10 món ăn 'khó cưỡng' nhất ở Sài Gòn
Ốc, vú dê nướng, bánh tráng trộn hay phá lấu đều là những món bạn nên thử trải nghiệm khi đặt chân đến Sài Gòn.
Một trong những niềm vui còn sót lại của dân Sài Gòn có lẽ là lúc nào
cũng được ăn phủ phê những món ngon lành. Cứ ra đường phố Sài Gòn, bạn
sẽ bắt gặp hằng hà sa số hàng quán bán đồ ăn. Món chính ngon, mà món vặt
cũng ngon. Nếu là lần đầu tiên bạn đặt chân đến Sài Gòn, bạn nhất định phải thử qua những món trong danh sách dưới đây.
1. Ốc
Lê la mấy tiếng đồng hồ ở Sài Gòn vào đêm mà chưa một lần bước
vào quán ốc, gọi cho mình thố nghêu hấp xả, sò điệp nướng phomai, càng
ghẹ rang muối ớt, sò lông nướng mỡ hành... thì nghĩa là bạn chưa thật sự
hiểu Sài Gòn. Ốc được xem là món ăn không thể thiếu của người Sài Gòn.
Có hàng trăm quán ốc mọc lên như nấm ở Sài Gòn và quán nào cũng đông
nghẹt khách. Mỗi quán đều có riêng cho mình thực đơn đa dạng. Ốc Sài Gòn
tươi roi rói, nêm nếm đậm đà và ăn hoài không ngán.
Càng ghẹ rang muối ớt, sò lông mỡ hành, sò huyết xào me hay chem
chép nướng đều là những món không thể bỏ qua khi ngồi vào quán ốc. Ảnh: Đan Thảo
|
Giá ốc cũng dao động từ 20.000 đồng một đĩa dành cho quán bình
dân đến 150.000 đồng một đĩa cho quán có tiếng hơn. Bạn có thể tham khảo
một số quán ốc như ốc Xuân Hón trên Lê Thị Bạch Cát, quận 11; ốc Thành
Long trên Trương Định, quận 3; những quán ốc ở quận 4 và quận 8.
2. Bánh tráng trộn
Bánh tráng trộn, bánh tráng cuốn, bánh tráng nướng là ba món bánh tráng
khoái khẩu của giới trẻ Sài Gòn. Có giá dao động từ 10.000 đồng đến
15.000 đồng, bánh tráng trộn được bán dọc những con đường Sài Gòn. Những
chỗ bán ngon và có tiếng thường rất đông người mua.
Bên cạnh bánh tráng trộn, bạn còn có thể ăn bánh tráng cuốn chấm sốt me, bánh tráng nướng thơm ngon. Ảnh: Đan Thảo
|
Bánh tráng được xé nhỏ, cho thêm hành phi, sa tế, mỡ hành, đậu phộng,
trứng cút, khô bò, xoài và rau răm, trộn đều lên trong bịch. Mỗi nơi bán
sẽ có cách biến tấu riêng, mang vị đặc biệt. Bánh tráng trộn, bánh
tráng cuốn có thể được mua mang đi, còn bánh tráng nướng thường được ăn
tại chỗ để giữ độ nóng giòn.
3. Gỏi khô bò
Với vị ngọt của nước bò, giòn của đu đủ, gỏi khô bò cũng là món yêu
thích của người Sài Gòn. Có giá khoảng 15.000 đồng đến 18.000 đồng một
đĩa, nhiều bạn trẻ khi nhạt miệng thường kéo nhau đi ăn gỏi khô bò. Nơi
bán gỏi khô bò ngon nổi tiếng nhất có lẽ là ở công viên Lê Văn Tám, quận
3.
Nhờ sợi đu đủ xắt nhỏ, nước chấm chua ngọt đậm đà và bánh phồng
giòn rụm mà gỏi khô bò ở công viên Lê Văn Tám lúc nào cũng đông khách.
Ảnh: hcmc
|
Khi đến nơi, sẽ có người mang ra một miếng lót để bạn ngồi quanh gốc cây. Sau
khi gọi món, một người sẽ mang đĩa gỏi khô bò ra cho bạn. Gỏi khô bò ở
công viên Lê Văn Tám chỉ là quán vỉa hè nhưng đã tồn tại chục năm. Ở đây
người bán cho thêm vài miếng bánh phồng giòn lên trên đĩa khô bò nên vị
lạ không lẫn vào đâu được.
4. Phá lấu
Đối tượng thích món này nhất ở Sài Gòn phải kể đến những bạn sinh viên -
học sinh và giới trẻ nói chung. Phá lấu có nhiều loại như phá lấu heo,
gà vịt, phá lấu bò. Tuy nhiên, phá lấu bò là món được ưa chuộng hơn cả.
Một chén phá lấu bò gồm lá sách, khăn lông, lách, gân...
Khi đói bụng mà được ăn một chén phá lấu nóng hổi cùng với ổ bánh mì vàng giòn thì không điều gì thích bằng. Ảnh: Đan Thảo
|
Thông thường ăn phá lấu sẽ kèm với bánh mì chấm, hoặc mì gói. Giá một
chén phá lấu, mì phá lấu ngon tầm 15.000 đồng đến 30.000 đồng. Bạn có
thể ăn phá lấu ở phá lấu Xóm Chiếu, quận 4; bánh mì phá lấu nổi tiếng
khu quận 4 nằm ngay ngã tư Hoàng Diệu và Lê Quốc Hưng.
5. Trà sữa
Khắp ngóc ngách Sài Gòn, nơi nào cũng bán trà sữa. Mỗi tiệm trà
sữa lại có một vị nước pha riêng. Bạn bè đi cùng nhau ngại vào quán ngồi
thường ghé vào quán trà sữa chọn lấy một ly và cầm theo. Trà sữa phổ
biến nhất hiện nay ở Sài Gòn là trà sữa Phúc Long. Với vị thế thoáng
mát, nhiều người thường ra ngồi gần bến Bạch Đằng, gọi một ly trà sữa và
uống với bạn bè. Trà sữa có vị trà đặc, uống khi bụng đói có thể dễ bị
say, nhưng lại là vị yêu thích của nhiều người trẻ Sài Gòn.
Uống trà sữa cùng với bạn bè thân thiết là lựa chọn quen thuộc của giới trẻ Sài Gòn. Ảnh: Đan Thảo
|
6. Vú dê nướng
Ở Sài Gòn muốn ăn các món liên quan đến dê, đặc biệt là vú dê
nướng và lẩu dê, mọi người thường tìm đến khu Trung Sơn, quận 7. Vú dê
nướng thơm chấm với chao, ăn thêm một chén mì chan nước lẩu mới đúng
điệu.
Vú dê nướng thường ăn cùng rau muống, đậu bắp. Khi miếng vú dê
chuyển sang màu vàng sẫm, bạn sẽ gắp ra chấm chao và cho vào miệng. Ảnh:
Linh Lê
|
Vú dê mềm, giòn giòn, được ướp gia vị đậm đà và được chủ quán
mang ra kèm với một vỉ nướng. Bạn có thể tự nướng, khi hương thơm bốc
lên và chín đều thì gắp cho vào chén. Đặc biệt chao chấm phải được pha
ngon, không quá mặn cũng không quá ngọt, cho thêm chút sa tế cay vào.
Món này là món khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt vào những lúc trời
mát.
7. Xiên que
Món ăn vặt quen thuộc của nhiều người Sài Gòn, được bán ở vỉa hè
hoặc trên những xe đẩy. Những xiên que này có thể gồm cá viên chiên, bò
viên chiên, há cảo, trứng cút, đậu bắp hoặc đậu đũa cuộn... Thông
thường, bạn có thể ngồi ăn xiên chiên ở công viên, cạnh bờ sông, quán
vỉa hè trên đường Sương Nguyệt Ánh, quận 3. Một xiên có giá khoảng 7.000
đồng đến 10.000 đồng tùy nơi.
Cá viên chiên vàng giòn, nóng hổi được ăn kèm với đồ chua hoặc đu đủ chua để tăng vị. Ảnh: Linh Lê
|
8. Sủi cảo
Vốn là món ăn của người Hoa, nhưng trở nên phổ biến ở Sài Gòn.
