Friday, March 20, 2015

Tại sao một số người hay bị muỗi đốt hơn?

Tại sao một số người hay bị muỗi đốt hơn?

Ước tính có tới 20% người trong chúng ta hay bị muỗi đốt hơn những người khác. Và điều bất tiện này do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ nhóm máu tới tần suất tắm rửa của "khổ chủ".

Dù đối với nhiều người, các nốt muỗi đốt chỉ hơi gây khó chịu, nhưng đối với một nhóm nhỏ người khác, việc bị muỗi đốt đôi khi có thể dẫn đến những phản ứng dị ứng nghiêm trọng và cả nguy cơ nhiễm bệnh, chẳng hạn như sốt rét hay sốt xuất huyết, ...
"Khi một con muỗi đốt và hút máu người, nó cũng sẽ tiêm nước bọt vào cơ thể bạn để ngăn máu của bạn đông lại. Các protein và enzym trogn nước bọt của muỗi cũng là nguyên nhân gây kích ứng và ngứa ngáy", tiến sĩ Martin Donnelly đến từ Trường y học nhiệt đới thuộc Đại học Liverpool (Anh), giải thích.
Theo các chuyên gia, việc bạn có bị muỗi đốt hay không đều do "sự kết hợp hoàn hảo giữa các đặc điểm di truyền và mùi". Trong đó, tới 85% lí do tại sao muỗi "yêu thích" ai đó là vì di truyền. Do vậy, tin xấu là, chúng ta không thể làm được gì nhiều để giải quyết chuyện này. Và nếu bố hoặc mẹ của bạn là người hay bị muỗi đốt, bạn nhiều khả năng cũng hay bị những con côn trùng này quấy rầy.
Thống kê cho thấy, cơ thể người sản sinh ra gần 500 hóa chất dễ bay hơi khác nhau và chúng tỏa mùi qua da của chúng ta vào không khí. Những con muỗi có thể phát hiện rất nhiều trong số những hóa chất này, nhờ sử dụng một cặp râu tơ tí hon trên đầu của chúng.
Các nghiên cứu hé lộ, mồ hôi, axit lactic, axit uric và octenol thu hút muỗi. Trong đó, axit lactic được giải phóng qua các lỗ chân lông trên da, đặc biệt sau khi người tập thể dục thể thao. Axit uric được biết đến nhiều nhất như một hóa chất trong nước tiểu, nhưng cũng có thể tích tụ trong da người. Octenol được tìm thấy trong mồ hôi và hơi thở của người, nên nếu bạn ướt đẫm mồ hôi hoặc thở mạnh, bạn sẽ sản sinh ra chất hóa học này nhiều hơn, đồng nghĩa với việc thu hút nhiều con côn trùng hút máu vo ve quanh mình hơn.
Một số người trong chúng ta phát thải các hóa chất trên nhiều hơn những người khác một cách tự nhiên, nên đây có thể là nguyên nhân khiến họ được muỗi "ưu ái" hơn.

Muỗi dường như cũng thích nhiệt độ cơ thể cao hơn, trong khi thân nhiệt của chúng ta tăng lên khi tập thể dục, thể thao. Điều này giúp lý giải tại sao chúng ta có thể dễ bị muỗi đốt hơn sau buổi rèn luyện sức khỏe.
Mùi mồ hôi cũ, chẳng hạn như hơn 1 ngày, cũng được phát hiện hấp dẫn với muỗi hơn. Do đó, việc thường xuyên tắm rửa có thể khiến bạn ít nguy cơ trở thành mục tiêu tấn công của loài côn trùng hút máu này hơn.
Một yếu tố nữa ảnh hưởng tới việc bạn có hay bị muỗi đốt không là nhóm máu của bạn. Nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có nhóm máu O đối mặt với nguy cơ bị muỗi đốt cao hơn gấp 2 lần so với những người sở hữu nhóm máu B. Người có nhóm máu A thậm chí còn ít bị muỗi "hỏi thăm" hơn những người sở hữu nhóm máu B.
Ngoài ra, 85% người trong chúng ta tiết ra một hóa chất giúp muỗi biết chúng ta sở hữu nhóm máu nào và họ cũng nhiều khả năng bị muỗi bám đuổi hơn 15% số con lại.
Lượng cácbon điôxit bạn thở ra cũng là thứ dẫn dụ muỗi. Những con muỗi cái sử dụng hàng loạt kỹ thuật để săn tìm con mồi. Tuy nhiên, một trong những kỹ thuật quan trọng nhất là dựa vào sự hiện diện của cácbon điôxit - chất khí không màu, vô hình mà chúng ta thở ra.
Những người thải ra lượng khí này nhiều nhất, vốn thường là người to lớn hoặc phụ nữ mang thai, nhiều khả năng lọt vào "tầm ngắm" của muỗi hơn. Chúng sử dụng một cơ quan có tên gọi là xúc tu hàm trên để phát hiện các đám mây cácbon điôxit trước khi bay tới chỗ nguồn tạo ra chúng. Cơ quan thăm dò này nhạy tới mức có thể lần ra đấu vết của khí từ cách xa tới 50 mét.
Cách tốt nhất xử lý nốt muỗi đốt
Theo tiến sĩ Ron Behrens thuộc Trường Vệ sinh và y học nhiệt đới London (Anh), vấn đề chính với các nốt muỗi đốt là việc nhiễm trùng. Ông nói, một số người có phản ứng nghiêm trọng tới mức cơ thể họ tạo ra một phản ứng viêm theo cách làm sưng phồng và tích tụ dịch quanh vùng bị đốt. Những phản ứng dị ứng này có thể gây khó chịu da nhiều tới mức khiến chúng ta có nhu cầu gãi chúng mất kiểm soát.
Tuy nhiên, lời khuyên là bạn nên hạn chế gãi càng nhiều càng tốt, vì gãi làm rách da, khiến bạn dễ bị mắc các nhiễm trùng nghiêm trọng như nhiễm trùng máu hay viêm mô tế bào da.
"Cách tốt nhất phòng ngừa nhiễm trùng là thoa một loại kem kháng viêm, chăng hạn như ibuprofen, ngay sau khi bạn bị muỗi đốt. Sau đó, dùng gạc băng chỗ muỗi đốt lại để ngăn bạn gãi vào đó", tiến sĩ Behrens nhấn mạnh.
Tuấn Anh(Theo Daily Mail)

