Sunday, May 11, 2014

'Gian truân chỉ là thử thách', tự truyện của cậu bé chăn trâu

'Gian truân chỉ là thử thách', tự truyện của cậu bé chăn trâu

Từ câu chuyện đời mình, tác giả sách đúc kết những lời khuyên để mỗi người vượt qua hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Tên sách: Gian truân chỉ là thử thách
Tác giả: Hồ Văn Trung
NXB Thuận Hóa và First News ấn hành
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, doanh nhân Hồ Văn Trung vừa giới thiệu cuốn tự truyện Gian truân chỉ là thử thách kể đời mình. Anh có buổi ra mắt sách vào ngày 8/10 ở TP HCM, với sự góp mặt của gia đình, bạn bè cùng nhiều độc giả.
Hồ Văn Trung sinh ra và lớn lên ở làng quê La Khê, xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Anh sớm phải gánh chịu nỗi mất mát: cha mất đúng vào ngày anh cất tiếng khóc chào đời.
Bìa sách "Gian truân chỉ là thử thách".
Bìa sách "Gian truân chỉ là thử thách".
Qua những trang viết của mình, Hồ Văn Trung đưa người đọc về những ngày gian khó và đầy nhọc nhằn nơi vùng quê La Khê mênh mông ruộng đồng, sông nước. Ở đó, anh cùng người mẹ và người chị gái lớn hơn anh 5 tuổi sống cùng nhau trong một túp lều dựng tạm, không có bất kỳ một tài sản nào, kể cả ruộng vườn và trâu bò. Điều quý giá nhất mà anh có, là tấm lòng bao la của người mẹ nghèo. Vì muốn các con có chữ nghĩa bằng bạn bằng bè, có cuộc sống tốt đẹp hơn, người mẹ đó đã không nề hà việc gì, từ dãi nắng dầm sương ngoài đồng ruộng đến làm thuê, ở đợ cho người.
Sinh ra trong gia đình khó khăn, sớm chịu cảnh mồ côi nên ý thức của anh về hoàn cảnh gia đình cũng hình thành sớm hơn. Ngay từ nhỏ, Hồ Văn Trung đã biết làm việc, kể cả chăn trâu, để phụ giúp mẹ và chị, chấp nhận quần áo rách, bụng đói đến trường. "Chúng ta không thể quyết định nơi mình sinh ra hay hoàn cảnh nào sẽ nuôi dưỡng mình. Sinh ra trong một hoàn cảnh éo le, lớn lên trong thiếu ăn, đói khổ nhưng hơn hết, tôi lại thấy mình là một đứa trẻ may mắn", anh viết.
Hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đó đã tạo nên động lực để Hồ Văn Trung quyết tâm thoát ra khỏi nghịch cảnh. Anh nhận ra chỉ có học vấn mới giúp anh thực hiện quyết tâm đó. Vốn là một cậu bé thông minh, sáng dạ công thêm quyết tâm thoát nghèo luôn sôi sục trong lòng, Hồ Văn Trung xuất sắc trải qua các kỳ thi như đệ thất, tú tài bán, tú tài toàn rồi vào đại học.
Học ở Đại học Huế được một năm, Hồ Văn Trung lại nung nấu ý định vào Sài Gòn với một niềm tin rằng "bầu trời không thể mãi tối đen, phải đến lúc ánh mặt trời hé rạng" và "phía cuối đường hầm sẽ có ánh sáng của hy vọng". "Giấc mơ Sài Gòn" được anh lý giải: "Đó là nơi chứa đựng bao thứ tươi đẹp mà một người trẻ như tôi luôn khao khát đặt chân đến. Là mảnh đất phồn hoa, trù phú, là niềm hy vọng của biết bao nhiêu người ở tỉnh lẻ".
Ông Hồ Văn Trung (thứ hai từ phải qua) tặng quà cho nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký.
Ông Hồ Văn Trung (thứ hai từ phải qua) tặng quà cho nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký.