Con đường bán sủi cảo ngon nhất phải nói đến đường Hà Tôn Quyền, quận 5.
Món này hơi giống hoành thánh, nhưng bên trong có thêm tôm và thịt nạc
xay. Bạn dùng nĩa ghim sủi cảo rồi chấm vào tương đen pha tương đỏ. Một
tô sủi cảo còn có thêm bong bóng cá, da heo, mựa... Đến quán sủi cảo,
bạn còn có thể thử qua món sủi cảo chiên hoặc mì sủi cảo. Giá một tô sủi
cảo dao động từ 35.000 đồng đến 40.000 đồng.
Sủi cảo Hà Tôn Quyền nổi tiếng nhất nhì Sài Gòn. Bạn sẽ phải chờ vài phút mới được ăn vào giờ cao điểm. Ảnh: Đan Thảo
|
9. Bột chiên
Vào những lúc đói bụng nhưng cảm thấy khó chịu trong người, bạn
có thể ăn qua món bột chiên. Bột chiên được cắt thành những khối vuông
hoặc chữ nhật, chiên trên chảo phẳng, đập thêm một quả trứng gà, rắc
thêm hành lá lên trên và múc ra cho vào đĩa. Một đĩa bột chiên ngon phụ
thuộc nhiều vào bột và nước chấm. Món này vừa ăn vặt được, lại vừa có
thể ăn no. Ngoài bột chiên, bạn có thể ăn thêm nuôi chiên, khoai môn
chiên có vị cũng khá lạ. Một đĩa bột chiên thường có giá 15.000 đồng đến
20.000 đồng.
Một số nơi bán bột chiên còn có thêm đu đủ xắt sợi rải phía trên khá ngon. Ảnh: vietnamcayda
|
10. Kem nhãn
Chỉ với một viên kem, đậu phộng rắc bên trên, nhưng kem nhãn là
một trong những món vặt mang đến cảm giác mát mẻ cho giới trẻ Sài Gòn.
Ai đã ăn kem nhãn thì không thể dừng lại ở một ly, mà phải gọi thêm hai
hoặc ba ly nữa. Giá một ly kem nhãn khoảng 6.000 đồng. Nổi tiếng về món
kem này ở Sài Gòn là kem nhãn Chú Tám nằm trên đường Trương Hán Siêu,
quận 1 hoặc đường Sư Vạn Hạnh, quận 10.
Múc một muỗng kem nhỏ, thêm hai hạt đậu phộng và ăn, bạn sẽ thấy kem tan mát rượi trong miệng. Ảnh: Linh Lê
Những món độc đáo ở quán ốc Sài Gòn
Càng ghẹ rang muối ớt, ốc len xào
dừa, nghêu hấp thái hay sò điệp nướng phô-mai là những món bạn phải thử
qua khi bước vào quán ốc Sài Gòn.
Đến Sài Gòn mà không ăn ốc một lần thì xem như chuyến đi của bạn chưa
trọn vẹn. Niềm vui khi được sống ở Sài Gòn có lẽ là mọi món ngon đều dễ
dàng tìm thấy. Không cần phải ra biển mới được ăn hải sản, chỉ cần ra
quán ốc buổi tối bạn sẽ được chủ quán đáp ứng ngay. Khi vào quán ốc, bạn
tuyệt đối không được bỏ qua những món dưới đây:Thố nghêu Thố nghêu thường có hai loại là nghêu hấp thái hoặc nghêu hấp xả. Tùy theo sở thích mà bạn sẽ yêu cầu bỏ thêm rau muống vào thố. Đây là món khoái khẩu của người Sài Gòn. Trước đây người ta hay gọi thố nghêu hấp xả, nhưng về sau này nghêu hấp thái bắt đầu được gọi nhiều hơn do nước dùng có vị cay cay, ngọt ngọt. Thố nghêu được đem ra nóng hổi, nước còn nóng và khói bốc nghi ngút. Ăn thố nghêu không ai dùng muỗng, mà sử dụng luôn vỏ nghêu để húp nước.
Có thể nói không một quán ốc nào ở Sài Gòn lại không có món Càng ghẹ rang muối ớt trong thực đơn. Có nơi rang càng ghẹ với muối ớt, nơi dùng muối tây ninh, mỗi cách mang lại vị đặc trưng lạ miệng. Càng ghẹ chắc, thịt dai dưới vị mặn cay của muối ớt, làm tăng vị giác đỉnh điểm. Khi phục vụ món này, càng ghẹ thường được kẹp vỏ trước để thực khách dễ ăn hơn. Càng ghẹ thường được chấm với nước mắm ngọt hoặc muối tiêu chanh. Thông thường càng ghẹ ngon sẽ tỉ lệ thuận với giá, một đĩa càng ghẹ có thể chênh lệch ở mức từ 80.000 đồng đến 150.000 đồng. Ốc len xào dừa (Ốc hút) Với nước dừa béo ngậy và đặc quánh, thêm vài lát ớt thấm vị, ốc len xào dừa là món thứ ba bạn phải kêu khi vào quán ốc. Ốc len xào dừa vốn là món ốc ngon, nhưng nhiều người ít chọn vì họ gặp khó khăn khi hút ốc len. Để hút trọn ốc len ra khỏi vỏ, bạn cần hút mạnh cả đầu lẫn đuôi chứ không chỉ tập trung hút phần đầu. Nước cốt dừa càng chất lượng, đĩa ốc len càng ngon.
Vì lý do sức khỏe mà thời gian gần đây hàu sống chấm mù tạt đang bị thực khách từ chối dần, dù rằng sức hút của món hàu khó lòng cưỡng lại. Chính vì vậy mà món hàu nướng pho-mai đang dần chiếm cảm tình của những ai mê ốc. Phô-mai nấu chảy được phủ trọn vẹn con hàu, thực khách chỉ việc múc lên và ăn nguyên con. Hàu nướng phô-mai được chọn nhiều hơn do đã được chế biến chín, mức độ an toàn cao hơn so với hàu sống. Giá một con hàu tùy từng quán mà có thể dao động từ 15.000 đồng đến 30.000 đồng. Sò điệp nướng phô-mai Phô-mai được nướng chảy, phủ đều lên con sò điệp, tỏa mùi thơm phức khi được đem ra bàn. Mỗi con sò điệp được kèm một góc phô-mai. Khi dùng món này, bạn sẽ lấy chút nước mắm ngọt cho lên con sò và cho vào miệng. Một số thực khách không thích phô-mai có thể đổi sang món sò điệp nướng mỡ hành. Đĩa sò điệp trung bình có giá từ 30.000 đến 40.000 đồng.
Không phải ai cũng thích món này vì tách sò huyết gây khó khăn cho thực khách. Nếu không nề hà chuyện đó thì sò huyết xào me là một món rất ngon. Muốn ăn sò huyết ngon, phải dùng kèm với bánh mì không. Xé một miếng bánh mì quét tí nước me rồi bỏ vô miệng, bạn sẽ cảm thấy vui vui trong lòng, nhất là những lúc bụng bạn đang đói. Ngoài sò huyết xào me, bạn cũng có thể yêu cầu món sò huyết nướng. Vị có thể không đậm đà bằng, nhưng vẫn là một lựa chọn đáng để thử qua. Ngoài ra, còn một số món khác mà nếu không liệt kê ra sẽ rất thiếu sót cho những tâm hồn mê quán ốc của Sài Gòn. Đó là những món như mì xào rau muống, ốc ngựa rang muối ớt, cháo thập cẩm, cơm cháy nướng mỡ hành, sò lông nướng mỡ hành hoặc ốc hương nướng mọi. Nếu có dịp và rủng rỉnh túi tiền, đừng bỏ qua bất cứ món nào khi vào quán ốc Sài Gòn. Những khu ăn vặt ở Sài Gòn được giới trẻ ưa thích
Các bạn trẻ thường ngồi ở An Dương
Vương thưởng thức bạch tuộc nướng, ghé hồ Con Rùa nếm bánh tráng trộn
hay đến Làng Đại học tìm bánh tráng nướng mỡ hành.