Xu hướng mới: Điện mặt trời nổi trên nước

 - Ứng dụng năng lượng mặt trời ở quy mô lớn nhất bây giờ và có thể cả trong tương lai vẫn là sản xuất điện năng.
Về mặt công nghệ, hiện nay chỉ phát triển rộng rãi hai loại: Công nghệ quang điện SPV (Solar Photovoltaic) và Công nghệ hội tụ năng lượng mặt trời CSP (concentrated solar power).
Riêng trong công nghệ SPV, năng lượng ánh sáng mặt trời được chuyển thành điện năng bởi các tế bào quang điện (hay các pin mặt trời nhỏ bé). Các pin nhỏ này ghép lại thành tấm pin mặt trời lớn và các tấm pin này lại ghép với nhau thành mô-đun hay dãy trước khi đưa lên lưới điện và chuyển đến người sử dụng.
Ánh sáng mặt trời là nguồn năng lượng vô tận và “không mất tiền mua”, vậy mà từ bao nhiêu năm nay ngành công nghiệp điện mặt trời chỉ được phát triển một cách chậm chạp và dè dặt, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng công nghệ quang điện SPV.
Chỉ trong những năm gần đây nền điện năng mặt trời loại này như được khởi sắc bởi sự chắp cánh của xu hướng sản xuất ngay trên mặt nước của sông hồ và cả trên mặt biển.
Sáng kiến mở đầu từ Israel
điện mặt trời, nổi trên nước, xu hướng, nhà máy, năng lượng
Sự hạn chế lớn của việc khai thác năng lượng ánh sáng mặt trời để biến thành điện năng dùng công nghệ SPV gây ra bởi hai khó khăn chính. Trước hết, chất bán dẫn Silicon là vật liệu tốt nhất nhưng cũng khá đắt đỏ trong công nghệ CSP. Thứ hai là yêu cầu lớn về diện tích đất để đặt các tấm thu ánh sáng mặt trời trong lúc việc mua hay thuê đất bằng phẳng cũng là khó khăn lớn khiến giá thành của điện mặt trời bị đẩy lên khá cao.
Trong những nước đi tiên phong trong việc xây dựng và thí điểm công nghệ nhằm khắc phục các khó khăn trên phải kể đến Israel, cụ thể là hãng Solaris Synergy. Chính hãng Solaris Synergy đã giải quyết cả 2 vấn đề khó khăn nói trên, đạt được những hiệu quả đáng ngạc nhiên và, nhờ vậy, đã đạt được vị trí thứ nhất trong cuộc thi ý tưởng tại Đại học Tel Aviv vào tháng 11 năm 2011.
Cụ thể, các kết quả nghiên cứu đạt được của Solaris Synergy như sau. Để giảm chi phí sử dụng các tấm silicon lớn, cần chia nhỏ chúng rồi cho “nổi trên mặt nước như đồ chơi Lego” và “được bao phủ bởi một tấm phim tráng gương có hình cong, có thể thu ánh sáng thành một đường mỏng… “ và, như vậy, “bề mặt của thiết bị giảm chỉ cần 5% lượng silicon, do đó giảm được chi phí đắt đỏ của loại vật liệu này”.
Để giảm tốn kém diện tích đất, hãng Solaris Synergy đã đưa thiết bị thu và biến đổi ánh sáng mặt trời thành dòng điện cho nổi trên mặt nước sạch, nước mặn hoặc nước thải. Và hệ thiết bị này được nâng bởi một mạng lưới được kết nối từ các phần nhỏ chế biến từ sợi thủy tinh và chất dẻo siêu nhẹ có thể nổi được trên mặt nước. Ngoài ra, có thể kể thêm một lợi ích kèm theo: tấm pin mặt trời trên mặt nước này còn đưa lại lợi ích khác vì nó giảm đáng kể sự bay hơi, ngăn chặn sự phát triển của tảo và các sinh vật hữu cơ trong môi trường nước.
Và để cho tia sáng mặt trời luôn hội tụ trong các tấm silicon, tấm lưới nâng được xoay dần dần theo sự di chuyển của mặt trời trong ngày nhờ một động cơ nhỏ điều khiển từ xa qua ăng-ten…
Phát minh trên của hãng Solaris Synergy có ý nghĩa lớn và được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới, trước hết phải kể đến các quốc gia Anh, Úc, Ấn Độ và Ý. Và tiêu biểu là hai nhà máy điện mặt trời ở hai nước Australia và Nhật Bản.
Australia: Nhà máy điện SPV nổi đầu tiên
Nhà máy điện mặt trời sử dụng công nghệ quang điện SPV nổi trên nước đầu tiên với những tính năng ưu việt của nó đã được xây dựng và sắp hoàn thành, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động ngay đầu tháng 4/2015 sắp tới.
Nhà máy này nổi trên một mặt hồ của cơ sở xử lý nước thải ở thị trấn Jamestown thuộc bang Nam Australia. Nhà máy được thiết kế để phần lớn công trình được thực hiện ở bên ngoài, rồi lắp ráp lại với nhau bên trên cơ sở xử lý nước thải.
Các tấm thu năng lượng mặt trời nổi sẽ được làm mát bởi phần nước phía dưới, do đó làm tăng hiệu quả hoạt động lên 57% so với các tấm thu năng lượng mặt trời trên cạn. Đồng thời các tấm này “cũng giúp ngăn chặn 90% nước bốc hơi từ bề mặt được che phủ phía dưới. Đối với những tiểu bang khô hạn hay những vùng có khí hậu khô, đây là một giải pháp tiết kiệm nước tuyệt vời…Nó cũng ngăn chặn tảo xanh phát triển bằng cách giữ mát cho bề mặt nước, cải thiện chất lượng nước qua xử lý" (theo lời bà Felicia Whiting thuộc Công ty Infratech Industries).
điện mặt trời, nổi trên nước, xu hướng, nhà máy, năng lượng
Nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên của Australia được xây dựng bên trên một hồ nước của cơ sở xử lý nước thải. Ảnh: ABC.
Công ty Infratech Infratech đã phát triển các nhà máy điện mặt trời nổi ở nhiều quốc gia như Pháp và Hàn Quốc, nhưng đó cũng chỉ là những điểm thử nghiệm. Chính nhà máy sắp đưa vào hoạt động ở Nam Australia mới là nhà máy được áp dụng mô hình mới được cải tiến, dự kiến sẽ sản xuất năng lượng không chỉ đủ cho cơ sở xử lý nước thải hoạt động, mà còn cung cấp điện cho thị trấn Jamestown.
Có thể xem nhà máy ở Nam Australia này thực sự là nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên trên thế giới. Với nhà máy này, các nhà chuyên môn khẳng định đây là mô hình nhà máy điện mặt trời bền vững, không tốn diện tích đất và là hình mẫu cho nhiều nước trên thế giới.
Nhật: Dự án điện mặt trời nổi lớn nhất
Ngoài Australia, gần đây, công nghệ pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên mặt nước đã được quan tâm phát triển tại Anh, Úc, Ấn Độ và Ý.
Và đặc biệt ở Nhật Bản, một đất nước khá hẹp về diện tích đất đai bằng phẳng và không đủ diện tích để xây dựng các nhà máy điện mặt trời cỡ lớn. Nhưng bù lại, nước Nhật có tiềm năng về các hồ tích nước trong nông nghiệp, hồ kiểm soát lũ và, ngoài ra, toàn bộ đất nước Phù Tang bao quanh bởi đại dương bao la. Đó là tài sản quý giá để đặt các tấm panô pin cho các nhà máy điện mặt trời kích cỡ khác nhau.
Nhìn lại quá trình phát triển ở Nhật Bản, ông Nobuo Kitamura, giám đốc điều hành cấp cao của Kyocera, cho biết: từ năm 1970 nước này đã bắt đầu nghiên cứu và phát triển năng lượng Mặt Trời, nhưng chủ yếu là ứng dụng với phạm vi nhỏ hẹp như trong sản xuất điện cho đèn đường, biển báo giao thông và trạm viễn thông ở khu vực miền núi. Bước tiếp theo là xây dựng một số nhà máy lớn hơn trên các dải đất ven biển như Kagoshima Nanatsujima.
điện mặt trời, nổi trên nước, xu hướng, nhà máy, năng lượng
Ảnh nhà máy điện mặt trời Kagoshima Nanatsujima hiện có của Nhật. Ảnh: Kyocera.
Đặc biệt, kể từ năm 2011 khi xảy ra thảm họa động đất sóng thần với nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima, Nhật Bản chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời với xu hướng thiên về các nhà máy sử dụng công nghệ quang điện SPV và lắp đặt trên mặt nước.
Và vào tháng 9 năm qua, tập đoàn Kyocera đưa ra kế hoạch khởi công xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi trên nước lớn nhất thế giới: phủ 11.000 tấm panô pin mặt trời lên hai khu vực mặt nước rộng ở tỉnh Hyogo. Hai trạm quang điện nổi này có công suất 2,9 MW, đủ để cung cấp điện sinh hoạt cho 920 hộ dân.
Đồng thời Kyocera cho xây dựng 30 nhà máy quang điện nổi trên biển vào năm 2015 để sản xuất ra 60 MW điện. Theo Kyocera, các panô nổi trên biển hoạt động tốt hơn trên đất liền vì nước biển làm mát các tấm pin mặt trời khiến tế bào quang điện hoạt động hiệu quả hơn.
Hệ thống năng lượng mặt trời trên mặt nước lớn nhất sẽ được xây dựng trên đập Yamakura. Dự kiến dự án sẽ hoàn thành vào tháng 3 năm 2016, khi đó hệ thống sẽ bao phủ 180.000 m2 nước, với 50.000 tấm pin năng lượng mặt trời và cung cấp điện cho khoảng 5.000 hộ tiêu thụ.
Với nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên sắp khánh thành trong tháng sau của Australia và hệ thống nhà máy quy mô hàng đầu thế giới của Nhật bản dự kiến khai trương vào đầu năm tới, ngành điện mặt trời theo công nghệ SPV trên thế giới sẽ vươn lên một vị thế mới sánh vai với ngành này theo công nghệ hội tụ năng lượng mặt trời CSP sẽ trình bày trong phần giới thiệu kế tiếp Công nghệ hội tụ năng lượng mặt trời CSP (concentrated solar power).
Trần Minh

