Tuesday, March 3, 2015

Hoa đào, hoa mận nở bung trên cao nguyên đá Hà Giang

Hoa đào, hoa mận nở bung trên cao nguyên đá Hà Giang

Sau Tết mới là thời điểm mận và đào Hà Giang khoe sắc rực rỡ nhất, kết hợp với thảm cải vàng cuối vụ, tạo nên một bức tranh xuân vùng cao đẹp đến mê hoặc lòng người.
 
Nhiều du khách không quản ngại đường xá xa xôi, khó khăn, đến với Hà Giang để tận mắt thấy hệ thống đá tai mèo hùng vĩ, những cung đường đèo hiểm trở, hay bốn mùa hoa sắc.
 
 
Nếu như ở Bắc Hà, Mộc Châu, mận, đào mọc thành những thung lũng, hoặc tập trung theo từng bản, thì tại cao nguyên đá mật độ phân bổ đều hơn.
 
 
Bản đồ hoa kéo dài dọc đường từ Quản Bạ lên đến Yên Minh, đặc biệt tập trung nhiều nhất khu vực Đồng Văn, Lũng Cú và Mèo Vạc.
 
 
...và còn những đồi cải đâu đó rải rác trên đường lên cực Bắc Tổ quốc, Lũng Cú.
 
 
"Đường về miền đá quê em...", mùa này đẹp như lời một bài thơ về hương sắc cao nguyên đá....
 
 
Hoa mận ở Hà Giang.
 
 
Đào, mận thu hút bao nhiêu lữ khách dừng chân bên đường say mê ngắm nhìn một mùa xuân mới đâm chồi nẩy lộc.
 
 
Những đứa trẻ, những "bông hoa" xinh đẹp nhất của miền đá vui đùa trong nắng xuân.
 
 
Làng Văn hóa du lịch Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là, huyện Đồng Văn - nơi có ngôi nhà phim trường "Chuyện nhà Pao" - như thường lệ là điểm dừng chân yêu thích nhất của du khách bởi những khung cảnh đặc trưng nhất của Hà Giang: những mái ngói âm dương, tường rào đá.
 
 
Đến với Hà Giang những ngày sau Tết để có thể đắm chìm trong sắc xuân đẹp nhất tại thời điểm đẹp nhất năm.