Ngoài những khu ăn uống sang trọng với các món ăn đắt tiền, ở Sài Gòn
còn có những món ăn vặt với giá bình dân được du nhập từ các vùng miền
tạo nên một chuỗi ẩm thực đa dạng đặc sắc. Đến Sài Gòn bạn có thể dễ
dàng tìm thấy, nhưng để có được địa chỉ các khu ăn vặt trong không gian
mát mẻ, yên tĩnh hay ngắm dòng người rộn rã nơi phố thị là điều không hề
dễ. Hãy cùng điểm lại những khu ăn vặt yêu thích của giới trẻ tại Sài
Gòn.
1. Công viên Lê Thị Riêng
Là địa điểm yêu thích của nhiều giới trẻ lẫn các cặp gia đình bởi nơi
đây có nhiều hình thức vui chơi giải trí cho các bé và nhiều bạn trẻ.
Với không gian rộng rãi thoáng mát, công viên là điểm hẹn hò lý tưởng,
tụ tập bạn bè hay dạo bộ trong những buổi trời chiều. Chính vì thế công
viên là nơi tập trung nhiều những món ăn vặt thường thấy như bánh tráng
trộn, cá viên chiên, quán ốc vỉa hè… cùng những thứ giải khát như nước
mía, sâm, dừa trái…Ngoài ra trong khuôn viên công viên còn có những quán
ăn vặt có không gian thoáng đãng, được bày bán và chế biến sạch sẽ.
2. Làng Đại học Thủ Đức
Là khu tập trung đông đúc sinh viên của thành phố, nơi đây được xem là
thiên đường ăn vặt của giới sinh viên. Mọi món ăn vặt của khắp các tỉnh
thành hầu như được tập trung ở đây, từ bắp nướng, bắp xào, bánh tráng
nướng mỡ hành, bánh cống miền Tây đến bánh xèo miền Trung. Là tụ điểm
của sinh viên nên các món ăn vặt ở làng Đại học Thủ Đức luôn có giá khá
rẻ. Khi màn đêm buông xuống, làng Đại học trở nên náo nhiệt và đông đúc,
đó cũng là lúc các món ăn vặt chiếm thế thượng phong. Đến làng Đại học
bạn sẽ được hòa mình vào sinh viên để khám phá những món ăn vặt quen
thuộc nhưng lại vô cùng hấp dẫn.
3. Công viên Gia Định
Không gian ngập tràn màu xanh của những cây cổ thụ cao vút trong công
viên là điểm nghỉ chân của nhiều người dân trong thành phố, từ các cô
cậu sinh viên, những cặp tình nhân cho tới các bậc phụ huynh dẫn bé ra
chơi đùa. Đến công viên, vừa hóng gió trốn cái nắng nóng của Sài Gòn và
trò chuyện cùng bạn bè, bạn vừa có thể tìm những món ăn vặt mình yêu
thích.
Cuối tuần cùng bạn bè tụ tập ở đây để ăn vặt và trò chuyện là những gì
không thể thiếu nếu như bạn có dịp đặt chân đến Sài Gòn phồn hoa này.
4. Hồ Con Rùa
Nằm gần hai trường Đại học lớn của thành phố là Kinh tế và Kiến trúc
nên hồ Con Rùa luôn được các bạn sinh viên ghé chân. Sinh viên Kiến trúc
thì vừa nhâm nhi ly cà phê vừa thả hồn theo những bản vẽ, sinh viên
Kinh tế thì lân la ăn vặt và ngắm dòng người qua lại. Kế bên cổng trường
Kiến trúc có món bánh tráng trộn được xem là ngon nức tiếng, chỉ cách
Hồ Con Rùa 50 m nên dễ dàng tìm thấy. Đêm về leo lên các bậc thang của
hồ nước ngay trung tâm hồ bạn có thể thoải mái hóng mát và ngắm nhìn
thành phố về đêm. Những món ăn vặt ở đây được bày bán trên những chiếc
xe đẩy, hỏi giá trước khi thưởng thức là điều bạn nên làm nếu muốn
thưởng thức những món ăn vặt ở khu trung tâm thành phố này.
5. Đường An Dương Vương
Cũng như bao khu ăn vặt khác, khu ăn vặt An Dương Vương cũng có đầy đủ
các món ăn vặt như bắp xào, bò bía, bánh tráng trộn, vịt lộn rang me…
Ban ngày nơi đây tập trung đông đúc các bạn sinh viên của trường Đại học
Sư Phạm và Đại học Sài Gòn. Đêm về con đường ăn vặt này trở nên náo
nhiệt, đông đúc. Món ăn nổi tiếng nơi đây có lẽ là bạch tuộc nướng. Chỉ
cần chạy xe ngang qua con đường này mùi thơm của bạch tuộc nướng có thể
khiến bạn phải dừng chân để thưởng thức, không những ngon mà các món ăn
vặt nơi đây cũng có giá cả phải chăng phù hợp cho các bạn sinh viên tụ
tập vừa ăn vặt, vừa tán chuyện.
Không chỉ là nơi bày bán các loại
thực phẩm gia đình, chợ Thành Công, Nghĩa Tân, Châu Long còn được biết
đến với nhiều món ăn lót dạ trong ngày.
Hầu như các chợ đều bán đồ ăn vặt cả ngày, nhưng đông nhất vẫn là cuối giờ chiều khi tan sở và tan học.
Chợ Thành Công
Bạn có thể tìm thấy ở đây đủ món ăn vặt mà mình yêu thích thay vì phải
chạy một vòng các con phố ở nội thành, từ bún, miến đến nem chua rán,
nộm bò khô, bánh bột lọc... Chỉ riêng bún, miến cũng đã khiến nhiều
người phải lúng túng chọn lựa miến lươn, cua hay bún ốc, tôm, măng mọc.
Chè cũng có đến hàng chục loại, từ giản đơn như đỗ đen, ngô.. đến pha
chế cầu kỳ như chè thập cẩm, chè xoài, chè Thái.
Tuy nhiên, được nhiều người truyền tai nhau nhất ở chợ Thành Công là
món cháo trai. Bát bé vừa ăn nhưng cháo nhuyễn, trai giòn ăn kèm với
quẩy rất đậm đà. Lạ miệng ở chợ còn có món nộm sứa, ăn giải nhiệt và
chống ngấy rất ngon. Hầu hết các quán ở chợ đều mở cửa từ khoảng 2h
chiều đến 6h30 tối. Bạn nên gửi xe trước lúc vào chợ để thoải mái khi
ăn.
Chợ Nghĩa Tân
Cũng nằm gần khu gần cư và trường học nên chợ Nghĩa Tân nhanh chóng trở
thành thiên đường ăn vặt ở khu vực Cầu Giấy. Bánh giò là một trong
nhiều đặc sản ở Nghĩa Tân được nhiều người biết đến với ưu điểm đầy đặn,
béo ngậy và ăn kèm giò lụa rất ngon. Trong khi đó, nhiều người sẵn sàng
lặn lội tới đây chỉ để ăn một bát tào phớ thạch xanh mát lành trong
ngày nắng. Trứng vịt lộn ở đây thay vì luộc lại được hầm kèm ngải cứu
nên rất đông khách. Cùng với đó là thịt xiên nướng, bánh mì tẩm mật ong
bán ngay đầu chợ.
Chếch về phía gần cổng sân vận động Nghĩa Tân là chỗ quen của nhiều học
sinh, sinh viên giờ tan học với nộm, bánh bột lọc, ốc và nem chua rán.
Thích đồ ăn nóng hổi bạn có thể ghé vào quán cháo trai lâu năm để thưởng
thức một bát ngon lành. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi chợ, khu vực gần
đó với hàng chục quầy bán bánh tôm, bánh gối cũng là điểm tụ họp mỗi
lúc chiều về.
