Monday, May 25, 2015

Chùm ảnh: "Đội quân bóng tối" tại tòa nhà Quốc hội Mỹ

Chùm ảnh: "Đội quân bóng tối" tại tòa nhà Quốc hội Mỹ

17:26:05 25/05/2015

Những người công nhân phụ trách dọn dẹp và bảo trì tòa nhà Quốc hội Mỹ trên đồi Capitol luôn làm việc suốt đêm rồi biến mất khi trời sáng, đảm bảo cho tòa nhà quyền lực nhất thế giới này luôn sạch sẽ và hoa lệ.


Điện Capital hoành tráng và uy nghiêm.
Tên gọi khác của những công nhân cần mẫn này là "Đội quân bóng tối", bởi vì họ luôn làm việc khi tất cả mọi người đã say ngủ. Những con người cần mẫn này phải lau chùi, dọn dẹp, sửa sang 39 tòa nhà, 1.400 toa-lét, 600 căn phòng chỉ trong một đêm để đến sáng hôm sau, điện Capitol nổi tiếng lại phải hoa lệ và bề thế như vốn có.

Khu tổ hợp tòa nhà quốc hội Mỹ là nơi làm việc của 30 nghìn người với 330 thang máy, mỗi năm điện Capitol đón khoảng 3 triệu lượt khách, thế nên những công nhân vệ sinh chưa bao giờ rảnh rỗi trong ca làm việc của mình mỗi đêm.

Giờ làm việc của "Đội quân bóng tối" bắt đầu lúc 9 giờ tối hàng ngày đến rạng sáng ngày hôm sau, với những người mới vào nghề, mức lương được trả là 15USD/giờ (hơn 300.000 đồng/1 giờ) dọn dẹp, người có thâm niên cao hơn có thể nhận tới 32USD/giờ (gần 700.000 đồng/giờ).

Cô Estelle Wimbush, đã làm việc ở điện Capitol tròn 35 năm, mỗi đêm cô sẽ phải lau chùi sạch sẽ 370 mét vuông mặt sàn đá cẩm thạch, lau bụi trên cửa kính và các cột đá cao 8 - 10 mét. Sau quá trình dọn dẹp, đội ngũ công nhân sẽ đẩy toàn bộ rác thải ra ngoài, nơi có 2 xe thu rác chờ sẵn, mỗi năm tòa nhà Quốc hội Mỹ thả ra khoảng 600.000 tấn rác, trong đó phần lớn là giấy.

Mỗi đêm làm việc của "Đội quân bóng tối" này kéo dài đến 7 rưỡi sáng, họ lặng lẽ thay đồ, trở về nhà để chìm vào giấc ngủ, không quên chào những đồng nghiệp "ban ngày" đang tới nhiệm sở  - khoảnh khắc gặp gỡ hiếm hoi của những người cùng làm việc tại điện Capitol hoa lệ.


Cô Estelle Wimbush đang cặm cụi lau chùi từng mét sàn cẩm thạch trong tòa nhà.



Phòng thay đồ và nghỉ ngơi giữa ca trực của đội ngũ công nhân vệ sinh.



Họ chăm chút và sửa sang từng góc nhỏ trong khu nhà khổng lồ này.



Đặc biệt là những bức tranh trên mái vòm, "đặc sản" của điện Capitol.



Ngay cả những đường ống kim loại cũng được đánh bóng sạch sẽ.



Một công nhân thu gom rác đang đi dọc hành lang dài hun hút.



Tòa nhà quốc hội Mỹ có 2 xe rác riêng để đem số giấy khổng lồ đi tái chế.
5h15 phút sáng Ông David Printz đã phải sẵn sàng cho 3 đoàn tàu điện tỏa đi khắp nơi trong thành phố để đón công nhân viên chức làm việc tại đây.

Điện Capitol vẫn được chiếu đèn sáng trưng vào ban đêm

Theo Washington Post

Mười nghề nguy hiểm nhất thế giới

00:01:19 28/04/2015

Bạn có dám liều mình để làm 1 trong những công việc nguy hiểm nhất thế giới sau đây?

