Monday, April 27, 2015

7 thứ bánh được ưa chuộng nhất trên phố Sài Gòn

7 thứ bánh được ưa chuộng nhất trên phố Sài Gòn

Published on April 26, 2015   ·   No Comments TTXVA BIÊN TẬP
Bánh bò dai dai, bánh tiêu bùi ngậy hay bánh tráng trộn chua ngọt chỉ là số ít trong rất nhiều món bạn có thể thưởng thức khi dành một ngày lang thang phố xá.
Bánh bò
1. Bánh bò : Món này được làm từ bột gạo, đường, nước cốt dừa, men. Khi chín, trên bề mặt có nhiều bong bóng nhỏ do có lỗ khí bên trong. Bánh có bốn loại là nướng, hấp, dừa và sữa. Trong đó bánh nướng có phần mặt và rìa vàng nâu do nước cốt dừa cháy giòn ; bánh hấp có nhiều màu hơn như xanh (từ lá dứa), tím (từ lá cẩm)… Bánh dừa không còn bóng khí mà dai và mịn hơn, có nhân đậu xanh, dừa nạo và loại còn lại sẽ thay thế nước cốt dừa truyền thống bằng sữa.
Bánh da lợn
2. Bánh da lợn : Thành phần của món này gồm bột năng, đường trắng, dừa nạo, vanilla hay lá dứa và một số gia vị khác. Một số loại có nhân như đậu xanh, khoai môn nghiền mịn, số khác thì không. Bánh có vị ngọt nhẹ nhàng cùng mùi thơm thoang thoảng khá dễ chịu. Bạn có thể ăn không hoặc cho thêm dừa khô và nước cốt dừa cùng đậu phộng rang.
Bánh tráng nướng
3. Bánh tráng : Sài Gòn nổi tiếng với nhiều loại bánh tráng khác nhau như trộn, nướng, cuốn sốt me, bơ… Trong số đó, được nhiều thực khách ưa chuộng nhất là hai loại trộn và nướng. Mỗi loại lại có hương vị hấp dẫn riêng, khó chối từ như nướng thì giòn, còn trộn lại chua ngọt và bùi ngậy…
Bánh tai yến
4. Bánh tai yến : Tên bánh này xuất phát từ hình dáng giống chiếc tổ chim yến nhưng nhiều người đã đọc chệch đi thành “tai yến”. Nguyên liệu chế biến khá dễ tìm gồm đường, bột gạo, bột năng và nước cốt dừa. Sau khi bột được nhào, nặn hình tròn, người làm sẽ đem chiên trong chảo dầu. Bước này phải làm thật khéo léo để phần bột giữa chín phồng lên và viền bánh cong lại, rám vàng.
Bánh tiêu
5. Bánh tiêu : Loại bánh này có bề ngoài khá bắt mắt với màu vàng ruộm cùng vừng trắng hấp dẫn. Đặc biệt mùi thơm ngậy tỏa ra khiến ai cũng thèm thuồng. Nguyên liệu chỉ gồm bột mì, bột nở, đường, muối và một chút vanilla. Bạn có thể kẹp thêm giò, chả hay kem để ăn cùng.
Bánh tằm khoai mì
6. Bánh tằm khoai mì : Củ khoai mì sau khi lột sạch vỏ được mài nhuyễn, vắt bỏ nước rồi trộn cùng đường, bột năng, nước cốt dừa và vani. Sau đó, người làm sẽ đem hỗn hợp này hấp từ 20 đến 30 phút, để nguội rồi xắt thành từng sợi. Để bánh trông hấp dẫn hơn, dừa nạo sẽ được đem trộn cùng. Bạn có thể ăn món này kèm muối mè.
Bánh ống lá dứa
7. Bánh ống lá dứa : Khoai mì, bột gạo tán nhuyễn, trộn cùng nước cốt lá dứa để lấy màu, sau đó đem hấp trong những ống nứa nhỏ. Sau khi chín, người làm sẽ đặt giữa lớp bánh tráng rồi rắc dừa nạo và muối mè lên. Món này ngon nhất khi được ăn nóng vì lúc này, vị béo ngậy của dừa mới quyện đều cùng các thành phần tạo dư vị khó quên.

12 món ăn Việt được công nhận giá trị ẩm thực châu Á

Published on September 7, 2012   ·   No Comments Phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, cơm tấm Sài Gòn, bánh đa cua Hải Phòng, bún bò Huế, bánh khọt Vũng Tàu, phở khô Gia Lai… sáng nay được Tổ chức kỷ lục châu Á công nhận là những món ăn mang giá trị ẩm thực châu Á.
Danh sách 12 món được công nhận là những món ăn mang giá trị ẩm thực châu Á gồm:
1. Phở Hà Nội:
Phở hấp dẫn người ăn vì nước dùng (nước lèo) có hương vị rất ngon và bổ dưỡng, được phối hợp từ nhiều loại gia vị và nguyên liệu khác nhau, kết hợp với bánh phở vừa mềm vừa dai.