Chợ Đồng Xuân
Không chỉ nổi tiếng nơi buôn bán đông đúc nhất Hà Thành, chợ Đồng Xuân
còn được coi là khu chợ ẩm thực yêu thích của nhiều du khách. Bạn sẽ tìm
thấy những mon ngon quen thuộc nhưng với cách chế biến và hình thức
tương đối lạ như bún chả que, phở hủ tíu... Bún ốc ở chợ thì khó nơi nào
có thể bì kịp về chất lượng và giá cả. Dù là bún riêu ốc và bún chuối
đậu thì cũng đầy đặn và bắt mắt. Dạo chơi ở chợ dù không đói nhưng làm
một cốc chè mát ngọt thì ít ai nỡ từ chối khi bước đến chốn này.
Vì các hàng quán chủ yếu phục vụ tiểu thương trong chợ nên trưa là thời
điểm đông nhất. Bạn cũng không nên đến đây sau 6h tối vì hầu hết sẽ dọn
hàng.
Chợ Châu Long
Tuy không lớn và phong phú hàng ăn như nhiều khu chợ khác nhưng chợ
Châu Long lại ghi điểm mạnh mẽ bởi một vài món tủ. Đó chính là chè sắn
và bánh đúc thịt. Hai món này chỉ bán buổi chiều và đặc biệt đắt khách
vào mùa đông. Chỉ là một hàng nhỏ nhưng khách ngồi san sát và sẵn sàng
xếp hàng chờ lượt mang về. Nếu đến chợ vào buổi sáng, bạn cũng tha hồ
lựa chọn thực đơn ẩm thực ở đây, từ bún riêu, ốc, bánh cuốn đến cháo
đường, cháo đậu, cháo cà...
Chợ Hàng Bè
Mặc dù chợ không còn họp nhưng cái tên chợ Hàng Bè vẫn chưa hề phai
nhạt trong ký ức người Hà Nội, đặc biệt là những người dân sống trong
khu phố cổ. Bên cạnh những mặt hàng thực phẩm gia đình bán ngay trước
cửa nhà tạo nên không gian rất riêng cho khu phố này, các con ngõ thuộc
khu chợ xưa còn rất hút khách bởi nhiều món ăn hấp dẫn. Nếu thích ăn ốc
hay đồ hải sản bạn có thể ghé vào phố Đinh Liệt, Gia Ngư hoặc Cầu Gỗ,
bún ngan, bún ốc, cháo đậu xanh trên phố Hàng Bè cũng là lựa chọn không
tồi, còn thích bún cá hãy rẽ vào ngõ Trung Yên.
Bên cạnh những gánh hàng ăn vặt vỉa hè hoặc bán rong, ở đây còn khá
nhiều quán nằm sâu trong ngõ hoặc trên tầng. Dù quán nhỏ nhưng lúc nào
khách cũng vào ra tấp nập bởi hương vị riêng phố cổ.
5 món lẩu ngon cho ngày mát ở Sài Gòn
Lẩu riêu cua, lẩu dê hay lẩu thái chua cay là những loại lẩu ngon thích hợp cho bạn thưởng thức vào những ngày trời se se lạnh.
Khí hậu Sài Gòn mấy ngày nay trở nên mát mẻ, thỉnh thoảng còn se lạnh.
Cả gia đình hoặc nhóm bạn thân ngồi quay quần quanh nồi lẩu nóng hổi,
vừa trò chuyện vừa ăn mê say đúng là lựa chọn lý tưởng. Dưới đây là 5
món lẩu bạn sẽ thấy ngon hơn khi thưởng thức trong tiết trời thanh mát.
1. Lẩu Thái chua cay
Ở Sài Gòn, khi vào quán người ta đã quá quen thuộc với món lẩu Thái
chua cay. Nhất là vào những buổi tối trời mát, ngồi dưới hiên quán xì
xụp húp nước lẩu cay nồng mới cảm nhận được không khí. Hương vị lẩu Thái
tuy cay nhưng lại hấp dẫn ngon miệng. Nguyên liệu chính của lẩu Thái là
hải sản, cùng với gia vị món lẩu, thơm ngào ngạt mùi đặc trưng như
gừng, lá chanh và ớt. Nước lẩu Thái là sự kết hợp của vị chua đặc trưng
của lẩu và ngọt từ nước hầm... Lẩu Thái thường được ăn kèm với bún, bắp
chuối, rau muống, bắp non, nấm kim châm.
2. Lẩu riêu cua bắp bò
Lẩu riêu cua bắp bò gồm nước dùng nấu từ cua đồng và bắp bò, thêm
vào các loại rau xanh như mồng tơi, rau muống, đậu hủ non, trứng vịt
lộn và bánh đa cua. Cua được rửa sạch bùn đất, tách riêng gạch và xay
nhuyễn thịt, lọc lấy nước và nấu. Nước dùng có vị ngọt, vị hăng đặc
trưng. Bạn chỉ cần đun sôi nước dùng sẽ làm dậy mùi riêu cua, kích thích
dạ dày. Nhiều người khi thưởng thức lẩu riêu cua, thường đập thêm một
trứng hột vịt lộn để tăng vị ngọt cho nước, sau đó thêm rau, đậu hủ,
bánh đa cua và chả cua vào nồi. Hễ ai muốn ăn thì múc một ít ra chén,
nhúng thịt bò vào gắp ra liền và cho vào miệng.
3. Lẩu mắm rau đắng
Lẩu mắm là đặc sản miền tây, nhưng vì có vị thơm ngon nên được
nhiều người Sài Gòn yêu thích. Nước dùng của lẩu tạo nên hương vị vô
cùng hấp dẫn, mùi thơm nồng nàn của mắm hòa quyện với nước xương tạo nên
sức hút cho món này. Những khi nhạt miệng, không muốn ăn cơm, bạn có
thể cùng bạn bè đi ăn lẩu mắm. Nồi lẩu nắm không thể thiếu cà tím và mắm
kèm với các loại nguyên liệu như thịt ba rọi, cá hú, tôm, mực. Chưa
hết, để ăn lẩu mắm ngon bạn không nên kiêng kỵ bất cứ loại rau nào mà
nên dễ tính để cảm được hương vị. Rau kèm với lẩu mắm là rau đắng, rau
nhút, đậu rồng, cù nèo...
4. Lẩu cá kèo lá giang
Có vị chua chua, thơm thơm nên lẩu cá kèo dù là món của miền tây nhưng
trở nên phổ biến ở nhiều vùng miền, trong đó có Sài Gòn. Cá kèo tươi,
thịt mềm ngọt, vị lá giang chua nhè nhẹ cộng thêm vị chua của cà, thơm,
ăn kèm với rau xanh giòn ngon tuyệt vời. Yếu tố quyết định lẩu cá kèo là
nước lẩu đậm đà, ngọt lừ và hương thơm ngây ngất. Bạn cho một
chút bún vào chén, chan nước lẩu vào, gắp cá kèo trong nồi ra đĩa nước
mắm và giẻ ăn. Trước đây, nhiều người thích cho cá kèo còn sống vẫy vùng
vào nồi nước sôi sùng sục, nhưng về sau nhiều người đã bỏ hẳn việc
chứng kiến cảnh này vì nhiều lý do. Trời lành lạnh, có chút mưa ngoài
sân mà còn được thưởng thức lẩu cá kèo thì không gì thú vị bằng.
5. Lẩu dê
Ở Sài Gòn có rất nhiều quán bán món lẩu dê gồm nước lẩu và những miếng
thịt dê mềm ngọt. Bạn vừa gắp miếng thịt cho vào miệng nhai, lại nhẹ
nhàng cho thêm chút mì và húp miếng nước lẩu. Lẩu dê được đặt trên lò
cồn nên lúc nào cũng nóng hổi, nghi ngút khói. Khi vào quán gọi lẩu dê,
người bán thường mang ra cho bạn thêm một mâm đồ ăn kèm như đậu hủ, mì
căn, hột vịt lộn, cật, rau sống đủ loại. Ăn loại nào bạn mới tính tiền
loại đó. Nhiều người có thể không chọn cật hoặc hột vịt lộn, nhưng rau
thêm thì không thể thiếu.
3 món lẩu nức tiếng miền Tây
Lẩu cháo cua đồng, lẩu mắm rau đắng và lẩu cá linh bông điên điển là những món hấp dẫn bạn nên thử khi đến miền Tây.