Đấu bò là một trong những ngành nghề nguy hiểm nhất tại Tây Ban Nha. Ngoài những ánh hào quang của các đấu sĩ thành công là sự đau khổ của những đấu sĩ thất bại. Thậm chí, có người còn phải đánh đổi cả mạng sống của mình để giành được chiến thắng. 


Tuy được đánh giá là một công việc rất nguy hiểm, thế nhưng, lợi ích mà nó đem lại khiến không ít người kìm được lòng. Đấu bò có thể giúp bạn trở thành một đại gia nhưng cũng có thể khiến bạn trầm mình trong đau khổ.


Nghề đóng thế cũng được đánh giá là một trong những ngành nghề nguy hiểm nhất trên thế giới. Những rủi ro mà một diễn viên đóng thế gặp phải là những điều không thể dự đoán trước được. Tính mạng của họ giống được đặt trên một ván cờ may rủi với những cú va đập, tông xe, nhào lộn... Không phải lúc nào họ cũng may mắn. Để theo được nghề, người diễn viên cần có tình yêu nghề và một trái tim dũng cảm. 


Sau những trận hỏa hoạn được dập tắt là sự quả cảm của những chiến sĩ cứu hỏa. Hàng ngày các anh phải đối diện với những rủi ro mà các vụ cháy đem lại. Do đặc thù công việc khá nguy hiểm, cho nên các anh thường được xã hội quan tâm và tôn trọng.


Nghề làm vệ sĩ còn được gọi với các tên như "lá chắn sống", "nghề tóm đạn"... Mặc dù mức lương họ nhận được khá là cao, nhưng ít ai biết được cái giá mà họ phải trả như thế nào. Ngoài sự tự do của bản thân, thậm chí họ còn phải đánh đổi cả mạng sống của mình. Các nhân vật được bảo vệ càng quan trọng, chức vị càng lớn thì nguy hiểm họ gặp phải càng nhiều. Bằng mọi giá, họ phải đảm bảo an toàn cho những người chủ của mình.



Để giúp công chúng có cái nhìn chân thực nhất về tình hình chiến sự, các phóng viên đã phải bất chấp nguy hiểm vào các trận địa để nắm bắt tình hình. Họ là những con người hàng ngày phải đối diện với thần chết. Công việc hàng ngày của các phóng viên là ra chiến địa ghi chép, chụp ảnh tình hình chiến sự. Mọi người đều biết rằng, để có được một bài báo viết về chiến sự, họ phải đánh đổi bằng sự gian khổ, có khi bằng cả mạng sống của chính mình.


Nghề huấn luyện thú đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại. Trên thực tế, đã có khá nhiều người huấn luyện thú bị chính những con thú mà mình huấn luyện giết chết.


Những tay đua là những người thường đối diện với sự căng thẳng. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến họ mất mạng, thậm chí còn vô tình cướp đi mạng sống của người khác. Tuy rằng, đua xe có thể giúp họ có một cuộc sống sung túc nhưng cái giá mà họ phải trả là sự nguy hiểm đến tính mạng. Những vụ tai nạn khiến họ trở nên ám ảnh, tàn tật, thậm chí là mất mạng.


Các chuyên gia rà phá bom mìn luôn là người đánh cược cuộc sống với tử thần. Một sơ suất nhỏ xảy ra cũng có thể khiến họ mất mạng, thậm chí còn khiến nhiều người khác chết theo.


Để có thể duy trì trật tự an toàn giao thông, những chiến sĩ cảnh sát phải dầm mưa dãi nắng hàng ngày. Những nguy hiểm mà họ đối diện vô cùng lớn. Ngoài việc bị khói bụi làm cho ảnh hưởng sức khỏe, các chiến sĩ phải đối mặt với những nguy hiểm đến từ các phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là những tay đua đường phố lượn lách hay những người tham gia giao thông say xỉn. 


Tại Mỹ, mỗi năm đều có khoảng 127 người bị chết do cây đổ vào người. Họ đều là những công nhân khai thác gỗ. Mặc dù có đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động, tuy nhiên việc họ không phán đoán chính xác hướng cây đổ lại khiến họ mất mạng.

