Wednesday, July 3, 2013

BẢO MAI 3.7.2013

Bùng nổ vấn nạn mại dâm

image
Quả tình “vạn bất đắc dĩ” tôi mới phải “khui” lại vấn đề này, một vấn đề rất “nhạy cảm” với hầu hết những “người tử tế”, nhất là các bà vốn coi trọng lễ giáo dù còn “cổ một tí” hay đã “thoáng” hơn ở một mức độ nào đó. Các bà xấu hổ giùm cho những người bước vào thế giới mại dâm bất cứ vì lý do nào. Nhưng tình trạng này ở VN hiện nay đã nổi lên “rầm rộ” trở thành một “vấn nạn” hầu như không có lối thoát và ngày càng lan rộng từ thành phố đến tỉnh lẻ, từ con phố sang trọng đến khắp hang cùng ngõ hẻm với sự tham gia của đủ mọi hạng người, bất kể trình độ, đẳng cấp, bất kể giàu nghèo, bất kể hoàn cảnh ra sao. Có chồng hay chưa chồng, cần tiền hay cần tình, mua bán dâm chỉ như cái thú vui như đi uống rượu hoặc chơi ma túy hay chỉ là kiểu đua đòi cùng chị cùng em.
Mại dâm hay mãi dâm

image
Hiện nay, ở VN rất nhiều người sử dụng từ “mại dâm” và không thể phân biệt “mãi dâm” với “mại dâm” là gì. Theo chữ nghĩa “mại” là mua, “mãi” là bán. Vậy người bán và người mua là hai đối tượng khác hẳn nhau. Ta gọi “mãi dâm” là hành động mua dâm còn “mại dâm” là hành động bán dâm. Do vậy, khi viết “gái mãi dâm” (mua dâm) là sai mà phải viết là “gái mại dâm” (bán dâm). Thực ra, nay không chỉ có “gái mại dâm” (tức những người phụ nữ làm nghề bán dâm), mà còn có “phụ nữ mãi dâm” (tức là phụ nữ bỏ tiền ra để mua dâm từ nam giới). Những người nam theo đuổi hành động bán dâm thoả mãn cho nhu cầu của người mua dâm (cả nam và nữ) thì được gọi một cách dè bỉu trong tiếng Việt là “đĩ đực”, hay “gigolo” hay “male prostitute” trong tiếng Anh. Con số này tuy không nhiều, chỉ chiếm 1-2% trong “nghề” này. Nhưng đó cũng là một hiện tượng đang có chiều hướng gia tăng.
Nhưng để tiện việc trình bày đề tài bớt rối, bài này gọi chung là nạn “mại dâm” như thói quen nhiều người thường dùng.
Không có giải pháp nào

Ở đây, tôi chỉ muốn đi tìm những nguyên nhân nào đã khiến cho tình hình mại dâm ở VN phát triển đến chóng mặt như thế. Tất nhiên tôi không hề có tham vọng đưa ra những giải pháp để ngăn chặn hay “chấn chỉnh” vấn nạn này. Đó là điều không thể bởi với tình hình hiện nay, kinh tế suy thoái trong một môi trường xã hội thiếu ổn định, niềm tin và đạo đức bị đánh cắp bởi tham nhũng, bởi sự phân hóa giàu nghèo nằm sát nách nhau, giá trị con người bị thay thế bằng vật chất.

image
Trong tình cảnh như thế, giải pháp nào cũng là “bất khả thi”. Dù cho nhà nước cùng với các nhà nghiên cứu, các cơ quan thi hành pháp luật có đưa ra hàng trăm giải pháp cũng không thể nào giải quyết hết được. Tất cả chỉ như con bệnh thập tử nhất sinh, cho uống liều thuốc cảm quá nhẹ, theo kiểu “còn nước còn tát” chứ không mong bình phục. Tất cả phải là do chính con người nhìn nhận sự việc như thế nào thôi. Con người với cuộc sống lại do kinh tế chi phối, xã hội trong sạch hay không là động lực chính thúc đẩy, quyết định con người ấy sống như thế nào. Ảnh hưởng dây chuyền ấy quấn chặt lấy nhau nên không thể giải quyết từ một mặt của vấn đề được. Tôi chịu thua, không đưa ra được giải pháp nào. Xã hội sẽ quyết định.  Khi nào xã hội sạch thì con người mới “sạch” được. Xin lật lại một chút quá khứ.
Có thời kỳ mại dâm được xem như hợp pháp

Năm 1953, khi tôi mới bước chân vào “hòn ngọc Viễn Đông”, đó là “Sè Gòn”, nơi tôi hằng mơ ước. Sau 2 tháng nằm trong Trường SQTB Thủ Đức, chúng tôi được đi phép chiều thứ bảy và ngày chủ nhật ở Sài Gòn. Trong thời gian đầu, ông bạn nằm chung giường đôi với tôi là ông Hồ Trung Hậu, ông nằm tầng trên, tôi nằm tầng dưới. Ông Hậu là dân Nam chính cống, là công chức thời Pháp và gia đình ông sống theo phong cách rất “Tây”. Ông hướng dẫn tôi đi chơi quanh thành phố (TP). Vài tháng sau, tôi quen dần và đi chơi cùng mấy ông bạn “Bắc kỳ” ngu ngơ. Chúng tôi được làm quen đủ thứ lạ từ Thảo Cầm Viên đến Vườn Lài, Kim Chung Đại Thế Giới… Dù trong túi rất ít tiền cũng cố bò vào xem cho “mở rộng tầm mắt”. Tôi chỉ kể qua về vài điều có liên quan đến đề tài này.

Hồi đó Sinh viên sĩ quan đi chơi bị hạn chết rất nhiều thứ, thí dụ không được đi xe buýt và xe xích lô máy, phải đi taxi, không được bén mảng đến những bar có treo bảng “interdit militaire”  “cấm quân nhân”… Nhưng có một nơi quân nhân được phép ra vào tự do đúng luật. Đó là một BMC (bordel militaire contrôler) nằm chềnh ềnh giữa đường Gallienie, nay là đường Trần Hưng Đạo. Qua một cái cổng có bốt gác do lính Tây canh chừng, anh nào cũng bị khám sơ qua xem có bệnh tật gì không. Vào trong là hàng chục dẫy nhà nằm ngang dọc, đèn đuốc sáng choang. Các cô gái đứng bày hàng trước cửa, ăn mặc đủ kiểu nhưng không cần lõa lồ quá bởi vào đây toàn là khách “có nhu cầu” rồi, khỏi cần cạnh tranh mời chào như những nơi khác. Tuy nhiên các cô vẫn cần khoe tí sắc vóc mập ốm cho khách chọn. Đó là mơi hoàn toàn hợp pháp.

image
Còn những nơi khác như Bình Khang, Vườn Lài cũng là những nơi mua vui cho khách bình dân có nhu cầu tìm đến. Ngay cả các khách sạn ở Chợ Lớn cũng gần như “tự do” chẳng ai thèm khám xét bắt bớ. Tôi muốn nói đến sự “hợp pháp” hay mặc nhiên được công nhận là “chuyện bình thường” của những nơi chốn đó. Ngay cả cờ bạc cũng có nơi chốn hợp pháp như Đại Thế Giới (Casino grand monde) do Bình Xuyên cai quản. Trên cổng lớn sáng rực ánh đèn néon, hàng chữ Grand Monde như một lời xác nhận với mọi người dân Saigon rằng nơi đó là sòng bạc được nhà nước bảo trợ, cứ mặc tình mà sát phạt!.