10 nhà máy điện mặt trời lớn nhất thế giới

 - Cùng với vai trò của một nguồn năng lượng tái tạo đang thuộc loại nhất nhì trên trái đất, các nhà máy điện mặt trời cũng đang được nhiều nước trên thế giới đua nhau xây dựng ngày một to hơn, không đạt vị trí hàng đầu thế giới cũng lọt vào danh sách Top 5, Top 10 toàn cầu.
Công nghệ SPV và CSP
điện mặt trời, tái tạo, năng lượng, nhà máy, lớn nhất thế giới, top 10
Nhà máy điện mặt trời Topaz Solar Farm ở Mỹ.
Phân loại theo loại công nghệ, một loại nhà máy điện mặt trời sử dụng công nghệ quang điện SPV (Solar Photovoltaic hay PV). Trong công nghệ SPV này (xem hình 1), năng lượng ánh sáng mặt trời được chuyển thành dòng điện bởi hiệu ứng quang điện qua các tế bào quang điện, đó là các pin mặt trời bé nhỏ. Các pin nhỏ ghép lại thành tấm pin mặt trời lớn. Các tấm pin lớn này lại ghép với nhau để thành mô đun hay dãy, khi dòng điện đủ lớn có thể nối lên lưới điện.
Nhà máy điện mặt trời có thể hoạt động dựa vào loại công nghệ khác CSP (concentrated solar power). Máy điện CSP (xem hình 2), sử dụng một hệ thống rất nhiều tấm gương phản chiếu và các hệ thống điều khiển để tập trung tối ưu ánh sáng mặt trời từ tất cả các gương phản chiếu phân bố trong một khu vực rộng lớn vào một diện tích nhỏ. 
Và tại vị trí này đặt các ống dẫn hay bể chứa nước hoặc chất lỏng đặc biệt (như muối nguyên chất). Tuỳ trường hợp, ống dẫn có thể được làm nóng lên nhiệt độ vài chục độ có thể sử dụng sưởi ấm bể bơi, cung cấp nước ấm cho các hộ gia đình, lưu trữ năng lượng phòng khi không có mặt trời chiếu sáng, đến vài trăm độ đủ tạo thành những dòng hơi nước mạnh làm quay tuôc-bin để sản xuất điện.
điện mặt trời, tái tạo, năng lượng, nhà máy, lớn nhất thế giới, top 10
Nhà máy điện mặt trời Ivanpah tại Mỹ.
Nhiều nhà nghiên cứu đã theo dõi tình hình phát triển các nhà máy điện mặt trời và hàng năm thống kê các cỗ máy mới cũ, lớn nhỏ theo từng loại SPV hay CSP, từ đó ghi danh các Top 10, Top 100.
TOP 10 các nhà máy điện mặt trời
Trong bảng số 1 dưới đây xếp hạng các nhà máy điện mặt trời làm việc trên nguyên lý công nghệ quang điện SPV (Solar Photovoltaic hay PV):
“Topaz Solar Farm”, Mỹ550 MW (đat 300 MW vào tháng 1/2014)
 
