Friday, March 21, 2014

'Thần đồng' tin học 13 tuổi giành hàng chục giải thưởng

'Thần đồng' tin học 13 tuổi giành hàng chục giải thưởng

Nam sinh lớp 7 đã chế tạo rất nhiều phần mềm công nghệ tin học, "ẵm" trên 20 giải thưởng từ các cuộc thi trong và ngoài nước, trong đó có sáng chế đạt giải của Viện Hàn lâm Hàn Quốc.

Trong căn phòng chỉ 20 m2 của hai mẹ con Nguyễn Dương Kim Hảo (13 tuổi) - người vừa được giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013 - ở quận Tân Bình (TP HCM) la liệt các thiết bị điện tử của cậu học sinh lớp 7 và những bao tải đựng quần áo. Mẹ Hảo, chị Dương Trần Thanh Thảo, cho biết gia đình ở Tiền Giang nhưng vì chiều theo đam mê của con nên chị đã cùng con khăn gói lên thành phố trọ học. Một người thân tốt bụng đã cho hai mẹ con Hảo mượn kho hàng này làm nơi tá túc.
Đã gần giờ cơm trưa nhưng ở một góc nhỏ của căn phòng, Hảo vẫn miệt mài hàn nối các vi mạch để lắp ráp lại mô hình Bảng điểu khiển thông minh. Ngày mai, Hảo mang mô hình này ra Hà Nội để giao lưu với các anh chị sinh viên. Cậu bé có gương mặt bụ bẫm nói mô hình này được chế tạo từ năm lớp 5, giờ đã bị hư nên phải sửa lại. Cứ thế Hảo kiên trì ngồi nối lại từng sợi dây, chỉnh lại từng con chíp, lâu lâu lại đưa tay quệt mồ hôi hay chỉnh lại chiếc kính cận để nhìn rõ hơn.
1-1-JPG-4752-1395311775.jpg
Ngoài thời gian học ở trường, lúc rảnh rỗi Hảo thường mày mò các các thiết bị điện tử theo sở thích của mình. Ảnh: Nguyễn Loan

Kể về sở thích với tin học của con trai, chị Thảo nói dường như đó là niềm đam mê bẩm sinh của Hảo. Khi còn là học sinh mầm non, khi cha mua máy tính về làm việc cậu cứ lân la sờ nắn. Không như các bạn đồng trang lứa thích đọc truyện tranh, phim hoạt hình... Hảo chỉ thích được ngồi cạnh cha hàng giờ bên chiếc máy tính cũ kỹ để xem cha làm việc. Cha cậu vốn là giáo viên Toán - Lý.
Lúc Hảo học lớp 2, thấy cha đi học thêm tin học, cậu cũng đòi theo. Dù không đồng ý nhưng thấy con thích nên mỗi ngày học về cha cậu lại tỉ mỉ chỉ con những kiến thức vừa học được. Năm đó, hai cha con vượt gần 30 km để lên thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) thi lấy bằng, cậu bé xuất sắc vượt qua "thầy" của mình khi đạt bằng A Tin học loại giỏi.
Từ việc dùng Word, Exel và các phần mềm cơ bản, cậu bé lớp 2 bắt đầu tò mò và tự mình lấn sân sang lập trình các phần mềm tin học. Không có người hướng dẫn, lại ở vùng quê không có thiết bị thực hành nên Hảo tự lên mạng tìm hiểu. "Lúc đó em không biết mình học cái đó để làm gì, chỉ thấy rất tò mò vì sao các phần mềm này lại hoạt động được như thế. Để tìm được câu trả lời em phải tự mình tìm hiểu lấy, dần dần thấy yêu thích từ khi nào không hay", Hảo nói và cho biết tất cả các sản phẩm đều được em xây dựng từ ý tưởng giúp những người trong gia đình làm việc tốt hơn. 
Một lần, thấy cha vất vả khi phải chấm và cộng điểm cho rất nhiều học sinh, Hảo lẳng lặng chế tạo ra phần mềm cộng điểm trên máy tính. Với phần mềm này cha cậu chỉ việc nhập số liệu, ấn vài thao tác đơn giản là máy tính cho ra kết quả. Sáng tạo này của Hảo khiến không ít người ngạc nhiên và sau đó giành giải nhất khối tiểu học hội thi Tin học trẻ tỉnh Tiền Giang cùng nhiều giải thưởng khác.
Hay lần khác Hảo qua nhà chị họ chơi, thấy chị ngồi dò tìm các phương trình, công thức hóa học, Hảo đã nghĩ đến việc chế tạo ra Máy tính hóa học. Dù chưa hề được học qua môn Hóa, song chỉ mấy tháng sau Hảo đã chế tạo thành công máy tính nhỏ gọn giúp người sử dụng dễ dàng tìm kiếm, cân bằng các phương trình hóa học theo vế trái vế phải hoặc cả hai vế.
1-2-JPG-7628-1395311775.jpg
Để thỏa mãn đam mê của con, chị Thảo đưa con lên Sài Gòn trọ học. Ảnh: Nguyễn Loan
Thấy mẹ có tính hay quên, mỗi lần ra khỏi phòng quên tắt điện phải quay lại rất mất công, Hảo lại bắt tay vào mày mò, lên mạng lục tìm kiến thức. Sau nhiều tháng nối từng con chip, từng vi mạch điện tử để thử nghiệm, Hảo đã chế tạo thành công Bảng điều khiển thông minh. Với sản phẩm này người sử dụng có thể tắt/mở các thiết bị điện trong nhà bằng máy tính, điện thoại di động hay bất cứ thiết bị nào có kết nối mạng.
Bảng điều khiển thông minh này sau đó được cậu bé mang đi nhiều cuộc thi quốc tế và giành về không ít huy chương vàng cùng các giải thưởng cao quý khác. Có lần ban giám khảo vì quá sửng sốt đã bắt Hảo thực hiện lại để chắc chắn đây là sáng chế của một cậu học trò tiểu học. 
Ngoài ra, cậu trò lớp 7 này còn sáng tạo ra phần mềm Sổ tay lịch sử giúp người dùng lưu trữ các bài học lịch sử trên lớp vào máy tính một cách có hệ thống, dễ tìm kiếm. Hảo cũng lập ra trang web biendaoquehuong.info có các trò chơi tìm hiểu về biển đảo.
Không chỉ đam mê tin học, sáng tạo ra các phần mềm, Hảo còn được biết đến là một học sinh giỏi toàn diện  6 năm liền. Cậu còn là sinh viên của Trường đại học FPT khi giành được học bổng từ các cuộc thi. Cậu cho biết đang được học rất nhiều về các kiến thức tin học, lập trình, viết phần mềm...
"Em chỉ tranh thủ mày mò vào lúc rảnh rỗi như một cách để thỏa mãn sở thích của bản thân. Thời gian còn lại em vẫn dành cho việc học trên lớp và phụ giúp mẹ việc vặt trong nhà", Hảo nói.
Nguyễn Loan

