Friday, March 20, 2015

Chào Em, Sàigòn 40

Chào Em, Sàigòn 40

Song Lam -
(Bài viết của tác giả kể về Sài gòn mùa Noel 2014, đã đăng trên mục Viết về nước Mỹ của Việt Báo)
0-sg 2
I.

Cuối cùng thì tôi cũng về cái ổ của mình. Nằm thẳng cẳng, hai tay đan trên ngực, mắt nhắm nghiền, tôi giống hệt như những người được Chúa gọi về. Chỉ có khác đôi điều là còn thở phì phò và trái tim còn đập lổn nhổn khi trồi khi sụt. Ba tuần lễ ở Sàigon để thăm lại người mẹ ra đi năm ngoái, tôi như con thú hoang đi lạc. Mọi thứ đều lạ lẫm, trễ tràng. Sàigon thật sự không còn của riêng tôi.
Đứng thật lâu ở cửa Tây chợ Bến Thành, ngay tiệm vàng Nguyễn Thế Bài trước 75, tôi không hiểu mình muốn tìm gì, gặp ai trong lúc này. Con đường Lê Thánh Tôn ngày xưa đi học bằng xe đạp đôi lần dừng lại vì xe bị tuột sên, có ít nhất vài anh con trai tới sửa dùm. Bây giờ, đứng đây cả buổi, nhìn ngó tứ tung, chẳng có ma nào ngó tới tôi. Buồn tình, tôi đi lang thang. Đi bộ lòng vòng ngang kem Bạch Đằng, tôi ngán ngẩm chẳng thèm vào. À, nhà sách Khai Trí cũ đây rồi. Vô chút. Hình bóng cũ nào còn đây, sách vở ích gì cho buổi ấy? Tôi mua vài quyển sách dạy nhạc, Tự học Tây Ban Cầm với ước mong dợt lại bài Thu Ca ngày nào, bài dư âm kỷ niệm ngày hai đứa mới quen nhau, bài Thuyền và Biển mà mấy đứa em già chế lại hát như thế này: “Nếu phải sống xa em, anh chỉ còn bão tố. Nếu phải sống bên em, anh chỉ còn… cái khố.”
Bùng binh Sàigon ngày nào có tượng đài Trần Nguyên Hãn oai phong, tượng nữ sinh Quách thị Trang bằng đá trắng… nay đã mất tăm, mất tiêu. Xe cộ thật nhiều, ồ ạt, ào ào khiến tôi chóng mặt.
Sàigòn bây giờ đầy dẫy, ngập tràn nhà cao tầng không khác gì các đô thị văn minh Âu Mỹ. Sàigon có Bicotex Trung tâm tài chính, mà dân Saigon gọi là bà đầm bưng mâm xôi, Saigon có Center Tower 72 lầu, Saigon có đường hầm bắc qua sông Thủ Thiêm. Bến đò Thủ Thiêm bên bến sông Bạch Đằng năm xưa chạy xập xình, ành ạch sóng nước cả ngày cả đêm nay đã không còn. Con đò Thủ Thiêm đã lùi vào dĩ vãng! Trong trí nhớ người dân Sàigon vẫn còn câu hát: “Bắp non đem nướng lửa lò. Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm”. “Con đò” Thủ Thiêm tức là cô lái đò trẻ tuổi xinh đẹp chèo đò đưa khách sang sông. Tôi thích quá chừng chữ “ve” này, mà chữ “cua” hay chữ “dê” không tài nào sánh kịp!
Sàigon có cầu vượt, có xa lộ Đông Tây, có siêu thị lớn nhỏ sang trọng không thua gì ở Mỹ. Sàigon có tất cả, nhưng Saigon không có nụ cười.
https://c2.staticflickr.com/6/5018/5512708400_6cfe4bc526_z.jpg
Sàigon có tất cả, nhưng Saigon không có nụ cười.