Rực rỡ những phiên chợ Tết miền núi

Người Tây Bắc đi chợ phiên để trao đổi, mua sắm hàng hóa, gặp gỡ và giao lưu nên ai cũng xúng xính váy áo tạo nên một phiên chợ cuối năm đầy màu sắc.
Từ tờ mờ sáng, khi sương sớm vẫn còn bao phủ trên khắp các cành cây, ngọn cỏ, trên khắp nẻo đường, những bước chân lại rậm rịch xuống chợ.
1. Chợ Cán Cấu (Si Ma Cai, Lào Cai)
Là một trong những phiên chợ lớn nhất vùng Tây Bắc, chợ Cán Cấu chỉ họp vào thứ 7 hàng tuần nên rất đông vui, nhộn nhịp. Đối với người dân vùng cao, đi chợ không chỉ đơn giản để mua bán hàng hóa, mà còn để được giao lưu, trao đổi sau những ngày lao động mệt nhọc. Vì vậy trên khắp các nẻo đường, từ sườn ngọn núi, những con dốc, đường mòn, bà con dân tộc người đi bộ, người cưỡi ngựa, đi xe máy rộn ràng đổ về chợ.
cho-tet2-9814-1422937117.jpg
Phiên chợ trông như rừng hoa khoe sắc bởi váy áo của các cô gái dân tộc. Ảnh: Q. Đoàn
Có người cắp con lợn đen trũi, có chị, có bà gùi trên vai đủ các loại nông sản như ngô, gạo hay những nắm rau xanh mướt mới hái trong vườn. Chợ họp đơn giản, người ta chỉ cần trải tấm áo mưa rồi bày bán những tảng thịt, con gà, xâu cá, vài nải chuối xanh hay chai mật ong rừng mới lấy được. Ở phiên chợ này, ớt khô được bày bán rất nhiều. Người ta không bán từng quả, mà ớt khô nguyên quả được kết lại từng chùm lớn, chùm bé trông rất hấp dẫn.
Khi mặt trời đứng bóng, những chảo thắng cố lớn nghi ngút khói ở góc chợ đã vơi, những vò rượu ngô thơm nồng đã cạn mà câu chuyện vẫn như chưa dứt, trai gái bản chia tay nhau, lục đục kéo nhau về, niềm vui rạng ngời trên gương mặt (Hình ảnh chợ Cán Cấu).
2. Chợ Bát Xát (Lào Cai)
Phiên chợ Tết ở Bát Xát năm nào cũng đông vui dù thời tiết vùng cao vào mùa này lúc nào cũng giá rét. Chợ họp ngay giữa một bãi đất trống bằng phẳng, gió lùa tứ phía nhưng không vì thế mà kém phần tấp nập. Trong một góc chợ rực rỡ sắc màu của những chiếc khăn đội đầu, hay váy áo của những cô gái Mông, người ta tranh nhau mặc cả những món đồ, tấm vải thổ cẩm thêu với đường nét tinh xảo.
cho-Tet3-6994-1422937118.jpg
Những tấm khăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu được bày bán rất nhiều ở các chợ vùng cao. Ảnh: Q.Đoàn
Ở một góc khác, người ta bày bán những bó lá dong nếp xanh mướt được xếp thành hình tròn, những bó lạt buộc được chẻ mỏng một cách khéo léo hay những ống nứa bánh tẻ gióng dài dùng để bó giò. Tiếng cười nói, tiếng í ới, tiếng mặc cả rộn ràng cả một góc chợ. Ai ai cũng muốn bán hàng cho nhanh rồi lại tranh thủ đi sắm Tết. Đông khách nhất vẫn là những hàng bán quần áo, giày dép, thực phẩm ngày Tết. Người dân tranh thủ mua bán rồi mời nhau vào quán ăn bát thắng cố, bát phở hay uống chén rượu ngô cho đến say mềm.
Vui nhất là đám thanh niên đến chợ để tìm bạn, ngắm những thiếu nữ dân tộc trong trang phục rực rỡ. Họ thổi khèn môi, tiếng khèn réo rắt như mời gọi bạn tình, làm say đắm lòng người.
3. Chợ Mèo Vạc (Hà Giang)
Ở vùng cao nguyên đá Hà Giang, người ta thường nói đến những phiên chợ lùi độc đáo. Gọi là chợ lùi bởi thay vì 7 ngày mới họp một phiên, người dân ở đây sẽ họp 6 ngày một lần, tuần sau lùi so với tuần trước một ngày.
Chợ phiên thường họp từ 5h sáng cho đến 3 - 4h chiều thì tan. Người xuống chợ đủ các thành phần, người già, trẻ con, trai gái bản đều nô nức. Chợ họp sớm nên để đến được chợ, người ta phải dậy từ 3 hoặc 4 giờ sáng, chủ yếu đi bộ. Có đứa trẻ vẫn say ngủ trong khi được mẹ gùi xuống chợ. Trên lưng những bà những mẹ, quẩy tấu đựng gạo, ngô, tảng thịt lợn... cứ theo nhau xuống núi.
Ngay từ ven đường vào chợ, những sọt cam, quýt vàng óng đã được chất đống, giá từ 15.000 đến 20.000 đồng một kg. Trong chợ bày bán nhiều nhất vẫn là quần áo, thực phẩm, hay hàng đồ chơi cho trẻ con. Mọi người tranh thủ chọn những mặt hàng để phục vụ cho mấy ngày tết. Trẻ con tung tăng nô đùa trong chợ, háo hức khi được mẹ mua cho món đồ chơi, quần áo, hay giày dép mới.
Trong góc chợ, anh thợ cắt tóc với bộ đồ nghề đơn giản luôn tất bật, làm việc luôn tay vì còn nhiều khách đang chờ đợi. Người già, trẻ con, ai cũng muốn có một kiểu tóc mới đón Tết. Chiều về, khi mặt trời dần khuất bóng chợ mới tan. Trên khắp các nẻo đường về bản, du khách dễ dàng gặp hình ảnh người dân dắt ngựa chở lỉnh kỉnh đồ đạc theo những con đường núi trở về nhà.
4. Chợ Xín Mần (Hà Giang)
Cách thị xã Hà Giang chừng gần 150 km, chợ huyện Xí Mần, một huyện ở cực Tây của Hà Giang cũng tấp nập khác hẳn những phiên chợ thường ngày. Vào dịp này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng các cô gái Lô Lô, Hà Nhì, Pà Thẻn xúng xính trong những bộ váy áo mới, màu sắc sống động, gương mặt ai cũng trắng trẻo, xinh xắn.
cho-Tet-1532-1422937119.jpg
Trẻ con theo mẹ đi chơi chợ. Ảnh: Thảo Lê
Không giống như các chợ vùng xuôi có nhiều các ki ốt, ngăn ô bán hàng, chợ Tết ở đây thường là những quầy mái che đơn giản song hàng hóa vẫn luôn phong phú, đủ các loại hàng Tết như bánh mứt, gà, vịt, quần áo, thực phẩm gói bánh chưng, tiền vàng, tranh ảnh, lịch năm mới... Người mua kẻ bán không mặc cả, không nói thách nên thường việc mua bán diễn ra nhanh chóng.
Ở phiên chợ, nhiều thanh niên thường mang theo khèn, những chiếc đài phát thanh nhỏ bật các bài hát dân ca trữ tình. Các cô gái đi thành từng tốp, cầm ô thỉnh thoảng lại liếc nhìn các chàng trai, cười bẽn lẽn. Cũng từ phiên chợ, nhiều đôi trai gái đã bén qua điệu múa, tiếng khèn môi réo rắt để rồi mỗi phiên chợ lại trở thành nơi hò hẹn (Ảnh vẻ đẹp Xín Mần).
Anh Phươ

