Sunday, November 18, 2012

CÁC BÀI CỦA BS ĐỔ HỒNG NGỌC RẤT HAY


XẢ . . .STRESS
(không phải uống thuốc) 
Bs. Đỗ Hồng Ngọc
 
Không có stress có lẽ con người cũng không thể tồn tại. Thế nhưng, vượt ngưỡng đến một mức nào đó thì con người cũng…không thể tồn tại, bởi chính stress gây ra nhiều thứ bệnh về thể chất và tâm thần, nên rất cần biết cách “xả” stress trong cuộc sống đầy căng thẳng, âu lo hiện nay.
Stress là một phản ứng bảo vệ, khi cơ thể bị một mối đe dọa, mối nguy hiểm xảy đến cho nó. Người ta gọi nó là phản ứng (hay đáp ứng) “chiến đấu hoặc bỏ chạy” (fight or flight response), nghĩa là trong tình huống đó, chỉ có hai cách để chọn lựa: chiến đấu để sinh tồn hoặc bỏ chạy để… sinh tồn!
Lúc đó, cơ thể phải huy động toàn lực để đối phó. Não thùy sẽ ra lệnh tiết các kích thích tố cần thiết, nào adrénaline, nào norepinephrine, cortisol…ồ ạt đổ vào máu. Tim đập nhanh để bơm máu về các cơ bắp lớn, phổi hổn hển tăng tốc bơm oxy, đường huyết vọt lên cao nhằm tăng cường khẩn cấp năng lượng, đồng tử mắt nở to để nhìn cho rõ, tai vểnh lên, mũi phồng ra… Tóm lại, mọi thứ đều phải trong tư thế sẵn sàng. Trong lúc các mạch máu lớn chuyển máu đến các bắp cơ thì mạch máu nhỏ ngoại biên co thắt lại, để nếu có bị thương thì máu cũng không bị mất nhiều… Vì thế mà người bị stress thường mặt mày tái ngắt, xanh lè, tay chân đơ cứng!


Stress cấp tính có những phản ứng mạnh hơn ta tưởng. Một người đang đứng trước chuồng cọp, thấy cọp sổng chuồng thì… phân, nước tiểu tóe ra mà không hay, tay chân bủn rủn, ngất xỉu. Nguy cơ qua đi, hiểm họa chấm dứt thì mọi thứ lại trở về trật tự cũ. Tim đập chậm lại, hơi thở điều hòa, bắp cơ buông xả. Nếu sự đe dọa không mãnh liệt nhưng cứ dồn dập, hết lớp này tới lớp khác, đến một lúc vượt quá mức chịu đựng gọi là “mất bù” thì sẽ tạo ra những hiệu ứng âm thầm gây tác hại không lường được lên thể chất và tâm thần của ta.
Thời đại ngày nay, con người ít có dịp chiến đấu một mất một còn trước thú dữ hay trước “hòn tên mũi đạn” như xưa. Nhưng con người ngày nay lại phải thường xuyên đối đầu với những “hòn tên mũi đạn” còn nguy hiểm hơn, kiểu “bề ngoài thơn thớt nói cười / bề trong nham hiểm giết người không dao”. Stress vượt qua ngưỡng lúc nào không hay và dẫn tới vô số bệnh tật mà bác sĩ cũng phải bó tay, đành gắn cho những cái tên mơ hồ như “rối loạn chức năng”, “mệt mỏi kinh niên”, “rối loạn thần kinh thực vật”… Đại học Y khoa Harvard ước tính có từ 60%- 90% bệnh nhân (ở Mỹ) tìm đến bác sĩ là do stress.
Stress liên quan đến rất nhiều bệnh lý như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu đường, suyễn, đau nhức kinh niên, mất ngủ, dị ứng, nhức đầu, đau thắt lưng, một số bệnh ngoài da, ung thư, tai nạn thương tích, tự tử, trầm cảm, giảm miễn dịch v.v… Tóm lại là rất phức tạp. Bác sĩ nếu không quan tâm đúng mức – đau đâu chữa đó – thì chỉ chữa đựơc triệu chứng bên ngoài còn cái gốc sâu thẳm bên trong là stress vẫn không đựơc giải tỏa, bệnh vẫn cứ luẩn quẩn loanh quanh , chuyển từ “bệnh” này qua “bệnh” khác, và do đó, chất lựơng cuộc sống bị giảm sút rõ rệt! Nhiều khi ta tưởng cholesterol xấu tăng cao trong máu là do thức ăn, nhưng không phải, do stress nhiều hơn! Tiểu đường tưởng do ăn nhiều chất ngọt, thực ra do stress nhiều hơn. Ta thấy đời sống càng căng thẳng, bệnh tiểu đường càng phát triển mạnh!. Ở nước ta mới mấy năm trước, tiểu đường chỉ lai rai, bây giờ thì… “năm sau cao hơn năm trước”, lan tràn cả ở thành thị lẫn nông thôn! Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế, người làm việc ở những khu vực dễ bị sa thải thì chết vi tim mạch, tai biến mạch máu não cao gấp đôi các khu vực khác…!
Stress thay đổi từ người này sang người khác. Cùng một sự việc, với người này thì nổi điên lên còn với người kia chỉ là một trò cười, với người này là cả một sự sụp đổ, với người kia là một bài học… Cùng là con ông bà “viên ngoại họ Vương”, cùng “sắm sửa bô hành chơi xuân”, mà Thúy Kiều thì khóc sướt mướt, thở than, nằm mộng, làm mười khúc đoan trường đầy nước mắt trong khi Thúy Vân ngạc nhiên sao chị mình “kỳ cục” vậy! Hẳn là bên trong Thúy Kiều có cái gì đó khác với Thúy Vân, bởi bên ngoài thì cả hai đều “mười phân vẹn mười” cả!
Người dễ bị stress là người thường có tính quá lo lắng, cầu toàn, hay tự chỉ trích, thiếu quyết đoán, hay do dự… Nếu bị thêm sức ép từ bên ngoài thì dễ suy sụp, dễ bị vượt ngưỡng! Nhiều học sinh học giỏi mà thi rớt cho là “học tài thi phận” một phần chính là do stress! Gia đình kỳ vọng nhiều quá, tạo một áp lực vô hình, khiến em không còn là chính mình nữa!
Những dấu hiệu sớm để nhận biết stress là có vấn đề về trí nhớ như hay quên, mất định hướng, thường hoang mang…
Về cảm xúc thì dễ dao động, bứt rứt, dễ bị kích động, tâm tính bất thường, hay cáu gắt, lúc nào cũng có cảm giác bị tràn ngập, rất khó tìm được sự thư giãn. Trong lúc nghỉ ngơi mà vẫn cứ lo lắng, thậm chí còn lo lắng nhiều hơn!
Các triệu chứng về thể chất dễ nhận ra như nhức đầu, đau lưng, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn, chóng mặt.. Đặc biệt đau cột sống cổ hay cột sống thắt lưng. Cứ tưởng là loãng xương, là gai cột sống, là thoát vị điã đệm gì gì đó, thực ra gốc ở stress.
Người bị stress dễ bị bệnh vặt, cảm cúm triền miên vì sức đề kháng giảm sút đáng kể, dễ bị mất ngủ, tức ngực, tim đập nhanh và … dễ nổi mụn, nổi chàm trên da. Không có gì ngạc nhiên vì ở trong phôi thai, não và da vốn cùng xuất phát từ một lá mầm ngoai bì (ectoderme). Não mà bất an thì da cũng nhăn nhúm, nổi mụn, nổi chàm, chữa hoài không khỏi, thoa mỹ phẩm đắc tiền cũng vô ích. Não mà an vui thì da cũng tưoi nhuận, hồng hào, sáng láng.
Người bị stress còn hay có những hành vi bất thường như tự dưng thèm ăn, ăn hoài, lên cân đột ngột; hoặc bỗng nhiên bỏ ăn, sụt ký đột ngột…
Có người còn đi qua đi lại, đi tới đi lui, cắn móng tay, nhai nhóp nhép. Các huần luyện viện bóng đá, ông nào cũng hay đi qua đi lại, đi tới đi lui, nhai nhóp nhép “sinh-gom” hoặc phì phèo thuốc lá liên tục giữa lúc hai đội bóng vờn nhau trên sân. Họ bị stress. Nhưng đó là một thứ stress cấp, coi căng vậy mà hiền, chóng qua, hết trận đấu là xong, lại bắt tay nhau vui vẻ! Còn cái thứ stress nhai nhóp nhép kiểu “gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”… mới là thứ stress nặng, mạn tính, triền miên, sinh đủ thứ chuyện.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Nguyên tắc là đừng tự đòi hỏi mình phải luôn hoàn hảo, phải luôn luôn đúng!
Cũng đừng bao giờ so sánh mình với người khác. Con vịt là con vịt mà con gà là… con gà. Con gà mà dại dột so với con vịt thì sẽ chìm nghỉm trong nước! Lục súc tranh công không thể nào vui đựơc! Một khi đã so sánh thì dù hơn, dù kém, dù ngang bằng cũng đều khổ!
Nên tránh những kẻ chuyên “phun” nc đc! Họ rất sung sướng khi “tiêm” được nọc độc cho kẻ khác. Tránh những kẻ nhỏ mọn, đố kỵ, "đâm bị thóc, thọc bị gạo"
Bói ra ma quét nhà ra rác, dị đoan mê tín… làm ta căng thẳng lo lắng vô lối. Một lời nói, một cử chỉ của thầy thuốc cũng có thể gây stress trầm trọng không ngờ. Bác sĩ vừa xem phim X quang vừa lắc lắc cái đầu đủ cho bệnh nhân thót tim, nhưng thực ra chì vì bác sĩ mỏi cổ do cả đêm thức coi bóng đá. Bác sĩ chỉ cần “phán” một câu mơ hồ như tim hơi lớn, gan hơi yếu, phổi hơi dơ… đủ cho bệnh nhân sống trong hoang mang ám ảnh dài lâu. Lời nói của bác sĩ không chỉ mang thông tin, mà còn truyền cảm xúc, gây stress, bởi người bệnh luôn ở trong một trạng thái tâm lý rất nhạy cảm khi tiếp xúc với thầy thuốc.
Có nhiều cách “xả” stress!
Nhậu nhẹt, hút thuốc lá, ma túy… cũng là một cách xả stress, nhưng rõ ràng là có hại, “chạy ô mồ mắc ô mả”!
Nhảy múa, ca hát, viết nhật ký, viết blog…. là những cách xả stress tốt. Nói chuyện tào lao (tám) cũng là một cách xả stress… , miễn là đừng có “chuyển lửa” từ người này qua người khác! Thực ra, nói ra đựơc với ai đó, một bạn thân thiết, một người có khả năng lắng nghe, một người sẵn sàng làm “thùng rác” cho mình thì mình sẽ cảm thấy nhẹ gánh! Không có bạn bè để tâm sự thì có thể tâm sự cùng tượng đá. Trải lòng ra một lúc, tượng đá cũng xiêu. “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” là vậy! “Chửi chó mắng mèo”, “Giận cá chém thớt” cũng được. Đập bể mấy cái ly cái dĩa… cũng hay! Có điều nên chọn trứơc một ít ly tách, chén dĩa mẻ, để dành sẵn, khi nào cần thì đập nghe vừa rôm rã vừa đỡ tốn kém!
Nguyên tắc chung là phải làm mt cái gì đó cho năng lưng b dồn nén trong stress có chỗ “xì” ra, thoát ra.
Ta vẫn thường nói “xả xú bắp”, “xả hơi” đó thôi…
Tóm lại, đừng có ngồi đó mà gậm nhấm, suy nghĩ vẩn vơ. Giặt đồ, nấu ăn, rửa chén, lau nhà gì cũng tốt. Chạy bộ, đánh đấm, la hét, khóc lóc… cũng đựơc. Đọc sách, xem phim càng hay, miễn là biết chọn phim, chọn sách!
Thấy người chồng trằn trọc mãi không ngủ được, lăn qua lộn lại cả đêm, người vợ hỏi có chuyện gì vậy anh? “Anh mắc nợ anh John hàng xóm một số tiền, hẹn ngày mai trả mà không có một xu dính túi!”. Người chồng đau khổ nói. Lập tức bà vợ tung mền dậy, chạy ra bờ rào gọi với sang nhà hàng xóm: “Anh John ơi, ngày mai chồng tôi chưa có tiền trả cho anh đâu nhé!”. Xong, bà quay vào bảo chồng: "Anh yên tâm ngủ đi, bây giờ là lúc để cho anh John trằn trọc". Cô vợ đã rất thông minh! Cô đã “chuyển lửa” từ chồng mình sang … chồng hàng xóm. Chắc chắn anh John sẽ trằn trọc cho tới sáng, còn ông chồng cô sẽ ngủ ngon!
“Chuyển” như vậy vẫn chỉ là ở bên ngoài. Chuyển bên trong hay hơn. Chuyện xưa kể bà mẹ già có hai cô con gái, một cô bán dù, một cô bán giày vải. Cô bán dù sống nhờ những ngày mưa, cô bán giày làm ăn khá nhờ những ngày nắng ấm. Bà mẹ lo buồn cho cô bán giày suốt những ngày mưa và đau khổ cho cô bán dù ngày nắng ráo. Có người biết chuyện khuyên bà sao không làm ngược lại, mừng cho cô bán dù ngày mưa và mừng cho cô bán giày ngày nắng?
Não ta có một đặc điểm lý thú là không thể cùng lúc nghĩ tới hai việc. Đã nghĩ điều này thì quên điều kia. Và người ta đã “lợi dụng” đặc điểm này để dịch chuyển các điểm tập trung trên võ não từ vùng này sang vùng khác. Chẳng hạn đang giận sôi lên thì… xảy ra động đất hay cháy nhà, lập tức vùng “giận sôi” của vỏ não tắt ngấm để nhường chỗ cho vùng sợ hãi! Ta biết giận dữ hay sợ hãi đều tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Nó có thể làm ta kiệt sức, suy sụp, thở không ra hơi… Có thể chọn cách nào khác chuyển dịch hay hơn, có lợi cho sức khỏe hơn chăng? ***Có đó***.
Đó là cách thở sâu, thở bụng, đưa hơi xuống huyệt… đan điền (dưới rún chừng 4 cm). Nó giúp làm cho ta tĩnh tâm lại, nó chuyển dịch vùng căng thẳng ở vỏ não qua vùng êm ái của … cái rún, với điều kiện là phải để tâm quan sát xem cái hơi thở đó nó vào ra lên xuống ra sao.
Khi chú tâm vào hơi thở, lắng nghe hơi thở , quan sát nó, dòm ngó nó, nghiền ngẫm nó… thì ta đã đánh “lạc hứơng” cảm xúc ta rồi! Vỏ não khi đã tập trung vào hơi thở thì “quên” tập trung vào các chuyện linh tinh khác.
Cách đơn giản này có khả năng giải stress rất tốt. Tập luyện đúng mức, não thùy sẽ tiết ra một kích thích tố gọi là endorphine, một thứ á-phiện nội sinh, làm cho dịu nhẹ toàn thân, tạo sự sảng khoái, lâng lâng, mà không gây tác dụng phụ.
Thiền, yoga, dưỡng sinh, tài chí, khí công… đều là những cách làm cho thân tâm hợp nhất, làm cho ta quay trở lại với chính mình bằng cách lắng nghe hơi thở của chính mình (có thể kết hợp với động tác hay không cần động tác) đó thôi. Hiện nay các kỹ thuật này ngày càng được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi ở các Trung tâm y khoa lớn trên thế giới để trị liệu các bệnh do stress gây ra, các chứng trầm cảm, tâm thần, lo âu, đau nhức…, kể cả nghiện rượu, thuốc lá, ma túy… một cách rất có hiệu quả.
BS Đỗ Hồng Ngọc
THỞ VÀ THIỀN BS. Đỗ Hồng Ngọc
(10/29/2012 09:44 AM) (Xem: 340)

THỞ VÀ THIỀN
BS. Đỗ Hồng Ngọc

Một hôm, nhạc sĩ Dương Thụ mời tôi đến Cà phê Thứ 7 của anh trò chuyện một bữa cho vui. Được thôi. Tôi vẫn thỉnh thoảng đến chỗ anh để uống cà phê và nghe chuyện trò mà.  Đề tài gì? Thiền và sức khỏe. Vấn đề đang rất được giới trí thức quan tâm. Căn phòng nhỏ xíu, nhưng trang nhã, ấm cúng. Một chỗ chơi nhạc thính phòng, họp mặt bạn bè kiểu salon thế kỷ 18- chỉ thiếu một nữ bá tước- để chuyện trò thân mật, cách biệt với ồn ào nhộn nhịp ngoài kia.
Đã thấy có các nhà văn, nhà báo, nhà giáo, học giả, nhà vật lý, kiến trúc sư, luật gia… và khá nhiều bạn trẻ. Cũng như mọi lần, câu hỏi đặt ra là vì sao bệnh viện mở ra ngày càng nhiều mà lúc nào cũng “quá tải”? Vì sao con người bây giờ tiện nghi dồi dào mà đau ốm triền miên? Vì sao bệnh nhiễm gia tăng trở lại và bệnh do hành vi lối sống ngày một phát triển trong khi khoa học y học tiến như vũ bão? Rõ ràng sức khỏe không phải là chuyện của y tế. Y tế chỉ làm mỗi việc “cứu tế về y khoa” khi ta đau ốm quặt quẹo. Sức khỏe lại là chuyện của mỗi người, của mọi người. Khi melamine ở trong sữa, kích thích tố sinh dục ở trong thịt, thuốc trừ sâu ở trong rau… thì bác sĩ làm sao? Khi bụi khói đầy đường, tiếng ồn đinh tai nhức óc thì bác sĩ làm sao? Tại sao nhiều diễn viên tài tử gìàu có xinh đẹp bỗng một hôm thắt cổ hoặc uống thuốc độc tự tử? Tại sau lâu lâu một tỷ phú đại gia nhảy lầu? Thì ra đời sống càng tiện nghi, nhu cầu vật chất càng được thõa mãn thì con người càng xa lạ với tự nhiên, với chính mình. Stress chính là nguyên nhân sâu xa của 60-90% bệnh lý đưa người ta đến bác sĩ. Mà bác sĩ thì chữa được cái đau chứ không chữa được cái khổ, chữa được cái bệnh, chứ không chữa được cái hoạn.  Cho nên cứ xà quần như vậy. Có cách nào không?
. Thiền. Thiền có thể góp phần giải quyết căn cơ. Thiền giúp ta biết “dừng lại”, thôi đi. Thiền giúp ta nhận ra những “điên đảo mộng tưởng”. Nhưng thiền là gì? Cách nào? Hãy bắt đầu từ việc đơn giản nhất mà cốt lõi nhất. Đó là Thở. Thở bụng. Ô hay, thở phải bằng ngực chứ, phổi nằm ở ngực kia mà? Phổi nằm ở ngực, nhưng thở nằm ở bụng. Cứ nhìn một em bé đang ngủ say mà xem? Cứ nhìn một người bình thường đang ngủ yên mà xem? Chỉ có cái bụng là phình lên xẹp xuống, còn cái ngực thì… im re. Thật vậy, khi cái ngực mà khò khè, mà cò cử thì nó đã bị bệnh rồi, đã suyễn hoặc viêm phổi tắt nghẽn mạn tính rồi. Nói khác đi, cách thở sinh lý, thở thiên nhiên, thở bình thường chính là thở bụng. Người khỏe thì luôn thở bụng nên thở bụng làm cho ta khỏe. Chỉ có vậy. “Bí quyết” nằm ở chỗ đơn giản nhất đó. Các phương pháp khí công, dưỡng sinh, yoga, thiền… đều bắt đầu bằng tập thở bụng. Tại sao phải tập? Bởi không biết tự lúc nào con người lại xa rời cái nguồn gốc tự nhiên của mình, bày ra trò thở ngực, cũng như thay vì ăn những thức ăn lành mạnh sẵn có trong thiên nhiên thì con người chế biến đủ kiểu cho nó hư đi. Do vậy, thở phải được rèn tập trở lại. Về sinh lý, cơ hô hấp chính của ta là cơ hoành, vắt ngang giữa bụng và ngực chớ không phải cơ gian sườn hay cơ cổ. Khi các cơ gian sườn, cơ cổ mà ráng sức phì phò thì đã bệnh rồi.  Nhắc lại phương pháp thở bụng của Nguyễn Khắc Viện, của Dean Ornish, của Deepak Chopra và cả kinh nghiệm bản thân. Phương pháp đơn giản, không tốn kém này hiện nay ngày càng được phổ biến ở các Trung tâm y khoa lớn trên thế giới đễ chữa stress, căn nguyên các bệnh dịch không lây như tim mạch, huyết áp, tiểu đường,  gout…
Nhưng, thiền không dừng ở đó. Sau thở bụng, bước tiếp theo là “dõi theo” và “suy tưởng” về cái hơi thở đó. Nó vào nó ra nó lên nó xuống nó phồng nó xẹp. “Dõi theo” khác với “theo dõi”. Theo dõi mệt lắm. Dõi theo thì ung dung hơn. Cứ thả cho nó sao thì sao, chỉ cần dõi theo và ghi nhận, không bình luận, không phê phán. Trí thức vốn hay bình luận, hay phê phán… nên trí thức thường thất bại trong thiền. Một người hàng thịt buông dao thành Phật. Trí thức còn lâu! Nhưng trí thức lại có cái hay của nó. Nó không dễ tin. Nó ngờ. Nhưng, đại nghi đại ngộ. Càng nghi càng ngộ. Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, một nhà minh triết – Dức Phật- bảo đừng vội tin tôi, cứ đến nếm thử đi rồi biết. Đến và nếm thử. Đến là thực hành. Làm đi, đừng nói nữa. Vụ này nói không được, “bất khả thuyết”! Nếm thử là cảm nhận. Phải tự mình cảm nhận, tự mình thể nghiệm để riêng mình cảm nhận, không thể nhờ ai khác. Thở mà cũng phải nhờ người khác thở giùm hay sao? Tôi ngạc nhiên thấy các ông thầy dạy “thở” bắt người ta làm theo ý mình. Làm theo sao được! Mỗi người có cái sinh lý, thể chất, tâm lý riêng của mình chứ. Nắm lấy nguyên tắc thôi, rồi thực hành theo kiểu của mình. Bắt chước người khác, tẩu hỏa nhập ma như chơi! Họa sĩ Hoàng Lập Ngôn có lần nói với tôi là ông đi máy bay từ Hà Nội vào Saigon chỉ thở 60 lần là tới nơi, nghĩa là mỗi hơi thở của ông dài 2 phút. Máy bay bay 2 giờ, ông thở 60 lần. Còn ta, bắt chước ông sao được. Ông có cái sinh lý của ông, lại rèn tập từ thuở nhỏ.
Cái hay thứ hai của trí thức là “suy tưởng”. Thiền cần suy tưởng. Không phải suy tưởng chuyện tranh bá đồ vương, gồm thâu lục quốc, nhất thống giang hồ, muôn năm trường trị  gì đâu!  Trước hết là suy tưởng về cái hơi thở đang vào đang ra kia! Tưởng nó là của ta mà chẳng phải của ta. Tưởng nó ở trong ta mà hóa ra ở ngoài ta. Tưởng ta điều khiển nó mà thật ra nó cóc cần ta. Lợi ích bất ngờ là sự dõi theo và suy tưởng “hồn nhiên” đó ai dè  giúp ta cắt đứt dòng “tâm viên ý mã” linh tinh khác, gom thân tâm ta về một mối là hơi thở của chính mình, ở đây và bây giờ, dứt bặt những âu lo phiền muộn. Nói khác đi, nó làm ta được “thảnh thơi”, nó giải stress, nghĩa là mang lại sức khỏe, an lạc, hạnh phúc.
Thiền có thể làm ta được thảnh thơi, giải stress, mang lại sức khỏe, an lạc, hạnh phúc ư? Tin được không? Có cơ sở khoa học nào không? Trí thức sẽ hỏi. Đâu dễ tin. Và câu trả lời là có. It ra là về mặt sinh học. Thở chẳng phải trước hết là chuyện sinh học ư? Ta cần lấy Oxy từ bầu khí quyên đưa vào phổi, rồi máu mang Oxy đó đến từng tế bào trong cơ thể để tạo ra nặng lương cho sự sinh tồn và hoạt động của ta. Một người chạy đua 100m phải nín thở để chạy, đến nơi anh ta thở hào hễn vì phải trả “nợ Oxy” đã vay mượn trong lúc nín thở. Cơ thể ta lúc nào cũng ở trong tình trạng căng cứng để đi đứng nằm ngồi. Các cơ bắp luôn luôn co duỗi để giữ cho ta có một tư thế theo ý muốn. Sự căng cứng cơ bắp (tonus musculaire) đó tiêu thụ khoảng 40% năng lượng. Nếu có cách nào làm giảm sự căng cứng cơ ta sẽ tích lũy năng lượng đáng kể, cơ thể nhờ đó mà đỡ vất vả, sảng khoái hơn. Riêng não bộ tuy chỉ chiếm có 2% thể trọng mà tiêu tốn đến 30% năng lượng. Nếu có cách nào đó làm cho não bộ được nghỉ ngơi, tích lũy thêm một khối năng lượng đáng kể nữa, các tế bào nhờ đó mà đỡ vất vả, sảng khoái hơn! Sự sảng khoái đó trong thiền gọi là “thiền duyệt”. Câu hỏi đặt ra là tại sao não bộ lại xài phí tiêu hoang năng lượng nhiều đến vậy? Thì ra não lúc nào cũng ở trong trạng thái “điên cái đầu”, lúc nào cũng nghĩ ngợi lung tung, tâm viên ý mã! Trí thức- hoạt động trí não nhiều- càng dễ bãi hoãi, kiệt sức, quên trước quên sau, đến bác sĩ, bác sĩ chẩn đoán “mệt mỏi kinh niên không rõ nguyên nhân”, nghĩa là bí… Lúc say mê làm việc trí thức thường quên thở để sau đó lại hào hễn, trả nợ Oxy. Thiền vừa làm giãn cơ, vừa làm lắng dịu các hoạt động lăng xăng của não, nhờ đó mà giúp cơ thể thảnh thơi, an lạc. Hoạt động thể chất sau đó sẽ bền bĩ hơn, suy tưởng sau đó sẽ tập trung hơn, sáng suốt hơn.
Trong lúc tập trung dõi theo hơi thở như thế, những câu hỏi sẽ gợi lên: Tại sao phải thở? Không thở được không? Tại sao ta cần Oxy (O2) – khí thải của cây xanh- trong khi cây xanh cần Carbonic (CO2) – khí thải của ta? Có sinh vật nào sống mà không cần Oxy không?…  Câu trả lời sẽ liên quan đến khí quyển, đến môi trường, đến cây xanh, đến sinh vật hiếm khí, vi khuẩn sống trong núi lửa, trong băng tuyết… Rồi nhìn ra mênh mông, thấy không chỉ một vũ trụ (universe) mà là đa vũ trụ (multiverse), tam thiên đại thiên thế giới, với trùng trùng duyên khởi … từ đó, có hôm nào nhận ra thực tướng vô tướng, cái mà bây giờ người ta gọi là “Theory of Everything” (?)… hay như Stephen W. Hawking giật mình nhận ra cái The Grand Design, “vô sở tùng lai diệc vô sở khứ” (?). Thiệt ngộ, chỉ với C, H và O quấn quít lấy nhau, khi cần ngọt ngào thì có đường, khi cần chua chát thì có dấm, khi cần đắng cay lại có chút rượu mềm môi?
Khi bản đồ gen người được thiết lập, các nhà sinh học giật mình thấy cái cây cổ thụ ngoài sân chứa đến 70% gen người, ai dám bảo không có chuyện “thạch nữ giá bồ lang”? Cái cọng cải non xanh kia có đến 26% gen người, rồi ruồi giấm, chuột bọ… Chuột có đến 97.5% gen người nên mới có đám cưới chuột, mới có “chuột kêu chút chít trong rương / anh đi cho khéo đụng giường mẹ hay”! Ểnh ương, tắc kè, thằn lằn, rắn mối… con nào cũng phì phò xì xụp, cũng phình phình xẹp xẹp đó thôi…
Thiền còn giúp ta thấy sinh trụ dị diệt, thấy mỗi hơi thở là một kiếp người. Bé sơ sinh hít mạnh hơi vào thì cụ già thở hắt hơi ra. Giữa hai lần thở đó là những làn sóng lăn tăn,  dài ngắn. Đừng tìm kiếm thần thông phép lạ. Thần thông phép lạ đầy rẫy quanh ta.
Buổi trò chuyện chuyển sang phần hỏi đáp. Chỉ xin ghi lại vài câu.
1) Kiếm hiệp hay nói “đưa hơi xuống huyệt đan điền” là sao? Đó chính là cách thở bụng. Khi hít vào, đẩy cơ hoành xuống càng sâu càng tốt, xuống tận huyệt “đan điền”. Huyệt đan điền nằm dưới rún ba lóng tay, khoảng 4cm. Đan là thuốc, điền là ruộng. Đan điền là ruộng thuốc. “Linh đan diệu dược”. Người xưa coi thở bụng là phương pháp luyện công tốt nhất, được sử dụng trong võ thuật và phép tu tiên để trường sinh bất lão. Thực ra cơ hoành chỉ di chuyển được khoảng 7 cm thôi, chưa quá rún, cũng đã đưa vào hơn 1,5 lít không khí rồi. Nhưng, cần để ý, ráng sức thở sâu quá sẽ dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”.
2) Dùng ý dẫn khí đến những nơi mình muốn có được không? Chẳng hạn đến tận ngón tay, ngón chân, các khớp đang đau nhức? Được. Ý dẫn các pháp mà! Về sinh học, hệ thống mao mạch dài đến 100.000 km (hai vòng rưởi xích đạo quả đất chớ ít gì!) dẫn khí đến tận từng tế bào trong cơ thể con người. Mỗi tế bào thực chất là một… sinh vật, chúng hấp thu Oxy để tạo năng lượng. Dùng ý dẫn khí là một cách nói, nhấn mạnh khả năng đưa khí lưu chuyển toàn thân, đến từng tế bào nhờ hệ thống mao mạch này. Hiện tượng viêm trong y học – sưng, nóng, đỏ, đau- chính là đưa máu dồn về nơi có bệnh để chữa trị, tập trung Oxy nhiều đến đó để tăng cường năng lượng.
3) Tôi học cách thở âm và thở dương? Thở dương là đưa hơi qua mũi, theo nhâm mạch xuống đan điền, hậu môn, rồi nhíu hậu môn lại; thở âm là đưa hơi lên đỉnh đầu, theo đốc mạch đến hậu môn, nhíu hậu môn lại… để chữa trị các trạng thái âm và dương của thân tâm đúng không? Đúng. Bí quyết nằm ở chỗ “nhíu hậu môn”. Những thứ khác thực chất vẫn là thở bụng, thở sâu. Khi vỏ não tập trung vào điều này thì không thể cùng lúc tập trung vào điều khác. Hai người sắp đánh nhau mà nghe động đất sợ quá bỏ chạy quên đánh nhau. Cái “sợ” đã thay chỗ cho cái “giận” ở vỏ não. Một người ở trạng thái buồn bã (âm) hay trạng thái kích động (dương) mà biết tập trung vào hơi thở sâu, tập trung vào chuyện “nhíu hậu môn”  thì “công tắc” đã chuyển sang hướng khác ở vỏ não.
4) Nghi ung thư, làm xét nghiệm không có gì, chỉ bị cao huyết áp (HA). Mua máy đo HA về đo mỗi ngày cả chục lần, lúc nào cũng cao, chỉ khi uống vài ly thì HA mới xuống? Một tỷ phú Mỹ thường đọc báo y học nghi mình bị ung thư. Khám bác sĩ, bình thường. Không tin, đến bác sĩ khác. Cuối cùng gặp một bác sĩ giỏi, biết ngay là ung thư. Mừng vì mình chẩn đoán bệnh giỏi hơn các bác sĩ, tỷ phú hiến hết tài sản rồi đi chu du khắp thế giới trước khi chết, mời cả cô y tá xinh đẹp của bác sĩ cùng đi. Sáu tháng sau, dẫn vợ -cô y tá bấy giờ đã là vợ- về thăm bác sĩ, hoàn toàn khỏe mạnh. Bác sĩ cười: ông chỉ “bệnh tưởng”! Vụ HA thì chính cái máy đo là thủ phạm. Mỗi lần đo là mỗi lần lo lắng, căng thằng nên HA tăng cao. Khi có vài ly vào thì hết lo, hết căng thẳng.
*    *
*
Nhưng thiền không dừng lại ở đó. Nó mở ra những khoảng mênh mông bất khả tư nghì!
BS Đỗ Hồng Ngọc
GHI CHÉP LÕM BÕM THẤP THOÁNG LỜI KINH - Đỗ Hồng Ngọc
(10/15/2012 08:16 AM) (Xem: 1568)

