Tuesday, January 6, 2015

Top 5 máy ảnh du lịch vừa túi tiền

Top 5 máy ảnh du lịch vừa túi tiền

Minh Đoàn



(PCWorldVN) Bạn tính mua một chiếc máy ảnh du lịch mới nhưng hiện phân vân trước quá nhiều lựa chọn về nhãn hiệu, tính năng và đặc biệt là giá. Hãy tham khảo 5 mẫu sau đây.

Nếu đang có nhu cầu tậu một chiếc máy ảnh (camera) cho chất ảnh đẹp, thiết kế gọn nhẹ để tiện mang theo bên mình trong những chuyến du lịch dài ngày, hãy thử điểm qua 5 sản phẩm được PC World Vietnam đề cử sau đây.
Tất cả 5 mẫu máy ảnh này đều được nhập khẩu, phân phối chính hãng tại Việt Nam.
Canon Powershot SX400IS
Canon Powershot SX400IS, Samsung WB50,Sony Cyber-shot DSC-WX80,Fujifilm FinePix S4500, Carl Zeiss,
Canon Powershot SX400IS.
Dòng máy ảnh siêu zoom của Canon vẫn giữ một vị trí khá tốt trong thị trường máy ảnh du lịch. Canon Powershot SX400IS được trang bị công nghệ ZoomPlus, với góc rộng 24mm và khả năng zoom quang học lên đến 720mm (30x) hoặc 1.440mm với zoom số.
Canon Powershot SX400IS trang bị bộ xử lý hình ảnh Digic 4+ vốn có tốc độ lấy nét và hiệu năng cao hơn 30% so với bộ xử lý Digic 4 tiêu chuẩn. Máy sử dụng cảm biến CCD, độ phân giải 16MP và tích hợp hệ thống ổn định hình ảnh mới có khả năng loại bỏ hiện tượng rung hình bằng cách phân tích chuyển động của cả máy và vật chụp.
Là đại diện thuộc dòng camera phổ thông dành cho người dùng mới làm quen với nhiếp ảnh nên Powershot SX400IS không có chế độ tùy chỉnh bằng tay và không hỗ trợ định dạng ảnh RAW. Tuy nhiên, máy vẫn được tích hợp vài tính năng cao cấp ở một số máy ảnh du lịch Canon khác như Hybrid Auto hay Creative Shot, cũng như tính năng Program Mode.
Giá tham khảo: 3,99 triệu đồng
Sony Cyber-shot DSC-WX80
Canon Powershot SX400IS, Samsung WB50,Sony Cyber-shot DSC-WX80,Fujifilm FinePix S4500, Carl Zeiss,
Sony Cyber-shot DSC-WX80
Sony Cyber-shot DSC-WX80 trang bị cảm biến Exmor R CMOS độ phân giải 16.2MP, ống kính Carl Zeiss Vario-Tessar 28-224mm với khẩu độ tương ứng f/3.3-6.3. Ống kính có khả năng zoom quang học 8x và được hỗ trợ tính năng ổn định quang học Optical SteadyShot (Active Mode) để hình ảnh và phim không bị nhòe ngay khi chụp hay quay ở khoảng cách xa.
Màn hình LCD phía sau máy có kích thước 2,7 inch và độ phân giải 230K-dot, khá thấp so với các dòng máy cùng phân khúc. Chiếc máy ảnh này đạt tốc độ chụp khá nhanh (10 khung hình/giây) trong khi vẫn giữ cho chủ thể cần chụp được lấy nét liên tục.
Máy cài sẵn nhiều hiệu ứng hình ảnh, với ví dụ như Beauty Effect cho phép tút lại hình ảnh chân dung mịn màng hơn, làm trắng răng, mở rộng đôi mắt chủ thể... Sony Cyber-shot DSC-WX80 cũng cho phép quay phim Full HD 1080/60i.
Samsung WB50
Samsung WB50.
Samsung WB50F sử dụng cảm biến hình ảnh CCD (1/2,3 inch), độ phân giải 16,2MP với độ nhạy sáng ISO 80-3200. Trước cảm biến này là ống kính zoom quang học 12x với tiêu cự góc rộng 24mm và tele đạt 288mm, độ mở tối đa tương ứng với các dải tiêu cự là f/3.1 và f/6.3.
Samsung WB50F được tích hợp bộ ổn định hình ảnh quang học giúp giảm thiểu tình trạng ảnh chụp bị nhòe do rung tay, ngoài ra máy còn được trang bị màn hình LCD 3.0-inch 460K-dot.
Máy hỗ trợ các chế độ chụp chọn cảnh như Landscape, Action Freeze, Silhouette, Sunset, Fireworks, Light Trace, Beauty Face, Night và Macro, kèm theo đó là khả năng ghi hình với các tùy chọn độ phân giải như HD (1.280x720 pixel; 720p), VGA (640x480) và QVGA (320x240). Tất cả đều được quay ở tốc độ 30 khung hình/giây.
Samsung WB50F trang bị kết nối mạng Wi-Fi không dây với hỗ trợ xem ảnh từ xa và giao tiếp NFC giúp dễ dàng kết nối với các thiết bị Android.
Giá tham khảo: 3,19 triệu đồng
Fujifilm FinePix S4500
Canon Powershot SX400IS, Samsung WB50,Sony Cyber-shot DSC-WX80,Fujifilm FinePix S4500, Carl Zeiss,
Fujifilm FinePix S4500.
Fujifilm FinePix S4500 được trang bị công nghệ cảm biến CCD độ phân giải 14MP và ống kính zoom quang 30x tiêu cự 24-720mm, khẩu độ tương ứng f/3.1-5.9. Máy được trang bị kính ngắm điện tử (dòng kính ngắm thường bị các nhà sản xuất khác bỏ qua ở mức giá này), kết hợp với đó là màn hình LCD 3.0 inch độ phân giải 230K-dot.
Chế độ chụp ảnh phong phú với khả năng tùy chỉnh bằng tay và 17 chế độ cảnh để lựa chọn như Portrait, Snow, Beach và Sunset, một số tính năng bổ sung như nhận diện khuôn mặt đang cười hay chế độ chụp tự nhiên với đèn flash.
Fujifilm FinePix S4500 cho phép quay phim HD 1.280x720 với tốc độ 30 khung hình/giây.
Giá tham khảo: 3,99 triệu đồng
Nikon Coolpix L610
Canon Powershot SX400IS, Samsung WB50,Sony Cyber-shot DSC-WX80,Fujifilm FinePix S4500, Carl Zeiss,
Nikon Coolpix L610.
Nikon Coolpix L610 được trang bị cảm biến hình ảnh CMOS BSI độ phân giải 16MP với hiệu năng vượt trội trong việc thu nhận ánh sáng vào. Ống kính zoom 14 với dải tiêu cự từ 25-350 mm và được tích hợp bộ ổn định hình ảnh. Ống kính có thành phần tán xạ thấp giúp cải thiện lượng sáng truyền qua, hiện tượng tối đa hiện tượng đốm ảnh, lóe sáng và bóng mờ.
Máy còn được trang bị hệ thống chống rung (VR) trên ống kính, tính năng tự động dò tìm đối tượng cần chụp (Target Finding AF). Tuy nhiên, điểm đáng chú ý của tính năng Target Finding AF này không chỉ hỗ trợ tự động nhận diện và lấy nét trên chủ thể nằm ở trung tâm khung hình mà còn có tác dụng cả khi chủ thể nằm ở những vị trí khác.
Nikon L610 được trang bị màn hình LCD 3.0 inch độ phân giải đạt 460K-dot tích hợp công nghệ 3D cho phép bạn xem lại ảnh đã xem thật dễ dàng ở mọi góc độ mà không lo bị chói hay lóa. Máy ảnh còn có khả năng quay phim Full HD 1080p với tốc độ 30 khung hình/giây.
Giá tham khảo: 3,2 triệu đồng

Mua máy ảnh gì cuối năm đón tết

Thạch Anh



(PCWorldVN) Máy compact – PnS nhỏ gọn dành cho người dễ tính trong khi máy DSLR thích hợp với người coi trọng chất lượng ảnh. Mirrorless không gương lật là sự trung hòa của cả hai loại trên.

Khi đặt ra câu hỏi "nên mua máy ảnh gì?" thì với hàng trăm mẫu sản phẩm đang có trên thị trường để lựa chọn, thông tin về hình dạng, kích thước, tính năng của những chiếc máy mới nhất sẽ khiến bạn choáng ngợp. Sau những thông số đó thì đến phần giá cả sẽ quyết định việc nên mua loại nào.
Bạn muốn một chiếc máy nhỏ gọn và cơ bản để ghi nhận những khoảnh khắc trong cuộc sống thì ngoài smartphone ra còn có thiết bị nào phù hợp hơn? Một chiếc máy bỏ túi hay máy không gương lật, hoặc có thể chiếc DSLR hầm hố cho chất lượng ảnh cao? Sau đây là những lưu ý để có thể mua một chiếc máy ảnh phù hợp nhu cầu của bạn với mức giá tốt nhất.
Máy ảnh compact
Những chiếc máy ảnh nhỏ với ống kính gắn liền thường được gọi là máy "compact". Hầu hết các máy này được thiết kế để sử dụng bởi những người “lười”, chỉ có việc ngắm và bấm. Trên thị trường Việt Nam thì dường như dòng máy ảnh này đang dần thu hẹp thị phần bởi sự tiện dụng vượt trội của smartphone. Các hãng như Fujifilm,Canon, Sony hay Nikon vẫn đang còn duy trì dòng sản phẩm này với những tính năng, công nghệ mới như kết nối Wi-Fi hay khả năng zoom quang học 10x, 20x. Bạn có thể cân nhắc các sản phẩm IXUS của Canon với tính thời trang cao hay FinePix (mã F,T,J) của Fujifilm với cảm biến hình ảnh tốt, DSC-WX của Sony với công nghệ và ống kính chất lượng cao... Mức giá trung bình của loạt sản phẩm này từ 3-7 triệu.
Canon Powershot N có phong cách thiết kế thời trang
 
Trong dòng sản phẩm máy ảnh nhỏ gọn cao cấp thì nổi bật nhất là Sony với những sản phẩm không còn mới trên thị trường như DSC-RX1R có cảm biến 35 mm Full-Frame, 24,3-megapixel Exmor có giá 65 triệu đồng. Dòng sản phẩm hạng sang này có mức giá “trên trời” nhưng vẫn được nhà sản xuất đưa ra thị trường để làm thương hiệu cũng như phục vụ cho một số đối tượng hẹp. Với mức giá thấp hơn thì bạn có thể cân nhắc các sản phẩm khác có chất lượng hình ảnh cao như PowerShot N2 phong cách của Canon (6 triệu), Coolpix A cổ điển của Nikon (15 triệu) hay cảm biến hình ảnh mạnh mẽ Fujifilm X30 (13 triệu).
Máy ảnh ống kính rời
Khi cảm thấy bị giới hạn bởi những tính năng của máy ảnh PnS (máy compact) thì bạn đã có lý do chính đáng để xem xét mua một chiếc máy ảnh DSLR hoặc mirrorless (không gương lật). Những dòng máy ảnh này được trang bị cảm biến hình ảnh lớn hơn nhiều, chất lượng hình ảnh cao, tiện điều khiển bằng tay, hiệu suất cao và rất linh hoạt trong việc chuyển đổi ống kính.
Tuy nhiên để đạt được những điều đó thì chi phí đầu tư vào cuộc chơi DSLR hay mirrorless là khá lớn, nhất là khi bạn muốn bổ sung thêm nhiều ống kính. Cần phải nhớ rằng bạn đang mua không chỉ máy ảnh, mà sẽ phải theo đuổi và quan tâm đến nhiều món đồ, phụ kiện liên quan khác, chẳng hạn như ống kính các loại, đèn flash...
Dưới đây là những khía cạnh quan trọng nhất cần xem xét khi bạn quyết định mua một máy ảnh có thể hoán đổi ống kính.
Điểm ảnh
Số megapixel cao không có nghĩa là chất lượng hình ảnh tốt hơn.Tuy nhiên, số điểm ảnh lớn cho phép bạn linh hoạt hơn khi cắt cúp hoặc phóng to hình ảnh. Hiện nay, hầu hết các máy ảnh cung cấp độ phân giải ít nhất là 10 megapixel. Độ phân giải này là quá mức cần thiết đối với nhu cầu thông thường về chụp ảnh của bạn. Cần lưu ý rằng số lượng điểm ảnh càng lớn thì file xuất ra trên thẻ nhớ hay lưu trữ trên đĩa cứng của máy tính càng chiếm nhiều chỗ hơn.