Không tươi đẹp như hình dung, cuộc sống những ngày đầu ở Sài Gòn của Hồ Văn Trung lại là chuỗi ngày lang bạt với cái bụng lúc nào cũng trong tình trạng đói meo. Thậm chí có lần vì không chịu nổi, anh đã ngất xỉu trong nhà học trò mà mình đang dạy kèm. Chật vật xoay xở ở Sài Gòn, cùng với sự giúp đỡ của một gia đình cùng quê, Hồ Văn Trung đã ổn định được cuộc sống của mình và tiếp tục học ở Đại học Khoa học Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM).
Trải qua những năm tháng sinh viên vừa học vừa tham gia phong trào đấu tranh đòi tự do của sinh viên Sài Gòn. Sau nhiều khúc quanh thăng trầm, có lúc phải vào tù, Hồ Văn Trung và vợ sang Australia định cư. Ở xứ người, vượt qua bao khó khăn, cậu bé ngày xưa giờ trở thành ông chủ của một tập đoàn.
"Chàng trai không tay" Dương Quyết Thắng là một tấm gương vượt khó. Anh góp mặt tại buổi ra mắt sách để biểu diễn văn nghệ.
"Chàng trai không tay" Dương Quyết Thắng góp mặt tại buổi ra mắt sách.
Hồ Văn Trung viết: "Tôi tin rằng cuộc đời có hai chữ 'số phận' và 'cơ hội'. Nhưng số phận và cơ hội tốt chỉ mở ra với những người biết tự định đoạt cuộc sống của mình, biết phấn đấu, học hỏi không ngừng để vươn lên. Không ai có cuộc đời hoàn hảo, không ai có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quyết định cuộc đời mình. Đừng bao giờ nản chí! Đừng bao giờ buông xuôi! Đừng bao giờ tuyệt vọng! Đừng bao giờ ngừng cố gắng và hy vọng vì chắc chắn thành công sẽ đến với những ai biết tạo ra cơ hội cho chính mình".
Nhân dịp ra mắt tự truyện, tác giả Hồ Văn Trung trao 21 suất học bổng cho học sinh nghèo hiếu học, mỗi suất trị giá ba triệu đồng. Ngoài ra, anh tặng sổ tiết kiệm cho Nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký trị giá 40 triệu đồng, trao học bổng Hạt giống Tâm hồn 30 triệu đồng cho "chàng trai không tay" Dương Quyết Thắng. Bên cạnh đó, tác giả tặng hơn 800 cuốn sách Gian truân chỉ là thử thách cho các đơn vị, trong đó có trại giam Z30D. Tất cả tiền bán sách được tác giả đóng góp vào quỹ từ thiện.
Bạch Tiên

Tự truyện của cậu bé chăn trâu thành chủ tịch tập đoàn

08/10/2013 19:02 (GMT + 7)
TTO - Cuốn sách chia sẻ hành trình dài của một trẻ chăn trâu ở Huế, mồ côi cha, đói ăn, thiếu mặc đã kiên trì học tập và trở thành chủ tịch Tập đoàn Trangs Group, vừa ra mắt hôm nay 8-10 tại TP.HCM.
Ông Hồ Văn Trung - tác giả tự truyện Gian truân chỉ là thử thách ký tặng sách bạn đọc tại TP.HCM vào hôm nay 8-10 - Ảnh: H.Sơn
Tự truyện Gian truân chỉ là thử thách của tác giả Hồ Văn Trung - Ảnh: Tr.U.
Với tên gọi Gian truân chỉ là thử thách (tác giả Hồ Văn Trung, NXB Thuận Hóa, First News - Trí Việt), tự truyện nói về khát vọng học tập, khát vọng đổi đời của nhân vật chính. Ngoài ra, cuốn sách còn có thể làm bạn đọc đồng cảm bởi tình thương bao la, sự hi sinh của người mẹ nghèo; tình cảm vợ chồng thắm thiết dẫu bao biến cố... được kể bằng giọng văn mộc mạc.
Tại lễ ra mắt sách, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký nhận định: "Theo tôi, cuốn sách mang đến hai thông điệp cho người đọc. Thứ nhất, muốn thành đạt cần phải có trí tuệ, muốn có trí tuệ, phải có tri thức, muốn có tri thức thì phải học, dù là học trong đói khổ, rách nát. Thông điệp thứ hai là những gian truân không phải là núi ngáng chân ta, khiến ta lùi bước, mà ngược lại đó là lửa để luyện vàng bản lĩnh. Hãy biết cảm ơn những thử thách trong cuộc đời này!".