GHI CHÉP LÕM BÕM
THẤP THOÁNG LỜI KINH
Đỗ Hồng Ngọc

Sống Như Lai, ăn Như Lai, ngủ Như Lai, ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai… Cho nên Phật cười. Cười tủm tỉm. Nụ cười vui mà từ bi, mà an lạc.
Phương tiện
Tuyệt vời thay phương tiện! Nhìn Phật mà không thấy phương tiện, nghe Phật mà không thấy phương tiện, chẳng tiếc lắm ru? Với năm đệ tử đầu tiên, cũng là bạn đồng hành ngày xưa, Phật chỉ cần nói Tứ diệu đế. Bởi họ đã có đủ chất liệu. Chỉ cần “chỉ trăng” là họ thấy ngay. Khổ Tập Diệt Đạo là đã đủ. Triệu chứng: Khổ. Nguyên nhân: Gốc của khổ. Vấn đề chỉ còn là trị liệu cách nào? Con đường (Đạo) phải thấy đúng (chánh kiến) trước rồi mới nghĩ đúng (chánh tư duy), nghĩ đúng rồi mới làm đúng… Chỉ cần giới định tuệ đủ dứt bệnh tham sân si. Một thứ điều trị đặc hiệu. Nhưng khi cần tới Bát Nhã thì có Bát Nhã. Nhân vô ngã, Pháp vô ngã. Qua sông bỏ bè. Rồi cần tổng hợp, cần nâng cao đã có Thường Lạc Ngã Tịnh. Cần cho thấy Như Lai thì trợn mắt chiếu hào quang, giữa chặng lông mày…
Khi nói chuyện với đám thanh niên thì có “thần tượng” Duy Ma Cật, đại gia, không cần xuống tóc, xuất hiện… Ngũ uẩn cũng là một phương tiện. Thị hiện vậy thôi.
Tùng địa dũng xuất
Từ đất vọt ra. Đất nào? Cái gì vọt ra? Đất tâm. Tâm địa. Vọt ra cái sự gọi là “phát tâm” muốn làm Phật, muốn thành Phật, “vô thượng chánh đẳng chánh giác” chứ không bằng lòng với A- la – hán, Bích chi, Duyên giác, Bồ – tát… Có phát tâm thì mới bố thí, trì giới, mới nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ… ba – la – mật và dĩ nhiên mới có “tri kiến” Phật sau khi đã được “khai thị” mà “ngộ nhập”! Nhưng hình như không chỉ vậy. Nhìn kỹ lại mới thấy thân xác con người cũng “tùng địa dũng xuất” (từ đất vọt ra) đó thôi. Ít nhất cái thân tứ đại đất nước gió lửa (C, H, O, N) cũng từ đất, tạng đất. Bởi trong cơ thể con người đã có 60 – 70% thể trọng là nước, có 60 nguyên tố, khoáng chất đều từ đất mà ra như đồng, chì, sắt, kẽm, mangan…, các loại muối K, Na… Một người nặng 70kg đã có 10kg là Calci (vôi), 7 kg Phospho, 1kg muối (Natri)… Không “tùng địa cũng xuất” ư?
Chúng sanh
“Chúng sanh tức phi chúng sanh thị danh chúng sanh”. Chúng sanh tức chẳng phải chúng sanh nên mới gọi là…chúng sanh. “Tức phi/ thị danh” thật tuyệt vời! Để thấy cái không phải, thấy cái giả danh, tạm gọi. Một thứ ngôn ngữ giúp ly niệm, bỏ khái niệm để đến cái không phân biệt, ly tướng. Và từ đó thấy thực tướng vô tướng. Cho nên nói chúng sanh là… chúng sanh thì sai. Nói chúng sanh không phải là chúng sanh cũng sai. Hiểu chúng sanh là con người, là mọi sinh vật – đúng và sai. Vì có rất nhiều loại chúng sanh. “Vô số vô lượng vô biên” chúng sanh kia mà! Để ý hai chữ “vô biên” mà coi. Nó lạ chứ. Bởi không chỉ là số và lượng để có thể cân đong đo đếm, dù không thể cân đong đo đếm xuể!
Cho nên “tùy chúng duyên nhi sanh” thì nghe được.Tùy “chúng” duyên với nhau mà “sanh” ra nên gọi là “chúng sanh” thế thôi. Nếu không duyên, hết duyên, thì hết “chúng sanh” tức khắc. “Diệt độ” vô số vô lượng vô biên chúng sanh mà chẳng có chúng sanh nào được diệt độ cả là vậy. Không sanh lấy gì diệt? Nhưng, cách nào? Phải sống trong Vô ngã, Vô tướng. Khi không còn ngã tướng, ngã kiến: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả… gì nữa! Ở một nơi không có ta, không có người, chúng sanh, thọ giả… thì không còn một chúng sanh nào “sinh sự” được nữa.
Ở đâu, nơi đó? Thiền. Định (samatha) và Quán (vipassana).
“Thức tự tâm Chúng sanh
Kiến tự tâm Phật tánh”.
Chúng sanh không có ở ngoài. Nó ở trong. Trong tự tâm. Nó bày ra, dựng lên, vẽ vời trong tự tâm ta mà ta chẳng ngờ! Thức là cái biết do biện biệt, phân tách, đối chiếu, so sánh. Thức tràn ngập, hỗn mang. Thế giới phẳng, toàn cầu hóa, thức càng điên đảo. Thức nhiều khi từ tưởng mà ra, nhưng cần. Chẳng hạn cần thức để thấy chúng sanh ngọ ngoạy tràn ngập trong tự tâm ra sao. Nó ngọ ngoạy vì nó muốn quậy phá, muốn luôn hồi, muốn bay nhảy từ tầng này sang tầng khác, sáu nẻo thênh thang, chút vầy chút khác… “Thức” nó, nghĩa là thấy rõ, hiểu rõ về nó, phân tách nó ra một cách thấu đáo, hóa ra nó do ta tự tạo ra, không ai khác, là một thứ puzzle, lắp ghép, tương tác, tùy duyên. Từ tâm ta mà chúng sanh ra. Khi rõ vậy rồi thì thôi. Dẹp đi. Khi dẹp nó đi thì không còn cần “thức” nữa. Mây tan rồi thì trời trong trăng sáng. Và lúc đó là “Kiến”. Thấy. Thấy rõ. Chiếu Kiến. Và Kiến gì? Kiến “Phật tánh”. Phật tánh cũng lại ở ngay trong tự tâm ta. Không ở ngoài đến. Ai cũng sẵn có. Cho nên ai cũng sẽ là Phật, một khi “Thức tự tâm chúng sanh thì sẽ kiến tự tâm Phật tánh”. Vậy thôi.
Trí và thức
Thức để dẫn đến tranh chấp, được thua, hơn kém, thị phi. Thức từ lục căn với lục trần mà sinh sự. “Nhãn nhỉ tỷ thiệt thân ý” ve vãn với “Sắc thanh hương vị xúc pháp” mà sinh đủ thứ thức. Nhãn thức đã đủ mệt. Mỗi người một nhãn thức khác nhau, nên mới sinh sự, đấu đá. Còn Ý thức thì vô tận và mới thật ghê gớm vì ý dẫn các pháp. Cho nên nếu không có cách kềm chế, chúng tung hoàng gieo rắc…đủ thứ điên đảo! Một khi lục căn mà thanh tịnh, thức sẽ trở thành Diệu quan sát trí. Diệu quan sát trí cung cấp những chất liệu chọn lọc an hòa cho Bình đẵng tánh trí (Mạt – na – thức đã được chuyển hóa) và cuối cùng là Đại viên cảnh trí hay Nhất thiết chủng trí, từ A – lại – da thức chuyển sang. Con đường khó, những được, nếu rèn luyện.
Nhẫn nhục
Nhục mà cũng nhẫn được thì khó, khó quá. Khó quá làm được thì các nhẫn khác cũng sẽ được. Trong lục độ thì bốn thứ Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn thuộc Giới. Hai thứ còn lại là Định và Tuệ. Vì thế, Giới quan trọng biết bao. Nhưng giới định tuệ là một tam giác cân, hai chiều, tác động qua lại. Định dẫn đến Tuệ, rồi Tuệ lại dẫn đến Định, Giới. Lòng tham mới là gốc. Tham dẫn đến sân, si. Tham dẫn đến chấp, thủ. Tham tạo ra ngạ quỷ, địa ngục… Nhẫn nhục là một đức, một hạnh, cớ sao cho vào lục độ, ngang với thiền định, trí tuệ? Bởi vì không có nhẫn nhục thì các thứ khác khó mà hình thành. Người ta không thể tu hành gì nếu thiếu nhẫn nhục vậy.
Phật
Có vô số Phật. Hằng hà sa số chư Phật. Không nơi nào không có Phật. Không thời nào không có Phật. Chỉ cần “ly nhất thiết tướng tức danh chư Phật”. Phật là người giác ngộ. Chúng sanh là Phật “chưa giác ngộ”. Nhưng không giác rồi cũng phải giác. Sẽ phải giác. Cũng phải ngộ, sẽ phải ngộ. Vì Phật và chúng sanh đồng nhất thể. Sớm hay muộn mà thôi. Cùng một hạt giống cả! Nhưng Đức Phật (Thích Ca) giác ngộ sớm nên giải thoát sớm, tìm ra đường đi (Đạo) để giúp người với lòng từ bi vô lượng.
Giác ngộ thành Phật chỉ cần “ly tướng” thôi ư? Phải. Ly tất cả (nhất thiết) các tướng. Bởi muốn thấy biết (tri kiến) được Tánh, Chân như, Bản lai diện mục, Thực tướng vô tướng… gì gì đó thì phải ly tướng. Bởi “tướng” chỉ là cái “trình hiện” bên ngoài, cái “thị hiện”, cái giả danh…chơi vậy thôi. Cái “thật” nằm ở đằng sau, bên kia cái tướng, bên ngoài cái tướng. Thự ra, vẫn có tướng đó, nhưng mà là cái tướng Không. Duyên sinh. Chân không mà diệu hữu vậy thôi. Ly tướng không phải trốn chạy mà là thấy tướng không phải tướng, “kiến tướng phi tướng”. Nói khác đi, lúc đó sẽ thấy biết Như Lai. Tướng và tánh quấn quýt nhau. Tướng đó thì tánh đó, tánh đó thì tướng đó. Ly tướng mà vẫn ở trong tướng. Ở trong tướng mà vẫn ly tướng. Sống Như Lai, ăn Như Lai, ngủ Như Lai, ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai… Cho nên Phật cười. Cười tủm tỉm. Nụ cười vui mà từ bi, mà an lạc.
Như Lai
Phật là Như Lai nhưng Như Lai không phải Phật. Như Lai là Như Lai. Không từ đâu đến, chẳng đi về đâu. “Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ”. Có khi Phật và Như Lai nhập làm một, có khi tách làm hai, ngồi vào hai ghế chơi. Nhưng, hai mà một, một mà hai. Tùy lúc. Đừng mong dùng âm thanh ánh sáng…mà thấy Như Lai. Như Lai thấy qua cách khác. Thấy bằng tướng thì không sao tìm được Như Lai vậy. Phải “kiến tướng phi tướng” mới được (kiến tướng phi tướng tức kiến Như Lai). Nên không thể dùng tri thức mà thấy. Phải ở trong định, trong vô ngã. Có một thứ định, đi đứng nằm ngồi đều cùng Như Lai, với Như Lai. Phật hằng hà sa số trong khi Như Lai chỉ có một. Có một mà muôn vàn. Thị hiện vô vàn trong sắc, dìu dặt trong tiếng, ngan ngát trong hương… Khi chàng thi sĩ hỏi người đẹp xưa của tôi đâu rồi, chỉ còn cánh hoa đào năm ngoái đây thôi thì gió đông đã cười vào mũi chàng: Hoa đào năm ngoái ư? Hoa đào năm ngoái nào? Chỉ có hoa đào đời đời kiếp kiếp đó thôi! Người đẹp cũng vậy. Vẫn người đẹp đời đời kiếp kiếp đó thôi. (Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong. Thôi Hộ). Phải ra khỏi cái ngã rồi mới thấy. Thấy cái “Như Lai thọ lượng” vậy.
Prajna và Prana
Prajna và Prana là một. Như E = mc. Là một. Prajna là Trí tuệ Bát nhã, còn Prana là Nguồn sống. Có Prana mới có Prajna và có Prajna thì có Prana. Pra là trước, Ana là hơi thở vào, là thở. Trước cái thở là cái gì? Là cái chưa cần… thở! Là cái bào thai. Cái “Như lai tạng”.
Prana là nguồn sống, từ cõi lặng, quãng lặng, trước hơi thở vào. Và nếu nối liền quãng lặng đó với nhau, liên tục, miên mật, ta có quãng dừng. Ở đó, cái gọi là chết. Hóa ra Chết là Nguồn sống, cái gốc của sự sống ư? Và chỉ khi ta hiểu rõ Prana, vui đùa tung hứng với Prana, ta có Prajna, Bát nhã. Bát nhã là phiên âm của Prajna từ Phạn ngữ. Một thứ trí tuệ đặc biệt. Đặc biệt vì nó chẳng phải là trí tuệ. Nó tự có, không qua tìm kiếm, biện biệt, so sánh, tính toán, học hỏi. Nó là cái biết của trẻ thơ, hồn nhiên, trong sáng và từ đó, thanh tịnh. Pra là trước, Jna là sự hiểu biết. Trước cả sự hiểu biết. Ấy là tuệ giác. Trực nhận. Hiện tiền: cái hiện ra trước sự biết. Ấy là Trí, là Tuệ, là Bát nhã. Prana dẫn tới Prajna. Khi Prajnã mà Paramita thì gặp Prana.
Paramita
Nói vật chất là năng lượng và năng lượng là vật chất chưa đủ, cũng như nói “E = m” thì còn thiếu ‘c’. Phải qua bờ bên kia (Paramita) thì vật chất mới thành năng lượng và ngược lại. Cũng là một thôi. Là một nhưng trong điều kiện này thì là năng lượng, điều kiện kia thì là vật chất. Duyên sinh cả thôi. Thực tướng vô tướng ở đó. Vô lượng nghĩa ở đó. Và “như như bất động” ở đó. Paramita, cái cầu để qua bờ bên kia. Có khi ở hẳn, có khi lại về. Cho nên Gate, Gate, Yết để yết đế… mới là câu thần chú, minh chú: Qua đi, qua đi… cũng là Về đi, về đi… đó vậy!
Sắc thọ tưởng hành thức
Sắc trong ngũ uẩn là sắc của tâm. Sắc có trước. Không sắc chẳng tâm. Không tâm chẳng sắc. Sắc dẫn tới thọ. Thọ dẫn tới tưởng, rồi hành, rồi thức… Vô minh, hành, thức… Cứ thế chằng chịt. Cứ thế quấn quýt. Sắc là vô minh. Thọ là vô minh. Tưởng là vô minh. Thọ tưởng mới sinh sự. Ái, Thủ, Hữu… này khác. Sinh sự thì sự sinh. “Diệt thọ tưởng định” là một kỹ thuật. Thọ không khởi, Tưởng sẽ không khởi. “Sắc thọ tưởng hành thức” được xếp theo một quy trình, một tiến trình. Tứ đại mới là Sắc – thân, còn Ngũ uẩn chính là Sắc – tâm. Nói khác đi, ngũ uẩn là tâm. Cho nên “ngũ uẩn giai không” là tâm Không. Còn Tứ đại kệ nó. Cứ cho nó lắc lư bay nhảy theo kiểu chơi của nó, sanh bệnh lão tử của nó. Tha hồ.
Thường Lạc Ngã Tịnh
Từ Vô thường, Khổ, Vô ngã, Bất tịnh … lăn lóc, lang thang, trôi nổi – luân hồi – bỗng gặp Thường, Lạc, Ngã, Tịnh! Vô thường trở thành Thường, Khổ trở thành Lạc, Vô ngã trở thành Ngã và Bất tịnh trở thành Tịnh. Không khó. Nó chỉ là mặt bên kia, bờ kia, phía kia. Lý thú: nó bất nhị bởi nó vô tướng, vô ngã! Hoa nở rồi tàn, trăng tròn rồi khuyết, sanh bệnh lão tử. Vô thường quá đi chứ, nhưng cứ đời đời kiếp kiếp đều đặn, lặp đi lặp lại như vậy hoài chẳng hóa ra là thường ư? Lạc làm sao có nếu không thấy biết khổ chính là “nguồn lực”? Cho nên luân hồi sinh tử chíng là Niết -bàn đó vậy. Sóng ngàn đời về đâu? Nước ngàn đời về đâu? Thân tứ đại ngũ uẩn tưởng là bất tịnh mà tịnh quá đi chứ, đàng sau kia là bao nhiêu nguyên tố chẳng đổi dời? Khi Phật không cần “phương tiện” nữa – thì nói trắng ra “Thường, lạc, ngã, tịnh “đó thôi. Đều “Như Lai tạng” cả mà!
(Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 136)
LUÂN HỒI SANH TỬ - BS. Đỗ Hồng Ngọc
(05/26/2012 02:43 PM) (Xem: 8058)

