Tuesday, July 2, 2013

BÀO MAI 2.7.2013

Cái duyên Nam Bắc

image
Khi ngồi viết những giòng chữ này thì vợ cháu đang ngủ say sưa trên giường. Nhìn đôi chân dài thườn thượt của bà thò ra khỏi chăn, tự nhiên cháu bật cười.
Thì ra vợ cháu cũng thuộc loại…chân dài ra phết, cao xấp xỉ 1,70 mét chứ chẳng phải chơi. Năm ngoái gặp lại đám bạn cũ cùng binh chủng, trong lúc chụp ảnh chung bỗng có thằng la lớn : “Chúng mày ơi ! đứng bên cạnh bà này chắc ông phải kiễng chân lên mời xứng!“, làm vợ cháu ngượng chín người.

Nghe nói bên Việt Nam bây giờ người ta tung hô tán tụng “những cô gái chân dài“ dữ lắm, làm phim, lên ảnh, quảng cáo rùm beng, làm các cô cứ tưởng mình là cái rốn của vũ trụ không bằng.

Có điều lạ là hầu như các mợ toàn là gốc miền Bắc, nói năng giọng Bắc, nhìn đời với con mắt người Bắc và cư xử thì cứ “tự nhiên như người Hà Nội“. (Bật mí cho các cụ nhé: bây giờ thì đa số các mợ Hà Nội chính gốc đã thi nhau làm “con chim đa đa“ bay qua xứ khác lấy chồng xa hay đi kiếm cơm hết ráo, còn lại toàn là gốc Hà-Nam-Ninh hay Thanh-Nghệ-Tĩnh lên Hà Nội lập nghiệp).

image
Hay là ông Trời sinh ra người càng ở vùng phương Bắc thì da càng trắng, mũi càng cao và chân càng dài, cứ nhìn mấy ông Tây bà Đầm là biết ngay.

Thế nhưng ”bà già chân dài” vợ cháu lại là dân Nam kỳ tuốt luôn tận phương Nam, là thứ Nam kỳ chính hiệu con nai vàng, quê Cái Bè, nội Cái Răng, ngoại Cái Dồn. Hoá ra “mũi cao, chân dài“ đâu phải độc quyền của các mợ Bắc Kỳ 75, các mợ nhờ “tàn dư đế quốc“ nên chỉ mới xuất hiện sau này thôi, chứ ngay trong „thời kỳ chiến tranh“ cách đây mấy mươi năm thì “mũi cao, chân dài“ như Nam kỳ vợ cháu đã nhởn nhơ đầy đường. Đúng là một cọng giá “thời kỳ chiến tranh“ vẫn hơn một gánh rau muống “thời kỳ hoà bình đổi mới “!

Bố mẹ cháu sinh cháu ra tại miền Bắc, học hành và lớn lên cùng với gia đình trong miền Nam, để rồi trưởng thành tận ngoài miền Trung. Từ những tính chất của ba miền đã hợp lại tạo nên cháu thành một thứ “hẩu lốn“: “như canh chua nấu với...rau muống, giá sống ăn với...bún riêu, nhậu bia với ché mà lại chấm với ...xì dầu". Thế nhưng cái bản chất Bắc kỳ vẫn là cái cốt lõi trong con người cháu từ lúc sơ sinh, vẫn Bắc kỳ rau muống mắm tôm, Bắc kỳ truyền thống, Bắc kỳ muôn thuở...Nhưng ông Trời oái oăm lại sai ông Tơ bà Nguyệt xe duyên cháu làm thằng tù khổ sai chung thân cho một bà vợ Nam kỳ quốc. Lạ thật ! Duyên hay nợ đây Trời!


image
Hình minh họa

Hồi còn bé, thú thật cháu chẳng ưa gì Nam kỳ. Còn ghét, còn hận nữa là khác. Chuyện cũng dễ hiểu thôi : lần đầu cắp sách đến trường tiểu học Bàn Cờ ở quận 3, Sài Gòn, chỉ có cháu với một thằng nhô nữa là Bắc kỳ. Thằng này có hàm răng đưa hơi xa ra phía trước, mà văn chương Bắc kỳ gọi là “vẩu“, còn Nam kỳ gọi đơn giản và rất tượng hình là cái “bàn nạo dừa“. Bố nó (không vẩu tí nào) rất thân với bố cháu (cũng chẳng có bàn nạo dừa) vì cả hai gia đình cùng đi chung chuyến tàu “há mồm“ vào Nam năm 54.

Hai thằng Bắc kỳ con nhất định ngồi cạnh nhau tạo thế liên hoàn “dựa nhau mà sống“ trong cái lớp học 27 trự Nam kỳ con. Bọn chúng hè nhau trêu chọc, ăn hiếp hai đứa chúng cháu. Mỗi lần ra chơi hai thằng Bắc kỳ con luôn tìm chỗ ít người mà đứng để khỏi nghe bọn Nam kỳ đọc thơ chọc quê chửi bới. Thằng Vọng, đứa đầu xỏ và to con nhất đám (bây giờ đang ở Canada) leo lên cây vú sữa giữa sân, đọc thơ rang rảng:

"Bắc kỳ ăn cá rô cây
Ăn nhằm lựu đạn...chết cha Bắc kỳ "


Một thằng khác sẵn giọng phụ họa:

"Có cái thằng nhỏ nó đao làm sao
Lỗ đ. nó dính cái cọng rao,
Người ta ai mà kỳ như dzậy ?

Thế là cả bọn đồng loạt chỉ ngay vào bọn cháu rồi rống lên: "Thôi rồi ! Bắc kỳ, Bắc kỳ!”

Cháu tủi thân lắm ! Ôi thôi ! buồn da diết, buồn vô biên, buồn phát nghiền !

image
Hình minh họa

Về nhà hỏi mẹ tại sao gia đình mình lại vào đây làm quái gì để chúng nó trêu con suốt ngày. Mẹ cháu rướm nước mắt, xoa đầu cháu giải thích đơn giản:

- Tại vì người ta đánh nhau quá nên gia đình mình phải "ri cư" vào đây con ạ ! Thôi chịu khó đi con, mẹ biết làm sao bây giờ !

Nào đâu đã hết, chúng nó còn hè nhau tụ tập trước cửa nhà cháu. Mẹ cháu cầm chổi lông gà ra đuổi. Chẳng đứa nào sợ, trái lại còn tru tréo to hơn. Chợt thấy hàm răng của mẹ cháu nhuộm đen ngòm và bóng loáng, thế là chúng nó cứ thế mà gào:

Bắc kỳ ăn cá rô cây
Ăn nhằm cục c. , hàm răng đen thùi


image
Hình minh họa
Trong gia đình, chỉ có bố cháu là chẳng thằng Nam kỳ con nào dám giỡn mặt. Có lẽ nhờ khuôn mặt có oai hay nhờ đôi mắt nghiêm khắc của ông, mà chúng sợ một vành không dám trêu chọc một lời ?

Ngày tháng qua mau, cứ thế mà đám Bắc kỳ "ri cư”, trong đó có gia đình cháu, vẫn sống phây phây trên mảnh đất Nam bộ lạ hoắc nhưng trù phú này. Những cảnh chọc quê dần dần biến mất, bạn bè nhiều hơn, trong đó dĩ nhiên không ít đứa Nam kỳ. Đứa Sài Gòn chính tông, đứa Sa Đéc, đứa Vĩnh Long, đứa Mỹ Tho, Cần Giuộc...Nhưng đứa nào cũng chửi cháu là "thằng Bắc kỳ lắm mồm”. Không "lắm mồm” chứ để chúng mày ăn hiếp ông hả ?

Nghĩ cho cùng, không "lắm mồm” thì đâu còn là Bắc kỳ nữa ! Thứ "lắm mồm” được việc, "lắm mồm” nghe vẫn bùi tai, "lắm mồm” dễ mến, thiếu thì nhớ, vắng thì mong, "tay chơi” nhưng vẫn "chân tu”, gái Nam kỳ cứ thế mà..."lắc lư con tàu đi”. Càng lớn lên cháu càng khoái Miền Nam, khoái Sài Gòn, nơi dễ có nhiều bạn, mà bạn lại không tồi. Nơi đó có dừa xiêm dzú sữa, có chè đậu xanh bột báng nước dừa, có bánh bèo trét mỡ trắng phau phau, có nước mắm đường ngọt lịm, có cá bống trứng kho tiêu, có trái cóc ngâm đường cắm que cà rem chấm muối ớt, có quán cơm bà Cả Đọi, có cả những con đường hẻm ngoằng nghoèo dẫn đến nhà ...chị Tình.

image

Miền Nam và Sài Gòn thật trong veo khoáng đạt, không tự tôn như cái Bắc kỳ đã có sẵn từ bẩm sinh trong bụng cháu, không rườm rà "màu mè ba lá hẹ”, chân thành thật thà, thẳng ruột ngựa, không làm vẫn có ăn, chơi xả láng sáng về sớm, để rồi vẫn cứ yêu người, yêu đời.

Có lẽ cũng cùng một cảm nhận như thế nên đám Bắc kỳ "ri cư” chúng cháu mới vào Nam chỉ có cái quần xà loỏng trên "tàu há mồm” đã lợi dụng thời cơ hè nhau tung ra dành dân chiếm đất khắp cõi Nam bộ, mà lại ăn nên làm ra trên mọi lãnh vực, trong đủ tầng lớp xã hội, nhất là vùng Sài Gòn Gia Định và các vùng phụ cận, chỗ nào làm ăn ngon lành thuận lợi là mấy mợ Bắc kỳ rau muống sang tay hàng loạt, ngoại trừ phía bên trong chợ Bến Thành và vùng Chợ Lớn, vì chẳng thèm "kèn cựa” với các chú Ba. Đã bảo rồi mà...: " Bà đã nàm thì nàm thật chứ không thèm nàm nấy ne, nàm nấy nệ !”

Từ sau năm 75 thì Bắc kỳ lại càng ăn trên ngồi trốc, các cụ không tin cứ mở cái máy "dzô tuyến chuyền hình” hay cái "ra dzô” ra thì thấy liền, các "xướng ngôn dziêng” hầu như "chăm phần chăm” đều là Bắc kỳ, không cậu thì mợ. Còn các mợ tiếp dziêng "E Việt Nam”, mợ nào mợ nấy đều khoe "em người Hà Lội” hết ráo ! Chẳng biết tại "dziêng dzáng” hay ”phe đảng” ?

image
Bố cháu trái lại, cái chất Bắc kỳ đã ăn vào máu, thấm vào cốt lõi xương tủy của ông từ bao đời, nhất quyết bắt anh em cháu phải thi vào trường Chu Văn An (CVA), con em gái phải thi bằng được vào trường Trưng Vương, toàn là những trường nổi tiếng từ miền Bắc, kéo theo các thày cô "ri cư” vào Nam. Phần vì bố cháu là cựu học sinh trường Bưởi, phần vì ông cũng có chút thiên kiến và ít tin tưởng vào các trường miền Nam như Petrus Ký hay Gia Long. "Mình dân Bắc thì phải học trường của người Bắc, chúng mày đừng có bàn với bạc lôi thôi !”, bố cháu phán cứ như đinh đóng cột.

Mà lạ thật ! Vào học Chu Văn An mới thấy toàn đám học sinh Bắc kỳ, le que vài trự Nam kỳ lạc lõng vô duyên, đếm chưa đủ mười đầu ngón tay đã hết đứa Trung kỳ. Cho đến các thày đa số cũng lại Bắc kỳ nốt, từ thày hiệu trưởng Dương Minh Kính đến thày thi sĩ Vũ Hoàng Chương.

Còn bên Petrus Ký thì ngược lại, hầu hết Nam kỳ. Hóa ra vung nào thì vẫn cứ đi tìm nồi nấy, hay hoặc giả có chính sách của chính quyền thời đó hay không ? Chẳng thành vấn đề, chỉ biết bọn Nam kỳ Petrus Ký châm biếm đổi tên Chu Văn An thành ...Chết Vì Ăn ! Cháu tức máu trả đũa, rằng chúng mày ghen ông vì chúng mày chiêm ngưỡng các em Bắc kỳ Trưng Vương mà thèm nhỏ dãi, nhưng sờ vào thì chúng mày sẽ thành con dế mèn để các em Bắc kỳ thọc cọng nhang sau gáy thổi quay vòng vòng ! Tức quá, mấy trự Petrus Ký chỉ biết "ngậm ngùi” đồng ca bản ”Khúc nhạc đồng quê” rằng thì là:

image
"Quê hương tui Bắc kỳ nhào dzô quá trời
Bên bờ sông bên bờ ao...trồng rau muống !”

Hay cũng là: "Quê hương tui cái mùng mà kêu cái màn !....”


Thôi thì cũng đúng thôi ! Mấy trự Nam kỳ hay Trung kỳ chỉ cần nghe một mợ Bắc kỳ uốn éo ra chiêu vài đường lưỡi thì đã nhũn như chi chi, mắt trợn ngược, mồm há hốc, quên luôn cả tên họ mình. Chỉ có trai Bắc kỳ mới trị nổi các mợ Bắc kỳ thôi ! Này nhé, các cụ cứ chịu khó nhìn chung quanh đi, cứ một trăm trự Nam kỳ chưa chắc có được một trự vớ được một mợ Bắc kỳ.

Tìm mỏi con mắt mới có một trự "diễm phúc” bế được một mợ mang về nhà thì bảo đảm suốt cuộc đời còn lại chỉ biết bốn chữ "gọi dạ bảo vâng”, răm rắp tuân lệnh bà, chẳng bao giờ còn nhìn thấy mặt trời, mặc dù suốt ngày ngửa mặt than Trời ! Đấy mới chỉ là các mợ Bắc kỳ 54 thôi nhé ! Gặp cỡ các mợ 75 hay các mợ quê quán Hà Đông hay Bắc Ninh "...cầm roi dạy chồng” thì ôi thôi ! cái te tua nó kéo luôn theo cả tông ti họ hàng, suốt đời hưởng "cái thú đau thương”, nghe chửi cứ tưởng nghe...hát. Hỡi các chú Nam kỳ hậu sanh: chớ chơi dại!


image
Đừng nghe ông Phạm Duy hát bài "Cô Bắc kỳ nho nhỏ” mà ham, lừa đấy ! Gặp Nam kỳ thì cái "nho nhỏ” kia sẽ phình to hơn cái vại, mà cái vại có nanh ! Ngược lại, một cậu Bắc kỳ rau muống quơ được một cọng giá Nam kỳ "đem về dinh” –vụ này nhiều lắm- thì cứ như "rồng thêm cánh”, như "diều gặp bão”, như lái ô tô không cần Navigation.. . cả đời có người "nâng khăn sửa túi” không công. Hóa ra hôn nhân cũng có quy luật đấy chứ:

Chồng Bắc kỳ + vợ Bắc kỳ = Vợ chồng đề huề, nếu biết cách
Chồng Bắc kỳ + vợ Nam kỳ = Chồng phây phả, phè cánh nhạn.
Chồng Nam kỳ + vợ Bắc kỳ = Chồng te tua, lưng còng.


Nhưng đã là "luật” thì bao giờ cũng có "luật trừ”, nghĩa là cháu không dám vơ đũa cả nắm đâu, với lại cháu chỉ lợi dụng cái "tự do ngôn luận” trên xứ người, xin bàn bậy vài chữ ngu ngơ để các cụ trong lúc "trà dư tửu hậu” đem ra trước là mua vui, sau là cho bớt chút căng thẳng trong cái cuộc đời ... đen như mõm chó này. Xin lỗi các cụ, nẫy giờ nói loanh quanh mãi, bây giờ cháu xin trở lại chuyện của cháu.

Bố cháu nghiêm khắc lắm và dĩ nhiên giáo dục con cái theo truyền thống Bắc kỳ. Đã có gốc có ngạnh, có cả sự nghiệp bề thế trong Nam nhưng vẫn...thờ cơm Bắc kỳ, vẫn lễ phép Bắc kỳ, vẫn giữ giọng nói Bắc kỳ và thậm chí còn ra lệnh, dâu rể cũng phải...Bắc kỳ ! Mỗi lần cháu dẫn bạn gái về nhà, bố cháu liếc mắt một cái là biết ngay cô nàng Bắc hay Nam.


image
Có một ông bố tinh đời như thế đôi khi lại...phiền. Với một mợ Bắc kỳ, bố cháu thân mật tươi cười "Cháu vào nhà chơi ! bố mẹ cháu khỏe mạnh không ?”, cứ làm như quen biết từ lâu vậy. Gặp cô ả Nam kỳ thì lạnh nhạt khinh khỉnh "Không dám, chào cô !” Cô bạn gái Nam kỳ mặt nghệt ra thưởng thức văn chương Bắc kỳ, còn cháu nghe qua mà thốn từ dạ dầy đến ruột non.