(Nguồn: Cankaoxiaoxi)

Những hình ảnh thú vị về nghề xe ôm trên thế giới

00:00:00 25/04/2015

Dịch vụ vận tải công cộng siêu nhỏ, hay còn gọi là xe ôm, là nghề rất phổ biến ở các nước đang phát triển. Ở mỗi quốc gia, nghề xe ôm lại mang một cái tên riêng. Hãy cùng tìm hiểu về dịch vụ bình dân và phổ biến nhất thế giới này nhé.

Trên thế giới, xe ôm mang rất nhiều cái tên khá đáng yêu và buồn cười khác nhau như boda-boda trong tiếng Sudan, halba-halba trong tiếng Philippines, người Ấn lại gọi là chingchee, ở Cuba xe ôm được gọi là... xe dừa vì chiếc xe 3 bánh chở khách được thiết kế tròn ủng.

Xe ôm là dịch vụ được dân du lịch "lang thang" rất ưa thích khi đến một quốc gia nào đó, đơn giản vì xe ôm rẻ và có thể đi khắp mọi ngõ ngách dù nhỏ hẹp đến đâu, thậm chí đôi khi tài xế xe ôm còn là tour guide hiệu quả và thân thiện nhất mà bạn có thể tìm thấy.


Tại Yemen, lực lương xe ôm đông hơn taxi rất nhiều lần, bên cạnh việc chở khách, những tài xế xe ôm Yemen còn kiêm luôn nghề đi chợ hộ và thợ xây.


Xe ôm 3 bánh halba-halba rất phổ biến ở Philippines, tấm ảnh này chụp ở ngoại ô San Juan, phía đông Manila, người dân đang tham gia té nước trong ngày lễ thánh John.


Hình ảnh 2 nhà sư đang đi xe ôm trên đường phố Phnom Penh, Campuchia.


Xe ôm là dịch vụ rất phổ biến và đa năng ở Campuchia.


Xe ôm ở Lào thực chất là xe 3 gác được gắn thêm ghế cho khách, gần giống với xe Tuk tuk ở Thái Lan.


Xe ôm 3 bánh nhỏ xíu ở Philippines thường chở quá số người được phép, theo lời các tài xế thì do xe quá khỏe nên chở 1-2 người sẽ rất phí phạm.


Xe Chingchee ở Pakistan, chiếc xe 3 gác cải tiến này có thể chở đến 4 khách một lúc.


Đội ngũ tài xế tại đảo quốc Goa, xe ôm là phương tiện rất phổ biến ở đây.


Xe dừa hay xe ôm quả dừa ở Havana, Cuba, tuy cũng là xe 3 bánh nhưng xe dừa chỉ chở được 1 hành khách.


Xe ôm xịn ở thành phố Amsterdam, Hà Lan


Ấn Độ luôn nổi tiếng với độc chiêu chở quá tải, đối với xe ôm cũng không ngoại lệ.


Một chiếc xe máy chở khách ở Ecuador, ở một số nước, xe ôm 3 bánh được ưa chuộng hơn xe 2 bánh vì có thể che mưa.


Xít-đờ-ca xe ôm ở Philippines cũng là một phương tiện rất thú vị.


Một anh tài xe ôm đang chờ khách ở chợ thành phố Konyo Konyo, Sudan.


Một hành khách đang bị bao vây bởi 4 anh xe ôm ở Kigali, Rwanda.


Xe ôm ở thành phố Lagos, Nigeria, ở một số quốc gia theo Hồi giáo. Vì tài xế xe ôm đa phần là nam giới nên phụ nữ chỉ được đi bộ hoặc xe bus.



Một bác xe ôm đang ngủ gật trên đường phố Bangkok, Thái lan, mặc dù "đặc sản" của nước này là xe tuk tuk nhưng xe ôm 2 bánh vẫn được ưa chuộng vì rẻ và cơ động.


 Việt Nam với hình ảnh những bác tài xe ôm trung niên ăn mặc lịch sự và lúc nào cũng rửa xe sạch bóng.