LUÂN HỒI SANH TỬ
BS. Đỗ Hồng Ngọc

Luân hồi hình như luôn đi với sanh tử. Luân hồi sanh tử. Nghe cứ rờn rợn. Có cách nào “giải thoát” không? Có đó. Đi tu! Đi tu để giải thoát luân hồi sanh tử. Nghe nói vậy. Làm như tu thì không còn sanh tử nữa, không còn luân hồi nữa, tu thì sống đời đời kiếp kiếp vậy! Nhưng… không còn sanh tử, không còn luân hồi nữa, sống đời đời kiếp kiếp thì… chán chết! Không luân hồi sanh tử nữa thì mọi thứ khựng lại. Trái đất chẳng buồn quay. Chẳng còn xuân hạ thu đông. Chẳng sáng trưa chiều tối. Chẳng vô thường. Chẳng đổi thay. Chán chết! Cho nên luân cứ phải hồi, sanh cứ phải tử. Và bởi vì sanh cứ phải tử nên tử cứ phải sanh. Phải luẩn quẩn loanh quanh vậy mới công bằng, mới phải điệu. Ba cõi sáu đường phải thênh thang rộng mở cho chúng sanh lũ lượt vào ra!
Nhưng, chỉ có ba cõi sáu đường thôi ư? Chỉ có “Thiên, nhân, atula, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục”… thôi ư? Chắc còn nhiều thứ “cao tốc” nữa. Vô số vô lượng vô biên nẽo đường cho phù hợp với vô số vô lượng vô biên chúng sanh chứ? Nhưng chỉ tượng trưng vậy là đủ cho các thứ bệnh “tham, sân, si, nghi, kiến, mạn”… của cõi người!
Được làm người thật khó! Một con rùa mù lờ quờ bơi giữa biển khơi, mỗi trăm năm trồi đầu lên một lần giữa mênh mông sóng nước, vậy mà làm thế nào lại đội trúng chóc ngay khúc gỗ mục, giữa bộng cây, đang trôi giạt bềnh bồng trên biển. Đâu có dễ phải không? Đó là một hình ảnh đầy biểu tượng sinh học, mang tính nghệ thuật vẫn được điêu khắc trên các đền đá từ ngàn xưa của linga với yoni ! Cho nên cha mẹ mà không bồng bềnh gặp nhau thì ta là ai? Ông bà mà không bồng bềnh gặp nhau thì ta là ai? Phải có cái nhân, cái duyên, cái nghiệp, cái báo gì đó chứ?
Muôn sự tại tham. Không tham thì đã không sinh sự. Mà tham thì không đáy. Y như cái bao tử, vốn là một cái túi không đáy vậy! Tham thì lúc nào cũng thấy thiếu, cũng đói, cũng khát. Khát đủ thứ, đói đủ thứ. Không chỉ cõi người đâu. Cá lớn nuốt cá bé. Bọ hung hùng hục đánh nhau giành giựt cục phân. Thiêu thân tranh nhau lao vào lửa. Dã tràng miệt mài se cát biển đông… Tham quá thì thành… ngạ quỹ. Đói khát triền miên. Sân (giận) thực ra chỉ là một sản phẩm của tham. Tham mà không được mới sân, mới bị thiêu đốt đủ kiểu ở chín tầng địa ngục. Sân sinh địa ngục. Địa ngục chẳng đâu xa. Nó ở ngay trong ta và luôn háo hức chờ đợi. Nhưng cái gốc của tham, sân là từ “ngu muội” (Si) mà ra! “Súc sanh” quá đi chớ. Còn cãi gì nữa! Lâu lâu nhìn lại mình mà coi: “Đồ súc sanh! Đáng đời! Đáng kiếp!”…
Vậy còn thiên, nhân, atula thì từ đâu ra? Thì từ các “bệnh” nghi, kiến, mạn! Nghi thì sanh sự, tâm không lúc nào an. Nghi thì không thể Từ bi! Cho nên nghi sinh… Atula, thần không ra thần, người không ra người, thông minh quỷ quyệt, đấu đá tranh giành, đằng đằng sát khí… Còn nhân (người)? Chắc là do “Kiến” sinh ra rồi. Chỉ người mới có nhiều thứ kiến, khi tà khi chánh, khi thường khi đoạn, điên đảo mộng tưởng. Cứ quay mòng như chong chóng. Đáng mừng là người thì có cơ hội để đổi thay, để chuyển hóa. Cho nên mới bảo làm người, khó, nhưng được làm người đã là may mắn. Còn “Mạn”? Coi trời bằng vung! Kiêu căng phách lối, vỗ ngực xưng tên, nghĩ mình phước báo, ăn chơi xả láng… Thế nhưng dù là Trời vẫn có lúc rơi xuống địa ngục như chơi!
Tóm lại, sáu nẻo đường… thênh thang thì tà nhiều hơn chánh. Tà có vẻ… hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn. Cho nên ta mới có khuynh hướng trôi nổi, lăn lộn, mãi miết trong sáu nẻo đường… tà, không muốn thoát ra là vậy!
Luân hồi sanh tử là cần thiết, là phải vậy. Nước xuôi ra biển lại tuôn về nguồn! Bỉ cực rồi thái lai! Nếu không thì chán quá. Nếu không thì bất công quá! Xuân hạ thu đông… rồi lại Xuân. Sắc thọ tưởng hành thức rồi lại… Sắc? Vô minh, hành, thức… rồi sanh, lão tử hay ngược lại, Lão tử rồi sanh, hữu, thủ, ái… vô minh, để từ đó mà sinh sự cho sự sinh? “Vô sinh” là hết chuyện, diệt thọ tưởng, dứt ái thủ… là hết chuyện chăng? Còn lâu! Bởi “Vô vô minh diệc vô vô minh tận…”, không hề có vô minh mà cũng chẳng bao giờ hết vô minh!
Luân hồi sanh tử, nghiệp báo oan gia các thứ… ở đâu mà ra? Thì ở đâu nữa. Ở ngay trong ta thôi. Trong tứ đại ngũ uẩn. Trong các hợp chất carbon, hydro, oxy, nitrogen (C,H,O,N) và mấy chục nguyên tố đồng chì sắt kẽm, mangan, manhê, vôi vữa… các thứ đó thôi. Ôi, cát bụi tuyệt vời! Khi vẽ được bản đồ hệ gene người, các nhà khoa học bật ngữa thấy tinh tinh, chuột bọ, cải ngồng, cổ thụ… đều có những gene y như vậy với một tỷ lệ khác nhau nhiều ít. Tinh tinh có đến 99% cấu trúc gen giống hệt bộ gen người, chuột bọ thì có đến 98% gen người… Ai dám bảo hôm nào đó chẳng “luân” chẳng “hồi” một phen, cho tinh tinh thành cải ngồng, cải ngồng thành chuột bọ…? Có cái nhìn xuyên suốt ngàn năm chắc thấy biết, còn ta mắt trần (nhục nhãn) chưa thấy được đâu, đành lớ ngớ, loay hoay. Bản hoài của chư Phật muôn đời chẳng phải là muốn khai thị cho ta ngộ nhập vào cái “Thấy Biết” của Phật đó sao?
Thực ra luân hồi sanh tử không chỉ vậy! Luân hồi sanh tử còn là tiến trình tâm trong mỗi sát-na. Từ sáng đến chiều, từ trưa đến tối ta đã… lang thang sáu nẻo biết bao lần. Hết thiên, nhân lại đến atula rồi ngạ quỷ súc sanh địa ngục xà quần không ngưng nghỉ. Sáng bảnh mắt ra, người sảng khoái, lâng lâng, quần là áo lượt có thua gì… tiên nhân đâu, vậy mà trưa nghe một cú điện thoại từ đâu đó bỗng đùng đùng nổi giận, đỏ mặt tía tai, bầm gan tím ruột, lọt tõm vào địa ngục… Chỉ một thoáng thôi, đã từ thiên đàng rơi xuống địa ngục, từ thiên nhân thành Atula, ngạ quỹ… Một thoáng thôi, tiến trình tâm đã trải qua muôn ngàn kiếp rồi vậy!
Biết rõ “cơ chế” bệnh sinh thì điều trị không khó. Có khi chỉ cần chữa triệu chứng. Có khi phải điều trị căn nguyên để không còn tái phát. Cái gì làm ta xà quần trôi nổi trong cõi luân hồi sanh tử? Cái gì có vẻ như mãi cợt đùa không mệt mỏi với ta đó vậy? Chính cái “Ta” đó. Nó đó. Cho nên chỉ có “ta” mới cứu được “ta” thôi, “duy ngã độc tôn” mà! Cho nên phải quay lại với mình, phải phản quan tự kỷ, phải nương tựa chính mình thôi, còn tìm kiếm đâu xa nữa? Gia trung hữu bảo hưu tầm mích (Trần Nhân Tông). Khi nhận ra “không phải của ta/ không phải là ta/ không phải là tự ngã của ta” thì có lẽ đã có một nụ cười thanh thản, tự tại, an nhiên.
Bậc Y vương đã bày biện sẵn thuốc men cả đó thôi. Nói đi nói lại mấy ngàn năm rồi. Lẽ nào ta chẳng nghe ra ? Nào Tứ diệu đế, nào Bát chánh đạo, nào Lục độ, Bát Nhã, Pháp Hoa… các thứ. Sắc cho khéo để hoà nhập vào nhau, tương tác lẫn nhau ba chén sáu phân thành một thứ « dược vương » trị bệnh cho kiếp người.
Nói năng, đi đứng, cái ăn, cái ở… cách nào đây cho nó thôi đừng sanh sự, đừng tạo nghiệp? Thì đã có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Còn Chánh niệm, Chánh định lại là những thứ thuốc đặc trị để có được Chánh kiến, Chánh tư duy. Cho nên, Giới Định Tuệ là đủ để chấm dứt những nẻo đi về địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Giải thoát và Giải thoát tri kiến là đủ để… chấm dứt những lang thang trôi nổi quẩn quanh còn lại ?
Rõ ràng để « giải thoát luân hồi sanh tử » chỉ có mỗi một cách là phải « tu ». Nghĩa là phải « sửa » mình. Phải dứt đi cái nghiệp cái duyên, cái sinh cái sự. Một khi « sự sự vô ngại » rồi thì thong dong ba cõi sáu đường không còn dính mắc, nơi nào cũng trở nên an lành mát mẻ, bởi đã cùng chung dưới một mái nhà. Mái nhà Như Lai.
Đỗ Hồng Ngọc
(5 / 2012)
(CÙNG TÁC GIẢ)
Gọi chiều nước lên… ĐỖ HỒNG NGỌC
(01/09/2012 07:07 PM) (Xem: 2391)

NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ 190
SỐ ĐẶC BIỆT MỪNG XUÂN NHÂM THÌN 2012

Gọi chiều nước lên… 
ĐỖ HỒNG NGỌC

Tập thơ mỏng tanh mà nặng trĩu với tôi. Tôi đọc mà nghe lòng mình rưng rứt. Toàn tập thơ có thể nói chỉ là một bài duy nhất từ đầu đến cuối - như một bản trường ca chưa viết xong - mà cũng có thể coi là một tập hợp của nhiều bài thơ rải rác mang một cái tên chung: Xa xứ.
Một tập thơ lạ, không như những tập thơ khác của Thư Ấn Quán: vuông vức, cứ mỗi trang thơ lại có một trang tranh tương ứng.
Ừ nhỉ, cuối năm nơi đất lạ
Mưa mênh mông và sông mênh mông
Ừ nhỉ, hình như lòng rướm lệ
Như một người không có quê hương. (tr.16)
Cuối năm, ấy là lúc lòng chợt như dừng lại. Không khí sánh đặc hơn với cái buốt lạnh chiều đông. Và chỉ cần dừng lại, người ta đã thấy khác đi - trên con đường bươn chải, miệt mài, mù tăm… của bao ngày tháng nơi đất lạ quê người.
Dừng lại thì nghe được mưa ngoài trời và mưa trong lòng.
Anh nói hình như, hình như thôi, mà tôi tin lòng anh rướm lệ thật rồi. Rướm lệ bởi vì trời tháng Chạp rồi. Đó là lúc người ta trở về. Về đâu? Đi về sao chẳng về đi/ Ruộng hoang vườm rậm còn chi không về (Đào Tiềm)… Nhưng, về đó là về cho kẻ có quê hương. Còn anh, như một người không có quê hương. Ở đây đất lạ quê người/ Mấy mươi năm cũng một đời xứ xa (tr.50).
Thì về đâu? Chẳng về đâu cả. Về với lòng mình thôi.
Anh như muốn hét to lên một tiếng. Một tiếng dài cho lạnh tới sao khuê. “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Không Lộ thiền sư) vậy.
Bây giờ trời đất thênh thang
Tôi lên trên núi trên ngàn để vui
Dưới kia, mệt quá cuộc đời
Xa kia, xa quá, vợi vời Việt Nam… (tr.52)
Dưới kia, mệt quá cuộc đời… Xa kia, xa quá, vợi vời Việt Nam.
Chỉ cần mấy giờ bay, chỉ cần một cái “cân đẩu vân” là đến, thế mà xa quá, xa như từ cõi lòng này đến cõi lòng kia, từ bờ bến này đến bờ bến nọ, khi ta chưa có trong tay con thuyền Bát nhã, khi ta chưa đọc câu thần chú: Gaté, Gaté, Paragaté, Parasamgaté
Anh viết vợi vời không phải vì anh “kẹt vần” đâu mà tôi nghĩ anh đã không còn cách nào khác. Vợi vời rõ ràng không phải vời vợi. Vời vợi dẫu xa muôn trùng mà không cách biệt. Vợi vời thì hết. Không phải là chuyện cách núi ngăn sông nữa rồi.
Hình như có lúc anh chẳng cần thơ nữa. Anh nói: “Có một ngày giữa tiểu bang mông mênh, chúng tôi đã bàng hoàng dừng xe, thổn thức” (tr.22). Thổn thức? Phải. Tôi nghĩ anh đang chạy xe với tốc độ cao trên xa lộ, mắt lại cận thị nặng, vậy mà, cũng đã kịp nhận ra:
“Bụi chuối nhà ai bên đường đã mọc
Chuối mẹ chuối con, trời hỡi quê nhà!” (tr.22)
Vâng, chỉ là một bụi chuối xúm xít mẹ con. Chỉ thế thôi. Nhưng trong anh là cả một quê nhà vằng vặc. Tôi biết anh chẳng quên Trần Minh khố chuối, cũng chẳng quên Gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé bỏ bè con thơ…
Hai tiếng “trời hỡi” mới “cải lương” làm sao! Nhưng nó đã làm tôi muốn rơi nước mắt! Cải lương thật tuyệt vời!
Rồi anh “lý giải” cho cái sự trời hỡi đó của mình:
Ở đâu cũng vẫn đất trời
Cũng rừng cô tịch cũng đồi tà dương
Cũng ngày nắng cũng đêm sương
Cũng qua cũng lại phố phường người dưng
Cũng trên trời một vầng trăng
Cũng sông vẫn chảy hai dòng ngược xuôi
Nhưng lòng sao lại không nguôi
Nghe như bìm bịp gọi chiều nước lên… (tr.46)
Lạ lùng là ở chỗ đó. Bìm bịp gọi chiều nước lên nó khác biết bao nhiêu tiếng rùng rùng chuyển động của những con tàu cơ khí với rầm rập bước chân người lạc lõng giữa đám đông, với…, với…
Tôi có sống ở Boston mấy tháng mà thấy trăng Boston sao khác trăng mình. Trăng to quá, bự quá, sừng sững quá, lộ liễu quá, tênh hênh quá. Khác với trăng nằm sóng soải trên cành liễu, khác với bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm của quê nhà. Cho nên “nghe như” tiếng bìm bịp kêu chiều kia đã làm cho anh khóc được: Chiều chiều lại nhớ chiều chiều… 
Ngăn kéo cũ đã lâu rồi không mở
Tấm hình tôi lem luốc nhìn không ra
Tôi đứng giữa những nỗi buồn lịch sử
Lẫn ngông cuồng của tuổi trẻ hôm qua… (tr.56)
Bạn chúng tôi, Lữ Kiều, nói: “lịch sử chọn chúng ta chứ chúng ta không chọn lịch sử”.
Bốn mươi năm trước, những ngày ở Nha Trang, tôi lang thang cùng anh trên bãi biển đầy những cơn sóng thịnh nộ giữa những ngày tháng bão bùng… Rồi ở Sài Gòn, có lần tôi đèo anh bằng chiếc xe lọc cọc của mình đến tòa soạn Bách Khoa, nơi anh hò hẹn, nhưng nàng không đến. Anh ủ rũ quay về. Chiếc xe nặng trịch. Trong trí nhớ tôi, Trần Hoài Thư là một chàng thư sinh nho nhã, vầng trán rộng quá khổ, đôi mắt hun hút sau tròng kính cận, những ngón tay lòng thòng, dáng đi lỏng khỏng… Anh là một kẻ “nòi tình”, dễ nước mắt, dễ giận hờn, dễ đắng cay…
Bốn mươi năm không gặp lại. Anh vẫn nhắc tôi món bánh cuốn nóng ở cạnh nhà mình mà hôm đó anh và tôi ra ngồi bên lò lửa từ rất sớm, để tiễn anh đi, không, tiễn anh về. Về nơi gió cát. “Đêm trăng này nghỉ mát nơi nao”. Không cầm lòng được, hôm đó tôi đã viết cho bạn:
Ta cũng muốn ngâm tràn câu tống biệt
Đưa người đi tiếng sóng ở trong lòng
Nhưng khói thuốc đã cay sè đôi mắt
Có ai còn thổi sáo trên sông
Trời buổi sáng mù sương lớp lớp
Người hành trang nỗi tuyệt vọng rã rời
Và khí phách thôi một thời trẻ dại
Ta nói gì cho bớt chút chia ly?
Đưa người ta nâng ly cà phê nhỏ
Rồi quan san rồi bụi đỏ người đi
Rồi khói súng người tập tành nỗi chết
Ta trở về hiu hắt đường khuya…

(ĐN)
Bây giờ đọc Xa xứ của Trần Hoài Thư:
Hẹn với lòng tháng Chạp sẽ về quê
Mà hơn ba mươi năm vẫn chưa về cố xứ
Khi hứa hẹn cứ nghĩ mình trẻ quá
Giờ thì già, ngựa đã nản chân bon. (tr.76)
Tôi nghĩ không phải đợi tới bây giờ ngựa mới nản chân bon đâu. Lâu lắm rồi, bốn mươi năm về trước rồi, Trần Hoài Thư như lứa chúng tôi đã thấy rõ “Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang”(*) rồi! Nhưng hãy đọc tiếp:
Tôi lạc lối, em biết không
Tôi đang quờ quạng giữa vùng mù sương
Cũng vì cái ngạnh cái ương...  (tr.44)
Tôi băn khoăn khi ghi lại những dòng này. Nghĩ trong lòng không biết có nên. 
Thơ, tấc lòng ngàn năm - thốn tâm thiên cổ - là vậy. Không “hư cấu” được với thơ đâu, Thư ơi! 
Đêm quá khuya, đêm không chịu trôi mau
Mắt đã mỏi mà sao tròng chẳng khép. (tr.38)
Còn nói gì thêm được nữa?
Rồi những bức tranh, như đã nói, cứ một trang thơ lại có một trang tranh tương ứng. Những bức tranh đắm đuối quê nhà: khi thì đồi núi cao nguyên trùng trùng điệp điệp của Thân Trọng Minh, khi thì những con thuyền phơi mình nhớ sóng của Thanh Hằng, rồi cầu tre lắt lẻo, rồi bụi chuối sau hè... Và những mượt mà, thảng thốt, trầm tư, u uất... của Đinh Cường, Nguyễn Trọng Khôi, Tống Phước Cường, Lệ Liễu... Tranh không còn là tranh nữa mà đã thành thơ trong Xa xứ. Tôi bàng hoàng với bức tranh của Trần Quý Thoại ở trang 55: một con nai vàng, phải, một con nai vàng - và ngơ ngác, dĩ nhiên -  nhưng không phải “đạp trên lá vàng khô” mà đạp trên lưng một con người cúi gục, với cái đầu to quá khổ mà chiếc cổ nhỏ bé không sao giữ nổi! Rồi ở trang 61, một lần nữa tôi ray rứt với những giọt nước mắt của khuôn mặt đàn bà mộng du, từng mảng rời đóng hộp, và những làn mây trôi trên cao. Cũng tranh Trần Quý Thoại. Hình như Thoại vẽ được những gì Trần Hoài Thư không viết được nên lời.
Vỏ tôi đó nhưng hồn tôi trôi dạt
Em ở quê nhà có hiểu lòng tôi? (tr.60)
***
Em có hỏi tại sao ta chưa về cố xứ
Ta trả lời: Ta về chứ đêm qua
Ta vẫn về, rất thầm lặng thiết tha. (tr.78)
Ai sao không biết, tôi thì tôi tin. Tôi tin Trần Hoài Thư vẫn về đêm đêm, về thầm lặng, thiết tha... Thậm chí không cần phải dặn: Thấy hiu hiu gió thì hay chị về! (Nguyễn Du).
Nhưng, gió bấc đã hiu hiu rồi đó, Thư ơi! n

(*) Tập truyện ngắn, Trần Hoài Thư, Ý Thức xuất bản, 1971

NGHĨ TỪ TRÁI TIM Đỗ BS Hồng Ngọc
(06/02/2011 01:42 PM) (Xem: 7836)

NGHĨ TỪ TRÁI TIM
BS. Đỗ Hồng Ngọc
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh


Trái tim không phải để suy nghĩ. Trái tim là để yêu thương. Khi trái tim nghĩ thì chắc cũng không nghĩ như khối óc. Trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều khi khối óc không sao hiểu được.

Lời ngỏ

Trái tim không phải để suy nghĩ. Trái tim là để yêu thương. Khi trái tim nghĩ thì chắc cũng không nghĩ như khối óc. Trái tim có cách nghĩ riêng của mình mà nhiều khi khối óc không sao hiểu được. Thời đại của chúng ta, con người dùng khối óc nhiều quá, nhiều đến nỗi người ta luôn ở trong tình trạng muốn “điên cái đầu”. Và thực vậy. Bệnh tâm thần ngày càng phát triển, tự tử, ma túy, stress… ngày càng gia tăng trong một xã hội mà người ta luôn bị quay cuồng, luôn phải chạy đua với tốc độ, tuổi trẻ, nhan sắc, thành đạt… Có lẽ đã đến lúc thử nghe tiếng nói của trái tim. Một hôm, có chàng thi sĩ đi ngang qua vườn rào kia, giật mình thấy một bông bụp đỏ ở bờ giậu, cái bông bụp rất tầm thường như hàng ngày chàng vẫn thấy khi qua lại chốn này, bỗng nhiên như nở một nụ cười mầu nhiệm, rồi không chỉ cười, nó hát, và chàng thi sĩ chỉ còn biết sụp lạy, cúi đầu (*). Vâng, chàng đã nghe. Nghe không phải từ bông hoa kia mà từ trong trái tim mình. Và chàng sửng sốt. Mọi thứ như khác hẳn. Đã thoát ra, đã vượt ra, vượt qua… Người ta có thể nghĩ chàng thi sĩ chắc điên, có điều chàng biết rất rõ chàng đã nghe, đã thấy một điều kỳ lạ. Một thứ mật ngữ. Như anh chàng chèo đò của Herman Hesse, ngày ngày vẫn chèo đò đưa người qua sông, cho đến một hôm bỗng nghe được tiếng nói của dòng sông và từ đó chàng đã tự đưa mình qua sông, và đã vượt ra, vượt qua. Chúng ta bây giờ hình như có quá ít thì giờ để nghe tiếng nói của trái tim mình, dù chỉ cần nhấp con chuột trên vi tính thì đã nối trọn vòng trái đất, vậy mà người ta có vẻ ngày càng xa nhau hơn, xa với người và xa cả với mình. Một thi sĩ đã phải kêu lên: “… Không có thì giờ! Chim lấy đâu mà về tổ. Tôi lấy đâu mà làm thơ. Em lấy đâu mà đọc những bài thơ tôi sắp viết?...” (**). Tôi cũng vậy. Tôi cũng không có thì giờ. Quần quật. Tối tăm mặt mũi vì “trăm công ngàn việc”. Cho đến một hôm, hình như, có lẽ, một lần kia có một lúc hình như tôi cũng chợt nghe. Hình  như  thôi,  không  chắc,  không  dám.  Ngẫm  nghĩ  rồi  nghe  ngóng. Nghiền ngẫm rồi ngập ngừng. Rồi bức xúc, phải viết ra cho khỏi quên, để lâu lâu còn coi lại một mình. Ba năm nghiền ngẫm, sáu tháng viết và hơn hai năm ngại ngần, thỉnh thoảng đọc và sửa, nhờ vài bạn thâm giao chỉ thêm cho, rồi tìm tòi, tham khảo, loay hoay… Tôi không phải là thi sĩ, không phải là tu sĩ, tôi chỉ là một bác sĩ, một người thầy thuốc, nên đôi khi phải hành nghề, phải giúp đỡ bạn bè, hàng xóm, kẻ nhức đầu người đau lưng…và trước hết là phải chữa bệnh cho chính mình. Có những lúc thuốc men chỉ chữa được cái đau mà không chữa được cái khổ, chữa được “triệu chứng” bên ngoài mà không chữa được “căn nguyên” sâu xa, từng từng lớp lớp bên trong. Tôi đành chia sẻ những điều tôi nghĩ, tôi cảm, tôi nghe. Có thể đúng. Có thể sai. Có thể không đúng không sai. Có khi hiệu quả, có khi không. Có người hạp mà có người dị ứng. Vậy nên nếu tình cờ mà đọc được những dòng này thì xin hiểu cho mà đừng trách. Nếu muốn, có thể tủm tỉm cười một mình. Cũng chẳng khoái ru?

