Wednesday, February 13, 2013

ĂN UỐNG NGÀY TẾT 2013

Những món ăn chống ngấy ngày Tết

Cá nướng muối ớt, gỏi xoài, các món lẩu... là những món ăn giúp bạn xua đi cảm giác ngấy, đồng thời mang lại sự ngon miệng.
Thịt heo, giò chả tràn ngập trong thực đơn ngày Tết đôi khi mang đến cho gia đình bạn cảm giác chán, ngấy không muốn ăn. Dưới đây là một vài món ăn giúp bạn đổi món:
Cá nướng muối ớt:
Khi đã no nê với những món ăn từ thịt, thì cá sẽ là lựa chọn tốt cho bạn. Thay vì chế biến theo cách thông thường như nấu canh, kho, chiên... hãy thử làm món cá nướng muối ớt thơm phức cho các thành viên trong gia đình thưởng thức. Có hai món cá nướng thơm ngon gợi ý cho bạn là cá da bò nướng muối ớt xanh và cá chình nướng.
- Cá da bò nướng: Cá da bò là một đặc sản của các tỉnh miền biển, thịt cá mềm nhưng không bở, lại cho vị ngọt tự nhiên rất ngon miệng. Nó có thể làm món ăn trong bữa cơm, món nhâm nhi hay cuốn với bánh tráng đều ngon miệng.
ca-da-bo-jpg_1360377668[1332088530].jpg
Chọn con cá còn tươi, không nhỏ quá nhưng cũng không lớn quá, khoảng từ 800g đến 1kg là vừa ăn. Cá mua về làm sạch ruột, khứa những đường chéo trên thân để ướp gia vị. Ớt xanh giã nát với muối, một ít đường. Ướp đều trên thân cá, để cá trong khoảng 15 phút cho thịt cá ngấm vào gia vị trước nướng. Đặt cá lên vỉ và nướng trên bếp than hồng, trong quá trình nướng nhớ trở thật đều tay để cá chín đều.
- Cá chình nướng: Cá chình là món ăn rất bổ dưỡng, có tác dụng với những người bị đau bệnh cột sống, cao huyết áp hay liên quan đến xương khớp... Chế biến món cá chình nướng rất đơn giản, cá chình còn tươi, làm sạch nhớt, bỏ ruột, thái thịt thành từng khúc vừa ăn và rửa lại bằng nước sạch, để ráo. Ướp cá với hỗn hợp muối, đường, ớt xanh đã giã nát trong khoảng 15 phút cho thịt cá thấm gia vị.
ca-chinh-1-gif[1332088530].gif
Nướng cá chín trên bếp than hồng. Gia vị của muối ớt thấm vào trong từng thớ thịt mang đến cảm giác thơm cay, cùng vị ngọt tự nhiên đặc trưng, béo nhưng lại không mang đến cảm giác ngấy.
Các món gỏi xoài
Ngoài việc là một thành phần quan trọng trong mâm ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết, xoài còn là nguyên liệu chính làm nên những món gỏi vừa dễ ăn vừa ngon miệng, không ngán, được nhiều người ưa thích. Có thể kể ra đây những món gỏi xoài phổ biến như: gỏi xoài tôm khô, gỏi xoài khô cá sặc, gỏi xoài tôm thịt...
goi-xoai-1-jpg[1332088530].jpg
Điểm chung của các món gỏi xoài là rất dễ làm. Cách chế biến gần như giống nhau, chỉ khác nhau là nguyên liệu để trộn chung. Xoài chọn loại xoài xanh, hơi vàng, gọt sạch vỏ, bằm nhỏ hoặc thái thành từng sợi vừa ăn rồi trộn với các nguyên liệu ăn kèm.
goi-xoai-2-jpg[1332088530].jpg
Thành phần quan trọng làm nên gia vị cho món gỏi chính là nước mắm chanh tỏi ớt. Giã nát tỏi, ớt, pha thêm nước mắm ngon, đường, cho một ít chanh vào cho vừa ăn là được. Khi trộn gỏi, cho vào ít nước mắm chanh tỏi ớt cho vừa ăn, thêm vào ít rau răm, húng quế, húng lủi cho thơm là được. Gỏi xoài có thể ăn với bánh tráng, bánh phồng hoặc làm món nhậu cho ly rượu đầu xuân đều thích hợp.
Lẩu cua
Cua đồng là nguyên liệu quen thuộc trong bữa ăn của người Việt. Không những là món ăn ngon, có giá trị cao về dinh dưỡng, thịt cua đồng còn được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: cua đồng nấu canh rau đay, cua đồng xào me, cua đồng rang muối....
lau-cua-1-gif[1332088530].gif
Trong cái se se lạnh của miền Bắc hay cái nắng ấm của trời miền Nam vào những ngày giáp Tết, bạn có thể lựa chón món lẩu cua đồng đổi vị cho gia đình. Lẩu cua ăn kèm với các nguyên liệu như: giò sống, đâu phụ, chả cá... các loại rau cũng rất phong phú như xà lách, bắp chuối thái nhỏ, rau muống cùng với bún tươi và chén nước chấm thơm ngon. Sự pha trộn rất nhiều nguyên liệu trong cái vị ngọt thanh của nước cua đồng chắc chắn sẽ giúp gia đình bạn xua tan đi cảm giác ngấy của thịt mỡ.
Khánh Hòa

Đầu xuân đi ăn ngon trên đất Sài Gòn

Quán mì vịt tiềm, các món nướng, quán cháo cá hay bò beefsteak... là những quán ăn vẫn mở cửa trong những ngày Tết. 
Trong những ngày đầu năm mới, nhiều quán ăn ở Sài Gòn tạm đóng cửa để nghỉ Tết, thật khó để bạn và gia đình tìm được quán ăn thích hợp cho mình. Dưới đây là một số địa chỉ quán ăn vẫn mở cửa dịp Tết.
1. Quán Khoái - 3A Lê Quý Đôn, quận 3: Nếu thích những món hải sản, các món bánh của miền Trung như: bánh xèo, bánh bèo, bánh căn... thì đây là một địa chỉ tốt cho gia đình bạn trong những ngày đầu năm.
ca-chinh-2-jpg[1332088530].jpg
2. Nếu muốn ăn mì vịt tiềm, bạn có thể ghé quán Huê Viên ở địa chỉ 227 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận (góc đường Phan Đình Phùng - Nguyễn Trọng Tuyển). Quán bắt đầu bán từ 15h.
mi-vit-tiem-jpg[1332088530].jpg
3. Nếu thích bò beefsteak bạn có thể ghé quán bò VinaOne ở địa chỉ 44 Mạc Thị Bưởi - quận 1. Quán bắt đầu bán từ 7h hàng ngày.
bo-3-jpg[1332088530].jpg
4. Cơm tấm Tài trên đường Nguyễn An Ninh - quận Bình Thạnh là địa chỉ không thể bỏ qua với những người thích món ăn này. Quán bán từ 6h đến trưa và từ 16h đến 22h.
5. Quán ăn Con Gà Trống - 285/C145 đường Cách mạng tháng 8, quận 10. Đây là nơi chuyên phục vụ  những món ăn truyền thống miền Tây Nam Bộ và Khmer.
goi-mehoo-jpg[1332088530].jpg
6. Cháo cá miền Tây - 3 Nguyễn Văn Bá, quận Thủ Đức. Ngoài cháo cá, ở đây còn có rất nhiều món ăn ngon khác như tôm nướng, cá nướng....
7. Nếu thích ăn món nướng, bạn có thể ghé đến quán nướng Babercue ngay góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn (quận 1).
thit-heo-jpg_1360722898[1332088530].jpg
8. Nem cua bể - 94 Đinh Tiên Hoàng, quận 1. Đây là quán ăn nổi tiếng với những món ăn đặc trưng của Hải Phòng như: miến xào cua, miến cua, nem cua bể...
9. Nếu muốn ăn miến gà, phở gà, bạn có thể ghé quán gà Kỳ Đồng - 14/5 Kỳ Đồng, (quận 3); Quán Phương Béo - 349 Nguyễn Trọng Tuyển, (quận Tân Bình); quán gà 43 Mạc Đĩnh Chi (quận 1).
mien-tron-jpg_1360722980[1332088530].jpg
10. Nếu thích ăn quán lề đường, bạn có thể ghé đến quán cháo sườn - đối diện chợ Tân Định (quận 1); quán bún cá Châu Đốc - góc đường Hai Bà Trưng - Võ Thị Sáu (quận 1).
Bài và ảnh: Khánh Hòa

