Sunday, May 10, 2015

Những điểm đến nổi bật trong thành phố Hải Phòng

Những điểm đến nổi bật trong thành phố Hải Phòng

Chỉ cần dành khoảng 3 tiếng ghé thăm Nhà hát Lớn, cầu Bính, chợ Đổ... du khách đã có thể thực hiện chuyến khám phá một vòng thành phố hoa phượng đỏ.
 
Cách Hà Nội khoảng 100 km về phía đông bắc, trung tâm thành phố Hải Phòng là nơi du khách có thể dừng chân khám phá trên đường đến Đồ Sơn hoặc Cát Bà dịp hè này. 
 
 
Tượng đài nữ tướng Lê Chân nằm trước trung tâm triển lãm là một trong những biểu tượng của thành phố hoa phượng đỏ. Công trình được khởi công ngày 30/11/1999, là sự tôn vinh với nữ tướng Lê Chân, người có công gây dựng nên Hải Phòng ngày nay. 
 
 
Nhà hát Lớn khởi công năm 1904 theo lối kiến trúc Baroc. Công trình từng là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của người giàu bản xứ và quân đội Pháp. Ngày nay, các hoạt động chủ yếu là kỷ niệm, mít tinh, biểu diễn... Các buổi hòa nhạc định kỳ phục vụ người dân được tổ chức tại vườn hoa Nhà Kèn gần đó. 
 
 
Cầu Bính nối trung tâm thành phố với huyện Thủy Nguyên. Đây là cây cầu dây văng có chiều dài 1,3 km, khởi công ngày 1/9/2002. 
 
 
Công trình này cũng là một trong nhiều điểm du lịch của Hải Phòng. Nhiều khách thường tới đây vào bình minh hay hoàng hôn để ngắm bức tranh toàn cảnh thành phố trong ánh mặt trời. 
 
 
Chợ Đổ là tên thường gọi của chợ Tam Bạc vì được xây dựng trên nền đất cũ của một khu nhà đổ trong chiến tranh. Chợ là đầu mối trái cây và nông sản lớn. Thời điểm đông nhất là sáng sớm, tiếng người mua bán hòa nhau tạo không gian huyên náo. 
 
 
Nằm gần chợ Đổ là hồ Tam Bạc, điểm nhấn của dải trung tâm thành phố. Là điểm các cụ già đánh cờ, thanh niên tập thể dục hay trẻ nhỏ vui chơi, du khách ghé thăm hồ có thể cảm nhận nếp sống thường ngày của người dân.
 
 
Cảng Hải Phòng xây dựng năm 1874, là cảng biển lớn nhất miền Bắc. Đây là nơi du khách có thể chứng kiến các hoạt động giao thương sôi động.
 