Rồi đến thời kỳ quân đội Mỹ tràn vào VN, đóng quân ở các thành phố. Nạn mại dâm tràn lan khắp nơi, nhà cho thuê “room for rent”, “ house for rent” chỉ thiếu chữ “người for rent” thôi. Tôi có một anh bạn già, chỉ làm nghề chụp ảnh khỏa thân cho các cô gái bán dâm cho quân đội Mỹ mà xây được nhà 3 tầng giữa đại lộ, nay giá cả lên đến cả chục tỉ đồng.

image
Phải kể đó là “thời loạn lạc”, Sài Gòn cũng giống như Okinawa của Nhật khi quân đội Mỹ quản lý quần đảo này từ năm 1945, tới năm 1972 mới trả lại cho Nhật Bản. Thời kỳ đó cũng phát sinh tệ nạn mại dâm, có người còn cho rằng các cô gái Nhật ở địa phương này được khuyến khích kiếm tiền để làm giàu cho đất nước sau chiến tranh. Nhưng sau đó, TP Nhật lại hồi sinh và nạn mại dâm chấm dứt.
Cũng như ở Sài Gòn, từ 1960 đến 1975,  tệ nạn mại dâm bớt hẳn bởi đời sống kinh tế khá hơn, đời sống văn hóa hồi phục, đạo đức được coi trọng. Bộ mặt TP sáng sủa hơn rất nhiều. Tất nhiên chẳng thành phố nào trên thế giới này không có mại dâm, chỉ nhiều hay ít mà thôi. Sài Gòn cũng vậy, tệ nạn mại dâm vẫn còn nhưng không đến nỗi là thảm họa và mại dâm cũng bị bắt nhưng không “quá nhiều” và quá “đa dạng” như bây giờ (năm 2013).
Nạn mại dâm âm thầm phát triển nhanh chóng

image
Nhà trăm tỉ của nữ diễn viên Trang Nhung
Rồi sau năm 1975, thành phố đổi chủ, trong những năm đầu, sự nghèo đói làm nạn mại dâm không có đất sống. Mọi người lo ăn chưa xong, lấy gì đi chơi. Người ta tưởng là TP “sạch”, thật ra là TP đói, bởi chưa anh nào kiếm ra nhiều tiền cả.
Tuy nhiên, đến giai đoạn “đổi mới” 1986 về sau, kinh tế thị trường phát tác những mặt trái của nó. Nạn tham nhũng, hối lộ, buôn gian bán lận, nạn bè phái con ông cháu cha trở thành “giai cấp hưởng thụ”, ngược lại là những người thuộc lớp nông dân, công nhân lao động làm không đủ ăn…
Bên cạnh đó, không thiếu những người đẹp khoe nhà trăm tỉ, đi xe mười tỉ, người tình Tây, Hàn Quốc, bảnh trai, gia tài hàng tỉ đô. Người ta bỏng mắt nhìn báo chí khoe giùm nhà của Ngô Mỹ Uyên Trị giá 300 tỷ; nhà Trang Nhung 100 tỉ, nhà Lã Thanh Huyền 30 tỷ đồng và mới đây nhất là nhà của ca sĩ Thu Minh giữa trung tâm TP Sài Gòn, nhìn ra nhà thở Đức Bà có giá khoảng triệu Mỹ kim. Hà Hồ đi xe chục tỉ đồng…

image
Thu Minh khoe nhà triệu đô mới tậu
Trong khi các cô gái tự cho mình là đẹp, học hành đàng hoàng, nhưng nghèo kiết xác, kiếm được cái xe máy đã là may, làm hùng hục không đủ tiền đổ xăng, cuộc đời tẻ nhạt trong ngõ hẻm.
Những người có nhà cao cửa rộng bằng con đường làm ăn chân chính hoặc may mắn “yêu chân thành” được một “đại gia” chẳng có gì đáng bàn. Thế nhưng “hội chứng khoe của”, kể cả kiểu khoe thân thể, chụp hình khỏa thân vì những mục đích vớ vẩn rồi tung lên mạng gây scandal lấy tiếng, đã âm ỷ làm cháy bỏng những giấc mơ của các cô gái khác.
Từ đó là mầm mống phát sinh ra lối sống đua đòi hưởng thụ, sùng bái vật chất, chạy theo lối sống cá nhân vị kỉ, coi rẻ giá trị cộng đồng. Mại dâm theo đó cũng xuất hiện trở lại ngày càng nhanh chóng, dưới nhiều hình thức, tinh vi hấp dẫn, kỳ quái hơn. Nếu trước đây các cô gái bán dâm vì nghèo khó vì ít học thì nay khác hẳn.
Chỉ có 10% gái bán dâm vì nghèo khó
Một anh là “tuyên truyền viên” của hội chống HIV cho biết: “Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều gái mại dâm, số cô mà tôi đã gặp, đã trò chuyện, chắc phải đến vài trăm. Trong số đó, có lẽ chỉ 1/10 là hoàn cảnh thực sự quá khó khăn, buộc phải làm gái. Còn lại, đa số là lười nhác, thích chưng diện, thích ăn sung mặc sướng... Với những người đó, tôi không thể thông cảm hay xót xa được...”
Hầu hết gái bán dâm khi bị phát hiện đều đổ cho “nhà nghèo” nên mới đi bán thân. Nhưng theo điều tra thì 52,2% gái bán dâm có gia cảnh trung bình và 2,4% khá giả chứ không hề nghèo. 27,6% đi bán dâm là do bạn bè rủ rê, 63,9% là do lôi kéo bởi chính những gái mại dâm khác, chỉ có 6% là do bị lừa hoặc cưỡng bức.

image
Có gái mại dâm mới 16 tuổi khi bị bắt đã trả lời tỉnh queo: “Ở nhà mỗi lần xin 5-10 ngàn đi chơi game mà ông bà già cứ cằn nhằn nên em mới đi làm kiếm tiền chơi, khỏi bị cằn nhằn nhức đầu”. Có gái mại dâm nói thẳng với nhà báo: “Chị không bỏ nghề đâu, vì nghề này vừa sướng lại vừa có tiền”. Thậm chí, có ngôi làng đua nhau đẩy con gái đi bán dâm để làm giàu. Có bà mẹ vì hám tiền đã bất chấp nhân phẩm và tình mẫu tử, ép con đi bán dâm hoặc lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc. Mặt khác, tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc, tình hình mua bán người vì mục đích mại dâm và bắt cóc trẻ em để đưa sang Trung Quốc cũng trở thành vấn đề đáng báo động.

Đặc biệt, một số gái mại dâm còn là người mẫu, diễn viên, hoa hậu, ca sĩ... có thu nhập cao, nhưng vì muốn ăn chơi xa hoa mà đi bán dâm. Một số còn kiêm luôn vai trò “tú bà”, chăn dắt và môi giới mại dâm. Người mẫu bán dâm Hồng Hà nói đi bán dâm là “để mua được nhà lầu, xe hơi”.
Gái bán dâm có học, đẹp và sành điệu

image
Sinh viên bán dâm bị bắt chờ lấy lời khai
Quan niệm cho rằng gái mại dâm do “học vấn thấp” thực tế không còn đúng nữa. Một số gái bán dâm có học vấn không hề thấp. Công an đã làm rõ một số đường dây mại dâm bao gồm những sinh viên có ngoại hình đẹp, thích ăn chơi đua đòi tại các trường đại học, cao đẳng được các tú bà tuyển mộ để bán dâm giá cao. Gái bán dâm trong các đường dây này là sinh viên nhưng lại thích đua đòi, ăn chơi ở những chốn sành điệu, dù bố mẹ chu cấp đầy đủ nhưng vẫn đi bán dâm chỉ để có tiền thỏa mãn sĩ diện. Có sinh viên, thậm chí cả học sinh Trung hoc phổ thông mới 17 tuổi đã vừa bán dâm vừa kiêm luôn vai trò môi giới mại dâm, buôn bán phụ nữ với những chiêu tinh vi như bán trinh giả.
Như thế cái nghèo chỉ chiếm 10%, còn lại là “con gái nhà lành” đi bán dâm. Đấy mới chính là thảm họa và là điều đáng lo ngại cho toàn cảnh nền luân lý đạo đức hiện nay. 
Bùng nổ dư luận mại dâm