Đỗ Hồng Ngọc
GƯƠM BÁU TRAO TAY Đỗ Hồng Ngọc
(06/01/2011 06:48 PM) (Xem: 14187)

GƯƠM BÁU TRAO TAY
Đỗ Hồng Ngọc
Nhà xuất bản Phương Đông




Lên đường

Khi tiếp cận với Kim Cang, tôi bỡ ngỡ và chưng hửng không ít. Lâu nay cứ nghe người ta đọc câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” như một câu thần chú để quên đi bao nội muộn phiền, rồi đọc Lục tổ Huệ Năng cũng thấy ngài kể chuyện một hôm đi bán củi, chỉ nghe lóm người ta đọc có câu kinh đó thôi mà đại ngộ, thế mà mình càng nghe càng mơ hồ, mù tịt. Sau khi viết “Nghĩ Từ Trái Tim,” ghi lại những cảm nghĩ của mình về Tâm Kinh Bát Nhã, tôi thấy hình như mình cũng có được đôi chút hiểu biết nhưng vẫn còn lờ mờ nên muốn tiếp tục tìm hiểu thêm các kinh sách khác của Phật may ra sáng tỏ thêm chút gì chăng và nhờ đó mà có niềm tin để thực hành thấu đáo. Bởi biết là một chuyện, hiểu là một chuyện, còn từ biết đến tin đến làm và duy trì hành vi, nhận thức không phải dễ dàng. Cho nên trong Tâm Kinh, khi Bồ Tát Quán Tự Tại “hành thâm Bát Nhã” thấy được “ngũ uẩn giai không,” thoát mọi khổ đau ách nạn mừng rỡ reo lên “Bồ đề, Tát-bà-ha!” thì Phật đã cảnh giác: Phải tiếp tục hành thâm. Hành thâm nữa. Chưa ăn thua gì đâu. Không được tự mãn. Không được lơ là. Tôi học Kim Cang không ngờ cũng thấy ghiền như khi học Tâm Kinh ngày trước. Đôi khi giật mình, đôi khi sửng sốt, đôi khi bỡ ngỡ, đôi khi chưng hửng. Các kinh sách dù có nhiều truyền bản, nhưng rõ ràng là có một sự nhất quán, xuyên suốt, chỉ khác cách tiếp cận tùy “đối tượng đích” mà cách truyền đạt khác nhau chớ nguyên lý vẫn là một. Nắm được cái cốt lõi có thể bớt hoang mang, thấy được “chỗ vào” chăng?
Cái điều bỡ ngỡ và chưng hửng đầu tiên khi học Kim Cang là hy vọng được đọc, được nghe những lời hay ý đẹp, những khuôn vàng thước ngọc, những bài giảng uyên áo. Thế mà, trời ạ, Kim Cang lại đi kể ngay một chuyện rất đỗi bình thường, nếu không muốn nói là tầm thường nữa, chẳng ăn nhập vào đâu, đó là chuyện Phật tới giờ ăn, đói bụng, bèn mặc áo, ôm bình bát đi… khất thực, chẳng thèm nói lấy một tiếng, chẳng thèm ra oai tằng hắng lấy một tiếng! Nghĩ mà coi, giữa lúc có hằng ngàn người, cả các vị Đại Bồ Tát, A La Hán, các vị “chức sắc” và các đại đệ tử thân tín ngồi hồi hộp chờ nghe những lời giáo huấn sâu xa thì Phật chẳng nói chẳng rằng, mặc áo, cầm bình bát, vào thành khất thực. Đến khi khất thực thấy vừa đủ rồi mới ung dung trở lại “hội trường,” bày ra ăn, ăn xong, thu dọn y bát đâu đó đàng hoàng rồi rửa chân sạch sẽ, ngồi xếp bằng… thở, nghĩ là … nhập định! Chẳng thèm nói lấy một tiếng. Chẳng thèm ban cho một chút huấn từ! Tôi tưởng tượng lúc đó nếu mình cũng đang ngồi xớ rớ đâu đó, bên ngoài hành lang, dự thính, chờ nghe những lời thuyết giảng mà phát tức anh ách, cảm thấy hẫng, thất vọng. Bỗng dưng, Tu Bồ Đề xuất hiện. Ngồi giữa đám đông như mọi người bỗng ông đứng phắt dậy, cung kính cúi chào đúng nghi lễ với bậc Thế Tôn rồi cất lời ca ngợi: Thật tuyệt vời! Thật là tuyệt diệu! Thật xưa nay chưa từng có! Thế Tôn đã khéo léo dạy dỗ, khéo léo trao truyền, khéo léo gởi gấm cho các vị đang có mặt tại đây hôm nay! Lúc đó thì quả thực mới bùng nổ bài học vừa được truyền trao mà chẳng ai ngờ! Lúc đó thì sự chưng hửng đã trở thành nỗi áy náy. Chết rồi, nãy giờ không để ý, không theo dõi kỹ bài giảng không lời kia của Đức Phật! May mà có Tu Bồ Đề phát hiện! Những người không để ý quan sát kỹ sẽ mất đi một cơ hội đáng tiếc!
Phật có cách dạy riêng của Ngài: không nói một lời mà chỉ làm cho coi. Đó là một phương pháp giáo dục rất mới mà bây giờ người ta gọi là “demonstration,” tức là biểu diễn, làm gương, làm cho bắt chước, một lối dạy kỹ năng sống (life skills) rất hiện đại. Một lần nữa cho thấy học Phật, tu Phật là làm chớ không phải nói. Làm trước, nói sau. Hoặc cũng chẳng cần nói. Ta hiểu vì sao các vị thiền sư thường bắt học trò chẻ củi, nấu cơm, gánh nước, trồng rau, giã gạo… mà chẳng thèm dạy lấy một lời. Cho đến lúc nào học trò tự phát hiện ra một điều gì đó bức xúc trong tâm thì mới dạy, cũng bằng một cách kỳ cục nào đó: có khi lật thuyền, có khi gõ đầu, có khi trả lời trớt quớt, có khi hỏi ấm ớ kiểu ông đưa tâm đây tôi an cho, làm cho học trò ngớ ra rồi… sực tỉnh cơn mê! Cuối khoá học, trò cũng không nhận được một bằng cấp nào của thầy để khoe, thầy cũng chả có gì để trao cho trò. Bới “Cái đó” sẵn có trong trò, thầy chỉ giúp trò tự phát hiện, tự chứng nghiệm, tự “giải quyết” lấy vấn đề của mình. Đó gọi là tham vấn (counselling), một phương cách trị liệu tâm lý học và y học ngày nay. Người làm tham vấn ví như cô mụ đỡ đẻ, giúp bà mẹ có được cuộc đẻ mẹ tròn con vuông chớ không thể đẻ thay bà mẹ. Đứa con có sẵn trong bụng mẹ rồi.
Trờ lại bài học, mọi người giật mình, sửng sốt nhớ lại thì mới hay Phật muốn dạy mình bài học đầu tiên: đói thì ăn, khát thì uống. Tới giờ ăn thì phải lo ăn. Ai nói không cần ăn là người không biết sống, hoặc giả dối. Gần hai ngàn năm sau, Trần Nhân Tông, ông vua nhà Trần ở nước ta, vị thiền sư sáng lập phái Trúc Lâm Yên Tử cũng nói trong bài Cư Trần Lạc Đạo: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên (Đói thì ăn, mệt thì ngủ.) Phật tới giờ ăn mà còn phải lo mặc áo, xách bình bát đi khất thực, huống là ta! Điều đáng để ý ở đây, một bậc Thế Tôn như Đức Phật, chỉ cần nói một tiếng, không thiếu món ngon vật lạ cúng dường! Thị giả hẳn đã lo bữa cơm tươm tất cho Phật đâu đó rồi, chờ Phật thuyết giảng xong thì vào ăn. Nhưng không. Phật đã tự đi kiếm ăn lấy một mình. Không nhờ vả đến ai. Không ăn thức ăn dọn sẵn ngon lành, mà tự mình làm đúng những điều mình đã dạy. Cho nên không giật mình, sửng sốt sao được! Nhiều vị “chức sắc” có mặt hẳn … hết hồn nhìn lại mình, nào đệ tử cung phụng, nào bày biện các món ăn tuy là chay mà cũng “sơn hào hải vị” không kém! Ngày nay ta còn thấy có nhiều thức ăn chay giả giống hình con tôm, con cá, đùi gà… thật là đáng ngại! Giật mình, sửng sốt còn bởi vì Phật, địa vị cao nhất, bậc Thế Tôn kia, có hằng chục “chức danh” lừng lẫy mà vẫn giản dị làm sao, vẫn đi chân trần từng bước thanh thoát, vẫn bưng bình bát đi khất thực giữa nắng trưa để có cái ăn, có gì ăn nấy. Phật đi khoan thai, tự nhiên, mỗi bước đều chánh niệm, không “dính mắc” gì với chung quanh mọi người đang xì xầm hay bàn tán về mình, kẻ khen người chê mình. Ngài chỉ thở vào thở ra trên từng bước đi, ung dung, nhẹ nhàng, sảng khoái. Phật cũng không chọn các nhà giàu để đến khất thực hoặc chọn nhà nghèo dễ chịu hơn, hoặc những nhà quen biết cho chắc ăn, Phật cứ ung dung lần lượt đi từng nhà, từng nhà, bởi vì đâu có cần phải phân biệt, đâu có cnầ giúp riêng người giàu hay người nghèo. Ai cũng có vấn đề, ai cũng “khổ” như nhau thôi. Người nghèo khổ nghèo, người giàu khổ giàu! Có điều sau một vài tiếng đồng hồ đi bộ để khất thực như vậy thì món ăn nào cũng trở thành “cao lương mỹ vị,” nếu được ăn trong chánh niệm, được nhai kỹ từng chút một thì thức ăn nào cũng ngon, cũng dễ tiêu hoá. Hình như cái bình bát cũng vừa lớn đủ đựng thức ăn cho một người thôi, để không quá dư, không thưừ mứa. Ngày nay ít thấy cảnh khất thực, nhất là ở các đô thị, thành phố, thế nhưng khi ta có dịp thấy một người mặc áo ca sa, mang bình bát, từng bước ung dung, chánh niệm, đi khất thực từng nhà, từng nhà, ta không khỏi khâm phục vị Thầy từ ngàn xưa, và tự dưng trong lòng thấy cảm động. Ngày nay dù không còn phải đi khất thực từng bữa nữa, nhưng việc đi bộ hằng ngày vài tiếng đồng hồ cũng luôn rất cần thiết cho sức khoẻ; thức ăn đơn giản, nhiều rau, nhiều đậu, ít béo, ít đường, ít mặn, không quá dư cũng đã rất tốt cho sức khoẻ. Đặc biệt là ăn trong trạng thái ung dung, thư giản, một không khí an lành, với niềm vui có được bữa ăn vừa đủ, không cầu kỳ, không thừa mứa, thì bữa ăn nào cũng trở nên ngon, lành mạnh, khoẻ khoắn. Ăn xong, Phật thu dọn y bát đâu đó gọn gàng, rửa chân sạch sẽ rồi mới vào ngồi tĩnh toạ. Điều đáng để ý ở đây là không phải ăn xong thì đi… ngủ hoặc bắt đầu tranh luận căng thẳng mà là ngồi tĩnh toạ, vào thiền. Có lẽ đó là lúc tốt nhất để nghe cơ thể mình hoạt động, để thấy các thức ăn được bộ máy tiêu hoá, hấp thu, chuyển hoá thành năng lượng ra sao trong từng tế bào. Bài học đã truyền trao. Nếu chịu khó quan sát kỹ tí nữa, lúc Phật bưng bình bát đi khất thực từng nhà, có lẽ ta còn phát hiện ra nhiều điều hay, thú vị khác. Chẳng hạn cái người đi khất thực kia không phải là người đi xin mà là người đi cho. Ta không thể phân biệt ai là người xin người cho ở đây. Khi người đi khất thực đứng trước cửa nhà nào thì gia chủ mừng húm, cảm thấy như mình có một hạnh phúc lớn, không phải chỉ vì người đi xin kia là đức Phật mà chỉ vì cái hành vi đi xin kia thực ra mang một ý nghĩa khác, ý nghĩa cảnh tỉnh, như một lời nhắn nhủ, nhắc nhở. Gia chủ sẽ có dịp nhìn lại chính mình, nghe ngóng một tiếng nói nào đó ở trong sâu thẳm tâm hồn mình. Có thể rồi sẽ chóng quên, nhưng hôm nào đó lời nhắc nhở sẽ lại vọng lại. Với người quyền quý cao sang, có thể giật mình một chút thấy cái người đi chân đất, để đầu trần, bưng bình bát đứng xin kia là người vì sao đã từ bỏ ngôi vị thái tử, đã từ bỏ gấm vóc lụa là, cung phi mỹ nữ. Cũng có thể sẽ có những người xua đuổi, sỉ vả, để rồi cũng nhận được một ánh mắt biết ơn, một nụ cười trìu mến và những bước đi nhẹ nhàng của người khất thực kia. Để rồi đêm về, người đã xua đuổi sỉ vả nọ nhớ lại, ngạc nhiên nghe một thứ tiếng nói khác trong lòng mình. Có những người nghèo không có cái ăn, không có cái gì để cho thì lúc đó cái ánh mắt, cái nụ cười sẽ chia sẻ cùng nhau. Sự tôn trọng, không phân biệt, đã nói lên nhiều điều quá đỗi. Thực ra nếu quan sát kỹ chút nữa, có lẽ từ lúc Phật đứng lên mặc áo, cầm lấy bình bát… mỗi cử chỉ đều đã toát lên một cái gì đó khác với ta. Nếu có ai cắc cớ hỏi chuyện mặc áo, cầm bình bát của Phật đâu thấy khác gì mọi người, thì chắc Ngài sẽ cười nhẹ nhàng nói: có chứ, có chứ. Bởi Phật khoác áo, cầm bình trong chánh niệm còn ta thì hấp tấp, hổn hển chụp lấy áo, chụp lấy bình bát, tất tả vội vàng…
Diễn tiến của một buổi giảng huấn bằng phương pháp demonstration đó thì mỗi cử chỉ, hành động đều phải được theo dõi, quan sát rất kỹ để có thể thực hành theo. Suốt bài giảng đó, ta đã học được nhiều điều hơn ta tưởng: bố thí mà không phải bố thí, trì giới, nhẫn nhục mà không phải trì giới, nhẫn nhục, rồi tiết độ, tri túc, tinh cần, chánh niệm… và lúc nào cũng ở trong một trạng thái ung dung, an lạc, thảnh thơi, đầy trí tuệ. Cho nên ta sẽ không còn ngạc nhiên khi nghe Tu Bồ Đề cất tiếng ca ngợi: “Hy hữu Thế Tôn! Như Lai thiện hộ niệm chư Bồ Tát, thiện phó chúc chư Bồ Tát.”

Tu Bồ Đề đang ngồi giữa “hội trường” bỗng đứng phắt dậy cung kính chắp tay cúi chào đức Phật và lớn tiếng ca ngợi: “Thật là tuyệt vời! Thật là tuyệt diệu!. Thật xưa nay chưa từng có. Như Lai đã khéo dạy dỗ, khéo giúp đỡ, khéo truyền trao, khéo phó chúc cho các vị Bồ tát”. Đọc tới đây tôi lại một phen chưng hửng! Bởi Tu Bồ Đề nào phải là ai xa lạ. Ông là một trong mười vị đại đệ tử của Phật, một bậc Alahán, người nổi tiếng ưa hạnh lan nhã, độc cư, người giải Không đệ nhất. Thế mà trong hội chúng này, ông lên tiếng nghe có vẻ gì đó như… ganh tị với các vị Bồ tát! Nào các vị Bồ tát… “vui” nhé, đựơc đức Phật “cưng” nhé, đựơc Như Lai quan tâm giúp đỡ, tin cậy gởi gấm và hôm nay còn được trực tiếp trao truyền một cách khéo léo như thế nhé! Làm như xưa giờ đức Phật chẳng hề dạy cho quý vị, chẳng hề tin cậy, giúp đỡ qúy vị, vốn là những đại đệ tử gần gũi nhất của Phật vậy! Lúc đầu tôi chưng hửng, sau thấy hình như không phải vậy! Alahán đã là những bậc vô sanh, lẽ nào lại “sanh sự”, lẽ nào lại đi ganh tị chứ! Có thể đây là một buổi thuyết giảng quan trọng dành riêng cho các vị Bồ tát- những vị tuy đã giác ngộ nhưng vẫn hãy còn là chúng sinh- đang chuẩn bị lao vào thế giới khổ đau để giúp đỡ mọi người. Trong thính chúng, có những vị đã là Bồ tát nhưng cũng có những vị mới “phát tâm”, tu sĩ cũng như cư sĩ, cả nam lẫn nữ, thậm chí chưa phải đã “tự giác” hoàn toàn nhưng vẫn sẵn sàng “giác tha” để qua đó tu rèn học tập thêm. Bồ tát với chí nguyện sẵn sàng dấn thân vào đời, cứu nhân độ thế, là một thế hệ học trò mới của đức Phật- vào thời thuyết giảng Kim Cang. “Chín tầng gươm báu trao tay / Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh” (CPN) chăng? Gươm báu? Đúng vậy. Thanh gươm trao truyền ở đây là thanh gươm sắc bén nhất, gươm được làm bằng kim cương, có thể dùng để chặt đứt tất cả những khổ đau ách nạn của kiếp người. Việc làm này được giao phó cho các vị Bồ tát “tương lai”, những trai thiện gái lành tự nguyện, chí nguyện, dấn thân vào đời với lòng nhiệt tình, hăng say để truyền bá đạo giải thóat. Còn với những vị đã là những bậc “chân nhân” đã dứt hết phiền trựơc, đã “đặt gánh nặng xuống” thì tùy, có thể dấn thân vào đời hay tiếp tục tu hành để giữ ngọn đuốc sáng của suối nguồn cũng hay.. Tôi nhớ đọc đâu đó câu này: when the source is deep, the stream is long. Nguồn có sâu thì dòng chảy mới dài! Còn “xuất chinh”? Phải, xuất chinh ở đây không phải là đi đánh Nam dẹp Bắc, chiếm đất giành dân gì cả mà là chiến đấu với chính mình, với giặc tham sân si trong mỗi con người. Lão Tử chẳng đã nói” Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường” đó sao? Thắng mình mới khó. Cho nên phải có gươm báu trao tay! Cái cách Tu Bồ Đề ngợi ca Phật đã khéo truyền trao, khéo quan tâm, khéo gởi gắm… hình như đã nói lên điều đó. Đó là cách mà ngày nay người ta gọi là tạo động cơ, “motivation”, trong giáo dục chủ động. Học trò có động cơ học tập thì học mới tốt, còn không rất dễ…ngủ gục! Hẳn là mọi người có mặt trong hội trường đều giật mình, và nhờ đó tâm hồn rộng mở, háo hức đón nhận những lời giáo huấn. Ai cũng tự hứa với lòng sẽ ráng để thành một “Bồ tát”, xứng đáng với sự tin cậy phó thác của đức Phật.
Tu Bồ Đề liền đặt câu hỏi “ Thưa Thế tôn, người trai thiện, người gái lành, muốn trở thành một bậc Giác Ngộ thì phải làm thế nào để an trụ tâm, làm thế nào để hàng phục tâm?”
Một câu hỏi cho đến hơn hai ngàn năm trăm năm sau vẫn còn như vang vọng! Nhất là trong thời buổi hiện nay, thời buổi toàn cầu hóa, “thế giới phẳng” gì gì đó đã đầy con người vào những cuộc tranh chấp khốc liệt, tranh giành quyền lực, quyền lợi, dẫn đến chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai… như ta đã thấy. Chưa bao giờ tâm con người ta lại “hừng hực” lên như thế, chưa bao giờ tâm con người ta lại “bấn xúc xích” lên như thế!
Vâng, để Giác Ngộ, chỉ cần xoáy vào một chữ tâm đó thôi. Chỉ cần an trụ, chỉ cần hàng phục được cái tâm đó là xong! Nghĩa là trở thành một bậc Giác ngộ, ngang hàng với Phật, bởi Phật nói, phàm phu là Phật chưa giác ngộ, còn Phật là …phàm phu đã giác ngộ. Thế thôi. Chỉ có thế. Chỉ cần thế. Mọi thứ quấy rối cuộc đời, mọi thứ khổ đau ách nạn đều do cái tâm mà ra nên chỉ cần “xỏ mũi” nó, kéo nó lại, dạy dỗ nó, trừng trị nó –nói khác đi là hàng phục nó như hàng phục một con ngựa chứng, một con trâu điên- rồi…an trú nó vào một chỗ nào đó, đừng cho nó quậy phá nữa là xong! Tưởng dễ mà không dễ! Cái tâm đó coi vậy mà khó dạy, khó trị, khó hàng phục, khó an trú vô cùng! Giỏi như Thái thượng Lão quân mà thỉnh thoảng con trâu của ngài cỡi cũng sút chuồng lén xuống trần làm bậy, quậy phá tưng bừng. Con trâu này vốn còn đựơc ngửi mùi linh đan diệu dược của Ngài nên càng ghê gớm hơn nữa! Tôn Ngộ Không có bảy mươi hai phép thần thông biến hóa mà cũng đành bó tay, cũng hết thuốc chữa, phải nhờ đến Quan Âm Bồ tát mới xong!
Một điều thú vị ở đây là Tu Bồ Đề nói đến người trai thiện, người gái lành ( thiện nam tử, thiện nữ nhơn) chứ không nói đến bất cứ trai nào, gái nào. Thì ra đó là điều kiện tiên quyết. Phải tốt phải lành cái đã rồi mới tính chuyện trở thành Bồ tát được! Bởi con đường giác ngộ của Phật kỳ cục quá, lạ lùng quá, tuy là tuyệt diệu mà nói ra sẽ chẳng mấy ai tin, cũng chẳng dễ làm theo. Cho nên lúc đầu Phật đắn đo ngần ngại khá lâu mới chịu chuyển bánh xe pháp! Rõ ràng, một lần nữa, ta thấy Tu Bồ Đề dùng kỹ thuật tạo “motivation”, tạo môi trường thuận lợi cho việc truyền trao gươm báu của buổi hôm nay. Một điểm nữa cũng rất thú vị: không có chuyện kỳ thị giới tính, không có chuyện bất bình đẵng giới ở đây! Cả nam lẫn nữ, ai cũng có thể trở thành Bồ tát. Hơn hai ngàn năm trăm năm rồi đó!
Phật liền trả lời Tu Bồ Đề “Tốt lắm, tốt lắm! .Đúng như ông nói đó, Ta đã hết lòng giúp đỡ, hết lòng tin cậy, gởi gấm cho các vị Bồ tát!”. Được lời như cỡi tấc lòng! Không phải chỉ Tu Bồ Đề nói mà Phật cũng xác nhận nhé! Vậy thì lẽ nào chư vị còn dám lơ là! Không khí hội trường lúc đó có lẽ đã hoàn toàn khác, đã đủ chín muồi.
“Này Tu Bồ Đề, ông hãy lắng tai nghe cho kỹ (đế thính) đây”. Lắng nghe (listening) là kỹ năng hàng đầu trong tham vấn (counselling) tâm lý ngày nay. Lắng nghe, không phải là nghe hời hợt ngoài tai.mà là nghe với tất cả tâm hồn, tất cả thân xác. Người biết lắng nghe là người nghiêng mình về phía người nói, nhìn vào mắt người nói, gật gù những chỗ tâm đắc, hỏi lại nếu cần và biết phản ánh, lặp lại với những câu chữ khác xem có đúng nội dung diễn đạt không. Một người biết lắng nghe là người có tâm hồn đồng cảm, chìm ngập, tràn dâng cảm xúc! Ta hiểu vì sao trong Kim Cang, Tu Bồ Đề, vị Alahan vô sanh là vậy mà cũng nước mắt rơi lã chã! Chữ “đế” ở đây còn có nghĩa là “thẩm xét”, suy xét cho thấu đáo, không thể chỉ nghe, tin một cách hời hợt được. Khi học Phật, thú vị nhất là Phật không “áp đặt” bao giờ, lúc nào cũng bảo ta chớ vội tin, hãy suy xét cho kỹ, tìm tòi cho thấu đáo, và thực hành cho miên mật để rồi tự mình phát hiện, tự mình “kiểm nghiệm”, tự mình chứng nghiệm lấy.
Để ý thêm chút nữa, ta thấy dường như ở đây Phật chỉ nói riêng cho Tu Bồ Đề, với Tu Bồ Đề thôi. “ Ta sẽ vì ông mà nói”. Đương vị nhữ thuyết. Có nghĩa là không phải với bất cứ ai ta cũng nói được điều này. Vì ông đã biết đặt ra một câu hỏi cốt lõi, rốt ráo… như vậy nên ta mới nói riêng cho ông biết: “Người trai thiện, người gái lành, muốn trở thành bậc Giác ngộ thì cứ làm …như vầy, như vầy…”! Hãy nghĩ xem, trong tình huống đó mọi người sẽ chăm chú, sẽ dóng tai lên mà nghe như thế nào! Tất cả mọi người trong hội trường trở thành người học…lóm. Học… lóm là một cách học…hay! Lục tổ Huệ Năng đã từng học lóm như vậy ngay khi đã vào chùa, ngày ngày giã gạo , bửa củi, nấu cơm. Nhờ vậy mà ông thấy ngay “Bản lai vô nhất vật” trong khi những người khác còn loay hoay tìm kiếm! Cách nói “Hãy làm như vầy…như vầy…” thường gặp trong truyện xưa, mỗi khi có điều gì cần riêng tư, bí mật, càng gây thêm một sự tò mò muốn biết, muốn nghe. Phải chăng đó chính là kỹ thuật truyền trao đặc biệt của Kim Cang? Phật và Tu Bồ Đề có lẽ đang sắm vai, “role playing”, một cách tuyệt vời của phương pháp giáo dục chủ động rất hiện đại đó chăng?
Tu Bồ Đề hớn hở: Xin vâng, xin vâng, con đang rất muốn nghe đây!