“Agua Caliente” , Mỹ 251 MW (đat 397 MW khi hoàn thành)
“California Valley Solar Ranch”, Mỹ 250 MW (hoàn thành 2013)
“Antelope Valley Solar Ranch”, Mỹ 230 MW (gần hoàn thành)
“Charanka Solar Park”, Trung quốc 221 MW
 “Golmud Solar Park”  , Trung quốc 200 MW (hoàn thành 2011)
“Imperial Solar Energy Center South”, Mỹ  200 MW
“Centinela Solar Energy Project”, Mỹ 170 MW (gần hoàn thành)
“Meuro Solar Park”, Đức 166 MW (hoàn thành 2013)
“Mesquite Solar I” , Mỹ 150 MW         
Trong bảng số 2 dưới đây dành xếp hạng các nhà máy điện mặt trời hoạt động theo nguyên lý công nghệ nhiệt mặt trời hay tập trung bức xạ ánh sáng mặt trời CSP.
Ivanpah Solar Electric Generating System, Mỹ
 
392 MW
 
 2Solar Energy Generating Systems, Mỹ 354 MW
 3Solana Generating Station, Mỹ 280 MW
 4 Solaben Solar Power Station, Tây Ban Nha 200 MW
 5 Solnova Solar Power Station, Tây Ban Nha150 MW 
 6 Andasol Solar Power Station, Tây Ban Nha150 MW 
 7 Extresol Solar Power Station, Tây Ban Nha 150 MW
 8 Shams Torre de Miguel Sesmero, UAE 100 MW
 9 Palma del Río Solar Power Station, Tây Ban Nha 100 MW
 10 Manchasol Solar Power Station, Tây Ban Nha100 MW
Phân tích số liệu trong hai bảng xếp hạng các nhà máy điện mặt trời theo công suất phát điện của nhà máy, rõ ràng nhà máy của Mỹ đứng hàng đầu của cả hai bảng. Hơn nữa đối với nhà máy loại SPV, nước Mỹ chiếm luôn cả 4 vị trí hàng đầu bảng và tổng cộng 7 vị trí trong top ten. Đối với các nhà máy loại CSP, nước Mỹ cũng chiếm 3 vị trí đầu bảng.
Tình hình trên chứng tỏ nước Mỹ đang phát triển mạnh điện mặt trời. Dù rằng, trong bảng xếp hạng TOP TEN tổng điện năng mặt trời (xem bài “Top 10 quốc gia khai thác điện mặt trời trên thế giới”/Vietnamnet.vn/), nuớc Mỹ đứng ở vị trị khá khiêm tốn, thứ vị 5 và tổng điện năng mặt trời đạt 11,43 Gigawatt, đứng sau các nước như Đức, Ý, Trung quốc và Nhật.
Những nhận xét trên chứng tỏ, điện mặt trời ở nước Mỹ mới phát triển mạnh từ những năm gần đây. Thực vậy, nền công nghiệp điện của nước Mỹ hùng hậu với tổng công suất luôn ở vị trí hàng đầu thế giới từ nhiều năm đều dựa vào các loại điện năng chủ yếu như nhiệt (dầu, khí), thủy điện và điện hạt nhân, đồng thời bắt đầu chú ý đến năng lượng tái tạo. Và chủ trương tiếp tục xây dựng bổ sung nhà máy điện hạt nhân cùng với quan tâm phát triển năng lượng tái tạo, trong đó gồm cả điện mặt trời là chủ trương của nước Mỹ hiện nay, như Tổng thống Mỹ Obama gần đây nhiều lần tuyên bố.
Trần Minh

Xuất hiện bằng chứng mới về quái vật hồ Loch Ness

Một du khách Phillipines tuyên bố đã được tận mắt chứng kiến quái vật hồ Loch Ness huyền thoại trồi lên trên mặt nước hít thở không khí, trong lúc đi dạo bên bờ sông lừng danh của Scotland.