Những món ngon khó quên ở chợ phiên Bắc Hà

Sau khi mua một tấm thổ cẩm làm quà, bạn có thể tới những gian đồ ăn lúc nào cũng đông khách để thưởng thức bánh đúc ngô, mèn mén hay thắng cố.
 
Chợ phiên Bắc Hà nổi tiếng với những gian hàng thổ cẩm san sát, những quầy nông cụ cho ngày mùa và những gian đồ ăn lúc nào cũng tấp nập người. Khách tới chơi chợ đi dạo một vòng là có thể tìm ra nhiều món ngon đặc trưng của đồng bào Tây Bắc.
 
 
Mèn mén là món ăn được bày bán nhiều nhất tại chợ. Đây là món ăn làm từ những hạt ngô tẻ ngon nhất của địa phương. Ngô sau khi thu hoạch được tách hạt rồi dùng cối đá xay nhỏ. Sau đó trộn với một lượng nước nhất định rồi đánh tơi, đun trên chảo tới khi chín. Mèn mén ở đây được bán với giá 10.000 đồng cho một bát.
 
 
Ngoài mèn mén, du khách có thể tìm thấy những món ăn khác cũng làm từ ngô tẻ như bánh đúc ngô. Bánh đúc ngô được đặt trong những chiếc chậu lớn. Khi có khách, người bán mới cắt thành từng miếng nhỏ, vừa ăn... Mỗi bát như vậy được bán với giá 10.000 đồng.
 
 
Bánh ngô với màu vàng bắt mắt, mỗi cái giá 5.000 đồng..
 
 
Nhiều người còn trộn thêm bột gạo nếp cùng bột ngô để tạo thành những chiếc bánh chen. Bánh chen cũng có giá 5.000 đồng mỗi cái.
 
 
Món xôi ngũ sắc cũng được bày bán tại chợ phiên. Với 10.000 đồng, du khách có thể mua được một bát và ăn no.
 
 
Một đặc sản khác của chợ phiên là thắng cố được bày bán trong khu riêng. Một bát thắng cố ở đây có giá 30.000 đồng.
 
 
Tổ ong rừng có giá 100.000 đồng.
 
 
"Bánh khoai" theo cách gọi của người dân tộc. Với giá 10.000 đồng mỗi miếng, bạn có thể mua ăn ngay hoặc chế biến với nhiều nguyên liệu khác như măng rừng, thịt,...