THỞ ĐỂ CHỮA BỆNH - BS. Đỗ Hồng Ngọc
(11/05/2010 10:07 AM) (Xem: 15734)

THỞ ĐỂ CHỮA BỆNH
BS. Đỗ Hồng Ngọc
Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy thiền, khí công, yoga… để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy cách thở bụng
Nguyễn Khắc Viện là một bác sĩ, sinh năm 1913 tại Hà Tĩnh, học đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp tiếp tục học, tốt nghiệp bác sĩ nhi khoa năm 1941. Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó, bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ. Từ năm 1943 đến năm 1948, ông phải chịu mổ bảy lần, cắt bỏ tám cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái. Các bác sĩ Pháp bảo, ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra phương pháp… thở để tự chữa bệnh cho mình. Và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới mất (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa, hoạt động tích cực, năng nổ trong nhiều lĩnh vực. Chuyện khó tin nhưng có thật!
Tôi may mắn được quen biết ông trong nhiều năm. Với tôi, ông vừa là đồng nghiệp, là đàn anh mà cũng là người thầy. Ông là bác sĩ, đồng thời là một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội rất nhiệt tâm. Ông là cố vấn của bộ môn tâm lý – xã hội học do tôi phụ trách tại trung tâm Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ y tế TP.HCM, (nay là đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) ngay từ hồi mới thành lập (1989). Ông thường trao đổi với tôi điều này điều khác, về công việc viết lách, giảng dạy, và nhiều lần về phương pháp thở dưỡng sinh của ông. Trao đổi không chỉ về cơ thể học, sinh lý học mà cả về tâm lý học, đạo học.
Dưới đây là bài vè 12 câu dạy thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện:
Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được!
Có lần ông mở áo cho tôi xem mấy vết mổ vẫn chưa hoàn toàn liền lạc trên ngực ông. Lần khác ông lại cao hứng vén bụng bảo tôi thử đánh mạnh vào bụng ông xem sao. Tôi phục ông ốm nhom ốm nhách mà làm việc thật dẻo dai, bền bỉ, gần như không biết mệt mỏi. Trong lúc nhiều người giảng bài, nói chuyện, hội họp, làm việc… thấy uể oải, hụt hơi, thì một người chỉ còn hai phần ba lá phổi, chỉ còn gần một nửa “dung tích sống” như ông lại vẫn ung dung, thư thái. Ông cười “tiết lộ” với tôi, những buổi hội họp dông dài, vô bổ, ông chỉ ngồi… thở, nhờ vậy mà ông không bị stress, không bị mệt. Ông nói sau này khi ông mất đi, điều quan trọng ông để lại không phải là những tác phẩm văn học, triết học này nọ, mà chính là bài vè dạy thở chỉ với 12 câu của ông.
Trước kia, tôi cũng chỉ nghe để mà nghe chớ chẳng thực hành. Cho đến ngày tôi bị vố tai biến nặng, phải nằm viện dài ngày, lúc đó tôi mới thử đem ra áp dụng. Quả có điều kỳ diệu! Nó làm cho tôi thảnh thơi hơn, ít nhọc mệt hơn và sức khoẻ tốt hơn. Trong thời gian dưỡng bệnh, các bạn đồng nghiệp thương tình, cho rất nhiều thuốc, nhưng tôi chỉ chọn một vài món thực sự cần thiết, còn thì chỉ… dùng phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình. Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải là cái gì hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, dưỡng sinh… của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.
“Thót bụng thở ra” được nói đến đầu tiên vì thở ra quan trọng hơn ta tưởng. Thở ra giúp làm sạch các hốc phổi, đáy phổi, nơi khí dơ dễ đọng lại. Đặc biệt, với những người bị suyễn, bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) càng cần tập luyện thì thở ra.
Khi thai nhi còn trong bụng mẹ, hai lá phổi là một khối đặc, im lìm, không hoạt động, như chiếc dù xếp chặt trên lưng vận động viên. Khi người nhảy dù tung mình ra khỏi phi cơ thì dù mới tự động bung ra, bọc gió. Đứa bé “tung mình” ra khỏi lòng mẹ, hai lá phổi cũng bung ra như vậy do không khí tự động lùa vào, đó chính là hơi thở vào đầu tiên. Tiếng khóc chào đời lúc đó chính là hơi thở ra đầu tiên của bé chứng tỏ hệ hô hấp đã được “lắp đặt” xong, đã khởi động tốt, sẽ “bảo hành” cho đến khi… tắt thở, miễn là trong quá trình sử dụng biết “bảo trì”! Cách bảo trì tốt nhất vẫn là đừng đưa bụi, khói… (thuốc lá) vào lấp các đường hô hấp lớn nhỏ khiến ta phải thở khò khè, thở cà giựt, thở cà hước về sau… là được.
“Phương pháp thở bụng không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hoá… mà còn làm cho tâm được an, giảm stress trong cuộc sống hiện tại”
Sự hô hấp xảy ra trên từng tế bào của cơ thể chớ không phải ở hai lá phổi. Phổi thực chất là một cái bơm, bơm khí vào ra “phình xẹp” vậy thôi. Để cho cái máy bơm đó làm việc tốt thì cần biết một chút về “cơ chế” của nó. Lồng ngực là cái xy-lanh (cylindre), còn píttông (piston) chính là cơ hoành – một bắp cơ lớn, nằm vắt ngang giữa bụng và ngực. Khi cơ hoành thụt lên thụt xuống (như cái bể lò rèn) thì khí được hút vào đẩy ra ở phổi. Cơ hoành nhích lên nhích xuống 1cm đã hút hoặc đẩy được 250ml không khí. Vậy mà cơ hoành có thể nhích lên xuống đến 7cm! Tóm lại, chính cơ hoành ở bụng mới là cơ hô hấp chính, đảm trách hơn 80% sự thông khí. Do đó, thở bụng là cách thở sinh lý nhất, tự nhiên nhất. Cho nên trong bài vè tập thở ta thấy nói “thót bụng”, “phình bụng” – mà không hề nói đến ngực chút nào là vậy! Cứ quan sát một bé đang ngủ ngon lành thì biết. Nó thở bằng bụng chớ không phải thở bằng ngực. Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống, đều đều, nhẹ nhàng mà thôi.
Bác sĩ Dean Ornish, tác giả cuốn sách nổi tiếng Program for reversing heart disease (Chương trình phục hồi bệnh tim) hướng dẫn cách thở bụng đơn giản, dễ làm: đặt một bàn tay lên bụng, khi thở vào thở ra, ta thấy bàn tay mình nhích lên nhích xuống nhịp nhàng là được.
Ngày nay, ở phương Tây, rất nhiều trung tâm dạy thiền, khí công, yoga… để chữa bệnh cũng chủ yếu là dạy cách thở bụng. Các phương pháp trị liệu nổi tiếng của các bác sĩ như Dean Ornish, Deepak Chopra… căn bản cũng không ngoài cách… thở bụng. Phương pháp thở bụng không chỉ giúp để chữa một số bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hoá… mà còn làm cho tâm được an, giảm stress trong cuộc sống hiện tại. Phải luyện tập chừng sáu tháng trở lên mới thành thói quen và thấy hiệu quả.
BS Đỗ Hồng Ngọc (Báo SGTT)

THIỀN và SỨC KHỎE - BS. Đỗ Hồng Ngọc
(11/05/2010 09:57 AM) (Xem: 36052)

THIỀN và SỨC KHỎE
BS. Đỗ Hồng Ngọc

Sức khỏe đựơc định nghĩa  “ là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well-being, bien-être) về thể chất, tâm thần và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật “ (WHO, Tổ chức sức khỏe thế giới, 1946) . Một định nghĩa như thế cho thấy cái gọi là “sức khỏe” của một con người không thể chỉ khu trú vào chuyện có hay không có bệnh, tật; cũng như không thể đánh giá sức khỏe của một cộng đồng mà chỉ dựa vào tỷ lệ giường bệnh, tỷ lệ bác sĩ…! Cái khó ở đây là làm cách nào đánh giá được “tình trạng sảng khóai” về cả ba mặt, thể chất, tâm thần và xã hội như định nghĩa đã nêu? Đánh giá sự sảng khoái, sự hài lòng trong cuộc sống -cũng chính là hạnh phúc- là chuyện không đơn giản chút nào! Chính vì thế mà mãi nửa thế kỷ sau, WHO mới đưa ra đựơc một bảng “Đánh giá chất lượng cuộc sống” (Quality of Life Assessement) để cụ thể hóa định nghĩa sức khỏe đã nêu trên.
WHO định nghĩa Chất Lượng Cuốc Sống (CLCS) là những cảm nhận của các cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến  các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ.   Điều dễ thấy ở đây là cách đo đạc CLCS  đặt  trọng tâm lên cảm nhận cá nhân của từng người, cho thấy có cái nhìn khác xưa đối với bệnh tật và sức khỏe lâu nay chủ yếu dựa vào “cảm nhận” của thầy thuốc và sự “mách bảo” của máy móc xét nghiệm!
Trên thực tế, người thầy thuốc chỉ có thể chữa đựơc cái đau mà không chữa đựơc cái khổ, chỉ có thể chữa đựơc cái bệnh mà không chữa được cái hoạn. Do vậy mà dù khoa học y học ngày càng phát triển với những thành tựu đáng kinh ngạc nhưng cũng chỉ là manh mún và thiếu sót, tình trạng tâm thần, tự tử, bạo lực, bất an và các bệnh do hành vi lối sống gây ra như tim mạch, tiểu đường, béo phì…  cứ ngày càng phát triển! 
Thiền, phải chăng là một lối thoát?
Cho đến nay, các nhà y học chính thống và bảo thủ nhất cũng đã phải công nhận thiền là một phương pháp trị liệu khoa học và hiệu quả trên một số bệnh lý, cũng như cải thiện cả hành vi và lối sống, đem lại những hiệu quả tích cực cho sức khỏe của cá nhân và cộngg đồng. Ngày càng có nhiều nghiên cứu về lâm sàng và về sinh lý học trong thiền nhằm soi sáng nhiều điều trước đây chỉ đựơc biết qua kinh nghiệm. Nhưng thực ra thiền không dừng ở đó. Thiền Phật giáo lại còn có những sắc thái riêng biệt, đáng đựơc nghiên cứu và thể nghiệm.
Khi Phật phát hiện ra con đường dẫn đến an vui, hạnh phúc, chính Ngài cũng ngại ngùng không muốn tiết lộ, không muốn bày tỏ, vì con đường đó lạ lùng quá, ngược đời quá, khó có ai tin, có khi còn gây phản ứng ngược. Mãi sau Ngài mới chịu nói ra, và dĩ nhiên rất đắn đo, nói từng phần, với mỗi người một cách khác nhau, tùy đối tượng. Bây giờ các thiền sư chứng ngộ cũng chỉ chọn một vài học trò có căn cơ để truyền đạt, vì truyền không dễ, nhiều điều “nói không được”. Học trò phải quan sát trực tiếp ở thầy và phải thực hành miên mật. Có những học trò uyên thâm mà không đi tới đâu, loay hoay không thoát; có học trò giã gạo, nấu cơm, không biết chữ mà đại ngộ. . Cho nên tin không dễ! Phật đã chẳng luôn nhắc nhở  đừng vội tin, phải thực hành, phải thể nghiệm, phải trực tiếp lấy thân tâm mình để mà quan sát chiêm nghiệm cho thật thấu đáo đó ư? Phật đã chẳng luôn nhắc nhở phải tinh cần, tinh tấn, miên mật, không được lơ là, chểnh mảng việc thực hành đó ư?
Trong đời sống thường ngày, những người bình thường như chúng ta cũng có thể có những phút “ngộ”: đời là vô thường,  là bóng câu qua cửa sổ, là bọt bèo, là giấc mộng, Nhưng ta chỉ “ngộ” một chút rồi quên, rồi “trôi lăn” theo những tham sân si, những quấn quít chằng chịt không sao thoát nổi! Ngay những triết gia quay quắt tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, sự hiện hữu của kiếp người cũng vẫn loay hoay với bao triết thuyết rồi đâu vào đó. Hẳn phải có một con đường khác. Phật khẳng định có con đường khác đó: “Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí…”. Đó chính là con đường hạnh phúc mà Phật đã  trải nghiệm với nụ cười tự tại trên môi, con đường nhất quán, xuyên suốt 45 năm tận tụy sẻ chia cho mọi người từ ngày Thành Đạo. Đó là con đường thực nghiệm, không lý thuyết suông, không hý luận, được kiểm chứng và có tính phổ quát. Những lời dạy cuối cùng của Phật cùng các đệ tử cũng đã không quên nhắc lại “con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh…” này, bởi sợ rằng ngày sau  người ta lại có thể say mê với những tranh luận, hý luận, mà quên thực hành, thể nghiệm. Con đường đó chính là thiền định, từ đó dẫn đến tụê giác, giải thoát rốt ráo.
Thiền đã có từ rất lâu đời. Có lẽ từ ngày xa xưa con người tình cờ phát hiện ra những giây phút rơi vào trạng thái an lạc, sảng khoái, siêu thoát nào đó, một trạng thái  nói không được, mà chỉ có thể cảm nhận, trực nhận bởi chính bản thân mình, rồi tích lũy kinh nghiệm, truyền đạt lại cho nhau bằng nhiều cách. Chính đức Phật, trong khi tìm kiếm con đường giải thoát, tình cờ nhớ lại tuổi ấu thơ của mình đã có lần rơi vào trạng thái sơ thiền này mà nhanh chóng phát hiện ra con đường riêng của mình, con đường không những “diệt trừ khổ ưu” mà còn dẫn đến “thành tựu chánh trí”. Trước đó ngài đã từng rời bỏ những con đường thiền khác. Rõ ràng thiền đã có từ xa xưa nhưng thiền Phật giáo có những sáng tạo riêng.
Thế nhưng đọc cả chồng sách luận về thiền, ta càng bị tẩu hỏa nhập ma, bởi có lẽ nó là cái gì đó “bất khả thuyết” và đặc biệt “bất khả đắc” khi ta nóng lòng muốn “chộp” lấy nó! Nó như thách thức những học giả, những trí thức mà lại mỉm cười với anh hàng thịt, người gánh rau, bởi nó đòi hỏi sự tinh tấn thực hành, sự nhẫn nhục thể nghiệm trên chính bản thân mình hơn là ngàn chương khảo luận.
Có một sự nhất quán, xuyên suốt trong lời dạy hướng dẫn kỹ năng thiền định của   Phật, từ Tứ niệm xứ (Satipatthàna) tới Thân hành niệm ( Kàyagatàsati), rồi Nhập tức xuất tức niệm (Ànàpànasati), đó là thở: Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra. Thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn… Tóm lại, đó là luôn bắt đầu bằng sự quán sát hơi thở, đặt niệm (nhớ, nghĩ) vào hơi thở. Chỉ có vậy. Mà vô vàn. Mà nói không được! Bản dịch Vịệt nào cũng viết: “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra…” có thể gây nhầm lẫn ở đây chăng? Thở thì ai mà chả biết thở kia chứ! Thế nhưng ở đây không phải là biết thở, biết cách thở mà là nhận thức được (recognize), ý thức rõ (realize), cảm nhận đựơc (perceive) cái sự thở, cái hơi thở đang đi vào và đang đi ra kia kìa, đó mới là điều cốt lõi!
Dù gọi là Thiền (Việt) hay Chan (Hoa), Zen ( Nhật)… thì cũng đều có nguồn gốc từ  Dhyana (Sankrist) hay Jhanas (Pali). Theo ngữ nguyên thì Jha là nhìn, là quán sát, là theo dõi và Ana là thở, hơi thở, là khí. Vậy, jhanas hay dhyana chính là quán sát hơi thở, nhận thức hơi thở.  Đơn giản vậy mà thực ra không giản đơn chút nào! Nó như là một chìa khóa căn bản. Phải mở cái cửa này đã rồi các cửa khác mới mở tiếp được.Vấn đề là tại sao và cách nào để chỉ từ một việc có vẻ rất giản đơn là quán sát hơi thở lại có thể dẫn tới tuệ giác, một sự chuyển hóa từ “khí” mà thành “trí”?
Câu hỏi đặt ra là tại sao quán sát hơi thở? Quán sát hơi thở  thì có gì hay?  Sao lại không các đối tượng khác để quán sát? Thật ra thì quán sát cái gì cũng được cả, bởi tất cả đều là pháp- nhứt thiết pháp giai thị Phật pháp- nhưng quán sát hơi thở thì có điều kiện để thấy “ngũ uẩn giai không” hơn, tức thấy vô ngã hơn. Vô ngã ở đây không còn là một ý niệm, một khái niệm mà là một trạng thái.
Để thấy “vô ngã” thì tốt nhất là quán sát từ “ngã”, từ hơi thở chẳng hạn, một đối tượng sẵn có ngay trong bản thân mình.  Tim đập cũng lúc nhanh lúc chậm, nhưng khó theo dõi, hoàn toàn ngòai ý muốn, khó can thiệp. Dạ dày thì làm vịệc âm thầm, khó quan sát. Các bộ phận khác cũng vậy. Trừ hơi thở! Hơi thở dễ quan sát nhất vì nó nằm ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình! Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu cũng phải thở. Cái hay nữa là quán sát nó thì không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi! Mỗi phút lại phải thở cả chục lần. Lúc mau lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò lúc êm dịu. Hơi thở  lại rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”. Lúc lo âu,  ta hổn hển. Lúc sảng khóai ta lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi hộp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Và nhờ đó mà thấy vô thường. Nhờ đó mà ta quán sát được cái tâm ta. Thở cũng gắn với các hoạt động cơ bắp, khi mệt, ta “bỡ hơi tai”, mệt đứt hơi, mệt hết hơi; khi khỏe, ta thở nhẹ nhàng sảng khoái! Nhờ đó mà ta quán sát được cái thân ta. Rõ ràng chỉ có hơi thở mới là một sợi dây nhạy cảm buộc vào thân vào tâm, là cái cầu nối giữa thân và tâm. Không chỉ thế, thở còn vừa là ý thức, vừa là vô thức. Như không cần ta. Như ở ngoài ta. Như không có ta. Quan sát thở, ta còn có dịp đào sâu xuống…vô thức. Ta thấy thở gắn với sự sống chết của kiếp người. Còn sống là còn thở, chết là hết thở, là tắt thở, là ngừng thở. Để ý một chút ta sẽ thấy đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Khi chào đời em bé khóc thét lên một tiếng thật to để hít mạnh không khí vào phổi để rồi khi lìa đời, cụ già lại thở hắt ra một cái, trả lại cho đời tất cả những gì mình đã vay mượn! Giữa hai lần thở vào thở ra đó là những đợt thở… lăn tăn như những làn sóng nhỏ, mà nối kết các làn sóng nhỏ lăn tăn đó lại với nhau ta có cuộc rong chơi trong cõi “Ta bà”!
Mỗi hơi thở vào ra trung bình khoảng 5-10 giây. Mỗi giây, trong cơ thể con người đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu bị hủy diệt và hằng trăm triệu hồng cầu khác được sản sinh. Quán sát hơi thở do đó ta thấy đựơc sự sinh diệt. Thở có thể làm chuyển biến tâm trạng ta, chuyển hóa cảm xúc ta, cả hành vi ta nữa. Đang sôi giận mà kịp nhớ lại, quán sát sự thở của mình thấy nó phập phều kỳ cục, tức cười, bèn quên giận mà hơi thở được điều  hoà trở lại lúc nào không hay: điểm hưng phấn trên vỏ não đã bị dịch chuyển! Nói khác đi, ta có thể dùng quán sát hơi thở để kiểm sóat cảm xúc và hành vi. Quán sát hơi thở cũng lôi kéo ta trở về hiện tại tức khắc- không còn đắm mình trong dĩ vãng hay tương lai. Mà hiện tại thì không có thời gian!
Ta biết sự hô hấp thật sự không phải xảy ra ở phổi mà ở trong từng tế bào. Đây cũng có thể gọi là “thâm hô hấp”. Ở các sinh vật đơn bào, khí trao đổi trực tiếp qua da, tức qua màng tế bào, một cách đơn giản. Ở con cá đa bào, sống dưới nước, thì khí trao đổi qua mang. Con người do kết hợp đa bào, phức tạp hơn nhiều nên phải thở qua phổi nhưng vẫn trao đổi khí trực tiếp ở từng tế bào nhờ hệ thống mao mạch.  Do vậy mà khi ta có cách nào đó điều chỉnh được lượng khí ra vào, hiệu ứng sẽ tác động đến từng tế bào riêng lẻ. Hô hấp diễn ra trong từng tế bào, nhằm tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động và tồn tại. Người lao động nặng cần năng lượng gấp ba bốn lần người bình thường, trong đó hoạt động cơ bắp đã chiếm hết gần một nửa.  Riêng não bộ, với trọng lựơng rất nhỏ bé, chỉ khoảng 2% thể trọng mà đã tiêu dùng đến 30% khối lượng oxy đưa vào cơ thể. Giận dữ , lo âu, sợ hãi tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên những lúc đó ta dễ cảm thấy kiệt sức, rã rời là vậy! Ngủ là một cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn co cơ, vẫn còn chiêm bao. Một đêm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc!.Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy thấy nhẹ nhàng sảng khoái. Trạng thái nhẹ nhàng sảng khóai đó xảy ra trên từng tế bào của cơ thể. Một cảm giác lâng lâng dễ chịu toàn thân của hành giả, phải chăng đó chính là trạng thái hỷ lạc (thiền duyệt?).
Phổi ta như một cái máy bơm, “phình xẹp” để đưa khí vào ra là nhờ có áp suất thay đổi. Khi áp suất âm trong phổi và các phế nang thì khí bên ngoài tự động lùa vào, tuôn vào, lấp đầy phổi và các phế nang, cho đến một lúc lượng khí bên trong đầy dần lên thì chuyển sang áp suất dương, phổi sẽ đẩy khí ra. Có một thời điểm áp suất cân bằng nhau, hay nói cách khác, áp suất bằng không, “zéro”, thì khí bên trong cơ thể và bên ngoài vũ trụ chan hòa thành một, không phân biệt. Đó chính là quãng lặng.  Quãng lặng đó ở cuối thì thở ra – trước khi thở vào trở lại – thường kéo dài, thong dong, nhẹ nhàng, yên tịnh, vì không hề tốn năng lượng.  Như cánh chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe ngon trớn ở số không, không tốn nhiên liệu! Đó chính là giai đoạn “prana”.  Pra có nghĩa là trước và ana là thở vào ( cũng có nghĩa là sau thì thở ra). Prana đã được biết đến từ xa xưa. Yoga của Ấn Độ, khí công của Trung quốc, cũng như y học Đông phương nói chung đã nói đến từ cổ đại. Trong yoga có pranayama, kiểm soát hơi thở. Trong thiền định, không còn phải là vấn đề kiểm soát hơi thở nữa mà hơi thở tự kiểm sóat! Đến một lúc nào đó hành giả không cảm nhận mình thở nữa. An tịnh. Hòa tan. Tan biến. Có thể nói đến một phương pháp, một “kỹ thuật” pranasati ở đây chăng?  Những hành giả giàu kinh nghiệm (thiện xảo) cho biết họ có thể vào định ngay hơi thở đầu tiên có lẽ nhờ rèn tập mà khoảng lặng của họ ngày càng dài ra, mênh mông ra như không còn biên giới, như hòa tan vào hư không, lắng đọng, thanh thoát. Lúc đó họ đã không còn ý niệm về không gian, thời gian, về ta, về người…  Tiến trình hô hấp vẫn diễn ra sâu trong các tế bào (thâm hô hấp), nhưng ở mức thấp nhất, nhẹ nhàng nhất, tiêu thụ năng lượng tối thiểu và do vậy nhu cằu sản xuất năng lượng không còn đòi hỏi cao nữa!
Bầu khí quyển chúng ta thở hôm nay so với cách đây 700 triệu năm – tức là khi có những sinh vật đơn bào đầu tiên trên trái đất- thì cũng chẳng khác biệt! Với người anh em đơn bào đó thì ta cũng đang cùng hút chung một bầu khí, cùng bú chung một “núm vú” vũ trụ, cùng với muôn loài khác nữa!   Các sinh vật cùng chia sẻ một cách…bình đẳng, không phân biệt và theo nhu cầu như vậy. Ta hút lấy oxy của không khí, lại tạo ra carbonic; trong khi cây cỏ hút carbonic lại tạo ra oxy. Con thằn lằn, con tắc kè, con ễnh ương… cũng phình ra xẹp vào như ta vậy. Bầu khí quyển vẫn không thay đổi, không thêm bớt. Nhưng chính con người có thể làm hại môi trường sống của mình mà không hay nếu cứ theo đà hủy diệt sự sống của thiên nhiên và muôn loài trên hành tinh xanh này!
Những cảm giác bức xúc, căng thẳng thường xuyên trong đời sống hằng ngày gây nguy hại âm thầm nguy hiểm hơn ta tưởng. Cơ thể ta lúc nào cũng căng cứng, trong tư thế “chiến đấu” hoặc “bỏ chạy” ( fight or flight, cũng gọi là stress) nên tiêu hao rất nhiều năng lượng mà không hay! Tình trạng đó kéo dài gây ra đủ thứ bệnh tật mà bác sĩ và các máy móc tân kỳ cũng không tìm ra, đành gắn cho cái tên là “mệt mỏi kinh niên”, “mệt mỏi không rõ nguyên nhân”, “rối lọan chức năng” này nọ rồi dùng thuốc đè nén cảm xúc đó xuống, do vậy mà ta thấy tình trạng “trầm cảm” trong dân số cứ ngày càng gia tăng. Cảm xúc mà bị đè nén mãi, chìm lắng mãi thế nào cũng có lúc bùng lên! Những vụ nổ súng lọan xạ, nổi cơn điên, tự tử… trở nên dễ hiểu ở nhiều xã hội thừa mứa vật chất mà tâm thần không an! Những họat động của “tâm” tiêu hao rất nhiều năng lượng của cơ thể.  Cho nên có được một cái tâm an là điều kiện đầu tiên của hạnh phúc, của sức khỏe. Có được cái tâm an lành thì ta tiết kiệm được năng lượng một cách đáng kể. Nói chung là không mất “hơi sức” đâu cho những chuyện lăng xăng! Tâm  dễ lăng xăng lắm. Đảo điên trăm thứ. Cho nên mới gọi “tâm viên ý mã”. Thời đại ngày nay, tâm ý không chỉ là ngựa là khỉ mà còn là… ngồn ngộn những thông tin, kích động từ mọi phía, càng làm cho tâm náo lọan. Xã hội  hiện đại đời sống vật chất phủ phê mà bệnh tâm thần ngày càng phát triển, tình trạng tuyệt vọng, tự tử ngày càng  gia  tăng là vậy!
Âu Mỹ  mới đi sâu nghiên cứu về thiền chừng khoảng hơn nửa thế kỷ nay ( Vakil, 1950), nhưng chỉ 30 năm gần đây thì thiền mới được coi là một phương pháp trị liệu khoa học trong y học (Craven. 1980; Haarmon & Myers 1999).Cũng đã có những nghiên cứu so sánh các kỹ thuật thiền (Woolfolk, 1975). Những nghiên cứu về sinh lý học giúp thiền ngày càng đựơc hiểu rõ hơn… Hành giả có thể giảm đến 40% nhu cầu oxy và giảm 50% nhịp thở trong lúc thiền. Lúc đầu các nhà khoa học nghĩ rằng thiền cũng giống như giấc ngủ hay nghỉ ngơi tích cực, nhưng qua các nghiên cứu cho thấy thiền khác hẳn, thực sự là một trạng thái tỉnh giác, ở mức tiêu thụ năng lượng thấp nhất tùy trình độ hành giả! Ở những hành giả thực hành thiền dài khỏang 30-40 phút thấy mức lactate trong động mạch giảm (Wilson, 1987), phenylalanine tăng 20% (Jevning, 1977), họat động hệ giao cảm giảm trên bề mặt da và nhịp tim cũng giảm đáng kể( Cuthbert, 1981). Về nội tiết, thấy giảm cortisol (hormone chủ yếu của stress) và ACTH (Bevan, 1980; Kamei, 2000); TSH, GH cũng giảm, trong khi đó arginine vasopressin, đựơc coi là có vai trò trong học tập và trí nhớ lại gia tăng đáng kể (O’Haslloran, 1985). Hiện ngày càng có nhiều nghiên cứu về beta-endorphin, corticotropin, ( Harte, 1995) melatonin (Massion, 1995), DHEA (Glaser, 1992) hứa hẹn giải thích cơ chế tác dụng của thiền trên nhiều mặt về y sinh học.…  Hoat động điện não đồ EEG cho thấy thiền có sự khác biệt với nghỉ và ngủ ( Herbert, 1977). Nhờ những tiến bộ về kỹ thuật thăm dò chức năng não bộ như PET (positron emission tomography) và nhất là fMRI (functional magnetic resonance imaging) đo lượng tưới máu não, cho thấy ở thiền giả một số vùng não đựơc tưới nhiều hơn vùng khác, chứng tỏ thiền không phải là giấc ngủ, trái lại là một trạng thái an tịnh tỉnh giác (state of restful alertness). Kỹ thuật fMRI có khả năng chụp cắt lớp từng giây, nên khá chính xác (Lazer, et al., 2000) cho thấy hoat động tưới máu não gia tăng ở vùng liên quan đến sự chú ý, vùng kiểm soát tự động, vùng  tỉnh thức. Nhưng nói chung, tưới máu não trong thời gian hành thiền rõ ràng là giảm một cách đáng kể, chỉ tập trung vào một số vùng nhất định như đã nêu trên. Điều này cho thấy thiền giả không tiêu hao nhiều năng lựơng cho các họat động của vỏ não. Các nghiên cứu về sinh lý học trong thiền vẫn còn đang tiếp diễn. Thế nhưng đã chứng minh được thiền có khả năng làm giảm stress, cao huyết áp, tạo sự sảng khoái, yếu tố của sức khỏe, của chất lượng cuộc sống.
Đại học Y khoa  Harvard ước lượng có khoảng 60-90% bệnh nhân đến bác sĩ là do stress. Stress liên quan đến rất nhiều bệnh lý như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, tiểu đường, suyễn, đau nhức kinh niên, mất ngủ, dị ứng, nhức đầu, đau thắt lưng, một số bệnh ngoài da, ung thư, tai nạn thương tích,  tự tử, trầm cảm, giảm miễn dịch… Stress gây tăng cholesterol cao hơn thức ăn (Rosenman, 1993). Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, nạn thất nghiệp, người làm việc những ở khu vực dễ bị sa thải thì chết vi bịnh tim mạch, tai biến mạch máu não cao gấp đôi các khu vực khác ( Chandola, 2006). Stress là nguyên nhân của 50% các bệnh nhân mất ngủ, dẫn tới những vấn đề sức khỏe tâm thần. Stress cũng gây 19% vắng mặt nơi làm việc, 40% bỏ việc, 60% tai nạn xảy ra nơi làm việc. Theo một thống kê của cơ quan bảo hiểm y tế, thiền  giúp giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân  và giảm số lần đi khám bệnh ( Orme-Johnson, 1987).
Nghiên cứu đối chứng về cơn đau kinh niên, lo âu, trầm cảm, thiền làm giảm 50% các triệu chứng tâm thần nói chung và giảm 70% triệu chứng lo âu (Roth, 1997).