Kinh nghiệm khám phá thành phố hoa phượng đỏ

Ngoài ghé thăm những điểm đến nổi bật ở Hải Phòng như Nhà hát lớn, khu phố Tây, chợ Hàng với các món ngon đậm chất xứ cảng, du khách có thể tới thêm Cát Bà hay biển Đồ Sơn.
Hải Phòng cách Hà Nội khoảng 102 km, là thành phố cảng lớn nhất miền bắc và có nhiều điểm du lịch cho du khách lựa chọn. Dưới đây là một số gợi ý và kinh nghiệm giúp bạn tham khảo.
Thời gian
Thời điểm phù hợp để ghé thăm Hải Phòng là tháng 4 - 10. Lúc này, khí hậu khô thoáng, phù hợp những chuyến dã ngoại, tắm biển và khám phá thành phố. 
15365135192-913ae50acf-z-5861-1430992747
Khoảnh khắc lung linh của thành phố khi đêm về .Ảnh: Jang Son Dong.
Di chuyển đến Hải Phòng
Ô tô: Từ Hà Nội, các chuyến tới thành phố hoa phượng đỏ thường khởi hành tại bến xe Gia Lâm, Yên Nghĩa, Hà Đông. Một vé có giá trung bình khoảng 80.000 đồng. 
Tàu hỏa: Vé tàu từ Hà Nội tới Hải Phòng dao động từ 50.000 đến 100.000 đồng, tùy loại ghế. Thời gian khởi hành vào 6h, 9h20, 15h35, 18h10. 
Xe máy: Tại Hà Nội, bạn đi theo đường 5 tới thẳng trung tâm thành phố. Thời gian chạy xe gần 3 tiếng.
Máy bay: Sài Gòn và Đà Nẵng đều có các chuyến bay tới sân bay Cát Bi. Giá vé một chiều trung bình một triệu đồng. 
Di chuyển tại Hải Phòng
Ngoài taxi và xe ôm là hai phương tiện dễ tìm, du khách có thể thuê xe máy, xe đạp tại khách sạn mình đang nghỉ hoặc một số website. Giá thuê khoảng 80.000 - 200.000 đồng tùy loại. 
Điểm nghỉ trong thành phố
Điện Biên Phủ, Trần Phú, Bạch Đằng, Trần Quang Khải là những con đường tập trung nhiều khách sạn lớn, nhỏ khác nhau với mức giá từ 200.000 đến 2 triệu đồng một phòng. Các điểm du lịch như Đồ Sơn, Cát Bà, nhà nghỉ thường dễ tìm hơn với giá tương đương.
Điểm tham quan trong thành phố
15151945809-4dc79a9963-z-4115-1430992747
Nhà hát lớn xây dựng từ năm 1904 theo lối kiến trúc Baroque. Ảnh: Jang Son Dong.
Nhà hát lớn hay còn gọi là Nhà hát thành phố gồm hai tầng, sân khấu chính cùng hành lang, phòng gương, hội trường 400 ghế... Không gian trước cổng là một quảng trường, thích hợp cho các hoạt động vui chơi, dạo mát hay chụp ảnh.
Cầu Bính là cầu dây văng dài 1,3 km nối trung tâm thành phố với huyện Thủy Nguyên. Đây là điểm tham quan yêu thích của nhiều du khách. Bạn nên tới vào buổi chiều tà để tận hưởng khoảnh khắc màu đỏ cam của mặt trời cuối ngày phản chiếu xuống mặt sông Cấm.
Phố Tây là tên gọi chung của các đường Hoàng Văn Thụ, Điện Biên Phủ, Minh Khai, Lê Đại Hành...  Không giống phố Tây ở Hà Nội hay Sài Gòn, đây là nơi tập trung những ngôi nhà có kiến trúc Pháp cổ giữa hàng cổ thụ xanh mát.
Chợ Hàng nằm tại phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân và có lịch sử hoạt động lâu đời. Thời Pháp thuộc, chợ họp các ngày 5,10,15 âm lịch nhưng hiện nay chỉ mở vào sáng chủ nhật hàng tuần. Các loại hàng hóa bày bán gồm giống cây, vật nuôi, nông cụ... và những món đồ thân thuộc với làng quê như chõng tre, rổ rá mây, điếu cày.
Điểm tham quan ngoài thành phố
Quần đảo Cát Bà cách trung tâm thành phố 30 km. Nơi này từng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các điểm du lịch nổi tiếng ở Cát Bà gồm đảo Khỉ, Vườn quốc gia Cát Bà, động Trung Trang, Hùng Sơn...
Đồ Sơn là khu nghỉ mát gồm nhiều bãi tắm, cách trung tâm thành phố 20 km. Bạn có thể tới đảo nhân tạo Hoa Phượng, đảo Dáu để tham quan thêm. 
Ngoài ra, Tràng Kênh, Quán Hoa, núi Voi, chợ Sắt, tượng đài Lê Chân... cũng là những điểm du lịch nổi tiếng khác của Hải Phòng. 
Ăn uống
Banh-DaCua.jpg
Bánh đa cua Hải Phòng luôn dậy mùi thơm nhẹ của cua đồng. Ảnh: Khánh Hòa.
Ẩm thực ở đây đa dạng với các món gồm bánh đa cua, chè giun, bánh mì cay, sủi dìn và những loại hải sản đặc trưng theo từng khu du lịch như sam nướng (Cát Bà), còng (Hòn Dấu)...
Lịch trình tham khảo
Ngày 1: Hà Nội - Nhà hát Lớn - Vườn hoa Nguyễn Du - Tượng đài Lê Chân - Đền Nghè - Đồi Thiên Văn - Cầu Bính - Hồ Tam Bạc.
Ngày 2: Chợ Hàng - Phố Tây - Bảo tàng Thành phố - Nhà thờ Lớn - Hà Nội.
Các ngày 9 - 13/5, Hải Phòng tổ chức Lễ hội Hoa phượng đỏ lần 4 và Lễ kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng thành phố. Các hoạt động diễn ra trong chương trình gồm:
Ngày 9/5: Biểu diễn kèn đồng, diễu hành Carnival, chương trình nghệ thuật chào mừng (quảng trường Nhà hát thành phố), bắn pháo hoa lúc 22h tại sân sau Nhà hát thành phố, khu công nghiệp VSIP, quảng trường thị trấn Cát Bà, đầm Vuông, bờ hồ huyện Vĩnh Bảo...
Ngày 10/5: Thả chim hòa bình (hồ Tam Bạc), biểu diễn pha chế cocktail (nhà Kèn, vườn hoa Nguyễn Du)...
Ngày 11/5: Diễu hành mô tô và xe đạp thể thao, biểu diễn khiêu vũ nghệ thuật (khu vực sân vận động Cảng), chương trình kịch nói (vườn hoa Nguyễn Du).
Ngày 12/5: Biểu diễn Hiphop (khu vực sân vận động Cảng), chương trình ca múa nhạc quần chúng (trung tâm Triển lãm Mỹ thuật)...
Ngày 13/5: Chương trình "Tôi yêu Hải Phòng" (quảng trường nhà hát Thành phố), biểu diễn thể dục Aerobic (khu vực sân vận động Cảng).
Diệu Huyền