Phở Hà Nội. Ảnh: VK.
Thành phần chính của phở là bánh phở, nước dùng cùng với thịt bò hay gà cắt lát mỏng. Ngoài ra còn kèm theo các gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt… Những gia vị này được thêm vào tùy theo khẩu vị của từng người dùng.
Món phở Hà Nội trước đó cũng được hãng thông tấn CNN xếp thứ 28 trong 50 món ngon thế giới.
2. Bún chả Hà Nội:
Bún chả được mệnh danh như một thứ “quà” đặc sản mà người Hà Nội gửi đến các vùng miền khác của Việt Nam.

Bún chả Hà Nội. Ảnh: VK.
Chả được tạo thành từ thịt ba chỉ hoặc nạc vai mềm ướp cùng với nước mắm, tiêu, hành khô đem nướng thành miếng chả viên và chả dẹt cho vào chén nước chấm. Nước chấm được pha chế từ nước mắm, đường, giấm, ớt, cho thêm vào đu đủ và cà rốt ngâm chua ngọt.
Khi ăn sắp bún tươi bên dưới, bên trên là đu đủ, cà rốt, chả miếng, chả băm vào tô, kèm theo các loại rau thơm của miền Bắc như: xà lách, kinh giới, tía tô, húng lủi, húng láng, húng quế. Sau đó chan nước chấm lên, có thể thêm ớt, tiêu tùy thích.
3. Bún thang Hà Nội:

Bún thang Hà Nội. Ảnh: VK.
Đây là món ăn được chế biến khá cầu kỳ, công phu. Nước dùng nấu từ nước luộc gà, xương lợn, cùng với tôm khô. Trứng tráng thật mỏng thái nhỏ. Giò lụa thái chỉ. Thịt gà nạc luộc chín xé nhỏ. Bên cạnh còn có ruốc tôm tơi như bông nên còn gọi là ruốc bông, củ cải khô, nấm hương…
Cho bún tươi vào tô, đặt thịt gà, trứng tráng, giò lụa… vào một góc trên mặt tô. Thêm ít rau mùi, hành hoa, rau răm thái lẫn với hành lá, điểm thêm chút hương cà cuống để tăng thêm hương vị cho món bún thang.

4. Bánh đa cua Hải Phòng:
Tô bánh đa cua ngon phải hội tụ đủ 5 màu: màu gạch cua nâu hồng, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của lá lốt, rau muống, hành lá, chanh; màu đỏ tươi nơi trái ớt và vàng rộm của hành khô.

Bánh đa cua Hải Phòng. Ảnh: VK.
Nước dùng từ xương hầm và nước cua đồng đã gạt hết bọt. Nổi phía trên nước dùng trong suốt là gạch cua nâu hồng, xôm xốp, miếng chả lá lốt xanh đậm, những mảy hành khô vàng rộm, giòn tan, những cọng rau, hành tươi xanh nõn. Tất cả hòa quyện nên hương vị riêng, khó quên cùa vùng đất cảng.
5. Cơm cháy Ninh Bình:
Để có món cơm cháy thơm ngon, gạo được nấu lên sao cho thật vừa nước, đủ dộ dẻo thành cơm. Khi cơm chín tới phải nhanh tay lấy hết ra chỉ để lại phần xém dưới đáy nồi, rồi tiếp tục đun, lúc này phải canh cho thật đều, tạo cháy ở khắp đáy nồi. Những miếng cháy được lấy ra khỏi nồi bẻ vừa vặn và đem phơi 2-3 nắng (hoặc sấy) cho thật khô, tránh ẩm mốc.

Cơm cháy, đặc sản Ninh Bình. Ảnh: bepgiadinh.
Khi thưởng thức cơm sẽ được chiên giòn. Nước sốt ăn kèm cơm cháy thường được làm từ thịt dê hay bò, tim, cật lợn xào với rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt, cà chua… tạo nên sự kết hợp độc đáo cho món đặc sản cơm cháy Ninh Bình.
6. Miến lươn Nghệ An:
Miến – một loại sợi được chiết xuất từ tinh bột dong nguyên chất – sau khi rửa sạch, trần nước sôi, được trần lại vào nồi nước dùng lươn màu nâu cho miến nở, thấm độ đậm, ngọt của nước dùng rồi cho vào tô.

7. Bún bò Huế:
Bún bò Huế là một trong những món ăn mang hương vị đặc trưng của xứ Huế. “Linh hồn” của món ăn này là nước lèo, được hầm từ xương lợn, xương bò với một vài loại củ. Nước lèo ngon phải trong, ngọt thanh, không mỡ màng. Gia vị chủ lực của bún bò Huế gồm mắm ruốc, sả, ớt cùng nước mắm được nêm đúng liều lượng để tạo mùi thơm phảng phất và vị ngọt đậm đà cho món ăn.