image
Nhưng tại sao đến lúc này dư luận về mại dâm lại bùng lên dữ dội trên khắp các trang báo VN và là đề tài bàn tán không chỉ ở quán cóc vỉa hè mà còn là nỗi lo của những “gia đình tử tế”. Nỗi hoang mang của những bà mẹ, ông bố, người anh người chị lương thiện khi có những đứa con em sống “bí mật” hay thác loạn. Dư luận bùng lên bởi hai lý do:
1- Vụ án Mỹ Xuân
image
Cựu hoa hậu Mỹ Xuân đang được dẫn vào tòa án sáng 27-6
Ngày 27 tháng 6 vừa qua, Tòa án TP Sài Gòn  đưa ra xét xử Mỹ Xuân cùng 5 bị cáo bị về hành vi “Môi giới mại dâm”. Có hàng trăm thứ chuyện về vụ mua bán dâm “cao cấp” gồm toàn nghệ sĩ nổi tiếng từ ca nhạc đến điện ảnh, người mẫu thời trang… làm rung rinh khắp 3 miền Trung Nam Bắc và cả báo chí quốc tế. Phiên tòa xử Mỹ Xuân cùng 5 bị cáo đã được đưa ra xét xử vào 08g sáng ngày 27-6.
Theo bản cáo trạng, ngày 2/6/2012 (cách đây 1 năm),công an ập vào khách sạn ở Q.1 (TP Sài Gòn) bắt quả tang 4 đôi nam nữ đang thực hiên hành mua bán dâm. Trong đó, các cô gái bán dâm được xác định là Lê Thị Thúy Hường (người mẫu có nghệ danh Jenny Phương), Lê Thị Yến Duy (hoa khôi thời trang tỉnh Bến Tre 2010), người mẫu Nguyễn Thị Minh Nhài (nghệ danh Ngọc Thúy). Tuy nhiên, cả bốn người đẹp trên và bốn khách mua dâm bị bắt quả tang đều có đơn xin vắng mặt tại tòa ngày 27-6 vừa qua.

image
Á Khôi Thiên Kim một tú bà đắc lực trong đường dây mại dâm của Mỹ Xuân.
Tiếp tục mở rộng điều tra đường dây môi giới mại dâm này, cơ quan công an đã bắt khẩn cấp Võ Thị Mỹ Xuân (30 tuổi, được biết đến với tên gọi hoa hậu Mỹ Xuân), Trần Thị Hoa (27 tuổi, người mẫu tên Thiên Kim), Trần Quang Mai (41 tuổi, quê Long An, ngụ Q.3), Lê Quang Tuấn Anh (28 tuổi, quê Lâm Đồng, ngụ Q.Phú Nhuận), Lương Quốc Huy (26 tuổi, quê Bình Thuận) và Nguyễn Hữu Đạt (44 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh). Vụ án được khởi tố vào ngày 11/6/2012.

image
Người mẫu Thiên Kim được tại ngoại cũng có mặt.
Sơ lược nội dung vụ án Mỹ Xuân, từ giữa năm 2011 (2 năm sau khi đoạt danh hiệu Hoa Hậu Nam Mekong năm 2009), Mỹ Xuân cùng một số người mẫu, ca sĩ được Mai dẫn mối đi bán dâm cho khách với giá từ 1.000 đến 2.500 USD (trong trường hợp đi tour). Sau thời gian hành nghề, Xuân quen biết với nhiều đại gia đến đầu tháng 4/2012, cô chuyển sang môi giới cho một số "đàn em" trong đó có hoa khôi của một tỉnh miền Tây để lấy “hoa hồng”. Mỗi lần phục vụ các cô được trả khoảng 1.000 đến 1.500 USD.

Gần trưa, toà tuyên án Trần Quang Mai 5 năm tù, Tuấn Anh 3 năm tù, Mỹ Xuân 2 năm 6 tháng tù. Thiên Kim 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 4 năm, Quốc Huy 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 2 năm. Hữu Đạt bị phạt 1 năm 24 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam).

Nhiều bạn đọc đã biết quá rõ về vụ án này và thật tình tôi không muốn “dài dòng” về họ một lần nữa bởi bản án của dư luận từ một năm nay đã là một hình phạt rất nặng đối với các cô gái “chân dài” và gia đình họ. Bản án này nặng hơn tất cả mọi bản án khác.
2- Chuyện Đồ Sơn không có mại dâm

image
Gái mại dâm tung tăng ở “phố đèn đỏ” sát bãi biển Đồ Sơn, Hải Phòng.
Lý do thứ hai là chuyện ầm ĩ về phố đẻn đỏ ở Quất Lâm Vũng Tàu. Nhà báo nói dày đặc nhà hàng bán dâm, nhưng ông Phạm Ngọc Dũng, Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Cục đã nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và Quất Lâm nhưng kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định là không phát hiện có mại dâm tại hai địa điểm này. Các địa phương báo cáo chỉ có một vài trường hợp, không đáng kể.

image
Một quý bà trang bị kín mít đi tìm “phi công trẻ” ở khách sạn Sài Gòn.
Mấy anh phóng viên “nực gà” bèn vào cuộc, lôi ra đủ hình ảnh, clip video, bằng chứng về nạn “Đồ Sơn đầy đĩ” này. Nhân đó còn có rất nhiều ông “ăn theo” lôi ra hàng trăm thứ chuyện khác, mại dâm nam, mại dâm nữ, các “địa danh” nổi tiếng và các phi vụ cực kỳ hấp dẫn, các sinh viên học sinh, các nữ công nhân làm thêm, các bà đi tìm “phi công trẻ”, các đại gia chân giày và chân đất đi tìm “nhu cầu”, ly kỳ hơn nữa là các người đẹp nổi danh trong làng showbiz kiếm tiền như thế nào. Có những cô chính thức bị bắt, bị phạt nhưng cũng có những cô bị “nghi ngờ” bị đối thủ tung tin chẳng biết thất thiệt hay có thật. Người tung, kẻ hứng, người kết tội, kẻ cãi, cứ ầm ầm. Có viết ngàn trang cũng không đủ.
Các mánh khóe bán dâm thời nay

image
Thời gian gần đây, gái mại dâm hoạt động tinh vi hơn. Nhiều gái mại dâm là lưu động, không nằm trong đường dây lớn mà tự hoạt động theo kiểu đơn lẻ hoặc theo nhóm 2-3 người, không ở trong nhà chứa hoặc đứng đường mà tự quảng cáo, chào mời trên các trang web đen, trên internet hoặc điện thoại di động. Những cô này rao bán dâm trên mạng, tung thông tin, hình ảnh, số điện thoại hoặc sử dụng nickname để chatsex với sự hỗ trợ của webcam. Sau khi móc nối với khách và xác minh đúng “mật khẩu”, gái mại dâm sẽ cho khách địa chỉ hoặc sẽ đi đến địa chỉ của khác. Ngoài ra, hoạt động mại dâm theo phương thức gái bao theo tour du lịch đang gia tăng.

image
Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động mại dâm vẫn là lợi dụng các dịch vụ ăn nghỉ, vũ trường,  karaoke, tiệm hớt tóc, cà phê, tẩm quất... đã hình thành các đường dây liên tỉnh, hoặc có sự móc nối với các hướng dẫn viên du lịch để cung cấp gái mại dâm cho khách đến các địa điểm du lịch trong nước hoặc nước ngoài.
Luật pháp VN xử mại dâm như thế nào

image
Hai gái mại dâm bị xét xử
Trung bình, có khoảng 66% người bán dâm hoạt động độc lập. Ngày nay có ít người bán dâm qua môi giới rất dễ hiểu vì pháp luật Việt Nam trừng phạt môi giới mại dâm rất nặng, trong khi lại nhẹ tay với người bán dâm và mua dâm. Môi giới phải lĩnh án hình sự và bị tù nhiều năm, nhưng mua và bán dâm thì lại chỉ bị phạt hành chính vài trăm ngàn. Trình độ học vấn của gái bán dâm cao so với trước nên cũng tìm những cách hoạt động tinh vi hơn mà không cần qua môi giới. Việc chỉ xử nặng kẻ môi giới mà nương nhẹ xử lý mua bán dâm khiến việc chống mại dâm thiếu tính răn đe nên tác dụng phòng chống rất thấp.