Nghe Bắc kỳ chê, nghe Bắc kỳ chửi, mà cứ tưởng mình đang nghe thơ phú hay nghe nhạc êm dịu mới chết chứ ! Nếu quen cô nào Trời sinh có mấy cái vòng hơi...sexy một tí, Bắc cũng như Nam, cháu phải dấu biệt vì sợ lựu đạn nổ tung trong nhà. Điệu này coi bộ hơi khó sống. Thôi thì Bắc Trung Nam cũng một nhà, hạnh phúc lứa đôi đâu phải do thằng hàng xóm, mà là do chính mình. Thế rồi cháu đã từng hạ quyết tâm với bố: lấy vợ Bắc kỳ, cho phải đạo làm con. Em nào Bắc kỳ, rước về nhà cho bố xem mặt mà bắt hình dong (cứ như đi mua gà chọi). Em nào Nam kỳ, điểm hẹn sẽ là mấy ống cống dưới gầm cầu xa lộ Đại Hàn.


image
Thiên bất dung gian! cháu lại phải lòng một ả Nam kỳ, Nam kỳ không lai giống, cái thứ Nam kỳ Gia Long kên kên xí xọn. Hồi đó cháu đi lính Không Quân của miền Nam, thấy đám phi công trời đánh đa số cũng đều là Bắc kỳ, chẳng hiểu tại sao? Dân Nam kỳ cũng có, Trung kỳ lại càng ít hơn, nhưng đứa nào cũng có ..."cái mồm Bắc kỳ”.

Cháu còn nhớ khi thi gia nhập Không Quân, phải đủ ký lô, đủ kích thước, lục phủ ngũ tạng bị khám tuốt luốt, phải trần trùng trục như con nhộng rồi nhẩy lên nhẩy xuống cho mấy ông bác sĩ ..."vạch lá tìm sâu”, chứ đâu có thi tuyển đứa nào "lắm mồm”! Thế mà thằng nào thằng nấy đều có cái "chứng chỉ lắm mồm” cao hạng dấu kỹ trong túi áo bay.

Một hôm đang trực phòng hành quân thì ông xếp (ông này Nam kỳ quốc) hỏi có thằng nào rảnh ra phi đạo chở con cháu gái vợ của xếp theo tàu từ Sài Gòn ra Nha Trang đem về nhà bà vợ đang có bầu sắp đẻ. Tưởng đi biệt phái hành quân chứ cái màn này cháu khoái lắm: "Chuyện nhỏ mà xếp, có tui ngay”. Ông xếp của cháu cũng chẳng vừa, nhìn thấu tim gan thằng đàn em : "Lẹ lẹ lên coi, tàu sắp đáp rồi đó, sách tao mày học hết còn dư có cái bìa, nhưng mà từ từ thôi nghe cha nội, lạng quạng con mẻ chửi tao thấy bà !” Lúc đó cháu đâu có ngờ rằng, cái chuyện nhỏ như mắt muỗi này lại thành chuyện lớn, lớn khủng khiếp, ảnh hưởng đến hết cả cuộc đời cháu !


image
Cô cháu gái ông xếp không có cái dạng "ngực tấn công, mông phòng thủ” như trong "xi la ma”, thế mà ngay từ phút ban đầu cháu đã bị dáng ngay tim một cái búa tạ chình ình chứ chẳng phải tiếng sét tầm thường.

- "Cô đi máy bay có mệt lắm không ?”
– "Dạ !”.
-"Ra thăm cô dượng hả ?”
– "Dạ !”.
-"Cô lên xe đi, tôi đèo cô về”
--"Dạ !”...

Chèng đéch ơi ! sao mà cụt ngủn cộc lốc thế bà nội ? Cái gì cũng ”dạ” hết ráo thì cháu biết đâu mà rờ ! Đúng gái Nam kỳ ! Chợt nghĩ, không biết bà dzợ xếp tới giờ này có còn ”ngây thơ”, ”dạ dạ” với xếp như dzậy nữa hay không ? Xếp cháu đang ở San José, nếu xếp có đọc những giòng chữ này thì xếp cũng bỏ qua dùm vì thằng em đã thuộc lòng trọn bộ sách của xếp từ khuya rùi !

Từ đó cháu với nàng rủ rỉ rù rì cùng nhau đánh vần mấy chữ ”hình như là tình yêu”. Cuộc tình của cháu với nàng êm ả như quả lắc đồng hồ treo trên tường phòng khách nhà cháu, nhưng mỗi khi nghĩ đến bố cháu thì quả lắc đồng hồ bỗng ngất ngư như bị đứt dây thiều. Thương quá, cháu đánh liều, ”mấy sông anh cũng lội, mấy đèo anh cũng qua”, chuyến này nhất quyết không chui ông cống gầm cầu xa lộ, mà dắt nàng về nhà trình diện bố. Bố vẫn khinh khỉnh: ”Không dám ! chào cô”. Nàng vui tính: ”Ba anh coi ngầu quá hén!”, cháu tỉnh bơ: ”Không ngầu sao làm bố anh được !”.


image
Hình minh họa
Thật ra thì bố cháu đâu có ghét Nam kỳ, ông chỉ phàn nàn rằng dân Nam kỳ được trời đãi, cho sống trên mảnh đất mầu mỡ phong phú, không làm vẫn có ăn, mà lại ăn ngon nữa, nên có tính lè phè, hoang phí, không chăm chỉ hạt bột, không cần cù tiết kiệm như Bắc kỳ. Ông chỉ vì thương con, lo cháu lấy nhằm cô vợ Nam kỳ cả ngày chỉ biết...phè cánh nhạn, ăn no lại nằm, thì con cưng của ông sẽ thành thân trâu ngựa suốt đời. Còn mẹ cháu, vốn dĩ nhà quê răng đen mã tấu bảo rằng, nghe Nam kỳ nói chuyện cứ tưởng nghe tiếng nước ngoài, chỉ hiểu một nửa ! Cháu cãi lại, Bắc kỳ cũng có khối đứa lười, lười như..cháu đây là hết mức rồi !

Một hôm cháu đưa nàng về nhà, gặp lúc bố mẹ cháu sửa soạn mở tiệc đãi ông bác từ Hố Nai lên thăm. Ông bác vui tính bảo tiện bữa ngồi ăn luôn, cháu đang chần chừ thì nàng vén áo hạ ngay cái bàn tọa tròn lẳng xuống ghế, cháu kéo lên không kịp. Cháu thủ thỉ giải thích cho nàng rằng, đi đâu gặp khách Bắc kỳ mời ăn thì chớ có ăn liền, cứ để người ta mời dăm lần bẩy lượt, ăn liền người ta chửi mình...chết đói !

Nam kỳ thì thẳng ruột ngựa, mời là cháp lẹ, không cháp dọn xuống bếp, đói ráng chịu, không mời lần thứ hai, ai biểu mời không ăn ! Bỗng mấy đứa em cháu thay phiên nhau : ”Mời bác xơi cơm, mời bố xơi cơm, mời mẹ xơi cơm, mời anh xơi cơm, mời chị xơi cơm”, mời... mời... mời tùm lum!. Thằng em út cháu mời dài nhất, mời lâu nhất, mời từ trên xuống dưới , trong nhà chỉ có con Tô Tô đang nằm chực dưới gầm bàn là nó không mời. Nó lại chẳng được ai mời để xơi, út mà ! nhưng rồi vẫn xực ào ào !

Cô bạn Nam kỳ của cháu trố mắt nhìn cháu chẳng hiểu chuyện gì xảy ra. Cháu vội ghé tai thì thầm:

- Em mời gia đình ăn cơm đi !
- Ủa ! gia đình anh mời em ”ăng” mà ? Bộ ”ăng” cũng phải mời...mời...xơi ...xơi sao?

Nàng ấp a ấp úng cũng ráng mời:

- Dạ mời bác, mời bác, dạ mời... à... à... mời anh, mời em...

Chợt bố cháu lên tiếng:

- Thôi đủ rồi, cháu mời người trên thôi, còn mấy em cháu không phải mời...Mà hay thật ! Con bé này vui vẻ, ngoan ngoãn lắm ! Sao con cứ ăn hiếp nó mãi !

Nghe bố cháu nói mà bụng cháu cứ như mở cờ, ông còn cao hứng bảo khi nào nàng nấu cơm Nam kỳ cho gia đình cùng ăn. Cô nàng hí ha hí hửng nói liền:

image 
- Dạ ! (lại dạ!), để bữa nào cháu nấu bún(g) mắm dzới thịt heo ba rọi cho bác ăn(g), bún(g) mắm thịt ba rọi Trà Dinh ngoong nhức miền Nam nghe bác !

- Sao ? cô muốn búng hả ? Lỗ tai tôi đây này, muốn búng bao nhiêu thì cứ búng đi !


Thế là cả nhà cháu được một trận cười nắc nẻ. Nào đã hết đâu, mẹ cháu chợt bảo:

- Cháu xuống bếp lấy cho bác mấy cái ”cùi dìa” với cái ”muôi” để trong ngăn kéo đấy !

Nàng ngớ ra cứ như được nghe tiếng...Tây, nhìn cháu cầu cứu. Cháu cười hì hì khoái tỉ, ra cái điều thông thái giải thích ngay:

- Cái ”cùi dìa” Nam kỳ kêu là cái ”muỗng”, tại Bắc kỳ sống lâu với bọn Tây, chúng nó gọi là ”la cuiller” thì Bắc kỳ gọi luôn là cái ”cùi dìa” cho tiện. Còn cái ”muôi” Nam kỳ kêu là cái ”vá”, chữ ”vê” thì đọc là ”dê” cho nên gọi là cái ”dzá”, phải không ?

Nàng đỏ mặt, bĩu môi ”Cái đồ dzô dziêng, tui đi dzìa à nghen !”

Sau bữa cơm hôm ấy, hình như bố cháu bắt đầu ”chuyển hệ”, có vẻ gần gũi thân mật với nàng hơn vì thấy nàng thật thà, có sao nói dzậy, không bãi bôi, không vòng vo tam quốc, nhất là...không lười như ông nghĩ. Thừa thắng xông lên, cháu thủ thỉ với mẹ cháu là cháu muốn lấy nàng làm vợ. Mẹ bàn với bố, bố vẫn ngần ngừ.

Tại bố cháu không biết đấy chứ, cháu đọc lóm từ một quển sách nào đó người ta viết rằng, trong lịch sử nước ta hầu hết các vua chúa miền Trung đều có nhiều bà vợ bé, mà hầu như bà nào là Chánh Cung Hoàng Hậu cũng đều là Nam kỳ: vua Minh Mạng có rất nhiều vợ, đa số là các bà Nam kỳ, Chánh Cung là bà Hồ Thị Hoa, người Biên Hòa; Chánh Cung của vua Thiệu Trị là bà Từ Dũ, người Gia Định; Vợ chánh của vua Bảo Đại là bà Nguyễn Hữu Thị Lan (tức Nam Phương Hoàng Hậu), là người Gò Công. Mấy ông vua cũng tinh đời đáo để ! Nhưng cháu ”không phải là vua, nên mộng ước thật bình thường ”, chỉ xin ”...quỳ lậy Chúa trên Trời, sao cho lấy được ...con nhỏ Cái Bè con thương !”

image
Hình minh họa

Thật là oái oăm: cá đã cắn câu mà bố cháu vẫn chưa cho giựt cần! Tuy thế, thỉnh thoảng bố cháu cũng dò hỏi về gia đình nàng. Thì cháu đã nói rồi mà, ”quê Cái Bè, nội Cái Răng, ngoại Cái Dồn”, ruộng đất mênh mông, sông nước dập dình, ăn nói ”ngắn gọn và dễ hiểu” chứ không ”dài dòng nhưng khó hiểu”... kiểu Bắc kỳ ! Chấm hết!

Ngày vui nhất đời cháu là ngày bố cháu ra lệnh sửa soạn ”lên đồ dzía” đến thăm gia đình nàng. Sao bố cháu không nói thẳng thừng ra là đi ”hỏi vợ”, đi ”chạm ngõ” cho xong. Nhưng mà cần gì phải ”chạm ngõ” với lại ”chạm cổng” cho rườm rà rắc rối, nhà của nàng cháu biết từng phòng, quen từng góc, rõ từng cột.

Mỗi lần cháu từ đơn vị ”dù” về đều có chút quà biếu ba má nàng, cho mấy đứa em nàng và cho cả cô Ba giúp việc trong nhà (học theo sách dụ khị của xếp cháu đấy !). Lần nào gặp ba nàng là lần đó có...nhậu. Đồ nhắm lúc nào cũng có sẵn, lúc củ kiệu tôm khô, khi ra sau hè ngắt mấy trái xoài tượng chấm mắm nêm ngào ớt, kẹt quá cột sợi ny-lông dzô ngón chân cái, đầu kia cặm mấy con trùng liệng xuống sông, cũng câu được mấy con cá lên nướng làm mồi. Nam kỳ trù phú mà ! Ổng không nhậu bia nhậu rượu, mà nhậu đế; không nhậu bằng cốc hay ly mà nhậu bằng tô, tô nào tô nấy bằng cái bát ăn cơm nhà cháu. Thế mà ổng lúc nào gặp cháu thì cứ nói rằng: ”Dô dzới tao dăm ba sợi nghe mày !” 

image
Chưa tới nửa sợi cháu đã guắch cần cẩu ! ”Lính tráng như mày chi mà yếu xìu sao oánh giặc nổi ? Dzô cái coi !” Ổng thương, ổng coi như con như cháu, ổng mới kêu cháu bằng ”mày”. Tiếng ”mày” của Nam kỳ biểu lộ cái chân tình, sự gần gũi thân thương, không như Bắc kỳ khi đã xổ ra tiếng ”mày” rồi thì ... ô hô ! ô hô ! thiện tai ! thiện tai ! chạy cho lẹ !

Một hôm đang nướng con mực khô nhậu lai rai với ổng, bỗng có khách gõ cửa bước vào, mặt ổng sáng lên như sao băng, vừa cười vừa nói:

- Chèng đéc ơi anh Sáu Lèo ! hôm qua tui chờ qua qua mút chỉ cà tha, hôm qua qua nói qua qua mà qua hổng qua, hôm nay qua nói qua hổng qua mà qua lại qua, nay qua rồi có thằng rể tương lai tới thăm, nhào dzô chơi vài xị, hôm nay có ớt nè qua !

Nói chi mà cứ qua đi qua lại, qua tới qua lui, nói cũng như thơ phú đấy chứ, thế mà mẹ cháu cứ nói tiếng Nam kỳ nghe sao như tiếng...nước ngoài !

Bắc kỳ vẫn có câu ”dâu là con, rể là khách”, nhưng Nam kỳ thì ”dâu là con, rể cũng là...con luôn”. Bố dzợ chịu chơi lại gặp thằng rể cũng chịu chơi luôn, dzô ba xị rồi thì coi như...bạn, chơi xả láng sáng dzề sớm, còn má dzợ bỗng nhiên thành... chơi chịu ! Nàng kể cho cháu nghe, nhiều lần ổng đi nhậu quá giờ giới nghiêm chưa chịu về, cả nhà trông đứng trông ngồi. Chợt nghe tiếng xe Vespa quen thuộc chạy ngang nhà, cứ thế nghe cái ”dzù” rồi lại chạy mất tiêu, lại nghe cái ”dzù” rồi đi tuốt luốt ! Sinh nghi, nàng chạy ra cổng đón đường chặn xe : ”Ba ui ! Ba ui ! Tới nhà rồi nè !”. Ổng chợt tỉnh, quẹo dzô thắng cái ”két”, xe đổ cái rầm, ổng té cái đụi, miệng lèng nhèng ” Ủa, nhà mình đây rồi sao? Dzậy mà tao chạy dzòng dzòng kiếm hoài hổng ra !”