Xuân sớm trên rẻo cao Bắc Hà

Tháng một, khi những đám mây nặng màu vẫn còn vương trên bầu trời, sương sớm vẫn phủ trắng những cánh rừng thì hoa mận đã lấp ló bung cánh bên hiên nhà.
Thị trấn Bắc Hà, Lào Cai, mấy hôm nay nhộn nhịp khách đến chơi, ngắm mùa xuân đâu đó đã về sớm trên những sắc hoa mận, hoa đào.
Đường từ Lào Cai đi Bắc Hà giờ đã rất đẹp. Con đường dài gần 60 km uốn mình quanh những dãy núi, vòng qua bao bản làng để rồi bất chợt mở ra một khúc quanh rộng, tiến vào cổng chào của thị trấn xinh xắn Bắc Hà. Từ xa đã trông thấy những cô gái người Mông áo xanh, hồng, đỏ, chít khăn đủ màu sặc sỡ, nô nức xuống chợ.
Phiên chợ buổi sáng chủ nhật nào cũng giống nhau, đậm màu sắc với những chiếc váy áo sặc sỡ, nụ cười rung rích sau vạt khăn che miệng. Phiên chợ của những ngày gần Tết náo nức hơn bởi vô vàn sản vật được bày bán, người mua vào ra tấp nập.
IMG-4315-JPG-3830-1388981183.jpg
Theo mẹ đi chợ sớm.
Khách đến chợ thích thú với những đặc sản chỉ có của núi rừng. Những chiếc túi thổ cẩm, chiếc khăn, miếng vải thêu tay cầu kỳ, vài chén rượu ngô say ngất ngây, ớt đỏ tươi, rau xanh mơn mởn, vài con lợn mán đen nhẻm… tất cả hòa vào không gian đa sắc.
Một cô gái Mông đến tuổi cập kê hôm nay theo đám bạn xuống chợ, trên gùi vác theo một cành đào thắm. Nhỏ lắm, nhưng lại khiến bao kẻ ngẩn ngơ đi theo, vì cô đang mang theo trên gùi cả một mùa xuân.
DSC0385-JPG-2003-1388981183.jpg
Cô gái Mông thêu thùa nốt chiếc váy mới bên hiên nhà.
Những hàng rào tre nứa đang phơi váy mới do các cô gái nhanh tay thêu cho xuân mới. Những vườn mận đã nở bung cánh tự bao giờ, chẳng ai để ý. Hiên nhà mái lá đơn sơ, cây mận đung đưa trong gió những bông hoa trắng ngần, tinh khiết. Mận nở trắng cả khu vườn xinh, tạo một cảnh sắc thơ mộng và lãng mạn, mang mùa xuân đến bên hiên nhà. Nhiều nhóm khách ngắm không biết chán cảnh sắc xuân nơi đây. 
Trong dinh Hoàng A Tưởng, cây mận lâu năm đã vươn cành nở hoa. Cành mận trắng báo hiệu xuân về, tô điểm thêm sắc đẹp cho dinh thự nổi tiếng bậc nhất mảnh đất Lào Cai.
IMG4401-JPG-9295-1388981183.jpg
Hoa mận rung rinh.
Một mùa xuân mới lại về, trên mảnh đất tươi đẹp Bắc Hà, mảnh đất rẻo cao xinh đẹp và lãng mạn.