Luật mới năm 2012 quy định gái mại dâm sẽ không bị đưa đi phục hồi nhân phẩm ở trại như trước, mà chỉ bị phạt tiền (300 ngàn nếu lần đầu và 5 triệu nếu tái phạm). Lý do của việc bãi bỏ áp dụng hình thức đưa gái mại dâm vào trại là để “tăng cường áp dụng các biện pháp xã hội”, để gái mại dâm tự nguyện hoàn lương. Tuy nhiên, thực tế là các cơ sở hỗ trợ xã hội ở Việt Nam còn rất thiếu và yếu, mỗi tỉnh cả năm chỉ hỗ trợ được mấy chục người, trong khi số gái bán dâm cả nước lên tới hàng vài chục ngàn hoặc chẳng có cách nào thống kê hết. Ví dụ, Chi cục Phòng chóng tệ nạn Hà Nội chỉ đặt mục tiêu hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm được cho khoảng 60-80 người bán dâm trong suốt 3 năm. Tại TP Sài Gòn, mỗi năm chỉ hỗ trợ được 30 suất vay vốn tạo việc làm. Ở Khánh Hòa, suốt năm 2011 chỉ có 2 cô gái mại dâm được hỗ trợ hoàn lương và 6 cô được tư vấn, hỗ trợ vay vốn tạo việc làm.

image
Việc áp dụng quy định mới trong khi không cân nhắc đến tình hình thực tế đã khiến nhiều người lo ngại rằng mại dâm sẽ lan tràn bởi mức xử phạt quá nhẹ, trong khi các biện pháp quản lý tại xã hội thì yếu và lỏng lẻo. Mặt khác, thu nhập từ bán dâm cao hơn nhiều so với lao động thông thường lại ít nặng nhọc, một tỷ lệ lớn gái bán dâm chẳng phải vì nghèo khổ mà vì muốn có nhiều tiền để ăn chơi. Do vậy, việc bỏ biện pháp cưỡng chế sẽ khiến việc gái mại dâm tự nguyện hoàn lương là rất khó khăn, trong khi sẽ ngày càng có nhiều cô gái trẻ sẵn sàng bước vào con đường này vì không còn sợ bị xử phạt nặng.

image
Giám đốc Sở Lao Động- Thương Binh- Xã Hội Thành phố Sài Gòn nhận định: tình trạng bắt rồi lại thả này dễ làm gia tăng mại dâm; khi bị bắt quả tang gái mại dâm sẵn sàng nộp phạt rồi sau đó tiếp tục hoạt động bình thường, thậm chí công khai. Thu nhập trung bình của gái mại dâm ít nhất cũng khoảng trên 10 triệu đồng/tháng, gái gọi cao cấp tới 150 triệu đồng/tháng, phạt tiền 300 ngàn thì chẳng bõ bèn gì. Nếu số tiền nộp phạt lớn, gái bán dâm sẽ tăng giá, không ảnh hưởng đến túi tiền. 

image
Một gái bán dâm không che giấu: “Sau một thời gian làm nhân viên phục vụ cho các quán ăn, vừa mệt lại không có tiền nhiều, nghe lời mấy đứa bạn bảo làm gái vừa sướng vừa có tiền nên em theo. 
Lúc mới vào nghề phải lén lén lút lút, sợ công an bắt giam, giờ chỉ bị phạt hành chính thì chẳng còn gì phải sợ nữa… Tính ra, một ngày em có thể tiếp đến 10 khách, mỗi lượt cũng được 200.000 – 300.000 đồng thì nộp phạt cũng chẳng đáng là bao”.

image
Đáng sợ hơn nữa, mới dây Công an Hải Phòng đã bắt được một nhóm thanh thiếu niên mam nữ thuê nhà trọ bình dân tại phường Kênh Dương (quận Lê Chân), tụ tập sống bầy đàn và sử dụng ma túy. Hầu hết ở độ tuối 21, nhiều nhất là 25. Trong đó có cả em Đỗ Bích Ngọc (ở xã Tân Dương, huyện Thủy Nguyên) mới 13 tuổi.

Nguồn tin mới nhất còn tiết lộ những trận “đập đá” (chơi ma túy) thâu đêm suốt sáng của nhiều “kiều nữ, tiểu thư” Hà thành – hầu hết là con nhà giàu có, quyền thế – rơi vào trạng thái hoang tưởng tình dục. Chuyện hoang tưởng tình dục kể ra có nhiều người không dám tin. Thậm chí bản thân những “kiều nữ” này cũng không thể tưởng tượng nổi tại sao họ lại có thể quan hệ tình dục theo kiểu “bầy đàn” kinh hoàng đến thế... Từ đó đến việc bán thân chỉ là “chuyện nhỏ”.
Ngày ấy là bao giờ?

image
Hoa hậu Mỹ Xuân là một trong những kẻ cầm đầu đường dây gái gọi.
Chuẩn mực đạo đức suy thoái, nhiều cô gái dù có học thức vẫn không ngần ngại kiếm tiền từ con đường này (ước tính 10,3% gái bán dâm có trình độ Đại học, cao đẳng, trung cấp nghề). Do học đòi “phong cách Tây sành điệu”, nhiều cô coi rẻ nhân phẩm, sẵn sàng làm theo bản năng, chấp nhận dùng thân xác mình làm vật trao đổi vì tiền bạc danh lợi. Trong điều kiện xã hội hiện nay, nếu vẫn cho rằng gái mại dâm là “nạn nhân của số phận, vì hoàn cảnh mới phải bán dâm” không còn phù hợp, nhiều trường hợp chẳng đói nghèo, dốt nát gì vẫn đi bán dâm. Việc liên tiếp nhiều vụ án mại dâm sinh viên, người mẫu bị phát hiện đã gióng lên hồi chuông báo động về lối sống ngày càng tha hóa của một số người trong xã hội.

Sau phiên tòa xử vụ án “môi giới mua bán dâm” này, có 2 luồng dư luận được đặt ra là tại sao không công bố danh tính những “đại gia” mua dâm và cần phải xử phạt những người di mua dâm mà chỉ phạt người “đi bán của trời cho”?

image
Câu hỏi thư hai là có nên hợp pháp hóa nạn mại dâm như cá cược đá bóng không? Nhiều độc giả cho rằng không hợp pháp hóa mại dâm chỉ là “đạo đức giả”. Tại VN, chắc khó có thể xảy ra chuyện hợp thức hóa tệ nạn này, nó vẫn cứ sống như cơn bão ngầm thôi.

image
Chúng ta chỉ có thể hy vọng khi nào nền kinh tế và đời sống văn hóa thực sự được phục hồi, bớt tham nhũng, cuộc sống có niềm tin vào đạo lý, và khoảng cách giàu nghèo không còn quá xa, lúc đó mới giải quyết được một phần những thứ bệnh nan y trầm kha như thế này. Ngày ấy là bao giờ, chưa ai trả lời được.
Văn Quang (Tác giả CHÂN TRỜI TÍM)
 