Dịp này, tác giả sách tặng sổ tiết kiệm 40 triệu đồng cho nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký - người đang phải chạy thận thường xuyên, 21 suất học bổng (3 triệu đồng/suất) cho các sinh viên vượt khó tại TP.HCM, tặng học bổng Hạt giống tâm hồn (30 triệu đồng) cho Dương Quyết Thắng - chàng trai cụt hai tay vì một tai nạn - từng vào vòng chung kết cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam's Got Talent) năm 2013, tặng hơn 800 cuốn tự truyện cho các trại giam, sinh viên tại các trường đại học tại nhiều tỉnh thành...
Tác giả Hồ Văn Trung cho biết: "Tôi mong câu chuyện của tôi sẽ như một niềm khích lệ với các bạn trẻ, đặc biệt là những ai đang gặp khó khăn, để các bạn không ngừng nỗ lực vươn lên. Tôi tin tưởng các bạn sẽ làm tốt hơn những người đi trước và có nhiều đóng góp lớn cho đất nước".


Gian truân chỉ là thử thách
Thứ Tư, 20/11/2013 22:09 (GMT+7)
Đánh giá : 0 phiếu

Ở tuổi ngoài lục tuần, Hồ Văn Trung, Chủ tịch HĐQT Trangs Group vẫn tin vào cái gọi là số phận khi đưa ông từ một cậu bé chăn trâu thành tỷ phú nhờ kinh doanh chả giò. Tuy nhiên, với ông, số phận có thể mở ra những cánh cửa khác nếu con người biết tự định đoạt cuộc sống của mình, biết phấn đấu, học hỏi không ngừng để vươn lên, và nếu không thể chọn hoàn cảnh thì quyết tâm chính là chìa khóa để thay đổi hoàn cảnh…
Đọc E-paper

Ảnh: Quý Hòa
Biến nghịch cảnh thành bệ phóng
> Tôi là một lãnh đạo khó tính
>
Ngọt, đắng cùng... đường
> "Luôn hành động và dám chấp nhận thất bại"
Không có gì là trễ
Ngày sinh trùng với ngày mất của cha, lớn lên trong khó nghèo cùng mẹ và chị ở miền Trung, Hồ Văn Trung không bao giờ nghĩ mình có thể trở thành ông chủ của một tập đoàn sản xuất thực phẩm đóng gói có mặt từ Âu sang Á như ngày hôm nay, nhưng ông luôn nghĩ mình sẽ phải thành công.
Niềm tin ấy đã dẫn lối cho ông để từ một cậu bé chăn trâu thuê thành chủ tịch tập đoàn, dẫu không ít lần phá sản lẫn nợ nần. Hành trình gian nan ấy của ông đã được ghi lại trong tự truyện Gian truân chỉ là thử thách.
* Đã có nhiều doanh nhân thành đạt các nước viết tự truyện kể về cuộc đời mình và không ít những tập sách trong số ấy đã xuất bản ở Việt Nam, thêm một tập sách tương tự ký tên Hồ Văn Trung để ghi dấu điều gì, thưa ông?
- Tôi có đọc hồi ký của những người thành đạt và nổi tiếng trên thế giới bằng tiếng Anh và tiếng Việt, nhưng việc viết hồi ký của tôi và của họ có thể có mục đích giống nhau và cũng có thể khác nhau.
Tôi viết sách để kể lại câu chuyện thật về một hành trình đầy gian truân của đời tôi, cho các con tôi biết về xuất phát của ba mẹ, và điều quan trọng nhất là tôi muốn để lại cho thế hệ sau một niềm tin, khuyến khích và thúc đẩy họ đừng đầu hàng số phận.
* Viết tự truyện cũng là thời gian mà tác giả phải nhìn lại hành trình đã qua. Có bao giờ ông cảm thấy đau đớn khi nghĩ lại những điều đã xảy ra trong quá khứ của mình?
