Việt Nam cũng sẽ được sở hữu "Khách sạn bay 5 sao" này đấy!
Máy bay chở khách lớn nhất thế giới
Airbus A380 có 2 tầng, trong đó tầng trên kéo dài suốt toàn bộ thân máy bay. Nhờ vậy, nó có thể chở tối đa tới 853 hành khách. Diện tích cabin của nó rộng tới 478m2, vượt hẳn so với máy bay đứng hạng nhì là Boeing 747-400 (320m2).

Siêu máy bay Airbus A380.

Thời điểm ra đời của Airbus A380
Loại máy bay này bắt đầu được thai nghén từ năm 1988 và tới năm 2005, chuyến bay “ra mắt” của nó được thực hiện tại Toulouse, Pháp. Vào năm 2007, cả thế giới lần đầu được chứng kiến chuyến bay thương mại của Airbus A380 từ Singapore tới Sydney. Tầm bay tối đa của nó là 15.200km (đủ sức bay thẳng từ New York tới Hongkong) và vận tốc trung bình khoảng 1.000km/h.

Người ta đã mất hơn 10 năm để chế tạo loại máy bay này.

Loại máy bay có giá thành đắt đỏ
Theo thời giá hiện tại, mỗi chiếc Airbus A380 ngốn của khách hàng khoảng từ 317 tới 337 triệu USD. Sự chênh lệch này tùy thuộc vào yêu cầu của từng hãng hàng không cụ thể. Mặc dù đắt như thế song Airbus A380 vẫn có nhiều khách đặt hàng vì nó sẽ đem lại lợi nhuận về lâu dài. Tính tới nay đã có 52 chiếc Airbus A380 được chế tạo.

Giá của mỗi chiếc lên đến hơn 300 triệu USD.

Máy bay lớn, phi hành đoàn nhỏ
Dù có sức chở cực lớn song người ta chỉ cần 2 phi công như truyền thống là đủ để điều khiển A380. Hệ thống hỗ trợ lái trên máy bay ngày càng hiện đại và ít cần sự can thiệp của con người, do đó không cần có quá nhiều thành viên trong phi hành đoàn.

Chỉ 2 người là đủ để điều khiển A380.

Một sản phẩm “liên hợp quốc”
Phần lớn cấu trúc của A380 được chế tạo tại Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Anh. Không giống như đa số các ngành công nghiệp chế tạo máy khác, người ta vẫn tạo ra các máy bay tại các quốc gia phát triển chứ không chuyển giao công nghệ cho các nước có trình độ kém hơn. Sau khi các bộ phận đã hoàn thành, chúng sẽ được chuyển sang Pháp bằng tàu thủy và được lắp ráp.

Airbus A380 là sản phẩm của nhiều quốc gia.

“Sinh” một nơi, “mặc áo” một nẻo
Dù đã được lắp ráp xong ở Pháp nhưng A380 lúc đó vẫn chưa được sơn. Chiếc máy bay “trần trụi” đó sẽ bay sang Hamburg (Đức) để được khoác lên mình lớp áo hoàn chỉnh. Người ta phải tốn khoảng 3.600 lít sơn để che phủ diện tích 3.100m2 bên ngoài của siêu máy bay.

Quá trình sơn một chiếc Airbus A380.

Khách sạn bay năm sao
Airbus A380 là một chiếc máy bay xa hoa. Nó là loại máy bay chở khách dân dụng duy nhất trên thế giới có phòng ngủ với giường nệm, nhà hàng, bar, khu vực spa, phòng giải trí sang trọng với nhiều tiện nghi hiện đại. Người ta có thể chơi game 3D, dùng mạng WIFI tốc độ cao cũng như thưởng thức phim ảnh và âm nhạc trên chiếc máy bay này.

Toàn cảnh khoang hành khách đây!
Màn hình tivi, game giải trí "oách" thế này thì ngại gì những chuyến bay dài?

Tiện nghi trên “Khách sạn bay năm sao”.
Có cả phòng riêng cho khách VIP nhé!
Quầy bar "sang chảnh" thôi rồi!

Sử dụng các vật liệu tiên tiến
Mặc dù phần lớn các bộ phận của A380 được chế tạo bằng nhôm nhưng các loại nhựa composite cũng chiếm tới hơn 20% bộ khung máy bay. Nhờ có chúng, trọng lượng của A380 được giảm đi trong khi độ an toàn vẫn được đảm bảo.


A380 sử dụng nhiều loại vật liệu tiên tiến.

Kẻ sở hữu nhiều A380 nhất
Dù được sản xuất tại châu Âu nhưng hiện tại hãng hàng không Emirates của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất mới là chủ sở hữu nhiều chiếc A380 nhất. Cho tới nay họ đã có 13 chiếc đưa vào sử dụng và đã đặt hàng tới 90 chiếc. Đứng thứ 2 là Singapore Airline với phi đội 11 chiếc A380. Airbus đã chuyển giao tổng cộng 37 chiếc cho khách hàng toàn thế giới và họ dự tính phải đạt con số từ 250 tới 300 trước khi có lãi.

Một chiếc Airbus A380 của hãng Emirates.
Việt Nam cũng sẽ có A380
Vào ngày 2/9/2007, 1 chiếc A380 đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài và sau đó có màn bay trình diễn dài 75 phút trên bầu trời Hà Nội. Theo dự tính, tới năm 2015, 4 chiếc A380 sẽ được chuyển giao cho Vietnam Airlines và chúng ta sẽ có cơ hội được bay trên chiếc máy bay khổng lồ này tại chính đất nước mình.

Việt Nam cũng sẽ sở hữu chiếc máy bay khổng lồ này.
Thủy Chip - Theo PLXH