Mùi thịt nướng

image
Mùi thịt nướng_Mối nguy của thực phẩm nướng

Dạo gần đây, đường sá Saigon thêm phần nhộn nhịp với các quán cơm trưng sát lề cái bếp nướng sườn thơm nức mũi khách bộ hành. Mấy ai biết cái mùi hấp dẫn ấy chưa chắc đến từ thịt gặp lửa mà từ chợ... Kim Biên.

image
Hình minh họa
Chị Ánh, chủ quán cơm tấm đêm ở khu vực bùng binh Cây Gõ (quận 11) thắc mắc: “Định mở quán, năn nỉ muốn gãy lưỡi mà bà bán cơm trong xóm không chịu chỉ bí quyết ướp sườn ngon, tui phải tốn cả triệu đồng để mua bí quyết ướp sườn. Vậy mà bây giờ đi đâu cũng thấy người ta nướng sườn thơm phức đầy đường?” Tương tự, ông Bình (quận Bình Thạnh) cằn nhằn bà vợ vốn cũng là cao thủ bếp núc: “Sao người ta nướng sườn thơm quá, còn món sườn bà nướng ở nhà không bằng vậy?” Nhưng anh Tài xe ôm, thường đi sớm về khuya, vốn mê món cơm sườn nướng lại cảnh báo: “Đừng ham ăn đồ nướng nhe, toàn ướp hoá chất mới thơm đó!”

image
Hấp dẫn chưa!
Không biết lời cảnh báo của anh Tài có cơ sở hay không, nhưng quả thật ra chợ Kim Biên (quận 5) mua chất ướp đồ nướng dễ như… ăn cơm sườn. Người bán gọi loại hoá chất này là “hương thịt” vì có mùi như thịt, thoảng mùi thơm của món nướng. Hoá chất có hai dạng: bột và dung dịch. Dạng bột có màu trắng hoặc vàng kem, giá 30.000 – 80.000đ/100g; dạng dung dịch có giá 30.000 – 35.000đ/100g. Tất cả đều được đóng trong can hoặc bịch, không hề có nhãn mác. Khách mua lẻ, người bán chiết qua chai nhỏ hoặc đóng sẵn bịch nhỏ để bán. 
image
Theo người bán, đây chỉ là hương liệu giúp tạo mùi thơm nên vẫn phải nêm gia vị. Sử dụng một muỗng nhỏ ướp cho một ký thịt, có thể ướp hẳn vào thịt hoặc phết bên ngoài khi nướng. Có lẽ do không quen mùi hoá chất, sau khi tiếp xúc chúng tôi có cảm giác choáng, buồn nôn, khó chịu. Phải rửa tay bằng xà bông nhiều lần mùi hoá chất mới phai bớt.

image
Một chai “hương thịt”.
Thạc sĩ Bùi Thị Minh Thuỷ, nguyên giảng viên chính khoa công nghệ hoá học và thực phẩm đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho biết, chất tạo ra mùi thơm tự nhiên của thịt có tên hoá học là hypoxanthin. Có thể tổng hợp hoá chất ra tổ hợp thơm hypoxanthin, nhưng cụ thể là loại hoá chất nào thì phải tiến hành thí nghiệm mới xác định được. 
“Nguyên liệu tự nhiên thì có thể đào thải ra ngoài cơ thể được, còn hoá chất thì không thể thải ra mà tồn đọng lại trong tế bào. Đó cũng là nguyên nhân số người bị bệnh ung thư ngày càng nhiều”, thạc sĩ Minh Thuỷ lưu ý. Theo tiết lộ của một người trong giới hoá thực phẩm, có dạo loại hương liệu thịt này được một số đối tượng tẩm ướp vào đũa tre làm giả chà bông, ướp vào giấy carton làm giả thịt, tạo mùi thịt cho món chay…
Tại các siêu thị, các chợ đều có thể dễ dàng tìm thấy các gói gia vị ướp đồ nướng từ nguyên liệu tự nhiên của các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Nếu so với hương liệu hoá chất thì gói gia vị tự nhiên có giá rẻ hơn hoặc tương đương, nên hám lời không phải là lý do người bán đồ nướng sử dụng hoá chất để tẩm ướp.
image
Lý giải vấn đề này, giảng viên Đỗ Thị Kim Quyên, bộ môn chế biến món ăn đại học Hoa Sen, TP.HCM cho biết: bất cứ món ăn nào khi đang nóng đều có màu sắc đẹp và mùi thơm, nhưng đến lúc nguội thì không còn giữ nguyên sắc thái ban đầu. Trong khi đó, nếu ướp bằng hoá chất thì món ăn vẫn giữ được mùi thơm và màu sắc tươi nguyên mặc dù đã chế biến trước đó nhiều giờ.
Giảng viên Kim Quyên cho biết thêm, hoá chất tẩm ướp vào nguyên liệu nướng rất khó nhận ra, tuy nhiên, có thể dựa vào đặc tính giữ đồ nướng thơm lâu của hoá chất để phân biệt. Chẳng hạn, sử dụng gia vị tự nhiên như tỏi,mật ong, dầu ôliu… sẽ giúp món sườn nướng có màu vàng bóng, thơm ngon, nhưng chỉ sau khoảng 10 phút, miếng sườn nướng sẽ bị sậm màu, nhìn không đẹp, không còn mùi thơm và tươi như lúc mới chế biến. Nên nếu để nguội mà miếng sườn vẫn còn mùi thơm, màu vàng bóng bắt mắt thì chắc chắn có sử dụng hương liệu hoá chất. 
image
Dù vậy, thực tế đa số những người mê món nướng đều thích ăn nóng và nướng bằng lửa than, dù từ lâu các bác sĩ đã cảnh báo khả năng ung thư khi ăn nhiều đồ nướng bị cháy khét do nướng trực tiếp trên lửa.
image
Khỏi phải nói, đồ nướng tẩm hoá chất không còn là nguy cơ mà giống như thần chết đang đứng cạnh bàn ăn!
SGTT

Ký sự du lịch Cuba

image
Sông Almendares chảy qua trung tâm thành phố Havana
Sau chuyến bay đêm từ San Francisco, chúng tôi đến Miami, Florida lúc 5 giờ 30 sáng.
Tại đây, trưởng đoàn đưa vi-sa nhập cảnh cùng vé khứ hồi Miami-Havana và dặn đi dặn lại là cẩn thận giữ hộ chiếu chung với những giấy tờ này, nếu mất sẽ rất rắc rối để rời Cuba vì hai nước không có quan hệ, muốn liên lạc với đại diện ngoại giao Mỹ phải qua sứ quán Thụy Điển.
Công dân Việt Nam, nước anh em xã hội chủ nghĩa, hay công dân Canada, Anh quốc, Pháp quốc, Nhật Bản có thể dễ dàng du lịch Cuba, đất nước nổi tiếng với xì-gà và rượu rum.