- Tôi có một cuộc đời đáng sống và đáng tự hào. Chưa bao giờ tôi mặc cảm bởi sự nghèo đói, mà ngược lại, tôi xem đó là một điều may mắn bởi chính nhờ gian khó mà tôi mới nên người.
Nhìn lại cuộc đời nổi trôi theo vận nước của mình, tôi lại thấy mình vinh hạnh khi có thể trở thành chứng nhân, ghi lại cho thế hệ trẻ một giai đoạn lịch sử mà những thanh niên yêu nước đã sống và nghĩ như thế nào.
Sau khi sách xuất bản, tôi đã nhận được hàng ngàn e-mail chia sẻ, đồng cảm và cám ơn từ các bạn trẻ vì đã cho họ niềm tin. Họ đã so sánh về những gì đang có và so sánh với hành trình mà tôi đã trải nghiệm để thấy rằng họ phải đứng dậy và tiến lên. Chừng ấy cũng đã giúp tôi biết việc làm của mình là có ích.
* Từ một cậu bé chăn trâu trở thành tỷ phú là câu chuyện dài. Vậy, mốc thời gian nào khiến ông nhớ nhất?
- Ngẫm lại hành trình đã qua, mỗi giai đoạn là một cột mốc thay đổi cuộc đời tôi. Có lúc cay đắng khi ngập trong đói khổ, nợ nần, có lúc "lên mây xanh" khi thành công và tiền bạc đến cùng lúc, nhưng nhìn lại hành trình đó tôi thấy đẹp nhất và nhớ nhất là những ngày tháng của tuổi ấu thơ với hạnh phúc rất giản dị.
Như việc ấm áp, bình an lúc ngủ nệm rơm và đắp bao bố khi mùa Đông về. Kỷ niệm đó không thể phôi phai trong lòng tôi, bởi cảm giác ngủ ở khách sạn 7 sao không thể so sánh với ngủ nệm rơm và đắp bao bố.
* Hình như ông bắt đầu kinh doanh hơi trễ so với tuổi?
- Tôi nghĩ không có lứa tuổi nào gọi là trễ. Đó chính là niềm tin giúp tôi có thể bắt đầu toàn cầu hóa Công ty khi tuổi đời đã trên 50, cũng như trở lại lớp học để học tiếng Pháp.
Tôi thấy rằng mình càng học, càng làm thì càng hứng thú bởi biết những gì mình đang lĩnh hội rất bổ ích cho chính mình và cho xã hội nữa. Sự thành đạt không phải chỉ đo lường bằng tiền hay vật chất nên lúc nào mình còn hăng say, còn đam mê thì chẳng có gì gọi là trễ.
Cơm áo không là chuyện đùa
Đam mê nhất của Hồ Văn Trung là sách báo và nghiên cứu khoa học, nhưng hoàn cảnh đẩy đưa khi tới Úc, đối diện với gánh nặng cơm áo và áp lực phải gồng gánh gia đình, ông quyết định gia nhập thương trường.
Ngày đó, rời Việt Nam cùng vợ sang Úc định cư, đôi vợ chồng trẻ phân công công việc cụ thể: vợ đi rửa bát cho nhà hàng kiếm tiền nuôi chồng ăn học để thoát khỏi cảnh lao động chân tay bởi bằng cấp của chồng ở Việt Nam không được chấp nhận.
Thấy vợ cực khổ, Hồ Văn Trung không cam lòng. Khát vọng kinh doanh bắt đầu nhen nhóm khi ông được chính ông chủ nhà hàng ấy khuyên nên đến với nghiệp bán buôn.
Gom góp vốn liếng rồi vay thêm bạn bè, hai vợ chồng mua lại được một nhà hàng của người đồng hương. Ai ngờ, niềm tin lẫn hy vọng của cả hai bị mất sạch khi mà nhà hàng ấy "đính kèm" những khoản nợ khổng lồ phía sau.