Hành giả thực hành thiền hơn 5 năm có tuổi già sinh lý trẻ hơn 12 năm so với người cùng tuổi, dựa trên 3 yếu tố là huyết áp, khả năng điều tiết nhìn gần của thị giác và khả năng phân biệt của thính giác.
Một nghiên cứu  trên học sinh cấp 2 có thực tập thiền, cho thấy kết quả học tập tốt hơn, có khả năng tập trung, có thói quen làm việc, cải thiện hành vi (xung đột, hung hãn), tăng lòng tự tín, khả năng hợp tác và quan hệ với người khác (Harrison, 2004).
Thiền cũng giúp làm giảm cân, giảm béo phì, nghiện thuốc lá, rượu và các chất ma túy nói chung (Alexander, 1994). Đặc biệt, một nghiên cứu đối chứng ở 44 bệnh viện cho thấy thiền đã giúp làm giảm sai sót chuyên môn y khoa đến 50%, đồng thời cũng làm giảm 70% các vụ khiếu kiện của bệnh nhân đối với bệnh viện ( Jones, 1988). Ở các công nhân kỹ thuật có thực tập thiền trong 8 tuần cho thấy họ làm việc phấn khởi hơn, thích thú hơn, nhiệt tâm hơn, giảm thiểu các bệnh cảm cúm thường gặp trong khi nhóm chứng không có sự thay đổi.  Tóm lại, hiệu quả của thiền đã được chứng minh trong nhiều lãnh vực đời sống..
Khi nói đến thiền, ta thường nghĩ ngay đến ngồi: ngồi thiền. Rồi nào kiết già, nào bán già, hết sức phức tạp và bí hiểm như chỉ dành riêng cho một giới nào đó.   Thiền thực ra không nhất thiết phải ngồi, không nhất thiết phải  kiết già bán già. Đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền được cả. Người Nhật, người Tây Tạng đều có cách “ngồi” thiền riêng của mình, người Tây phương  còn khác hơn nữa, miễn sao có một tư thế thoải mái, dễ chịu, buông xả toàn thân là được.  Thế nhưng cách ngồi tréo chân (kiết già, bán già) lại có lợi thế hơn cả. Tại sao? Tại vì khi ta đứng, ta đi, các bắp cơ phía trước của hai chân phải co lại để nâng đỡ cả thân mình, trong khi các bắp cơ phía sau thì duỗi ra. Lúc ngồi tréo chân ta đã làm cho các bắp cơ đổi chiều. Đây là phương pháp “đối chứng trị liệu”. Khi nào đi bộ lâu, mỏi chân, ta ngồi xuống, xếp bằng và hít thở một lúc sẽ thấy hai chân bớt mỏi nhanh hơn. Cơ nào đã duỗi lâu thì được co lại, cơ nào đã co lâu thì được duỗi ra! Thiền hay yoga do vậy khai thác kỹ thuật này để trị liệu rất có hiệu quả sự mỏi mệt, không kể ngồi theo cách này cũng giúp làm giảm sự tiêu thụ oxy!
Giữ lưng thẳng đứng cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong thiền.  Ta dễ có khuynh hướng chìu theo độ cong tự nhiên của cột sống dưới sức nặng của thân thể do trọng lực- và nhất là tuổi tác- do đó dễ dẫn đến cong vẹo cột sống hoặc đau cột sống cổ, đau thắt lưng. Ở tuổi trung niên nhiều người đã bị những cơn đau dữ dội đến phát khóc. Đó là những cơn đau cấp tính, nếu nghỉ ngơi và uống thuốc đùng cách chừng mươi ngày, nửa tháng sẽ khỏi, nhưng không khỏi hẳn, dễ tái phát do tư thế chưa được điều chỉnh. Nhưng nguồn gốc sâu xa hơn lại là do cách sống căng thẳng, chịu đựng, dồn nén lâu ngày. Cơn đau là tiếng chuông báo động để ta “tỉnh ngộ”!. Một người cúi gầm suốt ngày trước máy vi tính hay TV để chơi games online thì sớm muộn cũng bị những hội chứng về  cột sống. Một người quen đi chùa lạy Phật mà với tư thế không đúng thì lâu ngày cũng bị đau cột sống như vậy! Nhất là khi đã có tuổi, cột sống có khuynh hướng cứng lại, mất đàn hồi, các lớp sụn độn giữa hai đốt sống dễ bị bẹp, có khi “xì” ra một bên, chèn ép gây đau, nhiều khi phải phẫu thuật để chữa. Giữ lưng thẳng đứng trong lúc ngồi thiền là điều cần thiết. Kết hợp với tập thể dụng bụng, có nghĩa là tập cho thắt lưng được dẻo dai, cũng sẽ làm chậm tiến trình lão hóa.
Trong thiền, một yếu tố rất quyết định nữa là sự thả lỏng toàn thân,“buông xả” toàn thân, mà có người ví như thả trôi theo dòng nước. Thả lỏng toàn thân là cách làm cho toàn thân như rủ xuống, xẹp xuống, bình bồng, không còn căng cứng nữa! Có thể nói cơ thể ta như chỉ gồm có hai phần: “thân xác” và “thân hơi”. Thả lòng là “xì” cho xẹp cái thân hơi đó- mà tiếng Việt ta có một từ rất hay là xả hơi! Khi quá mệt, quá căng thẳng thì nghỉ xả hơi!  Khi đó, không một bộ phận nào của cơ thể còn phải căng nữa, phải gồng nữa, kể cả vỏ não. Tiêu hao năng lượng cho trương lực cơ ( tonus musculaire) và hoạt động của vỏ não sẽ giảm thấp nhất có thể được. Y học chứng minh tiêu hao năng lượng trong thiền rất thấp, dưới mức chuyển hóa cơ bản, thấp hơn cả khi ngủ, nhờ vậy mà năng lượng được tích lũy tốt hơn.
Cơ thể ta có hơn mười ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một cái túi, một lọai “sinh vật” háo ăn, háo làm, háo tiêu thụ oxy- kết hợp với thức ăn qua những phản ứng gọi là oxyt hóa- để tạo ra năng lượng. Nhưng oxyt hóa càng mạnh thì càng tạo thêm các gốc tự do và các chất… bã, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, già nua!. Giống như một thanh sắt để ngoài nắng gió một thời gian sẽ bị oxyt hóa thành rỉ sét. Khi cơ thể có cách nào làm giảm tiêu thụ năng lượng không cần thiết thì các tế bào cũng sẽ được nghỉ ngơi.
Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ thấy bớt cần thiết  phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn như glucid, lipid, protid… vốn là nguồn tạo năng lượng! Ăn ít đi mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, tinh thần sẽ sảng khoái. Các nghiên cứu gần đây cho thấy  các sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thì sẽ sống lâu hơn và trẻ hơn.  Do vậy mà các thiền giả không có nhiều nhu cầu  về các chất dinh dưỡng được cung cấp bởi thức ăn! Ta thấy giới, định và tuệ gắn bó chặt chẽ với nhau như một tam giác cân, tác động hai chiều là vậy!
Danh y Tuệ Tĩnh, thế kỷ XIV ở nước ta đã đúc kết một lời khuyên: “Bế tinh- Dưỡng khí- Tồn thần / Thanh tâm- Quả dục- Thủ chân- Luyện hình” . Thử nhìn lại đời sống hiện nay ta thấy: tinh không bế, khí không dưỡng, thần không tồn, tâm náo lọan… bảo sao các hiện tượng tâm thần, tự tử, béo phì, tiểu đường, huyết áp… kể cả chiến tranh, dịch bệnh, thiên tai… chẳng ngày một gia tăng?
Đời sống tiết độ, tri túc, kham nhẫn, chánh niệm, tỉnh giác.. phải chăng có thể góp phần giải quyết những vấn đề sức khỏe thời đại và bảo vệ môi trường sống của chúng ta hôm nay?
Đừng tìm đâu cho mất công. Hãy quay về nương tựa chính mình. Quả đúng như vậy. Bởi nói cho cùng, ai có thể “thở” giùm ai? Ai có thể “thiền” giùm ai?

HUẾ,
Tháng 3, 2008
BS Đỗ Hồng Ngọc
(Báo Phụ Nữ)

THỞ và THIỀN - BS. Đỗ Hồng Ngọc
(11/05/2010 09:48 AM) (Xem: 30574)