Sàigon không có nụ cười? Các bạn có cho rằng tôi nói quá sự thật không? Một lần nữa, tôi xin xác định: Saigon không có nụ cười. Trong công việc hàng ngày của tôi, tôi cười với khách hàng hàng trăm lần, nói hai chữ “cám ơn” hàng ngàn lần. Saigon không có được chuyện này.
Hàng ngàn chiếc xe gắn máy đổ xô ra đường mỗi giờ, mỗi ngày, mọi người chen lấn nhau, tranh giành nhau từng centimet đường, mặt mày hằm hè như sắp sửa gây gổ, chửi mắng nhau và mặt lạnh như… tiền Việt Nam. Vào cơ quan chính quyền, quý vị sẽ thấy được sắc mặt này: họ nhìn mình ghẻ lạnh, soi mói coi mình thuộc tầng lớp nào trong xã hội, họ nhìn qua cách ăn mặc để đoán xem mình có tiền nhiều hay ít… ôi cái nhìn xa lạ, dửng dưng, không có một chút tình cảm con người nào hết. Sao kỳ vậy cà? Tôi tự hỏi mình. Biết hỏi ai bi giờ?
0-sg 1
Saigon có những bộ trang phục đắt tiền, những chiếc xe hơi bạc triệu, những biệt thự sang trọng với phòng master bedroom dát vàng ròng bốn số chín, nhưng Saigon không có được tình yêu thương. Saigon vắng bóng lòng nhân ái và chết tiệt sự bao dung.
Những ngày cận kề Christmas, Saigon treo đèn kết hoa cùng khắp những con đường lớn. Những công trình xây dựng còn dang dở khắp nơi gây ra sự kẹt xe dữ dội vào những giờ cao điểm. Dân Saigon ăn nhậu tối ngày, từ sáng sớm cho tới giữa khuya. Quán nhậu san sát, từ bò dê cao cấp cho đến rắn mối thằn lằn. Hình như mọi người đang lâm vào cảnh mê hồn trận cứ ăn nhậu thả cửa chừng nào chết hẳn hay. Tôi có những đêm Saigon mất ngủ triền miên vì tiếng xe gắn máy ầm ầm trong từng hang cùng ngõ hẹp. Bốn năm giờ sáng lại nghe rộn rã tiếng rao hàng: “Bánh mì nóng đây, bánh mì nóng đây”. Saigon lúc nào cũng hực hở lửa nóng, rít rịt tay chân, chỉ nhờ mong ngọn gió mát bất chợt.
Tuổi trẻ Saigon bây giờ cao hơn, đẹp hơn, sang trọng hơn. Con gái ra đường không ai biết đẹp hay xấu, cao hay thấp, da trắng mịn màng hay đen thui rổ chằng chịt, vì họ trùm kín mít, chỉ chừa hai con mắt vẽ chỉ đen thui, lạnh lùng. Ai cũng chen lấn, vội vã, chụp giựt. Và hoàn toàn không có một nụ cười nào hết. Ở Saigon ba tuần, tôi không biết mình cười được bao nhiêu lần, chỉ thấy lòng trĩu nặng sầu thương.
Đã nhiều lần tôi thấy được những người già như tôi đã về hưu ngồi trong nhà thu lu bất động. Nếu không bận rộn được làm ô-sin không công cho con cháu thì họ cứ ngồi trước bực cửa nhìn ra ngoài đường. Họ ngồi đó, buồn, bất động và héo tàn.
Central Tower lộng lẫy sửa soạn chào mừng năm mới 2015, sẵn sàng giơ cao dao sắc chém ngọt khách hàng. Ly kem bạc hà chỉ có hai viên kem tròn vo lớn hơn cái trứng cút chút xíu, trả 11 dollars cho tui. Trời ơi giá cả hơn cả bên Mỹ. Nhưng lo gì. Đại gia thừa tiền lắm bạc, “bi nhiêu bi!”
Saigon cũng có những buffet đắt tiền dành cho nhà giàu mới mở mắt sau này như ở Hoàng Yến, Newworld, nhất là ở nhà hàng năm sao Newworld này, ăn trưa 26 dollars và ăn tối 42 dollars trong khi người lao động buôn gánh bán bưng chỉ mong kiếm được 2 dollars/ngày (42.000 đồng Việt Nam). Saigon ơi, nhức nhối lòng tôi.
Mở mắt chào đời ở Saigon, sống và thở với Saigon qua bao nhiêu thăng trầm của đất nước, của thời cuộc, tôi vẫn ôm Saigon vào trong lồng ngực tưởng như lúc nào cũng son trẻ của mình. Xa Saigon 40 năm, Saigon đã ngủ vùi 40 năm, Saigon đã mất đi vẻ thơ mộng, lãng mạn, đã mất đi hoàn toàn văn hóa phương Nam, để trở thành thứ lai căng chú kiết, Tây chẳng ra Tây, Tàu chẳng ra Tàu. Saigon bây giờ vẫn đang còn một triệu ba trăm ngàn người nghèo khổ đói khát lầm than. Có những cái chết vội vàng non yểu, trăm thứ bệnh lạ do thực phẩm độc hại mang đến, Saigon có trăm ngàn chuyện giả từ lông mi giả đến tôm khô, bánh tráng, gạo lúa ăn uống hàng ngày.
http://cms.kienthuc.net.vn/zoomh/500/uploaded/manhtu/2014_12_08/oc/1zing_mbvd.jpg
nghịch cảnh ở Sài Gòn
Bên cạnh những building cao vòi vọi, những nhà hàng sang trọng, những resort năm sao, quý bạn đọc sẽ còn thấy được những trường học xuống cấp thê thảm, những bệnh viện ghẻ lở hoang phế hàng trăm năm không sửa sang. Quý bạn đọc hãy ghé mắt vào bệnh viện T.C ở Saigon để thấy bệnh nhân nằm la liệt từ hành lang cho đến trước cửa nhà vệ sinh, nằm luôn cả dưới gầm giường. Y tế quả là quá tải và giáo dục đi đoong. Chúng tôi đến thăm đứa cháu họ tại phòng vô trùng của Trung tâm huyết học mà sững sờ: thằng nhỏ chuẩn bị trình luận án tốt nghiệp cao học kinh tế, lại được phát hiện bị ung thư máu. Tôi phát khóc khi nhìn bốn thanh niên trẻ không quá 25, mặt mũi sáng láng khôi ngô với những cái đầu trọc lóc vì vừa trải qua mấy đợt Chemo. Những khuôn mặt trắng bệt đang cần vô máu, mà xác suất sống còn chỉ có từ 20-25% đã làm tôi đau lòng, không biết phải nói gì để an ủi các cháu. Không ai trả lời được câu hỏi tại sao trong khi tiền đóng cho bệnh viện cao ngất ngưỡng được tính bằng hàng chục ngàn dollars, cha mẹ các cháu phải cầm cố nhà cửa, ruộng vườn…
http://nld.vcmedia.vn/saQ5JhZlXGwUrsv02ccccccccccccl/Image/2013/05/1360042964benhnhanchuigamgiuong1_c2ff3.jpg
bệnh nhân nằm luôn cả dưới gầm giường
Làm sao ngoảnh mặt quay lưng với cảnh đời trái ngược ở Saigon: bên cạnh cuộc sống xa hoa dư thừa phủ phê của kẻ có quyền lực, vẫn còn hằng hà sa số cuộc đời của những con người Việt Nam bần cùng đói khát kiếm ăn từng bữa toát mồ hôi, còn những mồ hoang mả lạnh, còn bao nhiêu cái chết tức tưởi, âm thầm… những người muôn năm cũ hồn ở đâu bây giờ? (Vũ Đình Liên-Ông Đồ). Người lính cũ VNCH, người thương phế binh của chế độ cũ vẫn còn sống vất vưởng, lê la đầu đường xó chợ mà sự trợ giúp hàng năm của đồng bào hải ngoại vẫn không thấm thía vào đâu! Chương trình “Cám ơn Anh” hàng năm ở California với số thu lên đến bảy tám trăm ngàn dollars vẫn còn quá ít so với nỗi đau quá lớn, những thương tật trùng điệp của hàng chục ngàn chiến binh sau 75. Chúng ta đời đời chịu ơn họ, cái ơn sâu không bao giờ trả nổi…
Saigon thân yêu của tôi ơi! Em đã ngoài 40 từ 1975, từ dạo người Saigon ken chân vội vã chen lấn xuống tàu bạt mạng thừa sống thiếu chết vượt trùng dương tìm đường trốn chạy, biết bao người đã chìm sâu đáy nước, biết bao nhiêu người lưu lạc phương trời?
Biết nói gì với em hôm nay, Saigon 40? Hôm nay thăm lại Saigon, em chỉ còn trong tôi hình bóng cũ: Con đường Bà Huyện Thanh Quan những chiều tan học mát rượi lối đi, vòng xe quay thanh thản nói cười với bạn, tà áo dài trắng quấn quít mối tình đầu.
“Saigon ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời. Saigon ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời…” (Saigon ơi vĩnh biệt-Nam Lộc)
Tôi vẫn còn hoài hình ảnh Saigon tráng lệ, tươi đẹp trong trái tim già nua khô héo của mình. Và Saigon ơi, tôi còn mãi Saigon xưa trong trí nhớ.
II.
Tôi trở lại Valley Forge vào những ngày cuối của năm 2014, tôi nghe lòng giá buốt với cái lạnh 6 độ F về đêm và những tai ương nổ ra từ khắp thế giới trong khi năm 2015 từng bước đến gần. Hai cảnh sát viên New York bị kẻ gian sát hại ngày 20/12 là vết thương lớn cho nhân dân Mỹ, đặc biệt là cộng đồng New York. Sự sát hại đó có lẽ bắt nguồn từ sự phân biệt chủng tộc âm ỉ, dai dẳng sau khi người thanh niên Michael Brown ngả xuống từ viên đạn của người cảnh sát da trắng trong tháng 8/2014. Và chỉ một tuần sau 28/12, Air Asia của Malaysia mang biển số 8501 lại bị rớt ở đáy biển Java mang theo 162 hành khách và phi hành đoàn, trong khi vừa cất cánh từ Jakarta (Indonesia) đi Singapore được 45 phút…
Dù vậy, ở Times Square New York, trái cầu mà cả thế giới dõi mắt mong chờ count down như một thông lệ chào mừng năm mới, với hy vọng sẽ tốt đẹp hơn năm cũ, đã qui tụ hàng trăm ngàn người trẻ tuổi bất chấp cái lạnh giá mùa Đông. Ở quanh vùng chúng tôi cư ngụ, Valley Forge Casino đã chuẩn bị hàng trăm chai Champagne sẳn sàng mở nnắp để đón khách. Liệu 2015 có khá hơn chăng?Ai mà biết được?
Tôi đã não lòng với đồng hương của tôi ở Saigon Việt Nam, tức Saigon lớn. Còn Saigon nhỏ? Khi nghĩ đến Little Saigon là tôi có chút vui. Sao kỳ vậy cà? Saigon nhỏ hình thành khắp nơi trên thế giới, nơi có người Việt Nam sinh sống và thành lập cộng đồng. Phải chăng người Việt Nam tị nạn khắp nơi trên thế giới muốn tìm lại những gì đã mất? Vì Saigon lớn không còn của mình nữa, mà là của họ, của người chủ mới!
Những lần đến Little Saigon ở Cali, tôi tìm lại được hình ảnh quá khứ, rất Việt Nam. Hình ảnh chiếc áo bà ba, vành nón lá, tà áo dài thanh tú ngày xưa đã không còn thấy ở Saigon lớn, lại vẫn ung dung hãnh diện khoe khoang ở Saigon nhỏ, đặc biệt tôi tìm thấy được con người Saigon xưa với đặc trưng văn hóa Saigon và tôi có được từ họ, những nụ cười thân ái.
Làm sao nói hết được những gian khổ, nhục nhằn của người Việt Nam lưu lạc nơi xứ người từ 40 năm qua? Họ đã từ bỏ hết những gì có được trong tay để làm lại từ đầu bằng bất cứ công việc gì, vị trí nào để mưu sinh nuôi sống gia đình, gầy dựng cuộc sống mới. Biết bao mồ hôi nước mắt đã tuôn đổ cho 40 năm lưu vong? Hai ba giờ sáng phải trở dậy đáp xe buýt đến chỗ làm với đồng lương rẻ mạt, phải sinh hoạt trong những điều kiện eo hẹp, phải tiết kiệm từng đồng bạc kiếm được, và cũng không thiếu những ê chề, tủi nhục trong quãng đường dài nơi xứ người. Nhưng người Việt Nam với bản tính chịu khó, cần cù, chịu đựng gian khổ để gầy dựng tương lai cho thế hệ thứ hai.
Sau 40 năm ròng, lớp người thế hệ thứ nhất đã già rồi, một số người đã ngàn đời yên nghỉ, để lớp trẻ đầy đủ năng lực, trưởng thành vươn lên nơi quê hương thư hai này. Họ có mặt ở các ngành nghề với vai trò lãnh đạo và thật sự bước vào chính trường của Mỹ như Janet, Trí, Andrew… ở Little Saigon Nam Cali, như Nguyễn Xuân Hùng ở Texas hay Tâm Nguyễn ở San Jose… Công việc của họ hãy còn ở phía trước, trong đó có dự định đề nghị Thượng Viện Mỹ can thiệp cho người lính cũ VNCH, những thương phế binh sống vất vưởng ở quê nhà được định cư sang Mỹ, sang Úc để bù đắp phần nào thiệt thòi của họ. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mộng ước này thành sự thật!
Người Saigon sống dễ dãi, chan hòa tình cảm với mọi người, với bà con hàng xóm láng giềng, với đồng hương đồng khói. Người viết cứ tự hỏi mình hoài: Ở Cali có nhiều hội đoàn, như Hội Nhớ Huế, Quảng Nam-Đà Nẵng, Bạc Liêu, Gò Công… mà sao không có Hội Saigon? Có thể Saigon là điểm hẹn, điểm đến của các miền đất nước chăng? Ở vùng New Jersey, có Saigon Plaza, có chợ Bến Thành… và cái Logo chợ Bến Thành dùng làm bảng hiệu cho khắp nơi có Saigon nhỏ, tức Little Saigon. Đây là niềm hãnh diện chung cho người Việt Nam, cho Saigon, cho người Saigon, cho nên 40 năm qua, tâm tình ấy vẫn đầy thương, đầy nhớ.
Bây giờ ở Little Saigon Nam Cali chắc đang có những lo toan hạnh phúc? Nào là chuẩn bị Hội Tết hàng năm, cuộc diễn hành ở phố Bolsa, cuộc thi nấu bánh chưng ở Phước Lộc Thọ, thi hoa hậu áo dài truyền thống… để đón mừng năm mới Ất Mùi 2015. Tết Việt Nam vẫn còn mãi trong lòng người Việt Nam, người Saigon!
Những chuẩn bị rậm rịch, rộn ràng của mọi người từ đầu tháng Chạp. Các bà mẹ sẽ lui cui nấu nướng sớm chiều cho ngày 30 Tết cúng rước ông bà, tổ tiên, chào đón Giao thừa. Ngoài chợ lao xao mua sắm đồ ăn thức uống, bánh trái rượu bia và nhất là hoa Tết. Trời ơi làm sao nói hết cái cảm giác vui sướng khi đi dạo chợ hoa tìm mua những cành mai đẹp nhất? Người bán người mua lao xao nói cười, chợ ngày không đủ ngày giờ, còn có chợ đêm nữa chứ! Về đêm Cali mát rượi, đi chợ đêm vừa đi vừa ăn bắp nướng thoa mỡ hành thì hạnh phúc biết bao?
Ngày Tết đến rồi, những chiếc áo dài được phơi phóng, ủi là cho thật phẳng phiu để đem ra chưng diện với mọi người. Áo gấm chữ thọ dành cho các ông, áo gấm đủ màu, đủ các loại hoa Mai lan cúc trúc dành cho các bà và các cô gái trẻ. Ai cũng mặc áo dài, từ trẻ nít cho đến cụ già, thậm chí các dân cử Mỹ lẫn Việt trên truyền hình chúc Tết đồng hương cũng diện áo dài. Áo dài được mùa. Người viết cảm thấy thật vui, thật gần gũi với họ. Ai cũng trang trọng chúc Tết nhau, nói cười thật vui như… Tết.
http://nguoiviettudoutah.org/2011/wp-content/uploads/2015/03/Cali44.jpg
diễn hành Tết Ất Mùi  tại Little Saigon, thuộc hạt Orange County, tiểu bang California
Người Việt Nam ở Little Saigon nói cười với nhau trong chợ, trên xe đò, ngoài bãi biển, trên xe buýt, trong buổi coi văn nghệ… dù họ chửa quen nhau, quen nhau đôi lần, gặp nhau đôi bận, họ cũng sẵn sàng chia xẻ tâm tình, mọi hoàn cảnh được phơi bày để hỏi ý kiến, thật hoàn toàn khác với những khuôn mặt “chằm vằm” của người Saigon ở Việt Nam.
Xin lỗi bạn đọc thật nhiều vì tôi cứ nhắc hoài những hình bóng ngày xưa. Quả thật quãng đường 40 năm của người Việt Nam với những kỷ niệm đã cũ, rất cũ, đã là của hôm qua. Và 40 năm lưu vong tị nạn nơi xứ người, cũng tưởng chừng như mới hôm qua. Thời gian như bóng câu qua cửa sổ. Rồi tất cả sẽ qua, sẽ qua, sẽ là của quá khứ rộn ràng trong lòng mỗi người dân Việt.
Dù thế giới hiện giờ chưa được bình an dù chưa hoàn toàn hạnh phúc, nhưng có lẽ nào ta lại hờ hững với mùa xuân đang từng bước đến gần? Ở miền Đông lạnh giá mù sương này, tôi chỉ ao ước có một nhày nào đó được hưởng sự nồng ấm tình người, tình đất ở Cali, để thấy mình trẻ lại trong ngày Tết truyền thống, với văn hóa Saigon qua tiếng pháo mừng Xuân.
Với đồng hương, bằng hữu, gia đình ở Little Saigon Nam Cali, tôi xin gởi đến quý vị những tình cảm tốt đẹp, lời chúc mừng trân trọng nhất trong ngày đầu năm Ất Mùi 2015 này. Và, với Saigon lớn của tôi ngày xưa, tôi xin chào em, Saigon 40, và chỉ xin em, tha thiết xin em, chỉ một nụ cười.
Song Lam