Bánh tét dài 38 m phục vụ hàng nghìn thực khách

Tối mùng 3 Tết, chiếc bánh tét kỷ lục này đã được cắt để bán cho người dân, du khách tại Nha Trang, Khánh Hòa. 
Các thợ làm  bánh đang làm chiếc bánh tét dài 38 m ở Nha Trang. Ảnh: Kỳ Nam.
Các thợ làm bánh đang làm chiếc bánh tét dài 38 m ở Nha Trang. Ảnh: Kỳ Nam.
Bánh có đường kính 0,2 m, dài 38 m, gói từ những nguyên liệu cổ truyền như nếp, đậu xanh, đậu phộng, thịt heo, lá chuối… Bánh được 20 đầu bếp và gần 100 nhân viên, du khách cùng làm. Khi hoàn thành, tổng trọng lượng lên đến 830 kg, nấu trong gần 10 tiếng đồng hồ mới chín.
Tại lễ cắt bánh, đông đảo người dân và du khách mua giá 50.000 đồng cho một phần bánh dày 2cm. Ước tính Ban tổ chức thu được số tiền khoảng 90 triệu đồng, dự kiến toàn bộ sẽ dành làm từ thiện.
Kỳ Nam

Những món gỏi ngon không ngấy

Gỏi chả cá ngũ vị, gỏi rau muống, gỏi hến... là những món gỏi dễ làm, ngon miệng lại không mang đến cảm giác ngấy trong những ngày đầu năm.
Thực đơn ngày Tết dễ làm bạn tăng cân và chán ngấy với nhiều món ăn đầy chất béo như thịt mỡ, bánh chưng, bánh tét, chân giò hầm... Hãy đổi khẩu vị với những món gỏi đơn giản, dễ làm và quan trọng là không ngấy, mang lại cảm giác ngon miệng cho bữa cơm gia đình
Gỏi rau muống
Để làm món này, bạn cần chọn loại rau muống có cọng to, ít lá và còn tươi. Rau muống được lặt bỏ hết lá, thái thành những sợi mỏng và dài, gần giống rau để ăn bún bò là được. Thái xong, ngâm vào nước có pha giấm để rau xanh và giòn. Bạn có thể làm món nộm rau muống với đậu phộng giã nhỏ hoặc trộn với thịt bò đều được. 
goi-rau-muong-jpg[1332088530].jpg
Nếu trộn với thịt bò, lựa loại thịt bò tươi ngon, rửa sạch thái mỏng. Ướp thịt bò với các loại gia vị, gừng, tỏi... và xào vừa chín đến. Pha một ít nước cốt chanh, đường, nước mắm, ớt xay... đánh thật đều cho đường tan hết, nếm lại vừa ăn là được. Rau muống vớt ra để ráo, đặt chảo lên bếp, phi thơm dầu ăn, cho rau muống vào đảo đều với dầu ăn, rưới nước mắm chanh tỏi ớt lên và đảo thật đều cho rau muống ngấm gia vị.
Bày rau muống ra đĩa, cho lên trên mặt thịt bò, rắc lên ít lạc rang đã giã nhỏ, cho thêm một ít rau kinh giới và ngò rí thái nhỏ để món ăn có hương thơm thêm hấp dẫn. Gắp một đũa rau muống ăn để cảm nhận hương thơm của rau kinh giới, cái béo của đậu phộng, thịt bò mềm ngọt, cùng với đó là rau muống giòn giòn, có vị chua nhẹ hơi cay rất ngon miệnng.
Gỏi vả trộn tôm
Vả lựa chọn mua loại còn tươi xanh, ở phần cuống còn mủ mới ngon. Khi mua về, rửa sạch và đem luộc chín. Lột bỏ lớp vỏ bên ngoài, bổ đôi và thái lát mỏng vừa ăn theo chiều dọc của thân quả. Vả trộn là món ăn nhà nghèo, nên tôm, thịt thường rất ít, nó như điểm xuyết tăng thêm sự hấp dẫn cho món ăn. Thịt ba chỉ được luộc chín, thái nhỏ, nếu thích thì có thể mua thêm tôm, luộc chín, bỏ vỏ.
goi-va-jpg[1332088530].jpg
Sau khi chuẩn bị xong, trộn đều tất cả các nguyên liệu như vả, thịt, các loại rau thơm, vừng lại với nhau. Nêm một ít gia vị, tiêu cho vừa ăn là được. Bày món vả trộn ra đĩa, nếu có tôm thì cho vài con lên trên cho đẹp mắt. Vả trộn được ăn kèm với bánh tráng nướng và chén nước chấm cay. Cái giòn rụm của bánh tráng hòa với cái vị bùi bùi của vả, hương thơm của các loại rau, vừng hòa cùng nước chấm đậm đà đem lại sự thích thú, ngon miệng cho người ăn.
Hến trộn xúc bánh đa
Hến tươi đãi sạch, luộc chín, tách lấy phần thịt, để ráo nước. Đun nóng dầu, xào thơm hành tím, tỏi, cho hến vào xào nhanh tay trong vài phút, nêm nước mắm, hạt nêm, đường, để thịt hến săn hơn trên lửa nóng. Cho hành lá, rau răm, ớt, tiêu vào đảo đều và nhắc xuống bếp.
goi-hen-jpg[1332088530].jpg
Đĩa hến trộn hấp dẫn từ con hến đến cọng rau, hành xanh um, cùng với lạc rang giã nhuyễn, rau húng, các loại, ớt sừng xanh cắt mỏng và ớt tương, xúc ăn với bánh tráng gạo nướng hòa quyện thành một hương vị thật khó quên. Chính cái hương vị đặc biệt của con hến, mùi thơm cay nồng của hỗn hợp gia vị tiêu, ớt, chanh và rau răm; kết hợp bánh tráng mè đen giòn rộm giúp món ăn càng thêm hấp dẫn. 
Khánh Hòa

Món canh thanh mát cho ngày đầu năm

Canh bí xanh nấu tôm, canh củ cải trắng, canh nghêu nấu rau muống... là những món canh vừa ngon miệng vừa có tác dụng thanh nhiệt rất hiệu quả.
Những món ăn ngày Tết nhiều dầu mỡ vừa dễ gây cảm giác ngấy vừa nóng không tốt cho sức khỏe của bạn. Dưới đây là một số món canh dễ chế biến, vừa có tác dụng thanh nhiệt vừa ngon miệng.
Canh bí xanh nấu tôm
Bát canh thơm ngon với vị ngọt tự nhiên của tôm hòa trong cái vị ngọt thanh mát của bí rất tốt cho sức khỏe của bạn và gia đình
Canh bí nấu tôm.
Canh bí nấu tôm. Ảnh: N.S.
Nguyên liệu:
- 1 hoặc 2 quả bí xanh khoảng 500g. 
- 200g tôm đất, nếu không có thì có thể chọn tôm sú hoặc tôm thẻ đều được.
- Hành tím, hành lá, muối, đường, hạt nêm, tiêu, nước mắm...
Cách chế biến:
- Bí gọt vỏ, thái thành từng lát vừa ăn. Hành tím lột vỏ thái mỏng, hành lá rửa sạch, thái nhỏ.
- Tôm bóc vỏ, bỏ chỉ đen, rửa sạch, để ráo rồi giã nát. Đặt nồi lên bếp, cho dầu ăn vào làm nóng. Cho hành tím vào phi thơm, đổ tôm đã giả vào, xào nhanh đến khi tôm chuyển màu hồng thì cho nước lạnh vào đun sôi. Nêm các loại gia vị cho vừa ăn, sau đó cho bí vào và nấu chín, khi nồi canh sôi lại thì nêm gia vị lại cho vừa ăn và tắt bếp. Múc canh ra bát, rắc lên ít hành lá và thưởng thức.
Canh nghêu nấu rau muống
Trong thời tiết nắng nóng của những ngày đầu năm, một bát canh nghêu bốc khói là lựa chọn tốt cho bữa cơm của bạn.
canh-ngheu-jpg[1332088530].jpg
Canh nghêu nấu rau muống. Ảnh: N.S.
Nguyên liệu: 
- 500g nghêu, 1 bó rau muống vừa ăn.
- Muối, hạt nêm, gừng, đường.
Cách chế biến:
- Rau muống ngắt thành từng khúc vừa ăn, bạn có thể bỏ bớt lá nếu thích. Ngâm vào nước muối pha loãng và rửa lại bằng nước sạch.
- Nghêu còn sống mua về ngâm qua nước vo gạo, hoặc nước có pha ớt trong khoảng 15 - 20 phút để nghêu nhả hết bùn đất trong mình ra. Sau đó vớt nghêu ra, rửa lại bằng nước sạch. Cho nghêu vào nồi, đổ nước ngập mặt và luộc chín. Nhớ cho vào ít gừng thái sợi để nước luộc nghêu được thơm hơn.
- Nghêu luộc chín, vớt ra lấy thịt, bỏ vỏ. Nước luộc nghêu để lắng cặn, lọc lại để dùng nấu canh.
- Đổ nước luộc nghêu đã lọc sạch vào nồi và đun sôi. Sau đó cho rau muống vào, nấu chín thì cho nghêu vào, nêm lại gia vị vừa ăn và tắt bếp và dùng nóng.
Canh hến nấu rau muống
Nếu như không thích nấu nghêu với rau muống, bạn có thể thay thế bằng con hến, đây cũng là một món ăn có tác dụng thanh nhiệt rất tốt.
Canh rau muống nấu hến.
Canh rau muống nấu hến. Ảnh: N.S.
Nguyên liệu: 
- 500g hến, 1 bó rau muống.
- Muối, đường, hạt nêm.
Cách chế biến:
- Rau muống ngắt thành từng khúc vừa ăn. Hến ngâm vào nước vo gạo hoặc nước có pha muối, sau đó rửa lại bằng nước sạch. 
- Đun nồi nước sôi, thả hến vào đun cùng đến khi hến hả miệng, tắt bếp, đợi nguội, đổ nước luộc hến ra để riêng qua một bát sạch, đãi hến lấy phần thịt, bỏ vỏ. Cho hến, gừng vào lại nước luộc hến, đun sôi và cho rau muống vào, nêm gia vị vừa ăn, không nên nêm nhiều gia vị làm mất đi vị ngọt tự nhiên của nước luộc hến.
- Trong những ngày trời trở nóng, bát canh hến nấu rau muống mát lành và thanh ngọt tự nhiên sẽ giúp bạn xua đi cái nóng nực của thời tiết bên ngoài.
Canh sườn non nấu củ sen
Củ sen có tác dụng thanh nhiệt, lại rất tốt cho giấc ngủ của bạn.
Canh củ sen nấu sườn non.
Canh củ sen nấu sườn non. Ảnh: N.S.
Nguyên liệu:
- 500g củ sen. 300g sườn non.
- Hành lá, ngò rí, hạt nêm, muối, đường.
Cách chế biến:
- Củ sen gọt sạch vỏ, rửa sạch bùn đất bám bên trong, thái thành từng khoanh vừa ăn.
- Sườn non thái thành khúc vừa ăn, rửa qua nước muối và rửa lại bằng nước sạch. Cho sườn non vào nồi, đổ nước ngập mặt đun sôi, nhớ canh vớt sạch bọt cho nước trong.
- Đun đến khi sườn chín thì cho củ sen vào đun tiếp. Khi củ sen chín, nêm vào một ít muối, hạt nêm cho vừa ăn thì tắt bếp. Múc canh ra bát, cho vào ít hành lá, ngò rí thái nhỏ và thưởng thức.
Khánh Hòa