Tấm ảnh đại diện cho khái niệm "Motorcycle Taxi" trên trang Wikipedia là một hình ảnh bác tài xe ôm Việt Nam đang cười tươi.

Nghề nguy hiểm: 2 công nhân lau kính cao ốc suýt chết vì bị gió cuốn ở Trung Quốc

14:00:00 03/04/2015

Lau kính tại các tòa nhà cao ốc chưa bao giờ là công việc dành cho những người yếu đuối, bởi vì bạn sẽ phải đu người lên cao hàng trăm mét, đối mặt với nắng gắt và những cơn gió thổi mạnh.

Mới đây, tại tòa cao ốc trung tâm tài chính Thượng Hải, một video đã ghi lại được cảnh những người thợ lau kính bị gió thổi quay như chong chóng khi đang làm việc ở tầng 91.

Video ghi lại hình ảnh kinh hoàng của công nhân lau kính khi bị gió cuốn.


2 công nhân đang đung đưa giữa trời.

Trong video, những giá đứng của thợ lau kính đập liên tục vào cửa sổ khiến ít nhất 2 tấm kính nứt do lực tác động quá mạnh, các mảnh vỡ đã rơi thẳng từ độ cao 400 mét xuống đất. May mắn là cả 2 người không bị thương nặng sau vài phút bị quăng quật giữa không trung, nhưng có lẽ họ sẽ phải nghỉ ngơi lấy lại bình tĩnh một thời gian trước khi trở lại làm việc.

Sự cố ở Thượng Hải không phải lần đầu xảy ra đối với những công nhân lau kính. Mỗi năm lại có vài vụ đứt cáp hoặc bị gió cuốn xảy ra với những người làm nghề nguy hiểm này.

Hồi tháng 12/2014, tại tòa nhà One World Trade Center, thành phố New York, Mỹ, một nhóm công nhân cũng gặp phải tai nạn đứt cáp treo khi đang đứng trên giá đỡ ở tầng 68. Lực lượng cứu hộ đã phải phá một miếng kính để giải cứu họ.


Tháng 8/2014, một vụ tai nạn tương tự cũng xảy ra ở thủ đô Vienna, Áo, 2 người thợ lau kính cũng bị đứt cáp khi đang làm việc trên độ cao 144 mét, 30 lính cứu hỏa đã được điều tới hiện trường để giải cứu các nạn nhân.


Gió là nguyên nhân chính khiến dây cáp bị đứt trong những vụ tai nạn này.

Càng lên cao gió càng mạnh dễ gây ra tai nạn, thế nên tòa tháp cao nhất thế giới Burj Khalifa tại Dubai có một hệ thống cần cẩu đắt tiền trị giá 5 triệu USD được thiết kế riêng chỉ để lau kính. Không giống như những tòa tháp khác, cần cẩu lau kính của Burj Khalifa bám thẳng vào bề mặt tòa nhà chứ không đặt ở trên đỉnh. Bộ máy lau kính này có thể treo được 13 tấn, chở được 36 công nhân một lúc.


Hệ thống cần cẩu lau kính siêu hiện đại ở Burj Khalifa.



Nó có thể chạy vòng quanh bề mặt tòa tháp nhờ các hệ thống ray.

Nghề nguy hiểm: Những "người nhện" dọn rác trên đỉnh Thiên Môn Sơn

14:00:58 31/03/2015

Công việc của họ là nhặt rác thải trên vách núi đá Thiên Môn dựng đứng ở độ cao 1.400 mét, chỉ với dây cáp cũ sờn và mũ bảo hộ lao động.


Du khách ngạc nhiên khi nhìn thấy một người đàn ông đang cheo leo giữa vách núi.

Những người lao công dọn vệ sinh tại vườn quốc gia núi Thiên Môn, tỉnh Hồ Nam hàng ngày vẫn treo mình trên vách núi đá để thu thập rác thải, mặc dù tổng cục du lịch Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi du khách giữ vệ sinh môi trường, nhưng nhiều người khi đến đây vẫn tiếp tục xả rác khắp nơi.


Họ đi thu thập những chai lọ do du khách vứt lại.

Đây không phải công việc dành cho những người yếu tim hoặc sợ độ cao.