Bà Consuela Ross, 50 tuổi, kể, cuộc chạm trán bất ngờ khiến bà sững sờ tới mức, dù có máy ảnh trong tay nhưng không thể ghi lại được bức ảnh về con quái vật huyền thoại. Thay vào đó, nữ du khách lớn tuổi đến từ Phillipines chỉ kịp ghi lại khoảnh khắc sau khi quái vật hồ Loch Ness đã lặn xuống dưới mặt nước.
Đoạn clip ngắn quay vào thời điểm đó cho thấy một vòng tròn nước xáo động bí ẩn, lan ra phía ngoài từ khu vực giữa hồ. Bà Ross quả quyết đã nhìn thấy con quái vật trồi lên ở đó.
Theo lời nhân chứng, bà đang đi dạo bên bờ hồ cùng con gái Reyshell Avellanoza, 29 tuổi và cô cháu gái Heather Elizabeth thì sự việc xảy ra. Heather là người trông thấy sinh vật lạ đầu tiên và chỉ về phía hình thù kỳ dị.
Trang Daily Record dẫn lời bà Ross cho biết: "Con bé nói nó giống như một cái bụng đen khổng lồ. Chúng tôi nhìn và có thể thấy sự xáo trộn khác thường và đối tượng đen ngòm, to lớn ở giữa đó. Chúng tôi bị thôi miên đến mức không nghĩ tới việc chụp ảnh ngay lập tức dù có máy ảnh trong tay. Vào thời điểm chúng tôi nhận ra mình đang nhìn thấy gì và bắt đầu quay phim, đối tượng đã chìm xuống, gần như thoát khỏi tầm quan sát và dịch chuyển ra xa về phía lòng hồ, để lại một vòng tròn nước hoàn hảo, giống như xoáy nước".
quái vật, hồ Loch Ness, huyền thoại, truyền thuyết 
Hồi đầu năm nay, thợ săn quái vật người Thụy Điển Bjarne Sjöstrand, 52 tuổi, đã giành được giải thưởng trị giá 2.000 Bảng Anh trong một cuộc thi phát hiện quái vật hồ Loch Ness, sau khi "chộp" được một vật thể lạ trong các bức ảnh vệ tinh.
Đây chỉ là một vài trong số các "bằng chứng" hình ảnh mới nhất nhằm chứng minh sự tồn tại của con quái vật truyền thuyết trong hồ Loch Ness. Hồi tháng 11 năm ngoái, người ta cũng cho công bố một đoạn clip ngắn mờ ảo, dường như cho thấy một hình dạng dài và mảnh đang đung đưa trong nước, và được cho là rất giống chiếc cổ dài ngoẵng, thanh mảnh của con quái vật huyền thoại.
Một số "bằng chứng" trong số này đã được xác minh là giả tạo. Bất chấp hàng thập niên đồn đoán, sinh vật kỳ bí cho tới nay vẫn chưa được xác định rõ ràng là có thật hay không.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)

Kinh hoàng phát hiện ổ giòi trong lợi bé gái

Nha sĩ khám cho một bé gái bị sưng lợi, kinh hoàng phát hiện tới 15 con giòi đang sống ký sinh trong miệng của em.

Ana Cardoso, 10 tuổi, được đưa tới một bệnh viện ở thủ đô Brasilia của Brazil sau khi than phiền về cảm giác ngứa ran trong lợi và những thứ đang chuyển động trong đó.
Mẹ của Ana - cô Adriana, 35 tuổi, kể: "Suốt mấy ngày liên tiếp, con bé cứ nói nó cảm thấy có thứ gì đó đang bò quanh miệng. Ban đầu tôi nghĩ con bé đùa. Tôi không thấy thứ gì bất thường và con bé dường như cũng không bị đau.
Tuy nhiên, sau đó, mọi việc bắt đầu trở nên tồi tệ hơn. Bất kể chúng tôi đã nỗ lực đánh răng cho con bé nhiều tới mức nào, nó vẫn cảm thấy thứ gì đó đang chuyển động. Tôi hiểu rõ con gái mình. Con bé không phải dạng hay bịa chuyện và nói dối, nên tôi đã quyết định đưa con tới thăm khám bác sĩ nha khoa".
Tại bệnh viện, bé Ana được chẩn đoán mắc một dạng hiếm gặp của chứng giòi miệng. Đây là một dạng nhiễm trùng giòi - ấu trùng trong giai đoạn trưởng thành của loài ruồi, ở người và động vật.
"Tôi không thể tin khi các bác sĩ thông báo, con gái tôi mắc bệnh và bắt đầu lôi lũ giòi ra khỏi lợi của nó. Tôi nghĩ chắc mình sẽ phát ốm", cô Cardoso bộc bạch.
Đại diện phòng khám nha khoa thông báo, có tổng cộng 15 con giòi trong miệng của bé gái tiểu học. Vì vậy, họ đã tiến hành ghi hình lại quá trình loại bỏ lũ sinh vật ký sinh này để lưu hồ sơ, do đây là trường hợp hiếm khi xảy ra. Họ cũng muốn cung cấp bằng chứng cho gia đình Ana biết chuyện gì đã xảy ra và cảnh báo những người khác.
Theo các chuyên gia, ấu trùng của ruồi có thể sinh trưởng nhờ mô sống hoặc chết, chất dịch cơ thể hoặc thức ăn đã tiêu hóa của vật chủ. Khi những con ký sinh trùng này xâm nhập vào các mô trong khoang miệng, chúng gây ra bệnh giòi miệng.
Các đối tượng có nguy cơ mắc căn bệnh hiếm gặp này thường là những người nghèo, có điều kiện vệ sinh kém hoặc những người bị thương ở mặt.
Bệnh nhiễm trùng giòi cũng phổ biến hơn ở những khu vực có khí hậu ấm áp hơn. Nếu chứng bệnh này xuất hiện ở mũi và tai sẽ rất nguy hiểm vì giòi có thể xâm nhập vào não, gây ra tỉ lệ tử vong cao tới 8% trong những trường hợp như thế này.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)