Ngày cưới, cháu chọn nhà hàng Đại La Thiên của chú Ba tuốt bên Chợ Lớn cho có vẻ trung dung, không Nam cũng không Bắc mà là cơm Tàu. Không xài Karaoke nhưng chơi nhạc sống. Có ông chú dzợ tên là Ba Phoóng làm nhạc trưởng cho mấy bà xồn xồn Nam kỳ lên sân khấu ca cải lương hà rầm. Hình như 7 thứ nghệ thuật của nhân loại đối với Nam kỳ đều tóm gọn trong mấy câu dzọng cổ thiệt mùi.
image
Hình minh họa

Đám cưới cháu người ta chụp nhiều hình lắm. Ông bố vợ coi hình gục gặc cái đầu: ”Chèng đéch ơi ! thằng rể tao chụp hình coi phông độ dzữ hén ! Ráng nghe mày !” Cháu chẳng hiểu ổng nói cháu phải ráng cái gì ? Nhưng có một cái cháu phải ráng là cái chắc, ai biểu ham dzợ Nam kỳ...mũi cao chân dài !
Còn bố cháu xem ảnh thì lại phán một câu xanh rờn: ”Con dâu bố chụp với bố ảnh này đẹp quá, giá mà đứng cạnh bố con khoanh tay lại thì còn đẹp hơn biết bao !”. Ông xếp cháu, khơi khơi tự nhiên thành ông dượng, sẵn có dăm ba ly nhưng mắt vẫn láo liên ngó bà cô, rồi len lén kể lể làm oai: ”Thấy chưa mày! Hồi đó tao xách máy bay xuống Vĩnh Long rồi lạng qua Cái Bè, mới lạng chơi dzài ba dzòng là dzớt luôn bà cô mày, ngon chưa !” Cám ơn ”ông xếp dượng” đã có công ”nối giáo cho giặc” rồi rước luôn giặc vào nhà. Còn mấy thằng bạn Không Quân quỷ sứ thì xúm nhau ca bản ”Mùa thu chết ”... đã chết rồi, cho mày...chết luôn!

Ngày qua ngày, cháu không chết mà vẫn sống nhăn răng với bà vợ ”quý phái bình dân”, bây giờ đã có 4 con với 3 đứa cháu ngoại để nựng. Nam kỳ cũng chăm chỉ đấy chứ ! Thế là xong một đời phiêu bạt giang hồ, bay bướm, quậy phá ! Được cái vợ cháu cưng cháu lắm (Nam kỳ mà!), bao nhiêu công việc trong nhà từ lau nhà, rửa chén, hút bụi, trồng cây, giặt đồ...vợ cháu dành làm hết ráo.

Bả nói ”tay chân ông như thằng cùi, làm đâu hư đó, để tui làm luôn cho lẹ !”. Cháu đi làm mang tiền về, bả cũng không thèm động tới, bảo rằng ”tui hỏng cần anh nuôi tui !” Thế nhưng vợ cháu ghen khỏi nói, trong vườn trồng nhiều ớt hơn trồng hoa, ghen có đẳng có cấp, ghen có kế hoạch, có phương án đàng hoàng. Ghen thì ghen, lâu lâu cháu cũng theo bạn bè...nhảy dù vài sô, về nhà im thin thít, thế mà bả cũng ”nghe” được mùi, lườm lườm, nguýt nguýt, rồi cũng huề tiền.

Sau này cháu mới khám phá ra vợ cháu rất sòng phẳng, đâu ra đó, nếu ”ăn bánh trả tiền” là...cho qua cầu gió bay, không thèm chấp. Một hôm vô tình đọc báo thấy tin cô Quờn, người Sóc Trăng, ghen chồng lăng nhăng, lẳng lặng lựa lúc chồng đang say túy lúy, xách con dao bếp cắt luôn...của quý của chồng đem quăng sau vườn. Cô Quờn ra tòa ngồi chơi 4 năm tù. Trời đất Thiên địa ơi! Nam kỳ mà ghen kiểu này chắc cháu chết sớm, cháu dấu luôn tờ báo, ai dè vợ cháu chu môi oỏng ẻng : ”Cái đó còn đỡ à nghen ! gặp tui là tui cho luôn dzô cái máy xay thịt rồi quăng cho bầy gà ăn, chớ giờ người ta dzăng minh lắm, khâu nối lại mấy hồi !” Má ơi là má ! Cháu nghe mà ớn lạnh xương sống! Chơi kiểu này thì hơn xa các mợ Bắc kỳ rồi ! Nhưng cháu lại được phép kéo bạn bè về nhậu...xả láng, nhậu ”vô tư”. Xỉn quá thì : “Anh mệt rồi nghen, uống ly nước đá chanh nè, rồi dzô đây em cạo gió hết liền !”. Bạn bè ói mửa tùm lum thì : ”Hổng sao đâu, anh ngồi tiếp mấy ảnh đi, em dọn cho !” Mấy thằng bạn có vợ Bắc kỳ ngó phát thèm !

image
Hình minh họa

Chắc khí thiêng sông núi Bắc kỳ linh thiêng hùng vĩ , hay nói theo khoa học hiện đại là cái ”dzen” Bắc kỳ quá mạnh, nên vợ cháu nửa dưới vẫn còn là Nam kỳ, nhưng nửa trên đã hóa thành Bắc kỳ: không nói ”bự bành ky” mà nói ”to vật vã”; không gọi ”trái bom” mà gọi ”quả táo”; thích ăn canh rau muống hơn nấu canh chua; nhưng đặc biệt nhất là ăn nói không còn ”ngắn gọn và dễ hiểu” như xưa, mà bây giờ thì.. ôi thôi ! ”dài dòng, ào ào như thác đổ”, nghe riết muốn khùng !

Bố cháu ăn ”bún(g) mắm thịt ba rọi” của vợ cháu nấu, đến phát nghiền, nghiền luôn cả chén nước mắn pha đường. Nhà cháu có bốn anh em trai thì bố cháu có tới ba ả dâu Nam kỳ, nhưng cả đám hợp lại vẫn thua xa một mợ dâu Bắc kỳ, ăn nói ngọt như đường phèn, dịu dàng khoan thai như thiên nga, thêm cái tài...chửi như hát di truyền. Thế là cái mộng ”dâu rể phải là Bắc kỳ” của bố cháu bị nước sông Cửu Long vùng
Nam bộ cuốn trôi tiêu tùng. Bố cháu bây giờ cũng rành ”sáu câu” về Nam kỳ lắm, ông bảo người ta nói rằng:

- ”Tính tình gái Nam kỳ giống như mưa Sài Gòn: đỏng đảnh nhưng mau quên; tính tình gái Bắc kỳ giống như mưa Hà Nội: âm ỉ và dai dẳng”.

Lợi dụng lúc ông đang vui vẻ, cháu bèn phụ họa :

- Bố biết không, người ta cũng bảo : ”Ở Sài Gòn nhiều em sinh viên giống như ca ve; Ở Hà Nội nhiều em ca ve giống như sinh viên”, đúng không bố ?

Bố cháu quắc mắt : ” Sao dám ăn nói lăng nhăng thế hả ?”.

image
Hình minh họa

Cháu chuồn nhanh kẻo ông nổi giận. Thôi thì đến nước này rồi, cúi xin các cụ cũng rộng lòng bỏ qua cho cháu nếu có gì gọi là thiên vị, bởi vì con gái Nam kỳ bây giờ đã là ”cây nhà lá vườn” của cháu, nên cháu đành phải ”ta về ta tắm ao ta”, ôm lấy cái ao Nam kỳ, ôm cứng cái cây sầu riêng Nam bộ cho phải đạo ”tình Bắc duyên Nam”, nếu không cháu phải ôm thùng mì gói suốt đời. Mong sao các cụ đọc xong rồi bỏ qua, cứ coi như một chuyện tầm phào, bởi vì cháu đã liều mình như mấy mợ Hà Nội làm con chim đa đa, không lấy vợ gần mà lấy vợ xa, xa tuốt luốt tận cái xứ Nam kỳ với giòng sông 9 cửa.



Nguyễn Hữu Huấn

10 bức họa nổi tiếng về phụ nữ

image

1. The Birth of Venus (Sự ra đời của thần Vệ Nữ)

Tác giả: Sandro Botticelli (Italy)
Năm hoàn thành: 1486

Sandro Botticelli là một họa sĩ thiên tài người Italy vào thời kỳ tiền Phục Hưng. The Birth of Venus là tác phẩm vĩ đại nhất của ông và được coi như là một biểu tượng của “Chân - Thiện - Mỹ”. Trong thần thoại Hy Lạp, thần Vệ Nữ được sinh ra từ bọt biển, là con của Chúa tể bầu trời - thần Uranus. Sự ra đời của thần Vệ Nữ trở thành một đề tài lớn trong hội họa, trong đó có những bức tranh rất nổi tiếng của Cabanel, Bouguereau hay Amaury Duval.
Tuy vậy, bức tranh của Botticelli vẫn được công nhận rộng rãi là tác phẩm hoàn hảo và kinh điển nhất. Trong tranh, thần Vệ Nữ được miêu tả có mái tóc mây vàng rực rỡ, làn da trắng muốt, gương mặt thánh thiện và làn môi mọng. Vệ Nữ có cơ thể tròn trịa, đầy đặn, tràn đầy sức sống, tượng trưng cho sự sinh sôi, tình yêu, hoan lạc và sắc đẹp.

image
2. Mona Lisa (Nàng Mona Lisa)
Tác giả: Leonardo da Vinci (Italy)
Năm hoàn thành: khoảng 1503 – 1506

Leonardo da Vinci là một thiên tài toàn năng người Italy: một họa sĩ, kiến trúc sư kiệt xuất, một nhạc sĩ, một kỹ sư siêu việt, một nhà khoa học đi trước thời đại…Mona Lisa, không nghi ngờ gì, là tác phẩm hội họa nổi tiếng nhất thế giới, được coi như chuẩn mực của cái đẹp.
Bức họa thể hiện một người đàn bà đầy đặn, trông có vẻ phúc hậu đang đan tay vào nhau, khóe miệng khẽ giãn ra một nụ cười hư ảo. Hậu thế đã cố gắng phân tích bí ẩn trong nụ cười của nàng Mona Lisa: nàng đang cười hay không cười, nụ cười đó có ý nghĩa gì, làm sao da Vinci có thể tạo nên một nụ cười như vậy… nhưng chưa bao giờ đưa ra được câu trả lời thỏa mãn. Đã có hàng loạt giả thuyết, huyền thoại xung quanh nguyên mẫu của bức tranh.

Người ta tranh cãi nguyên mẫu của bức tranh là mẹ của họa sĩ, một gái điếm, vợ của một thương gia giàu có, người tình đồng giới của ông hoặc là chính Leonardo da Vinci. Đáp lại sự tò mò của hậu thế, Mona Lisa vẫn mãi mãi mỉm cười bí ẩn, như thể luôn muốn nói một điều gì mà chẳng bao giờ nói.

image
3. Sleeping Venus (Vệ Nữ say ngủ)
Tác giả: Giorgione (Italy)
Năm hoàn thành: 1510

Giorgione là một bậc thầy hội họa của phong trào Phục Hưng. Cuộc đời của ông ngắn ngủi, để lại không nhiều tác phẩm và trong số đó, Sleeping Venus là bức tranh nổi tiếng nhất. Khi Giorgione mất, bức Sleeping Venus vẫn còn dang dở và Titian, một danh họa vĩ đại khác, cũng là bạn của ông đã hoàn thành bức tranh bằng cách vẽ thêm phong cảnh và bầu trời.
Sleeping Venus vẽ một phụ nữ nằm nghiêng, mắt nhắm nghiền như đang ngủ, mặt khẽ quay về hướng người xem, tay phải làm gối, tay trái đặt hờ lên cơ thể, chân trái duỗi đặt trên chân phải hơi co lại – một kiểu bố cục kinh điển mà rất nhiều tác phẩm hội họa về sau đã học theo. Thiên nhiên đằng sau nàng cũng có những đường cong tinh tế như họa lại cơ thể của người đàn bà, tôn vinh sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Việc vẽ một người phụ nữ khỏa thân đánh dấu một cuộc cách mạng trong nghệ thuật và được coi là một trong những điểm khởi đầu của mỹ thuật hiện đại.

image
4. Girl with a Pearl Earring (Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai)

Tác giả: Johannes Vermeer (Hà Lan)
Năm hoàn thành: khoảng năm 1665

Johannes Vermeer là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của Thời đại Hoàng kim Hà Lan. Sinh thời, ông vẽ rất chậm và để lại rất ít tranh, phần lớn tranh của ông lấy đề tài những người phụ nữ của tầng lớp bình dân. Girl with a Pearl Earring là một trong những kiệt tác để đời của ông, được mệnh danh là “Mona Lisa Hà Lan” hoặc “Mona Lisa phương Bắc”.
Bức tranh mô tả một thiếu nữ nhìn nghiêng, khăn đội đầu che hết mái tóc, đồ trang sức duy nhất là một bên hoa tai bằng ngọc trai. Thiếu nữ trong tranh có đôi mắt tròn to, lộ vẻ rụt rè, sợ hãi nhưng làn môi mọng lại hé mở, khơi gợi ham muốn. Bức tranh vừa thể hiện sự ngây thơ mong manh, vừa phảng phất một sự cám dỗ gọi mời. Ánh sáng phản chiếu trên hoa tai ngọc trai là một điểm nhấn hoàn hảo của tác phẩm. Năm 1999, Tracy Chevalier đã viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng cùng tên với cảm hứng dựa trên bức tranh này.

image

5. Whistler’s Mother (Mẹ của Whistler)
Tác giả: James McNeil Whistler (Mỹ)
Năm hoàn thành: 1871

Whistler là một họa sĩ nổi tiếng gốc Mỹ, một trong những chủ soái của phong trào “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Whistler’s Mother là bức tranh nổi tiếng nhất của ông, được coi là biểu tượng Mỹ và “Mona Lisa của thời Victoria”.
Tương truyền, Whistler đã định vẽ một người khác nhưng bất thành và ông liền thay thế người mẫu bằng chính mẹ ông, bà Anna Whistler. Cũng có tin đồn, đầu tiên bà Whistler được vẽ đứng nhưng sau đó vì quá mỏi chân, bà phải ngồi trên ghế.
Trong tranh, bà mặc một bộ váy màu đen giản dị, ngồi gọn gàng, tay đặt trên váy, chân đặt trên chiếc ghế để chân, nhìn chăm chú về phía trước. Nét mặt nghiêm trang và tông màu đen xám của bức tranh gợi một cảm giác ngột ngạt và tang tóc như thể một điều gì đó rất nghiêm trọng đang xảy ra. Tuy nhiên, ngày nay bức tranh được rộng rãi công nhận như là một biểu tượng mẫu mực của tình mẹ.

image

6. Portrait of an Unknown Woman (Người đàn bà xa lạ)
Tác giả: Ivan Nikolaevich Kramskoi (Nga)                                         
Năm hoàn thành: 1883

Kramskoi là một họa sĩ và nhà phê bình nghệ thuật nổi tiếng, chủ soái của phong trào nghệ thuật dân chủ Nga. Portrait of an Unknown Woman được coi là một kiệt tác của nền hội họa Nga và từ lâu đã rất quen thuộc với công chúng Việt Nam với tên gọi Người đàn bà xa lạ.
Bức tranh vẽ một người phụ nữ ngồi trên xe ngựa mui trần vào buổi sáng mùa đông ảm đạm, tuyết phủ trắng xóa mái nhà. Người phụ nữ trong tranh quý phái và kiêu hãnh với đầu ngẩng cao, môi mím chặt nghiêm nghị, ánh mắt nhìn xuống uể oải.
Cho đến nay, nguyên mẫu của bức họa vẫn là một điều bí ẩn với rất nhiều phỏng đoán chưa được chứng minh. Bức tranh thường được ví với Anna Karenina trong kiệt tác cùng tên của đại văn hào Leo Tolstoy và đã nhiều lần được dùng để minh họa cho trang bìa của cuốn sách. Bức tranh được đánh giá là thể hiện tính cách Nga rõ rệt và là một biểu tượng của sự đài các, thượng lưu.