Đến hẹn với hội chọi trâu Đồ Sơn

Cùng với không khí sôi động của lễ chọi trâu, các bạn hãy ghé thăm Hải Phòng thời gian này để tham gia lễ rước đuốc, đèn của các tráng đinh từ 8 vạn chài Đồ Sơn.
Hàng năm cứ vào ngày 9/8 âm lịch, người dân Hải Phòng và khắp nơi đổ về Đồ Sơn để tham dự lễ hội chọi trâu sôi động. Đây là một lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của nền văn minh lúa nước miền châu thổ Bắc bộ gắn với tục thờ thủy thần và tục hiến sinh. Với người dân Đồ Sơn, lễ hội chọi trâu còn đề cao tinh thần thượng võ và tính nhân văn sâu sắc.
Ở Đồ Sơn, mỗi phường đều có đại diện tham gia chọi trâu. Để tìm được đại diện tốt nhất là những con trâu đực khỏe mạnh có khả năng chống chịu được đòn của đối phương thì ngay từ sau Tết Nguyên Đán, các phường đã phải đi tìm mua trâu chọi để về chăm sóc, huấn luyện cho đến ngày thi đấu.
netlife-JPG-7233-1378866334.jpg
Lễ rước nước mở màn lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn. Ảnh: netlife
Ngay từ đầu tháng 8 âm lịch khi đến với Đồ Sơn, du khách đã được hòa trong bầu không khí lễ hội tưng bừng nơi đây. Trước hết là lễ dâng hương ngày 1/8 âm lịch tại đền Nghè ở phường Vạn Hương, đền thờ Nam Hải Đại Thần Vương ở đảo Dấu để xin phép mở lễ hội Chọi Trâu và cầu mong thời tiết thuận lợi, các trận đấu diễn ra suôn sẻ, an toàn.
Trước hội chính 2 ngày cũng tại đền Nghè sẽ diễn ra lễ rước nước bởi đây là đền thờ vị thủy thần cũng là Thành hoàng làng của vùng đất Đồ Sơn. Trọng tâm của lễ rước nước là phong tục 16 chủ trâu chiến thắng trong vòng loại của 7 phường sẽ tiến hành rước kiệu, làm lễ xin nước từ nguồn nước ở Suối Rồng về đình làng của mỗi phường. Từ đó, trâu chọi sẽ chính thức được tôn gọi là "Ông Trâu". Lễ rước nước là nghi lễ tỏ lòng biết ơn và tôn kính đối với vị thủy thần hộ mệnh Hùng Trấn điểm tước cùng các bậc tổ tiên đã có công khai hoang bờ cõi.
Trước ngày 9/8, lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho lễ hội Chọi trâu cũng sẽ diễn ra ở Đồ Sơn. Tại đây, du khách sẽ được chứng kiến nghi lễ rước đuốc, đèn của 8 vạn chài quanh vùng qua các tráng đinh được tuyển lựa. Sau đó là chương trình sân khấu hóa mang tính sử thi hoành tráng với sự tham gia của hàng trăm diễn viên của thành phố.
tienphong-JPG-1325-1378866334.jpg
Hàng vạn người tham gia lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Ảnh: tienphong
Ngay từ sáng sớm ngày chính hội tức 9/8 âm lịch, các trục đường từ trung tâm quận dẫn tới sân vận động Đồ Sơn, nơi diễn ra vòng chung kết thường rất đông vui nhộn nhịp. Tiếng trống tiếng kèn giục giã sẽ cuốn bạn vào dòng người trẩy hội ở đây. Cũng như nhiều lễ hội khác, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cũng gồm hai phần lễ và hội. Sau màn dâng hương là lễ rước các "Ông Trâu" đi trình Thành hoàng làng và ra sới với kiệu bát cống, long đình bát biểu, cờ thần bay phấp phới, rộn ràng trong tiếng nhạc bát âm.
Sau phần lễ là phần hội với những lời ca điệu múa nhịp nhàng hòa quyện cùng tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã. Không chỉ giúp bầu không khí thêm sôi động mà tiếng trống, tiếng chiêng còn giúp thúc giục các “Ông Trâu” thi đấu thêm hăng say và quyết liệt. Khi hiệu lệnh được phát ra cũng là lúc các “Ông Trâu” chính thức tham gia màn đo tài nảy lửa.
dulichhaiphong-JPG-2363-1378866334.jpg
Bạn sẽ được tận mắt chứng kiến những pha đánh ngoạn mục và đẹp mắt khi tham gia lễ hội. Ảnh: dulichahaiphong
Trâu chọi thi đấu theo từng cặp nên để thắng cuộc trong lễ hội chọi trâu năm nay, các Ông Trâu sẽ phải trải qua 15 kháp chọi với các miếng đánh độc và hiểm để nhanh chóng hạ gục đối phương. Bên cạnh bầu không khí sôi sục, hò reo cổ vũ của hàng vạn khán giả trên sân, bạn còn được sống trong cảm xúc thăng hoa vì được tận mắt chứng kiến những pha đánh ngoạn mục và đẹp mắt khi tham gia lễ hội. Điểm đặc biệt là dù trâu thắng hay thua, kết thúc lễ hội đều phải được hóa sinh để tế lễ đất trời và cầu cho mùa màng thuận hòa. Nhiều người tin rằng được ăn thịt trâu chọi trong dịp lễ hội sẽ gặp nhiều may mắn.
Năm nay, Hải Phòng là trung tâm tổ chức các hoạt động của Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013 mà lễ hội Chọi Trâu là một trong những hoạt động chính.

Thạch găng, quà vặt thanh mát từ đất Cảng

Những miếng thạch mềm mượt, xanh mướt, ăn cùng nước đường ngọt dịu như tan chảy nơi đầu lưỡi, thường được xem là món giải khát lý tưởng trong mùa hè.
Với người Hải Phòng, thạch găng là quà vặt thường mang nhiều kỷ niệm ấu thơ. Ưu điểm là giá cả phải chăng, hương vị ngon ngọt, thơm mát, giúp giải khát ngày hè. Từ khi đến Hà Nội, món này chiếm được cảm tình của nhiều bạn trẻ thủ đô.
Găng rừng vốn là loài cây thân gỗ, nhiều gai nhỏ, lá hơi tròn mọc thành bụi, thường ở các vùng trung du phía Bắc. Nhiều nơi ở vùng quê hay trồng thành hàng rào tự nhiên. Cây lá găng có nhiều loại nhưng để chế biến thạch, người làm phải chọn những cành găng gai, lá hơi thuôn, nhọn, tù ở đầu.
thachgang-JPG-3352-1429075806.jpg
Chè thạch găng, món ăn thanh mát lý tưởng trong ngày hè. Ảnh: Anh Phương.
Theo kiểu truyền thống, lá găng rừng được đem phơi khô, bỏ hết gai sau đó rửa sạch. Lưu ý quan trọng là phải chọn lá găng khô, khi vò thạch mới ngon và không có mùi hôi.
Những nguyên liệu này tiếp tục được tráng qua nước lọc, để ráo, chuyển vào rá, vò nát và đổ nước sôi, vắt kiệt đến khi hết chất trong lá. Nhiều người thường bỏ thêm chút vôi cho thạch cứng hơn.
Công đoạn vò lá cũng phải rất nhanh tay, chỉ chừng 10 - 15 phút. Quá thời gian này, thạch sẽ bị đông mà chưa kịp lọc. Sau khi lọc xong, bạn chờ trong vòng một tiếng để chúng lắng xuống là có thể thưởng thức.
Thạch găng có màu xanh rêu lóng lánh, mềm mịn, trơn tuột khi chạm vào lưỡi. Hương vị đặc trưng hơi chát nhưng thường được ăn kèm nước đường ngọt dịu, tác dụng giải nhiệt rất tốt.
thachgang1-8081-1429075806.jpg
Thạch găng được làm thành hình những bông hoa bắt mắt. Ảnh: Agriviet.
Ở Hà Nội, nhiều quán thường cho thêm trân châu hay thạch đen để làm phong phú món ăn. Một số nơi còn ăn cùng nha đam cắt khúc hoặc rót thêm giọt dầu chuối.
Bạn có thể ghé quán Chè Gỗ trên phố Trần Phú hoặc một vài quán ăn mang hương vị Hải Phòng để thưởng thức món này. Giá trung bình 10.000-20.000 đồng mỗi cốc.

