Sunday, December 21, 2014

Đồng Văn, Hà Giang

Đồng Văn, Hà Giang

image
Bộ ảnh cảm nhận được sau hành trình bằng xe máy dài tám ngày, từ Hà Nội lên khám phá những cung đường hiểm trở ở miền núi đông bắc Việt Nam.

Lên đường

image
Nếu tìm kiếm trên Google từ khoá "Đồng Văn" có lẽ bạn sẽ không tìm được mấy thông tin. Cho tới tận 2013 thì miền núi đông bắc này vẫn thuộc sự kiểm soát của quân đội và để tới được đây, người nước ngoài phải xin giấy phép qua những thủ tục khét tiếng là khó khăn.

http://baomai.blogspot.com/
“Vấn đề là ở Sa Pa người ta đã quen với du khách và không còn thích thú với việc kết bạn nữa. Nhưng ở Đồng Văn, người dân vẫn mặc đồ dân tộc truyền thống, sống theo cung cách có từ xưa và rất vui vẻ gặp gỡ bạn.”

image
Do vậy, tôi đã rời khỏi thủ đô Hà Nội giao thông lúc nào cũng tấp nập để làm hành trình tám ngày tới Đồng Văn, có hướng dẫn viên đi cùng, trên chiếc xe máy cổ Royal Enfields 500cc Bullet, háo hức muốn tới nơi mà hiếm người nước ngoài nào tới Việt Nam từng được tới.
Cung đường xoắn tủy

image
Huyện Đồng Văn là nơi khá xa lạ cho du khách nước ngoài, bởi đa phần đường sá và các rặng núi nơi đây không có biển báo bằng tiếng Anh. Việc tìm đường sẽ là vô cùng khó nếu không có hướng dẫn viên địa phương đi cùng.
Nhưng bạn không nhất thiết phải là người địa phương hay đi xe máy mới có thể cảm nhận được hết sự kỳ diệu trong việc làm đường lên Đồng Văn. Đi cùng hướng dẫn viên Đỗ Hữu Quyền của Mototours Asia, chúng tôi đã trải qua một ngày dựng tóc gáy trên những khúc cua tay áo trườn bò như rắn dẫn lên rặng núi ở độ cao chừng 1.500m.

image
Khi rời Hà Nội, Quyền nói với tôi rằng những con đường và phong cảnh của Việt Nam là tuyệt nhất, đẹp hơn cả ở Lào, nơi được nhiều người cho là thiên đường của dân đi du lịch bằng xe máy.
Cho tới khi được chứng kiến những cung đường như thế này, tôi thực sự công nhận anh ấy nói đúng.
Ruộng lúa

image
Càng đi lên phía bắc, núi càng trải rộng. Chúng tôi chạy xe tới 250km một ngày qua các trái núi xen lẫn những triền lúa - một hình thức canh tác nông nghiệp từ xa xưa, được cho là đã có ở Việt Nam cả 10 ngàn năm nay.

image
Tháng Hai, khi chúng tôi đi, là giữa mùa khô, cũng là lúc các ruộng lúa ngả màu nâu sậm. Nhưng trong mùa mưa, từ tháng Tư tới tháng Mười, những nơi đó bừng lên sắc xanh, vàng của cây lúa.
Dệt vải

image
Một trong những nét hấp dẫn nhất trong chuyến khám phá miền đông bắc Việt Nam là cơ hội được gặp gỡ, trò chuyện với người Hmong, một sắc dân thiểu số sinh sống ở các vùng núi Đông Nam Á.
Họ thường dễ nhận ra nhờ trang phục sáng màu, với các bộ váy áo, khăn choàng, khăn quàng cổ được trang trí tỷ mỉ, làm bằng tay từ sợi bông và sợi gai dầu, rồi được nhuộm màu từ các loại lá, củ để có sắc hồng, đỏ, la, chàm.

image
Trong một thế giới mà có rất nhiều sắc tộc chuyển sang dùng áo phông hay các bộ đồ may sẵn tiện dụng, thì nhiều cô gái Hmong vẫn học cách dệt vải, thêu hình hoa văn dân tộc được truyền lại từ đời bà, đời mẹ.
Trong hình này, một phụ nữ Hmong trong trang phục truyền thống đang dệt vải ở ngoại vi thị trấn Yên Minh, nằm cách thị trấn Đồng Văn, tức thủ phủ của huyện Đồng Văn, chừng 90km.
Tới Mèo Vạc

image
Một em bé Hmong địu đứa em gái nhỏ.
Nằm về phía nam cách thị trấn Đồng Văn chừng 30km là Mèo Vạc, một thị trấn được xây dựng với bê tông từ thời Liên-xô và được bao quanh bởi các ngôi làng của người Hmong.
Trừ các đường dây điện, xe máy tay ga và điện thoại di động hiện diện khắp nơi, người dân nơi đây vẫn sống theo cách sống từ xa xưa.

image
Hàng ngày, họ đập bò đi cày đất, làm rượu ngô, nhặt củi vụn về sưởi ấm căn nhà và nấu ăn.
Chợ phiên cuối tuần ở Mèo Vạc

image
Vào một sáng sớm, trời vẫn tối om, chúng tôi thức dậy lúc 6 giờ và tới khu chợ phiên nổi tiếng của Mèo Vạc. Trong những bộ quần áo đẹp đẽ nhất dành riêng cho ngày Chủ Nhật, hàng ngàn người Hmong tới đây.

image
Họ mua bản các loại sản vật như sâm, hồi, quế, những trái táo to cỡ trái lê, còn những trái lê thì to như quả dưa, rồi mua bán thịt lợn, thịt dê, thịt chó, bún phở và đậu phụ.

image
Họ cũng bán cả rượu ngô tự chế, thứ rượu na ná như vodka với hương vị ấm ngọt và thơm.
Tại đây, lần đầu tiên kể từ khi rời Hà Nội tôi gặp những gương mặt phương Tây: một cặp vợ chồng người Pháp đã nghỉ hưu tới chơi chợ trên chiếc xe mini buýt địa phương. Họ cũng rất ngạc nhiên khi thấy tôi.
Nhà Vua Mèo

image
Cách thị trấn Đồng Văn chừng 15km về phía nam, trong thung lũng Sà Phìn là Nhà Vua Mèo.
Đó là một ngôi nhà hai tầng bốn chái được bảo vệ bởi những vách đá tai mèo khổng lồ và nằm lọt giữa rừng thông.