Bún bò Huế. Ảnh: VK.
Thịt bò cho món bún bò Huế là thịt nạm, đem luộc trong nồi nước lèo đến khi chín vớt ra để nguội rồi đem xắt lát, không dày cũng không mỏng quá.
Bún bò Huế được ăn với nhiều loại rau sống: rau muống, bắp chuối bào mỏng, giá, tía tô, húng quế…
8. Mì Quảng:
Sợi mì được làm từ bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, thái theo chiều ngang.

Mì Quảng. Ảnh: VK.
Khi ăn, bên dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt lợn nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương lợn. Ngoài ra, còn bỏ thêm đậu phộng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ… Nước nhưng (nước chan ăn với mì) không cần nhiều gia vị mà phải trong và có vị ngọt của bún xương lợn.
Rau sống để ăn với mì Quảng thông thường là loại rau đắng, diếp cá, rau húng, rau quế, rau cải, hành, ngò… của vùng rau Trà Quế nổi tiếng nằm ở phía Đông bắc phố cổ Hội An, làm tăng thêm hương vị của tô mì Quảng.
9. Phở khô Gia Lai:
Sợi phở khô được làm từ bột gạo, không mềm và dẹp như sợi phở mà mảnh và dai. Khi ăn trộn bánh phở đã trụng sơ với giá, thịt bằm, bên trên với rắc lớp hành phi vàng thơm vào tô. Đặc biệt, gia vị không thể thiếu là tương nâu, được làm từ tương hột giã nhuyễn, pha với chút ớt bằm tạo nên vị mằn mặn, béo béo, cay cay cho món ăn.

Phở khô Gia Lai. Ảnh: VK.
Tô nước lèo ăn kèm có thịt bò, hoặc bò viên, cũng có thể là thịt gà, rắc thêm chút hành ngò xắt nhỏ, tiêu đen. Rau ăn kèm với phở khô chỉ cần xà lách, húng quế.
10. Bánh khọt Vũng Tàu:
Bột bánh khọt được làm từ gạo được pha chế khéo léo, sao cho chiếc bánh khi chiên lên không khô, không nhão mà phải vừa giòn, vừa dai. Mỗi chiếc bánh khọt chỉ vừa bằng miệng tách uống trà, bên trên được trang trí bằng màu đỏ của mấy con tôm lột sạch vỏ, màu xanh của hành lá xắt nhuyễn, đôi khi lại có bột tôm xay rải lên mặt bánh.

Bánh khọt. Ảnh: VK.
Ăn kèm với bánh khọt là đu đủ, cà rốt xắt sợi ngâm giấm đường, cùng với xà lách và các loại rau thơm như húng quế, ngò gai, tía tô… Nước chấm dùng cho món ăn này là nước mắm pha chua ngọt.
11. Gỏi cuốn Sài Gòn:
Gỏi cuốn là một trong 50 món ăn ngon nhất thế giới do CNN bình chọn trước đó.

Gỏi cuốn là món ăn phổ biến ở Sài Gòn. Ảnh: VK.
Bánh tráng mỏng, mềm, dai bên ngoài, bên trong cho vài ba con tôm, mấy lát thịt ba rọi luộc, chút bún tươi, vài cọng hẹ sống xanh ló ra ngoài, thêm ít giá, rau thơm, xà lách… cuốn lại. Gỏi cuốn ngon phải có nguyên liệu tươi và cuốn chắc tay, gọn ghẽ.
Nước chấm dùng cho gỏi cuốn có thể là mắm nêm, nước mắm, hoặc tương được làm từ tương hột đem xay hoặc giã nhuyễn, pha chế khéo léo vừa ăn. Mỗi thứ nước chấm lại mang đến cho món gỏi một hương vị ngon, lạ khác nhau.
12. Cơm tấm Sài Gòn:
Cơm tấm được làm từ hạt gạo xay bị gãy nấu thành cơm. Cơm tấm thường được ăn với 4 món chính: sườn nướng, bì, chả, trứng ốp la. Đĩa cơm tấm bốc khói cùng với miếng sườn nướng vàng rượm, thơm tho, bên cạnh những sợi bì dai mềm được làm công phu từ da lợn, song song đó là miếng chả hay trứng ốp la vành tròn trắng bên ngoài, bên trong lòng đỏ vừa chín tới.

Cơm tấm Sài Gòn. Ảnh: dulich.
Nước dùng để chan cơm tấm là nước mắm pha có vị ngọt vừa phải và hơi sánh, không loãng như nước mắm dùng cho các món ăn khác. Ăn kèm với cơm tấm có cà chua, dưa leo xắt lát mỏng, cà rốt hoặc củ cải trắng ngâm giấm.
Theo Vnexpress

LIKE this:

Ẩm thực vỉa hè Sài Gòn

Published on September 1, 2012   ·   No Comments Ẩm thực đường phố hay ẩm thực vỉa hè là nét văn hoá rất riêng với sự độc đáo khó nơi nào có được. Ở Sài Gòn người ta có cái thú đi ăn, họ có thể ăn sáng, trưa, chiều, tối, khuya… Bất cứ giờ nào trên vỉa hè cũng có nhiều nơi bán những món ăn mà họ ưng bụng.
Với sự phát triển của thành phố, ẩm thực vỉa hè đã được nâng tầm. Ngoài cái vỉa hè xưa quen thuộc, nhiều món ăn bình dân đã được đưa vào mặt tiền của những trung tâm thương mại sang trọng, những quán cặp sát đường với không gian kính trong suốt nhìn ra đường phố. Cho dù ở vị trí nào thì cái thú được ngồi trên vỉa hè ăn ngon, ngắm nhìn nhịp sống rộn ràng luôn lôi cuốn mọi người dù quen hay lạ.
Xôi bắp của bà Kiệm đã hiện diện hơn 60 năm trên vỉa hè ở trung tâm thành phố…
Do nhu cầu của thị dân, nhiều món ăn sáng vỉa hè đặc trưng của Sài Gòn như bánh mì, cơm tấm, phở… đã vượt qua khỏi ranh giới thời gian để phục vụ suốt ngày cho đến khuya.
Xôi ba miền vỉa hè
Buổi sáng Sài Gòn, những gánh xôi, xe bánh mì, hàng cơm tấm, bánh cuốn, hủ tíu… bình dân khoảng 5 giờ đã bắt đầu dọn hàng. Từ 6 giờ trở đi gánh xôi đã nắm sẵn từng gói với giá năm ngàn, bảy ngàn, mười ngàn… chờ khách mua.
Nếu ẩm thực đường phố Sài Gòn tự hào là nơi khai sinh ra bánh mì thịt, thì cũng phải cám ơn xôi từ khắp ba miền đất nước đã đem lại sự phong phú đa dạng cho ăn sáng vỉa hè. Từ Bắc với xôi xéo, xôi gấc, xôi khúc, xôi bắp; đến miền Trung như xôi thịt hon, xôi đường và xôi phương Nam đậm đà hương nếp than, đậu xanh, đậu đen, xôi mặn…
Nhưng có lẽ món xôi bắp không nơi đâu ngon hơn của bà Kiệm, người miền Bắc di cư, bán hơn 60 năm qua tại góc ngã tư Lê Thánh Tôn – Pasteur, quận 1. Bên đôi quang gánh là vài chiếc ghế con, khách có thể ngồi ngay trên vỉa hè thưởng thức dĩa xôi bắp ngọt ngào, hương vị nếp căng mẩy, hạt bắp nở bung, đậu xanh vàng bùi, hành phi thơm nức… Xôi của bà là một sự hoà quyện tinh tế thật tuyệt giữa cái vị thuở xưa của bà với “hương phố” Sài Gòn.
Bánh mì trong nhà ngoài ngõ
Những xe bánh mì có mặt khắp nơi trên đường phố. Tuy học làm từ người Pháp nhưng bánh mì Sài Gòn có “thương hiệu” riêng, khác bánh mì Pháp nhờ vị tươi mới, không đặc ruột quá mà cũng không bọng quá, vỏ bánh giòn, nhai rau ráu vừa đã miệng vừa thơm mùi bột mì nướng.
Kể làm sao xiết, còn rất nhiều món nóng bán cả ngày đến khuya như bún bò Huế, mì Quảng, hủ tíu dê, bánh canh, bò kho, bánh bèo, bún chả, bánh cuốn… Tất cả tạo nên bức tranh sinh động cho ẩm thực đường phố Sài Gòn luôn độc đáo, thú vị.
Một ổ bánh mì thịt bình dân giá khiêm tốn khoảng mươi, mười lăm ngàn nhưng mỗi ổ là một hương vị mới lạ đầy lôi cuốn bởi nó “chuyên chở” các thứ nhân khác nhau như thịt, patê, chả lụa, jambon, xíu mại, trứng, cá mòi… kèm với dưa leo, củ cải trắng, củ cải đỏ làm chua, hành ngò, lát ớt cay nồng… Và, mỗi xe bánh mì đều có một bí quyết riêng. Người khá giả hơn thì chọn bánh mì Hoà Mã, Hà Nội, Như Lan, Lan Huệ… Ngồi vỉa hè ăn ổ bánh mì thơm nóng, uống càphê sáng, trưa chiều bất kể, ngắm dòng người qua lại cũng là một thói quen của người Sài Gòn.