Cảm biến
Nhận biết về cảm biến hình ảnh khá quan trọng trong việc lựa chọn máy ảnh. Khi xem xét kích thước cảm biến, bạn sẽ đối mặt với những thuật ngữ như Four-thirds và Micro four-thirds, APS-C, full-frame, và nhiều hơn nữa.

Fujifilm X30 với cảm biến mạnh mẽ
Để phân biệt các loại cảm ứng, các nhà sản xuất dựa vào khung phim tiêu chuẩn của máy ảnh cơ chụp bằng phim nhựa 24mm x 36mm (máy phim 35mm). Hiện tại độ dài tiêu cự dành cho máy ảnh số thường được quy đổi qua định dạng 35mm. Các cảm biến APS-C tiêu chuẩn phổ thông hiện tại có sự quy đổi 1,5 lần so với định dạng 35mm. Điều này có nghĩa rằng ống kính 18-55mm kit đi kèm với hầu hết các máy ảnh số ống kính rời hiện nay được quy đổi thành 27-82,5mm.
Một bộ cảm biến lớn (về kích thước) sẽ có nhiều lợi thế hơn. Thành phần này của máy ảnh cho phép bạn kiểm soát tốt hơn độ sâu hay giảm thiểu độ nhiễu sáng của ảnh. Cảm biến 14 -megapixel của máy ảnh ống kính rời có kích thước điểm ảnh lớn hơn nhiều so với máy point-and-shoot cùng độ phân giải, giúp thiết lập độ nhạy sáng cao hơn, được đo bằng chỉ số ISO, mà không tạo ra nhiều hạt nhiễu sáng. Một ưu điểm nữa là diện tích bề mặt cảm biến lớn cho phép việc chuyển đổi màu sắc hoặc độ sáng mạnh mẽ khiến bức ảnh đạt được chiều sâu và tự nhiên hơn.
Cân nhắc trong việc lựa chọn cảm biến
 
Một số D-SLR cao cấp hơn như Canon EOS 6D (37,6 triệu) hay Nikon D610 (35 triệu) sử dụng cảm biến fullframe bằng kích thước phim 35mm. Những máy ảnh full-frame đắt hơn nhiều so với dòng máy sử dụng cảm biến APS-C.
Nếu bạn thấy mình đang có nhu cầu hướng đến máy ảnh full-frame trong tương lai, hãy cẩn thận trong việc mua ống kính. Một số ống kính được thiết kế chỉ để sử dụng với cảm biến APS-C. Canon với dòng ống kính APS-C của nó như là EF-S, trong khi ống kính fullframe là EF. Nikon có một cách tiếp cận tương tự, với ống kính APS-C DX và ống kính FX.
Hệ thống lấy nét và tốc độ chụp
Máy ảnh ống kính rời có một lợi thế lớn là hệ thống lấy nét và tốc độ chụp. Máy D-SLR và mirrorless hiện nay thường lấy nét rất nhanh và độ trễ màn trập gần như là không có.

Khả năng chụp liên tục được tính theo số khung hình mỗi giây. Ở mức tối thiểu, bạn nên tìm chiếc máy ảnh có thể chụp 3 khung hình mỗi giây, mặc dù trong lĩnh vực thể thao và ảnh động vật thì phải cần tốc độ cao hơn nhiều.
Canon 1200D với sự kết hợp của ống kính STM
 
Tất nhiên, các hệ thống tự động lấy nét cũng cần phải rất nhanh để có thể theo kịp với tốc độ khung hình. Máy D-SLR cơ bản như Nikon D3300 với ống kit có mức giá khoảng 10,5 triệu VNĐ là bước khởi đầu tốt. Hệ thống lấy nét với 11 điểm và tốc độ khung hình là 5fps cho phép D3300 Kit vượt trội hơn nhiều đối thủ cùng cấp. Ngoài ra có hơn 70 ống kính và phụ kiện giúp bạn có thể thoải mái lựa chọn và cân nhắc. Đối trọng với Nikon chính là EOS 1200D Kit (11,8 triệu) với hệ thống ống kính STM mới, có mức giá khoảng 12 triệu bao gồm ống kính kèm theo.
Các loại máy ảnh khác với tốc độ chụp tương tự và giá phải chăng thì còn phải kể đến Pentax K50 (11,5 triệu) và Canon 100D (12,6 triệu), trong đó Canon 100D vượt trội hơn ở khả năng kết nối Wi-Fi và màn hình cảm ứng.
Nikon D3300 với ống kit
 
Tuy nhiên ở phân khúc cao cấp hơn thì Canon đã đưa ra một giải pháp thú vị với công nghệ Dual Pixel AF được tích hợp vào cảm biến, cho khả năng lấy nét nhanh và đa dạng hơn. Điển hình là Canon 70D (27,2 triệu) vừa được giới thiệu vào quý 3/2014 vừa rồi.
Quay video
Quay video bây giờ là một tính năng tiêu chuẩn trong máy ảnh số. Khi mua máy ảnh thì ngoài việc tìm loại có tính năng tự động lấy nét liên tục trong khi quay, bạn cũng nên kiểm tra tốc độ căn nét tự động khi chụp bằng cách sử dụng liveview, vì nó có thể rất chậm. Một jack micro đầu vào là quan trọng nếu bạn có kế hoạch sử dụng chức năng video, mic ngoài cho phép ghi âm thanh tốt hơn nhiều so với micro tích hợp sẵn trên máy ảnh.

Lựa chọn máy ảnh nhỏ gọn ống kính rời
Bạn muốn tốc độ và hình ảnh chất lượng cao, nhưng không muốn mang theo mình một máy D-SLR nặng nề? Bạn có thể cân nhắc máy ảnh không gương lật cảm biến Micro Four Thirds có kích thước nhỏ hơn chút so với APS-C. Trong số các nhà sản xuất máy ảnh không gương lật có mặt tại thị trường Việt Nam, Olympus và Panasonic còn hạn chế về việc phân phối sản phẩm. Canon và Nikon thì không quá mặn mà với dòng sản phẩm này nên người dùng cũng không có nhiều lựa chọn từ 2 thương hiệu phổ biến tại Việt Nam. Còn lại Fujifilm và Sony là hai hãng đầu tư mạnh mẽ về sự đa dạng của sản phẩm.

Ưu điểm của dòng máy này là chất lượng hình ảnh tương đương so với máy DSLR, nhưng không quá ồn ào và cũng rất nhỏ gọn. Tuy nhiên hạn chế lớn nhất vẫn là hệ thống ống kính và hiệu suất xử lý chưa cao. Giá thành cao cũng là một trở ngại để tiếp cận người dùng phổ thông.
Máy ảnh không gương lật Olympus, Panasonic
Olympus và Panasonic cùng sử dụng chung hệ thống ống kính. Sự liên minh này cho phép người dùng dễ dàng lựa chọn ống kính chất lượng cao ở nhiều phân khúc.

Thân máy Olympus EM1 (30 triệu) không có ống kính đi kèm, có chất lượng hình ảnh tốt và trọng lượng nhẹ. Thiết bị này cho chất lượng video cũng khá ổn với ống kính cơ bản Olympus 40-150 mm F4.0-5.6 M. (3 triệu) hoặc cao cấp hơn thì sử dụng ống kính Leica 25mm f / 1.4 Micro 4/3 (13 triệu) của Panasonic. Nếu mức giá trên quá cao đối với bạn thì một lựa chọn khác đáng chú ý là Olympus EM5 (22 triệu) với thiết kế hoài cổ giống như các máy ảnh dùng phim cũ Olympus.
Olympus EM1 với hệ ống kính phong phú
 
Micro Four Thirds Lumix G - máy ảnh nhỏ gọn của Panasonic đã định hình thị trường từ năm 2008 và dòng máy GH đã tạo nên cuộc cách mạng trong nhiếp ảnh. Sản phẩm mới nhất trong dòng này, DMC-GH4 (43 triệu) là máy không gương lật đầu tiên quay video ở định dạng độ nét cao 4K, cho video ở độ phân giải 4.096 x 2.160 ở 24fps, định dạng được sử dụng trong nhiều bộ phim mới nhất Hollywood.
Máy ảnh không gương lật Fuji
Fuji X-T1 (27,5 triệu) là một lựa chọn sáng giá trong dòng máy ảnh không gương lật. Fujifilm nổi bật với hệ thống màu sắc chuẩn mực, kèm theo đó là kinh nghiệm sản xuất ống kính cho máy ảnh Hassleblad (dòng máy ảnh chuyên nghiệp) huyền thoại có thể khiến người dùng an tâm về chất lượng.

Fujifilm X-T1
Hệ thống kính ngắm trên máy ảnh này khá xuất sắc, việc điều khiển bằng tay ISO, bù trừ sáng và tốc độ màn trập không sử dụng hệ thống menu mang lại trải nghiệm mới. Ống kính dành cho người mới bắt đầu có thể là 18-55mm.
Ngoài ra máy ảnh Fujifilm X-E1 (14 triệu) cũng là một sự lựa chọn đáng chú ý khi máy này có khả năng quay video chất lượng rất tốt.
Máy ảnh không gương lật Sony
Máy ảnh không gương lật mới nhất của Sony A7s (48 triệu) với trang bị cảm biến full-frame duy nhất trên thị trường. Thiết bị này có khả năng ISO cao nổi tiếng khi có thể mở rộng lên đến 409.600. Ngoài ra, hệ thống Sony NEX được công nhận tại thị trường Việt Nam nhưng trong năm vừa qua hãng không có bổ sung một thiết bị mới nào. Thay vào đó Sony đã giới thiệu Alpha 3000, vẫn giữ được cảm biến APS-C, ống kính NEX gắn kết và hệ thống điều khiển tiên tiến nhưng thiết kế với một thân máy dạng SLR.

