Friday, May 22, 2015

Xe ngựa trên đường phố Sài Gòn xưa

Xe ngựa trên đường phố Sài Gòn xưa

Những năm 1950-1960, xe ngựa kéo là phương tiện vận chuyển công cộng chủ yếu, len lỏi trên các đường phố Sài thành cùng với xe máy, xe đạp.
 
Nhiếp ảnh gia Carl Mydans ghi lại hình ảnh xe ngựa trên đường phố Sài Gòn năm 1950. Đây là con đường gần ngân hàng Pháp Hoa, góc đường Hàm Nghi - Phủ Kiệt xưa, nay là ngã tư Hàm Nghi - Hải Triều. Loại xe này có cái mui cong nhìn giống mả (mộ) đất nên được người dân gọi là xe thổ mộ. Còn một giả thiết khác, tên thổ mộ xuất phát từ tiếng Quảng Đông, người Hoa gọi xe độc mã là “ thu ma”, lâu dần người Việt cũng đọc trại theo là “thổ mộ”.
 
 
Một khách dừng xe ở góc đường quận 1. Người dân ưa chuộng xe ngựa vì tính tiện dụng và nhanh chóng, có thể xuống xe bất cứ lúc nào và bất cứ đâu. Ảnh chụp bởi Carl Mydans, năm 1950.
 
 
Chiếc xe bò chở hàng tại góc đường Khổng Tử - Tổng Đốc Phương, nay là ngã tư Hải Thượng Lãn Ông - Châu Văn Liêm, ảnh chụp năm 1950 đăng trên tạp chí Life
 
 
Ảnh chụp năm 1950 do Carl Mydans chụp, tại đường Phan Bội Châu ngày nay, bên hông chợ Bến Thành. Xe thổ mộ có thùng, khoang để khách ngồi, dài 1,18 m, chiều cao 1 m dùng vật liệu bằng gỗ mít, phía trên chia làm ba ô cửa sổ. Hai bánh xe làm bằng cao su và gỗ giáng hương được tiện khá sắc sảo.
 
 
Xe thổ mộ chờ khách ở Chợ Lớn, nay là khu vực quận 5, ảnh chụp bởi Jack Garofalo năm 1961.
 
 
 
Xe thổ mộ năm 1965 đi ngang qua công trường Mê Linh, ảnh do Bruce Baumler chụp. Đây là đường Tôn Đức Thắng ngày nay, đi dọc bờ sông Sài Gòn. 
 
 
Bùng binh chợ Bến Thành năm 1966 do Darryl Henley chụp. Ở Sài Gòn - Gia Định thời ấy có nhiều bến xe ngựa chạy khắp các tuyến đường. Bến xe ngựa trước chợ Bến Thành luôn đông đúc và nhộn nhịp vì là trung vực trung tâm thành phố, xe vào bến phải xếp hàng, khi nào đủ 7-8 khách là xe lên đường theo tuyến về Đa Kao hay vào Chợ Lớn hoặc xuống Tân Thuận.
 
 
Ảnh xe ngựa đi ngang chợ Cũ đường Hàm Nghi khoảng năm 1965-1966, được chụp bởi Thomas W. Johnson. Hình ảnh chiếc xe ngựa với những tiếng kêu lách cách và cặp bánh gỗ to đã trở nên quen thuộc với người dân miền Nam xưa.
 
 
Tác giả HG Waite chụp bức ảnh này vào tháng 1/1968, trước cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân vài tuần. Ảnh chụp tại bến xe ngựa, xe lam gần bùng binh chợ Sài Gòn. Tương tự như xe buýt hiện nay, những chiếc xe thổ mộ là phương tiện giao thông công cộng phổ biến thời bấy giờ, chở người và hàng hóa, có những bến đỗ riêng.
 
 
Ảnh chụp ở Chợ Cũ năm 1968, góc Hàm Nghi - Võ Duy Nghi, nay là đường Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu. Ngày nay, tại Thủ Dầu Một (Bình Dương) còn lại một vài nghệ nhân có thể phục chế chiếc xe thổ mộ, mục đích để phục vụ cho các trung tâm lưu giữ, bảo tàng.
 