Mất trắng khoản tiền ky cóp trên xứ người, vừa phải liên tục đối mặt với những đơn đòi nợ mà chủ cũ nhà hàng gây nên không làm ông nản chí. Tiếp tục vay mượn bạn bè, Hồ Văn Trung mở được nhà hàng đầu tiên, mở ra một vận hội mới cho sự nghiệp của mình...
* Ý chí vượt khó của ông vốn cao nhưng ngay khi bước vào kinh doanh đã đối mặt với thất bại, tinh thần vượt khó ấy có đủ sức giúp ông lấy lại thăng bằng?
- Đối mặt với một cú lừa quá lớn ngay khi bắt đầu kinh doanh, tôi không tránh khỏi hoang mang. Kể cả bây giờ, sau 32 năm, vợ tôi gặp lại người đã lừa mình vẫn chưa nguôi cơn giận, nhưng nghĩ lại những gì mình đã đi qua, tôi lại tin mình có thể đi tiếp.
Niềm tin là chìa khóa, là động lực và là điểm tựa cho tôi quyết tâm thoát nghèo và để giúp má ở quê nhà. Tôi vẫn nhìn thấy cơ hội còn nhiều và lại xắn tay vào làm, dẫu đó là việc xây lại từ đầu cả một hành trình dài. Nghĩ lại, cú lừa ấy cũng đã giúp tôi biết kỹ lưỡng hơn với những thương vụ sau này.
Tôi chú tâm vào kinh doanh và quản lý nhà hàng chặt chẽ hơn. Nhờ mình cố gắng, cũng nhờ thêm bạn bè giúp sức giới thiệu, nhà hàng của tôi được nhiều người biết đến. Việc kinh doanh từ đó cũng thuận lợi hơn. Bài học từ thất bại luôn có giá trị khi đã bước qua được thất bại ấy.
* Thông thường, khi đã có những thành công nhất định, việc "nhân bản" mô hình kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng được sự nghiệp, nhưng hình như ông không chọn phương án này?
- Việc làm ăn thuận lợi cũng là lúc chúng tôi có đứa con thứ hai và đứa lớn vào tiểu học. Thời gian dành cho con cái tỷ lệ nghịch với sự phát đạt trong kinh doanh khiến tôi suy nghĩ nhiều.
Sau nhiều băn khoăn, tôi quyết định sang châu Âu và Mỹ đề học hỏi và tìm kiếm cơ hội. Chuyến đi ấy đã mở ra hướng đi sau này cho sự nghiệp của tôi.
* ... Là kỹ nghệ hóa thực phẩm, thưa ông?
- Đúng vậy! Texas, Mỹ, là nơi tôi tìm được đáp án. Phải đi theo con đường kỹ nghệ hóa thực phẩm thay vì chỉ kinh doanh hạn hẹp ở địa phương. Ý nghĩ ấy thật lớn so với khả năng và tiềm lực tài chính của tôi lúc ấy, nhưng tôi vẫn quyết định thử sức.
Bán nhà hàng, gom góp tiền bạc, viết đề án kinh doanh rồi gõ cửa ngân hàng. Đó là quyết định rất lớn trong cuộc đời tôi bởi nếu thất bại, gia đình sẽ trở lại những ngày tay trắng trên xứ người.
Vợ tôi vẫn tin tưởng, ủng hộ, dù gia đình, bạn bè can ngăn. Năm 1985, thêm sự ủng hộ của giám đốc ngân hàng địa phương tôi sống lúc ấy, Trangs Foods đã ra đời. Để giảm thiểu chi phí, từ hệ thống cống rãnh, điện đóm đến máy đánh bột, máy chiên... tôi đều tự chế.
Cứ tưởng mọi việc suôn sẻ, nào ngờ, không có kinh nghiệm trong chế biến thực phẩm đông lạnh, sản phẩm của chúng tôi bị trả về. Một lần nữa, hai vợ chồng lại đối diện với trát đòi nợ đến rát mặt.
* Cách giải quyết của ông là...?
- Còn có thể làm gì hơn là sửa sai, tiếp tục học hỏi để tìm ra cách khắc phục. Cũng may, trong hành trình này, tôi đã gặp được những nhà phân phối nên sản phẩm của Trangs Food vào được các siêu thị lớn ở Úc như Woolworths, Franklins, Coles.... Công việc kinh doanh từ đó mà đi lên, việc triển khai máy móc tự động hóa cũng bắt đầu.