Sony A7s với cảm biến full-frame chuyên nghiệp
Lựa chọn ống kính và phụ kiện
Hầu hết người dùng bắt đầu không có nhu cầu nhiều về hệ thống ống kính, ngoài ống kính đi kèm (ống kit) thì bạn có thể cân nhắc một số chủng loại khác. Đầu tiên là một telezoom để bổ sung cho các ống kính 18-55mm tiêu chuẩn. Thường có ống zoom phù hợp, bắt đầu từ 55mm và lên đến 200mm hoặc 300mm, sẽ giúp bạn có được bức ảnh tốt hơn ở cự ly xa. Giá cho dòng ống kính này vào khoảng 4 - 6 triệu cho máy DSLR và 5 - 9 triệu cho máy mirrorless. Kế tiếp là ống kính có khả năng quy đổi ra tiêu cự 50mm trên cảm biến APSC-C phổ biến với dòng ống 35 mm. Hệ thống ống kính 35mm có mức giá khá cao và ổn định nếu mua đồ cũ. Ngoài ra ống kinh 50 f/1.8 giá rẻ là rất phù hợp với loại hình chân dung. Đèn flash cũng là một phụ kiện đáng cân nhắc với chi phí từ 4 - 12 triệu, cho phép tăng hiệu suất xử lý ánh sáng nhân tạo.
Kết luận
Nếu bạn muốn một máy ảnh chụp nhanh không đòi hỏi nhiều và dễ dàng mang theo thì lựa chọn dòng máy compact. Nhóm này cũng bao gồm nhiều phân khúc như dải zoom lớn hay dòng máy ảnh hi-end chất lượng cao. Đây là dòng máy ảnh có mức giá rộng nhất từ 3 triệu cho đến 65 triệu đồng.
Nếu bạn nghiêm túc về nhiếp ảnh, thì cần một hệ thống DSLR là lựa chọn tốt nhất tại thời điểm hiện tại. Còn máy ảnh không gương lật là sự kết hợp hoàn hảo giữa máy ảnh compact và máy ảnh DSLR, tuy nhiên giá thành và hiệu suất của loại này lại là điều cần phải cân nhắc.
 

PC World VN 12/2014
 

Mua máy ảnh DSLR: ống kính quan trọng hơn thân máy?

Nguyễn Thúc Hoàng Linh



Lỗi cơ bản thường gặp trong trường hợp người dùng chuyển từ dòng máy ảnh ngắm chụp lên DSLR là quá coi trọng thân máy và xem nhẹ vai trò của ống kính.
Bất kể bạn thuộc nhóm người dùng nào, việc chuyển từ dòng máy ảnh phổ thông sang DSLR là một sự đầu tư cả về chi phí lẫn chất lượng hình ảnh. Hai thành phần cơ bản của DSLR là ống kính và thân máy luôn nhận được sự quan tâm của mọi người dùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết người dùng mới đều phân chia khoản đầu tư của họ không hợp lý cho lắm. Lỗi cơ bản thường gặp trong trường hợp này chính là sự xem nhẹ vai trò của ống kính và thường khá tiết kiệm trong việc chọn mua thành phần quan trọng này. Liệu bạn có mắc phải hay không?
Lỗi này không hoàn toàn nằm ở phía người dùng. Những gì các nhà sản xuất đang làm cũng góp phần không nhỏ khiến xu hướng mua sắm của cộng đồng trở nên sai lệch. Những đợt quảng bá rầm độ về thân máy có số điểm ảnh nhiều hơn, mức ISO cao hơn, tốc độ chụp nhanh hơn cùng những tính năng hào nhoáng như quay phim HD hay biên tập hình ảnh… khiến cho tâm trí người dùng bị thu hút hầu hết vào thân máy. Hệ quả tất yếu là ống kính bị xem nhẹ và đôi khi biến mất hoàn toàn khỏi danh sách cân nhắc mua sắm. Vô số trường hợp mua máy DSLR mà chẳng hề có chút khái niệm nào về ống kính. Họ chỉ biết rằng mình mua Nikon D90 hay Canon EOS 600D mà ú ớ khi được hỏi ống kính nào đi kèm theo. Việc này sẽ tạo ra hậu quả như thế nào?
Dĩ nhiên việc bổ sung khả năng khử nhiễu trong cảm biến của máy ảnh hay cho phép máy ảnh xử lý hình ảnh ở độ phân giải cao là rất quan trọng nhưng chất lượng bức hình do cảm biến thu vào lại là kết quả trực tiếp của ống kính máy. Nói cách khác, nếu bạn nhìn cảnh vật qua ô cửa sổ mờ tịt hoặc bẩn thì mắt bạn có tốt mấy cũng khó mà thấy gì đẹp đẽ. Một ống kính chất lượng không cao sẽ tạo ra hình ảnh không nét hoặc màu sắc kém tươi tắn, thiếu chân thực hơn so với khả năng mà cảm biến máy ảnh có thể thu nhận được. Ngoài ra, dù máy ảnh của bạn có tốc độ chụp cực nhanh nhưng lại lắp vào ống kính có tốc độ lấy nét “rùa bò” thì bạn cũng chẳng thể thu được hình ảnh như mong muốn trong nhiều trường hợp. Do đó, dù thân máy của bạn có xịn đến đâu thì cũng là sự lãng phí lớn.
Thêm vào đó, các ống kính có thể đem lại những hiệu ứng hình ảnh mà không một phần mềm máy tính nào có thể giả lập tuyệt đối được, kể cả những thứ tưởng chừng đơn giản như bokeh (hiệu ứng nhòa mờ ở ngoài khoảng nét) hay hiệu ứng fisheye (mắt cá). Còn những lỗi thường thấy trên ống kính chất lượng thấp như viền tím hay loá sáng sẽ vô phương cứu chữa (hoặc sẽ làm bạn rất tốn công hậu kì).
Bản thân các loại thân máy DSLR cứ đến rồi đi theo chu kì từng năm trong khi các ống kính tốt chẳng mấy khi được nâng cấp mà vẫn vận hành hoàn hảo cả về mặt công nghệ lẫn chất lượng. Hầu hết dân ảnh không chuyên đều mua máy mới trong khoảng 18 đến 24 tháng còn các tay chuyên nghiệp thường có xu hướng nâng cấp trong từng năm. Trong khi đó, các ống kính thường theo họ nhiều năm liền (đôi khi tới hàng chục năm) không đổi. Vậy làm thế nào để nhận diện và đầu tư đúng vào ống kính tốt?
Về mặt chất lượng, những ống kính tốt nhất cho một dòng máy thường tới từ chính nhà sản xuất thân máy. Lấy ví dụ như bạn sử dụng Canon, các ống kính Canon (đặc biệt là dòng L) sẽ là lựa chọn tốt nhất. Trong khi đó với Nikon, bạn sẽ có các ống kính Nikkor. Tương tự như vậy, Zuiko là lựa chọn tốt với các dòng máy Olympus. Dĩ nhiên, những nhà sản xuất phụ kiện như Tamron hay Sigma cũng có những lựa chọn chất lượng tốt có thể thay thế ống kính “chính hãng” với mức giá rẻ hơn nhưng số lượng này không nhiều. Hầu hết các ống kính từ nhà sản xuất thứ ba như thế chủ yếu để giải quyết bài toán chi phí (giá rẻ hơn) hoặc tính năng (bù đắp những lựa chọn còn thiếu) mà thôi. Tựu trung, bốn đặc tính quan trọng nhất xác định chất lượng của ống kính mà bạn cần quan tâm bao gồm:
  • Chất lượng sản xuất (lắp ráp, vật liệu thân vỏ, các công nghệ hỗ trợ…)
  • Số lượng thấu kính được sử dụng
  • Độ mở khẩu của ống kính (f/stop)
  • Chất lượng thấu kính.
Bên cạnh đó, việc xác định nhu cầu chụp cũng sẽ đính hướng hiệu quả cho việc mua sắm của bạn. Những tay máy thường đam mê chụp ảnh chân dung sẽ thường hướng tới các dòng ống kính một tiêu cự (ống prime/fix) - không cho phép thay đổi tiêu cự (zoom). Hầu hết chúng sẽ nằm trong khoảng từ 85-200mm, điển hình như các sản phẩm 85mm f/1.8 hay 135mm f/2 của Canon. Bản thân mẫu 85mm f/1.2L của Canon hiện cũng được đánh giá là một trong những ống kính có tốc độ nhanh và sắc nét nhất hiện nay.
Các hãng thứ 3 cũng có những ống kính chất lượng tốt, có thể thay thế ống kính chính hãng, nhưng không nhiều.
Dĩ nhiên, không phải ai cũng “hợp” với ống kính với tiêu cự đơn. Những người chụp đời thường hoặc sự kiện như tiệc cưới hẳn sẽ hợp hơn với các loại 24-70mm f/2.8. Cả Canon và Nikon đều cung cấp lựa chọn này và chúng nhiều năm qua vẫn là lựa chọn chủ yếu hay thậm chí là “cần câu cơm” của những người dùng chuyên nghiệp. Với ống kính zoom nhóm này, điều quan trọng chính là độ mở khẩu nên cố định. Nhiều ống kính “kit” hoặc dòng phổ thông thường có tiêu cự thay đổi sẽ cho chất lượng kém hơn nhiều - đặc biệt là ở độ sắc nét của hình ảnh.Như ống kính 18-55 f/3.5-f/5.6 chẳng hạn. Con số này cho bạn thấy ở 18mm, độ mở khẩu lớn nhất của ống sẽ là f/3.5 trong khi ở 55mm, mức này chỉ còn là f/5.6 mà thôi. Nói cách khác, bạn không chỉ “phiền lòng” vì lượng ánh sáng ít ỏi đi qua ống kính khi zoom lên 55mm mà nhìn chung chất lượng tổng thể của ống kính chỉ ở mức trung bình so với các phiên bản có độ mở khẩu cố định.
Với nhiều người dùng mới làm quen DSLR, chi phí đầu tư cho ống kính dường như rất vô lý khi chúng có giá ngang - hoặc thậm chí còn đắt hơn cả thân máy. Tuy nhiên, bạn sẽ “mua gì, được nấy”. Có nhiều cách để bạn tiết kiệm tiền khi đến với thú vui nhiếp ảnh nhưng có lẽ bạn nên cân nhắc lại về ống kính. Chúng sẽ song hành với bạn lâu dài hơn bất cứ thân máy nào. Những ống kính chất lượng cao sẽ vận hành hoàn hảo cả chục năm và hơn thế nữa.