Quán ăn mang hơi thở xứ Cảng giữa lòng Hà Nội

Bạn như bước lên một con tàu lớn chuẩn bị ra khơi với xung quanh là các mỏ neo, bánh lái tàu, đèn báo bão và những nhân viên mặc áo lính thủy.
Tọa lạc bên con ngõ ở đường Trần Thái Tông sầm uất, quán ăn này mới hoạt động từ tháng hai nhưng là một địa điểm khá hấp dẫn đối với những thực khách muốn thưởng thức hương vị đậm đà xứ Cảng.
top-4007-1427281237.jpg
Không gian ấm áp với ánh đèn vàng trỏng quán.
Bước qua bậc cửa, phố xá tấp nập như bị bỏ lại sau lưng còn thực khách được lên một con tàu chuẩn bị ra khơi. Quán được bài trí khá bắt mắt trong không gian hai tầng rộng rãi, thoáng mát. Ngay từ lối ra vào, bạn sẽ được đón tiếp bởi các nhân viên mặc áo màu xanh lính thủy nổi bật.
Ở tầng một, phần trang trí gồm những khối được xây dựng bằng gạch thô, mô phỏng ngọn hải đăng ngay cạnh lối vào hay chiếc mỏ neo sắt to xù xì, cũ kỹ gần phía quầy bar. Trong khi đó, tầng hai lại là không gian thoáng đãng với những chiếc bàn tự chế từ thùng phi lớn.
AB6-6000-1427281237.jpg
Dù được trang trí như một con tàu, quán vẫn có những góc lãng mạn cho nhóm nhỏ thích yên tĩnh với cây lá xung quanh và những bức tranh treo tường về cuộc sống người dân đất Cảng.
Xung quanh tường là những mảng tôn giống như chiếc vỏ thùng container, được trang trí thêm bởi những chiếc phao cứu sinh hay bánh lái tàu. Một vài góc được điểm thêm bằng dây thừng hay dây xích xắt xù xì, nặng nề. Ngoài ra, quán còn có những bức ảnh về phố phường, cuộc sống của Hải Phòng thời xưa, những ô cửa cũ kỹ đã nhuốm màu thời gian...
Dưới ánh điện vàng giống của những chiếc đèn báo bão, không gian ở đây cũng ấm áp hơn với các bàn ghế được sắp xếp một cách hợp lý. Nhóm đông người có thể ngồi ở quán mà không gian trông vẫn thoáng đãng. Ngoài ra, bạn sẽ tìm thấy những góc ngồi ấm cúng cho một nhóm nhỏ, tách biệt với không gian yên tĩnh.
AB3-4053-1427281237.jpg
Chiếc mỏ neo sắt xù xì cùng những bánh lái gợi liên tưởng cho bạn như đang ở trên tàu.
Món ăn ở đây khá đa dạng, từ bún tôm, bánh đa cua, nem vuông cua bể đến bánh bèo. Món bún tôm chế biến theo phong cách người dân miền biển rất tròn vị, đậm đà. Nguyên liệu chính món này là những con tôm sắt, chắc và ngọt thịt. Nước dùng chế biến từ tôm dậy vị ngọt thanh. Từng sợi bún trắng mềm hoà quyện vào màu hồng của tôm, màu xanh từ hành, tạo nên một món ăn hấp dẫn.
Một số món khác thưởng thức theo "phong cách mẹt" cũng khá ấn tượng như mẹt bún, nem vuông cua bể hoặc một mẹt xiên thập cẩm. Trong đó, nem cua bể rất nhiều người thích, nhân mềm, vỏ giòn rụm, độ dày vừa tới ăn không bị ngấy. Giá các món ăn khoảng 20.000 - 250.000 đồng.
Nhận xét của VnExpress
Ưu điểm: Không gian đẹp, ấm cúng, địa điểm dễ tìm. Món ăn chế biến ngon, vừa miệng. 
Khuyết điểm: Mùa hè đến, để nhiều ánh sáng vàng sẽ làm không khí hơi nóng. 
Điểm của VnExpress: 3/5
Địa chỉ: D5A Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Quán ăn đầy tiếng chim hót của hoa hậu Mai Phương Thúy