Vào những ngày thời tiết se mát, mọi người quây quần ăn nồi lẩu nóng
sốt thì cảm giác không gì bằng. Một nồi lẩu thông thường bao gồm một nồi
nước dùng, rau sống và hải sản, thịt, cá... để trong một cái đĩa. Khi
nào ăn chỉ việc đợi nước sôi và gắp rau hoặc đồ ăn sống cho vào nồi.
1. Lẩu cháo cua đồng
Để có một lẩu cháo cua đồng thơm ngon, loại cua được chọn để chế biến
là yếu tố quan trọng nhất. Cua đồng phải tươi, được rửa sạch, bỏ yếm, gỡ
mai, sau đó giã nát thịt cua, nêm nếm vừa ăn và cho vào nồi nước sôi.
Thịt cua sau khi cho vào nồi sẽ tạo thành từng mảng lớn, cắn một miếng
vị thơm của cua làm ngây ngất vị giác.
Nồi lẩu còn được cho thêm nấm rơm, hành tím, hẹ để tăng thêm hương vị. Lưu
ý món cháo nấu cua đồng không được nấu đặc mà phải loãng để người dùng
nhúng rau. Rau ăn kèm với lẩu cháo cua đồng rất đa dạng như rau ngót,
mồng tơi, rau má... Bạn cũng có thể xắt sợi củ gừng để ăn kèm nhằm làm
dậy vị của nồi lẩu. Lẩu cháo cua đồng không cần dùng kèm với bún hoặc
mì.
2. Lẩu mắm rau đắng
Chỉ cần một lần húp nước dùng của nồi lẩu mắm, đoan chắc bạn sẽ không
bao giờ quên được hương vị đậm đà của nó. Lẩu mắm được xem là món ăn đặc
sản của người dân Tây Nam Bộ. Một nồi lẩu mắm ngon tuyệt đối không được
thiếu cà tím và mắm. Với vị ngọt dễ chịu, chút cay cay thơm mùi sả
quyện cùng mùi thơm của mắm.
Mắm nấu cho món này phải có ít nhất ba loại: mắm sặt, mắm trèn và mắm
linh. Trong nồi lẩu còn có nhiều loại nguyên liệu khác như thịt ba rọi,
cá hú, tôm, mực. Lẩu mắm thường được ăn kèm với nhiều loại rau, trong đó
ngon nhất phải nói đến rau đắng. Ngoài ra, còn có rau cù nèo (kèo nèo),
bông súng, rau muống, rau nhút, đậu rồng... Người dân miền tây thường
ăn lẩu mắm với bún, rau dùng kèm cũng chỉ nhúng vào nước dùng sôi và lấy
ra liền.
3. Lẩu cá linh bông điên điển
Miền tây bước vào mùa nước nổi khoảng từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.
Đây cũng là giai đoạn xuất hiện nhiều cá linh tươi ngon nhất. Cũng vào
mùa này, loại bông điên điển đua nhau nở rộ khắp mé sông. Có lẽ vì vậy
mà người miền Tây đã kết hợp hai món này lại với nhau để tạo nên món lẩu
cá linh ngon nức nở.
Cá linh tươi được làm sạch ướp gia vị đậm đà, cho nước dừa vào nồi lẩu
để nấu, dầm chút me lấy vị chua rồi biến hóa nêm nếm cho vừa ăn. Trên
mặt lẩu, cũng cho thêm tỏi phi và rau ngò gai. Cá linh không cho vào
nước lẩu ngay từ đầu vì cá vốn nhỏ và mau chín, nên chỉ khi nào mọi
người đã sẵn sàng dùng bữa mới trút cá linh vô nồi và cho thêm bông điên
điển vào. Món lẩu cá linh nên dùng kèm với bún hoặc cơm nóng.
Miền tây cách TP HCM không xa nên có thể đi bằng xe máy, xe khách hoặc xe du lịch chất lượng cao. Tuy nhiên, để đi hết các tỉnh miền Tây sẽ cần ít nhất từ 8-10 ngày, thậm chí hơn. Bạn có thể chọn một số tour tổ chức đi vài tỉnh tiêu biểu ở miền tây với mức giá chỉ tầm từ 480.000 - 580.000 đồng trở lên. Ngược miền Tây nếm món bồn bồn lạ miệng
Nếu từng một lần nếm thử món dưa
hay gỏi bồn bồn, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên vị giòn, mềm, chua lạ,
như thể ngó sen và măng hòa quyện.
Bồn bồn hay thủy hương là một loại cây thuộc họ lau sậy, thường mọc
trên mặt nước nhiều phèn mặn, rễ thả nổi như rau muống và lá dài giống
sả, gặp rất nhiều tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đặc biệt là Cà Mau. Là
cây mọc hoang và có phần ảnh hưởng đến việc đồng áng nhưng người dân nơi
đây lại biết cách tận dụng bồn bồn để làm thức ăn cho bữa cơm gia đình.
Mùa bồn bồn thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Vào
khoảng thời gian này, trên các cánh đồng chua, những vạt bồn bồn đua
nhau phủ lên một màu xanh mướt. Người nông dân chỉ cần kéo lấy những
ngọn bồn bồn trên mặt nước, tước bỏ phần lá bên ngoài rồi bẻ lấy lõi màu
trắng bên trong (củ hũ) là có ngay nguyên liệu để chế biến nhiều món
ngon cho gia đình. Đơn giản mà chẳng phải cầu kỳ.
Bồn bồn mang về sẽ được rửa sạch để chế biến thành nhiều món khác nhau. Nhanh nhất là lấy thân bồn bồn tươi, phần non và trắng cắt khúc vừa ăn đem
nấu canh dừa. Khi đun chín tới cho phần lá bồn bồn đã sơ chế vào cùng
gia vị vừa ăn. Sau cùng mới đổ nước cốt dừa đậm đặc vào đảo đều và múc
ra bát. Bát canh thơm mùi dừa có vị béo ngọt cùng cái giòn tan của bồn
bồn quả thật khó có thể quên.
Món phổ biến nhất, thường xuất hiện trong những gia đình người dân miền
Tây Nam Bộ là dưa bồn bồn muối chua. Cách làm cũng khá đơn giản, bồn
bồn chọn lấy phần non và trắng nhất sau đó dùng dao chẻ làm đôi hoặc tư
rồi sắp vào hũ nước gạo có pha chút muối, đậy nắp kín, giữ khoảng vài
ngày là được.
Bồn bồn muối chua có mùi thơm đặc trưng của ruộng đồng, khi ăn có vị
giòn, mềm, vừa giống măng vừa giống ngó sen. Nhiều người sáng tạo còn
cho thêm đường, bột ngọt và tỏi ớt giã nhỏ khiến món dưa bồn bồn trở nên
lạ miệng, dễ đưa cơm, hấp dẫn nhiều người.
Nếu như dưa bồn bồn biến tấu thành kim chi khi ăn có vị thơm cay,
lạ thì khi đem kho cùng cá nạc thịt lại trở thành món ăn mới vô cùng
hấp dẫn. Khi ấy, vị chua của bồn bồn mất hẳn mà vị tanh của thịt cá cũng
chẳng còn, thay vào đó là vị béo ngậy, ngọt đậm đà. Đặc biệt khi kho
cùng tép thì nồi bồn bồn lại càng trở nên hấp dẫn, ăn cùng bát cơm nóng
quả thực chẳng có gì tuyệt bằng.
Ngoài ra, các bà các mẹ ở đây còn sáng tạo thêm món dưa bồn bồn trộn
làm đồ nhậu lai rai khi khách tới nhà. Dưa bồn bồn rửa sạch, chẻ sợi nhỏ
sau đó trộn chung với tỏi, ớt, đường. Hệt như cách làm một số món trộn
khác nhưng lại rất bắt cơm. Thỉnh thoảng món bồn bồn trộn còn được cho
thêm tôm hay tép đồng để tăng vị đậm đà. Bữa ăn đôi khi chỉ có đĩa bồn
bồn trộn mà cả chủ nhà và khách cứ ngồi lai rai mãi không thôi.