Thị trấn kỳ lạ bị lửa thiêu đốt suốt 99 năm

Ở một thị trấn của Ấn Độ, cư dân địa phương đang chết dần chết mòn vì tỉ lệ mắc các rối loạn hô hấp và bệnh da liễu cao đến mức báo động, bắt nguồn từ những đám lửa cháy ngầm dưới đất suốt gần 1 thế kỷ qua, khiến toàn vùng ngập chìm trong khói độc.
thị trấn, kỳ lạ, Ấn Độ, bị thiêu đốt, 99 năm
Thị trấn Jharia thuộc tỉnh Jharkhand, tây bắc Ấn Độ đang tọa lạc phía trên hơn 70 đám cháy ngầm, không ngừng thiêu đốt dưới bề mặt đất kể từ năm 1916. Thảm cảnh này xảy ra tiếp sau một vụ sập mỏ than đá ở vùng giàu nguồn nhiên liệu địa khai này.
Bất chấp nỗ lực tích cực của các nhà chức trách từ nhiều thập niên qua, họ vẫn không thể nào dập tắt được những ngọn lửa đang không ngừng thiêu đốt thị trấn. Được nuôi dưỡng bằng số than đá nằm dưới bề mặt đất, có trị giá ước tính lên tới hàng tỉ USD, các đám cháy ngầm đã tạo ra những hố lún sụt, từng nuốt chửng 250 hộ gia đình chỉ trong vòng 4 tiếng, cách đây 20 năm.
Khói độc hại chứa đầy những chất độc như lưu huỳnh, cácbon và nitơ oxit, bao phủ dày đặc khắp thị trấn suốt gần 100 năm qua. Nó là nguyên nhân khiến tỉ lệ người dân mắc các bệnh về da liễu và rối loạn hô hấp rất cao. Tuy nhiên, cư dân thị trấn và con cái họ ngày qua ngày vẫn mạo hiểm kiếm sống bằng cách đào bới các mẩu than đá ở dưới nền đất nóng bỏng đem bán tại các chợ địa phương.
Theo các báo cáo, đám cháy mỏ than đầu tiên được phát hiện trong vùng vào năm 1916 và được tin là do một mỏ lộ thiên không được cho ngừng hoạt động đúng cách. Trong các thập niên tiếp sau đó, đám cháy đã lan ra tới mức không thể kiểm soát được.
Bất chấp những cảnh báo lặp đi lặp lại rằng, thị trấn và khu vực xung quanh đang trên bờ vực thảm họa sinh thái và nhân đạo, chẳng có mấy điều đạt được nhằm thực hiện cam kết di dời toàn bộ thị trấn.
Theo tạp chí Earth Magazine, người ta tin rằng, nếu số than đá còn lại phía dưới bề mặt (khoảng 1,5 tỉ tấn) sẽ bốc cháy với tốc độ tương tự như hiện nay, các đám cháy có thể hoành hành thêm 3.800 năm nữa.
Nhiếp ảnh gia Johnny Haglund đã tới thăm khu vực thị trấn Jharia năm ngoái và giành được giải thưởng cho dự án nhiếp ảnh "Trái đất đang bốc cháy" ông thực hiện tại đây. Nhiếp ảnh gia này mô tả cảm giác khi đứng ở nơi này giống như da đang bị thiêu đốt.
Bất chấp các điều kiện sống khủng khiếp, ông Haglund vẫn chứng kiến những đứa trẻ đi chân trần khắp vùng để mót than đá bán lấy tiền. Ông kể: "Cuối mỗi ngày, quần áo và da của tôi bị bám một lớp bụi than đá dày đặc. Tôi thường cảm thấy như khuôn mặt mình đang bốc cháy. Tôi đi ủng rất dày, nhưng thỉnh thoảng vẫn di chuyển đây đó với phần đế ủng gần như tan chảy. Tuy nhiên, tôi nhìn thấy những đứa trẻ nhỏ, khoảng 6 - 7 tuổi đi moi móc than đá mà không có giày, dép và thở trong bầu không khí đó. Tất cả thật sự tồi tệ".
Tuấn Anh(Theo Daily Mail)

Số hành tinh có sự sống có thể lên đến hàng tỉ?

Theo các nhà khoa học, các ngôi sao trong dải Ngân Hà đều nằm gần từ một đến ba hành tinh có thể có sự sống.
Các nhà thiên văn học đã đưa ra kết luận này sau khi tính toán số hành tinh nằm ở khu vực cách ngôi sao một khoảng cách vừa đủ để có nhiệt độ ấm và đại dương nước, từ đó sẽ có sự sống.
Nhà nghiên cứu Steffen Kjaer Jacobsen thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết: “Theo các số liệu và những thông tin mà chúng tôi có được, phần lớn các hành tinh nằm trong khu vực có thể sống được sẽ là các hành tinh rắn có thể có nước dạng lỏng và tồn tại sự sống”.
hành tinh có sự sống
Mỗi ngôi sao trong Dải Ngân Hà đều có từ 1 đến 3 hành tinh có thể có tồn tại sự sống.
Phát hiện này dựa trên một dữ liệu từ vệ tinh không gian Kepler của NASA (Mỹ), trước đó đã xác nhận có sự tồn tại của khoảng 1.000 hành tinh đang quay quanh các ngôi sao trong dải Ngân Hà và đã xác định khoảng 3.000 hành tinh có thể có sự sống.
Nhiều ngôi sao tại Dải Ngân Hà nằm trong một hệ gồm từ 2 đến 6 hành tinh, nhưng các nhà khoa học tin rằng vẫn còn nhiều hành tinh chưa được phát hiện bởi Kepler, vốn chỉ phù hợp trong việc phát hiện các hành tinh lớn có quỹ đạo gần với ngôi sao.
Để xác định được vị trí của các hành tinh “chưa tìm thấy” này, các nhà khoa học đã ứng dựng một khái niệm toán học đã có từ 250 năm trước có tên là định luật Titius-Bode, đã từng được sử dụng để phát hiện sự tồn tại của sao Thiên Vương trước khi chính thức phát hiện qua kinh viễn vọng.
Định luật này nói rằng, có một tỉ lệ nhất định giữa các chu kỳ quay quanh mặt trời của các hành tinh trong cùng một hệ. Do đó, nếu ta biết được thời gian cần thiết để một hành tinh quay quanh một ngôi sao, ta có thể tính được thời gian của các hành tình còn lại và qua đó ước lượng vị trí của chúng trong hệ. Ngoài ra, nó có thể xác định số hành tinh thực sự của một hệ mặt trời.
“Chúng tôi quyết định sử dụng phương pháp này để tính toán vị trí của các hành tinh trong 151 hệ, nơi vệ tinh Kepler mới chỉ phát hiện được từ 3 đến 6 hành tinh”, ông Jacobson cho biết.
“Định luật Titius-Bode tỏ ra chính xác với 124 hệ hành tinh. Bằng cách này chúng tôi đã thử phán đoán liệu có còn hành tinh nào khác trong các hệ hay không. Nhưng chúng tôi chỉ tính toán dựa trên các hành tinh mà các bạn có thể thấy qua Kepler”.
Theo đó, các nhà khoa học đoán được tổng cộng có 228 hành tinh trong 151 hệ và kết luận rằng mỗi hệ có trung bình từ 1 đến 3 hành tinh trong vùng có thể sinh sống được. Điều này có nghĩa là trong dải Ngân Hà có hàng tỉ ngôi sao nằm trong một hệ có những hành tinh nơi nước và sự sống tồn tại.
Các nhà khoa học đã đưa ra một danh sách gồm 77 hành tinh có sự sống “chưa tìm thấy”, nhiều khả năng có thể được phát hiện khi chúng đi ngang qua ngôi sao trong hệ của chúng.
Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ tờ Mirror, một trang tin đời sống xã hội của Anh. Mirror có một lượng bạn đọc khá lớn trên toàn thế giới nhờ vào tính đa dạng và độc đáo của thông tin mà tờ này xuất bản.
Theo Infonet

