười và ánh mắt ánh lên niềm hạnh phúc rạng ngời khi đứng dưới chân tháp Eiffel của cha mẹ tôi. Đó là nguồn động lực vô biên, cho tôi nghị lực phấn đấu. Tất cả những gì tôi đang cố gắng nơi đây sẽ là món quà xuân vô giá gửi về quê nhà cho cha mẹ tôi, tôi tin là vậy.
Ai đó nói con cái là mùa xuân của cha mẹ, nhưng với tôi, cha mẹ mới chính là mùa xuân của con. Bởi lẽ mùa xuân là mùa của niềm vui, hạnh phúc. Và còn cha còn mẹ là còn niềm vui, hạnh phúc, là còn có Tết. Cha mẹ như mùa xuân tưới mát cho tâm hồn con luôn tươi trẻ.
Vì vậy, những ai còn cha, còn mẹ, xin đừng chê Tết nhạt. Tết nào còn cha mẹ thì Tết ấy vẫn còn rất đậm, đậm tình yêu thương gia đình.
Nhân dịp Tết đến xuân về, tôi xin gửi lời chúc Tết an lành, hạnh phúc đến với mọi gia đình.
Xin chúc cho những bạn học sinh, sinh viên, một năm học tập tốt, chúc cho đất nước ngày một phồn vinh. Đặc biệt, những ai đang được ở gần bên gia đình, bạn bè và người thân hãy biết trân trọng và tận hưởng những phút giây này vì chỉ khi đi xa bạn mới hiểu nó tuyệt vời đến dường nào…

Nói với con

Tết nhà mình chỉ có thế này thôi. Mẹ con mình cũng bồi hồi đón Tết. Dẫu biết rằng con sẽ không hiểu hết. Tết là gì? Trong trái tim non nớt thơ ngây. (Thu Hà, Hàn Quốc)
be-1134-1424835284.jpg
Ảnh minh họa: Thi Trân
Tết nhà mình chỉ có thế này thôi
Mẹ con mình cũng bồi hồi đón Tết
Dẫu biết rằng con sẽ không hiểu hết
Tết là gì? Trong trái tim non nớt thơ ngây.
Nhưng với mẹ Tết là những ước mơ
Thuở còn nhỏ được thêm manh áo mới
Và là cả nỗi phập phồng mong đợi
Lương thưởng cuối năm, khi đã biết kiếm tiền. 

Và giờ đây Tết là những khát khao
Của kẻ tha hương mong ngày sum họp
Khi Tết đến đêm giao thừa bên ngoại
Sắp cỗ rộn ràng, đón thời khắc sang canh. 

Nhưng mãi chỉ là mong ước mong manh
Tròn chín Tết, chưa một lần bên ngoại
Mẹ trăn trở giấu nỗi niềm xa ngái
Trong chiếc bánh chưng nay gói nỗi nhớ đầy vơi.

Mộng xuân

Năm nay xuân đến Tết gần kề. Trời Tây tuyết lạnh nhớ hương quê. Ngoài kia lất phất bông hoa trắng. Ngập phủ tình ta cản lối về. (Thienvienxu, Hà Lan)
Tết này vẫn chịu cảnh gió đông
Bao xuân mòn mỏi đã chờ mong
Ngày về ôm ấp tình quê mẹ
Giữa nước non nhà nắng ấm trong.
Tiếng pháo ngày xuân luôn mãi đợi
Trong đêm thao thức lạnh gió đồng
Bên nồi bánh tét chờ thêm củi
Vọng ước thời gian cạn chén nồng.
Năm nay xuân đến Tết gần kề
Trời Tây tuyết lạnh nhớ hương quê
Ngoài kia lất phất bông hoa trắng
Ngập phủ tình ta cản lối về.
Sưởi ấm than hồng chén rượu cay
Tìm vào quá khứ thả mộng say
Vườn xuân lá thắm hoa non dại
Đã giữ hồn ta vạn tháng ngày.
Đầu năm say khướt tóc điểm mây
Trắng đen trộn lẫn tuổi nào hay
Thời gian tước cả đời xuân trẻ
Chỉ để lại đây nỗi nhớ đầy.
Vùi đi ý Tết phủi tro tàn
Gửi mộng xuân vào tuyết trắng tan.