image

7. Madame X (Quý bà X)
Tác giả: John Singer Sargent (Mỹ)
Năm hoàn thành: 1884

John Singer Sargent là một họa sĩ vẽ tranh chân dung hàng đầu thế kỷ 19. Madame Xlà bức tranh nổi tiếng và có lẽ là tai tiếng nhất của ông.
Người phụ nữ trong tranh là Virginie Gautreau, vợ của một ông chủ nhà băng giàu có người Pháp. Sinh thời, bà rất nổi tiếng trong giới thượng lưu Paris vì sắc đẹp ưu việt của mình. Bức chân dung vẽ bà trong bộ váy màu đen cúp ngực, tay phải làm trụ khẽ đỡ lấy cơ thể, tay khác bấu hờ vạt váy và gương mặt quay đi hướng khác. Màu đen bóng của bộ váy cùng tông màu nâu của hậu cảnh như tương phản và càng làm nổi bật thêm làn da trắng nhức.
Cơ thể người mẫu như hướng về phía người họa sĩ nhưng đầu lại quay sang một bên, vẻ lảng tránh, tạo cảm giác xung đột, vừa muốn tiến đến vừa muốn cưỡng lại. Bức tranh bị coi là khêu gợi, không đứng đắn và trở thành một "quả bom" scandal thời bấy giờ. Bà Gautreau từ đó không xuất hiện trước công chúng nữa còn họa sĩ Sargent thì nhanh chóng rời khỏi Pháp, định cư lâu dài ở London.
image
8. Flaming June (Tháng Sáu bỏng cháy)
Tác giả: Nam tước Frederic Leighton (Anh)
Năm hoàn thành: 1895

Nam tước Frederic Leighton là một họa sĩ kiêm nhà điêu khắc nổi tiếng người Anh.Flaming June là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông và được coi là một kiệt tác của hội họa thế giới.
Nguyên mẫu trong tranh là nữ diễn viên Dorothy Dene, người được đánh giá là có gương mặt và hình thể giống với hình mẫu lý tưởng của Leighton nhất. Dorothy Dene vào những năm 1890 cũng được mệnh danh là người đẹp nhất nước Anh. Bức tranh khắc họa cô đang nằm ngủ trong một tư thế thiếu tự nhiên tựa như đó chỉ là một giấc ngủ ngắn mệt nhọc.
Tác phẩm đẫm chìm trong màu hổ phách hoàn hảo và cảnh dòng sông ở hậu cảnh gần như sáng trắng dưới ánh nắng mặt trời tháng sáu. Bộ váy mỏng manh trong suốt thể hiện những đường cong tinh tế của người phụ nữ. Cây trúc đào bên góc phải tượng trưng cho sự mong manh giữa giấc ngủ và cái chết. Thiếu nữ trong tranh với vẻ đẹp vừa nhục dục vừa trong sáng khiến người xem nhớ đến những tiên nữ nanh-phơ trong thần thoại Hy Lạp ngày xưa.
image
9. Portrait of Adele Bloch-Bauer I (Chân dung nàng Adele Bloch-Bauer I)
Tác giả: Gustav Klimt (Áo)
Năm hoàn thành: 1907

Gustav Klimt là một họa sĩ thiên tài người Áo, nổi tiếng với những đề tài về phụ nữ và tình yêu. Cho tới nay, Portrait of Adele Bloch-Bauer I là một trong 5 bức tranh được trả giá cao nhất trong lịch sử. Năm 2006, bức tranh được bán với giá kỷ lục 135 triệu USD, trở thành bức tranh đắt giá nhất lúc bấy giờ.
Adele Bloch-Bauer là vợ của một nhà tư bản kếch xù, người thường mạnh dạn ủng hộ và giúp đỡ tiền bạc cho Gustav Klimt. Bà là tình nhân bí mật của Klimt và cũng là người phụ nữ duy nhất được họa sĩ hai lần vẽ chân dung. Bức chân dung thứ hai của bà, Portrait of Adele Bloch-Bauer II, từng được trả giá 88 triệu USD, cũng là một trong những bức tranh đắt giá nhất thế giới.
Portrait of Adele Bloch-Bauer I tràn ngập một màu vàng vương giả, người phụ nữ trong tranh trông thoải mái và đường bệ như một nữ hoàng. Bức tranh còn được mệnh danh là “Mona Lisa của nước Áo” hoặc “Phu nhân vàng”

image

10. Dora Maar with Cat (Dora Maar với Mèo)
Tác giả: Pablo Picasso (Tây Ban Nha)
Năm hoàn thành: 1941

Picasso là họa sĩ thiên tài người Tây Ban Nha, một trong những cái tên sáng chói nhất trong giới hội họa thế kỷ 20. Dora Maar with Cat được giới phê bình cùng công chúng đánh giá cao và là một trong những bức tranh đắt nhất thế giới với giá hơn 95 triệu USD.
Dora Maar là người tình lâu năm của họa sĩ và cũng là một nhiếp ảnh, họa sĩ có tiếng. Trong tranh, bà ngồi trên một cái ghế trông như ngai vàng với một cái mũ trông như vương miện trên đầu. Một con mèo nhỏ xuất hiện bên vai phải, trông vừa có sự hăm dọa, vừa có vẻ hài hước. Những móng tay của Dora Maar cũng được vẽ rất dài và sắc nhọn, hàm ý cô cũng là một con mèo nhỏ ranh mãnh. Bức tranh cũng rất nổi tiếng về sự lựa chọn màu sắc, phối màu phức tạp.


image
Trứng vịt bắc thảo Trung Quốc làm từ hóa chất độc hại
Khoảng 30 cơ sở sản xuất trứng vịt bắc thảo ở Trung Quốc phải đóng cửa vì sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất.

image
Hình minh họa
Ngày 16/6, tờ South China Morning Post đăng tải thông tin từ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho biết có 30 cơ sở sản xuất trứng vịt bắc thảo bằng hóa chất độc hại trên địa bàn huyện Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây. Đây là nơi sản xuất trứng vịt bắc thảo lớn nhất nước này, chiếm đến 15% tổng sản lượng Trung Quốc, vào khoảng 300.000 tấn.
image
Trong hôm nay, chính quyền tỉnh Giang Tây tiếp tục kiểm tra các cơ sở sản xuất trứng vịt bắc thảo, kể cả những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, không có giấy phép đóng trên địa bàn.
CCTV hôm 14/6 thông tin, các cơ sở này đã sử dụng hóa chất công nghiệp là đồng sunfat để sản xuất trứng vịt bắc thảo. Những quả trứng thường được sản xuất bằng muối, vôi..., mất khoảng hai tháng để chuyển đổi lòng đỏ và lòng trắng trứng. Việc sử dụng đồng sunfat giúp đẩy nhanh quá trình chế biến, kéo ngắn thời gian sản xuất xuống còn một tháng.
image
Theo South China Morning Post, đồng sunfat là một hóa chất công nghiệp rất độc hại, bao gồm các thành phần như thạch tín, chì, cadmium. Chính quyền Trung Quốc đã cấm sử dụng chất này làm phụ gia sản xuất thực phẩm.
image
Hình minh họa
CCTV dẫn lời một ông chủ nhà máy ở Nam Xương, rằng hầu như các cơ sở ở đây đều sử dụng hóa chất trong quá trình chế biến. Người này cũng không quên trấn an người tiêu dùng khi cho rằng sẽ không có vấn đề gì nếu không ăn quá nhiều.

image
Hình minh họa
Đây là vụ bê bối về an toàn thực phẩm liên quan đến trứng mới nhất được phát hiện ở Trung Quốc, sau trứng vịt muối có chất gây ung thư được phát hiện cùng thời điểm này vào năm 2012.
 

Thà chồng ngoại tình còn hơn 'chơi' gái

image
Nhà văn Trang Hạ.
“Nếu có một thói xấu nào của đàn ông trong hôn nhân khiến tôi tha thứ được, thì đó chính là ngoại tình. Với tôi, thà chồng ngoại tình còn hơn việc anh ta "chơi" gái, bóc bánh trả tiền” - nhà văn Trang Hạ chia sẻ.

Tình yêu không phải bùa hộ mệnh
- Trong hôn nhân, có phải Trang Hạ cũng bị va đập, vỡ mộng từ “Yêu” tới “Chung sống”?
- Tôi nghĩ ngược lại, hôn nhân giúp ta phát hiện ra nhiều điều bền chặt và vững vàng hơn. Mà nếu chỉ yêu thôi, ta cứ nghĩ tình yêu có thể đạp đổ được tất cả những điều ấy. Ví dụ như môn đăng hộ đối, sự hài hòa về quan điểm sống.

Và hôn nhân làm một số điều khác thực sự có giá trị hơn. Ví dụ như, yêu vì người kia thỏa mãn cái tôi của mình, nhưng lấy được họ rồi, mới thấy cái tôi chính là thứ cản trở hòa hợp. Yêu vì được yêu, cưới vì muốn bên nhau mãi, nhưng sống với nhau rồi, lại phát hiện ra rằng duy trì được “khoảng trời riêng” mới là tiền đề của hạnh phúc.

image

- “Khoảng trời riêng”  mà chị nói có bao gồm cả những giây phút “ngoài vợ, ngoài chồng” không?
- Nếu có một thói xấu nào của đàn ông ở trong hôn nhân khiến tôi tha thứ được, thì có thể là ngoại tình. Với tôi, thà chồng ngoại tình còn hơn việc anh ta “chơi” gái, “bóc bánh trả tiền”.
image
- Đơn thuần là “trả tiền, bóc bánh” thì phải dễ bỏ qua hơn chứ?
- Nhiều người vợ đô thị cũng nghĩ giống bạn. Nhưng bạn nên nhớ rằng, nếu như người đàn ông của bạn coi thường những người phụ nữ ngoài đường, như việc anh ta sẵn sàng trả tiền để được lên giường với một ai đó, thì bạn đừng nghĩ mình là ngoại lệ được tôn trọng. Thà anh ấy lừa dối mình nhưng biết yêu thương, tử tế với một người phụ nữ khác thì còn dễ chấp nhận hơn là sự đánh đổi bởi một sự coi thường khác.
- Nhưng điều đó bao hàm nguy cơ sẽ mất luôn người đàn ông của mình. Việc anh ta có “tử tế” hay không đâu còn quan trọng nữa?
- Tôi thì nghĩ, một người đàn ông ngoại tình có thể tôi còn quyến rũ anh ta trở lại với tôi được. Còn một người đàn ông trả tiền để “chơi” gái thì tôi không bao giờ yêu lại được. Vì tin rằng, anh ta cũng trả tiền để bao vợ, chỉ là theo cách khác mà thôi. Tôi xứng đáng với một người đàn ông tử tế hơn.
Điều nhỏ nhặt làm nên hạnh phúc

image
- Thế theo chị, tấm bùa hạnh phúc nằm ở đâu? 
- Điều duy nhất mang lại hạnh phúc là sự hài hòa, cân bằng. Người ta lấy làm chồng có thể không phải là người ta yêu nhất, cũng không phải là người yêu ta nhất, mà là người tới đúng thời điểm nhất. Thời điểm cả hai sẵn sàng bước vào cuộc hôn nhân. Sẵn sàng chấp nhận điều chỉnh mình cho cuộc sống chung. 
- Nhưng gốc rễ để có sự điều chỉnh đó là gì, nếu như không phải là tình yêu, là ước muốn đem đến cho nhau hạnh phúc? 
image
- Không phải hôn nhân là một quá trình thỏa hiệp lâu dài sao? Mà trong đó, chúng ta thay đổi để sống lâu dài hơn nữa với những ràng buộc và trách nhiệm? Điều quan trọng nhất là, trong tất cả những quá trình đó, chúng ta đều hạnh phúc và tự do. Chúng ta đều tự nguyện, lựa chọn, đều trưởng thành, đạt được những thành tựu mới mà nếu như không cưới nhau và chung sống, sẽ chẳng hề có. Tình yêu có một phần trong đó nhưng không phải là tất cả.
image
- Không phải thay đổi được một người đàn ông là việc khó khăn nhất hay sao? Ở chừng mực nào đó tôi thấy là sự chấp nhận chứ không phải thỏa hiệp. Như việc ngoại tình. Như việc chúng ta đầu tắt mặt tối trong khi chồng bù khú với bạn bè hay giải trí đâu đó 
- Tôi cho rằng, đó là do cách của mỗi bà vợ khác nhau mà thôi. Một ngày chúng ta đều có 24 giờ, chúng ta cũng có những nhu cầu nhỏ nhặt mong được chiều chuộng y như anh ấy. Vậy mà bạn tự nhận lấy những thứ lặt vặt như là bổn phận vô điều kiện ở một người vợ.
image
Bạn đã khiến người đàn ông sống bên cạnh bạn đánh mất thói quen rằng, bạn rất cần đến đôi bàn tay và sự chia sẻ của anh ấy.
- Nhưng nếu chính người đàn ông không muốn thay đổi thì sao?
- Vậy sao bạn lại cưới một người đàn ông như thế?
Thiêng liêng hai chữ “bạn đời”

image
- Vậy  theo chị, làm sao để có được sự thỏa hiệp tốt nhất?
- Hãy coi nhau là bạn - bạn đời. Hai chữ đó thật thiêng liêng, rưng rưng hơn tên gọi vợ - chồng, thắm thiết và sâu nặng hơn tiếng ông xã, bà xã. Sống với nhau đến mức có thể làm bạn của nhau, làm đầy và làm hạnh phúc cuộc sống của nhau, khiến người kia thấy tự do trong hôn nhân, như thể trong tình bạn, thật hiếm.
Nó cho thấy sự bình đẳng, không phân chia ngôi thứ chồng - vợ, giới tính. Chúng ta sống cùng nhau và tìm kiếm hạnh phúc khi ở cùng nhau.
- Và hẳn Trang Hạ có được điều đó trong hôn nhân của mình?

image
- Có một dạo tôi bị chỉ trích rất nặng nề vì việc “vứt” con cho chồng nuôi để tìm kiếm những gì tôi muốn có. Rồi giờ đến lượt chồng tôi lại phải chịu những chỉ trích nặng nề về việc để một mình tôi phải cáng đáng gia đình. Nhưng đó là điều chúng tôi lựa chọn. Và cảm thấy tự do, hạnh phúc với những điều đó.
- Có bao giờ chị nghĩ, do chị là nhà văn, thông minh, sắc sảo, nên dễ đạt được “thỏa hiệp” hơn chăng?
image
- (Cười) Ông xã tôi không bao giờ đọc sách Trang Hạ viết. Nhưng lại lên mạng đọc blog Trang Hạ hàng ngày. Anh ấy thấy tôi sống thật và viết cũng thật, nên không phản đối. “Độc giả chồng” thế là ổn rồi, tôi còn mong gì hơn?

image
  


Triển lãm cơ thể người ở New York

image
Triển lãm thế giới cơ thể được tổ chức ở Quảng trường Thời đại ở New York trưng bày gần 200 mẫu vật về cơ thể con người.

image

Tại triển lãm, người xem có thể chứng kiến cơ thể cũng như các bộ phận thực sự trên cơ thể con người.

image
Bức tượng mô tả bên trong cơ thể bà me mang thai.

image
Triển lãm được mở ra nhằm dạy cho người xem những bài học về sức khỏe cũng nhưu cấu trúc chính cơ thể chúng ta.

image
Triễn lãm còn hướng con người đến một cuộc sống lành mạnh, không thuốc lá.

image
Một trong số những cơ quan nội tạng được trưng bày ở đây là những trái tim, lá phổi hay cả những bộ não của cơ thể người bị đột quỵ, ung thư phổi...

image
Triển lãm cho chũng ta biết trách nhiệm của chúng ta đối với sức khỏe...

image
...và số phận của chúng ta nằm chính trong tay chúng ta.

image
image
Lát cắt phần đầu và não người.

image
Một góc của triển lãm Thế giới cơ thể.

image
Người tham quan quan sát mô hình cầu thủ football.

image
Một vị khách viếng thăng triễn lãm đang chăm chú quan sát biểu tượng cơ thể người.

image
Lát cắt trái tim theo chiều dọc.

image
Tim và phổi của một người khỏe mạnh bình thường.

image
Tim và phổi của một người nghiện thuốc lá.

image
image
Mô tả cơ thể thông qua những lát cắt các bộ phận.
image

image
Triển lãm thu hút rất nhiều người đến tham quan.