Được các thương gia người Trung Cộng xây hồi 1902 cho lãnh chúa người Hmong Vương Chính Đức, tòa nhà như một pháo đài với những bức tường đá dày 500mm bao quanh với một hàng rào đá dày 800mm, hai sảnh trời bên trong, 64 phòng ngủ dành cho các bà vợ và con cái vua Mèo, chỗ cho lính cận vệ, một nhà chứa thuốc phiện, và một phiến đá lớn chuyên để chặt đầu những kẻ phản bội.

image
Chỉ có một vị vua Mèo nữa, Vương Chí Sình, người có cảm tình với cộng sản, sống tại cung điện này trước khi nó bị bỏ hoang trong thời Kháng chiến chống Pháp, 1946-1954.
Ngày nay, Nhà Vua Mèo trở thành nhà bảo tàng với bộ sưu tập nhỏ những món đồ tự chế thời đó, được đặt trong những hộp kính phủ đầy bụi bặm.
Thị trấn cổ Đồng Văn

image
Sau bốn ngày, vượt qua 900km trầy trật trên chiếc xe cổ nhưng rất đáng tin cậy Royal Enfield, chúng tôi tới Đồng Văn khi màn đêm đổ xuống.
Chúng tôi nghỉ đêm tại một gia đình địa phương ở thị trấn cổ, nơi giống như mê cung với những con ngõ rải sỏi và các tòa nhà xây bằng đá cả trăm năm trước với những lớp mái lợp ngói nung.

image
Căn nhà cổ nhất ở đây, một căn nhà lớn với hai cột đá trụ lớn và treo đèn lồng đỏ, được nhà họ Lương xây từ 1810 đến 1820. Con cháu nhà họ Lương nay vẫn sinh sống bên trong. Đó là một trong 40 căn nhà cổ còn lại sau trận hỏa hoạn thiêu cháy Đồng Văn hồi 1923, trước khi người Pháp xây lại.
Đoạn cuối con đường

image
Nằm ở trung tâm chiến lược của cao nguyên ở độ cao 1.600 và chỉ cách biên giới với Trung Cộng có 3km, Đồng Văn là tiền đồn xa nhất về phía bắc của người Pháp trong thời thuộc địa.

Binh lính Pháp đã dùng nhân công người Việt dưới sự cai quản của các đốc công người Việt xây dựng một khu đồn trú lớn, nay nằm trong đống đổ nát trên đỉnh của một trong nhiều vách đá vôi nhìn xuống thị trấn Đồng Văn.

image
Ngày nay, người ta có thể leo lên trại lính này bằng lối mòn dốc đứng, gập ghềnh chừng 1km vốn chỉ có dê chạy qua, dẫn lên từ thung lũng ở đường biên phía đông của khu thị trấn cổ.

Ba ngày ở Sapa

image
Đong đưa nhp khèn, vang xa điu sáo
G
i tình yêu ngô lúa sn khoai 
(Nỗi nhớ của người H'mông)
Dương Toàn Thắng

Đi dự những dạ hội ở Paris, tôi thường được ngắm trang phục sặc sỡ các sơn nữ nước ta, nhưng ở trên sân khấu chắc các cô không có sắc đẹp hồn nhiên của phụ nữ trên các sườn đồi với những cánh đồng bậc thang thấp thoáng ánh nắng ban chiều. Vì vậy về Hà Nội rảnh đựơc mấy hôm, tôi không do dự ghi tên đi Sapa vài ngày. Tôi tiếc là ba ngày thì quá ngắn dù chỉ muốn có một ý niệm nhưng thà ít còn hơn không, tôi hớn hở đáp tàu lửa lên Lào Cai và sáng hôm sau đón xe hàng đưa đi Sapa. Bước ra khỏi thị trấn, nải chuối bên hiên nhà, trái mít dọc thân cây, đứa trẻ nghêu ngao trên lưng trâu,...khêu gợi biết bao kỷ niệm quê nhà tuy Sapa xa miền Trung quê tôi cả ngàn cây số....

image
Bản Hồ
Sapa là một tỉnh lỵ tỉnh Lào Cai ở cực bắc Việt Bắc, tọa lạc ở cao độ 1500m cạnh một nhánh của sông Hồng. Từ một nơi xa lánh, đầu thế kỷ XX Sapa trở thành một thị trấn với một đồn lính và một trụ sở hội truyền giáo cơ đốc. Bắt đầu từ thập niên 50, thương mãi được mở mang nhưng ngành du lịch chỉ theo gót phát triển mạnh mẽ sau những năm 2000. Những người dân tộc ít người (14%) H'mông, Dao ít át, mù chữ, để cho người Kinh lo mọi chuyện hoạt động kinh tế, ngay cả gần đây tồ chức đi dạo trong núi, về ngủ ở nhà, xem văn nghệ trong những tuyến du lịch trực tiếp dính dấp đến người địa phương. Chính quyền hứa một cuộc phát triển kinh tế dựa lên nền du lịch quần chúng và sự tăng trưởng kinh tế mau lẹ bắt đầu với sự xây dựng nhà cửa, khách sạn,...nhưng đến nay vai trò của người dân tộc chưa thấy được khuyến khích và người H'mông thấy vẫn còn nghèo khổ.

image
Khoảng trước đây 4000 năm, người H'mông hay Mông sống ở vùng núi nam Trung Quốc và phía bắc căc nước Đông Nam Á như Miến Điện, Thái Lan, Lào và Việt Nam. Cách đây hơn 300 năm, họ bắt dầu di cư vào nước ta, sống rải rác ở các tỉnh Bắc Việt như Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Điện Biên trước khi một số tiến dần vào Trung Việt định cư ở các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông trên Cao nguyên. Sau 1975, một số nhỏ người người H'mông vượt biên qua sống ở Pháp, Hoa Kỳ, Canađa, Úc châu. Với dân số một triệu người, hiện nay dân tộc H'mông đứng thứ 8 trong danh sách 54 dân tộc Việt Nam.

image
Các nhà khảo cứu chia người H'mông thành nhiều chi khó phân biệt trong mắt khách du lịch : H'mông Đơ hoặc H'mông Đâu (H'mông trắng) ; H'mông Đu (H'mông Đen) ; H'mông Si (H'mông Đỏ) ; H'mông Dua (H'mông Xanh) ; H'mông Lềnh (H'mông Hoa) ; H'mông Xúa (H'mông Lai ; Ná Mẻo (H'mông Nước). Ơ Trung Quốc người H'mông được gọi Miêu, ở Lào Meo, trước kia ở nước ta Mèo. Họ cùng hai dân tộc Dao và Pà Thèn thuộc nhóm các dân tộc nói ngôn ngữ H'mông-Dao. Tuy nhiên có những nhóm như Ná Mèo sống kề cận với các dân tộc nói ngôn ngữ Tày-Tháị-Việt-Mưòng thì hết còn giữ những đặc tính H'mông.