 
Những năm 1980-1990, xe ngựa được thay thế bởi ôtô và xe máy. Xe thổ mộ trở thành một thời quá vãng. Hiếm hoi mới có những người cưỡi ngựa trên đường phố Sài Gòn. Ảnh được tác giả Thanh Tùng chụp tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, năm 2004.
 
Khánh Ly
Ảnh: Flick

Cuộc sống người Sài Gòn những năm 60

55 năm trước, quý ông Sài Gòn "ngồi đồng" cà phê vỉa hè ngắm phái đẹp trong tà áo dài thời trang chít eo xuống phố. Ngã tư Hàng Xanh mới được xây dựng trên một vùng đất hoang vắng. Ảnh do phóng viên Wilbur E. Garrett chụp năm 1961-1965.
 
Ảnh của Wilbur ghi lại cảnh sinh hoạt đời thường của người dân, sự phát triển hạ tầng đô thị, chân dung người Việt khắp các tỉnh thành Sài Gòn, Đà Nẵng, Vĩnh Long... Ở Sài Gòn thời ấy, những quán cà phê vỉa hè trung tâm thành phố luôn đông đúc. Đa số khách hàng là nam giới thảnh thơi uống cà phê và ngắm những tà áo dài thướt tha qua phố. Những quán cà phê ở góc đường Tự Do (Đồng Khởi ngày nay) một thời là nơi tập trung của nhiều ký giả nước ngoài.
 
 
Chân dung một cô gái Sài Gòn đội chiếc nón lá, ảnh chụp ngày 10/10/1965.
 
 
Người dân đốt hương trầm và ánh nến cháy đỏ bập bùng trong một ngôi chùa năm 1961.
 
 
Những người phụ nữ làm lễ bên một lư hương nghi ngút khói ở Lăng Ông Bà Chiểu, Bình Thạnh ngày nay.
 
 
Một diễn viên thời bấy giờ với khuôn mặt được hóa trang đậm đang diễn trên sân khấu Chợ Lớn.
 
 
Người múa lân đang treo mình trên một thân cây tre ở khu vực Chợ Lớn năm 1961 thu hút nhiều người xem.
 
 
Người đàn ông chở vợ và con trai dạo phố trên chiếc xe Vespa màu trắng bên cạnh hai bà cụ đi xích lô ngắm phố phường. Ảnh chụp ở bến Bạch Đằng năm 1961.
 
 
Một cặp vợ chồng trẻ vi vu trên đường.
 
 
Một cô gái buộc tà áo dài vào chỗ ngồi sau xe để tránh vướng khi chạy xe đạp. Dọc hai bên đường lúc này là bảng hiệu quảng cáo của thương hiệu kem đánh răng phổ biến thời bấy giờ.
 
 
Bến cảng Sài Gòn với những con thuyền lớn neo đậu, ảnh chụp ngày 1/10/1961. Ngày nay khu vực này là Bến Bạch Đằng. 
 
 
Một bến cảng cạnh sông đang hoạt động cùng khu vực đô thị phát triển tiếp giáp sông Sài Gòn.
 
 
Hai người lái xích lô ngả lưng nghỉ ngơi trên chiếc xe của họ.
 
 
Ngã tư Hàng Xanh hướng ra cầu Sài Gòn - xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa mới được xây dựng, khu vực còn khá hoang vắng với vài chiếc ôtô đang lưu thông. Ngày nay ngã tư Hàng Xanh là điểm ùn tắc kẹt xe thường xuyên. Tình trạng tắc đường những năm gần đây được giải tỏa bớt nhờ xây dựng cây cầu vượt thép đầu tiên của thành phố.

Chuyến tàu hỏa Sài Gòn - Nha Trang năm 1952

Hành khách mắc võng, nấu ăn trên tàu, ngồi ở bệ cửa sổ, đi lại thoải mái từ nóc toa... qua ống kính của nhiếp ảnh gia người Thụy Sĩ, Werner Bischof, chuyến tàu Sài Gòn - Nha Trang năm 1952.
 