Bước vào quán ăn Red Bricks, bạn như tách biệt khỏi thế giới bên ngoài bởi sự tĩnh lặng và hòa mình với âm thanh thiên nhiên, từ tiếng chim hót đến suối chảy, sóng vỗ rì rào. 
Tọa lạc trên con đường Hồ Tùng Mậu, quận 1, TPHCM, quán ăn Red Bricks của Mai Phương Thúy hoạt động gần nửa năm nay. Lượng khách ghé thăm hiện thời chưa đông nên không khí vẫn giữ được sự yên tĩnh, ấm cúng. Họ đến ăn không phải vì nhìn ngắm cô hoa hậu ngoài đời thật, mà thực tế bị không gian và món ăn "hớp hồn". 
khong-gian-4-8403-1426757812.jpg
Bức tường lát gạch tạo nên nét sang trọng, tinh tế. 
Toàn bộ không gian quán chia làm 3 phần, gồm tầng trệt, tầng một và tầng hai. Mỗi nơi lại có cách bài trí khác biệt. Lần đầu đến quán, một số thực khách có thể cảm thấy nơi đây mang lại sự riêng tư, tách bạch với thế giới bên ngoài.
Tầng trệt là nơi thể hiện rõ nhất cái hồn của quán với bức tường lát bằng những viên gạch đỏ, tạo nên nét cổ kính, sang trọng. Bước chậm rãi lên cầu thang, bạn sẽ thấy một bầu không khí trong lành vì toàn bộ phần kính chắn đều được tháo bỏ, khách được ngồi trong khuôn viên mát mẻ. Trên tường trang trí bằng một tấm bản đồ Sài Gòn cũ. Tầng tiếp theo cũng có cách đặt bàn ghế tương tự nhưng các chi tiết trên tường lại thay đổi bằng một số món đồ cổ. 
Singapore-221-7860-1426757812.jpg
Tầng một được mở tấm kính chắn ở giữa mang đến không gian thoáng mát. 
Dù mỗi tầng có không gian khác nhau, chỗ yêu thích nhất với những vị khách quen chính là ngồi phía trước cửa ra vào. Không rộng rãi như bên trong, nhưng bù lại thực khách có thể thưởng thức món ăn với tiếng chim hót rộn ràng từ tám chiếc lồng treo lơ lửng phía trên. 
Âm nhạc chơi trong quán cũng theo gu nhất định, đó là âm thanh của tự nhiên. Bạn đừng ngạc nhiên nếu đẩy cửa bước vào và nghe suối chảy róc rách, tiếng côn trùng hay sóng biển rì rào... 
Cùng với đó, điều thật sự ghi điểm trong lòng thực khách lại là món ăn thuần Việt  khó lòng tìm thấy ở nơi khác do một chàng đầu bếp 10 năm kinh nghiệm đảm trách. Đây cũng là trợ thủ đắc lực của cô chủ quán xinh đẹp Mai Phương Thúy trong việc lên thực đơn món ăn.
Singapore-210-8092-1426757812.jpg
Món ăn hấp dẫn đậm đà, khiến thực khách ăn một lần sẽ nhớ ngay hương vị. 
Một số món "đinh" của quán là bắp chiên giòn, ếch cháy tiêu xanh, gà nướng muối ớt, cá chiên sốt chua ngọt... Quán phục vụ thực khách 7-23h hàng ngày, giá mỗi món 50.000 đồng trở lên.
Nhận xét của VnExpress
Ưu điểm: Không gian đẹp, sang trọng, tọa lạc trên đường vắng nên yên tĩnh. Bên ngoài có chim hót líu lo vui tai. Món ăn chế biến ngon, vừa miệng. 
Khuyết điểm: Giá món ăn khá đắt. 
Điểm của VnExpress: 3.5/5
Địa chỉ: 30 Hồ Tùng Mậu, quận 1. 

Quán ăn gợi nhớ thời bao cấp ở Hà Nội

Đến quán, thực khách như được trở về quá khứ bởi mọi đồ vật nơi đây đều sử dụng những sản phẩm vang tiếng một thời để trang trí như quạt tai voi, xe đạp Thống Nhất, ti vi cổ.
Nằm cuối ngõ đường Nam Tràng, quận Tây Hồ, cửa hàng Mậu dịch số 37 khá yên tĩnh và cách xa sự ồn ào của phố thị. Thực khách ghé thăm có thể lặng lẽ tận hưởng đồ ăn trong không gian hoài niệm.
Ngay từ khi dừng xe trước cổng quán, bạn sẽ thấy tấm biển tên được viết bằng tay hết sức độc đáo. Không gian bên ngoài gợi sự xưa cũ nhờ việc dựng chiếc xe máy Simson cổ, mang lại cảm giác về một cửa hàng đậm chất Hà Nội những năm trước đổi mới.
Đẩy cửa bước vào trong, thực khách như được trở về quá khứ vì không gian và tất cả mọi đồ vật, nội thất đều sử dụng chất liệu được xem như kỷ vật thời tem phiếu, giai đoạn những năm 1970 - 1980 của thế kỷ trước. Từ bức tường gạch sơn trắng, những vật treo tường như chiếc nón, xe đạp Thống Nhất, băng cát xét, đôi dép, tranh ảnh đen trắng... đến quạt tai voi, tivi cổ đều toát lên màu sắc thời gian.
11-JPG-5154-1426211948.jpg
Nhẹ nhàng, bình yên và xưa cũ là cảm nhận chung của đa số thực khách khi đến ăn tại quán.
Không gian chính của quán gồm ba gian. Ngoài cùng là các bàn ăn nhỏ và quầy lễ tân khắc họa lại cảnh xếp hàng mua tem phiếu đổi lương thực đặc trưng của thời bao cấp. Đi qua một lối nhỏ hẹp, bạn sẽ đến gian thứ hai là phòng ăn nhỏ, phù hợp cho nhóm đông người, khá riêng tư để tổ chức các buổi họp gia đình, bạn bè. Gian trong cùng thông với "Tổ phục vụ", gồm vài bàn ăn nhỏ. Trần nhà được trang trí những chiếc mẹt tre đầy ấn tượng.
Để gọi món, bạn phải chọn trong thực đơn, sau đó ra lễ tân đọc tên thức ăn và nhận phiếu mua đồ, đồng thời thanh toán. Trở về bàn, thực khách chỉ cần đưa phiếu cho người phục vụ và chờ thức ăn dọn lên.
Thực đơn cửa hàng được thiết kế giống quyển sổ mua lương thực thời bao cấp, bên ngoài ghi "Sổ đăng ký mua lương thực". Ngay cả những món ăn cũng có thể khiến thực khách là thế hệ đi trước xúc động khi đọc tên như cơm độn khoai, bánh đúc, phở không người lái, phở trộn cơm nguội, dưa xào tóp mỡ...
com-chay-mau-dich-voi-gan-bo-cay_1426214
Cơm cháy Mậu Dịch với gân bò cay, món ăn được ưa chuộng ở quán.
Mở cửa từ năm 2012, chủ quán là ông Phạm Quang Minh - một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội với những kỷ niệm sâu sắc về thời kỳ trước đổi mới. Ông luôn có ý định mở một nhà hàng như vậy để phục vụ những lớp người xưa ở Hà Nội, giúp họ có dịp tìm về kỷ niệm, đồng thời cũng là để bạn bè quốc tế hiểu thủ đô.
Cũng là người thích sưu tầm đồ cổ, ông đã phải bỏ ra nhiều tâm huyết, cất công đi tìm và sưu tập những vật dụng còn sót lại. Bên cạnh đó, cũng nhiều bạn bè, người quen trao tặng, bán lại để giúp vị chủ quán này hoàn thành tâm nguyện. Nhiều đồ vật trong quán có tuổi thọ lên đến 30, 40 năm.
Đặc biệt, bộ ảnh đen trắng ghi lại cuộc sống ở Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước do họa sỹ Lê Thiết Cương mua lại bản quyền từ nhiếp ảnh gia người Thụy Điển cũng được trưng bày tại đây.
2-JPG-7322-1426211949.jpg
Quán mở cửa khoảng 11h - 14h  và 17h - 21h tất cả các ngày trong tuần.
Khách đến quán chủ yếu là những người hoài cổ, thích hương vị món ăn xưa. Các du khách nước ngoài và những người tò mò cũng tìm đến. Đa số họ đều tỏ ra thích thú khi ngồi ăn trên những chiếc bàn thiết kế từ chân máy khâu cũ, bát ăn làm bằng sắt tráng men, dòng chữ nhắc nhở "ưu tiên thương binh", "cấm chen ngang"... Tất cả như gợi lại, đánh thức miền hoài niệm tưởng như đã ngủ yên trong lòng những người đang sống qua một thời gian khó, nhọc nhằn của đất nước.