image
Giang Tả Chải
Theo các nhà dân tộc học, người H'mông từ miền nam Trung Quốc di cư qua Việt Nam theo ba đợt chính. Đợt thứ nhất cuối đời Minh, đầu đời Thanh, vào lúc có phong trào người Miêu chống lại chính sách "cài tổ quy lưu" và bị thất bại. 100 hộ thuộc các tộc Lú, Giàng, từ Quý Châu trước qua các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang rồi dần dần tiến sâu vào miền đông bắc Việt Nam. Trong đợt thứ hai, một thế kỷ sau, cũng khoảng trên 100 hộ thuộc các tộc Vàng, Lý theo cùng đường qua Đồng Văn. Đồng thời, một số ít hơn thuộc các tộc Vàng, Lú, Châu, Sùng, Hoàng, Vừ qua Si Ma Cai, Bắc Hà tỉnh Lào Cai.

image
Như đợt trước, những di dân nầy dần dần rải rác khắp các tỉnh tây bắc. Qua đợt thứ ba, vào thời "Thái Bình Thiên Quốc" 1840-1868, chồng lại triều Mãn Thanh, người Miêu tham gia đông đảo, không thành công, khoảng trên một vạn người từ Quý Châu, Quảng Tây, Vân Nam chạy qua trốn ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái rồi lan rộng ra các miền đông bắc và tây bắc Việt Nam. Sau các đợt chính nầy, hằng năm vẫn có người người Miêu lẻ tẻ di cư qua, theo con đường Đồng Văn rồi xuống Tuyên Quang, cũng có một số từ Lào đến. Số dân người H'mông tăng lên đáng kể sau 1986. Ngày nay ở Việt Nam có hơn một triệu người H'mông trong số 9 triệu khắp thế giới, cư trú ở các tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng.

image
Trên đường đi Lai Châu
image
Lao Chải - Tả Vạn
Người H'mông sống thành bản vài chục nóc nhà khép kín, có khi tường đá ngang đầu bao quanh. Nhà trệt, ba gian , hai chái, bưng ván, vách nứa, mái tranh, có hai hay ba cửa. Nhà giàu có cột gỗ thông kê trên đá, gác lát ván, mái lợp ngói âm dương. Người H'mông coi trọng dòng họ, sống quây quàn thành cụm, có trưởng họ là người có uy tín được tôn trọng. Tình cảm sâm đậm gắn bó ngưòi cùng họ nhưng không được cưới nhau. Thanh niên nam nữ được lựa chọn bạn đời, còn có tục "cướp vợ", cô dâu bị chú rể bắt cóc đem về nhà sau mới báo cho gia đình nhà gái. Thường con trai có vợ thì tách ra ở riêng. Vợ chồng thường hòa thuận sống với nhau, cùng làm ăn, lên nương, xuống rẫy, ít khi bỏ nhau.

image
Người H'mông có câu "Lửa cháy đến đâu người Mông theo đến đó". Sản phẩm nông nghiệp là ngô, khoai, vừng, đậu, mạch, rau,...lúa trong các thửa ruộng bậc thang, các cây ăn trái như táo, đào, mận, lê,...những cây thuốc như tam thất, xuyên khung, đảm câm,... Các nghể thủ công như đan lát, thợ rèn, đồ gỗ, đồ đựng, giấy bản, lưỡi cày, dao cuốc, đồ trang sức bằng bạc, ngay cả nòng súng được phát triển đa dạng, đạt trình độ cao.

image
Lao Chải - Tả Vạn
Người H'mông cũng như nhiều dân tộc ít người khác theo tín ngưỡng đa nguyên, nhưng cốt yếu là thờ cúng tổ tiên. Cũng có một số người H'mông ngày càng lớn theo đạo Thiên chúa và đạo Tin lành, nhưng có đoàn thể tôn giáo và phi chính phủ ở ngoại quốc loan báo nhiều tín đồ ở các tỉnh lai Châu, Lào Cay bị chính quyền đàn áp. Vừa rồi, có chuyện tập trung đông người H'mông tại huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên nói lên thực tế khó khăn của một dân tộc thiểu số.

image
Đàn ông H'mông mặc áo cánh ngắn dưới thắt lưng, thân rộng, ống tay dài, đầu chít khăn hay đội mũ đính những hình tròn bạc chạm khắc hoa văn, quần dài rộng, áo quần đều màu chàm. Phụ nữ ăn mặc nếu không một màu xanh đậm thì rất là sặc sỡ, áo xẻ ngực có yếm, mở chếch ngực phía bên trái, tấm xiêm trước ngực, khăn quấn đầu, xà cạp quấn hai chân, đeo khuyên tai, vòng cổ, vòng tai, vòng chân. 

image
Văn nghệ người H'mông khá phong phú, đặc biệt văn học truyền miệng : truyện thần thoại về anh hùng văn hóa, truyện dạy cách trồng ngô lúa, may áo quần, truyện cổ tích về thú vật, nhất là con hổ. Họ rất thích dân ca dân tộc, nhưgầu plềnh (tiếng hát tình yêu), gầu xuồng (tiếng hát cưới xin), hát khi làm việc nơi nương rẫy, xe sợi dệt vải hay trên đường đi chợ, lễ hội. Họ dùng ngựa thổ hàng, ngựa rất gần gũi và thân thiết với từng gia đình. Chợ phiên vừa là nơi trao đổi hàng hóa, vừa là nơi giao lưu tình cảm..

image
Chợ tình ở Sapa tổ chức mỗi năm một lần tuy sinh hoạt không còn sâu đậm như xưa. Họ có nhiều nhạc cụ dân tộc như sáo, khèn, kèn lá, đàn môi,...sử dụng cùng với tiếng hát trong những lễ hội như lễ hầu táo (đón năm mới). Thanh niên thưòng vửa thổi khèn vừa múa. Trai gái trao đổi tâm tình qua kèn lá, đàn môi. Sau một ngày lao động, người H'mông thích ca hát và dùng nhạc cụ nói lên cơn vui, nổi buồn hay ca ngợi quê hương đất nước.