Nhưng công dân Mỹ thì không được. Từ nửa thế kỷ qua Hoa Kỳ cắt đứt quan hệ và có chính sách cấm vận Cuba nên là điều khó khăn cho người Mỹ muốn qua thăm đất nước sát ngay cửa ngõ, chỉ cách Florida chưa đến 100 dặm. Muốn đi Cuba, công dân Mỹ phải có giấy phép từ Bộ Ngân khố.
Hai tháng trước, ca sĩ Beyoncé và chồng qua Cuba để kỷ niệm 5 năm ngày cưới. Họ đi chơi phố cổ Havana, phóng viên thấy và đưa tin về Mỹ làm ồn ào dư luận.
Vài dân cử Quốc hội từ bang Florida với quan điểm chống Fidel Castro đã đặt vấn đề cô ca sĩ đến Cuba có vi phạm luật cấm vận hay không. Những điều tra cho thấy cô không phạm luật Hoa Kỳ vì Beyoncé đến Havana trong một chương trình trao đổi giáo dục.
Chính sách hiện nay là nếu ai sang Cuba không xin phép giới chức trách Mỹ, khi trở về có thể bị xử phạt tài chính hay tù.

image
Chuyến đi của chúng tôi có mục đích học ngôn ngữ và văn hoá, nằm trong giáo trình của Berkeley City College. Tất cả 30 người, đa số từ miền bắc California, gồm bác sĩ, y tá, giáo viên, kỹ sư, một số sinh viên. Chuyến đi vừa để học hỏi, vừa làm từ thiện.
Trước khi nhận vi-sa, mỗi người phải ký vài giấy tờ như bảo hiểm y tế, giấy chứng nhận cho phép đi Cuba.
Còn nghèo
image
Havana cũng có nhiều người bán hàng rong
Tại quầy lấy thẻ lên tầu, hầu hết chúng tôi chỉ có va-li xách tay và một túi nhỏ đeo bên mình nên không phải gửi hành lý. Cùng xếp hàng có nhiều người Cuba về thăm quê hương, tôi nghe họ nói tiếng Tây Ban Nha, và ai cũng gửi những kiện hành lý.
Như nhiều người Việt, người Mỹ gốc Cuba về thăm thân nhân mang theo nhiều thứ.
Khác ở đây là những thùng hàng và cả va-li lớn nhỏ gửi theo máy bay đều được quấn ni-lông nhiều lớp. Hỏi ra mới biết làm thế để tránh bị moi móc mất đồ.
Sau khi cách mạng thành công, Fidel Castro lên nắm quyền năm 1959, nhiều người Cuba bỏ nước ra đi coi như không bao giờ gặp lại quê hương.

image
Cho đến năm 2009 chính sách của Mỹ mới có thay đổi cho họ được về thăm thân nhân. Tuy nhiên, người Cuba bị hạn chế với số tiền đem theo là 179 Mỹ kim chi tiêu cho mỗi ngày ở đó.
Còn thuyền nhân Việt Nam không phải trông ngóng ngày về lâu như thế. Chưa đầy hai thập niên sau biến cố 30-4-1975 nhiều người Việt đã có cơ hội trở về, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nối kết bang giao.
Trong khi người Cuba đã phải chờ cả nửa thế kỷ. Tôi nghĩ địa chính trị là căn bản cho sự khác biệt trong chính sách của Mỹ.
Lúc ở sân bay, đọc bảng đi đến và thấy trong ngày có ba chuyến Miami-Havana. Điều ngạc nhiên là dù Mỹ còn cấm vận, American Airline đã mở tuyến bay vào Havana.
Chuyến bay vào Cuba của chúng tôi là một phi cơ bao thuê của hãng World Atlantic, với gần 200 hành khách.
Cất cánh lúc 9 giờ sáng. Nửa giờ sau đất nước Cuba hiện ra. Bên dưới là mầu xanh đồng cỏ, thấp thoáng bóng dừa cao, khu dân ở. Xa lộ chỉ vài xe ô-tô chạy, trên đường không thấy xe máy hay xe đạp.

Phi cơ đáp xuống sân bay José Martí. Duy nhất một máy bay của hãng American Airline đang đậu, là chuyến khởi hành trước chúng tôi một giờ.
Ga quốc tế trông bên ngoài rất nhỏ. Trước khi đến đây tôi mường tượng đất nước này phát triển như Mexico, hay ít ra cũng không thua Việt Nam vì Cuba tuy không quan hệ với Hoa Kỳ nhưng có giao thương với nhiều nước khác.

image
Chạm mặt, tôi cảm nhận Cuba nghèo hơn mình nghĩ.
Rời máy bay. Trời gió nhưng hừng hực nóng. Vào trong xếp hàng chờ kiểm tra hộ chiếu, vi-sa.
Tôi chưa thấy cảng quốc tế nào nhỏ như ở đây. Nhỏ hơn Nội Bài hai mươi năm về trước. Nhỏ hơn cả sân bay Lomé, Togo mà tôi đặt chân đến cách đây ba mươi năm.
Thủ tục di trú rất chậm. Du khách được chụp hình trước khi đóng dấu nhập cảnh. Mỗi người tốn ít nhất 5 phút. Đứng trước tôi là một toán du khảo do tạp chí National Geographic tổ chức.
Chủ nghĩa xã hội
image
Ít thấy có biển hiệu quảng cáo thương mại mà chỉ có khẩu hiệu cách mạng ở Cuba
Sau khi xong các giấy tờ, vì không gửi hành lý nên tôi đến ngay quầy đổi tiền. Bảng giá ghi 1 Mỹ kim đổi được 97 xu, tức 97 CUC, là đơn vị tiền dành riêng cho du khách. Người dân Cuba dùng loại tiền khác.
Tôi đổi 100 mỹ-kim, sau khi trừ đi chi phí hoán chuyển, được 87 CUC.
Khi mọi người trong đoàn đã tụ họp đông đủ, chúng tôi rời sảnh phi cảng. Vừa bước ra ngoài, một khung cảnh quen thuộc như ở sân bay Tân Sơn Nhứt mỗi khi tôi về. Rất đông người Cuba đứng đón thân nhân của họ.
Bãi đậu có nhiều xe Mỹ thời thập niên 1950. Nhìn xa xa, không thấy bảng quảng cáo sản phẩm thương mại mà chỉ có hình Ché, hình của Cuban5 là những người gốc Cuba đang bị tù tại Hoa Kỳ vì tội gián điệp. Bên cạnh là những bảng khẩu hiệu.

image
Xe buýt đón chúng tôi là sản phẩm của hãng Yutong, Trung Quốc. Đây là một ngạc nhiên nữa vì tôi không biết Trung Quốc xuất khẩu xe hơi, chứ chưa nói đến xe buýt lớn. Xe có máy lạnh, nhà tiểu giống như các xe chở du khách tham quan ở Mỹ.
Đường vào thủ đô và ngay trong Havana có nhiều cây xanh. Hoa phượng đang nở rực. Nhiều nhà đã cũ, nước vôi bạc mầu, xuống cấp. Nhiều công trình xây dựng bỏ dở.
Hai bên đường không đâu có quảng cáo thương mại mà chỉ khẩu hiệu đề cao cách mạng, trên tường, trên nóc nhà cao, ở quảng trường. Tôi biết ngay mình đang ở đất nước xã hội chủ nghĩa.

Todo por la Revolución – Tất cả cho Cách mạng
Socialiado o Muerte – Xã hội Chủ nghĩa hay là chết
Patria o Muerte – Tổ quốc hay là chết

Xe chạy qua Quảng trường Cách Mạng. Có một tháp rất cao. Có tượng José Martí, anh hùng đánh đuổi Tây Ban Nha để giành độc lập cho Cuba. Có hình Ché, anh hùng chống Mỹ, rất lớn trên mặt tiền của một nhà cao tầng.
Người hướng dẫn cho biết chung quanh quảng trường là những cơ quan chính phủ và hí viện quốc gia.

Đường phố không có xe máy hay xe đạp. Chỉ xe buýt, nhiều ô-tô cũ của Mỹ để lại từ thập niên 1950 vẫn bon bon chạy. Cũng có Lada, Hyundai mới hơn.
Thỉnh thoảng thấy xe công nông, xe máy kéo thùng chở người bên cạnh kiểu Liên-Xô. Có loại xe tắc xi quả dừa, coco taxi, trông rất ngộ.

image
Cuba đúng là đất nước của xã hội chủ nghĩa. Lãnh đạo Việt Nam từng đến đây nói chuyện hai nước anh em thay nhau thức ngủ, canh giữ hoà bình thế giới.
Thực ra, Việt Nam bây giờ là xứ sở của “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” vì ngoài đường phố tràn ngập quảng cáo thương mại hòa trộn với khẩu hiệu.
Một tuần ở Cuba, ngoài học hỏi, tôi có những khám phá riêng cho mình: phố Tàu, quán Hanoi, tượng ông Hồ Chí Minh, húng bạc hà, phượng đỏ. Sẽ kể cho bạn nghe sau.
Bùi Văn Phú

Tin Hoa Kỳ được không?

image
Nên lắm, nếu là để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ

Ngày 23 Tháng Năm, trong bài diễn văn tại Đại học Quốc phòng ở Washington, Tổng thống Barack Obama đưa ra một số điều chỉnh về chính sách diệt trừ khủng bố, trong đó có việc sử dụng máy bay tự động (báo chí quen gọi là "drone" cho gọn). Đến ngày 29, có tin là thủ lãnh số hai của lực lượng khủng bố Taliban bị máy bay tự động của Mỹ hạ sát trong lãnh thổ Pakistan.

