Saturday, November 8, 2014

KỸ THUẬT CHỤP ẢNH 9.11.2014

KỸ THUẬT CHỤP ẢNH
Nguồn: http://goo.gl/Wysifg

Chụp phơi sáng thác và suối nước - 11:47:58 AM | 04/07/2014
Ảnh - nguồn 500px
Thác nước hay suối là đề tài hấp dẫn cho các tay máy phong cảnh, bởi vì thiên nhiên tuyệt đẹp luôn thu hút ta cầm máy và chụp lại nó, tuy nhiên, thỉnh thoảng để thu được một bức ảnh đẹp nhất vẫn là một vấn đề khó khăn mà không phải ai cũng có thể làm tốt.
Những hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn chụp thác nước (có thể là suối) dễ dàng và đẹp hơn.
1. Thiết bị của bạn đã đủ rồi!
Hầu hết mọi người đều gợi ý cho bạn rằng: hãy sắm một filter ND (Neutral density) để chụp phơi sáng thác nước. Hãy quên nó đi! Với việc chụp thác nước trong rừng sâu bạn sẽ thấy không cần thiết nữa, bạn hãy bắt đầu với một chiếc máy ảnh tốt và một chân máy (tripod) ổn định – đó là tất cả những thứ bạn cần.
ND filter chỉ hỗ trợ tốt cho bạn trong việc chụp phơi sáng dưới ánh nắng mặt trời, điển hình như lúc mặt trời đang ở trên đỉnh đầu, ánh nắng chói chang, gắt, chiếu trực tiếp và bóng đổ nặng. Do đó, để chụp một bức ảnh phơi sáng thác nước tốt mà không cần đến filter ND bạn nên có mặt lúc bình minh hoặc hoàng hôn, đôi khi là giữa buổi với một thác nước nằm trong bóng râm.

Phơi sáng thác nước này vào lúc 4h chiều, thác nằm trong bóng râm do đó không dùng filter ND (Ảnh: Mạnh Tuấn)


Mọi người đều biết rằng, thác nước và suối đều nằm trong các hẻm núi, vì vậy miễn là mặt trời nấp đằng sau núi với thác nước nằm trong bóng râm là bạn sẽ có thể chụp phơi sáng rất đẹp với ánh sáng cân bằng. Trên thực tế, bạn nên lên kế hoạch hành trình đi chụp một cách phù hợp nhất. Ví dụ như nếu thác nước bạn muốn chụp quay mặt về hướng đông thì bình minh không phải thời gian thuận lợi nhất trong ngày, bởi vì những tia nắng sẽ bị bắt trên măt nước, do đó chụp phơi sáng với những thác nước có mặt hướng về hướng đông tốt nhất là vào buổi chiều muộn. Cũng phân tích tương tự với các thác nước về hướng tây, hãy chụp những thác nước này vào buổi sáng sớm.
2. Tìm hiểu về thông số phơi sáng
Cần bao nhiêu lâu để chụp phơi sáng thác nước? Câu trả lời tùy thuộc vào nhiều yếu tố và sở thích của người chụp. Ta có thể chia loại thác nước làm hai loại khác nhau: một loại là loại thác nước to lớn, hùng vĩ và dữ dội, đứng trước thác nước này bạn sẽ cảm thấy hồi hộp đến ngột thở. Một loại trông thanh nhã, mềm mại và dịu êm hơn.
Vậy đặt máy ở chế độ phơi sáng nào là thích hợp?
Một trường hợp minh họa: ở chế độ M, hãy đặt ISO thấp nhất mà máy có thể đạt được (thông thường là 100), sau đó, đặt khẩu độ nhỏ (khép khẩu) đủ để lấy nét tối đa (gợi ý thông thường là f/8 đến f/10) và tốc độ chụp (tốc độ màn trập) được chú ý vào lúc này: hãy cố gắng giữ tốc độ chụp dưới 1s, bạn sẽ nhận được bức ảnh với thác nước chảy như chậm đi, mềm mại hơn, một sự tĩnh lặng trong chuyển động.
Khi chụp với tốc độ chậm, sợi nước được kéo dài và mềm mượt như tóc trông thật tuyệt vời, tiếp theo bạn hãy thử chụp với tốc độ chụp càng lâu càng tốt để có những trải nghiệm đầy đủ các hiệu ứng đặc biệt của dòng thác bằng cách thay đổi tốc độ chụp nhanh chậm khác nhau.

Thay đổi tốc độ chụp nhanh chậm khác nhau để trải nghiệm các hiệu ứng khác nhau của dòng nước chảy (Ảnh: Mạnh Tuấn)
Đừng e ngại những lời đồn đại về độ nét căng sẽ giảm khi khép khẩu quá nhỏ (hiện tượng nhiễu xạ). Nhiếp ảnh phải thỏa hiệp trong rất nhiều trường hợp, khi khép khẩu quá nhỏ, độ nét căng chỉ giảm không đáng kể và chỉ nhận thấy khi zoom đến 200%. Nhưng điều quan trọng hơn là bạn đã thu được một bức ảnh đẹp cùng với sự hưng phấn trong trải nghiệm kĩ thuật chụp phơi sáng.
Cũng đừng e ngại vì đôi khi bạn phải khép khẩu đến f/22 nếu bạn cần dùng nó, hãy mạnh dạn để chụp với tốc độ từ 1-4s, bức ảnh của bạn sẽ trông rất tuyệt vời.
3. Lưu lại cảnh vật xung quanh
Bạn đã từng cố gắng chụp phơi sáng một thác nước và thấy rằng, những cảnh vật, những cây cối xung quanh dễ dàng bị mờ nhòe chỉ do một cơn gió thoảng. Và bạn cũng đã biết cách mà người ta thực hiện một bức ảnh HDR (high dynamic range). Chúng ta sẽ làm một điều tương tự ở đây: sau khi bạn đã chụp phơi sáng được thác nước, hãy nhanh chóng nhìn toàn bộ khung hình để phát hiện ra cảnh vật xung quanh có bị nhòe hay không. Nếu có, hãy nhanh chóng chuyển máy sang chế độ chụp nhanh, tốc độ cần thiết 1/100 hoặc có thể nhanh hơn nữa để có thể đóng băng chuyển động. Có thể mở khẩu hạn chế nhưng chắc chắn rằng vẫn đủ độ sâu trường ảnh (DOF), nếu vẫn chưa đủ sáng, hãy đẩy cao ISO đến khi đạt yêu cầu.
Sử dụng Photoshop để ghép chồng ảnh lên nhau và sử dụng layer mask để xóa những vùng mờ nhòe không đạt yêu cầu là đã giải quyết xong vấn đề một cách hữu hiệu.

Cây cối xung quanh không mờ nhòe nhờ khắc phục bằng phương pháp ghép chồng trong Photoshop (Nguồn 500px)
4. Vấn đề khi trời mây mù âm u
Một câu chuyện đáng buồn đó là đôi khi hăm hở mang máy ảnh đi bộ đường dài nhưng đến nơi trời lại mưa u ám. Mặc dù dưới ánh sáng yếu của bầu trời âm u bạn có thể thoải mái chụp phơi sáng cả ngày với tốc độ thật chậm, tuy nhiên có ánh nắng thì màu sắc vẫn rực rỡ và sinh động hơn.
Một vấn đề cần tránh trong những ngày này là bầu trời u ám, xám xịt, nếu lọt vào khung hình trông sẽ rất tệ. Do đó, bạn nên dậy sớm, thật sớm, để tìm vị trí thật đẹp, loại bỏ bầu trời xám xịt bên trên thác nước của bạn.
Nói chung, nhiếp ảnh phong cảnh đôi khi phải thỏa hiệp, không phải lúc nào tất cả các yếu tố thời tiết đều thuận lợi, điều quan trọng là bạn có thể khắc phục được yếu tố bất lợi và có những trải nghiệm thú vị với những bức ảnh của mình.
Kết luận: Giống như bất cứ thể loại nào của nhiếp ảnh, chụp phơi sáng thác nước cũng cần phải luyện tập thường xuyên để có thêm kinh nghiệm “chinh chiến”. Bạn hãy lên kế hoạch để bước ra ngoài và đặt các hướng dẫn này vào chính bức ảnh của bạn. Chúc bạn may mắn!
  5 điều khiến khả năng nhiếp ảnh của bạn chưa được cải thiện - 06:26:57 PM | 03/06/2014
Michael Woloszynowicz là một nhiếp ảnh gia chân dung và thời trang, sau đây chính là những trải nghiệm mà bản thân ông gặp phải trong sự nghiệp nhiếp ảnh của mình. Mời các bạn tham khảo. Lý do 1: Bạn quá coi trọng việc so sánh mình với người khác.
Chúng ta đang bị bủa vây bởi rất nhiều tác phẩm nhiếp ảnh ở khắp mọi nơi, vì vậy khuynh hướng tự nhiên là ta so sánh thành quả nhiếp ảnh của ta với những tay máy khác và với thần tượng của mình. Tuy điều này có thể là một nguồn cảm hứng, nhưng nó cũng có thể trở nên nguy hiểm nếu chúng ta sử dụng tác phẩm của người khác như một thước đo để đo lường sự tiến bộ của bản thân. Chúng ta nhìn vào kết quả và tự hỏi tại sao hình ảnh của chúng ta chẳng giống. Phấn đấu cho 'giống hơn' là một thực hành vô vọng, chẳng đi đến đâu và góp phần thất bại.
Khi tham khảo tác phẩm của đồng nghiệp, quan trọng là bạn cần mổ xẻ phong cách của họ, tìm hiểu thuộc tính nào khiến chúng ta thích thú. Phải chăng là cách sử dụng ánh sáng, chỉnh sửa, màu sắc, vị trí địa điểm,... mà bạn lưu tâm? rồi phấn đấu để cải thiện từng yếu tố đơn lẻ và thêm dần phong cách riêng của mình. Khi đó bạn sẽ nhận thấy sự cải thiện dần dần về chất lượng tác phẩm của mình, đồng thời tránh được sự thất vọng khi chụp sao mà không giống được như người ta.
Lý do 2: Bạn chưa tận tâm
Chẳng mấy khi mà ta có thể chụp được ảnh tuyệt đẹp trong khi đang ngồi êm ái ở ghế tựa phòng máy lạnh. Bất kể thể loại nhiếp ảnh nào bạn theo đuổi, thì những ý tưởng tuyệt vời, những bức ảnh tuyệt vời, đều cần cả đống nỗ lực, lập kế hoạch, hậu cần và sự tận tụy thì mới trở thành hiện thực. Muốn nhàn và tiện thì chẳng bao giờ có ảnh đẹp. Nên ngưng bào chữa cho mình khi không cố thêm một chút nữa, khi bỏ một vài bước vì quá nhiều việc, vì chúng ta không thoải mái với nó. Giống như câu nói nổi tiếng của Edison, một bức ảnh tuyệt vời cấu thành bởi một phần trăm cảm hứng và chín mươi chín phần trăm mồ hôi.
Lý do 3 - Bạn quá sợ thất bại
Chúng ta đều ghét thất bại và tránh nó như bệnh truyền nhiễm. Dĩ nhiên thật bại thì thật đau lòng, tuy nhiên chúng ta thường trưởng thành hơn từ những thất bại hơn là từ thành công. Sau rốt thì bạn nhớ gì nhiều hơn? Bạn nhớ những bức ảnh đẹp của mình hay nhớ những lúc mình làm hư chuyện? Dĩ nhiên là có nhiều lúc mình phải tránh thất bại, nhất là khi làm dịch vụ cho khách hàng. Nhưng đôi khi ta phải chuẩn bị cho kế hoạch chênh vênh và có thể thất bại. Đây là một lý do chính mà chúng ta cần phải có những dự án ảnh cho riêng mình, với tư cách là một nhiếp ảnh gia.
Kế hoạch chụp cá nhân cho riêng mình là nơi mà bạn có thể thất bại, học hỏi và phát triển. Bất cứ khi nào bản thân tôi tham gia vào một buổi chụp hình thử hoặc một dự án sáng tạo, tôi luôn cố gắng thử một cái gì đó mà tôi nghi ngờ có khả năng thất bại, dĩ nhiên vẫn cố gắng bình ổn kết quả chụp. Theo đó, nếu một phương pháp chơi ánh sáng mới, hiệu ứng sáng tạo, hoặc một ý tưởng thử nghiệm mà không thành công, thì tôi vẫn có một sẵn một phương án dự phòng để thoái lui. Bằng cách này, tôi vẫn có thể có một kết quả tương đối hài lòng dành cho nhóm sáng tạo.
Nói chung, nguy cơ hoặc sự không chắc chắn cho một buổi chụp nên tỉ lệ nghịch với trách nhiệm. Ví dụ nếu tôi có một ý tưởng mới thì tôi sẽ mời một người bạn hoặc bà con nào đó làm mẫu hoặc mời bạn làm trợ lý và mời họ ly cafe vui vẻ. Bởi nếu trách nhiệm càng tăng, càng nhiều người dựa vào kết quả chụp của chúng ta thì chúng ta sẽ không dám liều và lại trở lại thói quen thông thường. Đây là lý do tại sao nhiếp ảnh chỉ có thể tiến triển dần dần chứ không thể nhảy vọt. Ai trong chúng ta mà chẳng muốn làm việc trong một đội nhóm lớn, có ngân sách thoải mái và xuất bản thành phẩm hoành tráng nhưng nếu ngay giai đoạn đầu mà làm lớn vậy thì có khả năng bạn sẽ bị stress nặng, lúng túng và tăng khả năng thất bại.
Lý do 4 - Bạn lẩn trốn phản hồi
Rất nhiều tay máy muốn hỏi ý kiến nhưng lại không thích nhận phản hồi. Tôi thường nghe những câu chuyện của các nhiếp ảnh gia được yêu cầu cho ý kiến phản hồi, họ nhận xét trung thực cuối cùng lại mang tiếng xúc phạm nhiếp ảnh gia kia. Nhiều người trong chúng ta đã trở nên quen với kiểu phản hồi tiêu cực đang đầy rẫy trên internet hiện nay và thường đáp lại một cách giận dữ và bảo vệ mình, cho dù có những nhận xét mang tính xây dựng. Bản thân tôi cho rằng chỉ nên phản hồi khi có yêu cầu, hoặc một cách riêng tư, nhưng quá nhiều người trong chúng ta thậm chỉ chẳng dám hỏi nữa.
Một số trong chúng ta chắc chắn đã tự nhận thức sâu sắc và hiểu những hạn chế và thiếu sót của riêng mình. Nhưng chúng ta chỉ đại diện cho một quan điểm và quan điểm đó cũng khá là thiên lệch. Tôi tin rằng một phần của sự do dự này chính là sự cố gắng giữ thể diện. Chúng ta không muốn bị chê một bức ảnh xấu và phải bỏ nó đi trong khi đã rất mất công để sáng tác ra nó.
Điều mà bản thân tôi đã học được đó là nhiếp ảnh là một quá trình sáng tạo đồng thời xóa bỏ. Không phải hình nào chụp được cũng xứng đáng nằm trong bộ ảnh portfolio để giới thiệu trình diễn, nhưng tất cả những nỗ lực đều góp phần cải thiện bộ ảnh portfolio của ta trong tương lai. Mỗi ảnh chụp được đều là những đắp bồi vô hình, cho dù có thể nó chẳng bao giờ là một sản phẩm hoàn thiện. Có thể bạn nên đều đặn hàng tháng hỏi ý kiến những người mà bạn tôn trọng hoặc hâm mộ. Cách này có thể giúp bạn phát triển rất khả quan, cho nó có thể khiến bạn phải bỏ bớt vài hình trong portfolio.
Lý do 5 - Bạn tập trung quá nhiều vào các khía cạnh kỹ thuật
Đây có thể là một trong những điều quan trọng nhất và khó khăn để vượt qua. Chúng ta rất thường bị ám ảnh bởi việc phải tạo ra ánh sáng lý tưởng, mức phơi sáng hoàn hảo, quy tắc một phần ba,... mà bỏ qua các yếu tố sáng tạo quan trọng. Khi một hình ảnh thiếu sáng tạo, người xem hoặc là bỏ qua ảnh đó hoàn toàn hoặc chỉ chăm chăm nhìn vào các vấn đề kỹ thuật bởi cuối cùng chỉ còn lại có kỹ thuật. Còn nếu bạn mang lại được một ý niệm hoặc một cảm xúc làm say đắm người xem, thì lúc đó yếu tố kỹ thuật chỉ đơn giản đóng vai trò hỗ trợ.
Dĩ nhiên nói vậy không phải ý rằng kỹ thuật chẳng đáng quan tâm.
Nếu bạn có khả năng sáng tạo tuyệt vời, nhưng không biết làm sao để bố cục hay chỉnh sáng cho đúng thì rõ ràng là chẳng thể nào thành công. Tuy nhiên các yếu tố kỹ thuật hiếm khi là vấn đề làm ta lúng túng. Kỹ thuật là chuyện dễ. Phần sáng tạo mới là quan trọng nhưng vô hình. Chẳng ai dạy ta sáng tạo, nó phải xuất phát từ cảm hứng và trí tưởng tượng mà không vướng bận gì về kỹ thuật.
Rành rẽ về kỹ thuật sẽ giải phóng bạn khỏi ràng buộc, khỏi lo lắng về thất bại và dẫn đến niềm tin điều gì cũng có thể làm được. Sau khi đã trang bị tốt về kỹ thuật, hãy đi ra ngoài và khám phá. Hãy đến một bảo tàng chẳng hạn, ngồi lại và quan sát thế giới xung quanh bạn, hãy quan sát và nhận ra những biểu cảm, màu sắc và những khoảnh khắc. Những điều sẽ gợi lên cảm xúc trong bạn.
Lý do 6 - Bất hành động
Tiêu đề của bài này nói "năm lý do", nhưng điều 6 này là tất cả năm điều trên cộng lại, là thứ mà hầu như tất cả chúng ta phạm phải nhiều nhất: đó là không hành động gì. Khi đọc được những điều nói trên chúng ta thường tự bảo mình "ờ nhỉ, tôi cần phải làm nhiều hơn thế nữa." Khi chúng ta nhận được góp ý của người khác chúng ta cũng tự nhủ "ờ nhỉ họ có lý." Nhưng sau đó là gì? Chúng ta định làm gì đó để sửa chữa và rồi lại chẳng làm gì cả. Chúng ta lại tiếp tục như lệ thường và lại tự hỏi tại sao mình không cải thiện.
Đừng để điều đó xảy ra với bạn.