Hướng dẫn mua máy ảnh DSLR

Huy Thắng



Nếu không phải là dân chuyên nghiệp, bạn có thể tìm mua máy ảnh kỹ thuật số ống kính rời (DSLR) với giá dưới 1.000 USD. Nhưng làm thế nào để chọn đúng máy? Sau đây là vài hướng dẫn.
Đối với những nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, máy ảnh số ống kính rời DSLR (digital single lens reflex) là thiết bị cần thiết phải có. Loại máy ảnh này có hiệu năng nhanh hơn, kiểm soát được nhiều thiết lập hơn và có chất lượng hình ảnh tốt hơn so với ngay cả các loại máy ảnh ngắm - chụp PnS (point-and-shoot) hàng đầu. Điều quan trọng hơn là bạn có thể thay đổi ống kính của máy ảnh DSLR.
Nhờ những cải tiến gần đây, máy ảnh DSLR đang ngày càng được các nhà nhiếp ảnh nghiệp dư ưa chuộng. Các máy ảnh DSLR hiện nay có các chế độ chụp định trước, giao diện thân thiện, chế độ hướng dẫn hữu ích và có thiết kế gọn nhẹ hơn.
Bạn có thể tìm mua máy ảnh DSLR với giá dưới 1.000 USD (~21 triệu đồng). Nhưng đó vẫn là một khoản đầu tư đáng kể. Làm thế nào để chọn đúng máy? Sau đây là vài hướng dẫn mua máy ảnh DSLR nếu bạn đang tìm mua vào dịp nghỉ lễ năm nay.
Tìm hiểu những điều cơ bản
Sau đây là vài điểm chủ yếu phải xem xét trước khi chọn mua máy ảnh DSLR:
Số điểm ảnh: Số điểm ảnh megapixel (hay còn gọi là độ phân giải) cao chưa chắc đã cho chất lượng hình ảnh tốt hơn. Tuy nhiên, nó cho phép bạn linh hoạt hơn khi cắt cúp hay phóng to hình. Ngày nay, hầu hết máy ảnh số đều có số điểm ảnh ít nhất là 10-megapixel, nhiều hơn mức cần thiết đối với hầu hết các nhà chụp ảnh. Ảnh chụp ở độ phân giải 5-megapixel là đủ để in ra ảnh kích thước 8x10-inch rõ nét. Ảnh chụp 8-megapixel có thể in ra ảnh 11x14-inch rõ nét.
Một tập tin 10-megapixel có thể in ra ảnh 13x19-inch chấp nhận được dù có thể bị mất vài chi tiết. Ảnh chụp bằng máy ảnh 13-megapixel in ra đẹp với cỡ 13x19-inch. Nhiều máy ảnh DSLR ngày nay có độ phân giải cao hơn 13-megapixel - tốt hơn để phóng to và cắt cúp hình ảnh của bạn. Nên nhớ rằng số megapixel càng cao, dung lượng tập tin càng lớn, làm chiếm chỗ trên thẻ nhớ của máy ảnh và đĩa cứng máy tính của bạn.
Kích cỡ bộ cảm biến: Máy ảnh có bộ cảm biến lớn hơn và ống kính tốt hơn thường chụp được ảnh tốt hơn, không tính đến số điểm ảnh. Bộ cảm biến lớn hơn sẽ chụp được hình ảnh đẹp hơn, cũng giống trường hợp ống kính có chất lượng cao hơn; đây là lý do tại sao máy ảnh DSLR chụp được ảnh tuyệt vời đến thế. Nếu bạn không thể có dịp chụp thử máy trước khi quyết định có mua hay không, hãy nhớ kiểm tra đặc tả của máy để biết kích cỡ bộ cảm biến, và so sánh nó với một máy ảnh khác mà bạn cũng đang dự tính mua.

Ống kính là một thành phần rất quan trọng cho máy ảnh DSLR.
Hợp nhu cầu: Máy ảnh DSLR thường có giá từ 500 USD (~10,5 triệu đồng) đến hơn 1.000 USD (~21 triệu đồng). Nếu bạn mới sử dụng máy ảnh DSLR, hãy tìm mua các dòng máy dưới tầm giá 1.000 USD. Loại này có chế độ chụp định sẵn mà bạn có thể dùng, trong khi vẫn có thể tìm hiểu cách sử dụng các thiết lập thủ công mà hình ảnh bạn chụp không bị giảm chất lượng. Và nếu sau này bạn vẫn quyết định nâng cấp lên một máy ảnh đắt tiền hơn, bạn có thể mua máy có cùng kiểu ống kính và phụ kiện.Chỉ mua thân máy: Nhiều máy ảnh DSLR có thể được bán chỉ có thân máy và bạn cần phải mua thêm ống kính thích hợp để chụp ảnh. Các loại khác (nhất là các mẫu cấp thấp) cũng thường được bán với một ống kính đa năng chất lượng tương đối đi kèm. Các ống kính loại này thường có độ mở nhỏ, có nghĩa là khó chụp được ảnh hành động sắc nét trong điều kiện thiếu sáng mà không dùng đèn flash. Nếu bạn dự định chụp ảnh trong nhà, có lẽ bạn sẽ phải mua một ống kính có độ mở lớn hơn.
Lựa chọn ống kính: Nếu bạn muốn sử dụng nhiều ống kính để chụp trong các điều kiện khác nhau (như ống kính zoom để chụp xa, ống kính macro để chụp cận cảnh, hay ống kính có hiệu ứng mắt cá fish-eye), hãy xét chọn một ống kính cho máy ảnh DSLR trước khi mua máy. Nếu ống kính theo máy không hữu ích gì nhiều với bạn, bạn hãy mua thân máy rời và đầu tư riêng cho ống kính mà bạn thật sự cần.
Tính năng cần lưu ý
Khi đã giải quyết xong các điều cơ bản như số điểm ảnh và kích cỡ bộ cảm biến cần thiết, bạn nên giới hạn tìm kiếm trong số máy ảnh có thể chọn mua. Bạn nên quyết định tùy theo vài tính năng và hiệu năng kể sau.
Tính năng chống rung: Ngay cả khi bạn cho là mình có tay chụp rất vững, ảnh của bạn chụp ra cũng có thể bị nhòe - nhất là trong trường hợp chụp trong nhà, thiếu sáng mà bạn không muốn dùng đèn flash (như trong nhà thờ hay viện bảo tàng). Trong các tình huống này, cửa trập phải mở lâu hơn để tạo độ phơi sáng tốt. Cửa trập càng mở lâu, hình ảnh của bạn càng dễ bị ảnh hưởng do máy ảnh bị rung hay chủ thể chuyển động.
Để giải quyết các vấn đề này, nhiều hãng sản xuất máy ảnh và ống kính dùng công nghệ chống rung, hay còn gọi là ổn định hình ảnh (image stabilization). Nhưng các phương pháp chống rung đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng của nó.
  • Chống rung quang học: Được sử dụng trong các dòng máy ảnh nhỏ gọn và máy ảnh ống kính rời DSLR, tính năng chống rung quang học là phương pháp chống rung thông dụng nhất. Phương pháp này dùng con quay hồi chuyển trong máy ảnh hay trong ống kính của máy để phát hiện độ rung của máy, và sau đó ổn định đường đi của hình ảnh khi hình ảnh được truyền đến bộ cảm biến của máy ảnh. Trong các máy ảnh DSLR, con quay hồi chuyển thường được lắp đặt trong ống kính.
  • Chống rung cảm biến: Công nghệ này hoạt động tương tự như chống rung quang học: Với công nghệ chống rung cảm biến, các con quay hồi chuyển được đặt trong thân máy chứ không phải ở trong ống kính, sẽ phát hiện độ rung máy và sau đó làm chuyển động bộ cảm biến hình ảnh để làm mất tác dụng độ rung. Dù công nghệ này có áp dụng trên vài loại máy ảnh ngắm chụp, ổn định cảm biến được sử dụng nhiều hơn trong các máy ảnh SLR.
  • Chống rung kỹ thuật số: Khác với chống rung quang học và cảm biến, theo đó hình ảnh được chỉnh trong lúc chụp, phương pháp chống rung kỹ thuật số giúp làm hình ảnh rõ hơn bằng cách chỉ thay đổi các thiết lập của máy ảnh hay bằng cách sửa đổi hình ảnh sau khi chụp. Có nhiều phương pháp chống rung kỹ thuật số. Phương pháp hữu ích nhất là Intelligent ISO. Được dùng chủ yếu trong máy ảnh ngắm chụp, tính năng Intelligent ISO tự động tăng thiết lập độ nhạy sáng ISO khi bộ cảm biến hình ảnh phát hiện một vật đang di chuyển. Kết quả là máy ảnh sẽ có thể dùng một tốc độ trập nhanh hơn để chụp ảnh, như vậy sẽ làm ngưng được chuyển động của chủ thể và giảm thiểu được độ nhòe. Tuy nhiên, độ nhạy sáng cao có thể làm hình ảnh bị hạt.
Ống ngắm: Máy ảnh có 3 kiểu ống ngắm cơ bản: Ống ngắm quang (OVF - Optical viewfinder), ống ngắm điện tử (EVF - electronic viewfinder) và màn hình LCD ngắm trực tiếp. Hai kiểu đầu tiên là kiểu ống ngắm bằng mắt, trong khi kiểu thứ 3 cho phép bạn xem trước cảnh chụp trên màn hình LCD của máy. Hầu hết các máy ảnh DSLR đều có thêm màn hình LCD ngoài ống ngắm bằng mắt. Khi đánh giá máy ảnh, bạn nhớ xem ống ngắm có sáng hay không, bạn có thể thấy từ phía này sang phía kia, và độ nét của màn hình ống ngắm điều có trong rõ hay không.
  • Màn hình LCD ngắm trực tiếp (Live View): Xem hình ảnh trực tiếp trên màn hình LCD xoay được là một tính năng tuyệt vời cho người dùng mới làm quen máy ảnh DSLR, hay chụp từ vị trí dưới thấp hay trong các trường hợp khác mà bạn không thể ngắm qua ống ngắm. Nếu màn hình LCD không điều chỉnh được, màn hình Live View vẫn giúp bạn chụp ảnh khi đặt máy trên chân đế một cách thoải mái hơn. Không may là màn hình LCD có thể bị phản chiếu và chói nắng, khó xem trong môi trường sáng chói. Ngoài ra, trên hầu hết máy ảnh, khi chụp ở chế độ Live View, bạn phải mở gương máy SLR lên. Điều đó có nghĩa là máy ảnh mất tính năng chỉnh tự động. Để tính tiêu cự, máy phải phân tích hình ảnh máy đang thấy (mẫu máy A55 của Sony giải quyết vấn đề này với một loại gương mờ). Quá trình này lâu hơn chỉnh tự động bình thường, nên khi chụp với Live View bạn cần phải ước lượng các vấn đề tiêu cự và điều chỉnh kỹ thuật chụp của bạn cho thích hợp
  • Ống ngắm quang: Ống ngắm quang trên các máy ảnh DLSR cho thấy đúng những gì ống kính thấy được, nhưng thường hơi bị xén ở phần xung quanh. Nhiều nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp thích dùng ống ngắm quang vì chúng có đầy đủ dải động của mắt người, và không bị thời gian trễ. Mặc dù đôi khi có vẻ như bạn đang nhìn qua một đường hầm. Ống ngắm quang trên các máy ảnh trên 1.000 USD có chất lượng tốt hơn
  • Ống ngắm điện tử: Được dùng trên nhiều loại máy ảnh ống kính rời nhỏ gọn. Loại ống ngắm này ít choán chỗ trong máy ảnh có thân nhỏ hơn và nhẹ hơn. Đó là những hồi tiếp video được chiếu lên nên có thể có độ phân giải thấp. Chúng cũng không cho bạn thấy đầy đủ dải động của cảnh chụp, làm bạn khó quyết định sáng tạo về cách bạn muốn trình bày bức ảnh. Chúng cũng bị thời gian trễ có thể làm cản trở các nhà nhiếp ảnh thể thao. Những gì loại ống ngắm này có thể làm là cung cấp thêm thông tin và cho thấy trước hình ảnh sẽ chụp được ra sao với thiết lập khẩu độ, tốc độ trập và ISO của bạn.
Đèn flash: Khi mua máy ảnh DSLR, bạn phải biết máy có flash loại gì và bạn có thể kiểm soát thiết lập flash đến mức độ nào. Vài loại máy ảnh DSLR có tích hợp sẵn một flash nhỏ, các loại khác có giá để gắn flash rời vào máy, và có vài loại máy có cả 2. Nếu máy ảnh có giá gắn mà không có flash, hãy kiểm tra xem có flash gắn ngoài trong bộ phụ kiện hay bạn phải mua flash riêng.
Giá gắn flash rời.
Flash tích hợp sẵn rất tiện dụng, nhưng chất lượng không cao bằng flash gắn ngoài. Nếu bạn dự tính mua máy ảnh DSLR để chụp bình thường hay nếu bạn phải đi du lịch gọn nhẹ, bạn nên dùng flash tích hợp sẵn. Nếu bạn là nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp muốn cải thiện chất lượng ảnh chụp có flash của bạn – và không quan tâm đến trọng lượng của máy – hãy tham khảo ý kiến những người chuyên nghiệp và chọn mua máy có giá gắn flash rời. Bạn có thể gắn flash rời để chiếu sáng rộng hơn và xa hơn so với flash tích hợp, và có ánh sáng ổn định hơn. Loại flash này cũng có thể nâng đầu flash lên trên ống kính, giúp giảm tình trạng mắt đỏ. (Không nên sử dụng chế độ chống mắt đỏ của máy ảnh trong trường hợp này vì chế độ này dùng khó chịu hơn là hữu ích.) Vài loại flash rời có đầu xoay được cho phép bạn chiếu ánh sáng dội lên trần để tạo ánh sáng khuếch tán tự nhiên. Ngoài ra, flash gắn ngoài không làm hao pin máy ảnh vì chúng dùng nguồn pin riêng.Bạn nhớ kiểm tra xem máy ảnh bạn dự định mua có cho phép truy xuất nhanh chóng các chế độ flash khác nhau không, gồm chế độ Mở (chế độ này bắt flash phải chớp ngay cả khi máy ảnh phát hiện đủ sáng – chế độ này dùng để chiếu sáng phông nền), chế độ Tắt (để ngăn không cho flash chớp ngay cả trong trường hợp thiếu sáng), và chế độ Đồng bộ chậm Slow-Sync (còn được gọi là chế độ chụp đêm). Chế độ Đồng bộ chậm đặc biệt hữu ích vì nó báo cho máy ảnh sử dụng tốc độ trập thấp cùng với flash, nhờ đó chi tiết hậu cảnh sẽ không bị mất đi. Nếu chế độ này không thấy có trong các thiết lập flash, bạn hãy xem trong các chế độ được lập trình sẵn của máy. Vài loại máy ảnh cũng có thêm tính năng khóa phơi sáng flash FE Lock (Flash Exposure Lock) tiện dụng. Tính năng này dùng để báo cho máy ảnh biết hướng nào là quan trọng nhất của cảnh chụp và sau đó cung cấp đủ flash để chiếu sáng hướng đó.
Lấy nét tự động: Khi mua máy ảnh, bạn sẽ có nhiều thông tin về các hệ thống lấy nét tự động khác nhau. Điều này có nghĩa là chúng có thể phát hiện chủ thể trong nhiều phần của khung ảnh hơn. Điểm đánh giá càng cao càng tốt, nhưng tốc độ của cơ chế lấy nét tự động cũng quan trọng không kém. Nhưng các máy ảnh DSLR không có độ trễ cửa trập như nhiều camera ngắm chụp. Ngoài ra, khi lấy nét trên máy ảnh DSLR, bạn cần phải nhấn nút cửa trập nửa chừng và có thể mất nhiều thời gian trên nhiều loại máy ảnh. Nếu bạn đã có kinh nghiệm sử dụng máy ảnh DSLR trước khi mua máy, hãy kiểm tra tốc độ lấy nét tự động.
Lấy nét tự động liên tục là một tính năng tiện dụng khi bạn chụp ảnh các chủ thể đang di chuyển. Vài loại máy ảnh DSLR hiện nay cũng có tính năng lấy nét liên tục khi quay video. Đây là một tính năng tuyệt vời, nhưng nếu bạn quay video mà không dùng micro gắn ngoài, video của bạn có thể ghi được âm thanh từ ống kính đang chỉnh nét.
Kích thước máy: Máy ảnh DSLR thường có kích thước lớn hơn và nặng hơn máy ảnh ngắm chụp, nên quan trọng là máy cầm có thoải mái không. Một máy ảnh cầm thoải mái trong tay của người này, nhưng có thể là quá lớn hay quá nhỏ đối với người khác. Nếu bạn quan tâm về kích thước và trọng lượng, bạn nên mua máy ảnh nhỏ gọn có ống kính thay đổi được, loại này có thân máy nhỏ bằng loại máy ảnh ngắm chụp.
Tự động lau bụi: Nếu bạn phải thường thay đổi ống kính, hãy tìm mua máy ảnh DSLR có bộ phận làm sạch cảm biến trong. Bộ phận này giúp giữ sạch bộ cảm biến hình ảnh, và chống bụi. Nếu bạn thường dùng máy ảnh trong điều kiện ngoài trời khắc nghiệt, bạn sẽ cần phải làm sạch máy ảnh bằng cách thủ công.
Định dạng tập tin: Máy ảnh DSLR hỗ trợ các định dạng tập tin thô (RAW), đó là những tập tin chưa được xử lý. Tập tin RAW linh hoạt nhất để hiệu chỉnh khi bạn mở ảnh chụp trong phần mềm biên tập hình ảnh. Tuy nhiên, nếu máy ảnh là loại mới sản xuất, có thể bạn phải chờ có phần mềm biên tập của các hãng thứ ba, như Adobe và Apple, để hỗ trợ dịnh dạng RAW của máy. Máy ảnh DSLR cũng hỗ trợ định dạng JPEG mà tất cả các trình biên tập hình ảnh đều có thể đọc, bất kể ảnh được chụp bằng kiểu máy nào. JPEG nén dữ liệu thành tập tin thô có kích thước tập tin nhỏ hơn để không chiếm nhiều dung lượng lưu trữ, nhưng thường không cho chất lượng hình ảnh tốt.
Chế độ chụp liên tục: Nếu bạn chụp ảnh các sự kiện thể thao, trẻ em hay các chủ thể đang chuyển động nhanh, chế độ chụp liên tục sẽ cho ra hình ảnh khác biệt thấy rõ. Chế độ này cho phép bạn giữ nút cửa trập để chụp nhiều ảnh liên tục rất nhanh. Số ảnh bạn có thể chụp mỗi lần tùy thuộc hệ thống điện tử của máy ảnh. Và trong vài trường hợp, điều này còn tùy thuộc vào loại thẻ nhớ bạn sử dụng. Bạn có thể sẽ cần loại thẻ nhớ có tốc độ cao để tận dụng tốc độ chụp nhanh nhất của máy ảnh. Hãy nhớ xem xét đến yếu tố này khi quyết định mua máy. Để đạt hiệu quả, chế độ chụp liên tục phải bắt được hình ảnh ít nhất 3 fps (khung mỗi giây) hay nhanh hơn với độ phân giải cao nhất của máy.
Phát hiện khuôn mặt: Khi mở chế độ chụp liên tục, máy ảnh của bạn sẽ xác định vị trí các người trong ảnh chụp, điều chỉnh tiêu cự và độ phơi sáng cho các khuôn mặt đó. Dù việc này nghe có vẻ như là quảng cáo giả tạo, nhưng tính năng này hoạt động rất tốt và giúp bạn có cơ hội chụp ảnh đẹp trong các tiệc cưới hay sum họp gia đình. Thường thì tùy chọn này nằm trong trình đơn lấy nét tự động AF (autofocusing) của máy ảnh. Tính năng phát hiện khuôn mặt đặc biệt tiện dụng để chụp các ảnh đơn giản, khi bạn phải thao tác nhanh và do đó ảnh dễ bị chỉnh nét không đúng. Tính năng này cũng tiện lợi khi chụp có flash. Khi mở tính năng phát hiện khuôn mặt, flash sẽ không chiếu sáng cả phòng mà chỉ chiếu sáng vào người trong tầm chụp, giúp giảm hiệu ứng "nổ hạt nhân" (nuclear blast).
Quay video: Nhiều máy ảnh DSLR ngày nay đều có tính năng quay video, thường ở độ phân giải HD hay thậm chí là Full HD. Nếu bạn đã từng sử dụng máy quay video chuyên dụng, giờ đây bạn có thể sẽ cảm thấy hài lòng khi dùng máy ảnh DSLR với chất lượng quay video khá tốt. Và vì bạn có thể tận dụng nhiều ống kính, kể cả ống kính mắt cá (chụp ảnh lồi), bạn có thể đạt được các hiệu ứng video thú vị với máy ảnh DSLR. Nên nhớ là video cần nhiều dung lượng lưu trữ, nên bạn hãy có kế hoạch thích hợp.