THỞ và THIỀN
BS. Đỗ Hồng Ngọc

Có một sự nhất quán, xuyên suốt trong lời dạy hướng dẫn kỹ năng thiền định của Phật, từ Tứ niệm xứ (Satipatthàna) tới Thân hành niệm ( Kàyagatàsati), rồi Nhập tức xuất tức niệm (Ànàpànasati), đó là thở: Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra. Thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn… Tóm lại, đó là luôn bắt đầu bằng sự quán sát hơi thở, đặt niệm (nhớ, nghĩ) vào hơi thở. Chỉ có vậy. Mà vô vàn. Mà “nói không được” (bất khả thuyết)! Bản dịch Vịệt nào cũng viết: “Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra…” có thể gây nhầm lẫn ở đây chăng? Thở thì ai mà chả biết thở kia chứ! Thế nhưng ở đây không phải là biết thở, biết cách thở mà là nhận thức được (recognize), ý thức rõ (realize), cảm nhận đựơc (perceive) cái sự thở, cái hơi thở đang đi vào và đang đi ra kia kìa, đó mới là điều cốt lõi!
Dù gọi là Thiền (Việt) hay Chan (Hoa), Zen ( Nhật)… thì cũng đều có nguồn gốc từ Dhyana (Sankrist) hay Jhanas (Pali). Theo ngữ nguyên thì Jha là nhìn, là quán sát, là theo dõi và Ana là thở, hơi thở, là khí. Vậy, jhanas hay dhyana chính là quán sát hơi thở, nhận thức hơi thở. Đơn giản vậy mà thực ra không giản đơn chút nào! Nó như là một chìa khóa căn bản. Phải mở cái cửa này đã rồi các cửa khác mới mở tiếp được.Vấn đề là tại sao và cách nào để chỉ từ một việc có vẻ rất giản đơn là quán sát hơi thở lại có thể dẫn tới tuệ giác, một sự chuyển hóa từ “khí” mà thành “trí”?
Câu hỏi đặt ra là tại sao quán sát hơi thở? Quán sát hơi thở thì có gì hay? Sao lại không các đối tượng khác để quán sát? Thật ra thì quán sát cái gì cũng được cả, bởi tất cả đều là pháp- nhứt thiết pháp giai thị Phật pháp- nhưng quán sát hơi thở thì có điều kiện để thấy “ngũ uẩn giai không” hơn, tức thấy vô ngã hơn. Vô ngã ở đây không còn là một ý niệm, một khái niệm mà là một trạng thái. Để thấy “vô ngã” thì tốt nhất là quán sát từ “ngã”, từ hơi thở chẳng hạn, một đối tượng sẵn có ngay trong bản thân mình. Tim đập cũng lúc nhanh lúc chậm, nhưng khó theo dõi, hoàn toàn ngòai ý muốn, khó can thiệp. Dạ dày thì làm vịệc âm thầm, khó quan sát. Các bộ phận khác cũng vậy. Trừ hơi thở! Hơi thở dễ quan sát nhất vì nó nằm ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình! Lúc nào cũng phải thở. Ở đâu cũng phải thở. Cái hay nữa là quán sát nó thì không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta biết với ta thôi! Mỗi phút lại phải thở cả chục lần. Lúc mau lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò lúc êm dịu. Hơi thở lại rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, ta “nín thở”. Lúc lo âu, ta hổn hển. Lúc sảng khóai ta lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi hộp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Và nhờ đó mà thấy vô thường. Nhờ đó mà ta quán sát được cái tâm ta. Thở cũng gắn với các hoạt động cơ bắp, khi mệt, ta “bỡ hơi tai”, mệt đứt hơi, mệt hết hơi; khi khỏe, ta thở nhẹ nhàng sảng khoái! Nhờ đó mà ta quán sát được cái thân ta. Rõ ràng chỉ có hơi thở mới là một sợi dây nhạy cảm buộc vào thân vào tâm, là cái cầu nối giữa thân và tâm. Không chỉ thế, thở còn vừa là ý thức, vừa là vô thức. Như không cần ta. Như ở ngoài ta. Như không có ta. Quan sát thở, ta còn có dịp đào sâu xuống…vô thức. Ta thấy thở gắn với sự sống chết của kiếp người. Còn sống là còn thở, chết là hết thở, là tắt thở, là ngừng thở. Để ý một chút ta sẽ thấy đời người thực ra chỉ là… một hơi thở! Khi chào đời em bé khóc thét lên một tiếng thật to để hít mạnh không khí vào phổi để rồi khi lìa đời, cụ già lại thở hắt ra một cái, trả lại cho đời tất cả những gì mình đã vay mượn! Giữa hai lần thở vào thở ra đó là những đợt thở… lăn tăn như những làn sóng nhỏ, mà nối kết các làn sóng nhỏ lăn tăn đó lại với nhau ta có cuộc rong chơi trong cõi “Ta bà”!
Mỗi hơi thở vào ra trung bình khoảng 5-10 giây. Mỗi giây, trong cơ thể con người đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu bị hủy diệt và hằng trăm triệu hồng cầu khác được sản sinh. Quán sát hơi thở do đó ta thấy đựơc sự sinh diệt. Thở có thể làm chuyển biến tâm trạng ta, chuyển hóa cảm xúc ta, cả hành vi ta nữa. Đang sôi giận mà kịp nhớ lại, quán sát sự thở của mình thấy nó phập phều kỳ cục, tức cười, bèn quên giận mà hơi thở được điều hoà trở lại lúc nào không hay: điểm hưng phấn trên vỏ não đã bị dịch chuyển! Nói khác đi, ta có thể dùng quán sát hơi thở để kiểm sóat cảm xúc và hành vi. Quán sát hơi thở cũng lôi kéo ta trở về hiện tại tức khắc- không còn đắm mình trong dĩ vãng hay tương lai. Mà hiện tại thì không có thời gian!
Ta biết sự hô hấp thật sự không phải xảy ra ở phổi mà ở trong từng tế bào. Đây cũng có thể gọi là “thâm hô hấp”. Ở các sinh vật đơn bào, khí trao đổi trực tiếp qua da, tức qua màng tế bào, một cách đơn giản. Ở con cá đa bào, sống dưới nước, thì khí trao đổi qua mang. Con người do kết hợp đa bào, phức tạp hơn nhiều nên phải thở qua phổi nhưng vẫn trao đổi khí trực tiếp ở từng tế bào nhờ hệ thống mao mạch. Do vậy mà khi ta có cách nào đó điều chỉnh được lượng khí ra vào, hiệu ứng sẽ tác động đến từng tế bào riêng lẻ. Hô hấp diễn ra trong từng tế bào, nhằm tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động và tồn tại. Người lao động nặng cần năng lượng gấp ba bốn lần người bình thường, trong đó hoạt động cơ bắp đã chiếm hết gần một nửa. Riêng não bộ, với trọng lựơng rất nhỏ bé, chỉ khoảng 2% thể trọng mà đã tiêu dùng đến 30% khối lượng oxy đưa vào cơ thể. Giận dữ , lo âu, sợ hãi tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên những lúc đó ta dễ cảm thấy kiệt sức, rã rời là vậy! Ngủ là một cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn co cơ, vẫn còn chiêm bao. Một đêm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc!.Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, còn hơn cả giấc ngủ. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy thấy nhẹ nhàng sảng khoái. Trạng thái nhẹ nhàng sảng khóai đó xảy ra trên từng tế bào của cơ thể. Một cảm giác lâng lâng dễ chịu toàn thân của hành giả, phải chăng đó chính là trạng thái hỷ lạc (thiền duyệt?).
Phổi ta như một cái máy bơm, “phình xẹp” để đưa khí vào ra là nhờ có áp suất thay đổi. Khi áp suất âm trong phổi và các phế nang thì khí bên ngoài tự động lùa vào, tuôn vào, lấp đầy phổi và các phế nang, cho đến một lúc lượng khí bên trong đầy dần lên thì chuyển sang áp suất dương, phổi sẽ đẩy khí ra. Có một thời điểm áp suất cân bằng nhau, hay nói cách khác, áp suất bằng không, “zéro”, thì khí bên trong cơ thể và bên ngoài vũ trụ chan hòa thành một, không phân biệt. Đó chính là quãng lặng. Quãng lặng đó ở cuối thì thở ra – trước khi thở vào trở lại – thường kéo dài, thong dong, nhẹ nhàng, yên tịnh, vì không hề tốn năng lượng. Như cánh chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe ngon trớn ở số không, không tốn nhiên liệu! Đó chính là giai đoạn “prana”. Pra có nghĩa là trước và ana là thở vào ( cũng có nghĩa là sau thì thở ra). Prana đã được biết đến từ xa xưa. Yoga của Ấn Độ, khí công của Trung quốc, cũng như y học Đông phương nói chung đã nói đến từ cổ đại. Trong yoga có pranayama, kiểm soát hơi thở. Trong thiền định, không còn phải là vấn đề kiểm soát hơi thở nữa mà hơi thở tự kiểm sóat! Đến một lúc nào đó hành giả không cảm nhận mình thở nữa. An tịnh. Hòa tan. Tan biến. Có thể nói đến một phương pháp thiền tập- mà tôi tạm gọi là “Pranasati”, tức là đặt niệm vào quãng lặng – ở đây chăng? Những hành giả giàu kinh nghiệm (thiện xảo) cho biết họ có thể vào định ngay hơi thở đầu tiên có lẽ nhờ rèn tập mà khoảng lặng của họ ngày càng dài ra, mênh mông ra như không còn biên giới, như hòa tan vào hư không, lắng đọng, thanh thoát. Lúc đó họ đã không còn ý niệm về không gian, thời gian, về ta, về người… Tiến trình hô hấp vẫn diễn ra sâu trong các tế bào (thâm hô hấp), nhưng ở mức thấp nhất, nhẹ nhàng nhất, tiêu thụ năng lượng tối thiểu và do vậy nhu cằu sản xuất năng lượng không còn đòi hỏi cao nữa!
Bầu khí quyển chúng ta thở hôm nay so với cách đây 700 triệu năm – tức là khi có những sinh vật đơn bào đầu tiên trên trái đất- thì cũng chẳng khác biệt! Với người anh em đơn bào đó thì ta cũng đang cùng hút chung một bầu khí, cùng bú chung một “núm vú” vũ trụ, cùng với muôn loài khác nữa! Các sinh vật cùng chia sẻ một cách…bình đẳng, không phân biệt và theo nhu cầu như vậy. Ta hút lấy oxy của không khí, lại tạo ra carbonic; trong khi cây cỏ hút carbonic lại tạo ra oxy. Con thằn lằn, con tắc kè, con ễnh ương… cũng phình ra xẹp vào như ta vậy. Bầu khí quyển vẫn không thay đổi, không thêm bớt. Nhưng chính con người có thể làm hại môi trường sống của mình mà không hay nếu cứ theo đà hủy diệt sự sống của thiên nhiên và muôn loài trên hành tinh xanh này!
Khi nói đến thiền, ta thường nghĩ ngay đến ngồi: ngồi thiền. Rồi nào kiết già, nào bán già, hết sức phức tạp và bí hiểm như chỉ dành riêng cho một giới nào đó. Thiền thực ra không nhất thiết phải ngồi, không nhất thiết phải kiết già bán già. Đi đứng nằm ngồi gì cũng thiền được cả. Người Nhật, người Tây Tạng đều có cách “ngồi” thiền riêng của mình, người Tây phương còn khác hơn nữa, miễn sao có một tư thế thoải mái, dễ chịu, buông xả toàn thân là được. Thế nhưng cách ngồi tréo chân (kiết già, bán già) lại có lợi thế hơn cả. Tại sao? Tại vì khi ta đứng, ta đi, các bắp cơ phía trước của hai chân phải co lại để nâng đỡ cả thân mình, trong khi các bắp cơ phía sau thì duỗi ra. Lúc ngồi tréo chân ta đã làm cho các bắp cơ đổi chiều. Đây là phương pháp “đối chứng trị liệu”. Khi nào đi bộ lâu, mỏi chân, ta ngồi xuống, xếp bằng và hít thở một lúc sẽ thấy hai chân bớt mỏi nhanh hơn. Cơ nào đã duỗi lâu thì được co lại, cơ nào đã co lâu thì được duỗi ra! Thiền hay yoga do vậy khai thác kỹ thuật này để trị liệu rất có hiệu quả sự mỏi mệt, không kể ngồi theo cách này cũng giúp làm giảm sự tiêu thụ oxy!
Giữ lưng thẳng đứng cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng trong thiền. Ta dễ có khuynh hướng chìu theo độ cong tự nhiên của cột sống dưới sức nặng của thân thể do trọng lực- và nhất là tuổi tác- do đó dễ dẫn đến cong vẹo cột sống hoặc đau cột sống cổ, đau thắt lưng. Ở tuổi trung niên nhiều người đã bị những cơn đau dữ dội đến phát khóc. Đó là những cơn đau cấp tính, nếu nghỉ ngơi và uống thuốc đùng cách chừng mươi ngày, nửa tháng sẽ khỏi, nhưng không khỏi hẳn, dễ tái phát do tư thế chưa được điều chỉnh. Nhưng nguồn gốc sâu xa hơn lại là do cách sống căng thẳng, chịu đựng, dồn nén lâu ngày. Cơn đau là tiếng chuông báo động để ta “tỉnh ngộ”!. Một người cúi gầm suốt ngày trước máy vi tính hay TV để chơi games online thì sớm muộn cũng bị những hội chứng về cột sống. Một người quen đi chùa lạy Phật mà với tư thế không đúng thì lâu ngày cũng bị đau cột sống như vậy! Nhất là khi đã có tuổi, cột sống có khuynh hướng cứng lại, mất đàn hồi, các lớp sụn độn giữa hai đốt sống dễ bị bẹp, có khi “xì” ra một bên, chèn ép gây đau, nhiều khi phải phẫu thuật để chữa. Giữ lưng thẳng đứng trong lúc ngồi thiền là điều cần thiết. Kết hợp với tập thể dụng bụng, có nghĩa là tập cho thắt lưng được dẻo dai, cũng sẽ làm chậm tiến trình lão hóa.
Trong thiền, một yếu tố rất quyết định nữa là sự thả lỏng toàn thân,“buông xả” toàn thân, mà có người ví như thả trôi theo dòng nước. Thả lỏng toàn thân là cách làm cho toàn thân như rủ xuống, xẹp xuống, bình bồng, không còn căng cứng nữa! Có thể nói cơ thể ta như chỉ gồm có hai phần: “thân xác” và “thân hơi”. Thả lòng là “xì” cho xẹp cái thân hơi đó- mà tiếng Việt ta có một từ rất hay là xả hơi! Khi quá mệt, quá căng thẳng thì nghỉ xả hơi! Khi đó, không một bộ phận nào của cơ thể còn phải căng nữa, phải gồng nữa, kể cả vỏ não. Tiêu hao năng lượng cho trương lực cơ ( tonus musculaire) và hoạt động của vỏ não sẽ giảm thấp nhất có thể được. Y học chứng minh tiêu hao năng lượng trong thiền rất thấp, dưới mức chuyển hóa cơ bản, thấp hơn cả khi ngủ, nhờ vậy mà năng lượng được tích lũy tốt hơn.
Cơ thể ta có hơn mười ngàn tỷ tế bào. Mỗi tế bào thực chất là một cái túi, một lọai “sinh vật” háo ăn, háo làm, háo tiêu thụ oxy- kết hợp với thức ăn qua những phản ứng gọi là oxyt hóa- để tạo ra năng lượng. Nhưng oxyt hóa càng mạnh thì càng tạo thêm các gốc tự do và các chất… bã, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, già nua!. Giống như một thanh sắt để ngoài nắng gió một thời gian sẽ bị oxyt hóa thành rỉ sét. Khi cơ thể có cách nào làm giảm tiêu thụ năng lượng không cần thiết thì các tế bào cũng sẽ được nghỉ ngơi.
Khi cơ thể đã chùng xuống, đã giãn cơ, tức giảm tiêu hao năng lượng một cách đáng kể rồi thì cũng sẽ thấy bớt cần thiết phải cung cấp các dưỡng chất qua thức ăn như glucid, lipid, protid… vốn là nguồn tạo năng lượng! Ăn ít đi mà vẫn đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng thì cơ thể đỡ vất vả, các tế bào đỡ hùng hục làm việc, tinh thần sẽ sảng khoái. Các nghiên cứu gần đây cho thấy các sinh vật bị cho nhịn đói vừa phải thì sẽ sống lâu hơn và trẻ hơn. Do vậy mà các thiền giả không có nhiều nhu cầu về các chất dinh dưỡng được cung cấp bởi thức ăn! Ta thấy giới, định và tuệ gắn bó chặt chẽ với nhau như một tam giác cân, tác động hai chiều là vậy!
Đừng tìm đâu cho mất công. Hãy quay về nương tựa chính mình. Quả đúng như vậy. Bởi nói cho cùng, ai có thể “thở” giùm ai? Ai có thể “thiền” giùm ai?
(Bài nói chuyện tại CLB Trà Đạo, 11.9.2009) (Tạp chí Phụ Nữ)