Ký ức với chả giò
Kinh doanh là chính nhưng nghiên cứu khoa học mới là đam mê của Hồ Văn Trung. Xuất phát từ công việc của mình, ông đã sáng chế ra máy làm chả giò tự động đầu tiên trên thế giới.
Mất ba năm tìm tòi phương án sản xuất tự động hóa mặt hàng chủ lực của Công ty, ông mới đến được thành công. Thành tựu của ông là một hệ thống liên hoàn làm bánh tráng, làm nhân, bỏ nhân, xếp và cuộn trung bình 45 cuốn chả giò/phút.
* Chả giò có ý nghĩa thế nào với ông?
- Chả giò bây giờ trở thành một cái tên gần gũi với tôi lắm, có thời nó gắn bó đến nỗi bạn bè gọi tôi là "Trung Chả giò” thay vì "Trung Huế” để phân biệt với người khác. Nói ra thì tức cười, bởi tôi không biết đến lúc bao nhiêu tuổi mình mới ăn được cuốn chả giò, vì hồi đó nhà tôi nghèo lắm, cơm còn không có ăn...
* Vậy, việc sở hữu danh hiệu "người đầu tiên làm nên hệ thống cuốn chả giò tự động" có khiến ông tự hào?
- Như đã nói, tôi đam mê khoa học, do đó khi ở trong môi trường thích hợp thì tôi phát huy được khả năng của mình. Động lực phải thành công là đòn bẩy thúc đẩy tôi phải tìm cách để làm ra máy tự động.
Tôi rất tự hào với thành quả này vì nhờ đó mà việc làm ăn của tôi được hanh thông. Tôi tự hào vì mình đã làm bằng trí tuệ với niềm tin và quyết tâm của một người Việt sống trên nước Úc.
* Việc tự thiết kế dây chuyền sản xuất thay vì đặt hàng các đơn vị có chuyên môn có còn hợp với bối cảnh hiện nay không, theo ông?
- Với thời đại toàn cầu hóa bây giờ, việc làm ăn không còn thu gọn trong câu "nhất nghệ tinh nhất thân vinh nữa" mà phải đáp ứng nhu cầu của thị trường, do đó, việc phối hợp giữa khoa học, công nghệ và thị trường phải cùng song hành.
Việc kinh doanh thành công hay không dựa vào hai yếu tố là sản phẩm và thị trường. Quả thật, nhờ máy móc tốt mà Trangs Food tiến được ra thị trường toàn cầu.
* Thành công ở Úc và cả trong hành trình phát triển Trangs Group ra Anh, Mỹ, Trung Quốc, một số nước châu Âu, và cả Việt Nam, nhưng ông vẫn mất 2 triệu USD khi thâm nhập thị trường châu Phi...?
- Tôi đã thất bại vì yếu tố con người và vì thiếu sự nghiên cứu văn hóa kinh doanh của người bản xứ, thực trạng của những đất nước đang phát triển. Sự lựa chọn con người rồi đặt đúng vị trí rất là quan trọng trong kinh doanh.
Tôi thất bại ở Phi châu khi bắt đầu kế hoạch toàn cầu hóa nhưng vẫn trụ được bởi vì tôi có niềm tin, và có hậu cần vững mạnh tại Úc. Thị trường châu Phi vẫn được xem là đầy tiềm năng cho các tập đoàn lớn.
Tôi sẽ tiếp tục nhưng không phải là thử sức nữa mà phải thành công. Hội nghị hằng năm của Tập đoàn luôn đề cao chiến lược Phi châu, tuy nhiên, tôi dành cho thế hệ trẻ hiện đang lãnh đạo Tập đoàn thực hiện.
* Với sức lực và tuổi tác như hiện nay, ông vẫn còn nhiều thời gian để cống hiến, ông đã quyết chọn việc đứng ngoài Trangs Group rồi sao?