Quà vặt giải khát đầu hè ở Hà Nội

Giữa cái nóng oi bức đầu mùa, một cốc dâu tằm đá xay hay trà táo bạc hà sẽ "đánh tan" cơn khát, giúp giải nhiệt cho thực khách tại thủ đô.
mochi-nuoc-anh-to-s-corner-2852-14289787
Bánh Mochi nước
Chiếc bánh hình tròn, trong veo như giọt nước đặt lên đĩa nhỏ, rắc thêm ít bột đậu nành rang (kinako) và siro đường là món ăn mới du nhập vào Hà Nội gần đây. Khi ăn, bánh tan chảy ngay trong miệng, vị thanh mát tự nhiên. Món này chỉ để được khoảng 30 phút nên phải thưởng thức ngay. Bạn có thể tìm mua trên đường Trích Sài hoặc phố Dịch Vọng Hậu. Giá 10.000 - 18.000 đồng một viên. Ảnh: Tor's Corner.
Tra-tao-bac-ha-anh-Trang-Meo-4014-142897
Trà táo bạc hà
Được làm từ nước ép táo tự nhiên, kết hợp vị bạc hà mát lạnh, món uống này  giúp "đánh bay" cơn khát trong những ngày nắng nóng. Bạn có thể đến Hàng Tre, Hàng Chiếu, Tôn Đức Thắng... để thưởng thức. Giá khoảng 25.000 đồng một cốc. Ảnh: Trang Mèo.
caramen-anh-yokumon-5452-1428978756.png
Caramen
Đặc trưng của caramen là vị béo ngậy từ trứng gà với sữa, quyện cùng vị đường thắng thơm đắng vừa phải. Ngoài ra, một số nơi còn sáng tạo món này bằng cách trộn thêm hoa quả, trân châu, cốt dừa, thạch. Các loại caramen bày bán chủ yếu ở Dốc Hàng Than, phố Đinh Tiên Hoàng, Trần Tử Bình, Thụy Khuê với giá khoảng 6.000 đồng một cốc. Riêng loại thập cẩm là 12.000 - 20.000 đồng mỗi bát. Ảnh: Yokumon.
10600667-803055529801634-60106-6822-1436
Kem dừa
Một suất kem dừa thường gồm kem xốp mềm, ngậy thơm đựng trong quả dừa non đã loại bỏ nước, rắc thêm dừa nạo, ăn kèm thanh bánh quế giòn tan. Khi ăn hết kem, thực khách có thể cạo lớp dừa non béo bùi bên trong tiếp tục thưởng thức. Địa chỉ tham khảo là phố Hàng Than, Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Trường Tộ... Giá khoảng 60.000 đồng. Ảnh: Nguyễn Phương.
Dau-tam-da-xay-anh-Trang-Meo-9296-142897
Dâu tằm đá xay
Món này mang đến vị chua thanh, là thức uống giải khát ưa thích của nhiều người Hà Nội. Cà phê Nhà Sàn đường Bưởi hay Deer Tea 26 Hàng Tre là những nơi có bán món này. Giá khoảng 20.000 đồng. Ảnh: Trang Mèo.
che-buo-7880-1428978756.jpg
Chè bơ
Nguyên liệu của quà vặt này gồm thạch bơ thơm mát, dùng kèm nước cốt dừa và sữa, rất mềm, lại dễ ăn nên trở thành món khoái khẩu của nhiều người mỗi độ hè về. Món này hiện ít nơi bán, bạn có thể ghé 245 Xã Đàn để thưởng thức. Giá 15.000 đồng. Ảnh: Phạm Đạt.
che-xu-ka-1024x768-jpeg-3858-1428978756.
Chè Xuka
Bát chè nhiều màu sắc với tên gọi dễ thương bao gồm thạch, siro, long nhãn, dừa khô, trân châu hạt lựu, nước cốt dừa... Món này có nhiều loại cho bạn lựa chọn như xuka trái cây, xuka thập cẩm... Thực khách có thể tìm ăn ở phố Tạ Quang Bửu, ngõ chợ Đồng Xuân... Giá 15.000 - 20.000 đồng một bát. Ảnh: Lê Trang.