Bắt được nòng nọc bạch tạng "khủng" dị thường

Khi đang lội qua một con suối, các chuyên gia thám hiểm hang động ở Trung Quốc tình cờ bắt gặp một con nòng nọc to lớn dị thường, dài tới 14cm và sở hữu lớp da trong suốt để lộ toàn bộ nội tạng của nó.

nòng nọc, khủng, bạch tạng, dị thường, Trung Quốc
Ye Yuan, 47 tuổi, một thành viên nhóm thám hiểm, kể: "Chúng tôi biết có thứ gì đó đang bơi dưới suối vì thấy nước dịch chuyển. Chúng tôi đã tìm được cách múc nó lên xem. Ban đầu, chúng tôi nghĩ đó là một con cá bạch tạng, nhưng khi xem kỹ, chúng tôi nhận ra mình đã tìm thấy một con nòng nọc khủng".
Trang Nhân dân nhật báo của Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia cho hay, con nòng nọc kỳ dị nói trên là ấu trùng của một con cóc có răng, đốm đỏ, danh pháp khoa học là Oreolalax rhodostigmatus nhưng thường được biết đến với tên gọi cóc lười Quý Châu. Những con nòng nọc như thế này thường cư trú trong các hang động đá vôi.
nòng nọc, khủng, bạch tạng, dị thường, Trung Quốc 
Tuy nhiên, các nhà khoa học đặc biệt thích thú nghiên cứu mẫu vật trên, vì họ chưa từng thấy cá thể nòng nọc nào to lớn tới như vậy. Thông thường, nòng nọc Oreolalax rhodostigmatus chỉ phát triển cơ thể tới kích cỡ 10cm và một con cóc trưởng thành hoàn toàn thuộc loài này cũng chỉ dài 10cm.
nòng nọc, khủng, bạch tạng, dị thường, Trung Quốc 
"Một khi chúng tôi đã đưa được con nòng nọc lên mặt nước và dưới ánh nắng mặt trời, làn da màu trắng của nó bắt đầu chuyển sang màu tía, khiến chúng tôi không thể quan sát được các nội tạng của nó nữa. Đây thực sự là một phát hiện đáng chú ý", chuyên gia Ye nhấn mạnh.
Theo tiết lộ của nhóm thám hiểm, con nòng nọc "khủng" được tìm thấy ở một hang động ở độ cao 800 mét trên mực nước biển, tại thành phố Zunyi thuộc tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc hồi đầu tuần này.
nòng nọc, khủng, bạch tạng, dị thường, Trung Quốc
Cóc Oreolalax rhodostigmatus thuộc họ lưỡng cư Megophryidae và đang nằm trong "Sách đỏ" của Trung Quốc về các loài dễ bị tổn hại. Nòng nọc của loài sinh vật này thường không bao giờ mạo hiểm ra khỏi bóng tối của các dòng sông ngầm dưới đất, nên chúng phát triển làn da trong suốt, có khả năng đổi màu khi tiếp xúc với ánh sáng.
Những con nòng nọc Oreolalax rhodostigmatus sinh trưởng nhờ ăn tảo và chúng mất 1 - 2 năm để hoàn thành quá trình biến hình.
Tuấn Anh(Theo Daily Mail)

Bản đồ chính xác nhất về bên trong Trái đất

Các nhà khoa học đã lắng nghe những trận động đất để tạo ra bản đồ chính xác nhất về bên trong hành tinh chúng ta.

bản đồ, Trái đất, chính xác nhất
Bằng cách ghi lại các sóng địa chấn, các nhà nghiên cứu đã có thể xây dựng hình ảnh 3D về lớp manti - lớp nằm giữa vỏ và lõi ngoài của Trái đất. Họ thực hiện điều này bằng cách phân tích tốc độ của các rung chấn, vốn di chuyển rất nhanh qua đá rắn đặc và chậm chạp qua mắc-ma nóng chảy.
bản đồ, Trái đất, chính xác nhất 
Trong các hình ảnh được công bố, những sóng chậm hơn có màu đỏ và cam, trong khi các rung chấn nhanh hơn có màu xanh dương và xanh lục.
Ngoài những hình ảnh 3D trên, tác giả của chúng - giáo sư Jeroen Tromp thuộc Đại học Princeton (Mỹ) đang cố gắng vẽ nên bản đồ về toàn bộ lớp manti, tới độ sâu 3.000 mét, vào cuối năm nay. Để hoàn thành mục tiêu này, ông Tromp và các cộng sự đã sử dụng siêu máy tính Titan, vốn có thể thực hiện 20 triệu tỉ phép tính/giây tại phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở Tennessee, Mỹ.
bản đồ, Trái đất, chính xác nhất 
Cho tới hiện tại, giáo sư Tromp đã xem xét các sóng địa chấn từ 3.000 trận động đất có cường độ ít nhất 5,5 độ Richter, do hàng ngàn trạm ghi địa chấn trên khắp thế giới cung cấp. Bản đồ của ông dự kiến có thể hé lộ vị trí chính xác của các mảng kiến tạo có khả năng gây động đất khi dịch chuyển ngược hướng nhau, cũng như vị trí của mắc-ma nếu nó phun lên bề mặt, gây hoạt động núi lửa.
bản đồ, Trái đất, chính xác nhất 
Nghiên cứu trước đây về vấn đề này chỉ sử dụng 3 loại sóng địa chấn: các sóng chính yếu hay sóng chịu nén, sóng thứ yếu hay sóng trượt và các sóng bề mặt. Trong khi đó, kỹ thuật của giáo sư Tromp sử dụng cả các sóng di chuyển từ tâm động đất tới máy dò cũng như các sóng từ máy dò tới chỗ động đất, gọi là sóng liên hợp.
Tuấn Anh(theo Daily Mail)