- Tôi quyết định rút lui vào lúc tuổi đời chưa bắt buộc và sức khỏe thì vẫn còn để làm việc. Cố gắng của tôi cuối cùng cũng để lại cho con cái và xã hội, trước hay sau gì cũng phải chuyển giao, nên tôi quyết định rút lui khi mình còn minh mẫn, khi mình còn có thể "nhúng tay vào" nếu có trở ngại xảy ra.
Rút lui là để tạo cơ hội cho lớp trẻ thể hiện tài năng và đó là trách nhiệm và tương lai của chúng. Tôi rút lui để có thì giờ trả lại những kiến thức cũng như những ân tình mà xã hội đã cưu mang tôi.
* Như việc ông trao học bổng cho học sinh nghèo và thành lập Trang Foundation?
- Tôi chắc chắn rằng những người trẻ đang lãnh đạo Trangs Group rất mong muốn đóng góp cho xã hội. Họ quyết định trích một phần từ lợi nhuận để vận hành Trangs Foundation. Tôi là người thực hiện tấm lòng đó cho học sinh, sinh viên và những người nghèo khó đang cần sự giúp đỡ.
* Cảm ơn ông về những trao đổi này!

PHƯƠNG QUYÊN thực hiện
 

Cậu bé chăn trâu viết tự truyện

(Dân trí) - “Dù quá khứ của bạn như thế nào, nhưng cách thức bạn ứng xử và vượt lên hiện tại sẽ quyết định bạn là người như thế nào”, đó là câu nói của “cậu bé chăn trâu” Hồ Văn Trung, tác giả tự truyện “Gian truân chỉ là thử thách”.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông Hồ Văn Trung, Chủ tịch một tập đoàn đa quốc gia đã cho ra mắt cuốn tự truyện “Gian truân chỉ là thử thách”. Tự truyện này là những câu chuyện về cuộc đời vượt qua bao bão giông, sóng gió nghiệt ngã, qua bao khó khăn gian truân để khẳng định mình, xây dựng tổ ấm và cống hiến cho xã hội của ông Hồ Văn Trung, từ một cậu bé chăn trâu trở thành doanh nhân thành đạt.
Tại buổi ra mắt tự truyện, ông Trung đã chia sẻ nhiều về mình và cuộc đời đầy những gian truân trước khi bước đến thành công trước nhiều bạn trẻ là sinh viên và những con người biết vượt qua nghiệt ngã, không đầu hàng số phận. 
Hồ Văn Trung sinh ra và lớn lên ở làng quê La Khê, (Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế). Chịu cảnh mồ côi cha ngay từ lúc lọt lòng mẹ nhưng cuộc đời không làm ông ngã gục; mà chính những khó khăn, mất mát đó đã tôi rèn ông trở thành một doanh nhân thành đạt như ngày hôm nay.
Qua những trang viết của mình, Hồ Văn Trung đưa người đọc về những ngày gian khó và đầy nhọc nhằn nơi vùng quê La Khê mênh mông ruộng đồng, sông nước. Ở đó, ông cùng người mẹ và người chị gái sống cùng nhau trong một túp lều dựng tạm, không có bất kỳ một tài sản nào, kể cả ruộng vườn và trâu bò. Điều quý giá nhất mà anh có, là tấm lòng bao la của người mẹ nghèo. Vì muốn các con có chữ nghĩa bằng bạn bằng bè, có cuộc sống tốt đẹp hơn, người mẹ đó đã không nề hà việc gì, từ dãi nắng dầm sương ngoài đồng ruộng đến làm thuê, ở đợ cho người ta.
Tác giả Hồ Văn Trung tại buổi ra mắt tự truyện
Tác giả Hồ Văn Trung tại buổi ra mắt tự truyện
Chính hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đó đã tạo nên động lực để Hồ Văn Trung quyết tâm thoát ra khỏi nghịch cảnh mà số phận ngỡ tưởng đã an bài. Ông nhận ra chỉ có học vấn mới giúp ông thực hiện quyết tâm đó. Vốn là một cậu bé thông minh, sáng dạ công thêm quyết tâm thoát nghèo luôn sôi sục trong lòng, Hồ Văn Trung đã xuất sắc trải qua các kỳ thi như đệ thất, tú tài bán, tú tài toàn rồi vào trường đại học mà lúc bấy giờ không phải ai cũng làm được điều đó.