Tạp Ghi — March 10, 2015 at 5:05 am

Ước Mơ Đầu Xuân

Trần Trung Đạo -
hoian 4
Tôi ít viết thơ tình. Không phải vì tâm hồn tôi khô khan, lạnh cảm nhưng chỉ vì một cảm xúc riêng tư chưa kịp dâng lên đã bị những ưu tư chung đè xuống. Đất nước nghèo nàn, quê hương xa xôi, lòng người ly tán trở thành những gánh nặng không rời. Nặng đến nỗi nhiều khi tôi tưởng chừng nếu không có sự đóng góp của mình đất nước sẽ khó mà thay đổi. Thật ra, không phải thế. Tôi chỉ thương cho quê hương khốn khó mà nghĩ thế thôi. Không có tôi mùa đông vẫn ra đi và mùa xuân sẽ đến.
Tôi yêu quê hương qua số phận của đời mình, đời một giọt nước mưa, một chiếc lá. Trong thơ, tôi viết nhiều về cơn mưa và chiếc lá. Bởi vì đời tôi là những cơn mưa dài. Mưa khi tôi rời xóm làng, mưa trong đêm đầu tiên trong căn gác, mưa dưới gốc đa già, mưa khi tôi vừa đặt chân đến Sài Gòn lần đầu tiên và mưa lớn trong đêm tôi rời đất nước ra đi.
img-yineyagmuryagiyor-454
Những ngày ở trung học Trần Quí Cáp tôi có viết bốn câu thơ tình:
Em về phố Hội chiều mưa lớn Vóc ngọc ngà khoe dưới lụa hồng Ta như giọt nước mùa mưa đó Đã cuốn trôi về trăm nhánh sông.
Bốn câu thơ đã trở thành điềm báo trước cho tôi, giọt nước mưa trên con đường Phan Đình Phùng – Hội An ngày nào đã thật sự cuốn về trăm nhánh sông trên khắp bốn phương trời.
Tôi rời Hội An năm 1972. Ngày ra đi, một người bạn lớn hơn tôi vài tuổi, cũng là người làm thơ quen thuộc ở Hội An thời đó, Huỳnh Kim Sơn, tặng tôi hai câu thơ:
Trong tôi đã hết mùa xuân thắm Cỏ mọc quanh đời say viễn du.
Hai câu thơ rất hay nhưng với tôi chưa mang nhiều ý nghĩa như bây giờ. Tôi đi học ở Sài Gòn chứ chẳng viễn du nơi phương trời xa lạ nào cho lắm. Ngày đó Sài Gòn khá xa với Đà Nẵng nhưng năm nào khi Tết đến tôi vẫn trở về.
Hội An những ngày tôi sống buồn và vắng vẻ. Thành phố buồn đến nỗi trong một bài luận văn tả Hội An, tôi đã gọi đó là ”Thành phố chết”. Không những con người chẳng ai ngó ngàng đến Hội An mà cả chiến tranh cũng bỏ sót Hội An. Thật vậy, ngoại trừ vài trận đánh lẻ tẻ, trong suốt mấy mươi năm của cuộc chiến, thành phố thân yêu của tôi gần như được cả hai bên để cho yên, đúng ra là quên lãng.
hoianxuaHội An xưa
Điều rất lạ, ngay cả Mỹ, trong thời cao điểm với cả trăm ngàn quân đóng ở Đà nẵng, cách đó chỉ vài chục cây số, không đơn vị nào đóng ở Hội An. Hẳn nhiên không ai để ý đến chuyện bảo tồn văn hóa mà chỉ vì Hội An đã không còn là một ví trí kinh tế chính trị chiến lược như 300 năm trước. Dù sao, nhờ những lãng quên đó mà ngày nay những mái ngói cong nguyên vẹn, những cột nhà chạm trổ tinh vi đã giúp kiếm ra được ít tiền của du khách để nuôi sống người dân phố Hội sông Hoài.
http://rungduabaymau.vn/wp-content/uploads/2014/04/da-nang-son-tra-ngu-hanh-son-hoi-an-05.jpg
phố Hội sông Hoài
Những ngày tôi còn ở đó, Hội An rất nghèo. Một lần, có người hỏi tôi bây giờ Hội An sống nhờ du khách, ngày xưa sống bằng gì. Tôi trả lời nửa đùa nửa thật, ngày xưa Hội An sống bằng thơ. Ngoài thơ, tôi không nhớ Hội An không bằng gì khác. Không ruộng đất, không nhà máy. Không du khách. Không có những đêm rước đèn phố cổ như bây giờ. Ngày đó, gia tài tuổi học sinh của chúng tôi là những bài thơ đầy sáo ngữ và một cây đàn xài chung cho cả nhóm. Bài Thu hát cho người tôi thường nghêu ngao ở Ngã Ba Tin Lành vẫn còn vang vọng mấy chục năm sau.
Những người từ Hội An ra đi đều có một nhận xét giống nhau: “Hội An là thành phố để về thăm chứ không phải nơi để ở”. Tuy buồn bã như thế, hàng năm, tôi vẫn về. Ngay cả những năm khó khăn sau 1975, tôi vẫn cố gắng về. Đi xa, nhớ Hội An da diết nhưng khi vừa bước chân về lòng lại muốn ra đi. Trong những năm ở Sài Gòn, tôi về Hội An chỉ để vấn an thầy, thăm đám bạn, đi một vòng phố, đứng trước trường Trần Quí Cáp đảo mắt nhìn kỷ niệm thời học trò, rồi lại ra đi trên những chiếc xe Renault màu xanh đậm và già không thua gì thành phố.
Tháng 6 năm 1981 giọt nước ra đi, trôi theo những nhánh sông dài, sông lớn như sông Seine, sông Thames, sông Danube. Cách đây không lâu khi rời Hằng huyền bí ở Vanarasi tôi viết mấy dòng thơ tạm biệt và mong có một ngày giọt nước sẽ trở lại thăm:
Và một ngày tôi sẽ trở lại thăm Sông Hằng Varanasi Có thể không còn là con người xương thịt như hôm nay Mà chỉ là giọt nước Từ mây trời phương tây xa xôi Hãy đón giọt nước như đón tôi hôm nay Hãy cho tôi cùng chảy với sông Trong tiếng đàn Sitar và tiếng trống Tabla Trong một đêm huyền diệu Trong buổi sáng lặng yên Ngoài những cơn mưa, tôi còn hay viết về những chiếc lá.
Nhà văn Lương Thư Trung, hiện đang cư ngụ tại Houston có lần thắc mắc tại sao tôi thường viết về những chiếc lá. Ông xúc động khi đọc bốn câu thơ tôi viết ở Raleigh và sau đó viết bài văn cảm động Người tiều phu và những chiếc lá vàng:
Tóc bạc theo mỗi ngày biệt xứ Bụi cuộc đời trắng dã đôi vai Tiều phu gánh củi về ngang núi Trăng chiếu lưng đèo một bóng soi
Một ngày rảnh rỗi nhà văn Lương Thư Trung ngồi đọc tập thơ của tôi “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười”, sau đó viết một bài nhận xét với những câu rất đẹp:
“Đất trời rồi sẽ chuyển sang mùa theo sự vận hành của vũ trụ. Những chiếc lá vàng rồi sẽ rơi rụng, bay đi, bỏ lại bên trời những cành, những nhánh khẳng khiu, buồn thảm đến ngậm ngùi… Trong dòng đời, với biết bao lần ngụp lặn, chìm đắm trong bể khổ trầm luân, giông tố, bão bùng… Rồi bức tranh vân cẩu cũng phải tan đi, để trả lại trần gian này một chút nắng ấm mặt trời, để trả lại cho con người một cõi an nhiên, thanh tịnh. Cao đẹp biết bao khi có những con người hy sinh đời mình tự nguyện làm một người tiều phu với tấm lòng từ bi đi khắp bốn phương tám hướng gom góp từ nhánh củi, cọng rơm, ngọn cỏ đến những chiếc lá vàng khô để đốt lửa soi đường, sưởi ấm nhân sinh! Hạnh phúc thay được làm một nhà thơ! Hạnh phúc thay được làm một người tiều phu với tấm lòng từ bi đi góp nhặt những chiếc lá vàng!”
Anh gởi tặng tôi bài viết. Đọc bài anh viết, chính tôi cũng lấy làm ngạc nhiên mình dùng chữ lá nhiều đến thế. Có lẽ vì lá gần gũi tôi trong một khoảng đời niên thiếu khá dài ở chùa Viên Giác.
Con đi góp lá nghìn phương lại Đốt lửa cho đời tan khói sương
chutieu
hay
Đừng khóc mẹ ơi hãy ráng chờ Ngậm ngùi con sẽ giấu trong thơ Đau thương con viết vào trong lá Hơi ấm con tìm trong giấc mơ
hay
Ai về qua phố Hội An Mua dùm tôi tấm lụa vàng Duy Xuyên Tôi đi quét lá trăm miền Mẹ ngồi dệt sợi ưu phiền quanh năm
hay
Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn
hay
Một chiếc lá vừa rơi trên nấm mộ Thu đã về rồi đó phải không em Anh chợt thấy bàng hoàng trong tuổi dại Một tình thương tha thiết sẽ không quên
hay
Cho tôi nhặt chiếc lá vàng trước ngỏ Viết bài thơ tha thiết hiến dâng đời Chút chân tình trang trải với muôn nơi Rất nhỏ bé nhưng vô cùng sâu rộng
hay
Mỗi chiếc lá như chừng nghe hơi thở Mỗi cành cây như có một linh hồn Ta sẽ về sống lại môt lần thôi Em sẽ khóc như chưa hề được khóc
hay
Ai mang em trên đường đi vượt biển Chẳng kịp về thăm góc phố năm xưa Em bỏ đi như lá bỏ quên mùa Như giọt nước quên tấm lòng biển cả.
Và nhiều nữa.
Nhưng dù bay đi bao nhiêu xa, giọt mưa và chiếc lá vẫn mong có một ngày về lại cội nguồn. Những dòng sông tôi qua nổi tiếng bao nhiêu không đẹp hơn sông Thu Bồn:
Em đừng hỏi ta mong về quê cũ Chiếc lá khô còn nhớ cội thương cành Ta chẳng lẽ bước chân đời lê mãi Nơi quê người làm một kẻ lưu dân
http://media2.thethaovanhoa.vn/2014/08/06/10/05/1.jpg
Quê hương Quảng Nam của tôi đẹp và thật như những dòng nhạc trong bài Tình quê hương của Việt Lang: “Ngàn dâu xanh ngát mấy nếp tranh xa mờ”. Ai không muốn trở về. Vâng, nhưng nếu về chỉ về để tìm lại quê hương trong ký ức thôi thì về để làm gì. Hàng tre đến ruộng lúa của tuổi thơ không còn nữa. Như có lần tôi đã viết, ký ức không chết khi nào con người còn sống nhưng ký ức chỉ là quá khứ không thay đổi, không cũ đi và cũng chẳng mới hơn. Ký ức là chất nhựa, sức bật cần thiết để con người từ đó vươn lên chứ không phải dừng lại. Phải sống trong hy vọng vào một ngày mai. Nhưng hy vọng chưa đủ, phải hoạt động tích cực để biến ước mơ dựng một mùa xuân tự do và trường thịnh cho dân tộc Việt Nam thành sự thật.
Trong mùa xuân tự do và cường thịnh đó, quê hương Việt Nam sẽ không có tù chính trị, không có đấu tranh giai cấp, không có tuổi thơ lây lất ăn xin trên các vỉa hè, không có những em bé cất tiếng khóc chào đời trong thùng rác, không có các em học sinh mỗi ngày hai bận phải bơi qua sông đi học, không có các thiếu nữ Việt Nam trần truồng sắp hàng để được các ông Đài Loan, Hàn Quốc mua như mua thịt ngoài chợ, không có những ngư dân bị bắn chết chỉ vì đi đánh cá trên vùng biển của tổ tiên để lại.
Trong mùa xuân tự do và cường thịnh đó, quê hương Việt Nam sẽ có trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, với các hạm đội hải quân trang hiện đại tên Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Hàm Tử, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, với những binh đoàn, phi đoàn trang bị vũ khi tối tân mang tên Chi Lăng, Đống Đa, Nhật Tảo, với những công ty kỹ thuật, những nhà máy công nghiệp, nông nghiệp cao cấp cạnh tranh ngang ngửa với các công ty Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản.
Trong mùa xuân tự do và cường thịnh đó, quê hương Việt Nam không chỉ có núi đồi, sông biển, ruộng vườn, cây trái nhưng còn là một dân tộc có tâm hồn nhân bản, có trái tim dân chủ, có mục tiêu khai phóng, có đôi chân tiến về phía trước và đôi tay kiến tạo một xã hội thanh bình thịnh vượng cho mãi mãi Việt Nam.
Tôi đã sống một phần đời với nhiều nghiệt ngã nhưng tôi chưa bao giờ tuyệt vọng, chưa bao giờ cảm thấy phía trước mình là hố thẳm. Tôi học quá khứ nhưng không sống trong hôm qua, trái lại mỗi ngày là một chặng đường mới của đời mình. Tôi bình tĩnh đến độ hồn nhiên khi đón nhận những khắc nghiệt đến với đời tôi và rất lạc quan trong khả năng chuyển hóa hoàn cảnh của chính mình.
Ước mơ làm một con én nhỏ trong mùa xuân Việt Nam tự do và cường thịnh vẫn theo tôi từ những ngày 13 tuổi ngủ trọ trong trại cây Thạc Gián, lang thang ngoài Chợ Mai ở Sơn Chà, trong hiên chùa vắng lặng ở Hội An và 33 năm trời qua nhiều nơi trên thế giới. Dù đi bao xa và đời mình đã bao lần thay đổi, mơ ước mùa xuân tự do nhân bản cho dân tộc Việt Nam vẫn không bị vùi lấp trong cuộc sống mới tốt đẹp hơn mà vẫn thức dậy mỗi đêm khuya, khi nghe một chiếc lá rụng, một giọt nước rơi, như nhắc nhở mình để biết thương tuổi thơ, tuổi trẻ Việt Nam và biết yêu đất nước mình hơn.
Trần Trung Đạo
Boston, Xuân 2015