Đậu ván xào thịt

Đậu ván còn tươi xanh, không quá già được xào chung với thịt, món ăn đơn giản đem lại hương vị thơm ngon cho bữa cơm gia đình bạn trong ngày Tết.
Đậu ván là thực phẩm dây leo phổ biến ở các vùng quê miền Trung. Những quả đậu tươi xanh thường dùng làm nguyên liệu cho một món xào thơm ngon, giàu giá trị dinh dưỡng. Đậu ván có thể xào với thịt bò, thịt heo hoặc xào không với hành tỏi đều ngon.
Đậu ván tước bỏ sợi hai bên, khứa thành từng phần nhỏ không rời nhau.
Đậu ván tước bỏ sợi hai bên, khứa thành từng phần nhỏ không rời nhau.
Cách chế biến đậu ván xào thịt không có gì phức tạp. Quả đậu tươi ngon được tước hai sợi bên thân hệt như làm đậu cô-ve. Sau đó khứa chéo theo thân đậu cho dễ thấm gia vị. Rửa sạch và để ráo.
Bước tiếp theo là thái thịt thành những lát mỏng. Tẩm gia vị quen thuộc như ớt, hành, tiêu, bột nêm, muối, cộng thêm chút mắm ăn để lúc xào thịt đượm mùi thơm. Ướp gia vị khoảng nửa giờ là phù hợp để chế biến.
Thịt heo được thái thành từng lát vừa ăn, tẩm ướp gia vị trước khi đem xào.
Thịt heo được thái thành từng lát vừa ăn, tẩm ướp gia vị trước khi đem xào.
Món đậu ván xào được chế biến như các món xào thông thường. Cho đậu vào dầu nóng, xào một lúc, đậu lên màu xanh đẹp mắt. Sau đó cho thịt vào xào đều cho thịt chín. Nêm gia vị, có thể cho thêm một chút nước lọc để đậu thêm chín mềm và ngấm gia vị.
Để món xào thêm phần thơm ngon, có thể cho một chút hành ngò thái nhỏ. Bày thức ăn ra đĩa là ta đã có món xào lạ miệng cho bữa cơm trưa.
Đậu xào chín có màu xanh đẹp mắt, thêm hành lá, rau ngò và dọn ra đĩa.
Đậu xào chín có màu xanh đẹp mắt, thêm hành lá, rau ngò và dọn ra đĩa.
Đậu ván là món dễ ăn, những nghiên cứu còn cho thấy nó tốt cho tim mạch và giúp thanh nhiệt cơ thể hiệu quả.
Khánh Ly

Chọn thực đơn Tết cho 4 nhóm bệnh

Những người bệnh mạn tính khi Tết đến phải lưu ý lựa chọn món ăn vì chế độ ăn có thể làm bệnh thêm trầm trọng, nên tham khảo những gợi ý sau:
Khẩu phần ăn cho ngư​ời bị bệnh tim mạch
Những người bị bệnh tim mạch cần hạn chế mỡ động vật, trứng và nên ăn các món cá nhiều mỡ. Rất nên ăn các món rau, quả tươi hoặc rau hấp. Món salad trộn, hãy trộn bằng các loại dầu thực vật hay nước chanh vắt. Gạo nên chọn loại còn nguyên cám và các sản phẩm sữa có hàm lượng chất béo thấp. Không nên ăn nhiều trứng, thịt xông khói, phô-mai có hàm lượng chất béo cao, gan và các sản phẩm từ nguyên liệu đó. Có thể uống 1 - 2 ly rượu vang đỏ không đường mỗi ngày. Loại rượu này cải thiện tiêu hóa và giảm nguy cơ tích tụ cholesterol trong mạch máu.
Khi bị tăng huyết áp
Tất cả các lời khuyên nêu trên cũng thích hợp cho những ai bị bệnh tăng huyết áp. Song có thêm một lưu ý là những người tăng huyết áp nên tuân thủ chế độ ăn ít muối. Khi bị bệnh này, không nên ham mê các món thịt xông khói, giò, đồ hộp, dưa muối, phô-mai mặn và cá mặn vì các thức ăn này chứa nhiều muối.
thuoc-jpg_1360458306[1200089337].jpg
Người bị viêm loét dạ dày
Để tình trạng viêm loét dạ dày không nặng thêm, trên bàn ăn không nên có các món trộn giấm, đồ xông khói và rượu. Hãy chuẩn bị món ăn từ thịt, cá, trứng, sữa... Thịt dễ tiêu hóa nhất là khi chế biến bằng cách hấp. Cũng có thể luộc thịt hay nướng cá. Trong món ăn nguội có thể dùng giăm-bông ít mỡ. Cùng với món thịt, nên dùng rau, củ, quả như cà rốt, củ cải, súp lơ hay quả bầu bí. Cũng có thể làm món khoai tây nghiền trộn bơ. Hoa quả tráng miệng nên chọn loại ngọt, có thể dùng mứt kẹo ngọt với lượng vừa phải.
Khi bị viêm dạ dày mạn tính với tình trạng tiết dịch kém, độ acid thấp cũng rất cần cẩn trọng khi chọn món ăn. Nên chọn thịt bò, lợn hay gà chế biến bằng cách băm nhỏ. Cá có thể chế biến kiểu hấp hay nướng. Có thể làm món rau trộn từ cà chua tươi với dầu ôliu. Trong bữa ăn nhất định phải có rau xanh thái nhỏ vì chúng có tác dụng kích thích dịch tiêu hóa.
Khi bị viêm túi mật, viêm gan
Hãy hạn chế tối đa các món ăn mỡ. Cách chế biến tốt nhất là dùng lò nướng hay lò vi sóng. Bạn có thể ăn thịt ít mỡ như ức gà, thịt thỏ, thịt bê. Đối với cá, nên chọn loại ít mỡ. Hãy chuẩn bị các món từ cà rốt, súp lơ, bầu bí nấu hay hầm. Khoai tây chiên là món dễ tiêu và cung cấp cho cơ thể những nguyên tố vi lượng cần thiết. Có thể ăn rau trộn từ dưa chuột tươi và cho thêm vào đó ít đậu Hà Lan xanh đóng hộp. Thay vào rượu, có thể uống bất cứ nước ép trái cây nào.
Theo Sức khỏe Đời sống