Bản người Mông đẹp nhất Đông Nam Á

Ngay cả khi các công ty lữ hành trong nước vẫn chưa biết đến Pú Đao, thì khách du lịch quốc tế đã coi đây như điểm trekking lý tưởng.
Pú Đao là một xã vùng cao thuộc huyện Sìn Hồ, Lai Châu, cách thị trấn Mường Lay 13 km và Hà Nội hơn 560 km về phía Tây Bắc. Dù dân cư chưa đến nghìn người với địa thế xa xôi, hẻo lánh nhưng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, thuần khiết, Pú Đao giống như “thỏi nam châm” hút bất cứ ai đam mê khám phá những vùng đất mới. Đó là lý do mà hãng du lịch Gecko Travel của Anh năm 2006 bầu chọn Pú Đao là một trong 5 điểm đến hấp dẫn nhất Đông Nam Á.
PuDao1-4171-1381899037.jpg
Đường lên Pú Đao. Ảnh: Vung Cao.
Pú Đao theo tiếng H’Mông có nghĩa là “điểm cao nhất”, nằm chót vót trên núi cao, vắt ngang mình trên những con đèo ngoằn ngoèo, hiểm trở. Để đến được Pú Đao, du khách phải đi qua cầu Lai Hà bắc ngang một phụ lưu của sông Đà. Từ đây bạn sẽ thấy bên kia bờ là những ngôi nhà sàn người Thái ẩn mình dưới hàng dừa, khói bốc lên từ mái nhà, len lỏi qua các tán lá và tản mát vào làn sương mờ ảo.
Từ cầu Lai Hà đến Pú Đao còn khoảng 24 km đường mòn xoắn ốc với những khúc cua nghẹt thở, xuyên giữa khu rừng đầy những chồi tre và bụi rậm đan xen dày đặc. Nhưng khi qua cầu khoảng 5km, bạn sẽ bắt gặp dinh thự vua Thái Đèo Văn Long. Là một phế tích lịch sử của một dinh thự lớn lộng lẫy xa xưa, nhưng khi dừng chân ghé lại ngôi nhà của dòng họ Đèo quý tộc đất Lai Châu này, bạn sẽ hiểu thêm về nét kiến trúc đặc trưng, mang bản sắc văn hoá Thái.
skydoor-5431-1381714290.jpg
Cầu Lai Hà bắc qua phụ lưu sông Đà dẫn đến Pú Đao. Ảnh: skydoor
Khi lên đến “điểm cao nhất” ở Lai Châu cũng là lúc bạn đến với điểm ngắm sông Đà đẹp nhất. Từ đây, bạn còn nhìn thấy những thung lũng ngoạn mục phía dưới, là nơi giao cắt giữa sông Đà và sông Nậm Na với bãi bồi xanh ngát. Sau những phút giây nhìn lại chặng đường đã đi, tuyệt cảnh Pú Đao hiện ra trước mắt với những bản làng nằm cheo leo trên đỉnh núi, xuyên giữa là những con đường quanh co, uốn khúc, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm.
Xã Pú Đao gồm 4 bản người Mông là Hồng Ngài, Nậm Đoong, Nậm Đắc và Hồng Tý. Bạn có thể sẽ nhầm tên bản Hồng Ngài, trung tâm xã Pú Đao với xã Hồng Ngài, Bắc Yên, Sơn La hoặc bản cùng tên ở Y Tý, Bát Xát, Lào Cai. Không chỉ có sân bay dã chiến do người Pháp xây dựng mà Hồng Ngài, Pú Đao ngày nay còn những con đường bê tông kiên cố, sạch sẽ giúp ôtô, xe máy đi lại dễ dàng hơn.
Khác với Hồng Ngài, chỉ có xe máy mới vào được Nậm Đoong, những trai bản người Mông cứ phóng ào ào trên con đường mòn lượn quanh vách núi. Nằm trên điểm cao nhất và đẹp nhất Pú Đao, Nậm Đoong là điểm trekking lý tưởng khi con đường vào bản đi qua những thung lũng chân mây, xung quanh bạt ngàn hoa dại và nương rãy xanh tươi. Trong bản, những mái nhà quần tụ dưới tán lá rừng thay áo theo mùa.
Pudao2-2384-1381899037.jpg
Bản ở Pú Đao. Ảnh: Vung Cao.
Nậm Đoong đón khách bằng những nụ cười hồn nhiên trẻ nhỏ và ánh mắt ngây thơ, cùng với đó là những chiếc váy xòe của thiếu nữ Mông dập dìu trong nắng sớm. Trong làn sương mờ sánh bước cùng mây trắng lang thang, khoảng cách giữa trời và đất như xích lại gần hơn, khiến du khách ngẩn ngơ như chốn thiên đường hoang dại.
Từ Nậm Đoong đến Nậm Đắc, Hồng Tý phải đi thêm vài km nữa. Dù đi theo đường nào, du khách cũng có thể tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ cùng cảm giác mạo hiểm khi uốn lượn theo cung đường lên xuống dốc, ngoắt ngoéo đến mê hồn ở Pú Đao. Hãy dành ít nhất một đêm ở bản người Mông đẹp nhất Đông Nam Á. Bởi chỉ khi ngồi bên bếp than hồng, đón cơn gió lạnh của núi rừng Tây Bắc, trong tay bắp ngô lùi và trò chuyện rôm rả đến tận đêm khuya, bạn mới hiểu vì sao nơi đây lại hút khách du lịch nước ngoài đến thế.

