Thursday, September 11, 2014

Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ trong tương lai

Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ trong tương lai

Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ được lát toàn bộ bằng đá granite, có hệ thống chiếu sáng nghệ thuật, mảng xanh, đài phun nước và là không gian công cộng phục vụ người dân.
 
Dự án nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ thành phố đi bộ có tổng kinh phí gần 430 tỷ đồng.
 
 
Công trình có chiều dài 640 m và rộng 64 m. Khi hoàn thành, mặt đường và vỉa hè quảng trường sẽ được lát đá tự nhiên.
 
 
Đồng thời, xây dựng lại hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, cấp điện, cây xanh và mảng xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng và chiếu sáng nghệ thuật…), đài phun nước; Xây ngầm trung tâm điều khiển ánh sáng, nhạc nước, âm thanh, camera, nhà vệ sinh công cộng...
 
 
Công trình sử dụng màu sắc của đá granite để trang trí hoa văn trên mặt đường.
 
 
Dự kiến tuyến đường Nguyễn Huệ sau khi nâng cấp sẽ được tổ chức các chuyên đề nhạc nước, nghệ thuật 3D ở khu vực vòng xoay, bồn phun nước. Khu vực tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng hoa theo mùa, trồng thêm cây ở 2 bên vỉa hè.
 
 
Khi hoàn thành, quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ sẽ là không gian công cộng vui chơi, tham quan cho người dân thành phố và du khách.
 
 
Trên đường Nguyễn Huệ, tại trung tâm quảng trường, trước trụ sở UBND TP HCM sẽ là nơi đặt Tượng đài Bác Hồ (tượng đài cũ Bác Hồ với thiếu nhi sẽ được cung thỉnh về Nhà thiếu nhi thành phố).
Phó chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận cho biết vị trí đặt tượng đài là "địa chỉ vàng" của thành phố cả về cảnh quan, không gian kiến trúc, về giá trị văn hóa, lịch sử gắn với sự phát triển hiện tại; là nơi có không gian mở, đẹp, trang trọng, ấm cúng, gần gũi với người dân; nơi đón tiếp nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan thành phố.
 
 
Theo UBND TP HCM, các bộ ngành thống nhất ý kiến chọn mẫu tượng Bác Hồ với tư thế đứng theo đề án của Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM trình Ban Bí thư Trung ương Đảng. 
 
 
Thành phố cũng tham khảo ý kiến của cán bộ lão thành, nhân sĩ trí thức, người dân trên địa bàn. Có hơn 3.200 ý kiến được đánh giá đầy tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc cả về mẫu tượng và cảnh quan kiến trúc. 
 
 
Theo UBND thành phố, Tượng đài Bác Hồ sẽ là công trình mang tầm vóc lịch sử tại thành phố mang tên Bác.
 
 
UBND TP HCM đã có văn bản khẩn kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố áp dụng hình thức chỉ định nhà thầu EPC thực hiện dự án Nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ để rút ngắn thời gian chuẩn bị thực hiện dự án, sớm khởi công và hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.
 
 
Công trình tượng đài Bác Hồ và quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ sẽ được hoàn thành vào tháng 3/2015 để mừng kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất.
 
Hữu Công

Đường Nguyễn Huệ sẽ thành quảng trường đi bộ

Dự kiến tuyến đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM sau khi nâng cấp sẽ được tổ chức các chuyên đề nhạc nước, nghệ thuật 3D... phục vụ người dân.
UBND TP HCM vừa có văn bản khẩn kiến nghị Thủ tướng cho phép thành phố áp dụng hình thức chỉ định thầu nhà thầu tổng thầu EPC để thực hiện dự án Nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ để rút ngắn thời gian chuẩn bị thực hiện dự án, sớm khởi công và hoàn thành trong thời gian ngắn nhất. Lý do, công trình cần phải hoàn thành để đồng bộ với việc xây dựng tượng đài Bác Hồ trước trụ sở UBND vào tháng 3/2015, kỷ niệm 40 năm ngày đất nước thống nhất.
phoi-canh-3482-1410341149.jpg
Phối cảnh đường Nguyễn Huệ sau khi được nâng cấp, cải tạo thành phố đi bộ vào ban đêm. 
Theo thiết kế, công trình có chiều dài 670 m, rộng 64 m. Các hạng mục xây dựng chính gồm nâng cấp, cải tạo mặt đường và vỉa hè hiện hữu bằng lát đá tự nhiên thành quảng trường đi bộ; Xây lại hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật (cấp thoát nước, cấp điện, cây xanh và mảng xanh, hệ thống chiếu sáng công cộng và chiếu sáng nghệ thuật…), đài phun nước; Xây ngầm trung tâm điều khiển ánh sáng, nhạc nước, âm thanh, camera, nhà vệ sinh công cộng... Tổng kinh phí đầu tư gần 430 tỷ đồng.
Dự kiến tuyến đường Nguyễn Huệ sau khi nâng cấp sẽ được tổ chức các chuyên đề nhạc nước, nghệ thuật 3D ở khu vực vòng xoay, bồn phun nước. Khu vực tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trồng hoa theo mùa, trồng thêm cây ở 2 bên vỉa hè.
UBND thành phố cam kết, nếu được Chính phủ chấp thuận, sẽ bảo đảm lựa chọn đơn vị nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện tổng thầu EPC, hoàn thành công trình đúng tiến độ kế hoạch đề ra.
Dự án Nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Huệ dự kiến sẽ được khởi công trong tháng 9 để kịp hoàn thành vào tháng 3/2015. Để thực hiện dự án, Tết Nguyên đán 2015 đường hoa sẽ được tổ chức ở đường Hàm Nghi.
Trung Sơn