Theo Tinhte.vn Những thói quen cần bỏ khi chụp ảnh - 02:35:00 PM | 16/12/2013
Đặt ISO quá thấp, chỉnh sửa quá nhiều hay luôn quan tâm đến việc người xem nghĩ gì có thể khiến người chụp bỏ lỡ những khoảnh khắc đẹp.
Dưới đây là 5 thống kê của trang web nhiếp ảnh Digital-Photography-School:
Sự do dự
Một trong thói quen đáng kể nhất trong giới nhiếp ảnh không chuyên là sự do dự của người cầm máy. Sự lưỡng lự trong một số hoàn cảnh là cản trở lớn cho việc ghi lại những khoảnh khắc tuyệt vời thoáng qua. Có thể nói, đa phần các tay máy nghiệp dư thường quan tâm đến việc người xem ảnh nghĩ gì về bức hình của mình. Và phần đông đều yêu thích chụp ảnh với một cảm xúc vui tươi hơn là ghi lại một cảm xúc buồn như hình ảnh một đứa trẻ đang khóc bên dưới.  
Sự do dự khi bấm máy có thể khiến người dùng bỏ lỡ một khoảnh khắc tuyệt vời trong cuộc sống
Bên cạnh cảm giác lưỡng lự, một yếu tố khác không nhỏ cản trở việc ghi lại một bức ảnh đẹp là thiết bị chưa sẵn sàng. Nói một cách đơn giản hơn là chiếc máy ảnh của người đó không được thiết lập để có thể dễ dàng “chộp” được những khoảnh khắc xảy đến tức thời xung quanh họ. Với trường hợp này, các "tay máy" tốt nhất nên thiết lập tính năng chụp ảnh tự động hoàn toàn hay bán tự động. Tuy nhiên, chế độ tự động hoàn toàn vẫn là một lựa chọn ưu tiên, giúp người cầm máy luôn tự tin và sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Bên cạnh đó, nếu thiết bị hỗ trợ, người dùng có chút kinh nghiệm cũng có thể lựa chọn chế độ chụp ảnh RAW để xử lý hậu kỳ sau đó.  
ISO quá thấp

Theo Digital-photography-school, khá nhiều người dùng luôn cố gắng thiết lập giá trị ISO thật thấp nhằm giảm tình trạng nhiễu hạt. Song, nỗi sợ nhiễu hạt đôi khi lại mang đến cho họ một bức ảnh nhòe vì tốc độ chụp ảnh xuống quá thấp. Ngày nay, một vài nhiếp ảnh gia còn cố tình tăng thêm độ nhiễu hạt cho bức ảnh của mình nhằm tạo một hiệu ứng đặc biệt.
 Ảnh chụp với ISO 4000 trông vẫn đẹp khi chuyển thành ảnh đen - trắng ở khổ vừa phải
 Ngoại trừ trường hợp nguồn sáng môi trường quá cao, việc cài đặt giá trị ISO cao là vô nghĩa, các tay máy nên mạnh dạn tăng giá trị ISO để lợi hơn về tốc độ chụp. Nếu lo sợ hình ảnh bị nhiễu hạt, sau khi chụp người dùng có thể sử dụng các phần mềm chỉnh sửa để giảm tối đa mức độ nhiễu ảnh. Dĩ nhiên, mỗi máy đều có một giới hạn nhất định trong việc khử nhiễu ảnh ở ISO cao. Người dùng tốt nhất nên tìm cho mình một giá trị ISO cao tốt nhất nhằm tránh tình trạng sai sắc và giảm độ chi tiết ảnh. Một mẹo nhỏ khác để xử lý các ảnh nhiễu hạt nặng là chuyển từ ảnh màu thông thường sang ảnh đen - trắng với sự trợ giúp của các phần mềm xử lý.
Soi rõ từng điểm ảnh
Nếu thường xuyên phóng lớn 100% kích thước ảnh chụp khi xem lại trên máy tính, bạn hãy sớm từ bỏ thói quen này. Vì việc hiển thị hình ảnh ở tỷ lệ 1:1 cũng là một lý do khiến người dùng không dám thiết lập các giá ISO cao. Thao tác phóng lớn 100% kích thước ảnh khi xem lại nhằm “săm soi” từng điểm ảnh chỉ thực sự có ý nghĩa khi bạn có ý định in ảnh của mình bên hông xe buýt.
 Hành động săm soi từng điểm ảnh chi có ý nghĩa khi người dùng cần in ảnh khổ rất lớn

Ngoại trừ những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có nhu cầu in ảnh kích thước lớn, hầu hết người chơi máy đều in ảnh khổ nhỏ hay đăng tải trên web để chia sẻ với bạn bè, người thân. Vì thế, những hình ảnh tưởng chừng như “tệ hại” khi săm soi từng điểm ảnh, có thể sẽ vẫn rất lung linh khi in ở khổ 16 x 24 cm hay được thu nhỏ kích thước để chia sẻ trực tuyến.
Chụp hú họa
Một thói quen xấu khác khi cầm máy là việc bấm máy liên tục và hy vọng sẽ có được một tấm ảnh tốt trong series ảnh này khi xem lại trên máy tính sau đó. Dĩ nhiên, bạn có thể chọn cách chụp này và may mắn chọn được một tấm ảnh ưng ý. Tuy nhiên, người chụp sau đó sẽ không biết được họ đã chụp được bức ảnh đẹp từ loạt ảnh đó bằng cách nào và khó lòng thực hiện lại sau đó.  
Để tránh tình trạng này, các "tay máy" nên tập trung quan sát đến ánh sáng, địa điểm, không gian và thời gian chụp ảnh. Bên cạnh đó, người dùng cũng nên tìm hiểu kỹ hơn về bố cục ảnh chụp, thử sử dụng một số tính năng trên máy như Bracketing, White Balance và đối xử với chiếc máy ảnh của mình như một người họa sỹ đang cầm cọ để tạo nên một bức họa với nhiều cảm xúc.
Chỉnh sửa gần như mọi tấm ảnh
Việc “dặm vá” hình ảnh sau khi chụp để có một tấm ảnh đẹp hơn là một điều tốt. Tuy vậy, hành động chỉnh sửa gần như mọi ảnh chụp lại là một thói quen không tốt khiến người dùng mất không ít thời gian để xử lý. Hãy mạnh dạn chọn ra những hình ảnh đáng chỉnh sửa nhất và loại bỏ khỏi bộ sưu tập của mình những bức ảnh xấu để tiết kiệm không gian lưu trữ.
Nếu sử dụng phần mềm Lightroom, khi cần loại một bức ảnh, bạn chỉ cần nhấn phím tắt “X” khi đang xem ảnh đó rồi tiếp tục duyệt qua những hình ảnh khác. Sau khi đã duyệt hết bộ sưu tập, bạn hãy sắp xếp theo dạng chỉ hiển thị những hình ảnh cần loại bỏ (the rejects only). Sau đó nhấn tổ hợp phím Ctrl+A để chọn hết và nhấn Delelte để xóa các hình ảnh đã chọn. Hành động này không chỉ giúp tiết kiệm không gian lưu trữ mà còn giúp loại chúng khỏi tâm trí người chụp, giúp tập trung hơn vào việc tinh chỉnh ảnh sau đó. Có thể nói, đây là một thói khó bỏ nhất vì đa phần người dùng luôn cảm thấy khó khăn khi quyết định xóa một tấm ảnh mà họ đã chụp. Song, cần phải hiểu rằng, càng chọn lọc ban đầu, bạn càng có được những bức ảnh đẹp sau đó và tiết kiệm đáng kể bộ nhớ máy.
Ảnh: digital-photography-schoolBố cục ảnh không chỉ có quy tắc một phần ba - 04:30:15 PM | 21/11/2013
Bố cục là bài học quan trọng với mọi người chơi ảnh
Chủ thể đặt ở vị trí một phần tư giúp ảnh nhấn mạnh về mặt cảm xúc và không gian trong khi nếu đặt ở vị trí trung tâm sẽ tạo ấn tượng mạnh, đặc tả.
Bố cục nhiếp ảnh là chủ đề chính trong buổi học đầu tiên của hội những người chơi và đam mê máy ảnh Fujifilm tại Việt Nam (Fuji X Vietnam Club) tổ chức ngày 10/11. Hoạt động này dự kiến sẽ được tổ chức thường niên hai tháng một lần. Lớp học có sự tham gia của gần 30 thành viên ở nhiều lứa tuổi khác nhau. 
Một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên mà mỗi người yêu thích chụp ảnh phải biết ngay từ ngày đầu cầm máy chính là bố cục. Cùng một khung cảnh và thời điểm như nhau, cách sắp xếp và đưa chủ thể vào khuôn hình sẽ giúp người chụp tạo ra những sự khác biệt. Bố cục là tổng hòa của nhiều quy tắc khác nhau và khi nắm chắc được những lý thuyết này, người chụp sẽ dễ dàng có được những bức hình đẹp. Tất nhiên, không phải mọi bức ảnh đều tuân theo những bố cục nhất định mà có thể phá cách tạo dấu ấn riêng nhưng phần lớn đều phải đi lên từ căn bản. 
Thông thường, nhiều người chơi ảnh nghiệp dư chỉ nhớ tới quy tắc một phần ba và luôn ứng dụng triệt để vào các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, nếu đi sâu hơn một chút, còn nhiều cách sắp xếp khác để tạo ấn tượng cho người xem cũng như ngay chính quy tắc một phần ba cũng được chia làm nhiều kiểu khác nhau. Với các bức ảnh chân dung, đôi mắt luôn là tâm điểm chú ý và được các nhiếp ảnh gia quan tâm nhưng cách sắp xếp bờ vai, khuôn mặt, mái tóc hay tay cũng giúp tạo ra những sắc thái khác biệt.
Một số điểm đáng chú ý về bố cục: 