Tàu hỏa Việt Nam 60 năm trước đơn giản, cũ kỹ, toa gỗ, thải đầy khói, khách phần lớn là dân nghèo. Nhiếp ảnh gia Werner Bischof là phóng viên độc lập cho nhiều tờ báo quốc tế, sau đó trở thành phóng viên chiến trường tại Việt Nam, cộng tác với tạp chí Paris Match
 
 
Thời gian ở Việt Nam không lâu, Bischof ghi lại nhiều ảnh tư liệu quý giá về cuộc sống con người, trong đó có bộ ảnh về sinh hoạt của hành khách trên một chuyến tàu Sài Gòn - Nha Trang năm 1952. Trong hình là em bé ngủ say trên hành trình đi Nha Trang.
 
 
Ở những khoang hạng bình dân không có ghế ngồi, mọi người mắc võng để có chỗ ngả lưng trên chặng đường xa.
 
 
Không gian trên tàu không nhiều nên chỉ có một số người được nằm, đa số ngồi la liệt trên sàn nhà, lẫn với hàng hóa.
 
 
Những khoang chật, hành khách bế trẻ nhỏ ngồi ngay ở thành cửa sổ, nơi có một thanh vịn thấp.
 
 
Một em bé địa phương tranh thủ bán nước cho khách khi tàu dừng ở một ga.
 
 
Phút nghỉ ngơi, thư giãn của một hành khách lúc tàu chưa chạy.
 
 
Những em bé bồng em theo người lớn trên những chuyến tàu đông khách.
 
 
Một bữa ăn trưa đơn giản được các nhân viên chuẩn bị trên tàu, phục vụ cho chuyến hành trình.
 
 
Một nhân viên bê nồi thức ăn di chuyển nhanh nhẹn trên nóc của toa tàu.
 
 
Người lái tàu làm việc bên trong đầu máy xe lửa. 
 
 
Tấp nập người và hàng hóa ở nhà ga. Trên các nóc tàu luôn có cảnh người đi lại thoải mái.
 

Người Sài Gòn đi máy bay 50 năm trước

Nửa thế kỷ trước, con đường dẫn đến sân bay Tân Sơn Nhất chạy giữa cánh đồng và rặng cây. Hành khách được kiểm tra an ninh ngay bên đường, qua ống kính của phóng viên Bill Eppridge (Mỹ) ngày 14/7/1965.
 
Xe buýt đưa đón khách đến sân bay. Bill Eppridge đã ghi lại những hình ảnh về một chuyến bay dân sự ở Sài Gòn, tại sân bay Tân Sơn Nhất năm 1965.
 
 
Bên trong khu vực sảnh sân bay Tân Sơn Nhất bấy giờ. Nhiếp ảnh gia, phóng viên ảnh Bill Eppridge (1938 - 2013) người Mỹ, làm việc cho tạp chí Life từ năm 1960 đến năm 1972. Ông là một trong những phóng viên nổi bật thế kỷ 20, ghi lại những sự kiện quan trọng giai đoạn này như cuộc chiến tranh Việt Nam, phong trào dân quyền ở Mỹ...
 
 
Nơi làm thủ tục cho một chuyến bay từ Sài Gòn đi Huế.
 
 
Hành khách sau khi làm thủ tục xong được vào khu vực chờ bên trong trước khi lên máy bay.
 
 
Hành khách đứng chờ được hướng dẫn đường lên máy bay.
 
 
Nữ tiếp viên hàng không trong trang phục áo dài, mũ lệch và găng tay trắng đang trực tiếp dẫn khách lên máy bay. 
 
 
Những hành khách xách theo hành lý ra máy bay. Bên phải bức ảnh là vị khách đặc biệt, thiền sư Thích Nhất Hạnh, người choàng khăn tối màu.
 
 
Đồng phục của nữ tiếp viên hàng không miền Nam Việt Nam (Air Vietnam) là áo dài màu xanh da trời chít ngang phần eo, một kiểu áo dài đặc trưng của phụ nữ Sài Gòn những năm 60 thế kỷ trước.
 
 
Thời điểm này, hành khách phải tự di chuyển một đoạn khá xa từ khu vực làm thủ tục đến máy bay chứ chưa có hỗ trợ từ xe hay cầu ống như hiện nay.
 