Hành trình phiêu lưu đảo Hoàng Tử

Chèo thuyền kayak bị lật, ngủ đêm trên đảo bị muỗi đốt hay nằm trần ngắm bầu trời buổi sáng là những trải nghiệm khó quên của anh chàng Đoàn Mạnh và bạn bè trong chuyến đi một ngày trên đảo Hoàng Tử.
Chuyến đi của Đoàn Mạnh gồm bốn người (ba nam và một nữ). Từ Hà Nội, cả đoàn bắt xe sớm đi Hải Phòng rồi đón phà ra đảo Cát Bà. Do bến Đình Vũ phà đi khá chậm vì chở cả ô tô và ghé đảo Cát Hải, nên nhóm của Mạnh quyết định xuất phát từ bến Bính, nơi có tàu cánh ngầm chở được xe máy.
Khi phà cập bến, cả đoàn được xe khách chở qua những con đường dốc ngoằn ngoèo, một bên núi, một bên biển và xuyên khu rừng nguyên sinh Cát Bà để vào tới trung tâm đảo. Bữa trưa ở đây giản dị với những món ăn quê như cơm, trứng, canh cua… nhưng cũng đủ làm cho mọi người thấy khoan khoái vì được thưởng thức giữa không gian bình yên và vắng vẻ.
G0130168-JPG.jpg
Cả nhóm chèo thuyền trên vịnh Lan Hạ.
Hành trình tìm đường ra đảo Hoàng Tử bắt đầu bằng việc đến bến Bèo mua vé tham quan, rồi nhờ người lái thuyền chở ra nhà bè ở vịnh Lan Hạ. Mạnh cho biết: “Cảm giác ngồi ở mũi thuyền và cho chân xuống nước thật sảng khoái, có thể được ngắm nhìn màu nước trong xanh của vịnh, nghe tiếng động cơ kêu dưới boong thuyền và ngửi mùi dầu máy lẫn trong gió biển”.
Chỉ mất nửa tiếng đi thuyền máy, nhóm của Mạnh đến nhà bè Mạnh Nữ. Ở đây cho thuê thuyền kayak với giá khá bình dân nên cả nhóm quyết định thuê luôn hai thuyền. Theo chỉ dẫn của chú chủ nhà trọ, nhóm lên kế hoạch chèo ra đảo Hoàng Tử, cách đó khoảng 30-45 phút chèo thuyền.
15 phút khởi đầu không có gì khó khăn nhưng về sau càng chèo sóng càng lớn nên thuyền của Mạnh đã bị lật do mất thăng bằng. Rất may mắn cho cả nhóm là mọi vật dụng, đồ ăn đều được bọc trong túi chống nước và cả bốn người đều mặc áo phao cứu hộ đầy đủ. Mạnh kể lại bốn người phải vật lộn mãi mới nghiêng được con thuyền cho bớt nước rồi kéo được vào bờ vì khi đó thủy triều đã lên cao kèm sóng đánh liên tục.
DSC0058-JPG.jpg
Đảo Hoàng Tử hoang sơ.
Đảo Hoàng Tử khi mới đặt chân đến mọi người sẽ ngỡ như đảo hoang vì một mặt hướng ra biển, luôn gặp phải sóng to, gió lớn, có những vách đá dựng đứng phủ cây xanh cao vút, có vài bãi cát nhỏ và rất nhiều đá ngầm trông rất hoang sơ. Còn mặt sau của đảo có hẳn một khu nghỉ dưỡng hiện đại và ít sóng hơn rất nhiều. Nhóm quyết định dựng lều gần thuyền kayak và nhóm lửa nấu bữa tối khi chiều đã tàn gần hết.
Buổi tối trên đảo thật thư thái khi được nghe tiếng đàn guitar của cô bạn duy nhất trong nhóm và ngồi quanh bếp lửa thưởng thức hải sản mua được trên nhà bè. Thú vị hơn cả là được quan sát những con lân tinh phát sáng li ti trên cát lúc sóng đánh vào bờ. Tuy nhiên thử thách sống trên đảo hoang không đơn giản với nhóm bạn trẻ vì muỗi rừng và cái nóng khó chịu (vì dựng lều ở vị trí mặt núi che mất gió) làm ai cũng không thể ngồi yên. Mạnh cho biết do sơ suất thất lạc thuốc chống côn trùng mà mọi người đều phải chui vào lều sớm hơn dự tính, nhưng quá 12 giờ đêm vẫn chưa ai có thể ngủ.
DSC0017-JPG.jpg
Nhóm dựng lều cắm trại qua đêm.
Khoảng thời gian mà Mạnh nhớ nhất là vào buổi sáng hôm sau được nằm trần để cát cọ vào da thịt, nghe tiếng chim hót líu lo bên tai và hít thở không khí trong lành. Cảm giác khi đó rất thư thái và chỉ muốn lười nhác nằm mãi thôi. Khi ngửa mặt lên mọi người sẽ được thấy ba mặt núi làm ánh sáng chỉ đủ lọt xuống như một giếng trời tự nhiên, thấp thoáng vài chú chim đại bàng hay diều hâu bay qua lại để săn mồi.
10h sáng, nhóm dọn đồ và rác trên đảo để lên kayak chèo vào vịnh. Nhưng hành trình trở về có vẻ gian nan hơn khi đi vì nhóm gặp phải lúc sóng lớn rất nguy hiểm và một thành viên bị đá ngầm sắc đâm vào chân chảy khá nhiều máu. Mặc dù lo sợ không thể cập bến và định tự chèo kayak vào bờ thì rất may nhóm được chú lái đò nhiều kinh nghiệm đón tất cả lên thuyền để chở về vịnh. Khi sóng lặng, cả nhóm chèo thuyền kayak trả về nhà bè rồi lên xe quay lại Cát Bà tiếp tục ngày thứ hai trên đảo.
Dù chuyến đi đến hòn đảo mang tên Hoàng Tử chỉ vỏn vẹn một ngày đêm nhưng Mạnh cùng bạn bè đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc cũng như mang về cho mình những trải nghiệm vô cùng thú vị.
Video cắm trại trên đảo Hoàng Tử của Đoàn Mạnh và nhóm bạn
 Bài: Hương Chi