Dưa bồn bồn muối chua còn có thể biến tấu thành món xào, bổ sung vào
thực đơn phong phú. Chỉ cần đem dưa rửa sạch rồi xào nóng trên bếp lửa,
thêm gia vị vừa ăn là có ngay một món ngon mà thời gian chuẩn bị không
quá phức tạp và cầu kỳ.
Dù là món xào hay nấu canh, hương vị độc đáo của bồn bồn đều hấp
dẫn mọi người. Mùa nóng ghé thăm miền sông nước Tây Nam Bộ, chỉ cần nếm
thử một chút món dưa bồn bồn chua chua ấy là thấy ghiền và nhớ mãi.
Du khách có thể thưởng thức đặc sản bồn bồn khi đến các tỉnh miền
Tây Nam Bộ như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Hậu
Giang...Ngoài bồn bồn, các đặc sản nên thử khi đến miền Tây: lẩu cá kèo, cá lóc nướng trui, chuột đồng quay lu, lẩu mắm, đuông dừa, ốc nướng tiêu, bánh tằm bì... Dân dã rau càng cua miền Tây Nam Bộ
Về chơi vùng sông nước Nam Bộ, bạn
sẽ được thưởng thức những món ăn hết đỗi bình dị, từ những loại rau cỏ
không phải trồng mà mọc đầy vườn như rau đắng, rau má, đọt xoài non, sầu
đâu, càng cua…
Rau càng cua mọc tự nhiên, xanh tốt hơn sau những trận mưa, mọc ở khắp
bờ ruộng, vườn chuối, góc ao, bụi bầu… đâu đâu có đất ẩm là càng cua mọc
lên xanh um. Có khách xa tới nhà, chỉ cần cắp chiếc rổ con, quơ vài cái
đã được lưng rổ, chao qua vài lần nước cho sạch, lộ ra những lá rau
hình trái tim xanh non mơn mởn.
Thứ rau mọng nước này dùng để trộn gỏi, bóp dấm là đúng bài nhất. Nhà
miệt vườn, có gì trộn nấy. Chuẩn bị cầu kỳ thì làm món rau càng cua trộn
thịt bò dầu giấm. Thịt bò sau khi tẩm ướp gia vị thì đảo qua trên chảo
nóng phi hành thơm, rồi phải để nguội mới trộn, nếu không muốn thứ rau
mỏng manh bị thịt nóng làm tái, mất vị.
Đơn giản hơn thì chút tôm khô, da heo, hay nhúm tép đất… trong nhà có
thứ gì thì mang ra trộn mời khách, người miền Tây hiền hậu là vậy. Thứ
quan trọng của món này là phải pha được nước dầu giấm ngon, tạo được vị
chua ngọt vừa miệng, giữ được hồn của món gỏi trộn. Dầu ăn phi tỏi cho
thơm, bỏ xác tỏi, pha giấm hoặc nước cốt chanh, thêm chút đường, muối
tiêu, ớt bằm nhuyễn nếu muốn ăn cay. Chỉ cần rắc thêm đậu phộng rang,
trộn đều, vài lát cà chua xếp quanh đĩa, là có món gỏi rau càng cua ngon
miệng và bắt mắt.
Vị chua chua hơi the từ lá rau giòn xốp cùng với bùi bùi của đậu phộng,
cay cay của trái ớt xanh vườn nhà, mằn mặn của miếng tôm khô, tất cả
hòa quyện với nhau thành một vị đặc biệt nhưng thật dân dã, hơn tất cả,
là hương vị của miền đồng ruộng quê nhà từ sâu thẳm trong ký ức.
Không chỉ làm gỏi, rau càng cua cũng là thứ rau sống cùng với cải xanh,
đọt xoài, rau thơm… mà người Nam Bộ hay ăn cùng với bánh xèo, bánh
cống.
Nếu có dịp về miền Tây, hãy cắp rổ ra vườn “quơ” rau càng cua và thưởng
thức những món ăn dân dã nhưng nhớ mãi từ thứ rau mọc dại này.
Cẩm nang cho chuyến du lịch xứ dừa Bến Tre
Cách TP HCM 85 km về phía tây, Bến
Tre như hòn đảo xanh giữa bốn bề sông nước Cửu Long và trở thành điểm
du lịch hấp dẫn cho những ai thích khám phá không gian xanh mát.
Sông nước miền Tây với nhiều nét quyến rũ của cánh đồng bát ngát, dòng
sông thơ mộng và nhiều món đặc sản hấp dẫn. Một chuyến du lịch hè về
miền Tây là trải nghiệm mà bạn nên thử. Hãy bắt đầu với Bến Tre, quê
hương nổi tiếng của dừa.
Thời tiết
Thuộc miền Tây Nam Bộ, với khí hậu quanh năm nắng ấm, du khách có thể
đến Bến Tre bất cứ mùa nào trong năm. Nhưng thích hợp hơn cả là những
tháng hè 6, 7 và 8, khi bạn vừa được ngưỡng bức tranh thiên nhiên đa sắc
màu vừa được thưởng thức những loại trái cây tươi ngon hái ngay trên
cây như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm…
Địa điểm tham quan
Xác định lịch trình sẽ giúp bạn dễ dàng chuẩn bị phương tiện đi lại
thuận tiện, tiết kiệm thời gian. Bến Tre có rất nhiều điểm tham quan và
dưới đây là một vài gợi ý.
- Cồn Quy: thuộc huyện Châu Thành với đặc sản là trái cây ngon và tôm
cá. Tham quan cồn Quy, du khách còn được thưởng thức món “đờn ca tài tử”
mang đậm bản sắc vùng sông nước Nam bộ.
- Cồn Phụng: nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền thuộc địa bàn xã
Tân Thạch, huyện Châu Thành. Đến đây du khách có thể đi xuồng máy dọc
cồn để tham quan các cơ sở chế biến kẹo dừa, đồ lưu niệm từ dừa hay lên
xe ngựa thăm vườn cây ăn trái, dừng chân bên ngôi nhà lợp lá dừa để uống
trà với mật ong và quất, thưởng thức trái cây miền nhiệt đới.
- Sân chim Vàm Hồ: thuộc địa phận hai xã Mỹ Hòa và Tân Xuân, huyện Ba
Tri, là nơi hội tụ của nhiều loài chim quý hiếm. Đến đây vào buổi chiều
du khách sẽ bắt gặp cảnh tượng thiên nhiên kỳ thú với những âm thanh sôi
động, rực rỡ sắc màu.
- Vườn cây ăn trái: có hai nơi để bạn tìm đến là vườn cây Cái Mơn ở Chợ
Lách và vùng Tiên Long, Tân Phú ở huyện Châu Thành. Bạn có thể vừa tận
hưởng không gian xanh mát của vườn cây, thưởng thức các loại trái cây
tươi do chính tay mình hái và ăn ngay tại chỗ. Giá vé bao gồm cho một
lần vào vườn và thưởng thức thoải mái bất kỳ loại trái cây nào, còn quà
mang về sẽ phải mua.
- Khu lăng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu: thuộc xã An Đức, huyện Ba Tri là
nơi an nghỉ của nhà thơ lớn của dân tộc, nhà yêu nước và vị thầy thuốc
của nhân dân. Vào ngày 1 tháng 7 hàng năm, người dân Bến tre luôn tổ
chức lễ hội truyền thống tại đây để tưởng nhớ đến nhà thơ nổi tiếng,
người con Nam Bộ.
- Làng du kích Đồng Khởi: thuộc điạ phận xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày.
Đến đây du khách có thể ghé qua khu nhà triển lãm, nơi trưng bày các
loại vũ khí thô sơ mà người dân Bến Tre năm xưa đã dùng để chống lại
quân xâm lược.
Phương tiện đi lại
Nếu xuất phát từ Sài Gòn bạn có thể đến bến xe Miền Tây, quận 6 để tìm
cho mình chiếc xe ưng ý với giá dao động 80.000-120.000 đồng. Thời gian
di chuyển 1,5-2 tiếng.