Thẻ nhớ SDHC Class 6.
Lưu trữ: Nếu bạn đã có sẵn card lưu trữ mà bạn muốn dùng với máy ảnh mới của bạn, hãy kiểm tra xem nó có tương thích với máy mới mua hay không. Hầu hết máy ảnh bán trên thị trường ngày nay đều dùng card có định dạng SD (Secure Digital) hay SDHC (Secure Digital High Capacity). Card SDHC có giá đắt hơn, có dung lượng lưu trữ lên đến 32 GB, nhưng không tương thích với khe SD chuẩn. Cũng có một loại card định dạng mới là SDXC (Secure Digital Extended Capacity) hỗ trợ dung lượng lưu trữ lên đến 2TB; loại card này đắt tiền hơn nhiều và không tương thích với khe card chuẩn SD/SDHC.Ngoài dung lượng, cũng cần phải xét đến vấn đề tốc độ của thiết bị lưu trữ. Card SD và SDHC có liệt kê xếp loại giải mã (Decoding Class) về tốc độ ghi dữ liệu cho mỗi loại card. Số loại giải mã càng cao, tốc độ ghi càng nhanh. Nếu bạn dự tính quay video hay sử dụng chế độ chụp liên tục tốc độ cao, hãy tìm mua card ít nhất là loại Class 4 hay Class 6. Loại card có tốc độ cao nhất hiện nay là Class 10 với tốc độ ghi cam kết 10MB/s.
Trên thị trường hiện cũng có bán các loại định dạng khác. Vài loại máy ảnh hỗ trợ card MicroSD hay MicroSDHC, một phiên bản nhỏ hơn của định dạng card SD/SDHC nhưng không tương thích với khe SD cỡ lớn. Các loại máy ảnh Sony trước đây thường dùng thẻ nhớ MemoryStick (MS), và các loại máy ảnh Olympus đời cũ dùng định dạng card XD (eXtreme Digital).
Ngày nay, các loại máy ảnh mới của cả hai hãng Sony và Olympus đều có hỗ trợ card SD/SDHC. Ngoài ra, nhiều máy ảnh DSLR cao cấp có khe cho card CF (CompactFlash) kích thước lớn hơn. Khi mua thiết bị lưu trữ cho máy ảnh, bạn nên xem xét tất cả các tùy chọn này, nhưng dễ hơn hết là bạn nên mua card SD/SDHC chuẩn để có thể sử dụng với các loại máy ảnh.
Thời gian sử dụng pin: Máy ảnh thường sử dụng các loại pin sau đây: AA, alkaline hay NiMH sạc lại được; CRV3 dung lượng cao dùng một lần; hay pin sạc riêng của hãng. Vài loại máy ảnh kỹ thuật số dùng pin cạn kiệt rất nhanh – nhất là pin alkaline – gây tốn kém và bực mình. Thời gian sử dụng pin và giá cả không liên quan gì đến nhau; vài loại pin rẻ tiền lại có thời gian sử dụng lâu, trong khi ngược lại thì vài loại đắt tiền lại cạn pin nhanh. Dù gì đi nữa, tốt hơn là bạn nên mua pin dự phòng.
Trình đơn: Khi đánh giá máy ảnh, bạn nên xem xét có thể tiếp cận các thiết lập thông dụng như điều chỉnh độ phân giải, chế độ chụp nhanh, flash và độ phơi sáng dễ dàng không. Và bạn có dễ dàng xem lại các ảnh vừa chụp hay không. Nếu có quá nhiều nút, bạn sẽ phí thời gian để tìm hiểu mỗi nút dùng để làm gì. Nếu có quá nhiều trình đơn, bạn sẽ mất thời gian tìm hiểu chúng.
Máy ảnh nhỏ gọn ống kính rời: Loại máy ảnh này, hay còn gọi là CILC (Compact interchangeable lens camera), là loại sản phẩm mới nằm giữa máy ảnh DSLR và máy ảnh ngắm chụp cao cấp. Thiết kế của máy ảnh loại này không có gương lật như của DSLR và chuyển bộ cảm biến gần hơn về phía sau của ống kính. Không có gương lật sẽ làm thân máy nhỏ hơn, trong khi bộ cảm biến được chuyển gần ống kính hơn giúp thiết kế ống kính nhỏ hơn.
Máy ảnh ống kính rời nhỏ gọn NEX C3 của Sony.
Như vậy, máy ảnh CILC và ống kính có thể được làm nhỏ hơn nhiều so với máy ảnh DSLR truyền thống, trong khi vẫn có chất lượng hình ảnh của máy DSLR và linh hoạt sử dụng thêm ống kính. Tuy nhiên, loại máy này không có ống ngắm quang. Thay vào đó, vài máy ảnh loại này có ống ngắm điện tử, trong khi các máy khác (nhất là máy loại nhỏ hơn) không có cả ống ngắm điện tử và bạn phải tùy thuộc hoàn toàn vào màn hình LCD để ngắm.
Lời kết
Với tất cả các yếu tố kể trên để xem xét, khó có thể đề nghị loại máy nào là tốt nhất cho mọi người. Hầu hết đều phải tùy theo nhu cầu, thương hiệu, kích thước, kiểu chụp, sở thích cá nhân và quan trọng hơn hết là túi tiền của bạn.