Mường Thanh, cánh đồng lớn nhất Tây Bắc

Cứ ngỡ rằng Tây Bắc chỉ có ruộng bậc thang nhưng nơi đây còn nổi tiếng với 4 cánh đồng lúa lớn. Đứng đầu danh sách là cánh đồng Mường Thanh với diện tích hơn 140 km2.
Từ lâu, câu truyền khẩu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Tây Bắc với ngụ ý xếp hạng các cánh đồng. So với cánh đồng Mường Lò, Yên Bái; cánh đồng Mường Than, Lai Châu, cánh đồng Mường Tấc, Sơn La, cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên được đánh giá là rộng lớn nhất. Nằm trên độ cao hơn 400 m so với mặt nước biển, cánh đồng Mường Thanh trải dài hơn 20 km với chiều rộng trung bình 6 km.
dulichdienbien-2-2763-1380524745.jpg
Cánh đồng Mường Thanh rộng lớn giữa núi rừng Tây Bắc. Ảnh: dulichdienbien
Ngày trước, lên Điện Biên khá khó khăn, vất vả bởi đường dốc ngoằn ngoèo, đèo cao hiểm trở, dù có nhiều con đường dẫn đến nơi đây. Trong đó, đèo Pha Đin - một trong tứ đại đỉnh đèo thực sự là một thử thách cam go không dễ vượt qua. Tuy nhiên, ngày nay với việc mở đường bay Hà Nội - Điện Biên, việc di chuyển trở nên dễ dàng và cơ hội khám phá cánh đồng lớn nhất Tây Bắc mở ra trước mắt.
Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Thanh chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm xòe ra như cánh hoa ban ôm lấy các di tích lịch sử của trận chiến ngày nào. Dù đi bằng cách nào thì khi đến với Mường Thanh vào thời gian này, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng vẻ trù phú khi nơi đây rực lên một màu vàng bát ngát.
dulichdienbien-3625-1380524747.jpg
Nơi đây cho những hạt gạo dẻo thơm nức tiếng. Ảnh: dulichdienbien
Nằm giữa lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh được ví như một “cái kho” khổng lồ chứa đầy ngô lúa. Từ cuối tháng 9, lúa mùa khu vực lòng chảo Mường Thanh bắt đầu chín rộ, khiến du khách ghé thăm ngỡ như đi giữa mùa vàng. Một cảm giác thân thuộc của cánh đồng quê Bắc Bộ trải dài ngút mắt, nhưng vẻ đẹp kiêu hùng của cánh đồng lúa bốn bề núi bọc cũng chẳng hề xen lẫn.
Không chỉ nổi tiếng về diện tích mênh mông, với điều kiện thâm canh thuận lợi, cánh đồng Mường Thanh còn mang đến cho đời những hạt ngọc thơm ngon đặc biệt với thương hiệu gạo Điện Biên nổi tiếng. Hạt gạo nhỏ, có hương thơm tự nhiên, khi nấu cơm trắng, dẻo ngọt và có vị đậm đà. Hạt gạo từ cánh đồng Mường Thanh đã mang đến vẻ đẹp trù phú cho vùng đất Điện Biên vốn vang danh với những chiến công hiển hách.
Nói đến cánh đồng “Nhất Thanh” không thể không nhắc đến dòng sông Nậm Rốm đầy ắp phù sa, bồi đắp ngày ngày. Từ góc độ nào, sông Nậm Rốm cũng hiện ra như một nét vẽ xanh biếc giữa bức tranh lúa đồng rộng lớn. Hai bên bờ cây cối xanh mướt, điểm tô những chùm hoa chuối sắc đỏ lung linh, nghiêng mình soi bóng. Bắc qua sông Nậm Rốm là cầu Mường Thanh yên bình và thơ mộng. Hiện cầu chỉ dành cho xe đạp, xe máy và người đi bộ, nhiều người đến đây để tìm về quá khứ oanh liệt một thời.
nguoidienbien-1-7611-1380524747.jpg
Dòng sông Nậm Rốm nhìn từ trên cao. Ảnh: nguoidienbien
Có thể đến Mường Thanh, bạn có thể chưa quen với biên độ nhiệt chênh lệch khá lớn trong ngày, thường khoảng 5 - 10 độ C. Thêm vào đó, cường độ chiếu sáng dài khiến nhiều người có đôi phần khó chịu. Nhưng để làm nên những hạt ngọc dẻo thơm, chính điều kiện khí hậu này đã góp công đáng kể. Với việc lựa chọn tham quan vào mùa lúa chín, khi tiết trời se lạnh và nắng không còn gắt, bạn sẽ có những giây phút tuyệt vời.
Từ đặc sản gạo Điên Biên, đã có rất nhiều món ngon được chế biến như xôi nếp nương, bánh dày. Hấp dẫn không kém là cá suối, canh măng, ngồng cải luộc và bắp cải cuốn nhót. Bởi vậy mà hành trình về với Điện Biên chưa bao giờ xưa cũ.