Bên cạnh đó bạn có thể phượt bằng xe máy để thoải mái ngắm cảnh dọc
đường. Nên xuất phát vào lúc 4h sáng hoặc 9h sáng (vì 6 - 8h dễ bị kẹt
xe). Theo quốc lộ 1A đến thành phố Mỹ Tho, bạn có thể dừng chân thưởng
thức bữa sáng với tô hủ tiếu. Sau đó bạn hỏi đường đến cầu Rạch Miễu,
qua cầu rẽ phải là bạn đã ở trung tâm thành phố Bến Tre.
Hoặc có thể chọn tour theo ý thích của các công ty lữ hành ở Sài Gòn để thuận tiện cho bạn trong việc tham quan.
Nghỉ ngơi
Nếu bạn là dân phượt, di chuyển bằng xe cá nhân thì nên tìm nhà dân để
nghỉ ngơi, kết hợp tìm hiểu lối sống người dân địa phương và thưởng thức
những món ăn đặc sản dân gian đậm chất miền quê sông nước.
Ngoài ra có nhiều nhà nghỉ, khách sạn trong nội thành thành phố Bến Tre
cho bạn dễ dàng lựa chọn như: khách sạn Công Đoàn, khách sạn 3 sao Hàm
Luông, khách sạn Cửu Long, nhà nghỉ Thư Thư, nhà nghỉ Quê Hương. Ban
đêm, bạn có thể lên sân thượng các khách sạn này để thưởng thức cà phê
đêm và ngắm nhìn đường phố Bến Tre dọc bờ sông.
Món ăn đặc sản
- Chuối đập: chuối được đập dẹt rồi nướng trên lửa than, ăn kèm với
nước cốt dừa. Vị nóng giòn thơm của chuối thêm vị béo ngậy của nước cốt
dừa sẽ làm bạn thích thú.
- Bánh canh bột xắt: bánh được làm từ bột gạo, nước dùng sền sệt nấu
với thịt vịt chấm nước mắm gừng. Đây là một đặc sản đậm chất miền Tây.
- Chè bưởi: được chế biến từ vỏ bưởi gọt hết phần vỏ xanh, ngâm muối và
nấu. Chè được thêm phần sầu riêng nên luôn có mùi vị độc đáo.
- Thịt chuột dừa: loài vật sống trên cây dừa được chế biến thành món ăn
ưa chuộng của người dân địa phương. Bạn có thể thưởng thức nhiều món
như: nướng, hấp, nấu cà ri và đặc biệt nhất là món chuột hấp trong nồi
cơm.
- Đuông dừa: là món ăn độc đáo và chỉ có xứ dừa Bến Tre mới có và phổ
biến nhiều, đuông dừa được ngâm trong chén nước mắm rồi chiên qua với
bơ. Món ăn độc đáo này được xem là đặc sản và bổ dưỡng nhất ở Bến Tre.
- Các loại trái cây: thiên nhiên ban tặng cho miền Tây vùng đất phù sa
màu mỡ nên các loại trái cây ở đây rất phong phú, bạn có thể thưởng thức
bất kỳ loại nào với giá cả khá rẻ như măng cụt, sầu riêng, chôm chôm,
nhãn, bưởi và đặc biệt đừng quên dừa sáp.
Quà kỷ niệm
Nếu di chuyển đường gần bạn có thể mua các loại trái cây đặc sản như
măng cụt, sầu riêng Cái Mơn, bưởi da xanh, bưởi 5 roi. Để lâu ngày bạn
có thể mua bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, các loại sản phẩm từ
dừa như: mứt dừa, kẹo dừa, rượu dừa… và một số đồ vật mỹ nghệ đẹp mắt
làm từ dừa.
Món ngon từ dừa trong ẩm thực Bến Tre
Những cây dừa không chỉ đi vào thơ ca mà còn là nét văn hóa trong ẩm thực của xứ sở này với những món ngon nức tiếng gần xa.
Hiếm có loài cây nào có thể sử dụng từ gốc đến ngọn như cây dừa.
Nước dừa là thức uống giải khát thơm ngọt và dễ tìm.
Nước dừa không chỉ được sử dụng trong các quán cà phê mà còn là món nước
cốt được dùng chế biến các món ngon như thịt kho tàu, tép rang dừa, cá
kho nước dừa, mắm chưng nước dừa.
Cơm dừa gồm gạo ngon nấu với nước dừa
tươi. Gạo nấu ngay trong trái dừa, ngấm nước cho tới khi ráo cạn, chín
đều, từng hạt béo ngậy mùi dừa và tỏa hương thoang thoảng. Cơm dừa ngon
nhất khi ăn nóng với tôm chấy mằn mặn.
Nước cốt dừa là nguyên liệu góp mặt trong hầu hết các món chè, bánh như bánh bò, bánh ít ngọt, bánh khoai mì, bánh bò dừa nướng.
Kẹo dừa đã có mặt trên khắp cả nước và là quà đem về
khi du khách đến Bến Tre. Kẹo dừa đơn giản là sự kết hợp giữa nước cốt
dừa và mạch nha, mang đến hương bị béo ngậy.
Bánh phồng nổi tiếng xứ dừa là sản phẩm của làng nghề
Sơn Đốc, Phú Ngãi. Nguyên liệu làm bánh là nếp, được phơi vừa nắng. Lửa
đốt bằng dừa khô, gáo dừa thành than đỏ rực, cho bánh lên trên nướng để
bánh vàng đều, bung to, ngon, giòn hấp dẫn.
Cổ hũ dừa là phần lá mầm non của cây dừa được làm
thành món gỏi củ hủ dừa tôm thịt, công thức khá giống gỏi ngó sen nhưng
hương vị béo ngậy hơn, đi cùng chút chua chua của phụ gia tạo ra một món
ăn chơi lai rai.
Ốc sào nước cốt dừa có hương vị rất độc đáo. Vị béo của dừa kết hợp với vị thanh ngọt của ốc làm cho món ăn không gây cảm giác ngán.
Tép rang dừa là món ăn thường ngày của người dân Bến
Tre, bởi cách chế biến đơn giản, dễ làm mà lại ngon và đặc biệt là có độ
béo của nước cốt dừa.
Bánh tráng Mỹ Lồng là đặc sản, niềm tự hào của người dân xứ dừa Bến Tre. Bánh tráng dừa ở đây vừa béo vừa xốp và thơm mùi dừa.
Cháo dừa gồm gạo nấu với nước dừa và phần cùi ngọt. Cháo dừa có thể ăn cùng với đường hoặc cá lóc đều thơm ngon.
Mứt dừa được làm từ những trái dừa ngon để ráo, trộn
vào với đường cát trắng, sau đó để lên bếp lửa riu riu, xào lên liên
tục, đến khi mứt dừa khô lại.
Rượu dừa phải làm từ dừa xiêm, trái nhỏ nước ngọt. Men
làm rượu dừa là men nấu rượu gạo pha với rượu nếp cái. Rượu trái dừa
được hâm nóng hoặc ủ lạnh uống càng ngon, ngọt ấm, thơm tê, dịu mát.
Chuột dừa là một loài vật chuyên phá hại dừa nhưng
cũng là một món ăn được ưa chuộng. Chuột được chế biến thành nhiều món:
nướng, hấp, nấu cà ri, ngon nhất vẫn là thịt chuột dừa hấp trong nồi
cơm.
Đuông Dừa: Chỉ những cây Dừa chết đi mới có Đuông.
Người dân đốn cây Dừa xuống và bắt Đuông. Do Đuông Dừa ăn toàn chất bổ
của cây nên rất béo và nhiều dinh dưỡng.
Thơm ngon bánh tráng nước dừa Tam Quan
Là một thị trấn nhỏ ven biển thuộc
huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, nhưng Tam Quan là nơi nổi tiếng có
nhiều món ngon, trong đó đặc biệt là các sản phẩm từ dừa mà quà mang về
là bánh tráng nước dừa.
Ngoài Bến Tre, Tam Quan nổi tiếng là nơi có nhiều dừa ở Việt Nam. Từng
nghe câu ca dao rằng: "Công đâu công uổng công thừa/ Công đâu gánh nước
tưới dừa Tam Quan".
Dừa được người dân trồng ở khắp nơi, chủ yếu là giống dừa ta trái to và cơm dày, rất thích hợp để làm bánh tráng nước dừa.