Đậm đà cá chuồn chiên nghệ

Hương thơm của nghệ tươi thấm đẫm trong từng thớ thịt cá chuồn được chiên giòn, pha lẫn vị ngọt tự nhiên của thịt cá mang đến cảm giác lạ miệng.
Cá chuồn là món ăn quen thuộc của người dân miền Trung, thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: canh cá chuồn, cá chuồn nấu mít non, cá chuồn làm gỏi, cá chuồn chiên nghệ... trong đó, cá chuồn chiên nghệ được nhiều người ưa thích vì hương và vị lạ.
Dưới đây là các bước chế biến:
ca-chuon-1-gif[1332088530].gif
Cá chuồn mua loại còn thật tươi, làm sạch, bỏ hết phần ruột cá, đánh vẩy, bỏ vi và rửa lại bằng nước sạch.
ca-chuon-2-gif[1332088530].gif
Nghệ tươi chọn loại củ già, gọt sạch vỏ và bằm nhỏ. Trộn chung nghệ với các gia vị khác như ớt, tiêu, muối, đường, bột nêm, hành củ...
ca-chuon-3-gif[1332088530].gif
Mổ dọc theo thân cá, cho các loại gia vị vào trong bụng cá. Gia vị ướp vừa phải, không quá mặn để món ăn vừa miệng và giữ được vị ngọt của thịt cá.
ca-chuon-4-gif[1332088530].gif
Sau khi ướp xong, gập đôi cá chuồn lại, dùng lá chuối tước nhỏ hoặc cọng hành lá và buộc cá lại. Đặt chảo lên bếp, làm nóng dầu và cho cá vào chiên, không nên để lửa lớn quá, làm cá bị cháy bên ngoài, nhưng chưa chín bên trong. Để lửa vừa đủ để cá chín đều thơm ngon.
ca-chuon-5-gif[1332088530].gif
Cá chuồn chiên chín vàng, hương thơm của cá hòa quyện trong hương thơm của nghệ rất hấp dẫn và quyến rũ. Trong những ngày đầu năm mới, món cá chuồn chiên nghệ mang đến cho bạn và các thành viên trong gia đình một món ăn ngon miệng và không hề ngấy.
Khánh Ly

Nhớ nồi bánh tét đêm giao thừa

Trong cái khí trời se se lạnh của thời tiết đang giao mùa, cả nhà cùng ngồi quây quần bên ánh lửa bập bùng cùng chờ bánh chín.
Tết thời thơ ấu thường đong đầy trong ký ức của mỗi người bằng những buổi tối cuối năm bên nồi bánh chưng, bánh tét nghi ngút khói. Cả nhà thường tụ tập quanh góc bếp để canh nồi bánh tét sao cho kịp vớt ra để cúng giao thừa. Từ vài ngày trước đó đã phải chọn cắt những tấm lá dong, lá chuối lành lặn, đem rửa sạch qua mấy lượt nước mưa rồi dựng lên trên mấy chiếc nia cho ráo nước. 
Nếp để gói bánh là nếp hương, một thứ nếp hạt nhỏ, tròn trĩnh, có mùi hương thơm ngát tỏa ra khắp nhà. Nếp được đãi thật sạch, ngâm nước cho mềm trước khi gói. Nhân bánh tét được làm từ  đỗ xanh, thịt lợn... Đỗ xanh chọn loại hạt nhỏ, ruột vàng thì sẽ thơm ngon hơn. Đỗ xanh xay vỡ, ngâm trong nước chừng 1-2 giờ rồi đãi sạch vỏ xanh, nấu chín, đánh tơi để làm nhân bánh. Thịt lợn chọn loại thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn thì mới ngon. Không nên chọn loại thịt quá nạc. Thịt rửa sạch thái thành các miếng dài chừng 5-7 cm, dày chừng 0,5 cm, ướp muối, tiêu, hành củ thái lát cho ngấm chừng 15 phút trước khi gói bánh.
Dùng lá dong hoặc lá chuối để gói bánh.
Dùng lá dong hoặc lá chuối để gói bánh. Ảnh: D.L.
Khi tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị xong, được bày ra giữa nhà và chuẩn bị gói bánh. Lấy 4 lớp lá chuối trải dài và chồng lên nhau, đổ nếp dọc theo chiều dài của lá, tiếp đến cho đậu và thịt lợn lên, sau cùng đổ lên trên một lần nếp nữa. Gấp 2 mép lá chuối hai bên lại cho thành một đòn dài, bẻ gập một đầu lá chuối và dựng đứng đòn bánh tét lên. Dùng tay vỗ vào thân bánh để nếp bên trong lèn chặt vào nhau, gập đầu lá còn dư lại cho gọn, xé hai miếng lá chuối to bằng đầu bánh, xếp thành hình chữ thập trên đầu bánh và dùng lạt buộc lại. Sau đó dựng ngược đầu còn lại lên và làm tương tự.
Bánh được gói thành từng đòn dài với sợi lạt buộc bên ngoài rất đều và đẹp.
Bánh được gói thành từng đòn dài với sợi lạt buộc bên ngoài rất đều và đẹp. Ảnh: D.L.
Bánh sau khi gói xong, dùng lạt buộc dọc theo thân bánh với những khoảng cách nhất định, trong quá trình buộc không nên buộc quá chặt hoặc quá lỏng. Nếu buộc lỏng quá, khi nấu bánh nước sẽ vào bên trong làm bánh hư, nếu buộc chặt quá, nếp sẽ không chín được, bánh bị sống. Khi gói xong, lấy một chiếc nồi lớn, lót vào bên dưới một ít lá chuối, chất bánh vào, bên trên mặt để thêm vào miếng lá chuối nữa, đổ đầy nước và đem nấu. Trong quá trình nấu, nhớ canh lửa thật đều, lâu lâu mở nắp nồi, nếu nước rút xuống là phải múc nước châm thêm vào.
Khi bánh chín, vớt bánh ra và  treo cho ráo nước. Trong đêm giao thừa, bánh được sắp vào mâm để dâng cúng trời đất, tổ tiên vào phút giây giao hòa của ngày đầu năm đầy ước vọng. 
Hàn Linh

Làm mới thực đơn Tết bằng món ngon từ sữa chua

Nếu nhàm chán với thức ăn truyền thống trong ngày Tết, chị em có thể làm mới thực đơn bằng một số món ngon, dễ chế biến từ sữa chua.
Không chỉ mang đến hương vị lạ, giúp giải khát, những món ăn từ yaourt còn tốt cho hệ tiêu hóa, làm đẹp da và vóc dáng. Hiện, sữa chua có rất nhiều loại để bạn lựa chọn trong khâu nguyên liệu như có đường, không đường, ít đường, hoa quả,... Trong đó, các loại sữa chua có bổ sung lợi khuẩn còn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, đặc biệt thích hợp trong những ngày Tết khi hệ tiêu hóa phải dung nạp lượng lớn thức ăn.
Dưới đây là một số món ngon, dễ chế biến từ sữa chua mà bạn có thể chuẩn bị để bạn bè và cả gia đình cùng thưởng thức trong dịp Tết.
1. Mây trắng
- Nguyên liệu: một hộp sữa chua, 50ml sữa tươi, 2 thìa cà phê sữa đặc, một lon 7up, một lát chanh, một trái cherry, đá viên.
- Thực hiện: cho sữa chua, sữa tươi, sữa đặc vào bình lắc, sau đó cho thêm đá lắc mạnh và đều tay rồi rót ra ly. Bạn đổ 7up lên trên đến khi đầy ly rồi dùng một lát chanh, trái chery gắn miệng ly. Món này rất thích hợp để tráng miệng, giải khát hoặc khi bạn nhâm nhi cùng bạn bè.
2. Sữa chua hoa quả
- Nguyên liệu: sữa chua, hoa quả như thanh long, lê, dưa chuột, anh đào, mít, chuối, kiwi, nho...
- Thực hiện: Hoa quả rửa sạch, bóc vỏ, thái miếng vuông hoặc con chì, cho vào cốc, đổ sữa chua lên trên, thêm đá bào, trộn đều và thưởng thức. Món này rất dễ thực hiện, vị ngon, mát, giúp bổ sung vitamin, dinh dưỡng cho cơ thể.
chua-3-jpg-1360209347_500x0.jpg
3. Sinh tố sữa chua cà chua
- Nguyên liệu: một hộp sữa chua, 2 quả cà chua rửa sạch, một thìa nước chanh, đá, một cốc sữa tươi, đường.
- Thực hiện: cho tất cả nguyên liệu vào máy xay sinh tố rồi xay mịn, đổ ra ly và thưởng thức. Món này giàu vitamin A và C rất tốt cho sức khỏe, cà chua còn có tác dụng làm mát, chống nóng và dưỡng da.  
4. Sữa chua nếp cẩm
- Nguyên liệu (làm cho 4-6 người ăn): nửa cân gạo nếp cẩm, một lon nước cốt dừa, một cân đường kính, một gói muối tinh nhỏ, 4 hộp sữa chua, lá nếp.
- Thực hiện: gạo nếp cẩm đem vo sạch rồi ngâm trong nước ấm 3 – 4 tiếng đồng hồ. Sau đó, bạn cho nửa lon nước cốt dừa vào xoong đun lửa vừa phải gần giống như cháo, sánh đặc, hết nước lại tiếp thêm nước và cho lá nếp vào để tạo mùi thơm. Bạn cho vừa muối, đảo đều và bắc xuống. Các bạn khi cho đường vào chú ý không được đun lâu để tránh lại gạo. Nếp cẩm chế biến xong, bạn để nguội và cho vào tủ lạnh.
Khi ăn, bạn chỉ cần lấy nếp cẩm, sữa chua và đá cho vào cốc, trộn đều là có thể thưởng thức. Đây là món ăn nhẹ, ngoài giá trị giải khát còn cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể.
chua-2-jpg-1360209347_500x0.jpg
5. Tôm chiên giòn xốt sữa chua
Không chỉ là nguyên liệu để chế biến những món tráng miệng hấp dẫn, sữa chua còn có thể kết hợp với các loại thịt, tôm, cá..., tạo nên nhiều món thịnh soạn để bạn đãi tiệc trong những ngày Tết. Sự góp mặt của yaourt sẽ mang đến hương vị lạ cho bữa ăn, giúp thực khách thấy ngon miệng và dễ tiêu hóa hơn.
- Nguyên liệu: 3 lạng tôm 300g, một chút gừng, dầu oliu, một gói bột chiên tôm, một quả trứng gà, một hộp sữa chua, hành tây, tiêu, ớt đà lạt, gia vị.
- Thực hiện: Tôm làm sạch ướp nước gừng, tiêu, gia vị. Bột chiên tôm bỏ nước cùng trứng đánh đều thành hỗn hợp sánh. Nhúng tôm vào hỗn hợp bột, chiên và nhúng qua dầu ôliu. Món này ăn kèm tương ớt hoặc xốt sữa chua. Cách làm xốt sữa chua: cho sữa chua trộn một chút đường đường, muối, tiêu, ớt đà lạt cắt hạt lựu.
6. Gà nướng với sữa chua
- Nguyên liệu: 2 miếng thịt ức gà philê, một hộp sữa chua, một thìa cà phê gia vị tandoori, nửa thìa cà phê bột cari, một chút bột ớt, tỏi, muối, rau mùi.
- Thực hiện: Trước khi ướp thịt gà, dùng sống dao làm phẳng miếng thịt nhất có thể. Bạn cho sữa chua, tỏi, bột tandoori, bột cà ri, ớt bột và muối vào bát. Rau mùi thái nhỏ, cho vào hỗn hợp trên và trộn đều. Sau đó, bạn đổ bát hỗn hợp sữa chua và các gia vị lên khay thịt gà sao cho phủ kín miếng thịt, bật bếp nướng, phết dầu, khi bếp nóng, cho thịt gà lên nướng. Khi thịt vàng đều, bạn có thể lấy ra ăn kèm với dưa chuột, cà chua thái lát. Ngoài ra, bạn có thể trang trí lên miếng thịt gà một chút sữa chua, vài nhánh rau mùi. Đây là món ăn rất phổ biến ở Ấn Độ.
Xuân Ngọc (tổng hợp)