image
Sapa
Từng sống ở đồng quê hồi nhỏ, tôi rất thông cảm tình cảm người H'mông trông cảnh những cánh đồng bậc thang thấp thoáng nổi bật trước những dãy núi xanh lục đủ màu. Lấp ló sau những lùm cây là xóm làng yên tĩnh, sáng nghe tiếng gà gáy, chiều có mây mù bao phủ. Chảy quanh xóm có con sông nhỏ, có chỗ phình rộng thành hồ, mùa nóng tắm mát thật dễ chịu. Đối với ngưòi như tôi sống ở chốn thành thị náo nhiệt, ồn ào như Paris, về đây thấy như chốn thiên đàng. Mà không xa Sapa bao lăm. Bản Hồ, Lao Chải, Tả Vận, Giang Tả Chải,...chỉ cách Sapa vài tiếng đồng hộ đi bộ. Khi đi dạo trên các đường đê giữa các ruộng lúa vàng cũng như khi vượt con suối nhỏ dọc những khóm hoa nuôi sực tím một màu, tôi tiếc mình không phải là nhà thơ để thả vài câu trữ tình. Nhưng đã có người H'mông hát giùm:
Sui hát sau nhà, mây bay đu núi
G
i người H'mông ta đến vi nhau
Nh
p nhàng múa quanh bếp la hng
Nào anh nào em, g
i mùa Xuân v vi bn H'mông
Dương Toàn Thắng

image
Sapa
Về với rừng, ưóc mong của người H'mông dần dần bị giới hạn vì như ở miền Điện Biên, ngay cả ở khu bảo toàn thiên nhiên Mường Nhé, "cả trãm nghìn hecta rừng đã bị phá, nói đúng hơn khu bảo tồn hơn ba trãm nghìn hecta kia bị rỗng ruột từ rất lâu, nay đang tiếp tục bị xẻ thịt trên diện rộng." Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng thì người phá rừng và xẻ đất là những người di dân tự do, những người H'Mông đi tìm nơi đất lành chim đậu. "Các xã mênh mông từ Mường Nhé, Sìn Thầu, Chung Chải, xưa vốn chỉ có duy nhất bản Nậm Là là nơi sinh sống của đồng bào H'mông thì nay, dân số Mường Nhé đã đến mức nửa già là người H'mông. Hầu hết họ đến bằng con đường di dân tự do".

image
Số phận của người H'mông không khác gì số phận những người dân tộc thiểu số khác, kể cả những dân tộc trên Cao nguyên Trung Việt, nơi rừng dần bị phá hủy để người Kinh trồng cà phê ! Những nhà dân tộc học thường bảo rừng là môi trường sinh sống của người dân tộc thiểu số, phá rừng là cách dễ dàng nhất để triệt tiêu một dân tộc.

image
Frédéric Michalak
Mấy ngày ở Sapa vui bao nhiêu với phong cảnh quê hương hữu tình thì tôi lại buồn bấy nhiêu vì thấy tương lai mờ mịt của một số đồng bào. Trái với dân tộc Dao, dường như trẻ em H'mông ít được đi học. Ở Sapa, chúng đi bán hàng ; khách du lịch Tây phương đã có phàn nàn chúng hay chạy theo xin tiền...Vừa qua, đài truyền hình A2 của Pháp có cho chiếu một chương trình "Rendez-vous en terre inconnue" trong ấy anh chàng đá bóng bầu dục Frédéric Michalak đươc mời về ăn ở hai tuần với một xóm người dân tộc Lôlô đen, liệu tiếp xúc với nền vãn minh có giúp ích được gì cho tình thế hiện nay ?

image
Võ Quang Yến

Weerapong Chaipuck: Sapa tuyệt đẹp

image
Châu Á là một lục địa xinh đẹp và bí ẩn với những cảnh quan ngoạn mục cùng nét văn hóa truyền thống độc đáo. Nhiếp ảnh gia người Thái Lan – Weerapong Chaipuck đã đi khắp châu Á và chụp lại những bộ ảnh tuyệt đẹp để minh chứng cho điều đó.

image
Nhìn vào những bức ảnh của Weerapong Chaipuck, rất khó để tin rằng ông bắt đầu chụp ảnh sau khi nghỉ hưu từ ngành y tế. Niềm đam mê của Chaipuck là du lịch và ghi lại khung cảnh đẹp ở những nơi mà ông đã đi qua. Sapa là một trong những điểm đến trong chuyến hành trình của ông.

image
Mặc dù bộ ảnh chụp Sapa có sử dụng một số kỹ thuật hình ảnh, tuy nhiên Chaipuck nói rằng có được ánh sáng tuyệt đẹp trong những bức ảnh là do ông chụp đúng thời điểm trong ngày.

image
“Để tạo ra những bức ảnh đẹp, bạn phải thật sự sống ở những nơi đó. Thời điểm là yếu tố tiên quyết cho cái hồn của những bức ảnh. Tôi đã đến Sapa vào mùa gặt trong những ngày đầy nắng. Đó là thời gian thuận lợi cho việc chụp lại những bức ảnh đẹp với nguồn ánh sáng tự nhiên”, Chaipuck nói.

image
Cùng xem bộ ảnh chụp Sapa tuyệt đẹp của nhiếp ảnh gia Weerapong Chaipuck:
Mặc dù bộ ảnh chụp Sapa này ông có sử dụng một số kỹ thuật hình ảnh, tuy nhiên Chaipuck cũng cho biết có được ánh sáng tuyệt đẹp trong những bức ảnh là do ông nắm được khoảnh khắc.
image
image
Bình minh Sa Pa
image

Những người đồng bào sinh sống ở đây theo nhiều cách khác nhau, một số người sống vui vẻ theo phương thức truyền thống, một số còn lại thì phụ thuộc vào kinh doanh du lịch. Một nhóm người H’Mong đen chờ bán đồ lưu niệm cho du khách thì gặp nhóm khác về nhà sau khi đã “hái củi”.

image
image
image
image
image
image
image
image
image
image
image
Weerapong Chaipuck

Đồng hồ của các cụ chỉ mấy giờ

image
Dù ở vào thời đại nào, dù ở bất kỳ nơi nào đi nữa thì việc ăn uống đầy đủ chất bổ dưỡng cũng là điều kiện tối cần thiết để có một sức khỏe tốt và nhờ đó mới hy vọng có được một hoạt động sinh lý bình thường.

* * *
Sử sách Đông Tây kim cổ không thiếu gì những bằng chứng về những loại thực phẩm, hoặc thuốc men khả dĩ có thể giúp con người bồi dưỡng sinh lực, giúp tăng cường và duy trì sự ham muốn. Các thứ này được gọi là cường dương (aphrodisiac)…
Bọn đàn ông chúng ta đều đã từng nghe nói đến toa thuốc “Nhất dạ lục giao sinh ngũ tử” của Minh Mạng rồi. Tôi không biết có bạn nào đã thử chưa và cũng không biết nó có 100% effect như lời truyền tụng hay không? Đại khái toa thuốc trên gồm có các vị thuốc như sau: Thục địa, Đào nhân, Sa sâm, Dương quy Bạch truật, Phòng phong, Bạch thược, Trần bì, Xuyên Khung, Cam thảo, Phục linh, Tần giao, Tục đoạn, Mộc hoa, Kỷ tử, Thương truật, Độc hoạt, Khương hoạt, Đỗ trọng, Đại hồi và Nhục quế (theo Bs Nguyễn văn Dương).
Ngoài ra, cũng phải nói đến các món sơn hào hải vị, nhân sâm và lộc nhung đều là những món đại bổ thường dành cho những người nhiều tiền lắm bạc.