Chuyện này gây khó khăn cho Thủ tướng tân cử của Pakistan là Nawaz Sharif khi ông ta chưa nhậm chức và lại còn cản trở nỗ lực hòa giải của ông Sharif với chính quyền Mỹ.

image
Về bối cảnh, Pakistan là quốc gia bất ổn, thường bị khủng bố, và cố xoay trở giữa các mục tiêu trái ngược:
1) yểm trợ lực lượng Taliban tại Afghanistan để bành trướng ảnh hưởng vào xứ láng giềng này, nhưng phải đối phó với lực lượng Taliban đang đòi tự trị bên trong lãnh thổ Pakistan.
2) Là đồng minh và nhận viện trợ của Mỹ, Pakistan có ảnh hưởng với việc Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Afghanistan vào năm 2014, nhưng lại kết giao với Trung Quốc và nghi ngờ một láng giềng có cựu thù là Ấn Độ.
3) Bị suy thoái kinh tế, Pakistan phải chuyển hướng mà vẫn cố phát huy dân chủ và đẩy lui thế lực của các tướng lãnh trong quân đội, v.v....

image
Hôm 11 Tháng Năm vừa qua, Pakistan có bầu cử Quốc hội với kết quả là đảng "Pakistan Muslim League-Nawar" của Nawaz Sharif thắng lớn. Thuộc xu hướng trung hữu, ông Sharif chủ trương cải cách kinh tế và cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Đảng "Pakistan People's Party" của Tổng thống Asif Ali Zardani thuộc xu hướng trung tả đại bại, chỉ được 30 ghế trong số 342 ghế. Bên cạnh đảng Pakistan Muslim League-Nawar của Nawaz Sharif, có đảng "Pakistan Tehreek-i-Insaf" của một danh tài thể thao trở thành chính khách là Imran Khan, với chủ trương bảo thủ hơn và chống Mỹ còn kịch liệt hơn hai đảng kia.

Trong cuộc tranh cử, cả ba lãnh tụ đều chủ trương đàm phán với quân Taliban tại Pakistan (lực lượng Tekrik-i-Taliban) và nêu cao tinh thần chống Mỹ để kiếm phiếu. Họ kịch liệt đả kích việc Hoa Kỳ đơn phương tấn công quân khủng bố Taliban hay Al Qaeda trong lãnh thổ của mình.


image
Sau khi đại thắng với đa số tuyệt đối mà khỏi cần liên minh với một đảng nào khác, Nawar Sharif sẽ lên làm Thủ tướng vào tuần tới và là lãnh tụ tương đối hữu nghị nhất với Hoa Kỳ kể từ khi ông bị Tướng Pervez Musharraf đảo chánh vào năm 1998. Nhưng bây giờ, Sharif gặp áp lực từ đảng Pakistan Tehreek-i-Insaf của Imran Khan bên cánh hữu. Đảng này lại chiếm đa số tại tỉnh Khyber-Pakhtunkhwa (biên giới Tây-Bắc) của sắc dân Pashtun, nơi bị máy bay tự động của Mỹ tấn công nhiều nhất.

Bối cảnh phức tạp đó khiến người ta nêu vấn đề là tại sao Hoa Kỳ lại làm suy yếu vị trí của Nawaz Sharif khi ông này chưa kịp ra mắt nội các?


image
Chi tiết rắc rối không kém là trong nội bộ tổ chức Tehrik-i-Taliban của lực lượng Taliban ở Pakistan, lãnh tụ số hai có thể vừa bị hạ sát là Wali-ur-Rehman lại có lập trường tương đối ôn hòa hơn thủ lãnh Hakeemullah Mehsud.

Trong nỗ lực hoà giải với Taliban, Nawaz Sharif đã vận động nhiều lãnh tụ Hồi giáo làm trung gian và vừa đạt kết quả đáng kể là được phe Taliban đồng ý mở ra cuộc đối thoại. Bây giờ, một lãnh tụ của họ, tương đối ôn hòa hơn, lại bị giết chết sau khi thủ lãnh sáng lập của họ là Baitullah Mehsud đã bị Mỹ hạ sát vào năm 2009 - cũng bằng máy bay tự động.

Trong bài diễn văn ngày 23, Tổng thống Mỹ đề ra bốn tiêu chuẩn sử dụng máy bay tự động là:

1) Có mối nguy cận kề.
2) Không thể bắt giữ hung thủ.
3) Chẳng còn cơ quan nào khác của Hoa Kỳ để giải quyết mối nguy đó.
4) Không gây tổn thất cho thường dân. Ba tiêu chuẩn đầu tiên cho thấy nhu cầu hạ sát Wali-ur-Rehman là chính đáng? Có tin được chăng?

Còn hậu quả chính trị? Vì sao lấy một quyết định chiến thuật có thể gây vấn đề chiến lược với tân chính phủ Pakistan?

image
Câu hỏi ấy trở thành nóng bỏng hơn khi người ta nhớ đến vụ biệt kích Hoa Kỳ hạ sát trùm khủng bố Osaba bin Laden của tổ chức Al Qaeda ngay trong lãnh thổ Pakistan vào đầu Tháng Năm năm 2011. Trong nghiệp vụ này, một bác sĩ Pakistan là Shakil Afridi đã ngầm cộng tác với an ninh Mỹ để truy tìm và xác định tông tích của bin Laden. Vì tội đó mà Afridi bị chính quyền Pakistan truy tố. Khưng sau khi Tổng trưởng Quốc phòng (nguyên Giám đốc CIA có công trong vụ diệt trừ bin Laden ) là Lenon Panetta chính thức xác nhận vai trò của Afridi thì coi như đương sự hết đường chạy. Tuần qua, gia đình bác sĩ Afridi than phiền về chuyện đó.

Cũng lại là một nạn nhân vô tình của Hoa Kỳ. Hoặc của sự vô tình rất Mỹ, nhằm giải quyết nhu cầu của Hoa Kỳ mà không lý tới hậu quả cho người khác. Vì vậy mới có câu hỏi rằng có thể tin vào Hoa Kỳ hay chăng. Câu hỏi ấy đang là thời sự trong nhiều quốc gia Á Châu khi Hoa Kỳ công bố việc "chuyển trục về Đông Á".


image
Khi nghe thấy lãnh đạo nước Mỹ tuyên bố hai năm về trước như vậy, nhiều người ngớ ngẩn hay phục Mỹ - hai khái niệm ấy là một – vội ngợi ca ngày dân chủ sắp tới cho Việt Nam. Hoặc ngày nước Mỹ sẽ gằn giọng với Trung Quốc và căng dù bảo vệ các nước Đông Nam Á với 60% các chiến hạm sẽ được đưa về Thái bình dương.

Đùng một cái, chính trường Mỹ bỗng tranh luận về việc Hoa Kỳ mắc nợ và phải tiết giảm bội chi ngân sách. Ngân sách quốc phòng cũng bị cắt khiến Tổng trưởng Quốc phòng Panetta phải la trời. Lực bất tòng tâm? Nhưng cái tâm đó nằm ở đâu?


image
Chỉ vì đầu năm nay, Hoa Kỳ chính thức mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận RIMPAC vào năm 2014 tới đây. Và Hải quân Trung Quốc vừa hoan hỉ nhận lời.