Bệnh đục thủy tinh thể (Cataract)

Bác sĩ Trương Vĩnh Toàn-Bác sĩ Nguyễn Văn Đức –
y 6
Bệnh đục thủy tinh thể trong mắt (chúng ta hay gọi bệnh “mắt cườm”) là nguyên nhân gây mù lòa nhiều nhất trên toàn thế giới. Hiện thế giới có khoảng 30 triệu người không may mù lòa, trong đó 15 triệu trường hợp là do đục thủy tinh thể.
Hàng năm, bệnh đục thủy tinh thể khiến chương trình Medicare dành cho người cao niên ở Mỹ tốn nhiều tỉ mỹ-kim.
“Cataract” là gì?
Chữ “cataract” từ chữ La-tinh “catarractes”, có nghĩa “thác nước”: nhìn bằng mắt thường từ ngoài vào, thủy tinh thể bị đục trông như những dòng nước cuồn cuộn của một thác nước đang chảy.
Mắt giống y một máy ảnh, loại tự động điều chỉnh để cho ảnh rõ (auto focus). Ngay phía đằng trước máy ảnh có một ống kính, giúp thu các hình ảnh bên ngoài ta muốn chụp. Trong mắt cũng có một bộ phận nằm phía trước gọi là thủy tinh thể (lens), giống như ống kính của máy ảnh. Thủy tinh thể có nhiệm vụ điều chỉnh ánh sáng và các hình ảnh bên ngoài, rồi rọi chiếu chúng lên trên võng mạc (retina, màn ảnh nằm phía sau mắt, ví như phim của máy ảnh), giúp ta trông thấy mọi vật bên ngoài được rõ ràng.
Thủy tinh thể của mắt đục dần theo thời gian. Giống như trong một máy ảnh mua với giá tiết kiệm, dùng lâu, ống kính đục dần, hết còn trong như ngày đầu ta mới đem máy về. Một số yếu tố khiến thủy tinh thể mau đục hơn.
Nhìn thế giới sinh động bên ngoài qua một thủy tinh thể bị đục chẳng khác gì ta từ trong nhà nhìn ra bên ngoài qua một kính cửa sổ dơ, lâu ngày chưa lau. Hoặc, như ta nhìn gió thu nhè nhẹ lay động cây cành trong vườn qua một cửa kính mù sương thu.
Như vậy, qua một thủy tinh thể đục, mọi vật ta nhìn thấy nhòa đi, không rõ nét. Đã thế, khi ta nhìn thẳng vào ánh mặt trời hoặc ánh đèn xe, thị giác càng kém hơn do mắt bị chóa. Nhiều vị không còn lái xe ban đêm, nhận ra các bảng chỉ dẫn bên đường, hoặc đọc những hàng chữ nhỏ trên báo chí được nữa.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân được biết hay tạo ra đục thủy tinh thể: tuổi tác (trên 60), chấn thương mắt (trauma), chất phóng xạ (radiation), các bệnh gây viêm mắt (inflammation), những bệnh biến dưỡng và dinh dưỡng (metabolic and nutritional diseases), chẳng hạn như bệnh tiểu đường, sự suy dinh dưỡng.
Ngoài ra, một số yếu tố cũng khiến ta dễ bị đục thủy tinh thể:
- Thuốc lá.
- Rượu.
- Tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời.
- Có học vấn thấp.
- Dùng các thuốc steroids (như Prednisone) dài lâu.

Không ai chống lại được thời gian, trẻ mãi không già, song chúng ta có thể bỏ thuốc lá, bớt uống rượu, tránh ra nắng nhiều, và mỗi khi ra nắng nhớ đeo kính mát.
Chữa trị
Bạn còn nhớ, ngày bạn lái chiếc xe mới toanh vừa cắt chỉ ra khỏi “dealer” bán xe, lòng sảng khoái, mũi ngửi mùi xe mới, và qua kính xe trong suốt, mắt bạn nhìn lên bầu trời không gợn bóng mây, nhìn ra bên ngoài cuộc đời ôi sao mà tươi đẹp.
Rồi thấm thoát đã năm bảy năm trôi qua, kể từ ngày bạn sung sướng làm chủ chiếc xe đầu tiên trong đời. Nào ai ngăn cản được sự tàn phá của thời gian. Kính xe bạn không còn trong suốt như trước, nhiều chỗ đã vẩn đục. Nhưng thôi kệ, kính xe hơi mờ chút, song vẫn còn dùng được. Bạn chỉ nhờ chuyên viên thay kính xe thay nó đi, lắp cái mới vào, nếu nó đã tệ quá, khiến việc lái xe của bạn trở thành nguy hiểm.
Ta đã biết, riêng thời gian cũng có thể tạo những thay đổi đưa đến đục thủy tinh thể, như đã làm vẩn đục kính xe của bạn. Việc này không khiến ta phải quan tâm cho lắm. Những thay đổi đầu tiên như vậy thường không gây triệu chứng gì cả, tuy được nhận ra bởi bác sĩ chuyên khoa Mắt khi bạn đến khám mắt. Thủy tinh thể đục chút không có nghĩa là cần mổ chữa ngay, khi chưa có triệu chứng.
y 4
Vậy, khi nào mới phải mổ? Nên giải phẫu, mổ lấy thủy tinh thể bị đục ra khi thị giác ta đã kém nhiều và mắt ta bị chóa dữ quá, đeo kính cận cũng chẳng khá hơn, khiến những hoạt động hàng ngày như lái xe, làm việc, đọc sách trở thành khó khăn.
Trước khi mổ, thường bác sĩ Mắt sẽ nhờ bác sĩ chính (primary care doctor) khám cho người bệnh (gọi là preoperative medical evaluation) để ổn định các vấn đề như cao áp huyết, tiểu đường, …, nếu có. (Có cao áp huyết, sáng ngày mổ, tuy phải nhịn đói, song bạn nhớ uống thuốc như thường lệ với một chút nước; với người tiểu đường, có thể bác sĩ Mắt sẽ thu xếp mổ sớm, để người bệnh khỏi phải nhịn đói lâu, và khi về nhà, uống, chích thuốc lại như thường lệ.)
Thời gian gần đây, có nhiều tiến bộ trong phẫu thuật chữa đục thủy tinh thể, khiến các rủi ro trong lúc mổ, các b iến chứng do giải phẫu ít xảy ra hơn trước, đồng thời thị giác cũng trở lại bình thường mau hơn.
Ngày nay ở Mỹ, giải phẫu chữa đục thủy tinh thể đã trở thành một nghệ thuật, không làm đau người được mổ. Giải phẫu thực hiện chỉ trong vòng 30 đến 60 phút. Trong suốt cuộc mổ, người bệnh vẫn tỉnh táo, và sau đó ra về trong ngày, không phải ở lại bệnh viện.
100 người mổ, đến 95 người sau khi mổ, thị giác sẽ trở lại rất tốt. Số người còn lại, mổ xong vẫn không trông rõ nhiều, là vì bị thêm các bệnh của võng mạc (retinal diseases), hoặc vì các biến chứng do giải phẫu (nhiễm trùng, tróc võng mạc, thủy tinh thể nhân tạo đặt vào lệch, v.v.).
Đã qua rồi những ngày xưa trước, khi mổ, có thể nói, mắt bị tách hẳn làm hai mảnh để cố lấy thủy tinh thể ra. Nay, phẫu thuật được làm qua những vết rạch nhỏ xíu. Dưới kính phóng đại cực mạnh, bác sĩ dùng một dụng cụ đặc biệt để thực hiện cuộc giải phẫu. Sau khi thủy tinh thể bị đục được lấy ra, một thủy tinh thể nhân tạo được đặt vào mắt để thay thế cho cái cũ. Chúng ta cứ để nó ở đấy suốt đời.