 
Trong ảnh, một người khuyết tật cũng tự di chuyển ra máy bay.

Giấc ngủ trưa trên vỉa hè Sài Gòn

Dưới cái nóng oi ả giữa trưa, nhiều người lao động cố tìm cho mình chỗ nghỉ ngơi dưới hàng cây xanh, góc phố vỉa hè.
 
Đường Tôn Đức Thắng ở quận 1 có nhiều cây xanh cổ thụ hàng trăm năm tuổi, tỏa bóng mát hầu như cả ngày và trở thành nơi mưu sinh cho người thợ cắt tóc vỉa hè, bà bán hàng ăn vặt, ông vá hơi bơm xe... Trưa, họ mắc võng bên hàng cây để ngả lưng nghỉ ngơi cho buổi làm việc ban chiều. 
 
 
Những người thợ làm việc cho các công trình xây dựng ở khu vực quanh đường Tôn Đức Thắng thì trải bạt để lót hoặc nằm trên bãi cỏ dưới bóng mát của hàng cây xanh tranh thủ chợp mắt.
 
 
Trên vỉa hè đường Lý Tự Trọng, quận 1, chị ve chai đội nón lá đạp xe đạp rong ruổi khắp đường phố ngõ hẻm, trưa cũng dừng chân tạm nghỉ. 
 
 
Công nhân thi công đường đi bộ Nguyễn Huệ ở trung tâm Sài Gòn, nghỉ trưa trên vỉa hè cạnh công trường, trưa 26/4. Nhóm công nhân này đang gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối cùng của phố đi bộ cho kịp tiến độ khánh thành dịp 30/4.
 
 
Ghế chờ xe buýt, thành bồn hoa có diện tích rất hẹp, chỉ đủ cho nửa lưng người lớn. Ngủ trên ấy chỉ gần trở mình là có thể bị ngã. Tuy nhiên, nhờ bóng mát cây xanh, nhóm công nhân vẫn chọn nó làm chỗ nghỉ ngơi.
 
 
Gầm một nhà ở di động trên bờ kênh Nhiêu Lộc cũng là nơi lấy bóng mát nghỉ ngơi của người thợ. Họ tận dụng miếng nhựa mỏng làm chiếu lót lưng, gối ngả đầu linh động từ chiếc áo phao cứu hộ.
 
 
Anh lao công nép mình trong buồng rút tiền ATM.
 
 
Mệt mỏi sau nhiều giờ làm việc, người chạy xe ba gác tấp xe vào vỉa hè. Anh chọn cho mình gốc cây có bóng mát hiếm hoi để nghỉ ngơi.
 
 
Hàng nước giải khát của bà Hạnh đã gắn bó với vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, hơn 3 năm nay. Đó là thu nhập chính của gia đình bà, giúp nuôi một con lớn học đại học và đứa nhỏ học lớp 6. Quán mở từ tờ mờ sáng đến chiều tối. Buổi trưa, bà ngủ gục trên ghế khi vắng khách. "Trưa không thể về nhà nghỉ được nên tôi phải tranh thủ chợp mắt tại chỗ", bà Hạnh cho biết.  
 
 
Ông Quý làm nghề sửa xe trên vỉa hè đường Nguyễn Văn Linh đã mười mấy năm nay. Ông bảo, lúc trước cũng tại vỉa hè này điểm sửa xe của ông rất đông khách, mỗi ngày có thể kiếm cả triệu bạc. "Nay mỗi ngày kiếm được khoảng một trăm nghìn là mừng, kiếm đủ cơm ăn thôi". Buổi trưa không có khách, ông tranh thủ nghỉ ngơi trên chiếc võng, mong buổi chiều sẽ đông khách hơn.

1 comment:

  1. Bệnh viện Đa khoa Phương Nam Cung cấp các gói dịch vụ thăm khám tổng quát chất lượng được thiết kế riêng tùy từng đối tượng, nhu cầu khách hàng giúp phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh lý hiệu quả.>>> Bạn cần khám các bệnh lý hãy đến Đa khoa Phương Nam

    ReplyDelete

quangnm