image
Đặc biệt là ở Việt Nam mình, cũng không hiếm gì những loại thuốc “tiên”, thuốc “gia truyền”, những loại thực phẩm và những loại rượu “ông uống bà khen”, đó là những thứ rượu thuốc bổ dương, cường tinh, như rượu Càn Long đệ nhất tửu, rượu Hà thủ ô, rượu sâm nhung, rượu Tắc kè, Ngũ gia bì, rượu ong chúa, Dâm dương hoắc, cao hổ cốt, hải mã, rượu rắn Hổ mang, Tam xà đại hội, rượu Bồ cạp, rượu ong đất, rượu con bửa củi, rượu chuối hột, rượu hòa với huyết rắn hay huyết chim se sẻ, rượu dái dê …
Theo tâm lý của người tiêu thụ, sản phẩm càng hiếm, càng bí hiểm và càng đắt giá chừng nào thì món hàng càng quý càng có giá trị cao chừng nấy. Hình như bên Việt Nam mình rất mạnh về khía cạnh này lắm… Bởi vậy hàng dỏm cũng nhiều, và lang băm tha hồ mà hốt bạc. Ai tin thì ráng mà chịu!
Không phải chỉ có Việt Nam mình mới có ba cái vụ rượu thuốc phục vụ sex đâu. Các dân tộc khác cũng vậy thôi…

image
Trước năm 75, thuốc Durabolin rất phổ biến tại Saigon. Mấy ông nào cảm thấy bình điện hơi yếu vì phải vừa phục vụ bà lớn vừa làm vui lòng bà nhỏ, có thể ghé tiệm thuốc Tây Ngọc Lan mua 1-2 hộp Durabolin về nhờ y tá trong xóm lụi cho vài mũi để lấy lại sức mà làm ăn tiếp…

Tại Montréal, hốt một toa thuốc Bắc đại bổ để ngâm rượu cũng phải từ 100$ trở lên mới bảo đảm chất lượng khá được…
Cẩu nhục (thịt chó), thịt sư phụ (thịt dê), cũng nằm trong thành phần của vài toa thuốc để hỗ trợ cho ba cái vụ múa lân.
Mấy năm gần đây, với sự bộc phát mạnh mẽ của phong trào thuốc thiên nhiên (Produits naturels, herbal products), người ta cũng thấy xuất hiện rất nhiều quảng cáo nói về đủ loại thuốc cứu tinh cho đàn ông…

image

Lang băm cũng hơi nhiều! Nếu đúng như lời quảng cáo thật hấp dẫn của họ, thì có lẽ trong tương lai vài chục năm nữa cả thế giới này sẽ không còn bệnh tật gì ráo trọi?
Ngoài thuốc ra, châm cứu, khí công, yoga và thôi miên (hypnothérapy) cũng được người ta đồn đại là có khả năng giúp chữa trị các tình trạng rắc rối về sinh lý…
Nói chung, hình như phía Đông Y rất mạnh về lãnh vực này. Các món độc địa, hiếm hoi, đắt hơn vàng và toàn là đồ quốc cấm như sừng tê giác, bột dương vật hổ, mật gấu cũng như các loại thú rừng lạ và quý hiếm, v.v… thường được Đông Y quảng cáo là những vị thuốc mầu nhiệm còn hơn cả Viagra hay Cialis nữa! Khoa học phương Tây đã từng cho xét nghiệm và phân tích thành phần hóa học của các sản phẩm trên và cho biết nó chả có chứa những gì đặc biệt hết, ngoài những khoáng chất thông thường mà thôi…

image

Chỉ tội nghiệp cho vô số loài vật hiếm quý càng ngày càng bị diệt chủng bởi tham vọng của một số người!
Có người còn mách, nếu ‘thằng nhỏ’ khó dạy thì các bà nhớ đừng cho ông xã ăn chuối chín quá muồi, cữ ăn bún, cữ bánh hỏi, cữ cơm nhão, cữ cháo! Lỡ nó chào cờ hổng nổi đó. (Lời đồn trong thiên hạ! Hình như tôi đọc được từ tác giả Tràm Cà Mau thì phải?)
Ăn gì bổ nấy!
image
Nguyên lý này cũng không phải mới mẻ gì cho lắm… Đông y và Tây y đều có đề cập đến hết.
Trong dân gian Việt Nam, nhiều người tin tưởng rằng những món ăn như thịt dê, thịt chó, ngầu pín, dế bò, ngọc hành, ngọc dương hay trái dứng sư phụ (dê) đều có tính bổ dương cho đàn ông. Đây là những món ông đớp bà khen! Là đàn ông con trai với nhau, chúng ta thường hay bàn bạc và trao đổi kinh nghiệm một cách vui vẻ và thích thú mục này. Nếu có mặt các bà thì mình dám bị rủa là…“ăn làm chi ba cái thứ đồ quỉ đó”… lắm.
Mà thật đúng vậy, trong công việc hằng ngày tại các lò sát sanh ở Canada, người gõ thỉnh thoảng thấy nhà máy cho thu lượm dế của dê, cừu, bò hay ngầu pín bò tơ để bán. Mấy món lạ và độc địa này chỉ thấy bán tại một vài nơi đặc biệt như những tiệm thịt của người Á Rập ở Montréal mà thôi. Tác giả vì tánh tò mò nên đôi khi cũng có dùng thử ba cái đồ quỉ đó cho biết với người ta, nhưng sao thấy nó “cũng vậy mà thôi”. Không biết có phải tại mình ăn ít quá không đủ liều lượng chăng?
Chuyện trứng ung có tác dụng như Viagra hay ăn trứng thúi bổ chim
image
Mấy lúc gần đây mấy bà bên nhà ùn ùn đi tìm mua trứng gà ung về cho ông xã ăn để ổng có sức nhảy cho hăng. Đúng hay không thì chỉ có mấy bà biết mà thôi.
Chuyện hết xí quách, chê cơm, chê cháo, ngán phở không còn lạ gì với đám nình ông mà đặc biệt là các cụ tuổi tác “đã khá cao”.