Các quy tắc thông thường về tỷ lệ một phần ba với ảnh dọc và ngang


Với chủ thể nằm ở vị trí một phần tư, ảnh mang nhiều tính nhấn mạnh vào không gian và cảm xúc hơn là chính chủ thể


Với khuôn mặt ở vị trí trung tâm, ảnh đem lại ấn tượng mạnh và nét đặc tả


Cũng là quy tắc một phần ba nhưng vị trí mắt hay điểm cần nhấn mạnh nằm trên đường giao nhau của lưới


Chủ thể tạo dáng theo hình chữ L 


Chủ thể nằm ở vị trí góc khuôn hình


Chủ thể hoặc chủ thể kết hợp với khung nền tạo nên hình chữ thập

 Cân nhắc gì khi chụp ảnh phong cảnh ? - 03:05:44 PM | 13/09/2013
Phong cảnh trong ảnh đen trắng. Ảnh: Photozine
Để có một khung hình lý tưởng tại thời điểm vàng, đôi khi không cần rút máy ảnh và bấm ngay mà cần chậm lại để bạn có thời gian cân nhắc ý tưởng.
Khi gặp một cảnh đẹp, thông thường bạn sẽ rút máy bấm liền. Nhanh nhạy tránh bỏ lỡ thời điểm là một điều tốt, nhưng đối với ảnh phong cảnh, bạn lại cần chậm một chút để có đủ thời gian chuẩn bị sẵn sàng cho việc thể hiện ý tưởng và cảm xúc của mình trong từng khung hình cụ thể.
Lưu ý tới ánh sáng
Ai cũng biết không có ánh sáng tốt thì rõ ràng không có bức ảnh tốt. Nhưng ánh sáng thế nào là tốt lại tùy thuộc vào việc bạn chụp chủ thể nào. Chẳng hạn với những ảnh chụp một khoảng rừng thường trở nên ấn tượng với những tia nắng chói xuyên qua màn lá, thì các thể loại ảnh chụp cảnh mặt nước hay phong cảnh rộng lại cần để ý tới các yếu tố ánh sáng giúp làm nổi bật hình khối hay chi tiết của những đối tượng chính như núi non hay đất liền, cây cối... Cần lưu ý xem hướng ánh sáng đến từ đâu, và nếu cảm thấy hướng này chưa ưng ý, bạn có thể chờ cho đến thời điểm phù hợp hoặc quay lại sau nếu không có thời gian chờ đợi. Điều kiện hoàn hảo là có thể thử nghiệm chụp ở các khoảng thời gian khác nhau trong ngày, từ đó tìm ra thời điểm mà ánh sáng chiếu lên chủ thể trở nên hoàn hảo nhất. Tất nhiên, theo lý thuyết, bình minh và hoàng hôn với ánh sáng dịu thường luôn là lý tưởng so với ánh sáng gắt ban ngày, nhưng không vì thế mà bạn không nên thử các thời điểm khác.
Chọn khung hình
Trước khi chỉnh các thông số, bạn nên mường tượng trước khung hình sẽ chụp. Nên đầu tư thời gian cho việc này. Hãy tìm kiếm và thử các vị trí chụp, các góc chụp, từ đó tìm ra những góc có tiền cảnh thú vị hơn, đường nét rõ rệt hơn có thể giúp lột tả được cảm xúc của chủ thể trong khuôn hình. Luôn kiểm tra sự cân bằng giữa phối cảnh, hình khối và màu sắc. Một khi đã tìm được góc nhìn và khung hình thích hợp, bạn có thể để mắt tới các yếu tố ngoại vi xuất hiện bên rìa của khung ngắm, từ đó lựa chọn bỏ hay giữ miễn là đảm bảo mọi yếu tố xuất hiện trong khung hình đều sẽ đóng một vai trò nhất định. Sau hết mọi thứ, giờ mới là lúc tiến hành kiểm tra các thông số cài đặt của máy.
ISO
Đối với ảnh phong cảnh, thông thường người chụp đều sử dụng chân máy nên có thể hạ ISO càng thấp càng tốt, 100 hoặc 200 chẳng hạn, để chất lượng bức ảnh được hoàn hảo hơn. Tất nhiên, cài đặt ISO luôn phải tương xứng với từng điều kiện sáng cũng như đối tượng chụp. Với ánh sáng yếu, tăng ISO là điều tất yếu nếu khung hình và đối tượng bạn định chụp cần phải có tốc độ hay độ mở cố định.
Ổn định hình ảnh (chống rung)
Chế độ ổn định hình ảnh cho phép người chụp có thể tạm xa rời chân máy để cầm tay chụp, kể cả trong những trường hợp ánh sáng yếu hay phải sử dụng tốc độ chậm mà không lo rung máy. Tuy nhiên, bạn nên lưu ý, một khi đã gắn vào chân máy, thì tốt nhất nên tắt chế độ này để hạn chế tối đa khả năng chính tính năng chống rung có thể khiến hình ảnh không được sắc nét.
Kiểm tra chế độ bù sáng
Trước khi bấm máy, đừng quên kiểm tra chế độ bù sáng đã về 0 chưa, nếu không bạn rất dễ chụp một bức ảnh quá thừa hoặc quá thiếu sáng do các cài đặt bù sáng từ lần chụp trước để lại.
Kiểm tra máy ảnh đặt thẳng chưa
Mặc dù nghe thì có vẻ đơn giản nhưng thực ra yếu tố này rất dễ bị bỏ quên và kết cục là một bức ảnh với đường chân trời xiên xẹo hay cây cối nghiêng ngả. Nếu sử dụng chân máy, bạn nên để ý tới các chức năng phụ trợ chụp thẳng như thước cân bằng tích hợp hoặc gắn rời. Hoặc bạn có thể kích hoạt chế độ đường lưới (Gridline) để đảm bảo các đối tượng luôn ở đúng phương vị phù hợp của mình.
Kiểm tra độ mở
Các thể loại ảnh khác nhau thường có các khuyến cáo tối ưu về độ mở khác nhau. Do độ mở có ảnh hưởng trực tiếp đến độ sâu hình nên luôn nhớ kiểm tra độ mở của máy ảnh từ lần chụp trước có phù hợp với lần này không, nếu không bạn rất dễ rơi vào trường hợp mà độ mở cho ảnh macro lại được dùng cho chụp phong cảnh.
Phơi sáng
Nên bật chế độ cảnh báo thừa sáng nếu máy ảnh tích hợp tính năng này. Với chế độ này, máy ảnh sẽ cảnh báo những vùng dễ cháy sáng khi chụp với thông số hiện thời. Dựa vào đó bạn có thể điều chỉnh lại các tùy chỉnh cho phù hợp, tránh việc chỉ phát hiện ra vùng cháy sáng khi xem lại ảnh trên màn hình máy tính.
Đo sáng
Luôn kiểm tra xem máy ảnh của bạn đang ở chế độ đo sáng nào. Thông thường các máy hay được để mặc định ở chế độ đo sáng tổng thể (Evaluative/Matrix). Ở chế độ này, máy ảnh sẽ căn cứ ánh sáng trên toàn bộ khung hình và tự tính toán thông số phơi sáng cho phù hợp. Chế độ này khá hữu dụng trong trường hợp bạn không chắc chắn đo sáng thế nào sẽ là hợp lý với cảnh được chụp.
Có một số chế độ đo sáng khác mà bạn có thể thử, đó là chế độ đo sáng điểm (với tên gọi Partial Metering trên máy Canon hay Spot Metering trên máy Nikon). Chế độ đo sáng này hữu ích trong các trường hợp đối tượng chụp có ánh sáng hậu hoặc đối tượng ở trong vùng hoặc rất tối hoặc rất sáng. Khi đó máy sẽ giới hạn chỉ lấy các giá trị ở một vùng rất nhỏ của khung hình.
Chế độ đo sáng vùng trung tâm lại lấy các giá trị ở khoảng giữa hình ảnh làm trọng tâm để tính toán phơi sáng dù cũng sẽ lấy thêm các giá trị tham chiếu từ các vùng xung quanh. Về cơ bản, chế độ này nằm ở khoảng giữa chế độ đo sáng toàn cảnh và đo sáng điểm. Bạn có thể sử dụng chế độ này khi đối tượng nằm ở vị trí trung tâm khuôn hình.
Chọn điểm lấy nét
Đây cũng là điểm dễ bị bỏ quên. Hãy kiểm tra điểm lấy nét của máy ảnh. Chế độ tự động lấy nét có thể hiệu quả, nhưng đối với một số chủ thể, chế độ tự động dễ bị đánh lừa và không biết ý đồ thực sự của người chụp sẽ tập trung vào đâu. Vì thế, tốt nhất nên sử dụng chế độ chọn điểm nét tay (Manual AF selection) để chủ động hoàn toàn ý đồ của mình. Chế độ này cho phép bạn chọn từng điểm lấy nét cụ thể mà bạn muốn. Nếu điểm lấy nét không hẳn trùng với chủ thể trong một khuôn hình định sẵn, bạn có thể lấy nét đối tượng, dùng chế độ khóa nét, sau đó dịch chuyển khung hình về vị trí phù hợp. Còn để hoàn hảo, nên chuyển luôn về chế độ lấy nét tay (Manual Focus).Kĩ thuật chống rung trong ống kính tốt hơn trên thân máy - 12:33:06 PM | 28/08/2013
Bạn băn khoăn:chống rung trên ống kính hay thân máy ảnh, kiểu nào hay hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.
Nikon cho rằng việc đặt chống rung trên ống kính hiệu quả hơn nhiều so với việc dịch chuyển cảm biến trong thân máy.Về cơ bản, cả hai phương pháp này đều làm giảm hiện tượng ảnh bị nhòe do người sử dụng cầm máy không chắc hoặc tốc độ chụp quá chậm ở điều kiện khó. Chống rung (ký hiệu VR trên các dòng của Nikon hay IS của Canon) có thể giúp người dùng chụp với tốc độ chậm hơn từ 2 đến 4 bước so với thông thường mà vẫn không bị nhòe ảnh.

Hình ảnh mô tả chống rung trên ống kính (trái) và chống rung trong thân máy
Chống rung trong ống kính là phương pháp dịch chuyển một thấu kính theo hướng ngược lại với hướng chuyển động nhằm triệt tiêu phần ánh sáng bị lệch khi đi vào cảm biến do bị rung. Trong khi đó, chống rung trên thân máy lại sử dụng chuyển động của cảm biến để thực hiện công việc này.

Trong một thông tin mới nhất được Nikon đăng trên trang web của mình, hãng máy ảnh Nhật Bản đã đưa ra một số lý do giải thích về việc tại sao chống rung trên ống kính hiệu quả hơn so với trong thân máy.

Đầu tiên, chống rung trên ống kính sẽ giúp hình ảnh tới khung ngắm là hình ảnh đã qua xử lý nên người dùng có thể dễ dàng theo dõi bố cục đúng như hình ảnh thu được trên cảm biến. Trong khi đó, chống rung trên thân máy thì ánh sáng qua khung ngắm vẫn chưa được xử lý.


Thành phần thấu kính phía trong sẽ thực hiện động tác dịch chuyển để giảm thiểu rung lắc
Với kiểu chống rung trên ống kính, thành phần thấu kính phía trong sẽ thực hiện động tác dịch chuyển để giảm thiểu rung lắc. Ảnh chụp màn hình.

Thứ hai, chống rung trên thân máy phải làm sao để tối ưu cho tất cả các ống kính trong khi đó đặc điểm đối với mỗi loại khá khác nhau đặc biệt là về tiêu cự hay khẩu độ mở tối đa. Chống rung trên ống kính sẽ giúp nhà sản xuất tối ưu hơn về hiệu năng khi sử dụng.

Thứ ba, hình ảnh và thông tin mà cảm biến đo sáng và lấy nét tự động thu được trong trường hợp chống rung trên ống kính đã được qua xử lý nên sẽ giúp máy bắt nét nhanh và chính xác hơn so với cách còn lại.