Xôi gấc đậu xanh, nhớ mẹ ngày Tết

Tờ lịch Tây đã sang trang năm 2015 từ hơn tháng. Cuối cùng Tết ta cũng muốn tháo cương cho Giáp Ngọ nhọc nhằn và mời chàng Dê vàng Ất Mùi vô nhà. Nào thì đi chợ đón Tết. (Lâm Kim Thanh, Đức)
Dù không có bánh chưng nhưng tôi thật sự rất vui vì đã tự tay nấu cho mình món ăn để tưởng nhớ tới người mẹ quá cố. 
Dù không có bánh chưng nhưng tôi thật sự rất vui vì đã tự tay nấu cho mình món ăn để tưởng nhớ tới người mẹ quá cố. Ảnh minh họa: ngoisao.net
Cái lạnh của mùa đông nước Đức vẫn chưa qua, ngoài trời cái không khí ngày Tết của Việt Nam cũng không có, nhưng Việt Nam thì đang tưng bừng đón xuân rồi đó.
Tờ lịch Tây đã sang trang năm 2015 từ hơn tháng. Cuối cùng Tết ta cũng muốn tháo cương cho Giáp Ngọ nhọc nhằn và mời chàng Dê vàng Ất Mùi vô nhà.
Nào thì đi chợ đón Tết.
Chợ châu Á hôm ba mươi chật khách, hàng hầu như bị vơ sạch, lại gợi cho tôi nhớ lại những lần lễ Noel của những siêu thị Đức. Hình như ai cũng sợ không đủ ăn cho mình mấy ngày lễ?
Trong khi đó tôi nhìn thấy có khối nhà mua chất chồng đống thức ăn để rồi thừa mứa đổ đi (cũng chẳng ai hoặc vật nào ăn được). Tôi chợt nhớ tới những gia đình nghèo và những đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa, quanh năm suốt tháng không được miếng ăn no bụng.
Năm nay bánh chưng không có bán. Tôi chỉ có một mình với ông chồng không cùng văn hóa, không đủ thành viên để tự làm luộc. Thôi thì nghĩ cách khác vậy. Tôi chợt nhớ ra hồi bé mẹ hay nấu xôi gấc cho ăn vào dịp Tết. Nào thì nấu xôi gấc cũng tuyệt đấy chứ nhỉ.
Từ bé đến giờ tôi chưa từng bao giờ làm công việc đó. Tôi thầm nhủ, thôi có sao thì ăn vậy, "méo mó có hơn không".
Nếu như các nhà khác đón Tết bằng những món cao lương, mỹ vị, thì nhà tôi đón Tết bằng hai món ăn rất đơn giản: xôi gấc và khoai lang luộc.
Đọc đến đây chắc rất có nhiều người cười tôi, rằng khoai lang luộc thì có gì để nói chứ. Không, các bạn đã nhầm, khoai lang luộc gợi cho tôi nhớ lại tuổi thơ với những vất vả nhọc nhằn của những năm tháng bao cấp. Hồi đó nếu có được miếng thịt để ăn, chị em chúng tôi phải trực đêm xếp hàng, gật gù trước quầy thịt. Mà hình như thân quen lắm mới được miếng thịt sấn mông ngon, còn không chỉ được miếng bèo nhèo đền công cho những đêm thức quầng mắt. Những bữa "liên hoan" như vậy có đâu được khoảng chục lần trong năm.
Các bạn đừng tưởng ăn khoai lang rẻ nha, khoai lang nghệ cực đắt, nhưng mà đúng là ngon, khác hẳn so những loại khoai lang khác, giá mua tương đương với kí gà BIO (gà BIO đắt khoảng 4 lần so với gà công nghiệp).
Đến phần làm xôi gấc, vì chưa bao giờ nấu nên tôi tự tìm thực đơn trên mạng để thử tay nghề vậy.
Sau những tiếng tất bật, cuối cùng thành phẩm cũng đã thành. Nhìn khuôn xôi đóng thật bắt mắt không kém phần trang trọng như bánh chưng, tôi chợi thở phào nhẹ nhõm. Dù không có bánh chưng nhưng tôi thật sự rất vui vì đã tự tay nấu cho mình món ăn để tưởng nhớ tới người mẹ quá cố. Chợt trong tôi bỗng thổn thức nhớ mẹ, nhớ lắm một nụ cười, một vòng tay âu yếm của thời ấu thơ....