TP HCM thành lập riêng Sở Du lịch

Sở Du lịch được thành lập trên cơ sở tách ra từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP HCM nhằm nâng cao hiệu lực quản lý.
Chiều 11/9, tại kỳ họp bất thường của HĐND TP HCM khóa VIII, các đại biểu đã nhất trí thông qua tờ trình thành lập Sở Du lịch thành phố để đảm bảo quản lý sâu sát, kịp thời và chặt chẽ ngành công nghiệp không khói này. Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân đã có văn bản gửi Thủ tướng kiến nghị về vấn đề này và đã được chấp thuận về chủ trương.
bieu-quyet-5911-1410425870.jpg
Các đại biểu HĐND TP HCM biểu quyết thông qua các tờ trình của UBND thành phố. Ảnh: Hữu Công.
Theo tờ trình của UBND thành phố, Sở Du lịch TP HCM được thành lập trên cơ sở tách chức năng quản lý nhà nước về du lịch từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có tên tiếng Anh là "Department of Tourism of HCMC", trụ sở tại số 40 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3. Nhân sự của Sở này dự kiến có 75 người gồm các phòng Lữ hành, Khách sạn, Kế hoạch - Nghiên cứu phát triển, Thông tin du lịch, Thanh tra sở và Văn phòng sở...  
Ngoài chức năng quản lý nhà nước, Sở Du lịch thành phố cũng sẽ là đơn vị thẩm định hồ sơ xin cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép, cấp, đổi, thu hồi thẻ hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên du lịch... 
Trước đó, báo cáo với HĐND thành phố, Phó chủ tịch UBND thành phố Hứa Ngọc Thuận cho rằng TP HCM là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu cả nước, đóng góp bình quân 60% lượng khách quốc tế đến Việt Nam và 47% doanh thu du lịch cả nước. Tính riêng trong giai đoạn 2006-2013, lượng khách du lịch quốc tế đến thành phố tăng bình quân 10%, khách nội địa vẫn tăng mỗi năm 20-30% dù trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Doanh thu du lịch tăng bình quân năm là 27%, đóng góp 11% GDP của thành phố. 
"Cơ sở vật chất kỹ thuật của du lịch phát triển theo hướng hiện đại, số doanh nghiệp lữ hành tăng mạnh. Theo nhận định từ Tổ chức Du lịch thế giới, TP HCM nằm trong top 100 điểm đến hấp dẫn của du lịch thế giới. Đây là những tín hiệu tốt cho thấy du lịch thành phố tăng trưởng bền vững, ổn định", ông Thuận nói.
du-lich-5179-1410425870.jpg
Theo UBND TP HCM, việc thành lập Sở Du lịch là cần thiết để nâng cao hiệu lực quản lý. Ảnh: Hữu Công.
Vị Phó chủ tịch phụ trách Văn Xã của thành phố cũng cho biết, với sự tăng trưởng nhanh về chiều rộng và chiều sâu của hoạt động du lịch đã tạo áp lực lớn cho công tác quản lý nhà nước thời gian qua. Ngoài ra, với định hướng phát triển là một trong 9 ngành dịch vụ cần đẩy mạnh phát triển, cần thành lập cơ quan chuyên môn thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành du lịch tương xứng để nâng cao hiệu lực quản lý, đảm bảo sâu sát, kịp thời và chặt chẽ.
Trước đây TP HCM từng có Sở Du lịch (thành lập vào tháng 8/1993), sau đó sáp nhập vào Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào tháng 6/2008. 
Cũng tại kỳ họp bất thường, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về việc ưu đãi bổ sung cho dự án đầu tư của tập đoàn điện tử Sam Sung (Hàn Quốc), đầu tư tại khu Công nghệ cao của thành phố. Đây là dự án có số vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD để sản xuất màn hình LCD và các linh kiện điện tử liên quan.
Hữu Công