Cuối cùng, các ống kính có tiêu cự dài bị rung khi chụp sẽ cho hình ảnh mờ khác khá nhiều so với loại có tiêu cự ngắn vì vậy chống rung trên thân máy sẽ khó đáp ứng được cả hai trường hợp này.
10 quy tắc về bố cục trong nhiếp ảnh - 11:56:18 AM | 28/08/2013
Trong nhiếp ảnh không có một quy tắc nào là luôn đúng. Dù vậy cũng có những quy tắc về bố cục có thể được áp dụng trong hầu hết các trường hợp, giúp cho bạn có được những bức ảnh đẹp hơn.
Những quy tắc này sẽ giúp cho bức ảnh của bạn có được sự cân bằng, thu hút sự chú ý vào những phần quan trọng trong ảnh. Một khi bạn đã quen với các quy tắc này, bạn sẽ thấy ngạc nhiên khi thấy chúng được áp dụng rất nhiều. Bạn sẽ thấy những bức ảnh được áp dụng quy tắc ở bất cứ đâu, và dễ dàng nhận ra vì sao một số bức ảnh thực sự gây ấn tượng, trong khi có những bức ảnh trông như thể một bức được chụp vội vàng.
Dưới đây là 10 quy tắc phổ biến về bố cục, được tổng hợp từ PhotographyMad.
Quy tắc Một phần ba
Hãy tưởng tượng rằng bức ảnh của bạn được chia thành 9 phần, bởi 2 đường kẻ dọc và 2 đường kẻ ngang. Trong quy tắc Một phần ba, bạn nên đặt các phần quan trọng của khung cảnh dọc theo các đường kẻ, hoặc ở các điểm mà chúng giao nhau.
Khi thực hiện điều đó, bức ảnh sẽ có thêm sự cân bằng và thú vị. Một số máy ảnh có sẵn tính năng hiển thị các đường kẻ trên màn hình LCD, để bạn dễ dàng áp dụng quy tắc này.

Cả đường chân trời và căn nhà quan sát đều được đặt theo đường kẻ
Các yếu tố cân bằng
Khi bạn đặt một chủ thể lệch khỏi tâm của bức ảnh, như khi áp dụng quy tắc Một phần ba, điều đó sẽ làm bức ảnh thú vị hơn, nhưng cũng làm lộ ra một phần trống trong ảnh. Bạn nên cân bằng "trọng lượng" của chủ thể trong ảnh bằng cách đưa vào một chủ thể khác, ít quan trọng hơn, để lấp vào chỗ trống đó.

Trong ảnh này, "sức nặng" của tấm biển chỉ đường được cân bằng với tòa nhà ở phía kia của bức ảnh
Đường dẫn ánh nhìn
Khi nhìn vào một bức ảnh, đôi mắt chúng ta sẽ tự nhiên nhìn vào các đường kẻ. Bằng cách suy nghĩ về việc đặt các đường kẻ trong bố cục, bạn có thể tác động đến cách người xem nhìn tấm ảnh, thu hút ánh nhìn vào chủ thể chính, hay lướt qua khung cảnh. Có rất nhiều loại đường dẫn – thẳng, chéo, cong, zigzag… –  và mỗi loại đều có thể cải thiện được bố cục của bức ảnh.

Con đường trong bức ảnh này sẽ dẫn ánh nhìn của bạn qua toàn bộ khung cảnh
Các khuôn mẫu và sự đối xứng
Xung quanh chúng ta có rất nhiều mẫu hình có tính đối xứng, cả trong tự nhiên và do con người tạo ra. Chúng có thể tạo nên bố cục rất bắt mắt, nhất là khiến người xem bất ngờ khi trong một khung cảnh đặc biệt lại có thể xuất hiện sự đối xứng. Một cách sắp xếp bố cục khác là phá bỏ khuôn mẫu đối xứng, bằng cách tạo ra các tiêu điểm lệch trung tâm.

Sự đối xứng của khung cảnh bị phá vỡ bởi cái xô ở góc dưới bên phải ảnh
Góc chụp
Trước khi chụp chủ thể, hãy dành thời gian để nghĩ xem bạn sẽ chụp nó theo góc nào. Góc chụp có ảnh hưởng lớn tới bố cục của bức ảnh, và do đó có thể thay đổi thông điệp người chụp muốn chuyển tải. Thay vì chụp bằng góc nhìn ngang tầm mắt, hãy thử chụp với góc nhìn từ trên cao xuống, từ dưới nhìn lên, từ bên cạnh, đằng sau, xa hay gần…

Góc chụp khác biệt giúp bức ảnh tạo được cảm giác thú vị, trừu tượng
Nền của ảnh
Đã bao nhiêu lần bạn xem ảnh mình chụp và thấy rằng bức ảnh thiếu ấn tượng, bởi chủ thể bị lẫn vào một nền có quá nhiều đối tượng đằng sau? Mắt người có thể nhận biết rất nhanh các yếu tố bị lẫn vào nhau, nhưng máy ảnh lại có xu hướng làm bẹt phần nền ở phía trước và phía sau, và điều này có thể làm hỏng một bức ảnh đẹp. Rất may là bạn có thể dễ dàng khắc phục vấn đề này ngay khi chụp – hãy chụp ảnh trên một nền đơn sắc và không gây chú ý, để người xem hoàn toàn tập trung vào chủ thể chính của ảnh.

Nền đơn sắc trong bố cục này giúp người xem hoàn toàn tập trung vào chủ thể của bức ảnh
Độ sâu của bức ảnh
Do nhiếp ảnh diễn tả hình ảnh hai chiều, ta cần chọn bố cục kĩ lưỡng để đảm bảo bức ảnh có thể diễn tả được độ sâu của khung cảnh thực tế. Bạn có thể tạo chiều sâu cho bức ảnh bằng cách đưa vào các đối tượng ở cả phần trước, giữa và sau của khung cảnh. Bạn cũng có thể che bớt một phần của chủ thể bằng một chủ thể khác. Mắt người có thể nhận ra các lớp trong bức ảnh và tách biệt chúng ra, tự tạo thành một bức ảnh có chiều sâu.

Tạo nên chiều sâu cho bức ảnh bằng cách đưa vào các đối tượng ở những khoảng cách khác nhau
Đóng khung
Có rất nhiều sự vật có thể tạo thành các khung ảnh tự nhiên, như cây cối, những con đường hay hố sâu. Bằng cách đặt các sự vật này quanh bố cục của bức ảnh, bạn có thể tách chủ thể chính ra khỏi khung cảnh bên ngoài. Nhờ đó ánh nhìn của người xem sẽ tự nhiên được dẫn vào điểm quan trọng nhất của ảnh.

Trong bức ảnh này, những đồi núi xung quanh tạo thành một khung tự nhiên, và mảnh gỗ trở thành tâm điểm của bức ảnh
Tập trung vào chủ thể chính
Thường thì một bức ảnh sẽ không gây ấn tượng nếu như chủ thể chính quá nhỏ, khiến cho nó bị hòa lẫn vào môi trường xung quanh. Bằng cách đặt khung ảnh thật sát vào chủ thể chính, bạn sẽ loại bỏ được sự chú ý của người xem vào môi trường xung quanh, đảm bảo chủ thể chính có được sự chú ý cần thiết.

Loại bỏ hết các chi tiết không cần thiết giúp người xem tập trung sự chú ý vào chủ thể chính
Hãy mạnh dạn thử nghiệm
Từ khi máy ảnh số trở nên phổ biến, chúng ta không còn phải lo về giá tiền của phim hay sợ hết phim khi đang chụp nữa. Do vậy, bạn có thể thử thật nhiều bố cục cho một bức ảnh; ta có thể chụp hàng trăm bức ảnh và sau đó xóa những bức không mong muốn mà không tốn kém gì cả. Hãy tận dụng điều này, thử nghiệm với các bố cục khác nhau – bạn sẽ không thể biết một ý tưởng có tốt không nếu như không thử.

Nhiếp ảnh số cho phép chúng ta thoải mái thử các bố cục cho tới khi tìm ra được bố cục hoàn hảo
Bố cục trong nhiếp ảnh không phải là một môn khoa học, và tất cả các "quy tắc" trên đều không phải bất biến hay luôn đúng. Nếu như bạn áp dụng một quy tắc với một khung cảnh nhất định và thấy nó không có tác dụng, hãy bỏ qua nó. Nếu như bạn nhận ra một bố cục không theo quy tắc nào nhưng vẫn rất thuyết phục, hãy chụp theo bố cục đó. Dù sao, các quy tắc trên cũng rất phổ biến, và cũng đáng để cân nhắc mỗi lần bạn chụp ảnh.6 kỹ thuật ánh sáng để có được bức ảnh đẹp - 10:39:35 AM | 23/08/2013
Để cải thiện kỹ năng nhiếp ảnh của bạn, hãy cùng theo dõi 6 kỹ thuật ánh sáng mà chúng tôi sẽ giới thiệu sau đây!



Bạn có thể sử dụng những kỹ thuật ánh sáng dưới đây mà không nhận ra. Hãy cho chúng tôi biết bạn hay dùng cách chụp nào nhất nhé!
Phân chia ánh sáng
Phân chia ánh sáng là kỹ thuật làm cho khuôn mặt của chủ thể bằng cách nào đó chia thành 2 phần bằng nhau: 1 nửa trong ánh sáng và 1 nửa trong bóng tối.
 
Kỹ thuật ánh sáng đơn giản này thường được sử dụng trong các tác phẩm nghệ thuật và những hình ảnh chân dung ấn tượng. Để thực hiện được hiệu ứng này, đơn giản bạn chiếu sáng và chụp 1 nửa khuôn mặt. Bạn cũng có thể chuyển sang hiệu ứng đen trắng để tạo ấn tượng mạnh mẽ cho bức ảnh của mình.
Vị trí:
 
 Nguồn sáng được đặt vuông góc 90 độ bên trái hoặc bên phải chủ thể chụp. 
Ánh sáng dạng bướm
Ánh sáng dạng bướm tạo ra bóng có hình bướm ngay dưới mũi chủ thể. Nguồn sáng nên được đặt sau và trên máy ảnh khi sử dụng kỹ thuật ánh sáng này. Nếu chủ thể có khuôn mặt hơi tròn, bạn nên sử dụng kỹ thuật chụp ảnh phân chia ánh sáng thay vì ánh sáng dạng bướm bởi nó sẽ làm khuôn mặt thon gọn hơn.

 Vị trí:

 1 cách để tạo ra ánh sáng dạng này là đặt nguồn sáng ở vị trí hơi cao hơn đầu chủ thể và phía sau máy ảnh.
 Ánh sáng dạng khuyết áo
Đây là 1 trong những kỹ thuật ánh sáng phổ biến nhất và dễ thực hiện. Kỹ thuật này tạo ra bóng hình giống khuyết áo dưới mũi của chủ thể. Bóng của mũi sẽ được phản chiếu trên gò má, tuy nhiên bóng mũi không được chạm vào bóng của phần má.
 Vị trí:  

 Nguồn sáng thường được đặt 30 – 45 độ trên mức mắt để đạt được bóng bạn muốn.
 Ánh sáng Rembrandt
 Kỹ thuật ánh sáng này được đặt theo tên danh họa người Hà Lan Rembrandt, người thường sử dụng loại ánh sáng này để tạo nên 1 tam giác ánh sáng trên gò má của chủ thể.

Kỹ thuật Rembrandt ngược hẳn so với ánh sáng dạng khuyết áo, nghĩa là bóng phần mũi sẽ chạm bóng phần má. Kỹ thuật chụp ảnh này giúp bức ảnh ấn tượng hơn. Về mặt kỹ thuật, phần tam giác ánh sáng không nên dài hơn phần mũi và rộng hơn mắt. Bạn nên sử dụng kỹ thuật này cho khuôn mặt đầy đặn hoặc tròn bởi nó cũng giúp làm thon gọn khuôn mặt và tạo chiều sâu.
Vị trí:  

 Nguồn sáng được đặt trên đầu chủ thể và chủ thể phải quay nhẹ dần từ phía nguồn sáng, như thế phần bóng mũi sẽ đổ dần về gò má.
Ánh sáng ngắn
Đây là kỹ thuật ánh sáng hoàn hảo nếu bạn muốn làm tôn lên và làm thon gọn khuôn mặt chủ thể. Khuôn mặt sẽ hướng trực tiếp về phía máy ảnh.
 
Vị trí:  

Khuôn mặt nên được đặt quay hướng dần về phía nguồn sáng để đạt được hiệu ứng ánh sáng ngắn. Phần lớn khuôn mặt sẽ nằm trong phần bóng. 
Ánh sáng rộng 
Kỹ thuật ánh sáng này trái ngược hoàn toàn so với ánh sáng ngắn. Phần lớn khuôn mặt của chủ thể được chiếu sáng, chỉ có 1 phần nhỏ nằm trong bóng. Bởi vậy, bạn sẽ sử dụng kỹ thuật chụp ảnh này đối với khuôn mặt nhỏ, làm cho người xem có cảm giác đầy đặn hơn.  