Mát-xa sinh lý không phạm tội

image
Một phán quyết gần đây của tòa án ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc được cho là sẽ được cánh đàn ông ưa thích mát xa của lạ ở nước này chào đón như một tin mừng, theo tờ Huffington Post

image
Tệ buôn bán dâm ở Trung Quốc coi là phạm pháp
Năm ngoái, Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án Nhân dân thành phố Phật Sơn đã phán quyết rằng việc thực hiện kích dục trên cơ thể người khác để đổi lấy tiền không phải là bất hợp pháp và những người thực hiện hành vi này không nên bị truy tố, theo một nhật báo địa phương được tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc trích giới thiệu.

image
Mại dâm vẫn còn bất hợp pháp ở Trung Quốc, kể từ khi bị cấm bởi Đảng Cộng sản vào năm 1949, Carlo Davis, tác giả bài báo trên Huffington Post lưu ý.

Tuy nhiên, tòa án Phật Sơn đã phán quyết rằng kích dục bằng tay và "xoa bóp bằng ngực", trong đó một phụ nữ thực hiện mát-xa với một người đàn ông bằng bộ ngực của mình, không phải là hành vi tình dục, và do đó không phạm tội mại dâm, tờ Nhật báo Nandu cho hay.

image
Vụ án khởi phát từ sự kiện hồi tháng 7/2011 khi bốn người đàn ông bị bắt vì điều hành một phòng xoa bóp, mát-xa ở tỉnh Quảng Đông vốn cung cấp “công đoạn cuối sung sướng" và các dịch vụ “mát-xa sinh lý, kích dục khác" cho khách hàng, theo tờ South China Morning Post.
Những người đàn ông này đã bị kết tội "tổ chức mại dâm" và bị Tòa sơ thẩm ở thành phố Phật Sơn kết án năm năm.
'Kháng án'
Cứ một trong năm cơ sở mát-xa của Trung Quốc có can dự vào tệ nạn mại dâm"
Hy vọng thay đổi bản án, các bị cáo đã kháng án lên Toà án phúc thẩm.
Tại đây, họ được Tòa phán quyết là không phải chịu trách nhiệm hình sự do những bằng chứng ‘không rõ ràng,’ do ‘áp dụng những điều khoản luật pháp không phù hợp’ và được trao trả tự do nhanh chóng.

image
Mát-xa sinh lý với nhiều hình thức được cho là kích dục sử dụng các bộ phận trên cơ thể như miệng, tay v.v... lâu nay đã xuất hiện ở nhiều địa phương tại Trung Quốc
Một tường trình hồi năm 1999 của Tân Hoa Xã cho thấy cứ một trong năm cơ sở mát-xa của Trung Quốc có can dự vào tệ nạn mại dâm, theo hãng tin AP.
Ở Quảng Đông, người dân địa phương bị bối rối bởi phán quyết mới đây cả tòa về mát-xa sinh lý và dịch vụ ‘công đoạn cuối sung sướng’.

image
Tuy nhiên phán quyết của Tòa án ở Phật Sơn có thể chỉ là một quyết định cá biệt ở cấp địa phương
Theo Hoàn cầu Thời báo, cảnh sát Bắc Kinh hôm thứ Năm đưa ra một thông điệp nói những người cung cấp dịch vụ mát-xa ‘công đoạn cuối sung sướng’ vẫn sẽ bị truy tố dựa trên một nghị định hồi năm 2001.
Nghị định này xếp tình dục bằng miệng và kích dục bằng tay, hay mát-xa sinh lý vào hành vi tệ nạn mại dâm.

image
Tờ Thời báo Kinh doanh Quốc tế nhấn mạnh rằng các phán quyết của tòa án ở Trung Quốc "thường không thiết lập tiền lệ ràng buộc."
Điều này có nghĩa là pháp luật về mua bán dâm của Trung Quốc có thể về cơ bản vẫn không thay đổi trong tương lai gần.



Làm sao bay sang Mỹ?

image
Nếu như mùa hè là thời gian để các bạn du học sinh hiện tại nghỉ ngơi, thư dãn, xả stress, hay tìm các suất thực tập, tham gia vào các chuyến thiện nguyện phục vụ cộng đồng; thì đối với các ‘ma mới’ sắp đặt chân lên con đường du học, mùa hè là mùa của những lo âu, những thắc mắc, những ngơ ngác mà không biết đi đâu để tìm ra câu trả lời.

image
Bản thân đã từng trải qua những cảm giác này nên Cá rất hiểu và thông cảm với các bạn, và cả với gia đình của các bạn nữa. Ừ thì đi du học bây giờ cũng không còn là chuyện lạ nữa. Ừ thì bây giờ số lượng các du học sinh không còn có thể đếm trên đầu ngón tay nữa. Ừ thì đi du học và cầm tấm bằng cử nhân/thạc sĩ/tiến sĩ từ Mỹ về bây giờ cũng không còn to tát nữa. Nhưng để đạt tới giai đoạn mà tất cả mọi thứ đều rất bình thường này thì phải có giai đoạn khởi đầu. Khi bắt đầu làm bất cứ một thứ gì đó, thì có lẽ ai trong chúng ta cũng đều có chung cảm giác ‘con nai vàng ngơ ngác’ thì phải. Do đó, hôm nay, Cá sẽ viết một đề tài mà nghe qua cũng không có gì to tát cả, nhưng Cá nghĩ sẽ rất cần thiết cho các tân du học sinh trong học kỳ mùa thu sắp tới, đó là chuyện đi máy bay. Nếu không sang được nửa bên kia của Trái Đất thì làm sao bạn có thể bắt đầu một trang mới trong cuộc đời của bạn được phải không?

image
Hồi Cá chuẩn bị đi du học, thay vì hào hứng cho Cá khi sắp được sang trời Tây, sắp được trải nghiệm một nền giáo dục tiên tiến bậc nhất thế giới, thì cả nhà Cá đều có chung phản ứng như thế này: “Cuối cùng thì nó cũng đã có dịp được đi máy bay rồi, may quá.” Lúc đó Cá thắc mắc trong đầu là đi máy bay thì có gì đâu ngoài việc di chuyển dưới mặt đất thì bây giờ sẽ là ở trên trời? Nhưng càng gần tới ngày bay, càng có nhiều người tới dặn dò Cá đủ kiểu chuyện liên quan tới chuyện đi máy bay, mà chẳng thấy có mấy ai dặn dò Cá sang học hành chăm chỉ cả. (Thực ra là cũng có, nhưng mà nếu mà đem cân số lượng các câu dặn dò lên thì chuyện đi máy bay nặng hơn hẳn.) Thế là, với một đứa tâm lý hay biến đổi do tác nhân bên ngoài như Cá thì Cá bắt đầu hơi sợ sợ. Rồi đến lúc ra sân bay, sau khi làm thủ tục và chuẩn bị vào cổng bay, phải thú thật là Cá run lắm luôn. Nhưng vì sợ cả nhà lo lắng nên Cá đã tỏ vẻ cứng rắn, cười toe cười toét, chứ thực ra tim đập thình thịch luôn, sợ nhất là ‘bắt nhầm’ máy bay. Cá nhớ là Cá cứ bị ám ảnh mãi suy nghĩ trong đầu là nhỡ thay vì đi du học Mỹ, mình lại đi du lịch giữa Thái Bình Dương, không sang được bờ bên kia thì chắc vui lắm.

Nhưng mà thôi, lan man chừng đó về chuyện lo sợ đi máy bay cũng đủ rồi. Cá sẽ nói nhanh cho các bạn hành trình mà các bạn nên chuẩn bị từ lúc đặt vé máy bay và bay sang tới Mỹ là như thế nào.
image
Thông thường, khi bay từ Việt Nam qua Mỹ, các bạn sẽ phải bay ít nhất là hai chuyến. Từ Việt Nam transit ra một nước quốc tế nào đó ở châu Á (Nhật, Hàn, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan v..v..), sau đó từ trạm trung chuyển quốc tế này bạn sẽ bay một lèo sang Mỹ. Thời gian tổng cộng bay thường trong khoảng 20 tiếng (nếu nhanh) và 28 tiếng (nếu chậm), nhưng cũng có thể lên tới 58 tiếng (như Cá đã từng bay một lần chỉ vì ham vé rẻ.) Nhưng khoan nói đến chuyện này, Cá sẽ kể cho các bạn nghe chuyện du học sinh săn vé rẻ từ Mỹ về Việt Nam sau. Chuyến bay dài nhất sẽ chính là chuyến từ châu Á sang bên châu Mỹ này các bạn ạ. Thường các bạn sẽ ngồi nguyên trên máy bay khoảng 13-18 tiếng.

Sân bay ở Mỹ đầu tiên các bạn đặt chân xuống sẽ là sân bay bạn phải làm thủ tục nhập cảnh. Trước khi máy bay đáp xuống sân bay nhập cảnh này, tiếp viên hàng không (flight attendant) sẽ phát cho bạn hai phiếu để điền các thông tin. Một trong phiếu này chính là form I-94 mà sau đó nhân viên hải quan Mỹ sẽ ghim vào hộ chiếu của bạn, và bạn sẽ phải giữ nguyên ‘hiện trường’ này cho tới khi bạn xuất cảnh khỏi Mỹ. Khi đó, nhân viên hải quan sẽ tự động giật ra, chứ bạn không phải là người giật nó ra đâu nhé. Phiếu này chứng nhận bạn nhập cảnh hợp pháp ở Mỹ đó.

image
Đối với những bạn nào không phải bay thêm một, hai chuyến nữa mà đây là sân bay cuối cùng của bạn thì bạn có thể đi bộ thong thả bắt taxi đi về hoặc chờ người ra đón được rồi. Còn những ai mà cần phải bay thêm một, hai chuyến sau thì trước khi xuống tới sân bay để nhập cảnh, bạn cần phải kiểm tra lại vé máy bay để xem thời gian chuyển tiếp (layover time) giữa chuyến vừa rồi bạn bay và chuyến kế tiếp là bao lâu. Thông thường, nếu là 3,4 tiếng trở lên thì bạn có thời gian vừa vừa để nhập cảnh. Có thể vừa đi vừa hát cũng được. Nhưng, nếu bạn chỉ có 1,2 tiếng thì bạn cần xác định tinh thần cần phải chạy. Lý do là vì thường tại các sân bay quốc tế, các hàng làm thủ tục nhập cảnh rất dài. Cho dù có năm, sáu hàng đi nữa thì hàng nào cũng dài như nhau. Bạn cần phải nhanh chân chọn một hàng và làm thủ tục. Đối với các dạng visa khác thì Cá không rõ, nhưng đối với dạng đi du học (J1 hoặc F1), khi làm thủ tục, ngoài hai tấm phiếu mà bạn được phát từ lúc ở trên máy bay thì bạn còn phải chuẩn bị sẵn hộ chiếu và form DS-2019 (cho visa J1) hoặc I-20 (cho visa F1.)


image
Sau khi hoàn thành xong thủ tục, một điều rất quan trọng, đó là bạn phải chạy đến ngay khu vực hành lý (baggage claim) để lấy toàn bộ hành lý ký gửi mà bạn đã gửi trước đó ra, và check-in lại với hãng máy bay nội địa Mỹ. Ở các sân bay ở Mỹ đều có các xe đẩy hành lý (cart), bạn cần phải lấy được một chiếc xe này để chất hành lý của mình lên và đẩy tới chỗ hãng bay tiếp theo. Đừng dại gì mà lôi hết chỗ hành lý bằng tay không nhé các bạn. (Thực ra nếu bạn muốn tập thể dục, vận động chân tay sau hơn 10 tiếng ngồi trên chuyến bay trước thì bạn hoàn toàn có thể lôi, vác, kéo chỗ hành lý đó tay không cũng được.) Nói đùa cho vui vậy thôi, chứ tốt nhất để tiết kiệm thời gian, nhớ tìm lấy một chiếc xe và chất hành lý lên xe. Một điểm cần lưu ý là không phải sân bay nào cũng có xe đẩy miễn phí. Ví dụ như ở LAX (Los Angeles) thì là miễn phí, nhưng ở sân bay Detroit, Michigan, thì bạn phải trả 5$ để có một chiếc xe. Bạn có thể trả bằng thẻ hoặc tiền mặt. Tuy nhiên, thông thường để tránh rắc rối khi hệ thống không nhận thẻ của bạn (nếu làm ở Việt Nam), bạn nên có sẵn chút tiền mặt trong người.
image
Sau khi đi qua máy soát người mà bạn có bị nhân viên an ninh giữ lại vì có gì đó trong hành lý xách tay không hợp lệ thì cũng đừng hoảng nhé, bình tĩnh mà làm theo chỉ dẫn
Sau khi có xe rồi, nếu không biết hãng bay tiếp theo ở đâu, bạn tìm người mặc đồng phục sân bay (thông thường ai mà cầm bộ đàm đi loanh quanh ở sân bay) thì bạn nhào tới, túm lấy người ta rồi hỏi. Theo kinh nghiệm bay của Cá thì Cá thấy nhân viên sân bay ở đây đều rất tốt và lịch sự, bạn đừng sợ hay ngại gì mà hỏi người ta nhé. Sau đó, nhanh chân chạy đến hãng bay để check-in lại với hãng. Lúc này cũng là lúc bạn ký gửi lại hành lý ký gửi. Sau khi gửi hành lý và lấy vé bay ‘boarding pass’ xong, bạn kiểm tra xem bạn còn bao nhiêu thời gian. Nếu còn nhiều thời gian (hai tiếng trở lên), bạn có thể bắt đầu ung dung đi bộ hay đi mua đồ ăn được rồi. Còn nếu không còn nhiều thời gian (một tiếng), rất tiếc, bạn phải tiếp tục chạy. Bạn nghĩ một tiếng là thừa thời gian để vào máy bay hả? Phải nói với bạn rằng, sân bay quốc tế ở Mỹ rất rộng. Bạn sẽ mất kha khá thời gian chạy tới khu vực an ninh (Transportation Security Administration – TSA) để soát hành lý xách tay, người, trước khi vào cổng bay.


image
Sau sự kiện 11/9/2001, an ninh bay ở Mỹ đã thắt chặt hơn. Nếu bạn đã biết các thông tin về việc mang chất lỏng, dung dịch khi bay tại Mỹ rồi thì tốt. Nếu chưa biết thì Cá sẽ nói qua cho các bạn. Lượng chất lỏng bạn được phép mang lên máy bay trong hành lý xách tay tối đa là 100ml và phải được đựng trong một túi nhỏ, díp lại. Nếu bạn không để trong túi nhỏ này, đồ của bạn có thể sẽ bị tịch thu. Nếu bạn mang nhiều hơn 100ml, đồ của bạn cũng sẽ bị vứt đi không thương tiếc. Cho nên, nhớ lưu ý nha các bạn. (Các bạn click vào chữ TSA màu xanh ở đoạn trên để tìm hiểu về các quy định của TSA nhé, rất quan trọng đấy.)

Nói chung, việc đi qua cổng an ninh ở Mỹ thì ngoài lượng chất lỏng, bạn chỉ cần lưu ý thêm hai điểm nữa. Một là lôi tất cả đồ điện tử (laptop, điện thoại, ipad, ipod, máy ảnh) từ trong túi ra ngoài và đặt vào trong khay. Thứ hai là cởi giày, tất, áo khoác, khăn. Chính vì mất khá nhiều thời gian trong việc “cởi đồ” này, trước lúc bạn bay, tốt nhất nên chọn áo khoác và giày dép kiểu đơn giản, dễ mặc, dễ xỏ, để lúc…cởi ra cho nhanh, tiết kiệm thời gian.

image
Trải qua những bước này rồi thì bạn bắt đầu có thể thở phào tung tăng đi tới cổng bay và chờ lên máy bay thôi.

Còn những ai vẫn đang ở ngưỡng tìm hiểu về đi du học thì khoảng tháng 7 hàng năm có hội thảo Chuyển đuốc do Vietabroader tổ chức. Các bạn chỉ cần google hội thảo du học chuyển đuốc 2013 là sẽ tìm thấy thông tin nhé. Hình như cũng sắp hết hạn đăng ký rồi thì phải…Chúc các bạn may mắn nhé!!!


image
Mong với những trải nghiệm nho nhỏ nhưng rất thật của mình với tư cách là một du học sinh ở Mỹ, mình có thể giúp được một số người, đặc biệt những ai Thích Đi Mỹ, có thể hiểu hơn chút ít về miền đất Bắc Mỹ này.
Cá Vàng
 
 

Khi nào nên ngưng điều trị bệnh cho người già?

image
Cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

Cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã nhập viện ngày 8 tháng 6 vì nhiễm trùng đường phổi. Trong một thời gian, các bác sĩ cho biết sức khoẻ ông đã khá hơn, nhưng hôm chủ nhật vừa qua họ nói tình trạng của ông đã trở nên nguy kịch. Thông tín viên VOA Carol Pearson nói chuyện với một chuyên gia về việc chữa trị cho các bệnh nhân cao tuổi bị nhiễm trùng đường phổi tái phát.