Chinh phục đèo Pha Đin

Những sườn núi cánh cung Tây Bắc nổi tiếng với nhiều đoạn đèo hiểm trở là nơi khám phá ưa thích của dân phượt, đặc biệt là các bạn trẻ.
Vượt qua con đường ngoằn ngoèo dài hơn 30km, có khi lên dốc cao đến hơn 1.000m, khi lại xuống dốc đứng đột ngột với những đoạn cua tay áo nguy hiểm luôn chực chờ chắn ngang là cảm giác vượt đèo Pha Đin tỉnh Điện Biên. Đèo Pha Đin trong tiếng Thái là “Trời và đất”, hàm ý nói miêu tả nơi đây là điểm gặp gỡ giữa đất và trời.
1352456341_deo-pha-din.jpg
Đèo Pha Đin được dân phượt rất yêu thích.
Từ đỉnh đèo nhìn xuống, Pha Đin hiện ra một địa thế rất hiểm trở, chênh vênh, con đường mỏng manh vắt vẻo giữa một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. Dù bây giờ sân bay Mường Thanh nối liền cả nước với Điện Biên Phủ nhưng dân phượt vẫn muốn một lần được chinh phục Pha Đin. Nơi đây có nhiều đoạn cua chỉ đủ cho một ôtô đi qua.
img0565m.jpg
Cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc.
Tuy nổi tiếng hiểm trở, nhưng đèo Pha Đin lại có cảnh đẹp làm mê đắm lòng người. Đến lưng chừng đèo, bạn đã có thể chạm vào những đám mây trôi lững lờ. Cảnh vật dưới chân đèo nhỏ dần nhưng thay vào đó là bao quát toàn cảnh thung lũng Lai Châu đẹp hùng vĩ, nguyên sơ. Đỉnh đèo chính là nơi mây phủ trắng xóa đúng như tên gọi của Pha Đin - nơi đất trời quyện làm một. Thung lũng Lai Châu đẹp mê mẩn lòng người, trời xanh và núi rừng thăm thẳm hòa quyện lấy nhau. Nếu có thời gian, bạn nên dừng chân tại bản làng ngay chân đèo để chơi đùa với lũ trẻ và hưởng thụ cái thú của cuộc đời tiêu dao.
Nếu đến đây mùa xuân, bạn sẽ được chiêm ngưỡng thung lũng thay màu áo mới, màu của hoa mận trắng ngần tinh khôi. Các kool hunter của chương trình “Clear Kool Vietnam” với tinh thần “Tự tin khám phá, tự hào Việt Nam” luôn chinh phục những vùng đất mới để lấp đầy bản đồ Kool Vietnam. Truy cập website www.mykoolvietnam.vn để biết thêm chi tiết.

Đèo Pha Đin huyền ảo trong mây ngàn

Từ lưng chừng lên đến đỉnh đèo, những áng mây bồng bềnh, trắng xóa ôm lấy Pha Đin tạo cảm giác như chốn bồng lai tiên cảnh.
 
Dài 32 km, đèo Pha Đin hay dốc Pha Đin là nơi nối liền biên giới hai tỉnh Sơn La và Điện Biên. Nằm trên quốc lộ 6, một phần đèo thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. 
 
 
Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là "trời", Đin là "đất" hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất.
 