Với dân văn phòng, doanh nhân thích ăn sáng bánh mì cũng có nơi dọn riêng: trứng ốp la, patê, chả, thịt… trong một dĩa. Ở đó là những quán càphê có không gian mở nhìn ra phố như Highlands, A&B tower, Windown hay những căn phòng máy lạnh yên tĩnh như Coffee Bean, bánh mì Bready. Ở đó, họ có thể mở laptop lướt web, xem báo, gặp bạn bè hoặc chỉ để thư giãn…
Cơm tấm bình dân và cao cấp
Trong những món ăn sáng rẻ tiền, ngon và chắc bụng thì dĩa cơm tấm là số một. Ở bất cứ ngã tư đường hoặc con hẻm nhỏ nào của Sài Gòn, dường như đều thấy hàng cơm tấm bình dân không tên trên vỉa hè; dễ nhận diện là hương khói thịt nướng đưa mùi bay xa. Bộ ba cơm tấm – bì – chả làm cơ bản và hợp rơ nhau đến lạ lùng. Có thể kêu thêm miếng sườn nướng bằng bàn tay ăn cho… đã đời.
Hiện, cơm tấm bình dân giá khoảng mười mấy đến hai mươi mấy ngàn. Nhưng cơm tấm máy lạnh có thương hiệu như Thuận Kiều, Kiều Giang, Mộc, Cali… thì miếng chả hấp đơn sơ phải có thêm tôm cua, bì thì thịt nhiều hơn da heo. Ngoài ra, còn những món kèm theo nào gà nướng, tôm kho tàu, thịt kho tàu, lạp xưởng tươi…
Phở bày bán trong khu vui chơi như một kiểu “phở cộng đồng”.
Món nóng đường phố
Có lắm món nóng như phở, bún bò, hủ tíu, mì… trong đó, phở luôn là món chiếm vị trí đầu bảng. Gánh phở bình dân mà người ta còn nhớ đã được ông Kỉnh từ làng Vân Đình (Hà Đông) mang vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 1942. Ông bán gánh phở Bắc trên đường Lagrandière (nay là Lý Tự Trọng). Sau ông Kỉnh truyền nghề cho ông Minh và gánh phở chuyển về đường Pasteur bán suốt 70 năm qua tại quận 1. Cùng dòng phở Bắc trước năm 1975 còn có phở Quyền gần ngã tư Phú Nhuận, phở Bà Dậu trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phở Tàu Bay ở Lý Thái Tổ…
Rồi sau năm 1975, nhiều người Bắc vào miền Nam sinh sống, vậy là dân Sài Gòn có thêm gu phở Bắc… mới như phở Lý Quốc Sư trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình, phở Hoàng Tùng trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, phở Phú Gia trên đường Lý Chính Thắng, quận 3… Rồi tiếp đến những nhóm “phở mới”, mở đầu là phở 2000, sau đó phở 24 và gần nhất là thương hiệu phở Hùng, phở 99 – dòng phở do người Việt từ nước ngoài trở về tham gia thị trường.
Bên cạnh phở nóng có hủ tíu Nam Vang Liến Húa, Hồng Phát trên đường Võ Văn Tần, quận 3, Ty Lum đường Huỳnh Mẫn Đạt, quận 5, Kim Tháp đường Bà Hạt, quận 10. Ở đó, nhiều người thích ăn cọng hủ tíu nhỏ, mỏng dai và hơi trong, nước lèo có thêm tỏi băm phi vàng, thơm đậm.
Vào khu Chợ Lớn thì những tiệm hủ tíu mì có ở khắp nơi. Giá bình dân thì hai đến ba mươi ngàn, cao hơn cũng tầm bốn, năm mươi ngàn một tô. Nào là hủ tíu mì xá xíu, bò kho, thập cẩm… kèm với bánh bao, há cảo. Có nơi với cả chục loại bánh bao, xíu mại cua, há cảo tôm, bánh xếp sò điệp… đựng trong xửng luôn bốc khói; nghe đủ các hương vị. Sang thì nhà hàng khách sạn năm sao như Reverside, Intercontinental, Sheraton…
Kể làm sao xiết, còn rất nhiều món nóng bán cả ngày đến khuya như bún bò Huế, mì Quảng, hủ tíu dê, bánh canh, bò kho, bánh bèo, bún chả, bánh cuốn… Tất cả tạo nên bức tranh sinh động cho ẩm thực đường phố Sài Gòn luôn độc đáo, thú vị.
Theo SGTT