Những món ngâm chua ăn dần ngày Tết

Thịt lợn ngâm nước mắm, củ cải ngâm nước tương hay rau muống làm chua... là những món vừa để dùng từ từ, vừa chống ngấy trong ngày Tết.
Dưới đây là ba món ăn bạn có thể thực hiện ở nhà, để gia đình dùng trong những ngày Tết.
Thịt lợn ngâm nước mắm
Thịt để chế biến món này là ba rọi hoặc thịt mông, vừa có da vừa có mỡ. Chọn thịt thật tươi, đem rửa sạch rồi thái thành miếng dài và luộc chín. Không nên luộc mềm quá, thịt vừa chín đến vớt ra ngay và ngâm vào đá lạnh. Nước mắm chọn loại ngon, nhiều đạm. Nấu nước mắm với đường theo tỷ lệ một chén nước mắm, một chén đường. Trong khi nấu nhớ khuấy liên tục để đường tan hết, nước mắm sôi, tắt bếp và để nguội.
Thịt heo ngâm nước mắm.
Thịt heo ngâm nước mắm. Ảnh: L.A.
Lấy một hũ thủy tinh rửa sạch, lau khô. Cho thịt vào, ớt, tỏi thái lát cho vào, đổ nước mắm đã nấu vào cho vừa ngập thịt. Dùng thanh cật tre cài lại trên mặt để thịt không bị trồi lên. Ngâm trong khoảng một tuần thì dùng được. Thịt lợn ngâm nước mắm có thể cất giữ được cả tháng.
Củ cải ngâm nước tương
Củ cải ngâm nước tương.
Củ cải ngâm nước tương. Ảnh: B.C
Nguyên liệu chính là củ cải trắng và cà rốt. Cà rốt gọt vỏ, củ cải trắng để nguyên vỏ, rửa sạch. Thái thành từng sợi bằng đầu đũa, dài khoảng 5 cm. Thái xong cho muối vào bóp cho ra nước, vắt ráo nước và đem phơi riêng từng loại. Trời nắng to, chỉ cần phơi trong một buổi là được. Nước ngâm được nấu sôi theo tỷ lệ một bát nước tương, một bát đường, để nguội. Cho củ cải, cà rốt vào lọ thủy tinh, nén chặt, đổ nước tương đã nấu vào ngập mặt và lèn chặt lại. Chỉ sau khi ngâm một buổi là có thể dùng được. Khi đã ngán với những món thịt, cá ngày Tết, củ cải ngâm nước tương là món ngon miệng giúp chống ngấy.
Rau muống ngâm
Rau muống ngâm chua.
Rau muống ngâm chua. Ảnh: N.S.
Chọn loại rau muống hột, không quá già. Nhặt sạch lá, thái khúc và rửa sạch. Nấu nồi nước thật sôi có pha ít muối, cho rau muống vào chần sơ qua. Khi vừa héo thì vớt ra, cho vào nước lạnh rồi đặt tiếp vào thau nước đá để rau muống xanh và giòn. Cho hỗn hợp giấm, đường và nước lạnh vào nồi và đun sôi theo tỷ lệ 1,5 giấm, 1 đường, 1/3 nước.
Cho rau muống vào lọ thủy tinh, đổ nước giấm đã để nguội vào vừa ngập hết rau, dùng thanh cật tre gài lại là được. Rau muống ngâm được ăn không với cơm trắng hoặc ăn kèm với thịt kho tàu đều ngon miệng.
Theo Phụ nữ Online

Ngày Tết nhớ mứt quất phố Hội

Đĩa mứt có màu vàng tươi, lớp đường keo lại bên ngoài cùng hương thơm thoang thoảng của quất làm tăng thêm hương Tết trong nhà. 
Quất làm mứt phải chọn lấy loại quất vườn vừa hơi vàng, vỏ căng mịn, bóng đẹp. Nếu trái quất chín quá thì lớp vỏ bên ngoài dễ bị dập, nát khi sơ chế, món quất làm xong sẽ không đẹp. Làm mứt quất tốn khá nhiều thời gian và sự tỉ mỉ trong từng công đoạn.
Quất lặt bỏ cuống, rửa sạch, dùng dao cạo bớt lớp vỏ bên ngoài để bớt đi mùi hăng. Đây là khâu quan trọng và kỹ càng nhất, người làm phải thật khéo léo và nhẹ nhàng bởi chỉ mạnh tay chút xíu là đường dao có thể “phạm” vào ruột quất, trái quất sẽ bị nhũn phải bỏ đi. 
Đĩa mứt có màu vàng ươm cùng hương thơm thoang thoảng rất đẹp mắt và ngon miệng.
Đĩa mứt có màu vàng ươm cùng hương thơm thoang thoảng rất đẹp mắt và ngon miệng.
Sau khi làm xong, hòa chậu nước vôi trong và ngâm quất trong vòng 3 tiếng rồi vớt ra rửa thật sạch. Cho quất vào nồi bắc lên bếp luộc, khi nước vừa sôi thì vớt ra xả lại nước lạnh để quất nhanh nguội. Dùng mũi dao khoét một lỗ nhỏ phía dưới trái, lấy hết hạt ra và ép bớt nước. Lấy hạt xong thì thổi phồng để quất trở lại hình dạng cũ.
Tiếp đến, cho quất vào ngâm với đường trong vài tiếng để vị ngọt của đường dung hòa vị chua của quất. Khi quất đã thấm, bắc chảo lên bếp, cho quất vào rim với lửa nhỏ. Trong lúc rim, bạn nhớ thường xuyên dùng vá múc nước đường tưới lên từng quả quất để mứt được đều vị, đồng thời đảo nhẹ nhàng các quả quất trong chảo để quất được ngấm đều. Rim đến khi vỏ quất chuyển sang màu vàng trong, nước đường keo lại thành sợi trên đầu đũa thì tắt bếp và để nguội. Nếu bạn muốn thêm hương thơm, có thể cho vào vani hoặc nước cốt gừng.
Nhìn từng quả mứt căng phồng màu cam, thoang thoảng hương quất đã thấy hương xuân đang phảng phất đâu đấy. Trong cái không khí se se lạnh của thời tiết ngày đầu xuân, được thưởng thức vị ngọt dịu của mứt quất bên tách trà nóng thì không gì thú vị bằng. 
Như Diệu