 Vị trí:  

 Khuôn mặt quay xa dần từ phía nguồn sáng. Phần lớn khuôn mặt được chiếu sáng và nhìn thẳng vào máy ảnh.  LCD và Histogram: Kênh nào hiển thị màu sắc chính xác hơn? - 12:45:59 PM | 05/12/2012
Có đến 80% người dùng tin tưởng vào hình ảnh khi xem lại qua màn hình LCD, qua đó để nhận ra hình ảnh hiển thị màu sắc, ánh sáng tốt hay chưa mà “lãng quên” biểu đồ Histogram, cung cấp giá trị chính xác của màu sắc và ánh sáng trong một bức ảnh.
Cả màn hình LCD và Histogram (biểu đồ) đều hiển thị độ sáng tối của hình ảnh trên máy ảnh. Tuy nhiên, màn hình LCD chỉ hiển thị màu sắc và hình ảnh hiện diện thông thường, không cho biết giá trị đó đúng hay sai và đôi khi còn thể hiện sai lệch màu và ánh sáng khi xem lại trên màn hình máy vi tính. Trong khi đó, biểu đồ Histogram hiển thị độ sáng tối và giá trị màu sắc trên bức ảnh và thay đổi giá trị theo phạm vi màu sắc của ảnh, nhờ đó, người chụp biết được thông tin bức ảnh của mình thừa màu nào, thiếu màu nào, độ sáng tối của ảnh đúng hay sai.

Tại sao không nên tin tưởng màn hình LCD?
Màn hình LCD của máy ảnh không có khả năng hiển thị chính xác hình ảnh dưới ánh sáng mặt trời
Có hai lý do chính sẽ khiến bạn không tin tưởng màn hình LCD. Một là, khi xem hình ảnh dưới ánh sáng ngày, khả năng hiển thị hình ảnh của màn hình không còn chính xác, đôi khi bạn không nhìn rõ hình ảnh của mình qua màn hình khi xem dưới ánh sáng mặt trời.
Thứ hai là bạn không thể nhìn thấy các chi tiết và màu sắc đã tốt hay chưa và có chân thực hay không. Bạn chỉ có thể nhận ra điều này sau khi xem lại ảnh trên màn hình máy vi tính. Mặc dù vậy, việc kiểm tra lại hình ảnh sau khi chụp qua màn hình LCD vẫn được 80% người sử dụng máy ảnh số tin tưởng.
Histogram là gì?
Giao diện hiển thị biểu đồ Histogram trên máy ảnh
Với nhiều tay máy, biểu đồ Histogram dường như “thừa” trong việc chụp ảnh và hầu hết họ không “ngó” tới biểu đồ này. Thực chất, Histogram cung cấp nhiều hơn những đặc điểm mà màn hình LCD chưa thể hiện được. Bởi, Histogram cung cấp thông tin cân đối ánh sáng trong ảnh, qua đó người dùng sẽ điều chỉnh thông số chụp phù hợp. Trong quá trình xử lý hình ảnh cũng vậy, nhờ biểu đồ này người dùng có thể kiểm tra độ bão hòa màu và chỉnh sửa hình ảnh theo ý mình.
Histogram là một dạng biểu đồ hình cột, hiển thị các đặc tính của hình ảnh như một đồng hồ đo sáng sau khi bạn chụp một kiểu ảnh. Trong các máy ảnh hiện nay, thường đi kèm với một biểu đồ riêng biệt với các màu sắc cho biết giá trị của mỗi kênh màu trong hình. Có 3 màu cơ bản gồm màu đỏ, xanh lá cây và màu xanh lam hiển thị khả năng cân bằng màu trong ảnh.
Biểu dồ Histogram thay đổi với các thông số chụp
Biểu đồ của Histogram cũng thể hiện theo trục tung và trục hoành. Dọc theo trục ngang – trục hoành (trục X), nhìn từ trái sang phải cho biết về phần tối, trung tính, phần sáng, diễn tả độ sáng tối của ảnh, có số từ 0 (tối nhất) đến số 255 (sáng nhất). Điểm này sẽ giúp bạn biết được bức ảnh của bạn có cân bằng màu sắc hay chưa.
Trục thẳng đứng – trục tung (trục Y) hiển thị số lượng chi tiết nhận được, cho biết bao nhiêu điểm ảnh trong hình ảnh bị ảnh hưởng trong khu vực đó, biểu hiện với những giá trị ánh sáng, không nằm phía cuối và đầu mỗi trang.
Do đó, Histogram không đơn giản chỉ là một biểu đồ mà còn chỉ dẫn cho bạn bức ảnh ấy đã phù hợp với nhu cầu của đủ sáng, có màu sắc đúng ý hay chưa để giảm bớt hay có thể loại hẳn những giá trị màu muốn có trong một bức ảnh và là cách xem tối ưu nhất để đánh giá bức ảnh bằng mắt thường.
Hiển thị của Histogram
Ảnh thiếu sáng: Với những bức hình thiếu sáng, các chi tiết trong vùng tốt biến mất. Bạn có thể nhận thấy biểu đồ Histogram có các đường màu đen nhô cao ở vị trí bên trái, nghĩa là tổng thể các vùng tối đậm hơn vùng sáng.
Ảnh thiếu sáng và biểu đồ Histogram
Ảnh thừa sáng: Những bức hình phơi sáng quá mức lại làm các chi tiết ở vùng sáng biến mất. Lúc này các đường màu đen của biểu đồ chuyển sang biên phải và nhấn mạnh ở phía cuối vùng bên phải.
Ảnh thừa sáng và biểu đồ Histogram
Độ tương phản thấp: Hình ảnh dưới đây có độ tương phản rất thấp, các chi tiết hiển thị màu sắc đều đều. Do đó, các đường cong hiển thị trong biểu đồ tập trung ở vị trí trung tâm.
Ảnh độ tương phản thấp và biểu đồ Histogram
Độ tương phản cao: Dạng ảnh này sẽ khiến các vùng thiếu sáng và thừa sáng chênh lệch rất cao. Biểu đồ hiển thị đường cong cả phía rìa phải và trái biểu đồ. Cách khắc phục cho dạng ảnh này là sử dụng filter hoặc chuyển sang dạng ảnh HDR.
Ảnh độ tương phản cao và biểu đồ Histogram
Ảnh đủ sáng: Với dạng ảnh này, biểu đồ hiển thị các đường màu đen có nhịp điều từ cao đến thấp. Do bức ảnh đậm màu tối hơn nên các đường màu đen tập trung bên trái và dịch chuyển đều xuống vùng sáng bên phải.
Ảnh đủ sáng và biểu đồ Histogram

Để biết hình ảnh của bạn đã cân bằng màu sắc ánh sáng hay chưa, hãy dựa trên biểu đồ Histogram để đánh giá. Khi đó, bạn sẽ biết cần tăng giảm gì cho bức ảnh hoặc thay đổi màu sắc nào hợp lý và cung cấp cho bạn cái nhìn sâu hơn về những bức ảnh chụp được. Với thói quen như vậy, có thể bạn sẽ tự tạo cho mình một phong cách ảnh mới.Nên dùng định dạng RAW khi chụp ảnh đen trắng - 12:35:53 PM | 05/12/2012
Nếu có ý định chụp thể loại ảnh này, bạn nên chọn định dạng ảnh thô (RAW), không nên dùng tính năng monochrome trên máy ảnh. Bên cạnh đó, cần chú ý tới chủ thể để làm sao họ nổi bật được trên nền ảnh đen trắng.


Dưới đây là những lưu ý trên trang Hongkiat:
Sử dụng chế độ RAW
Đơn giản là vì với định dạng RAW, bạn có thể chỉnh sửa ảnh vừa chụp trên máy tính một cách dễ dàng bằng các phần mềm chỉnh như Photoshop.
A god in the Sky?. Ảnh:  Đặng Quang Mạnh
Tốt nhất, bạn không nên chụp ảnh đen trắng bằng thiết lập sẵn có (monochrome) trên máy. Vì đa phần chiếc máy ảnh sẽ chụp ảnh màu trước rồi sau đó mới chuyển thành ảnh đen trắng. Về khoản này, các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh làm tốt hơn những chiếc máy ảnh rất nhiều. Tuy nhiên, tính năng này lại rất có lợi khi người chụp cần xem trước những khung hình đầy màu sắc thường ngày sẽ ra sao dưới dạng đen trắng.
Độ tương phản
Sự tương phản giữa 2 sắc độ sáng, tối là yếu tố quyết định một bức ảnh đen trắng đẹp. Sự tương phản có thể được xem là “bạn tốt” của người chụp ảnh đen trắng - vì nó tạo nên chi tiết và sắc thái của chủ thể mà không cần đến nhiều màu sắc. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng sự tương phản quá mạnh trong ảnh đen trắng đôi khi lại tạo nên hiệu ứng ngược.
Mưu sinh trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Lê Trung
Bạn không nên chụp ảnh vào những ngày trời nắng gay gắt, mà hãy chọn những ngày trời râm mát, nắng nhẹ để có được những bức ảnh đen trắng đẹp hơn.
Hoa văn và kiến trúc
Hoa văn, kiến trúc thường không tạo được mấy ấn tượng nếu chỉ chụp với những sắc màu bình thường. Tuy nhiên, chúng sẽ gây chú ý nhiều hơn, nếu người chụp chỉ sử dụng duy nhất một tông màu. Vì thế, trước khi bấm máy, hãy chọn điểm cần nhấn trên những hoa văn, họa tiết này, sau đó, lựa chọn tông màu đen trắng, bạn sẽ nhận thấy những điều khác biệt.
Khuê Văn Các. Ảnh: Nguyễn Văn Hiếu
Trong quá trình xử lý hậu kỳ (chuyển đổi thành ảnh đen trắng), hãy lưu ý rằng tùy vào công cụ chỉnh sửa mà những kết quả sẽ có sự khác nhau. Với ảnh màu kỹ thuật số, hãy lưu ý rằng màu xanh dương, màu đỏ có chỉ số nhiễu hạt cao hơn màu xanh lá.
Kiểm soát nhiễu ISO
ISO chỉ thị độ nhạy sáng của cảm biến trên máy ảnh. Trị số ISO càng lớn, độ nhạy sáng càng cao. Giá trị ISO càng cao đồng nghĩa với việc bạn có thể chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng mà không cần đến đèn flash.
Sự trọn vẹn của cuộc sống. Ảnh:  Ngô Quý Lãm
Với nhiếp ảnh đen trắng, người chụp hãy luôn luôn thiết lập ISO ở mức thấp nhất mà máy hỗ trợ để có được độ chi tiết hình ảnh cao nhất. Vì nếu thiết lập ISO càng cao, những điểm ảnh (nhiễu hạt) càng dễ nhìn thấy hơn làm mất độ chi tiết ảnh chụp.
Chủ thể của ảnh đen trắng
Trong ảnh đen trắng, bạn có thể sử dụng các chủ thể đơn giản như những hòn đá, hoa lá, hay bất cứ vật gì xung quanh mà người xem có thể hình dung về sự tương phản của 2 màu đen, trắng trong bức ảnh. Tuy nhiên, một bức ảnh đen trắng với duy nhất một chủ thể thường là lựa chọn đầu tiên khi cầm máy. Thể loại này thường liên hệ với các loại ảnh chân dung.
Ngẫu hứng của tác giả Nguyễn Việt Hưng
Khi chụp những không gian rộng lớn (ảnh phong cảnh), hãy đảm bảo rằng những chủ thể trong bức ảnh cuối cùng sẽ không cùng một tông màu, khiến cho bức ảnh trông ảm đạm và đơn điệu hơn. Để làm được điều này, bạn hãy thêm vào khung hình một chủ thể chuyển động như sóng biển hay mây trời vì những điều mà chúng ta cho rằng thực sự không gây được chút cảm xúc gì trong cuộc sống thường ngày sẽ có thể trở nên đáng chú ý hơn một khi chúng thoáng qua ống kính máy ảnh.Chỉnh cân bằng trắng thế nào cho đúng? - 12:29:50 PM | 05/12/2012
Bài viết sẽ cho bạn một số khái niệm cơ bản nhất về cách thức làm việc của chế độ cân bằng trắng, và hướng dẫn bạn cách thiết lập WB sao cho hiệu quả.
Cân bằng trắng (White Balance - WB) là một trong những thông số quan trọng nhất của máy ảnh. Hãy thử tưởng tượng bạn đang định chụp một khung cảnh tuyệt đẹp trên bãi biển với từng đợt sóng nhẹ nhàng xô trên bờ cát vàng mênh mông. Bạn nghĩ chắc chắn với chiếc máy mình đang cầm trên tay cùng điều kiện đủ sáng hoàn hảo như vậy sẽ tạo nên một bức ảnh toàn mỹ. Nhưng chưa chắc đã như vậy đâu, trong những hoàn cảnh có nhiều nguồn sáng hoặc nhiều vật thể với màu sắc phức tạp khác nhau, chế độ WB Auto của máy ảnh rất dễ bị nhầm lẫn. Và kết quả là ta sẽ có những tấm hình có màu sắc khác hoàn toàn với phiên bản gốc. Vậy phải làm thế nào để khắc phúc tình trạng đáng ghét này? Bài viết sau đây sẽ hướng dẫn từng bước một rất cụ thể, và bạn sẽ thấy thiết lập đúng WB cũng không phải là điều gì quá ghê gớm.

 1. Nhiệt độ màu
 Để hiểu được khái niệm và cách thức hoạt động của chế độ WB, trước hết bạn phải nắm được một số kiến thức căn bản nhất về nhiệt độ màu. Có thể hiểu nôm na nhiệt độ màu là một cách biểu hiện của những chùm ánh sáng có thể nhìn thấy được. Như bạn thấy, quanh ta có rất nhiều loại ánh sáng với nhiều màu sắc khác nhau, đa phần sự khác biệt này là do cường độ nguồn phát sáng. Dựa vào đó, người ta phân ra nhiều thang đo nhiệt độ màu, với đơn vị là độ K (Kelvin). Một nguồn sáng có nhiệt độ sáng càng cao sẽ càng phát ra ánh sáng có màu xanh hơn và có giá trị độ K cao hơn so với nguồn sáng yếu có màu đỏ dần. Bảng thống kê dưới đây sẽ cho bạn thấy rõ hơn về 9 mức nhiệt độ màu khác nhau, tương ứng với mỗi nấc là một ví dụ cho bạn dễ nắm bắt. 