Ngay buổi tối hôm giải phẫu, người bệnh đã có thể hoạt động bình thường trở lại, đọc sách, đi bộ, ăn uống, xem truyền hình, và đa số đi làm lại sau một tuần. Người bệnh thường sẽ nhìn rõ, không phải đeo kính sau mổ. Một số vị cần đeo kính để lái xe đêm hoặc đọc sách.
Không mổ thì sao?
Còn không mổ thì sao, một khi bệnh đã nặng đến độ khiến ta không còn nhìn được rõ? Người bị đục thủy tinh thể, vì mắt kém, có thể gây tai nạn lúc lái xe, gẫy xương do té ngã, không muốn đi đến đâu, chẳng muốn giao thiệp với ai (social isolation) và mất đi sự tự lập, phải trông nhờ vào người khác trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều vị người nhà cho rằng đã lẫn, nhưng sau khi được mổ chữa, tinh thần các vị lại khá hơn, bớt cả lẫn.
Rõ ràng, thủy tinh thể mắt bị đục khiến cuộc đời ta mất nhiều thi vị.
Tóm lại, mắt kém ở người có tuổi có thể vì thủy tinh thể trong mắt đục. Giải phẫu để chữa cần đến khi cuộc sống của ta bắt đầu mất vui do thị giác ta kém nhiều. Hầu hết người được mổ, kể cả những vị mang bệnh tiểu đường, mắt lại sáng, và rất hài lòng sau giải phẫu./.
Sức Khỏe — August 23, 2014 at 10:14 pm

Hồi Hộp (Palpitations)

Bác sĩ Nguyễn Văn Đức -
DS_210814_D (1)
Hồi hộp là một triệu chứng hay xảy ra làm nhiều người chúng ta tìm đến bác sĩ. Hồi hộp được định nghĩa như một tình trạng khiến ta cảm nhận được tiếng tim đập: ta thấy tim đập nhanh, thất nhịp, hoặc đập mạnh quá. Thường thì tim làm việc âm thầm, lặng lẽ đập ta không hay biết. Ai chẳng e sợ bệnh tim, nên khi bị hồi hộp, chúng ta hay nghĩ, chắc bị bệnh tim rồi. Song, thực ra, hồi hộp không là triệu chứng đặc biệt của một bệnh nào cả. Hồi hộp lại hay là một trạng thái âu lo về tinh thần, hơn một bệnh về thể chất. Và muốn định xem một bệnh nào đó khiến bạn hồi hộp, bác sĩ phải dựa thêm vào những triệu chứng khác nữa của bạn. Khó thể chỉ nghe bạn mới kể: “Tôi hay bị hồi hộp quá”, mà bác sĩ đã nói ngay được: “A, tôi biết rồi”.
Có khi thỉnh thoảng bạn thấy hồi hộp chút, nhưng rồi có người bảo, chết chửa, không khéo bạn bị bệnh tim, khiến bạn sợ cuống lên. Trong tình trạng âu lo tinh thần, theo phản xạ, hệ thống thần kinh giao cảm (autonomic nervous system) trong cơ thể bạn làm việc gấp hơn, thúc tim đập nhanh và mạnh hơn, khiến bạn lại càng dễ cảm nhận những cái đập khó chịu của tim. Vòng lẩn quẩn xảy ra, càng lo, càng thấy tim đập như trống làng, và rồi càng lo ơi là lo.
Hồi hộp hay được nhiều người diễn tả: “tim tôi đập mạnh quá” (pounding), “nó đập như muốn chạy đua” (racing) “sao nó cứ đập nhanh từng chập” (fluttering), “ơ kìa, thỉnh thoảng nó cứ như rớt bịch một cái” (flopping), hay, “hãi thật, tim tôi có lúc nó lại ngưng một nhịp” (skipping). Nói chung, người kêu hồi hộp cảm thấy tim mình đập bất thường.
Song, hồi hộp là một cảm nhận hết sức chủ quan. Có người, khi khám, và làm tâm điện đồ (electrocardiogram, viết tắt EKG, chúng ta hay gọi nôm na là “đo tim”), trời đất, bác sĩ xanh mặt, vì thấy tim đập lộn xộn lắm, nhưng họ không thấy hồi hộp gì cả, còn có người ngược lại, thỉnh thoảng tim mới đập bất thường một nhịp, song họ sợ hãi bắt được ngay: “Đấy, nó vừa đập đến ịch một cái”. Những vị trong trạng thái âu lo căng thẳng thường dễ cảm nhận thấy tim mình đập bất thường, và họ hay nhận rõ được nhịp tim đập về đêm, hoặc vào những lúc rỗi rảnh, nghĩ đến muôn thứ việc, hơn là vào những lúc tất bật làm việc lo kiếm sống. Người có bệnh tim khiến tim đập bất thường nhiều năm thường quen với những nhịp tim đập lộn xộn từ lâu, nên không nhạy cảm bằng những người bình thường, thỉnh thoảng tim đập lộn xộn, họ biết ngay.
Rồi, tim đập nhanh (tachycardia) hoặc lộn xộn (như kiểu “atrial fibrillation”, rung tâm nhĩ) nếu kéo dài lâu, có khi chẳng còn gây hồi hộp gì nữa (kiểu như ta đã chán một người bạn xấu ở với ta đã quá lâu, nên không buồn chú ý tới nữa). Trong khi, thỉnh thoảng, và bất ngờ, tim đang đập bình thường, bỗng dở chứng đập như ngựa chạy, ta thường cảm nhận lập tức, và thấy khó chịu dữ lắm. Hồi hộp đặc biệt nhận thấy rõ, khi nguyên nhân gây hồi hộp mới xuất hiện gần đây thôi, thoảng qua, và lúc có lúc không (chẳng hạn, gần đây hai vợ chồng mới hơi bất hòa, thỉnh thoảng cãi nhau một trận, vào những ngày ấy, bạn cứ thấy tim đập thình thịch, vài ngày sau, vợ chồng làm hòa lại, bạn vui vẻ, con tim không còn làm phiền bạn nữa). Ngược lại, với người tinh thần ổn định, tình cảm thích ứng cùng tình thế (emotionally well-adjusted), vui với thiền, cái hồi hộp dần dần bớt làm phiền họ, khi nó trở thành kinh niên.
Nguyên nhân
Hồi hộp gây do rất nhiều nguyên nhân, trong đó các trường hợp hồi hộp vì nguyên nhân tâm lý chiếm đa số:
- Nguyên nhân tâm lý:
Ta đã biết, tất cả những tình trạng căng thẳng tinh thần đều có thể khiến ta hồi hộp. Đang lái xe ngon trớn, tai nghe nhạc du dương, ta vô tình đạp chân gas cho xe lướt lên. Chợt, ông cảnh sát núp đâu đó, xuất hiện, lái theo sau xe ta, chớp đèn ra hiệu cho ta ngừng xe lại. Ôi, ai không thấy tim đập nhanh, có khi hụt nhịp.
Các bệnh tâm thần, như căng thẳng tâm thần (anxiety), kinh hoảng đột ngột (panic disorder), sầu buồn (depression) đều hay gây hồi hộp.
- Nguyên nhân thể chất:
Nhiều bệnh tim làm tim đập thất nhịp (arrhythmia), hoặc đập mạnh, khiến ta thấy hồi hộp. Ngoài ra, bất cứ khi nào tim ta đập nhanh, đều có thể tạo cảm nhận hồi hộp, chẳng hạn trong các tình trạng thiếu máu, thiếu nước, trong các bệnh cường tuyến giáp trạng (hyperthyroidism), bệnh phổi (suyễn, tắc phổi kinh niên, …), khi đường máu xuống thấp (hypoglycemia), …
- Thuốc dùng:
Nhiều thuốc dùng khiến tim ta đập mạnh, nhanh, gây hồi hộp, chẳng hạn các thuốc nghẹt mũi (Sudafed, Dimetapp, …), một vài loại thuốc suyễn, thuốc cao áp huyết, … Khi đi khám bệnh vì bị hồi hộp, bạn nhớ đem theo tất cả các thuốc đang dùng ở nhà đến cho bác sĩ xem. (Đúng ra, đi khám bệnh lúc nào chúng ta cũng nên mang theo thuốc, để giúp bác sĩ suy luận, định bệnh nhanh chóng).
Ngoài ra, những thứ mà bạn thưởng thức hàng ngày, tưởng rằng không sao, mà thực ra cũng có thể gây hồi hộp: thuốc lá, trà, cà-phê, rượu. Thuốc lá thì chắc chắn nên bỏ rồi (nhất là dạo này nó mắc, bà xã bạn nhằn dữ quá), còn trà, cà-phê, rượu, có dùng, nên bớt đi, bạn nhé.