Do đó, những người lao công này phải treo mình trên những vách đá dựng đứng, trở thành "người nhện" để mưu sinh. Mặc dù đồ nghề của họ chỉ là những sợi cáp leo núi được buộc vào rào chắn, đầu kia buộc ngang eo, nhưng những công nhân vệ sinh này cứ thế đu từ vách núi này sang vách núi khác để dọn dẹp.






Riêng việc đứng trên lan can nhìn xuống thôi đã khiến nhiều người "sởn da gà"



Nhưng bên cạnh công việc giữ vệ sinh cho khu du lịch, những "người nhện" dũng cảm trên vách núi Thiên Môn cũng là một yếu tố thu hút khách du lịch đến đây để ngắm nhìn những người đàn ông thách thức tử thần này.

Ngọn núi Thiên Môn nằm trong vườn quốc gia Thiên Môn Sơn, thuộc tỉnh Hồ Nam, là địa danh du lịch nổi tiếng của Trung Quốc. Ngọn núi này sở hữu những con đường cực kỳ nguy hiểm, thu hút du khách ưa mạo hiểm từ khắp nơi trên thế giới đổ về.

Trên đỉnh núi Thiên Môn có con đường bằng kính treo giữa vách núi dựng đứng mang tên "Skywalk". Nơi du khách có thể trải nghiệm cảm giác mạnh khi được thách thức chính bản thân mình.


Núi Thiên môn có những con đường ván gỗ chỉ rộng chừng 30cm.



Và con đường kính treo lơ lửng giữa trời.

Chùm ảnh: Cận cảnh nghề cõng sắt lên “nóc nhà Đông Dương”

07:00:00 08/05/2015

Cõng trên lưng hàng chục kg sắt di chuyển trên đoạn đường dài trong điều kiện rừng núi hiểm trở để tới các địa điểm khác nhau, phục vụ công trình xây dựng điện lưới trên “nóc nhà Đông Dương”, những người lao động được trả mức lương khoảng 200.000 đồng/ngày.

Tại độ cao 2.900m so với mực nước biển trên đường chinh phục đỉnh Fansipan (Sa Pa, Lào Cai), một nhóm người lao động địa phương và các tỉnh lân cận tập trung ở đây làm nghề vận chuyển sắt thép xây dựng điện lưới lên “nóc nhà Đông Dương” thuộc Dự án cáp treo Fansipan. 

Do địa hình hiểm trở, việc sử dụng máy móc vào xây dựng là không thể, đòi hỏi phải sử dụng sức lao động của con người nhất là sức khỏe của những người đàn ông bản địa bởi họ quen đường đi lối lại và có sức bền tốt. 

Mặc dù là nghề nặng nhọc, vất vả nhưng vì cuộc sống mưu sinh thường ngày, những người phụ nữ dân tộc Thái ở Lai Châu cũng lặn lội đến đây để có công ăn việc làm. 

Địa hình đường rừng hiểm trở nhưng chị Lò Thị Sòi (26 tuổi, Sì Hồ, Lai Châu) hàng ngày vẫn cõng được hơn 3 – 5 chuyến sắt từ điểm tập kết tới vị trí xây dựng cột điện khác. Mỗi chuyến sắt nặng 20kg và chị được trả 3.000 – 10.000 đồng/kg sắt.   

Cùng với chị Sòi còn có chị Thanh, chị Lờ đến từ Lai Châu. “Ở quê không có việc gì làm kiếm ra tiền, được mọi người giới thiệu, tôi cùng một số người nữa trong bản đã đi lên đây làm việc. Công việc có vất vả nhưng nếu mệt quá thì chúng tôi sẽ nghỉ” - chị Lò Thị Thanh (27 tuổi, người dân tộc Thái, ở Lai Châu) nói. 

Nằm giữa núi rừng, những chiếc lán bạt thiếu thốn đủ thứ trở thành “mái ấm” cho nhóm người lao động vận chuyển sắt này. “Chưa nói tới việc ăn uống thiếu thốn, thời tiết ở độ cao 2.900m này vô cùng khắc nghiệt. Không khí bị loãng, ban ngày thì nắng, đêm thì lạnh. Người không quen sẽ bị ốm ngay” – ông Hạng A Giang (54 tuổi, người dân tộc Mông ở Sa Pa, Lào Cai) chia sẻ. 