Nói thêm về “Thở để chữa bệnh”
Nhiều độc giả viết thư, gởi email, điện thọai hỏi thêm về Thở để chũa bệnh. Có người bảo sau 2 tháng “tập luyện” đã  thấy có kết quả tốt, dễ ăn, dễ ngủ, bớt căng thẳng và sảng khoái hơn, sức khỏe có tốt hơn, ít bệnh vặt hơn; có người hỏi cụ thể phải tập ngày mấy lần, mỗi lần mấy phút; có người hỏi phải ngồi ở tư thế nào v.v..  Một độc giả ở tận Hà Tiên, 47 tuổi, nói nhờ có người bạn cắt gởi cho bài báo trên PN nên đã thử tập thở 2 tháng nay thấy khỏe hơn, nhưng sao mỗi lần tập chừng nửa giờ thì thấy choáng váng, tê rần, phải nghỉ 5 phút mới hết…
Trước hết cần nhớ rằng thở là chuyện bình thường. Ai cũng phải thở, lúc nào cũng phải thở và ở đâu cũng phải thở, nên đâu có cần phải giờ giấc, tư thế nọ kia? Thực ra, thở bụng là cách thở sinh lý, tự nhiên nhất, trời sinh ra đã vậy rồi, không cần phải tập luyện gì cả!  Cứ quan sát  một bé đang ngủ ngon lành thì biết: Nó thở đều đều, nhẹ nhàng, và… thở bằng cái bụng! Chỉ có cái bụng nó là phình lên xẹp xuống thôi. Thở bụng là cách thở tự nhiên  không chỉ của người mà của…mọi loài. Thử quan sát con thằn lằn, con cắc kè., con ễnh ương… thì biết. Nó thở bằng bụng. Chỉ có cái bụng nó là phình ra xẹp vào đều đều thôi. Ấy là do cơ hoành (hoành cách mô) là cơ chính của hệ hô hấp. Chỉ cần cơ hoành nhích lên nhích xuống chút xíu là đã đủ cung cấp khí cho cơ thể rồi. Khi mệt, cần nhiều oxy hơn thì cơ hoành sẽ “thụt” mạnh hơn, nhanh hơn thế thôi. Tóm lại, nhớ rằng thở bụng là thở theo sinh lý, tự nhiên, không cần phải “tập luyện” vất vả gì cả, không cần phải giờ giấc, tư thế gì cả! “Ở đâu cũng đựơc/ Lúc nào cũng đựơc” là vậy.
Thứ hai là không nên ráng sức, gắng sức. Chỉ cần chuyên cần, kiên nhẫn để tạo thành thói quen tốt thế thôi. Ráng sức, muốn cho mau thành công thì sẽ dẫn đến … thất bại vì choáng váng, chóng mặt, tê rần… Tại sao vậy? Tại vì đã ráng sức, cố ép, thì sẽ gây rối lọan sự điều hoà tự nhiên của cơ thể. Cho nên người “ham” quá, ráng “luyện công” quá, dễ bị “tẩu hỏa nhập ma”! Ta thở bụng là để có sức khỏe, không phải để luyện nội công, để trở thành “chưởng môn nhân” của một phái võ nào đâu. Người có tuổi, người bệnh mạn tính càng không nên ráng.  Nhưng phải kiên trì,  như đã nói, phải chừng sáu tháng mới quen, mới thấy hiệu quả. Nếu đang chữa bệnh nào đó ( tăng huyết áp, tiểu đừơng…) thì vẫn phải dùng thúôc theo chỉ định của bác sĩ.. Thở bụng cũng như ăn uống, vận động đúng cách sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn.
Thứ ba, luôn nhớ mình đang thở. Theo dõi luồng hơi thở ra, hơi thở vào sẽ rất tốt. Chưa quen thì đặt bàn tay lên bụng, thấy bàn tay mình nhích lên nhích xúông theo từng nhịp thở là đựọc. Lâu nay ta thở một cách phản xạ, vô thức, Nếu ta thở mà có ý thức, biết mình đang thở, theo dõi sát nó thì sẽ giúp ta… quên mọi thứ chuyện khác. Nhờ vậy, tâm ta đựơc tĩnh lặng. Tâm mà lăng xăng, dao động, nhiều ưu phiền, giận dữ… sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, làm ta kiệt sức, “thở không ra hơi”!
Đằng sau chuyện thở bụng còn nhiều điều hay. Có dịp ta lại bàn tiếp vậy.
BS Đỗ Hồng Ngọc
(Phụ Nữ)
KHOẢNG LẶNG TRONG TÂM HỒN Đỗ Hồng Ngọc
(09/04/2010 03:47 AM) (Xem: 24201)
Nói không được
Đọc Kim Dung, thấy có một nhân vật Hoà thượng tên là "Nói Không Được" rất thú vị. Thú vị không vì tính cách của ông mà vì cái tên của ông. Thật ra, trong nguyên bản gọi là Hoà thượng Bất Khả Thuyết. "Bất Khả Thuyết" hay "Nói Không Được" ta đã gặp nhiều khi học Phật, không chỉ là Bất khả thuyết mà còn Bất khả tư nghì, Bất khả đắc, Bất khả thủ, Bất khả...
Đã biết là "bất khả" mà vẫn cứ tò mò truy tìm mọi ngóc ngách, đó là cái nghiệp của chúng sinh, nhất là người làm khoa học, không dễ tin nếu chưa được "chứng minh". Điều này quả thật hợp ý Phật. Phật đã chẳng luôn nhắc nhở ta đừng vội tin, phải thể nghiệm đi cái đã, phải trực tiếp lấy thân tâm mình làm cái "labo" để mà quan sát ngắm nghía cho thật thấu đáo đó ư? Phật đã chẳng luôn nhắc nhở ta phải tinh cần, tinh tấn, phải thực hành, không được lơ là, chểnh mảng đó ư? Thú vị là, khi còn có thể "thuyết" được thì chỉ mới tới được cái vỏ ngoài, còn tới được chỗ thâm sâu, cốt lõi bên trong hẳn là phải im lặng, phải ú ớ, phải hỏi một đằng trả lời một nẻo, hoặc tốt hơn cả là phải "tu rị, tu rị...", nghĩa là "im lặng, im lặng....". Tóm lại là nói không được, là bất khả thuyết!
Khi Phật phát hiện ra con đường dẫn đến an vui, hạnh phúc, chính Ngài cũng ngại ngùng không muốn tiết lộ, không muốn bày tỏ vì con đường quả thật là tuyệt diệu nhưng lạ lùng quá, ngược đời quá khó có ai tin, có khi còn gây phản ứng ngược. Mãi sau Ngài mới chịu nói ra, và dĩ nhiên rất đắn đo, nói từng phần, với mỗi người một cách khác nhau, tuỳ đối tượng. Sau này thường khi chứng ngộ rồi, các thiền sư mới chịu chọn một vài học trò để truyền đạt, mà cũng ít chịu truyền, vì truyền không dễ, bởi nhiều điều "nói không được". Học trò phải quan sát trực tiếp ở thầy và phải thực hành miên mật. Có học trò uyên thâm mà không tới đâu cả, loay hoay không thoát; có học trò giã gạo, nấu cơm, không biết chữ mà đại ngộ. Học giả trí thức, có bằng cấp cao cũng chẳng đến đâu, còn người hàng thịt, một hôm buông dao thành Phật. Cho nên tin không dễ.
Trong kinh Kim Cang, Phật và Tu Bồ Đề, hai thầy trò đối đáp như kiểu "role play", sắm vai để giảng dạy thật hấp dẫn - trước đó, Phật đã lặng lẽ "demonstration" (trình diễn) một màn rất ấn tượng là bưng bình bát đi khất thực trong thành Xá Vệ nhưng không phải ai trong hội chúng cũng nhìn ra. Có lúc, hình như người học trò Tu Bồ Đề giả bộ hoang mang, không tin người đời sau có thể hiểu nổi và thực hành được những lời Phật dạy thì Phật quở: "Chớ nói vậy! Ông chớ nói vậy?". Người đời sau còn "thông minh" hơn, còn nhiều điều kiện hơn, dĩ nhiên là còn nhiều khổ đau hơn để mà hiểu Phật. Lạ lùng là nhiều người trẻ ngày nay hiểu Phật rất nhanh - không phải là cái tin dị đoan mê tín đâu, mà tin một cách khoa học - như là một phương thuốc chữa bệnh tâm thần cho thời đại, giúp cho con người không dấn mình thêm vào những nỗi khổ đau, ưu phiền, sợ hãi; giúp con người hạnh phúc hơn; tạo một môi trường xã hội tốt đẹp hơn và môi trường thiên nhiên an lành hơn. Những người trẻ thậm chí mới đôi mươi, đặc biệt ở phương Tây ngày nay có vẻ hiểu Phật, thấm Phật và hành Phật hơn cả ở phương Đông.
Nỗi khổ đau của kiếp người thật vô vàn, và dĩ nhiên hạnh phúc cũng vô vàn không kém, thậm chí cái chuyện được làm người trên cõi đời này cũng đã là chuyện hy hữu, thế mà lạ thay, chúng ta chỉ thấy những khổ đau, chỉ nguyền rủa cuộc đời, cay đắng với bản thân mình, và có vẻ như rất khoái gặm nhấm những nỗi khổ đau kia, mà quên đi, lờ đi những niềm hạnh phúc: “Rồi bị thương người ta giữ gươm đao/Không muốn chữa không chịu lành thú độc” (XuânDiệu). Cái "thú độc" đó có khi còn được gọi là "thú đau thương", được con người ca tụng, nâng niu, vun vén, hưởng thụ...đã bao đời!
Cứ hỏi một người đi, hỏi anh ta có hạnh phúc không, anh ta sẽ sung sướng kể cho nghe triền miên những điều bất hạnh. Còn nếu hỏi anh ta những điều bất hạnh, anh ta sẽ sung sướng kể cho nghe biết bao nỗi khổ đau. Con người sống trong cái khổ như vậy, loay hoay với cái khổ như vậy, thoát ra không dễ. Một số không nhiều "ngộ" được cái khổ đau kia chính là mầm mống của hạnh phúc phiền não kia là "nguồn lực" của Bồ đề. Cho nên, có người tìm được con đường, vạch ra con đường, chỉ ra con đường, làm sao không cảm kích. Mà thú vị, con đường đó không ở đâu xa, có sẵn đó rồi ở trong ta thôi. Cho nên, người chỉ đường nói, chả có pháp gì đâu mà bày vẽ chả có cái gì giành được, lấy được, chiếm được để mà khoe khoang. Con người đó mới thật dễ thương làm sao. Con người đó bỏ vương quyền, bỏ nhà bỏ cửa lên rừng, lội suối trèo đèo, nhịn đói nhịn khát, có lúc chỉ còn xương bọc da, sờ bụng thì đụng xương sống, có lúc sống trong nghĩa địa, để bọn trẻ chăn trâu nhổ vào mặt (…), rồi ngộ ra một điều thú vị, sảng khoái, thấy con người đáng sống, đáng hạnh phúc. Con người đó đã biết từ bỏ, dám buông bỏ, đã kiên trì, đã kham nhẫn, đã thiền định, đã vượt thoát bằng con đường trì tuệ, và điều quan trọng là không giữ cho riêng mình mà chia sẻ cho tất cả chúng ta, chẳng đáng quý ư? Thậm chí, có lúc không thể nói lên được bằng lời thì Ngài đưa lên một cành hoa và im lặng. Cái sự trao truyền trong im lặng này mới thật là tuyệt diệu, nó làm cho ta được tự do khám phá. Khám phá không ra thì ta…ú ớ, khám phá ra rồi thì ta càng ú ớ, càng nói không được.
Con đường an tịnh
Trong đời sống thường ngày, chúng ta cũng có thể có những chút "giác ngộ": đời là vô thường, là bóng câu qua cửa sổ, là bọt bèo, là giấc mộng! Nhưng ta chỉ giật mình “ngộ" một chút rồi quên, rồi "trôi lăn" theo những tham sân si, những quấn quít chằng chịt vô cùng hấp dẫn không sao thoát nổi kia! Ngay những triết gia quay quắt tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời, sự hiện hữu của kiếp người cũng vẫn loay hoay với bao triết thuyết rồi đâu vào đó. Phải có một con đường khác. Phật khẳng định có con đường khác đó: "Đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí…”. Đó chính là con đường hạnh phúc trải nghiệm của đức Phật, với nụ cười tự tại trên môi, nhất quán, xuyên suốt 45 năm tận tụy sẻ chia cho mọi người từ ngày thành đạo. Đó là con đường thực nghiệm, thể nghiệm, không lý thuyết suông, không hý luận, được kiểm chứng và có tính phổ quát. Những lời dạy cuối cùng của Phật cùng các đệ tử cũng đã không quên nhắc lại "con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sinh..." này, bởi sợ rằng sau này người ta lại dễ rơi vào tranh luận, hý luận, mà quên thực hành, để đi vào trăm ngả thị phi. Con đường đó chính là Thiền định và Thiền quán.
Thiền có lẽ đã có từ rất lâu đời. Có lẽ ngày xa xưa con người tự dưng phát hiện ra những giây phút rơi vào trạng thái sảng khoái, siêu thoát nào đó, một trạng thái "hỷ lạc" nào đó, nói không được, mà chỉ có thể cảm nhận, trực nhận bởi chính bản thân mình, rồi tích lũy kinh nghiệm, truyền đạt lại cho nhau bằng nhiều cách. Chính đức Phật, trong khi tìm kiếm con đường giải thoát, tình cờ nhớ lại tuổi ấu thơ của mình có lần đã rơi vào trạng thái sơ thiền mà nhanh chóng phát hiện ra con đường thiền riêng của mình, con đường không những “diêt trừ khổ ưu” mà còn dẫn đến “thành tựu chánh trí”, giải thoát rốt ráo. Trước đó ngài đã từng rời bỏ những con đường thiền khác. Rõ ràng thiền đã có từ xa xưa nhưng thiền Phật giáo có những sáng tạo riêng rất đáng nghiên cứu và thực tập. Không phải vô cớ mà ngày nay các trung tâm y khoa lớn trên thế giới đưa thiền vào giảng dạy như một liệu pháp hữu hiệu chữa trị nhiều thứ bệnh thời đại.
Thế nhưng đọc cả chồng sách luận về thiền càng dễ tẩu hỏa nhập ma, bởi có lẽ nó là cái gì đó “bất khả thuyết" và đặc biệt "bất khả đắc" khi ta nóng lòng muốn "chộp" lấy nó!
Nói cho cùng, thiền có vẻ thật đơn giản mà không giản đơn chút nào. Nó như thách thức những nhà triết học, các học giả, mà lại mỉm cười với anh hàng thịt, người gánh rau, bởi nó đòi hỏi sự chuyên tâm thực hành, thể nghiệm trên chính bản thân mình hơn là ngàn chương khảo luận.
Có một sự nhất quán, xuyên suốt trong lời dạy hướng dẫn kỹ năng thiền định của đức Phật, dù là Tứ niệm xứ (Satipatthàna) và Thân hành niệm (Kàyagatàsati), Nhập tức xuất tức niêm (ànàpànasati) với một động tác cốt lõi: Thở vào thì biết thở vào, thở ra thì biết thở ra, thở vào dài thì biết thở vào dài, thở ra ngắn thì biết thở ra ngắn... Tóm lại, quán sát hơi thở, hay đặt chánh niệm vào hơi thở. Chỉ có vậy Mà vô vàn. Mà nói không được.
Dù gọi là Thiền (Việt) hay Chan (Hoa), Zen ( Nhật)... thì cũng đều do dịch âm từ Dhyana (Sankrist) hay Jhanas (Pali). Theo ngữ nguyên thì Jha là nhìn, là quán sát hay quan sát và Ana là thở, hơi thở, khí. Vậy, Jhanas hay Dhyana chính là quán sát hơi thở. Đơn giản vậy mà không giản đơn chút nào Đức Phật đã nhắc đi nhắc lại như là một chìa khóa căn bản. Phải mở cái cửa này đã rồi các cửa khác mới mở tiếp được.Vấn đề là tại sao và cách nào để chỉ từ một việc có vẻ rất giản đơn là quán sát hơi thở lại có thể dẫn tới tuệ giác? Quán sát hơi thở thì có gì hay? Tại sao không quán sát các đối tượng khác? Thật ra thì quán sát cái gì cũng được cả, bởi tất cả đều là "pháp". Nhưng quán sát hơi thở thì có điều kiện dễ thấy "ngũ uẩn giai không" tức vô ngã hơn. Vô ngã ở đây không còn là một ý niệm, một khái niệm mà là một trạng thái.
Dĩ nhiên để thấy "vô ngã" thì phải từ "ngã". Nên tốt nhất là chọn một đối tượng sẵn có ngay trong bản thân mình. Chẳng hạn như tâm mình, thân mình. Nhưng tâm thì nhảy nhót triền miên, khó bắt dừng lại để quán sát; còn thân thì lục cục đi đứng nằm ngồi đâu có dễ mà chăm chăm dòm ngó! Tim đập cũng lúc nhanh lúc chậm, nhưng khó thấy, khó can thiệp. Dạ dày thì làm việc âm thầm, ngoài ý muốn, khó quan sát. Các bộ phận khác cũng vậy. Trừ hơi thở! Hơi thở dễ quan sát nhất vì nó nằm ngay trước mũi mình, ngay dưới mắt mình! Lúc nào cũng thở. Đi đâu cũng thở. Quan sát nó thì không ai nhìn thấy, chỉ riêng ta với ta thôi! Mỗi phút lại phải thở cả chục lần. Lúc mau lúc chậm, lúc ngắn lúc dài, lúc phì phò lúc êm dịu. Hơi thở lại gắn với cảm xúc! Rất nhạy với cảm xúc. Trước một cảnh đẹp, ta "nín thở". Lúc lo âu, ta hổn hển. Lúc sảng khoái ta lâng lâng. Lúc sợ hãi, hồi hộp ta thở nhiều kiểu khác nhau, muôn hình vạn trạng. Như vậy, thở gắn với tâm trạng, gắn với cảm xúc, thay đổi liên tục. Và nhờ đó mà thấy vô thường. Quan sát hơi thở do vậy ta quan sát được cảm xúc, tâm trạng. Nói khác đi, quan sát được cái tâm ta. Tâm quậy phá, tâm lộn xộn, tâm an vui ta biết hết! Thở cũng lại gắn với hoạt động của cơ bắp: khi mệt, ta mệt "bở hơi tai", muốn đứt hơi, muốn hết hơi! Lúc đó ta chỉ mong được... xả hơi! Do vậy mà quan sát hơi thở ta quan sát được cái thân ta. Thân mệt, thân khỏe, thân an vui ta thấy biết hết! Rõ ràng chỉ có hơi thở mới là một sợi dây nhạy cảm buộc vào thân và tâm ta. Không chỉ thế, thở còn vừa là ý thức, vừa là vô thức. Lâu lâu muốn ngưng chơi một chút cũng được, nhưng đến một lúc, nó tự động thở. Như không cần ta, như ở ngoài ta, như không phải ta. Nói khác đi, quan sát thở, ta có dịp đào sâu xuống...vô thức. Chẳng hạn thở gắn liền với sự sống chết. Còn sống là còn thở, chết là hết thở, là tắt thở, là ngừng thở. Mở mắt chào đời, thở vào; nhắm mắt lìa đời thở ra. Mỗi hơi thở như một kiếp sống, một đợt sóng lăn tăn nối tiếp. Mỗi hơi thở vào ra trung bình khoảng 5-10 giây. Mỗi giây, trong cơ thể con người đã có hằng trăm triệu tế bào hồng cầu bị hủy diệt và hằng trăm triệu hồng cầu khác được sản sinh. Thở có thể làm chuyển biến tâm trạng ta, chuyển hóa cảm xúc ta, cả hành vi ta. Nó tác động hai chiều như một phản ứng hóa học! Đang giận, đang tức cành hông, mà kịp tập trung quán sát hơi thở của mình thấy nó kỳ cục, tức cười, bèn thở chậm lại, quên giận lúc nào không hay! Quán sát hơi thở lôi kéo ta về hiện tại tức khắc, điểm hưng phấn trên vỏ não đã bị dịch chuyển! Nói cách khác, ta có thể dùng hơi thở làm trung gian để kiểm soát thân tâm ta, làm cho tâm yên ắng (an tịnh), thân êm ắng nếu muốn!
Ta biết hô hấp không phải xảy ra ở phổi mà ở từng tế bào. Cơ thể ta có hằng vạn tỷ tế bào. Hô hấp diễn ra trong từng tế bào, ở đó, các phản ứng hóa học dùng oxy từ phổi đưa vào để tạo ra năng lượng cho cơ thể hoạt động và tồn tại. Người lao động nặng cần năng lượng gấp ba bốn lần người bình thường, trong đó hoạt động cơ bắp đã chiếm hết một nửa. Riêng não bộ, với trọng lượng rất nhỏ bé, chỉ chiếm 2% thể trọng mà đã tiêu dùng đến 30% khối lượng oxy đưa vào cơ thể. Giận dữ, lo âu, sợ hãi tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Cho nên những lúc đó ta dễ cảm thấy kiệt sức, rã rời là vậy! Ngủ là cách giảm tiêu hao năng lượng, nhưng vẫn còn co cơ, vẫn còn chiêm bao. Một đêm ác mộng sẽ thấy bải hoải toàn thân khi thức giấc? Thiền giúp tiết giảm tiêu thụ năng lượng một cách đáng kể, hơn cả giấc ngủ. Một khi cơ thể giảm tiêu thụ năng lượng thì các tế bào được nghỉ ngơi, nên toàn thân cảm thấy nhẹ nhàng sảng khoái. Trạng thái nhẹ nhàng sảng khoái đó xảy ra trên từng tế bào của cơ thể, một cảm giác lâng lâng dễ chịu toàn thân của hành giả, phải chăng chính là trạng thái hỷ lạc (thiền duyệt)?
Khi thân thể đã hoàn toàn thư giãn, buông xả, thì có vẻ như chỉ còn phần "khí" vận hành. Khí đó từ bầu khí quyển, từ vũ trụ, từ thiên nhiên. Các sinh vật cùng chia sẻ một cách... bình đẳng, theo nhu cầu. Ta hút lấy oxy của không khí, lại tạo ra carbonic; trong khi cây cỏ hút carbonic lại tạo ra oxy. Con thằn lằn, con tắc kè, con ễnh ương... cũng phình ra xẹp vào như vậy. Bầu khí quyển vẫn không thay đổi, không thêm bớt từ ngàn xưa. Nhưng chính con người làm hại môi trường sống của mình, tiêu diệt cây xanh, đến nỗi phải mua từng bình oxy mà hít?
Phổi ta hoạt động như cái piston để bơm khí vào ra. Áp suất âm, khí được hút vào; áp suất dương, khí được đẩy ra, Có một thời điểm ngắn, ở đó, áp suất cân bằng, không âm không dương, khí bên trong phổi và ngoài phổi là một: kho trời chung mà vô tận của mình riêng (NCT).
Tự mỗi người phải thực hành và cảm nhận, tự thể nghiệm, tự chứng nghiệm.
“Pranasati…”
Đối với tôi, cụm từ bí hiểm mà có sức...hấp dẫn nhất là "hành thâm Bát Nhã" trong Tâm kinh: "Quán Tự tại Bồ tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”.
Bát nhã là gì? Ba la mật là gì? Làm sao mà có thể giúp "chiếu kiến ngũ uẩn giai không"? Tại sao các vị học Phật uyên thâm, các vị đại Thiền sư như Cưu-ma-la-thập, Huyền Trang lại không dịch mà chỉ phiên âm Bát-nhã ba-la-mật từ "Prajna paramità" của tiếng Phạn? Hẳn có điều chi khó nói. Nói không được. Nói không được bởi sợ nói không hết ý, còn có thể bị hiểu lầm, sinh chuyện! Cho nên các vị thận trọng, giữ nguyên âm, để mỗi người tự tìm lời giải đáp cho mình. Rồi "hành" là gì? "thâm" là gì? Cách nào? Một người thực sự tu hành thì chẳng ai cần thắc mắc lôi thôi như vậy. Nhưng một người bình thường, nhất là một người thầy thuốc như tôi, bị "méo mó" nghề nghiệp, không thể không mày mò tìm kiếm dù cho biết là "bất khả đắc"!. Có một "cơ chế' gì không? Có một "công thức" gì không, như của Einstein chẳng hạn để chuyển hóa vật chất thành năng lượng? Thử nhìn từ góc độ y sinh học, mối liên quan giữa thân và tâm, giữa Khí và Trí (Bát nhã) xem sao. Dĩ nhiên ta biết trí Bát nhã ở đây không phải là cái trí "thông minh", cái kiến thức tích cóp thông thường. Một người thông minh có thể dùng suy luận để hiểu duyên khởi, hiểu không, hiểu vô ngã, nhưng đó chỉ là cái hiểu bằng ý niệm, bằng khái niệm. Và như vậy, không thể "độ nhất thiết khổ ách" được! Bởi không, vô ngã ở đây phải là một trạng thái, một thứ thấy biết từ trong định, trong tuệ.
"Hiệu quả sẽ chứng minh- Edward Conzé, người dịch kinh Kim Cũng sang tiếng Anh hơn nửa thế kỷ trước nói vậy- chính trong đời sống hàng ngày, ta sẽ thấy hiệu quả?". Tôi cũng thấy vậy! Phải được kiểm nghiệm trong đời sống hằng ngày. Phật giáo không là một tôn giáo thần bí, một triết học viễn mơ, mà là một khoa học, thực nghiệm, thể nghiệm, gắn với đời sống con người, hạnh phúc con người. Phật dạy đừng bàn phiếm nữa. Thực hành đi, rồi tự thấy, tự biết. Hãy đến, thử rồi biết! Nó sẵn có đó rồi. Đừng tìm đâu cho mất công. Hãy quay về nương tựa chính mình. Nghe có vẻ lạ lẫm. Nhưng quả đúng như vậy. Bởi nói cho cùng, ai có thể thở giùm ai? Ai có thể "thiền" giùm ai? Ai có thể "quán" giùm ai? Chuyện xưa kể không ít trường hợp có người không tin, tìm đến Phật để tranh luận. Phật bảo xin ông làm ơn thử cách của tôi một thời gian, rồi sau đó hãy tranh luận. Thử xong, nhiều người quỳ xuống đánh lễ, xin làm đệ tử, không nhắc tới chuyện tranh luận nữa! Có vẻ đơn giản, nhưng thực ra không giản đơn chút nào, bởi phải hết sức miền mật, hết sức chăm chút. Phải thực sự "hành" và thực sự "thâm". Phải ngấm sâu vào "từng tế bào" của cơ thể để chuyển hóa thân tâm và từ đó có thể phát hiện ra bao điều kỳ diệu, không chỉ "diệt trừ khổ ưu mà còn "thành tựu chánh trí". Dĩ nhiên cần có khá nhiều điều kiện hỗ trợ. Bởi luôn luôn gặp vô số những trở ngại cần phải vượt qua. Mà, trở ngại lớn nhất chính là muốn "thủ đắc", trong khi nó vốn "vô sở đắc".
Quán niệm hơi thở (Nhập tức xuất tức niệm) chỉ là bước đầu dẫn đến Định, nhưng để vượt qua, đến Tuệ thì còn phải quán niệm ở những tầng sâu hơn, xa hơn. Trong nhịp thở bình thường của chúng ta, trước mỗi giai đoạn thở vào và thở ra có một quãng lặng, nghỉ "xả hơi". Quãng lặng "xả hơi" đó ở cuối thì thở ra - trước khi thở vào trở lại- thường kéo dài hơn, thong dong hơn, nhẹ nhàng hơn, yên tĩnh hơn. Đó chính là giai đoạn "prana". Pra có nghĩa là trước và ana là thở vào (cũng có nghĩa là sau thì thở ra). Về sinh học đây là giai đoạn áp suất trong phổi bằng không (zéro). Lúc đó khí trong phổi và khí vũ trụ chan hòa thành một, không phân biệt. Prana đã được biết đến từ xa xưa. Yoga của ấn Độ, khí công bên Trung Quốc, cũng như y học Đông phương cổ đại đã nói đến. Trong yoga có pranayama, kiểm soát hơi thở. Trong thiền định, không phải là vấn đề kiểm soát hơi thở mà hơi thở sẽ tự kiểm soát? Hành giả chỉ "mượn" quán niệm hơi thở để dẫn đến định và những quán tưởng sâu xa hơn. Đến một lúc nào đó hành giả không cảm nhận mình đang thở nữa! Đó chính là khoảng lặng. Sự an tịnh. Sự hòa tan. Sự tan biến. Có thể nói đến một "pranasati" ở đây chăng?
Phổi như một cái máy bơm "phình xẹp" để đưa khí vào ra là nhờ có áp suất thay đổi. Khi áp suất âm trong phổi và các phế nang thì khí bên ngoài tự động tràn vào, tuôn vào, lấp đầy các phế nang, cho đến một lúc lượng khí bên trong phổi đầy dần lên thì chuyển sang áp suất dương, phổi đẩy khí ra. Lúc áp suất cân bằng nhau, hay nói cách khác, bằng "zéro" thì khí bên trong và bên ngoài hoàn toàn giống nhau. Lúc đó chính là quãng lặng, giai đoạn "xả hơi" sau mỗi lần hít thở, và không hề tốn năng lượng. Những vị thiền sư giàu kinh nghiệm (thiện xảo) thường nói đến giai đoạn thở mà như không thở, gần như ngưng thở khi vào sâu trong định. Ở đây họ đã không còn ý niệm gì về hơi thở, về không gian, thời gian, về ta, về người... Hình như đã hòa nhập vào tất cả, với tất cả, lắng đọng, thanh thoát. Tiến trình hô hấp vẫn diễn ra sâu trong các tế bào, nhưng ở mức thấp nhất, nhẹ nhàng nhất, vì nhu cầu sản xuất năng lượng không đòi hỏi cao nữa! Lúc đó cơ thể như cánh chim lượn bay, không phải vỗ cánh, như xe đang ở số không, ngon trớn, chạy không tốn xăng. Phải chăng đó là lúc thiền giả ở trong một trạng thái sảng khoái, dễ chịu gọi là hỷ, lạc. Nhưng nếu dừng lại ở đây thì chưa phải là thiền Phật giáo. Thiền Phật giáo còn tiến xa hơn thế.
Bầu khí quyển chúng ta thở hôm nay so với cách đây 700 triệu năm - tức là khi có những sinh vật đơn bào đầu tiên trên trái đất- nói chung cũng chẳng khác biệt chút nào! Với người anh em đơn bào cách đây 700 triệu năm thì ta cũng cùng hút chung một thứ khí, cùng bú chung một "núm vứt vũ trụ, cùng với muôn loài khác nữa.
Khoa học đã chứng minh chuyển hóa cơ bản trong thiền thấp hơn cả trong giấc ngủ. Do vậy mà các thiền sư không có nhiều nhu cầu về các chất dinh dưỡng được cung cấp bởi thức ăn. Định và Giới gắn bó chặt chẽ với nhau là vậy?
Đời sống tiết độ, tri túc, kham nhẫn, tỉnh giác…phải chăng có thể góp phần giải quyết những vấn đề sức khỏe thời đại của chúng ta hôm nay?
Nguồn: Chẳng cũng khoái ru? - NXB Văn Nghệ
CÓ MỘT NGHỆ THUẬT NGỦ - BS. Đỗ Hồng Ngọc
(05/26/2010 02:37 PM) (Xem: 22478)

CÓ MỘT NGHỆ THUẬT NGỦ
BS. Đỗ Hồng Ngọc

Có người nói ngủ chiếm một phần ba cuộc đời, uổng phí quá! Đừng ngủ thì lợi hơn! Nhưng lợi đâu không thấy chỉ thấy mất ngủ vài ba đêm thì đầu óc không sảng khỏai để làm việc, năng suất thấp, mất ngủ lâu dài hơn thì dẫn tới bệnh tâm thần và cuối cùng thì thay vì cuôc sống dài ra lại bị rút ngắn đi một cách đáng tiếc! Không biết tại sao ngày càng có nhiều người mất ngủ trên thế giới phẳng này! Thuốc ngủ là một trong những thứ thuốc bán chạy nhất hiện nay trên thế giới.
Hình như đời sống ngày càng bận rộn, ngày càng náo động, ngày càng bất an, đầy “điên đảo mộng tưởng” thì con người ngày càng mất ngủ. Và đó cũng là lý do tại sao ngày người ta càng cần tới…Thiền. Phải, chỉ có thiền mới có thể “cứu rỗi” một thế giới đầy náo lọan như vậy! Thiền cũng có thể thay cho… ngủ, dù  thiền không phải là ngủ, trái lại thiền là tỉnh giác. Thế nhưng, về mặt sinh học, thiền tiêu hao năng lượng rất ít, ít hơn cả giấc ngủ, nhờ đó tiết kiệm đựơc năng lượng, không phải tiêu hao cho cái tâm náo động. Khi tâm được an, “an tịnh tâm hành” thực sự thì năng lượng tiêu hao giảm hơn một nửa.  Nhưng không phải ai cũng thành công với thiền nên “một nghệ thuật ngủ” là cần thiết để giảm bớt… thuốc ngủ!
Có một “nghệ thuật… ngủ” như sau: Khi nào buồn ngủ thì đi ngủ ngay. Cư trần lạc đạo thả tùy duyên. Cơ tắc xan hề khốn tắc miên! Đừng ráng. Ráng thì khó mà dỗ lại giấc ngủ!  Chưa buồn ngủ thì kệ nó, việc gì phải ngủ! Cơ thể sẽ biết cách tự điều chỉnh, nghĩa là biết cách ngủ bù! Tiếng Việt ta thiệt hay. Không nói mắc ngủ mà nói “buồn ngủ”? Vì buồn mới dễ ngủ. Vui khó ngủ. Vui là kích thích, là hào hứng, là rộn rả. Thở gấp, tim đập nhanh, huyết áp tăng. Buồn, mọi thứ xìu xuống. Giảm kích thích. Thở chậm, tim đập chậm và huyết áp cũng giảm. Cho nên cách dỗ giấc ngủ tốt nhất là làm cho cơ thể rơi vào trạng thái “buồn”. Đó là cách tách “thân xác” ra khỏi “thân hơi”. Buông xả toàn bộ thân xác, như rả nó ra, xì nó xuống, làm cho nó xẹp lép, hết căng. Đặt tay chân trong tư thế tự nhiên không gò ép, miễn dễ chịu. Khi “thân xác” đã xẹp lép, lửng lơ như vậy rồi thì tập trung chú ý tới “thân hơi”, tức là hơi thở của ta. Không cần phải cố gắng điều khiển hơi thở, ráng sức điều hoà hơi thở chi cả. Bởi còn ráng, còn cố gắng thì còn căng, không gọi là buông xả đựơc!  Cứ để “thân hơi” tự nhiên, nó sẽ biết lúc nào vào lúc nào ra, lúc nào nhiều lúc nào ít.  Nó có cơ chế điều chỉnh tự động tùy nồng độ dưỡng khí (O2) và thán khí (CO2) tác động lên trung khu hô hấp ở hành tủy. Vậy là ta rơi vào…giấc ngủ lúc nào không hay!
Cái khó lúc mới tập là ta thường dễ bị tràn ngập bởi những ý tưởng này nọ, những tính toán, những giận hờn, những âu lo… làm ta sôi lên. Mà đã sôi lên thì có trời mới ngủ đựơc! Lúc đó nếu ta biết cách dùng thân hơi “dụ” thân xác, bằng cách tập trung theo dõi xem thân hơi đang dở trò gì, xì xọp ra sao, nhanh chậm, nhiều ít ra sao một lúc ta sẽ cắt đứt được dòng nghĩ tưởng. Thần kinh của ta trong cùng một lúc không thể nghĩ đến hai việc. Đã nghĩ việc này thì quên việc kia. Khi ta nghĩ đến thân hơi, tập trung quan sát nó, thì ta đã đánh lạc hướng những cái nghĩ tưởng khác. Đã có người khuyên nên dỗ giấc ngủ bằng cách đếm sao trên trời hoặc nghĩ đến một dòng sông tuổi thơ, một bãi biển vắng người…! Thật ra đếm sao cũng còn căng thẳng, mất công nhớ số; nghĩ đến dòng sông tuổi thơ thì nhớ chuyện tắm ở truồng… Cứ chuyện này dắt chuyện kia mãi không ngớt. Chỉ có cách tìm một cái gì đó thật trung tính, không tạo kích thích thì đó là cách quan sát thân hơi. Thân hơi sẵn có, không phải tìm kiếm đâu xa, ngay trước mũi mình, cũng không đòi nghĩ tưởng gì cả. Bởi ta phải thở bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Thở ở trong ta mà như ở ngoài ta, chẳng cần ta, chẳng có ta. Thử hít một hơi thiệt dài, thiệt mạnh, thiệt sâu xem sao? Chỉ một lúc là đầu váng mắt hoa, phải tự động thở ra ngay, không muốn không được. Thử thở ra một hơi thiệt dài, thiệt mạnh, thiệt lâu xem sao! Chỉ một lúc là nó tự động thở vào, không muốn không đựơc! Nói cách khác, cái “thân hơi” đó nó tự ý, tự động. Do đó, ta có thể dùng thân hơi như một công cụ để … dụ thân thể quên đi tất cả những chuyện khác. Mà đã quên thì hết căng, hết căng thì xìu, xìu thì…buồn, buồn thì…ngủ vậy!
BS Đỗ Hồng Ngọc

THỞ VÀ THIỀN BS. Đỗ Hồng Ngọc (10/29/2012 09:44 AM) (Xem: 341)
LUÂN HỒI SANH TỬ - BS. Đỗ Hồng Ngọc (05/26/2012 02:43 PM) (Xem: 8059)
● Gọi chiều nước lên… ĐỖ HỒNG NGỌC (01/09/2012 07:07 PM) (Xem: 2392)
NGHĨ TỪ TRÁI TIM Đỗ BS Hồng Ngọc (06/02/2011 01:42 PM) (Xem: 7837)
GƯƠM BÁU TRAO TAY Đỗ Hồng Ngọc (06/01/2011 06:48 PM) (Xem: 14188)
THỞ ĐỂ CHỮA BỆNH - BS. Đỗ Hồng Ngọc (11/05/2010 10:07 AM) (Xem: 15735)
THIỀN và SỨC KHỎE - BS. Đỗ Hồng Ngọc (11/05/2010 09:57 AM) (Xem: 36053)
THỞ và THIỀN - BS. Đỗ Hồng Ngọc (11/05/2010 09:48 AM) (Xem: 30575)
KHOẢNG LẶNG TRONG TÂM HỒN Đỗ Hồng Ngọc (09/04/2010 03:47 AM) (Xem: 24202)
CÓ MỘT NGHỆ THUẬT NGỦ - BS. Đỗ Hồng Ngọc (05/26/2010 02:37 PM) (Xem: 22478)



No comments:

Post a Comment

quangnm