Cách chọn giò lụa ngon cho ngày Tết

Giò có hương thơm thoang thoảng, khi cắt phải mịn, ướt và có rỗ xốp trên mặt... 
Dưới đây là một số cách đơn giản giúp bạn lựa chọn giò cho gia đình dùng trong những ngày đầu năm.
- Thịt lợn được chọn để làm giò lụa phải là thịt nạc loại ngon, tươi, sờ còn ấm tay, đem giã liên tục đến khi thịt nhuyễn (gọi là giò sống), nhấc chày lên thịt không còn dính. Thời nay, thịt được xay bằng máy nên nhanh hơn và không tốn nhiều công sức của người làm. Tuy nhiên, cây giò làm theo cách cổ truyền vẫn giữ được hương vị ngon khác so với giò xay bằng máy. Nước mắm làm giò cũng phải chọn loại ngon và thơm.
Thịt làm giò phải là thịt nạc tươi. Khi giã xong có màu hồng nhạt đẹp mắt.
Thịt làm giò phải là thịt nạc tươi. Khi giã xong có màu hồng nhạt đẹp mắt. Ảnh: T.K.
- Cắt miếng giò, thấy thơm lừng mùi giò, thì nên thận trọng: Giò đã được tẩm hương thịt. Mùi giò do chất lượng giò ngon, chỉ thoang thoảng, quyện với hương của lá gói. Giò mà thiếu lá gói sẽ mất đi một nửa hương vị truyền thống của nó.
Lá gói giò cũng rất quan trọng, tạo nên hương vị thoang thoảng đặc trưng của giò.
Lá gói giò cũng rất quan trọng, tạo nên hương vị thoang thoảng đặc trưng của giò. Ảnh: T.K.
- Mặt giò cắt phải mịn và ướt, đôi chỗ trên mặt có vài rỗ xốp. Đó là do giò được làm từ thịt ngon, nghiền thịt cho độ quánh dẻo, bọc lớp không khí. Khi luộc hoặc hấp giò, không khí bục tạo ra mặt xốp cho giò. Tuy nhiên, hiện nay một số cơ sở làm giò cũng “ngụy trang” bằng cách dùng thủ thuật để tạo ra lớp mặt rỗ này cho những loại giò ít thịt mà nhiều mỡ và bột
Bề mặt của giò khi thái ra hơi ướt, có vài rỗ xốp là giò ngon.
Bề mặt của giò khi thái ra hơi ướt, có vài rỗ xốp là giò ngon. Ảnh: T.K.
- Giò ngon, khi cắn, miếng giò không bị bở. Hương vị đặc trưng của giò còn ở cuống họng, sau khi nuốt.

- Khi mua giò về cho dù một số loại có dùng chất bảo quản thì cũng không để được lâu ở nhiệt độ thường từ 250 trở lên. Giò chả loại ngon (ít dùng bột) nếu để trong tủ lạnh, ở ngăn trên cùng (sát ngăn làm đá), có thể bảo quản giò chả được hơn 10 ngày.
Theo Tạp chí món ngon

Những món gỏi xoài ngon miệng

Gỏi xoài cá sặc có vị mằn mặn chua chua, gỏi xoài tôm thịt lại mang đến vị chua ngọt dễ chịu cho người ăn.
Ngoài bánh chưng, bánh tét, giò chả, thực đơn ngày Tết của gia đình bạn sẽ phong phú và hấp dẫn hơn với những món gỏi xoài bình dị nhưng ngon miệng.
Gỏi xoài tôm khô
Xoài xanh trộn với tôm khô cùng ít rau răm và lạc rang mang đến món ăn vừa dân dã vừa ngon miệng. Gỏi xoài tôm khô không quá cầu kỳ, nhưng phải lựa chọn được trái xoài vỏ xanh ruột vàng, khi ăn giòn giòn và có vị chua vừa miệng là được.
goi-xoai-tom-kho-jpg[1332088530].jpg
Xoài xanh gọt vỏ, thái sợi hoặc cắt miếng vừa ăn. Tôm khô chọn loại nhỏ, ngâm trong nước cho sạch cát và nở mềm, sau đó vớt ra xả lại sạch với nước và để ráo. Đặt chảo lên bếp, làm nóng dầu, cho tôm khô vào xào thơm và tắt bếp. Pha nước mắm chanh tỏi ớt hơi ngọt, trộn xoài xanh và tôm khô với nước mắm đã pha, rau răm, húng quế thái nhỏ trộn đều với gỏi. Dọn món ăn ra đĩa, trang điểm lên bên trên ít hành phi và lạc rang. Gỏi xoài tôm khô có thể ăn không với bánh phồng, bánh tráng nướng hoặc làm món ăn với cơm đều ngon miệng.
Gỏi xoài ốc giác
Nếu như gỏi xoài tôm khô đem đến cho bạn vị chua cay thì gỏi xoài ốc giác dai ngọt thịt tự nhiên của ốc cùng vị chua đặc trưng của xoài rất lạ miệng. Với lợi thế về sự tổng hòa chua, cay, ngọt, mặn... và những lát thịt ốc có độ mỏng vừa, gỏi xoài ốc giác luôn làm mềm lòng thực khách.
Món gỏi làm không khó, nhưng mất thời gian nhất là quá trình chế biến ốc giác. Ốc phải cọ rửa sạch vỏ và cho vào nồi luộc chín. Vớt ốc ra để nguội, lấy phần thịt ốc ra, rửa lại bằng nước sạch, để ráo và thái thành từng lát mỏng vừa ăn. Xoài xanh sau khi gọt vỏ được bằm và bào thành sợi nhỏ. 
goi-xoai-oc-jpg[1332088530].jpg
Sau khi chuẩn bị xong nguyên liệu, cho cả hai vào trong chiếc bát lớn, rưới nước mắm ớt tỏi đã pha sẵn lên trên và trộn đều, nêm lại vừa ăn là được. Khi đã chán ngấy với bánh chưng, bánh tét trong ngày Tết, đĩa gỏi xoài ốc giác được điểm xuyết thêm màu xanh của rau cùng vị chua chua đặc trưng sẽ giúp bạn xua đi cảm giác ngấy, đem lại sự ngon miệng rất dễ chịu cho bạn và gia đình.
Gỏi xoài cá sặc
Món gỏi với vị chua chua của xoài hòa trong cái mằn mặn của cá sặc rất dễ ăn và ngon miệng. Chế biến món này không khó với hai thành phần chính là xoài xanh, cá sặc, điểm xuyết thêm ít rau xanh và ớt tươi...
goi-xoai-ca-sac-jpg[1332088530].jpg
Xoài xanh lựa trái còn tươi, hơi chuyển màu vàng là được. Xoài gọt bỏ vỏ, thái sợi hoặc bằm nhỏ, ngâm trong nước đá lạnh để giữ độ giòn cho xoài. Nếu xoài chua quá, bạn có thể trộn xoài với đường và bóp sơ cho xoài bớt chua. Khô cá sặc được nướng chín hoặc chiên và và xé thành từng miếng nhỏ. Pha nước mắm ớt tỏi để trộn gỏi, nước mắm đừng mặn quá, hơi ngọt là được.
Cho xoài và cá vào trong thố, rưới nước mắm lên và trộn đều. Cho gỏi ra đĩa, điểm xuyết thêm một ít rau răm, lạc rang giã nhỏ. Gỏi xoài cá sặc rất dễ ăn, bạn có thể làm món ăn với cơm hoặc làm món nhâm nhi bên ly rượu ngày xuân.
Bài và ảnh: Khánh Hòa

Làm mứt dứa lạ miệng

Các loại mứt dừa, mứt bí, cà rốt... được bán sẵn và hầu như năm nào cũng có trong ngày Tết nhà bạn. Năm nay, hãy thử trổ tài với món mứt dứa cực lạ miệng, lại bổ dưỡng này nhé.
dua2-jpg-1360050461-1360051367_500x0.jpg
Dứa mùa này không được ngon như chính vụ nên khi đi mua bạn hãy lựa chọn những quả dứa mắt to, chín. Đem về gọt sạch rồi cắt tư với quả to, làm 3 với quả vừa và làm đôi với quả nhỏ .
dua1-jpg-1360050477-1360051367_500x0.jpg
Không nên gọt bỏ hết lõi của dứa mà chỉ bỏ đi một chút. Cắt dứa thành những miếng vừa phải (giống hình) để khi thành phẩm miếng dứa không bị nát vụn. Món mứt dứa không cầu kỳ nhưng để đạt đến độ hoàn hảo không hề đơn giản. Bí quyết là bạn hãy chú ý vào tỷ lệ đường với dứa và độ lửa vừa phải.
dua3-jpg-1360051367_500x0.jpg
Đun sôi một nồi nước, thả dứa vào luộc vài phút cho bớt vị chua. Sau đó để ráo nước rồi cho dứa đã luộc vào chiếc khăn sạch, gấp khăn lại rồi đè vật nặng trên. Mục đích là để giảm bớt nước trong dứa.
dua4-jpg-1360051367_500x0.jpg
Ép nước trong thời gian nửa tiếng rồi sau đó cho đường vào dứa. Cứ 1kg dứa đã ép cho 400g đường (tốt nhất nên căn đúng tỷ lệ này), trộn đều, để đường ngấm vào dứa tự nhiên. Một lúc sau đường chảy hết, bắc nồi dứa lên bếp đảo đều cho đến khi dứa sôi, rồi tắt bếp. Ướp dứa trong khoảng 6 - 8 tiếng.
dua6-jpg-1360051368_500x0.jpg
Sau đó đun nồi dứa trên lửa liu riu, đảo đều theo vòng tròn. Đến khi thấy đường đã cạn thì bắc nồi dứa xuống, đảo nhẹ. Mứt dứa thành công là có màu vàng suộm, dứa teo nhưng vẫn nhìn thấy được 2 màu khác biệt ở lõi dứa và cùi. Ăn vào có vị ngọt, chua, dứa dai nhưng lại giòn, rất hợp để nhâm nhi với một tách trà ngon ngày Tết.
Phan Dương