Phải lao động nặng nhọc nhưng những bữa ăn của họ lại rất đơn giản. Trong ảnh chị Thanh đang chuẩn bị bữa trưa cho cả nhóm. 

Cuộc sống khó nhọc thường ngày trong công việc là câu chuyện của em Lờ (16 tuổi, người dân tộc Mông, nhà ở Sa Pa). “Em đã đi làm ở đây được 20 ngày cùng cha mẹ và nhiều người trong bản. Công việc thường ngày của em là vận chuyển những thanh sắt về các nơi xây dựng cột điện. Mỗi lần em vác được 30kg sắt trên lưng”- Lờ nói. 

Những đôi chân trai sạn vẫn hàng ngày miệt mài với công việc vất vả của mình. “Phải làm nhiều mới kiếm được tiền. Nếu cứ ở nhà mà không làm gì thì không có tiền để mua sắm gì cả” – Người đàn ông hơn 50 tuổi, là bố của Lờ chia sẻ. 

Nghề vận chuyển sắt để xây dựng điện lưới theo đường leo đỉnh Fansipan đã có được cách đây hai năm về trước. Giá trả cho mỗi chuyến vận chuyển không cố định mà do đơn vị thuê tính khoảng cách, công sức người lao động bỏ ra. (Trong ảnh là những người phụ nữ dân tộc Dao (Sa Pa, Lào Cai) đang vận chuyển sắt từ Trạm Tôn lên độ cao 2.200m). 

Ông Tần Vườn Sinh (58 tuổi, người dân tộc Dao, ở Sa Pa) cho biết, hôm nay cả gia đình ông gồm có vợ, con trai, con dâu và một số người cùng trong bản bắt đầu đi làm công việc này. Chuyển sắt từ Trạm Tôn lên độ cao 2.200m, những người lao động đã quen thuộc địa hình này cần khoảng 2 giờ đồng hồ (nếu là khách du lịch thì phải hết 4 - 6 giờ đồng hồ). Mỗi ngày, ông Sinh đi được khoảng 2 chuyến và được trả công với mức 3.000 đồng/kg. 

Với công việc này, những người lao động phải bỏ ra hơn 100% sức lao động để có một mức thu nhập bình quân từ 100.000 – 200.000 đồng/ngày. 

Được biết, công trình xây dựng điện lưới lên đỉnh Fansipan có 33 địa điểm hiểm trở nằm trên núi cần phải xây dựng cột điện, giai đoạn đầu nhà thầu điện lưới đã phải huy động hơn 500 công nhân để đảm bảo tiến độ. Trong giai đoạn lắp ráp cột điện, số lượng công nhân chỉ còn khoảng 30 - 40 người. 

Dự án xây dựng hệ thống cáp treo phục vụ khách tham quan từ Sa Pa đi thung lũng Mường Hoa và đỉnh Fansipan (Lào Cai) do Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch cáp treo Fansipan-Sa Pa - thành viên Tập đoàn Sun Group (đơn vị đã triển khai dự án cáp treo Bà Nà) làm chủ đầu tư. 
Hệ thống cáp treo Fansipan có độ dài toàn tuyến khoảng 7 km, điểm đầu tại tổ 11B, đường Nguyễn Chí Thanh - thị trấn Sa Pa, vượt thung lũng Mường Hoa kết nối với các điểm du lịch và lên đỉnh Fansipan. Với tổng vốn đầu tư 4.400 tỷ đồng, đây là hệ thống cáp treo 3 dây lần đầu tiên có tại châu Á, cũng là cáp 3 dây dài nhất, cao nhất, phức tạp nhất thế giới. 
Khi công trình hoàn thành, hành trình chinh phục đỉnh Fansipan sẽ chỉ còn 15 phút, với vận tốc ca bin đạt 8m/s và công suất vận chuyển tối đa 2.000 lượt khách trong một giờ.

No comments:

Post a Comment

quangnm