 
Có những đoạn đường trên đèo kín sương mù. Trên đỉnh Pha Đin, du khách sẽ có cảm giác người và xe đứng trên mây bồng bềnh, phiêu lãng. Nhưng chỉ khoảng 8h30 – 9h là sương sẽ tan hết.
 
 
Pha Đin được mệnh danh là một trong "tứ đại đèo" vùng Tây Bắc, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ và Mã Pí Lèng. 
 
 
Bản làng dưới thung lũng bình yên, thơ mộng. Tuy nhiên, khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một.
 
 
Trên hành trình chinh phục Pha Đin, du khách sẽ tìm thấy cho mình những phút nghỉ ngơi, dừng chân nơi sát đỉnh đèo, để uống cốc nước, ăn trái dưa mèo.
 
 
Trên đèo hiện nay có một tấm bia ghi: "Đây là nơi hứng chịu nhiều nhất những trận oanh tạc bằng máy bay của thực dân Pháp nhằm ngăn chặn đường tiếp vận vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm của ta phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ".
 
 
Đèo có điểm cao nhất là 1.648 m so với mực nước biển và địa thế rất hiểm trở với một bên là vách núi, một bên là vực sâu.
 
 
Lúc lên dốc và xuống dốc, con đèo ngoằn ngoèo với những cung đường cua hết sức nguy hiểm, cùng vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z...
 
 
Bên cạnh đó là khung cảnh thanh bình của những cánh đồng ngô lá xanh rì. Lúa cũng ngả dần sang màu vàng óng

Lễ hội chia lửa - phong tục ấm tình làng xóm ở Hà Đông

Theo quan niệm của người làng An Định (Nghĩa Lộ, Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội), nếu xin được lửa từ đình làng về nhà hay còn gọi là "lấy đỏ" thì gia đình sẽ gặp nhiều may mắn.
 
Tục xin lửa diễn ra vào đêm 11 tháng Giêng. Theo tục này, trong ngày cuối, các cụ trong làng sẽ mang tất cả đồ vàng mã được người dân và khách thập phương cúng tế ra giữa sân đình để hóa, còn hương được phát cho người làng làm vật xin lửa mang về ban thờ gia đình. Trong hình là các cụ cao niên đang làm thủ tục trước khi mang đồ mã ra sân đính để hóa.
 
 
Bên ngoài, người dân làng An Định đã sẵn sàng với những thẻ hương chờ lấy lộc.
 
 
Toàn bộ vàng mã, hương mà công chúng dâng lên đình trong dịp Tết được đem đốt để chia lửa cho dân làng lấy may.
 
 
Đúng 21h, các cục cao niên tiến hành làm lễ, sau đó ông Lê Như Khuê (73 tuổi, chủ tế của lễ hội làng An Định) là người duy nhất được vào trong hậu cung để lấy lửa ra chuẩn bị tán lộc cho dân làng.
 
 
Dân làng quan niệm ai mang lửa về nhà mình nhanh nhất sẽ được may mắn nhiều, đỏ nhiều. Tục này thể hiện ước vọng dân làng muốn xin lộc nhà Thánh về để cho gia đình mình có sức khỏe, làm ăn tốt, gia đình vui vẻ, hòa thuận.
 
 
Người làng rất hòa thuận trên dưới lễ phép không có chuyện tranh giành. Mọi người thường vun lửa cho nhau, người ở trong sẽ đưa lửa cho người ở ngoài để thể hiện tình làng nghĩa xóm.
 
 
Ông Nguyễn Văn Phú (69 tuổi), người sinh ra và lớn lên ở làng cho biết: "Hóa vàng là lộc của Thánh nên dân làng ra xin lửa là xin lộc của Thánh về để mang lại thinh vượng bình yên cho nhà mình".
 
 
Ông Phú xin được lửa từ đình làng mang về dâng lên bàn thờ tổ tiên.
 
 
Xin lửa xong ai cũng vội vã mang biểu tượng của may mắn về nhà.
 
 
Hương của đình được chia cho nhau để xin "đỏ" về nhà.
 
 
Người dân hớn hở với ngọn lửa xin được.
 
 
Lộc của Thánh cho cả làng chia nhau.

No comments:

Post a Comment

quangnm