Định bệnh
Để định ra bệnh nào nó đang hành bạn, khiến bạn cứ hay hồi hộp mất vui, bước đầu, không gì quan trọng bằng lắng nghe bạn kể cái chứng hồi hộp của bạn nó nặng nhẹ thế nào, nó ra làm sao, và nó hay xảy ra trong trường hợp nào.
- Nó nặng nhẹ thế nào?
Bao lâu nó xảy ra một lần bạn nhỉ, và khi xảy ra, nó dữ lắm hay chỉ nhẹ thôi, và có triệu chứng nào khác đi kèm nó không?
Bạn còn trẻ, nếu thỉnh thoảng (vài tuần, vài tháng, …) mới xảy ra một cơn hồi hộp thoảng qua dưới 5 phút, và bạn vẫn khỏe, chả có gì khác, chứng hồi hộp của bạn chắc không đáng cho chúng ta quan tâm lắm. Song nếu nó xảy ra thường lắm, gần như mỗi ngày, mỗi lần nó xảy ra, bạn lại thêm chóng mặt, có khi xỉu, đau ngực, hoặc toát mồ hôi, …, a, nó thuộc loại dữ đây, chúng ta chớ coi thường.
- Nó ra làm sao?
Bạn cố nhớ xem, và kể lại cho nghe, nó ra làm sao? Bạn chỉ thấy một nhịp tim bỗng mất hoặc đập mạnh (single skipped or sudden beat) hay bạn cảm nhận thấy tim bạn đập bất thường luôn một thôi một hồi (bursts of beats). Nếu vậy, xin bạn thử gõ tay trên mặt bàn đây, để diễn tả nhịp tim của bạn lúc ấy nó như thế nào, nhanh và đều như ngựa phi, không nhanh lắm nhưng lộn xộn, xảy ra và chấm dứt bất ngờ hay từ từ xuất hiện và cũng từ tốn ra đi, …
- Hồi hộp hay xảy ra trong trường hợp nào?
Yếu tố nào thường làm cơn hồi hộp của bạn xuất hiện: mỗi lần bạn cãi nhau với ông xã ư (dạo này thấy ông ấy hay đi sớm về muộn!), hay mỗi lần bạn dùng cà-phê, trà, rượu, hoặc một thuốc nào đó, … Lúc ấy, bạn đang vận động hay nghỉ ngơi?
Sau cùng, bạn đang dùng những thuốc gì nhỉ, bạn có nhớ đem hết đến cho bác sĩ xem không?
Trong lúc nghe bạn kể bệnh, bác sĩ kín đáo để ý xem bạn có nét căng thẳng hay buồn sầu không. Bạn càng lộ rõ vẻ căng thẳng, buồn bực, triệu chứng hồi hộp của bạn càng thiên về chứng hồi hộp do nguyên nhân tâm lý. Rồi trong lúc thăm khám sau đó, bác sĩ sẽ khám kỹ tim bạn, xem tim bạn có bị thất nhịp, hoặc có tiếng rì rào nào bất thường (murmur). Khám kỹ phổi bạn nữa chứ, xem bạn có bị suyễn, hoặc tắc phổi kinh niên do hút thuốc lá nhiều và lâu năm quá (chronic obstructive pulmonary disease).
Sau đó, ta sẽ làm tâm điện đồ (EKG), xem cho rõ nhịp tim bạn đập. Nếu tâm động đồ cho thấy quả tim bạn có đập bất thường thực, và cùng lúc ấy bạn đang thấy hồi hộp, thì đúng là bạn hồi hộp vì nguyên nhân tại tim rồi. Còn nếu tâm động đồ bình thường, tốt, nó không cho ta biết gì hơn, vì tim thất nhịp nhiều khi chỉ xảy ra một lúc nào đó ở nhà, khi đến bác sĩ, nó lặn đi, ta không bắt được nó bằng tâm điện đồ. Nên, nếu ngày nào bạn cũng hồi hộp, thấy tim đập bất thường, và tâm điện đồ làm ra chẳng thấy gì cả, để cố bắt quả tang con tim bạn có đập bất thường thực, bạn có thể đeo một máy ghi nhận từng nhịp đập của con tim luôn trong 24 tiếng, gọi là “Holter monitor”. Nếu trong vòng 24 tiếng trong lúc bạn đeo máy ghi nhận nhịp tim “Holter monitor”, máy thấy tim bạn có đập bất thường, và cùng lúc ấy, bạn có triệu chứng hồi hộp (nhưng nhớ bấm vào một nút báo để máy ghi xuống thời điểm lúc bạn đang có triệu chứng), ta có thể kết luận, chứng hồi hộp của bạn quả thực do con tim bạn đập không đều nhịp. Song nhiều khi ngay cả máy ghi nhận nhịp tim “Holter monitor” cũng không khám phá thấy gì lạ, vì trong lúc bạn đeo máy có 24 tiếng, con tim bạn vờ ngoan ngoãn, không dở chứng đập lung tung. Có khi ta phải cầu cứu đến một dụng cụ theo dõi khác, gọi là “event recorder”, không ghi nhận từng nhịp đập của tim, chỉ khi nào bạn thấy hồi hộp, bạn bấm một cái nút, máy mới lập tức ghi chép lại từng hoạt động của tim liên tiếp trong khoảng thời gian 2 phút trước và 2 phút sau khi bạn bấm nút. Cách thứ hai này, dùng “event recorder”, có thể giúp ta theo dõi nhịp tim của bạn (nhưng không ghi nhận, trừ khi bạn bấm nút) từ 2 đến 4 tuần lễ.
Nếu thấy cần, bác sĩ sẽ khuyên bạn làm siêu âm tim (echocardiography), để ta tìm xem hình dáng con tim bạn vẫn bình thường, hoặc có chỗ nào méo mó cong vẹo, khiến nó hay đập mạnh.
Và nếu thấy cần, bác sĩ cũng khuyên bạn thử máu, để chúng ta cùng tìm xem bạn có thiếu máu, thiếu nước trong cơ thể, xáo trộn các chất điện giải potassim và calcium (cao hoặc thấp các chất potassium và calcium đều có thể khiến tim đập thất nhịp), có bị bệnh cường tuyến giáp trạng (hyperthyroidism), hoặc đường máu của bạn xuống thấp, …, những tình trạng hay khiến tim đập nhanh, mạnh, hoặc thất nhịp.
Chữa trị
Chúng ta đã biết, đa số các trường hợp hồi hộp là do nguyên nhân tâm lý, chỉ một số ít trường hợp gây do bệnh thể chất, trong đó có con tim, là cơ quan ai cũng sợ nhỡ nó có gì thì sao.
Rất nhiều trường hợp hồi hộp do nguyên nhân tâm lý, sau khi được bác sĩ lắng nghe, thăm khám và giải thích cặn kẽ, người bệnh yên tâm ra về, rồi dần dần không còn thấy hồi hộp nữa. Một số trường hợp phải dùng đến thuốc an thần để giúp người bệnh bớt thấy hồi hộp. Tất nhiên, nếu người bệnh hút thuốc lá, dùng nhiều rượu, trà, cà-phê, bác sĩ sẽ khuyên họ nên bỏ thuốc lá, bớt dùng rượu, trà, cà-phê.
Còn trên đường tìm kiếm nguyên nhân gây chứng hồi hộp, lỡ tìm thấy bệnh gì có thể là thủ phạm gây hồi hộp, bác sĩ sẽ thử chữa bệnh này, nếu chứng hồi hộp thuyên giảm, mới dám kết luận đây là nguyên nhân chính gây hồi hộp. Ta để ý rằng, nhiều người hồi hộp cả vì lý do thể chất lẫn lý do tâm lý, hoặc một bệnh thể chất, khi tìm thấy, thực ra, lại không phải là nguyên nhân gây hồi hộp.
Bạn hay thấy hồi hộp ư? Bạn đừng vội lo quá, hãy ngồi xuống đây, bình tĩnh kể đầu đuôi câu chuyện cho bác sĩ nghe, bao lâu cơn hồi hộp của bạn xảy ra một lần, nặng nhẹ ra sao, có triệu chứng gì khác đi kèm, khi cơn hồi hộp trỗi dậy, bạn thấy tim đập như thế nào, và thường thì yếu tố nào hay khởi động, khiến cơn hồi hộp nó đến phá bạn. Sau đấy, bác sĩ sẽ thăm khám kỹ cho bạn, và nếu thấy cần, sẽ khuyên bạn thử máu, hoặc làm thêm một ít trắc nghiệm. Thường thì, bác sĩ sẽ báo bạn tin vui, bạn chẳng có bệnh gì nặng, con tim bạn vẫn tốt nguyên. Vì đa số các chứng hồi hộp là do nguyên nhân tâm lý./.

Sức Khỏe — January 13, 2015 at 4:18 am

Kiêng mỡ, đúng hay sai?