Dân chúng Nam Phi và những người ngưỡng mộ ông trên khắp thế giới đã bày tỏ tình cảm đối với ông Nelson Mandela, người được cho là đã biến Nam Phi từ một nước đặt dưới sự cai trị của thiểu số người da trắng thành một nước dân chủ đa chủng tộc. Tại Johannesburg hôm thứ Hai, dân chúng gọi ông là Madiba, là tên của bộ lạc đã đặt cho ông.
image 
Một phụ nữ nói: “Tôi rất xúc động và tôi nghĩ tới con em tôi. Ðiều quan trọng là chúng phải cảm nhận được Madiba đã từng và vẫn còn là một người kỳ diệu đối với chúng tôi ra sao.”

Một nguời đàn ông cho rằng đã đến lúc để ông ra đi.

Một người khác tỏ ý mong muốn ông sẽ bình phục.

Ông Mandela bị nhiễm trùng đường phổi trong thời gian 27 năm bị tù dưới chế độ apacthai. Những đợt nhiễm trùng trong vài năm vừa qua thường được gọi là “sưng phổi” cho dù nguyên do là virút hay vi khuẩn.


image 
Ðiều làm cho tình trạng của ông thêm trầm trọng là những đợt nhiễm trùng lập đi lập lại có thể làm suy yếu các buồng phổi của bệnh nhân lớn tuổi.

Bác sĩ Bohdan Pichurko làm việc cho Chẩn y viện Cleveland.

Ông nói: “Những loại vi trùng này thường tấn công mạnh hơn. Thông thường chúng chống lại các loại thuốc kháng sinh bởi vì, qua nhiều năm, những người lớn tuổi sẽ tiếp xúc với các thuốc kháng sinh nhiều hơn và sẽ lựa lọc ra những dòng virut mạnh hơn và kháng thuốc.”

Bác sĩ Pichurko các phương pháp điều trị cho người trẻ không phải lúc nào cũng tốt cho người lớn tuổi.

Ông giải thích: “Những bệnh như sưng phổi gây sức ép lên các hệ thống cơ quan khác. Và chúng tôi lo ngại về các chứng tiểu đường, chức năng thận, chức năng gan nặng hơn. Nhiều chứng bệnh đó có thể tệ hơn khi chúng ta cố hết sức điều trị chứng nhiễm trùng đường hô hấp.”


image 
Mặc dầu một số người nói rằng nên để cho ông Mandela ra đi, bác sĩ Pichurko nói quyết định ngừng chữa trị không bao giờ dễ dàng.

Ông nói: “Quyết định tốt nhất được thực hiện qua sự hợp tác giữa người bệnh và bác sĩ. Bác sĩ có nghĩa vụ đạo đức là chỉ ra rằng đến khi nào thì việc chữa trị y khoa có thể là vô ích, nếu như đã đến lúc phải làm như thế."

image
Bác sĩ Pichurko cho rằng tuổi tác là một yếu tố, nhưng chỉ là một yếu tố phụ. Một số người vẫn mạnh khỏe ở tuổi 95. Những người khác thì không. Ðối với người cao tuổi, điều quan trọng là tìm cách tránh tiếp xúc với các virut và một số vi trùng. Và nếu xảy ra trường hợp bị nhiễm trùng, thì phải được chăm sóc y tế trong vòng 48 tiếng đồng hồ.



Carol Pearson
 

Các loài cá "hiếm có khó tìm" trên Trái Đất

image
Đó là những loài cá có hình thù kỳ lạ và mang nhiều bí ẩn của đại dương sâu thẳm...
Đại dương là nơi sinh sống của nhiều loài cá, trong đó có nhiều loài cá đã được con người biết đến và nghiên cứu kỹ nhưng cũng còn một số loài kỳ lạ và mang nhiều bí ẩn. 
Sau đây, chúng ta cùng điểm lại một số loài cá có hình thù kỳ lạ ít được thấy.
1. Cá Oar - quái vật đại dương

Được nhà sinh vật học người Na Uy - Peter Ascanius phát hiện lần đầu tiên vào năm 1772, loài cá Oar vẫn luôn là một trong những loài sinh vật biển nổi tiếng nhất. 
Có một cơ thể thon dài và vây lưng nổi bật màu hồng, cá Oar thường được người dân gọi là quái vật biển trong dân gian xa xưa.

image
Cá Oar qua tranh vẽ.

Trong tự nhiên, cá Oar có thể đạt đến chiều dài 17m và nặng hơn 250kg. Vì loài cá này sống ở độ sâu khoảng 900m dưới mặt biển nên cho đến ngày nay,  cá Oar vẫn chưa được nghiên cứu kỹ.

image
Một con cá Oar bị đánh bắt được
Hiện nay, số lượng cá Oar chết ngày càng tăng do mắc cạn vào bờ và bị đánh bắt như một chiến lợi phẩm bởi nhiều ngư dân và thủy thủ.
2. Cá Angler - cá ăn thịt nguy hiểm
Cá Angler là một loài cá ăn thịt nguy hiểm, thường sống tại những vùng biển sâu ở Đại Tây Dương và Nam Cực. Đây là một trong những loài khỏe nhất hành tinh khi có thể tồn tại được trong những điều kiện sống khắc nghiệt nhất.

image
Một con cá Angler dưới đáy biển.
Được tiến hóa từ một loài cá cổ từ 130 triệu năm trước, ngày nay những con cá Angler lớn có thể dài đến 1m và nặng 50kg. Sở hữu một bộ hàm to cùng với những cái răng sắc nhọn, cá Angler có thể dễ dàng giết chết con mồi khi bắt được.

image
Điều đặc biệt của loài cá này là phần nhô ra phía trên đầu có thể phát sáng để thu hút được các con mồi bên dưới đại dương tối tăm.
3. Cá Mặt trăng - cá có thân hình độc đáo
Với thân hình độc đáo, cá Mặt trăng là một loài cá thuộc bộ cá nóc. Đây là một loài cá biển cỡ lớn, sống chủ yếu ở tầng mặt biển nhưng vẫn có thể tồn tại ở những vùng nước sâu có nhiệt độ thấp.

image
Một thợ lặn nghiên cứu cá mặt trăng dưới biển.
Cá Mặt trăng có thể đạt chiều dài thân là 5,5m và nặng đến 1.400kg. Loài này được nhiều người biết đến qua thân mình đặc biệt ngắn, hình bầu dục và dẹp về 2 bên, hai vây lưng của cá đối xứng với nhau trên và dưới.

image
Tuy thân hình to lớn nhưng với cái miệng nhỏ nên cá mặt trăng là một loài hiền lành, chỉ ăn các loài giáp xác nhỏ và các sinh vật phù du. Từng xuất hiện ở bờ biển Việt Nam, cá Mặt trăng là loài nằm trong sách Đỏ và cần được bảo vệ nghiêm nghặt.
4. Cá rồng đen - kẻ săn mồi đáng sợ

image
Một con cá rồng đen.
Sống ở đáy đại dương, loài cá rồng đen là một trong những loài săn mồi đáng sợ nhất. Với vũ khí lợi hại là hàm răng nanh sắc nhọn, loài cá rồng đen thu hút con mồi bằng ánh sáng phát ra từ 2 bên mang của nó.

image
Chỉ dài 15cm nhưng loài cá rồng đen rất hung hăng và sẵn sàng lao vào cắn xé bất cứ con vật nào mà nó bắt gặp. Loài cá rồng đen cũng thu hút con mồi bằng ánh sáng của một vây phía trước giống như cá Angler.
5. Cá mập Greeland - loài cá háu ăn
Đúng với tên gọi của mình, loài cá mập này sống chủ yếu ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương, xung quanh đảo Greeland.

image
Đây là một trong những loài cá mập lớn nhất thế giới với chiều dài có đạt trên 6m và nặng khoảng 1.000kg, loài cá này có thể sống đến 200 năm.

image
Cá mập Greeland.
Cá mập Greenland là một loài ăn thịt háu ăn, nó ăn hải cẩu và tấn công cả những con gấu Bắc Cực to lớn. Vốn là một loài cá hoạt động chậm chạp, tốc độ di chuyển dưới nước chỉ khoảng 1,6 km/h nên việc cá mập Greeland săn mồi như thế nào cho đến nay vẫn là một điều bí ẩn chưa được giải đáp. Ngoài ra, một số cá thể của loài này còn ăn cả những xác động vật chết khác.


image
image
image
image
image
image
image
image
 
 

Lưu manh và ngu

image
Những tên lưu manh trộm cướp thường được liệt vào hạng ma lanh quỷ quái chứ ngu quá thì làm sao mà đi ăn cướp được. Ấy thế mà có những tên cướp ngu một cách lãng nhách không thể tưởng tượng được. Nếu có đặt giải thưởng về ngu thì những trường hợp sau đây đáng là những thí sinh có triển vọng.

1-Chẳng hạn như một tên ăn cướp kia, ở Colorado Spring, vào một tiệm chạp phô chỉa súng vào người bán hàng bắt mở "cashier" nạp hết tiền trong đó. Sau khi người bán hàng thồn tiền vào bao giấy cho tên cướp thì hắn nhìn thấy chai rượu mạnh hảo hạng trên bục hàng sát tường liền ra lệnh cho người bán hàng bỏ chai rượu vào túi tiền đó luôn. Người bán hàng nhìn tên cướp rồi nói:
-Luật chỉ cho phép bán rượu cho ngừời 21 tuổi trở lên. Tướng của anh thì chẳng cần coi căn cước cũng biết anh chưa đủ 20 tuổi, tôi không thể đưa chai rượu cho anh được. 

image
Hình minh họa

Tên cướp cãi rằng anh ta đã quá 21 tuổi nhưng người bán hàng nhất định không tin và nhất định không đưa chai rượu. Cãi qua cãi lại một hồi tên cướp chắc sợ kéo dài sẽ bất lợi nên hắn bực mình mở ví lấy bằng lái xe đưa cho người bán hàng coi. Người bán hàng coi căn cước của tên cướp thì quả thật hắn đã quá 21 tuổi nên đồng ý đưa chai rượu mạnh cho tên cướp luôn. Tên cướp liền ba chân bốn cẳng vụt ra khỏi tiệm.

Tên cướp đi rồi người bán hàng liền gọi điện thoại cho cảnh sát và cho biết đầy đủ tên tuổi và địa chỉ của tên cướp. Hai giờ sau đó tên cướp bị xộ khám.


image
Hình minh họa

2-Chuyện sau đây còn lãng nhách hơn nữa: bà kia bị tên lưu manh nào đó "thổi" mất cái xe hơi. Bà báo cảnh sát và cho biết trong xe của bà có cái "cell phone" nữa. Ngày hôm sau cảnh sát gọi số điện thoại đó và tên cướp xe trả lời. Cảnh sát liền phịa rằng đọc quảng cáo thấy anh ta bán xe nên muốn coi xe để mua. Tên trộm xe liền hẹn giờ giấc và địa điểm để mang xe đến. Thế là xe được trả về cho chủ và tên thổi xe bị cho đi nằm ấp. 
image
Hình minh họa

3-Anh chàng cướp nhà băng sau đây còn ngu trội hơn nữa. Chàng cướp này bước vào Bank of AmericaSan Francisco xếp hàng như mọi người chờ tới phiên giáp mặt với người phát ngân (teller) và trong khi chờ đợi chàng ta lấy một tấm "deposit form" viết mấy chữ: "Bỏ hết tiền vào bịch này nếu không tôi nổ súng". Trong khi chờ đợi anh ta lo ngại rằng có người nào đó trong hàng đã nhìn thấy những gì anh viết họ có thể đi gọi cảnh sát rồi; thế cho nên anh ta ra khỏi Bank of America và bước vào bank Wells Fargo bên kia đường. Chờ vài phút thì tới phiên, chàng ăn cướp liền đưa mảnh giấy cho "teller" của Wells Fargo. Chị này đọc qua trả lại cho hắn vừa chê hắn viết sai chính tả và bảo hắn rằng chị không thể đưa tiền cho hắn được vì hắn viết trên cái "deposit slip" của Bank of America. Bây giờ hắn phải viết lại trên "deposit slip" của Wells Fargo còn không thì hắn phải trở lại Bank of America. 
image 
Thấy rắc rối quá tên cướp liền trở lại Bank of America. Sau khi tên cướp đi rồi chị "teller" của Wells Fargo liền gọi cảnh sát, và ít phút sau tên định ăn cướp ngân hàng bị bắt trong khi đứng xếp hàng chờ trong Bank of America. 


4-Người ta thường nói vỏ quýt dầy thì móng tay nhọn. Anh chàng kia ở bên Ăng Lê lái xe quá vận tốc giới hạn vượt qua chỗ cảnh sát để máy rada và chụp hình tự động nên chàng ta không biết là mình sẽ bị "ticket". Ít ngày sau nhận được bao thư của sở cảnh sát giở ra thấy có một vé phạt 40 mươi bảng Anh và cảnh sát còn cẩn thận gửi kèm bức ảnh xe của anh ta ở "phạm trường". Thay vì gửi tiền nộp phạt chàng này liền láo cá gửi nộp tấm hình của 40 Anh kim mà thôi. 
image 
Ít ngày sau anh ta nhận được thư phúc đáp của sở cảnh sát, giở ra thì bên trong có bức hình của cái còng số 8. Anh ta liền gửi tiền nộp phạt ngay lập tức. 


image
Hình minh họa

5-Trường hợp sau đây là cãi bứa nhưng gian mà không ngoan. Chàng nghiền cocain Christoper Jasen bị đưa ra tòa ở Pontiac (Michigan) cãi bứa rằng cảnh sát đã khám xét người anh ta mà không có lệnh của tòa (warrant). Bên biện lý nói rằng không cần phải có lệnh tòa vì túi "Jacket" của Chris gồ gồ lên như có súng trong đó kiến cảnh sát tình nghi nên có quyền khám. Chris nổi sùng quạt lại: "Vớ vẩn và vô căn cứ. Cái "jacket" của tôi nó như vậy chứ súng ở đâu?". Ngẫu nhiên bữa ra tòa Chris cũng vẫn mặc cái "jacket" hôm bị bắt. Chris liền cởi "jacket" đưa cho quan tòa coi. Quan toàn nắm nghía cái "jacket" rồi thò tay vào túi xem có gì không. Trước con mắt ngạc nhiên của Chris, quan tòa lôi ra hai gói cocain và ông ta bò lăn ra cười năm phút sau mới ngưng được để ra lệnh cho cảnh sát tống giam chàng Chris. 
image
Hình minh họa

6-Trường hợp sau đây là giận quá hóa ngu. Đó là chàng Dennis Newton, 47 tuổi, ở Oklahoma City ra tòa về tội ăn cướp một tiệm chạp phô (convenience store) có vũ khí. Anh ta giận ông luật sư "thí" (public defender) làm việc ấm ớ nên đuổi luật sư và tự biện hộ. Anh ta đã làm việc đó tương đối không có gì tệ cho lắm cho tới khi biện lý mời chị bán hàng tiệm chạp phô ra tòa làm nhân chứng để nhận diện một lần nữa. Sau khi nghe chị bán hàng xác nhận, Newton nổi giận đùng đùng chửi chị ta là quân nói láo và nói thêm: "Biết mi nói láo như thế thì bữa đó tao bắn bể đầu mi cho rồi...". Quan tòa và bổi thẩm đoàn được một trận cười bể bụng... 
image
Hình minh họa