Hướng dẫn mua máy ảnh ngắm chụp

Huy Thắng



Để mua một chiếc máy ảnh số ngắm chụp (Point-and-Shoot) phù hợp, trước hết bạn cần xác định kiểu máy muốn mua: kiểu cơ bản, siêu zoom, siêu zoom bỏ túi, kiểu chống va đập hay kiểu có khả năng chỉnh tay cao...
Rất khó giúp bạn chọn một trong số rất nhiều máy ảnh số đang có trên thị trường. Sau đây là vài gợi ý để bạn xem xét khi tìm mua máy ảnh ngắm chụp PnS.
Các kiểu máy ảnh ngắm chụp
Có rất nhiều loại máy ảnh ngắm chụp để bạn lựa chọn. Gói gọn lại, hãy bắt đầu bằng cách xác định kiểu máy bạn muốn mua: kiểu ngắm chụp cơ bản, kiểu siêu zoom (megazoom) hay loại siêu zoom bỏ túi, kiểu chống va đập hay kiểu có các khả năng điều khiển cao cấp.
Máy ảnh ngắm chụp cơ bản:
Máy ảnh số Sony CyberShot DSC WX5.
Máy ảnh ngắm chụp cơ bản là loại máy đơn giản cho người dùng chỉ muốn mua máy ảnh với mục đích lúc nào cũng có sẵn máy để chụp. Hầu hết loại máy này hiện nay cũng có khả năng quay video Full HD 1080p. Kỹ thuật tự động trong máy ngày càng tốt hơn, có nghĩa là các máy ảnh này cơ bản là tự vận hành, không có các nút điều khiển thủ công để tinh chỉnh trước khi chụp. Nhưng loại máy ảnh này thường có chế độ tự động và chọn cảnh rất tốt, giúp bạn chọn các thiết lập có sẵn trong máy thích hợp với ảnh bạn chụp.Loại máy ảnh này có cảm biến nhỏ, nên bạn đừng để bị lừa khi mua một máy ảnh không đắt tiền mà có số điểm ảnh rất cao. Tích hợp càng nhiều điểm ảnh vào một bộ cảm biến nhỏ thường dẫn đến tình trạng ảnh bị nhiễu hạt (noise), nhất là khi bạn chụp ở thiết lập ISO cao.
Dù không có tầm zoom quang xa như các máy ảnh đắt tiền hơn, nhưng loại máy ảnh ngắm chụp cơ bản có điểm mạnh ở tiêu cự góc rộng (lý tưởng là khoảng 28mm ở góc rộng). Tiêu cự góc rộng bổ sung này rất thuận tiện để chụp ảnh nhóm, tự chụp chân dung và ảnh phong cảnh.
Ưu điểm: Rất dễ sử dụng; không đắt tiền; đủ nhỏ để cho vào túi quần; thường có nhiều chế độ thiết lập sẵn để chọn cho phù hợp với chủ thể muốn chụp.
Khuyết điểm: Thường không có các điều khiển thủ công; chất lượng hình ảnh phần nhiều ở mức thường, nhất là trong điều kiện thiếu sáng; số điểm ảnh cao có thể không thật.
Máy ảnh ngắm chụp cao cấp (nhỏ gọn với khả năng điều khiển thủ công):
Không phải tất cả máy ảnh số ngắm chụp đều có thể đáp ứng được yêu cầu của một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp thích sử dụng máy ảnh số ống kính rời DSLR, nhưng máy ảnh ngắm chụp cao cấp thường được họ chọn làm máy phụ vì dễ mang theo bên người hơn. Loại máy này có các điều khiển thủ công để thiết lập khẩu độ, độ trập và độ nhạy sáng ISO, cho phép bạn tinh chỉnh trước khi chụp chi tiết hơn so với máy ảnh ngắm chụp cơ bản.
Loại máy này không có tầm zoom như của máy megazoom bỏ túi, nhưng chất lượng hình ảnh thường tốt hơn. Ảnh chụp không bị méo mó như thỉnh thoảng vẫn thấy trong ảnh chụp với ống kính zoom cao. Các máy ảnh này cũng thường có khẩu độ rộng hơn, nên bạn có thể có thể đạt được độ sâu trường nhìn lớn hơn và có thể chụp ở tốc độ trập cao hơn.
Ưu điểm: Chất lượng hình ảnh tốt hơn hầu hết máy ảnh có ống kính cố định; có các điều khiển thủ công để chỉnh thiết lập tốc độ và khẩu độ; dùng làm máy ảnh phụ tốt cho người dùng máy DSLR; công cụ học nghề tốt cho những người mới học nhiếp ảnh.
Khuyết điểm: Đắt tiền hơn máy ảnh ngắm chụp cơ bản; có thể phức tạp khó dùng hơn máy ngắm chụp cơ bản; tầm zoom quang nhỏ hơn.
Máy ảnh siêu zoom (zoom xa với ống kính cố định):
Máy ảnh siêu zoom (megazoom) không có tính linh hoạt để thay ống kính như của máy ảnh ống kính rời DSLR hay máy ảnh nhỏ gọn ống kính rời, nhưng đây là loại máy ảnh ống kính cố định linh hoạt nhất hiện có trên thị trường. Loại máy này được gọi là megazoom vì chúng có ống kính zoom quang từ 20 lần đến 30 lần, thường dùng để chụp ảnh góc rộng và chụp ảnh từ xa rất ấn tượng.
Hầu hết máy ảnh megazoom cũng có các điều khiển khẩu độ và độ trập thủ công giống máy ảnh DSLR, và cả tính năng chống rung hình ảnh tốt khi chụp zoom hết cỡ. Nhờ tính linh hoạt của ống kính, loại máy này dùng để chụp ảnh phong cảnh (máy có thể chụp cả ảnh góc rộng và chi tiết từ xa), chụp ảnh thể thao (bạn có thể ngồi trong đám đông nhưng vẫn chụp được cận cảnh các hành động trong trận đấu, và chụp ảnh thú vật (vì bạn không nên đến gần thú dữ).
Dù máy ảnh megazoom nhỏ hơn máy ảnh DSLR, nhưng nó có cùng kích thước như vài loại máy nhỏ gọn ống kính rời nên không thể để trong túi hay ví. Bạn cần có ba lô hay túi đựng máy riêng để mang theo.
Ưu điểm: Tầm zoom quang rất cao; có các điều khiển thủ công; thường có tính năng chống rung tuyệt vời; ống kính tốt hơn loại ngắm chụp cơ bản.
Khuyết điểm: Cồng kềnh hơn máy ngắm chụp; hơi đắt tiền; không nhỏ hơn nhiều so với máy ảnh ống kính rời.
Máy ảnh siêu zoom bỏ túi:
Nếu bạn thích máy ảnh megazoom linh hoạt với ống kính cố định, nhưng cũng muốn có một máy ảnh dễ mang theo người hơn, thì lựa chọn tốt nhất cho bạn là loại máy ảnh megazoom bỏ túi. Loại máy ảnh gọn nhẹ này có tầm zoom quang từ 10 lần đến 15 lần, và dù chắc chắn là loại này gọn nhẹ hơn loại megazoom cỡ lớn hay máy DSLR, có vài máy loại này không đủ nhỏ để đút vào túi. Tuy nhiên, máy cũng dễ mang theo trong túi xách hay ba lô.
Dù nhiều máy megazoom bỏ túi có các điều khiển thủ công cho khẩu độ và độ trập, nhưng không phải máy nào cũng có. Bạn nên nhớ kiểm tra phần mô tả máy nếu thích có những tính năng trên. Máy loại này thường có tính năng chống rung hình ảnh quang học rất tốt để hỗ trợ cho ống kính zoom tầm cao của máy.
Ưu điểm: Có tầm zoom quang rất cao trong dòng máy ảnh bỏ túi; dễ mang theo và linh hoạt; thường có tính năng chống rung hình ảnh tuyệt vời; nhiều máy loại này có các điều khiển thủ công.
Khuyết điểm: Vài máy hơi cồng kềnh; đắt tiền hơn máy ảnh ngắm chụp cơ bản; vài máy không có các điều khiển thủ công.
Máy ảnh ngắm chụp chống va đập:
Loại máy này rất cần thiết cho những người hâm mộ thể thao nguy hiểm, những vận động viên leo núi, thợ lặn, và những người vụng về tay chân. Trên thị trường hiện có vài loại máy ảnh có tính năng chống thấm nước, nhiệt độ thấp, sốc, va đập, bụi. Những loại này rất tuyệt để chụp ảnh dưới nước, mang theo ra bãi biển hay đi trượt tuyết.
Máy ảnh số Panasonic Lumix DMC-TS10 với tính năng chống sốc và nước.
Do dáng vẻ khác thường và nghèo nàn về tính năng, loại máy này không được chọn dùng khi di chuyển thường ngày. Chất lượng hình ảnh cũng không đồng nhất. Loại máy ảnh này rắn chắc, nhưng thường không có đặc tính quang học tốt nhất hay bộ cảm biến lớn nhất. Nhưng loại máy này rất bền, và yếu tố này có thể quan trọng hơn đối với vài người.
Ưu điểm: Chịu đựng được va đập, nước, băng tuyết và cát.
Khuyết điểm: Thường có ít tính năng hơn máy ảnh ngắm chụp chuẩn; đôi khi có chất lượng hình ảnh dưới mức trung bình.
Tính năng máy ảnh ngắm chụp
Khi đã xác định được kiểu máy ảnh mà bạn muốn, bạn nên giới hạn tìm kiếm về con số máy ảnh để dễ xoay xở hơn. Nếu máy ảnh của bạn khó điều khiển hay không có các khả năng điều khiển mà bạn cần, có thể bạn sẽ không dùng nó. Dưới đây là những tính năng cần có để giúp bạn quyết định.
Độ phân giải (hay còn gọi là số điểm ảnh): Như đã đề cập trong bài hướng dẫn mua máy ảnh kỹ thuật số DSLR, số điểm ảnh cao không có nghĩa là chất lượng hình ảnh sẽ tốt hơn. Thực vậy, vì bộ cảm biến của máy ảnh ngắm-chụp có kích thước tương đối nhỏ, nên trị số điểm ảnh cao hơn có thể ảnh hưởng bất lợi đối với chất lượng khi chụp ở môi trường ánh sáng yếu và có thể làm tăng độ nhiễu hình ảnh. Tuy nhiên, số điểm ảnh cao sẽ giúp bạn linh hoạt hơn khi phóng lớn hay cắt cúp hình ảnh. Nếu bạn muốn có ảnh 4x6-inch, máy ảnh với độ phân giải hơn 6 megapixel là phù hợp.
Zoom lớn: Hãy tìm zoom quang, không nên dùng zoom kỹ thuật số. Dù zoom số có tầm zoom dài hơn, nhưng chất lượng hình ảnh không tốt bằng zoom quang. Nếu bạn chọn máy ảnh có ống kính zoom dài (thường lớn hơn 5x), hãy nhớ rằng loại này cũng có tính năng chống rung hình ảnh quang để giúp giảm thiểu hiện tượng ảnh bị nhoè do máy bị rung.