Pham H. Liem, MD -
2
Ăn thiếu chất béo (dầu và mỡ) hại sức khoẻ và nguy hiểm đến tính mạng.
Đầu tháng Chín năm nay (2014), trên mục Sức Khoẻ của một nhật báo lớn ở Mỹ, The New York Times, ký giả Anahad O’Connor đã viết một bài với nhan đề Lời Kêu Gọi Cho Cách Ẩm Thực Ít Chất Đường Thêm Chất Béo (A Call for a Low-Carb Diet That Embraces Fat).
Untitled attachment 00091
http://www.nytimes.com/2014/09/02/health/low-carb-vs-low-fat-diet.html?_r=0
Bài báo này đánh dấu một sự chuyển hướng quan trọng trong dư luận và truyền thông Mỹ về vấn đề dinh dưỡng từ kỵ-chất-béo qua thêm-chất-béo trong thực phẩm. O’Connor muốn đưa đến cho độc giả các bằng chứng khoa học vững chắc cho thấy khi con người ăn bớt đường bột và ăn thêm chất béo (ngoại trừ trans fat), nguy cơ của bệnh tim mạch được giảm đi nhiều. Không những thế nó còn giảm lượng mỡ trong cơ thể và xuống ký rõ rệt nhờ ăn thêm chất béo thay vì chất đường. Kết quả khảo cứu mới nhất từ Đại Học Tulane, tài trợ bởi Viện Nghiên Cứu Y Học Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH- National Institute of Health), đăng trên Nguyệt san Y học Annals of Internal Medicine trước đó, cho thấy sự khác biệt rõ ràng, như đã nói ở trên, giữa nhóm tiêu-thụ-bớt-đường-thêm-chất-béo và nhóm ăn-thực-phẩm-có-lượng-chất-béo-thấp như Chính phủ Liên bang và Hội Chuyên gia Bệnh Tim Hoa Kỳ vẫn đang khuyến khích hiện nay. Điểm đáng chú ý là cả hai nhóm đều không phải giới hạn lượng calorie tiêu thụ mỗi ngày như các chương trình dinh dưỡng khác. Kết quả của cuộc thí nghiệm này chứng tỏ rằng phong trào kiêng cữ chất béo trong thực phẩm trên hơn ba mươi năm qua ở Hoa Kỳ là sai lầm.
Vì đâu nên nỗi:
Từ thập niên 1950, Y học Hoa Kỳ đã biết rằng lượng mỡ cholesterol cao trong máu có liên hệ đến bệnh tim mạch nhưng nguồn gốc của cholesterol gia tăng trong máu thì vẫn rất mơ hồ. Cholesterol đóng vai trò quan trọng cho sinh hoạt của mỗi tế bào, đồng thời cũng là nguồn cội trong việc sản xuất các kích tố steroids và vitamin D rất quan trọng cho cơ thể. Trong suốt thập niên 1960, các nhà nghiên cứu y khoa xác định một vài chứng bệnh di truyền hiếm (đề nghị bỏ chữ hoi) có thể gây lượng mỡ cao trong máu, nhưng trong đa số bệnh nhân tim mạch, lượng cholesterol đến từ thói quen ăn uống. Một cuộc tranh luận gay gắt xảy ra giữa hai nhóm khoa học gia: Một nhóm tin rằng lượng cholesterol cao trong bệnh nhân là đến từ chất đường trong khi nhóm kia quả quyết rằng cao cholesterol là đến từ chất béo trong thực phẩm. Qua thập niên 1970, Giáo Sư Ancel Keys, thuộc ngành Dinh Dưỡng cuả Đại Học Minnesota, đưa ra kết quả của một cuộc nghiên cứu quan trọng trên bảy quốc gia Âu Mỹ cho thấy rằng tiêu thụ nhiều chất béo bão hoà từ mỡ động vật là nguyên do của cholesterol cao và bệnh tim mạch. Các khoa học gia khác đã nhanh chóng ủng hộ GS Keys và các hội chuyên khoa về tim cùng chính phủ Hoa Kỳ khuyến cáo người Mỹ nên ăn ít chất béo, nhất là mỡ động vật, và các công ty sản xuất thực phẩm nên giảm thiểu chất béo trước khi bày bán trên thị trường.
Hậu quả bi đát với vài “nghịch lý”:
Dân Mỹ vào siêu thị mua thực phẩm với các quảng cáo Ít Mỡ (Low Fat) hoặc Không Mỡ (No Fat) to tướng trên nhãn hiệu. Để thay thế bơ mà người Mỹ ưa quẹt vào bánh mì, khoa học gia lại tìm cách làm rắn mỡ thực vật lỏng bằng cách thay thế dạng Cis của axít béo với hydro qua gạch nối dạng Trans gọi là Trans Fat, một chất béo thực vật mới hoàn toàn nhân tạo không có trong thiên nhiên để thay thế bơ (margarine with trans fat). Trong các thập niên kế tiếp, từ 1980 cho đến bây giờ, Hoa Kỳ rồi các nước giàu có trên thế giới bị hoành hành với chứng mập phì và nạn dịch Tiểu Đường loại 2 ngày càng thêm nặng, vì đại đa số người dân nhiễm Hội Chứng Biến Dưỡng do sự kháng insulin trong cơ thể làm mập phì, tăng cholesterol và chất triglyceride trong máu, tăng huyết áp và chứng Tiểu Đường. Cho đến 7-8 năm trở lại đây, nguyên do của nạn dịch này mới được xác định là người Mỹ đã dùng đường và bột ngày thêm nhiều để bù đắp cho số calorie bị mất đi khi họ ăn ít chất béo; chất đường ngọt, nhất là đường fructose, là nguyên nhân của sự tích tụ mỡ trong gan, bụng và cả bắp thịt gây ra chứng kháng insulin (sau khi kháng insulin đã xảy ra thì cả đường glucose cũng trở thành nguy hại). Khách hàng đã phải trả một giá quá đắt về sức khoẻ và sinh mạng vì tiêu thụ các thực phẩm Ít Mỡ và Không Mỡ nhan nhản trên thị trường, trong lúc các bác sĩ của họ tiếp tục khuyến khích dinh dưỡng kỵ chất béo, nhất là mỡ động vật, một cách sai lầm trong suốt 40 năm.
obesity-town_737897c
Một vài chuyện nghịch lý (paradox) phát hiện trong thời gian này, nhưng khoa học và chính phủ Hoa Kỳ vẫn không quan tâm và suy diễn đúng, vì vẫn còn bị mê hoặc với chính sách giảm chất béo:
Nghịch lý người Pháp
Dân Pháp thích ăn uống ngon miệng nên họ nhất định không ăn giảm chất béo nhất là mỡ động vật, vì làm như thế thức ăn sẽ mất mùi vị. Họ tiếp tục ăn bơ, phó mát, thịt bò, gà vịt ngỗng, heo, trứng…. như thường lệ, nhưng tỷ số mập phì, tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch tại Pháp lại thấp hơn Hoa Kỳ và các nước Tây Âu lân cận. Nghịch lý này được giải thích vì người Pháp uống nhiều rượu vang đỏ có chất kháng ốc-xy và nhất là resveratrol.
Nghịch lý về thuốc chống cholesterol
Có hơn 6 nhóm thuốc làm hạ cholesterol trong máu được chính phủ Hoa Kỳ chấp thuận cho bán ở dược phòng, nhưng chỉ có nhóm thuốc statin đã chứng tỏ giúp bệnh nhân ngừa khỏi biến chứng tim mạch và sống lâu. Các nhóm thuốc kia, mặc dù hạ thấp cholesterol nhưng không ngăn ngừa được bệnh tim mạch. Hoá ra thuốc statin còn có tác dụng chống viêm, làm thành mạch máu trơn láng hơn, và có thể tăng thêm tuổi thọ với tác dụng trên tế bào.
Nghịch lý về biến chứng của Tiểu Đường loại 2
Mặc dù Hoa Kỳ đã và đang trải qua cơn dịch Tiểu Đường loại 2 với tiềm năng gây biến chứng tim mạch, trên thực tế số lượng tim đột quỵ (heart attack) và tai biến mạch máu não cùng tỷ số tử vong đã giảm đi từ 15 năm nay. Lý do là thuốc statin và các thuốc chống áp huyết cao đã được dùng rất phổ thông cho người Mỹ.
Nhờ cuộc khảo cứu của Đại Học Tulane và bài báo cảnh tỉnh của ký giả O’Connor mà hôm nay chúng ta biết rằng các “nghịch lý” kể trên không phải là nghịch lý gì cả. Y học và Chính phủ Hoa Kỳ đã sai lầm khi cổ võ và áp dụng cách dinh dưỡng thiếu chất béo. Cuộc khảo cứu 7 quốc gia cuả GS Keys đã bị các khoa học gia đương thời duyệt lại và cho thấy ông đã phạm nhiều sơ xuất dẫn đến kết quả không đúng với sự thật.
Ăn ít chất béo còn có hại cho sức khoẻ tổng quát vì cơ thể sẽ bị thiếu các sinh tố quan trọng hoà tan trong chất béo như sinh tố A, sinh tố D và sinh tố K.
Ăn thiếu chất béo, nhất là chất béo động vật, gây ra chứng xuất huyết não sau 45 tuổi với số tử vong cao như đã tường trình từ các nghiên cứu trên nữ điều dưỡng Mỹ (2001), người Nhật (2003) và người Ấn Độ (2012). Thiền sư Thích Nhất Hạnh bị xuất huyết não gần đây có lẽ vì tuổi cao và thiếu chất béo động vật như đã chứng tỏ qua các khảo cứu kể trên?
Ngoài ra, nhiều chứng ung thư thường xảy ra trên người có lượng cholesterol trong máu rất thấp, nhưng cho đến nay Y học vẫn chưa chứng minh được là ung thư làm hạ cholesterol hay thiếu cholesterol gây ra ung thư?
Kết Luận:
Hiện nay người Mỹ vẫn còn theo tiêu chuẩn ăn bớt chất béo cổ động bởi chính phủ Hoa Kỳ với lượng dầu mỡ dưới 30% của tổng số calorie tiêu thụ, và vì thế đã ăn quá nhiều đường bột để bù đắp với hậu quả tai hại. Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama buộc các em học sinh trường công lập Mỹ ăn trưa với thực phẩm ít béo ít đường từ quầy ăn nhà trường làm thức ăn tồi tàn và dở ẹc như nhai giấy bìa; tội nghiệp các em đang sức lớn mà đói meo. Các chuyên gia về bệnh tim còn sai lầm khi họ muốn giảm chất béo xuống đến 10% mỗi ngày, mặc dù làm như vậy sẽ tăng hiểm nguy của xuất huyết não. Theo nghiên cứu mới nhất đã nói ở đầu bài, nhóm tiêu thụ hơn 40% chất béo cho tổng số calorie từ thực phẩm đã xuống ký vì ăn mau no, ăn bớt đường bột, nên giảm nguy cơ của bệnh tim mạch. Chúng ta nên ăn uống thoải mái, thêm thịt cá gà vịt trứng tôm cua… với nhiều chất đạm và chất béo; không phải kiêng khem gì ngoài việc ăn bớt đường bột cơm gạo, và ăn thêm rau quả. Vào siêu thị chúng ta không mua thực phẩm Low Fat và No Fat và nhất quyết không tiêu thụ thực phẩm có chứa trans fat.
Trans fat thực vật là chất béo xấu duy nhất cho con người hiện nay.
88b0dcd0-1c15-4615-9ea1-15422795aa29
Chất béo tốt là mono-unsaturated fat và omega-3-fatty acid có tác dụng chống viêm và ngừa bệnh tim mạch. Thực phẩm với chất béo tốt gồm có dầu olive, dầu canola, dầu gan cá, trái bơ (avocado), mỡ vịt, dầu dừa, dầu đậu phụng, lòng đỏ trứng, và còn nhiều nữa.
Chất béo bão hòa từ mỡ bò, heo, hay chất béo poly-unsaturated từ dầu đậu nành, dầu bắp, v.v., cũng không độc hại gì nếu ăn vừa phải. Người ăn nhiều cá hay gà vịt rất ít khi bị tai biến mạch máu não, trong khi người ăn thiếu mỡ bị xuất huyết não nhiều hơn như chúng ta đã biết.
Pham H. Liem, MD