Vài hàng về bối cảnh: Xuất hiện từ năm 1971, giữa cuộc chiến Việt Nam, sáng kiến thao dượt hai năm một lần và có tên là RIMPAC được Hoa Kỳ đề nghị cho các đồng minh của vành cung Thái bình dương. Về sau, sáng kiến được mở rộng từ năm nước ban đầu ra nhiều quốc gia khác và lần thao dượt thứ 23 vào năm ngoái đã có 22 nước tham dự. Hạm đội Thái bình dương của Mỹ là đơn vị chủ chốt cùng các nước khác tổ chức thao dượt để đối phó với mọi tình huống bất ngờ như cấp cứu nơi bị thiên tai, hải tặc, khủng bố hoặc chiến tranh trong khu vực.

Trung Quốc là cường quốc Thái bình dương không tham gia vòng RIMPAC mà chỉ gửi quan sát viên tới xem. Sự vắng mặt là điều hiểu được nếu người ta nghĩ đến kịch bản đột biến tại bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan hay các quần đảo đang có tranh chấp với Trung Quốc, từ vùng biển Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á....


image
Nhưng làm sao hiểu được khi Chính quyền Obama lại mời Trung Quốc tham dự trò chơi này sau khi cả khu vực Đông Á đã thấy ra thái độ rất ngang ngược của Bắc Kinh? Khi Hoa Kỳ nói "chuyển trục về Đông Á" thì phải chăng điều ấy có nghĩa là mở rộng sự hợp tác với Trung Quốc từ kinh tế qua an ninh và cả quân sự? Chúng ta có thể tin được Hoa Kỳ hay không?

Câu trả lời thực tiễn nhất là nên tin vào nước Mỹ khi siêu cường này cần bảo vệ quyền lợi của mình. Quyền lợi đó chưa chắc đã phù hợp với mục tiêu của nước khác.

Bài này khởi đầu với chuyện máy bay tự động, xin kết thúc bằng chuyện đó.

image
Loại máy bay này không phải là không người lái, mà là người lái không ngồi trong máy bay mà điều khiển từ rất xa. Người ta gọi chung loại khí giới đó là "drone", có thể là máy bay trinh sát hay thám báo nhỏ xíu hoặc oanh tạc cơ có trang bị hỏa tiễn. Những gì mà ta được biết về loại võ khí này chỉ là phần nổi của thực lực quân sự. Hôm 14 vừa qua, cái phần nổi đó bỗng làm Trung Quốc giật mình.

Trên hàng không mẫu hạm USS George H. W. Bush, Hải quân Mỹ đã "bắn thử" một máy bay tự động, nhưng là loại siêu hạng X-47B có khả năng tàng hình. Giới quân sự đều biết là Không quân Hoa Kỳ đã ráo riết triển khai kỹ thuật tàng hình, bây giờ, đến lượt Hải quân. Sau giai đoạn thử nghiệm (vì vậy mới có tên "X"), chiến đấu cơ tàng hình X-47B có thể đảo lộn tương quan lực lượng và cả chiến lược của Hoa Kỳ.


image
Xưa nay, chiến lược của xứ này là kết hợp đồng minh ở mọi nơi để nơi nào cũng có căn cứ hay tiền trạm hoặc bãi đáp khi hữu sự. Nghịch lý ở đây là trong khu vực Tây Thái bình dương – mà ta gọi là Đông hải - Hoa Kỳ có rất ít căn cứ không quân. Với những phương tiện mới – máy bay tàng hình không người lái - Hoa Kỳ có thể khỏi cần nhu cầu đó nữa. 

image
Nhìn từ quan điểm quyền lợi, Hoa Kỳ không đánh giá thấp tầm quan trọng của miền Tây Thái bình dương và cả mối nguy từ Trung Quốc. Siêu cường này có khả năng đối phó, lại còn đối phó bằng nhiều phương pháp chìm nổi và luôn luôn nói thật – nhưng không nói hết. Các chính khách đều có thể theo mùa mà nói thật, mà chỉ một phần của sự thật mà thôi.

image


Ai dại mà tin thì ráng chịu!
Nguyễn Xuân Nghĩa
  

Một tai họa dịch thuật

image
Một tai hoạ dịch thuật (cây gạo = plant rice)

Một tai hoạ dịch thuật đã xảy ra. Liên hiệp các hội khoa học và kĩ thuật Hà Nội (HUSTA) mới làm “Lễ công nhận Cây di sản Việt nam Cây Gạo Đền Mõ, Hải Phòng”. Sẽ không có gì để nói nếu như không xảy ra chuyện dịch cây gạo này thành một thứ tiếng Anh rất khó hiểu. Cây gạo đại thụ được dịch là Plant Rice University Acceptance. Không dừng ở đó, người ta còn dịch chữ Giáp Thân là Body Armor. Không lẽ học thuật ngày nay tệ như thế sao?
image
Ông Nguyễn Đức Toàn, Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc
Việc dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh có khi rất nan giải và khó khăn. Trước đây cũng xảy ra một tai nạn chuyển ngữ trong vài bài nhạc (có đề cập ở đây). Ấn tượng nhất là câu you inside me after class mà người dịch muốn nói em bên tôi một chiều tan lớp. Tưởng rằng đó chỉ là tai nạn hi hữu, ai ngờ một hiệp hội khoa học kĩ thuật mà cũng mắc phải một lỗi lầm rất ư sơ đẳng về dịch thuật. Tấm bia dưới đây ghi rõ cây gạo đại thụ mà người ta dịch là Plant Rice University Acceptance. Nói cách khác, dịch từng chữ:

image
Cây = plant (nghĩa thật là cây hay trồng trọt)
Gạo = rice (gạo) 
Đại = university (đại học) 
Thụ = Acceptance (chấp nhận) 
image
Thoạt đầu, tôi không nghĩ ra tại sao người ta có thể dịch như thế, nhưng một bạn đọc chỉ ra rằng đó là sản phẩm của google translation. Thật vậy, khi tôi truy cập tranghttp://translate.google.com.au/#vi/en/ và gõ “Cây Gạo Đại Thụ” thì được kết quả “Plants Rice University Acceptance”. Nhưng nếu tôi gõ “cây gạo đại thụ” thì được kết quả “giant rice plants”! Khi tôi gõ “Giáp Thân” thì google translate cho biết đó là “Body Armor”. Như vậy thì đã quá rõ ràng, người dịch chỉ đơn giản dùng google translate. Thật là một tai họa!

image
Đây là "đỉnh cao của trí tuệ ...loài  người"
image
Đây là "đỉnh cao của trí tuệ ...loài  người"
image
Ông Nguyễn Quang Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Phúc, Trưởng ban Quản lý di tích đền chùa Mõ

image
TS. (Thất Sách) Nguyễn Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ TN&MT VIệt Nam đọc Quyết định công nhận Cây di sản
Một bạn đọc cho biết cây gạo có tên khoa học là Bombax ceiba. Có lẽ nên dùng tên này, chứ không nên dịch là “cây gạo”. Do đó, tôi nghĩ cây gạo đại thụ chắc nên dịch là An Ancient giant Bombax ceiba. Bạn nào am hiểu thực vật có thể đề xuất một cách dịch khác hay hơn.
Kim Anh
 

2 comments:

  1. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  2. anh bỉnh ơi, cho em làm quen với anh nhé, em tên là Chấn Phong ạ mời anh ghé chơi nhà em nhé anh, em mới xây đây ạ anh bỉnh. Còn nhiều sai xót lắm mong anh bỉnh có thể chỉ dạy em thêm ạ. chào anh.


    ReplyDelete

quangnm