Viễn xứ nhớ tranh ông đồ

Ngắm ông đồ thổi hồn vào chữ. Mấy trăm năm đọng đến bây giờ. (Vũ Lập, Đức)
Quê hương ơi tình người viễn xứ. Gửi phố cổ nhớ tranh ông đồ. Ảnh minh họa: 
Quê hương ơi tình người viễn xứ. Gửi phố cổ nhớ tranh ông đồ. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Ngắm ông đồ thổi hồn vào chữ
Mấy trăm năm đọng đến bây giờ
Ánh trăng vàng lung linh khóm trúc
Để bâng khuâng giữa thực và mơ.
Kìa nét thoảng bay như lời gió
Thì thầm đánh bạn với lũ mây
Đây nét ngang vững vàng thế đó
Ruộng bậc thang kiệt tác phô bày?
Đó nét mềm dịu dàng như cỏ
Nét buông chùng sống động rễ si
Nét nhẹ nhàng chiều thu lá rụng
Ơi tài hoa dễ mấy ai bì.
Quê hương ơi tình người viễn xứ
Gửi phố cổ nhớ tranh ông đồ!

Gửi mẹ ngày cuối năm

Chắc giờ này nhà mình nghi ngút trầm, hương. Mẹ đã kịp bày lên bàn thờ Ông, Bà, Ba... hoa thơm, trái ngọt. Cỗ tất niên chiều ba mươi chắc em gái và chị dâu đã cùng nhau chuẩn bị. Còn cả mứt, bánh, xôi, chè, mâm ngũ quả.... chắc mẹ cũng đã bày sẵn lên bàn. (Phuong Thuy Luong, Mỹ)
dao-9106-1424492827.jpg
Ảnh minh họa: Reuters
Cuối tuần rồi con đi chợ Việt Nam
"Bạn í" hỏi con sao chợ đông người hơn mọi bữa
Con nói, "vì là Luna New year" nên người Việt nào cũng tranh thủ
Chủ nhật cuối cùng đi sắm vài thứ cho Tết cổ truyền để nhớ vị Tết quê hương.

Chắc giờ này nhà mình nghi ngút trầm, hương
Mẹ đã kịp bày lên bàn thờ Ông, Bà, Ba... hoa thơm, trái ngọt.
Cỗ tất niên chiều ba mươi chắc em gái và chị dâu đã cùng nhau chuẩn bị.
Còn cả mứt, bánh, xôi, chè, mâm ngũ quả.... chắc mẹ cũng đã bày sẵn lên bàn Chờ giao thời mang ra cúng giữa trời cầu êm ấm, yên an.
Mới hôm rồi em gái nhắn cho con,
"Về đi chị ơi! còn phụ em dọn nhà, sắm Tết"
Em cũng gửi cho con hình cây mai nhà mình ra hoa và hình cặp cúc vàng mẹ chọn.
Khiến con khao khát cháy lòng được về bên mẹ, đón xuân sang.
Con biết thể nào giữa lúc chờ giao thừa mẹ cũng sẽ nhớ chị và con
Sẽ chạnh lòng, thương vì Tết gần bên mà con thì xa lắc
Cũng như con sáng nay khi nếm vị cải thảo chua cay và món bắp bò ngâm con làm để tự mình đón Tết.
Con cũng lẩm nhẩm trong lòng "bên mình chừ là tối ba mươi".
Nhiều người nói với con Tết đầu tiên sẽ buồn nhưng dần rồi cũng sẽ quen.
Con cũng hy vọng mình sẽ quen, nhưng quên thì không thể.
Bởi Tết với con là thời khắc được quay quần bên gia đình, bên mẹ
Là những ký ức ngọt lành, chan chứa tình thân.
Nhiều người nói với con xuân xa xứ rất buồn, nhưng rồi cũng sẽ qua!
Phuong Thuy Luong