image
Page last updated at 11:01 GMT, Tuesday, 3 March 2009

Coi chừng đó chẳng qua là khôn chợ dại nhà hay sung với bồ nhưng xìu với vợ đó.
Nguồn tin trứng gà thúi có công dụng như Viagra đã làm nhiều người nức lòng đáo để.
Viagra thì khó mua mà giá lại quá đắt (Viagra thứ thiệt bán có toa, giá cũng phải trên 15$/viên 100mg tại Bắc Mỹ).
Tại Montreal, lúc bán sale 3 vỉ hột gà loại Large chỉ bán có 5$ mà thôi (36 trứng). Muốn làm cho hột gà thúi thì dễ òm.
Tin hấp dẫn trên xuất phá từ một khảo cứu của Giáo sư Giuseppe Cirino (University of Naples). Ông ta cho biết gas hydrogen sulphide (H2S) của hột gà thúi kích thích não bộ làm cậu bé chào cờ. Tin này được đăng tải trong tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences.
Phải chăng ăn trên bổ dưới?
Hình như văn hóa ẩm thực của người mình có liên hệ rất mật thiết với ba cái chuyện đó!
Thôi làm bậy với người gõ một ly, còn chuyện gì khác thì để tối nay hãy tính.
Phải chăng thuốc 4L hiệu nghiệm nhất?
image
Hầu như các cụ ông trên 6-7 bó ít nhiều đều có vấn đề… 6 giờ 30.
Anh cột chèo với người gõ có kể lại một câu chuyện tiếu lâm nghe được trong đội bóng bàn của anh ta tại Brossard, phía Nam Montreal. Đội thể thao gồm toàn các vị cao niên… và lão ông đã gác súng về hưu. Có một vị bác sĩ cao niên đố: thuốc gì hay nhất để cho đồng hồ chạy? Đó là thuốc 4L (?), nhưng các bà vợ tức quá mới phản công lại rằng: Các ông có tài cương ẩu, dốc tổ… phải nói lại đó là thuốc 6L mới đúng. Miễn bàn.
Thật khó hiểu quá! Biết tin ai bây giờ.

Nguyễn Thượng Chánh, DVM
Montreal, 2013



Cái “kim đồng hồ”


image
Một ông tuổi cuối thu mới sắm được một đôi giầy rất ưng ý. Vừa bước vào nhà, cụ liền khoe với cụ bà:
- Này bà! Bà có nhận ra điều gì khác lạ trên người tôi không?

Cụ bà nhìn sơ rồi đáp:
- Tôi chẳng thấy gì khác lạ cả! Vẫn cái áo ông mặc từ tuần trước. Cái quần vẫn cáu bẩn như vậy!

Bực mình, cụ ông vào phòng cởi bỏ hết quần áo, đi ra hỏi bà vợ:
- Thế nào, bây giờ bà có thấy điều gì khác lạ trên người tôi chưa?
- Tôi chẳng thấy điều gì khác lạ cả! Vẫn là cái “kim đồng hồ” lúc nào cũng chỉ sáu giờ rưỡi! - Cụ bà thở dài.

Cụ ông hớn hở:
- Phải rồi! Nó chỉ sáu giờ rưỡi bởi vì nó đang nhìn xuống đôi giầy mới của tôi đây này!

Cụ bà bỗng tươi tỉnh hẳn lên:
- Ừ nhỉ! Vậy ngày mai ông đi mua mũ mới đi!

Thịt dê cứu tinh của phe đàn ông

image

BaoMai


Ở miền Bắc VN, nghe nói có món tái dê rất độc dáo. Món nầy mà chấm với tương bần thì chắc là hết xảy phải biết, bởi vậy dân gian mới có câu:

image

Tái dê chấm với tương bần,
Ăn vào một miếng bần bần như dê.
Đêm về vợ lạy tỉ tê,
Tối mai ta lại Tái dê tương bần.

Còn món dê Hà nàm nghe đâu cũng thuộc loại ngoại hạng và huyền bí lắm vì được chế biến từ phôi dê con còn trong bụng mẹ. Theo lời đồn của mấy tay nhậu, thì đây là món thần sầu quỷ khóc chỉ cần ăn thử một lần là trong người sẽ nóng lên rạo rực bừng bừng y như hồi mình hồi còn trai tráng, dám làm sập giường sập chiếu hết. Sao cái món nầy giống cái món dã man ăn thai nhi của một số người Trung Quốc quá vậy!... Quý bạn nào yếu bóng vía xin đừng xem những hình nầy trong Internet. Tác giả cũng hơi nghi ngờ về sự xác thực và tự hỏi có phải đây là những hình của phe đối lập Pháp Luân Công tung ra chăng?
Nghề ăn cũng lắm công phu
Qua thăm dò, các quán nhậu bên nhà cho biết đại khái là sau khi cắt cổ, dê phải được thui bằng lửa than, sau đó thì dùng nước sôi cạo sạch trước khi nấu thành món ăn…

image

Riêng người Hoa, họ thích bỏ chung với các phụ liệu khác để thịt thêm phần thanh ngọt và để khử bớt mùi dê. Theo thông lệ bên nhà, cái gì được thiên hạ chiếu cố nhiều, cung không đủ cầu, thì sẽ có người tung ra hàng dỏm. Thịt dê dỏm chen chân với thịt dê thiệt không biết đâu mà rờ.
Tại Bắc Mỹ, thịt dê thường được dùng để nướng barbecue, làm saucisse, hoặc để chiên, v.v…

image

Dân Bắc Phi và Á Rạp rất thích món méchoui tức là dê hoặc cừu nguyên con được lụi qua thanh sắt và đem quay nướng trên lửa.
Thịt dê và đệ tam khoái: một huyền thoại của Việt Nam
Có một điểm đặc biệt ở đa số đàn ông Việt Nam, hễ nói đến món thịt dê là họ liên tưởng ngay đến ba cái vụ kia. Có lẽ đây là tâm lý chung của bọn mày râu qua sự thán phục thành tích super của «sư phụ» hay «ông thầy» chăng?
Mỗi sáng, «ông thầy» đứng điểm danh ngay phía ngoài cửa chuồng. Hễ nường nào có dấu hiệu hot thì «ông thầy» phóng lên liền, khỏi cần phải mời mọc lâu lắc lôi thôi.

Nghe bạn bè ai nấy đều ca tụng món thịt dê quá cỡ thợ mộc nên người viết vì tánh tò mò cũng đã dùng thử đôi ba lần, nhưng sau mỗi lần ăn thì thấy nó cũng vậy mà thôi! Chắc có thể tại mình ăn không đủ liều chăng?
Thịt dê được sử dụng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Mạnh nhất là khối Hồi giáo, Trung đông, dân Á rạp, Phi châu, Nam Mỹ, dân vùng biển Caribbean, Ấn độ, kế đến là Hy lạp, Ý, Thổ nhỉ kỳ và Trung quốc.
Riêng tại VN, mấy năm trước đây phong trào nuôi dê nuôi cừu đã nở rộ lên rất mạnh mẽ trên khắp cả xứ. Nhưng phải biết, cái gì cũng vậy, cần phải tuân theo luật cung cầu, bởi vậy cho nên đến năm 2007, thì nói chung tình hình nuôi dê bên nhà đang trên đà xuống dốc thảm thương và đã có nhiều nhà chăn nuôi đã bị phá sản rồi.