Học sinh lớp 6 là gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc

Mới học lớp 6 nhưng Kim Hảo có sáng chế đạt giải sáng tạo của Viện Hàn lâm Hàn Quốc. Em cũng giành nhiều huy chương vàng sáng tạo trẻ trong nước, quốc tế.

Sau khi lấy phiếu bình chọn từ cộng đồng xã hội, sáng 19/3, Hội đồng giải thưởng công bố 10 cá nhân tiêu biểu nhận giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013. Gương mặt trẻ nhất là Nguyễn Dương Kim Hảo, sinh năm 2001 - học sinh lớp 6/8 trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP HCM.
Nguyen-Duong-Kim-Hao-IQWT-9333-139521897
Nguyễn Dương Kim Hảo. Ảnh: TP.
Dù mới lớp 6, Hảo đã có thiết kế bảng điều khiển thông minh giúp người sử dụng dễ dàng tắt các thiết bị điện khi đã ra ngoài. Thiết kế của em được mang đến triển lãm quốc tế về công nghệ, sáng chế 2013 tại Malaysia, Indonesia, đồng thời đạt giải sáng tạo của Viện Hàn lâm Hàn Quốc.
Năm 2013. Hảo đạt giải nhì và giải ba cuộc thi Tự hào sử Việt. Cũng trong năm này, em giành huy chương vàng sáng tạo trẻ quốc tế IEYI của Malaysia, huy chương vàng Viện sáng tạo trẻ Indonesia, giải đặc biệt của Viện Hàn lâm Hàn Quốc 2013, giải nhất và ba phần mềm sáng tạo Hội thi Tin học trẻ...
9 gương mặt tiêu biểu còn lại gồm PGS Lê Anh Vinh (ĐH Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thị Ánh Viên (Quân khu 9; kiện tướng bơi lội quốc tế, đội tuyển bơi lội quốc gia), Mai Hoàng (Công an huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), Bùi Quang Tú (lớp 12 THPT chuyên Hà Nội Amsterdam), Lại Văn Điệp (giám đốc Công ty TNHH đồ gỗ Mỹ nghệ người tàn tật, xã Vũ Ninh, Kiến Xương, Thái Bình), Đặng Quốc Khánh (đội phòng chống tội phạm ma túy Đồn biên phòng Hạnh Dịch - Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An), Mai Văn Phương (Công ty TNHH MTV dịch vụ khảo sát và công trình ngầm PTSC - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam), Nguyễn Sỹ Luận (Công ty cổ phần phát triển Bình Minh, xã Phù Tế, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) và Nguyễn Đăng Quang (HV Âm nhạc quốc gia Việt Nam).
Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu” là Giải thưởng cao quý nhất của Ban chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với mục đích tôn vinh những điển hình thanh niên tiêu biểu, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo động lực phát triển tài năng trẻ và thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất… trong thanh, thiếu niên Việt Nam.
Căn cứ Quy chế Giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu”, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam, Hội đồng Xét tặng Giải thưởng đã Bình chọn và giới thiệu từ các tỉnh thành đoàn và đoàn trực thuộc, các ban đơn vị Trung ương Đoàn, các cơ quan báo chí. Từ 121 hồ sơ gửi về của 54 cơ quan/đơn vị, Hội đồng xét chọn lần 1, lựa chọn ra 20 đề cử xuất sắc hơn. 
Sáng 19/3, Hội đồng xét chọn lần 2 đã họp và bình chọn 10 gương mặt xuất sắc nhất (Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013). 10 gương mặt còn lại được nhận Giải thưởng “Gương mặt trẻ triển vọng”.
Lễ trao thưởng các Gương mặt trẻ Việt Nam tiểu biểu 2013 được tổ chức lúc 19h ngày 21/3. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trao Giải thưởng tại Văn phòng Chính phủ lúc 8h ngày 22/3.

No comments:

Post a Comment

quangnm