Nếu bạn đang tìm một máy ảnh gọn nhẹ nhưng e rằng loại zoom 3x thông thường (tương đương với loại ống kính 35 - 105mm) sẽ không đủ, bạn nên mua máy ảnh có độ phân giải 8-megapixel hay cao hơn để bạn có đủ chỗ cắt cúp hình ảnh sau này. Nếu bạn thường chụp ảnh thiên nhiên hay thể thao, bạn có thể sẽ cần máy ảnh có ống kính zoom quang ít nhất 10x.
Ống ngắm: Ống ngắm quang rất thuận tiện khi chụp trong điều kiện ánh sáng chói, khi đó khó để thấy trên màn hình LCD. Tuy nhiên, nhiều máy ảnh nhỏ gọn chỉ dùng màn hình LCD để ngắm và không có ống ngắm quang. Thường thì màn hình LCD càng lớn càng tốt. Vài loại máy ảnh, nhất là các mẫu cồng kềnh, cũng có màn hình LCD có thể gập nghiêng hay xoay, giúp dễ chụp ảnh ở các góc khó chụp như chụp từ trên đầu hay sát mặt đất.
Chất lượng màn hình LCD: Máy ảnh rẻ tiền thường có màn hình LCD bị sọc sáng dưới ánh nắng chói. Khi so sánh màn hình LCD, hình ảnh phải được sắc nét và đậm màu, ngay cả trong ánh sáng chói. Khi lia máy, nhớ xem hình ảnh trên LCD có theo kịp chuyển động không; hình ảnh không được giật hay bị trễ (đây là vấn đề thường gặp với máy ảnh nhỏ gọn).
Kích thước và chất lượng màn hình LCD là một yếu tố cần thiết khi chọn mua máy ảnh số.
Nếu bạn muốn dùng LCD để bố trí ảnh chụp hay để xem lại ảnh chụp, hãy tìm loại máy ảnh có màn hình ít nhất 3 inch. Nhưng hãy nhớ là màn hình LCD của máy ảnh không cho ta thấy được chính xác màu sắc hay độ phơi sáng. Tất cả màn hình LCD các loại máy ảnh đều làm tăng độ đậm màu và độ tương phản để giúp đảm bảo thấy được trong ánh sáng chói. Để đánh giá độ phơi sáng, các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp sẽ chọn hiển thị biểu đồ độ sáng (histogram) khi ở chế độ xem lại. Biểu đồ hình ảnh giúp bạn xác định được hình ảnh có bị dư sáng hay thiếu sáng, và có đủ độ tương phản hay không.Bạn cũng nên kiểm tra xem các thiết lập và thông số nào sẽ hiển thị trên màn hình khi chụp ảnh. Lý tưởng là cần có hiển thị số ảnh chụp còn lại, thời gian sử dụng pin, chế độ chụp, thiết lập độ nhạy sáng ISO hiện tại, thiết lập cân bằng trắng, và thiết lập độ phơi sáng.
Tính năng chống rung: Vài loại máy ảnh có tính năng hay chế độ chống rung (còn gọi là tính năng ổn định hình ảnh) có thể tắt mở. Tính năng này rất hữu ích trong khi chụp ảnh trường hợp bạn khó chụp được sắc nét, như trong trường hợp thiếu sáng. Các loại máy ảnh cao cấp hơn, gồm máy ảnh DSLR, thường sử dụng một trong hai phương pháp: chống rung quang học, theo đó một phần của ống kính sẽ điều chỉnh để đối trọng với chuyển động của máy; hay chống rung cảm biến, theo đó bộ cảm biến của máy ảnh sẽ di chuyển để đối trọng với độ lắc của máy. Vài loại máy ảnh ngắm chụp có tính năng chống rung kỹ thuật số giúp ổn định ảnh chụp bằng cách điều chỉnh các thiết lập của máy hay chỉnh sửa hình ảnh sau khi chụp. Chống rung hình ảnh bằng kỹ thuật số không hiệu quả bằng chống rung quang học. Nếu bạn thích có tính năng chống rung này thì nên đầu tư cho máy ảnh có tính năng chống rung hình ảnh quang học.
Chế độ chụp: Các máy ngắm chụp có nhiều chế độ chụp giúp tự động thiết lập cho máy ảnh tùy theo tình huống chụp. Thí dụ, chế độ Chân dung (Portrait) sẽ chỉnh nét chủ thể nền trước; chế độ Thể thao (Sports) dùng để chụp ảnh có hoạt động nhanh. Nếu bạn thích táy máy với các thiết lập của máy ảnh, hãy tìm mua máy ảnh ngắm chụp có các chế độ chụp chỉnh thủ công.
Nhận dạng khuôn mặt: Một trong những chế độ hữu dụng hơn trên nhiếu máy ảnh là chế độ nhận dạng khuôn mặt. Khi phát hiện khuôn mặt của người, máy ảnh sẽ làm tối ưu cả độ nét lẫn độ phơi sáng cho chủ thể. Kết quả rất hữu ích, nhất là đối với ảnh chụp đơn giản của nhóm hay tiệc tùng. Vài loại máy mới còn có cả tính năng nhận dạng nụ cười, theo đó ảnh sẽ tự động chụp khi có ai đó trong khung hình cười. Tính năng này dùng để chụp ảnh em bé hay chụp một chủ thể thường có vẻ mặt buồn rầu. Nhưng tính năng này không cần thiết phải có.
Kết nối không dây: Nếu bạn thích tải hình ảnh lên một trang web chia sẻ hình ảnh, hãy nên mua máy ảnh có tích hợp Wi-Fi. Khi kết nối với Internet qua điểm kết nối Wi-Fi công cộng, loại máy này cho phép bạn tải ảnh trực tiếp lên trang web.
Sử dụng điện năng: Vài loại máy ảnh dùng pin AA, trong khi các loại khác dùng pin sạc riêng của nhà sản xuất. Nếu bạn dự tính đi chụp suốt ở ngoài trời, hãy xem bạn cần loại pin nào và phải có pin dự phòng. Pin AA dễ kiếm và bạn cũng có thể dùng pin sạc. Trong khi đó, pin sạc riêng của hãng có thể tích điện lâu hơn pin AA, nhưng đắt tiền hơn để thay hay mua dự phòng.
Định dạng tập tin: Hầu hết máy ảnh ngắm chụp đều lưu hình ảnh theo định dạng JPEG thường dùng. Vài loại khác dùng tập tin thô (RAW), định dạng lý tưởng cho người dùng nào muốn biên tập hình ảnh nhiều. Tập tin RAW lớn hơn tập tin JPEG và sẽ nhanh chóng chiếm hết dung lượng của thẻ nhớ.
Thẻ nhớ: Nếu bạn đã có sẵn thẻ lưu trữ mà bạn muốn dùng với máy ảnh mới của bạn, nhớ xem nó có tương thích với máy mới mua hay không. Hầu hết máy ảnh hiện bán trên thị trường ngày nay đều dùng thẻ có định dạng SD (Secure Digital) hay SDHC (Secure Digital High Capacity). Thẻ SDHC có giá đắt hơn, dung lượng lưu trữ lên đến 32GB, nhưng không tương thích với khe SD chuẩn. Cũng có một loại thẻ định dạng mới là SDXC (Secure Digital Extended Capacity) hỗ trợ dung lượng lưu trữ lên đến 2TB; loại thẻ này đắt tiền hơn nhiều và không tương thích với khe SD/SDHC.
Ngoài dung lượng, cũng cần phải xét đến vấn đề tốc độ của thiết bị lưu trữ. Thẻ SD và SDHC có liệt kê xếp loại giải mã (Decoding Class) về tốc độ ghi dữ liệu cho mỗi loại thẻ. Số loại giải mã càng cao, tốc độ ghi càng nhanh. Nếu bạn dự tính quay video hay sử dụng chế độ chụp liên tục tốc độ cao, hãy tìm mua thẻ ít nhất là loại Class 4 hay Class 6, tương đương với thẻ có tốc độ ghi cam kết tối thiểu là 4MB/s hay 6MB/s.
Trên thị trường cũng có bán các loại định dạng thẻ lưu trữ khác. Vài loại máy ảnh hỗ trợ thẻ MicroSD hay MicroSDHC, một phiên bản nhỏ hơn của định dạng thẻ SD nhưng không tương thích với khe SD cỡ lớn. Các loại máy ảnh Sony trước đây thường dùng thẻ nhớ MemoryStick, và các loại máy ảnh Olympus đời cũ thì dùng định dạng card XD (Extreme Digital). Ngày nay, các loại máy ảnh đời mới của cả hai hãng này đều hỗ trợ card SD/SDHC. Nếu máy ảnh của bạn có thể sử dụng nhiều loại thẻ nhớ, tốt hơn hết bạn nên chọn loại SD/SDHC chuẩn, vì bạn sẽ có thể dùng loại này với nhiều loại máy ảnh khác, và với các loại máy sẽ mua trong tương lai.
Gói phần mềm đi kèm: Hầu hết máy ảnh ngắm chụp đều dùng được phần mềm iPhoto hay ImageCapture của Apple để chuyển hình ảnh từ máy ảnh vào máy tính. Bạn cũng có thể truy xuất thẻ nhớ bằng đầu đọc thẻ, và dùng thẻ nhớ như các thiết bị lưu trữ khác.
Tất cả máy ảnh đều có phần mềm, nhưng phần mềm Mac đi kèm thường bị lỗi thời. Bạn nên dùng iPhoto, Preview hay ImageCapture để quản lý hình ảnh của bạn và để chỉnh sửa chút ít.
Quay video: Nhiều máy ảnh ngắm chụp đều có thể quay video độ phân giải cao HD, 1280x720 hay 1920x1080. Các máy ngắm chụp giá dưới 100 USD (~2,1 triệu đồng) chỉ cho phép bạn quay video ở độ phân giải 640x480 hoặc 320x240 hoặc cả hai. Chất lượng video thường không tốt bằng máy quay chuyên dùng, nhưng dễ dùng để “chữa lửa”. Các mẫu máy ngắm chụp giá rẻ hơn thường không có tính năng này.
Thường thì bạn có thể tải video đã ghi vào phần mềm iPhoto trên máy Mac, và biên tập lại trong iMovie. Vài loại máy ảnh yêu cầu phải cài thêm phần mềm QuickTime để có thể xem video.
Kết luận
Ngoài những tính năng cần thiết nêu trên, chiếc máy ảnh số mà bạn dự định sẽ mua còn tùy thuộc vào ngân sách và những tính năng mà bạn cho là thực sự quan trọng và cần thiết đối với nhu cầu của bạn.