Dưa món của người Tây Nguyên

Thành phần của dưa món là đu đủ, cà rốt, củ cải... ăn giòn giòn dai dai, có mùi thơm củ cải, vị cay ớt, mằn mặn nước mắm đường.
Cứ mỗi khi Tết về là người dân Nam Ban (Lâm Đồng) lại chuẩn bị làm dưa món. Dưa món được ăn kèm với bánh chưng, giò lụa. Nguyên liệu làm dưa món rất đơn giản như đu đủ, củ cải, cà rốt, thêm vài quả ớt chín, nước mắm ngon và đường.
dua-mon-1-jpg_1360123221[1332088530].jpg
Không nhiều thành phần như dưa món của người miền Trung, dưa món của đồng bào Tây Nguyên đơn giản với đu đủ, củ cải và cà rốt.
Để muối dưa món, cần 2-3 ngày để sơ chế nguyên liệu. Chọn những quả đu đủ còn tươi xanh gọt sạch vỏ, thái miếng nhỏ bằng dao tỉa hoa để miếng dưa trông hấp dẫn hơn. Cà rốt và củ cải cũng có cách làm tương tự. Sau khi chuẩn bị xong tất cả các nguyên liệu thì đem phơi nắng trong khoảng hai ngày. Phơi nắng già sẽ giúp dưa có màu trắng nõn, dai, không bị mốc hay ủng khi muối. Nếu nắng yếu hay gặp trời mưa dưa món sẽ bị hỏng.
Trước khi muối dưa, bạn phải chuẩn bị nước mắm đã nấu để ngâm dưa. Cho nước mắm loại ngon hòa tan với đường theo tỷ lệ nhất định rồi đun sôi để nguội. Lượng nước mắm và đường phù hợp với khối lượng dưa, sao cho khi muối dưa vừa ngập mặt là được. Bên cạnh đó, tùy theo khẩu vị của mỗi người mà cân đối lượng đường và nước mắm cho phù hợp, để dưa không quá mặn hay không quá ngọt.
Lưu ý, không nên cho thêm nước lạnh vào hỗn hợp nước mắm đường để tránh dưa món nhanh chua và ủng, ăn không ngon và không để được lâu. Đun nước muối xong thì để nguội hẳn. Dưa món sau khi phơi nắng được rửa qua nước ấm 3-4 lần, sau đó vắt khô nước, để ráo.
Cho dưa vào lọ thủy tinh, đổ nước mắm đã nấu vào sao cho ngập hết dưa, thái vài trái ớt chín cho vào. Đậy kín nắp lại, để từ 3 đến 5 ngày là có thể ăn được. Dưa món khi ăn sẽ giòn giòn, dai dai, có mùi thơm của củ cải, vị cay cay của ớt, vị mằn mặn của nước mắm và vị ngọt của đường. Món dưa nhìn đơn giản, nhưng ai đã ăn một lần sẽ không thể nào quên hương vị độc đáo của nó. Trong những ngày Tết đến, dưa món được người dân ở đây dùng để ăn kèm với bánh chưng, bánh tét hoặc giò lụa đều rất ngon miệng và thú vị.
Phương Lam