7-Lậy ông tôi ở bụi này. Cảnh sát ở Detroit có chương trình đến các xóm để giáo dục con nít để ngừa và bắt các thành phần phạm pháp. Bữa kia cảnh sát đang chỉ dẫn cho đám con nít hệ thống điện toán trên xe có thể biết tên tuổi các người có tiền án hoặc đang bị truy tầm v.v. thì cậu Gaitlan, 21 tuổi, đi ngang ghé lại coi. Cậu hỏi cảnh sát làm thế nào mà biết được? Cảnh sát bảo chỉ cần số bằng lái xe hay số an sinh xã hội thì có thể kiếm thấy. Gaitlan liền đưa bằng lái xe cho cảnh sát thử. Sau khi đánh ID của Gaitlan vào hệ thống điện toán thì cảnh sát liền còng tay Gaitlan tống giam vì cậu ta đang bị truy tầm về tội ăn cướp có vũ khi hai năm về trước ở St. Louis (Missouri). 

image
Hình minh họa

8-Nhưng ngu như thế này thì sống sao nổi. Đó là hai chàng ăn cướp cũng ở Detroit vào tiệm kia ăn hàng. Tên thứ nhất quơ súng lên trời la lớn: "Đứng yên tại chỗ, không người nào được lộn xộn, nếu nhúc nhích sẽ ăn đạn". Khi mọi người đứng chết cứng không dám nhúc nhích thì tên cướp thư hai chạy lại két tiền... Tên cướp thứ nhất bắn tên thứ hai một phát chết ngắc và lẩm bẩm: "ĐM. tao đã bảo không được nhúc nhích mà lại...". 
image
Hình minh họa

9-Ngu thì cũng ngu vừa vừa thôi chứ ngu như chàng này thì hết chỗ nói. Harold Russum ở San Francisco đã hai lần đi tù về tôi hiếp dâm vẫn không chừa mà lại còn ngu nữa. Theo lời kể của nạn nhân Joan, 26 tuổi, thì bữa đó, 29-4-2000, khoảng 6 giờ chiều cô ta đang sửa soạn cơm tối thì bỗng nhiên nghe tiếng vỡ của kính cửa sổ và chàng ta hiện ra lừng lững giữa phòng khách. Harol chỉa súng ra lệnh cho Joan cởi quần áo ra. Joan từ từ cởi quần áo và suy nghĩ cách thoát thân nhưng không nghĩ ra được cách gì trong trường hợp khẩn cấp này. Khi tụt đến mảnh vải cuối cùng trên người Joan liền tươi cười bảo tên cường đạo: "Anh trông cũng đẹp trai vừa ý tôi lắm. Anh cần gì phải cưỡng hiếp tôi, tôi sẽ hiến dâng anh một buổi tối đê mê, nhưng tôi chưa ăn cơm chiều vậy anh dẫn tôi đi nhà hàng làm một chầu rồi về mình tha hồ thư thả". 

Chẳng hiểu sao Harold lại đồng ý để Joan mặc quần áo trở lại và hai người đến nhà hàng gần đó. Sau khi ăn xong, Harold gọi "waiter" tính tiền thì Joan xin lỗi đi vào phòng vệ sinh. Nhưng thay vì vào phòng vệ sinh để tháo nước trong lòng Joan gọi 911.
image
Hình minh họa

Khi Joan trở lại bàn với Harold thì hai cảnh sát viên cũng vừa tới. Joan cho biết cô không thể quên được khuôn mặt của Harold nó thộn ra và khó tả vô cùng. 


10-Đi ăn trộm đã ngu lại còn xạo không đúng sách. Đó là chàng Brian Walddington ở Des Moines (Iowa). Bữa đó anh Micheal Robert đi làm về thì thấy cửa sổ nhà bị vỡ và có vết máu. Khi vào nhà Robert thấy máu đầy ở nền nhà và thấy chàng Brian đang ngồi ở phòng khách đang ôm tay máu chẩy ròng ròng. Robert kềm chế Brian tại đó và gọi cảnh sát. Brian bị bắt về tội xâm nhập gia cư bất hợp pháp và ăn trộm (burglary).

image
Nhưng Brian khai rằng anh ta không biết tại sao anh ta lại ở nhà Robert mà anh ta chỉ nhớ rằng anh ta đang ở Danveport (cách nhà Robert 170 dặm) thì có một vài người ngoài địa cầu (aliens) túm lấy anh ta và liệng vào đây (nhà của Robert) khiến anh ta bị thương nên ngồi dưỡng thương. 
Nhưng cảnh sát điều tra ra nhà Brian chỉ cách nhà Robert có 1 dặm, thế cho nên Brian bị tống giam với $13,000.00 tiền thế chân và ông cảnh sát trưởng nói với Brian rằng khi nào ông ta kiếm được những "aliens" mà chàng ta nói đó thì Brian sẽ được miễn tố. 


11-Nhưng tên lưu manh sau đây phải công nhận là xứng đáng lãnh giải quán quân về lưu manh và ngu. Chàng này ở Charlotte (NC) mua một hộp thuốc xì gà thuộc loại hiếm và quý nhất thế giới. Vì quá quý nên chàng mua bảo hiểm để chống cháy hộp xì gà đó. Trong vòng một tháng, chưa trả tiền bảo hiểm tháng đầu, chàng ta đã hút sạch mẹ nó hộp xì gà. Thế nhưng chàng ta khiếu nại với hãng bảo hiểm đòi bồi thường vì xì gà cháy hết rồi. Trong đơn khiếu nại chàng ta ghi rõ bị "cháy liên tục bởi ngọn lửa nhỏ".

image
Hình minh họa
Hãng bảo hiểm từ chối bồi thường vì cho đó là tiêu thụ (consumed) chứ không phải cháy. Chàng ta thưa ra tòa và thắng kiện vì quan toàn căn cứ vào bản văn của "policy" thì đã viết rõ là bảo hiểm mất mát và "bị cháy" và bản văn không nói rõ là lý do cháy như thế nào. Vậy chỉ nói cháy thì anh ta hút cũng là cháy. 
Công ty bảo hiểm không muốn chống án vì sẽ tốn tiền hơn nên bằng lòng bồi thường $15,000 cho mớ xì gà bị cháy. Sau khi nhận được $15,000 chàng này chưa kịp xài thì bị bắt tống giam về 24 tội đốt phá (arson). Căn cứ vào lời khai của chàng ta ở phiên toàn trước và trong văn kiện bảo hiểm anh ta bị kết tội có âm mưu tự đốt phá tài sản của mình để lãnh bảo hiểm (intentionally burning his insured property). Tòa phạt chàng ta 24 tháng tù ở $24,000 tiền phạt.
 

Giáo dục Mỹ ở Việt Nam

image
Thượng nghị sỹ Fulbright và vợ nhận Huân chương Tự do vì sự nghiệp giáo dục năm 1993
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã dành nhân lực tiền tài đáng kể để cố gắng nhào nặn kẻ thù cũ theo hình ảnh nước Mỹ.
Với một đất nước khao khát học tập, dân số trẻ, theo Khổng giáo, còn gì tốt hơn là giáo dục? Mục tiêu chung cuộc không chỉ là gây ảnh hưởng mà còn quyến rũ và chuyển hóa.
Đại kế hoạch
Nền tảng cho các hoạt động liên quan giáo dục của Mỹ ở Việt Nam là một điện tín thời trước Wikileaks, U.S-Vietnam Education Memo, từ Sứ quán Mỹ ở Hà Nội mùa xuân 2008. Văn bản tám trang, 4,330 chữ, đầy những nhắc nhở lạc quan về việc phải nắm bắt cơ hội và tận dụng sự ngưỡng mộ của người Việt dành cho hệ thống giáo dục đại học Mỹ. Hoa Kỳ được mô tả như một hiệp sĩ trong áo giáp sáng ngời, với thái độ nói được làm được và tinh thần hào sảng, sắp đến giúp hàng triệu bậc cha mẹ và học sinh tuyệt vọng người Việt.

image
Điều ghê tởm về bức điện này không phải là ngôn ngữ khiêu khích, giọng văn coi thường hay thông tin thiếu chân thực. Các dữ kiện, con số, phân tích và kết luận rằng hệ thống đại học Việt Nam đang khủng hoảng đều chính xác và giống như các bài gần như hàng ngày trên truyền thống nhà nước Việt Nam.
Sự ghê tởm là Hoa Kỳ trắng trợn muốn lợi dụng một yếu kém trong xã hội Việt Nam để có lợi ích địa chính trị. Thử nghĩ về nó như con ngựa thành Trojan nhằm thay đổi xã hội, mà còn được gọi là diễn biến hòa bình.

image
Bức điện kết luận:
“Chỉ với một phần nhỏ trong chi tiêu dành cho các chương trình và hoạt động khác trong vùng, chúng ta có thể tái định hình quốc gia này theo các cách đảm bảo có tác động tích cực, sâu sắc trong nhiều thập niên tới. Nếu chúng ta muốn Việt Nam 2020 trông giống Hàn Quốc hơn Trung Quốc, nay là thời điểm hành động.”
Theo cách lý luận này, chính phủ Mỹ, trong giấc mơ, muốn có tất: quan hệ nồng ấm với Việt Nam, Việt Nam biến hình thành Hàn Quốc và trở nên lực lượng đối trọng trong vùng với ‘anh cả’ phương Bắc và kẻ thù chung, Trung Quốc.
Trung tâm Hoa Kỳ

image
Hoa Kỳ hy vọng thế hệ trẻ Việt Nam sẽ gần Mỹ hơn
Nhân viên Sứ quán viết tài liệu này có vẻ hoan hỉ đến chóng mặt trước viễn cảnh Hoa Kỳ có thể tác động đường đi chính trị tại Việt Nam thông qua trao đổi giáo dục và các hoạt động ủng hộ giáo dục ở Việt Nam.
‘Các trung tâm Hoa Kỳ’ gần đây thành lập đã đóng vai trò quan trọng trong chiến dịch quyến rũ nhằm chinh phục giới trẻ. Kể từ nhiệm kỳ Đại sứ Michael Michalak, người tự nhận là ‘Đại sứ Giáo dục’ (tháng Tám 2007 đến tháng Hai 2011), đã có nỗ lực tập thể hướng tới thanh niên, giáo viên và giảng viên đại học. Nỗ lực này dính líu nhân viên sứ quán, các cơ quan liên hệ như USAID và đủ loại diễn giả khách mời. Có các loạt bài nói chuyện, chiếu phim, hòa nhạc, câu lạc bộ sách, hoạt động giáo dục, câu lạc bộ tiếng Anh, Diễn đàn Hoa Kỳ học và cả trang ‘tự học MBA’ trên trang web lãnh sự Mỹ, đăng thông tin kinh tế và kinh doanh “được các chuyên gia Mỹ của chúng tôi mang tới Việt Nam”.

image
Các ví dụ về cách nghĩ và mục tiêu của nhiều hoạt động này có thể tìm thấy qua các điện tín của phái bộ Mỹ tại Việt Nam trong 10 năm qua, bị Wikileaks tiết lộ. Một tài liệu như thế, có tựa Nhiều thanh niên Việt Nam tin tưởng Anh Hai theo dõi Internet, nhắc về một cuộc thảo luận hồi tháng Giêng 2010 tại Trung tâm Hoa Kỳ ở Hà Nội sau khi chiếu một diễn văn của Hillary Clinton về tự do Internet. Giả định đằng sau kiểu trao đổi thế này giữa viên chức Sứ quán và thanh niên Việt Nam là Phương thức Mỹ là Cách tốt nhất.
Một trong những giả định đáng ngờ là người Việt học ở Mỹ sẽ trở về, không chỉ là bạn của Hoa Kỳ và người dân Mỹ mà còn là bạn của chính phủ Mỹ. Người ta nghĩ người Việt được đào tạo ở Mỹ sẽ tích cực hướng đến những tư tưởng Mỹ, bao gồm mục tiêu chính sách của Mỹ và nền hòa bình kiểu Mỹ (Pax Americana). Các viên chức hy vọng rằng nhiều người sẽ có được vị trí để thi hành các thay đổi thuận cho Mỹ trong những thập niên kế tiếp và sẽ dễ bảo để làm vậy.

image
Giáo dục được xem là công cụ của quyền lực mềm tối hậu, phương tiện gây ảnh hưởng rất hiệu quả và là tác nhân gây đổi thay sâu rộng trong chiến lược dài hơi để đạt được trong hòa bình những gì Mỹ đã không có nhờ quân sự trong Chiến tranh Đông Dương lần Hai.
Ảo tưởng

image
Bắt đầu từ nhiệm kỳ của Đại sứ Michael Michalak, Hoa Kỳ quan tâm mạnh tới giáo dục tại Việt Nam
Những điều này không hẳn là suy nghĩ của Thượng nghị sĩ J. William Fulbright khi ông đề nghị tạo ra chương trình học bổng hàng đầu của chính phủ Mỹ.
Fulbright từng nói về mục tiêu của trao đổi giáo dục: “Mục đích là giúp người Mỹ làm quen với thế giới thực sự, và để các sinh viên, học giả từ nhiều nơi làm quen với nước Mỹ thực sự.”

image
Như bất kỳ nước nào, Hoa Kỳ có các điểm mạnh và thành tựu – các mô hình, cách tiếp cận, cách nghĩ – có thể được áp dụng và bắt chước ở Việt Nam. Mỹ cũng có những khiếm khuyết và các câu chuyện cảnh cáo. Quan niệm rằng trao đổi giáo dục quốc tế nên đóng góp cho việc chuyển hóa các xã hội khác theo mô hình Mỹ không chỉ sai lầm mà còn không khả thi và ảo tưởng.

Với những người dành đời mình cho giáo dục quốc tế và tự xem mình như công dân toàn cầu, mong ước của chúng tôi là đóng góp nhỏ nhoi cho một thế giới yên bình, công bằng và bình đẳng hơn. Thay vì trung thành với một đất nước-nhà nước, không gian tri thức, la bàn đạo đức và cảm thức kết nối của chúng tôi mở ra với toàn nhân loại.

image
Nếu muốn thực sự trung thành với giáo lý nghề nghiệp của mình, chúng tôi phải bác bỏ “các lợi ích quốc gia” khi chúng xung đột hay gây hại cho quyền lợi và khát vọng của đồng loại mình. Vì mục tiêu đó, chúng tôi phải chống lại nỗ lực của một chính phủ có chính sách ngoại giao bắt rễ trong chủ nghĩa dân tộc và trâng tráo dùng giáo dục làm vũ khí của sức mạnh mềm.
Chúng ta đừng quên rằng người Việt nên có tự do để quyết định vận mệnh của mình mà không có can thiệp từ bên ngoài, đặc biệt lại từ một quốc gia đã là nguồn gốc của nhiều khổ đau.


Mark A. Ashwill
 

Edward Snowden là ai?

image
Edward Snowden, cựu nhân viên kỹ thuật của CIA, chạy sang Hong Kong hồi tháng Năm sau khi tiết lộ việc cơ quan tình báo Hoa Kỳ theo dõi rộng khắp internet và hệ thống điện thoại.
Ông Snowden, 30 tuổi, sống với bạn gái ở Hawaii nhưng đã chạy sang Đặc khu Hành chính của Trung Quốc, nơi mà tờ báo của Anh, the Guardian đã tiết lộ danh tính với sự đồng ý của ông.
Sau khi Hoa Kỳ ra cáo buộc và yêu cầu giới chức địa phương dẫn độ về Mỹ, ông Snowden đã rời Hong Kong hôm 23/6, bước đầu qua Moscow để rồi dự định xin tỵ nạn chính trị tại Ecuador.
Ngoại trưởng Ecuador, Ricardo Patino nói đơn xin tị nạn của ông Snowden đang được "nghiên cứu".
Các phóng viên, những người đã phỏng vấn ông tại một địa điểm bí mật ở Hong Kong mô tả đó là một người "kín đáo, thông minh, dễ gần và nổi trội. Một bậc thầy về máy tính."
Giải thích lý do khiến ông quyết định rời Hoa Kỳ, ông nói với Guardian: "Tôi không muốn sống trong một xã hội làm những việc như thế... Tôi không muốn sống trong một thế giới mà mọi thứ tôi làm, tôi nói đều bị ghi lại."

image
Hoa Kỳ cáo buộc ông Snowden tội đánh cắp tài sản chính phủ, trao đổi không phép về các thông tin an ninh quốc gia và cố ý trao đổi về các tin trao đổi tình báo chưa được giải mật.
Mỗi tội danh này có thể bị án tới tối đa 10 năm tù.
Biết rằng Hoa Kỳ không có thỏa thuận dẫn độ với Hong Kong, ông Snowden đã rời đi trên chuyến bay của hãng hàng không Nga Aeroflot tới Moscow.
Tin tức nói Ecuador xác nhận ông xin tỵ nạn với chính quyền nước này và có kế hoạch bay từ Nga sang Cuba rồi tới Venezuela trước khi đến Ecuador.
Nhưng tin mới nhất của New York Times 24/6/2013 nói chuyến bay Aeroflot 150, rời Moscow đi Havana, Cuba lại không có ông ở ghế ngồi số 17A.
'Vỡ mộng'
image
Tin tức nói ông Snowden đã lên một chuyến bay của Aeroflot rời Hong Kong sang Moscow nhưng chuyến bay rời Moscow đi Havana, Cuba lại không có ông.
Tin tức nói ông Snowden đã lớn lên tại Elizabeth City, North Carolina, và sau đó tới Maryland gần với trụ sở chính của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) tại Fort Meade.
Tự coi mình là một sinh viên không xuất sắc lắm, ông được cho là đã học môn điện toán tại trường đại học cộng đồng Maryland nhằm đạt đủ tín chỉ để lấy được bằng tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên, ông chưa từng học xong khóa này.