Chọn máy ảnh số cho gia đình






    Cả 3 máy ảnh được thử nghiệm trong tháng này đều dùng bộ cảm ứng CCD 2,0 - 2,1 triệu điểm ảnh (megapixel) phù hợp cho người dùng cá nhân và gia đình; độ phân giải hình ảnh tối đa 1600x1200, màn hình TFT LCD cho phép xem hình trước và sau khi chụp. Với nhiều tính năng tương tự, việc chọn máy ảnh phụ thuộc vào yêu cầu chất lượng ảnh chụp và giá.
    Ở chế độ chụp, cả 3 máy đều cho phép chọn độ phân giải, chất lượng hình, dùng 2 pin AA, có 8MB bộ nhớ bên trong hoặc giao tiếp với thẻ nhớ SD/MMC, zoom số 2X, đèn flash với tính năng chống mắt đỏ, cơ chế chụp tự động và các chế độ cân bằng sáng. Ảnh chụp xong có thể đưa sang TV bằng cáp đi kèm để xem.

    Ngoài ra bạn có thể dùng máy ảnh như một camera số để quay các đoạn phim ngắn gửi cho bạn bè hay làm album. Khi kết nối máy ảnh với máy tính qua cổng USB thì nó được xem như ổ đĩa di động, có thể sao chép dữ liệu qua máy khác thuận tiện và nhanh hơn đĩa mềm.

    Cả 3 máy đều có phụ kiện đi kèm: cáp USB, cáp Video, CD, tài liệu hướng dẫn, dây đeo tay, bao da, pin; được bảo hành 1 năm; tương thích với Win XP/ME/2000/98/Mac OS 8.6.
Genius G-Shot P210
Genius G-Shot P210
    Máy ảnh Genius G-Shot 2,1 megapixel có màn hình TFT LCD 1,5', độ phân giải 1600x1200 hoặc 800x600. Máy cũng có thể làm webcam khi kết nối với máy tính, dùng hội thảo qua mạng.
    Máy chụp hình khá đẹp ở ngoài trời; hình hơi tối, màu chưa trung thực ở nơi thiếu sáng và bạn nên chấp nhận điều này do flash không đáp ứng đủ ánh sáng cần thiết; màn hình LCD chưa sắc nét, tuy nhiên máy có giá rất cạnh tranh, 140 USD.
    Phần mềm đi kèm: PhotoSuite, PhotoVista. Cấu hình yêu cầu: BXL Pentium II 400, đĩa cứng trống 128 MB.

Chọn máy ảnh cho người thích du lịch

Huy Thắng



Các mẫu máy ảnh siêu zoom luôn được những người yêu thích du lịch sử dụng nhờ thiết kế gọn nhẹ và tính năng đa dạng.

Có thể khó cho bạn khi phải quyết định sẽ mang theo loại máy ảnh nào trong kỳ nghỉ hè năm nay. Nhưng nếu bạn không muốn mang theo chiếc máy ảnh ống kính rời DSLR nặng nề, tốt nhất là bạn có thể chọn loại máy ảnh du lịch siêu zoom. Các mẫu máy ảnh này luôn được những người yêu thích du lịch sử dụng nhờ chúng đa dạng và gọn nhẹ.
Trong khi các loại máy ảnh DSLR hay thậm chí máy ảnh không gương lật có ống kính rời ILC rất linh hoạt trong sử dụng, thì các loại máy ảnh du lịch siêu zoom vừa đa dạng về tầm zoom mở rộng (thường từ 24mm đến 350mm) vừa dễ mang theo.
Các điểm cân nhắc
Tính năng phải có
Tầm zoom đa dạng: Máy có ống kính góc rộng 24mm cho phép bạn chụp phong cảnh tốt hơn, trong khi khả năng zoom xa (ống kính có tiêu cự 300mm hay hơn nữa) giúp bạn chụp những chủ thể mà bạn không thể đến gần.
Thời lượng sử dụng pin thích hợp: Máy ảnh có thời lượng sử dụng pin từ 300 đến 350 hình ảnh sau mỗi lần sạc là đủ dùng để chụp ảnh suốt ngày.
Tính năng nên có
GPS tích hợp: Gắn nhãn địa lý cho hình ảnh và video để giúp bạn nhớ thông tin vị trí cụ thể của ảnh chụp hay đoạn video đã quay.
Kết nối không dây: Truyền hình ảnh và video đến các thiết bị ngoài tương thích và đến các dịch vụ đám mây qua hệ thống Wi-Fi.
Chịu được mọi thời tiết: đủ bền để chịu được sốc và va đập, và chịu được mọi điều kiện thời tiết bất thường.
Một số mẫu máy ảnh siêu zoom tham khảo

Sony Cyber-shot DSC-HX20VFujifilm FinePix F600EXRSamsung WB150FPanasonic Lumix DMC-TZ30
Zoom quang 20xZoom quang 20xZoom quang 18xZoom quang 20x
Tính năng GPSTính năng GPSTính năng Wi-FiMàn hình cảm ứng
Chế độ chụp panorama 3DTính năng Phát hiện Chuyển độngTính năng Ngắm chụp qua màn hìnhChế độ Tự động Thông minh
Phụ kiện cần thiết
Thay vì phải tốn thêm tiền để mua phụ kiện ở nơi mà bạn dự định đến, bạn nên liệt kê các phụ kiện cần thiết và kiểm tra xem có mang đủ không trước khi khởi hành.
Pin dự phòng
Bạn nên cẩn thận mang theo pin dự phòng, đặc biệt là khi đi đến các vùng sâu vùng xa có thể không có nguồn cấp điện. Cũng nên nhớ là khí hậu lạnh thường làm pin hết nhanh hơn.
Dụng cụ vệ sinh máy ảnh
Đừng dùng vạt áo để chùi ống kính của bạn. Hãy dùng bộ dụng cụ vệ sinh thích hợp gồm ống thổi ống kính và vải mịn để tránh làm hư ống kính và giúp bạn lúc nào cũng đạt được hiệu năng tối ưu.
Thiết bị lưu trữ
Không nên lưu mọi thứ vào một nơi. Thay vì mua thẻ SD 16GB, bạn nên mua 4 thẻ SD 8GB. Nếu một thẻ bị hư, bạn vẫn còn có 3 thẻ để dùng. Một cách khác là bạn có thể mang theo một thiết bị lưu trữ xách tay (như laptop, iPad hay thậm chí đĩa cứng ngoài) để sao lưu ảnh đã chụp sau mỗi ngày.
Túi đựng máy ảnh
Quan trọng là bạn nên có túi đựng camera tốt để bảo vệ bộ đồ nghề của bạn. Các loại máy ngắm chụp (point-and-shoot) và các máy ảnh số khác có thể để trong bao bảo vệ làm bằng cao su tổng hợp hay túi đeo vai. Nếu bạn mang nhiều thứ hơn, hãy dùng balô để cân bằng trọng lượng hơn là túi đeo vai có thể làm trì vai bạn.
Chân máy ảnh
Không nên dùng chân máy truyền thống nặng nề. Ngày nay, có những loại chân máy dễ xách tay và nhỏ hơn, thừa giúp các nhà nhiếp ảnh nghiệp cắm, gắn hay móc dụng cụ của mình trên bất kỳ bề mặt nào. Những loại giá 3 chân này đều dễ dùng và không làm bạn mỏi lưng và cũng không đắt tiền.
Kiểm tra trước khi lên đường
Kiểm tra tỉ mỉ
Hãy đảm bảo là bạn có mang theo pin sạc đầy, đồ sạc pin và thẻ nhớ còn trống. Không gì tồi tệ hơn khi bạn đến một nơi phong cảnh cực đẹp mà máy ảnh không còn pin hay không có phương tiện lưu trữ.
Bảo hiểm du lịch
Hãy mua bảo hiểm phòng ngừa trường hợp tổn thất trong các chuyến du lịch. Vài loại hợp đồng bảo hiểm sẽ bồi hoàn tổn thất vật dụng của bạn trong trường hợp bị mất cắp hay hư hại.
Chống thấm nước
Nếu bạn đi đến các nước có khí hậu ẩm ướt, hãy mang theo hộp chống nước để bảo vệ máy ảnh của bạn. Có những loại hộp có thể chống thấm nước cho máy ảnh ở độ sâu 10m và có ống kính quang phủ lớp cực tím để chống sương mù.
Mẹo chụp ảnh trong mùa hè
Chụp bầu trời “xanh hơn”
Ảnh: Cnet.
Để chụp hình ảnh có bầu trời xanh sống động hơn, bạn hãy dùng thiết lập Vivid hay Scenery Mode để tăng màu sắc, giúp hình ảnh có độ đậm màu và ấn tượng hơn. Trong vài trường hợp, hãy chỉnh độ sáng non một mức sẽ giúp làm bầu trời tối hơn, trông hiệu quả hơn.
Chụp ảnh trong “giờ vàng”
Ảnh: Cnet.
Để hình ảnh của bạn trông ấm áp và có hiệu ứng 3 chiều, hãy chụp trong giờ vàng – đó là khoảng thời gian ngắn ngủi thường là vào sáng sớm hay chiều tối.
Thay đổi ý tưởng
Ảnh: Cnet.
Khi sáng tác ảnh, hãy thử nghiệm chụp với các góc độ khác nhau để chụp được hình ảnh có phối cảnh độc đáo. Cũng nên thử chụp cùng một cảnh theo chiều dọc và chiều ngang. Có thể bạn sẽ nhận được một bức ảnh hấp dẫn đến không ngờ.

Nguồn: Cnet
Máy ảnh Samsung
Samsung Digimax 201
    Cả hai máy ảnh của Samsung đều dùng bộ cảm ứng CCD 2,0 megapixel, màn hình TFT LCD 1,6', quay video ở độ phân giải 320x240, có cơ chế tự động báo khi ánh sáng yếu. Màn hình LCD của máy Samsung khá đẹp và sắc nét.    Hình chụp ngoài trời của 2 máy ảnh nét và có màu sắc tươi, chụp ở nơi thiếu sáng thì hơi tối. Giá của 2 máy ảnh này cũng tương xứng với chất lượng đạt được.
    Phần mềm xử lý hình ảnh: PhotoSuite III SE, Digimax Viewer 1.0.

Samsung Digimax 240
Samsung Digimax 201 cho chọn kích thước hình ảnh 1600x1200, 1280x960 hoặc 640x480; có kích thước gọn nhẹ; các nút dễ điều chỉnh và có thể điều chỉnh ống kính cho 3 chế độ chụp: cận cảnh (0,18m – 0,25m), chụp người (0,8m – 1,3m) hoặc phong cảnh (1,3m trở lên).
    Cấu hình yêu cầu: Pentium 233 MHz, đĩa cứng trống 110 MB, bộ nhớ 32MB. Kích thước: 94x66x40 mm. Trọng lượng: 141g. Giá: 225 USD.

Samsung Digimax 240 có zoom bằng thấu kính 3X kết hợp với zoom số 2X (cho zoom tổng cộng lên đến 6X), độ phân giải hình ảnh 1600x1200 hoặc 800x600. Ngoài ra, máy còn chụp được hình cận cảnh 10cm ở chế độ Macro, có cơ chế lấy tiêu cự trước khi chụp hình.

    Cấu hình yêu cầu: BXL Pentium 266 MHz, đĩa cứng trống 110 MB. Kích thước: 110x61,5x41 mm. Trọng lượng: 180g. Giá: 295 USD.

No comments:

Post a Comment

quangnm