Cao tốc dài nhất Việt Nam cho phép xe chạy 120 km/h

Bộ trưởng Giao thông Đinh La Thăng yêu cầu chủ đầu tư tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai gắn biển cho phép ôtô dưới 9 chỗ chạy tốc độ 120 km/h.
Tại cuộc họp về khai thác cao tốc Nội Bài - Lào Cai sáng 11/9, chuyên gia giao thông Tống Trần Tùng cho rằng, việc cắm biển quy định về khoảng cách an toàn 50-70 m giữa các phương tiện sẽ hạn chế khả năng khai thác. Nếu quy định như vậy thì tốc độ trên đường này chỉ ngang với đường cấp 3 và chỉ đáp ứng được 3.000-4.000 xe/ngày đêm.
Ông Tống Trần Tùng còn cho rằng, tuyến cao tốc này đã được thiết kế lên 120 km/h, đầu tư tốn biết bao tiền của, mà khai thác tốc độ chạy xe tối đa 100 km/h là chưa hợp lý.
xe-3142-1410422254.jpg
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai được thiết kế tối đa 120km/h. Ảnh: Đ.Loan
Sau khi nghe các ý kiến chuyên gia, Bộ trưởng Thăng yêu cầu Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) và các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện hệ thống biển báo. Trước mắt có thể cho xe đến 9 chỗ chạy 120 km/h, loại xe lớn hơn chạy ở tốc độ 100 km/h.
"Đã thiết kế 120 km thì cứ cho chạy như vậy. Hạn chế tốc độ dẫn đến phạt vô lý, gây ức chế cho lái xe, lãng phí tiền của”, Bộ trưởng Thăng nói.
Ông Thăng cũng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ và các cơ quan liên quan nghiên cứu phân luồng cho xe khách và container đi lên đường cao tốc thay vì quốc lộ 70 như hiện nay.
Bộ trưởng yêu cầu phải quán triệt mục tiêu phát triển hạ tầng để thúc đẩy kinh tế xã hội và đảm bảo an toàn giao thông. Vì vậy, cần xây dựng một quy trình khai thác trên cơ sở các quy định hiện hành và phù hợp với thực tế tuyến đường này.
Ngày 21/9 tới đây, tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam sẽ được thông xe. Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), phương án thu phí sẽ chia làm hai giai đoạn: giai đoạn một phát thẻ giấy xác định điểm vào và thu phí tại điểm ra, giai đoạn hai sẽ thu phí điện tử.
Cụ thể, từ Nội Bài lên tới Lào Cai, xe dưới 12 ghế, xe trọng tải dưới 2 tấn, xe buýt sẽ phải nộp mức phí là 300.000 đồng/lượt; xe từ 12 đến 30 ghế và xe có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn sẽ phải nộp 460.000 đồng/lượt; xe từ 31 ghế trở lên và xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn nộp phí 610.000 đồng; xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở container 20 feet phải trả phí 760.000 đồng/lượt; xe có tải trọng 18 tấn trở lên và xe chở container 40 feet áp phí 1.220.000 đồng/lượt.

Cao tốc dài nhất Việt Nam thông xe vào 21/9

Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 245 km thông xe sẽ rút ngắn hành trình từ Hà Nội đến Lào Cai xuống 3,5 tiếng so với 7 tiếng trước đây.
Đoạn tuyến dài 71 km (thuộc gói thầu A4 và A5) đi qua huyện Cẩm Khê và huyện Hạ Hòa (Phú Thọ), thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên và huyện Văn Yên (Yên Bái) sẽ thông xe trong vòng 2 tuần tới. Như vậy tổng số 8 gói thầu với chiều dài 245 km cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã hoàn thành để đưa vào khai thác.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những dự án đường cao tốc có quy mô lớn nhất Việt Nam đi qua TP Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100 km/h và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 80 km/h.
cao-toc-6817-1410163375.jpg
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài nhất Việt Nam hiện nay. Ảnh: Đ Loan.
Để thực hiện dự án, các tỉnh, thành đã phải phóng mặt bằng 2.000 ha đất, giải tỏa hơn 25.000 hộ dân, xây dựng 99 khu tái định cư, di dời và xây mới hàng trăm công trình công cộng. Trên tuyến đường phải xây dựng mới 120 cầu lớn nhỏ trong đó có 2 cầu lớn là cầu Sông Hồng và Sông Lô dài 1,68 km rộng 16,5 m; một hầm xuyên núi dài 530 m, 13 trạm thu phí, 5 trạm dừng nghỉ.
Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đưa vào khai thác sẽ giúp giảm thời gian lưu thông từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 tiếng so với 7 tiếng như trước đây, giảm áp lực giao thông và tai nạn trên quốc lộ 2, 2B, 32C và 70. Ngoài ra, các phương tiện sẽ tiết kiệm tối đa nhiên liệu vì không có các điểm giao cắt với đường khác.
thu-phi-2462-1410163375.jpg
Phương tiện đi vào đường cao tốc sẽ được phát thẻ và lưu số xe, cước phí tính theo km đoạn tuyến trên đường xe lưu thông. Ảnh: Đ Loan.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 1,5 tỷ USD gồm vay ưu đãi ADF là 236,21 triệu USD, vay thông thường hơn một tỷ USD và vốn đối ứng 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng.
Theo Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc (VEC), mức phí đoạn tuyến km0-km123 được xây dựng 4 làn xe có mức thu là 1.500 đồng/km với xe con, đoạn tuyến km123-km245 với 2 làn xe sẽ được thu với mức 1.000 đồng/km với xe con. Riêng xe khách, xe tải có mức thu cao hơn tùy loại. Như vậy, xe con dưới 7 chỗ sẽ phải đóng mức phí khoảng 300.000 đồng/xe, xe tải đóng mức phí cao nhất khoảng 1,2 triệu đồng/xe.

No comments:

Post a Comment

quangnm