Sức Khỏe — November 5, 2014 at 3:19 am

Một kinh nghiệm quý giá của người đã mắc bệnh UNG THƯ

Thanh Hương - (Bob Jane fb)
ung-thu134202342013
Các bạn thân mến,
Thanh Hương xin viết ra những gì Thanh Hương biết để tất cả các bạn tham khảo, có ích cho chính mình, thân nhân và bằng hữu vì mầm Ung Thư hiện diện trong tất cả mọi người, chỉ đủ cơ hội là nó bùng phát.
Thanh Hương đã kinh qua một thời gian bệnh Cancer: gồm 3 tháng dò tìm bệnh, 8 tháng trị chemotherapy, 1 tháng Radiotherapy, còn thử máu thì lia chia…vậy mà ròng rã 1.5 năm mới vượt qua khỏi.
Thời gian tìm bệnh cũng nhiêu khê vì có nhiều kỹ thuật đang dùng vẫn không đáng tin cậy như Ultra Sounds, Mammogram, Needle Biopsy: hễ họ nói có thì chắc có bệnh, nếu nói không thì phải xét lại, vì lấy sample sai chổ, vì sớ thịt quá condense…
Cũng tại bệnh Tiểu Đường, khiến ăn cơm rất ít; trời lạnh mau đói, lại thêm bạn chỉ cách làm Nem Chua (sau này mới biết bột làm Nem Chua có nhiều Hàn The), tự làm ăn thấy ngon, nên ăn lai rai…cộng thêm làm việc tối đa, lo toan nhiều việc, phiền não cũng bộn…Cuối cùng rước bệnh cũng là lẽ tất nhiên.
Cũng vì bệnh, sau khi mổ, bệnh viện dạy cách meditation (tĩnh tâm), làm theo họ chỉ; bỗng chợt nghĩ ra cái vụ Thiền này còn ai hơn Đức Phật, mình mang tiếng theo đạo Phật mà chả biết gì cũng thật uổng, ngày xưa đi học, đeo đuổi riết con đường khoa cử, giờ đây xem ra cũng gần đất xa trời, cũng nên tìm hiểu đạo Phật xem sao… Thế là con đường ” Hướng về cõi Phật” bắt đầu từ đó.
Khi phát giác ra bệnh, phần chánh vẫn phải nhờ chiếu tia X (Radiotherapy), dùng thuốc tây rất mạnh một lúc cho vào vài loại, thuốc truyền vào gân máu (Chemtherapy), thuốc vào tới đâu là ớn người đến đấy.
Thường thì thuốc rất mạnh, chính nó cũng làm người bệnh suy yếu vì đặc tính của tế bào ung thư là cứ sinh sản lia chia, nên thuốc cứ tìm tế bào nào đang sinh sản là thanh toán. Tế bào bình thường của cơ thể cũng đang sanh sản, nhưng ít hơn tế bào Ung Thư, nên sau khi vào thuốc lần đầu sẽ bị lở màng bên trong miệng, sau cỡ 3 lần tóc rụng gần hết như bệnh ban, và chấm dứt kinh nguyệt (nếu người bệnh còn trẻ dưới 43 tuổi, sau khi chấm dứt trị liệu sẽ có kinh nguyệt trở lại).
Có người yếu hơn, có thể chết chỉ sau 3 lần vào thuốc (cứ 2 tuần vào thuốc 1 lần).
Bạch Huyết cầu và hồng cầu cũng bị tiêu diệt rất rất nhiều, do vậy người đang trị bệnh trở nên xanh xao, vàng vọt hơn vì hồng cầu xuống quá thấp, và người bệnh dễ mắc các chứng bệnh truyền nhiễm khác vì bạch cầu cũng xuống rất thấp, do vậy trước khi vào thuốc, phải đi thử máu để họ đo hồng cầu và bạch cầu có xuống quá tệ chăng, thì chờ thêm 1 tuần nữa cho lại sức để sẵn sàng cho cuộc “hành quân” kế tiếp.
Nói chung khi thuốc vào, tức thì thấy bồn nôn, ói mửa liền tù tì… thuốc làm cho xiểng niểng, làm te tua còn hơn trước khi cho thuốc. Chỉ duy có 1 hy vọng là nó kill giùm các tế bào ác tính ấy.
Còn Radiotherapy, tuỳ theo bệnh nặng nhẹ, cũng phải làm hàng ngày kéo dài cả thán , mỗi ngày họ chiếu tia X vào chỉ 4 phút, và da sẽ bị burn dần dần. Bác sĩ này phải tính toán rất hay để tia X chỉ đến phần thịt mà không đến phần xương; bởi vì thân mình không thể phẳng, họ phải tính tia X đến phải dừng theo hình cong của cơ thể. Nếu không chính xác, tia X sẽ burn xương và làm dòn xương, có thể gẫy xương.
Tóm lại đối với người bệnh Cancer, có nhiều việc phải chú ý, phụ vào sự trị liệu của bác sĩ:
1. Không cho thêm vào người những chất tạo Cancer nữa:
a. Hàn The (làm dòn, dai thức ăn biến chế) nên xem lại các món có nó như thịt Nem Chua, Nem Nướng…check lại xem trong nhiều thức ăn biến chế như bánh tráng, bánh phở, mì…họ có cho thêm chăng?
b. Sau này hàng Trung Quốc bị các nước phát giác có rất nhiều chất gây hại sức khỏe, nhất là Ung Thư, có những nước tương chứa chất gây Cancer 5000 lần hơn bình thường! Có cả list nhiều hiệu nước tương không thể dùng! nếu kỷ nên dùng nước tương của Singapore , Nhật, Đức
c. Thịt nướng bị cháy không nên ăn, chất bị cháy cũng là nguyên nhân gây bệnh.
Tránh xa tia Microwave, khi xài oven nên đứng xa dù họ bảo window của nó không leaking các tia.
d. Không ăn thịt đỏ như thịt bò, thịt heo, nên ăn thịt trắng như thịt gà, nhớ tránh ăn cánh gà, vì nơi đây người nuôi hay chích hormone cho gà mau lớn, mau bán…độc
Nói chung bớt thịt, thêm rau cải.
e. Tránh chất béo, tránh quá nhiều đường, 2 thứ này tế bào Ung Thư ưa thích.
f. Nắng gắt có nhiều tia tử ngoại UV cũng làm ung thư da, đừng tưởng xài cream chống nắng là OK, rồi ra phơi nắng (để thêm vitamin D) ( lớp ozone ( là phân tử có 3 nguyên tử Oxygen) trên bầu khí quyển bị trống 1 lổ to, do khí thải của các nước phát triển kinh tế, quá nhiều nhà máy phun ì xèo khói, có nhiều carbonic bay lên làm phá dần lớp Ozone che chở ấy!)
Thức uống trong siêu thị cũng bỏ nhiều chất chống hư = chất bảo quản (preservatives), cũng không tốt, ăn và uống các thứ trái cây rau cải tự nhiên không qua biến chế, để dành lâu vẫn tốt hơn.
(chuyện đến đây là hết mức của mình, nếu nói xa hơn, trái cây rau cải, người trồng cũng bỏ phân bón hoá học, thuốc trừ sâu bọ…để cho ra hoa quả tươi tốt, được mùa, giữ lâu không hư khi bán…). [Hồi đó thấy dân tây phương tự trồng rau trái, lấy làm lạ sao họ chịu khó đến thế! thì ra là vậy: sợ Ung Thư quá chừng chừng!]
g. Có những người làm trong phòng thí nghiệm, cũng nên lưu ý có nhiều hoá chất gây ung thư gọi là Carcinogen.
h. Thứ mà mình ít lưu ý là tránh mua nhà gần các vùng điện cao thế, nơi đó nhà rẻ hơn, VN ta thích rẻ, không để ý việc nguy hiễm vô hình, âm thầm!
i. Một thứ không ai biết là có những vùng, phía dưới có chất phóng xạ (tia phóng xạ vào người sẽ bắn tứ tung hết tế bào này qua tế bào khác), từ đất chất phóng xạ lúc nào cũng phát ra nào ai biết được! chuyện này đành xí cho trời đất thôi, nói cho đủ vậy mà.
(Thật ra sinh viên đi học, có bài vật lý cũng học về chất phóng xạ, có khi chưa học lý thuyết đã cho thực tập, họ đã dặn dùng kẹp gấp nó, mà rớt tới rớt lui, có khá nhiều sinh viên cũng thò tay bóc nó mà không biết trực tiếp tiếp xúc càng nguy cơ Ung thư!)
Có nhiều phương pháp tìm bệnh phải nhờ chất phóng xạ để biết chổ nào tim nghẹt, chổ nào đang bị Ung Thư…như là làm MRI, họ chích 1 lượng rất ít chất phóng xạ, sau đó cho nằm dài trong 1 máy to, giữ im lìm như khúc gỗ trong suốt thời gian máy rà từ đầu đến chân để tìm xem có Ung Thư chổ nào! Khi bị Ung Thư mà nghe cho thêm phóng xạ vào là lo lắm, nhưng họ bảo đảm là lượng rất nhỏ không gây bệnh! đành vậy thôi!!)
2. Dùng các dược liệu:
Chống Ung Thư là chống các gốc tự do, free radical, uống 3 vitamin cần kết hợp là (A+C+E) để chống các gốc tự do ấy.
a. Tỏi có khả năng chống Ung Thư và kháng trùng, tạo thêm kháng thể ,vì trị Ung Thư nên dùng liều khá hơn bình thường, có thể dùng rượu Tỏi (2 củ tỏi xay cho vào 200 ml rượu), mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 1 muỗng canh.
b. Cabbage = Cải bắp: dùng máy Extractor, sẽ rút nước, bỏ xác, mỗi bắp cải có thể rút ra 500ml, mua vài bắp rút ra được nhiều hơn, mổi ngày uống 250 ml hay 1 ly.
c. Măng Tây, broccoli
d. Chống Ung Thư là chống các gốc tự do, free radical, uống 3 vitamin cần kết hợp là (A+C+E)để chống các gốc tự do ấy, các vitamin này có thể mua ở dạng tablet hay mình có thể xây sinh tố uống rất hiệu quả, có lần xem TV thấy 2 ông bà uống 3 tháng hết bệnh: họ xây cam, bôm, cà chua, cabbage, cà rốt…
e. Có thể xay Lô Hội và bỏ thêm 1 muỗng Mật Ong để cơ thể khoẻ hơn, thêm kháng thể.
3. Giữ thân khoẻ mạnh, tâm an vui:
a. Tập thể dục, massage cho máu chạy đều hoà, cho các chất ăn uống trên phân phối đầy đủ cơ thể.
Kèm theo thở theo kiểu thở bụng để thêm tối đa oxygen và thải toàn vẹn carbonic.
Thở bụng là bắt đầu thở ra trước, khi thở bụng hóp từ từ, cách mô sẽ kéo lên, khí sẽ lùa ra hết, sau đó hít vào từ từ, cách mô kéo xuống, buồng phổi sẽ to ra, chứa nhiều không khí hơn, đến khi hết hít vào thêm được, ngưng 1 chút để áp lục này sẽ làm sự trao đổi khí hiệu quả, oxy vào máu, carbonic thải ra phổi, và sau đó thở ra, cứ thế mà làm.
Thở bụng có thể thực hiện lúc nào cũng nên, ngay cả trước khi ngủ cũng sẽ cho giấc ngủ sảng khoái không mộng mị.
b. Tâm an vui: Người bệnh Ung thư, thường không là người èo ọt, rất active, nên đôi khi làm quá sức của mình, và lắm khi cũng rơi vào stress…khi bệnh không làm gì được lại xuống tinh thần, buồn rầu, lo âu…: những thứ này sẽ làm bệnh tệ ra; cho nên phải giữ tinh thần vững chãi, chấp nhận việc gì đến cứ đến, nếu cần tập Thiền cũng là cái lợi không những cho sức khoẻ mà còn cho tinh thần, và xa hơn nữa là cho tâm linh.
Chính cái thở sẽ là trung gian giữa thân và tâm linh, khi biết điều hoà hơi thở đến nhẹ nhàng, cũng là làm cho tâm thanh thản, sẽ điều hoà hai hệ thần kinh Trực Giao Cảm và Đối giao Cảm sẽ làm mạch máu mở rộng để máu đến nuôi tế bào thần kinh đầy đủ, rồi làm tâm yên bình và sẽ có thêm đạo lực, khiến tâm không chao đảo trước nhiều tình huống, và khi gần với đạo, sự chết nếu đến sẽ không còn gì đáng sợ, nhưng cũng trong cái không còn sợ chết ấy cũng là chổ có thể còn sống.
Nói chung bệnh Ung Thư phát giác càng sớm càng có cơ hội sống sót, chờ nó phát tát (di căn) qua chổ mới là không thuốc trị cho nên từ lúc không bệnh, nên biết để sinh sống hầu ngăn ngừa.
H viết một lèo và gởi nên khó đầy đủ như ý, nhưng cũng tạm đủ cho người cần nó.
Viết dài, thường sau khi gởi đi mới phát giác trật vài lỗi chính tả, vậy xin các bạn miễn chấp nhé.
Các bạn có thể chuyển cho bất cứ ai cũng là điều nên làm, vì may ra có thể giúp những người chưa bệnh sẽ không bệnh.
Thân ái
Thanh Hương

No comments:

Post a Comment

quangnm