image

Thịt dê tại Canada

Tại Canada, thịt dê chủ yếu nhắm vào khách hàng Hồi giáo và dân Á rạp.
Thị trường dê sống, được phân làm bốn hạng: 30lbs, 60lbs, 90lbs và 150lbs cân sống.
Đa số dê hạ thịt đều phải theo nghi thức Hồi giáo và thịt này được gọi là thịt halal.
Con vật bị chính tay người Hồi giáo cắt cổ thay vì bị bắn vào đầu như cách hạ thịt thường lệ ở tại các lò sát sinh Canada.
Thống kê năm 2001 cho biết, Canada có một đàn dê vào khoảng 182.151 con. Nhu cầu thịt dê tăng rất mạnh nhân những ngày lễ hội tôn giáo như lễ Ramadan của Hồi giáo hay lễ Navadurgara của Ấn độ giáo.
Số lượng thịt dê không đủ cung ứng cho thị trường nên Canada phải cho nhập thêm thịt dê đông lạnh từ Úc châu và từ Tân Tây Lan.
Thịt dê tại Hoa Kỳ

image

Bộ Canh nông Hoa kỳ USDA cho biết, năm 2007 Hoa kỳ có một đàn dê trên 3 triệu con, trong số nầy 2,2 triệu con là dê dùng để sinh sản (breeding) và số còn lại là dê nuôi để lấy thịt. Texas đứng đầu về số dê nuôi (51%), kế đến là Tennessee.
Năm 1993, giống dê South African Boer goat được nhập thẳng từ Nam Phi để gầy giống. Boer goat được cho phối giống với dê địa phương Spanish goat của Hoa Kỳ để tạo ra những dòng dê có năng suất thịt rất cao.
Tuy với một đàn dê trên 3 triệu con, nhưng Hoa kỳ hằng năm cũng cần phải nhập thêm thịt dê. Năm 2006, 11.070 tấn thịt dê được nhập cảng từ Úc châu và Tân Tây Lan.
Cùng với số  di dân vào Hoa kỳ không ngừng gia tăng nhu cầu về thịt dê cũng theo đó mà tăng theo. Các lễ hội tôn giáo của các sắc dân là dịp thị trường thịt dê rất bận rộn.

image

Nói chung các dịp lễ như Phục sinh (Eastern), Giáng sinh và Tết Tây, các loại dê từ 10kg đến 60kg bị hạ thịt rất nhiều.
Lễ Phục Sinh: chủ yếu là dê tơ lối 15kg.
Lễ Ramadan của Hồi Giáo kéo dài một tháng, họ chỉ được ăn trước khi mặt trời mọc và sau khi mặt trời lặng mà thôi. Dê sử dụng dưới 30kg.
Lễ Id al Adha: dùng dê từ 30 đến 50kg.
Lễ các sắc dân Caribbean: dê 30 - 40kg
Tết Tàu: chuộng dê nặng từ 30 - 40kg
Các sắc dân Latino Nam Mỹ thích dê tơ (cabrito). Nếu dê to hơn thì được quay nướng kiểu mechoui. Seco de Chivo là món thịt dê rất thường thấy trong những dịp lễ hội của người Latino sống tại Hoa Kỳ.
Một số Mexican American chuộng thịt dê để kỷ niệm lễ Cinco de Mayo (May 5)
Ấn độ kỷ niệm lễ Dassai: sử dụng dê dực còn tơ.
Người Do Thái cũng ăn thịt dê nhưng con vật phải được chính tay ông cố đạo của họ (gọi là Rabin) cắt cổ và giết thịt theo nghi thức Do Thái Giáo. Thịt nầy được gọi là thịt Kosher tương tợ như thịt Halal của bên phía Hồi Giáo.


Tính chất của thịt dê


image

Thịt dê, tiếng Anh gọi là chevon, đây là thịt dê tơ rất ngon ngọt. Thịt nhiều nạc, ít mỡ, ít cholesterol. Dê dưới một tuổi cho thịt ngon nhất. Nói chung, thịt dê sau khi nướng, chứa ít chất béo bão hòa hơn thịt gà (đã được lột da) và cũng còn ít hơn cả thịt bò và thịt heo nữa.
Trở ngại duy nhất là thịt dê có mùi khen khét, mùi dê nên nhiều người không thích cho lắm. Đây là một điểm hơi lạ vì dê mà không ưa mùi dê.
Các người bán thịt tại Canada có mách cách khử bớt mùi dê như sau: lấy một tí giấm, hoặc vắt hai trái chanh vào tô thịt dê, chế vô một ít dầu ăn, trộn đều và đem cất trong tủ lạnh trong vài giờ đồng hồ, mùi dê sẽ bớt đi.
Cách khác là chúng ta có thể dùng quế để khử bớt mùi dê, hoặc lúc nấu thịt cho sôi thì vớt bỏ bớt mỡ.
Ở Việt Nam, người ta thường khử mùi dê bằng cách bóp thịt với một tí rượu trắng có trộn gừng bằm nhuyễn. Sau đó xả lại bằng nước lạnh.
Có người dùng beer để khử mùi.
Một cách khác là có thể trụn sơ thịt trong nồi nước sôi có thêm vài tép sả hoặc một hai khúc mía.
Tác giả cũng có nghe nói, bên nhà có người rất tàn nhẫn. Họ đổ ba xị đế vào họng cho dê uống cho say, sau đó họ đánh con vật hay dần nó, bắt nó chạy toé khói cho thật mệt lả, để nó xuất mồ hôi mồ hám ướt hết cả lông cốt để đem bớt chất hôi ra ngoài rồi sau đó mới cắt cổ. Họ nói làm như vậy thịt sẽ hết hôi và trở nên mềm và ngon hơn (?). Thấy sao mà dã man quá xá cỡ, tội mạt kiếp nghe hôn mấy cha! Nếu làm theo kiểu nầy mà ở Tây ở Mỹ thì đi ủ tờ gỡ lịch là cái chắc về cái tội dám hành hạ «ông thầy».
Thịt dê qua cái nhìn của Đông y
Theo Gs Đỗ tất Lợi, thịt dê có tính nhiệt và có tác dụng trợ dương, bổ huyết, rất tốt cho phụ nữ mới sinh nở.