Hoài niệm Tết ngày xưa

Những ổ bánh phồng, bánh tráng mang đậm chất thôn quê được ra lò dưới bàn tay của người lớn, còn những đứa trẻ như tôi lúc bấy giờ thì cùng nhau chơi đùa, quậy phá những gì có thể như góp phần làm tăng thêm sự rộn rã của ngày xuân...
Vào những ngày này của khoảng 20 năm về trước (tôi sinh năm 1989), cả xóm tôi rộn rã những tiếng chày khuya, những làn khói trắng ấm áp, âm thanh cười đùa vui vẻ bên bếp lửa chuẩn bị làm bánh cho những ngày xuân sắp đến.
Đại gia đình cùng hỗ trợ nhau (theo cách mà chúng tôi gọi là "dần công") để từng nhà chuẩn bị cho những lò bánh ngày xuân. Thế là lần lượt những ổ bánh phồng, bánh tráng mang đậm chất thôn quê đã ra lò, còn những đứa trẻ như tôi lúc bấy giờ thì cùng nhau chơi đùa, quậy phá những gì có thể như góp phần làm tăng thêm sự rộn rã của ngày xuân...
anh102544971369377655500x0-1424069321-14
Những đứa trẻ như tôi cùng nhau chơi đùa góp phần làm tăng thêm sự rộn rã của ngày xuân.
Giờ đây, những hình ảnh ấy gần như không còn nữa, cuộc sống bận rộn làm thời gian trở nên hạn hẹp và thế là xuân về, Tết đến chỉ cần ra chợ mua là có đủ loại bánh mứt.
Cuộc sống hiện đại là thế nhưng sao tôi vẫn cảm thấy tiếc cho những ngày xuân năm ấy, nơi mà "tình làng nghĩa xóm" được thể hiện rất chân thành. Tiếc cho những đứa trẻ bây giờ khó thể hình dung ra những ngày xuân ấm áp và vui tươi đến mức nào. Chắc là có nhiều bạn từng sống ở thôn quê sẽ có cảm giác giống như tôi.

Rất nhớ không khí Tết ở Việt Nam

Em tên là Loan, theo chồng qua đây được 14 tháng, những ngày gần Tết như vầy, trong lòng em luôn náo nức, vẫn biết rằng đón Tết bên đây không vui như Việt Nam nhưng em vẫn cúng đêm 30, đưa ông Táo về trời... để gia đình có không khí Tết.
From: Khueloan
To:
xahoi@vnexpress.net
Sent: Saturday, February 09, 2002 10:58 AM
Subject: Cam Xuc Truoc Ngay Tet  
Những ngày này, lòng em lúc nào cũng nao nao. Ở Việt Nam mọi người ăn Tết vui vẻ, còn mình thì phải đi làm, nửa đêm mới được gọi điện thoại vì lúc đó mới là buổi trưa ở Việt Nam. Tết bên đây trong không khí "rất lạnh" đối với những người Việt Nam mới qua như em vì chưa quen không khí, rất thèm khung cảnh nấu bánh chưng. Hiện tại trong lòng em rất là nhớ về những kỷ niệm Tết xưa kia ở Việt Nam. Không nơi đâu bằng quê nhà, dù đi xa nhưng trong lòng lúc nào cũng nhớ về quê hương. Tết Việt Nam ấm cúng, hạnh phúc, vui vẻ, còn bên đây chỉ quanh quẩn ở trong nhà.
Muốn đến nhà người thân để chúc Tết cũng chỉ đi được ngày cuối tuần. Bởi thế em cố gắng đi làm, để dành tiền để được về quê đón Tết, tìm lại không khí của những ngày xưa thân ái ở gia đình. Em có cảm xúc nhiều lắm nhưng không thể nào mà diễn tả được tâm trạng của em hiện nay. Nỗi nhớ nhà lại cồn cào trong lòng khiến nước mắt cứ chảy ròng. Em chỉ nói một câu là "rất nhớ những không khí gần Tết ở Việt Nam"
Loan Pham

No comments:

Post a Comment

quangnm