Ánh sáng nến: 1000-2000 K
Ánh sáng đèn bóng tròn: 2500-3000 K
Ánh nắng mặt trời lúc bình minh/hoàng hôn: 3000-4000 K
Ánh sáng đèn huỳnh quang: 4000-5000K
Ánh sáng đèn Flash: 5000-5500 K
Ánh nắng mặt trời lúc bình thường: 5500-6500 K
Ánh nắng mặt trời giữa trưa: 6000-7000 K
Trời có mây, bóng râm: 6500-8000 K
Trời trong xanh: 10000-15000 K  
2. Ánh sáng có ảnh hưởng tới màu sắc như thế nào? 
Nếu là người hay chụp ảnh, hẳn đã ít nhất một lần bạn gặp phải tình huống ảnh bị ngả màu vàng/cam khi chụp dưới ánh đèn bóng tròn (đèn Vonfram, Tungsten), hoặc ngả mà xanh nhạt khi chụp trong phòng dùng đèn huỳnh quang. Tình trạng này xảy ra là vì mỗi nguồn sáng đều phát ra một nhiệt độ màu khác nhau. Một máy ảnh kỹ thuật số có thể đo được các màu như đỏ, xanh lá, xanh lam trong một chùm sáng tới cảm biến. Một bức ảnh được chụp dưới ánh sáng mặt trời ban ngày sẽ có đầy đủ các bước sóng trong một quang phổ (tức là ánh sáng trắng). Vì vậy, khi chụp dưới ánh đèn bóng Vonfram mà không chỉnh nhiệt độ màu về đúng nấc sẽ có hiện tượng trên do chùm sáng phát ra từ bóng đèn loại này có bước sóng khác với ánh sáng trắng (được tạo nên bởi 7 màu cơ bản). Một mẹo nhỏ để bạn dễ nhớ và áp dụng là nguồn sáng có nhiệt độ càng cao (ngọn lửa đèn khò, bếp ga) thì phát ra ánh sáng càng xanh, nguồn sáng có nhiệt độ càng thấp ( ngọn nến, đèn dầu) thì ánh sáng càng đỏ. 

3. Vì sao phải chỉnh WB? 
Như đã nói ở phần trên, mỗi nguồn sáng có một màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào chúng thuộc khoảng bước sóng nào trong quang phổ vạch. Những nguồn sáng nhấn tạo hầu hết đều có nhiệt độ màu thấp và lượng nhiệt nhỏ hơn ánh sáng mặt trời. Những chùm sáng này vì thế có bước sóng nhỏ, và thuộc dải sáng đơn sắc màu đỏ (nằm trong khoảng 0.644 đến 0.76 micromet). Khi đi vào cảm biến máy ảnh, chúng sẽ được những tế bào sáng màu đỏ trong hệ màu RGB của cảm biến hấp thụ. Chính vì thế bức ảnh sẽ bị ngả màu cam hoặc vàng tùy vào mức độ ánh sáng. 
Máy ảnh số, những cảm biến cùng vi xử lý hình ảnh đắt giá tới hàng chục triệu cũng vẫn là máy móc nên không thể nào có khả năng kỳ diệu như con mắt của loài người được. Mắt của chúng ta cùng hệ thần kinh thị giác có khả năng tự động điều chỉnh khi tiếp xúc với những nguồn sáng và nhiệt độ màu khác nhau để hiển thị về màu sắc một cách trung thực chỉ trong một tíc tắc rất nhỏ. Một chiếc camera thì không thông minh đến vậy, nên khi rơi vào những trường hợp ánh sáng phức tạp, ta phải tự điều chỉnh nó cho phù hợp với môi trường xung quanh.  
4. Thiết lập thông số về WB 
Auto: Chế độ tự động cân bằng trắng có trên mọi máy ảnh số ngày nay, và trên hầu hết các mẫu smartphone, được ký hiệu là AWB. Theo thời gian, cùng với sự tiến bộ của công nghệ, các máy ảnh số ngày càng thông minh hơn, nên sử dụng AWB trong đa số trường hợp đều cho ra màu sắc chuẩn hoặc sai khác có thể chấp nhận được. Tuy nhiên nếu cảm thấy không hài lòng khi sử dụng chế độ này, bạn nên chuyển qua dùng các thiết lập khác cho phù hợp. 
Tungsten: Bạn nên dùng preset này khi chụp trong nhà, dưới ánh đèn bóng tròn Vonfram. Màu sắc của bức ảnh sẽ bớt bị ngả vàng, và dịu đi thấy rõ khi bạn sử dụng. 
Fluorescent: Ngược lại với Tungsten, thiết lập chế độ này sẽ làm tông màu sáng và ấm hơn. Bức ảnh của bạn sẽ không còn ám màu xanh ảm đạm nữa. 
Daylight: Dùng khi chụp ngoài trời, dưới ánh sáng mặt trời có cường độ bình thường, không quá chói chang. Hiện tại, chỉ có một số máy ảnh có preset này mà thôi. 
Cloudy: Khi chụp ngoại cảnh trong một ngày nhiều mây, hãy nhớ đến chế độ này. Tác phẩm của bạn trông sẽ tươi tắn, tràn đầy sức sống hơn bình thường. 
Flash: ánh đền Flash có nhiệt độ màu rất cao, rất dễ gây hiện tượng cháy sáng nếu không biết cách sử dụng. Khi kích hoạt chế độ này cảm biến sẽ tự động điều chỉnh để tiếp nhận ánh sáng đều hơn giữa vùng có và không có Flash. 
Shade: chụp trong bóng râm làm ảnh bị tối và ảm đạm hơn những gì mắt ta nhìn khung cảnh thực. Chế độ Shade sẽ làm tăng độ ấm áp cho tấm hình. 
5. Chỉnh WB thủ công 
Nếu tất cả những preset trên vẫn chưa đưa ra được một kết quả có thể chấp nhận được thì đã đến lúc bạn phải ra tay điều chỉnh WB. Có rất nhiều cách để làm điều này, nổi tiếng hơn cả vẫn là phương pháp grey card – sử dụng một tấm thẻ có màu xám chuẩn được in ra để thiết lập làm mẫu. Tuy nhiên, điều này khá là phiền phức vì không phải ai cũng muốn kè kè tấm thẻ đó bên người, dưới đây sẽ là một phương pháp khác linh hoạt hơn, nhưng về nguyên lý thì không có gì khác grey card. Bạn hãy tìm một vật thể nào thật trắng để chụp lại làm mẫu. Sau đó chỉnh thiết lập trong máy ảnh lấy màu trắng bạn vừa chụp được làm WB chuẩn. Rất đơn giản, chỉ có vậy là xong. Từ đó trở đi, máy của bạn đã có thể phân tích được trong môi trường hiện tại thì màu trắng chuẩn là như thế nào, để từ đó có thể nhận định chính xác những màu sắc khác. Tất nhiên, khi di chuyển đến một khung cảnh có điều kiện sáng khác, bạn lại phải thực hiện lại thao tác này. Nhưng tốn vài giây để có hàng chục tấm hình đẹp thì không đáng kể gì cả. 
Kết luận 
Hãy bỏ ngoài tai những lời nhận xét đầy tính mỉa mai rằng sử dụng AWB hoặc những preset có sẵn trong máy chỉ dành cho những tay mơ. Thực tế, trong hầu hết trường hợp, những thiết lập trên đều hoạt động hoàn hảo, và không phải lúc nào bạn cũng có thời gian để kịp chỉnh tay chế độ WB. Vì thế, hãy sử dụng thành thạo những preset có sẵn trong máy cho quen tay trước khi tập tành chế độ manual, vì xét cho cùng cái đich mà chúng ta hướng tới đều là một tấm hình đẹp mà thôi.
 Sử dụng thước đo sáng trên máy ảnh DSLR - 09:02:53 AM | 22/11/2012
Thước đo sáng (Exposure Level Indicator) là công cụ hữu dụng để nhiếp ảnh gia điều chỉnh phơi sáng của ảnh. Thước đo sáng trong ống ngắm (viewfinder) của máy DSLR bật sáng khi ta nhấn nửa nút chụp. Thông thường, thước được chia làm 2 phần với số không [0] ở giữa và các chỉ số âm ở bên trái, các chỉ số dương ở bên phải.


Thước cũng thường được chia thành các mốc chênh nhau 0.3 khẩu và có dải sáng từ -2 (hoặc -3) tới +2 (hoặc +3). Khi thước báo ở số không [0] là ảnh vừa đủ sáng (theo đánh giá của hệ thống đo sáng tự động của máy ảnh). Nếu chỉ số báo nghiêng về số âm (bên trái) là ảnh bị thiếu sáng, và chỉ số báo nghiêng về số dương (bên phải) là ảnh bị thừa sáng.
Ở các chế độ lập trình P, chế độ ưu tiên khẩu độ A/Av, và ưu tiên tốc độ S/Tv (phụ thuộc khẩu độ mở tối đa của ống kính và ISO cài đặt), khi đo sáng tự động, thước đo sáng thường báo ở số không [0] do máy chủ động điều chỉnh tốc độ cửa chập (shutter speed) hoặc khẩu độ mở (aperture) căn cứ vào cài đặt của người chụp ở yếu tố còn lại. Nếu sử dụng chế độ ISO tự động, máy còn tự động điều chỉnh ISO để sao cho bức ảnh đúng sáng (theo đánh giá của hệ thống đo sáng tự động).


Khi chuyển sang chế độ chụp thủ công M, người chụp sẽ cần điều chỉnh mọi yếu tố phơi sáng (khẩu độ, tốc độ, ISO) nhưng thước đo sáng vẫn thông báo ảnh đúng, thừa hay thiếu sáng (theo hệ thống đo sáng tự động). Từ thông báo này, người chụp cần điều chỉnh các yếu tố phơi sáng để ảnh đúng sáng. Nếu thước báo ảnh thiếu sáng, cần điều chỉnh tăng ánh sáng (bằng cánh mở khẩu, giảm tốc độ hay tăng ISO – hoặc cả 3 yếu tố) và nếu thước báo ảnh thừa sáng, cần điều chỉnh giảm ánh sáng (bằng cách khép khẩu, tăng tốc độ, hay giảm ISO – hoặc cả 3 yếu tố). Vậy có phải lúc nào cũng chụp được bức ảnh đẹp đúng sáng khi thước báo đúng sáng với chỉ số báo ở số không [0]?


 Vấn đề không hoàn toàn đơn giản như vậy. Câu hỏi đặt ra là hệ thống đo sáng thông báo chính xác tới đâu? Và người chụp đã áp dụng kỹ thuật đo sáng tự động đúng cách chưa?
Trong điều kiện ánh sáng trung bình (midtone) và người chụp nhằm vào các điểm có ánh sáng trung bình – hoặc tương đương với tấm xám 18% (gray card 18%), chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào hệ thống đo sáng của máy và điều chỉnh 3 yếu tố phơi sáng sao cho thước báo ở chỉ số không [0].
Nhưng không phải điều kiện ánh sáng lúc nào cũng điều hòa trong điều kiện ánh sáng trung bình. Nếu trong khuôn hình của một bức ảnh có các khu vực sáng tối lẫn lộn, hoặc khuôn hình phần lớn bị quá tối trong môi trường ánh sáng yếu, hoặc quá sáng trong môi trường ánh sáng rất mạnh, hệ thống đo sáng có thể mắc sai lầm.
Nếu môi trường quá tối, máy DSLR có thể “tưởng” ảnh bị thiếu sáng và thông báo đánh giá thiếu sáng này trên thước đo sáng, hoặc nếu ở các chế độ P, S/Tv và A/Av sẽ tự điều chỉnh giảm tốc độ, mở khẩu độ, hay tăng ISO sao cho “đúng” sáng (để thước báo về chỉ số không [0]) theo đo sáng tự động; ngược lại trong môi trường ánh sáng quá mạnh, máy sẽ báo thứa sáng hoặc tự điều chỉnh giảm sáng do “tưởng” ảnh bị thừa sáng. Hệ quả là, toàn bộ ảnh (hoặc chủ thể muốn chụp) bị thừa hoặc thiếu sáng quá mức.
Ngoài việc cần biết phải nhằm vào đâu trong khuôn hình khi sử dụng hệ thống đo sáng của máy ảnh DSLR, người chụp còn cần biết đánh giá ánh sáng khuôn hình, ánh sáng hậu cảnh và ánh sáng chủ thể để chủ động đặt phơi sáng thiếu hoặc thừa sáng so với báo sáng tự động của thước đo sáng. Không phải bất kỳ lúc nào cũng cần điều chỉnh sao cho thước đo sáng báo ở số không [0] là sẽ được ảnh đẹp.
Ví dụ, trong điều kiện ánh sáng rất yếu hoặc có một khu vực lớn trong ảnh có mầu đen hay sẫm màu, hệ thống đo sáng tự động thường bị đánh lừa và báo thiếu sáng trầm trọng; nhưng nếu điều chỉnh để đưa chỉ số về không (zero out) thì ảnh sẽ bị thừa sáng. Với những trường hợp như vậy, người chụp cần tự đánh giá và chủ động chụp thiếu sáng khoảng 1 hoặc 2 khẩu so với báo sáng của thước đo sáng.