Bão Mặt trời tấn công Trái đất, thông tin liên lạc có thể bị tê liệt

Một trận bão Mặt trời, hay còn gọi là bão từ, đang tấn công Trái Đất và có nguy cơ làm tê liệt các mạng lưới điện và thông tin liên lạc trên mặt đất.
Trong thông báo đưa ra ngày 17/3, Viện Khí tượng và hải dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết trận bão Mặt trời này được xếp ở cấp độ G4 trong thang cấp độ từ G1 - G5 với G5 là cấp độ mạnh nhất. Đây là kết quả của hai vụ nổ lớn trên lớp bề mặt ngoài cùng của Mặt Trời, hay còn gọi là nhật hoa (corona) hoặc lửa Mặt Trời, xảy ra hôm 15/3 vừa qua.
Những vụ nổ này đã dẫn đến hiện tượng phun trào nhật hoa, đồng thời làm bùng phát các đám mây điện tích khổng lồ cực nóng vào không gian. Những đám mây này gây ra bão từ với cường độ cao, đủ sức xuyên qua lớp từ trường bảo vệ Trái Đất, đồng thời đưa một lượng hạt mang điện không nhỏ vào trong khí quyển.
bão Mặt trời, Trái đất, thông tin liên lạc, tê liệt
Bão Mặt trời hình thành từ một vụ nổ trên bề mặt hành tinh này (hay còn gọi là lửa mặt trời), phóng ra các tia X và tia cực tím xuống Trái Đất với tốc độ ánh sáng.
Theo NOAA, trận bão Mặt Trời có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát điện thế trên diện rộng hay hệ thống bảo vệ của mạng lưới điện. Do ảnh hưởng của bão từ, sóng phát thanh cao tần trên Trái Đất cũng sẽ bị chập chờn hoặc bị mất tín hiệu trong vài giờ đồng hồ, trong khi hoạt động của hệ thống vệ tinh theo dõi cũng có nguy cơ bị gián đoạn.
Tại Mỹ, người dân ở các khu vực như Alaska, Minnesota, Wisconsin, Washington, Bắc và Nam Dakota cho biết đã thấy các cực quang phát ra do bão từ. Dự kiến, người dân châu Âu cũng sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh tượng này trong ngày 17/3.
Bão Mặt trời hình thành từ một vụ nổ trên bề mặt hành tinh này (hay còn gọi là lửa mặt trời), phóng ra các tia X và tia cực tím xuống Trái Đất với tốc độ ánh sáng. Vài giờ sau, các phần tử chứa năng lượng chảy theo, các hạt electron và proton này có thể gây nhiễm điện cho các vệ tinh, đồng thời làm chập các thiết bị điện tử gắn kèm. Tiếp đó, những đám mây nặng tỷ tấn chứa plasma từ tính sẽ từ Mặt Trời "đáp" xuống Trái Đất sau một ngày hoặc lâu hơn.
Theo giới chuyên gia, các vụ nổ trên Mặt Trời hiếm khi xảy ra, nhưng đây vẫn là mối nguy cơ đe dọa các vệ tinh, hệ thống định vị toàn cầu và các đường dây tải điện. Nếu xảy ra, bão Mặt trời có thể gây thiệt hại trên diện rộng, làm tê liệt các hệ thống thiết yếu như điện, sóng phát thanh, hệ thống định vị GPS, hệ thống cung cấp nước hoạt động bằng bơm điện.
Theo Báo Tin tức

Thử nghiệm thành công truyền tải điện qua không gian

Các nhà khoa học Nhật Bản đã truyền tải điện thành công năng bằng phương pháp không dây. Đây là bước đột phá có thể mở đường cho các hệ thống phát điện mặt trời trong không gian.
truyền tải điện, không cần dây, Nhật Bản, đột phá, ứng dụng
Mô hình nhà máy phát điện mặt trời của JAXA.
Nhóm nghiên cứu thuộc tập đoàn Mitsubishi (Nhật Bản) đã sử dụng sóng vi ba để truyền tải 1,8 KW điện qua không khí tới thiết bị nhận ở khoảng cách 55m. Trong khi khoảng cách tương đối nhỏ, công nghệ này một ngày nào đó có thể mở đường cho loài người khai thác một lượng lớn năng lượng mặt trời và gửi về Trái đất.
“Đây là lần đầu tiên chúng ta gửi thành công một lượng điện gần 2 KW qua sóng vi ba tới một mục tiêu nhỏ, sử dụng một thiết bị điều khiển trực tiếp”, phát ngôn viên của Cơ quan khám phá vũ trụ Nhật Bản (JAXA), cho biết.
Cuộc thử nghiệm, diễn ra tại xưởng cơ khí và đóng tàu Kobe ở Nagoya, Nhật Bản, sẽ giúp JAXA tiếp tục nghiên cứu hệ thống phát điện mặt trời trong không gian được mong chờ từ lâu. Nhà máy phát điện mặt trời trong không gian có nhiều thuận lợi hơn so với các nhà máy dưới mặt đất như năng lượng mặt trời duy trì liên tục mà không bị ảnh hưởng bởi thời tiết và thời gian ngay hay đêm.
Trong khi các vệ tinh nhân tạo, như Trạm không gian quốc tế (ISS), đã sử dụng năng lượng điện mặt trời từ lâu, thì việc đưa điện từ không gian xuống Trái đất để con người có thể sử dụng vẫn là điều viễn tưởng. Nhưng nghiên cứu của Nhật Bản mở ra khả năng con người một ngày nào đó có thể khai thác nguồn năng lượng bất tận trong không gian.
Ý tưởng của JAXA sẽ là đưa các vệ tinh được lắp các tấm pin mặt trời và ăng ten lên không gian cách Trái đất khoảng 36.000 km. “Nhưng nó có thể phải mất nhiều thập kỷ trước khi chúng ta thấy ứng dụng áp dụng công nghệ này, có thể vào những năm 2040 hay lâu hơn. Có nhiều thách thức cần vượt qua, như làm cách nào để đưa những cấu trúc khổng lồ lên không gian hay cách xây dựng và bảo dưỡng các thiết bị này”, phát ngôn viên của JAXA cho biết.
Các nhà khoa học Mỹ đưa ra ý tưởng xây dựng nhà máy phát điện mặt trời trong không gian từ những năm 1960, trong khi chương trình phát triển nhà máy điện mặt trời trong không gian của Nhật Bản được tài trợ bởi Bộ Công nghiệp của nước này bắt đầu triển khai năm 2009.
Hà Hương (Theo Daily Mail)

No comments:

Post a Comment

quangnm