'Bí mật' của những loại hạt góp vui ngày xuân

Hạt dưa, hạt điều, hạt hướng dương, hạt bí ngoài việc làm "vui tai, vui miệng" còn có nhiều công dụng hữu ích, có lợi cho sức khỏe; ví dụ hạt dưa lợi tiểu, hạ huyết áp, tăng cường sinh lực...
Trong mấy ngày xuân, khi đến thăm và chúc Tết người thân, bạn bè, người ta thường quây quần bên ấm trà, bầu rượu để thưởng thức không khí đầu năm mới. Một trong những món thường góp vui lúc này là hạt dưa hoặc hạt điều, hạt hướng dương, hạt bí. Tiếng hạt vỡ lách tách làm cho “vui tai, vui miệng” cùng với vị ngọt béo, thơm ngon làm cho mọi người thấy thoải mái, vui vẻ hơn.
1. Hạt dưa
Hạt dưa lấy từ quả dưa hấu. Người ta chọn giống rỗng ruột nhưng có nhiều hạt để trồng. Đất trồng thích hợp là loại đất cát phù sa hoặc đất thịt pha cát. Thường trồng vào tháng 2-3 đến tháng 8-9 thì thu hoạch.
Chọn những trái dưa chín đỏ, bổ làm đôi rồi móc ruột dưa cho vào chậu nước để bóp nát hết ruột dưa. Sau đó dùng rỗ thưa để gạn lấy hạt to, chắc, đem phơi nắng cho khô rồi đem rửa lại một lần nữa cho sạch lớp nhựa bọc ngoài vỏ hạt. Phơi thêm một nắng nữa cho khô đều.
Hạt dưa màu đỏ đem lại điều may mắn vả làm cho môi người ăn đỏ hồng tươi tắn hơn
Hạt dưa màu đỏ đem lại điều may mắn vả làm cho môi người ăn đỏ hồng tươi tắn hơn. Ảnh: laodong
Hạt dưa được chế biến thành hai loại: hạt dưa rang nhuộm đỏ và hạt dưa luộc màu đen.
- Hạt dưa rang được chế biến theo cách sau: cho hạt khô vào chảo lớn, đun lửa nóng và đảo đều tay liên tục. Đến khi thấy hạt trở màu vàng thì rưới dầu phụng vào, đảo đều cho bóng vỏ hạt. Nhấc chảo xuống, để nguội rồi rang tiếng lần thứ hai với lửa nhỏ riu riu, đồng thời cho nước phẩm màu đỏ vào, đảo đều liên tục cho đến khi hạt có màu đỏ là được.
- Hạt dưa đen được chế như sau: Dùng vỏ thân và lá (tươi hoặc khô) của cây phèn đen (Phylanthus reticulatus Poir) để chế biến thành chất nhuộm màu đen. Trộn chất nhuộm này với nước pha muối, hòa đều rồi cho vào chảo cùng với hạt dưa để luộc chín. Khi thấy vừa sôi thì giảm lửa, để riu riu cho chín liền đổ ra, đem phơi khô sẽ có hạt dưa đen.
Ngày Tết, người ta ưa chuộng loại hạt dưa màu đỏ, vì màu đỏ tươi đẹp, đem lại điều may mắn vả làm cho môi người ăn đỏ hồng tươi tắn hơn. Loại hạt dưa ngon là hạt to, đều, chắc, không bị rang dòn quá, khi cắn sẽ vỡ nát.
Trong hạt dưa chứa dầu béo có tỷ lệ thay đổi 20-40%, còn có enzym ureaza và một số acid amin.
Theo đông y, hạt dưa hấu có vị ngọt, tính mát khi chưa rang chín, sau khi rang có tính bình, tác dụng hạ nhiệt, lợi tiểu, hạ huyết áp, tăng cường sinh lực. Nếu dùng chữa bệnh thì dùng hạt dưa luộc tốt hơn hạt dưa rang.
2. Hạt điều
Hạt điều lấy từ quả của cây điều, tức cây đào lộn hột. Cây được trồng nhiều nơi để lấy thịt quả ăn và quả hạch để chế biến hạt điều. Cây điều trồng 4-5 năm mới thu hoạch, thường vào tháng 3, 4, 5. Sau khi thu hoạch quả chín, người ta vặn nhẹ để tách quả hạch khỏi quả giả, đem phơi nắng nhạt rồi tiếp tục hong cho khô trước khi đưa vào kho chứa.
Quả giả (cuống quả) chứa nhiều vitamin và muối khoáng nên được sử dụng làm nước quả hoặc cho lên men để chế rượu.
Việc lấy hạt từ quả hạch (quả thật) và lấy nhựa ở quả điều là một công việc phức tạp, nếu bị dính nhựa vào da tay sẽ gây phỏng và một số bệnh ngoài da.
Trong 100g nhân hạt điều có chứa các chất sau: nước 4g, glucid 28,7g, protid 18,4g, lipid 46,3g, tro 2,6g, các chất khoáng: Ca 28mg, P 462mg, Fe 3,6mg, vitamin A 5mcg, vitamin B1 0,25mg, vitamin C 1mg, cung cấp 564 Kcalo (theo FAO.1976).
Theo đông y, hạt điều có vị ngọt, bùi, tính ấm, tác dụng bổ dưỡng, làm dịu, trừ đàm. Rất tốt cho người suy nhược cơ thể, đau họng, ho do phong hàn, nhiều đàm.
Như vậy, hạt điều là một sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và giá trị kinh tế. Khi rang lên, hạt điều có hương vị thơm ngon, ngọt, bùi, rất độc đáo. Thường được dùng làm nhân kẹo, bánh. Thường dùng nhất là hạt điều rang vàng, tẩm muối hay trộn với đường mạch nha, kẹp giữa 2 lớp bánh tráng giòn xốp, dùng để ăn khi nhâm nhi chén trà nóng.
Bên cạnh việc dùng hạt điều nguyên hạt, loại hạt này còn được chế biến dưới nhiều dạng khác nhau trong nhiều món ăn châu Á, và thậm chí là trong dầu gội đầu hay trong một số mỹ phẩm.
Trong  cách chế biến các món ăn, hạt điều với hương vị đặc sắc của nó đã làm tăng sự hấp dẫn của món ăn, như khi xào chung với thịt gà, thịt bò... Nhiều người còn cho bột hạt điều vào các món sốt.
Theo tiến sĩ Andrew Clark thuộc bệnh viện Addenbrookes, Cambridge (Anh), dị ứng hạt điều có các biểu hiện như khó thở, gây các triệu chứng của bệnh tim mạch như rối loạn nhịp tim hay tụt huyết áp.
Để có hạt điều ngon, bạn nên chọn mua loại hạt có màu vàng sáng, khô ráo, nở to, không cháy sém hay bị mốc. Hạt điều sau khi rang chín, nên cho vào lọ thủy tinh sạch và khô, có nắp đậy kín, giữ nơi khô ráo, tránh ánh sáng. Hạt điều để lâu sẽ bị mềm, có thể cho vào chảo, rang sơ với lửa nhỏ, sau đó để nguội, hạt điều sẽ giòn trở lại.
3. Hạt hướng dương
Hạt hướng dương lấy từ cây hướng dương còn được gọi là thiên quỳ tử, quỳ tử, quỳ hoa tử. Loại cây này được trồng nhiều nơi để làm cảnh, lấy hạt làm thuốc và làm thực phẩm. Khi quả chín, người ta nhổ toàn cây và tách riêng các phần, đem sấy khô để dùng.
Trong 100g hạt (quả) hướng dương rang chín, có chứa các chất sau : Protid 24,6g, lipid 54,4g glucid 9,9g, các chất khoáng: Ca 45mg, P 354mg, Fe 4,3mg, Caroten 0,1mg, vitamin B1 0,88mg, vitamin B2 0,2mg, vitamin PP 5,1mg, cung cấp 628 Kcal.
Ngoài ra, hạt hướng dương còn có albumin 13,50g, nuclein 0,51g, lecithin 0,23g, pentosan 2,74g. Qua nghiên cứu, người ta ghi nhận chất phosphatide trong hạt hướng dương có tác dụng dự phòng các chứng cao mỡ máu cấp và chứng tăng cholesterol máu mạn tính. Chất acid linolenic trong hạt hướng dương có tác dụng chống hình thành huyết khối.
Theo đông y, hạt hướng dương có vị ngọt, tính ấm, tác dụng bổ dưỡng, cầm máu, sát trùng, thúc phát ban. Thường dùng chữa kiết lỵ, ra máu, sốt phát ban, bổ dưỡng cơ thể, chữa chán ăn, mệt mỏi, nhức đầu do suy nhược thần kinh.
Người ta còn dùng hạt để chế biến dầu hướng dương, là một loại dầu ăn tốt vì có chứa nhiều acid béo.
Để chữa kiết lỵ, đại tiện xuất huyết, dùng hạt hướng dương (đã bóc vỏ) 30 g, hãm với nước sôi trong 1 tiếng, pha thêm chút đường phèn uống trong ngày. Trường hợp bị chứng ù tai, mỗi ngày nên dùng vỏ hạt hướng dương 15 g, sắc lấy nước uống.
4. Hạt bí
Bí ngô có thể gieo trồng và thu hoạch quanh năm nhưng thu hoạch vào mùa thu và đông, hạt sẽ có tác dụng cao nhất. Để làm rau ăn, người ta thu hái quả non hoặc quả già. Nếu muốn dùng hạt, thì phải thu hái quả già, thịt quả dùng tươi, hạt đem rửa sạch, phơi khô để dùng dần.
Trong 100g hạt bí rang có chứa các chất sau : Protid 35,1g, lipid 31,8g, glucid 23,3g, các chất khoáng: Ca 235mg, P 670mg, Fe 6,7mg, caroten 0,47mg, vitamin B1 0,15mg, vitamin B2 0,15mg, vitamin PP 3mg, cung cấp 520 Kcal.
Hạt bí còn có các khoáng chất như Mg, Zn, Selen, Mn, Cu..., chất xơ; các axit béo không no như omega-3 và omega-6; vitamin E; tiền chất prostaglandin, và một số axit amin khác như axit glutamic, arginine...
Dầu hạt bí chứa các glyceride của các acid palmitic và stearic (30%), oleic (25%), linoleic (45%) một lượng ít phytosterol (delta 7-phytosterol), một hoạt chất sterol đặc hiệu giúp phòng ngừa và điều trị chứng rối loạn lipid máu, đồng thời làm chậm tiến triển bệnh xơ vữa động mạch, tăng cường miễn dịch và làm giảm nguy cơ mắc một số loại bệnh về ung thư... Chính chất delta 7-phytosterol quyết định khả năng phòng ngừa và điều trị bệnh của hạt bí, song hàm lượng chất này lại phụ thuộc phần lớn vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và thời vụ gặt hái.
Phytosterol không chỉ có ở trong hạt bí mà còn có trong đậu nành, ngũ cốc, dầu dừa và một số loại quả khác. Riêng phytosterol có nguồn gốc từ các loại hạt và đậu được coi là tốt nhất. Trung bình, trong 100g, thì hạt bí có 265mg phytosterol, còn ở đậu phụng là 270- 289mg.
Theo đông y, hạt bí ngô được gọi là nam qua tử, nam qua nhân hoặc bạch qua tử, hạt bí có vị ngọt, béo, tính bình, đi vào các kinh vị và đại trường. Tác dụng sát khuẩn, tẩy giun sán, làm dịu và giải nhiệt, giảm căng thẳng thần kinh. Thường xuyên ăn hạt bí sẽ giúp trừ giun sán, dịu thần kinh và giúp cho sinh hoạt tình dục được cải thiện tốt hơn. Theo sách Trung dược thực đồ giám, hạt bí sao chín rồi sắc uống, dùng chữa phụ nữ bị phù tay chân sau khi sinh, và bổ trợ cho diều trị đái tháo đường.Liều dùng mỗi ngày 60 - 120g.
Nếu dùng để tẩy giun sán thì để cả vỏ, hoặc bỏ vỏ giã nát, hòa với nước sôi để nguội mà uống. Không luộc chín hạt bí, vì như vậy sẽ không còn tác dụng.
Ngày nay, người ta biết thêm một số tác dụng của hạt bí như sau
- Giảm các triệu chứng của bệnh phì đại tiền liệt tuyến như giúp làm giảm số lần tiểu tiện ban đêm, giảm thể tích nước tiểu tồn dư, cải thiện chứng khó tiểu, đi tiểu buốt và đi tiểu nhiều lần.
- Làm dịu tình trạng hoạt động quá mức của bàng quang - nguyên nhân gây tiểu són, tiểu rát và đái dầm thường gặp ở người cao tuổi, của cả hai giới.
-  Hạt bí ngô có chứa kẽm, có tác dụng làm tăng tỷ trọng khoáng chất cho xương, đặc biệt là đối với nhóm đàn ông trung niên. Một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Y học dinh dưỡng của Mỹ mới đây cho biết, sau khi nghiên cứu ở 400 người đàn ông từ 45-92 tuổi, các nhà khoa học đã phát hiện thấy nhóm người có khẩu phần ăn kẽm thấp thì mức độ gãy xương háng và cột sống rất cao. Vì vậy, ăn hạt bí rất tốt cho việc ngăn ngừa căn bệnh nói trên ở đàn ông.
- Phòng ngừa và điều trị chứng rối loạn lipid máu, làm chậm tiến triển chứng xơ vữa động mạch.
Như vậy, hạt bí vừa là món ăn “cho vui miệng” trong mấy ngày Tết, lại có tác dụng bảo vệ sức khỏe, giúp cho tinh thần sảng khoái, xuân tình tươi vui, thật là nhất cử lưỡng tiện.
                                                    Lương y Đinh Công Bảy
Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM

No comments:

Post a Comment

quangnm