LIKE this:

Quán hàng xập xệ, món ngon HN có mãi tồn tại?

Published on August 26, 2013   ·   No Comments

Tự nhiên, tôi giật mình lo rằng, liệu có lúc nào đó, các quán ăn vỉa hè truyền thống sẽ mất đi, các món ngon Hà Nội sẽ bị mai một?

 Dù có đi 4 phương trời…
Từ lâu, món ngon Hà Nội đã đi vào văn chương, thi ca. Mỗi người Hà Nội đi xa khi trở về đều ngóng đợi tìm lại hương xưa qua những món ăn. Du khách hội tụ về cũng đều thích thú thưởng thức những món ngon vỉa hè – đặc sản của Thủ đô.
Mỗi món ăn ở 36 phố phường là tinh tuý chắt lọc từ các các miền quê, qua bàn tay tinh tế, khẩu vị cầu kỳ của người kinh kỳ kẻ chợ, đã nâng lên thành các món mang nét riêng biệt, đặc sắc của Hà Nội. Cũng là phở, nhưng phở Hà Nội khác phở Nam Định. Cũng là bún chảm, nhưng bún chả Hà Nội khác bún chả Hà Nam…
Đồ ăn ở Hà Nội vốn nổi tiếng có lẽ có hai thứ, cỗ và quà. Cỗ truyền thống thường cầu kỳ, tám đĩa tám bát, chỉ được nấu chủ yếu trong các dịp lễ Tết, cỗ cưới hay giỗ chạp. Những mâm cỗ truyền thống giờ đây dường như đã mai một dần, thay đổi nhiều để phù hợp với nhịp sống hiện đại.
Vậy là Hà Nội giờ nổi tiếng chủ yếu vì quán hàng vỉa hè. Ở đây đi ăn người ta không gọi đi ăn hàng, mà thường nói là ăn quà. Ăn quà là “ăn chơi”, là thưởng thức, chứ không phải ăn lấy no.
Nói quà Hà Nội thì nhiều lắm: phở, bún chả, bún mọc, bún thang, bún đậu, bánh cuốn, nộm,  bánh trôi tầu, v.v… Hồi sống ở nước ngoài, mỗi lần nghĩ đến quà vỉa hè, tôi lại mong về, để được đi ăn thật thỏa thích. Và khi trở về, thế nào tôi cũng phải đi một vòng các quán và mất kha khá thời gian mới có thể thưởng thức lại hết được “danh sách” dài những món “vấn vương” trong lòng khi ở xa.
{keywords}
Phở – món ăn nổi tiếng của Hà Nội
Hương xưa có mai một?
Các quán hàng bây giờ vừa giống lại vừa khác với thời Băng Sơn viết về món ăn Hà Nội khiến tôi say mê. Và hẳn càng khác so với thời Nguyễn Tuân, Thạch Lam…
Sự khác biệt ấy khiến tôi ngẫm nghĩ về những món quà phố. Không biết có ai cảm giác giống tôi, rằng chúng hình như không còn ngon như xưa. Có thể, một phần vì hồi trước đói kém, còn giờ, đời sống đã đủ đầy lên nhiều chăng?
Có lẽ không chỉ bởi thế…
Các món vỉa hè đều chế biến theo lối “gia truyền”, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm gia giảm của chủ quán. Những quán hàng nổi tiếng, sau khi người chủ mất đi, truyền đến đời sau, chuyện không giữ được chất lượng như xưa là thường xảy ra.
Thêm nữa, nguyên liệu cũng đã khác xưa. Muốn giữ được hương vị, chất lượng ổn định như trước không phải là điều dễ dàng với kiểu kinh doanh nhỏ lẻ của các hàng quán vỉa hè.
Vệ sinh cũng là một vấn đề. Rất nhiều người, trong đó có cả tôi trước đây vốn rất thích thú những quán xá cũ kỹ, ám đầy bụi than, đặc trưng của quán vỉa hè. Nhưng giờ, các hàng quán bày bừa rác, xập xệ, bám đầy bụi đường phố sẽ khiến thực khách “gờn gợn” về  an toàn thực phẩm, ăn uống vì thế cũng kém ngon.
Đã có một thời Hà Nội muốn xây dựng rầm rộ một phố ẩm thực, như là một cách giữ gìn những món truyền thống, văn hoá ẩm thực Hà thành. Nhưng rồi tôi thấy ngõ Cấm Chỉ cũng không có gì đặc sắc hơn, bao năm vẫn những quán vỉa hè tự phát, điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Hay những khu phố Tây ba lô, phố đồ ăn Mai Hắc Đế cũng vẫn như xưa, đồ ăn không có gì cải tiến.
Càng ngày ở Hà Nội càng có  nhiều khu chung cư, ở các chung cũ mới mọc lên, sẽ rất khó để những quán hàng vỉa hè có thể phát triển được thành các khu như trong phố cổ. Rồi quán ăn nhanh mọc lên ngày càng nhiều có làm giảm sức hút của các hàng quán vỉa hè? Đặc biệt khi các thế hệ sau rất dễ thích ứng với những loại đồ ăn tiện dụng này.
Tự nhiên, tôi giật mình lo rằng, liệu có lúc nào đó, các quán ăn vỉa hè truyền thống sẽ mất đi, các món ngon Hà Nội sẽ bị mai một?
Tôi lại nhớ về khi dạo bước trên các phố cổ  ở Barcelona hay Paris của châu Âu. Tôi thấy các hàng quán vỉa hè vẫn nhộn nhịp phát triển trong một xã hội hiện đại mà đồ ăn nhanh chiếm ưu thế. Tôi cũng đã từng ăn ở các quán gia đình trong khu phố cổ ở Montreal, Florence. Đó là những quán ăn ngọn gàng sạch sẽ, ấm cúng, đậm truyền thống, bản sắc và không khí đặc trưng của vùng miền.
Tôi tin, người Hà Nội và du khách vẫn sẽ thích thú những món ăn đường phố. Tuy nhiên, các hàng quán vỉa hè Hà Nội không thể tồn tại lâu dài nếu vẫn còn giữ nguyên kiểu chế biến vệ sinh thực phẩm như bây giờ. Sự thoải mái không đồng nghĩa với bẩn, xập xệ. Và quan trọng là chất lượng, trong đó có sự yên tâm về vệ sinh, và hương vị phải giữ được sự ổn định.
Mọi thứ không ngừng thay đổi, món ăn cũng vậy. Nhưng giữ gìn truyền thống là nắm bắt và gìn giữ cái hồn của món ăn, từ đó để phát triển chúng lên cho phù hợp với khẩu vị từng thời. Những món ăn mới đậm bản sắc Hà Nội cũng cần được sáng tạo tiếp để thực khách có thêm nhiều lựa chọn.
Tôi mong ước về một Hà Nội với những quán nhỏ, tinh tươm, sạch sẽ, có không gian riêng trong những khu phố cổ, phố cũ. Ở đó, những món ăn được chế biến thủ công theo bản sắc riêng của từng quán hàng, vừa truyền thống, vừa hiện đại, đảm bảo vệ sinh, và mang hồn cốt của những món xưa.
Muốn làm được điều ấy, không chỉ cần những bí quyết truyền thống được tiếp nối qua các thế hệ, mà còn cần sự sáng tạo dựa trên tinh thần và văn hoá của xứ nghìn năm văn vật. Chỉ có như vậy, món ngon Hà thành mới được gìn giữ và tồn tại bền lâu.