Những điều cần làm khi đến đảo Cát Bà

Không chỉ tắm biển và thưởng thức hải sản, du khách đến đảo ngọc của Hải Phòng còn nên làm một chuyến khám phá bằng xe máy và thuê thuyền tham quan các làng chài.
Với khoảng thời gian từ 2 đến 3 ngày, bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm hết các hoạt động sôi động tại Cát Bà.
Tắm biển Cát Cò và ngoạn cảnh Cát Bà từ trên cao
Ở Cát Bà có 3 bãi tắm tập trung đông khách du lịch nhất là Cát Cò 1, 2 và 3, do nước trong vắt và nằm gần trung tâm thị trấn. Trong đó, bãi tắm Cát Cò 1 rộng hơn cả, có ba mặt gần như được bao bọc bởi núi đá. Bãi tắm Cát Cò 2 và 3 nhỏ hơn nhưng khá yên bình. Các bãi tắm được nối với nhau bằng một con đường nhỏ men theo triền núi.
monkeyisland-3947-1395742269.jpg
Bãi tắm Cát Cò. Ảnh: monkeyisland.
Từ trung tâm thị trấn, khách du lịch có thể đi bộ hoặc thuê xe ôm hay xe điện để đến một trong ba bãi tắm này. Nếu không mang theo đồ bơi, bạn có thể thuê tại các cửa hàng dịch vụ trong bãi tắm. Có cả phòng thay đồ và tráng nước ngọt. Bạn nên vào bờ trước 18h30 vì nước thủy triều lên cao và sóng rất mạnh.
Lúc này, bạn có thể dành thời gian lên pháo đài Thần Công gần bãi tắm để ngắm toàn cảnh Cát Bà dưới ánh hoàng hôn đỏ ối. Đây cũng là dịp tham quan những chứng tích lịch sử còn được lưu giữ đến ngày nay gồm hai khẩu pháo thần công, hệ thống đài quan sát và hầm hào phức tạp. Lưu ý, bạn sẽ phải mua vé vào khu dịch vụ này cũng như trả phí nếu sử dụng đài quan sát để ngắm cảnh.
Tham quan vịnh Lan Hạ
Thường du khách đến đảo sẽ dành một ngày thuê thuyền khám phá vẻ đẹp hoang sơ của vịnh Lan Hạ. Nằm ở phía nam vịnh Hạ Long, Lan Hạ có nhiều nét tương đồng với di sản thiên nhiên thế giới khi bốn bề là núi đá và đảo nhỏ nhấp nhô. Từ trên thuyền, du khách sẽ dễ dàng nhận ra hình thù kỳ lạ của những ngọn núi được người dân đặt cho tên gọi gần gũi như Hòn Guốc, Hòn Rùa... Nếu muốn cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp của vịnh, bạn có thể thuê thuyền kayak để đến gần hơn các đảo đá vôi và hang động nước ẩn mình trong núi đá.
Đảo Khỉ (Cát Dứa) là điểm dừng chân không thể thiếu trong hành trình khám phá vịnh Lan Hạ. Nơi đây có bầy khỉ vui nhộn, rất thích hợp cho đoàn khách có trẻ nhỏ. Nếu thích hòa mình với biển khơi, bạn cũng có thể tắm tại bãi Cát Dứa hoặc tham gia một tour lặn tại một trung tâm ở ngay trên đảo. Lặn biển có huấn luyện viên hướng dẫn, giá khoảng 1 triệu đồng/30 phút.
Ngồi đò dạo chơi làng chài Cái Bèo
lang-chai-Cai-beo-monkeyisland-8965-3281
Làng chài Cái Bèo. Ảnh: monkeyisland.
Ở Cát Bà, nổi tiếng nhất phải kể đến là làng chài Cái Bèo. Không sôi động như bến tàu ra vịnh Lan Hạ nhưng Bến Bèo khá đa dạng các loại tàu, thuyền, đò sẵn sàng đưa khách đi khám phá vẻ đẹp thanh bình của làng chài cổ nhất Việt Nam - Cái Bèo.
Nếu đi theo đoàn, khách thường thuê tàu, thuyền lớn nhưng để tìm hiểu cuộc sống của cư dân miền biển, không có gì thích thú hơn là được ngồi đò. Vừa ngắm nhìn vẻ đẹp như bức tranh thủy mặc của Cái Bèo theo tiếng mái chèo khua nước, du khách sẽ vừa được lắng nghe những chia sẻ thú vị và gần gũi về làng chài qua câu chuyện của người lái đò. Bạn cũng có thể dừng chân tại các hộ gia đình ở đây để chiêm ngưỡng các loài thủy hải sản từ quen thuộc đến lạ mắt.
Tour quanh đảo
Đảo Cát Bà không chỉ hấp dẫn bởi vẻ đẹp của biển mà còn rất cuốn hút với tài nguyên rừng phong phú. Vì vậy, sẽ là thiếu sót nếu bạn bỏ qua một tour khám phá quanh đảo do chính mình tổ chức. Trong khi du khách trong nước thường thuê xe máy thì khách nước ngoài lại thích đạp xe.
Chuyến đi sẽ bắt đầu từ trung tâm thị trấn theo con đường uốn lượn sát biển, khi lại xuyên qua lưng núi đến các xã xa xôi trên đảo. Vườn quốc gia Cát Bà và động Trung Trang là hai điểm dừng chân phổ biến, tuy nhiên bạn có thể nghỉ lại tại bất cứ nơi đâu mình muốn để tận hưởng không gian xanh thoáng mát và yên bình.
Dạo biển vào buổi tối
Tối đến, Cát Bà tĩnh lặng hơn với các cặp uyên ương nắm tay nhau dạo biển. Đâu đó rộn rã tiếng cười của các nhóm bạn thuê xe đạp chạy vòng quanh. Tuy nhiên, phương tiện dạo mát đặc trưng của phố đêm Cát Bà lại là những chiếc xích lô mini. Không chỉ các bé mà người lớn khi nghỉ đêm tại đây đều thích thú với loại phương tiện này. Bạn có thể thuê để đạp quanh con đường chính dài khoảng 2 km ở trung tâm thị trấn để tận hưởng gió biển đêm mát lạnh và có một giấc ngủ tối thật ngon.
Thưởng thức đặc sản Cát Bà
dulichhp-2381-1395742270.jpg
Đặc sản tu hài Cát Bà. Ảnh: dulichhaiphong.
Cát Bà có nhiều món ngon nổi tiếng được chế biến từ các loại hải sản như tu hài, tôm hùm, cá hồng, cá song, cá giò, giá biển, rắn biển, sam. Tùy theo sở thích bạn có thể lựa chọn cách nướng, xào hay hấp tại dãy nhà hàng ở thị trấn nằm trên đường 1/4 hoặc Núi Ngọc. Chợ Cát Bà cũng là nơi không tồi để bạn khám phá ẩm thực ngon, giá rẻ ở đây. Ngoài ra, bạn có thể thử các dịch vụ ăn uống trên bè gần biển, vừa thưởng thức vừa hít hà gió biển.

No comments:

Post a Comment

quangnm