Ngược lại, trong điều kiện ánh sáng mạnh, như ngược sáng hoặc có một khu vực lớn trong ảnh có màu trắng hoặc sáng màu, hệ thống đo sáng tự động có thể bị đánh lừa và đưa ra gợi ý cần giảm sáng hơn nữa mà nếu “nghe theo”, ảnh rất có thể sẽ bị tối do thiếu sáng. Trong các trường hợp này, người chụp cũng cần đánh giá lại và chủ động chụp thừa sáng so với thông báo của thước đo sáng.

Ở chế độ M, điều này có nghĩa là sau khi tham khảo “ý kiến” của thước đo sáng tự động, người chụp sẽ chủ động điều chỉnh tăng giảm tốc độ, khép hoặc mở khẩu và đôi khi cả tăng giảm ISO để chụp với giá trị phơi sáng “khác” với chỉ số trên thước đo sáng do hệ thống đo sáng tự động thông báo.
Ở các chế độ bán thủ công (P, A/Av và S/Tv) máy ảnh DSLR có một công cụ rất hữu dụng để tăng giảm sáng “cưỡng bức” so với đo sáng tự động là chức năng bù trừ sáng (exposure compensation) – thường được biểu diễn và có thể điều chỉnh bằng nút cộng/trừ [+/-]. Sau khi đo sáng tự động, tùy vào từng chế độ, người chụp có thể chủ động bù thêm sáng hoặc trừ sáng để có được bức ảnh đúng sáng (và nhiều khi là đúng với ý đồ chụp của mình).
Khi bù trừ sáng…
- Ở chế độ lập trình P: máy sẽ tự điều chỉnh các yếu tố khẩu độ, tốc độ, và ISO (nếu ISO tự động) để chụp bức ảnh thiếu hoặc thừa sáng so với đo sáng tự động. Lưu ý ở chế độ này, nếu đặt ISO tự động, máy có thể tăng ISO quá cao dẫn tới ảnh bị nhiễu. Để hạn chế điều này, có thể cài đặt giới hạn ISO cho ISO tự động, hoặc chủ động đặt ISO thủ công.
- Ở chế độ ưu tiên khẩu độ A/Av: máy sẽ giảm hoặc tăng tốc độ để chụp với giá trị phơi sáng thừa (nếu bù) hoặc thiếu (nếu trừ) so với đo sáng tự động. Lưu ý ở chế độ này, người chụp cần lưu tâm tới tốc độ chụp vì nếu máy giảm tốc độ xuống quá chậm, ảnh có thể bị nhòe khi chụp cầm tay;
- Ở chế độ ưu tiên tốc độ S/Tv: máy sẽ mở thêm khẩu (nếu bù) hoặc khép thêm khẩu (nếu trừ) để chụp ở giá trị phơi sáng thừa hoặc thiếu so với giá trị đo sáng. Lưu ý ở chế độ này, khả năng mở và khép khẩu phụ thuộc vào ống kính đang sử dụng.Hướng dẫn sử dụng biểu đồ histogram trong nhiếp ảnh (Phần II) - 10:12:30 AM | 12/11/2012
Trong bài trước, chúng tôi đã giải thích khái niệm biểu đồ histogram và cách thức để đánh giá một bức ảnh thông qua biểu đồ này. Trong bài này, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích các tình huống chụp ảnh cụ thể và khi nào bạn cần điều chỉnh thông số chụp ảnh để bức ảnh phơi sáng tốt hơn, dựa trên biểu đồ histogram.

Bài viết tham khảo từ các bài hướng dẫn chụp ảnh của Digital Camera School, Kenrockwell.com, MakeUseOf…

Khi nào histogram cho bạn biết cần phải điều chỉnh các thông số phơi sáng?
Khi biểu đồ histogram bị trống ở hai bên thì có nghĩa là bức ảnh của bạn đang bị thiếu thông tin, hoặc khi biểu đồ có phần đỉnh núi và các chi tiết bị lệch hẳn sang một bên và thậm chí nó không chạm vào hai cạnh bên, nghĩa là bạn phải điều chỉnh mức phơi sáng thêm một chút.

Biểu đồ này cho thấy ảnh bị phơi sáng quá lâu (thừa sáng). Chú ý khoảng trống ở phía bên trái cho thấy không có bất kỳ điểm tối nào được thể hiện trong ảnh và điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ mất rất nhiều chi tiết trong vùng sáng và không thể phục hồi được bằng phần mềm. Trong trường hợp này, bạn cần giảm thời gian phơi sáng và tiến hành chụp lại ảnh.

Bức ảnh này là trường hợp ngược lại. Chúng ta thấy một khoảng trống ở phía bên phải của đồ thị, cho thấy không có điểm ảnh sáng nào và hình ảnh sẽ rất tối. Bạn có thể tăng thời gian phơi sáng lên cho đến khi bạn nhìn thấy các chi tiết của biểu đồ chạm vào cạnh bên phải của đồ thị.
Các điểm gai nằm dọc hai bên "sườn núi" có ý nghĩa gì?
Trong biểu đồ histogram, bạn nhìn thấy những điểm "gai" nằm trải dài hai bên "sườn núi" của biểu đồ, đó là biểu hiện của việc mất các chi tiết trong vùng ảnh tương ứng. Thường thì các vùng sườn dốc này không thể khắc phục được bằng phần mềm, đặc biệt là các vùng sáng, tuy nhiên bạn nên điều chỉnh phơi sáng sao cho biểu đồ có các điểm thể hiện ở cạnh phải thì bạn sẽ giữ được các chi tiết ở vùng sáng.
Sẽ khá dễ để khôi phục một số chi tiết đổ bóng ở vùng tối và duy trì một bức ảnh "xem được" hơn là cố gắng tạo ra các chi tiết ở vùng sáng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, sẽ không thể giữ cho biểu đồ nằm trong vùng chấp nhận được. Chẳng hạn như khi bạn chụp ảnh trong những hoàn cảnh mà ánh sáng ở các thái cực như là khi bầu trời đang nắng chói chang, khi hoàng hôn đang rực cháy hoặc khi bóng đêm đã sập xuống rất tối mà không có ánh sáng hỗ trợ, hoặc khi bạn ở bên trong một ngôi nhà và đang chụp hướng về phía bên ngoài cửa sổ với ánh sáng chói lòa. Trong tất cả các trường hợp này, bạn sẽ khó giữ được hai sườn dốc thoải đều mà sẽ có những cột sáng, hoặc cột tối, hoặc cả hai cột sáng hoặc tối ở hai bên, trong khi khoảng giữa thì hầu như không có chi tiết.

Biểu đồ này cho thấy một hình ảnh có độ tương phản cực lớn, với rất nhiều vùng bị tối, một cột sáng và không có nhiều chi tiết ở giữa. 
Vậy bức ảnh này có bị phơi sáng sai hay không, và có thể sửa nó không?
Không, nó không sai. Bạn không thể thực sự sửa một biểu đồ histogram, nhưng đôi khi bạn có một vài quyết định khác nhau cho những tình huống như vậy. Bạn có thể dịch chuyển đồ thị về bên trái và giữ các chi tiết sáng, hoặc bạn có thể dịch chuyển đồ thị về bên phải và giữ các chi tiết tối. Chính bạn sẽ quyết định làm theo hướng nào dựa trên cảnh vật trước mắt bạn. Biểu đồ ở phía trên chính là đồ thị histogram của bức ảnh dưới đây, và bạn có thể thấy là nó chẳng hề "phơi sáng sai" chút nào.

Đây là một ví dụ khác cho thấy một cảnh mà sẽ không có các chi tiết ở cả hai cạnh của biểu đồ histogram:

Chú ý đến ánh sáng của bầu trời ở phía trên mái nhà đã hầu như bị lóa, và các vùng tối thẫm thì có ít chi tiết.

Trong bức ảnh này thì các chi tiết đã được lấy lại ở cả hai vùng sáng tối
Bằng cách sử dụng các kỹ thuật tinh chỉnh hình ảnh như Image Merge hoặc Blend, HDR trong Photoshop, bạn có thể nén độ tương phản của cảnh để các chi tiết nằm trong biểu đồ histogram và do đó có chi tiết ở tất cả các vùng. 
Sử dụng tính năng blink trên máy ảnh của bạn
Để giúp bạn thiết lập và cân chỉnh độ sáng của hình ảnh, hầu hết các máy ảnh DSLR hiện nay đều có một thiết lập được gọi là "cảnh báo nổi bật". Nó sẽ nhấp nháy các vùng ảnh bị dư sáng hoặc lóa đèn khi bạn xem trước bức ảnh của bạn trên màn hình máy ảnh. Tính năng "nhấp nháy" này có một tên gọi không chính thức là blink hoặc blinky.

Các khu vực nhấp nháy cảnh báo cho bạn biết đó là các vùng bị dư sáng
Với máy ảnh Nikon, bạn có thể tìm thấy tính năng này như sau: bấm xem một hình ảnh và nhấn nút Up hoặc Down (mũi tên lên xuống, gần nút OK) cho đến khi bạn nhìn thấy những điểm nhấp nháy, đây là chế độ highlight mode. Khi bạn chọn thiết lập này, máy ảnh sẽ nhớ thiết lập của bạn cho hình ảnh tiếp theo bạn xem. Bạn có thể cần phải kích hoạt tính năng highlight warning này trong menu cài đặt.
Để làm điều này với máy ảnh Canon, nhấn nút "Display" hoặc nút "Info" tùy thuộc vào model máy ảnh của bạn, cho đến khi các hình ảnh nhấp nháy hiển thị trên màn hình xem ảnh. Bạn cũng có thể cần phải bật tính năng này trong menu cài đặt. Kiểm tra sách hướng dẫn sử dụng máy ảnh của bạn nếu bạn không chắc chắn nơi để tìm thấy nó.
Một số lưu ý trong sử dụng histogram
- Cách tốt nhất để đánh giá mức độ phơi sáng là nhìn vào bức ảnh, không phải là nhìn vào biểu đồ histogram.
- Biểu đồ histogram là một cách để đo lường độ phơi sáng một cách khách quan hơn cho những người chưa biết cách đánh giá một hình ảnh. Histogram không thay thế mắt và kinh nghiệm của bạn được. Histogram rất hữu ích khi bạn chụp dưới ánh sáng mặt trời mà khó có thể nhìn rõ màn hình LCD, hoặc khi bạn chụp trong các cửa hàng nơi bạn cần thiết lập các thông số chụp chính xác. Đôi mắt của bạn luôn luôn là thẩm phán cuối cùng.
- Histogram chỉ là một tài liệu hướng dẫn tham khảo. Đừng quá để tâm đến biểu đồ mà quên các chi tiết khác.
- Không phải bức ảnh đẹp luôn là bức ảnh có histogram cân đều ở giữa. Khi bạn chụp những con mèo đen trong một mỏ than thì histogram sẽ lệch về bên trái. Nhưng nếu bạn chụp cảnh tuyết trắng thì histogram sẽ lệch về bên phải. Chẳng cần chỉnh sửa gì cả.
- Histogram hữu ích khi bạn cần xác định các điểm bị highlight, bị dư sáng trong một bức ảnh. Lúc đó, biểu đồ sẽ thể hiện một cột cao thẳng đứng nằm ở vùng giá trị 255 ở bên phải.
- Nếu cảnh của bạn quá tối, bức ảnh của bạn sẽ khó đạt độ phơi sáng chính xác, bởi dải tần nhạy sáng (dynamic range – dãy giá trị lộ sáng) của ảnh quá lớn. Trong những trường hợp này, các chuyên gia sẽ sửa ánh sáng bằng cách thêm ánh sáng vào vùng tối và / hoặc sử dụng kỹ thuật scrim để làm mờ những điểm sáng.
- Một số chi tiết trong biểu đồ histogram bị cắt (clipping) cũng là chuyện bình thường nếu bạn đang chụp mặt trời nhảy múa trên mặt nước hoặc đĩa mặt trời. Ngược lại, clipping trải rộng sẽ khiến vùng trán của đối tượng chụp có thể trông rất tệ và thường bị chuyển màu. Đây là một nghệ thuật và bạn cần rút kinh nghiệm xem như thế nào là tốt. Không có quy luật rõ ràng cho việc này, và bạn cũng đừng lo lắng về độ chính xác.
- Nếu nhìn thật kỹ, bạn sẽ vẫn thấy vùng biểu đồ bên trái ở mức đen 100%, ngay cả khi bức ảnh bị dư sáng. Điều này có nghĩa là bạn sẽ phải giảm độ tương phản hoặc rọi thêm ánh sáng nhân tạo vào các vùng tối.Thủ thuật chụp ảnh đêm (phần 1) - 03:33:46 PM | 30/10/2012
Các thủ thuật nhanh chóng và dễ dàng chụp ảnh kỹ thuật số cho hình ảnh tốt hơn trong bóng tối. Từ các thiết lập chụp ảnh đêm cho máy ảnh của bạn với những ý tưởng để tạo ra những bức ảnh với ánh sáng yếu.
Tìm hiểu làm thế nào để chụp những tấm ảnh đêm với máy ảnh và các thủ thuật cho người mới bắt đầu. Cho dù bạn muốn tìm hiểu làm thế nào để có hình ảnh của bầu trời đêm, tìm hiểu làm thế nào để vẽ với ánh sáng hoặc chỉ muốn biết các cài đặt camera để cho hình ảnh chất lượng cao, hướng dẫn này sẽ làm sáng tỏ những câu hỏi thông thường và kỹ thuật phổ biến ...
1. Để có những bức ảnh đêm chất lượng cao 
Nếu bạn muốn chụp đêm tốt nhất bạn cần phải chụp ở chất lượng hình ảnh tốt nhất, và đó có nghĩa là định dạng ảnh RAW. Bằng cách chụp RAW bức ảnh của bạn sẽ giữ lại nhiều 'thông tin' nhất, mang đến cho bạn khả năng lớn hơn để hiệu chỉnh ảnh của bạn trong Adobe Camera Raw và các phần mềm xử lý khác. RAW có lợi ích đặc biệt khi chụp đêm vì nó cho bạn linh hoạt hơn khi bạn muốn thay đổi những thứ như nhiệt độ màu (hoặc Cân bằng trắng-WB) hoặc tăng (sáng) hoặc giảm (tối) phơi sáng…
2. Sử dụng chân máy để cho hình ảnh sắc nét
Chụp vào ban đêm rõ ràng là sẽ có ít ánh sáng và do đó làm chậm tốc độ màn trập. Bất cứ tốc độ nào, từ 1đến 30 giây đều là thời gian quá dài để bạn có thể giữ chắc máy bằng tay. Vì vậy, bạn sẽ cần phải mang theo giá ba chân nếu bạn muốn kết quả sắc nét. Hãy chắc chắn rằng giá ba chân của bạn được dựng đúng cách và chắc chắn - rất dễ dàng để hình ảnh trở nên mềm mại bởi vì bạn sẽ không phải kiểm tra lại. Hãy treo túi đựng máy ảnh vào dưới cùng của cột trọng tâm của giá ba chân nếu có thể (để tăng độ ổn định, chống rung - ND ). Và đừng giữ giá ba chân khi bạn đang chụp với tốc độ màn trập chậm, vì bất kỳ chuyển động nhỏ nào đều có thể khiến hình ảnh bị mờ.
3. Chọn địa điểm chụp ảnh đêm thuận lợi
Trước khi lọ mọ vào ban đêm, nếu bạn có kế hoạch chọn chỗ trước nó sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian quý giá sau này. Chọn vị trí tốt, hướng ra những điểm tốt nhất trong thành phố của bạn để tìm ánh sáng và kiến trúc thú vị nhất, hoặc nếu bạn đang tìm kiếm để chụp những vệt đèn giao thông, hãy kiểm tra những con đường tấp nập nhất, khi nào là thời gian tốt nhất cho giao thông, và đó là vị trí tốt nhất (và an toàn nhất) để từ đó đứng chụp. Hãy xem các bức ảnh ở thư viện trên PhotoRadar để gợi cho bạn cảm hứng, để xem cách các nhiếp ảnh gia khác đã giải quyết ánh sáng thành phố vào ban đêm. 
 