image

Hầu như tất cả bộ phận của dê đều có thể sử dụng để làm thuốc. Dái dê và thận dê có tính bổ dương. Xương thịt có thể sử dụng để nấu cao. Thịt dê có tác dụng giải độc, bổ huyết, chữa choáng váng, đau lưng, chóng mặt, nhức đầu, v.v…
ThS Hoàng khánh Hiển, Khoa học&Đời sống thì thịt dê là một loại thịt có thể trị được nhiều thứ bệnh lắm, trong đó phải kể đến bệnh thằng nhỏ khó dạy làm thằng lớn buồn rầu quá cỡ.
Người viết đã sưu tra rất nhiều tài liệu của các nhà chuyên môn về Đông y bên Việt Nam, thì tất cả đều nói thịt dê rất bổ và có tính trợ dương ngoại hạng.
Tuy vậy, tác giả cũng chưa từng tìm thấy được một tài liệu khoa học nào đáng tin cậy trong Medlines và MedPubs nói đến tính chất trợ dương của thịt dê. Phải chăng ý niệm trợ dương trong Đông Y nên được chúng ta hiểu theo một nghĩa rộng rãi hơn?.
Thịt dê nhiều chất dinh dưỡng như Protein, nhiều bần tố, chất khoáng, nhiều vitamins, nhiều chất sắt thì đương nhiên là bổ cho cơ thể rồi. Và việc bổ chung nầy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyện khác không mấy hồi...
Tình hình thịt dê tại Montréal
Tại Montréal, thịt dê chỉ được thấy bán trong một số tiệm thịt của người Hồi giáo mà thôi. Thịt dê, ngọc hành hay trái dứng ‘sư phụ’, dế bò và ngầu pín cũng có thể mua không mấy khó khăn. Muốn mua dái dê phải nói là mình muốn mua amourettes! Đó các bạn thấy không? Đâu phải chỉ có đám đực rựa Việt Nam mình mới chuộng mấy món ác liệt nầy đâu? Thịt dê là nỗi ám ảnh chung của bọn đực rựa Á châu và Phi châu.
Thịt ngon nhất là phần đùi sau, gọi là gigot giá 12$/kg, các phần khác rẻ hơn chút đỉnh. Trái dứng 9$/kg. Bảo đảm thịt đã được thú y sĩ nhà nước kiểm soát vệ sinh và áp pru tại lò sát sinh rồi.
Không có thịt dê dỏm tại Canada đâu.
Ngược lại, bên nhà thì coi chừng, dê thiệt dê giả dê dỏm đều có cả!.
Tại Việt Nam, nghe đâu giá 1kg thịt dê vào khoảng 50.000-60.000 đồng gì đó, tính ra cũng còn quá rẻ so với giá thịt dê mua tại Canada.

Lai rai ba sợi với bạn bè

image

Mùa hè đẹp trời, tác giả đề nghị các bạn nào chịu chơi, mua đại nguyên một con dê (lối 12kg) đã được làm sẵn rồi. Đem về ướp theo kiểu VN, sau đó đem ra sân nổi lửa lên quay theo lối méchoui. Làm sao có dụng cụ? Khỏi phải lo, bạn hãy đến các tiệm cho mướn dụng cụ, chẳng hạn như tiệm Lou Tec ở Montréal. Tại đây, bạn có thể mướn dụng cụ gồm có một cái moteur và phụ tùng lỉnh kỉnh để quay méchoui. Tiền mướn dụng cụ lối 72$ cho một weekend. Nhớ rủ bạn bè và cũng đừng quên phone người viết đến tham dự cho vui và nhắn mỗi người phải nhớ xách theo rượu chẳng hạn như Porto loại trên 10 tuổi thì càng tốt. Bảo đảm sẽ vui lắm, một dịp để gặp gỡ bạn hiền và tha hồ vừa đớp hít vừa đấu láo chuyện trên trời dưới đất, chuyện mấy em chân ngắn chân dài. Sau buổi nhậu mình dám quên luôn cả đường đi lối về lắm!
Nói giỡn cho vui vậy thôi chớ cũng đừng quên rằng “Please don’t drink and drive”, «L’alcool au volant, c’est criminel» đó nghe hông các bạn già. Láng cháng dám bị phú lích giam mất bằng lái đau lắm chớ chẳng phải chơi đâu!
Kết luận

image

Thật ra, tác giả cũng không biết được thịt dê thật sự có effet hay có bổ cho ba cái vụ kia hay không? Đây chẳng qua là kinh nghiệm riêng rẽ của mỗi cá nhân mà thôi. Một số bạn bè của người viết là dân ăn nhậu chuyên nghiệp, họ có tật hay nổ dữ lắm và cả quyết, thề thốt rằng thịt dê rất trợ dương. Effet ít hay nhiều tùy cũng tùy thuộc vào tuổi tác của con dê hai cẳng, dê đực hay dê cái, dê non còn sung sức hay dê cụ đã cúp bình thiếc rồi, và cũng tùy vào cách biến chế thành món ăn nữa. Đây là chua kể đến vấn đề « sung với bồ, bất lực với vợ »
Có một điều chắc chắn là phần đông các đấng mày râu trên thế giới như Việt Nam, Trung Hoa, Thái Lan, Lào, Phi Luật Tân, Á Rạp, Phi Châu, v.v…đều tin tưởng là vụ đó là chuyện có thiệt.
Đối với đa số đàn ông phe ta, thịt dê đã gắn liền với đệ tam khoái trong nhóm ANDI. Sự kiện hễ mỗi khi nói đến chữ dê là tạo trong đầu một hình ảnh liên hệ xa gần đến trò múa lân dù rằng chưa phải là mùa Tết nhứt. Các nhà khoa học gọi đây là tự kỷ ám thị. Phải chăng hiện tượng nầy đã giúp phần nào cho tác dụng trợ dương.

image
Hình minh họa

Theo ý kiến của cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA, thì không có thức ăn nào có tính trợ dương (aphrodisiac) cả. Món trợ dương thật sự chỉ có giữa hai cái lỗ tai của chúng ta và đây chỉ là yếu tố tâm lý mà thôi.
Khoa học gọi đây là hiệu quả vờ effet placebo!
Còn một cách trị liệu khác đôi khi cũng có kết quả lắm mà chả cần phải ăn thịt dê hoặc uống thuốc men gì cả, đó là áp dụng cách cấm trại chay tịnh trong đôi ba tuần, cho tinh thần thật sảng khoái và thân xác khỏe khoắn hẳn rồi mới xả trại. Thời gian tịnh dưỡng càng lâu thì càng tốt, nhưng không được quá lâu sẽ quên bài hết. Đúng với câu use it or loose it! Đây là một trong nhiều cách trị liệu theo lối thiên nhiên nếu chẳng may bị mất điện.
Còn các bà, các chị tuy ngoài mặt, ngoài miệng thì nói ăn làm chi ba cái thứ đồ quỷ đó, nhưng mà trong bụng lại mở cờ, hăng hái móc hầu bao đưa anh hai cho các ông đi mua thịt dê về nhậu cho đã đời, rồi sau đó tối thành quỷ sống để được các bà…khen!

Sướng chưa! Chuyện khó hiểu thiệt.

Nguyễn Thượng Chánh  

No comments:

Post a Comment

quangnm