Học ở trường Đại học Huế được một năm, ông lại nung nấu ý định vào Sài Gòn với một niềm tin rằng “bầu trời không thể mãi tối đen, phải đến lúc ánh mặt trời hé dạng” và “phía cuối đường hầm sẽ có ánh sáng của hy vọng”. 
Không “tươi đẹp” như hình dung, cuộc sống những ngày đầu ở Sài Gòn của Hồ Văn Trung lại là chuỗi ngày lang bạt với cái bụng lúc nào cũng trong tình trạng đói meo. Thậm chí có lần vì không chịu nổi, ông đã ngất xỉu trong nhà học trò mà mình đang dạy kèm. Chật vật xoay xở ở Sài Gòn, cùng với sự giúp đỡ của một gia đình cùng quê, Hồ Văn Trung đã ổn định được cuộc sống của mình và tiếp tục học ở trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Đây cũng chính là bước ngoặt dẫn ông vào con đường mới, một định hướng mới với bao thăng trầm nổi trôi theo vận nước.
Những năm đầu thập niên 70, khi tình hình trong nước đầy hỗn loạn, tình trạng chiến tranh ngày càng khốc liệt, với tấm lòng yêu nước cũng như bao thanh niên trong thời loạn ấy, Hồ Văn Trung đã dấn thân vào đấu tranh để mong tìm một niềm hòa bình cho đất nước, nhưng không may cuộc đời trôi nổi lại đẩy ông vào tù tội của cả hai chế độ cũ và mới. Không cam phận, Hồ Văn Trung lại nung nấu ý định đi về miền đất hứa để có một tương lai tươi sáng. Vượt qua những gian nan và nguy hiểm, cuối cùng ông và người bạn đời của mình đã được đặt chân lên nước Úc. Hai vợ chồng lại tiếp tục chuỗi ngày vất vả mưu sinh với đầy rẫy thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Cũng có lúc, ông và người vợ của mình phải chịu cảnh tay trắng khi bị lừa hết tài sản.
Cậu bé chăn trâu ngày nào đang phát học bổng cho những sinh viên vượt lên số phận
"Cậu bé chăn trâu" ngày nào đang phát học bổng cho những sinh viên vượt lên số phận
Nơi xứ người với hai bàn tay trắng, Hồ Văn Trung đã tự kiến tạo cho mình một gia đình hạnh phúc cùng một sự nghiệp vững vàng và bề thế. Giờ đây, ông đã là chủ của tập đoàn đa quốc gia có trụ sở và chi nhánh khắp nơi trên thế giới như: Úc, Mỹ, Anh, Việt Nam, Africa… Một điều đáng quý ở Hồ Văn Trung, ấy là khi đã thành danh ở xứ người, thì ông vẫn không quên Việt Nam - nơi đã cho anh dáng vóc và hình hài. Ông trở về nước với lương tâm, với hoài bão để giúp cải thiện đất nước tốt hơn, nâng cao đời sống người dân và hy vọng họ sẽ tạo ra trên quê hương mình những thay đổi tích cực.
“Tôi tin rằng cuộc đời có hai chữ “số phận” và “cơ hội”. Nhưng số phận và cơ hội tốt chỉ mở ra với những người biết tự định đoạt cuộc sống của mình, biết phấn đấu, học hỏi không ngừng để vươn lên. Không ai có cuộc đời hoàn hảo, không ai có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quyết định cuộc đời mình. Đừng bao giờ nản chí! Đừng bao giờ buông xuôi! Đừng bao giờ tuyệt vọng! Đừng bao giờ ngừng cố gắng và hy vọng vì chắc chắn thành công sẽ đến với những ai biết tạo ra cơ hội cho chính mình”, Hồ Văn Trung chia sẻ.
Suy cho cùng, đúng như tên của tự truyện - Gian truân cũng chỉ là thử thách. Thành công sẽ đến với những ai biết đứng dậy, tự tìm con đường đi cho mình.
Công Quang

No comments:

Post a Comment

quangnm