Năm 2003, ông gia nhập Quân đội Mỹ và bắt đầu tập huấn tại Lực lượng Đặc biệt, nhưng bị cho ra sau khi gãy cả hai chân trong một vụ tai nạn khi luyện tập.
Công việc đầu tiên của ông tại NSA là nhân viên an ninh cho một trong các cơ sở bí mật của cơ quan này tại Đại học Maryland. Sau đó, ông làm việc về an ninh công nghệ thông tin tại CIA.
Tuy không có trình độ chuyên môn chính thức, nhưng kỹ năng máy tính đầy ma thuật khiến ông nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ nhân viên tình báo.

Đến 2007, ông được CIA giao nhiệm vụ trong vỏ bọc ngoại giao tại Geneva.
Ông Snowden nói với báo Guardian:
"Hầu hết những gì chứng kiên được tại Geneva đã khiến tôi vỡ mộng về cách thức hoạt động của chính phủ mình và về ảnh hưởng của chuyện đó trên thế giới. Tôi nhận ra rằng mình là một phần của thứ đang làm hại nhiều hơn là đem lại lợi ích."
Ông Snowden nói ông đã tính đến chuyện ra công khai sớm hơn, nhưng đã chờ xem kỳ bầu cử Tổng thống Barack Obama 2008 có làm thay đổi cách tiếp cận của Hoa Kỳ hay không.
"[Ông Obama] tiếp tục những chính sách của những người tiền nhiệm," ông nói.
Theo các hồ sơ tài chính vận động tranh cử, ông Snowden hồi 2012 đã trao tiền cho ứng viên Cộng hòa ít có khả năng thắng, Ron Paul, người ủng hộ việc có những hạn chế nghiêm ngặt đối với quyền lực của chính phủ.
Ông Snowden được cho là đã quyên tiền hai lần, mỗi lần 250 đôla trong quá trình vận động.
Ông rời CIA năm 2009 và bắt đầu làm việc tại NSA trong vai trò một người làm công cho một số các nhà thầu bên ngoài, trong đó có hãng tư vấn khổng lồ Booz Allen.
image
Tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Ricardo Patino của Ecuador xác nhận tin về 'đơn xin tỵ nạn' của ông Snowden
Trong một tuyên bố, công ty này xác nhận ông đã từng làm hợp đồng với họ trong thời gian chưa tới ba tháng, được cử sang làm việc trong nhóm tại Hawaii.
"Các tin tức thời sự nói cá nhân này tuyên bố đã tiết lộ những thông tin chưa được giải mật đã gây sốc, và nếu như các tin này chính xác, thì hành động này thể hiện việc vi phạm quy tắc ứng xử và những giá trị cốt lõi của công ty chúng tôi," bản tuyên bố viết.
Ông chính thức bị sa thải hôm 11/6.
Ông Snowden nhận mức lượng 112.000 đôla, theo tuyên bố của công ty thuê ông.
Ông và bạn gái đã rời khỏi nhà tại Waipahu, West Oahu, Hawaii, hôm 1/5, không để lại gì, hãng đại lý bất động sản nói.
Một hàng xóm nói với ABC rằng hai người này thường kéo rèm đóng kín cửa và "không chuyện trò gì mấy với bất kỳ ai quanh đây".
Bạn gái của ông, có viết blog và đăng hình mình múa cột trên blog, nói cô bất ngờ về việc bạn trai đột nhiên biến mất.
"Thế giới của tôi đã mở rồi cùng lúc lại đóng," Lindsay Mills viết. "Khiến tôi bơ vơ giữa biển khơi mà chẳng có một chiếc la bàn."
image
Khi ở Hong Kong, ông Snowden được một số người ủng hộ

Snowden - 'Tự do hay là chết'
image
Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ bị cho là đã có chiến dịch nghe điện đàm khổng lồ
Đầu Tháng Hai tờ báo: Guardian ở London và Washington Post ở Washington DC tiết lộ hai chương trình tình báo của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (National Security Agency – NSA) rằng trong nhiều năm qua, với sự chấp thuận của một Tòa án đặc biệt, đã nghe mọi cuộc điện đàm của bất cứ ai (công dân Mỹ hay người nước ngoài).
Chương trình còn lấy nội dung các liên lạc qua Internet của 9 cơ sở lớn cung cấp dịch vụ Internet tại Hoa Kỳ trong đó có Google, Microsoft, Spyke , Apple, Youtube, PalTalk…
Vài ngày sau Edward Snowden, 29 tuổi, chuyên viên phân tích điện toán làm việc cho NSA xác nhận mình là người cung cấp tin.

Khó khăn chất chồng

Việc đó chồng lên việc tháng trước Sở Thuế (Internal Revenue Service – IRS) lạm dụng chức năng công quyền làm khó dễ các nhà chính trị cực hữu. Cùng lúc vụ đại sứ John Christopher Stephens bị bọn khủng bố Al Qaeda giết ngày 9/11/2012 tại Banghazi, Libya được Bộ Ngoại Giao và Bạch Ốc loan tin “là một vụ biểu tình biến thành bạo động” để làm giảm tính quan trọng về an ninh quốc gia trước cuộc bầu cử tổng thống - tưởng đã nguội - lại được Quốc hội mang ra chất vấn với câu hỏi then chốt “Tổng thống Obama có biết nội vụ không?” Nếu ông biết và có bằng chứng thì ông có thể bị bãi chức như vụ Watergate đã buộc tổng thống Nixon từ chức năm 1973.

image
Ông Obama còn đi một nước bài rất thấp khác là trong lúc “dầu sôi lửa bỏng” bổ nhiệm bà Susan Rice, đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc làm “Cố vấn An ninh Quốc gia” qua mặt Quốc hội vì chức vụ này không cần sự phê chuẩn của Thượng nghị viện. Trước đây để trả ơn bà Rice (đã bao che tổng thống trong vụ Benghazi) tổng thống Obama định đề cử bà làm Bộ trưởng Ngoại giao, nhưng sau cùng bỏ ý định đó sợ rằng cuộc điều trần phê chuẩn tại Thượng Viện sẽ phanh phui làm rắc rối thêm vụ Benghazi.
Cả một thác sự việc bất lợi đổ xuống đã làm cho tỉ số quần chúng đánh gía tổng thống Obama xuống rất thấp, thấp như tổng thống George Bush hiện nay (Obama: 47%, Bush: 47%, theo Washington Post – ABC).

Trong những ngày tới đây, truyền thông Hoa Kỳ và các chính khách sẽ mổ xẻ vụ Edward Snowden theo hướng “làm thế nào để cân bằng giữa nhu cầu an ninh quốc gia, bảo vệ sinh mạng công dân Hoa Kỳ với nhu cầu duy trì dân chủ và sự riêng tư cần thiết của người công dân.” Tổng thống Obama không thể đứng ngoài cuộc tranh luận, nhưng ý kiến của ông không nhất thiết sẽ có một ảnh hưởng sâu xa vào chính sách an ninh của Hoa Kỳ. Nội dung tranh luận và ý kiến cuối cùng của quần chúng mới thật là quan trọng .

Trước mắt của vụ Edward Snowden là phản ứng khá bình thường của chính quyền và dân chúng: (1) Bộ Tư Pháp đang nghiên cứu hình thức truy tố Snowden về tội tiết lộ bí mật quốc gia đế dẫn độ ông về Hoa Kỳ ra tòa. (2) Dân chúng (ít nhất là lúc đầu) cho rằng việc nghe điện thoại và đọc thông tin cá nhân trên Internet của Cơ quan An ninh Quốc gia là cần thiết. (3) Đại tướng Keith Alexander, Giám đốc NSA kiêm phụ trách An ninh Điện toán của Bộ Quốc Phòng (Pentagon’s U.S. Cyber Command) điều trần trước Quốc Hội hôm 18/6 nhấn mạnh rằng các chương trình “nghe lén và đọc lén” do Snowden tiết lộ nằm trong khuôn khổ của luật pháp, tối cần thiết và được thi hành một cách thận trọng. Ông cho biết trong 12 năm qua chương trình này đã giúp ngăn chận được 50 vụ khủng bố trong đó có 2 vụ quan trọng, thứ nhất là vụ đánh bom Trung tâm Chứng Khoán New York và thứ hai là một dịch vụ chuyển tiền từ Hoa Kỳ cho một cơ sở khủng bố ở Somalia do một tài xế taxi tại San Diego chủ chốt. Các nhân sự liên hệ đều bị bắt và truy tố ra tòa trước khi hành động. Tướng Alexander tiết lộ thêm rằng trong 50 vụ nói trên có 10 vụ chận được nhờ nghe điện thoại nội địa, 40 vụ do theo dõi thông tin trên internet.
Biệt tài điện toán
image
Edward Snowden đã rời Hong Kong, hy vọng tỵ nạn ở Ecuador
Vốn là một học sinh trung học không có gì xuất sắc, bỏ học ngang, nhưng có biệt tài về điện toán, Snowden được ngành tình báo điện tử Hoa Kỳ chiếu cố. Ông hiện là nhân viên của công ty Booz Allen làm việc theo giao kèo với chính phủ, và đang được bố trí làm việc tại một trung tâm nghe ngóng ở ngoại ô Honolulu. Lương năm ông trên 100.000 Mỹ kim (chưa kể các quyền lợi khác) và là một trong một số giới hạn công dân Hoa Kỳ được biết các bí mật quốc gia và tự nguyện “sống câm miệng chết mang theo.”
Nhưng Edward Snowden thấy áy náy nghĩ rằng công việc của mình không phục vụ quốc gia mà là đang gieo mầm mống cho một thế giới “big brother” trong đó con người không còn một chút riêng tư.

image
Đang ổn định với công việc và sống hạnh phúc với một người tình xinh đẹp ông bỏ trốn qua Hồng Kông. Tại đó trong một cuộc nói chuyện ghi âm bằng video với các phóng viên báo Guardian, London và Washington Post, D.C., Snowden gỉải thích rằng theo ông chương trình nghe điện thoại và đọc thông tin trên Internet một cách bí mật của chính phủ sẽ dẫn tới độc tài. Cách duy nhất để tránh là công khai hóa để dân chúng quyết định có cần phải làm như vậy hay không. Edward Snowden quả quyết ông không làm gián điệp cho quốc gia nào cả, và ông nói ông biết ông có thể bị giết, hay bị CIA bắt cóc.

Hành động của Snowden không khác gì hành động của binh nhì Bradley Manning 22 tuổi thuộc cơ quan tình báo quân sự ở Iraq 4 năm trước đây khi tiết lộ các công điện mật của bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao cho mạng WikiLeaks của Jullian Assange, một nhà báo người Úc. Trước khi bị bắt về tội “tiết lộ bí mật quốc gia” Manning nói: “Tôi muốn quần chúng biết sự thật. Nếu không biết, quần chúng không thể có quyết định đúng”.

image
Cả hai, Edward Snowden và Bradley Manning đều lớn lên trong thời kỳ hậu khủng bố 911 trong một không khí bị đe dọa làm ai cũng nghĩ an ninh quốc gia phải được đặt trước nhu cầu tự do cá nhân. Nhưng qua công việc đang làm, cả hai lo sợ thế giới, chứ không riêng gì sự tự do cá nhân của nhân dân Mỹ đang bị đe dọa và họ đã hành động.
Bradley Manning bị bắt năm 2010 và đang được tòa án xử lý. Riêng Edward Snowden đang bị Quốc Hội và tòa Bạch Ốc lên án và 53% dân chúng đòi truy tố. Thân phụ Edward Snowden, ông Lonnie Snowden e ngại Edward đi quá xa, đã - qua một cuộc phỏng vấn của đài Fox - kêu gọi Edward Snowden đừng tiết lộ gì thêm nữa và hãy trở về đối diện với pháp luật. Ông không chê trách hành động của con mình.
image
Người dân Đức đã dễ dãi để cho đảng Quốc Xã của Hitler làm gì thì làm với hứa hẹn tạo một nước Đức hùng mạnh trả thù cho sự thất trận và những nhục nhã sau khi thua trận Đại chiến thứ nhất."
Kết quả hành động của Edward Snowden là dù ông bị bắt, bị giết hay bị vào tù, vấn đề cân bằng giữa nhu cầu an ninh quốc gia và bảo vệ sinh mạng công dân với nhu cầu bảo vệ nền dân chủ và quyền tự do của con người sẽ trở thành một đề tài thảo luận sôi nổi tại quốc hội, trước tòa án, và trên các phương tiện truyền thông.

Khuynh hướng trước mắt là “an ninh trên hết”.

Nhưng lịch sử thế kỷ 20 cho khá nhiều bài học về sự dễ dãi của quần chúng đã đưa đến nhiều thảm họa. Người dân Đức đã dễ dãi để cho đảng Quốc Xã của Hitler làm gì thì làm với hứa hẹn tạo một nước Đức hùng mạnh trả thù cho sự thất trận và những nhục nhã sau khi thua trận Đại chiến thứ nhất. Sự dễ dãi đó đã giúp Hitler trở thành một nhà độc tài (qua các định chế Dân chủ Hiến định) cho phép ông giết 6 triệu người Do Thái và năm 1944 sau khi bị ám sát hụt ông đã có thể dùng luật xử bắn và treo cổ 5000 sĩ quan Đức, trong đó có danh tướng Erwin Rommel bị ép uống thuốc độc chết.

Thí dụ khác là sự phát sinh chủ nghĩa cộng sản, nghĩ cho cùng là do sự dễ dãi của quần chúng Nga đối với thuyết Mác xít trước chế độ thối nát của Nga Hoàng và sự ủng hộ chế độ Cộng sản “vô sản chuyên chính” tại Nga của giới trí thức Tây Phương. Đó là nguyên nhân của quyền hành vô giới hạn của Stalin muốn giết ai thì giết và thực tế ông đã giết hằng chục triệu người dân Nga. Sự hào nhoáng của chủ nghĩa Marx và những lời hứa hẹn cơm no áo ấm mơ hồ là căn nguyên thiết lập các chế độ cộng sản tại Trung quốc và Việt Nam đã mang lại bao nhiêu là tai họa cho hai đất nước này.

image
Bài học tốt đối với nhân dân Mỹ là “không thể tin vào hứa hẹn của đảng cầm quyền” (dù đó là đảng Dân chủ hay đảng Cộng Hòa và bạn là người Cộng Hòa hay Dân chủ) và giao phó quyền hành tuyệt đối cho họ. Trong vụ Snowden, chính quyền nói chính quyền hành xử “quyền nghe điện thoại và internet” một cách hợp luật và tự chế tối đa để tránh mọi lạm dụng quyền tự do của công dân. Nhưng quyền hành là một chất ma túy khi đã ngấm thì khó bỏ. Và khi người cầm quyền biết những gì bạn không biết sự tự do của bạn sẽ mất đi từng ngày một. Sự trong sáng thông tin là vũ khí bảo vệ tự do hữu hiệu nhất.
Nếu châm ngôn “Tự do hay là Chết” còn có ý nghĩa thì kết luận của cuộc tranh luận về sự chọn lựa giữa nhu cầu an ninh và nhu cầu duy trì dân chủ tự do đã rõ: Thà chết hơn là mất Tự Do.
Trần Bình Nam   

No comments:

Post a Comment

quangnm