Cách làm bánh tráng nước dừa cũng khá đơn giản. Gạo sau khi được xay ra
đem trộn với nước cốt trái dừa và cả xác dừa, thêm vào đấy một ít mè,
ít tiêu hột, vài củ hành tím xắt lát thật mỏng, một chút xíu muối và sau
đó đem đi tráng trên bếp trấu nóng. Khi bánh chín thì mang ra phơi nắng
khoảng một ngày là thành thành phẩm. Nếu không có nắng thì phải phơi
2-3 ngày bánh mới khô. Khác với các loại bánh tráng ở các vùng miền
khác, bánh tráng nước dừa Tam Quan được có kích thước to hơn hẳn và được
tráng thành lớp dày.
Vì bánh quá dày nên không thể nhúng nước ăn được mà phải nướng. Kích
thước của bánh to nên khi nướng phải lật đều, nướng kỹ và phải nướng
bằng lửa than thì bánh mới ngon, giòn đều. Chiếc bánh gặp lửa, phồng lên
và vàng ươm mùi hành phi quyện với mùi béo của mè và nước dừa sẽ kích
thích thính giác và vị giác của bạn đến tận cùng. Bánh có thể ăn không
hoặc kèm với nước chấm như xì dầu, nước mắm gừng đều ngon.
Các lò bánh thường xếp bánh tráng sau khi đã phơi khô thành từng chồng
20 cái và dùng dây chuối hoặc dây nilong buộc lại thành hình chữ thập
(dân địa phương gọi là ràng), rất thuận tiện để vận chuyển đi xa.
Khách phương xa đến thăm quê hương Bình Định, đi ngang qua vùng đất Tam
Quan hãy nhớ dừng chân ghé lại mua vài ràng bánh tráng nước dừa về làm
quà cho người thân. Hương vị của bánh tráng nước dừa thơm ngon sẽ làm
bạn nhớ mãi..
5 chợ nổi độc đáo miền Tây
Chợ Nổi không chỉ thu hút du khách
bởi đặc trưng văn hóa sông nước miền Tây, mà còn bởi phong phú sản vật
nhiệt đới được bày bán giữa bao la ghe, thuyền tấp nập.
Chợ nổi Cái Răng, Cần Thơ
Nằm trên sông Cái Răng, cách thành phố Cần Thơ khoảng 6km, chợ nổi Cái
Răng trở thành một địa điểm tham quan không thể bỏ lỡ mỗi khi tới Cần
Thơ. Du khách có thể đi thuyền từ bến Ninh Kiều chỉ mất 30 phút.
Là một trong ba chợ nổi lớn nhất miền Tây Nam Bộ, Cái Răng tấp nập
người mua kẻ bán cùng hàng trăm thuyền, ghe lớn bé đậu san sát ngay từ
sáng sớm. Ngày thường, chợ họp từ 3h đến 9h, đến cận Tết chợ họp gần như
suốt ngày. Ở chợ nổi Cái Răng, du khách không chỉ thỏa mãn với những
xuồng ghe đầy ắp trái cây, nông sản phẩm mà còn được thưởng thức nhiều
loại dịch vụ ăn uống mang đậm chất Tây Đô như: hủ tiếu, cà phê, quán
nhậu nổi. Bạn cũng sẽ ấn tượng với cách tiếp thị độc đáo “treo gì bán
nấy” của người dân nơi đây: treo những thứ cần bán lên một cái sào gọi
là “cây bẹo” để du khách có thể nhìn thấy từ xa. Tiếng cười, tiếng nói,
tiếng mái chèo khua cùng cảm giác bồng bềnh nơi sông nước chắc chắn sẽ
sẽ ghi dấu ấn trong lòng nhiều khách du lịch khi đến với Cái Răng, Cần
Thơ.
Chợ nổi Cái Bè, Tiền Giang
Được hình thành từ thế kỉ thứ 18, chợ nổi Cái Bè là nơi giáp ranh giữa 3
tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang. Chợ nổi lâu đời bậc nhất Tiền
Giang này thu hút du khách ngoài cảnh ghe thuyền đi lại như mắc cửi còn
bởi bức tranh thủy mặc của thị trấn với những khu vườn nối tiếp vườn,
những dãy phố nằm dọc bờ sông, lúc ẩn lúc hiện dưới hàng dừa nước và
những rặng bần đặc trưng miền Tây. Ở đây có nhiều sản vật phong phú, đa
dạng từ trái cây tới gia cầm, thủy hải sản, thậm chí cả đồ gia dụng, vải
vóc. Nếu để mua về làm quà bạn có thể lựa chọn quít đường, kẹo dừa hoặc
độc đáo hơn là xà bông từ dừa, đặc sản nổi tiếng Cái Bè. Bạn cũng nên
căn giờ ra chợ từ sớm để tham quan bằng thuyền vì chợ chỉ họp từ 2h tới
8h sáng đã tan.
Chợ nổi Phụng Hiệp, Hậu Giang
Chợ nổi Phụng Hiệp cách thành phố Vị Thanh, Hậu Giang 75km và trung tâm
thành phố Cần Thơ khoảng 30km về phía Nam. Chợ nằm trên ngã bảy Phụng
Hiệp – nơi 7 tuyến sông gặp nhau nên còn gọi là chợ Ngã Bảy.
Cũng giống như chợ Cái Bè và Cái Răng, chợ Phụng Hiệp tập trung hàng
trăm ghe thuyền chuyên chở hàng hóa, sản vật cho không chỉ địa phương mà
còn ra tận phía Bắc và khách du lịch năm châu. Ngoài thưởng thức đặc
sản miền Tây, du khách còn có thể mang về làm quà những hàng thủ công mỹ
nghệ nổi tiếng Hậu Giang. Điểm đặc biệt khác ở Phụng Hiệp đó là chợ rắn
với đủ các loại rắn và rượu rắn hảo hạng. Ngoài ra còn có rùa, ba ba,
tắc kè, kì đà... Nếu bạn muốn khám phá sông nước miền Tây thì chợ nổi
Ngã Bảy này chắc chắn sẽ làm hài lòng bạn cả về cảnh đẹp lẫn văn hóa đặc
trưng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Chợ nổi Long Xuyên
Cách trung tâm thành phố chừng 2km, chợ nổi Long Xuyên tuy không nổi
tiếng như các chợ khác nhưng đến đây du khách vẫn có thể cảm nhận được
phong thái hào sảng của người dân miệt vườn miền Tây Nam Bộ.
Ở chợ nổi Long Xuyên nhiều nhất là các loại hoa màu như rau, dưa cà,
cải, bí, khoai...và cũng không thiếu những hoa trái nức tiếng đủ loại
như chuối, bưởi, cam, quít...Thêm vào đó, bạn có thể đi chợ cả ngày mà
không phải tranh thủ từ sớm như nhiều chợ nổi khác. Cùng với những ghe
thuyền buôn bán, du khách còn được tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt
thường ngày của những người dân trên sông nước, để hiểu thêm những mảnh
đời số phận con người nơi đây.
Chợ nổi Trà Ôn, Vĩnh Long
Cách vàm Trà Ôn 250m, chợ nổi Trà Ôn là một chợ nổi ở hạ lưu sông Hậu
có chiều dài trên 300m. Đặc biệt, chợ thường họp theo con nước nên nước
lớn thì chợ đông. Chợ nổi Trà Ôn mang tính chất của chợ đầu mối, các sản
vật được phân phối theo dạng sỉ, nông sản thì có khoai mỡ, khoai ngọt,
dưa chuột, khổ qua.., trái cây thì có cam sành Tân Thành, vú sữa Hòa
Bình, sầu riêng Lục Sĩ Thành. Điểm khác biệt nữa của chợ Trà Ôn là có
những ghe bán hoa kiểng trang trí nhiều màu, khá lạ mắt. Du khách đến
Trà Ôn cũng không nên bỏ qua đặc sản “cá cháy” với đủ loại chế biến
không nơi nào có. Được ăn, được gói mang về những sản vật đặc trưng của
miền sông nước Tây Nam Bộ, ít có khách du lịch nào đến mà không quay trở
lại nơi đây.
|
No comments:
Post a Comment