4. Sử dụng khẩu độ của ống kính phù hợp nhất

Sử dụng dải "điểm tốt nhất" (nguyên văn tiếng Anh là “sweet spot”) của khẩu độ cho ống kính của bạn - thường giữa f/8 và f/16, nhưng hãy chụp thử để tìm được khẩu độ này. Ngay cả ống kính chuyên nghiệp cũng không tạo kết quả tốt nhất khi được sử dụng ở khẩu độ tối đa hay tối thiểu của nó. Bằng cách sử dụng khẩu độ ở giữa phạm vi có thể bạn sẽ tăng khả năng chụp những bức ảnh sắc nét với ống kính của bạn.
5. Thiết lập các cài đặt chụp đêm
Để kiểm soát độ phơi sáng, tốt nhất là chụp ở chế độ Manual để bạn có thể chọn độ mở ống kính hẹp tốt nhất và tốc độ màn trập chậm để chụp ảnh ban đêm. Bắt đầu bằng cách thiết lập độ mở hẹp khoảng f/16, sau đó xoay chỉnh tốc độ màn trập cho đến khi điểm phơi sáng ở giữa của dải Chỉ số phơi sáng. Chụp thử một số ảnh và xem lại chúng trên màn hình LCD của bạn. Hãy nhớ rằng đây là những gì máy ảnh của bạn cho là phơi sáng tốt nhất, nhưng nếu bạn thấy những bức ảnh quá sáng, hãy giảm 1-2 stop để chúng thực sự nhìn tối hơn!
6. Làm thế nào để có được hiệu ứng 'ngôi sao' của đèn đường
Sử dụng một khẩu độ nhỏ (khoảng f/16) sẽ không chỉ đảm bảo độ sâu hơn về trường ảnh, mà còn tạo cho bức ảnh của bạn được sắc nét từ tiền cảnh đến hậu cảnh, và cũng sẽ làm cho đèn đường 'lấp lánh' trong những cảnh của bạn, tạo cho bức ảnh một hiệu ứng thần kì. Xem ảnh dưới đây ...

7. Thành phần trong một bức ảnh đêm
Cẩn thận nghiên cứu hiện trường trước khi bạn bắt đầu chụp ảnh. Các phần của khung cảnh trong bóng tối? Hãy tạo cho các vùng của bức ảnh trở nên thú vị, đầy màu sắc, sáng rực rỡ hoặc tối hơn như nó vốn có? Nếu vậy, đừng ngại phóng to khu vực ăn ảnh nhất. Phóng to với ống kính góc rộng hoặc “zoom bằng chân” - chỉ cần di chuyển gần hơn đến chủ thể ...Làm thế nào để chụp ảnh kỹ thuật số rõ nét - 01:57:51 PM | 23/10/2012
Có được một tấm ảnh kỹ thuật số rõ nét là điều mà tất cả những người chụp ảnh đều mong muốn. Tuy nhiên, việc có được một tấm ảnh rõ, trong và sắc nét có thể sẽ khó đối với nhiều người, nhất là những người mới làm quen với máy ảnh kỹ thuật số.
Trước khi đề cập đến vấn đề làm thế nào để chụp được ảnh sắc nét, chúng ta sẽ tìm hiểu về các nguyên nhân chính làm cho ảnh thiếu độ sắc nét.
- Lấy nét chưa đúng: Một trong những nguyên nhân thường gặp nhật là ảnh không được lấy nét đúng. Điều này có thể xảy ra khi lấy nét sai đối tượng trong cảnh chụp, khoảng cách chụp quá gần làm cho máy ảnh không lấy nét được, chọn khẩu độ làm cho độ sâu trường ảnh quá hẹp hoặc thao tác chụp quá nhanh khi máy ảnh chưa kịp lấy nét.
Lấy nét chưa đúng
- Chủ thể chuyển động: Một kiểu nhòe khác của ảnh chụp là kết quả của việc chụp một chủ thể đang chuyển động, điều này thường xảy ra do tốc độ chụp quá châm.
- Máy ảnh bị rung: Ảnh sẽ bị nhòe tương tự như khi chụp chủ thể chuyển động. Việc này thường liên quan đến tốc độ chụp và/hoặc sự cố định, vững chắc của máy ảnh.
- Nhiễu hạt: Tấm ảnh bị nhiễu hạt sẽ không được rõ nét vì đã các nhiễu hạt này sẽ "đè" lên một số điểm ảnh và làm mất đi chi tiết của điểm ảnh đó. (Giống như khi xem TV bị nhiễu hạt).

Sau đây là một số điều cơ bản cần biết để có được một ảnh chụp sắc nét:
Giữ vững máy ảnh
Giá đỡ ba chân
Đa số ảnh chụp bị mờ là do máy ảnh bị rung do cầm máy không vững hoặc của việc nhấn nút chụp và tác động của màn trập. Trong khi cách tốt nhất để giải quyến vấn đề rung máy là sử dụng giá đỡ (Tripod) thì đa số trường hợp đều cầm máy bằng tay khi chụp. Hãy sử dụng cả hai tay để cầm máy ảnh, giữ cho máy ảnh sát với cơ thể của bạn, có thể tựa vào mộ bức tường hoặc thân cây...
Giá đỡ ba chân
Cách tốt nhất để giảm hoặc thậm chí là loại bò hoàn toàn việc máy ảnh bị rung. Tuy việc này là không thực tế nhưng bạn sẽ nhận được kết quả xứng đáng.
Tốc độ chụp
Có lẽ một trong những điều đầu tiên cần lưu ý khi muốn chụp được ảnh rõ nét là việc lựa chọn tốc độ chụp. Rõ ràng là tốc độ chụp nhanh hơn sẽ ít bị tác động đến do máy bị rung và sẽ dễ dàng chụp "dính" được bất kỳ chủ thể chuyển động nào trong ảnh chụp. Kết quả là sẽ giảm được cả hai kiểu mờ của ảnh chụp (do chủ thể chuyển động và máy ảnh bị rung). Hãy nhớ các nguyên tắc về tốc độ chụp: Chọn tốc độ chụp với một mẫu số lớn hơn độ dài tiêu cự của ống kính.
- Nếu ống kính có độ dài tiêu cự là 50mm, đừng chụp tốc độ chậm hơn 1/60 giây.
- Nếu ống kính có độ dài tiêu cự là 100mm, chụp ở tốc độ 1/125 giây hoặc nhanh hơn.
- Nếu ống kính có độ dài tiêu cự là 200mm, chụp ở tốc độ 1/250 giây hoặc nhanh hơn.
Hãy nhớ rằng nếu chọn tốc độ chụp nhanh hơn thì cần phải điều chỉnh khẩu độ để bù lại, nhưng việc này sẽ làm cho độ sâu trường ảnh hẹp và việc lấy nét ảnh chụp sẽ khó hơn.
Khẩu độ
Khẩu độ tác động đến độ sâu trường ảnh (vùng rõ nét) của hình ảnh. Giảm khẩu độ (tăng mẫu số - nói đến f/20) sẽ làm tăng độ sâu trường ảnh, có nghĩa là ảnh sẽ được lấy nét ở vùng phía trước (gần) và phía sau (xa) vị trí của chủ thể. Ngược lại (ví dụ f/4) vùng rõ nét sẽ hẹp và bạn phải chú ý hơn trong việc lấy nét đúng đối tượng.
ISO
ISO là yếu tố thứ ba trong tam giác phơi sáng, ảnh hưởng trực tiếp của nó chính là làm ảnh bị nhiễu hạt. Chọn mức ISO lớn sẽ cho phép chụp với tốc độ nhanh hơn và khẩu độ nhỏ hơn (cần thiết cho việc chụp ảnh rõ nét). Do mức ISO cao sẽ làm cho ảnh bị nhiễu hạt và mức độ nhiễu hạt ít hay nhiều sẽ tùy thuộc vào từng máy ảnh khác nhau, cho nên hãy cố gắng sử dụng mức ISO càng thấp càng tốt.
Ổn định hình ảnh
Một số máy ảnh và ống kính có chức năng ổn định hình ảnh (Image Stabilisation) bằng các công nghệ khác nhau, nó không loại bỏ hoàn toàn nhưng cũng làm giảm bớt ảnh hưởng của sự rung máy. Hãy ghi nhớ là chức năng này chỉ giúp giảm ảnh hưởng do rung máy để giúp chụp với tốc độ thấp chứ không phải dùng để chụp các đối tượng chuyển động.
Lấy nét tự động
Lấy nét
Có lẽ kỹ thuật lấy nét là yếu tố chính ảnh hưởng đến độ rõ nét của ảnh chụp. Hầu hết chúng ta thường sử dụng chế độ lấy nét tự động (Auto Focus) của máy ảnh mà không nghĩ rằng máy ảnh cũng có thể lấy nét không chính xác. Hãy luôn kiểm tra trên màn hình để chắc ảnh được lấy nét trước khi nhấn nút chụp. Việc này rất cần thiết khi chụp với khẩu độ lớn (chiều sâu trường ảnh hẹp), chỉ cần chủ thể hơi bị lệch khỏi vùng rõ nét là sẽ bị mờ.
Ống kính tốt
Điều này cần thiết đối với các máy ảnh chuyên nghiệp (DSLR). Nếu bạn có khả năng trang bị ống kính có chất lượng tốt thì cũng sẽ có được những hình ảnh sắc nét hơn và cần lưu ý là không phải ống kính nào cũng có chất lượng như nhau.
Nút chỉnh Diopter
Hãy kiểm tra mắt của bạn.
Hãy kiểm tra để chắc là mắt của bạn không có vấn đề gì, nhất là khi sử dụng kính. Nếu máy ảnh của bạn có nút chỉnh "diopter", nút này có dạng bánh xe xoay nằm bên cạnh ống ngắm (View finder) thì hãy sử dụng nó đề điều chỉnh cho phù hợp với mắt của bạn.
Làm sạch máy ảnh
Những vết dơ, bụi,... trên ống kính hoặc bộ cảm biến ảnh sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng ảnh chụp. Tương tự như vậy, nếu bộ cảm biến ảnh của máy ảnh DSLR (ống kính rời) nếu bị dính bụi sẽ tạo ra các đốm chấm trên ảnh sau khi chụp.
Chọn điểm sắc nét của ống kính
Ống kính có một điểm trong phạm vi khẩu độ sắc nét hơn những điểm khác gọi là điểm sắc nét của ống kính (Lens Sweet Spot). Trong nhiều trường hợp điểm sắc nét là một hoặc hai mức từ khẩu độ tối đa. Vì vậy thay vì chụp với ống kính góc rộng (Wide - f/số nhỏ) hãy kéo lại một hoặc hai mức và bạn sẽ có được tấm ảnh rõ hơn.
Mạnh Tuấn

No comments:

Post a Comment

quangnm