Trào lưu ẩm thực nhanh đến nhanh đi

Published on May 7, 2014   ·   No Comments goicuon
Gói cuốn xứ Nam và phở cuốn xứ Bắc
Ẩm thực giống như thời trang cũng có những trào lưu, xu thế và thay đổi theo từng năm, thậm chí là từng mùa. Tuy nhiên, chính sự “biến hóa” của nó đã góp phần đem lại nhiều màu sắc cho văn hóa ẩm thực cũng như phần nào cho thấy sự dịch chuyển của xã hội.
Để nhận biết những món ăn đang là thời thượng giờ đây không khó, chỉ cần lướt qua một số trang web về ẩm thực hay lên mạng xã hội là có thể nhận biết ngay bởi mỗi khi có món ăn nào đó lên ngôi chúng lập tức được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên thế giới ảo. Và tương ứng với độ phổ cập ấy là sự xuất hiện đến dày đặc các quán ăn nhà hàng có bán thứ đó.
khucbach
Hàng chè khúc bạch xuất hiện khắp đường phố
Còn nhớ cách đây khoảng 2 năm, khi Sài Gòn bức bối trong cái nắng và nóng, người ta đem bán món chè khá lạ, không màu mè bắt mắt, cũng chẳng vị đậm đà đặc trưng chỉ là nước đường với vài miếng giống đậu hũ, thêm vài lát hoa quả để mộc như để nhấn nhá cho món ăn. Có lẽ chính cái sự giản dị và ngọt thanh thanh ấy lại rất hợp để giải tỏa đi cơn khát trong ngày hè, vậy nên món chè có cái tên khá mĩ miều – chè khúc bạch ấy lại nhanh chóng chinh phục được giới trẻ Sài Thành. Và như một cơn lốc xoáy, chè khúc bạch cứ lan rộng dần rồi từng bước xâm lấn Hà Nội. Đến nỗi khắp nơi đâu đâu cũng thấy treo biển bán chè khúc bạch, từ quán vỉa hè bình dân đến nhà hàng sang trọng, và đám trẻ cứ hẹn hò là lại rủ nhau đi ăn chè khúc bạch. Tuy nhiên, sau một thời gian khuynh đảo thế giới quà vặt thì khúc bạch cũng đang dần thoái trào, bởi nhiều người cho rằng sự nhạt nhòa trong hương vị khiến người ta cũng không mấy lưu luyến và nhanh chóng quên đi cái sự cả thèm ban đầu.
Cũng là một món quà vặt được giới trẻ ưa chuộng nhưng có nhiều phiên bản khác nhau và có sức sống lâu hơn chính là pho mai que. Chỉ đơn giản là pho mai thái dài lăn bột và chiên giòn nhưng món ăn này có sức quyến rũ rất mạnh mẽ đối với đám học sinh sinh viên, đặc biệt là những đám trẻ tiểu học. Giá tiền phải chăng 5-7 nghìn đồng/chiếc, chúng không quá khó để xin tiền phụ huynh thỏa cơn thèm, và cũng tiện để lót dạ sau giờ tan học chờ người đến đón, hay là món nhâm nhi trong những buổi gặp mặt bạn bè. Khởi đầu ở Hà Nội, từ từ lan rộng sang các tỉnh phía Bắc và sau đó là Nam tiến và có vẻ vẫn chưa bị thực khách chán. Thậm chí nó còn kịp nhân bản với món sữa chiên bởi những chủ hàng ở Sài Gòn và đã bắt đầu phổ biến ở Hà Nội. Tuy nhiên, sữa chiên không thực sự có sức hấp dẫn bởi nó đơn giản chỉ là bột trộn sữa đặc, sữa tươi nên khá ngọt và dễ ngán.
Trong số những món quà vặt cổng trường không thể không nhắc đến khoai tây lốc xoáy hay sữa chua dẻo. Đây đều là những món ăn khá quen thuộc từ nhiều chục năm nay, song nó chỉ có đôi chút khác lạ về hình thức khi khoai tây được tạo hình xoắn ốc và thêm hương vị nhờ được rắc thêm các loại bột gia vị. Sữa chua thì được “nâng cấp” lên nhờ thêm một số phụ gia và quá trình đông đá. Song cũng chính bởi vậy mà giá bán của hai món ăn này cũng đắt hơn nhiều so với món ăn nguyên bản.
Bên cạnh những món quà vặt nhanh đến, nhanh đi thì nhiều món ăn dân dã cũng nhanh chóng trở thành mốt. Trước đây, khi đói nghèo người ta phải tự đi bắt các loại côn trùng về làm món ăn cải thiện dinh dưỡng cho gia đình thì giờ đây chúng đang trở thành những món ăn thời thượng. Những con dế mèn, châu chấu, hay rươi, đuông dừa trở nên đắt giá và xuất hiện ngày càng nhiều trong những nhà hàng mà chỉ người có điều kiện mới được thưởng thức. Thậm chí người ta còn sẵn sàng chi ra vài triệu đồng để mua được vài lạng trứng kiến về ăn cho biết.
bundau
Người mẫu Thu Hằng cũng rất bắt kịp thời thế khi mở cửa hàng kinh doanh bún đậu mắm tôm.
Bún đậu mắm tôm vốn được coi là món ăn rẻ tiền ở Hà Nội thế nhưng mới đây nó lại bỗng chốc là món ăn thời thượng ở Sài Gòn. Nhà nhà mở quán bán bún đậu mắm tôm, người người đi ăn bún đậu mắm tôm. Món ăn bình dân này còn ngày càng được ưa chuộng khi các nghệ sĩ nổi tiếng cũng đua nhau tham gia kinh doanh. Đến nỗi muốn đi nhậu dân Sài Thành cũng hẹn nhau ở quán bún đậu, đi gặp khách hàng ký hợp đồng cũng rủ đi ăn bún đậu. Cái phong cách lê la vỉa hè của người Hà Nội cũng bắt đầu nhiễm sang người Sài Gòn. Tuy nhiên, trào lưu này cũng nhanh chóng “xì hơi” chỉ sau chưa đầy một năm. Có lẽ sự khác biệt của khẩu vị giữa hai miền cũng như phong cách thưởng thức khác nhau nên bún đậu không đủ sức níu kéo dân xứ Nam. Nhiều nhà hàng đã phải đóng cửa, và trên diễn đàn bắt đầu rộ lên những lời chê bai món ăn này. Song tại Hà Nội món ăn này vẫn được ưa thích, nhưng có lẽ nhờ được nâng tầm ở Sài Gòn mà giờ đây bên cạnh những quán hàng rong, nhiều nhà hàng bún đậu cao cấp đã được mở ra và chủ yếu thực khách là giới văn phòng ngại ngồi lê la, và tránh cái nắng hè phố.
Có thể thấy dù khác nhau về văn hóa, song khoảng cách vùng miền đã bắt đầu rút ngắn, giữa Nam và Bắc đã có những giao thoa không chỉ văn hóa mà cả trong ẩm thực. Thị trường gia vị cũng đa dạng hơn, độ phủ rộng hơn, Nam có gì thì Bắc cũng có, và ngược lại, bởi vậy mà những món ăn cũng có sự lai tạp trong hương vị. Dường như trong cơn quay cuồng của kinh tế, sự nghiệp và gia đình, người ta cũng bớt phần khó tính hơn trước nên cũng dễ dàng chấp nhận những món ăn không còn nguyên bản. Thế nên, với người sành ăn thì tùy từng món ăn họ lại chọn cho mình những cửa hàng ruột khi còn giữ được những món ăn theo hương xưa.
Mà chẳng những món ăn, đến ngay các mô hình kinh doanh cũng nhanh chóng được truyền bá giữa hai miền. Hà Nội rộ lên buffet quà vặt thì Sài Gòn cũng có, hay phong trào dịch vụ ăn đêm trên mạng nở rộ ở Sài Gòn thì Hà Nội cũng xuất hiện ngay sau đó. Các cửa hàng xiên nướng đồng giá đông khách ở xứ Nam thì xứ Bắc cũng không muốn kém cạnh khi hàng loạt cửa hàng xuất hiện sau đó. Tuy sự thành công có khác nhau, song có thể thấy việc người Bắc di Nam hay người Nam ra lập nghiệp phía bắc đã vô tình tạo nên sự dịch chuyển của ẩm thực hai miền. Người tạo nên những trào lưu ấy chính là giới trẻ và đón nhận những trào lưu ấy không ai khác cũng lại là những người trẻ tuổi.
THEO SỐNG MỚI

No comments:

Post a Comment

quangnm